SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIII
THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN C
Kn 9,13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra những điều
kiện cần thiết để trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin cho chúng ta
tích cực làm theo lời dạy của Chúa để trở nên môn đệ chính hiệu của
Người.
Trong thời buổi kinh tế thị trường
như ngày hôm nay, trước khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào,
người ta cũng đều tính toán rất kỹ lưỡng và chi tiết, kẻo thất
bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người khác chê cười.
Đầu tư vào nước trời và tòng quân dưới
cờ Giêsu quả là một quyết định hệ trọng, có ảnh hưởng đến hạnh phúc
đời này và cả đời sau. Vì thế mà Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc
nhở chúng ta phải biết suy tính thật cẩn trọng.
Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí
tổn bao nhiêu? Có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì
đừng nên khởi công, kẻo công trình đắp chiếu, gây tổn phí
và làm thiệt hại kinh tế.
Cũng vậy, muốn chống lại quân thù kéo 20 ngàn
quân vây đánh, là vua hay nhà lãnh đạo quốc gia phải biết suy tính
xem lực lượng mình có khả năng để đối đầu với quân
thù không? Nếu chỉ có 10 ngàn quân mà lại không có kế sách nào hay, thì
tốt nhất là nên cầu hòa, hoãn binh là thượng sách, kẻo thua trận,
nước mất nhà tan thì rất nguy hại.
Vậy những sự đời như: xây nhà, đánh
trận… mà người ta còn biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế, thì hạnh
phúc vĩnh cửu nước trời và theo làm môn đệ của Chúa Giêsu là việc hệ trọng,
không phải là chuyện đùa, nên rất cần phải chuẩn bị thật tỉ mĩ và chu
đáo. Vậy ta phải chuẩn bị những gì?
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết hai phương cách cần phải chuẩn bị, đó là: là từ bỏ và vác thánh giá. Thực hiện được 2 phương cách trên, ta mới xứng đáng trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và nhờ đó mà ta mới có thể chiếm
hữu được nước trời.
Từ bỏ những gì mình yêu thích cũng đồng nghĩa với việc
vác thập giá, vì nó khiến ta cảm thấy hối tiếc bởi thấy mình bị mất mác đau thương.
Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng, tình thân…là những
thứ bên ngoài ta, xem ra còn dễ. Nhưng từ bỏ bản thân để thuộc trọn về Chúa quả
là rất khó khăn. Thật khó biết bao khi phải bỏ tính kiêu căng tự
mãn, lòng ích kỷ tham lam, bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa hoàn
toàn.
Nhưng với tình yêu và ơn ban
của Chúa, ta sẽ có đủ sức mạnh để từ bỏ được mọi sự chóng qua ở
đời này mà hướng đến những giá trị cao quý để được làm môn đệ Chúa Giêsu và
chiếm hữu được nước trời.
Tựa như các chiến sĩ, vì yêu quê
hương đất nước nên các ngài đã anh dũng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ quyền
tự chủ, độc lập và tự do. Tựa như người cha người mẹ vì yêu thương con cái đã
chấp nhận từ bỏ những thú vui riêng để hy sinh tất cả cho con cái. Giống như
các thánh tử đạo đã sẵn sàng từ bỏ mọi sự ngay cả phải hy sinh mạng sống mình
để sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa, chỉ vì yêu.
Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài đã bỏ
trời cao xuống đất thấp ở với con người. Vì yêu, Chúa đã sẵn sàng từ bỏ cả mạng
sống để cứu độ nhân loại.
Từ bỏ là dấu chứng của tình yêu. Nếu
chúng ta thực sự yêu Chúa thì tất nhiên ta phải dám từ bỏ hy sinh. Điều kỳ diệu
trong tình yêu là càng từ bỏ hy sinh dâng hiến ta lại cảm thấy niềm vui dâng
tràn bởi lẽ người mình yêu được trưởng thành và hạnh phúc thì không có phần
thưởng lớn nào sánh bằng.
Xin Chúa giúp chúng ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta
can đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới
xứng đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa và chiếm hữu được hạnh phúc nước
trời.
Suy niệm 3:
Những tiêu chí để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu:
1. Từ bỏ mình: Bỏ những thứ bên ngoài như cha mẹ anh chị, tiền bạc của cải, danh vọng chức quyền...xem ra cũng còn dễ nhưng bỏ mình, bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa và hướng dẫn của GH xem ra không dễ chút nào! Nhưng từ bỏ là quy luật tự nhiên, muốn tiến bước và đổi mới mỗi ngày nên hoàn hảo và thích ứng hơn thì cần phải từ bỏ. Từ bỏ những thứ chóng qua để đạt đến những thứ vĩnh cửu; từ bỏ những giá trị trần thế để vươn tới những giá trị cao đẹp; từ bỏ con người cũ để sống con người mới; từ bỏ tình thân để thuộc trọn về Chúa đó là những điều chúng ta cần phải đánh đổi dù có phải hy sinh từ bỏ.
2. Vác thập giá: Thập giá được xem là những gánh nặng, lao nhọc, vất vả của cuộc sống. Những thập giá có thể tự mình tạo ra; có khi do tha nhân chất lên vai ta, hay do những nghịch cảnh bất ngờ xảy đến…Song song đó chính ta cũng có thể là thập giá chất lên đời người khác. Rất co thể chồng là thập giá của vợ và ngược lại; con cái có thể là thập giá của cha mẹ và ngược lại…
Chúa Giêsu đã đến trần gian mang kiếp người,
ngoại trừ tội lỗi nên Ngài cũng đã phải đón nhận thập giá do nhân loại tội lỗi chất chồng lên. Ngài sẵn sàng đón nhận và vác lấy tiến bước lên núi sọ để đóng đinh nó vào thập giá để tiêu diệt và thánh hóa nó qua cái chết và sự phục sinh vinh quang của Ngài, đem lại ơn cứu độ cho chúng
ta: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo
mọi sự lên cùng Ta”.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta đã được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Nên chúng ta cần phải ý thức và chấp nhận từ bỏ mình với những tính hư nết xấu. Can đảm loại bỏ những tham, sân, si. Khử trừ tính mê nết xấu và những điều bất chính. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải vui vẻ đón nhận thập giá của những bổn phận hàng ngày để tiến bước theo Chúa trong yêu thương phục vụ.
Xin cho chúng ta biết an vui vác lấy thập giá bổn phận hàng ngày trong tin yêu và can đảm chấp nhận từ bỏ những gì không phù hợp với ý muốn của Chúa và giáo huấn của GH hướng dẫn để mỗi ngày ta nên xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu hơn.
Suy niệm 3: ĐA MINH TRẦN VĂN CHÍNH
Theo thuyết tiến hóa của nhà sinh
vật học người Anh là ông Charles Darwin, ông cho rằng sinh vật bắt đầu chỉ là những đơn bào,
sau đó phát triển cao hơn thành sinh vật đa bào. Sự phát triển lần lượt đi từ
đơn giản đến phức tạp, rồi theo thời gian, trong thế giới tự nhiên để cạnh
tranh sinh tồn, sinh vật phải phát triển tối ưu những gì tốt đẹp, đồng thời
phải triệt tiêu đi những gì khiếm khuyết bất lợi.
Có thể giải thích nôm na như
sau: để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, sinh vật
sẽ tự rụng đi phần đuôi quá dài cho gọn gang hơn, bởi trước đó nó quá cồng
kềnh, khiến sinh vật này chạy chậm gây bất lợi trong việc săn bắt mồi cũng như
chạy trốn khi bị kẻ khác tấn công.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng
ta nếu muốn làm môn đệ của Chúa, nghĩa là muốn nên thánh, thì phải biết từ bỏ
những gì cản trở, đồng thời phải nhận lấy thập giá mình mà vác theo Chúa. Từ bỏ
ở đây là từ bỏ đi “cái tôi” của mình và những điều gì không hợp ý Chúa, từ bỏ
đi tính kiêu căng, lòng ích kỷ, thói tham lam, tính mê nết xấu trong con người
của mình, đồng thời phải biết mang vào mình thập giá như: chịu đựng những đau
khổ, hoạn nạn, những bệnh tật trong cuộc sống… Còn phải biết nâng đỡ hỗ trợ anh
chị em về tinh thần cũng như vật chất để họ sống tốt đẹp hơn.
Nói tóm lại: người môn đệ của Chúa phải thực hiện một cách trọn vẹn đầy đủ bổn phận phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình
Lạy Chúa! Xin ban Chúa thánh Thần đến với chúng con, để Ngài soi sáng, hướng dẫn giúp chúng con biết lựa chọn những điều đẹp lòng Chúa và ra sức thực hiện, ngõ hầu chúng con xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa. Amen.
Mỗi ngày chúng ta hãy cố gắng loại
bỏ đi một tật xấu như kìm hãm lại không nói những điều không cần thiết làm ảnh
hưởng đến mối tương giao với anh chị em đang sống chung quanh chúng ta.
Thứ hai: Lc 6, 6-11
Ý nghĩa và mục đích của việc giữ luật ngày Sabat là
gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta biết trong bài tin mừng hôm nay.
Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời dạy của Chúa mà áp dụng tích cực vào đời
sống mình.
Ý nghĩa của việc nghỉ ngày Sabat được khởi đi từ ý
định của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con
người trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi. (x. St 1,1-8.27-28-2,3).
Trong dòng lịch sử dân Do Thái, dân chúng đã hiểu và
tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến cố vượt qua Biển Đỏ cách lạ
lùng, dân Do Thái đã được thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhờ sự can thiệp kỳ
diệu của Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng quá lạ lùng của Thiên Chúa nên họ đã
dành riêng một ngày Sabat để tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày
Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính nhớ tình thương tạo dựng và sự
sống do Chúa tặng ban. Nhưng trải qua dòng thời gian, ý nghĩa chính của ngày
nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai lệch, nên Chúa Giêsu muốn xác
định lại ý nghĩa và mục đích đúng đắn của ngày này là để “làm việc lành và để
cứu sống chứ không phải giết chết.” Vì thế, Chúa Giêsu đã không ngần ngại làm
việc lành, đó là vượt qua rào cản cấm kị vô lý do những người Biệt Phái đưa ra
mà ra tay cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi và ban lại cho anh ta sự
sống mới trong tâm hồn.
Ngày Sabat của người Do Thái chính là ngày Chúa nhật
của chúng ta hôm nay. Xin cho chúng ta hiểu được ý nghĩa và mục đích của việc
nghỉ ngày Chúa nhật để dành chút thời giờ sống thân tình với Chúa; quan tâm
giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật; nâng cao kiến thức đạo đời, bồi dưỡng
thể chất, tinh thần và đức tin... với tâm tình biết ơn, tin tưởng, phó thác vào
lòng thương xót của TC.
Thứ ba: Lc 6,12-19
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết được giá trị và sức mạnh
của cầu nguyện. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện, nhờ đó ta nhận ra được thánh ý của Chúa và đủ sức chu toàn tốt những bổn phận của mình trong đời sống thường ngày.
Trong suốt ba năm thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu hằng xác định: “Lương thực của Ta là làm
theo ý Cha”. Nhưng làm thế nào để biết được ý Cha nếu không cầu nguyện. Bởi cầu
nguyện chính là cách thế gặp gỡ, tiếp cận, lắng nghe để nhận
ra thánh ý của Chúa Cha; nhờ đó mà Ngài mới có thể chu toàn được sứ vụ do Chúa Cha trao phó.
Ngày sống của Chúa Giêsu dù tất bật với bao công việc, nhưng Ngài vẫn dành “giờ vàng” cho cầu nguyện. Phúc âm nhiều lần
cho biết Chúa Giêsu dành thời gian sáng sớm tinh sương để cầu nguyện: “Sáng sớm tinh
sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại
đó.” (Mc 1,35). Nhất là trong những lúc quyết định những việc hệ trọng, Chúa
Giêsu lại càng cầu nguyện cách tha thiết. Trong vườn cây dầu sắp bước vào cuộc
khổ nạn “Ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện nếu có thể được thì cho giờ đó
đi khỏi Ngài. Ngài nói: “Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này
đi khỏi Con; nhưng không phải: Con muốn gì, mà là Cha muốn gì!” (Mc 14,35-36). Khi chọn 12 tông đồ để tiếp tục sứ vụ loan báo niềm vui Tin mừng cứu
độ, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện: “Đức Giê-su đi ra núi cầu
nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)
Nhờ cầu nguyện mà những quyết định và công việc của Ngài thực hiện luôn phù
hợp với thánh ý của Chúa Cha. Nhờ cầu nguyện mà Ngài có được cuộc sống an bình cho dẫu gặp phải
nhiều chống đối thử thách. Nhờ cầu nguyện mà Ngài múc lấy được năng lượng và sức
mạnh của Chúa Cha trao ban để ra đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ và làm phép lạ không mệt
mỏi.
Xin cho chúng ta ý thức được giá
trị cao quý của cầu nguyện mà can đảm hy sinh thời gian cho việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc cầu
nguyện. Được vậy, ta mới thấy an vui trong đời sống vì có Chúa hướng dẫn và ban ơn trong mọi hoạt động của đời sống chúng ta.
Mong muốn lớn nhất của con người là được hạnh phúc
thật. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mong ước sâu xa đó? Tin mừng hôm nay
Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe và thực hành lời chỉ
dạy của Chúa để cuộc đời ta có được hạnh phúc đích thực. Xin Đức Mẹ ngự bên tòa
Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết
đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật và đâu là con đường đưa dẫn đến những
hiểm họa không ngờ.
4 cách thế mà Chúa Giêsu hướng dẫn trong đoạn tin mừng
thánh Luca hôm nay xem ra mâu thuẫn với lối suy nghĩ của thế gian. Bởi lẽ những
gì Chúa Giêsu coi là phúc thì thế gian xem đó là họa và ngược lại những gì Chúa
Giêsu xem là họa thì thế gian coi đó là phúc.
Kinh nghiệm cho thấy tiền bạc, của cải, danh vọng, lạc
thú không thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực. Đã bao vị vua quyền
lực nhất thế gian có đầy đủ những thứ mà người đời xem là hạnh phúc đều cảm
thấy bất an và đều buông bỏ lại tất cả sau cái chết. Giàu sang, danh vọng rồi
cũng mất; no đủ dư đầy mãi rồi cũng chán nản; hoan hỉ vui cười rồi cũng đau
buồn; những lời tung hô chúc tụng cũng nhạt nhòa. Vì thế gian này rồi cũng qua
đi và cuộc đời rồi cũng sẽ kết thúc.
Điều quan trọng là làm thế nào khi gặp những bất toàn,
bệnh tật, đau khổ, túng nghèo… mà vẫn có được hạnh phúc, đó mới là điều quan
trọng. Muốn có được hạnh phúc thì phải chấp nhận đón lấy những nghịch cảnh xảy
ra trong cuộc sống bằng cách tập đi vào con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi;
vì đó chính là chính lộ dẫn ta đến vinh quang phục sinh. Đó cũng chính là con đường đưa ta vào hưởng hạnh
phúc viên mãn trong nhà Cha trên trời.
Xin cho chúng có được tinh thần buông bỏ những thứ chóng qua đời này mà nắm bắt những giá trị bền lâu cao quý. Nhờ đó ta mới can đảm chấp nhận bước vào con đường hẹp, đường thập giá, đường đưa ta đến bến bờ của hạnh phúc thật.
Suy
niệm 2:
Ở đời luôn
có hai mặt thật và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người
hạnh phúc thật. Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc
giả tạo, không bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc
thật, nhưng rồi lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo,
chóng qua.
Xã hội
ngày nay, nhiều người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai
là con ngoan, ba là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu.). Thế
nhưng thực tế cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn
không tìm thấy hạnh phúc thật.
Như thế
thì tiền bạc của cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không
lấp đầy được khát vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa
đến hạnh phúc thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?
Bài tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến
hạnh phúc đích thật. Đó chính là thực thi 4 mối phúc thật.
Điều đáng
nói là con đường 4 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với
suy nghĩ thực tế của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối
với người Kitô hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều
vào tiền bạc, của cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách
mà Chúa Giêsu đề ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì
chính đạo để phục vụ tha nhân và nước Chúa.
Con đường 4 mối phúc không phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường
chính đạo. Bởi vì chính Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh
quang. Do đó muốn có hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào
khác ngoài con đường Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó
nghèo, hi sinh từ bỏ và hiến thân cho tha nhân bằng tình yêu.
Các thánh
nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước
vào con đường 4 mối phúc mà Chúa Giêsu đã vạch ra và hâm hở tiến bước
với lòng đầy niềm tin, nên tất cả đã đi đến đích điểm và đã lãnh nhận triều
thiêng vinh quang nước trời do Chúa tặng ban.
Xin
Chúa giúp chúng ta can đảm bước theo con đường các Thánh Nam Nữ đã đi,
bằng cách trung thành thực thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó chúng
ta đạt được điều mà mình hằng khao khát là hạnh phúc thật. Amen.
Thứ năm: Mt 1,1-16.18-23
08/09: KINH NHỚ SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Hôm nay GH mừng kính lễ sinh nhật
Đức Mẹ Maria, hiệp với tâm tình của Mẹ Maria, chúng ta cùng dâng lên Chúa lòng
tôn kính, yêu mến và cảm tạ vì “biết bao điều trọng đại Chúa đã làm”. Một
trong muôn điều trọng đại Chúa đã làm là ban cho chúng ta được làm người, làm
con Chúa, nhất là được đón nhận ơn cứu độ của Chúa.
Xin cho chúng ta luôn biết noi
gương Mẹ Maria biết tích cực mở lòng đón nhận mọi ơn ban của Chúa và cố gắng
chu toàn tốt bổn phận Chúa ban để loan báo niềm vui cứu độ của Chúa đến cho mọi
người.
1. Đức Giêsu dẫu là Thiên Chúa tốt lành, thánh thiện
và quyền năng vô cùng, vậy mà Ngài đã chấp nhận đi vào dòng lịch sử nhân loại
và sẵn sàng mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người
đã chấp nhận sinh ra trong một dòng tộc bao gồm đủ mọi thành phần. Trong đó có
người tốt nhưng đa phần lại là người tội lỗi, thiếu sót như: Gia-cóp dẫu là tổ
phụ nhưng đã giành quyền trưởng nam của anh mình là Ê-sau; Vua Đavít kính mến
Chúa nhưng vì ham mê sắc dục nên đã chiếm đoạt vợ của Urigia và nhẫn tâm gián
tiếp giết chết Urigia vị cận tướng trung tín với ngài; Vua Salômôn dẫu Chúa ban
cho ơn khôn ngoan tột đỉnh nhưng không tránh được lối sống sa đọa; bà Rút là
phụ nữ dân ngoại; cô Tama lại là gái điếm; bà Bathsheba vợ của ông Urigia,
người đàn bà chấp nhận chung sống bất hợp pháp với vua Đavít … Khi đi vào dòng
tộc như thế, Chúa Giêsu muốn chung chia kiếp người và để cứu độ con người.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra cũng được Thiên Chúa
đặt vào trong một quốc gia, một dòng tộc và sống trong một hoàn cảnh gia đình
khác nhau. Nơi ấy có người tốt và người xấu; môi trường đó có khi thuận lợi
nhưng có khi bất lợi.
Xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng đón nhận tất cả mọi người và mọi nghịch cảnh nơi môi trường chúng ta đang sống với niềm tin tưởng và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
2. Để trở nên “Đấng
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã chọn
Đức Maria và mời gọi Mẹ cộng tác với Ngài trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng
Cứu Thế. Cho dẫu Mẹ không hiểu rõ về tất cả diễn tiến trong đường lối của Chúa,
nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng “xin vâng” theo thánh ý Chúa, cho dẫu gặp phải muôn vàn
khó khăn đau khổ phía trước, Mẹ đã can đảm đón nhận tất cả và cố gắng chu toàn
sứ mạng Chúa trao một cách xuất sắc. Cũng thế do tình thương và sự quan phòng
của Chúa, mỗi người chúng ta cũng được Chúa cho sinh ra trên trần gian này như
Mẹ Maria, Chúa cũng trao ban mỗi người chúng ta ơn được làm người, làm con Chúa
với những bổn phận và sứ mạng có thể khác nhau… Nhưng sứ mạng nào cũng cao quý
và bổn phận nào cũng quan trọng, bởi lẽ sứ mạng và bổn phận nào cũng nói lên kế
hoạch tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho ta.
Vậy xin Chúa cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria luôn trân trọng sứ mạng Chúa trao ban và ý thức chu toàn tốt nhất bổn phận của mình cách tốt nhất có thể trước mặt Chúa, với niềm hy vọng mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn theo gương Mẹ Maria trinh trong theo lời mời gọi của Chúa: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 3,48).
Thứ năm: Lc 6, 27-38.
Đâu là những tiêu chí cần thiết để trở nên con cái
Đấng tối cao và xứng đáng nhận lãnh phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng?
Thưa đó là:
1. “Hãy yêu
thương địch thù và làm ơn cho những kẻ ghét mình".
2. “Hãy chúc
phúc cho những kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình…”.
Thực hiện những tiêu chí ấy do Chúa Giêsu đòi hỏi
không phải là điều dễ dàng. Rất khó! Khó nhưng không phải là không thể, bởi lẽ
chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Ngài đã yêu thương đến tận cùng
bằng cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao thập giá, Ngài đã tha
thứ cho những kẻ giết hại Ngài và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chúng: “Xin tha
cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23, 34).
Ngài còn hướng chúng ta đến mẫu gương cội nguồn Tình
yêu nơi Thiên Chúa. Một tình yêu phổ quát, dành cho hết mọi loài và mọi người
không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo. Không giới hạn giới tính nam hay
nữ; hoàn cảnh giàu hay nghèo; tình trạng tốt hay xấu… tất cả đều được Ngài yêu
thương và chúc lành.
Tình yêu của Chúa tựa như "mặt trời mọc lên cho
người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết cũng như kẻ bất
lương" (x. Mt 5, 45). Tình yêu cao vời ấy luôn thôi thúc và vẫy gọi chúng
ta bước theo để xứng danh là môn đệ Chúa và được xem là cao quý hơn những con
người tội lỗi.
Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tuyển
chọn vào đoàn dân thánh và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta
biết nghe theo lời dạy của Chúa Giêsu để luôn sống: bao dung- tha thứ, quảng
đại- hy sinh cho hết mọi người, nhất là kẻ thù nghịch với chúng ta. Nhờ đó ta
mới xứng danh là con cái Đấng Tối Cao, và đón nhận được phần thưởng lớn lao do
Thiên Chúa ban tặng.
Thứ sáu: Lc 6, 39-42
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán và lên án người khác.
Xin cho chúng ta
biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều thiếu sót và lầm lỗi mà biết lo
sửa đổi để mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thích xét đoán người khác, bởi lẽ:
- Ta luôn nghĩ mình giỏi hơn, hay hơn, tốt hơn, hiểu biết và thánh thiện hơn người
khác.
- Do tính ác nằm sẵn trong con người ta bởi ảnh hưởng tội nguyên tổ. Đúng như Tuân Tử đã nói: "Nhân
tri sơ tính bản ác."
- Do cái tôi của ta quá lớn nên ta thích thống trị và hạ bệ người khác để nâng
bốc mình lên.
Thật vậy, khi xét đoán ai đó là ta tự đặt mình lên
trên người ấy, muốn được người khác nhìn nhận, quy phục và ngợi khen ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chớ nên xét đoán người
khác bởi vì:
- Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là
Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán người
thân cận?” (Gc 5,12).
- Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những
thiếu sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn
người khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt
của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái
“xà” trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
- “Cầm đuốt mà rê chân người”; “Bới lông tìm vết", " vạch
lá tìm sâu”…Đó là căn bệnh nguy hại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng
ta. Nhưng hãy nhớ lời Chúa dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa
xét đoán”, để đừng bao giờ tìm cách bươi móc lầm lỗi của người khác, rồi kết án buộc
tội, làm như vậy chắc chắn ta sẽ bị Thiên Chúa kết án.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ
tước quyền của Thiên Chúa mà xét đoán và lên án anh em mình; cũng đừng bao giờ
đồng lõa hùa theo người khác để rồi nói xấu bôi nhọ hay lên mặt dạy đời người khác. Trái lại cho
chúng ta biết can đảm nói điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng
mặt. Làm thế, ta mới được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “anh em đong đấu nào, thì
Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy”.
Thứ bảy: Lc 6, 43-49
Thống nhất đời sống là bước đầu tiên để tiến tới hoàn
thiện. Đó là điều mà Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ cũng như mỗi chúng ta
qua bài Tin mừng hôm nay.
Có thể nói con đường xa nhất là con đường từ đầu đến
tay. Ước muốn thì nhiều, nhưng biến ước muốn thành hành động thì cả là một
quảng đường dài. Cũng vậy nghe mà hiểu đã là khó, huống chi đem ra áp dụng vào
cuộc sống quả là một quá trình dài hơi và lắm chông gai. Chính vì thế mà Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta hãy nỗ lực để thống nhất đời sống bằng cách đem Lời Chúa
ra thực hành?
Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cụ thể để diễn đạt ý
tưởng này:
- Xem quả thì biết cây. Quả tốt phải được phát sinh từ
cây tốt. Cây nào thì quả đó. Hành vi được xem là tốt, khi nó phải phát sinh từ
ý tưởng đẹp. Còn nếu hành động xem ra xấu là do nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ
xấu, vì « tư tưởng biến thành hành động ; lòng đầy miệng mới nói ra », rất nguy
hại đến mình và cho người. Nên cần lắm thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.
Những người Pharisêu chính bởi không thống nhất giữa ý
tưởng bên trong và hành vi bên ngoài nên đã bị Chúa Giêsu khiển trách nặng lời
về lối sống giả hình của họ. Hạt giống Lời Chúa thì luôn luôn tốt. Hãy gieo hạt
Lời Chúa vào trong tâm hồn mình và hằng ngày chăm sóc vun tưới hạt giống ấy qua
việc lắng nghe, học hỏi và suy niệm thì hạt giống Lời Chúa mới phát triển và
đâm hoa kết trái tốt đẹp qua những hành động tốt đẹp được.
- Nhà trên nền đá. Tựa như xây nhà trên nền đá vững
chắc, thì cho dù mưa sa giống tố và nước ùa vào cũng không làm lay chuyển được.
Cũng vậy, nếu ngôi nhà tâm hồn chúng ta được xây bằng vật liệu vững chắc là Lời
Chúa, thì cho dù cuộc đời mình có gặp phải những gian nan thử thách hay phải
đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt, thì ngôi nhà đức tin của ta mới mong
được đứng vững.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức được
tầm quan trọng của Lời Chúa để yêu mến học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh sống
của mình qua những việc làm cụ thể. Nhờ đó cây đời của chúng ta mới trỗ sinh
được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho đời và cho người.
* TẾT TRUNG THU: Hc 42, 15-16; 43,1-2.6-10; Mc 10, 13-16.
Kính thưa
cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt các con thiếu
nhi quý mến!
Hôm
nay, rằm tháng 8 âm lịch, Tết
Trung thu và là ngày hội của
Thiếu nhi. Thật là chính đáng và phải đạo
khi chúng ta cùng qui tụ bên nhau để tạ ơn và dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tôn vinh bởi chính Ngài đã tạo dựng đất trời cũng như những công trình tuyệt mỹ, nhờ đó mà chúng ta có
ngày hội trông trăng.
Nguyện
xin Thiên Chúa quyền năng
ban xuống trên tất cả mọi người, đặc biệt là các em thiếu nhi trong Họ đạo Sóc
Trăng chúng ta có được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên, ngoan ngoãn và luôn biết tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Xin cho các em ngày càng nên giống Chúa Giêsu tuổi thơ hơn để “càng thêm
tuổi các em càng khôn ngoan, nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người đời.”
Xin
Chúa cũng ban muôn vàn phúc lành trên Quí Cha, Quí Dì, Cha Mẹ, Quí Thầy Cô, các anh chị
GLV, quý Ân Nhân và tất cả những ai đã giúp cho niềm vui Trung Thu hôm nay của
các em được trọn vẹn.
Để được vào Nước Trời, cần phải có điều
kiện như thế nào? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta qua bài Tin
mừng hôm nay.
Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ.
Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải
có tinh thần trẻ nhỏ.
- Vì trẻ nhỏ luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng.
Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, luôn nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc
dù đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu
lầm.
- Vì trẻ nhỏ luôn cảm thấy mình yếu đuối nên
luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin
tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao
vất vả.
- Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới
hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người
lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn lắng nghe lời Chúa.
Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự
thinh lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý Chúa qua
việc lắng nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúng ta cũng có thể biết
được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên
răn chân tình của tha nhân.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh
thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh
thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng
Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêxa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của
ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh,
con đường để được vào Nước Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa
con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm
lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến
ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong
luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé
nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối
của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả
năng, sức lực, trí khôn như một đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách
làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước
mặt Chúa, chúng con chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa chúng con
chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả
cũng là ơn Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc
đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha mẹ để sau cuộc đời
dương thế này, chúng con sẽ quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với
Chúa.
LỜI KHAI MẠC ĐÊM VĂN NGHỆ TẾT TRUNG THU
Kính thưa quý Cha, quý Soeurs, quý HĐMVGX, quý ân nhân và tất cả quý ông bà
anh chị em…
Hoà chung không khí tưng bừng của ngày hội trăng rằm, tối hôm nay chúng ta
quy tụ về đây để cùng chung chia niềm vui cùng với các em thiếu nhi và dâng
Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ. Vì Ngài đã dựng nên đất trời, tứ thời bát tiết và
ánh trăng tuyệt mỹ để tặng ban cho chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta và các em mới
có được một ngày hội vui trung thu dưới ánh trăng rằm. Đứng trước huyền nhiệm
tình yêu quá cao vời của TC, chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Chúa lời chúc
tụng, tôn vinh vì những điều tuyệt diệu Chúa tặng ban cho chúng ta.
Là những người con Chúa, trung thu không chỉ là ngày hội mà còn là ngày lễ.
Vì thế trong dịp này, chúng ta không quên chúc mừng và nguyện xin cho các em
luôn có được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi thơ, cho dẫu mai
đây các em có khôn lớn, có chắp cánh vào đời, các em vẫn luôn giữ mãi những kỷ
niệm đẹp của tuổi thơ đi qua.
Chúng ta cũng không quên cám ơn tình thương của bao người hằng bao bọc các
em, trong đó có các bậc làm Cha Mẹ, ÔB; quý cha, quý Srs, HĐMVGX, quý thầy cô,
các anh chị GLV, cũng như tất cả các vị ân nhân, thân nhân . . . đã tích cực
hiệp hành cùng các em trong mọi bước đường ơn gọi làm người và làm con
Chúa.
Nguyện xin Chúa ban muôn phúc lành trên những ai đã quảng đại hy sinh góp
phần làm cho đêm hội trăng rằm hôm nay nên trọn niềm vui.
Thay lời cho ban tổ chức, tôi xin chúc mọi người đặc biệt các em thiếu nhi
có được một đêm lễ hội trung thu tràn ngập niềm vui và bình an trong Chúa Giêsu
tình thương.
Với những ý nghĩa và tâm tình đó, giờ đây tôi xin tuyên bố khai mạc đêm hội
trăng rằm Tết Trung Thu 2022 với chủ đề: “VẦNG TRĂNG HIỆP NHẤT”. Xin trân trọng
cám ơn!