Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN C

Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12, 49-53

Sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian là gì? Và tại sao mâu thuẫn lại xảy ra giữa các thành viên sống trong cùng một gia đình? Hai thắc mắc này sẽ được Chúa Giêsu giải đáp một cách rõ ràng qua bài Tin mừng hôm nay.

Bài Tin mừng hôm nay chia làm 2 phần:

1. Phần thứ nhất nói đến sứ mạng của Chúa Giêsu khi đến trần gian.

Sứ mạng mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay là đem lửa xuống thế gian. Lửa ấy là tình yêu, lửa nung nấu của CTT. Nhưng để hoàn tất sứ mạng truyền lửa ấy, Chúa Giêsu sẽ phải trãi qua một phép rửa, đó là chấp nhận chịu chết đau thương để sống lại trong vinh quang.

2. Phần thứ hai Chúa Giêsu nói về sự chia rẽ sẽ xảy ra giữa những người trong cùng một gia đình.

Chắn chắn Chúa Giêsu không đem sự chia rẽ vào thế gian này bởi vì Người chính là hoàng tử Hòa Bình. Nhưng sở dĩ có sự chia rẽ là vì con người có quyền tự do tiếp nhận hay từ chối lửa mà Chúa Giêsu đem đến. Chính vì thế mà có sự chia rẽ và chống đối nhau giữa những người thân thuộc sống chung cùng một gia đình.

- Nhìn vào tình hình thế giới hiện nay, ta thấy bóng tối vẫn còn bao phủ trên nhân loại. Bóng tối chết chóc vì chiến tranh, hận thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc và của nền văn hóa sự chết…  

Trong thế giới văn minh hiện đại như ngày nay vậy mà vẫn còn có những người đang say máu giết hại thai nhi và đồng bào của mình. Vẫn có đó những thế lực đen tối ngấm ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc và tôn giáo.

- Nhìn vào gia đình hôm nay, ta nhận thấy vẫn còn đó quá nhiều thách đố như: khoảng cách chênh lệch giàu và nghèo; thành thị và nông thôn; tình trạng di dân bùng nổ làm thay đổi môi trường và cung cách sống. Chủ nghĩa duy tương đối lên ngôi đưa đến lối sống ích kỷ và phóng túng và đánh mất chân lý...

Tất cả các vấn nạn trên chính là nguyên nhân gây ra những rạn nứt gia đình, làm phá vở tình liên đới giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Đưa đến tình trạng li thân, li dị ngày càng cao tạo ra mâu thuẫn giữa chồng-vợ, cha mẹ-con cái và anh em với nhau ngày càng gia tăng.

Sống trong môi trường của xã hội và gia đình vẫn còn đó những bóng tối bao phủ như thế, hơn lúc nào hết lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị luôn thôi thúc mỗi người chúng ta hãy can đảm thắp lên ngọn lửa của bao dung tha thứ; của tình yêu phục vụ, của khiêm tốn hy sinh, của sư thật và chân lý... cho dù phải lội ngược dòng và lắm khi còn phải trả giá bởi sự thù ghét, chống đối và bách hại của những con người muốn chống đối lại những giá trị của Tin mừng.

Xin cho chúng ta biết can đảm thắp lên ngọn lửa của niềm vui Tin mừng mà Chúa Giêsu mang đến trần gian này. Hy vọng với ngọn lửa bao dung tha thứ, của hy sinh phục vụ, của yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu thắp lên được cháy sáng và lan tỏa khắp nơi, nhằm xua tan đi những bóng tối của chia rẽ, đau khổ và chết chóc còn đang vây kín nơi gia đình và trong thế giới hôm nay. Amen.


Suy niệm 2:

Một đạo sĩ ấn độ hỏi các đệ tử: “các con có biết khi nào đêm tàn và ngày xuất hiện không?” Các môn đệ thi nhau trả lời. Có người nói: “Thưa Thày, có phải khi nhìn một đoàn vật từ xa, người ta có thể phân biệt được con nào là con bò, con nào là con trâu không?”

Thày lắc đầu bảo: “Không phải”.

Một đệ tử khác lại hỏi: “Thưa Thày, có phải khi nhìn vào vườn cây từ xa, người ta có thể phân biệt cây nào là cây xoài, cây nào là cây mít không ?”

Thầy cũng lắc đầu bảo: không phải”

Rốt cùng, không đệ tử nào trả lời được câu hỏi ấy của thầy. Khi đó, vị đạo sĩ mới từ từ nói: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em của mình”.

Trong cuộc sống chúng ta, có nhiều loại ánh sáng như: ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn điện, đèn dầu, đèn cầy. Cả những ánh sáng tinh vi như tia hồng ngoại, tia X. Nhưng tất cả những loại ánh sáng ấy chỉ soi sáng cho chúng ta thấy hình dáng bên ngoài của sự vật hay sự việc. Còn ánh sáng mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay là làn ánh sáng phát xuất từ trái tim. Làn ánh sáng này là của tình thương tha thứ. Là ánh sáng của hy sinh quên mình, của đỡ nâng chia sẻ, ánh sáng của tha thứ xóa tan hận thù. Những làn ánh sáng này sẽ giúp chúng ta nhận ra mọi người là anh chị em của mình.

Chính Chúa Giêsu đã mang những làn ánh sáng ấy xuống trần gian. Nên Người nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Lời ước mong của Chúa thật tha thiết. Nhưng cũng pha chút ngậm ngùi. “Phải chi lửa ấy đã bùng lên”, bởi lẽ lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan tỏa ra xa!

Thế giới vẫn còn đó những cuộc chiến tranh đang xảy ra. Bởi vì con người chưa nhìn nhận nhau là anh chị em. Những người sống đức tin nhưng chúng ta vẫn chưa biết tha thứ cho nhau như Chúa đã dạy. Cuộc sống vẫn còn cạnh tranh, đố kỵ. Bóng tối của ghen gét, hận thù, ích kỉ vẫn còn bao trùm trái tim, cuộc đời của chúng ta.

Hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Vậy chúng ta hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương của Chúa bừng lên để đẩy lui bóng tối của chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy hãy tích cực thắp lên ngọn lửa của ánh sáng yêu thương, bao dung, chia sẻ, để xóa đi bóng tối của nhỏ nhen, ích kỷ. Hãy để cho ánh sáng của ngày mới giúp chúng ta bước đi vững vàng trong quên mình hy sinh phục vụ khởi đi từ trái tim chan hòa tình yêu thương như trái tim Chúa dành cho ta.

Lạy Chúa, xin đốt lên trong trái tim chúng con ngọn lửa yêu thương của Chúa, và xin hãy dẫn chúng con biết đi trên con đường yêu thương ấy. Amen.


Thứ hai: Mt 19, 16-22.

Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy? Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách thức để đạt đến khát vọng cao quý ấy.

Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý (tuyên xưng đức tin), luân lý (sống đức tin), bí tích (cử hành đức tin) và cầu nguyện (đức tin cầu nguyện). Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú trọng đến phần luân lý (sống đức tin) mà ít quan tâm đến phần tín lý (tuyên xưng) và những phần còn lại nên có sự sai lệch trong cái nhìn và cách sống đạo.

Nền luân lý Công giáo luôn nhấn mạnh đến Mục đích và Phương tiện phải song hành trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều đúng và trúng. Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng và trúng thì hành vi đó bị xem là sai lạc.

Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèohoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an tử thì không đúng, vì làm như thế là ta đã xử dụng phương tiện sai trái để biện minh cho mục đích tốt. Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết cho mình hay cho người khác.

Anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải hình như không phải là phương thế thật sự để đưa anh đạt đến vinh quang nước trời. Vì thế anh ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Thật bất ngờ với lời đề nghị của Chúa Giêsu: "hãy bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó...rồi đến theo Ta". Như vậy yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.

Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng vô hồn, nhưng là phải tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa.

Tin Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tất cả …mà theo Ta”.

Yêu người, là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.

Lạy Chúa, cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa với tấm lòng yêu mến; và biết yêu thương tha nhân bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Nhờ đó, chúng con mới có được hạnh phúc ở đời này và cả đời sau. Amen

 

* 15/08: ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÊN TRỜI. Lễ Trọng cầu cho giáo dân.

Kh 11,19a;21.1-6a.10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56

Suy niệm 1:

Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu quý bao giờ!

Tuy nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống xứng danh là con yêu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu Mẹ không gì khác hơn là chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa đã dạy.

- Yêu Chúa: Đức Maria đã luôn khiêm tốn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy: “ Vâng này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1,38 ).

. Yêu Chúa: Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu.

. Yêu Chúa: Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….” (Mc 8,34).

- Yêu người: Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.

. Yêu người: Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ "vội vả lên đường" thăm viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Elizabeth trong lúc sắp sinh nở. Quả là một hy sinh lớn lao!

. Yêu người: Mẹ đã nhận thánh Gioan (đại biểu nhân loại) làm con Mẹ, cho dẫu trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.

Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.

Có thể nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách Khải huyền hôm nay là hình ảnh tập chú về Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi đền thờ Thiên Chúa cao sang. Nhưng bên cạnh đó, Mẹ cũng phải đối diện với bao nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ. Như vậy, bên cạnh hạnh phúc vinh quang nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa mới bay cao, bay xa vào cỏi vinh quang sáng ngời.

Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì“nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22). Nhất là luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria, hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời. Xin Mẹ thương giúp chúng con!

 

Suy niệm 2:

Vi-rus tội nguyên tổ đã làm cho khoảng cách giữa trời và đất, Thiên Chúa và con người xa cách vời vợi, không thể kết nối lại được; và đau khổ sự chết tưởng chừng như không thể hóa giải! Nhưng đó chỉ là lối suy nghĩ của con người, còn “đối với TC mọi sự đều có thể.” (Mc10, 27).

Quả vậy, đã mang trong mình Virus tội lỗi thì ai cũng phải chịu đau khổ và mang án tử. Nên cần được tiêm ngừa những loại Vaccine phù hợp thì mới hy vọng được giải cứu. Nếu Virus  SARS-CoV-2 cần đến những loại Vaccine đặc chủng để đề kháng, thì Virus tội lỗi rất cần đến một loại Vaccine hiệu quả để khử trừ. 

Vì TC không nỡ để cho nhân loại được tạo nên giống hình ảnh Ngài phải chết trong tội lỗi và đau khổ đến muôn đời, nên TC đã thương ban cho thế gian một loại Vaccine biệt loại, có sức đề kháng hiệu quả, đó chính là Vaccine “Giêsu Kitô”.

Đức Giêsu Kitô vì yêu thương nhân loại nên đã nhập thế, nhập thể làm người và ở giữa chúng ta. Ngài chấp nhận đồng thân, đồng phận và đồng tử như chúng ta, cho dẫu Ngài không hề thấm nhiễm bởi Virus tội lỗi do ma quỷ tạo ra. Hơn thế nữa, Ngài còn sẵn sàng hy sinh chịu nhiều nhiều đau khổ và chết đau thương trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, đúng như lời thánh Gioan đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” (Ga15,13). Cho dẫu Virus tội lỗi có mạnh đến đâu thì cũng không làm chủ được Ngài, nên sau khi chết, Ngài đã sống lại khải hoàn, diệt trừ Virus tội lỗi và sự chết, đem lại cho nhân loại sự sống mới dồi dào. Từ đó mở ngõ cho niềm hy vọng vào sự phục sinh vinh phúc cho toàn thể thế nhân.

Nơi Đức Giêsu-Kitô, giờ đây khoảng cách giữa trời cao và đất thấp giờ không còn xa cách, ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người không còn giới hạn, đau khổ và sự chết đã được hóa giải. 

Như vậy, để vượt thắng đau khổ và sự chết do Virus tội lỗi gây ra, nhân loại cần phải tiêm vào đời mình loại Vaccine mang thương hiệu Giêsu Kitô. Ý thức điều đó, Đức Maria đã chấp nhận để cho TC tiêm vào đời mình Vaccine ấy bằng hai tiếng “xin vâng”. Với hai tiếng xin vâng, Đức Maria đã nói lên tất cả lòng tin tưởng, phó thác vào quyền năng của TC. 

Đón nhận cưu mang Đức Giêsu Kitô vào cung lòng cũng có nghĩa là Đức Maria đã để cho Đức Giêsu Kitô đi vào và gắn kết với đời mình, dẫu biết rằng tâm hồn mình sẽ phải bị lưỡi gươm đâu thấu như lời cụ già Simion tiên báo. Nhưng vì tình yêu và ơn cứu độ của TC, Đức Maria sẵn sàng đón nhận tất cả. Nhờ đó mà ơn cứu độ đã đến thế gian và qua đó cơ thể Đức Maria cũng được miễn nhiễm hoàn toàn tội lỗi. Nên sau cuộc đời trần gian khổ ải, Mẹ đã được TC vinh thăng cả hồn lẫn xác vào cõi trời vinh phúc.

Mừng trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Mẹ nơi tòa cao vinh hiển “chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn” mà cứu giúp chúng ta qua khỏi cơn đại dịch Covid-thiếu 19 này.

Xin Mẹ thương gìn giữ chúng ta vượt thắng mọi tội lỗi và sự dữ; cho chúng ta luôn biết noi gương Mẹ sống khiêm tốn lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Với tình mẫu tử, tin chắc Mẹ không bao giờ bỏ rơi chúng ta là những người con yêu dấu của Mẹ. Chỉ xin cho chúng ta hằng biết nghe lời nhắn nhủ của Mẹ là: "Ăn năn sám hối, tôn sùng mẫu tâm, và siêng năng lần hạt mân côi!" Làm theo lời Mẹ dạy, Virus tội lỗi mới có thể bị diệt trừ, nhường chỗ cho niềm vui và hạnh phúc hôm nay và cõi trời cùng với Mẹ mai sau. Amen

 

Thứ ba: Mt 19, 23-30

Tiếp nối bài tin mừng hôm qua, sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản của mình để đổi lấy sự hoàn thiện (hay sự sống đời đời) thì ngay sau đó, Chúa Giêsu đưa ra kết luận: “người giàu có khó vào được Nước Trời”. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn cho biết phần thưởng lớn lao cho những ai dám chấp nhận từ bỏ mọi sự vì danh Ngài. Đó là sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng với phương châm "có qua có lại mới toại lòng nhau". Nên tông đồ Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: “chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”.

Tin tưởng vào Đức Giêsu là Chúa uy quyền và giàu tình thương nên Ngài sẽ không để cho những ai theo Ngài phải chịu thiệt thòi. Chắc chắn Ngài sẽ ban lại cho những ai dám từ bỏ, hy sinh và cho đi vì Ngài một phần thưởng lớn lao hơn, đó là “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây quả là một phần thưởng cao quý mà lòng người chẳng dám ước mong.

Ngày hôm nay, nếu ai đó bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa, ruộng đất… mà theo Chúa thì bị xem là người không bình thường, mất tính nhân bản vì đi ngược lại với đạo lý làm người. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đúng như thế, nhưng việc theo Chúa không phải hiểu như thế. Theo Chúa là biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, làm lẽ sống cho đời ta, còn những giá trị khác ngoài Chúa chỉ là thứ yếu. Bởi lẽ nếu xét cho đến cùng thì mọi thứ trên trần gian này đều do Chúa dựng nên và tất cả cũng chỉ là phù vân, tạm bợ, chóng qua... Duy chỉ có mình Chúa và nước trời mới là vĩnh hằng và hạnh phúc thật. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở chúng ta đừng quá bám víu vào của cải, vật chất, tiền bạc... như người thanh niên giàu có, mà loại trừ Chúa ra khỏi những chọn lựa ưu tiên trong đời sống của mình.

Lạy Chúa, xã hội càng ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà cuộc sống con người cũng được cải thiện và sung túc hơn. Nhưng chính vì thế mà con người ngày nay dễ dàng quên và xa Chúa do không cưỡng lại sức hút của đồng tiền. Xin Chúa đừng để chúng con sa vào ma lực của đồng tiền mà xa rời bước đường theo Chúa và lý tưởng hạnh phúc nước trời.


Suy niệm 2:

Xét cho cùng khao khát và ước muốn sâu xa nhất của con người vẫn là được sống đời đời hay hạnh phúc nước trời. Vậy phương thế nào giúp chúng ta đạt được nỗi khát khao ấy? Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết.

Tin mừng hôm nay đề cập đến hai vấn đề rất thiết thực với đời sống người Kitô hữu chúng ta:

1. Vào nước trời khó hay dễ?

Chúa Giêsu khẳng định: Vào được nước trời là một điều không dễ và rất khó cho những ai giàu có. Khó không bởi đường xa vạn dặm không vì núi non điệp trùng hay sông sâu hiểm trở, nhưng khó vì lòng người còn yếu đuối hay thay đổi: nay tốt mai xấu, hôm nay thánh thiện ngày mai tội lỗi…Khó là bởi vì lòng người còn nhiều tính hư tật xấu với những tham sân si (tham lam, nóng giận, đam mê bất chính). Nhất là luôn tự cao tự mãn, luôn đặt cái tôi lên trên cái ta, chỉ biết mình chứ không người, thu vén cho mình mà không dám cho đi vì tình thương…thì thật khó vào nước trời biết bao! Tuy nhiên nếu giàu có mà biết sống tình bác ái cho đi quảng đại với niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa thì mọi việc đều có thể.

2. Phần thưởng Chúa hứa ban cho những ai dám hy sinh dấn bước theo Chúa.

Bỏ hết mọi sự theo Chúa thì được gì? tính toán được mất, hơn thua không chỉ là suy nghĩ thường tình của người đời mà còn là suy nghĩ của những môn đệ Chúa. Chính vì thế mà Phêrô đặt vấn đề này với Chúa Giêsu: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con được gì?”.

Thưa nếu vì yêu Chúa và cho Chúa mà ta đánh đổi mọi thứ trần gian này như: sức khỏe, thời gian, của cải, tiền bạc, danh vọng, ngay cả tình thân…thì Chúa hứa sẽ ban lại cho chúng ta gấp trăm ở đời và sự sống vĩnh cửu đời sau. Kinh nghiệm của những người dám hy sinh bỏ lại tất cả để dấn thân theo Chúa trên hành trên ơn gọi tận hiến cho thấy điều đó. Và phần thưởng ấy các môn đệ Chúa cũng đã lãnh nhận với niềm hạnh phúc viên mãn trong nước trời.

Xin cho chúng ta dám từ bỏ những gì ngăn cản chúng ta đến gần với Chúa và tha nhân, và xin Chúa cũng cho chúng ta biết đặt Chúa làm lẽ sống và cùng đích của cuộc đời, để ta dám dấn thân bước theo Chúa và sống cho Chúa.

 

Thứ tư: Mt 20, 1-16a.

Thiên Chúa là Đấng công bằng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương vô cùng. Đó là chân lý mà lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta qua dụ ngôn những người làm vườn nho.

1. Thiên Chúa rất ư là công bằng.

Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.

Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, ta thấy việc trả công của ông quá ư là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ đã làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao?

Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng. Do đó, Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng "vì nếu chấp tội nào ai đứng vững".

2. Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót.

Thiên Chúa của chúng ta không chỉ công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi. Bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm. Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm. Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai. Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông, đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người. Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.

Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết sức trước tình yêu mời gọi của Người.

Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.

 

Thứ năm: Mt 22, 1-14.

Dụ ngôn tiệc cưới cho hoàng tử mà Chúa Giêsu nói đến trong đoạn tin mừng hôm nay hơi lạ.

Lạ vì những người được nhà vua ưu ái mời đến đều từ chối vì nhiều lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”.

Lạ là sau khi những người được mời khướt từ thì vua lại sai đầy tớ ra các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu vào tham dự tiệc cưới.

Lạ vì bất ngờ nhà vua lại trừng phạt nặng nề đối với người không mặc y phục lễ cưới “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!”. Chính vì những điều lạ như thế nên ta hiểu rằng đây không phải là tiệc cưới bình thường mà là tiệc cưới nước trời.

Bàn tiệc nước trời được mở ra và lời mời gọi của Chúa được gửi đến tất cả mọi người. Được tham dự bữa tiệc nước trời là khao khát lớn nhất của con người. Tuy nhiên để xứng đáng tham dự vào bữa tiệc ấy, cần phải hội đủ hai điều kiện:

- Biết trân quý lời mời gọi của Chúa mà tích cực đáp lại.

- Phải “mặc y phục lễ cưới”. Nghĩa là mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô là sống công chính và thánh thiện: “Anh em hãy mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4,24).

Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa qua việc siêng năng đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể do Chính Chúa Giêsu thết đãi hằng ngày trên bàn thờ và luôn sống công chính, thánh thiện trước thiên nhan Chúa hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho việc tham dự vào bữa tiệc viên mãn trong nước trời mai ngày.

 

Thứ sáu: Mt 22, 34-40

Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu ngổn ngang những luật lệ, khiến dân chúng không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Ngay cả những người Biệt phái còn cảm thấy rối não huống chi là giới bình dân. Tận dụng cơ hội ấy để làm bẻ mặt Chúa Giêsu, nhóm Biệt phái đã cử một người thông luật đến với Chúa Giêsu để hỏi thử xem điều luật nào là quan trọng nhất? Với câu hỏi ấy, họ không nhằm tìm hiểu chân lý cho bằng nhắm đến hai mục tiêu:

1. Thử xem trình độ am hiểu về thánh kinh luật lệ của Chúa Giêsu ra sao? Để bắt bẻ và hạ nhục nếu Người không giải thích thỏa đáng.

2. Nhân dịp này, họ cũng biết được Chúa Giêsu đang đứng về phe nhóm nào? Bởi lẽ, thời bấy giờ có khá nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ.

Chúa Giêsu dư biết dã tâm của họ. Nhưng vì muốn xác định lại tính chất tinh tuyền của lề luật nên Chúa Giêsu đã trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ-nhị-luật và một trong sách Lê-vi để trả lời cho họ: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.”(Đnl 6, 5). Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Rồi Người kết luận: “Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Như vậy là đã rõ, điều luật quan trọng nhất mà TC ban cho nhân loại chính là tình yêu…

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa phải chân thành và luôn trung thành, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận. Tình yêu ấy phải được hướng dẫn bởi những tài năng của linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do; chứ không phải là tình yêu mù quáng.

-   Yêu thương người khác như chính mình nghĩa là phải đối xử với người khác cùng một “tình yêu” như ta đã xử với bản thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta quy hướng đến tình yêu “như Chúa yêu”. Đó là một tình yêu phổ quát dành cho hết mọi người. Đó là một tình yêu trao ban nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng cho tha nhân: “người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được...”. Và trên hết đó là một tình yêu hy hiến, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì tha nhân với mong muốn tha nhân được hạnh phúc, vui sướng và "được sống dồi dào". 

Lạy Chúa, yêu Chúa thì còn dễ nhưng yêu người khác như chính mình quả là khó; mà yêu người khác như Chúa yêu thật khó biết bao nếu không có ơn Chúa giúp. Xin Chúa ban ơn giúp sức và đong đầy sức mạnh tình yêu của Chúa vào trong tâm hồn chúng con, để mỗi người chúng con can đảm sống và ứng xử với nhau bằng chính tình yêu như Chúa yêu chúng con. Amen.

 

Thứ bảy: Mt 23, 1-12

Nhớ thánh Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ Hội thánh.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lên án lối sống giả hình của các Kinh sư và Biệt phái. Qua đó Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thành thật trước Chúa, chân thành với mọi người và ngay chính với lương tâm.

Tin mừng luôn cho biết: Chúa Giêsu rất yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những tội nhân biết khiêm tốn ăn năn sám hối. Nhưng Chúa Giêsu cũng rất cứng rắn lên án mạnh mẽ lối sống giả hìnhkiêu căng của những kinh sư và biệt phái.

- Giả hình vì họ không dám sống thật với lòng mình. Họ nói mà không làm, hay nói một đàng làm một nẻo. Cuộc sống họ không thống nhất giữa cái “là” và cái “làm”, nên Chúa Giêsu cảnh tỉnh mọi người “những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ; vì họ nói mà không làm”.

- Kiêu căng của họ được bộc lộ ra bởi nhiều hình thức khác nhau:

. Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người có học thức và am tường lề luật nên họ đã tùy tiện giải thích và đặt ra nhiều luật lệ theo ý riêng của mình, vô tình luật trở thành gánh nặng cho dân chúng.

. Để chứng tỏ cho mọi người thấy họ là những người đạo đức nên họ không ngần ngại bao bọc chung quanh cuộc sống của họ bằng nhiều hình thức đạo đức bên ngoài: “Nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo...”.

. Với mong muốn được mọi người trọng vọng, họ tự đặt mình vào vị trí cao nhất trong đám tiệc, cũng như ngồi vào ghế đầu trong hội đường. Nhất là rất thích thú khi được người ta bái chào ngoài đường phố và hãnh diện khi được thiên hạ gọi là thầy. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở họ hãy trở về đúng vị trí của mình và hãy ý thức sống khiêm tốn trước mặt Chúa. Bởi vì chỉ mình TC mới xứng danh là Thầy và là Cha mọi người.

Chúa Giêsu đã phán: “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên.”  Xin Chúa cho chúng ta biết tự hạ, sống khiêm như Giêsu từ ái. Lòng đơn sơ, chân thành cởi mở, đời hồn nhiên theo gương mẹ Maria sáng trong, nhờ đó ta mới xứng đáng được Chúa yêu thương chúc lành; cũng như được mọi người yêu mến.

Ngày 20 tháng 08

THÁNH BÊNAĐÔ

Viện phụ, tiến sĩ Hội thánh

Thánh nhân sinh năm 1090 tại nước Pháp, là người con thứ sáu trong một gia đình quyền quý và gia giáo có 7 anh em. 

Năm 22 tuổi, ngài gia nhập đan viện Xito cùng với 6 anh em ngài. Sau ba năm ngài được đề cử làm viện phụ của dòng và đã thành lập thêm 68 cơ sở dòng mới. 

Đời sống của ngài rất khiêm tốn, đạo đức và khắc khổ. Nhất là ngài có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt.

Ngài có công rất lớn trong công cuộc hiệp nhất giáo hội thời bấy giờ đang bị chia rẽ trầm trọng; cũng như đã mạnh mẽ chống lại những lạc thuyết của bè rối. Ngài qua đời vào ngày 20/08/1153 hưởng thọ 63 tuổi.

21 năm sau, ngài được ĐGH Alexander thứ III phong ngài lên bậc hiển thánh và sau 656 năm 1830, ngài được GH nâng lên bậc tiến sĩ HT.

Được ngọn lửa tình yêu Chúa nung nấu, thánh Bênađô đã dành trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, tha nhân, Giáo hội, cách riêng cho dòng Xitô. Giáo lý cốt lõi của Ngài “Chúa yêu thương, Chúa không muốn điều gì khác ngoài việc được yêu”. Bên cạnh đó, thánh nhân cũng thúc dục mọi người: “Chúng ta cứ yêu thương nhau đi và sẽ được yêu thương”.  

Bernađô là một người rất khiêm nhường và thánh thiện đầy lòng nhiệt quyết tông đồ, cho nên Chúa đã thưởng công cho Ngài. Chúa đã ban cho Ngài nhiều ơn lạ như nói tiên tri, làm nhiều phép lạ. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Bênađô, xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết chạy đến với Mẹ Maria, nhiệt tâm xây dựng cộng đoàn và Giáo hội bằng chính ơn gọi và khả năng của mình. St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...