Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018




LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Dẫn nhập:
Hôm nay, chúng ta cùng quy tụ nhau đây để cử hành long trọng lễ vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống. Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời chúng ta và trong đời sống GH. Ngài là Đấng khai sinh, canh tân và hiệp nhất GH. Ngài tựa như nguồn nước dội mát và nuôi sống đời ta.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận nguồn nước sự sống của Chúa Thánh Thần tuôn ban và ngoan ngoãn để cho CTT hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Nhờ đó mà cuộc đời của chúng ta mới có thể trổ sinh nhiều hoa thơm, trái ngọt dâng cho Chúa và tặng hiến cho đời.  
Suy niệm:
Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta biết vai trò của Chúa Thành Thần trong lịch sử sáng tạo và Cứu độ của Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí, là sự sống, là mối dây liên kết, là suối nguồn ơn Thánh, là Đấng canh tân và đổi mới tâm hồn con người.   
Bài đọc 1, nhắc đến câu chuyện tháp Babel thời ông Noe xưa. Sau trận lụt đại hồng thủy, con cháu ông Noe còn sống sót. Đáng lẽ ra họ họp nhau lại để tạ ơn và tìm cách tôn thờ Chúa cho phải đạo; thì trái lại họ quy tụ với nhau để lên kế hoạch đối phó chống lại Thiên Chúa. Họ cùng nhau quyết định xây dựng cây tháp ở Babel cao ngút lên tận trời, nhằm thách thức Thiên Chúa. Nhưng khi họ tiến hành xây dựng được nữa chừng thì Thiên Chúa cho họ trở nên bất đồng ngôn ngữ. Khiến họ không còn hiểu nhau nữa, gây nên sự chia rẽ. Vì thế, kế hoạch xây tháp Babel của họ bất thành.
Câu chuyện cho thấy rằng: nếu con người kiêu căng loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, họ sẽ nhận lấy hậu quả tai hại đó là sự chia rẽ, chống đối nhau và sẽ bị thất bại trong mọi việc làm.
Nếu như sự chia rẽ đã phá vỡ tình yêu và đánh mất sự hiệp nhất nơi con cháu Noe ngày xưa, thì nhờ sức mạnh thánh hóa của CTT mà con người được tái tạo lại thành người mới và được hiệp nhất với nhau trong Chúa Giêsu Phục sinh.
Chúa Giêsu sánh ví CTT chính là nguồn nước. Nguồn nước ấy được tuôn tràn trên các tông đồ và thế gian vào ngày lễ ngũ tuần. Ngày ấy từ Giêrusalem mới sẽ tuôn tràn nguồn suối nước mát, mang lại sự sống dồi dào cho thế gian. Thật ra CTT là nguyên lý của sự sống đã được Thánh Kinh diễn tả khá nhiều:
Trong cựu ước, ngay từ chương đầu sách Sáng Thế đã cho thấy CTT là hơi thở Thần Khí mà TC đã thổi vào hồn con người của Ađam. Và sự sống vạn vật được hình thành kể từ khi “Thần Khí Chúa bay là trên mặt nước”. (St 1,2)
Trong sách 1 Xh 17,6-7, cho biết:  Từ trong tảng đá Mêriba ở Masa nơi sa mạc khô cằn đã tuôn ra dòng nước nuôi sống dân Do Thái trên hành trình tiến về đất hứa. Tảng đá Mêriba ấy chính là hình ảnh của Giêsu. Từ tảng đá Giêsu cũng tuôn tràn một dòng nước chính là CTT sẽ nuôi sống cho dân Chúa vượt qua hành trình tiến về quê trời.
Còn trong sách Edekiel  47,1-9.12, thì mô tả.“Tôi đã thấy Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra, và Nước ấy chảy đến đâu thì tất cả đều được cứu rỗi…”. (Ed 47,1-9.12).  Đền Thờ đó chính là hình ảnh của Chúa Giêsu và từ nơi Chúa Giêsu Đền Thờ Mới ấy lại tuôn tràn dòng nước mang sự sống sung mãn đến mọi người và mọi nơi. Dòng nước ban sự sống ấy chính là CTT.
Mừng lễ Chúa Thánh thần hôm nay, xin cho chúng ta biết nhìn nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong GH và trong đời sống mỗi người chúng ta.  Xin cho chúng ta biết khiêm tốn mở lòng đón nhận dòng nước ân thiêng của Chúa Thánh thần tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thần  và được tưới dội cùng một dòng nước sự sống của CTT. Nhờ đó mà hoa trái CTT là bác ái, bình an và hoan lạc được trổ sinh trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ muôn phúc lành trên chúng ta, để chúng ta kiên vững trong niềm tin vào Thiên Chúa. 


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Dẫn nhập: 
Cùng với toàn thể GH, hôm nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đánh dấu chính thức ngày hoạt động của CTT trên GH. Ngày mà GH được lãnh nhận tràn đầy ân sủng, tràn đầy sức sống và đón nhận sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của CTT. Hiệp dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa ban tràn đầy Thánh Thần của Ngài trên chúng ta, để chúng ta sống yêu thương và hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa; đồng thời tích cực làm chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.  

DANH XƯNG-BIỂU TƯỢNG-VAI TRÒ
CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Danh xưng:
- Chúa Thánh Thần là tên gọi của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con, cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. (khi đọc kinh tin kính và khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng uy danh ấy).
- Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, là Trạng Sư mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ.
- Chúa Thánh Thần cũng còn được gọi Đấng An Ủi, Thần Chân Lý (Ga 16,13), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11), Thần Khí Vinh Hiển (1P 4,14), Thần Khí của Lời hứa (Gl 3,14: Ep 1,13), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6)…
2. Biểu tượng:
Chúa Thánh Thần được nhắc đến trong Kinh Thánh dưới nhiều biểu tượng khác nhau như: nước, dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, chim bồ câu…
- Gió, hơi thở: (Tiếng Hipri: Ruah; tiếng Hylạp: Pneuma) là sinh khí, sức sống mà Thiên Chúa ban để con người tham dự vào sự sống của Người (Ds 16,22; Cv 2,2; Ga 3,8)
- Nước: có ý nghĩa về hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy. Chúa Thánh Thần là nước nguồn vọt ra từ Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá rửa ta sạch mọi tội lỗi và sinh ra lại làm con Chúa; trong bí tích Thánh Tẩy, Chúa Thánh Thần thanh tẩy tội lỗi và sinh ta lại làm con Thiên Chúa (Ga 3,5)
- Dầu: nói lên sức mạnh đặc biệt Thiên Chúa ban, cách riêng cho những kẻ Người chọn. Việc xức dầu rất có ý nghĩa đối với Chúa Thánh Thần, người “được xức dầu” đồng nghĩa với được “Thánh Thần ngự đến” (Is 61,1tt; Lc 4,16tt)
- Áng mây và ánh sáng: Hai biểu tượng này nói lên sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần mặc khải về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ (Ds 11,24–25; Lc 9,28–36)
- Bàn tay: Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt tay của Đức Giêsu (Mc 6,5; 8,23; 10,16; 16,18) và của các Tông đồ (Cv 5,12; 8,17-19; 13,3; 14,5; 19,6). Giáo Hội cũng đặt tay khẩn cầu Thánh Thần trong các bí tích.
- Chim bồ câu: Hình ảnh chim bồ câu biểu tượng Thánh Thần xuống trên Đức Giêsu khi chịu phép Rửa sám hối ở sông Jođan, nói lên sứ mạng của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống và ở lại trong tâm hồn tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy.
3. Vai trò của Chúa Thánh Thần:
- Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển vũ trụ vạn vật. Sách Sáng thế viết: khi đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
- Trong biến cố truyền tin Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria thì Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. Tin mừng Luca khẳng định: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
- Khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan thì Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến để thông truyền cho nhân loại biết Đức Giêsu quả thật là Con yêu dấu của Thiên Chúa.
- Đặc biệt, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, chính Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ và làm cho các tông đồ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các ngài, đồng thời khiến các ngài đang từ những kẻ nhút nhát, sợ sệt đã trở nên những con người can đảm, mạnh mẽ, sẵn sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
* Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong đời sống của Giáo hội. Sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ làm Giáo hội không ngừng phát triển, nhất là Người luôn luôn đồng hành với mỗi người chúng ta. Thế nên, trước khi chúng ta bắt tay vào làm bất kỳ công việc nào, chúng ta đều khởi đầu bằng việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cầu xin sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tất cả mọi việc từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
Như vậy, vai trò của Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần còn không ngừng thánh hóa toàn thể nhân loại. Người sẽ thúc đẩy tâm hồn con người hành động theo sự hướng dẫn của Người để có thể đưa nhân loại tiến vào con đường hoàn thiện trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ xưa về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần sau khi Ngài về với Chúa Cha cũng là đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên mất vai trò của Chúa Thánh Thần, hay nói một cách khác là chúng ta bỏ rơi Chúa Thánh Thần, chẳng quan tâm đến sự hiện hữu của Người trong cuộc đời chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta biết đón nhận Lời Chúa và mở rộng con tim để Chúa Thánh Thần đến và hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành, gìn giữ và thánh hóa mỗi người, đồng thời Người sẽ thúc đẩy chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh trong chính cuộc sống hằng ngày.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...