Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019



Những bài suy niệm Chúa nhật Lễ Lá dưới đây là của nhiều tác giả. Xin đăng lại với hy vọng mang đến ích lợi thiêng liêng cho nhiều người.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Suy niệm 1:
Chúng ta vừa nghe thánh sử tường thuật lại cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô. Bài tường thuật này khá dài nhưng rất quen thuộc với mỗi người chúng ta. Mỗi năm khi nghe lại bài thương khó có lẽ mỗi người trong chúng ta có những cảm nhận khác nhau. Riêng tôi khi nghe lại bài thương khó năm nay, tôi cảm nhận và bị đánh đọng bởi hai điều:
1.  TC đã quá yêu thương nhân loại chúng ta.
Vì quá yêu thương nên TC đã trao ban chính người Con một của Ngài để cứu chuộc chúng ta. Và Người con ấy cũng đã chấp nhận vâng phục theo thánh ý của Chúa Cha xuống thế làm người, chấp nhận chịu khổ hình và sẵn sàng đón lấy cái chết đau đớn trên thập tự giá để cứu độ chúng ta. Đúng như hình ảnh của người tôi tớ mà tiên tri Isaia đã nói đến trong bài đọc I.
Ông bà và anh chị em thân mến, có lẽ TC không cần phải đau khổ và chấp nhận cái chết đau đớn và sỉ nhục trên thập giá để cứu chúng ta nhưng vì muốn soi chiếu cho chúng ta về một tấm gương của hy sinh phục vụ và đau khổ để qua đó chúng ta nhận ra được tình yêu trọn hảo nhất mà TC dành cho nhân loại chúng ta. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên thập tự giá không những cứu chuộc chúng ta mà còn đổi mới chúng ta theo mẫu gương của Người.
Những người cha người mẹ, những người chồng người vợ…nếu muốn cứu con cái mình hay người thân của mình thì có nhiều cách. Ví dụ: chúng ta bỏ tiền ra để cứu con cái chúng ta ra khỏi tù. Nhưng quan trọng là khi cứu ra khỏi tù rồi, nó có trở nên tốt hay không? TC muốn cứu chúng ta, muốn tha tội chúng ta nhưng trên hết là muốn chúng ta nên giống TC, đó mới chính là đích điểm mà TC hướng đến nơi mỗi người chúng ta. Muốn được như vậy cho nên không còn cách cứu độ nào tốt hơn cho bằng Người chọn lấy con đường thập giá đau khổ bậc nhất hầu nói lên cho chúng ta hiểu được tình yêu vĩ đại mà Chúa dành cho chúng ta.
Cũng vậy những người cha người mẹ, những người có trách nhiệm giáo dục hướng dẫn người khác nếu muốn cứu ai đó mình có trách nhiệm, thì có nhiều cách, nhưng cách nào giúp cho người thân chúng ta một khi đã được giải cứu thì làm sao họ cảm nhận được tình yêu lớn lao mà ta đã dành cho họ, nhờ đó mà họ mới cố gắng sống tốt hơn để xứng đáng với tình yêu hy sinh mà ta dành cho họ.
Ước gì qua bài thương khó hôm nay, chúng ta học được bài học của hy sinh tận hiến cho tha nhân, hầu góp phần biến đổi sự yếu hèn của chính mình của người thân chúng ta. Tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta một Đấng đã luôn luôn giúp chúng ta cứu giúp người khác, đó là Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài đã có kinh nghiệm vì đã trãi qua muôn vàn thử thách, hy sinh và đau khổ tột cùng, cho nên những ai muốn cứu mình và giúp người khác thì hãy cầu xin Chúa để Chúa ban ơn giúp sức biến đổi sự hư hèn của ta và những ai chúng ta muốn cứu giúp.
2. Phải đặt trọn niềm tin vào tình yêu của Chúa để can đảm trỗi dậy.
Bài thương khó chúng ta vừa nghe đọc có nhiều nhân vật đáng chúng ý. Nhưng chúng ta hãy tập chú vào hai nhân vật sau: đó là Phêrô và Giuda Iscariot. Cả hai ông đều phạm phải tội ác tày trời. Giuda bán Chúa, nộp Chúa, tham tiền và Giuda thất vọng nên đã chọn cách chết thê thảm là tự tử. Còn Phêrô cũng không kém, ông đã chối Chúa, chối đến những 3 lần. Nhưng có một điểm khác lớn lao quyết định số phận vĩnh cửu của hai người. Đó là Phêrô đã ăn năn thống hối, đã trở lại với Chúa và đã trỗi dậy trở nên một vị thánh lớn trong GH. Còn Giuđa đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Chúa nên đã đi vào con đường tăm tối và đau khổ.
Hình ảnh Giuđa và Phêrô là đại diện cho tất cả chúng ta. Là con người ai trong chúng ta cũng đều có tội “nhân vô thập toàn”.  Xin cho chúng ta ý thức rằng: khi có tội có lỗi, khi yếu đuối, khi không nghe và sống theo lời Chúa hãy chọn giống Phêrô và đừng bao giờ chọn đi theo con đường và cách thức như Giuđa. Bởi lẽ dù cho tội nặng nề đến đâu đi nữa nếu không đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của TC thì ta vẫn được Thiên Chúa tha thứ.

Suy niệm 2:
Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, là ngày khởi đầu cuộc thương khó của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe tường thuật về sự thương khó khổ nạn của CG nhắm để mỗi người chúng ta cảm nhận, thông phần đau khổ và an ủi Ngài, nhất là trong Tuần Thánh này.
1. Cảm nhận tình thương của Chúa đối với mình.
Thiên Chúa đã yêu thương mỗi người chúng ta, đến nỗi đã ban Con Một của mình là ĐG chịu chết thay cho ta và cho toàn thể nhân loại, Ngài đã bị đánh đòn, chịu khổ hình nhục nhã và chịu đóng đinh đến chết trên thập giá vì tội lỗi của chúng ta, mà đáng lý ra, tất cả những nhục hình ấy ta và nhân loại phải chịu vì tội lỗi của mình, thế nhưng Ngài đã chịu vì yêu thương tất cả nhân loại, trong đó có bạn và tôi.
2. Thông phần đau khổ.
Không một người yêu nào dửng dưng trước đau khổ của người mình yêu. Thông phần đau khổ với ĐG không phải là xin kẻ thù đánh đập mình thay cho Ngài, cũng không phải cầu mong người khác đối xử bất công với mình thay cho Ngài, nhưng là chia sẻ những sự bất công với những người bị áp bức, có khi những bất công ấy là do sự tham lam của mình, cũng như của một số người có tiền có quyền đang chất chồng trên vai của tha nhân và cũng là của Đức Chúa Giê-su.
Thông phần đau khổ với ĐG là đón nhận những lằn roi đánh nơi ĐG làm của mình, là chấp nhận đem những khổ đau mà ĐG phải chịu làm của mình, có như thế chúng ta mới cùng với Ngài đi hết đoạn đường khổ giá.
3. An ủi Đức Chúa Giê-su.
Không một ai an ủi, không một ai xót thương Đấng đã cứu chữa và ban ơn cho mình, niềm an ủi lớn nhất của ĐG là tình yêu của Chúa Cha, là nhìn thấy được người mẹ thân yêu đang khập khểnh chen lấn vào trong đám đông để nhìn cho được con của mình...
An ủi Đức Chúa Giê-su trong giây phút kinh khủng và xem ra như tuyệt vọng này, giây phút mà hình như tội lỗi và sự dữ như đang thắng thế trước sự vô tội của Đấng chết thay cho kẻ tội lỗi... An ủi Đức Chúa Giê-su nơi những người bất hạnh cần an ủi, và đồng hành với Ngài trên những đoạn đường đau khổ chông gai của cuộc sống mình. 
ÔBACE. Quan tổng trấn Phi-la-tô muốn tha ĐG nhưng các thượng tế và biệt phái thì lại vung tay dữ tợn la hét xách động dân chúng đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Đã nhiều lần ta cũng muốn sống đẹp lòng Chúa, nhưng tội lỗi, sự dữ và những đam mê bất chính của mình đã thúc giục chúng ta đóng đinh Chúa vào thập giá thêm lần nữa...
Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi con cái mình trên khắp thế giới tham dự vào cuộc khổ nạn của Đấng vô tội với hết cả tâm tình mến yêu như Đức Mẹ Maria đã cảm thông, chia sẻ và an ủi ĐG nơi những người đau khổ và bất hạnh.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Suy niệm 3:
1. Ý nghĩa của Lễ Lá: Phụng vụ Lễ Lá gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa như sau.
- Một là “Giờ đã đến”: Lễ Lá tưởng niệm cuộc khải hòan của Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trước khi chịu khổ nạn, là dấu chỉ “giờ” đã đến: Đức Giêsu biết mình phải làm gì và đã chấp nhận đi con đường Chúa Cha đã định là “qua đau khổ thập giá để vào vinh quang phục sinh”, như hạt lúa mì rơi xuống đất có chết đi mới sinh nhiều bông hạt.
- Hai là tôn vinh Vua hòa bình. Ðây là lần đầu tiên Đức Giêsu để cho dân chúng tung hô Người: "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời". Người ngồi trên lừa khải hòan vào thành Giêrusalem. Cũng vì việc này mà sau đó Người đã bị xét xử và bị kết án tử hình thập giá. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng: Do thái, La tinh và Hy lạp như sau: "Giêsu Nadarét Vua dân Do Thái". khai mào một vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói với Philatô: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng tôi".
- Ba là suy niệm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu: Qua bài Thương Khó, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu hãy liên kết sự đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày với sự đau khổ của Đức Giêsu trên cây thập giá. Khi chấp nhận chịu đựng các điều trái ý gặp phải hằng ngày là chúng ta cùng chia sẻ gánh nặng của Đức Giêsu. Từ nay đau khổ và sự chết không làm cho con gười thất vọng, nhưng là đường dẫn đưa vào trong vinh quang phục sinh.
2) Chúng ta phải làm gì?:
- Kết hiệp với cuộc tử nạn của Đức Giêsu: Chấp nhận đi theo Đức Giêsu trên đường thánh giá là chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi nỗi đau khổ do bệnh tật cũng như các tai nạn và những điều trái ý gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, liên kết với sự đau khổ của Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn. Hãy năng cầu nguyện với Chúa Cha noi gương Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi". 
- Tỉnh thức và cầu nguyện luôn: Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ “Phải tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ! Vì tinh thần thì mau lẹ, nhưng xác thịt lại yếu hèn !” Tỉnh thức và cầu nguyện đồng nghĩa với bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính. Ánh sáng đó chính là Lời Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới “là con đường, là sự thật và là sự sống”. Bước đi trong ánh sáng của Người, vâng nghe Lời Người, chắc chắn chúng ta sẽ không bị lạc lối, sẽ chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma quỷ và sẽ đạt tới quê trời hạnh phúc muôn đời.
- Quyết tâm sống tình yêu thương cụ thể: bằng việc giúp đỡ một người đang gặp khó khăn hoặc người đang đau khổ tinh thần lấy lại niềm vui và hy vọng. Tập nhìn những người đau khổ bệnh tật không được chăm sóc như Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên cây thập gía, và nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa Giêsu, để sau này được Người ban thưởng hạnh phúc Nước Trời (x Mt 25,40).
Vì Chúa đã lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi dưỡng chúng con, xin cho những người nghèo luôn có cơm ăn áo mặc hằng ngày. Vì Chúa đã xao xuyến trong vườn cây Dầu, xin cho chúng con đủ sức đương đầu với những khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin cho chúng con biết can đảm bênh vực công lý. Vì Chúa đã bị xỉ nhục và nhạo báng, xin cho các người bé mọn được tôn trọng nhân phẩm. Vì Chúa đã chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những ai đang đau khổ trên giường bệnh, nhận được sự nâng đỡ ủi an. Vì Chúa đã bị lột áo và bị đóng đinh vào thập giá, xin cho sự hiền hòa nhân ái luôn chiến thắng bạo lực hung tàn. Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin cho các đôi vợ chồng đang xa lìa được nối lại tình yêu ban đầu. Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui hân hoan, xin cho chúng con biết vui vẻ đón nhận mọi sự khó xảy đến và phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Chúa.

Suy niệm 4:
Các bài đọc CN lễ lá cho chúng ta chiêm ngắm những giây phút cuối đời của Đức Giêsu. Một thời điểm đầy những điều tương phản.
Cuối đời Đức Giêsu có hai cuộc rước.
Cuộc rước thứ nhất: con người tung hô và đưa Ngài vào chiếc ghế quyền lực và quyền lợi. Nhưng thấy điều đó không cần cho ơn cứu độ, cho nên dù được vỗ tay và ủng hộ, Ngài cũng không đi.
Cuộc rước thứ hai: đó là con đường khổ nạn đầy đau khổ và nước mắt nhưng Chúa thấy cần cho ơn cứu độ cho nên Ngài vẫn đi, dù phải chịu nhiều đau khổ.
Hình ảnh cuối đời của Chúa là một con người nát tan trên thập giá với trái tim bị đâm thâu. Khi nhìn và suy gẫm bài đọc này, chúng ta thấy nhân tình thế thái của con người tráo trở và đổi thay. Tung hô đó rồi sỉ nhục đó. Nay có lợi cho tôi thì tôi tung hô, mai hết lợi thì quay lưng phản đối.
Ở đàng kia chúng ta lại thấy một tình yêu không thay đổi của một vị TC yêu thương con người dù tội lỗi con người có tồi tệ đến bao nhiêu cũng mặc lòng.
Trên thánh giá Đức Giêsu cho cuộc đời một đời sống thật đẹp. Thập giá thuần túy là đau khổ nhưng khi gặp tình yêu thì trở thành thánh giá, tức có ơn cứu chuộc.
Biểu tượng trái tim bị đâm thâu. Trái tim bao giờ cũng có hai biểu tượng đẹp đó là sự sống và là tình yêu. Nhưng không phải bất cứ trái tim nào cũng làm đủ hai chức năng đó. Có những trái tim vẫn đập tức còn sống nhưng chẳng có tình yêu cho nên dù đập nhưng vẫn coi như đã chết. Trái tim của Chúa Giêsu trên thập giá không đập được nhưng trao cho đời rất nhiều tình yêu cho nên dù đã chết về mặt thể lý nhưng vẫn sống mãi trong lương tri nhân loại.
Ước gì bài học của CN lễ lá khiến cho những người Kitô hữu con cái Chúa hiểu thấu và sống được bài học tình yêu Chúa ban cho nhân loại. thời nào cũng vậy con người sống trong một thế giới bất toàn và hổn độn và thái độ lựa chọn có lẽ khác nhau. Có những cuộc đời chẳng đóng góp được gì cũng chẳng hại chi. Có những người đi vào cuộc đời chẳng đóng góp được gì nhưng lấy đi rất nhiều nhân đức và để lại tràn ngập nước mắt cho người khác và thế hệ tương lai. Cuộc đời của Đức Chúa đến không đòi một ưu đãi nào nhưng Ngài cho cuộc đời rất nhiều và thật nhiều tình yêu.
Ước gì cuộc đời của người tín hữu khi chiêm ngắm bài học của Chúa trong CN lễ lá này cũng cộng tác với Chúa để gieo tình yêu dù cuộc đời có sóng gió và bất lợi biết bao nhiêu. Amen

Suy niệm 5:
 “VỤ ÁN GIÊSU”
Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không phải là một biến cố ngẫu nhiên xảy ra. Nhưng là điểm tới và tột đỉnh của một quá trình đối kháng giữa Chúa Giêsu với những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo, xã hội thời đó. Đây là sự kiện lịch sử được các Tin Mừng tường thuật. Theo đó, Chúa Giêsu bị kết án tử hình vì những lý do sau đây:
1. Vi phạm lề luật Môsê
Đối với người Do Thái, lề luật nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống của họ. Lề luật là do Thiên Chúa ban. Vì thế, lề luật có một vị trí thượng tôn, phải được tuân giữ một cách cẩn thận và đầy đủ. Chúa Giêsu bị nhóm Pharisêu và các kinh sư kết án vì tội đã vi phạm luật Môsê khi các môn đệ Người dùng bữa mà không rửa tay và khi Chúa Giêsu trừ quỷ trong ngày Sabát (x. Mc 3,1-6 và 7,1-7). 
Thực ra, Chúa Giêsu không chống lại Luật Môsê. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). 
Tuy nhiên, Chúa Giêsu bị vu cáo vì đã vi phạm luật Môsê, bởi vì Người đã chỉ trích các luật sỹ và các kinh sư về cung cách giữ luật của họ quá câu nệ và vụ hình thức. Họ quá chăm chú tuân giữ những điều luật do truyền thống đặt ra mà lãng quên điều chính yếu và ý nghĩa của lề luật. Đến nỗi những truyền thống này đi ngược lại với điều răn của Thiên Chúa (x. Mc 7,1-23). Đây là sự đối kháng thứ nhất mà Chúa Giêsu phải đối diện.
2. Xúc phạm đến Đền Thờ
Đền Thờ là trung tâm đời sống tôn giáo của người Do Thái. Vì thế, ai xúc phạm đến Đền Thờ thì bị kết án tử hình. Chúa Giêsu cũng dành cho Đền Thờ Giêrusalem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Người đã được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa (x. Lc 2,22-31). Hằng năm Người đã đến hành hương lên Đền Thờ khi sống tại Nadarét (x. Lc 2,31). Sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu cũng gắn liền với những lần hành hương về Đền Thánh. 
Vì thế, trong dịp lễ Vượt Qua vào năm 27, Chúa Giêsu lên Giêrusalem mừng lễ. Người cảm thấy khó chịu khi thấy người ta buôn bán chiên bò, bồ câu và đổi tiền trong Đền Thờ. Người đã lấy dây làm roi xua đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ (Ga 2,16). Khi người Do Thái hỏi Người lấy quyền nào để làm như thế, Chúa Giêsu đã trả lời: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,21-22). Qua câu nói này, Chúa Giêsu muốn báo trước về cuộc thương khó của Người. Đền Thờ ở đây ám chỉ thân thể Người.
Chúa Giêsu đã loan báo sự tàn phá ngôi Đền Thờ tráng lệ này, sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào (x. Mt 24,1-2). Những lời tiên tri của Người bị bóp méo bởi những chứng gian, khi Người bị các Thượng Tế chất vấn. Dựa vào đó, người ta cáo buộc Người vì tội đã xúc phạm Đền Thờ (Mt 26,61).
3. Tội phạm thượng
Đức Giêsu bị vu cáo vì tội phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa (Ga 10,33) và tự cho mình có quyền tha tội (Mc 2,7). Đức Giêsu mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong đó, tương quan giữa Người với Thiên Chúa là tương quan Cha và Con. Thiên Chúa là Cha của Người và Người là Con Thiên Chúa. Chính sự mới mẻ này trở thành sự đối kháng về niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất của người Do Thái. Đối với họ, Thiên Chúa là Đấng độc nhất; không người nào ngang hàng với Thiên Chúa; chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Mặc dù chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa đã làm, nhưng giới lãnh đạo Do Thái vẫn không tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Ga 12,37). Do đó, trước phiên tòa Thượng Hội Đồng, họ đã đồng thanh kết án Chúa Giêsu đáng chết vì tội phạm thượng (Mt 26,63-66). 
4.  Lý do chính trị
Công Nghị Do Thái họp và tuyên bố Chúa Giêsu “đáng phải chết” (Mt 26,66) vì những lý do nói trên. Nhưng thời đó, nước Do Thái đang bị thống trị bởi đế quốc La Mã, họ không có quyền xử án chết một người, thế nên, họ nộp Chúa Giêsu cho Philatô và đưa ông vào cuộc. Khi xét hỏi, Philatô không thấy Chúa Giêsu có tội nào đáng phải chết. Ông tìm cách tha cho Chúa Giêsu. Nhưng dân Do Thái tìm cách lèo lái vụ án tôn giáo sang vụ án chính trị và nhấn mạnh đến chiều kích này để Philatô có cơ sở pháp lý kết án tử hình Chúa Giêsu (x. Lc 23,2). Họ cáo buộc rằng Chúa Giêsu tự xưng mình là vua và ngăn cản dân nộp thuế cho người La Mã. Ai xưng mình là vua thì cũng có nghĩa là người nổi dậy lật đổ đế quốc La Mã và như thế sẽ ảnh hưởng đến nền hòa bình của đế quốc này.
Kết luận
Như thế, từ những đối kháng mang tính tôn giáo, những người Do Thái đã khoác cho vụ án của Chúa Giêsu một màu sắc chính trị. Cũng nên nhớ rằng: thời bấy giờ tôn giáo và chính trị không bao giờ tách rời nhau. Một thứ chính trị “đơn thuần” cũng như tôn giáo “đơn thuần” không thể tồn tại đối với người Do Thái. Vì thế, các lý do tôn giáo là bệ phóng cho lý do chính trị trong việc tố cáo Chúa Giêsu. 
“Vụ án Giêsu” là kết quả của một quá trình hận thù, ghen ghét và gian dối của con người đương thời. Nơi đó, Đức Giêsu trở thành hiện thân của những ai bị ngược đãi, vu cáo và kết án một cách oan khiên trong lịch sử loài người hôm qua cũng như hôm nay. 
Vụ án này đã xảy ra hơn hai ngàn năm nhưng vẫn luôn được lịch sử nhắc đi nhắc lại để suy niệm, soi chiếu cho mọi vụ án oan khiên và sai lạc của loài người, nơi đó sự giả dối, lật lọng và độc ác phơi bày rõ mặt nhất. Vì thế, nó là đại diện cho mọi nỗi đau của của bất công loài người. Nhưng sự xấu xa đó vẫn còn tiếp tục trong lịch sử, trong xã hội và trong đời sống mỗi người. 
Bước vào Tuần Thánh, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để cố gắng khước từ những sự giả dối, lật lọng và độc ác có thể xuất hiện nơi lòng chúng ta. Đồng thời, khi suy ngắm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm Chúa yêu thương loài người thế nào khi chấp nhận cái chết oan khiên, để từ đó chúng ta biết yêu mến Chúa nhiều hơn và biết sống khoan dung với mọi người. Amen!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...