Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Ngày 31/05
LỄ ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG
Lc 1, 39-56
Lm. Seoka

Sự kiện Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.

1. Bài học từ bỏ và hy sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm người chị họ Elizebeth là Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
-  Bỏ mái ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện nghi tối thiểu.
-  Bỏ lại những công việc gia đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
- Bỏ những bận tâm lo lắng cho bản thân và gia đình mình.
Từ bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ thì không thể lên đường.
Sự cất bước lên lên đường của Đức Maria cần phải hy sinh.
- Hy sinh chỗ ở thân quen, chỗ nằm êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách giường xiêu.
- Hy sinh mang lấy hành trang nặng nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc lòng mang dạ chữa.
- Hy sinh chịu gian lao thử thách để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu trời nắng gắt với bao là hiểm trở, đói khát dọc đường.
Đến với những nơi phồn hoa phố thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những đại gia, được đón tiếp nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị đã là một hy sinh; huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong ngôi nhà nghèo nàn như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa đến viếng thăm gia đình của Giacaria chẳng được phục vụ chu đáo, trái lại Đức Maria còn phải lo lắng chăm sóc cho bà chủ nhà trong lúc sắp sinh nở quả là một hy sinh lớn lao.
Nhưng điều mà con người không muốn ấy thì Đức Maria lại thực hiện cách vội vàng "vội vả lên đường".
Động lực nào đã thúc đẩy Đức Maria ra đi thăm viếng bàElizabeth? Nếu không phải là động lực của tình yêu. Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong lúc khó khăn. Chính tình yêu thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui vì đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người chị họ và cho gia đình Giacaria. Vui vì "có Chúa ở cùng".

2. Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày mà là suốt ba tháng.
Ở lại không phải để được phục vụ, để sống trong cảnh nệm êm chăn ấm nhưng để giúp đỡ người chị họ đang mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đức Maria "đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ".
Ngày nay, thời đại văn minh, tiến bộ con người không còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng người ta chỉ thăm nhau bằng một cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Email, họa hiếm lắm người ta mới đến với nhau với tính cách xã giao, hời hợt.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, vất vả nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều rất quý. Nhất là thăm viếng mục vụ lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ, thăm viếng những gia đình ngụi lạnh trong đạo thánh để hâm nóng lại tình yêu Chúa, cần thiết lắm thay. Thăm viếng những gia đình nghèo khổ, những bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên và cũng cố đức tin là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đời kitô hữu....

Dĩ nhiên để làm được điều đó cần phải "có Chúa ở cùng", nhất là dám chấp nhận hy sinh từ bỏ, cũng như ý thức sống trong tinh thần phục vụ yêu thương chân thành theo gương Mẹ Maria. Xin Mẹ thương giúp chúng con.

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A
(Ga 14, 15 - 21)
Lm. Seoka
Dẫn
Người đời thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “ Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.
Chúa Giêsu là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của Chúa.
Chính tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để ở giữa loài người chúng ta.
Chính tình thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ.
Cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đau đớn trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang đến niềm vui sống lại cho tất cả chúng ta.
Vì muốn ở lại mãi với con người, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Chúa cũng thiết lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, hy sinh và cả tính mạng để được “ở lại” với con người chúng ta.
Vì thế Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách tha thiết mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ  thánh Phao-lô trong gửi tín hữu Rôma đã nói:“Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”. Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình yêu.


Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa. Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu thương. Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật thiết với Chúa ngay ở đời này và mãi đời sau.

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY 

TRONG TUẦN V PHỤC SINH
Lm. Seoka


Thứ hai (Ga 14,21-26)

Dẫn
Có yêu nhau thì mới sẵn sàng lắng nghe và làm theo điều người yêu mình mong muốn.
Đứa con có yêu cha mẹ thì mới trân trọng lắng nghe lời cha mẹ khuyên dạy và vui mừng thực hiện điều cha mẹ chỉ bảo.
Cũng vậy chúng ta có yêu mến Chúa thì mới nghe lời và sẵn lòng làm theo lời Chúa.

Chia sẻ
Không phải bất cứ ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì hẳn nhiên trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.
Nhưng để nên con cái đích thực của Chúa, trước hết chúng ta phải có lòng yêu mến Chúa bằng cách đặt Chúa vào vị trí cao nhất trong cuộc đời chúng ta. Ưu tiên chọn Chúa làm giá trị hàng đầu trong cuộc sống.
Thứ đến, yêu mến Chúa thì phải gắn bó với Chúa mật thiết. Định luật tình yêu dạy ta hiểu rằng: Yêu ai thì ở gần người đó, yêu ai thì muốn ở bên người đó và yêu ai thì muốn ở với và ở trong để trở nên một với người đó.
Cuối cùng Chúa Giêsu cho biết dấu hiệu của những người có lòng yêu mến Chúa đích thực đó là: tuân giữ lời Chúa. Thước đo của lòng yêu mến chúng ta nhiều hay ít hệ tại ở việc chúng ta tuân giữ lời Chúa ít hay nhiều.
Nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thực hành lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con “gọi dạ bảo vâng”, nhưng chỉ vâng vâng dạ dạ mà không làm theo lời cha mẹ chỉ dạy, thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu giả hình, thứ tình yêu đầu môi trót lưỡi. Tình yêu đó chỉ là nhãn hiệu, là cái mác mà thôi.
Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến lợi ích và giá trị của việc nghe và làm theo lời Chúa: “ Nghe và thực hành lời Chúa giống như người khôn xây nhà trên nền đá”; “ hãy làm theo lời Chúa chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”. Lý thuyết và thực hành phải đi đôi mới có ích lợi, đức tin không việc làm là đức tin chết.
Xin Chúa cho chúng ta luôn hết lòng tuân giữ và thực hành lời Chúa bằng tình yêu mến. Biết đặt Chúa vào vị trí quan trọng trong cuộc sống và sẵn sàng chọn Chúa làm gia nghiệp đời ta. Làm được như thế chứng tỏ là chúng ta yêu mến Chúa và xứng danh là con cái đích thực của Chúa.

Thứ ba (Ga 14,27-31a)
Dẫn
Thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói, đam mê tội lỗi, hận thù ghen ghét… tất cả những mối hiểm họa ấy như dâng tràn trong thế giới hôm nay, khiến cho lòng người đầy bất an.
Xin Chúa thương ban bình an của Chúa cho chúng con, sự bình an đích thực trong tâm hồn như lời Chúa hứa.

Chia sẻ
Chưa bao giờ con người lại phải đối diện trước những lo âu, bối rối, sợ hãi và bất an như ngày hôm nay. Chiến tranh, thiên tai, bệnh tật… xảy ra hàng ngày. Thất nghiệp, vật giá leo thang, trộm cắp… gia tăng đến mức báo động.  Ly dị, phá thai, bất trung, tệ nạn xã hội …không ngừng gia tăng. Vì thế hơn lúc nào hết, con người ngày hôm nay luôn khao khát có được cuộc sống bình an.
Để chốn chạy nỗi lo sợ, buồn phiền, bất an, con người thường chỉ biết dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đấy bất an.
Chẳng hạn như:  Mua bảo hiểm xe cộ, nhà cửa, nhân mạng, y tế…
Hằng đêm mơ mộng để đánh con số đề, mua tấm vé kiến thiết hy vọng bớt đi những lo âu về tiến bạc.
Kẻ thì lao mình vào rượu chè và những thú vui khác để tìm những phút giây thoải mái quên đi chuyện đời.
Người thì uống thuốc an thần để đi tìm giấc ngủ hy vọng quên đi những muộn phiền.
Kẻ đễ tin thì đi tìm thầy bói, thầy tướng, thầy số để kiếm tìm hậu vận tương lai.
Người giàu có thì gởi tiền vàng vào ngân hàng để được an tâm.
Nhưng tất cả việc làm ấy chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu căn bản và không bền vững nên không đem lại nguồn bình an đích thực cho tâm hồn.
Vì thế Chúa Giêsu nói với các tông đồ: bình an của Ngài không như thế gian ban tặng.
Bình an của Ngài không phải là thứ bình an bên ngoài, giả tạo. Nhưng là bình an bên trong, nghĩa là không giống như sự yên ổn hay hòa bình, vì yên ổn hay hòa bình là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.
Bình an là tình trạng tâm hồn đang tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân.
Bình an của Chúa là bình an khi có Chúa làm chủ đời sống mình, luôn tin tưởng, phó thác và vâng theo ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Bình an của Chúa là có một tâm hồn trong sạch, được giao hòa với Chúa và anh em.
Bình an của Chúa ban tặng còn được hiểu là bình an với anh em mình. Sống hoà thuận với nhau, không thấy mình có điều gì làm phiền lòng anh em và thấy anh em không có điều gì làm phiền lòng mình.
Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhờ thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha nên Ngài luôn thấy bình an ngay khi kẻ thù đang đến gần và sắp giết chết Ngài.
Thế giới ngày hôm nay như đang sống trên một lò lửa. chíến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất, khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường…, thế gian chưa có bình an nên Bình An của Chúa Giêsu ban tặng vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại, cho những tâm hồn đang khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống.
Mỗi người phải có bình an của Chúa mới có thể sống an bình với mọi người. Muốn có bình an ở bình diện lớn thì phải bắt đầu từ những bình diện nhỏ, là nơi mỗi người chúng ta.
Không ai cho cái mình không có. Sự bình an bắt đầu từ lòng mình rồi mới lan tỏa ra xã tắc nhân quần, như cổ nhân nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Thứ tư (Ga 15,1-8)
Dẫn
Chúa Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc là cây nho, để nói lên sự gắn kết sâu xa giữa Ngài với Chúng ta. Vì tình yêu Chúa Giêsu ở lại với chúng ta và mong muốn chúng ta ở lại trong Ngài để tiếp nhận sự sống dồi dào Ngài thông truyền cho chúng ta. Nhờ thế chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng cho Chúa và dành cho nhau.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví Ngài như là cây nho được Chúa Cha trồng xuống thế gian.
Chúng ta được ví như là những cành kết hiệp trong cùng một cây nho là Chúa Giêsu.
Mục đích của người trồng nho là để thu hoạch hoa trái. Nên các cành của cây nho phải sinh nhiều hoa trái thì mới làm vui lòng ông chủ.
Khi sánh ví chúng ta là cành nho thì đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi  chúng ta sinh nhiều hoa trái là các việc lành phúc đức để Thiên Chúa được vinh hiển.
Nhưng để cành nho sinh nhiều hoa trái, cần phải có hai điều kiện:
Thứ nhất Gắn liền với thân nho. Cành nào càng gắn kết với với thân nho thì càng tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.
Cũng vậy để có đời sống sung mãn và sinh  nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Chúng ta phải liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện và năng nhận lãnh các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể.
Thứ hai phải được chăm sóc và chịu cắt tỉa. Niềm vui của người trồng nho là vườn nho ông trồng sinh thật nhiều hoa trái tốt. Vì thế chủ vườn nho không ngừng chăm sóc và cắt tỉa.
 Cũng vậy, để  sinh thật nhiều hoa trái tốt lành, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc chúng ta bằng Giáo Huấn và các Bí Tích, đồng thời Chúa cũng hằng cắt tỉa chúng ta bằng cách cho phép những sự dữ, những thử thách, những thất bại và đau khổ… xảy ra trong cuộc sống. Việc làm đó là cần thiết để ta chiến đấu không ngừng, hầu mỗi ngày nên thanh sạch và mạnh mẻ hơn.
Xin cho chúng ta biết sống gắn bó mật thiết với Chúa, tin tưởng phó thác vào ơn ban của Chúa, cũng như biết can đảm để Chúa cắt tỉa mỗi ngày. Nhờ thế, mỗi ngày chúng ta sinh nhiều hoa trái tốt lành là phụng sự Chúa sốt sắng hơn và phục vụ mọi người đắc lực hơn.

Thứ năm. (Ga 15, 9-11)
Dẫn
Người đời thường nói: “ Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ”. Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối tình yêu. Đúng vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng.
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài. Nhưng nhân loại hình như đã hững hừ trước tình yêu của Chúa. Vì thế Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “ Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Khi ấy ta cảm nhận được niềm vui trọn vẹn.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.
Chúa Giêsu là tình yêu hữu hình của Chúa Cha dành cho chúng ta những người con yêu dấu của Chúa.
Chính tình yêu, Chúa Giêsu chấp nhận sinh ra mang thân phận con người để ở giữa loài người chúng ta.
Chính tình thương, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đói, chịu khát… và bôn ba đi khắp các nẻo đường đất nước Do Thái để rao giảng tin mừng, làm phép lạ cứu chữa những ai đau khổ.
Cũng chính vì yêu, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào con đường thập giá chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận cái chết đau đớn trên thập giá vì tội lỗi chúng ta. Rồi Chúa đã phục sinh vinh hiển mang đến niềm vui sống lại cho tất cả chúng ta.
Vì muốn ở lại mãi với con người, Chúa Giêsu đã ban lời giáo huấn và giới luật yêu thương. Chúa cũng thiết lập các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể, qua đó ở lại mãi với chúng ta.
Tình yêu Chúa thật quá cao vời. Sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, hy sinh và cả tính mạng để được “ở lại” với con người chúng ta.
Vì thế Chúa cũng mong mỏi chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách tha thiết mời gọi: “ Hãy ở lại trong tình thương của Ngài”.
Ở lại trong tình thương của Chúa được thể hiện qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Bởi lẽ  thánh Phao-lô trong gửi tín hữu Rôma đã nói: “Không sống theo luật, luật mới do Thánh Linh là sống phản với Thánh Linh, mà Thánh Linh chính là tình yêu Thiên Chúa”. Thánh Gioan cũng nói: “Ai giữ luật Chúa thì ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong kẻ ấy”. Không ai có thể nói tôi yêu mến Chúa mà không thực hiện lời Ngài.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc to, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ người ấy nhờ tôi, tôi sẵn sàng làm, có khi người ấy không nhờ tôi cũng làm miễn sao đẹp lòng người mình yêu.
Như thế muốn ở lại trong tình yêu Chúa, chúng ta phải thực hành lời Chúa. Nghĩa là thực hiện điều Chúa truyền dạy, mà lời dạy của Chúa là giới răn yêu thương. Trung thành sống trọn tình mến Chúa, yêu người là ta đã ở lại trong Chúa và khi đó chúng ta sẽ được Chúa ban cho niềm vui trọn vẹn là được sống mật thiết với Chúa ngay ở đời này và mãi đời sau.

Thứ sáu. (Ga 15, 12-17)
Dẫn
Trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ cũng như cho tất cả chúng ta lời nhắn nhử yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu thương theo lệnh truyền của Chúa không chỉ là yêu thương người thân cận như chính mình. Nhưng là yêu thương tất cả mọi người không phân biệt bạn hay thù…, bằng một tình “yêu như Chúa yêu”.  Yêu nhưng không và sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống cho người mình yêu.
Xin cho chúng ta có được tình yêu như Chúa, xứng đáng được gọi là bạn hữu của Chúa.

Chia sẻ
“ Anh  em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”. (Ga 15, 12).   
Yêu thương nhau không thôi thì chưa đủ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài, trong đó có tôi và bạn, phải yêu như Ngài yêu! Yêu như Chúa yêu là biết chấp nhận tất cả những cái hay cái dở, những tính hư nết xấu và tất cả những sự bất toàn và yếu đuối … của tha nhân.
Yêu thương như Thầy là phải biết kiên nhẫn trước những yếu đuối lỗi lầm, trước những giới hạn về niềm tin cũng như về mặt nhân bản của tha nhân.
Yêu như Chúa Giêsu là biết quan tâm tới những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Sự quan tâm ấy không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng những hành động rất cụ thể và thiết thực.
Chính Chúa Giêsu đã yêu chúng ta nên đã chấp nhận, kiên nhẫn trước tất cả mọi ưu khuyết điểm, trước cái hay cũng như cái dở, trước cái đẹp cũng như cái xấu, trước cái giỏi cũng như cái dở của chúng ta. Ngài đã không ngừng quan tâm và đáp ứng lại những nhu cầu chính đáng và không ngừng mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài bằng một tình yêu như Ngài yêu ta.

Thứ bảy. (Ga 15,18-21)
Dẫn
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết cuộc sống theo Chúa sẽ gặp những thử thách và khổ cực như Ngài: “ Nếu thế gian ghét anh em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước”.
Xin cho chúng ta luôn trung thành theo Chúa dù phải bị người đời ghen ghét và bách hại, vì tin rằng mình đã thuộc về Chúa.

Chia sẻ
- Không phải ngày hôm nay, thế gian mới ghét bỏ và bách hại chúng ta những kitô hữu. Nhưng ngay từ xưa, Chúa Giêsu cũng đã bị bao người khinh bỉ, hiểu lầm. các nhà cầm quyền thì nghi ngờ, những Pharisêu, kinh sư, tư tế thì chống đối kịch liệt; những người đồng hương thì xem thường, phủ nhận…tất cả những thái độ đó cuối cùng đã đi đến chỗ độc ác là hành hạ và giết chết Chúa.
- Đến thời các tông đồ, các môn đệ Chúa cũng gặp phải những đau khổ đúng như điều mà Chúa Giêsu đã nói. Khi thi hành sứ vụ rao giảng, các tông đồ và các môn đệ khác luôn bị cấm đoán đe dọa, bắt bớ và hành hạ đủ mọi thứ cực hình…, cuối cùng các ngài cũng kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm.
- Nối tiếp các tông đồ, Giáo Hội ở khắp nơi đều bị các nhà cầm quyền ghét bỏ, bách hại. Cụ thể ở Việt Nam qua bốn thế kỷ đã có hàng trăm ngàn người chịu đổ máu và hiến mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin vào Chúa.
- Hôm nay dù trãi qua hơn 2000 năm, ấy vậy mà Giáo Hội nói chung và các kitô hữu nói riêng vẫn không ngừng bị xiết chặt, ghét bỏ, trù dập, bắt bớ và giết hại khắp nơi trên thế giới. Khiến chúng ta những người theo Chúa không ngừng phải lo lắng, sợ hãi và bất an…
Nhưng với niền tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúng ta hãy an tâm phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa.


LỄ AN TÁNG BÀ MARIA


(Ga 14,1-12)


Đọc đoạn tin mừng vừa rồi, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh sau năm 1975. Do có sự thay đổi lớn về tình hình đất nước nên một số người đã phải bỏ lại quê hương để sang nước ngoài sinh sống.

Sau một thời gian rời bỏ Việt Nam để tìm cho mình cuộc sống tự do nơi đất khách quê người; nay cuộc sống của hầu hết Việt Kiều ở nước ngoài đều ổn định và sung túc. Trong khi đó những người thân của họ ở lại thì đa phần phải sống trong cảnh nghèo khổ, khó khăn, vất vã. Những năm gần đây, đất nước mở cửa nên có nhiều Việt Kiều đã về nước để bảo lãnh người thân của mình sang định cư nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Nhờ đó mà nhiều người Việt hưởng được cuộc sống tiện nghi thoải mái và tự do hơn trước đây.

Tuy nhiên để được đoàn tụ với người thân bên nước ngoài, công dân việt nam phải thoả mãn khá nhiều điều kiện....

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng mong muốn các môn đệ được đoàn tụ với Ngài trong nhà Cha qua lời đoan hứa : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.  Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Như vậy sự ra đi của Chúa Giêsu không phải là để chia tay vĩnh viễn các môn đệ, nhưng là ra đi về nhà Cha để dọn chỗ nhằm chuẩn bị đón các môn đệ về đoàn tụ với Ngài trong nhà Cha để được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn nơi ấy.

Tuy nhiên để được đoàn tụ với Chúa Giêsu trên quê hương thiêng đường trong nhà Cha, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các môn đệ và chúng ta phải thoả mãn ít nhất 3 điều kiện. Đó là phải đi đúng con đường mà Chúa đã đi; phải tuân giữ chân lý mà Chúa đã truyền; và hiệp thông trong sự sống của Chúa. Bởi vì Ngài đã xác quyết: " Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". 

- Con đường của Chúa Giêsu là con đường hẹp, con đường thập giá. Chỉ với con đường ấy mới dẫn đến sự sống đích thực. Chấp nhận đi trên con đường ấy chính là chấp nhận hy sinh, gian khổ trong việc chu toàn bổn phận hằng ngày mà Chúa mong muốn với tinh thần khiêm tốn, vâng phục và tin yêu.

- Sự thật, chân lý mà Chúa nói đến là chính Ngài. Chân lý ấy không gì khác hơn là Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa là "Tình Yêu". Sống theo chân lý là sống giới luật tình yêu. Tình yêu mà Chúa truyền dạy không phải chỉ dừng lại nơi những người thân cận và những kẻ yêu mình mà tình yêu ấy phải quy chiếu vào tình yêu của Chúa Giêsu : “Yêu như Chúa yêu”. Tình yêu ấy phải là phổ quát, dành cho hết mọi người, không phân biệt một ai, ngay cả yêu thương cả kẻ thù.

- Sự sống đích thực mà Chúa Giêsu hướng đến là nơi Chúa. Để được thông hiệp sự sống trong Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe và thi hành Lời Chúa; cũng như tha thiết kết hiệp với Mình Thánh Chúa. Nhờ thực thi Lời Chúa và kết hiệp với Mình Thánh Chúa ta được sống trong Chúa và Chúa sống trong ta. Như cành nho muốn sống và sinh hoa trái cần phải gắn chặt vào thân nho thế nào thì cuộc đời chúng ta cũng phải kết hợp chặt chẽ với Lời Chúa và Mình Thánh Chúa như thế. 
Đối với người Kitô hữu chúng ta có lẽ điều quan trọng nhất và nỗi thao thức lớn nhất không phải là tiền bạc, của cải, danh vọng nơi trần gian này, nhưng là hạnh phúc Thiêng đàng. Nhưng để đạt được điều khát mong đó, không gì khác hơn là chúng ta phải đi theo con đường mà Chúa đã đi, sống theo chân lý mà Chúa đã sống và chỉ dạy, nhất là phải luôn gắn kết chặt chẻ với nguồn sức sống của Chúa qua việc thi hành Lời Chúa và năng kết hiệp với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể.


Khi còn sống Bà Maria người thân chúng ta đây đã không ngừng khao khát được hạnh phúc thiêng đàng nên bà đã chọn con đường mang tên Giêsu để đi trong suốt 83 năm qua. Dẫu con đường theo Chúa Giêsu có hẹp, có khó đi vì đó là đường thập giá đòi hỏi phải vất vả hy sinh rất nhiều nhưng bà Maria đã sẵn sàng đón nhận và nổ lực dấn bước theo con đường Giêsu ấy trong tin yêu trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng.

Khi còn sống bà Maria cũng đã luôn hướng về cùng đích là nhà Cha trên trời, nên bà đã nỗ lực thực thi huấn lệnh của Chúa là sống giới luật yêu thương….: lòng mến Chúa và tình yêu thương tha nhân ấy được bà thể hiện qua việc chu toàn tốt bổn phận làm người, làm con Chúa trong các vai trò làm vợ, làm mẹ, làm bà trong suốt 83 năm qua không lúc nào ngơi nghỉ.

Khi còn sống bà ước ao được ở bên Chúa, gần Chúa và trong Chúa nên bà đã gắn chặt đời mình với Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm làm các giờ đạo đức nhất là yêu mến bí tích Thánh Thể .

Trong những năm tháng đau nặng bà càng ý thức hơn Lời Chúa và bí tích Thánh Thể chính là nguồn lương thực quý giá giúp bà đủ sức vượt qua những đau đớn thể xác và can đảm vượt thắng những đau khổ về tinh thần nên lúc nào bà cũng ao ước được nghe Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa.

Với những nổ lực thực thi những điều kiện ấy, chúng ta hy vọng rằng giờ đây bà xứng đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc trong nhà Cha muôn đời.


Dẫu biết rằng bà Maria sống rất đẹp trong việc chu toàn những điều kiện mà Chúa mong muốn ấy, nhưng  nhân vô thập toàn, là phận người ai cũng yếu đuối nên không tránh khỏi những lầm lỗi. Vậy hơn lúc nào hết, trong thánh lễ cuối cùng này mà chúng ta cùng với bà dâng lên Chúa trong ngôi nhà thờ thân yêu này, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa mở lượng hải hà tha thứ mọi thiếu xót cho bà nếu còn vướt mắc, để bà Maria được an vui bước vào nhà Cha chung hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa, sau một chuyến hành trình khá dài nơi trần gian đầy gian nan vất vả. Amen.  

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017


NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY

Lm Seoka

I. KHÁI NIỆM VỀ GIA ĐÌNH  (Gia đình là gì?)
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về gia đình tùy theo cái nhìn ở từng góc độ khác nhau. Xin liệt kê 4 khái niệm gia đình:
1. Theo từ vựng công giáo tác giả Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ thì:
-  Chữ gia nghĩa là: (dt.) (1) Nhà, chỗ để ởTại gia (ở nhà). (2) Người hay nhóm người trong một nhà hay trong một trường phái nào đóĐại gia (nhà giàu có, người giàu có). Triết học thời xưa bên Trung Quốc chủ trương lấy chính danh định nghĩa sự vật:  nông gia (nhà nông).
-  Chữ đình  nghĩa là (dt.) (1) Sân nhàTiền đình (sân trước). (2) NhàĐình tiền (trước cửa nhà). 
+ Gia đình là chỉ chung mọi người trong nhà.

2. Theo Từ điển Công Giáo HĐGMVN
- Gia: Nhà (bên trong).
- Đình:  Nhà (bên ngoài).
+ Gia đình: người trong một nhà.
Gia đình là một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay máu mủ, cách chung có cha mẹ và con cái. Vợ chồng làm nên gia đình căn bản. Ông bà, con cháu, họ hàng là gia đình mở rộng.
3. Với các nhà nghiên cứu xã hội học.
Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. 
4. Trong Tiếng Anh, gia đình là “FAMILY”, từ này khi được chiết tự thành các chữ cái thì rất có ý nghĩa, đó là: Family = Father And Mother, I Love You.
Theo đó, chúng ta nhận thấy: một gia đình đúng nghĩa bao giờ cũng phải có cha, có mẹ, có những đứa con, và tất cả các thành viên trong gia đình phải yêu thương nhau. Một khi được sống, được phát triển trong một môi trường tràn ngập tình yêu thương như thế, mỗi một con người sẽ trưởng thành, và nhất định sẽ trở thành một con người tốt, một người công dân tốt của xã hội, của đất nước.

II. GIA ĐÌNH: Ý ĐỊNH VÀ KẾ HOẠCH CỦA CHÚA  (Nguồn gốc gia đình bởi đâu?)
Hôn nhân gia đình gắn kết với chiều dài của lịch sử nhân loại. Nghĩa là từ khi có con người là có gia đình. Những câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh.
a. Cựu Ước:
Mở cuốn Kinh Thánh ra là bắt gặp ngay trình thuật về sự tạo dựng người nam và người nữ; người nam bỏ cha mẹ mà kết hợp với người nữ và họ chỉ còn là một huyết nhục và gấp sách lại với hình ảnh tiệc cưới Con Chiên trong sách Khải Huyền.
Tác giả sách sáng thế cho biết: Sau khi tạo dựng vũ trụ, trái đất với hết mọi thứ cỏ cây, thú vật, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “theo hình ảnh của Ngài”. Nhưng Ngài đã không tạo dựng nên con người cô độc. Trái lại, Ngài đã tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ khả năng qui hướng và kết hợp lại với nhau để tạo nên cộng đoàn nguyên thủy là Gia đình (St 1,26-27). Vì thế, nam hướng về nữ và người nữ hướng về nam, hai người yêu thương gắn bó lại với nhau nên “một xương một thịt” (St 2, 23-24). Hai người chia sẻ bổ túc cho nhau, trợ giúp  nhau cả về thể chất lẫn tinh thần (St 2,18) và cùng hợp tác với Thiên Chúa để “sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” và làm chủ vũ trụ (St 12,6-28).
Như vậy chính Thiên Chúa là tác giả sáng tác nên tổ chức gia đình, và Ngài đã ban cho họ những quyền lợi để hưởng dùng, cũng như những sứ mệnh phải chu toàn ( xem MV 12,48 (Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới”) và GĐ 3 (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo).
b. Tân Ước:
Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Đức Maria.
Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình: Dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn vượt qua khó khăn (x. Ga 2,1-11); Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông Lazarô (x. Lc 10,38); đến thăm gia đình ông Phêrô (x. Mc 8,14); chia sẻ nỗi niềm với các gia đình đang chịu thử thách (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). và tự giới thiệu Mình như là Hôn Phu kết hợp với Hiền Thê của Người (x. Ga 3,29).
Trên thập giá, Người hiến mình vì yêu thương cho đến cùng, và trong Thân xác Phục sinh, Người thiết lập những quan hệ mới giữa con người với nhau. Mạc khải trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu cho người nam và người nữ phục hồi lại “thuở ban đầu” khi mà Thiên Chúa vốn đã liên kết họ thành một xương một thịt (x. Mt 19, 4-6), nhờ đó, với ân sủng của Đức Kitô, họ có khả năng yêu thương mãi mãi và chung thuỷ với nhau.
Thư gửi Tín hữu Êphêsô đã xác định “mầu nhiệm cao cả”, vốn làm cho tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh được hiện diện trong thế giới này (x. Ep 5,31-32), nơi tình yêu hôn phối giữa người nam và người nữ.

III. THỰC TRẠNG GIA ĐÌNH NGÀY NAY (Những thách đố ngày nay nơi gia đình là gì?)
Ngày nay các gia đình đang phải đối diện với bao nhiêu thách đố bởi  xã hội có nhiều thay đổi. Thiết tưởng chúng ta không thể nào liệt kê hết được, vì chúng rất đang dạng và phức tạp.
Xin nêu lên một vài thách đố nơi các gia đình Công giáo hiện nay:
• Đức tin cá nhân không vững dẫn đến thực hành tôn giáo giảm sút.
• Cha mẹ ít quan tâm hay không đủ khả năng trong việc giáo dục và truyền đạt đức tin cho con cái.
• Cuộc sống gia đình & tương quan giữa các thành viên bị giảm thiểu, kéo theo sự giảm sút việc cầu nguyện trong gia đình.
• Tình trạng ngừa thai, phá thai, ly dị gia tăng  và luôn là những cám dỗ lớn.
• Khủng hoảng hôn nhân xảy ra nhiều hơn, nhất là nơi các gia đình trẻ do thay đổi môi trường, kinh tế, xã hội...
• Hôn nhân khác đạo gia tăng  trong đó có nhiều người theo đạo chỉ cốt để kết hôn; đạo ai nấy giữ…..

IV. THÁI ĐỘ CỦA GIÁO HỘI  (Giáo hội quan tâm đến gia đình như thế nào?)
Trãi qua suốt dòng lịch sử GH luôn quan tâm đồng hành cùng với gia đình được thể hiện qua các Giáo Huấn GH và đường hướng mục vụ cụ thể của các GH địa phương.

1.     Giáo huấn Giáo Hội
Qua dòng thời gian, Hội Thánh đã không ngừng cung cấp các giáo huấn của mình về Hôn nhân và Gia đình. 
- Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes đã dành cả một chương để đề cao phẩm giá của Hôn nhân và Gia đình (x. GS 47-52).
- Đức Phaolô VI, qua Thông điệp Humanae Vitae, đã cho thấy sự liên kết mật thiết giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản. 
- Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quan tâm đặc biệt đến gia đình. Qua Tông huấn Familiaris Consortio, Đức Thánh Cha gọi gia đình là “con đường của Hội Thánh”. Ngài đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về ơn gọi yêu thương của người nam và người nữ; đề ra các hướng dẫn cơ bản cho Mục vụ Gia đình và sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Đặc biệt, liên quan đến tình yêu vợ chồng (x. FC 13), ngài mô tả làm sao vợ chồng qua sự yêu thương nhau, nhận được hồng ân Thần Khí của Đức Kitô và sống lời mời gọi nên thánh của họ.
- Đức Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Deus Caritas Est, lại bàn đến chủ đề sự thật của tình yêu giữa người nam và người nữ, đây là điều chỉ được sáng tỏ cách trọn vẹn trong ánh sáng tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (x. DCE 2). Ngài tái khẳng định rằng “Hôn nhân dựa trên một tình yêu đơn nhất và vĩnh viễn sẽ trở thành biểu tượng của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Dân Ngài và ngược lại. Cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành chuẩn mực cho tình yêu của con người” (DCE 11). Hơn nữa, trong Thông điệp Caritas in Veritate, ngài nêu lên tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc của đời sống trong xã hội (x. CV 44), là nơi con người học kinh nghiệm về công ích.
- Đức Thánh Cha Phanxicô, gần đây ngài đã triệu tập liên tiếp 2 thượng hội đồng  để bàn về gia đình. Lần thứ 1 vào tháng 10 năm 2014, thượng hội đồng Giám mục ngoại thường ; lần thứ 2: từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10 năm 2015.  Và sau đó, ngày 8 tháng 4 năm 2016, ngài đã ban hành Tông huấn Amoris laetitia  Niềm vui của Tình yêu để hướng dẫn dân Chúa trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. (trích tông huấn Amoris Laetitia). Điều đó cho thấy Giáo hội rất quan tâm đến gia đình. 

2.     Đường Hướng Mục Vụ.
Tiếp nối giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong Thư Chung đầu tháng 10 vừa qua, HĐGM VN đã đề nghị một lộ trình mục vụ cho 3 năm (2017-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:
– Năm 2016-2017: Chuẩn Bị Cho Người Trẻ Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân.
– Năm 2017-2018: Đồng Hành Với Các Gia Đình Trẻ
– Năm 2018-2019: Đồng Hành Với Những Gia Đình Gặp Khó Khăn.  
Cùng với bức tâm thư  với chủ đề “ơn gọi tình yêu và sứ vụ xót thương”, để chia sẻ những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” trong đời sống gia đình, cũng như đồng hành với các gia đình Công  giáo trong việc xây dựng gia đình Công giáo dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.

Hưởng ứng lời đề nghị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, mỗi Giáo phận tùy theo hoàn cảnh đã triển khai những thực hành mục vụ cụ thể. Riêng giáo phận Cần Thơ , ngày từ đầu năm đã đưa ra quyết định thực hành mục vụ 2017 với khẩu hiệu: “Niềm vui tình yêu gia đình. Chuẩn bị cho người trẻ buớc vào đời sống hôn nhân, với các khía cạnh cụ thể :

Ước mong với sự đồng hành của Giáo Hội, những gia đình biết cách để khắc phục những thách đố, và tìm ra được những phương thế thích hợp để bảo vệ và thăng tiến mọi thành viên trong gia đình, được hưởng một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Câu hỏi thảo luận

1.     Cha thấy những thách đố nào xảy ra cho các gia đình nơi Họ đạo của cha? Và cha đã, đang và sẽ làm gì để giúp đỡ cho những gia đình ấy?

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...