SUY NIỆM LỜI CHÚA SAU LỄ HIỂN
LINH
Lm Vĩnh Hòa
CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt
2,1-12
Cùng vời GH, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể lễ
Chúa Hiển Linh. Kỉ niệm biến cố Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ, đại
diện cho những người chưa có niềm tin vào Chúa, nhờ ánh sao lạ.
Chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của 3 nhà đạo sĩ là
dịp chúng ta cảm nhận được hành trình đức tin của chúng ta đã và đang tiến
bước. Đồng thời cũng nhắc nhở bản thân mỗi người chúng ta về nhiệm vụ giới
thiệu Chúa cho tha nhân. Xin cho mỗi kitô hữu chúng ta trở nên ánh sao sáng để
làm dấu chỉ đưa dẫn nhiều người tìm đến gặp gỡ Chúa.
Khi suy niệm lời Chúa dựa trên biến cố Chúa Giêsu tỏ
mình cho ba nhà đạo sĩ, ta nhận ra 3 điều quan trọng sau đây:
1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.
2. Hành trình đi tìm kiếm Chúa.
3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.
1. Những cách thức Thiên Chúa tỏ mình.
Giáo lý công giáo có hỏi và thưa như sau: làm thế nào
mà biết có ĐCT? Thưa: Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng
trong vũ trụ, liền biết có ĐCT.
Đúng vậy, khi nhìn vào vũ trụ vạn vật trong thiên
nhiên, ta liền nhận ra có một đấng uy quyền dựng nên. Mà người có niềm
tin công giáo chúng ta gọi là Thiên Chúa.
Đọc thánh kinh Cựu ước, chúng ta biết được Thiên Chúa
không chỉ tỏ mình qua công trình sáng tạo mà Thiên Chúa còn ban Lề Luật qua
Môsê; ký kết giao ước qua tổ phụ Ápraham, cũng như ban Lời và giáo huấn của
Người qua các tiên tri.
Đến thời Tân Ước, thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa mạc
khải mình qua Chúa Con, Ngôi Lời nhập thể và được sinh ra bởi Đức Maria. Người
là Thiên Chúa thật và là người thật. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện một
cách hữu hình và trực tiếp với nhân loại. Đúng như thánh Phaolô đã nói: “Thuở
xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt
1,1). Nên từ nay ai thấy Chúa Giêsu Kitô là nhìn thấy Chúa Cha. Ai tin vào
Chúa Giêsu thì sẽ được ơn cứu độ.
2. Hành trình đi tìm kiếm để gặp gỡ Chúa.
Hành trình tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Giêsu không dễ dàng
chút nào. Tin mừng hôm nay thuật lại: Nhờ thao thức tìm kiếm
nên ba nhà đạo sĩ đã khám phá ra vị Vua tối cao xuất hiện ở Phương Đông
qua “ngôi sao lạ”. Từ đó, Ba Vua đã không ngại dấn bước lên
đường tìm đến Bêlem để triều bái Người (Mt,2,7).
Hành trình Đức Tin của các ngài gặp rất nhiều khó khăn
và thử thách. Nhưng Ba Vua đã không nản chí sờn lòng. Dưới sự
hướng dẫn của ngôi sao chỉ đường, họ đã vượt qua tất cả để cuối cùng họ đã tìm
gặp Đấng Cứu Thế.
Khi gặp Chúa Hài Đồng, họ dâng lên Chúa vàng, nhũ
hương, mộc dược. Các Giáo Phụ giải thích rằng những tặng phẩm này mang nhiều ý
nghĩa: “Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là Vua, và
dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết” (thánh Phêrô Kim Ngôn).
Tuy nhiên, ngày nay ba tặng phẩm này được giải thích
theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên
Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên
để tôn vinh Chúa; mộc dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và sự từ bỏ ý
riêng để vâng theo ý Chúa.
3. Đời sống phải có sau khi gặp gỡ Chúa.
Một chi tiết đáng quan tâm được thánh Mátthêu ghi
lại: “sau khi đã gặp Đấng Cứu Thế, được mộng báo nên họ không trở lại
gặp vua Hêrôđê nữa, nhưng đã đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12).
Chi tiết này mang ý nghĩa biểu tượng. Nghĩa là sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, họ
đã thay đổi hướng đi, thay đổi suy nghĩ, từ bỏ con đường cũ, và đi vào con
đường mới; họ có tầm nhìn mới, suy nghĩ mới và cuộc sống mới. Những ai gặp Chúa
đều có sự biến đổi tận căn như thế.
Cũng như Ba Vua, sau khi gặp Chúa, họ thay đổi đời
sống, chúng ta cũng được mời gọi thay đổi lối sống cũ, mặc lấy con người mới và
sống theo hệ giá trị Tin Mừng.
Ngày hôm nay, nhiều người vẫn còn đang sống trong bóng
tối lầm lạc, chưa nhận biết và tôn thờ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúng ta được
mời gọi trở thành những “ánh sao dẫn đường” đưa họ đến với Chúa như Lời Chúa
dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14); “Giữa
một thế hệ sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl
2,15).
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình ra cho Ba Vua nhận biết và
đến thờ lạy Chúa qua ánh sao lạ dẫn đường, xin cho chúng con luôn tin nhận và
tôn thờ Chúa là Đấng Cứu Độ của muôn dân. Đồng thời, xin biến đổi chúng con
thành những ánh sao dẫn đường cho người khác đến gặp và tôn thờ Chúa như Chúa
đáng được tôn thờ. Amen!
(Dựa trên ý tưởng của Lm. Phêrô
Nguyễn Văn Hương)
THẮP LÊN MỘT NGỌN NẾN
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Lời Chúa trong
sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay được vang lên như một thôi thúc, kêu gọi chúng ta
phải toả sáng: “Hãy đứng lên, bừng sáng
lên! … Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư dân…” (Is
60,1-6).
Hôm xưa, Thiên
Chúa đã nhờ ngôi sao lạ để soi đường dẫn lối cho các nhà chiêm tinh ngoại giáo
đến thờ lạy Chúa hài nhi tại Bê-lem, thì hôm nay, Ngài cũng cậy nhờ chúng ta
như những ánh sao Bê-lem mới để dẫn đưa muôn dân về với Chúa (Mát-thêu 2,
1-12). Chúa Giê-su dạy: “Chính anh em là
ánh sáng cho trần gian... Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em,
Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).
Và thánh Phao-lô
kêu gọi: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ…
anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philip 2,15).
Nếu chúng ta
không thể là “ánh sáng cho trần gian”
như lời Chúa Giê-su truyền dạy hoặc không thể là “ngôi sao trên vòm trời” như lời thánh Phao-lô mời gọi, thì ít nữa,
chúng ta cũng phải là một “ngọn nến” nhỏ trong gia đình, trong khu xóm của
chúng ta.
Cùng nhau thắp nến
Một ngọn nến nhỏ
không toả sáng nhiều, nhưng nhiều ngọn nến được đốt lên sẽ làm sáng tỏ cả một
không gian rộng lớn. Việc tốt của một người chưa có ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng
việc tốt của nhiều người sẽ mang lại ảnh hưởng lớn.
Trong đêm vọng phục sinh, sau nghi thức làm phép lửa
và nến phục sinh, đang khi cả nhà thờ chìm trong bóng tối… ánh nến phục sinh
trong tay linh mục chủ tế từ cuối nhà thờ từ từ tiến lên, tiến lên… Ánh lửa này
được thắp cho vài cây nến nhỏ của các em lễ sinh và các ngọn lửa từ tay lễ sinh
lại truyền qua cho những người kế cận... Thế rồi chỉ trong chốc lát, cả nhà thờ
bừng sáng trước hàng trăm ngọn nến lung linh.
Nếu chúng ta để cho ánh lửa của yêu thương và việc
tốt bừng cháy lên trong đời mình, và để cho lửa ấy tiếp tục lan sang những người
kế cận… thì hy vọng một ngày không xa, cả phố phường làng mạc sẽ bừng sáng.
Mỗi ngày làm một
việc tốt
Hằng ngày, các
phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình… đề cập
đến nhiều thứ “bóng tối” đang bao trùm xã hội. Đó là những tệ nạn lan tràn khắp
nơi.
Trước tình hình đó, người thì quy trách cho các
nhà giáo dục; người khác thì đổ lỗi cho thế lực này, cho tổ chức kia… Thế rồi
người ta đua nhau nguyền rủa “bóng tối” mà không chịu thắp lên một ngọn đèn.
Làm như thế thì “bóng tối” ngày càng lan rộng, càng dày đặc thêm.
Tại sao chúng ta
không thắp lên một “ngọn nến nhỏ” cho gia đình hay thôn xóm mình mà lại ngồi
khoanh tay nguyền rủa “bóng tối”? Mỗi người hãy cố gắng thắp lên nơi mình một
ngọn nến ngay từ hôm nay.
Mỗi ngày hãy thắp ngọn nến của mình lên bằng cách
làm một việc tốt, như mỉm cười chào hỏi người hàng xóm khó thương, ủi an người
gặp khó khăn gian khổ, thăm người già yếu bệnh tật... Nay một việc tốt, mai một
việc tốt, mỗi tháng có đến 30 việc tốt, mỗi năm có 365 việc tốt thì thật tuyệt
vời!
Nếu chúng ta nhẫn
nại thắp nến hằng ngày như thế, chắc chắn, bóng tối sẽ bị đẩy lùi, ánh sáng sẽ
toả lan, gia đình và làng xóm sẽ an vui hạnh phúc.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp mỗi người
chúng con quyết tâm làm một việc tốt mỗi ngày. Đó là bổn phận của người tín hữu
vốn là ánh sáng trần gian. Đó là lễ vật cao đẹp mà Chúa ưa thích và chờ đợi nơi
chúng con mỗi ngày. Đó cũng là ánh nến nhỏ mà chúng con cần phải thắp lên để đẩy
lùi bóng tối đang bao phủ phố phường, thôn xóm chúng con. Amen.
HIỂN LINH HÀNH
TRÌNH SỐNG ĐẠO
Lm. Nguyễn Xuân Trường
Phúc Âm lễ Chúa Hiển Linh kể chuyện
ba vua hiệp hành tìm kiếm và thờ lạy Chúa Hài Đồng. Đó cũng là hành trình sống
đạo của mỗi chúng ta qua 3 điều: Mắt nhìn, chân bước, và lòng dâng.
1. Mắt
Nhìn. Xã hội ngày nay đề cao tầm nhìn. Thật ra, từ xưa Kinh Thánh
đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mắt nhìn. Mắt nhìn sai đã gây nên sa ngã như
Evà nhìn trái cấm, nhưng mắt nhìn đúng lại giúp hưởng ơn cứu độ khi nhìn Đấng
chịu treo trên thánh giá. Ba vua đã có tầm nhìn cao và sâu khi nhìn thấy “ngôi
sao của Chúa” trên cao và thấy Thiên Chúa tối cao nơi Hài Nhi Giêsu bé nhỏ. Quả
thật, việc nhìn thấy Chúa trong mọi sự là điều hết sức quan trọng trong đời sống
đạo. Cách nhìn hướng dẫn cách sống.
2. Chân Bước. Đạo là đường. Đường để đi chứ không để ngồi ì. Phúc Âm thường
kể Chúa Giêsu thi hành sứ vụ trên đường đi. Hơn nữa, chính Chúa công bố: “Thầy
là đường.” Nhiều người biết Hài Nhi Giêsu sinh ra ở Bêlem, nhưng vua Hêrôđê và
các thượng tế, kinh sư thì ngồi yên ở nhà, còn ba vua dấn bước lên đường tìm
Chúa. Hiện nay, Đức Thánh Cha đang mời gọi cả Giáo hội cùng nhau tiến bước lên
đường.
3. Lòng Dâng. Khi thấy Hài Nhi, ba vua sấp mình thờ lạy và dâng tiến lễ vật.
Sống đạo rất cần một tấm lòng thành kính và quảng đại. Tôn giáo nhằm giúp con
người mở lòng quảng đại dâng hiến chứ không phải khép lòng cầu lợi cho mình. Ở
đây, chúng ta cần nhìn lại thái độ của mình khi cầu nguyện, khi tham dự thánh lễ,
xem lại lòng mình quảng đại ra sao khi đóng góp cho Nhà Chúa.
Hiển Linh là Chúa tỏ mình nơi một
trẻ thơ bé nhỏ. Hình ảnh này mời gọi chúng ta cần nhìn thấy Chúa nơi những người
xung quanh và nơi chính bản thân mình. Đó là Tin Mừng vĩ đại của Giáng Sinh, để
mọi người nhìn nhau, đối xử với nhau một cách yêu thương kính trọng như với Thần
Linh, như với Thiên Chúa. Amen.
Thứ hai: 1Ga 3,22-4,6; Mt 4, 12-17. 23-25
Để tỏ mình ra cho các mục đồng, là đại diện cho tầng
lớp thấp cổ, bé miệng nhất trong xã hội, trên cánh đồng Bêlem, trong đêm Gíang
Sinh, Chúa Giêsu đã nhờ đến lời loan báo của các Thiên Thần trên cao.
Để tỏ mình ra cho 3 nhà đạo sĩ, đại diện cho tầng lớp
quý tộc và dân ngoại từ tứ phương thiên hạ, Chúa Giêsu đã nhờ đến ánh sao lạ
chỉ đường.
Để tỏ mình ra cho đoàn dân đang ngồi trong tối tử
thần, nơi miền đất của dân ngoại, đích thân Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng loan
báo. Khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin mừng này, Ngài kêu gọi: “anh
em hãy sám hối vì nước trời đã đến gần”. Sám hối chính là sứ
điệp quan trọng mà Chúa Giêsu ưu tiên khai mở nơi tâm hồn mỗi người, nó cũng
chính là điều kiện căn bản để đón nhận nước trời. Do đó, tại mỗi nơi đi qua,
một mặt Chúa Giêsu loan báo về tin vui của niềm hy vọng “nước trời đã đến
gần”. Mặt khác, Ngài cũng không quên kêu gọi sám hối để
đón nhận niềm vui và hy vọng đó.
Cùng với lời rao giảng là những phép lạ kèm theo, Đức
Giêsu minh chứng Người chính là Đấng Cứu Thế mà Gioan Tẩy giả đã giới thiệu và
tiên tri Isasia đã loan báo từ xưa trong Thánh Kinh.
Nếu xưa kia, Chúa Giêsu dùng nhiều cách thức để tỏ
mình ra cho mọi người tin nhận Người là Ánh Sáng chân lý và là Đấng Cứu Độ trần
gian, thì ngày nay, Chúa lại thích dùng mỗi người chúng ta để tỏ Mình cho người
khác.
Xin cho mỗi người chúng ta trở nên ánh sáng chỉ đường
cho mọi người tìm đến và gặp gỡ được Chúa qua đời sống yêu thương chân thành,
khiêm tốn phục vụ… Nhờ đó mà Ánh Sáng chân lý và niềm tin vào Đức Giêsu
là Đấng Cứu Độ mới khả tín và đáng được người khác đón nhận.
Thứ ba: 1Ga 4,7-10; Mc 6, 34-44
Bắt đầu ca khúc “Tình Yêu Trên Dòng Sông Quan Họ”, tác
giả Phan Lạc Hoa (thơ Đỗ Trung Lai) có đặt ra câu hỏi: “Tình yêu có từ nơi
đâu?”.
Tình yêu đến từ đâu? mà sao nó quá diệu kỳ, bởi nó đưa
ta đi từ cung bậc cảm này đến cung bậc cảm xúc khác. Có khi nó làm cho tâm hồn
ta êm đềm như dòng sông Quan Họ, và diệu dàng như cô Tấm thảo hiền. Nhưng lắm
khi nó cũng dấy lên trong lòng ta những cơn sóng của giận dỗi và bối rối. Cũng
có lúc nó làm nhói lòng ta vì lưu luyến, nhớ nhung … Vậy nó đến từ nơi đâu? Tác
giả ca khúc này cho biết tình yêu ấy đến từ “nơi anh” và “nơi em”.
Đồng ý! tình yêu đến từ nơi anh và nơi em. Nhưng nếu
hỏi thêm: ai là người đặt để thứ tình yêu diệu kỳ ấy nơi anh và nơi em? Thì có
lẽ mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau.
Riêng thánh Gioan, trong bài đọc 1 hôm nay thì cho
biết: tình yêu ấy khởi nguồn từ TC “Thiên Chúa là Tình Yêu.”(1Ga 4,
8). Nên tình yêu có từ nơi Thiên Chúa. Chính Người đã đặt để tình yêu ấy vào
trong tâm hồn của mỗi chúng ta, từ khi tạo dựng con người. Nên ơn gọi cao quý
nhất nơi con người vẫn là yêu thương. Nhưng vì tội lỗi của nguyên tổ đã làm méo
mó đi khuôn mặt của tình yêu đích thực. Để chấn chỉnh lại tình yêu ấy, Con
Thiên Chúa đã xuống thế làm người đã sống và dạy chúng ta con đường tìm về tình
yêu đích thực, như Chúa yêu. Yêu như Chúa yêu là:
- Luôn đi bước trước: “không phải chúng ta đã
yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.
- Là sẵn sàng trao ban tất cả: “Thiên
Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được
sống”.
- Là dám hy sinh chết thay cho người mình
yêu: “Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.
- Tin mừng hôm nay còn cho biết: Yêu như Chúa là
biết động lòng thương khi nhìn thấy dân chúng bơ vơ như chiên không người chăn
mà sẵn sàng hy sinh phục vụ nhu cầu chính đáng của họ. Nên Chúa Giêsu bắt đầu
dạy dỗ và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Tình yêu của Chúa là
một tình yêu quan tâm và chăm sóc cách toàn vẹn con người, cả hồn lẫn
xác.
Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nên thánh Gioan
tha thiết mời gọi: “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ
Thiên Chúa” (1Ga 4,7).
Xin cho chúng ta luôn biết yêu thương nhau, như Chúa
đã yêu chúng ta bằng cách: luôn đi bước trước trong tình yêu, biết quan tâm
chia sẻ vui buồn với mọi người và sẵn sàng hy sinh phục vụ những ai đang gặp
khó khăn với tình yêu chân thành. Nhờ đó ta mới xứng đáng với tình yêu
của Thiên Chúa và trở nên con thảo của Người.
Thứ tư: 1Ga 4,11-18; Mc 6,45-52
Tin mừng hôm nay trình thuật lại phép lạ Chúa Giêsu đi
trên mặt nước biển vào khoảng canh tư đêm tối, mà đến với các môn đệ.
Với phép lạ này, Chúa Giêsu muốn tỏ mình ra là một
Đấng có uy quyền. Ngài không chỉ có quyền trên bệnh tật, ma quỷ mà còn có sức
mạnh khống chế cả thiên nhiên nữa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên
mặt nước biển, các môn đệ lại hoảng hốt, la lên vì tưởng là ma. Đến khi được
Chúa chấn an “cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”, thì các ông mới được an
tâm.
Không có Chúa Giêsu hiện diện trong con thuyền, các
môn đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược giữa đêm khuya u tối. Không nhận ra
Chúa ngay bên, tâm hồn các môn đệ sẽ bất an sợ hãi. Chỉ khi nào các ông thật sự
nhận ra Chúa Giêsu bên mình, thì lòng các ông mới có tìm được bình an đích
thực.
Vì vậy mà lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, thánh
Gioan kêu gọi các kitô hữu hãy “ở lại” trong tình yêu Chúa. Ở
lại bằng cách: “tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (1Ga
4,15) và “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta” (1Ga
4,11).
“Tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”, là ta tin nhận uy quyền TC
nơi Đức Giêsu. Và “yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng
ta”, chính là điều kiện để được TC ở lại trong chúng ta. Tin vào Đức Giêsu
là TC uy quyền và có TC ở trong tâm hồn, ta đâu còn phải sợ chi nữa, mặc cho
ngoài kia sóng gió của biển đời có nổi lên, nhưng lòng chúng ta vẫn an bình vì
có “Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa” (x. 1Ga 4, 15).
Con thuyền gia đình của chúng ta không phải lúc nào
cũng lướt sóng êm đềm, nhưng có lúc cũng phải đối mặt với thử thách vì sóng to
gió lớn của dòng đời. Trong những lúc ấy, xin Chúa cho chúng ta biết bình tĩnh
đặt trọn vẹn niềm tin vào uy quyền của Chúa. Bởi ta tin rằng: có Chúa hiện diện
giữa gia đình ta, chắc chắn con thuyền gia đình của ta sẽ dễ dàng vượt qua mọi
sóng to, gió lớn, mà thẳng tiến về đến bến bờ của an vui và hạnh phúc.
Thứ năm: 1Ga 4,19-5,4; Lc 4,14-22a
Nếu khi bắt đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã tỏ
mình ra cho những người sống trong vùng đất dân ngoại, thì Tin mừng hôm nay cho
biết Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy trở về miền đất Galilê để thi hành sứ
vụ. Tại đây, cũng như những vùng đất mà Chúa Giêsu đã đi qua, mọi người đều biết
đến Chúa và danh Người được tôn vinh.
Sau khi nhắc qua về những thành công vang dội của Chúa
Giêsu trên hành trình rao giảng tin mừng trong miền đất Galilê, thì Tin mừng
hôm nay nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu trở về quê nhà Nadaret, nơi
người sinh trưởng. Tại đây, vào ngày Sabat, Người vào hội đường và long trọng
công bố chương trình hành động. Đó là một chương trình bao gồm những việc làm
cụ thể mà Chúa Giêsu ưu tiên dành cho người nghèo:“loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn… Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ
được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một
năm hồng ân của Chúa”. Chương trình hành động của Chúa Giêsu rất hợp
lòng dân, nên được “mọi người đều tán thành và thánh phục lời hay ý đẹp
thốt ra từ miệng Người”. Nhưng trên hết chương trình ấy còn rất đẹp ý
Chúa Cha, bởi vì những việc làm ấy được ứng nghiệm đúng với những lời loan báo
được ghi trong Thánh Kinh.
Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm đem
lại niềm vui, hạnh phúc và hồng ân cứu độ đến cho mọi người, đặc biệt là những
người nghèo khổ. Vậy thử hỏi chương trình hành động ưu tiên của tôi là gì? Mỗi
người chúng ta cần phải sắp xếp lại chương trình sống hàng ngày của chúng ta
sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa.
Với thánh Gioan trong bài đọc 1 hôm nay, nhắc nhở
chúng ta cần phải ưu tiên cho hành động yêu thương. Bởi vì Thiên Chúa đã yêu
thương chúng ta trước, nên chúng ta phải bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa bằng
cách là dành tình yêu thương của mình cho tha nhân. Vì nếu “Ai nói mình
mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối”.
Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi
người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những
lời nói yêu thương chân thành và những việc làm bác ái cụ thể, ta sẽ làm vơi đi
những nỗi nhọc nhằn còn vương nặng trên đôi vai của họ. Được như vậy là ta đã
góp phần đưa chương trình hành động yêu thương của Chúa đến được với mọi
người .
Thứ sáu: 1Ga 5, 5-13; Lc 5,12-16
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu
nhiều đau khổ.
– Đau về thể xác:
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân
xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét
mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả
năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
– Khổ về tâm hồn:
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh
nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh
vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra
bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị
xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là
Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc
Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở
ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi
người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha
thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết
thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài;
và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì
ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi
về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với
Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn
biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh
kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em
trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu
ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng
dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau
của người khác. Những thứ đó chính là triệu chứng bệnh cùi tâm
linh rất nguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý
thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh
tình nguy hiểm mà ta đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho
lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.
Thứ bảy 1Ga 5,14-21; Ga 3,22-30.
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc tranh luận giữa các
môn đệ Gioan Tẩy Gỉa với một người Do Thái về vấn đề phép rửa của Chúa Giêsu.
Nội dung của cuộc tranh luận là gì? ta không biết. Tin
mừng chỉ cho biết, sau cuộc tranh luận đó, các môn đệ đến gặp thầy mình là
Gioan Tẩy Giả để trình báo về sự việc:“người trước đây đã ở với thầy bên kia
sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa,
và thiên hạ đều đến với ông".
Qua lời trình báo của các môn đệ Gioan, cho thấy hai
điều:
- Thứ nhất: Họ muốn độc quyền. Không muốn bất kì ai
được phép làm điều mà thầy mình đã làm trước đó, nên họ rất muốn thầy mình ngăn
cản.
- Thứ hai: Họ ghen tỵ. Vì không muốn ai hơn thầy mình
nên khi nhìn thấy dân chúng tuôn đến chịu phép rửa của Đức Giêsu đông hơn thầy
mình, họ cảm thấy rất khó chịu.
Trong cuộc sống chung không tránh khỏi những cuộc
tranh luận. Những cuộc tranh luận hầu như xảy ra hàng ngày trong xã hội, trên
nhiều bình diện lớn nhỏ khác nhau. Có những cuộc tranh luận có thể rất hữu ích
vì nó giúp nhau nhận ra được sự thật; nhưng nó cũng rất nguy hại, vì rất có thể
nó làm mất đi bình an nơi tâm hồn và phá vỡ tình hiệp thông. Nếu không có lòng
khiêm tốn, cái nhìn cởi mở và hướng đến chân lý như Gioan Tẩy Gỉa.
Nơi môi trường gia đình chắc chắn không tránh khỏi
những cuộc tranh luận về những vấn đề khác nhau.
Xin cho chúng ta có được lòng khiêm tốn, tinh thần cởi
mở và biết hướng đến chân lý với mong muốn được làm vinh danh Chúa theo tinh
thần của Gioan Tẩy Gỉa. Nhờ đó mà ta mới được Chúa hướng dẫn cách giải quyết
những vấn đề xảy ra cách khôn ngoan nhất, nhằm đem lại niềm vui, bình an và
hạnh phúc cho gia đình mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét