SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXII
THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C
Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
Kẻ kiêu căng tự mãn, chẳng ai yêu thích và thái độ này luôn bị Thiên Chúa loại trừ: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,52). Tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều do Thiên Chúa ban tặng. Nên thái độ thích đúng đắn nhất là khiêm tốn và biết ơn.
Xin cho chúng ta biết chạy đến với Đức Giêsu là Đấng tự hạ và đã hủy mình ra không cho dẫu Người là Thiên Chúa quyền năng, Người vẫn luôn
sống khiêm nhường và đã mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và
khiêm nhường trong lòng”.
Để xứng hợp hiệp dâng thánh lễ, giờ đây mỗi người trong chúng ta hãy khiêm tốn giục lòng ăn năn thống hối, xin ơn tha thứ của Thiên Chúa .
Gần đây trong khu vực nông thôn rộ lên
phong trào tổ chức đám tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ chạp… người ta còn
bày ra nhiều lý do khác để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, thi
đậu, xe mới, nhà mới…nói chung người ta tìm đủ mọi lý do để tổ chức tiệc.
Thì ra người ta thích tổ chức tiệc tùng là nhắm đến lợi nhuận trong thời buổi
kinh tế khó khăn. Vì thế, những thực khách được nhắm đến thường là những người
giàu có, lắm tiền, nhiều của. Còn những người thiếu thốn, nghèo khó thì ít khi được
mời dự tiệc. Đó cũng chính là mưu tính của vị thủ lãnh người Biệt Phái mà Chúa
đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Để lên án đầu óc tính toán vụ lợi, Chúa
Giêsu đề nghị ông ta loại bỏ tính ích kỷ và lòng tham lam tiền của mà quan tâm
đến những người nghèo khổ. Chúa đề nghị ông ta khi dọn tiệc nên “mời
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù…”. Làm được như vậy, ông
sẽ được người nghèo biết ơn ở đời này, nhất là được Chúa ban thưởng công phúc ở
đời sau nhờ vào sự đền ơn của những người công chính khi sống lại.
Để cụ thể hóa lời dạy trên của Chúa Giêsu,
ĐTC Phanxicô đã thiết lập “ngày thế giới người nghèo” vào Chúa
nhật 33 thường niên hàng năm. Với mục đích để các cộng đoàn Kitô hữu “trở nên
dấu chỉ cụ thể, rõ ràng cho tình yêu thương của Chúa Kitô đối với những người
rốt cùng và túng thiếu nhất”.
Xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi
của Chúa và GH mà thể hiện lòng yêu thương người nghèo bằng những việc làm
thiết thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo; học hỏi “sứ điệp ngày thế giới
người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt
cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các khu xóm; chầu Thánh Thể và
suy niệm về Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón nhận và chia sẻ. Đó chính
là phương thế để ta đạt đến sự trọn lành và xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu.
Suy niệm 2:
Vào mỗi dịp hè các đài
truyền hình Việt Nam thường hay chiếu lại bộ phim Tây Du Ký. Bộ phim khá hấp dẫn, lôi cuốn
mọi người.
Hấp dẫn về hình thức đầy những
cảnh sắc kỳ lạ huyền ảo, với bao nhiêu lâu đài hào nhoáng rực rỡ, và những cử
điệu nhảy múa, nhào lộn, bay biến, đánh nhau, biến hóa xuất quỷ nhập thần. Lôi cuốn vì
nhạc nền của phim rất hay đến nỗi những em nhỏ 5, 6 tuổi nghe là biết đó phim
Tây Du Ký ngay. Nhưng
có lẽ bộ phim này có giá trị sâu sắc nhất chính là bài học về
sự đối lập giữa thiện và ác, giữa kiêu căng và khiêm hạ.
Trong cuộc sống hạng người
kiêu căng tự mãn hay tôn
mình lên làm Tề Thiên Đại Thánh ngang hàng với Trời, cao cả như thánh nhân, tự hào là Đại vương khá nhiều. Còn những người tự hạ mình xuống thì ít lắm. Chỉ
thấy có Đường Tăng. Ông luôn luôn xưng mình là bần tăng, vô tài, bất lực trước
mọi thử thách nguy hiểm, ông chỉ biết thương người, cầu kinh, khấn Phật, cầu kẻ
này, nhờ người kia, nhờ cả đến con khỉ Ngộ Không dẫn đường chỉ lối, cứu giúp,
giải vây. Nhưng chính nhờ ông biết tự hạ như vậy mà ai ai cũng kính
trọng thương mến, kính phục và tôn
kính ông. Chính nhờ hạ mình xuống mà ông tránh được nhiều hiểm họa tranh chấp, oán thù.
Chính nhờ hạ mình xuống mà ông đã lãnh được bộ Kinh dạy ông thành Thánh, thành
Phật.
May cho Ngộ Không, Sa Tăng, Trư
bát Giới, đã biết từ bỏ tật kiêu ngạo để hạ mình xuống kịp thời theo Đường
Tăng, nên không bị hóa kiếp thành quái vật.
Trước Đường Tăng 700 năm, Đức Giêsu đã thực hiện hạ mình xuống: “Từ ngôi vị Thiên Chúa cao cả, Người đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như
người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập
tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người …cả trên trời, dưới đất và trong
âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mở miệng ra tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô
là Chúa” (Phil. 2, 6-11).
Hôm nay, Người nói cho mọi người
thấy rõ chân lý ấy: “Ai nâng mình lên sẽ
bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Thánh Kinh cũng chứng tỏ chân lý
ấy các rõ ràng:
Satan được vào hàng ngũ các Thiên thần thiêng liêng sáng láng hưởng tôn nhan
Thiên Chúa, thế mà dám đòi bằng Thiên Chúa nên bị giáng xuống làm tướng dưới
đáy hỏa ngục. Nó đã cám dỗ Adam Evà theo nó bất phục tùng Thiên Chúa. Adam Evà
lại bị đuổi khỏi vườn địa đàng vinh phúc, đi làm chủ bùn đất, cho biết thân
phận bùn đất hèn hạ của mình, đau thương và khóc lóc phải trở về bùn đất.
Con cháu lại rủ nhau xây tháp
Babel chọc trời, trời đã phạt phải phân tán khắp mặt đất, lưu lạc, chia rẽ nhau
và hóa ra những kẻ thù luôn luôn xâm chiếm chém giết nhau.
Thiên Chúa vẫn yêu thương chọn
một số những kẻ làm dân riêng, lập nước riêng, xây thủ đô Giêrusalem riêng.
Nhưng Giêrusalem muốn mình lên tận trời, thì lại bị hạ xuống vực thẳm điêu tàn,
không có hòn đá nào trên hòn đá nào.
Sống với con thành Giêrusalem,
Đức Giêsu đã khóc thương họ, họ đã giành giựt nhau chỗ ngồi trong cỗ bàn, nơi
tiệc cưới. Họ đã nhảy lên chỗ nhất, nhưng họ không biết xấu hổ khi bị mời xuống
chỗ cuối.
Trên thế gian này, còn bao nhiêu
bọn tôn mình lên như Hitler, Stalin, Polpot đều bị loài người lên án là bọn sát
nhân ghê tởm.
Chỉ những người như Giuse tổ phụ,
sẵn sàng hy sinh chịu trói vứt xuống giếng, bị bán làm nô lệ, bị tù tội oan
uổng, mới được tôn lên làm Thủ tướng của một nước Ai cập văn minh nhất thời đó,
và đã cứu được bao nhiêu dân tộc khỏi chết đói.
Chỉ những vị Vua như Đavid, biết
nhận mình là đứa chăn chiên yếu đuối, chỉ trông cậy vào sức mạnh của Thiên
Chúa, nên với hòn đá nhỏ bé đã ném vỡ sọ tên hổ tướng Gôliat.
Chỉ có bác thợ mộc âm thầm khiêm
tốn như Giuse mới được tôn lên làm cha nuôi Đấng Cứu thế.
Chỉ có những thiếu nữ nhận mình
là nô tỳ như Maria, mới được Thiên Chúa tôn vinh làm mẹ Thiên Chúa.
Trong thời đại chúng ta phải nhắc
đến một bà già sống tới 87 tuổi, qua đời 05/09/1997, chẳng có chức vị gì trong
xã hội, thế mà được nhiều giải thưởng cao quý nhất thế giới, như giải Nobel Hòa
Bình. Bà còn được các Tổng thống, Chủ tịch lớn nhất thế giới mời bà đến viếng
thăm đất nước, như Tổng bí thư Gopbachop Liên Xô, tổng thống Mỹ Regan, Trung
Quốc, Ấn Độ … Đó là mẹ Têrêxa Calcutta: Một nữ tu đã hạ mình xuống hầu hạ những
người cùng khổ, bệnh tật, nằm nửa sống nửa chết ở hè phố.
Gia đình chúng ta chỉ được an
vui, hòa thuận, khi ông bà, bố mẹ, con cái biết hạ mình xuống, lắng nghe nhau,
bảo nhau, nhịn nhau. Hàng xóm chỉ được yên ổn, vui vẻ, tay bắt mặt mừng, khi
biết khiêm tốn, tử tế, giúp đỡ nhau.
Mỗi người chúng ta chỉ được thanh
thản, an vui khi biết hạ mình xuống hết lòng mến Chúa và thương yêu phục vụ mọi
người, như Đức Giêsu đã nói với chủ nhà rằng: “Khi ông đãi tiệc hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui
mù. Họ không có gì trả ơn, như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được Thiên
Chúa trả công trong ngày kẻ lành sống lại”.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi lòng chúng con nên khiêm nhường để xứng đáng được Chúa nâng cao. Amen (St)
Suy niệm 3:
Một câu chuyện
ngụ ngôn kể rằng : trên con đường nhỏ hẹp sát bên sườn núi, một bên là vách núi
cao cheo leo, bên kia lại là vực sâu thăm thẳm, có hai con dê núi đi ngược chiều
nhau. Vì con đường quá nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một con đi qua, nên hai con dê đứng đối
đầu nhau không biết làm gì để tiếp tục đi. Nếu chen lấn, chúng chắc sẽ bị rơi
xuống vực thẳm bên cạnh tan xương nát thịt. Sau cùng chúng đã nghĩ ra một cách
hoàn hảo : một con dê đã chịu qùy mọp xuống đất để con kia bước qua thân mình.
Thế là sau đó cả hai lại có thể tiếp tục đi theo con đường của mình.
Từ hình ảnh “Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta bài học về lòng khiêm tốn và nhân đức tự hạ.
Thực ra, chức vị và quyền hành không phải là
một cái gì tội lỗi, đáng sợ hay xấu xa, vì những người có khả năng, nhiệt
thành, mới được tập thể tín nhiệm trao phó cho trọng trách để phục vụ công ích cho mọi người. Nhưng hãy nhớ lời sách Huấn Ca nhắc nhở: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế
con sẽ được đẹp lòng Chúa.”(Hc 3,18)
Trong đời sống đức tin, những người khiêm tốn
luôn biết mình chỉ là dụng cụ Chúa dùng để phục vụ lợi ích và phần rỗi cho tha nhân. Giống như những chiếc ghế dùng để ngồi. Thiên Chúa muốn đặt chúng ta ở đâu cũng không sao. Ai ngồi lên cũng không thành vấn
đề. Và nếu không còn được dùng nữa, chiếc ghế vẫn vui vẻ sẵn sàng nằm trong kho hoặc trở thành những thanh
củi để cho đời một chút ánh lửa, một cục
than hồng hay một nắm tro tàn.
Nhưng điều quan trọng là làm sao ta nhận biết mình là người khiêm tốn
hay kiêu ngạo. Những nhà chuyên môn đưa ra một vài dấu dấu hiệu giúp ta tra vấn
xem mình có khiêm tốn hay không sau đây:
Người khiêm tốn thì luôn kính trọng tha nhân,
làm việc theo ý chung vì lợi ích tập thể.
Người khiêm tốn ý thức giới hạn của bản thân
nên luôn nhận trách nhiệm về mình mỗi khi công việc
thất bại, còn nếu thành công thì biết quy về tập thể.
Người khiêm tốn âm thầm làm việc mà không cần
người khác khen ngợi, vì họ biết đó là bổn phận và trách nhiệm của họ.
Người khiêm tốn thì luôn bình tĩnh nghe sự
góp ý của người khác về khuyết điểm của mình và sẵn sàng sửa đổi.
Người khiêm tốn không thích nói về mình,
không đề cao mình, những gì họ đạt được là do ơn Chúa và nhờ sự trợ giúp của
mọi người.
Người khiêm tốn nỗ lực và ý thức trách nhiệm
trong mọi việc đã lãnh nhận, cố gắng với tất cả khả năng và phó thác thành công
cùng thất bại trong bàn tay Chúa.
Người khiêm tốn luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã
và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của người khác trên bản
thân mình.
Người khiêm tốn biết giới hạn của mình và chỉ
thực hiện những gì trong tầm tay và khả năng cho phép. Họ không đứng chỉ tay
nhưng vén tay áo để cùng làm việc với mọi người.
Người khiêm tốn ý thức chức vụ và quyền hành
là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút lui khi sức khỏe và khả năng giảm sút
không còn đủ hay không phù hợp để phục vụ mọi người.
Người khiêm tốn là người biết nhận định chính
xác về bản thân mình trong mọi sự.
Bài học khiêm tốn tuy đơn giản nhưng không
phải dễ dàng học và thực hiện trong đời sống. Con công đẹp ở bộ lông, con chồn
quí ở bộ da. Nhưng chúng chết hoặc bị săn lùng cũng chỉ vì những thứ mà chúng
khoác trên mình!
Xin cho
chúng ta hôm nay thấm nhuần được bài học khiêm nhường của Chúa- “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Người đã chọn chỗ rốt hết trong thân phận làm người,
nghèo hèn trong cuộc sống, đơn giản trong cách ăn nết ở, hòa nhã và thân thiện
với hết mọi người. Cuối cùng, Người đã chấp nhận hủy mình ra như không trong cái chết. Người đã chọn chỗ rốt hết trong bữa
tiệc nhân sinh. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Qua cuộc sống,
Người đã trở nên mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết luôn tự
hạ, sống khiêm nhu như Giêsu từ ái, lòng đơn sơ, chân
thành cởi mở, đời hồn nhiên
như hoa nở sáng trong. Amen.
Thứ hai: Mc 6,
17-29
Nhớ Thánh Gioan Tẩy Gỉa Bị
Trảm Quyết
Người đời thường nói: “Hùm chết
để da người chết để tiếng”, để nhằm khuyên dạy chúng ta hãy sống sao cho thật
có ích.
Tin mừng hôm nay thuật lại cái
chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa để minh chứng cho chân lý và bảo vệ luân thường
đạo lý qua việc tố cáo tội ác của vua Hêrôđê.
Xin cho chúng ta cũng can đảm làm
chứng cho chân lý và dám hy sinh tất cả để bảo vệ nền đạo đức luân thường theo
gương thánh Gioan Tẩy Gỉa.
Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng
trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.
- Góc tối của đam mê dục vọng: Đắm chìm trong
dục vọng, vua Hêrôđê đã xem thường đạo lý luân thường nên
đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong đam mê,
nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những tiệc
tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
- Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa trước hành
động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến
tận xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin
vua cha cái đầu Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
- Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan
Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan
nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm
làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ
nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ
trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém
đầu Gioan Tẩy Gỉa.
- Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê một cô
con gái có tài và sắc nhưng lại không có đức. Cô đã dùng sắc đẹp và tài
múa giỏi của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời, cho
người; thì trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, cô đã dùng những thứ ấy
cho sự lợi dụng nhằm phục vụ cho nền văn hóa của sự chết.
Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.
Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.
Thứ ba: Lc 4, 31-37
Năm 1983, trong cuộc nói chuyện với liên hội đồng Giám
Mục Châu Mỹ La-tinh, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã khẳng định "Tân
phúc âm hóa", không phải là Phúc âm mới, nhưng là "mới về lòng
nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong các diễn tả", vì "Đức
Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn
đời" (Dt 13,8). Như vậy "Tân phúc âm hóa" không phải là
Phúc âm mới; cũng không phải là một sáng kiến mới của Giáo Hội trong việc loan
báo Tin mừng ngày nay, mà công cuộc "Tân phúc âm hóa" đã được Đức cố
GH Gioan Phaolô II đề cập cách nay khá lâu. Nhưng trên hết công cuộc "Tân
phúc âm hóa" này là do chính Chúa Giêsu khởi xướng và thực hiện cách nay
hơn 2000 năm, ngay khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin mừng. Đó là điều mà Tin mừng
hôm nay nói đến.
- Chúa Giêsu luôn làm mới lòng nhiệt thành. Vì thế, cho dù bị thất bại ngay
trong lần trở về quê nhà Nazareth, nhưng Chúa Giêsu không hề nản lòng trước
thái độ khướt từ chống đối của dân làng. Trái lại càng làm cho Ngài nhiệt thành
hơn. Bằng chứng là Ngài đã bình tâm rời bỏ nơi đó mà sẵn sàng đi đến các thành
khác (Capharnaum) để tiếp tục thi hành sứ mạng đã được Chúa Cha trao phó, với
lòng nhiệt tâm mới mẻ như ban đầu.
- Chúa Giêsu làm mới trong phương pháp giảng
dạy. Không biết nội dung
Chúa Giêsu giảng dạy như thế nào tại hội đường Capharnaum, nhưng lời rao giảng
của Ngài đã làm cho dân chúng hôm đó hứng khởi đến sửng sốt. Tin mừng chỉ cho
biết việc giảng dạy của Chúa Giêsu rất mới lạ và rất uy quyền. Chắc chắn
rằng phong thái và phương pháp giảng dạy của Chúa Giêsu không giống như
các Kinh sư. Các Kinh sư khi giảng dạy thì chỉ giải thích Kinh Thánh và
Luật Lệ cách dài dòng, nhằm chất lên vai người khác những gánh nặng. Còn giáo
huấn của Chúa Giêsu thì ngắn gọn, cụ thể, gần gủi nên dễ hiểu; hơn nữa lời
giảng dạy của Ngài luôn hướng đến những người nghèo khổ, những người bị loại ra
bên lề xã hội, đúng như chương trình hành động mà Ngài đã công bố nơi hội đường
Nazareth. Vì thế mà lời giảng dạy của Ngài đã đụng chạm đến trái tim người
nghe.
- Cuối cùng Chúa Giêsu đã làm mới trong cách diễn tả. Chúa Giêsu không chỉ nói suông
như những Kinh sư và Biệt phái "họ nói mà không làm. Họ bó những
gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay
vào." (Mt 23, 3-4). Còn Chúa Giêsu thì trái lại lời giảng dạy
luôn đi đôi với việc làm cụ thể. Bằng phép lạ chữa một người bị quỷ
ám, ngoài việc minh chứng cho biết Ngài chính là Thiên Chúa uy quyền; còn
cho thấy cách thế diễn tả mới mẻ của Chúa Giêsu trong việc rao giảng Tin mừng,
nên đã thu hút được người nghe. Đúng là “lời nói lung lay, gương lành lôi
kéo”. Hay như đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: "ngày
nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy."
Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta luôn biết làm mới lại
lòng nhiệt tâm tông đồ, luôn biết thao thức tìm ra những phương cách phù hợp để
đem Tin mừng đến được với người nghe, nhất là biết tích cực sống những giá trị
của Tin mừng phù hợp với thời đại mới. Nhờ thế sức sống của Tin mừng của Chúa
mới có thể lan tỏa mạnh mẻ đến mọi người và mọi nơi.
Suy niệm 2:
Bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta hai bài học.
1. Bài học thứ nhất: Thắng không kêu bại không nản.
Dẫu trong ngày tiếp xúc cử tri tại quê nhà, để công bố
chương trình hành động, Chúa Giêsu đã bị thất bại vì những định kiến cố hữu của
họ. Nhưng không vì thế mà Người nản lòng, bỏ cuộc. Bởi vì Chúa Giêsu hiểu
rằng: "không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương
mình". (Lc 4, 24). Nhưng Tin mừng phải được rao giảng, nên
Người bỏ nơi đó mà xuống thành Capharnaum, vào hội đường và tiếp tục thi hành
sứ vụ. Tại đây Ngài đã thành công rực rỡ vì được dân chúng đón nhận hồ hởi, nên
đã gây được tiếng vang lớn khắp cả vùng. Đây cũng là bài học quý gia cho chúng
ta. Đừng nản lòng khi gặp thất bại, nhưng cũng đừng quá hãnh diện khi thành
công may mắn. Điều quan trọng là khiêm tốn tạ ơn Chúa trong mọi lúc.
2. Bài học thứ hai: Lời nói phải đi đôi với việc làm.
Nếu lời giảng dạy của các Biệt phái và Kinh sư không
được dân chúng đón nhận là vì "họ nói mà không làm. Họ bó
những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động
ngón tay vào". (Mt 23, 3-4). Lối sống giả hình của họ khiến
dân chúng chán ngán, mệt mỏi. Thì với Chúa Giêsu lại khác. Lời giảng dạy của
Ngài đã được dân chúng đón nhận cách nhiệt tình. Với phép lạ trục xuất ma quỷ
ra khỏi người bị nó ám hại, Chúa Giêsu không những minh chứng mạnh mẻ uy quyền
của Thiên Chúa mà còn gây sửng sốt cho mọi người, vì lời Ngài nói luôn đi đôi
với việc Ngài làm. Vì vậy, để có thể thuyết phục người khác tin vào Chúa, chúng
ta không chỉ rao giảng suông bằng lời, nhưng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện
bằng những việc làm cụ thể.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền,
giúp chúng con biết thống nhất giữa lời nói và việc làm để những giá trị Tin
mừng luôn được người nghe đón nhận và tin tưởng. Xin Chúa củng cố niềm
tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta để dẫu khi thành
công hay khi thất bại chúng ta vẫn luôn an vui sống trong vòng tay đầy yêu
thương của Chúa.
Thứ tư: Lc 4, 38-44
Tin mừng hôm nay thuật lại một ngày sống tiêu biểu của
Chúa Giêsu ở Caphácnaum với biết bao công việc: “Vào Hội đường giảng
dạy, rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời lặn Ngài
vẫn còn tất bật chữa lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm tinh mơ,
Chúa lại tìm đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.” Ngày
sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi
người kitô hữu chúng ta.
- Noi gương Chúa Giêsu chúng ta hãy bắt đầu ngày mới
bằng việc cầu nguyện. Cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân tình bên Chúa, để lắng nghe lời
Chúa chỉ dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của
Chúa nhằm chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một ngày sống khởi đầu với kinh
nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt
thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
- Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta hãy chuyên chăm làm
việc. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để sống trong thế giới hữu
hình và được đặt trong thế giới này để "làm chủ trái đất";
vì thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao động. Chính Chúa Giêsu
cũng đã nêu gương cho ta: "Cho đến nay, Cha tôi làm việc, thì Tôi
cũng làm việc" (Ga 5, 17). Làm việc để có của nuôi
sống bản thân và gia đình; đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ
thuật, nhất là làm cho cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về
văn hóa và đạo đức, đó là ý định của Chúa và mong muốn của con người.
Tóm lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong đời sống
lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống con người
mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động, khiến con người
trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp cách hài
hoà giữa lao động và cầu nguyện để nhờ đó nhân loại không chỉ biết trân trọng
những giá trị do lao động mang lại, mà còn biết trân trọng những hiệu quả lớn
lao của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.
Thứ năm: Lc 5, 1-11
Trên báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 12.8.2014
có đăng tải bài viết: Gái Miền Tây, và 3 chữ "N" nổi danh thiên
hạ. (3 chữ "N": Ngon, Ngoan và Ngu), đã bị dân cư mạng phản đối cực
lực, khiến cho bộ VHTT phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc. Bởi vì tác giả đã
bôi nhọ và xúc phạm đến giá trị nhân phẩm của gái Miền Tây, cũng như chia rẻ
người vùng miền. Trái với nội dung bài viết trên báo điện tử Tri Thức
Trẻ trên, bài viết và nội dung của tác giả thánh Luca trong bài Tin mừng hôm
nay đã để lại cho người đọc một ấn tượng tuyệt đẹp, khi đề cao nhân vật Giêsu
với 3 chữ "L" (lạ) nổi danh thiên hạ.
1. "Lạ" về nơi giảng dạy.
Lạ là ở đời ai lại dùng thuyền đánh cá để ngồi trên đó
mà giảng dạy; cũng chưa từng thấy ai quy tụ dân chúng nơi bãi biển để giáo
huấn. Vậy mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại tận dụng phương tiện và nơi chốn ấy
để rao giảng Lời Chúa. Quả là lạ thường!
2. "Lạ" về mẻ cá bất thường.
Với kinh nghiệm lành nghề về việc đánh bắt cá biển,
Sinmon cùng các bạn đồng nghiệp đã trãi qua một đêm vất vả, nhưng chẳng được
con cá nào. Trong khi giữa lúc ban ngày, thầy Giêsu chẳng có chút kinh nghiệm
gì về việc ra khơi bám biển, lại đề nghị Simon thả lưới bắt cá, quả là chuyện
đùa! Nhưng để làm vui lòng thầy Giêsu, Simon đành miễn cưỡng làm theo; vật mà
thật bất ngờ, kết quả lại ngoài sức tưởng tượng. Một mẻ cá lạ đầy ấp những cá
là cá. Ấy mới là sự lạ!
3. "Lạ" về việc chuyển đổi nghề nghiệp bất
ngờ.
Trước một mẻ cá lạ lùng, Sinmon đã hò reo sung sướng,
nhưng cũng đầy sợ hãi khi nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình nên đã sụp
lạy thầy Giêsu đầy quyền năng. Không ngờ chính lúc đó, Chúa Giêsu lại nhẹ nhàng
chấn an, rồi bất ngờ kêu gọi ông chuyển đổi ngành nghề: "Đừng sợ, từ
nay anh sẽ là người thu phục người ta". Sinmon đã không cưỡng lại được
lời mời gọi chân tình tha thiết ấy của Đấng quyền năng, nên đã"bỏ mọi
sự mà theo Người". Ôi lạ lùng biết mấy!
Với 3 chữ "lạ" nơi con người Giêsu mà thánh
Luca tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay, như dạy chúng ta những bài học
quý:
- Phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh để
loan báo Tin Mừng.
- Luôn biết tin tưởng, trông cậy vào quyền năng Chúa
trong mọi lúc vì "mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng bao
giờ". (Tv 90). Biết cậy dựa vào Chúa, ta có thể làm được
những điều kì diệu, như thánh Phaolô đã nói: "Tôi có thể làm mọi sự nhờ
Đấng ban thêm sức cho tôi". (Pl 4,13).
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi kinh nghiệm,
mỗi người mỗi khả năng, tính cách..., nhưng Chúa đều tin tưởng mời gọi để cộng
tác với Chúa để cứu rỗi các linh hồn.
Xin cho chúng ta biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của
Chúa cách tích cực, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để thi hành thánh ý Chúa với lòng tin
tưởng cậy trông vào quyền năng của Người.
Thứ Sáu: Lc 5, 33-39
Nhân cơ hội giải thích cho những người Pharisêu lý do
vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết về bản
thân và sứ mạng của Ngài.
Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng rể và
Israel là nàng dâu. Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để giải thích
về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Người là chàng rể
và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Người chính là Thiên
Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.
Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy giờ là
mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể) đã đến
với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay. Việc ăn chay phải gắn
liền với cuộc đời của Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia
vui với Người. Khi Người khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết
thì con người phải cùng chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì
con người cũng cùng sống lại với Người.
Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn chay,
nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người chính là
chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người và cứu
độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để dọn
lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa,
trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Xin cho chúng ta biết lo ăn chay hãm mình, để dọn lòng
xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày, nhờ đó mà được thông
hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.
Thứ bảy: Lc 6, 1-5
Nhớ thánh Ghê-gô-ri-ô, Giáo
Hoàng, Tiến Sĩ Hội Thánh
Tin mừng hôm nay tường thuật về cuộc tranh luận giữa
Chúa Giêsu và những người Pharisêu. Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn
đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát. Nguyên nhân chính của
cuộc tranh luận này là vì bất đồng quan điểm.
- Với những người Pharisêu giữ ngày Sabát là điều hết sức
quan trọng. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15,
32-36). Vì thế hành động bứt bông lúa để ăn đối với người Pharisêu là một hành
động không thể chấp nhận được, mặc dù theo sách Đệ Nhị Luật thì hành động này
là được phép: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy
tay bứt bông lúa” (Đnl 23, 26). Tuy nhiên vì đố kỵ, ghen ghét Chúa
Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và
xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm trong ngày Sabát.
- Còn theo quan điểm của Chúa Giêsu thì Thiên Chúa lập nên ngày Sabát
để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải
phóng của TC (Đnl 5, 14-15). Ngày Sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con người và vì con
người "Ngày Sabát được đặt ra vì con người". Do đó,
việc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn cho đỡ đói trong ngày Sabát là một nhu cầu
chính đáng vì nó phục vụ cho nhu cầu lợi ích chính đáng cho con người. Chính
vua Đa-vít và đoàn tùy tùng cũng đã vào đền thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn
khi bụng đói! Nhưng vì ghen ghét và hận thù đã làm cho những người Pharisêu trở
nên mù quáng mà quên đi mục đích chính của việc giữ luật.
Để giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn đúng đắn
về mục đích của luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho đến
cùng, dù có phải trả giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh chứng
rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có
một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống "yêu
thương là chu toàn lề luật". (Rm 13,10).
Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái và bao dung với hết mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét