SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN THÁNH-PHỤC SINH
Lm Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22, 14-23,56
* SUY NIỆM
TRƯỚC RƯỚC LÁ
1. Hôm nay
cùng với GH chúng ta tưởng niệm cuộc khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem của
Chúa Giêsu, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thập giá.
Tin mừng cho
chúng ta biết lần đầu tiên Chúa Giêsu đã đồng ý để cho dân chúng chào đón Ngài
như là một vị Vua. Dân chúng cuồng nhiệt đến độ cởi cả áo mình ra để trải trên
đường cho Chúa đi qua, tay thì liên tục vẫy cành lá, miệng thì không ngớt tung
hô: “Hoan hô Chúa! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Vạn tuế
Con vua Đavít!”. Dân chúng thực sự đã tôn vinh Đức Giêsu là Vua, là
Chúa nên họ đã chào đón Đức Giêsu như là một thần tượng vĩ đại của họ vậy.
Qủa thật Đức
Giêsu là thần tượng, nhưng là thần tượng của hy sinh đến cùng vì yêu thương con
người. Mặc cho người đời có lật lọng tráo trở, thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay
đen để rồi kết tội, chế giễu, nguyền rủa, đánh đòn, đóng đinh Ngài vào thập giá
thì Ngài vẫn cứ một lòng một dạ yêu thương con người cho đến cùng.
Xin Chúa cho
chúng ta cảm nhận được tình yêu cao vời của Chúa mà sẵn sàng tin nhận Đức Giêsu
là Vua thật của lòng mình và là Thần Tượng duy nhất của cuộc đời ta. Nhờ đó ta
mới can đảm dấn thân hiệp hành theo Chúa trên con đường hy sinh phục
vụ mọi người bằng một tình yêu nhưng không, cho dẫu bản thân mình
phải chịu nhiều thiệt thòi và thương đau. Amen.
Anh chị em thân
mến, với những tâm tình đó,
Giờ đây chúng ta
hãy noi gương dân thành Giêrusalem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Đức
Kitô!
2. Nếu ví đời người
là một cuộc hành trình, thì cuộc hành trình dương thế của Chúa Giêsu khá ngắn,
chỉ vỏn vẹn có 33 năm.
Trong đó có đến
30 năm Ngài sống ẩn dật tại miền quê Nagiaret, chỉ còn lại 3 năm sau hết, Ngài
mới bôn ba khắp các nẻo đường Palestin để thi hành sứ mạng loan báo tin mừng,
đem ơn cứu độ cho trần gian. Tuy nhiên đoạn hành trình ngắn ngủi ấy lại hết sức
quan trọng. Bởi trong chặng đường cuối cùng ấy, Chúa Giêsu đã phải đối mặt với
biết bao gian lao thử thách, và đã trải qua biết bao là cung bậc cảm
xúc vui buồn đan xen.
- Vui: vui vì khi
tiến vào thành thánh Giêrusalem, Ngài được dân chúng đón chào hồ hởi
như một vị Vua. Họ đã cầm những cành lá reo hò tung hô
bằng những mỹ từ tuyệt hảo: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh
Chúa!” (Tv 118,2b) Họ cũng sẵn sàng cởi áo choàng mình
ra và chặt những nhành lá để trải đường cho Đức Giêsu cưỡi lừa
con đi qua...
- Buồn: Vì cho dẫu
Đức Giêsu là một vị Vua đúng nghĩa, Vua của hòa bình, Vua chân lý, "Vua
của Tình Yêu". Nên Ngài đã sẵn sàng sống và chết cho tình yêu.
Con đường Ngài đi không nhằm tìm kiếm vinh quang lợi lộc mà
là hy sinh quên mình để cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Tuy
nhiên Ngài lại không phải là một vị vua theo quan niệm trần tục, nên Ngài
đã bị nhân thế chối từ, loại bỏ và giết đi.
Lễ Lá là dịp mời
gọi chúng ta sống lại những cảm xúc vui buồn cùng với Chúa Giêsu. Vui
vì chúng ta may mắn có được niềm tin vào Đức Giêsu Vua tình yêu. Buồn
vì chúng ta thấy mình chưa sống hết tình với Chúa. Chúng ta chưa dám tiến
bước trên con đường hy sinh phụng sự Chúa; chúng ta chưa dám
sống hết tình cho tha nhân, nhất là người nghèo khổ như tình yêu Chúa đã dành
cho ta. Buồn vì chúng ta chưa cảm nhận được niềm vui tin mừng khi hiệp
hành bước theo Chúa trên hành trình sống và minh chứng niềm tin của mình.
Xin Chúa cho
chúng ta cảm nhận được tình yêu cao vời của Chúa mà sẵn sàng tin nhận Đức Giêsu
là Vua thật của lòng mình và là Thần Tượng duy nhất của cuộc đời ta. Nhờ đó ta
mới can đảm dấn thân hiệp hành theo Chúa trên con đường hy sinh phục
vụ mọi người bằng một tình yêu nhưng không, cho dẫu bản thân mình
phải chịu nhiều thiệt thòi và thương đau. Amen.
3. Với Chúa nhật lễ
Lá hôm nay, như là cửa ngỏ đưa dẫn chúng ta đi vào tuần thánh-phục sinh, đỉnh
cao của đời sống đức tin và phụng vụ trong năm của GH. Trong nghi thức làm phép
Lá hôm nay, gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ về cái nhìn tích cực cũng như
tiêu cực về hình ảnh của chiếc Lá:
- Với cái nhìn
tiêu cực, người đời cho rằng lá thì có: “mặt trái mặt phải”. Như muốn nói
đến sự lật lọng, tráo trở, thay lòng đổi dạ của con người. Tựa như dân Do Thái
xưa, lúc thì hò reo tung hô Chúa là Vua, lúc thì hò hét đòi đóng đinh Ngài vào
thập giá; nay thì yêu mến đến độ cởi cả áo ra để trải đường cho Chúa đi qua,
nhưng sau đó lại căm ghét đến độ lột áo Chúa ra và đóng đinh Ngài vào thập giá.
Các tông đồ cũng vậy, các ông đã thay lòng đổi dạ: Giuđa dùng nụ hôn để bán
đứng Thầy mình; Phêrô dù có thề sống chết với Chúa nhưng sau đó lại chối bay
chối biến là không biết Chúa. Vậy còn lòng dạ của mỗi người chúng ta với Chúa,
với người khác thì sao? Chúng ta có thay lòng đổi dạ hay là một lòng một dạ yêu
mến và trung tín với Chúa, với nhau cho đến cùng, khi hoàn cảnh đổi thay?
- Với cái nhìn
tích cực, người đời thường hay nói: “lá lành đùm lá rách”. Có nghĩa là
cho dẫu con người có lật lọng tráo trở, thay lòng đổi dạ thế nào đi nữa, thì
Chúa Giêsu vẫn một lòng một dạ yêu thương con người đến cùng. Lòng Chúa luôn mở
rộng như chiếc lá để đùm bọc, cưu mang, ôm ấp nhân loại khổ đau. Chính Chúa đã
chấp nhận mang lấy những bệnh tật, đau khổ và tội lỗi của chúng ta để hạ mình
sinh nghèo, sống nghèo, và chết nghèo để cho chúng ta được chữa lành, no thỏa
và được sống dồi dào.
Lễ Lá hôm nay dẫn
chúng ta bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm lại biến cố Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết
và sống lại. Tạ ơn Chúa là chiếc "lá lành đùm lá rách" nhân loại
chúng ta. Xin cho mỗi chúng ta đừng bao giờ trở thành “lá mặt lá trái”, nhưng
hãy trở nên “lá lành đùm lá rách” để một lòng một dạ trung thành với Chúa và
yêu thương nhau đến cùng, như tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. (St)
Anh chị em thân
mến, với những tâm tình đó,
Giờ đây chúng ta
hãy noi gương dân thành Giêrusalem mà hoan hỷ lên đường nghênh đón Đức
Kitô!
* SUY NIỆM
TRONG THÁNH LỄ
Suy niệm
1: ĐƯỜNG THẬP GIÁ, CON ĐƯỜNG TÌNH
Phụng vụ Lời Chúa
Lễ Lá hôm nay đã khắc họa đậm nét về dung mạo của một vị TC Giàu Lòng Thương
Xót dành cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô:
- Bài đọc
1, trích sách tiên tri Isaia: cho chúng ta thấy rõ dung dạo của Người
Tôi Trung TC. Người tôi trung này rất hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Người đã đón nhận mọi sĩ nhục do người đời đối xử với Người. Hình ảnh người tôi
trung ấy mà ngôn sứ Isaia trình bày ấy không ai khác đó chính là Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Chúa Giêsu trong cuộc thương khó đã phải chịu đánh đòn, bị
chế nhạo, bị hành hạ, bị lăng nhục… bởi người đời, nhưng Người đã chấp nhận tất
cả chỉ vì vâng lời Chúa Cha và yêu thương nhân loại đến cùng.
- Bài đọc
II, trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Philipphê: Trong đoạn
thư này, thánh Phaolô trình bày cho biết Đức Giêsu chính là Ngôi Hai TC làm
người. Ngài không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với TC. Trái lại, Người
đã tự hủy mình ra không ngang qua việc mặc lấy thân phận tôi đòi, từ bỏ trời
cao xuống thế làm người để ở cùng chúng ta, nhằm cảm thông và chia sẻ kiếp
người với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Qua cái chết đau thương trên thập giá,
Người đã chuộc lại tội lỗi cho nhân loại, đã phục hồi chức vị làm con TC mà con
người chúng ta đã đánh mất kể từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội trong vườn địa
đàng năm xưa.
- Bài thương khó
hôm nay khá dài: trình thuật về cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Chúa
Giêsu trên thập tự giá. Trong biến cố đau thương này, Tin mừng nêu bật những
vấn đề xảy ra trong cuộc sống thường ngày của nhân thế:.
Nếu nhìn vào
những năm tháng êm đềm khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, ai cũng nghĩ rằng
Giuđa, Phêrô và các tông đồ… chính là những người bạn tâm giao với Thầy Giêsu,
thì lẽ nào lại phản bội lại Thầy mình. Nhưng tình người thật trái ngang, lòng
người dễ đổi thay. Chính những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu là Giuđa
Iscariô lại nhẫn tâm bán thầy; Phêrô thì nhác đảm chối bỏ thầy; còn các
môn đệ khác thì trốn chạy biệt tâm đang lúc Thầy mình gặp hoạn nạn; cả như môn
đệ Mar-cô cũng sợ hãi và bỏ chạy đến “tuột quần” khi Thầy mình bị bắt. Đúng là
như người đời đã nói: “khi hoạn nạn mới biết ai là bạn.”.
Nhưng cũng thật
an ủi vì cuộc đời vẫn còn đó những con người sẵn sàng sống trung tín với thầy
Giêsu. Tình yêu của họ thật tuyệt vời, đáng trân quý biết bao. Trong số ấy phải
kể đến tông đồ Gioan đã can đảm theo Chúa Giêsu đến tận chân thập giá; như Mẹ
Maria sẵn sàng thông phần đau khổ với con mình trên mọi nẻo đường; như bà
Maria Mađalêna, bà Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, bà Salômê… họ
không ngần ngại bước theo Chúa đến cùng trên con đường thập giá. Nổi bật nhất
là khuôn mặt của ông Simon, quê ở Xy-rê-nê; bà Vê-rô-ni-ca
và ông Giu-se quê ở Arimathia dẫu không hề quen biết Chúa
Giêsu, nhưng họ lại sẵn lòng giúp đỡ Người với hết khả năng của mình.
Nhưng có lẽ điểm
nhấn mà bài thương khó hôm nay muốn hướng đến chính là tình
yêu như trời biển mà TC dành cho nhân loại chúng ta. Vì yêu thương
nhân loại quá đỗi nên TC đã sẵn lòng ban Con Một của Ngài cho chúng ta, để ở
cùng chúng ta nên Người được gọi là “Đấng Emmanuel”. Người đã chấp
nhận mặc lấy thân phận con người, trở nên đồng thân, đồng phận và đồng tử với
chúng ta ngoại trừ tội lỗi, hầu cứu chuộc chúng ta khỏi án chết đời đời trong
đau khổ. Qủa đúng như lời thánh Gioan tông đồ đã nói: “Không có
tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).
Xin cho mầu nhiệm
thập giá, mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu hy sinh phục vụ đến chết và chết
trên thập giá được thấm nhập vào trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của
chúng ta, để mong sao dung mạo của một vị TC Giàu Lòng Thương Xót ấy cũng được
khắc họa qua đời sống khiêm nhường, hy sinh và tận tâm phục vụ nơi mỗi người
kitô hữu chúng ta hàng ngày trong cuộc sống.Amen.
Suy niệm
2: “THƯƠNG KHÓ VÌ KHÓ THƯƠNG”
Tin mừng hôm nay,
tường thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Nguyên nhân dẫn đến cuộc
“Thương khó” của Chúa Giêsu là vì Người trở nên “khó thương” đối với nhiều
người, thuộc mọi thành phần trong xã hội:
1. Khó thương đối
với dân Do Thái
Nhiều lần dân chúng
đã nhiệt liệt vỗ tay, tét đùi khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu thực hiện: Trừ
quỷ câm ( Lc11,1 4-23), cứu chữa con trai của viên sĩ quan ngoại giáo (Ga
4,43-54), chữa người bất toại 38 năm được khỏi bên bờ hồ Bết-da-tha (Ga,1-16),
cho người mù từ lúc mới sinh được xem thấy (Ga 9,1-38) và cho La-da-rô sống lại
(Ga1,1-45).
Mới hôm nào họ
được no lòng thoả dạ khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, nuôi
năm ngàn người ăn no nê.
Trước đây, họ đã
nức tiếng khen ngợi về những lời giảng dạy khôn ngoan của Chúa Giêsu và
tin nhận: “ông này thật là vị ngôn sứ”; kẻ khác rằng “ông
này là Đấng Kitô.” (Ga 7,40). Họ kháo nhau: “Ông này không học hành
gì mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế!” (Ga 7,15).
Và mới đây, đám
đông dân chúng thành Giêrusalem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những
nhánh lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung
hô, họ dành cho Người một nghi lễ đón rước như là một vị vua vĩ đại của họ. Họ
vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavít”; “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên
Chúa mà đến”. Thế mà liền sau đó họ lại chống đối, lên án và la hét
đòi "đóng đinh nó vào thập giá".
Trước đây, Chúa
Giêsu là thần tượng được dân chúng ngưỡng mộ yêu mến, thì trong thời điểm
“thương khó” này, Người lại trở thành nhân vật “khó thương” đối với họ.
2. Khó thương đối
với giới chức lãnh đạo tôn giáo
- Vì Chúa
Giêsu đụng chạm đến uy tín họ:
Chúa Giêsu nhiều
lần lên án gắt gao lối sống giả hình của giới chức tôn giáo. Chỉ chích
họ giữ đạo hình thức, không có tâm tình yêu mến. Vạch mặt những việc đạo
đức giả của họ làm, cốt để lòe mắt thiên hạ. Khiến cho uy tính của họ càng
lúc bị lu mờ đi.
- Vì Chúa
Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi vật chất của họ:
Thu nhập kinh tế
của hàng ngũ giới chức tôn giáo chủ yếu nhờ vào việc buôn bán và đổi tiền nơi
đền thờ. Đặc biệt vào những ngày lễ lớn, nguồn thu nhập của họ và con cháu họ
rất lớn. Vậy mà Chúa Giêsu dám động đến nồi cơm của họ. Ngài đã đi vào đền thờ
đánh đuổi những con buôn và lật tung những bàn đổi tiền của họ. Người còn thách
thức: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng
lại.” Và tự xưng mình là Con Thiên Chúa (x. Mt 26,61; Mc 14,58).
Có lẽ vì những lý
do trên mà Chúa Giêsu đã trở nên nhân vật “khó thương” trong con mắt của hàng
lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Nên không lạ gì, họ quyết tâm lên án tử Chúa
Giêsu.
3. Khó thương đối
với giới chức lãnh đạo chính quyền
Để tạo được sự
đồng thuận đối với giới chức chính quyền, giới chức tôn giáo đã gắn
Chúa Giêsu vào tội chính trị. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã xách động dân chúng chống
lại chính quyền: “Chúng tôi phát giác ra tên này xách động dân tộc
chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình
là Mêsia, là vua nữa.” (Lc 23, 2).
Do đó, Chúa Giêsu
bị xem là nhân vật nguy hiểm đối với giới chức lãnh đạo của đế quốc Rôma, vì có
âm mưu lật đổ chính quyền và lãnh đạo dân chúng nổi dậy làm cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc. Chúa Giêsu đương nhiên trở thành đối tượng nguy hiểm đối với các
giới chức chính quyền. Nên cần phải tìm cách tiêu diệt ngay!
4. Khó thương đối
với chính các môn đệ của mình
- Chúa Giêsu đã
trở nên khó thương trong mắt của môn đệ Giuđa: Giuđa, một con người được
Chúa yêu thương và chọn gọi làm môn đệ Ngài. Được Chúa dạy dỗ và cho chứng kiến
bao phép lạ Chúa làm. Được Chúa tín nhiệm giao cho làm thủ quỹ, giữ túi
tiền. Nhưng vì tham lam tiền của, say cuồng theo đuổi mục tiêu chính
trị là giải phóng dân tộc nên Giuđa đã phản lại thầy mình. Ông dùng một cái hôn
xảo trá để bán đứng thầy. Trong mắt ông, Chúa Giêsu đã trở nên ông
thầy “khó thương”, đáng để cho ông lợi dụng.
- Phêrô cũng
chẳng hơn gì! Tự hào về lòng trung tín đối với thầy: “Dù mọi người có
bỏ thầy, thì con sẽ không bỏ thầy”. Vậy mà ông đã dễ dàng chối
bỏ thầy mình trước một cô đầy tớ. Chẳng những chối một lần mà cả đến ba lần.
Không chỉ chối thầy mà còn chối bỏ cả nguồn gốc, quê hương xứ sở của mình nữa.
Với Chúa Giêsu, trong cuộc thương khó đã trở nên “khó thương” đối với Phêrô thế
sao!
- Cũng như Giuđa
và Phêrô, các tông đồ khác cũng đã được Chúa Giêsu hết lòng thương yêu, dạy
bảo. Được Chúa ban cho diễm phúc đồng thân, đồng phận với Chúa. Nhưng vì sợ
đồng tử nên các ông đã bỏ thầy mình trong lúc hoạn nạn, để chạy thoát thân. Ôi,
thầy Giêsu "khó thương" đến thế sao!
5. Khó thương đối
với cả chúng ta nữa:
Nếu xưa kia, Chúa
Giêsu trở nên “khó thương” trong mắt mọi người, thuộc mọi thành phần. Từ giới
chức tôn giáo đến quan chức lãnh đạo đời. Từ dân chúng bình dân đến giới trí
thức kinh sư, luật sĩ. Từ những bà con làng xóm đến những môn đệ thân tín. Thì
ngày nay, Chúa Giêsu cũng có thể trở nên “khó thương” đối với nhiều người trong
chúng ta:
- Như Giuđa, Chúa
Giêsu trở nên “khó thương” đối với chúng ta. Bởi vì Ngài không đáp ứng được
những yêu sách đòi hỏi của chúng ta, khi ngăn cản lòng tham lam và
những việc làm giả dối của chúng ta.
- Giống như
Phêrô, Chúa Giêsu trở nên “khó thương” với chúng ta, vì Ngài bắt tôi phải trung
thành với Ngài trong việc tuân giữ Lề Luật và Giáo huấn của Ngài. Ngài còn
đòi hỏi tôi phải thể hiện niềm tin trước mặt mọi người. Trong khi tôi đang sống
trong xã hội vô thần. Ôi khó biết bao!
- Như giới chức
tôn giáo, tôi cảm thấy khó chịu. Bởi vì lời dạy của Ngài ngăn cản lối sống
gian dối và giả hình của tôi. Đã lên án tính kiêu căng tự mãn và công kính mạnh
mẽ đến những việc làm sai trái của tôi.
- Cũng giống như
giới chức chính quyền, nhiều lúc tôi không có chút cảm tình với Chúa
Giêsu. Bởi Ngài chính là đối tượng nguy hại, ảnh
hưởng đến cuộc đời tôi. Chính vì Ngài mà tôi bị loại ra khỏi
hàng ngũ lãnh đạo xã hội. Vì Ngài mà tôi mất đi cơ hội ngồi vào chiếc ghế quyền
lực chính trị. Vì Ngài mà tôi mất đi việc béo bở…. Vì thế tôi cần phải đánh
chéo tên Giêsu trên văn bản và loại trừ Người ra khỏi cuộc đời tôi.
- Tệ hại hơn,
giống như đám đông dân chúng, tôi cũng nông nổi nhẹ dạ, dễ nghe theo dư luận, hùa
theo đám đông lúc thì vỗ tay ủng hộ đạo thánh Chúa, lúc thì gào
thét đả đảo Giáo Hội Chúa. Vì chức quyền, danh vọng, tiền
bạc… tôi sẵn sàng bất trung với Chúa và vì lợi ích mau qua tôi sẵng sàng chống
lại Thiên Chúa.
Một nỗi buồn thấm
thía, sao Chúa lại trở nên “khó thương” và bị bạc bẽo đến mức như vậy!
Suy niệm 3:
Ngày xưa, có 2
anh em nọ sống chung với nhau trong cùng một căn nhà. Người anh rất tốt lành,
siêng năng làm việc và kính sợ TC. Còn đứa em thì lọc lừa, gian manh, và phạm
đủ mọi thứ tội ác, như cướp của giết người...Một đêm nọ, đứa em chạy về nhà,
quần áo đính đầy máu. Nó tự thú với người anh: “em đã phạm tội giết người”.
Vài phút sau, căn
nhà đã bị cảnh sát bao vây, không còn cách nào trốn thoát được. Đứa em sợ
hãi nói rằng: “em không có ý giết người” và “em không muốn
chết”. Ngay lúc đó có tiếng cảnh sát gõ cửa. Người anh liền cởi quần
áo mình đang mặc cho đứa em và mặc lấy bộ quần áo đang dính đầy máu của
đứa em.
Sau đó cảnh sát
xông vào nhà cồng tay người anh và bắt đi giam giữ chờ ngày xét xử. Sau cùng
người anh đã bị tòa kết án tử hình thay cho em mình.
Câu chuyện trên
giúp chúng ta hiểu được phần nào về tình yêu tột cùng mà Chúa Giêsu dành cho
nhân loại chúng ta. Tuy Người vô tội nhưng Người lại sẵn
sàng chịu chết đau thương trên thập giá để đền tội thay cho chúng ta.
Chúng ta vừa nghe
lại bài thương khó khá dài, trình thuật lại cuộc khổ nạn và cái
chết thảm thương của Chúa Giêsu. Khi suy niệm lại cuộc khổ nạn
và cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta phải tự nhủ
rằng không một ai trong chúng ta là vô tội trước
cái chết của Chúa Giêsu.
REMBRANDT, hoạ sĩ
tài danh thế giới, người Hoà Lan đã vẽ lại bức tranh về “Ba
Cây Thập Tự” rất nổi tiếng. Những ai chiêm ngắm bức
tranh này đều bị thu hút ánh nhìn vào trung tâm của bức hoạ. Ở
giữa hai cây thập giá của 2 tên gian phi là thập giá treo
Chúa Giêsu được vươn cao hơn. Dưới chân thập giá của Chúa Giêsu là cả một
rừng người, nhưng lạ là khuôn mặt ai nấy đều lộ vẻ căm
thù và oán hận; trong số đó có cả khuôn mặt của nhà danh
hoạ nổi tiếng của bức tranh này.
Qua tác
phẩm đó, tác giả Rembrandt như muốn nói với chúng ta rằng: không
ai là vô tội trước cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá.
Có thể ta là Giuđa, Phêrô, Philato, Caipha, quân lính, đám đông hay những nhà
lãnh đạo đạo đời…đã tham gia vào vụ án giết Chúa Giêsu.
Nếu Chúa Giêsu
đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận tôi đòi và
giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, thì Chúa
cũng muốn nói với chúng ta rằng: mỗi người trong chúng
ta đều là hiện thân của Chúa. Vì thế khi ta giúp đỡ cho ai đó là
chúng ta đang giúp cho chính Chúa.
Ngày nay chung
quanh chúng ta vẫn còn đó những Đức Kitô nơi những người nghèo khổ, bệnh tật.
Họ là những người mắc bệnh nan y không tiền chữa trị; họ là những người bị
vụ khống, bị tù đày cách bất công; họ là những người đau khổ què quặt, đùi
mù, câm điếc không cơm ăn áo mặc, không chốn nương thân...Đó chính là những
Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên thập giá, đang mong đợi được chúng an
ủi và giúp đỡ tận tình.
Trần gian được ví
là bể khổ nên “người nghèo thì luôn có bên cạnh”. Chúng ta tự
hỏi, với khả năng hạn hẹp ta làm được gì? Chắc hẳn ta không thể làm
được những điều vĩ đại để làm hết khổ đau cho tha nhân, nhưng chúng
ta vẫn có thể thực hiện những điều bé nhỏ làm vơi đi một phần gánh nặng
của anh chị em mình qua những hành động cụ thể như: cảm thông với những ai
nghèo khổ giống như các phụ nữ khi xưa đã đi
theo và khóc thương Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Chúng ta
có thể nâng đỡ tha nhân như ông Simon đã kê vai vác đỡ thập
giá nặng nề của Chúa. Chúng ta có thể an ủi những
ai đau khổ như bà Vêrônica trao khăn cho Chúa lau mặt đẩm mồ hôi và
máu. Chúng ta cũng có thể lên tiếng bênh vực những ai đang gặp
bất công như người trộm lành bên hữu Chúa. Chúng ta cũng có
thể cảm thông với sự đau khổ của anh em mình như Mẹ Maria, như môn
đệ Gioan và các bà đạo đức…Tất cả họ đã can đảm theo Chúa đến cùng và
đã can đảm đứng dưới chân thập giá chứng kiến cái chết đau thương
của Chúa.
Vì yêu mến nhân
loại đau khổ và phải chết vì tội lỗi, Chúa đã sẵn sàng chấp
nhận chịu đau khổ và hy sinh mạng sống mình vì chúng ta hầu cho chúng
ta được sống và sống dồi dào. Đáp lại tình yêu lớn lao cao vời
của Chúa, chúng ta hãy can đảm chết đi cho tính hư nết
xấu và tội lỗi của mình qua việc xét mình ăn năn tội mỗi
ngày trong giờ kính tối; siêng năng tham dự các giờ đạo đạo đức và
tĩnh tâm mùa chay để dọn mình xưng tội với mong
muốn được sống lại thật về phần linh hồn. Nhất là biết siêng năng
tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày để được kết hợp mật thiết với
Chúa, nhờ đó ta mới có thể được sống hạnh phúc cùng với
Chúa trong niềm vui phục sinh, như lời Chúa đã hứa với
người trộm lành có lòng ăn năn hối cải: “Tôi bảo thật anh,
hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiêng đàng”. Amen.
Suy niệm 4:
Hôm nay Chúa nhật
Lễ Lá, là ngày Giáo Hội kỷ niệm dân Do Thái ngày xưa đã đón Đức Chúa Giê-su vào
thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng, và để mở đầu cho cuộc thương khó của Đức
Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại mà phải chịu chết trên thánh giá. Ý nghĩa
của ngày lễ Lá là như thế, nhưng tâm tình của bạn và tôi cũng như của những
người Ki-tô hữu khác trong thánh lễ này lại mang tâm trạng khác, tôi xin chia
sẻ với bạn những tâm tình này:
1. Tình cảm của
con người.
Bạn có thấy tình
cảm của con người không, cụ thể là người Do Thái đối với Đức Chúa Giê-su đó,
hôm nay tình cảm họ dành cho Ngài thật dạt dào trân trọng, họ tôn sùng Ngài
cách cuồng nhiệt, và nếu giờ phút ấy Đức Chúa Giê-su xách động quần chúng đứng
lên lật đổ nhà vua, đuổi quân Rô-ma ra khỏi đất nước, thì chắc quần chúng vẫn
nghe theo, nhưng Đức Chúa Giê-su không làm như thế, bởi vì Ngài biết lòng dạ
của người dân, tình cảm của con người hay thay đổi, nay trắng mai đen, nay hoan
hô mai đả đảo.
Tình cảm của dân
Do Thái hôm qua cũng là tình cảm của bạn và tôi hôm nay, giống nhau như đúc ở
sự hay thay đổi: thích thì hoan hô, không thích thì đả đảo, dù cho đối tượng là
người tốt hay người vô tội.
2. Sự khiêm hạ và
hiền hòa của Đức Chúa Giê-su.
Trước một đám
người cuồng nhiệt hoan hô mình, Đức Chúa Giê-su biết đó chỉ là sự phấn chấn
nhất thời của họ, và ngày mai chính họ sẽ lên án mình cách bất công, nhưng Ngài
vẫn cứ đón nhận lời tung hô của họ mà không cau có, dỗi hờn hay chỉ trích. Thái
độ hiền hòa ngồi trên mình lừa mẹ tiến vào thành Giê-ru-sa-lem của Đức Chúa
Giê-su đã nói lên tất cả sự khiêm cung của Ngài, chính những lời tung hô “vạn
tuế con Vua Đa-vít” “Đấng ngự đến nhân danh Chúa” của người Do Thái như một lời
tiên tri ứng nghiệm nơi Ngài, Đấng Thiên Chúa làm người.
Sự khiêm cung và
hiền hòa của Đức Chúa Giê-su là một bài học cho chúng ta, khi chúng ta biết bạn
bè chơi khăm mình thì nhất định sẽ nổi giận và không thèm tham gia với họ, khi
chúng ta biết những lời khen ngợi của mọi người chỉ là lời khen giả tạo và hàm
ý chê bai, thì chúng ta đùng đùng nổi giận...
Bạn thân mến,
Chúa nhật lễ lá
là bắt đầu tuần thánh mà cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua, Giáo Hội cho chúng ta
nghe tường thuật bài Thương Khó của Đức Chúa Giê-su trong ngày chúa nhật Lễ Lá,
là để cho bạn và tôi cùng chia sẻ với những đau khổ của Ngài đã chịu vì yêu
thương bạn và tôi, cũng như yêu thương nhân loại. Và cũng để cho bạn và tôi học
được bài học khiêm tốn và hiền hòa nơi Đức Chúa Giê-su, Đấng từng tuyên bố mình
là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
Xin Thiên Chúa
chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Suy niệm 5:
Bài tin mừng rước lá hôm
nay, thuật lại sự kiện Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như
một vị Vua Thiên Sai, Ngài được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng
một ông vua khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ
Gia-ca-ri-a.
Vào thời Đức Giê-su, nhiều
người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để lãnh đạo dân đánh
đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi Do thái và thiết lập một Triều Đại
Mới, giống như triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực
ra sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang trông
đợi.
Người là Đấng Thiên Sai
nhưng là ông Vua “Mục Tử tốt lành, hiền hậu và khiêm nhường”. Người đã xưng
mình là Vua trước mặt quan Tổng Trấn Phi-la-tô, khi hai tay đang bị trói, thân
thể bị đòn đánh tan nát; khi phải đứng trước tòa án như một tội nhân. Danh hiệu
Vua của Chúa Giê-su được ghi bằng dòng chữ viết tắt “INRI” gắn trên cây thập
giá, nghĩa là : “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.
Đức Giê-su chính là Vua nhưng
không phải như một ông Vua trần tục, đòi được người khác hầu hạ, nhưng là ông
Vua Mục Tử Tốt Lành, hiền hậu và khiêm nhường :
- Là Vua Mục Tử
: Người biết rõ đàn chiên, yêu thương mọi con chiên và chăm sóc
từng con, nhất là sẵn sàng đi tìm những con đi hoang, băng bó những con bị
thương tích, âu yếm và vác chúng trên vai mà đưa về đàn. Ngày nay Người yêu
thương đàn chiên Hội Thánh và yêu đến tột cùng, khi thiết lập bí tích Thánh Thể
để ở với Hội Thánh mọi ngày và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng Hội
Thánh. Người cũng nêu gương khiêm nhường cho chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy
học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
- Là Vua Hòa Bình
: Người không ngồi trên ngựa chiến uy quyền khải hoàn vào thành
thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng khiêm tốn ngồi trên con lừa. Người đến không để kết
án và trừng phạt tội nhân, nhưng để yêu thương, tha thứ cho những tội
nhân thực lòng sám hối ăn năn như tha tội người trộm lành trên cây thập tự.
Người là Vua Mục Tử bảo vệ
đàn chiên và sẵn sàng chịu chết để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Vậy chúng ta ngày hôm nay sẽ
làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Vua Giê-su ?
+ Siêng năng cầu
nguyện : Lý do Tông đồ Phê-rô sa ngã và hèn nhát chối Thầy ba lần
là vì quá tự tin vào sức riêng hơn tin cậy vào ơn Chúa, đã ăn uống no
say và không theo lời Thầy dạy :” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám
dỗ”.
+ Luôn vâng theo thánh
ý Chúa Cha : Khi gặp rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực
lòng, chúng ta hãy xin vâng theo ý Chúa Cha. Tránh đi coi bói toán, tin vào
bùa phép và các thứ mê tín khác… Hãy xin Chúa thêm sức mạnh giúp
chúng ta chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi, coi đau khổ gặp
phải như phương thế để đền tội mình và góp phần cứu rỗi anh em.
+ Không cố tình
phạm tội như Giu-đa, vì sẽ bị phạt chung số phận với ma quỷ như lời Chúa
phán : “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
+ Sẵn sàng tha thứ
cho những ai có lỗi với mình như lời kinh Lạy Cha dạy, noi gương Chúa Giê-su đã tha thứ cho
Phê-rô sau khi ông chối Thầy ba lần; hãy năng cầu xin Chúa Cha tha thứ cho
những kẻ làm hại mình noi gương Chúa Giê-su đã xin Cha tha cho những kẻ làm
khốn mình.
+ Luôn giữ bình
tĩnh và dùng tình thương để hoán cải kẻ thù, noi gương Chúa Giê-su đã ứng xử với Giu-đa khi anh ta hôn
mặt để nộp Người cho kẻ thù.
+ Kiên nhẫn chịu
đựng khi bị khích bác, noi gương Chúa Giê-su đã im lặng chịu đựng trước những lời hò hét
đả đảo của đám đông cuồng nộ.
+ Thực lòng sám hối
và tin yêu Chúa noi gương kẻ trộm lành trên cây thập tự khi trách bạn : “Mi
chịu cùng một án, mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao ? Phần chúng ta, bị như thế này
là đích đáng, vì xứng với tội ta đã làm. Còn ông Giê-su này đâu có làm điều gì
xấu ?” và cầu xin Chúa Giê-su : “Lạy ông Giê-su. Khi nào về
Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”. Chúa Giê-su đã lập tức tha tội và ban ơn cứu
độ cho anh khi phán: “Ta bảo thật. Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng
với Ta”.
+ Quyết tâm loại trừ tính
ghen tị, ganh ghét : Sau cùng, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm loại trừ tính
ganh ghét những ai hơn mình, để tránh phạm thêm tội ác khác như các đầu mục Do
Thái xưa đã ganh ghét và giết hại Chúa Giê-su. (St)
Suy
niệm 6:
Chúa
nhật Lễ Lá hôm nay là cánh cửa mở ra tuần Thương Khó, kiể niệm lại cuộc thương
khó của Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của nhân loại và của mỗi chúng ta. Trong
tuần này Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau chia sẻ những đau khổ của Chúa
Giê-su đã chịu từ khi vào thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Ngài trút hơi thở
cuối cùng trên thập giá.
Nếu
ai trong chúng ta đã từng bị hiểu lầm, đã từng bị kết án cách bất công, hay đã
hơn một lần nếm mùi nhục nhã trước những người đã chịu ơn mình, nhưng bây giờ
lại phản bội, đấu tố hãm hại lại mình, thì mới cảm nhận được thế nào đau khổ
trong tâm hồn của Chúa Giê-su.
Mới
đó, Ngài đã được đặt trên mình lừa con tiến vào thành thánh Gierusalem và được
dân chúng cởi áo lót đường đi, được tung hô: “vạn tuế, vạn tuế”, và
được tuyên xưng là “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến...” thật
oai hùng như một vị vua. Nhưng liền sau đó, Chúa Giê-su lại phải đau buồn đến
nỗi linh hồn Ngài phải chết được, vì thấy rằng chính những con người cầm những
cành lá tung hô vạn tuế Ngài trước đó, thì nay lại vung nắm tay la hét chống
đối và tố cáo Ngài trước tòa án Phi-la-tô: “đóng đinh nó vào thập giá”.
Khi
suy gẫm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta, mới cảm nhận được nhân
tình thế thái là dường nào! Trách người không bằng trách mình, rất có thể chúng
ta cũng đối xử như thế đối với Chúa. Đó là khi chúng ta cũng hùa theo hiệu ứng
của đám đông la to hét lớn đòi đóng đinh Chúa của chúng ta vào thập giá mỗi khi
chúng ta cố tình phạm tội, hay không dám can đảm sống và làm chứng cho niềm tin
của mình. Chắc chắn khi ấy Chúa Giê-su rất đau khổ bởi vì Ngài nhìn thấy chúng
ta đang sống nhưng tâm hồn như đã chết, vì sa vào những cám dỗ của ma quỷ, thế
gian và xác thịt.
Trong
suốt những năm ở trần gian, Chúa Giê-su đã không ngừng thi ân giáng phúc cho
những người Do Thái, nhưng Ngài đã phí công vô ích, bởi lẽ những người mà Ngài
đã hết lòng yêu thương, ban ơn giáng phúc, giờ đây lại nhẫn tâm kết án tử cho
Ngài. Nhưng Ngài lại không oán hận, bởi Ngài tin chắc rằng với máu Ngài đổ ra,
với những cực hình mà Ngài phải chịu, và với cái chết nhục nhã trên thập giá,
Ngài sẽ cứu chuộc chúng ta là những người đang sống nhưng tâm hồn đã chết, sẽ
cùng được sống lại với Ngài.
Bài
Thương Khó mà chúng ta vừa nghe, đã khiến cho nhiều tâm hồn tội lỗi trở lại
đường ngay nẻo chính, nó cũng đã đánh động nhiều tâm hồn kiêu ngạo chỉ biết kết
án tha nhân giờ biết khiêm tốn kết án chính mình.
Trong Tuần Thánh
này chúng ta học hỏi Chúa Giê-su những bài học cao quý sau: không oán trách
người hiểu lầm mình, không trả thù những kẻ vô ơn, không giận ghét người bạc
nghĩa, không nói xấu người chỉ trích mình.v.v... đó những là việc làm tích cực
nhất của chúng ta cần phải thể hiện trong đời sống thường ngày để xoa dịu nỗi
đau của Chúa phãi chịu và chúng ta, và đó cũng chính là tâm tình cần phải có
của mỗi chúng ta vì chúng ta được mang danh của Ngài, là kitô hữu trong ngày
lãnh nhận bí tích rửa tội. (St)
Thứ hai: Ga 12,
1-11
“Ai là mẹ tôi? Ai
là anh em tôi?...Ai thi hành ý muốn Cha tôi,…người ấy là anh chị em tôi, là mẹ
tôi.” (Mt 12,48-49). Gia đình của Chúa là gia đình đức tin.
Người thân của Chúa là những ai yêu mến và sống Lời Chúa. Gia đình
Bêtania là gia đình đức tin vì mỗi người trong gia đình này đều thể hiện niềm
tin của mình cách tích cực với hết khả năng của mình. Do đó họ xứng đáng là anh
chị em của Chúa và được Chúa yêu thương.
Xin cho mỗi thành
viên trong gia đình chúng ta, biết yêu Chúa với hết lòng qua những việc làm cụ
thể trong tuần thánh này, để xứng đáng là gia đình đức tin.
Tin mừng hôm nay
thuật lại việc Chúa Giêsu đến làng Bêtania, (cách Giêrusalem độ chừng 3km) để
dùng bữa cơm tối tại nhà La-da-rô, người được Chúa Giêsu cho sống lại.
Trong bữa ăn tối
thân tình này, ta nhận ra một mẫu gia đình cần phải có để xứng đáng
hưởng ơn cứu độ của Chúa.
- Mác-ta: Vốn là
con người năng động “lăng xăng nhiều việc”. Hôm nay lại đuợc Chúa Giêsu viếng
thăm và ở lại dùng bữa. Trong tâm tình biết ơn, vì Chúa đã cho La-da-rô em mình
sống lại nên đã chuẩn bị bữa tiệc chu đáo thết đãi Chúa.
- Maria: Tin Mừng
cho biết là người thích ở bên chân Chúa để nghe Chúa dạy bảo. Cô cũng là cô gái
tội lỗi đi tìm Chúa và gặp Chúa đang dự tiệc tại nhà ông Si-mon. Cô mang đến
một cái bình bằng đá ngọc quý, đựng nước hoa hảo hạng, cô đến quỳ bên chân Chúa
rồi đập cả bình để đổ hết nước hoa trên chân Chúa, khiến cả nhà thơm ngào ngạt,
rồi cô lấy tóc mà lau. Tin mừng hôm nay thánh Gioan cho biết, vì lòng yêu mến
Chúa nên cô đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân
Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.
- La-da-rô: Người
được Chúa thương, được Chúa cho sống lại. Anh là chứng nhân sống động cho mọi
người tin Chúa. Anh được ngồi đồng bàn cùng với Chúa.
Một gia đình có
ba người, mỗi con người mỗi tính cách, mỗi người thể hiện tình yêu của mình nơi
Chúa Giêsu mỗi cách thế khác nhau:
- Mác-ta, không
ngại vất vả làm việc nhiệt tâm để lo bữa ăn chu đáo cho Chúa và các môn đệ.
- Ma-ri-a, không
sợ tốn hao tiền của vì Chúa. Cô không ngại thể hiện mọi cử chỉ khiêm tốn nhất,
để nói lên lòng kính yêu Chúa.
- La-da-rô, người
được gọi là bạn của Chúa Giêsu. Anh được Chúa thương mến cho sống lại. Trong
bữa tiệc, anh được ngồi bên Chúa. Chứng tỏ anh cũng đã yêu Chúa hết lòng.
Một gia đình toàn
những con người chân tình, hết lòng yêu thương Chúa thì làm sao Chúa không
thương mến.
Xin cho mọi gia
đình Công giáo, biết bắt chước mẫu gương của gia đình Bê-ta-ni-a hết lòng yêu
mến Chúa. Sẵn sàng hy sinh làm tất cả vì tình yêu Chúa. Nhất là trong tuần
thánh này biết sẵn sàng hy sinh thời giờ, công việc riêng, để sống thân tình
với Chúa qua việc tham dự đầy đủ và tích cực các nghi thức phụng vụ. Đồng thời
cũng sẵn sàng hy sinh cả tiền của, công sức để góp phần vào việc tổ chức các
nghi lễ trong tuần thánh được trang trọng nơi giáo xứ mình.
Thứ ba: Ga
13,21-33.36-38
Xã hội xưa nay
đều lên án những kẻ phản bội, bất trung. Ai cũng đều căm ghét những kẻ “ăn cháo
đá bát”. Nhưng bất trung và phản bội vẫn tồn tại trong xã hội con người, rất có
thể trong đó có cả chúng ta. Xin cho ta được lòng trung thành tin yêu Chúa.
Thiên Chúa là
“Tình Yêu” nên khi tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa thì Người đã muốn cho
con người sống yêu thương nhau “như Chúa yêu”. Nên có thể nói
tình yêu chính là bản chất cốt yếu nhất làm nên con người. Nhưng tình yêu lại
thiêng liêng nhiệm mầu nên cần có những dấu chỉ để biểu tỏ. Mà một trong những
dấu chỉ căn bản để biểu tỏ tình yêu chính là lòng “trung tín”.
Thế
nhưng, trong thời đại hôm nay, hai chữ “trung tín” hình như đã xuống
cấp trầm trọng, ngay trong đời sống hôn nhân và gia đình trước nay vốn dĩ được
xem là thành trì vững chắc nhất, bất khả xâm phạm, vậy mà cũng bị rạn nứt
và đỗ vỡ. Có nhiều nguyên nhân gây nên sự đỗ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia
đình, nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất vẫn là vì con người ngày nay quá đề cao
cái tôi của mình, say mê tiền bạc và thích chạy theo danh vọng. Từ đó đưa đến
sự bất trung với nhau, gây ra đau khổ và bất ổn trong đời sống gia đình và xã
hội.
Tin mừng hôm nay
cho biết, cũng vì quá đam mê tiền bạc và chạy theo theo danh vọng mà tông đồ
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã xa dần tình yêu Chúa, để rồi cuối cùng ông đã nhẫn tâm
bán đứng Thầy mình.
Bằng cử chỉ “chấm
chung” chén, vốn dĩ là cử chỉ thể hiện tình yêu, nhưng với Giu-đa thì
đó lại là “cái chấm dối trá” của sự phản bội.
Sự phản bội của
tông đồ Giu-đa đáng bị lên án và trừng phạt đích đáng. Tuy nhiên khi lên án ông
ta, chúng ta cũng cần nghĩ đến bản thân mình. Rất có thể chúng ta cũng trở
thành kẻ phản bội Chúa giống như Giu-đa nếu chúng ta cố tình loại bỏ TC ra khỏi
cuộc đời của mình để nhắm mắt chạy theo sức hấp dẫn của tiền bạc, của cải, danh
vọng và lạc thú.
Xin Chúa thương
tha thứ vì những lần chúng ta đã phản bội lại Chúa. Nguyện xin Chúa ban thêm
tình yêu vào tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn biết sống trung tín với Chúa và
luôn trung thành với nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Thứ tư: Mt
26,14-25
Bài tin mừng hôm
nay cũng gần giống bài tin mừng hôm qua, thuật lại những tình tiết diễn ra của
bữa tiệc ly. Nhưng tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến nỗi buồn của Chúa Giêsu khi
biết Giuđa là kẻ phản bội. Chúa cũng sẽ rất buồn nếu ta phạm tội phản bội
lại tình thương của Người.
Trong thời gian
qua, nhân loại phải sống trong tình cảnh lo sợ và đau buồn vì đại dịch Covid-19
hoành hành khắp nơi. Gây nên không biết bao nhiêu là tổn thất về kinh tế, sức
khỏe và sinh mạng con người. Nhiều người đã phải quặng lòng đau đớn vì phải
chứng kiến người thân của mình bị nhiễm Covid 19 và đã chết đi trong cô đơn
tuyệt vọng, bởi không có thuốc đặc trị cứu chữa.
Tin mừng hôm nay
cũng diễn tả nỗi buồn xé lòng của Chúa Giêsu khi phải chứng kiến người môn đệ
thân tín của mình là Giuđa Ítcariô đã bị lây nhiễm bởi loại Virus độc hại, đó
là Virus của tiền bạc và danh vọng. Loại Virus này tuy không gây tổn thương đến
hai lá phổi, nhưng lại làm xơ cứng con tim, khiến cho ông mất đi cả nhân tính
khi nhẫn tâm phản bội lại người Thầy đã tin tưởng và yêu mến ông hết lòng.
Dẫu biết Giuđa
phản bội, nhưng Chúa Giêsu vẫn một lòng yêu thương ông cho đến cùng. Trong bữa
tiệc ly, Người đã dùng những cử chỉ và lời nói nhẹ nhàng, tế nhị nhằm thức tỉnh
Giuđa từ bỏ ý đồ đen tối. Nhưng Giuđa không hề để tâm lời Thầy nói. Nên ông đã
quyết định nộp Thầy mình với giá 30 đồng. Thật đau buồn biết mấy!
Người đời thường
nói: “Nỗi đau lớn nhất không phải vì biết được sự phản bội của người thân
mà là vì phải tiếp tục yêu thương họ.”.
Đúng vậy, Chúa
Giêsu biết rất rõ Giuđa là người môn đệ được Chúa tín nhiệm và yêu thương hết
lòng. Vậy mà giờ đây ông lại nhẫn tâm phản bội lại tình Chúa. Dẫu vậy, Chúa vẫn
tôn trọng quyền tự do của ông và tiếp tục yêu thương ông cho đến cùng. Đúng là
“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí ”. Nỗi
đau chồng chất nỗi đau.
Đạo lý
Việt Nam chúng ta thường coi hành động lừa thầy phản bạn là một tội
ác về luân lý, không thể dung thứ. Nhưng với Chúa Giêsu thì lại không bao giờ
thất vọng về con người. Cho dẫu chúng ta có xấu xa và tội lỗi tới đâu đi nữa,
thì tình yêu của Chúa đối với ta cũng không hề đổi thay. Người vẫn yêu thương
và sẵn sàng tha thứ cho ta nếu chúng ta biết ăn năn sám hối.
Xin Chúa cho
chúng ta biết cảm nếm được nổi đau chồng chất mà Chúa Giêsu phải chịu vì tội
lỗi chúng ta. Và mong sao cho tất cả chúng ta đừng có ai mắc phải lỗi lầm của
Giuđa là phản bội lại tình yêu Chúa.
* Tìm
Hiểu Thêm: Mt 26, 14-25
1. Giu-đa
nộp Đức Giê-su (Mc 14: 10 -11; Lc 22: 3-6)
14 Bấy giờ,
một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà
nói: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao
nhiêu. "Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ
lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
Họ quyết định cho
hắn ba mươi đồng bạc
Giá hợp đồng là
30 quan tiền, là giá bán của một người nô lệ theo luật cũ đã quy định (Xh
21,32) Nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa cho chủ của nạn nhân
ba mươi đồng bạc.
Qua
đoạn Tin Mừng này Thánh Matthêu cho thấy, chính Thiên Chúa bị dân người ruồng
bỏ. Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa bị người ta rao bán với giá của một tên nô
lệ.
2. Chuẩn bị
ăn lễ Vượt Qua (Mc 14: 12 -16; Lc 22: 7-13)
17 Ngày thứ
nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: "Thầy
muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? "18 Người
bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy:
"Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ
Vượt Qua với các môn đệ của Thầy."19 Các môn đệ làm y như
Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
3. Đức
Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy (Mc 14: 17 -21; Lc 22: 21 -23; Ga 13: 21
-30)
20 Chiều đến,
Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn,
Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp
Thầy."
20 Chiều đến,
Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn,
Người nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp
Thầy."
22 Các môn đệ
buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?
" 23 Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa
với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như
lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra
thì hơn! "25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Ráp-bi,
chẳng lẽ con sao? " Người trả lời: "Chính anh nói đó! "
- Diễn
biến của các sự việc trên đây: Việc mượn nhà của một người thân quen
và việc tiên báo Giuđa sẽ nộp Người, chứng tỏ Rabbi Giêsu biết rõ mọi chuyện sẽ
xảy đến cho mình.
- Chấm
chung một đĩa với thầy câu nói này gợi lại Thánh Vịnh 41 câu 10 “10 Cả
người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay
cũng giơ gót đạp con!”.
Ở đây Đức Giêsu
không chỉ rõ là ai, nhưng Ngài muốn tỏ bày nỗi niềm chua xót: Một người đã cùng
chia sẻ cuộc sống thân thiết với mình hằng ngày, và giờ đây đang cùng ăn với
mình, bề ngoài có vẻ hiệp thông, nhưng trong lòng thì rấp tâm phản bội.
- Khốn
cho người nào nộp Con Người: chữ khốn ở đây cho thấy trước tình
trạng khốn nạn của Giuđa: Một con người tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng có thể dẫn
đưa con người, hoặc hoá điên, hoặc tự sát. Giuđa rồi đây sẽ chọn con đường thứ
hai này. Rabbi Giêsu không nguyền rủa cũng chẳng lên án Giuđa, nhưng chỉ thương
hại đến thân phận của kẻ phản bội với một kết thúc bi thảm.
Gm. Stêphanô Tri Bửu Thiên
Thứ năm Tuần
Thánh: Ga 13,1-15
Anh chị em thân
mến, ba ngày: thứ năm, thứ sáu và thứ bảy Tuần Thánh được gọi là Tam Nhật Vượt
Qua và là đỉnh cao của năm phụng vụ.
Trong thời gian
cao điểm này, được bắt đầu bằng Thánh lễ Tiệc Ly chiều hôm nay, nhằm nhắc lại
việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và trao ban thánh chức Linh mục và truyền
dạy giới luật yêu thương.
Mỗi khi chúng ta
hiệp dâng Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta hiện tại hóa hy tế thập giá của Chúa
Giêsu trên đồi Golgotha xưa.
Giống như các
tông đồ năm xưa trong phòng tiệc ly, chiều hôm nay chúng ta cũng vây
quanh bên Chúa Giêsu bên bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa cho chúng
ta có cùng một tâm tình, cùng một đức tin và cùng một lòng mến như các tông đồ
xưa, với mong muốn cảm nếm được tình Chúa yêu ta là dường nào.
Định luật tình
yêu dạy cho ta hiểu rằng: yêu ai thì muốn ở gần người đó, yêu ai thì muốn hy
sinh phục vụ cho người đó, yêu ai thì muốn trở nên một với người mình yêu.
Tình yêu của Chúa
Giêsu thể hiện qua bài tin mừng hôm nay, cho chúng ta thấy những điều đó:
Yêu ai thì muốn ở
gần người đó
“Ngài đã yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian; và Ngài yêu thương họ đến
cùng.” (Ga 13,1). “Đức Giêsu biết giờ của người đã đến”, thời gian
mà Người phải lìa bỏ thế gian mà trở về cùng Thiên Chúa Cha.
Khoảng thời gian
còn lại không bao nhiêu nên Ngài muốn tận dụng thời điểm mừng đại lễ vượt qua
của người Do Thái để tổ chức bữa tiệc với các môn đệ theo đúng luật định, vừa
để tranh thủ giờ phút ngắn ngủi trong phòng tiệc ly ấm cúng để được ở bên các
môn đệ yêu dấu của Ngài.
Thánh Gioan cho
biết Đức Giêsu đã ao ước mãnh liệt được dùng bữa ăn này với các môn đệ vì đây
là bữa tiệc cuối cùng. Trong bữa tiệc, Chúa Giêsu đã không ngại lên tiếng bộc
lộ những tâm tình sâu kín về lòng yêu thương của Ngài dành cho các môn đệ. Ngài
gọi họ bằng những lời lẽ đầy thân thương: “những người con bé nhỏ của
Thấy”. Lòng bên lòng, Chúa Giêsu giãi bày tâm sự vừa thắm thiết vừa đượm
chất u buồn. Nhưng vượt trên hết là linh cảm về cái chết, với những lời tiên
báo về sự phản bội, bỏ rơi, sự hy sinh mà Ngài phải chịu. Cuộc trao đổi thân
tình dần dần đi đến kết thúc, trong khi những lời của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục
tuôn ra một cách dịu dàng và cuốn hút, mặc dù có một chút căng thẳng khác
thường ẩn trong những lời ám chỉ nghiêm trọng của Ngài giữa sự sống và sự chết.
Tất cả những gì mà Chúa Giêsu thể hiện trong bữa tiệc ly là muốn được ở bên các
môn đệ cách thân tình nhất, để Ngài thể tình yêu của Ngài.
Yêu nhau là sẵn
sàng hy sinh phục vụ
Yêu thương bằng
lời thì có thể coi là đầu môi trót lưỡi, yêu thương bằng thái độ có thể bị coi
là giả hình. Chỉ có yêu thương bằng hành động mới là tình yêu chân thực. Chúa
Giêsu không chỉ dạy các môn đệ của Ngài : “Các con hãy yêu thương nhau
như Thầy yêu thương chúng con” mà Chúa Giêsu còn thể hiện tình yêu cụ
thể bằng cách cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ. Ngài không ngần ngại
cởi bỏ chiếc áo cao sang của Thiên Chúa; nhận lấy chiếc áo của phận người tôi
đòi để cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân xong, Chúa Giêsu ngồi vào
bàn tiệc và dạy cho các môn đệ về bài học yêu thương bằng cách phục
vụ trong khiêm tốn: “Anh em gọi Thầy là “Thầy, là “Chúa,
điều đó phải lắm. Vậy Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh
em cũng phải rửa chân cho nhau.”
Bằng hy sinh
khiêm tốn phục vụ, người ta đo lường được sự chân thành và mức độ của tình yêu.
Yêu nhau người ta
muốn nên một với người mình yêu
Khi Yêu nhau
người ta không dừng ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên
một với người mình yêu vì mình với ta tuy hai mà một mà. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu
đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt và rượu thành Máu Người để ở lại
mãi với người mình yêu.
Người đời trước
khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người thân bằng những kỉ vật, bằng của hồi
môn quý giá. Đối với Chúa Giêsu những kỉ vật những của hồi môn dù cho quý giá
mấy cũng tầm thường, không đủ nói lên hết tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho
nhân loại. Nên Chúa muốn dùng kỉ vật hết sức đặc biệt và cao trọng nhất, đó
chính bản thân Chúa. Nhưng bản thân bằng xường thịt của Chúa chỉ có thể trao
ban một lần, không thể trao ban mãi. Vì thế, Chúa muốn lưu lại bản thân Ngài
bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và rượu làm của ăn của uống thiên liêng
dưỡng nuôi linh hồn ta. Làm như thế Chúa muốn ở lại với các tông đồ và với
chúng ta luôn mãi. Đồng thời qua việc kết hiệp với Mình Chúa, Chúa lưu truyền
sự sống của Ngài trong thân thể và trở nên một trong chúng ta.
Để thể hiện yêu
thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu còn muốn các môn đệ trở nên đồng hình
đồng dạng với Ngài và là hiện thân của Ngài giữa trần gian. Vì thế Chúa Giêsu
trao ban thánh chức linh mục cho các môn đệ “các con hãy làm việc này
mà nhớ đến Thầy”. Trong thánh lễ, nhờ việc đặt tay trên bánh rượu và đọc
lời truyền phép như Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, Chúa sẽ hiện diện nơi
hình bánh rượu ấy, trở nên của ăn bổ dưỡng thân xác nuôi sống linh hồn cho những
ai đón nhận Ngài, bởi thế Chúa trở nên một với chúng ta.
Tham dự cử hành
nghi thức rửa chân và thánh lễ chiều thứ năm hôm nay, ước gì giúp ta hiểu được
bài học khiêm tốn phục vụ và tình thương đến cùng mà Chúa dành cho chúng ta.
Xin cho chúng ta cảm nhận sâu sắc tình Chúa mà nỗ lực hết sức mình để đáp lại
tình Chúa yêu thương bằng đời sống gắn bó thân tình với Chúa; bằng những hy
sinh phục vụ quên mình vì Chúa và tha nhân, nhất là luôn biết gắn kết với Chúa
nơi Bí Tích Thánh Thể để Chúa ở lại trong ta và ta được sống trong Chúa bằng
chính tình yêu viên mãn của Ngài. Amen.
CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ
Mẫu 1: KHI YÊU NGƯỜI TA MUỐN NÊN MỘT VỚI NHAU
Lạy Chúa Giêsu
Thánh Thể,
Khi yêu nhau
người ta không dừng lại ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn
nên một với người mình yêu : “mình với ta tuy hai mà một” là thế! Vì lẽ đó,
Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến bánh thành Thịt và rượu thành Máu Chúa để ở
lại mãi với chúng con, những người được Chúa yêu.
Người đời trước
khi đi xa, xưa nay thường để lại cho người thân mình những kỉ vật quý giá. Đối
với Chúa những kỉ vật quý giá mấy cũng chỉ là tầm thường, không đủ nói lên hết
tấm lòng yêu thương Chúa dành cho nhân loại chúng con. Thế nên, Chúa đã dùng
cách thức hết sức đặc biệt và cao trọng, đó chính thân thể rất thánh của Người
để trao ban cho chúng con. Nhưng thân thể bằng xương thịt của Chúa cũng chỉ có
thể trao ban một lần chứ không thể nào trao ban và ở lại mãi với chúng con. Vì
thế, Chúa muốn lưu lại bản thân Ngài bằng hình thức nhiệm mầu dưới hình bánh và
hình rượu làm của ăn của uống thiêng liêng dưỡng nuôi linh hồn chúng con. Làm
như thế Chúa muốn ở lại với các tông đồ và với chúng con luôn mãi. Nhờ việc kết
hiệp mật thiết với Mình và Máu Chúa, mà sự sống bất diệt của Chúa được tuôn
chảy và lưu lại dồi dào trong thân thể chúng con vì Chúa đã trở nên một trong
chúng con.
Để thể hiện tình
thương với các môn đệ cho đến cùng, Chúa còn muốn các môn đệ trở nên đồng hình
đồng dạng với Ngài, trở nên hiện thân của Ngài giữa trần gian, Chúa còn trao
ban thánh chức linh mục cho các môn đệ khi phán rằng: “các con hãy làm
việc này mà nhớ đến Thầy”. Vì thế mà trong mỗi thánh lễ, khi linh mục
đặt tay trên hình bánh và hình rượu rồi đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã
làm trong bữa tiệc ly, thì lập tức hình bánh hình rượu ấy trở nên Mình và Máu
Chúa. Cho nên những ai đón nhận Mình và Máu Chúa thì sẽ được Chúa bổ dưỡng
thân xác nuôi sống linh hồn vì có Chúa ở cùng.
Tham dự cử hành
nghi thức Rửa Chân và Thánh Lễ chiều thứ năm hôm nay, ước gì chúng ta hiểu được
bài học khiêm nhường phục vụ đến cùng mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta. Xin
cho chúng ta cảm nhận được sâu sắc tình Chúa yêu ta mà nỗ lực hết mình đáp lại
tình Chúa yêu thương bằng cách gắn bó mật thiết với Chúa; sẵn sàng chấp nhận hy
sinh để phụng sự Chúa và phục vụ anh em hết mình như tình Chúa yêu ta; nhất là
biết siêng năng tìm đến Chúa nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, với mong muốn
được Chúa ở lại trong ta và ta được sống trong Chúa mỗi ngày sâu xa hơn. Amen.
Mẫu 2: SÁNG KIẾN CỦA TÌNH
YÊU
Lạy Chúa Giêsu
Thánh Thể, chính vì biết giờ của Chúa đã đến, giờ phải bỏ thế gian
mà về với Chúa Cha. Nhưng vì Chúa yêu thương quá đổi
những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, nên Chúa đã có những sáng
kiến thật kì diệu để minh chứng cho tình yêu của Chúa dành cho nhân loại chúng
con qua việc: Thiết lập BTTT, trao ban chức LM thừa tác và truyền dạy giới
luật Yêu Thương.
- Thiết
lập nên bí tích Thánh Thể: Đây là sáng
kiến độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ này. Chỉ một mình Chúa
với tình yêu thương tận cùng mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở
lại với nhân loại chúng con. Cách thức này gọi là tình yêu hiến
mình.
- Trao ban chức
Linh Mục thừa tác: Cũng chính trong tình yêu, Chúa đã thông ban thánh
chức Linh Mục cho một số người do Chúa tuyển chọn, với mục đích duy
trì sự hiện diện của Chúa ở trần gian và thay mặt Chúa ban phát Mình và
Máu Chúa để nuôi sống chúng con trên đường lữ thứ trần gian. Cách thức này
gọi là tình yêu trao ban.
- Truyền dạy giới
luật yêu thương: Cuối cùng với hành động quỳ xuống rửa chân cho
các môn đệ như một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình, Chúa như muốn
để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bài học tuyệt đẹp về việc
hy sinh phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi. Cách thức này được gọi là yêu
thương đến cùng.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đứng trước tình yêu hiến
mình, trao ban và phục vụ đến tận cùng của Chúa, xin cho chúng con
cũng biết tích cực đáp lại tình yêu của Chúa trong hy sinh hiến mình,
trong trao ban phục vụ bằng một tình yêu vô vị lợi theo gương Chúa. Cách đặc
biệt xin cho chúng con cảm nhận được nỗi buồn vô hạn của Chúa trong đêm nay
trong vườn dầu để chúng con dám can đảm tạm gác lại mọi công việc bộn bề trong
cuộc sống mà quảng đại hy sinh thời giờ đến với Chúa để “thức với Chúa
một giờ” trong đêm hôm nay. Amen.
Mẫu 3: YÊU ĐẾN CÙNG
Kính
lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Trước lễ Vượt Qua, Chúa
biết giờ của Chúa đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Chúa Cha. Nhưng Chúa vẫn
yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Chúa yêu thương họ đến
cùng. (x. Ga 13,1).
Lạy
Chúa, người đời thường cho rằng yêu thương là làm điều tốt cho người mình
yêu; họa lắm là chấp nhận chịu đau khổ vì người mình yêu; Nhưng tình yêu Chúa
còn vượt xa hơn nhiều. Chúa không những làm điều tốt lành và chịu đau khổ vì
chúng con mà Chúa còn sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho chúng con được sống
và sống dồi dào.
-
Thật vậy, Chúa đã yêu chúng con bằng một tình yêu sáng tạo, qua việc dựng nên
chúng con giống hình ảnh Chúa, và ban cho chúng con biết bao ơn huệ bên trong
lẫn bên ngoài, tinh thần cũng như vật chất, nhằm giúp chúng con sống trong tình
trạng hạnh phúc viên mãn.
-
Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, nên Chúa còn chấp nhận trở nên người tôi tớ đau
khổ gánh ấy tội trần gian (x. Is 52,14-15), sẵn sàng nhận lấy khổ đau và chết
trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Đó là tình yêu “hiến mạng vì người mình
yêu”.
- Và hơn thế nữa,
vì tình yêu Chúa muốn ở lại mãi với chúng
con, nên trong bữa tiệc ly Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể và trao ban chức
linh mục. Thánh Thể và chức linh mục là cách thức nối dài sự hiện diện của Chúa
giữa trần gian và ở lại trong tâm hồn chúng con cho đến ngày tận thế.
- Tình Chúa cao
vời luôn vẫy gọi chúng con bước theo nên Chúa
đã truyền ban giới luật yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn
mới, là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em” (Ga 13,34).
Sự
mới mẻ của điều răn mới do Chúa truyền ban chính là “yêu thương như
Thầy đã yêu.” Tình yêu như Chúa yêu phải là khuôn mẫu và nền tảng cho tình
yêu chúng con. Yêu như Chúa yêu không chỉ dừng lại ở cảm xúc của con tim, hay ở
đầu môi chót lưỡi mà phải thể hiện ra bằng những hành động hiến mình hy sinh
phục vụ tha nhân mà không toan tính.
Lạy
Chúa, Ước gì trong gia đình, trong cộng đoàn họ đạo chúng con, đừng có ai gây
cớ chia rẽ nhau, làm như thế là chúng con trở nên “con sâu làm rầu nồi canh.”
Nhưng xin cho chúng con biết sống tinh thần hiệp thông, cùng nhau gánh vác công
việc chung qua việc tích cực cộng tác xây dựng và phát triển gia đình, họ đạo
mỗi ngày tốt đẹp hơn bằng tất cả tình yêu của mình.
Ước
gì chúng con đừng trở thành thập giá cho nhau, nhưng luôn biết nâng đỡ và khích
lệ nhau vượt qua những gánh nặng của cuộc đời.
Ước
gì mỗi người chúng con biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau. Như lời thánh
Phao-lô chỉ dạy: ““Vui với người vui, khóc với người
khóc” (Rm 12, 15)
Sống
được như thế, là chúng con đang đi đúng con đường Chúa đã đi qua, con đường của
yêu thương và phục vụ, chính con đường tình ấy sẽ dẫn chúng con đến bến bờ của
niềm vui và hạnh phúc đích thực. Amen!
Thứ sáu Tuần
Thánh: Ga 18, 1-19, 42
KHÔNG AI VÔ CAN
TRƯỚC CÁI CHẾT CỦA CHÚA
OB và ACE thân
mến, chúng ta vừa nghe lại bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã
chịu vì tội lỗi chúng ta. Suy niệm về cuộc thương khó của Chúa, chúng ta cảm
thấy không ai trong chúng ta vô tội trước cái chết đau thương của Chúa:
Có thể
ta là những Thượng tế, những biệt phái và Pharisêu muốn tiêu
diệt Chúa để Chúa đừng làm phiền, đừng nhắc nhở những sai
trái của ta.
Có thể
ta là dân chúng bàng quang, hoặc có tâm lý hùa theo đám đông mà
không dám nói lên chính kiến của mình, để bênh vực cho những người
anh em vô tội.
Có thể
ta là những tên lính đã đánh đòn, đóng đinh, hành hạ Chúa cho
hả cơn giận nơi những người anh em chúng ta tốt lành, hiền từ.
Có thể
ta là những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương chỉ vì tội
nghiệp Chúa nơi những người khốn cùng, nghèo khó chứ chưa biết
phải làm sao để giúp cho họ đỡ khổ.
Có thể
ta là tên trộm dữ đã bao lần oán trách cuộc đời
và than trách Chúa khi thấy những điều trái ý xảy đến cho
chúng ta.
Hãy xin cho
chúng ta là Simon, sẵn sàng vác lấy thánh giá Chúa qua
việc chấp nhận thử thách gian khổ mà Chúa gửi đến và sẵn sàng san sẻ nỗi
đau với người khác.
Hãy xin cho
chúng ta biết noi gương Đức Mẹ mạnh dạn, can trường bước
theo Chúa Giêsu trên đường đau khổ mà không một lời
than thở, không một chút kêu ca.
Hãy xin cho
chúng ta là Gioan, đón lấy sứ mạng của Chúa trao
ban để sẵn sàng hiến thân phục vụ cho những chương trình,
hoạch định của Chúa.
Trên
hết, xin cho chúng ta giống như viên đại đội trưởng: “Thấy
sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên
Chúa”. (Lc 23,47).
Lạy Chúa, đã
biết bao lần chúng con ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh,
nhưng chúng con chưa xác tín niềm tin mạnh mẽ vào
Chúa; nhất là chưa dám sống chết vì niềm tin trước người đời. Xin Chúa tha thứ
và ban ơn oán cải sâu xa như tông đồ Phêrô khi xưa. Amen.
Suy niệm
2: ĐAU KHỔ BIỂU TỎ TÌNH YÊU
Tam nhật vượt
qua, là dịp GH tưởng niệm tình yêu quá cao vời của Chúa dành cho nhân loại,
vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta.
Thứ năm tuần
thánh, GH tưởng niệm tình yêu Hạ Mình của Đức Giêsu biểu lộ qua việc rửa chân
và lập nên bí tích thánh thể để ban mình-máu Ngài làm lương thực thần lương
nuôi sống chúng ta.
Thứ sáu tuần
thánh, GH tưởng niệm tình yêu Hiến Mình của Đức Giêsu bằng cách tự nguyện hy
sinh chết trên thập giá để đền thay tội lỗi chúng ta.
Thứ bảy tuần
thánh, GH tiếp tục tưởng niệm tình yêu Hòa Mình của Đức Giêsu qua sự phục sinh
nhằm đem lại sự sống mới, sự sống đời đời cho chúng ta.
Như vậy tam nhật
vượt qua, GH muốn mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu, hãy sống lại mầu nhiệm
tình yêu Hạ Mình, Hiến Mình và Hòa Mình để phụng sự Chúa và phục vụ mọi
người theo mẫu gương của Đức Giêsu Kitô.
Cách riêng hôm
nay, thứ sáu tuần thánh, chúng ta được mời gọi tưởng niệm về tình yêu Hiến Mình
của Chúa Giêsu trên thập giá.
Vậy khi nhìn vào
tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trên đỉnh cao thập giá, chúng ta nhận ra những
thông điệp nào?
Chắc hẳn Chúa
muốn gửi đến chúng ta nhiều thông điệp tùy theo cảm nhận của mỗi người, cách
riêng, tôi xin chia sẻ với cộng đoàn 2 cảm nhận sau đây:
1. Không ai là vô
tội trước cái chết của Chúa.
Trước đây cũng
như nhiều bạn trẻ, khi đứng nghe bài thương khó của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy
mệt vì thấy mình chẳng liên can gì hết. Nhưng sau này khi đặt mình vào vị trí
của các nhân vật trong bài thương khó, tôi lại thấy thu hút vì nhận thấy mình
trong đó và phần nào cũng liên quan tới cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa
Giêsu.
- Rất có thể tôi
là Philatô đã không dám lên tiếng bênh vực cho công lý và sự thật.
- Rất có thể tôi
là Giuđa khi đặt tiền bạc, công ăn việc làm ưu tiên hàng đầu, bất chấp lề luật,
giới răn của Chúa. Ngay cả sẵn sàng làm hại GH và người khác.
- Rất có thể tôi
là Phêrô vì sợ hãi nên sẵn sàng chối bỏ Chúa trước mặt người khác ở nơi công
cộng.
- Rất có
thể tôi là Thượng tế kiêu căng khi cho ý của mình là hay nhất. Từ đó tỏ ra
khó chịu khi thấy người khác giỏi hơn mình, thành công hơn mình. Nguy
hiểm hơn nữa là kết bè lập nhóm để chống đối, tố cáo hạ bệ
người khác.
- Rất có
thể tôi là quân dữ khi nhẫn tâm chế diễu, đùa cợt, mỉm cười trên sự đau
khổ, thất bại của người khác.
- Rất có thể tôi
là người trộm dữ khi dám thách thức, nghi ngờ quyền năng của Chúa cũng như
không dám chấp nhận sự thật sai lầm về mình.
- Rất có thể tôi
là đám đông dân chúng không kiên định trong lập trường và chính kiến nên dễ
dàng thay lòng đổi dạ, sẵn sàng chạy theo sự dẫn
dắt của dư luận sai lầm để mưu tìm lợi ích cho mình.
2. Không ai là
xấu hoàn toàn, ai cũng có những điểm sáng đáng trân quý.
- Tựa như Mẹ
Maria, lắm khi ta cũng can đảm đón nhận thập giá và nghịch cảnh
của cuộc sống để trung thành theo Chúa đến cùng với niềm tin yêu và phó
thác vào Chúa.
-
Tựa như ông Simon, trái tim ta cũng biết đồng cảm
và sẵn sàng kề vai chia sẻ gánh nặng thập giá với tha nhân,
chứ không phải lúc nào cũng vô cảm bỏ mặc người khác trong những lúc
gặp nguy khốn.
- Tựa như bà
Vêrônica nhiều lần ta cũng đã nhạy bén nhận ra khuôn mặt của
Chúa Giêsu nơi những người khốn khó, để rồi sẵn lòng an ủi, trợ giúp họ với
mong muốn làm vơi đi những gánh nặng mà họ phải chịu trong cuộc đời này.
-
Hay giống như người trộm lành, nhiều lần ta cũng đã
khiêm tốn nhận thấy mình là kẻ yếu đuối, tội lỗi mà thành tâm đấm
ngực sám hối, xin ơn tha thứ của Chúa.
Ước gì trong
những ngày này, mỗi người chúng ta biết dành thời giờ để chiêm ngắm Chúa Giêsu
Đấng chịu đóng đinh trên thập giá mà nhận ra tội lỗi ghê gớm của mình
đã góp phần gây ra cái chết đau thương của Chúa trên thập
giá mà chê ghét chừa bỏ hầu đón nhận ơn được tình thương và
ơn tha thứ của TC, đấng giàu lòng thương xót.
Thứ bảy tuần
thánh.
Suy niệm 1:
Tin mừng đêm vọng
phục sinh tường thuật lại sự kiện hai người phụ nữ Maria Mácđala và Maria đến
thăm mộ Chúa từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Hai bà chứng kiến cảnh tượng
đất chuyển động dữ dội và Thiên Thần Chúa từ trời xuống lăn tảng đá đậy cửa mộ
ra, rồi ngồi lên trên. Diện mạo Người như ánh chớp, y phục nguời trắng như tuyết.
Lính canh cũng
như hai bà thấy vậy thì khiếp sợ. Tuy nhiên Thiên Thần chấn an hai bà
“đừng sợ” và nói: "Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Người không còn ở
đây nữa. người đã sống lại như Lời Người phán trước…Hai bà vừa mừng vừa sợ chạy
về báo tin cho các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu đón hai bà lại. Hai bà liền phục
lạy và ôm chân Chúa. Chúa bảo hai bà về báo cho các môn đệ đến Galilê. Họ sẽ
gặp Người ở đó."
Trình thuật của
bài tin mừng đêm vọng phục sinh mà chúng ta vừa nghe muốn gởi đến chúng ta hai
sứ điệp quan trọng.
- Sứ điệp I: Chúa
phục sinh mang đến niềm hy vọng
Sau khi Chúa
Giêsu chết, các môn đệ đều hoang mang và lo sợ. Chính vì thế mà ngay khi phục
sinh, Chúa Giêsu muốn chấn an các môn đệ của Người khi sai sứ Thần Chúa
hiện ra để trấn an nỗi lo sợ của hai người phụ nữ, qua đó cũng muốn chấn an các
môn đệ của Người là “đừng sợ!”
“Đừng sợ!”
thập giá của đau khổ, bởi từ nay thập giá sẽ trở thành thánh giá vinh
quang.
“Đừng sợ!"
những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.
"Đừng
sợ!" thế lực ác thần là thế gian, xác thịt và ma quỷ vì từ nay chúng sẽ bị
đánh bại.
"Đừng
sợ!" thần chết vì Chúa Giêsu phục sinh đã giải thoát chúng ta khỏi tử
thần.
Vì thế, từ nay ai
tin nhận Người cũng sẽ chiến thắng vinh quang như thế.
- Sứ điệp
II: Hãy tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo tin mừng phục sinh
Sau khi nhận ra
Chúa phục sinh, hai bà Maria Mácđala và Maria liền tiến đến định ôm
chân Chúa và bái lạy. Thì ngay lúc đó Chúa phục sinh lại trao ban cho hai bà sứ
mạng loan báo tin mừng phục sinh: “Hãy về báo cho anh em của thày để họ
đến Galilê. Họ sẽ gặp thầy ở đó”
Như vậy sứ vụ
loan báo tin mừng phục sinh là một nhiệm vụ cấp bách cần phải được loan báo, đó
chính là lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục sinh. Thánh Phêrô và các tông đồ của
Chúa đã vâng nghe lệnh truyền ấy nên đã thực thi hành cách cực. Điều này đã
được diễn tả trong bài đọc 1, trích sách công vụ tông đồ (Cv
10,34.37-43).
Viên quan bách
quản Rô-ma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu phục sinh, ông đã
đến và xin thánh Phêrô làm phép rửa để ông và gia đình được gia nhập cộng đoàn
các tín hữu đầu tiên. Khi ấy thánh Phêrô đã nhắc lại cho ông xác tín mạnh mẽ
vào niềm tin căn bản là "Đức Giêsu đã phục sinh".
Có thể nói đây là
điều căn bản mà tông đồ Phêrô rao giảng cho dân chúng. Thánh Kinh gọi bài giảng
truyền giáo này của tông đồ Phêrô là Keryma. Như vậy ta có thể tóm lược bài
giảng Keryma gồm 4 điểm chính sau:
1. Tóm tắt cuộc
đời của Đức Giêsu ở trần thế.
2. Nói về cái
chết của Đức Giêsu.
3. Xác quyết sự
kiện Đức Giêsu sống lại.
4. Kêu gọi mọi
người hãy tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa để được hưởng nhờ ơn cứu chuộc.
Qủa thật, Chúa
Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá và đã phục sinh đem lại sự
sống đời đời cho chúng ta. Đó là tin mừng lớn lao mà chúng ta đã tin nhận. Tuy
nhiên tin chưa đủ mà chúng ta còn có bổn phận loan báo niềm vui lớn lao ấy cho
mọi người ở khắp mọi nơi qua mọi thời đại.
Xin Chúa cho
chúng ta biết chết đi cho con người cũ với những tính hư tật xấu và tội lỗi của
mình để được sống lại con người mới nhờ vào sức mạnh và quyền năng
của Chúa Phục sinh. Đồng thời cũng xin cho chúng ta biết tích cực thi hành
sứ vụ loan báo tin mừng phục sinh đến cho mọi người với hết khả năng của mình
với mong muốn góp phần xua tan bóng tối của sợ hải, hận thù, chia rẻ, ích
kỉ, bất công và chết chóc do ma quỷ, thế gian và xác thịt gây ra để mọi
người đón nhận được ánh sáng tình thương, công bằng ,chân lý và sự sống đích
thực do Chúa Giêsu phục sinh đem đến. Amen.
Suy niệm 2:
Phụng
Vụ Lễ Vọng Phuc Sinh đêm nay khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp
nến Phục Sinh, nhằm diễn tả cuộc vượt qua của Đức Giê-su từ bóng tối tử thần
đến ánh sáng Phục Sinh.
Qủa
thật Đức Giê-su chính là Ánh Sáng đã đến thế gian để xua tan bóng tối như Người
đã tuyên bố : “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi
trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga
8,12). Và ánh sáng ấy đã được nêu bật qua nghi thức trong phần đầu lễ tối nay.
- Lúc đầu, bóng tối bao trùm không gian Nhà thờ, bởi các
ngọn đèn đều bị tắt hết. Sau đó Chủ tế làm phép lửa mới ở cuối Nhà thờ và đã
dùng lửa ấy để thắp sáng cây nến Phục Sinh. Tiếp đến là nghi lễ rước nến
Phục Sinh cách long trọng.
Trong
cuộc rước, Chủ tế cầm cây nến Phục Sinh rồi lần lượt công bố ba lần: “Ánh Sáng
Chúa Ki-tô” và mọi người đáp : “Tạ ơn Chúa”.
Lần
thứ nhất được công bố ngay sau khi thắp lửa mới vào cây nến Phục Sinh
Lần
thứ hai được công bố khi chủ tế bước đến giữa nhà thờ. Khi ấy ánh sáng từ cây
nến phục sinh được thắp lên dần dần cho đến khi vị chủ tế long trọng công
bố
Lần
thứ ba trước cung thánh, thì lập tức ánh sáng phục sinh của Chúa được tỏa
sáng khắp cả Nhà thờ.
Và
rồi niềm vui Phục Sinh được thể hiện một cách long trọng khi chủ sự công bố bài
Tin Mừng Phục Sinh “Exultet”, nghĩa là “Mừng Vui Lên”.
Ánh
ánh chân lý, tình yêu, niềm vui và sự sống của Chúa đã chiếu giãi vào trần gian
cách đây hơn 2000 năm. Thế mà ngày nay vẫn còn đó nhiều người trong chúng ta
đang sống trong bóng tối của nấm mồ tội lỗi, vẫn muốn ở lì trong con người cũ
cùng với các thói hư tật xấu, khiến họ chưa đón nhận được niềm vui trọn vẹn của
Chúa Phục Sinh.
Cuộc
sống của nhiều người trong chúng ta vẫn còn bị đè nặng bởi sự gian dối, ham mê
tiền bạc của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo
tin vui phục sinh cho anh chị em mình.
Nhiều
gia đình tín hữu vẫn còn bị đè nặng bởi bóng tối của sự cãi vã, giận hờn ganh
ghét và ích kỷ, khiến cuộc sống gia đình của họ luôn bị căng thẳng và u
buồn. Cho nên rất cần sức mạnh của ánh sáng Chúa chiếu giãi vào những nấm
mồ tối tăm ấy, để họ đón nhận được ánh sáng phục sinh của Chúa.
Mỗi
tín hữu chúng ta không thể tuyên xưng Chúa phục sinh với khuôn mặt buồn rầu
thất vọng. Chúng ta cũng không thể nói về Chúa Phục Sinh khi lời nói và hành
động của chúng ta thiếu lòng bao dung, cảm thông trước nỗi đau của anh chị em
chung quanh mình. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh
phải là động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới nếp sống bản thân, gia đình
mình thì mới mong đem lại cho cuộc đời này một sức sống mới.
Nếu phiến đá trấn an ngoài cửa mộ đã không thể
cầm hãm được Đức Giê-su phục sinh. Và những băng vải, khăn liệm không tài
nào trói buộc được Ngài ở lại trong mồ đá, thì chúng ta cũng nên phá bỏ
những tảng đá của sự giận hờn, ghen ghét, hận thù...đang đè nặng tâm hồn chúng
ta; hãy để cho ánh sáng sự sống của Chúa phục sinh bừng lên xua tan bóng
tối âm u của thần chết, và ánh sáng tình yêu Chúa được vinh thắng khải
hoàn dù cuộc sống còn nhiều gian nan thử thách.
Niềm
vui Phục sinh sẽ là quà tặng bất ngờ cho chúng ta giống như Ma-ri-a
Mác-đa-la đã nhận được khi gặp gỡ Chúa Phục Sinh ở bên cạnh nấm mồ Chúa;
và cho các môn đệ khi gặp lại Chúa tại xứ Ga-li-lê.
Điều
quan trọng là sau khi gặp gỡ Chúa, chúng ta hãy noi gương bà Ma-ri-a
Mác-đa-le-na cũng như các tong đồ hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho anh chị
em mà chúng gặp gỡ hàng ngày.
Xin Chúa Phục
sinh gia tăng lòng mến nơi chúng ta, thôi thúc chúng ta sẽ mau mắn ra đi
tìm đến Chúa nơi Thánh kinh, trong Thánh lễ và nhận thấy Chúa đang
hiện diện nơi những anh chị em bệnh tật đau khổ, cũng như qua các biến
cố vui buồn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, chúng con sẽ vui
tươi phấn khởi và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Phục Sinh theo gương
Ma-ri-a Mác-đa-la và như các Tông đô khi xưa. Amen. (St)
Suy niệm 3:
Có thể nói thánh
lễ đêm nay là thánh lễ quan trọng nhất vì là đêm Mẹ của các
đêm; vui nhất vì Chúa Giêsu đã phục sinh vinh quang đem đến
niềm hy vọng sống lại cho chúng ta, giá trị nhất vì sự phục sinh
của Đức Kitô đem đến ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại, cách đặc biệt
là dài nhất vì có nhiều nghi thức, cho nên trong bài giảng tối
nay tôi chỉ nêu lên hai điểm quan trọng sau đây:
- Thứ
nhất: nói về ý nghĩa của đêm vọng phục sinh.
- Thứ
hai: nêu lên hai sứ điệp căn bản mà lời Chúa muốn nói với chúng ta.
1. Ý nghĩa của
đêm vọng phục sinh:
Phụng vụ đêm nay
được khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh. Nghi thức
này nhằm diễn tả cuộc vượt qua của Đức Giê-su từ trong bóng tối của sự chết đến
Ánh sáng của sự sống.
Đức Giê-su chính
là Ánh Sáng thật đã đến trần gian để xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết
như Người đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không
phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga
8,12). Cho nên lúc đầu lễ, các đèn trong Nhà thờ đều được tắt hết, bóng tối bao
trùm khắp không gian. Sau đó, Chủ tế cử hành nghi thức làm phép lửa mới ở cuối
Nhà thờ và đã dùng ngọn lửa ấy để thắp sáng cây nến Phục Sinh, rồi rước cây nến
Phục sinh vào Nhà thờ cách long trọng. Trong cuộc rước ấy, Chủ tế cầm cây
nến Phục Sinh đưa lên cao và lần lượt công bố ba lần: “Ánh Sáng Chúa Ki-tô”,
mọi người cùng đáp : “Tạ ơn Chúa”.
Tại cung thánh
Nhà thờ khi chủ tế công bố lần thứ ba “Ánh sáng Chúa Ki-tô”, thì lập tức tất cả
đèn trong nhà thờ được bật lên sáng rực, đem đến niềm vui cho chúng ta.
Nghi thức ấy cho
chúng ta hiểu rằng: Chúa Ki-tô chính thật là “ánh sáng đem lại sự
sống”. Cảm nhận được niềm vui lớn lao về ánh sáng sự sống do Chúa đem
đến, nên Giáo hội mời gọi cộng đoàn tín hữu chúng ta cùng hiệp lời với chủ tế
cất cao niềm vui Phục Sinh qua bài ca “Exultet”, nghĩa là “Mừng Vui Lên!”.
ÔBACE thân mến,
Chúa Giêsu đã đến trần gian và đã thắp lên ánh sáng chân lý, tình yêu, niềm vui
và sự sống cách đây hơn 2000 năm. Thế mà ngày nay vẫn còn nhiều người đang sống
trong bóng tối của nấm mồ tội lỗi, bởi sự gian dối, hận thù, ham mê danh
vọng và tiền bạc vật chất…Nên vẫn còn đó những bóng tối của nghi ngờ, cãi vã,
giận hờn, ganh ghét và ích kỷ… khiến cho cuộc sống luôn bị căng thẳng và u
buồn. Cho nên rất cần đến ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu giãi vào những
nấm mồ tối tăm ấy, để mọi người cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc
thật sự trong tâm hồn.
2. Vì thế
mà bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn gửi đến với chúng ta hai sứ điệp quan
trọng:
- Sứ điệp
I: Chúa phục sinh là Đấng xua tan bóng tối của lo sợ.
Sau khi Chúa
Giêsu chịu chết, hầu hết các môn đệ đều hoang mang, sợ hãi. Chính vì thế mà
ngay khi phục sinh, Chúa Giêsu đã xua tan bóng tối của lo sợ nơi hai người phụ
nữ Maria Mácđala và Maria bằng lời chấn an: “đừng sợ!”
“Đừng sợ!”
Đừng sợ thập giá của đau khổ, bởi từ nay thập giá đã trở thành thánh giá vinh
quang.
“Đừng sợ!"
những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.
"Đừng
sợ!" thế lực của ác thần là thế gian, xác thịt và ma quỷ vì từ nay chúng
đã bị đánh bại.
"Đừng
sợ!" thần chết vì Chúa Giêsu phục sinh đã chiến thắng tử thần.
Cho nên, từ nay
những ai tin nhận vào Chúa Giêsu phục sinh sẽ vượt thắng mọi nỗi sợ hãi cho dẫu
cuộc đời mình phải đối mặt với nhiều gian nan thử thách.
- Sứ điệp
II: Cần phải hăng say loan báo Tin mừng phục sinh.
Sau khi nhận ra
Chúa phục sinh, hai bà Maria Mácđala và Maria liền tiến đến ôm
chân Người và phục lạy. Nhưng Chúa Giêsu lại với các bà “Hãy đi báo tin cho
các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta.” Điều
này cho thấy sứ vụ loan báo tin mừng phục sinh là một nhiệm vụ cấp bách cần
phải được thi hành ngay.
Thánh
Phao-lô trong bài thánh thư cũng đã xác quyết với chúng ta rằng: “nếu
chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết
của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người trong sự sống lại giống
như vậy.” Tin nhận và chịu phép rửa trong Ðức Giêsu là cách
chúng ta liên kết với Chúa Kitô trong cùng một cái chết, nên chúng ta cũng sẽ
được sống lại với Người (x. Rm 6,3-4). Đó là niềm tin lớn nhất của
người kitô hữu chúng ta.
Vậy chúng ta
hãy mạnh dạng ra đi loan báo niềm tin ấy cho hết mọi người ở khắp mọi nơi qua
mọi thời đại không hề sợ hãi, để nhờ đó mọi dân nước đều tin nhận và chịu phép
rửa trong Chúa Kitô, ngỏ hầu tất cả đều đón nhận được sự sống mới do chính Chúa
Giêsu phục sinh đem đến.
Đêm hôm nay, trên
tay mỗi người Ki-tô hữu chúng ta khi tham dự thánh lễ đều cầm trên tay mình một
cây nến nhỏ, được thắp lên từ cây nến Phục sinh. Đó chính là biểu tượng đức tin
của chúng ta. Cây nến ấy rồi sẽ cháy hết và sẽ tắt, nhưng đức tin của chúng ta
vào Chúa Giêsu phục sinh cần được thắp sáng và cháy mãi, cho dẫu những phong ba
bảo táp có ập đến trong cuộc đời chúng ta.
Nguyện xin
ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô luôn được thắp lên trong tâm hồn của mỗi chúng
ta và cầu mong ánh sáng niềm vui, bình an và sự sống của Chúa Giêsu phục sinh
mang đến trần gian được chiếu sáng và lan tỏa đến hết mọi người ở khắp mọi
nơi. Amen.
HÁT ALLELUIA LONG TRỌNG
CHÚC MỪNG PHỤC SINH
Trong niềm hân
hoan mừng Chúa chúng ta Phục sinh khải hoàn,
Xin kính chúc
quý Cha, quý Tu sĩ, quý ông bà và anh chị em luôn được an bình, vui tươi, hạnh
phúc trong Chúa Giêsu Phục Sinh và một mùa Phục Sinh tràn đầy ân sủng, niềm vui
và hy vọng.
Nguyện xin tình
yêu và bình an của Đấng Phục Sinh ở cùng tất cả anh chị em.
Chúa đã sống
lại! Chúc Mừng Phục Sinh! Alleluia! Alleluia!
RẢY NƯỚC THÁNH THAY SÁM HỐI ĐẦU LỄ
CÁC CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH
X. Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con (MPS.
Al-le-lui-ia).
Đ. Và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (MPS. Al-le-lui-ia).
X. Lạy Chúa, xin nhậm lời con cầu nguyện.
Đ. Và cho tiếng con kêu lên tời Chúa.
X. Chúa ở cùng anh chị em.
Đ. Và ờ cùng cha.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện,
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin
nhậm lời chúng con và đoái thương sai Thánh Thiên Thần Chúa từ trời xuống, để
canh giữ, nâng đỡ, bảo vệ, viếng thăm, và bên vực mọi người sum họp trong nhà
này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
X. Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời….
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Cv 10,34a-37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Suy niệm 1: PHƯƠNG CÁCH NHẬN RA CHÚA KITÔ PHỤC
SINH
Hiệp thông cùng
Giáo Hội, hôm nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Phục sinh, kỉ niệm
biến cố Đức Kitô đã chết và sống lại. Đây là mầu nhiệm nền tảng và cao cả nhất
của người Kitô hữu chúng ta. Bởi như lời thánh Phao-lô tông đồ đã xác
quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại
thì niềm tin của chúng ta là hão huyền và lời rao giàng của chúng ta là vô ích.
Chúng ta là những người khờ dại nhất." (x.1Cr 15,12-19). Nhưng Đức
Kitô đã sống lại nên đem đến niềm vui, hy vọng cho chúng ta.
Vui vì Đức Giêsu
là người nên Ngài cũng đã chết thật nhưng Ngài là Thiên Chúa nên Ngài đã sống
lại thật, vì thế từ này sự chết không còn làm chủ được chúng ta nữa.
Hy vọng vì qua
mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, chúng ta tin rằng nếu chúng ta cùng chết với
Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống lại với Người.
Vậy
xin Chúa thương củng cố đức tin nơi mỗi người chúng ta để chúng ta kiên cường
sống và làm chứng cho niềm tin của mình với niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu
mai sau.
Truyện kể:
Trong kho tàn truyện cổ tích, có một câu truyện lý thú sau đây:
Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Ðất. Mặt Trời
nói: “Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh”. Nhưng Mặt Trăng thì lại cho rằng,
tất cả chúng mang một ánh bạc lấp lánh. Mặt Trăng nói
rằng, con người trên Trái Ðất thường ngủ. Còn Mặt Trời lại bảo con người luôn
hoạt động đấy chứ.
– Con người hoạt động, vậy tại sao trên Trái Ðất lại yên ắng đến
vậy? Mặt Trăng cãi.
– Ai bảo là trên Trái Ðất yên lặng? – Mặt Trời ngạc nhiên –
Trên Trái Ðất mọi thứ đều hoạt động, và còn rất ồn ào,
náo nhiệt nữa.
Và họ cãi nhau rất lâu, cho đến khi Gió bay ngang qua.
– Tại sao các bạn lại cãi nhau về chuyện này chứ? Tôi đã ở bên
cạnh Mặt Trời khi Mặt Trời nhìn xuống Trái Ðất, và tôi cũng đi cùng Mặt
Trăng khi Mặt Trăng xuất hiện. Khi Mặt Trời xuất hiện, mọi thứ
là ban ngày, cây cối màu xanh, con người hoạt đông. Còn khi Trăng lên, đêm về,
mọi người chìm vào giấc ngủ.
Nếu chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có
gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Ðất chỉ bằng con mắt
của Mặt Trời hoặc Mặt trăng được.
Cũng vậy khi đánh
giá một con người, một sự việc nào đó, không thể nhìn từ một phía…
Tin mừng Phục
Sinh thuật lại cho thấy ba cái nhìn khác nhau khi chứng kiến cùng một sự
kiện “Ngôi mộ trống”:
- Ma-ri-a
Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giêsu đã bị đánh cắp (Ga 20, 13-15).
- Phêrô thì rất
đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lc 24,12).
- Còn Gioan,
người môn đệ Chúa Giê-su thương mến, thì tin chắc rằng Chúa Giêsu đã sống lại
như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20,9).
Sở dĩ có những
cái nhìn khác nhau như vậy là vì họ có những tâm trạng khác nhau:
- Maria
Mac-đa-la, với tâm trạng thương nhớ Chúa thiết tha. Có lẽ cả đêm dài bà
không chợp mắt được. Bà ước ao trời mau sáng để ra thăm mộ Chúa. Nhưng khi
chứng kiến tảng đá đậy mộ bị lăn ra và xác Chúa không còn trong mộ, bà đã hốt
hoảng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Tình thương của Maria Mác-đa-la dành
cho Chúa Giêsu là một tình thương đáng trân trọng. Nhưng nếu tình thương ấy chỉ
dừng lại ở mức độ cảm tính thường tình thì không có khả năng nhận ra sự phục
sinh của Chúa.
- Tông đồ
Si-mon-Phêrô thì đang mang nặng tâm trạng buồn rầu vì tội lỗi đè nặng tâm
hồn, bởi đã chối Thầy. Cho nên ông cũng không nhận ra gì hơn ngoài việc rất đổi
ngạc nhiên khi chứng kiến những mảnh băng vải và khăn che đầu được cuốn lại xếp
riêng ra rất ngăn nắp; cùng với ngôi mộ trống. Phải chăng lúc đó tâm trí của
ông vẫn còn bị ám ảnh giờ phút chối Chúa. Phải chăng lòng ông vẫn còn mang nặng
nỗi u buồn về tội lỗi mà mình đã nhát đảm gây ra. Ông còn phải có thời gian như
là liều thuốc đặc trị để chữa lành vết thương tâm hồn bất tín ấy để tiến đến
niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu phục sinh.
- Cách riêng tông
đồ Gioan, người môn đệ Chúa yêu cũng là môn đệ rất yêu Chúa, nên khi chứng
kiến những băng vải đặt bên trên ngôi mộ trống, lập tức ông đã tin là Thầy mình
sống lại như lời sách thánh đã tiên báo.
Vì thế, để tin
vào sự phục sinh của Chúa Giêsu, Gioan phải vượt lên trên tình cảm tự nhiên như
Maria Mac-đa-la, cũng như phải thắng vượt nỗi đau buồn mặc cảm tội lỗi của
Phêrô, để định hướng cái nhìn của mình vào sự kiện ngôi mộ trống bằng tình yêu
trong sáng dưới sự hướng dẫn của ánh sáng Lời Chúa. Chính cái nhìn này đã giúp
Gioan vững tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu. Như thế, cùng một sự kiện nhưng
lại có những cái nhìn khác nhau, khởi đi từ những tâm trạng khác nhau.
Trong cuộc sống
hàng ngày, luôn có những biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại xảy
ra…tựa như là dấu chỉ “ngôi mộ trống”. Vậy trước những dấu chỉ đó
ta có cái nhìn như thế nào?
Có thể giống như
Maria Mac-da-la, ta chỉ dừng lại ở cái nhìn do cảm tính tự nhiên thúc đẩy nên
khi đối diện với những biến cố ấy ta không nhận ra gì cả ngoài những cảm xúc
đau buồn khi gặp khó khăn, nghèo khổ, mất mác, thất bại và vui mừng khi thành
công, may mắn trong cuộc sống.
Có thể chúng ta
cũng giống như Phêrô, chẳng nhìn thấy gì hơn trước những biến cố xảy ra trong
đời sống vì quá tự ti mặc cảm bởi những lầm lỗi trong quá khứ của mình.
Xin Chúa cho
chúng ta có được cái nhìn đức tin, được định hướng dưới ánh sáng lời Chúa như
thánh Gioan. Nhờ đó ta mới có thể nhận ra sự hiện của Chúa Giêsu phục sinh
trong mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Amen
Suy niệm 2:
Hiệp thông cùng Giáo Hội, sáng
hôm nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Phục sinh, kỉ niệm biến cố Đức
Kitô đã chết và sống lại. Đây là mầu nhiệm nền tảng và cao cả nhất của người
Kitô hữu chúng ta. Bởi như lời thánh Phao-lô tông đồ đã xác quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của
chúng ta là hão huyền và lời rao giàng của chúng ta là vô ích. Chúng ta là
những người khờ dại nhất." (x.1Cr
15,12-19). Nhưng Đức Kitô đã sống lại nên đem đến niềm vui,
hy vọng cho chúng ta.
Vui vì Đức Giêsu là người
nên Ngài cũng đã chết thật nhưng Ngài là Thiên Chúa nên Ngài đã sống lại thật,
vì thế từ này sự chết không còn làm chủ được chúng ta nữa.
Hy vọng vì qua mầu nhiệm
phục sinh của Đức Kitô, chúng ta tin rằng nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô
thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống lại với Người.
Vậy xin
Chúa thương củng cố đức tin nơi mỗi người chúng ta để chúng ta kiên cường sống
và làm chứng cho niềm tin của mình với niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu mai
sau.
Truyện:
Trong
một cơ hội tình cờ, có ba người đại diện cho ba tôn giáo lớn là: Phật giáo, Hồi
giáo và Thiên Chúa giáo ngồi lại tranh luận với nhau, và ai cũng tự hào về đấng
sáng lập đạo của mình.
-
Người Phật tử nói: "Khi Đức Phật Thích Ca của chúng tôi chết, chúng tôi
đưa đi hỏa táng và hài cốt của Ngài hiện đang để trong chùa Xá Lợi (Xương
Phật), điều đó chứng tỏ đức Phật Thích Ca của chúng tôi hiện hữu."
-
Tiếp đến, Môn đồ Hồi giáo lên tiếng: "Khi Giáo Chủ Mahomét của chúng tôi
chết, ngài để lại cho chúng tôi nắm tóc và bộ râu, và đã được lưu giữ trong đền
thờ bên Árập. Điều đó chứng minh Giáo chủ chúng tôi có mặt trên trần gian
này."
Rồi
hai người hỏi tín hữu Kitô giáo: "Còn Chúa Giêsu của anh chết, Ngài có gì
lại làm bằng chứng không?".
-
Người tín hữu trả lời: Khi Chúa chúng tôi chết, Ngài để lại ngôi mộ trống, vì
Ngài không chết luôn như Giáo Chủ của các anh, Ngài đã sống lại ra khỏi mồ. Do
đó, chúng tôi không có mảnh xương, hài cốt như đức Phật Thích Ca; hay nắm tóc,
bộ râu như đức Giáo Chủ Mahomét.
Nếu
Chúa Giêsu của chúng tôi chết mà không sống lại, thì chúng tôi chẳng tôn thờ
Ngài. Các nhà truyền giáo cũng chẳng dại gì mà phải dấn thân vào những nơi xa
xôi để rao giảng Tin mừng. Các thánh tử đạo cũng chẳng bao giờ liều mình đổ máu
ra để làm chứng cho Đấng đã chết mà không sống lại!
Thật
vậy, Thánh Phaolô đã nói rằng: "Nếu Đức Kitô chết mà không sống
lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hão huyền và lời rao giảng cũng trở nên vô
ích…" (1 Cr 15,14-19).
Nếu
Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài không phải là con Thiên Chúa hằng
sống; việc Ngài hiến mình chịu chết là một điên rồ. Những phép lạ Ngài làm chỉ
là phù phép giả tạo. Toàn bộ giáo lý Ngài rao giảng đều sụp đổ.
Nếu
Đức Kitô chết mà không sống lại, chắc chắn các Bí tích phát sinh từ cạnh sườn
Ngài đều vô hiệu hoá. Giáo hội Ngài thiết lập sẽ không tồn tại. Và như vậy, sẽ
không có đạo Công Giáo, không có những ngôi thánh đường trên thế giới.
Nếu
Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài cũng chẳng hơn gì chúng ta, cùng lắm
thì như các vị đạo sư, chết là hết.
Nhưng,
Đức Kitô đã chết và đã sống lại, chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa hằng sống, như lời
Ngài nói: "Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy
lại” (Ga 10,18); “Ta là sự sống lại và là sự sống." (Ga
10, 25). Thế thì, Chúa Kitô sống lại Ngài mang lại cho chúng ta những gì?
-
Trước nhất, Ngài mang lại cho chúng ta niềm vui. Niềm vui này
khởi đi từ các tông đồ, "các ông vui mừng vì xem thấy Chúa" (Ga
20, 20), và cũng là niềm vui cho toàn thể dân thánh. Vui vì Chúa đã chiến thắng
tử thần "Ngài không bao giờ chết nữa" (Rm 6, 9). Vui
vì nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, chúng ta được thông phần vào đời
sống mới, với tư cách là con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô.
Chúa
sống lại ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng ngày mai đây khi
nhắm mắt lìa đời, chúng ta cũng được sống lại với Chúa, lúc đó ta sẽ gặp lại
những người thân đi trước chúng ta.
Chúa
sống lại ban cho chúng ta nguồn an ủi, vì Chúa đã vượt qua cái chết
bởi những đau khổ, đã nếm mùi cay đắng của một kiếp người rồi mới tiến đến vinh
quang.
Như
vậy, mọi việc lành chúng ta làm ở đời này đều sinh công ích. Mọi đau khổ của
chúng ta đều có giá trị vĩnh cửu đời sau, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng
yêu mến Chúa.
Chúa
sống lại, Ngài muốn minh chứng cho chúng ta biết rằng: Ngài là Thiên Chúa giàu
lòng thương xót, đã chết đi để chúng ta được sống.
Chớ
gì mỗi năm mừng kỷ niệm Chúa Phục Sinh, là dịp nhắc nhở chúng ta sống lời mời
gọi của Thánh Phaolô: "Nếu anh em muốn sống lại với Đức Kitô, thì
anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời..." (Cl. 3,1).
Tìm
kiếm những sự trên trời, không phải là bỏ hết công ăn việc làm để rồi tối ngày
chỉ đi nhà thờ quỳ cầu nguyện liên lỉ, nhưng tìm kiếm những sự trên trời, theo
như lời thánh Phaolô khuyên nhủ đó là: "Dù anh em ăn, dù anh em
uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì vinh danh Chúa." (1Cr
10,31).
Mỗi
sáng khi thức dậy, người mà chúng ta nhớ đầu tiên phải là Chúa. Việc lo lắng
tìm kiếm trước tiên phải là Nước trời "Tiên vàn, các con hãy tìm
kiếm Nước Thiên Chúa trước..." (Mt 6, 33). Rồi cuối ngày trước
khi ngả lưng xuống ngủ, người nhớ cuối cùng cũng phải là Chúa, nếu có gì lầm
lỗi trong ngày xin Chúa thứ tha.
Nếu
ngày nào chúng ta cũng sống với tất cả ý thức như thế, là chúng ta đang tìm
kiếm những sự trên trời, đang sống Tin mừng Chúa Phục Sinh.
Anh chị em thân mến,
Mỗi
lần tham dự Thánh lễ, sau khi linh mục truyền phép chúng ta đồng thanh tung
hô: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên
xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến" (1Cr 11,26).
Thế
nào là loan truyền và tuyên xưng việc Chúa sống lại?
1.
Loan truyền bằng cách sống chứng nhân lòng thương xót đó là: đem yêu thương vào
nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem
chân lý vào chốn lỗi lầm.
2.
Tuyên xưng việc Chúa sống lại không phải bằng "đầu môi chót lưỡi"
nhưng bằng cách thay đổi lối sống của mình. Như các tông đồ, họ không còn sống
cho chính bản thân mình nữa, mà sống cho "Đấng đã chết và sống lại vì
chúng ta". Vì thế, họ sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết vì danh Chúa Phục
sinh.
Ngày
xưa, trong cuộc thương khó Chúa, các tông đồ hoảng sợ, đức tin lung lay
tận gốc rễ, nhưng nhờ Đức Mẹ củng cố niềm tin mà các ông được vững mạnh. Thì
bây giờ, giữa một thế giới có nhiều biến động và nhiều thách đố, nhiều khi làm
cho đức tin chúng ta bị lung lay chao đảo, thì hãy bắt chước các tông đồ mau
chạy đến với Đức Mẹ, người Mẹ của lòng thương xót, sẽ ra tay nâng đỡ phù trì,
giúp chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng phục sinh của Chúa.
Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng Alleluia. Vì Con
Mẹ đã sống lại thật. Alleluia. Xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC