Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII TN B
Lm Seoka

Thứ hai: Mc 9, 14-29
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy được giá trị và sức mạnh của đức tin nhờ bởi cầu nguyện và chay tịnh. Xin Chúa củng cố đức tin nơi chúng ta, đồng thời giúp ta ý thức hơn trong đời sống cầu nguyện và chay tịnh, qua đó ta mới có thể chiến thắng được sức mạnh khống chế của ma quỷ.
Bài đọc 1, trích thư thánh Giacôbê đề cập đến sự khôn ngoan. Tác giả phân biệt cho ta biết đâu là sự khôn ngoan phát xuất từ TC và đâu là khôn ngoan theo kiểu thế gian, của con người tự nhiên và của ma quỷ. Sự khôn ngoan phát xuất từ TC thì được biểu lộ qua những hành động ngay chính làm trổ sinh nhiều hoa thơm trái tốt đem lại sự an hòa cho tâm hồn và kiến tạo hòa bình cho cuộc sống. Trái lại sự khôn ngoan theo kiểu thế gian là sự giả tạo không thống nhất giữa lời nói và việc làm; nói mà không làm, nói thì hay làm thì dỡ, hay có làm thì cũng phát xuất từ lòng dạ tiểu nhân nhằm để tranh chấp với người khác và đề cao bản thân nên gây ra sự bất an tâm hồn gây xáo trộn cuộc sống chung. Nhưng làm thế nào để có được sự khôn khoan của TC ban? Thưa phải yêu mến TC. Thiên Chúa chỉ phân phát đức khôn ngoan cho những ai có lòng yêu mến Ngài. Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người”(Hc 1,10).
Mà lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện bằng đức tin. Tin mừng hôm nay cho biết: Chính vì thiếu đức tin nơi các tông đồ mà các ông không khống chế được sức mạnh của quỷ câm; cũng vì lòng tin yếu kém của đám đông dân chúng, nhất là của người cha của đức con bị quỷ câm khống chế nên việc trừ quỷ bất thành. Do đó mà Chúa Giêsu phải thở dài và than phiền “ "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ?”. Và Chúa cho biết để trừ được loại quỷ này phải có đức tin vì : Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”.  Sau khi ý thức được đức tin còn yếu kém của mình, người cha của đứa bé bị quỷ câm ám hại đã khiêm tốn xin Chúa tăng cường đức tin; nhờ đó mà con trai của ông được cứu chữa. Nhưng làm thế nào để có được đức tin vững mạnh để chiến thắng sức mạnh của ma quỷ? Chúa Giêsu cũng đã cho các tông đồ phương cách đó là: phải tích cực ăn chay và cầu nguyện.
Xin Chúa cho chúng ta luôn có được lòng yêu mến Chúa chân thành bằng một đức tin mạnh mẻ nhờ đời sống cầu nguyện và hy sinh chay tịnh, nhờ đó chúng ta có được sự khôn ngoan của Chúa để chiến thắng được sức mạnh khống chế của ma quỷ.

Thứ Ba: Mc 9, 30-37.
Tham vọng thế gian: làm lớn, đứng đầu là để được ăn trên ngồi trước, để hà hiếp bốc lột người khác.
Tham vọng nước trời: làm lớn là động lực trao dồi khả năng nhằm để phục vụ mọi người. Làm lớn không phải để ngồi trên cao chỉ tay năm ngón, nhưng là cơ hội phục vụ nhiều người tốt hơn.
Khi còn ở đại chủng viện, cha tu đức hay hỏi các thầy: tiêu chí đi tu để làm gì?
Dĩ nhiên các thầy thánh thiện phải trả lời: để có điều kiện tốt phục vụ Chúa, phục vụ mọi người. Ít thầy nào dám trả lời: đi tu để “làm cha”. Dẫu rằng lòng luôn ước muốn đi tu là để “làm cha”. Bởi lẽ không làm linh mục, thì vào đại chủng viện làm gì?
Ước muốn làm linh mục của các thầy đại chủng viện là ước muốn chính đáng. Nhưng cần xem lại quan niệm làm “cha đời” và “cha đạo” như thế nào? Theo Pastores Dabo Vobis, thì linh mục phải là hiện thân của Đức Kitô trong tư cách: là Đầu và Tôi Tớ, là Mục tử và hôn phu của Hội Thánh. Làm linh mục không vì mục tiêu danh vọng, thống trị, nhưng để phục vụ với con tim hiền hậu và khiêm tốn.
Các tông đồ khi theo Chúa có lẽ cũng luôn muốn mình được chổ tốt nhất, được vinh dự, được làm lớn, làm thủ lãnh để sai bảo người khác nên đã nhiều lần thố lộ ước muốn ấy bằng những cách thế khác nhau: 
Bằng cách trực tiếp đến xin Chúa cho một anh ngồi bên hữu, một anh ngồi bên tả, như hai anh em Giacôbê và Gioan con ông Dê-bê-đê. Khi đi ngày không được thì đi đêm, thấy đi đường thẳng không an toàn thì đi đường vòng. Khi ngại miệng xin xỏ thì nhờ người thân như trường hợp mà tin mừng hôm nay thuật lại. Bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan đến thỉnh cầu Chúa Giêsu cho hai đứa con yêu của bà được một cậu bên tả và một cậu bên hữu khi Chúa được vinh quang.
Các tông đồ khác tuy ngại không dám bộc bạch ước muốn đứng đầu nhưng cũng đã tỏ ra khó chịu và bực mình với Giacôbê và Gioan vì lòng ghen tỵ, không muốn cho hai anh em kia phần hơn.
Tập thể nào, tổ chức nào cũng cần có người đứng đầu để điều khiển các sinh hoạt. không thể có cảnh “ cá đối bằng đầu” được. Giáo hội cũng thế, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Nhưng điều quan trọng Chúa muốn là đừng dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, hay tự cao tự đại nhưng để phục vụ. Không phải dùng quyền để bảo vệ cá nhân mình nhưng xử dụng quyền để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.
Lòng kiêu ngạo tranh đấu để làm đầu mọi người vốn là điều không tốt, nhưng lòng ganh tỵ thì cũng chẳng hay ho gì. Hai tật xấu này thường làm cản trở sự phát triển đời sống cá nhân và tập thể về mọi phương diện, cần loại bỏ. Tinh thần cạnh tranh cũng không phải là xấu. Nhưng cạnh tranh để làm gì mới là điều đáng nói. Cạnh tranh mà ghanh tỵ mà ghen ghét mà triệt hạ, đấu đá lẫn nhau thì đáng lên án.
Xin Chúa cho chúng ta luôn có tham vọng tốt để phát triển tối đa khả năng Chúa ban và biết xử dụng những khả năng đó để phục vụ cho mọi người mỗi ngày tốt hơn. Xin cũng cho chúng ta biết từ bỏ thái độ ghen tỵ khi thấy người khác thành đạt và tốt đẹp hơn chúng ta.

Suy niệm 2:
Tin mừng trong 3 ngày liên tiếp tới đây, Chúa Giêsu dành thời gian để giáo huấn các môn đệ về những đề tài hết sức cụ thể và cần thiết cho đời sống. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ về tinh thần cần phải có của người làm lớn.
Lẽ thường tình ở đời ai cũng thích làm lớn, đứng đầu và lãnh đạo. Bởi vì làm lớn thì được người khác tôn trọng và phục vụ; đứng đầu thì dễ sai khiến, ra lệnh và thị uy trên người khác; lãnh đạo thì được ăn trên ngồi trước và hưởng được nhiều bỗng lộc..., nhưng người môn đệ Chúa Giêsu thì cần phải có lối suy nghĩ và tinh thần khác. Để xứng đáng là người làm lớn, đứng đầu, lãnh đạo cộng đoàn phải là người có lòng khiêm tốn và biết tận tình phục vụ người khác cách vô vị lợi. Chúa Giêsu vẫn biết các môn đệ còn nặng theo đuổi tinh thần thế tục nên đã ôm một em bé vào lòng và cho biết hy sinh phục vụ những người bé nhỏ chính là phục vụ cho Chúa. Người không chỉ giáo huấn bằng lời mà còn bằng chính hành động cụ thể bằng cách quỳ gối xuống rửa chân cho các ông và sẵn sàng hy sinh chết đau thương trên thập giá để đem lại niềm vui, ơn cứu độ cho con người.
Chúng ta phải hiểu rằng chức vụ luôn đi liền với trách nhiệm. Khi  nào người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô tư, thì chính lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới trở nên xinh đẹp, thanh cao và đáng trân trọng.
Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!

Thứ tư: Mc 9, 38-40
Suy niệm 1:
Tiếp tục giáo huấn của Chúa Giêsu về cách thế hành xử cần có với đồng loại của người môn đệ Chúa.
Sống trên đời này con người cần có một tấm lòng và cần phải biết cư xử tử tế với nhau như tâm tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng hình như con người thời nay thường hay xử sự loại trừ nhau. Óc phe nhóm lợi ích ngày càng phổ biến và lớn mạnh. Chính các Tông Đồ xưa kia cũng thế, các ngài có vẻ khó chịu và cố ngăn cản một ai đó nhân danh Chúa Giê-su mà trừ quỷ. Với óc phe nhóm, các ngài không muốn chia sẻ đặc quyền đặc lợi trừ quỷ ấy cho bất cứ ai ngoài nhóm của các ngài. Nhất là khi các ngài được Chúa ban quyền trừ quỷ khi sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng, các ngài lại càng không muốn bất cứ ai cũng có quyền đó.
Những suy nghĩ của Tông Đồ ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta vẫn còn ích kỷ nhỏ nhen muốn Chúa chỉ ban ơn riêng cho ta hay phe nhóm chúng ta thôi. Là những người tin theo Chúa, chúng ta nghĩ mình sống đạo đức thánh thiện, Chúa phải ban ơn này ơn nọ cho chúng ta. Chúa không được ban ơn cho những người ngoại giáo hay khô khan nguội lạnh. Chúng ta bắt Chúa phải theo phe nhóm của ta để đối đầu với những nhóm khác.
Xin Chúa hoán cải và biến đổi lối suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ này của chúng con. Mong muốn lắm mọi người dù lương hay giáo, lớn hay nhỏ, hữu thần hay vô thần đều có được tinh thần hợp tác, tôn trọng đặc sủng riêng của mỗi người để mỗi người có điều kiện hợp tác chung tay phục vụ mưu cầu lợi ích cho con người.


Suy niệm 2:
Tiếp tục là những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ về thái độ cần phải có trong việc nhận định các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Lòng ghen tị là nguyên nhân đưa đến nhận định sai lầm và dẫn đến nguy cơ chia rẻ và đánh mất tình hiệp thông.
Trong 7 mối tội đầu thì ghen ghét hay ganh tị đứng hàng thứ 6. Dầu xếp vào hàng áp chót. Nhưng lòng ganh tị là tính xấu nguy hiểm dễ đưa dẫn chúng ta phạm vào mối tội đầu cũng như các mối tội khác.
Tin mừng hôm nay cho biết: tông đồ Gioan, vì lòng ghen tị nên ông đã cố ngăn cấm những người không cùng phe nhà làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Không những thế, ông còn muốn lôi kéo Chúa Giêsu đứng về phía ông để lên án và cấm đoán người khác làm phép lạ nữa. Chính lòng ghen tỵ đã đẩy ông đến tính tự mãn nên đã không muốn bất cứ ai làm được phép lạ như nhóm ông đã làm.
Trong đời sống, nhiều khi vì lòng ghen tỵ đã làm cho ta có cái nhìn và đánh giá sai lạc sự thật về người khác. Vì ghen tỵ mà ta có những lời nói và hành vi gây mất đoàn kết, làm đau lòng nhau. Nhất là do tính ghen tỵ mà làm ta trở nên kiêu ngạo, tự cho mình là nhất, để rồi phủ nhận và khướt từ những việc làm tốt đẹp của tha nhân và khó chịu khi thấy người khác hơn mình.
Để sửa trị tính ghen tị; một mặt Chúa Giêsu không ủng hộ thái độ loại trừ của ông Gioan: “Đừng ngăn cấm y”. Mặt khác, Chúa giải thích cho ông hiểu rằng nhân danh Chúa làm phép lạ là họ đang làm sáng danh Chúa: “vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy”. Rồi chỉ cho ông cách nhìn nhận vấn đề để khiêm tốn mở lòng đón nhận những việc làm tốt đẹp của tha nhân:“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.
Xã hội bất an, gia đình rạn nứt, tâm hồn bất ổn… chính là do bởi ghen tị sinh ra. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, nhờ đó chúng ta mới có thể loại trừ được tính ghen tỵ ra khỏi con người yếu đuối của mình. Xin Chúa cũng thương thanh tẩy đôi mắt ta nên trong sáng, tâm hồn ta nên thanh sạch, và nhận định của ta được ngay chính, để chúng ta mở lòng đón nhận những điều tích cực của tha nhân. Có như vậy, tâm hồn chúng ta mới được an vui, gia đình chúng ta mới được êm ấm và xã hội mới được yên bình


Thứ năm: Mc 9, 41-50
Tin mừng hôm nay tiếp tục đề cập đến thái độ cần có đối với mọi người của người môn đệ Chúa.
Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta?
Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người.
Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung. Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa.
Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo!

Suy niệm 2:
Mạnh Tử nói: "Nhân tri sơ tính bổn thiện", Tuân Tử nói: "Nhân tri sơ tính bổn ác". Cùng bàn về tính thiện ác trong con người, một nhà triết học phương Tây là Honbach cũng đưa ra quan điểm : “con người khi sinh ra vốn không thiện cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn cảnh tạo nên”
Còn Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì không bàn về tính thiện- ác nơi con người. Ngài cũng không theo quan điểm trung dung, nhưng khuyên chúng ta đừng làm gương mù, gương xấu mà làm ảnh hưởng đến tha nhân, nhất là với những người bé nhỏ.
Gương xấu là gì? Gương xấu là một lời nói hay một hành động không thích hợp làm cớ, tạo dịp cho người khác vấp phạm, sa ngã, phạm tội.
Có hai hình thức gây gương mù, gương xấu: Trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là một hành động hay lời nói chủ ý, cố tình làm vậy để tạo dịp cho người khác sa ngã. Gián tiếp là hành vi hay lời nói vô ý, sơ suất có thể làm cho người khác hiểu lầm mà sa ngã, nhưng thực chất người làm không muốn. Dù trực tiếp hay gián tiếp làm gương xấu thì cả hai hình thức này đều phải tránh vì nó lôi kéo người khác vào những sai lầm, tội lỗi.
Chúa Giêsu lên án rất mạnh mẽ về việc làm này. Án phạt mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai cố tình làm gương xấu là tử hình. “Cột cối đá mà quăng xuống nước”. Ngoài ra Chúa cũng đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta phải quyết liệt chống trả lại tội lỗi ngay cả phải đau đớn hy sinh một phần thân thể của mình. "Nếu tay, chân hay mắt con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay, chân, móc mắt nó đi: thà con mất một tay, một chân, một mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay, hai chân, hai mắt mà phải vào hỏa ngục…". Tuy nhiên để làm được ấy không dễ chút nào. Vì vậy Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải giữ được muối tình yêu cho mặn mà và sống hòa thuận với nhau.
Xin Chúa đong đầy tình yêu của Chúa cho chúng con để chúng con đủ can đảm thi hành những điều tốt lành Chúa chỉ dạy, nhờ đó mà chúng con loại trừ được những lời nói và hành vi xấu xa, tội lỗi gây ra chia rẽ và bất hòa trong đời sống.

Thứ sáu: Mc 10, 1-12.
Bất cứ xã hội nào, đất nước nào, tập thể nào, gia đình nào dù lớn hay nhỏ đều có những quy định và luật lệ của nó. Chính những quy định luật lệ sẽ đem lại tính ổn định xã hội và bảo vệ quyền lợi cho con người. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với những người Biệt Phái về sự ràng buộc không thể tháo gỡ trong đời sống hôn nhân“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Luật hôn nhân không phải phát xuất từ quyền quyết định của con người, nhưng là ý định, ơn gọi và ý muốn của Thiên Chúa ngay từ khi tạo dựng con người: “ Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (St 1, 24).
Đã là Thiên luật (là luật do Thiên Chúa ban) thì buộc mọi người đều phải tuân giữ, còn nhân luật (là luật do con người làm ra) thì có tính tương đối vì bị điều kiện hoá bởi hoàn cảnh, thời gian, không gian, nền văn hoá… Luật của con người thì có thể thay đổi và cần được thay đổi. Nhưng luật của Thiên Chúa thì bất biến. Chính vì thế khi nhân luật và Thiên luật đòi buộc cùng lúc, ta cần phải ưu tiên tuân giữ luật của Thiên Chúa. Vì thế, khi những người Pharisêu nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã nói đến sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).
Xin Chúa cho các đôi vợ chồng luôn ý thức lời thề hứa chung thủy với nhau trong ngày thành hôn và ban cho họ dồi dào ơn thiêng để họ đủ nghị lực vượt qua những thách đố xảy trong đời sống hôm nay, mà trung tín mãi với nhau đến trọn đời.

Thứ bảy: Gc 5,13-20; Mc 10, 13-16.
Để được vào Nước Trời, cần phải có điều kiện như thế nào? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Điều kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, luôn nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc dù đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì trẻ nhỏ luôn cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêxa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban. Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha m,để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...