Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

 

1. GIẢNG LỄ AN TÁNG (St)

Ông bà anh chị em, đặc biệt tang quyến ông Phêrô thân mến,

Sáng hôm nay, trong tình hiệp thông, chúng ta cùng nhau quy tụ trong ngôi thánh đường này để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho ông Phêrô. Xin Chúa là người cha giàu lòng thương xót nhờ công nghiệp tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô ban hưởng niềm vui nước trời cho linh hồn ông phêrô người anh em của chúng ta.

Xin Chúa cũng biến những nỗi đau thương mất của tang quyến trở nên lời cầu nguyện tha thiết với niềm tin tưởng vào hạnh phúc đời đời cho ông phêrô, nhờ vào những hy sinh và công đức chúng ta lập được dâng tặng ông Phêrô.

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, dạy chúng ta biết cách sống thế nào để được hưởng hạnh phúc đời sau.

Người ta thường gọi giờ phút kết thúc cuộc sống trần gian bằng nhiều tên gọi khác nhau: như qua đời, từ trần, ra đi, băng hà, sinh thì, về cõi vĩnh hằng, về với tổ tiên…tất cả những tên gọi trên nhằm nói lên một khía cạnh rất quan trọng của đức tin, đó là sự sống thay đổi chứ không mất đi. Kinh nghiệm cho thấy những người từ giả đời này để đi vào đời sau có đủ mọi hạng tuổi, trẻ có, trung niên có, già có.

Trong bài đọc 1, trích sách khôn ngoan chúng ta vừa nghe dạy rằng người qua đời ở bất cứ hạng tuổi nào, nếu họ sống lương thiện, công chính, đẹp lòng Chúa; không làm điều xấu điều ác thì dù có chết sớm hay muộn họ đều được Thên Chúa ban thưởng.

Bài đọc 2, sách Khải huyền thì dạy về khía cạnh khác liên quan đến sự chết. Những ai chết trong Chúa thì được chúc phúc, vì các việc họ làm đều theo họ về đời sau. Như vậy để được chết trong Chúa thì cũng phải sống trong Chúa. Nghĩa là phải sống lương thiện, công bằng, bác ái, tuân giữ các giới răn của Chúa, thi hành các lệnh truyền của Chúa thì, chính những việc làm đó sẽ theo ta vào đời sau.

Mỗi lần làm việc thiện thì như gửi một món tiền thiêng liêng vào ngân hàng đời sau. Ngân hàng này không bị ảnh hưởng bởi những khủng hoảng tài chính, không bị vỡ nợ, mối mọt cũng không gậm nhấm, trộm cướp cũng không lấy mất được. Gửi bao nhiêu còn bấy nhiêu, cộng với số tiền lời. Chính Chúa sẽ bảo đảm vững chắc điều đó.

Nhưng có người hỏi làm việc thiện khi nào? Với người hay tính toán thì cho rằng khi nào gần chết, ta hãy làm việc thiện, như vậy ta cũng được chết trong Chúa và cũng sẽ được Chúa ban phúc. Tính như vậy nên giới trẻ cho rằng còn lâu mới chết đâu cần vội; người già thì dùng kế hoãn binh, đợi khoảng thời gian nữa hãy tính.

Câu truyện sau đây nói lên ý nghĩ đó:

Ngày kia quỷ vương triệu tập các quỷ con lại và hỏi: làm thế nào để chiếm đoạt được các linh hồn?

Quỷ con thứ nhất trả lời: tôi sẽ rỉ vào tai con người là không có Chúa đâu. Quỷ vương không đồng ý vì cho rằng khi con người nhìn vào vũ trụ vạn vật thật lạ lùng thì họ không tin đâu.

Quỷ con thứ hai đưa ra sáng kiến: tôi rỉ tai con người chết là hết. Nhưng quỷ vương cũng lắc đầu vì sự đời đời đã được khắc sâu vào trong con tim con người rồi. Không khả thi!

Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, bổng từ phía sau có một con quỹ già lên tiếng hiến kế: tôi sẽ nói cho con người biết có Thiên Chúa, có đời sau, có thưởng phạt. Nhưng tôi cũng rỉ tai họ rằng: “gấp gì, còn thời giờ chán. Hãy lo vui chơi đi chừng nào gần chết hả ăn năn sám hối, làm việc thiện để lo cho linh hồn. Không muộn đâu!

Quỷ vương liền vỗ bàn thật mạnh và tỏ ra vui sướng hô to: tuyệt! tuyệt! theo kế hoạch này chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Ma quỷ rất mưu mô nó không cám dỗ chúng ta về việc ăn năn sám hối vì nó biết chúng ta sẽ không tin. Nó chỉ nói: còn sớm, chờ đã!

Như thế thì việc tính toán của chúng ta vào phút chót là rất phiêu lưu và mạo hiểm, vì ai trong chúng ta biết được mình chết lúc nào.

Cách riêng bài tin mừng hôm nay đưa ra hai dụ ngôn nhằm khuyên chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng. Người giữ cửa, cầm đèn đợi chủ về, lúc nào cũng phải tỉnh thức, phòng khi chủ trở về bất ngờ thì mở cửa đón chủ vào nha. Người canh trộm cũng vậy, chỉ cần sơ ý, lơ là một chút là mất của.

Vậy chúng ta hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Nghĩa là ta không làm điều thiện tùy hứng nhưng phải làm việc thiện luôn luôn. Nhờ đó mới đảm bảo được gặp gỡ Chúa và được Ngài ban thưởng hạnh phúc nước trời.

Để kết thúc tư tưởng này, tôi xin kể câu chuyện về 3 người bạn sau:

Người kia có 3 người bạn, 2 người là bạn thân, còn người còn lại thì không thân lắm.

Ngày kia, anh ta bị bắt và đưa ra tòa xét xử. Anh liền xin 3 người đến để biện hộ cho anh.

Người bạn thứ nhất: từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được.

Người bạn thứ hai bằng lòng như khi đến cửa quan thì không dám vào.

Chỉ có người bạn thứ ba tuy không được anh ta yêu thích lắm nhưng lại rất trung thành với anh. Đã vào tới tòa án và đã mạnh mẽ bênh vực cho anh nhờ thế anh không những được trắng án mà còn được ban thưởng nữa.

Người bạn thứ nhất là tiền bạc: khi chết tiền bạc bỏ ta ra đi. Chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm.

Người bạn thứ hai là bà con họ hàng. Họ khóc lóc đưa tiển ta đến huyệt mộ rồi cũng ra về.

Người bạn thứ ba là những việc thiện, chúng sẽ theo ta đến tòa phán xét bênh vực ta và đưa ta vào cửa thiêng đàng để được Chúa ban thưởng hạnh phúc đời đời.

Là người ai cũng phải chết đó là chân lý. Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng bằng việc tích góp nhiều việc thiện và công đức để ngày ra trước toàn Chúa ta xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời. Và cũng xin cho linh hồn ông phero được nghỉ yên muôn đời trong Chúa nhờ đời sống tốt lành của ông đã làm khi còn sống.



2. GIẢNG LỄ AN TÁNG 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 32-48)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?"

Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn.

Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". Đó là lời Chúa.


Suy niệm:

Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra đóng vào được.Khách đến chơi trông thấy cười nhạo nói rằng: Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?

- Nhà sư trả lời: Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.

Thật là hiếm, những con người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây. Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống, họ lo thu tích cho nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải chết.

Cái nhìn tích cực của nhà sư rất phù hợp với tinh thần của lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng hôm nay. Chính nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn cũng cho rằng trần gian chỉ là quán trọ.

Con chim ở trọ cành tre,

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn…

Môi xinh ở trọ người xinh,

Duyên dáng ở trọ đôi chân Thuý Kiều…

Tôi nay ở trọ trần gian

Mai sau về chốn xa xăm với Người.

Và mỗi người chúng ta chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa. Thật thế, sự sống, tài năng, trí thông minh, sức khoẻ, sắc đẹp, tất cả đều là ơn Chúa ban. Nói tóm lại, tất cả những gì ta có, tất cả những gì ta là, đều là của Chúa. nên chẳng có ai dám tự hỏi: Tại sao tôi không cao hơn, không mập hơn? Tại sao tóc tôi không vàng hoe, mắt tôi không xanh biếc? Tại sao tôi không có tài hội họa, có giọng ca hay? Ta không thể hỏi như vậy, vì những điều đó không thuộc quyền ta. Mà tất cả đều do Chúa ban. Chúng ta chỉ là quản lý. Nên ngày nào đó Chúa sẽ đòi ta tính sổ. Lúc đó ta phải nộp lại cho Chúa cả vốn lẫn lời.

Là người quản lý, Chúa muốn chúng ta phải là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

1. Là quản lý trung tín, ta phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Phải biết phát triển sao cho thân xác ngày càng khoẻ mạnh, trí thông minh ngày càng sáng suốt, những tài năng ngày càng đạt đến mức tinh vi hoàn hảo.

Là quản lý trung tín, ta phải biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho bản thân, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Người có của mắc nợ người nghèo. Người có tài mắc nợ xã hội. Nghệ sĩ mắc nợ khán giả. Giám đốc mắc nợ công nhân. Bác sĩ mắc nợ bệnh nhân. Linh mục mắc nợ giáo dân. Cha mẹ mắc nợ con cái.

Là quản lý trung tín, ta không được phải bội. Không được dùng những ơn Chúa ban để chống lại Chúa. Đừng dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Đừng dùng tài năng phục vụ lợi nhuận riêng mình. Đừng dùng trí thông minh gieo rắc nọc độc tư tưởng. Đừng biến thân xác thành món hàng mua bán. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

2. Là quản lý không ngoan, ta phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông mình chỉ ở trọ nơi ta một thời gian. Ta phải làm cho chúng biến thành vĩnh cửu.

Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Tin mừng hôm nay Người dạy ta: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt, là kho tàng ở trên trời, nơi không có trộm cắp bén mảng, cũng không có mối mọt đục phá”.

Lạ lùng hơn nữa, cách gây dựng kho tàng trên trời khác hẳn với cách gây dựng kho tàng trần gian. Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

Là quản lý khôn ngoan, ta phải tỉnh thức. Cuộc đời ở trọ mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc cho minh chính như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang mặc quần áo công nhân phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.

Chúng ta phải luôn nhớ rằng mình chỉ là người quản lý của Chúa, để dù ở đâu, dù làm gì, ta cũng luôn làm cho Chúa, luôn tỉnh thức sống dưới ánh mắt của Chúa để chúng con không phải bàng hoàng khi Chúa bất ngờ đến gõ cửa.

Tôi nghĩ rằng trong hành trình dương thế trong hơn 80 mấy năm qua, ông Phêrô đã ý thức điều đó và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ra đi trình diện trước Chúa. Hy vọng với tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng trong thân phận của người đầy tớ trước mặt Chúa, ông xứng đáng được Chúa khen ngợi mà đưa vào dự tiệc cưới muôn đời trong nhà Cha trên trời.


3. LỄ AN TÁNG ANH GIUSE: 2 Cor 5, l. 6-10; Mt 25,31-46

Sáng nay, trong niềm tin vào sự sống lại, chúng ta qui tụ trong ngôi nhà thân thương này, bên cạnh thi hài người anh em của chúng ta là....cùng với tang quyến để hiệp dâng thánh lễ cuối cùng với….trên trần gian này trong niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa và cậy vào ơn cứu độ của Đấng Phục sinh, là Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa giải thoát và sớm đưa linh hồn...vào nhà Cha hưởng niềm hạnh phúc muôn đời. Xin Chúa cũng an ủi và nâng đỡ những người còn sở lại biết biến đau thương mất mác thành lời cầu nguyện tha thiết với niềm hy vọng vào hạnh phúc đời cho linh hồn....

Bài đọc 1 trong thư gửi cho tín hữu Corintô, thánh Phaolô đã đoan chắc với ta rằng : “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu trên trời, không do người thế làm ra” (2Cr 5,1).

Ngôi nhà đó chính là “nhà Cha trên trời, nơi đó không còn khóc lóc than van, không còn đau khổ, không còn hận thù, tranh chấp, hơn thua và chết chóc nữa

Ở đó, chỉ còn tình yêu, niềm vui, bình an và hạnh phúc miên trường không bao giờ vơi cạn, không bao giờ tàn lụi.

Có thể nói cuộc đời người tín hữu chúng ta, ai cũng phải trải qua bốn căn nhà: căn nhà nơi cha mẹ sinh ra và lớn lên, ngôi nhà thờ họ đạo nơi chúng ta đón nhận niềm tin và sống niềm tin; ngôi nhà mồ nơi chúng ta sẽ gửi thân xác mình chờ ngày phục sinh; và cuối cùng là ngôi nhà vĩnh cửu, nơi chúng ta sẽ được an hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong Chúa. Tất cả những căn nhà ấy Chúa đều mở ra cho chúng ta. Tuy nhiên chỉ có nhà Cha trên trời thì không phải ai muốn vào và ở lại đều được. Muốn vào và ở lại trong ngôi nhà này,cần phải thoả mãn một số điều kiện. Vậy những điều kiện ấy là gì?

- Chắc chắn điều kiện ấy không phải là tiền bạc của cải, cũng không phải chức quyền hay danh vọng. Bởi lẽ tất cả những thứ đó đều qua đi và sau khi chết thì ta phải để lại những thứ ấy cho người khác. Khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ phải ra đi một mình, cùng lắm chỉ còn một cỗ quan tài với ba tấc đất theo ta xuống mộ phần mà thôi.

Trong số những vị vua đầy quyền lực và giàu sang trên trần gian trong dòng lịch sử nhân loại, phải kể đến hoàng đế Alexandre đại đế Hy lạp. Ông có một cái nhìn sâu sắc về của cải trần gian. Nên trước khi chết nhà vua cho triệu các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Nhà vua phán :

1. Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

2. Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu…) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ông, và…

3. Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài, để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đỗi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi vua lý do tại sao ngài lại muốn như thế?

Đại đế Alexandre đã giải thích như sau :

1. Ta muốn các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải mang quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những  người tài giỏi nhất) cũng không tài nào để cứu chữa.

2. Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trân mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).

3. Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng: kho tàng quí giá nhất trên cuộc đời này chính là “Tình yêu”. Như vậy, những gì chúng ta có thể mang theo sau khi chết chỉ là những việc thiện nguyện và bác ái. Sở dĩ chúng ta dám nói như vậy, bởi vì chính Chúa Giêsu đã xác quyết trong ngày phán xét rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Như vậy số phận đời đời của chúng ta sẽ tùy thuộc vào những việc làm bác ái mà chúng ta đã làm hay không làm khi còn sống.

Một ai đó đã ý thức về điều này, nên trước khi chết đã cho khắc vào bia mộ của mình những dòng chữ đầy ý nghĩa sau đây :

Cái gì tôi đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa,

Cái gì tôi đã mua sắm, bây giờ tôi phải để lại cho người khác,

Chỉ cái gì tôi đã cho đi là thuộc về tôi.

Hãy sống thời gian hiện tại cho trọn vẹn tình yêu đối với Chúa và tình bác ái đối với anh em, đừng để phí đi một giây phút nào.

Mỗi lần tham dự thánh lễ an táng, chúng ta như được người chết nhắc nhở và mời gọi: Hãy gấp rút sửa đổi đời sống, kẻo chết rồi là không còn làm được gì nữa chỉ còn trông chờ vào món quà ơn thánh mà người sống trao tặng mà thôi. Ý thức điều đó nên chúng ta hãy dâng nhiều thánh lễ sốt sắng đ và làm nhiều việc lành phúc đức để làm quà ơn thánh cứu giúp các linh hồn trong đó có người thân yêu của chúng ta. Với niềm tin vào lòng Chúa xót thương và công ơn cứu độ của Chúa Kitô cùng với niềm hy vọng vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, xin cho linh hồn Giuse được nghỉ yên muôn đời trong nhà Cha trên trời. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...