SỐNG LỜI CHÚA TUẦN XII
THƯỜNG NIÊN 2018
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN B
Tin
mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Đức Giêsu truyền cho sóng gió yên lặng,
giải thoát cho các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi khi thuyền các ông đang bấp bênh giữa
dòng. Qua đây, Marcô muốn minh chứng Đức Giêsu chính là TC quyền năng. Và mời
gọi chúng ta hãy tin tưởng cậy trông vào quyền năng Chúa.
Xin
cho chúng ta luôn biết tin tưởng cậy trông vào Chúa, nhất là những lúc con
thuyền đời ta gặp phải những phong ba, bảo táp. Bởi vì chỉ có mình Chúa mới đủ
quyền năng cứu giúp và đưa dẫn chúng ta vượt thắng những lo sợ.
Trên trang
http://giaoducso.vn có đăng câu chuyện cà rốt, trứng và hạt cà phê khá
hay như sau:
Cô con gái hay than thở
với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với
mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn
với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một đầu bếp.
Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên
lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và
hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói
một lời.
Người con gái sốt ruột không
biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu.
Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô
khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà
rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và
nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là gì vậy
cha - cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều
gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại
phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế biến thì
cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa luộc rất
dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua
nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật kỳ lạ.
Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang hỏi cô
gái: "Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài
tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối
chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng, khởi đầu
với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly
hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay con sẽ giống hạt cà phê?
Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi
nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ
nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử
thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?"
Tựa như cô gái trên, cuộc đời chúng ta cũng phải đối mặt
với bao nhiêu là phong ba bão táp, đó là những thất bại, những khó khăn vật
chất, những đau khổ tinh thần, những bệnh tật về thể xác... làm cho chúng ta
nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Trong những lúc ấy ta thường hay tự hỏi: "Tại
sao Chúa lại cho phép sự dữ xảy ra như vậy?".
Thắc mắc ấy sẽ được lời Chúa hôm nay soi sáng, giúp ta
hiểu hơn về sự dữ tại sao lại hiện diện trong cuộc sống này?
1. Bài đọc 1 cho biết: Mọi sự lành hay sự dữ đều được Chúa
cho phép, phần con người phải biết phó thác vào sự sắp xếp của Ngài.
Ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên
Chúa, nhưng rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: con
chết, tài sản tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang
nào chữa trị được. Vợ ông đã không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn
những người bạn thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó! Thân
nhân ông trách móc Chúa và không tin vào Chúa nữa. Phần ông, ông không dám
trách mà chỉ than thở và cầu xin Chúa cho ông một lời giải đáp về lý do những
khổ sở ông đang chịu. Và Thiên Chúa đưa ra một lời giải đáp gián tiếp: Ngài là
chủ tể của thiên nhiên. Chính Ngài điều hành sức mạnh của nước: Ngài tạo dựng
ra nó, ấn định cho nó được chảy tới đâu, ngăn không cho nó tràn bờ…Lời giải đáp
này cho ta biết: mọi sự lành hay sự dữ đều được Chúa cho phép mới xảy tới, con
người phải biết phó thác vào sự sắp xếp của Ngài.
2. Còn bài Tin mừng thì cho biết sự dữ xảy ra là vì Chúa
yêu thương ta nên muốn thanh luyện ta nên người.
Tin mừng hôm nay sánh ví thế gian như là biển cả và
đời người như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi. Có lúc con thuyền đời ta
lướt nhẹ trên mặt nước biển êm đềm. Nhưng cũng lắm khi thuyền đời ta lại gặp
phải những phong ba bảo táp nổi lên, khiến ta sợ hãi, bất an. Nhưng chính nhờ
vậy mà ta lại trưởng thành hơn.
- Thử thách giúp ta khiêm tốn hơn.
Bình thường ta nghĩ mình có thể làm được mọi việc. Nhưng
khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối nên sẽ khiêm tốn hơn trước Chúa
và anh chị em.
- Thử thách
giúp ta biết cậy trông vào Chúa hơn.
Có những biến cố sự việc xảy ra vượt ra ngoài khả năng và
tầm tay của loài người, tự sức mình hay cả sự trợ giúp của tha nhân cũng không
tài nào giúp ta vượt thoát. Lúc đó chúng ta mới biết cậy trông phó thác vào
Chúa hơn.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng
Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa
Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết
tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi.
Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta.
Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ
hội cho ta được thêm lòng cậy và lòng mến Chúa; nhất là được vững vàng hơn trong
đời sống đức tin.
Thứ hai: Mt 7, 1-5
Chúa dạy chúng ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các
con trên trời là Đấng trọn lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự
đại cho mình tốt lành thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán
và lên án người khác.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều yếu
đuối, thiếu sót và lầm lỗi để biết lo sửa đổi mỗi ngày nên hoàn thiện hơn, hầu
xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta: “ anh em đừng
xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”.
Tâm lý tự nhiên trong chúng ta là thích xét đoán người
khác. Lý do bởi vì:
- Ta luôn nghĩ mình hay hơn, tốt hơn, giỏi hơn người khác.
- Do tính ác nằm sẵn trong người ta. Tuân tử nói: Nhân tri
sơ tính bản ác.
- Ta thích chà đạp và hạ bệ người khác nhằm để tự nâng bốc
mình lên.
Thật vậy khi xét đoán ai, tức là chúng ta đặt mình lên
trên người ấy, và muốn mọi người tôn vinh ca ngợi ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ nên xét đoán người khác
là bởi vì:
- Quyền xét đoán là quyền của Thiên Chúa: “ Chỉ có một
Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn
ngươi là ai mà dám xét đoán người thân cận?” ( Gc 5, 12 ).
- Nhân vô thập toàn, là con người ai cũng có những thiếu
sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội lỗi chúng ta còn lớn hơn người
khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý đến cái “xà” trong mắt của mình
hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em. Và hãy lưu tâm lấy cái “xà”
trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác” trong mắt anh em.
- “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa
xét đoán”. “Cầm đuốt mà rê chân người”; “ Bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu”,
bươi móc lầm lỗi người khác rồi kết án buộc tội thì đáng bị Thiên Chúa kết án.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ tước quyền của Thiên Chúa để
xét đoán và lên án anh em mình, cũng đừng bao giờ đồng lõa hùa theo người khác
để rồi nói xấu và dạy đời người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói
điều tốt lành cho anh em, nhất là những người vắng mặt Làm thế ta sẽ
được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì “ anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ
đong cho anh em đấu ấy”.
Thứ ba: Mt 7, 6. 12-14.
Con tim chỉ vui trở lại, hy vọng và tình yêu chỉ được thắp
sáng và tâm hồn được biến đổi thành một người mới khi tôi biết sống hy sinh và
cho đi. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.
Truyện kể:
Hai hạt giống cùng nằm trên một mảnh đất màu mỡ.
Hạt giống đầu tiên nói: “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn rễ của
tôi phải ăn sâu xuống lòng đất, mầm của tôi sẽ vươn lên vỏ đất cứng bên
trên…Tôi muốn giương nhành lộc non như tấm băng rôn báo hiệu xuân về… Tôi muốn
cảm nhận cái ấm áp của mặt trời chảy dài trên khuôn mặt, và cái tinh khiết của
sương mai trên những cánh hoa.
Và cô ta lớn lên …
Hạt giống thứ 2 nói “ Hmmm, nếu rễ của tôi ăn sâu xuống
đất, tôi không biết tôi sẽ đụng phải thứ gì trong bóng tối. Nếu tôi vươn mầm
qua lớp đất cứng, cái mầm mịn màng của tôi có lẽ sẽ bị hủy hoại … chuyện gì sẽ
xảy ra nếu tôi để lộc non xuất hiện và sâu bọ có ăn chúng? Và nếu tôi nở hoa,
một đứa trẻ nào đó sẽ ngắt tôi khỏi đất. Không, tốt hơn là tôi nên chờ cho tới
khi an toàn.
Và rồi cô ta chờ …
Một con gà mái đang đào bới xung quanh tìm thức ăn và phát
hiện ra hạt giống đang nằm chờ, thế là gà ta ăn ngay hạt giống ấy.
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ
sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát
tan để góp cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp - đó là sự chọn lựa của hạt
giống thứ hai.
Tự nhiên ai trong chúng ta cũng thích sống an nhàn và tìm
tư lợi cho mình. Nhưng đó không phải là điều Chúa muốn: “Tất cả những
gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người
ta”.
Trong cựu ước chỉ dạy: “Đừng làm cho người khác
điều chính mình không thích” (Tb 4, 16). Lời dạy này còn mang tính thụ
động và tiêu cực không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu.
Vì sợ bóng tối, hạt giống thứ hai đã không đâm rễ
vào lòng đất nên chẳng bao giờ nhìn thấy được ánh sáng.
Cũng vậy, không thích bóng tối không có nghĩa là không
gieo bóng tối. Vì chưa hẳn không gieo bóng tối là có ánh sáng. Muốn có ánh sáng
phải gieo ánh sáng.
Vì lo sợ đất cứng, sâu bọ và lũ trẻ làm hại nên hạt giống
thứ hai đã thụ động tìm sự an toàn, cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt.
Cũng vậy tránh điều dữ cũng chưa hẳn tìm được điều lành.
Muốn có điều lành cần phải làm những việc lành.
Không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, sống cùng, sống
vì và sống cho người khác. Khi sống cho người khác đòi hỏi chúng ta phải hy
sinh, chịu thiệt thòi và mất mác, phải đi vào con đường hẹp. Nhưng đó lại là
con đường dẫn đến sự sống.
Sự sống ở đây không đơn thuần là tồn tại dưới hình thức
vật chất, vì không có vật chất nào không theo quy luật: sinh ra, lớn lên và bị
tiêu diệt; sự sống ở đây chính là cõi vĩnh hằng, là dẫu
có chết đi, nhưng với mọi người xung quanh, bạn chưa từng chết,
bạn không bao giờ chết, bạn tồn tại trong trái tim mỗi người và trong tình
yêu của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một
con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá hy sinh. Con đường vị tha, sống vì
anh em bằng tấm lòng yêu mến cho dẫu phải gặp nhiều gian lao thử thách và đau
khổ. Nhưng chúng ta hằng tin rằng đó là con đường dẫn chúng ta đến ánh sáng của
niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Thứ tư: Mt 7, 15-20
Lòng dạ con người tỏ hiện ra bên ngoài bằng việc họ làm
chứ không phải điều họ nói. Người đời thì thường nói một đàng làm một nẻo.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo và lên án những ai
nói một đàng làm một nẻo; đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết nỗ lực thống
nhất đời sống, nghĩa là thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.
- Thông tin cho biết thị trường Việt Nam luôn xuất hiện
nhiều loại thực phẩm giả: Hột gà giả, gạo giả, thịt bò giả, rượu giả, cà phê
giả…
Báo chí và truyền thông chính thức cũng cảnh báo về những
loại tiền giả có mệnh giá cao thỉnh thoảng lại được vận chuyển từ Trung Quốc
vào Việt Nam.
Không chỉ thực phẩm giả, tiền giả trôi nổi trên thị trường
mà vàng giả vẫn bày bán khắp nơi. Nhiều cô làm le đeo quằn cả tay, cứ
tưởng là vàng thật ai ngờ là vàng giả trăm phần trăm.
- Nhưng hàng giả không nguy hiểm cho bằng người giả.
Với kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ và trang điểm như hiện
nay, người ta có thể biến một người xấu xí già nua trở nên thiếu nữ xinh
đẹp và trẻ trung lạ thường, bằng cách: đội tóc
giả, gắn mi và răng giả, độn ngực và mông
giả…Người ta còn có thể làm cho anh chàng đực rựa “trăm
phần trăm” thành cô gái y như thật.
- Thế nhưng cái giả bên ngoài không đáng sợ bằng sự giả
dối bên trong của con người. Chẳng hạn để khoe khoang với bè
bạn, để dễ dàng trong công ăn việc làm, cũng như để luồn lách vào chức vụ nọ
chức vụ kia, người ta có thể bỏ tiền ra mua một cái bằng…phó tiến sĩ giả, để hù
dọa bà con lối xóm.
Người ta cũng có thể mượn danh làm công an giả, cán bộ
giả, thậm chí cả linh mục giả để dối gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món
tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù.
Người ta sẵn sàng mượn tạm danh nghĩa, lợi
dụng những chức vụ giả tổ chức gây quỹ từ thiện nhằm móc
túi những nhà hảo tâm.
Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm
quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi
với việc làm. Tư tưởng, lời nói và việc làm của họ không còn trong suốt như pha
lê. Không còn hợp nhất với nhau.
Đúng như Chúa Giêsu nói trong bài tin mừng hômn nay: “Họ
là những ngôn sứ giả đội lốt chiên mà đến với chúng ta”. Và lưu ý chúng ta
phải cẩn thận đề cảnh giác những hạng người ấy.
Xin cho chúng ta biết can đảm sống thật với mình với người
và với Chúa. Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Thứ năm: Mt 7, 21-29
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều kiện
cần phải có để vào nước trời. Đó là lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Xin cho chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và nổ lực đem
lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ thế hy vọng chúng ta mới xứng đáng
được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Có một câu chuyện kể rằng:
Một người nông dân nghèo, được vào thiên đàng, ông nhìn thấy người ta mang
những vật rất kỳ lạ vào trong nhà bếp. Ông thắc mắc và lên tiếng hỏi: Cái gì
thế? Có phải để nấu súp không ?
Không phải. Đó là những cái
tai của con người. Khi sống ở trần gian, tai giúp họ nghe những điều tốt lành,
nhưng họ không làm điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có tai của họ được vào thiên
đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.
Một lát sau, người nông dân
lại nhìn thấy người ta mang vào nhà bếp những vật kỳ lạ khác. Ông cũng lên
tiếng hỏi: Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?
Không phải. Đó là những cái
lưỡi của con người. Khi sống trên đời, lưỡi khuyên bảo người khác làm điều tốt
và sống tốt, nhưng chính họ lại không sống; không làm những điều tốt lành đó.
Khi chết, chỉ có lưỡi của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ
thể thì không được vào.
Như vậy để được hưởng trọn
vẹn hạnh phúc nước trời không chỉ có nghe và nói những lời hay ý đẹp mà
thôi. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy
trong đời sống.
Nghe lời Chúa không chưa đủ,
điều quan trọng là phải thực hành lời Chúa.
Bởi lẽ thực hành lời Chúa thì
được xem là người khôn ngoan, vì đã xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc
là đá. Cho dù mưa sa, bảo táp cũng không tài nào sụp đỗ. Ngược lại nếu chỉ nghe
và nói lời Chúa mà thôi, thì được xem như người khờ dại, vì đang xây dựng đời
mình trên nền cát. Do đó khi mưa sa, gió bảo thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn
toàn.
Xin Chúa cho chúng ta không
chỉ giữ đạo trên môi miệng mà điều quan trọng là biết lắng nghe và đem lời Chúa
áp dụng vào thực tế đời sống. Nhờ thế chúng ta mới xứng đáng được vào hưởng
hạnh phúc nước trời.
Thứ sáu: Mt 8, 1-4
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu
phải chịu nhiều đau khổ.
Đau về thể xác.
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi
hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần
mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại,
không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau
thương.
Khổ về tâm hồn.
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên,
cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh
bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã
hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người
khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng
tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng
nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình
trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là
lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù
họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính
là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác
hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu
chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm
vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về
thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải
bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô
ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa
nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để
tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời
khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà
ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư
lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác.
Sự Những thứ đó chính là những chứng bệnh cùi về tâm linhnguy
hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta
hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin
Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn
nhận ra bệnh tình nguy hiểm đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa
cho lành sạch “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
Thứ bảy: Mt 8, 5-17.
Tình thương ơn cứu độ của Chúa là phổ quát dành cho hết
mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Tuy nhiên để đón
nhận được tình thương và ơn cứu độ của Chúa đòi hỏi con người phải có đức tin.
Đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta.
Tin mừng cho biết Chúa Giêsu yêu thương và cứu chữa nhiều
người, không phận biệt họ là ai.
Tiêu biểu là việc Chúa Giêsu chữa lành thằng bé đau liệt
của viên đại đội trưởng, nhờ lòng tin mạnh mẽ của ông ta.
Cất bước ra đi khỏi mái nhà tiện nghi êm ấm để lên đường
tìm Đức Giêsu là bằng chứng của một niềm tin.
Thốt lên lời nài xin cùng Đức Giêsu về nhu cầu mình cần
trong khiêm tốn, là dấu chứng của lòng tin cậy.
Nhận thân phận và ngôi nhà mình bất xứng không đáng Chúa
ngự đến, thể hiện lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tuyệt đối vào quyền
năng của Chúa nơi Đức Giêsu.
Niềm tin này đã được Chúa Giêsu xác nhận qua lời tuyên bố
mạnh mẽ: “Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Ít-ra-en”.
Chính lòng khiêm nhường thẳm sâu và niềm tin tưởng tuyệt
đối của viên đại đội trưởng đã được Chúa Giêsu đón nhận qua việc Chúa đã cứu
chữa gia nhân của ông ta được lành bệnh.
Lòng tin tưởng phó thác của viên đại đội trưởng khiến
chúng ta nhớ đến lòng tin phó thác của Đức Maria nhân ngày thứ bảy, kính Đức
Maria hôm nay. Với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, Đức Mẹ đã sẵn sàng vâng
theo thánh ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời, dù phải trải qua bao là
thử thách.
Trên hành trình bước theo Chúa, niềm tin của chúng ta cũng
phải đối diện với biết bao là chông gai thử thách. Xin cho chúng ta luôn kiên
vững niềm tin vào Chúa như Mẹ Maria và mạnh mẻ thể hiện niềm tin của mình như viên
đại đội trưởng, nhờ thế chúng ta sẽ được Chúa yêu thương đón nhận và cứu
chữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét