Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A

KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
( Ga 20,19-31)

BÀN TAY CỦA YÊU THƯƠNG

Truyện kể
Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp một vẽ điều gì đã làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ: “ chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển chuyện tranh…”. Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên là Douglas: Bức tranh vẽ một bàn tay!
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị cuốn hút bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán: “ Đó là bàn tay bác nông dân”. Một em khác cho rằng: “ Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ giải phẩu…”. Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng ngịu: “ Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”.
Cô giáo ngẫn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi, cô thường dùng bàn tay để dắt Douglas bước ra sân, bởi em là một cô bé tật nguyền, khuôn mặt không được xinh xắn như các bạn trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra, tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas, bàn tay cô lại mang một ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.

Nếu bàn tay cô giáo là hình ảnh đẹp nhất trong tâm hồn em bé khuyết tật Douglas, thì Bàn Tay Chúa Giêsu phải là hình ảnh tuyệt vời nhất đối với nhân loại. Bởi lẽ  bàn tay ấy mang đầy những dấu vết của lòng yêu thương. Vì thế mỗi lần hiện ra với các tông đồ, đặc biệt với Tôma qua đoạn tin mừng hôm nay, Chúa đều mời gọi các tông đồ xem đôi bàn tay của Người.

BÀN TAY  MANG DẤU VẾT TÌNH YÊU ĐỐI VỚI CHÚA CHA

Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha bằng một tình yêu mật thiết, được thể hiện qua đôi bàn tay của cầu nguyện.
Đôi bàn tay hướng về Cha trong tư thế cầu nguyện mỗi khi bắt đầu ngày sống, xin Cha hướng dẫn và ban ơn giúp sức để những việc làm trong ngày sống được hoàn thành tốt đẹp theo ý Cha.
Đôi bàn tay hướng về Cha suốt đêm dài, mỗi khi quyết định những việc làm quan trọng. Xin Cha ban ơn sáng suốt để chọn lựa điều tốt nhất, theo ý muốn của Cha.
Đôi bàn tay từng cầm bánh và rượu đưa lên cao hướng về Chúa Cha để chúc tụng, tạ ơn. Xin Cha chúc lành cho những lương thực hưởng dùng.
Đôi bàn tay đưa cao hướng lên trời, kêu xin sự sống cho La-da-rô.
Bàn tay chấp lại trong lo sợ, thiết tha khẩn cầu xin Cha cất khỏi chén đắng trong tinh thần phó thác.
Bàn tay dang rộng trên thập giá đau đớn vang xin Chúa Cha tha thứ cho những người giết hại mình.

BÀN TAY MANG DẤU VẾT YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI

Đôi bàn tay Chúa Giêsu luôn hướng đến con người để cảm thông chia sẻ và giúp đỡ bằng tình yêu hy sinh.
Bắt đầu bằng đời sống lao động vất vả nơi gia đình Nazarét. Bàn tay từng cầm cưa, búa, đục để làm mộc cùng với thánh Giuse lo của ăn cho gia đình.
Bàn tay sẵn sàng mở ra ban ơn tha thứ biết bao tội nhân biết ăn năn sám hối như Maria Macdala, cho ngưuời phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu…, đã chữa lành biết bao người đau ốm, bằng cách đặt tay trên mắt người mù bẩm sinh, trên tai và lưỡi của người câm điếc, trên thịt da lỡ lóe của người mắc bệnh hủi, trên trán giá lạnh của con gái Giairô, trên tay nóng sốt của bà nhạc mẫu Phêrô….
Bàn tay quyền thế đã truyền khiến giông tố và sóng gió yên lặng, đã cầm roi xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đến thờ, đã xua trừ ma quỷ, đã chúc dữ cho những người biệt phái.
Bàn tay bị đâm thủng, nơi ấy vẫn còn lỗ đinh được ghi lại tình yêu Chúa dành muôn thế hệ.
Bàn tay bị nộp cho lý hình, bị đóng đinh vào thập giá và phải mang lấy thân xác nặng nề đau xé suốt ba giờ liền trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu con người.

Khi mời gọi các tông đồ nhìn xem tay Chúa vừa để chứng thực chính Người là Thiên Chúa Tình Yêu; vừa để mời gọi các ông học lấy bài học yêu thương “như Người đã yêu”.
Khi mời gọi các tông đồ nhìn vào đôi bàn tay của Chúa là để nhắc nhở các ông không chỉ thi hành mệnh lệnh loan báo tin mừng trên môi miệng mà còn phải thực hiện lời rao giảng trên đôi tay mở ra để giúp đỡ những người bé nhỏ, nghèo nàn, yếu đau. An ủi những ai đau khổ, bất hạnh và vỗ về những ai cô đơn, tội lỗi. Hàn gắn những gia đình bị rạng nứt và đổ vỡ.
Nhìn bàn tay Chúa để các tông đồ hiểu rằng việc truyền giáo sẽ không bao giờ đạt kết quả, nếu thiếu đời sống cầu nguyện.
“ Hãy xin với chủ ruộng” 
Đôi bàn tay giơ cao hướng về Chúa để xin ơn. Xin Chúa ban ơn soi sáng, lòng nhiệt thành và sức mạnh cho những nhà truyền giáo. Xin Chúa đánh đọng lòng người tiếp nhận tin mừng. Xin Chúa chúc lành cho công cuộc truyền giáo.
Đôi bàn tay dang rộng hướng về tha nhân, bằng cách chấp nhận chịu đâm thủng của những dấu đinh vất vả, hy sinh, đau khổ vì tình yêu.

Bàn tay yêu thương đó được minh chứng nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên.
Họ đồng tâm hướng đôi bàn tay về Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng lắng nghe Lời Chúa và lời giảng dạy của các tông đồ, cùng hiệp nhau trong nghi lễ bẻ bánh.
Họ cũng dùng bàn tay hướng về anh em để chia sẻ trong tình bác ái. Tự nguyện dùng tài sản riêng làm của chung. Chấp nhận bán hết tài sản để trợ giúp cho người túng thiếu. Họ cư xử với nhau như anh em một nhà. Chính đời sống ấy lôi cuốn biết bao người xin gia nhập Kitô giáo.
Sứ mạng loan báo tin mừng tình thuơng được Chúa phục sinh trao ban cho các tông đồ, qua các tông đồ cho các kitô hữu đầu tiên và hôm nay sứ mạng ấy Chúa trao lại cho mỗi người chúng ta!
Lạy Chúa trong cuộc sống thường ngày, xin cho chúng ta biết xử dụng đôi bàn tay của mình. Một bàn tay nắm chặt bàn tay Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Bàn tay kia nắm chặt lấy tay tha nhân bằng những hành động bác ái yêu thương, để rồi chúng con đặt bàn tay của nhau vào bàn tay Chúa nhờ thế tình yêu Chúa được đơm bông kết trái khắp nơi.


LÝ TRÍ VÀ ÐỨC GIÊSU PHỤC SINH
 
Lm. Mark Link S.J

     Giả như chúng tôi mời một anh chị em lên tòa giảng và bịt mắt anh chị em đó lại, rồi chúng tôi đặt một sô nước trước mặt anh chị em đó, và hỏi anh chị em đó đoán xem nó rỗng hay đầy. Có ba cách trả lời câu hỏi đó mà không cần phải cởi khăn bịt mắt ra. Ba cách đó thế nào?
     Cách thứ nhất là đến thẳng xô nước và thò tay vào xem có nước trong đó không. Nói cách khác, anh chị em có thể kiểm nghiệm trực tiếp xem xô ấy đầy hay rỗng. Cách này được gọi là kinh nghiệm. Ðây là tri thức mà chúng ta có được bằng kinh nghiệm trực tiếp. Ðó là tri thức do giác quan.
     Cách thứ hai để biết cái xô ấy có chứa nước hay không là thả vào đó một vật, chẳng hạn một đồng xu. Nếu vật ấy chạm vào đáy xô tạo nên một âm thanh vang và to, anh chị em sẽ biết ngay cái xô ấy rỗng. Nhưng nếu đồng xu ấy chạm tạo nên âm thanh không rõ hoặc có những hạt nước bắn tóe ra, anh chị em biết ngay cái xô ấy có nước. Tri thức này có được là nhờ lý luận.
     Cách thứ ba để biết xem cái xô ấy có nước hay không là hỏi thăm người nào mà anh chị em tin cậy. Người ấy có thể nhìn vào cái xô và nói cho anh chị em biết trong ấy có nước hay không. Cách biết này do tin vào người khác mà biết. Ðó chính là tri thức có được do niềm tin.
     Kinh nghiệm, lý luận và tin tưởng đó chính là ba cách thức để biết ở đời này.
     Bây giờ chúng ta hảy xét đến một câu hỏi khác, câu hỏi thứ hai.
     Trong ba cách để biết ấy, có cách nào giúp chúng ta biết được nhiều hơn cả
   Chúng ta biết được điều này điều kia là do kinh nghiệm bằng giác quan, hay do đầu óc suy luận, hay do tin tưởng vào người khác?
     Nếu anh chị em trả lời là do niềm tin, do sự tin tưởng nơi người khác, thì anh chị em đúng hoàn toàn. Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Có một nhà chuyên môn ước lượng rằng 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có.
     Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất, để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết. Nóí cách khác, chúng ta tin vào những người đã từng đến nhữmg nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng có một xứ sở nọ tên là Trung Hoa, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.
     Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn nhận thức như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần lớn tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin.
     Bây giờ chúng ta xét đến câu hỏi thứ ba. Chúng ta có thể hiều biết những thực tại tôn gíao cũng bằng ba cách mà chúng ta thường dùng để hiều biết những thực tại thông thường không?     Chẳng hạn, chúng  ta có thể biết Ðức Giêu sống lại từ cõi chết không phải chỉ nhờ tin những gì Kinh Thánh nói, mà còn nhờ vào suy luận nữa không? Có nhiều người nghĩ rằng được. Họ giải thích rất hấp dẫn. Họ lập luận rằng sau khi Ðức Giêsu chết, các môn đệ bị khủng hoảng tinh thần tột độ. Họ chỉ còn là một nhóm người đại bại, một nhóm người thất chí, một nhóm người nhát sợ. Thế rồi vào Chúa nhật Phục Sinh, có một biến cố nào đó đã xảy ra cho đám người đang bị khủng hoảng, thất chí, sợ hãi này. Có một biến cố nào đó đã biến đổi họ một cách không thể tưởng tượng được. Có một biến cố nào đó thay đổi con người họ một cách thật lạ lùng, Bỗng nhiên lòng họ bừng lên niềm vui, niềm hạnh phúc thật sự. Họ không thể cầm lòng được. Họ vội chạy đi loan báo cho mọi người rằng  Ðức Giêsu đã sống lại và hiện đang sống. Họ tin điều ấy một cách chắc chắn đến độ họ thà sẵn sàng chịu bắt bớ bách hại đủ kiểu đủ cách, dầu là phải chết, còn hơn phải chối bỏ Ðức Chúa đã Phục sinh của họ.
     Ðời sống và lời giảng của nhóm người này đã thay đổi cục diện lịch sử nhân loại. Không một giả thuyết nào có thể giải thích được tại sao đời sống họ lại có thể biến đổi như thế, ngoại trừ cách gỉai thích của chính họ: Họ đã thấy Ðức Giêsu hiện còn sống.
     Giả như nhóm người thất học này đã phịa chuyện về Ðức Giêsu và sự Phục sinh của Ngài thì chắc chắn ta phải chấp nhận rằng sớm hay muộn, ít nhất phải có một người trong bọn sẽ phải nói ra sự thật, Vì không chịu nổi sự bách hại và giết chóc.
     Nhưng không một ai trong nhóm ây đã làm thế, lời chứng của họ về Ðức Giêsu sống lại không bị lay chuyển chút nào. Ngược lại, lời chứng ấy càng ngày càng mạnh mẽ và ảnh hưởng tới mọi người hơn. Họ đã cảm nghiệm được một năng lực mới lạ và diệu kỳ đã khiến họ thực hiện được nhiều phép lạ. Chính sự biến đổi không thể nào giải thích được nơi các môn đệ Ðức Giêsu khiến cho nhiều người nói rằng chính lý trí cũng minh chứng rằng Ðức Giêsu đã phục sinh. Nói cách khác, lý trí thuần lý cũng xác quyết rằng một biến cố nào đó rất ngoạn mục đã xảy ra làm biến đổi các môn đệ Ðức Giêsu. Lý trí thuần lý xác nhận rằng sự Phục Sinh của Ðức Giêsu thực sự đã xảy ra.
     Anh chị em cũng như tôi đều không được đặt tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu như Thánh Tôma, để trực tiếp cảm nghiệm được Ðức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên chúng ta có thể tin tưởng vào chứng cứ của Thánh Kinh. Chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta cũng có thể sử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí để xác quyết thêm điều Kinh Thánh đã truyền dạy chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quỳ gối xuống như Thánh Tôma đã làm và thưa với Chúa Giêsu: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con". Ðáp lại Chúa Giêsu nói với chúng ta: "hạnh phúc biết bao cho kẻ chẳng thấy mà vẫn tin".
     Ðể kết thúc chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:
     Kính lạy Chúa, bất cứ khi nào đức tin chúng con bị chao đảo, giống như trường hợp của Thánh Tôma, thì xin Ngài hãy nhắc chúng con nhớ lại những lời Kinh thánh thuật lại về những biến cố đã xảy ra vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng xin Chúa nhắc chúng con nhớ biến cố này không chỉ gây ảnh hưởng trên các môn đệ Chúa Giêsu mà còn trên toàn dòng lịch sử. Và nhất là, xin nhắc cho chúng con biết tham dự vào Tin Mừng Phục Sinh của Ngài với tha nhân chung quanh chúng con, giống như các môn đệ đã chia sẻ niềm vui ấy cho quần chúng quanh họ. Chúng con nguyện xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

SỐNG LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Thứ hai ( Mt 28, 8-15)
Dẫn
Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ. Người chấn an các bà và sai các bà loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ.
Xin cho chúng ta có được niềm vui phục sinh và can đảm minh chứng niềm vui phục sinh cho mọi người.
Chia sẻ
Để biết được thông tin chính xác, ta cần lắng nghe chính người trong cuộc thông tin lại.
Tin mừng hôm nay cho thấy có hai nguồn thông tin trái ngược nhau về sự kiện Chúa Giêsu sống lại.

Nguồn thông tin của các bà phụ nữ
Đây là những người trong cuộc vì đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giêsu. Đã tận tai nghe lời Chúa nói cũng như đã đụng chạm đến chân Chúa. Các bà còn được Chúa trao nhiệm vụ loan báo cho các môn đệ biết về việc Chúa sống lại và muốn gặp các môn đệ tại Galilêa.

Nguồn tin của lính canh
Những lính canh, cũng đã chứng kiến sự kiện ấy. Nhưng vì bị các thượng tế và kỳ lão mua chuộc và hù dọa nên họ nghe theo lời hướng dẫn của các thượng tế và kỳ lão phao tin không trung thực rằng: “ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,các môn đệ hắn đã đến lấy trộm hắn đi”.
Cùng chứng những sự việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ nhưng những lính canh đã bị áp lực và mua chuộc bởi giới thượng tế và kỳ lão nên đã thông tin sai sự thật.
Trong cuộc sống, ta cũng thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên cạnh những
thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật.
Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền ta cũng sẵn sàng chối bỏ niền tin cách dễ dàng.
Chúa Phục sinh ban bình an cho các bà phụ nữ và sai các bà ra đi làm chứng niềm tin phục sinh. Hôm nay, Chúa phục sinh cũng ban bình an cho chúng ta và cũng mời gọi chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng chân lý và tình thương nhằm đem đến niềm vui và bình an cho tha nhân.
Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh giữa cuộc sống hôm nay.

Thứ ba (Ga 20,11-18)

Dẫn
Tin mừng hôm nay cho ta biết, Chúa phục sinh hiện ra với bà Maria Macđala, ban lại cho bà niềm vui cũng như chỉ cho bà cách thức để sống niềm vui phục sinh đó.
Xin Chúa Giêsu phục sinh cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa, nhất là những lúc đau buồn, chán nản, để qua gặp gỡ Chúa chúng ta tìm lại được niềm an vui phục sinh. Và xin Chúa cũng cho chúng ta biết tích cực chia sẻ niềm vui phục sinh cho mọi người chung quanh nhất là những người đang gặp đau khổ.
Chia sẻ
Truyện kể
Có một phụ nữ vừa mất con trai, bà tìm đến một nhà hiền triết và nói:
"Có lời cầu nguyện nào mà ông biết có thể đem con trai tôi sống lại?"
Nhà hiền triết bảo:
"Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào chưa từng bao giờ biết đến đau khổ".
Người phụ nữ ngay lập tức lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên bà đến gõ cửa một ngôi nhà lớn sang trọng và hỏi:
"Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ gia đình chưa bao giờ biết đến đau khổ, có phải nơi này không?"
Họ trả lời bà đã đến nhầm chỗ và bắt đầu kể những tai họa đã xảy đến với gia đình họ. Bà ngồi lại an ủi họ rối tiếp tục lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.
Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác.
Bà trở nên quan tâm và rất muốn chia sẻ nỗi buồn của người khác đến nỗi bà đã quên đi nỗi buồn của chính bà và quên câu hỏi về hạt giống cây mù tạt thần kỳ mà bà tìm kiếm.

Tin mừng hôm nay thuật lại chuyện Maria Macđala bị mất. Nhưng không phải mất con, mà là mất Chúa. “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”. Bà nói với hai Thiên Thần.
Giống như người mẹ trên, Maria Macđala cũng đau buồn nên đã hỏi thăm hai Thiên Thần xem có biết Chúa đâu không? chỉ cho bà biết.
Bà cũng hỏi Chúa đang hiện ra với bà xem, cách nào tìm lại Chúa? (vì tưởng Chúa là người làm vườn).
Chúa phục sinh gọi đúng tên bà “Maria!”. Bà vui mừng khôn tả vì nhận ra Chúa. Chúa phục sinh bảo: đừng giữ Chúa lại cho riêng mình nữa, nhưng hãy ra đi để gặp gỡ và chia sẻ về những điều mà mình đã thấy. Đó như là bí quyết giúp Maria Macđala quên hết những nổi đau buồn, để rồi vui mừng ra đi loan báo niềm vui.

Giống như Maria Mađala, ai trong chúng ta cũng có những nổi buồn.
Buồn vì cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn và bất hạnh.
Buồn vì những bệnh tật, tội lỗi mà mình đang mang nặng không thể vượt qua.
Buồn vì phải chứng kiến những nổi đau và cái chết của người thân…
Để vượt qua những nổi đau buồn đó, Chúa phục sinh mời gọi chúng ta: “Thôi, đừng giữ Thầy lại”, nghĩa là  đừng sống theo ý mình mà sống theo ý Chúa; đừng giữ đạo theo cách của mình mà theo cách Giáo Hội hướng dẫn; đừng ích kỉ giữ Chúa cho riêng mình mà ngại đem Chúa đến cho người khác. Chúa Phục sinh còn mời gọi chúng ta ra đi “gặp gỡ anh em thầy” để chia sẻ cho họ biết về niềm tin và niềm vui phục sinh mà mình có được khi gặp gỡ Chúa. Đó cũng là cách chúng ta gặp gỡ Chúa phục sinh trong đời sống hằng ngày. Nhờ thế ta thấy cuộc sống thật có ý nghĩa mà quên đi những nổi đau buồn, vì Chúa phục sinh đang hiện diện nơi chúng ta qua anh em.

Thứ tư (Lc 24, 13-35)

Dẫn
Tin mừng hôm nay tiếp tục trình thuật về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau. Chúa đã dùng Lời Chúa và cử chỉ bẻ bánh trong bữa ăn thân tình để giúp hai ông nhận ra Chúa. Mọi ưu phiền và chán nản tan biến nhường chổ cho niềm vui và hạnh phúc. Hai ông hân hoan trở về Giêrusalem báo tin phục sinh cho các tông đồ.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa và Thánh Thể mà yêu mến gắn kết với Thánh Thể Chúa cũng như siêng năng tìm hiểu, suy niệm và sống theo Lời Chúa hướng dẫn.

Chia sẻ
Truyện kể
Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.
Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là gì vậy cha - cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?

Để thay đổi cái nhìn bi quan, chán nản của cô con gái mình, người cha đã dùng hình ảnh rất đổi quen thuộc mà dạy cho con mình bài học vượt qua.
Cũng thế, để thay đổi tâm trạng buồn phiền, chán nản, thất vọng của hai môn đệ trên đường Em-mau, Chúa Giêsu phục sinh cũng dùng những hình ảnh xem ra rất đổi bình thuờng với chúng ta.
Bằng cách xuất hiện như một người khách bộ hành để cùng chia sẻ những ưu tư, những quan tâm mà các ông đang gặp phải. Cũng như gợi lại cho hai ông nhớ lại những Lời Chúa đã tiên báo và giải thích như xưa Ngài đã từng làm. Nhờ thế lòng các ông cảm thấy bừng cháy lên bởi Lời Chúa.
Bằng việc ở lại và ngồi vào bàn dùng bữa với các ông như khi còn sống. Nhất là qua cử chỉ “ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập bí tích Thánh Thể. Lúc đó mắt họ mở ra và nhận ra Chúa.
Nhờ sống Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, ta sẽ nhận ra Chúa phục sinh hiện diện nơi những người anh em mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, như hai môn đệ Em-mau xưa.
Nhờ Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan trước những biến cố dưới con mắt người đời bị coi là xui xẻo, mất mác, đau thương, bất hạnh…, bởi chúng ta nhận ra Chúa phục sinh hiện diện qua các biến cố ấy.
Xin cho chúng ta biết gắng bó với Lời Chúa và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh Thể. Nhờ đó chúng ta đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Thứ Năm (Lc 24, 35-39. 41-48)

Dẫn
Để tin nhận một điều gì đó, thông thuờng người ta cần phải kiểm chứng rõ ràng.
Dẫu tin Chúa phục sinh đã được loan báo đến các môn đệ Chúa, nhưng các ông vẫn sống trong tình trạng bán tin bán nghi. Có lẽ vì thế trong lần hiện ra với các môn đệ được tin mừng tường thuật hôm nay là để giúp cho các ông xác quyết về niềm tin phục sinh của mình.
Chúa nói “phúc cho những ai khôn gthấy mà tin”. Biết thế nhưng đức tin chúng ta còn rất yếu kém. Xin Chúa gia tăng lòng tin nơi chúng ta.
Chia sẻ
“Sự quyến rũ của người vợ”
, bộ phim đang được phát sóng trên đài truyền hình VTV3 vào 22 giờ tối, các ngày trong tuần, rất lôi cuốn khán giả với những tình tiết hấp dẫn.
Eun Jae (người vợ) hiền lành chấp nhận mọi vất vả để chu toàn tốt bổn phận phục vụ cho gia đình nhà chồng. Tuy nhiên cô luôn bị bà mẹ chồng khinh bỉ, đay nghiến. Cô rất khổ tâm không chỉ vì bà mẹ chồng ác độc mà còn vì người chồng Gyo Bin đi ngoại tình với Ae Ri (bạn của cô). Vì muốn chiếm đoạt tài sản và cưới lấy Gyo Bin làm chồng, Ae Ri đã thâm độc bày mưu cho nhà chồng Eun-jae đẩy Eun Jae vào đường cùng. Kết quả là, Eun Jae bị bố chồng đuổi ra khỏi nhà và bị chồng bỏ rơi. Chưa hết, với âm mưu chiếm đoạt tài sản của bố Gyo Bin, Ae Ri đã bày kế cho Gyo Bin giết chết đứa con của anh do Eun Jae mang trong mình, vì bố Gyo-Bin thừa kế cho đức bé đó. Thế là Gyo Bin đã đẩy Eun jae xuống biển để giết chết cả vợ cùng con.
Một người đàn bà giàu có tên Lady Min tình cờ có mặt trong vùng cùng với người con trai nuôi để tìm người con gái đang bị mất tích.
Khi thấy Eun-jae đang trôi bất tỉnh trên biển, con trai nuôi bà đã ra tay cứu. Sau khi được cứu sống, Eun-jae được thay thế vào chổ của người con gái mất tích của bà Lady Min.
Nhưng nổi nghi  ngờ luôn ám ảnh người đàn bà giàu có ấy. Bà tự hỏi, không biết sự xuất hiện của Eun-jae trong ngôi nhà bà có ý đồ gì? Thế là bà quyết định đuổi Eun-jae ra khỏi nhà. Bị dồn vào chân tường, Eun-jae không thể che dấu sự thật về thân phận của mình, nên đã trình bày hết những đau khổ mà cô gánh chịu trong suốt thời gian qua khi chung sống bên nhà chồng, Nhất là nổi đau mất con. Dù cảm thông cùng cảnh đời với bà khi xưa, nhưng bà Lady-Min vẫn chưa tin, nên bà đã gặp trực tiếp mẹ của Eun-jae để xác nhận. Sau cùng, khi nhìn thấy tấm hình của Eun-jae chụp chung với gia đình. Bà Lady-Min mới tin nhận lời Eun-jae.

Xem tình tiết này tối hôm qua, tôi lại nhớ đến bài tin mừng hôm nay.
Để thuyết phục các môn đệ  tin chắc là Chúa đã sống lại, Chúa Giêsu cũng đã phải kiên nhẫn đưa ra rất nhiều bằng chứng.
Trước hết, Chúa bảo các ông hãy nhìn tay chân của Người.
Tiếp đến, Chúa bảo họ cứ sờ vào thân thể của Người.
 Dù đưa tay chân và thân thể cho các ông xem, nhưng các ông cũng vẫn còn ngỡ ngàng. Nên Chúa tiếp tục đưa thêm bằng chứng là hỏi xem các ông có gì ăn không? Và Chúa đã cầm lấy khúc cá nướng các ông trao mà ăn trước mặt các ông. Qua đó Chúa cho họ thấy rằng chính Người đã phục sinh chứ không phải là ma hiện hình.
Cuối cùng Chúa còn phải dùng đến bằng chứng của Thánh Kinh tiên báo về Người và Lời Người đã nói  khi còn sống, để mở trí cho các ông hiểu, tất cả đều được ứng nghiệm nơi Người.
Với những bằng chứng thuyết phục, Chúa Giêsu đã minh chứng là Người đã sống lại và kêu gọi các ông hãy làm chứng về sự phục sinh của Người. Nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ ăn năn sám hối để đuợc ơn tha tội.
Chúa đã kiên nhẫn tìm mọi cách để cũng cố lòng tin nơi các môn đệ.
Xin Chúa cũng cố và gia tăng lòng tin nơi chúng ta, nhất là những khi bị thử thách về đức tin.
Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mạng làm chứng tin mừng phục sinh sau khi gặp gỡ và tin nhận Chúa. Chúa cũng tiếp tục trao phó sứ mạng làm chứng nhân cho tất cả chúng ta. Xin cho chúng ta biết siêng năng họp nhau cầu nguyện, siêng nhận lãnh các bí tích nhờ thế đức tin chúng ta đủ mạnh để sống và làm chứng cho tin mừng phục sinh.
Thứ sáu (Ga 21,1-14)
Dẫn
Tin mừng hôm nay tường thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ ở biển hồ Tibêria, giúp các ông đánh bắt được một mẻ cá đầy. Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng ta, để những việc hàng ngày của chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp theo ý Chúa.
Chia sẻ
Khi hiện ra với các bà phụ nữ, Chúa Giêsu bảo các bà về báo tin cho các môn đệ đến Galilê để gặp Người. Nghe theo lời loan báo những người phụ nữ các môn đệ trở về Galilê. Trong tâm trạng buồn bã, các ông rủ nhau đi đánh cá. Tuy Các ông là những những đánh cá chuyên nghiệp, vậy mà đánh bắt cả đêm chẳng được con cá nào. Thất vọng, mệt mỏi cuốn lưới định nghỉ ngơi, thì lúc đó, Chúa Giêsu hiện đến, bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, nơi gần bờ. Các ông tin vào Lời ấy mà thả lưới. Kết quả, đánh được một mẻ cá đầy, không sao kéo lên nỗi. Bấy giờ, Gioan nhận ra nói đó là Chúa, Phêrô mặc ngay áo vào, nhảy xuống biển, bơi vào bờ.
Trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn sáng cho các ông với cá nướng và bánh. Trong bữa ăn Người cầm bánh và cá trao cho các ông, một cử chỉ quen thuộc giúp các ông càng xác tín Chúa đã phục sinh.
Lời Chúa hôm nay xác quyết cho chúng ta hiểu rằng: “không có Ta, các ngươi không làm gì được”. Bằng chứng, Các môn đệ đã vất vã, cực nhọc suốt đêm mà chẳng có gì. Nhưng khi có sự hiện diện của Chúa, các ông bắt được rất nhiều cá.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ kiêu căng, tự mãn về những hiểu biết và khả năng của mình, nhưng luôn khiêm tốn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa.

Thứ bảy (Mc 16,9-15)

Dẫn
Tin mừng hôm nay tóm kết về những lần hiện ra của Chúa phục sinh. Điều đáng ghi nhận là khi hiện ra với ai, Chúa cũng cố lòng tin họ, sai họ đi làm chứng cho Chúa.
Xin Chúa cũng cố lòng tin nơi chúng ta, để chúng ta can đảm làm chứng nhân cho Chúa giữa dòng đời đời hôm nay còn lắm gian nan.

Chia sẻ
Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra,Chúa đều kêu gọi làm chứng cho tin mừng phục sinh.
Khi hiện ra với bà Maria Macđala, Chúa sai bà đi loan tin cho các môn đệ. Nhưng các ông không tin.
Chúa phục sinh lại hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau, hai ông về báo tin, nhưng các môn đệ khác cũng không tin.
Sau cùng Chúa hiện ra với các tông đồ đang ngồi ăn trong nhà tiệc ly, Nguời trách các ông không tin những kẻ đã thấy và làm chứng Nguời sống lại, rồi kêu gọi các ông đi loan báo tin mừng cứu độ.
Như thế, để đón nhận tin mừng phục sinh không phải là dễ, cần phải kiên nhẫn và thời gian.
Trãi qua hơn hai ngàn năm, Giáo Hội không ngừng rao giảng tin mừng cứu độ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa tin nhận Chúa.
Xin cho chúng ta đừng nản lòng, nhưng luôn nổ lực thi hành lệnh truyền của Chúa Phục sinh mà kiên trì rao giảng không ngừng.
Ngày hôm nay, người ta không tin lời thầy dạy cho bằng tin vào những chứng nhân. Xin cho chúng ta ý thức không chỉ rao giảng bằng lời nhưng còn bằng đời sống chứng tá yêu thương. Nhờ thế tin mừng phục sinh có sức thuyết phục mạnh mẽ và đáng tin cậy với mọi người hơn.



Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A

TÌNH YÊU VÀ LỜI CHÚA
GIÚP NHẬN RA CHÚA PHỤC SINH
(Ga 20, 1-9)
Truyện kể:
Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Ðất.
N. Mặt Trời nói : "Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh".
Đ. Nhưng Mặt Trăng thì lại cho rằng, tất cả chúng mang một ánh bạc lấp lánh.
Đ. Mặt Trăng nói rằng, con người trên Trái Ðất thường ngủ.
N. Còn Mặt Trời lại bảo con người luôn hoạt động đấy chứ.
Đ. Con người hoạt động, vậy tại sao trên Trái Ðất lại yên ắng đến vậy ? Mặt Trăng cãi.
N. Ai bảo là trên Trái Ðất yên lặng ? Mặt Trời ngạc nhiên. Trên Trái Ðất mọi thứ đều hoạt động, và còn rất ồn ào, náo nhiệt nữa.
Và họ cãi nhau rất lâu, cho đến khi Gió bay ngang qua.
G. Tại sao các bạn lại cãi nhau về chuyện này chứ ? Tôi đã ở bên cạnh Mặt Trời khi Mặt Trời nhìn xuống Trái Ðất, và tôi cũng đi cùng Mặt Trăng khi Mặt Trăng xuất hiện.
Khi Mặt Trời xuất hiện, mọi thứ là ban ngày, cây cối màu xanh, con người hoạt đông. Còn khi Trăng lên, đêm về, mọi người chìm vào giấc ngủ.
Nếu chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Ðất chỉ bằng con mắt của Mặt Trời hoặc Mặt trăng được.
Tin mừng phục sinh thuật lại cho thấy ba cái nhìn khác nhau khi chứng kiến cùng một sự kiện “Ngôi mộ trống”.
- Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giêsu đã bị đánh cắp (Gioan 20, 13-15).
- Phêrô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lu-ca 24, 12).
- Còn Gioan, người môn đệ Chúa Giê-su thương mến, thì tin chắc rằng Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20, 9).
Sở dĩ có cái nhìn khác nhau là vì cả ba có những tâm trạng khác nhau:
Maria Macđala, với tâm trạng thương nhớ Chúa thiết tha. Có lẽ cả đêm dài bà không chợp mắt được. Bà ước ao trời mau sáng để ra thăm mộ Chúa. Nhưng khi chứng kiến tảng đá đậy mộ bị lăn ra, bà đã hốt hoảng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Tình thương mà Maria Macđala dành cho Chúa Giêsu là một tình thương đáng trân trọng. Nhưng nếu tình thương chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính thường tình của con người thì không có khả năng nhận ra Chúa phục sinh.
Phêrô mang tâm trạng buồn vì tội lỗi đè nặng nên cũng không nhận ra gì hơn ngoài việc rất đổi ngạc nhiên khi chứng kiến những băng vải và khăn che đầu được cuốn lại xếp riêng ra cũng như ngôi mộ trống. Phải chăng lúc đó tâm trí của Phêrô vẫn còn bị ám ảnh giờ phút chối Chúa. Phải chăng lòng ông vẫn còn mang nặng nỗi u buồn về tội lỗi của mình. Ông còn phải có thời gian và kiên nhẫn như là liều thuốc đặc trị chữa lành vết thương tâm hồn bất tín mà tiến đến niềm tin vào Chúa phục sinh.
Gioan, người môn đệ Chúa yêu, mà cũng là môn đệ rất yêu Chúa, nên khi chứng kiến những băng vải còn đó bên ngôi mộ trống ông đã tin.
Để tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, Gioan đã vượt lên trên tình cảm thường tình của Maria Macđala và nổi đau buồn vì mặc cảm tội lỗi của Phêrô. Cái nhìn vào sự kiện ngôi mộ trống của Gioan được định hướng bởi tình yêu trong sáng và sự hướng dẫn của Lời Chúa. Chính cái nhìn này đã cho ông niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu.
Như thế, cùng một sự kiện, nhưng lại có nhiều tâm trạng khác nhau nên đưa đến cái nhìn khác nhau.
Những biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại…như là dấu chỉ “ngôi mộ trống” thường xuyên xảy đến cho chúng ta. Vậy trước những dấu chỉ đó ta có cái nhìn như thế nào?
Có thể giống như Maria Macdala, chỉ dừng lại ở tình cảm thường tình nên khi những biến cố ấy xảy đến trong cuộc sống, chúng ta chỉ phản ứng theo cảm tính. Vui mừng khi thành công, hạnh phúc…, đau buồn khi gặp nghèo khổ, mất mác, thất bại trong cuộc sống.
Có thể chúng ta cũng giống như Phêrô chẳng thấy gì hơn khi đối mặt với thử thách. Đối diện trước những biến cố, chỉ dừng lại ở sự ngạc nhiên như bao người, không thể nhận ra gì thêm ở phía sau biến cố ấy mà Chúa gởi đến.
Xin cho chúng ta biết nhìn mọi việc, mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời với cái nhìn đức tin của thánh Gioan. Nhờ cái nhìn đức tin này thì cho dù đối mặt với bất cứ thử thách nào, hoàn cảnh nào ta vẫn thấy an tâm vì chính Chúa Phục sinh hiện diện và đồng hành cùng chúng ta.
Nhưng để có được cái nhìn đức tin, chúng ta cần có được tình yêu Chúa chân thành, cũng như sáng suốt nhìn những biến cố dưới ánh sáng Lời Chúa. Sống niềm tin là biết nhìn tất cả mọi việc theo tình yêu Chúa và dưới ánh sáng của Lời Chúa .
Xin Chúa cho chúng con có được tình yêu Chúa nồng nàn và ơn soi sáng bởi Lời Chúa như thánh Gioan để qua những dấu chỉ, biến cố hay sự kiện xảy đến trong cuộc sống, chúng con tin và nhận ra Chúa phục sinh. A-men.

THỨ BẢY: VỌNG PHỤC SINH A

SỨ ĐIỆP PHỤC SINH
(Mt 28, 1-10)

Tin mừng đêm vọng phục sinh tường thuật lại sự kiện hai phụ nữ Maria Mácđala và Maria đến thăm mộ Chúa từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Hai bà chứng kiến cảnh đất chuyển động dữ dội và Thiên Thần Chúa từ trời xuống lăn tảng đá đậy cửa mộ ra, rồi ngồi lên trên.. Diện mạo Người như ánh chớp, y phục nguời trắng như tuyết.
Lính canh thấy vậy thì khiếp sợ. Tuy nhiên Thiên Thần chấn an  hai bà “đừng sợ” và nói: Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Người không còn ở đây nữa. người đã sống lại như Lời Người phán trước…Hai bà vừa mừng vừa sợ chạy về báo tin cho các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu đón hai bà lại. Hai bà liền phục lạy và ôm chân Chúa. Chúa bảo hai bà về báo cho các môn đệ đến Galilê. Họ sẽ gặp Người ở đó.

Trình thuật của tin mừng phục sinh tối nay muốn gởi đến chúng ta hai sứ điệp quan trọng.
Sứ điệp I:  Chúa phục sinh mang đến niềm vui
Thiên Thần Chúa đã trấn an trước nổi lo sợ của hai phụ nữ “đừng sợ” .
Sau khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ đều hoang mang và lo sợ. Chính vì thế mà ngay khi phục sinh, Chúa muốn chấn an các môn đệ Người “Đừng sợ”. Đừng sợ thập giá của đau khổ, bởi từ nay thập giá sẽ trở thành thánh giá vinh quang”. “ Đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn”. Đừng sợ ma quỷ, đừng sợ thế gian, đừng sợ thần chết vì Chúa đã chiến thắng tất cả. Ai tin nhận Người cũng sẽ chiến thắng vẽ vang như thế.
Sứ điệp II: Loan báo tin mừng phục sinh
Sau khi nhận ra Chúa phục sinh, hai bà tiến đến ôm chân Chúa và bái lạy. Ngay khi đó Chúa phục sinh trao ban cho hai bà sứ mạng loan báo. “Hãy về báo cho anh em của thày để họ đến Galilê. Họ sẽ gặp thầy ở đó”
Tin mừng phục sinh phải được loan báo cho mọi người, đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục sinh. Chính Thánh Phêrô là tông đồ đã vâng nghe và đã thi hành lệnh truyền đó qua bài đọc I.  Cv 10,34.37-43
Viên quan bách quản Roma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này : Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh Kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là
a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.
b) Cái chết của Ngài.
c) Việc Ngài sống lại.
d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá và đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đó là tin mừng lớn lao mà chúng ta phải tin nhận và loan báo cho mọi người.
Xin cho chúng ta biết tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa Phục sinh mà dám chết đi cho tội lỗi, xác thịt và thế gian để được sống lại vinh hiển với Chúa.
Xin cũng cho chúng ta biết nổ lực loan báo tin mừng phục sinh cho mọi người bằng lời nói, gương lành để xua tan bóng tối sợ hải của hận thù chia rẻ, ích kỉ bất công và chết chóc mà đón nhận ánh sáng tình thương và tha thứ, của chân lý và niềm vui sự sống mà Chúa phục sinh đem đến qua đời sống chúng ta.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

THỨ SÁU TUẦN THÁNH NĂM A

Ba cách đón nhận cái chết khác nhau
Chúa Giêsu đã từng nói: “Được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, nào có ích gì”. Thực vậy, có những người khi sống đã được cả thế gian, nhưng cuối đời họ đã đánh mất tất cả. Mất cả danh dự. Mất cả bổng lộc. Mất cả người thân và cuối cùng là mất cả mạng sống.
Cuối năm 2006, toàn thể thế giới đều nghe nói về ba cái chết của ba nguyên thủ ba quốc gia. Ba người ba cá tính, ba cung cách lãnh đạo khác nhau. Trước cái chết của họ, có kẻ khóc, có người vui. Có kẻ ngậm ngùi thương tiếc, có kẻ khai rượu ăn mừng. Điểm chung của họ là được cả thế gian nhưng rồi họ cũng ra đi tay trắng như bao người khác.
Người thứ nhất đó là tổng thống Chilê, Ausgusto Pinochê đã qua đời ngày 10/12/2006. Ông đã cai trị nước Chi Lê từ năm 1973 đến 1990. Các tổ chức nhân quyền của Chi Lê đã ước lượng dưới quyền thống trị của ông, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước. Ông đã bị toà án quốc tế truy tố năm 1998 về tội diệt chủng. Ngày an táng của ông, Đức Hồng Y Karmelic đã cầu xin Thiên Chúa “quên đi những lầm lỗi của Augusto Pinochê”.
Người thứ hai đó là tổng thống Geral Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ. Ông đã an nghỉ vĩnh viễn vào ngày 26/12/2006. Cuộc đời ông không có gì vẻ vang, không có chiến tích đánh đông dẹp tây, nhưng ông được nhìn nhận là người ôn hoà. Ông đã có một hành động thật phi thường là tha thứ cho cựu tổng tống Nixon khỏi bị truy tố. Ông đã nói rằng: Ông tha thứ cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì bản thân Nixon.
Cuối cùng là cái chết của nhà độc tài Sadam Hussen, cựu tổng thống Iraq. Ông đã bị kết án treo cổ tử hình vì tội giết người vô tội. Ông là một người đã được trời ban cho mọi vinh hoa phú qúy trần gian, nhưng khi chết chỉ có một dây thòng lòng quốn quanh cổ. Dù rằng, ông không chấp nhận bản án, không chấp nhận cái chết nhục nhã này, nhưng định mệnh đã lấy đi mạng sống của ông khỏi trần gian.
Ba nhân vật này đã đi vào cái chết khác nhau. Có người bình thản ra đi. Có người ra đi nhưng vẫn ôm trong lòng những ray rức lương tâm. Có người ra đi trong bất mãn tột cùng. Và như vậy, cuộc đời chỉ có giá trị khi mình biết sống để phục vụ sự sống. Cuộc đời sẽ bị người đời khinh chê nếu chỉ biết gieo vãi sự chết chóc và kinh hoàng. Sự ra đi trong thanh thản bình an hay lo âu sợ hãi cũng tuỳ thuộc vào cuộc sống của chúng ta: nhân đức hay tội lỗi, công bình hay gia dối, hiền lành hay gian ác.
Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba tử tội đã bị kết án tử hình trên thập tự giá. Ba tử tội, tuy sinh không cùng năm nhưng lại chết cùng ngày, cùng tháng. Ba tử tội đã đi vào cái chết thật khác nhau.
Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình. Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của. Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.
Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về cả một quá khứ lầm lạc. Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình. Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.
Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu. Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người. Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuân mẫu cho mọi tình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu dám chết thay cho bạn hữu”.
Hôm nay thứ sáu tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài cũng đón nhận cái chết vì con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian. Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.
Đó chính là sứ điệp ngày thứ sáu tuần thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta, muốn trở môn đệ của Chúa hãy vác khổ giá mà buớc theo Chúa. Hãy sống một đời biết cho đi. Hãy biết dùng khả năng của mình mà phục vụ sự sống cho đồng loại. Và hãy biết hiến thân mình để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, vì chưng: “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
DUNG MẠO NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta đi lại hành trình thương khó của Chúa Giêsu trên dương thế. Trong hành trình đó, chúng ta gặp được dung mạo của một Đức Kitô đau khổ, đau khổ tột cùng.
1.   Những đau khổ mà Đức Kitô phải chịu là gì ?
Trong khoa tâm lý học, người ta phân biệt 2 loại đau khổ : đau khổ về thể lý và đau khổ về tinh thần hay tâm linh. Đau khổ nào cũng là khổ đau. Đau khổ nào cũng có sức huỷ hoại sự sống con người cả. Nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có đủ cả 2 loại đau khổ này.
- Đau khổ về mặt thể lý : Bị lý hình đánh đập hành hạ bằng những đòn roi tàn bạo. Bị những vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu. Theo lời sách ngắm thì vòng gai có đến 72 cái gai do quân dữ đánh lọt vào óc (chỉ vài cái đã đau đớn lắm rồi đàng này 72 cái). Bị cái đói cái khát dày vò. Bởi vì máu càng ra nhiều bao nhiêu, thì càng khát nước bấy nhiêu. Nhất là bị đóng đinh căng thây trên cây thập giá, tay chân đinh nhọn xuyên qua.
- Đau khổ về mặt tinh thần : Bị dân chúng trở mặt lên án, đòi đóng đinh vào Thập giá. Trong số đó, có cả những kẻ mà mình đã thi ân giáng phúc. Bị quân lính xỉ nhục lăng mạ. Bị các môn đệ bỏ rơi, đặc biệt là bị chính những người thân tín nhất chối từ, bội phản. Một Giuđa, kẻ được tín nhiệm trao cho việc quản lý tài chánh, không ngại ngùng dùng chính cái hôn để phản nộp sư phụ của mình. Một Phêrô, người được trọng dụng cất nhắc lên địa vị trưởng Tông Đồ đoàn, cũng chẳng thẹn thùng chối bai chối bải Thầy mình không những một lần mà đến ba lần. Chắc là không còn nỗi đau nào hơn thế.
2.   Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ với thái độ nào ?
Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả những đau khổ đó với thái độ tự hạ, tự hiến nhằm dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ hy sinh làm giá cứu chuộc nhân loại. Ngài như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không một lời kêu ca. Bị hành hạ, Ngài không một lời kêu than. Bị xỉ nhục, Ngài không mắng chửi. Bị vác thập giá, Ngài không vừa vác vừa càm ràm than trách. Bị ngã lên ngã xuống, Ngài không thở dài tuyệt vọng. Bị treo trần trụi trên thập giá, Ngài không nguyền rủa. Các sử gia La mã (Seneca, Cicêrô) cho biết những kẻ bị đóng đinh thường la hét và chửi rủa. Do đó có khi phải cắt lưỡi kẻ bị đóng đinh, để y khỏi thốt ra những lời xúc phạm, lăng mạ kinh tởm… Nhóm Luật sĩ và Biệt phái chắc cũng chờ đợi : từ thập giá Đức Giêsu sẽ thốt ra những tiếng kêu la và nguyền rủa! Nhưng không phải thế. Những lời của Đức Giêsu lại tràn đầy dịu dàng và yêu thương : “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng hiểu biết việc chúng làm”. Ngài còn hướng về kẻ trộm lành, đại diện cho những người có tâm tình hoán cải : “Hôm nay, người sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Ở đời người ta vẫn thường nói : “Yêu là khổ”. Câu nói này rất đúng với trường hợp của Chúa Giêsu. Nhìn vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ta không thể tìm được một lý do nào thích hợp hơn để lý giải, ngoại trừ lý do yêu thương. Nói cách khác, hành trình thương khó của Chúa Giêsu là hành trình của tình yêu. Vì yêu nên Ngài đã sẵn lòng đón nhận mọi khổ đau, vui lòng chấp nhận mọi hy sinh, và bằng lòng cho đi đến cùng.
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao hiến tất cả : y phục, Ngài trao cho lý hình; uy quền trần thế, Ngài trao cho Hêrôđê;  thân mẫu, Ngài trao cho một người môn đệ; ngay cả sự sống, Ngài trao cũng lại cho Thiên Chúa Cha. Tắt một lời, Ngài không còn giữ lại gì cho mình.
Và chính vì yêu bằng một tình yêu hiến trao tất cả như thế, nên Thập giá của Chúa Giêsu đã nở hoa, hoa cứu độ, hoa đem lại sự sống trường sinh cho con người.
3.   Thái độ của chúng ta ra sao khi đối diện với đau khổ ?
Cuộc sống của con người cũng luôn đầy dẫy những khổ đau. Đức Phật đã nói : “Đời là bể khổ”. Vậy làm gì trước những đau khổ của mình và của người khác ? Nếu chúng ta biết vui lòng đón nhận và liên kết với đau khổ của Chúa Giêsu thì những đau khổ mà chúng ta chịu sẽ mang lại giá trị cứu độ. Nếu chúng ta biết chia sẻ và cố gắng làm vơi bớt đi những đau khổ của người khác, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng bội hậu mai sau.
Thế nhưng, trên thực tế ta thấy rằng khi gặp thử thách gian truân, ta thường hay kêu ca và phản kháng. Gặp thánh giá, ta thường than vắn thở dài, muốn vứt bỏ càng sớm càng tốt. Gặp thất bại, ta thường nãn lòng oán trách. Gặp những gì trái ý, ta thường bực bội cau có. Chính vì thế, thập giá khổ đau càng thêm nặng, vả lại chúng ta lại mất hết công phúc.
Xin cho mỗi người chúng ta biết năng suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhất là biết nhìn lên Thánh giá Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa của đau khổ, đồng thời tìm được nghị lực và sức mạnh hầu có thể vác thập giá mà theo chân Chúa cho đến cùng. Amen.
      Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM A

NGÀI  YÊU THƯƠNG HỌ ĐẾN CÙNG (Ga 13,1)

Định luật tình yêu dạy cho ta hiểu rằng: yêu ai thì muốn ở gần người đó, yêu ai thì muốn hy sinh  phục vụ cho người đó, yêu ai thì muốn trở nên một với người mình yêu.
Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện qua bài tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy những điều đó.

Yêu ai thì muốn ở gần người đó.
“Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian; và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
“Đức Giêsu biết giờ của người đã đến”, thời gian mà Người phải lìa bỏ thế gian mà  trở về cùng Thiên Chúa.
Thời gian còn lại không bao nhiêu nên Ngài muốn tận dụng thời điểm mừng đại lễ vượt qua của người Do Thái để tổ chức bữa tiệc với các môn đệ,  vừa theo đúng luật định vừa tranh thủ giờ phút ngắn ngủi trong phòng tiệc ly ấm cúng để ở bên các môn đệ yêu dấu.
Thánh Gioan cho biết Đức Giêsu đã ao ước mãnh liệt được dùng bữa ăn này với các môn đệ vì đây là bữa tiệc cuối cùng. Trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã không ngại lên tiếng bộc lộ những tâm tình sâu kín về lòng thương của Ngài dành cho các môn đệ. Ngài gọi họ bằng những lời lẽ đầy thân thương: “những người con bé nhỏ của Thấy”. Lòng bên lòng, Chúa Giêsu giãi bày tâm sự vừa thắm thiết vừa u buồn. Vượt trên hết là linh cảm về cái chết, với những lời tiên báo về sự phản bội, bỏ rơi, hy sinh. Cuộc trao đổi thân tình dần dần đi đến kết thúc, trong khi những lời của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tuôn ra một cách  dịu dàng và cuốn hút, mặc dù có một chút căng thẳng khác thường ẩn trong những lời ám chỉ nghiêm trọng của Ngài về dao động giữa sự sống và sự chết. Tất cả những gì mà Chúa Giêsu thể hiện trong bữa tiệc ly là muốn được ở bên các môn đệ cách thân tình nhất, để thể  tình yêu thương Ngài.

Yêu nhau là sẵn sàng hy sinh phục vụ
Yêu thương bằng lời thì có thể coi là đầu môi trót lưỡi, yêu thương bằng thái độ có thể bị coi là giả hình. Chỉ có yêu thương bằng hành động mới là tình yêu chân thực.
Chúa Giêsu không chỉ dạy các môn đệ của Ngài : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con” mà Chúa Giêsu còn thể hiện tình yêu cụ thể bằng cách cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ.  
Ngài không ngần ngại cởi bỏ chiếc áo cao sang của Thiên Chúa; nhận lấy chiếc áo phận người, nhận lấy phận tôi đòi cúi xuống dưới chân cho các môn đệ.
Rửa chân xong, Chúa Giêsu ngồi vào bàn tiệc và dạy cho các môn đệ  về bài học yêu thương bằng cách phục vụ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vậy Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”
Bằng hy sinh khiêm tốn phục vụ, người ta đo lường được sự chân thành và mức độ của tình yêu.

Yêu nhau người ta muốn nên một với nhau
Khi Yêu nhau người ta không dừng ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên một với người mình yêu : mình với ta tuy hai mà một. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt và rượu thành Máu Người ở lại mãi với người mình yêu.
Người đời trước khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người thân bằng những kỉ vật, bằng của hồi môn quý giá. Đối với Chúa Giêsu những kỉ vật những của hồi môn dù cho quý giá mấy cũng tầm thường, không đủ nói lên hết tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho nhân loại. Nên Chúa muốn dùng kỉ vật hết sức đặc biệt và cao trọng nhất, đó chính bản thân Chúa. Nhưng bản thân bằng xường thịt của Chúa chỉ có thể trao ban một lần, không thể trao ban mãi. Vì thế, Chúa muốn lưu lại bản thân Ngài bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu làm của ăn của uống thiên liêng dưỡng nuôi linh hồn ta. Làm như thế Chúa muốn ở lại với các tông đồ và với chúng ta luôn mãi. Đồng thời qua việc kết hiệp với Mình Chúa, Chúa lưu truyền sự sống của Ngài trong thân thể và trở nên một trong chúng ta.
Để thể hiện yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài và là hiện thân của Ngài giữa trần gian. Vì thế Chúa Giêsu trao ban chức linh mục cho các môn đệ “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Trong thánh lễ, nhờ việc đặt tay trên bánh rượu và đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, qua đó Chúa hiện diện nơi hình bánh rượu, trở nên của ăn bổ dưỡng thân xác nuôi sống linh hồn cho những ai đón nhận Ngài, vì Chúa nên một với chúng ta.
Tham dự cử hành nghi thức rửa chân và thánh lễ chiều thứ năm hôm nay, ước gì giúp ta hiểu được bài học khiêm tốn phục vụ và tình thương đến cùng mà Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận sâu sắc tình Chúa mà nổ lực hết sức mình để đáp lại tình Chúa yêu thương bằng đời sống gắn bó thân tình với Chúa; bằng những hy sinh phục vụ quên mình vì Chúa và tha nhân, nhất là luôn biết gắn kết với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể để Chúa ở trong ta và ta được sống trong Chúa trong tình yêu viên mãn.
GIẢI  NGHĨA TÌNH YÊU
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, nghiên cứu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn rất nhiều giấy mực để lý giải tình yêu... nhưng có lẽ không mấy ai hiểu cho đúng tình yêu là gì.
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là thi sĩ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết:
"Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu..."
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trứ danh, khuyên chúng ta -trong bài "Đà Lạt trăng mờ" như sau:
"Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy, nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu."
"Và để xem Trời giải nghĩa yêu!" Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu.
Tình Yêu là phẩm chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để "giải nghĩa yêu".
Chúa Giê-su "giải nghĩa yêu" khi Ngài ngỏ lời với ông Nicôđêmô biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
Chúa Giê-su cũng đã "giải nghĩa yêu" khi Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình." (Ga 15, 13)
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi... Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giê-su đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
Nhưng Chúa Giê-su không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: "Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau." (Ga 13, 1.4-5).
Thế mới hiểu rằng: Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là "đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau."
Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: "Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con"
Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: "Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội"
Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).
Lạy Chúa Giê-su,
Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu.
Chúng con ngỡ rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.
Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là: "Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con... Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội..."
Và hôm nay, khi mời gọi "các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy", Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy sống yêu thương theo cách yêu thương của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là: "Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì bạn. Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân."
Lm Inhaxiô Trần Ngà



  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...