SUY
NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IX TN B
Chúa
Nhật Kính Trọng Thể
MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Dẫn nhập:
Hiệp chung tâm tình cùng GH toàn cầu, hôm nay
chúng ta mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
hãy đến với bàn tiệc Thánh Thể để kín múc Mình và Máu Chúa Kitô làm lương thực
nuôi dưỡng linh hồn ta. Xin Chúa giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ vào
tình yêu cứu độ của Chúa; biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể và dọn
lòng mình sao cho xứng đáng để trở nên đền thờ cho Chúa ngự.
Suy niệm:
Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác.
Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày; phần hồn muốn sống cần phải đón
nhận Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa chính là của ăn có sức thiêng
nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến và quý trọng của ăn thiêng
liêng mà Chúa Giêsu tặng ban cho ta, bằng cách dọn mình xứng hợp và siêng năng
đón rước Chúa vào lòng mỗi khi tham dự thánh lễ.
Nhân gian thường nói “Ăn gì thì bổ cái đó”,
là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người và các tạo vật.
Nếu ăn nhiều thịt, thì áp xuất máu sẽ tăng lên và tính tình cũng thường hay
nóng nảy. Ngược lại ăn rau, củ, quả nhiều thì cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, tính
tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở những cơ thể cũng bình
thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể khác.
Căn cứ vào kinh nghiệm đó, chúng ta có thể
hiểu được lời Chúa Giêsu phán dạy: "Ta là bánh hằng sống từ trời
xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta,
để cho thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và
Ta ở trong kẻ ấy."
Đúng vậy, Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ có
bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong Ngài, nên thịt và máu
Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, một
kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ
hãi và bỏ đi; và những người thời nay không tin Chúa Giêsu thì cho đầu óc những
người Công Giáo là điên rồ. Ấy vậy mà lại rất quen thuộc thường tình đối với
người Công giáo và trở nên vô cùng quan trọng đối với sự sống tinh thần và
thiêng liêng của mọi Kitô hữu. Người công giáo chẳng những tin vào Lời Chúa
Giêsu phán về việc ăn Thịt và uống Máu Ngài, nhưng còn có kinh nghiệm ăn Thịt
và uống Máu ấy hằng ngày. Nhờ đó mà cảm nghiệm được sự trưởng thành trong đời
sống tinh thần và thiêng liêng của mình ở mức độ đời đời thế nào. Vì thế trên
cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ lại có một Thánh Lễ để cung cấp cho hàng tỷ
người Công giáo sự sống trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu. Bất cứ ai đến ăn
Thịt và uống Máu Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả
sự chữa lành thể xác nữa.
Bí tích Thánh Thể, lương thực thần lương mang
sự sống đời đời. Xin cho chúng ta biết tin tưởng và khao khát tìm đến đón nhận
chính nguồn lương thực này, hầu đem lại cho chúng ta nguồn bình an và sự sống
đích thực.
Lễ Thiếu Nhi
Dẫn nhập:
Hôm nay chúng ta cùng với
Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Mừng kính thánh lễ
hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu và suy niệm sâu xa hơn về bí tích
Thánh Thể, nhờ thế chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Thánh Thể Chúa hơn. Giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận những lầm
lỗi, thiếu sót và xin ơn tha thứ của Chúa để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.
Suy niệm:
Mừng kính trọng
thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, là dịp thuận tiện để cha
cùng với các con ôn lại đôi chút giáo lý về Bí Tích Thánh Thể mà Giáo Hội chỉ
dạy chúng ta.
1. Các con cho cha biết: Ai
đã lập Bí Tích Thánh Thể?
-
Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu lập Bí Tích
Thánh Thể khi nào?
- Chúa
Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi Người chịu chết.
3. Chúa Giêsu đã lập bí tích
Thánh Thể như thế nào?
- Đang trong
bữa ăn, Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn
đệ mà phán: “Này là mình Ta, các con hãy
cầm lấy mà ăn”. Sau đó, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha rồi
trao cho các môn đệ và nói: “ Các con hãy nhận lấy mà uống, này là máu Ta, Máu
tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” ( Mt 26,
26-28; Lc 22, 17-20). Khi ấy bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
4. Vì ý gì Chúa Giêsu lập bí
tích Thánh Thể?
- Vì yêu
thương chúng ta và muốn ở với chúng ta mãi nên Chúa Giêsu đã dùng chính Mình
Máu Người làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng linh hồn bổ dưỡng thân xác nhắm
giúp chúng ta đủ sức tiến bưóc trên hành trình đi về nhà Cha.
5. Chúa Giêsu lập bí tích
Thánh Thể mấy lần?
- Chúa
Giêsu chỉ lập bí tích Thánh Thể một lần, nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho
các tông đồ: “Các con hãy làm việc này mà
nhớ đến Ta” ( Lc 22, 19). Qua đây Chúa Giêsu truyền lệnh cho Hội Thánh cử
hành bí tích Thánh Thể mà tưởng nhớ đến Chúa.
6. Giáo Hội cử hành bí tích
Thánh Thể khi nào?
- Chính
khi cử hành thánh lễ là Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể.
7. Khi nào bánh rượu trở nên
Mình Máu Chúa?
- Trong
thánh lễ, khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu lúc ấy bánh
rượu liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.
8. Chúa Giêsu yêu thương
muốn ở với chúng con. Vậy các con có muốn rước Chúa vào lòng để ở cùng chúng
con không?
-
Muốn.
9. Muốn rước Chúa vào lòng
thì phải có những điều kiện gì?
- Sạch
tội trọng, có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước khi rước Chúa.
10. Rước Chúa thì được những
ơn ích gì các con?
- Được kết hợp
mật thiếu với Chúa Giêsu và với nhau.
Xóa
bỏ các tôi nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa.
Có
sức chống trả chước cám dỗ.
Bảo
đảm cho ta được sống đời đời.
Các con thân mến, Chúa Giêsu
yêu thương chúng ta đến hy sinh thân mình để trở nên Mình Máu Thánh nuôi sống
chúng ta. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết đáp lại tình yêu Chúa bằng việc
chăm học giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ và luôn giữ tâm hồn trong sạch để
dọn mình rước Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng.
Thứ
Hai: Mc 12, 1-12.
Khi rao giảng Tin mừng,
Chúa Giêsu thích dùng những hình ảnh gần gũi nhưng sâu sắc, đơn sơ nhưng thực
tế nhằm diễn tả mầu nhiệm nước trời và khơi lên những thực trạng của đời sống
con người. Dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay là một
ví dụ. Để nêu lên quá khứ đáng chê trách của dân Do Thái thời cựu ước, nhất là
sự tắc trách của các kỳ mục, kinh sư và biệt phái thời bấy giờ, Chúa Giêsu đã
dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân.
- Hình ảnh ông chủ vườn nho
chính là Thiên Chúa.
- Vườn nho được xem là dân
Israel; sau này là GH; cũng có thể hiểu đó là những ân huệ về vật chất và tinh
thần nơi mỗi chúng ta.
- Bồn nho, tháp canh và rào
dậu… tất cả là những giáo huấn, lề luật và ân huệ của Chúa ban.
- Tá điền chính là những
giới chức đạo-đời.
- Những đầy tớ chính là các
ngôn sứ, hay những người đại diện nói Lời Chúa.
- Người con của ông chủ
chính là Đức Giêsu.
Tất cả những hình ảnh mà
Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn trên đây nhằm phản ánh sự đối lập giữa một vị
Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và sự bất trung của con người.
- Vì
yêu thương TC tin tưởng trao ban: hình ảnh tận tụy của ông
chủ vườn nho như: trồng nho, đào bồn ép, xây tháp canh, rào dậu chung quanh…
rồi tin tưởng giao cho tá điền chăm sóc mà trẩy đi xa; cho thấy Thiên Chúa luôn
tin tưởng chúng ta là những tá điền của Chúa. Người không đứng cạnh bên ta dòm
ngó như viên cảnh sát, nhưng để ta tự do sáng kiến làm việc. Thiên Chúa đã tạo
dựng vũ trụ vạn vật và trao cho chúng ta “giữ và canh tác vườn” như
đã từng trao cho Adam và Eva xưa, nên ta phải yêu mến đáp lại sự tin tưởng của
Chúa dành cho chúng ta bằng cách tích cực chu toàn tốt nhất nhiệm vụ Chúa
trao. Dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người như là
vườn nho được Người yêu thương. Ngừơi đã tin tưởng trao phó dân Israel cho các
giới chức tôn giáo chăm sóc hướng dẫn, nhưng họ đã lười biếng và tắc trách nên
đã làm hư hoại dân Người.
- Vì
yêu thương TC kiên trì nhắc nhở: như người chủ khi thấy sự
lười biếng của tá điền liền sai những người đầy tớ của ngài đến nhắc nhở họ.
Thiên Chúa không chỉ sai 1 tiên tri mà nhiều tiên tri; không chỉ sai một lần mà
nhiều lần các ngôn sứ đến để nhắc nhở dân Do Thái về sự bất trung của họ. Nhưng
họ vẫn bưng tai bịt mắt làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa. Thiên Chúa cũng nín
chịu hết mọi tội lỗi của con người chúng ta và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn
năn đổi mới. Dân chúng và các giới chức lãnh đạo đời Do Thái tượng trưng cho
những tá điền. Nhiều lần Chúa gửi các ngôn sứ đến nhắc nhở sai lầm và kêu gọi
họ sống theo đường lối Chúa, nhưng họ không nghe mà còn ra tay sát hại các ngôn
sứ của Chúa.
- Vì
yêu thương TC hy sinh Người Con yêu quý: Các tá
điền không chỉ ngược đãi đánh đập những đầy tớ của chủ sai đến, mà còn nhẫn tâm
bắt trói và quăng xác Con Ông Chủ ra khỏi vườn nho, rồi giết đi. Đó là
lời tiên tri mà Chúa Giêsu báo trước về cái chết của Người ngoài thành
Giêrusalem, do lòng hận thù của dân chúng và những giới chức tôn giáo Do Thái.
- Vì
yêu thương TC phán xử công thẳng: Cuối cùng thì ông chủ
cũng lấy lại vườn nho và trao lại cho người khác canh tác. Tương tự như thế,
Thiên Chúa phán xét thật công thẳng vì “ác giả thì ác báo”. Thiên
Chúa sẽ lấy khỏi tay những ai chểnh mảng tự hào về tài năng Chúa ban cho mình
mà không lo chu toàn tốt bổn phận Chúa trao để trao lại cho những ai biết tích
cực làm việc cho Chúa. Chúng ta cũng sẽ phải trả lời về những hành vi của
mình trước mặt Thiên Chúa về cách chúng ta thi hành những bổn phận mà Chúa
trao ban.
Xin Chúa cho chúng ta có
được con mắt tinh tường để nhận ra những ơn huệ Chúa ban; đôi tai sâu lắng để nghe
được Lời dạy của Chúa cùng trái tim nhạy bén để cảm nhận được tình yêu tận hiến
đến cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Xin đừng để chúng ta trở nên kẻ vô ơn bạc nghĩa như những tá điền bất trung,
nhưng trở nên những tá điền trung thành và khôn ngoan để thi hành tốt bổn phận
Chúa trao ban, nhằm sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho vườn nho của Chúa là
bản thân, gia đình và GH.
Thứ Ba:
Mc 12, 13 -17.
Sau nhiều lần gài bẫy Chúa
Giêsu không thành, lần này những người Pharisêu sẵn sàng phối hợp với nhóm
người Hêrôđê tạo thành sức mạnh gọng kìm nhằm tấn công triệt hạ cho bằng được
Chúa Giêsu. Tuy rằng thực tế hai nhóm này không cùng chung một lý tưởng và quan
niệm sống:
- Phe Pharisêu: Chủ trương
chống lại mọi thế lực ngoại bang, cũng như phản đối việc nộp thuế cho đế quốc
Rôma.
- Phe Hêrôđê: thì chủ
trương thỏa hiệp với Rôma để được an phận. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng cộng
tác làm việc cho đế quốc Rôma nhằm bóc lột dân tộc mình.
Nhưng vì hôm nay họ có cùng
một đối tượng nhắm đến để tiêu diệt là Chúa Giêsu nên họ sẵn sàng kết thân với
nhau.
Trước đây, những người
Pharisêu cũng đã không ít lần giăng bẫy để cho Chúa Giêsu vướn vào khung hình
phạt cao nhất của luật Do Thái giáo là tử hình, nhưng Người đã khôn khéo vượt
thoát. Hôm nay, với quyết tâm cao nhất là không để Chúa Giêsu vượt thoát lưới
giăng như những lần trước, nên họ liên minh với phe Hêrôđê nhằm đẩy Chúa Giêsu
vướn khung hình phạt cao nhất của luật dân sự là phản động, chống lại đế quốc
Rôma. Như thế phe Hêrôđê sẽ tóm lấy và lên án tử cho Người.
Nhưng để gài bẫy được Chúa
Giêsu không phải dễ dàng, Nên trước khi đặt bẫy họ bày ra miếng mồi thơm ngon
bằng những lời khen tặng dành cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai…”
nhằm cho thấy thiện chí và chân thành của họ. Nhưng liền ngay đó, bất ngờ họ
đưa ra câu hỏi chết người: “có nên nộp
thuế cho Xêda không?”. Trả lời
“không” cũng chết mà trả lời “phải” cũng chết. Nếu Chúa trả lời “Phải!” họ sẽ
xui giục dân chúng chống Chúa vì toa rập với thế lực nước ngoài. Nếu Chúa trả
lời “Không” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Rôma vì xui giục dân phản chính quyền. Nhưng
vì quá hiểu về lòng dạ thâm hiểm của họ, Đức Giêsu nói với họ: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng
bạc cho tôi xem!". Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai
đây?" Họ đáp: "Của Xê-da."
Đức Giêsu bảo họ: "Của Xê-da.",
trả về Xê-da."; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Câu trả lời thật
tuyệt vời làm họ hết sức ngạc nhiên về Người. Như vậy “lưới
giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn” (Tv
124, 7).
Qua câu trả lời khôn ngoan
ấy, ngoài việc Chúa Giêsu đã vượt thoát khỏi án tử họ giăng, Người còn minh
định cho họ hiểu về hai vấn đề quan trọng:
- Thứ nhất: Tôn
giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc
bắt tôn giáo làm nô lệ cho chính trị. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị,
đánh mất bản chất của mình.
- Thứ hai: Mỗi
người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho Xê-da”
những gì của Xê-da. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì
thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên
đồng tiền là hình của hoàng đế Xê-da, vì thế phải trả lại cho ông ta. Nhưng
linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải
được trả về cho Thiên Chúa.
Xin cho chúng ta biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không
khôn ngoan hơn Thiên Chúa nên hãy ngoan ngoãn vâng lời và làm theo những gì Ngài truyền dạy.
Điều quan trọng là lo chu toàn tốt bổn
phận tôn thờ Thiên Chúa; đồng thời cũng không quên bổn phận đóng góp công sức
tiền của để xây dựng GH và xã hội trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên
người công dân tốt và người Kitô hữu trưởng thành.
Thứ Tư: Mc
12, 18-27.
Đa
phần con người tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau. Nhưng cũng phần lớn cho
rằng sự sống đời sau cũng giống như sự sống đời này. Còn quan niệm người Kitô
hữu chúng ta thế nào về vấn đề này? Đó là điều mà Chúa Giêsu nói đến trong bài
Tin mừng hôm nay. Chúng ta lắng nghe lời Chúa dạy để có quan niệm đúng đắn hơn
trong vấn đề này.
Thời Chúa Giêsu có khá
nhiều nhóm: Pharisêu, Biệt phái, Hêrôđê và Saduceo. Mỗi nhóm theo đuổi 1 lý
tưởng khác nhau, và cũng có những quan niệm khác biệt. Nhóm Saducêo mà Tin mừng
hôm nay nhắc đến không tin vào sự sống lại giống như những người theo duy vật
chủ nghĩa thời nay. Do đó họ tìm mọi cách để đối chất với Chúa Giêsu nhằm
hạ nhục và loại trừ quan niệm vào sự sống lại mà Chúa Giêsu rao giảng. Họ đặt
ra 1 câu chuyện lố bịch về 1 gia đình có 7 người anh em. Theo luật Môisen thì
nếu người anh lớn cưới vợ mà chẳng may chết đi không con, thì người em phải
cưới lấy người vợ góa đó, để sinh con nối dõi tông đường. Vậy có cả thảy 7
người anh em cùng cưới 1 bà vợ. Nhưng lần lượt cả thảy 7 người anh em đó đều
chết đi và không con. Cuối cùng người vợ góa đó cũng chết. Vậy nếu có sự sống
lại thì ai sẽ là người chồng của chị ta?
Tình thế họ đặt ra xem ra
rất hóc búa, nhưng Chúa Giêsu đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh đoạn nói về
Môisen diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai cháy sáng, để minh chứng cho
biết: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ
sống”. Bởi lẽ Người là “Thiên Chúa hằng hữu”. Thứ hai sự
sống mai sau là sự sống vĩnh cửu nên không còn phải lấy vợ cưới chồng để duy
trì giống nòi nữa. Thứ ba tình trạng sự sống mai sau không giống như sự sống
trần gian mà như các Thiên Thần. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu đã làm
cho họ phải câm miệng không còn vênh váo, khoát lát nữa.
Trong cuộc sống trần gian
này mỗi người có cái nhìn khác nhau nên đưa đến những quan niệm niềm tin khác
nhau. Do đó cần tránh thái độ kiêu căng xem thường quan niệm niềm tin của người
khác; trái lại phải tìm cách dung hòa trong tinh thần tôn trọng những khác
biệt. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin tưởng vào Lời Chúa dạy và GH hướng
dẫn nên phải xác tín vững chắc vào sự sống lại và sự thưởng phạt đời sau.
Xin cho
chúng ta luôn biết gắn kết với Chúa trong lời cầu nguyện, siêng năng tham dự
thánh lễ và kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nhất là khiêm tốn lắng
nghe và thực thi lời Chúa trong việc trung thành sống giới luật yêu thương mà
Chúa chỉ dạy. Nhờ đó ta mới có thể hưởng được tình trạng hạnh phúc viên mãn như
các Thiên Thần mai này.
Thứ
Năm: Mc 12, 28b-34.
Cốt
lõi của đạo Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của
người kitô hữu. Bác ái là dấu chứng để nhận ra môn đệ của Chúa Kitô, cũng là
ngôn ngữ cao trọng của loài người và các Thiên Thần; Và là ngôn ngữ độc nhất
tồn tại trên thiên đàng. Xin cho chúng
ta biết giá trị cao quý của Bác ái và nỗ lực thi hành đức ái trong đời sống để
xứng danh là môn đệ Chúa.
Sống trong xã hội Do Thái
thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, làm cho con người không còn
phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Vì thế, một người trong nhóm Luật sĩ tới
hỏi Chúa Giêsu xem điều răn nào là quan trọng nhất?
Thời bấy giờ lại có nhiều
phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ. Có lẽ, nhân cơ hội này họ cũng
muốn biết Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Bằng cách thăm dò đó, họ cũng muốn
thử xem trình độ hiểu biết về Thánh Kinh và Luật Lệ của Chúa Giêsu ở mức độ
nào? Chúa Giêsu trích dẫn hai câu Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một
trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó
là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó
là: “Ngươi phải yêu thương người tha nhân
như chính mình ngươi”.
1. Yêu
mến Chúa:
- Yêu mến Chúa hết
lòng: Nghĩa là ta phải yêu Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng.
Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ
thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy
sinh vẫn chấp nhận.
- Yêu mến Chúa hết linh
hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng
linh hồn Chúa ban: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu
mù quáng.
2. Yêu
thương người:
- Tha nhân là ai ?
Trong Cựu ước chỉ có nghĩa
là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha
nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt
tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù…
- Như chính mình là sao?
Không có nghĩa là ngươi
phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối
xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc
đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng
tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm
khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
* Mến
Chúa và yêu người, đó là hai mặt của một tình yêu. Giống như đồng tiền hai mặt,
bỏ một mặt cũng đồng nghĩa là bỏ cả hai.
Xin
Chúa cho chúng ta biết sống trọn vẹn điều luật Chúa dạy bằng cách đặt Chúa vào
vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời của ta và luôn biết đối xử với tha nhân
bằng tình yêu chân thành như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực hiện được
như thế chúng ta mới xứng danh là môn đệ của Chúa Giêsu và xứng đáng đón nhận
phần thưởng nước trời.
Thứ
sáu
KÍNH
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
(Hs 11,1.3-4.8c-9; Ga 19,31-37)
Ông bà anh
chị em thân mến, cùng với GH, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tôn
kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện xin thánh Tâm Chúa uốn lòng chúng ta nên
giống trái tim Chúa, để chúng ta biết thể hiện TY Chúa trong đời sống gia đình,
cũng như ngoài xã hội, nhằm góp phần xoa dịu phần nào vết thương trong
trái tim Chúa.
Năm 1597,
lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao, Chỉ trong một tuần lễ,
mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo
sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố
tàn tạ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục
trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng,
giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một
mẫu ảnh thật kỳ cục: Người gì mà để trái tim ra ngoài
!
Tsukamoto
là một nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm
mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông
nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn
có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên
bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi
bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một
giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay
cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : "Đối ngoại hữu kỳ tâm
- Đối nội vô tâm giả"
Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một
cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:“Thế
nào,bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao ?”
- “Đứng về
mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa
và nhân đạo thì tôi rầt thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên
chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.”
Để ông bạn
coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì "Hữu
Tâm", còn với bản thân mình thì "Vô Tâm". Cho nên
họ mới vẽ trái tim để ra ngoài... Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà
phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao
giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời,
giúp người.
Nội bức
ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân
Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật
của Thần Đạo Nhật Bản vậy.
Một tôn
giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không
màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy. Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công
Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở
nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận
động triều đình thả hai linh mục...(Trích "Phúc").
Đúng như
lời giải thích của Tsukamoto. Thiên Chúa đã yêu thương con
người cách vô vị lợi.
- Bài đọc
1 cho biết: Thiên
Chúa đã yêu thương và chọn gọi dân Do Thái làm dân riêng của Người, không phải vì họ quan
trọng hay vì công lao của họ, nhưng hoàn toàn là do lòng tốt của Thiên Chúa. Tiên
tri Hôsê đã rất tinh tế khi dùng những hành động yêu thương của một người mẹ dành cho con
nhỏ mình để diễn tả về một vị TC rất gần gũi và giàu lòng yêu thương đối với
dân Người. Vì quá yêu thương nên ngoài việc TC chăm sóc dưỡng nuôi dân Người
cách kỹ lưỡng; TC còn dìu dắt, hướng dẫn cách ân cần, dịu dàng như một người mẹ.
Qủa tim TC cùng hòa nhịp với trái tim của dân Người, đến nỗi niềm vui của dân
Người là niềm vui của Người và đau khổ của dân Người là nỗi đau của Người: "Quả
tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
- Còn bài
Tin Mừng hôm nay thì cho biết, do quá yêu thương nhân loại lầm than đau khổ vì
tội lỗi, nên Thiên
Chúa đã sẵn sàng trao ban chính Người con duy nhất của Người là Đức Giêsu cho
thế gian“để ai tin vào người Con ấy thì được cứu độ”. Tình yêu ấy được
bày tỏ cách cụ thể qua dung mạo của Chúa Giêsu làm người. Nhất là qua cái chết
đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá với trái tim bị đâm thâu, nước và máu
trào tràn, nhằm khơi nguồn ân sủng các bí tích, hầu đem lại sự sống dồi dào cho
nhân loại.
Xin cho
chúng ta học được bài học tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu tận hiến hy
sinh, tình yêu của bao dung tha thứ và tình yêu trao ban và đổi mới, để ta cũng
biết sẵn sàng hy sinh tận hiến đời mình cho cuộc sống và mọi người mà không cần
toan tính, theo gương của Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
Thứ
Bảy
TRÁI
TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ
Lc 2,
41-51
Thông thường khi nói tới
"nhiễm" là người ta nghĩ ngay đến những thứ độc hại, làm ảnh hưởng
xấu đến cuộc sống con người.
Cuộc sống ngày hôm nay có
nhiều thứ gây ô nhiễm:
Ô nhiễm không khí, làm ảnh
hưởng đến đường hô hấp của con người.
Ô nhiễm nguồn nước và thức
ăn làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh
hưởng không tốt đến thính giác con người.
Ô nhiễm về hình ảnh xấu ành
hưởng đến thị giác con người.
Tuy nhiên, những ô nhiễm
bên ngoài ấy không độc hại bằng những ô nhiễm đến từ bên trong con người.
Chính những ô những bên trong làm cho trái tim con người trở nên bệnh tật và
chay cứng.
Ô nhiễm của chủ nghĩa
"mặc kê nô" làm cho trái tim con người trở nên xơ cứng dững dưng
trước những nỗi đau khổ của người khác.
Ô nhiễm của chủ nghĩa cá
nhân làm cho trái tim con người trở nên ích kỉ, chỉ tìm tư lợi cá nhân mà quên
đi của hy sinh phục vụ hạnh phúc cho tha nhân.
Ô nhiễm của lối sống thực
dụng làm lãng quên những giá trị luân lý, đạo đức thuần phong mỹ tục của nhân
loại.
Ô nhiễm của chủ nghĩa vô
thần làm cho lòng con người trở nên kêu căng, tự mãn, bất cần đến ơn thiêng của
Thiên Chúa.
Hôm nay chúng ta cùng với
GH kính nhớ lễ trái tim vô nhiễm của Đức Maria. GH nhắc nhỡ chúng ta hãy khiêm
tốn mở lòng để luồng gió của Thánh Linh thổi vào tâm hồn ta, hầu tâm hồn của ta
được thanh lọc khỏi những thứ độc hại, có nguy cơ hủy hoại đến tâm hồn tinh
tuyền đã được thanh tẩy trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Xin
cho chúng ta biết noi theo mẫu gương của Mẹ Maria, biết khiêm tốn để cho Lời
Chúa thanh lọc trái tim chúng ta nên trong sạch và sẵn sàng trao trọn con tim
của mình vào bàn tay đầy uy quyền của Thiên Chúa để Người điều khiển nhịp đập
con tim của chúng ta giống như khi xưa Mẹ đã để cho con tim của Mẹ rung lên
cùng nhịp đập yêu thương của Chúa dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần. Amen.
LỄ
KÍNH TRÁI TIM VẸN SẠCH ĐỨC MARIA
Hôm
nay Giáo Hội mừng kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria. Lễ này được Giáo
Hội mừng kính ngay sau lễ tôn kính Thánh tâm Chúa Giêsu. Điều đó giúp chúng ta
hiểu được ý nghĩa ngày lễ của Mẹ Maria hôm nay.
Thật vậy, nếu như Thánh tâm Chúa Giêsu là
dấu chỉ tình thương vô hạn mà Thiên Chúa dành cho con người, thì Trái tim vẹn sạch
Đức Trinh nữ Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu, nhưng là tình yêu của
Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Đức Giêsu Kitô, con yêu dấu của Mẹ. Tuy nhiên,
một cách đặc biệt, khi tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội
cũng tôn kính tình yêu hiền mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.
Thế nhưng, tình thương của Mẹ Maria đối với con người không
ngừng bị xúc phạm. Hình ảnh trái tim của Mẹ bị lưỡi gươm đâm thấu mà cụ già
Simêon đã cho thấy điều đó. Và trong sứ điệp Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng
ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế gian gây nên biết bao thương
tích. Bởi đó, một trong ba mệnh lệnh Fatima là “Hãy đền tạ trái tim vô nhiễm
nguyên tội của Mẹ Maria”.
Cũng như tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không thể
hiểu thấu được tình yêu của Mẹ Maria đối với chúng ta. Thật thế, khi trao ban
thánh Gioan cho Mẹ Maria, Đức Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ
Maria. Bởi đó, dù thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh
hay đần độn, khoẻ mạnh hay bệnh tật, mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria đón
nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ Maria dành
cho tất cả tâm tình và tình thương mà Mẹ đã dành cho Đức Giêsu. Mỗi người chúng
ta đều được Mẹ Ma-ri-a dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim Mẹ.
Là con cái của Mẹ Maria, chúng ta hãy siêng năng chạy đến với
Mẹ để được Mẹ ủi an nâng đỡ và nhất là chúng ta hãy thi hành những lời căn dặn
của Mẹ:
§Là cải thiện đời sống,
§Siêng năng lần hạt mân côi,
§Tôn sùng Trái tim Mẹ – Amen.
Lm HKT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét