SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI
Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
Suy niệm 1: SỐNG
TINH THẦN MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI
Ông bà và anh chị
em thân mến, hàng ngày mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá hay đọc Kinh Lạy Cha
là chúng ta đã tuyên xưng vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba
Ngôi là một trong ba mầu nhiệm cao cả trong đạo công giáo chúng ta. Mầu nhiệm
này chính là nền tảng và trọng tâm của đời sống đức tin của người kitô hữu.
Nhưng vì là mầu nhiệm nên vượt lên trên trí hiểu cũng ngôn ngữ diễn đạt của
nhân loại, do vậy khiến chúng ta khó hiểu. Tuy nhiên thấu hiểu hay không, điều
đó cũng không quan trọng cho bằng chúng ta tin và sống mầu nhiệm này.
Vậy trong thánh
lễ hôm nay, xin Chúa khai sáng thêm sự hiểu biết của chúng ta, cũng như ban ơn
thêm sức để ta sống tốt tinh thần của mầu nhiệm quan trọng này.
Chúng ta có thể
khẳng định điều này là: không ai vô thần cả! Bởi vì ngay khi những người tuyên
bố mình là vô thần, thì một cách mặc nhiên là họ đã tin là có thần, bởi lẽ
trong tâm thức họ tin nhận có thần, thì mới phủ nhận là vô thần.
Nhìn vào các mối
đạo, có lẽ ít có đạo nào tin nhận các Mầu Nhiệm nhiều như đạo Công Giáo chúng
ta. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng đức tin vào rất nhiều mầu nhiệm…
Theo sách giáo lý
Công Giáo dạy, trong rất nhiều mầu nhiệm ấy thì chỉ có 3 Mầu Nhiệm chính trong
đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người, Ngôi Hai cứu
chuộc. Nhưng trong 3 mầu nhiệm ấy thì mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là quan trọng
nhất, mà xem ra cũng khó hiểu nhất. Khó hiểu, vậy sao chúng ta lại tin nhận?
Đơn giản là vì Thánh Kinh hướng dẫn và chính Chúa Giêsu chỉ dạy.
Đọc Tin mừng
chúng ta thấy có nhiều chỗ nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi:
- Khi Sứ thần
Gab-ri-el đến báo tin cho Đức Maria:“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và
quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được
gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 45). Những lời đó cho biết: Đấng Tối
Cao là Chúa Cha. Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai
và sinh hạ. Hài Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
- Khi Chúa Giêsu
chịu phép rửa tại sông Gio-đan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga
1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là con Ta yêu dấu” (Mt
1,11). Tiếng nói, chim câu và Chúa Giêsu là ba hình ảnh tạo nên chân dung sống
động về Ba Ngôi.
- Trong bữa tiệc
ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà
Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất
từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.”(Ga 15, 26). Chúa Giêsu xin
Chúa Cha ban Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các
môn đệ.
- Chính Chúa
Giêsu mặc khải: “Bất kỳ ai thấy Ta là thấy Cha Ta." (Ga
14,9); “Cha và Ta là một.” (Ga 10,30); “Thầy sẽ xin
Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ
khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14,16).
- Đặc biệt trước
khi về trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn
dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” (Mt
28,19).
- Thánh Phaolô
cũng luôn cầu chúc: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông
hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.”
Như thế nhờ vào
Thánh Kinh và lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta biết được có Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tuy nhiên để thấu hiểu về chân lý mầu nhiệm này thì với khả năng của thụ tạo
làm sao chúng ta có thể suy thấu Đấng sáng tạo cao vời được. Ngay cả những điều
xảy ra trong cuộc sống này, khoa học vẫn không thể giải thích được. Cha ông
chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng có những điều không thể hiểu nổi, nên mới đố
nhau : Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.
Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Một trong những
điều nhiệm mầu nhất trong cuộc sống có lẽ là tình yêu. Chỉ nguyên định nghĩa
tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn biết bao thời gian, công sức và giấy mực. Vậy
mà vẫn không có được một định nghĩa nào trọn vẹn về tình yêu. Thế nhưng, tình
yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm, nhất là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Có lẽ Chúa Giêsu
mạc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không phải để chúng
ta đem ra mổ xẻ, giải thích cách thấu đáo, cho bằng mong muốn chúng ta sống
tinh thần của mầu nhiệm này.
Phụng vụ lời Chúa
hôm nay gợi lên cho chúng ta một số bài học nhằm giúp ta sống tinh thần của mầu
nhiệm này:
- Thứ
nhất: Phải tôn vinh và cảm tạ TC Ba Ngôi vì những kỳ công vĩ đại Ngài
đã làm cho chúng ta qua các công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Bài
đọc 1 trích sách Xuất hành hôm nay còn nhấn mạnh đến lòng thương xót của
Thiên Chúa dành cho dân Do Thái cách riêng và nhân loại chúng ta cách chung.
Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai cập, nhưng dân Chúa lại
phản bội Ngài, đi thờ con bò vàng thay Chúa. Tuy nhiên qua lời cầu xin của ông
Mai-sen, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ và vẫn trung thành thi hành giao ước yêu
thương gìn giữ, bảo vệ họ mãi. Qua đó, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta thấy
Ngài là một vì Thiên Chúa tình yêu, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Trong
thời Tân ước hình về một Thiên Chúa tình yêu ấy được làm sáng tỏ qua việc Chúa
Cha đã sai chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để cứu chuộc
trần gian .
- Thứ hai: Phải ý thức củng cố lại sự hiệp thông theo mẫu gương Chúa Ba
Ngôi: Bài đọc 2 hôm nay cho biết trong cộng đoàn Cô-rin-tô có sự lộn xộn
bất hoà và chia rẽ với nhau, nên thánh Phao-lô đã viết thư khuyên bảo họ hãy
sống đoàn kết yêu thương và hiệp thông với nhau bởi tất cả đều được cứu chuộc
và được làm con Chúa; đồng thời cũng cầu chúc cho họ được tràn đầy ân sủng của
Chúa Ba Ngôi.
- Thứ
ba: Phải tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi. Tin mừng Thánh
Gioan hôm nay cho chúng ta biết: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu
Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể qua việc trao ban chính Người Con duy nhất
cho trần gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời. Vì thế nếu ai đó cương quyết không tin thì sẽ bị lên án. Nhưng
nếu một ai đó bị lên án cũng có thể vì chính chúng ta đã không sống chứng nhân
và tích cực thi hành tốt sứ mạng loan báo niềm vui tin mừng của Chúa cho họ.
Nếu vậy, chính chúng ta là những người bị Thiên Chúa khiển trách và lên án
trước tiên.
Chúng ta không
mong muốn thấu hiểu hết về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta
biết sống mầu nhiệm này cho xứng hợp. Đó là biết tôn vinh và cảm tạ danh thánh
Thiên Chúa Ba Ngôi không ngừng. Biết tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi
kiên vững; nhất là luôn ý thức sống tình hiệp thông với nhau trong Chúa Ba
Ngôi, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần luôn mãi.
Suy niệm 2:
LỄ THIẾU NHI
Hôm nay chúng ta
cùng với Giáo Hội long trọng mừng kính mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Một Thiên
Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong ba
mầu nhiệm chính trong đạo vì mầu nhiệm này ảnh hưởng quan trọng trên đời sống
đức tin của chúng ta. Nhưng hình như trong đời sống đạo chúng ta ít quan tâm
tìm hiểu và sống tâm tình của mầu nhiệm này. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta
xin Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về mầu nhiệm này; và xin Chúa
giúp ta sống tinh thần của mầu nhiệm này cho xứng hợp.
1. H. Chúa nhật
hôm nay, chúng ta và Giáo Hội toàn cầu mừng kính mầu nhiệm nào?
T. Mầu nhiệm một
Chúa Ba Ngôi. Một Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi nhưng chỉ có một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn ngôi nào
kém.
2. H. Hội thánh
dạy chúng ta biết có mấy mầu nhiệm chính trong đạo?
T. Có ba mầu
nhiệm chính trong đạo: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế
làm người, mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.
3. H. Ai dạy cho
ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi?
T. Chúa Giêsu đã
dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi.
4. H. Chúa Giêsu
đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khi nào?
T. Trước khi về
trời, Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm
phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
5. H.
Trong Tin mừng có chổ nào diễn tả về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi Không?
T. Đọc Tin
Mừng, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh và lời nói trình bày về mầu nhiệm Ba
Ngôi:
- Khi Sứ thần
Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và
quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được
gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha.
Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài
Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
- Hình ảnh đặc
trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự
xuống đậu trên Ngài (Ga1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : Con là con Ta yêu
dấu (Mt 1,11). Tiếng nói, chim câu và Chúa Giêsu ba hình ảnh này tạo nên chân
dung sống động về Ba Ngôi.
- Trong bữa tiệc
ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ:“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho
anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” . Chúa Giêsu
xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần
cho các môn đệ.
- Đức Kitô mặc
khải : “Ai thấy Ta là thấy Cha…Cha và Ta là một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người
sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở cùng anh em luôn mãi”
- Thánh Phaolô
luôn cầu chúc: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp
của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
6. H. Tại sao
Giáo Hội cho rằng: Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm?
T. Vì đây là điều
vượt trên trí năng suy luận và hiểu biết của con người. Con người chúng ta
không thể dùng bất cứ hình ảnh hay ngôn từ nào để có thể diễn tả hết
về mầu nhiệm này.
7. H. Thông
thường khi diễn tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, người ta dùng đến những hình ảnh
nào?
T. Người ta hay
dùng những hình ảnh minh họa sau đây:
- Có người dùng
tam giác đều. Có ba cạnh bằng nhau làm nên một tam giác.
- Có người dùng
ngón tay. Ngón tay có ba đốt trên cùng một ngón tay.
- Có người diễn
tả mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi bằng nước ở ba thể: lõng, đặc và hơi.
- Người ta cũng
có thể diễn tả mầu nhiệm này như là: Mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Mặt trời
là Chúa Cha, từ mặt trời có ánh sáng là Chúa Con, từ đó sinh ra sức nóng là
Chúa Thánh Thần…
- Cũng có người
thích dùng hình ảnh dòng sông để diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha là
nước nguồn; Chúa Con là con sông chứa đựng nguồn nước ấy và CTT là sức đẩy dòng
chảy của dòng nước ấy.
- Có người thích
thể chế chính trị thì ví: Chúa Cha là lập pháp; Chúa Con là hành pháp và CTT là
tư pháp...
Dù chúng ta có
đưa ra nhiều hình ảnh để minh họa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng sẽ không
bao giờ diễn tả hết về mầu nhiệm này. Vì Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm nên
chúng ta không bao giờ thấu suốt được. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính
Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Không riêng về
các mầu nhiệm trong đạo mà còn nhiều điều trong cuộc sống, trí khôn chúng ta
cũng không bao giờ hiểu thấu được. Nên để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc
sống, ông cha ta ngày xưa hay đố nhau : “Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông
mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió
đừng rung cây.”.
Có lẽ trong tất
cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người, thì tình yêu là khó hiểu nhất.
Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực
mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có
được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm. Thế nhưng,
mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Tuy dẫu trí khôn
con người nhỏ bé, không tài nào hiểu thấu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi,
nhưng con tim chúng ta có lẽ cũng đủ lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu
đã tỏ lộ mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng là
để chúng ta yêu mến. Vậy chúng ta phải yêu mến bằng cách nào?
- Yêu mến
bằng lời ca tụng:
Mỗi khi hát “vinh
danh Thiên Chúa trên các tầng trời”; mỗi khi đọc “sáng danh Đức Chúa Cha và Đức
Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”; mỗi khi “làm dấu thánh giá”… là chúng ta đang
ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi..
- Yêu mến bằng
tâm tình cảm tạ:
Cảm tạ Chúa Cha
đã tạo dựng nên chúng ta và ban vũ trụ này cho ta hưởng dùng. Cảm tạ Chúa Con
đã dùng cái chết trên thập giá để cứu chuộc ta; và cảm tạ Chúa Thánh Thần luôn
gìn giữ, thánh hóa ta. Cảm tạ Chúa Ba Ngôi vì nhờ bí tích Rửa tội mà ta được
trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, ta trở nên những người lính
chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, ta được tẩy sạch mọi tội lỗi.
- Yêu mến bằng
cách để Chúa ngự trị trong tâm hồn ta:
Thiên Chúa không
ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài thích ở cùng và ở
trong tâm hồn ta vì nơi đó chính là đền thờ sống động của Ngài. Nên ta cần phải
giữ tâm hồn mình sao cho trong sạch, để Chúa Ba Ngôi dễ dàng ngự vào mà ban
tràn đầy ân sủng trong chúng ta.
- Yêu mến bằng
cách “yêu như Chúa yêu”:
Yêu như Chúa
yêu là cho đi: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi
đã ban Con Một mình cho thế gian”.
Yêu thương như
Chúa là làm cho sống và sống dồi dào: “ … để ai tin vào Con
của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Yêu thương như
Chúa là tha thứ: Thiên Chúa mạc khải cho Môisen biết Ngài là
: “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
Yêu thương như
Chúa yêu là ở chung, sống chung, đi chung.
Môisen đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận: “Dám xin Chúa cùng đi
đường với chúng con”. Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên
Chúa “sẽ ở trong anh em.”.
Chúng ta không
mong muốn thấu hiểu hết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết
sống mầu nhiệm này cho xứng đáng. Đó là biết chúc tụng và tôn vinh danh thánh
Ba Ngôi Thiên Chúa không ngừng. Biết siêng năng cảm tạ tình thương Thiên Chúa
Ba Ngôi dành cho chúng ta, cũng như luôn biết gìn giữ tâm hồn mình trong sạch,
để xứng đáng là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị; nhất là biết sống theo mẫu
gương tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Suy niệm
3: SỐNG MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
Chúa nhật hôm
nay, chúng ta và Giáo Hội toàn cầu mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Một
Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng chỉ
có một Chúa. Ba Ngôi bằng nhau không ngôi nào hơn ngôi nào kém (Kinh Tin Kính).
Đọc Tin
Mừng, chúng ta bắt gặp nhiều hình ảnh và từ ngữ ám chỉ về mầu nhiệm Ba Ngôi:
- Khi Sứ thần
Gab-ri-el đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà
và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được
gọi là Con Thiên Chúa”. Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha.
Đấng quyền năng là Chúa Thánh Thần sẽ làm Đức Maria thụ thai và sinh hạ. Hài
Nhi sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
- Khi Chúa Giêsu
chịu phép rửa tại sông Gio-đan, “chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài” (Ga
1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán : “Con là con Ta yêu dấu” (Mt 1,11). Tiếng
nói, chim câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba
Ngôi.
- Trong bữa tiệc
ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ
ban cho anh em một Đấng Bàu Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…” . Chúa
Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bàu Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh
Thần cho các môn đệ.
- Nhiều lần Đức
Kitô mặc khải cho các tông đồ biết: “Ai thấy Ta là thấy Cha…Cha và Ta là
một….Ta sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở
cùng anh em luôn mãi”…
- Cách đặc biệt
trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các tông đồ sứ mạng cao quý làm
chứng về Chúa Ba Ngôi: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho
họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Vì mầu nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi là điều vượt trên trí năng suy luận và hiểu biết của con người.
Nên chúng ta không thể dùng bất cứ hình ảnh hay ngôn từ nào để có thể diễn
tả hết về mầu nhiệm này. Tuy nhiên vì muốn giúp chúng ta hiểu một phần nào về
mầu nhiệm cao cả này, có nhiều đấng bậc trong GH đã gợi lên một vài hình ảnh
tượng trưng như:
1Hình ảnh tam giác
đều. Có ba cạnh bằng nhau làm nên một tam giác. 2Hình ảnh ngón
tay. Ngón tay có ba đốt trên cùng một ngón tay. 3Hình ảnh nước
ở ba thể: lõng, đặc và hơi. 4Hình ảnh mặt trời: Mặt trời là
Chúa Cha, ánh sáng là Chúa Con, sức nóng là Chúa Thánh Thần. 5.Hình
ảnh ngọn nến: Cây nến, ánh sáng, sức nóng. 6Cũng có người thích
dùng hình ảnh dòng sông để diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha là nước
nguồn; Chúa Con là con sông chứa đựng nguồn nước ấy và CTT là sức đẩy dòng chảy
của dòng nước. 7 Có người thích thể chế chính trị thì ví:
Chúa Cha là lập pháp; Chúa Con là hành pháp và CTT là tư pháp...
Cho dù chúng ta
có đưa ra nhiều hình ảnh để minh họa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng không
bao giờ thấu hiểu hết mầu nhiệm này. Sở dĩ chúng ta tin vào mầu nhiệm này là vì
chính Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho chúng ta biết.
Không riêng về
các mầu nhiệm trong đạo mà còn nhiều điều trong cuộc sống, trí khôn chúng ta
cũng không bao giờ hiểu thấu được.Có lẽ trong tất cả các điều khó hiểu của cuộc
sống thì tình yêu là điều khó hiểu nhất. Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi
cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực mà vẫn không có được một định nghĩa
nào diễn tả trọn vẹn về ý nghĩa tình yêu. Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng
là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tuy dẫu trí khôn con người nhỏ bé,
không tài nào hiểu thấu hết về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng con tim chúng
ta đủ lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ mầu nhiệm một Chúa Ba
Ngôi không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng là để chúng ta yêu mến. Vậy chúng
ta phải yêu mến bằng cách nào?
- Yêu mến
bằng lời ca tụng: Mỗi khi hát kinh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng
trời”; mỗi khi đọc kinh “sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa
Thánh Thần”; mỗi khi “làm dấu thánh giá”… là chúng ta đang ca tụng và thờ lạy
Chúa Ba Ngôi..
- Yêu mến bằng
tâm tình cảm tạ: Cảm tạ Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta và ban vũ trụ này
cho ta hưởng dùng. Cảm tạ Chúa Con đã dùng cái chết trên thập giá để cứu chuộc
ta; và cảm tạ Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ, thánh hóa ta. Cảm tạ Chúa Ba Ngôi
vì nhờ bí tích Rửa tội mà ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm
sức, ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải
tội, ta được tẩy sạch mọi tội lỗi.
- Yêu mến bằng
cách để Chúa ngự trị trong tâm hồn ta: Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao,
xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài thích ở cùng và ở trong tâm hồn ta vì nơi đó
chính là đền thờ sống động của Ngài. Nên ta cần phải giữ tâm hồn mình sao cho
trong sạch, để Chúa Ba Ngôi dễ dàng ngự vào mà ban tràn đầy ân sủng trong chúng
ta.
- Yêu mến bằng
cách “yêu như Chúa yêu”: Yêu như Chúa yêu là cho đi: “Thiên Chúa
đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”. Yêu
thương như Chúa là làm cho sống và sống dồi dào: “ … để ai
tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Yêu
thương như Chúa là tha thứ: Thiên Chúa mạc khải cho Mai-sen biết
Ngài là : “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành
tín”.
- Yêu mến bằng
cách “củng cố lại đời sống hiệp thông”: Biết được trong
cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô có sự lộn xộn bất hoà và chia rẽ Thánh Phao-lô đã
viết thư khuyên bảo họ hãy sống đoàn kết yêu thương và hiệp thông với nhau bởi
tất cả đều được cứu chuộc và được làm con Chúa; đồng thời cũng cầu chúc cho họ
được tràn đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi: nguyện xin “Ân sủng của Đức Kitô,
tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Chúng ta không
mong muốn thấu hiểu hết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng xin cho chúng ta biết
sống mầu nhiệm này cho xứng hợp. Đó là biết chúc tụng và tôn vinh tình thương
Thiên Chúa Ba Ngôi; biết cho đi mà không cần toan tính, biết bao dung tha thứ
như Chúa đã nhân từ tha thứ cho ta; biết sống yêu thương hiệp nhất theo mẫu
gương Chúa Ba Ngôi; nhất là biết gìn giữ tâm hồn trong sạch, để xứng đáng là
nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.
Suy niệm
4:
MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI
* Mầu nhiệm là
gì? Mầu: cao siêu; nhiệm: kín đáo.
- Mầu nhiệm là
những sự thực mà Thiên Chúa, vì lòng yêu thương, đã cho chúng ta biết dù trí
khôn chưa hiểu thấu được.
Có mấy mầu nhiệm
chính? Có 3 mầu nhiệm chính: mầu nhiệm 1 Thiên Chúa có 3 ngôi, mầu nhiệm Ngôi
Hai xuống thế làm người như chúng ta và mầu nhiệm Ngôi Hai cứu độ nhân loại.
Khi nào tôi tuyên
xưng 3 mầu nhiệm đó? Thưa, khi tôi làm dấu Thánh giá trên người và đọc rằng:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mầu nhiệm 1 Chúa
3 Ngôi dạy tôi điều gì? Mầu nhiệm 1 Thiên Chúa 3 Ngôi dạy tôi biết rằng: Chỉ có
1 Thiên Chúa mà thôi, nhưng vị Thiên Chúa ấy lại có tới 3 Ngôi (un seul Dieu en
trois personnes): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần (Thánh Linh).
Tại sao có 3 Ngôi
mà không phải là 3 Thiên Chúa? Thưa, vì 3 Ngôi đó có cùng 1 bản tính
(substance, essence ou nature divine), nên dù 3 Ngôi nhưng chỉ có 1 Thiên Chúa
mà thôi. (Xin xem thêm: Tin Mừng theo Thánh Gioan 5, 19; 8, 19; 14, 8-9; 14,
26; 15, 26...)
Trong 3 Ngôi, có
Ngôi nào hơn hoặc kém Ngôi khác không? Thưa, cả 3 Ngôi đều bằng nhau. Không có
Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém.
Ai đã dạy cho
chúng ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? Chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy cho
chúng ta biết về mầu nhiệm ấy, khi Ngài nói với các môn đệ rằng: "Các
con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc và rửa tội cho họ nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19).
Ba Ngôi làm gì
cho chúng ta? Ngôi Cha đã tạo dựng nên chúng ta, Ngôi Con đã cứu độ chúng ta và
Ngôi Thánh Thần thánh hóa chúng ta (làm cho chúng ta nên tốt lành, thánh
thiện).
Tôi phải làm gì
đối với Thiên Chúa Ba Ngôi? Tôi phải tin cậy, kính mến, thờ lạy và biết ơn
Ngài. Nhất là luôn nhớ tới Ngài đang hiện diện trong tâm hồn tôi, vì tâm hồn
tôi chính là đền thờ của Ngài. Chúa Giêsu Kitô đã cho biết: "Ai
yêu mến Thầy thì sống theo lời Thầy, Cha của Thầy sẽ thương yêu người ấy, và
chúng ta sẽ đến ở trong người ấy" (Ga 14, 23).
Thứ hai: Mc 12,
1-12.
Nhớ thánh
Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo
Khi rao giảng Tin
mừng, Chúa Giêsu thích dùng những hình ảnh gần gũi nhưng sâu sắc, đơn sơ nhưng
thực tế nhằm diễn tả mầu nhiệm nước trời và khơi lên những thực trạng của đời
sống con người. Dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay
là một ví dụ. Để nêu lên quá khứ đáng chê trách của dân Do Thái thời cựu ước,
nhất là sự tắc trách của các kỳ mục, kinh sư và biệt phái thời bấy giờ, Chúa
Giêsu đã dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân.
- Hình ảnh ông
chủ vườn nho chính là Thiên Chúa.
- Vườn nho được
xem là dân Israel; sau này là GH; cũng có thể hiểu đó là những ân huệ về vật
chất và tinh thần nơi mỗi chúng ta.
- Bồn nho, tháp
canh và rào dậu… tất cả là những giáo huấn, lề luật và ân huệ của Chúa ban.
- Tá điền chính
là những giới chức đạo-đời.
- Những đầy tớ
chính là các ngôn sứ, hay những người đại diện nói Lời Chúa.
- Người con của
ông chủ chính là Đức Giêsu.
Tất cả những hình
ảnh mà Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn trên đây nhằm phản ánh sự đối lập giữa
một vị Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và sự bất trung của con người.
- Vì
yêu thương TC tin tưởng trao ban: hình ảnh tận tụy của ông chủ vườn nho như:
trồng nho, đào bồn ép, xây tháp canh, rào dậu chung quanh… rồi tin tưởng giao
cho tá điền chăm sóc mà trẩy đi xa; cho thấy Thiên Chúa luôn tin tưởng chúng ta
là những tá điền của Chúa. Người không đứng cạnh bên ta dòm ngó như viên cảnh
sát, nhưng để ta tự do sáng kiến làm việc. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn
vật và trao cho chúng ta “giữ và canh tác vườn” như đã từng
trao cho Adam và Eva xưa, nên ta phải yêu mến đáp lại sự tin tưởng của Chúa
dành cho chúng ta bằng cách tích cực chu toàn tốt nhất nhiệm vụ Chúa
trao. Dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người như là
vườn nho được Người yêu thương. Ngừơi đã tin tưởng trao phó dân Israel cho các
giới chức tôn giáo chăm sóc hướng dẫn, nhưng họ đã lười biếng và tắc trách nên
đã làm hư hoại dân Người.
- Vì
yêu thương TC kiên trì nhắc nhở: như người chủ khi thấy sự lười biếng của
tá điền liền sai những người đầy tớ của ngài đến nhắc nhở họ. Thiên Chúa không
chỉ sai 1 tiên tri mà nhiều tiên tri; không chỉ sai một lần mà nhiều lần các
ngôn sứ đến để nhắc nhở dân Do Thái về sự bất trung của họ. Nhưng họ vẫn bưng
tai bịt mắt làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa. Thiên Chúa cũng nín chịu hết
mọi tội lỗi của con người chúng ta và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn đổi
mới. Dân chúng và các giới chức lãnh đạo đời Do Thái tượng trưng cho những tá
điền. Nhiều lần Chúa gửi các ngôn sứ đến nhắc nhở sai lầm và kêu gọi họ sống
theo đường lối Chúa, nhưng họ không nghe mà còn ra tay sát hại các ngôn sứ của
Chúa.
- Vì
yêu thương TC hy sinh Người Con yêu quý: Các tá điền không
chỉ ngược đãi đánh đập những đầy tớ của chủ sai đến, mà còn nhẫn tâm bắt trói
và quăng xác Con Ông Chủ ra khỏi vườn nho, rồi giết đi. Đó là lời tiên
tri mà Chúa Giêsu báo trước về cái chết của Người ngoài thành Giêrusalem, do lòng
hận thù của dân chúng và những giới chức tôn giáo Do Thái.
- Vì
yêu thương TC phán xử công thẳng: Cuối cùng thì ông chủ cũng lấy lại vườn
nho và trao lại cho người khác canh tác. Tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét
thật công thẳng vì “ác giả thì ác báo”. Thiên Chúa sẽ lấy khỏi
tay những ai chểnh mảng tự hào về tài năng Chúa ban cho mình mà không lo chu
toàn tốt bổn phận Chúa trao để trao lại cho những ai biết tích cực làm việc cho
Chúa. Chúng ta cũng sẽ phải trả lời về những hành vi của mình trước mặt Thiên
Chúa về cách chúng ta thi hành những bổn phận mà Chúa trao ban.
Xin Chúa cho
chúng ta có được con mắt tinh tường để nhận ra những ơn huệ Chúa ban; đôi tai
sâu lắng để nghe được Lời dạy của Chúa cùng trái tim nhạy bén để cảm nhận được
tình yêu tận hiến đến cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin đừng
để chúng ta trở nên kẻ vô ơn bạc nghĩa như những tá điền bất trung, nhưng trở
nên những tá điền trung thành và khôn ngoan để thi hành tốt bổn phận Chúa trao
ban, nhằm sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho vườn nho của Chúa là bản thân,
gia đình và GH.
Thứ ba: Mc 12,
13 -17.
Suy niệm 1:
Sau nhiều lần gài
bẫy Chúa Giêsu không thành, lần này những người Pharisêu sẵn sàng phối hợp với
nhóm người Hêrôđê tạo thành sức mạnh gọng kìm nhằm tấn công triệt hạ cho bằng
được Chúa Giêsu, cho dầu hai nhóm này không cùng chung một lý tưởng và quan niệm
sống:
- Phe Pharisêu:
Chủ trương chống lại mọi thế lực ngoại bang, cũng như phản đối việc nộp thuế
cho đế quốc Rôma.
- Phe Hêrôđê: thì
chủ trương thỏa hiệp với Rôma để được an phận. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng
cộng tác làm việc cho đế quốc Rôma nhằm bóc lột dân tộc mình.
Nhưng vì hôm nay
họ có cùng một đối tượng nhắm đến để triệt tiêu là Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng
kết thân với nhau.
Trước đây, những
người Pharisêu cũng đã không ít lần giăng bẫy để cho Chúa Giêsu vướn vào khung
hình phạt cao nhất của luật Do Thái giáo là tử hình, nhưng Người đã khôn khéo
vượt thoát. Hôm nay, với quyết tâm cao nhất là không để Chúa Giêsu vượt thoát
lưới giăng như những lần trước, nên họ liên minh với phe Hêrôđê nhằm đẩy Chúa
Giêsu vướn khung hình phạt cao nhất của luật dân sự là phản động, chống lại đế
quốc Rôma. Như thế phe Hêrôđê sẽ tóm lấy và lên án tử cho Người.
Nhưng để gài bẫy
được Chúa Giêsu không phải dễ dàng. Nên trước khi đặt bẫy họ bày ra miếng mồi
thơm ngon bằng những lời khen tặng dành cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy,
chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai…” nhằm cho thấy
thiện chí và chân thành của họ. Nhưng liền ngay đó, bất ngờ họ đưa ra câu hỏi
chết người: “có nên nộp thuế cho Xêda không?”. Trả lời
“không” cũng chết mà trả lời “phải” cũng chết. Nếu Chúa trả lời “Phải!” họ sẽ
xui giục dân chúng chống Chúa vì toa rập với thế lực nước ngoài. Nếu Chúa trả
lời “Không” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Rôma vì xui giục dân phản chính quyền.
Nhưng vì quá hiểu về lòng dạ thâm hiểm của họ, Đức Giêsu nói với họ: "Tại
sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!". Họ
liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai
đây?" Họ đáp: "Của Xê-da." Đức Giêsu bảo
họ: "Của Xê-da.", trả về Xê-da."; của Thiên Chúa, trả về
Thiên Chúa". Câu trả lời thật tuyệt vời làm họ hết sức ngạc nhiên
về Người. Như vậy “lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn”
(Tv 124, 7).
Qua câu trả lời
khôn ngoan ấy, ngoài việc Chúa Giêsu đã vượt thoát khỏi án tử họ giăng, Người
còn minh định cho họ hiểu về hai vấn đề quan trọng:
- Thứ
nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể
trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ cho chính trị. Tôn giáo cũng
không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
- Thứ
hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã
hội là “trả cho Xê-da” những gì của Xê-da. Nhiệm vụ đối với
Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu
khắc trên đồng tiền là hình của hoàng đế Xê-da, vì thế phải trả lại cho ông ta.
Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn
phải được trả về cho Thiên Chúa.
Xin cho
chúng ta biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên
Chúa nên hãy ngoan ngoãn vâng lời và làm theo những gì Ngài truyền
dạy. Điều quan trọng là lo chu toàn tốt bổn phận tôn thờ Thiên Chúa; đồng
thời cũng không quên bổn phận đóng góp công sức tiền của để xây dựng GH và xã
hội trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên người công dân tốt và người
Kitô hữu trưởng thành.
Thứ tư: Mc 12,18-27.
Suy niệm 1:
Đa phần con người
tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau. Nhưng cũng phần lớn cho rằng sự sống
đời sau cũng giống như sự sống đời này. Còn quan niệm người Kitô hữu chúng ta
thế nào về vấn đề này? Đó là điều mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm
nay. Chúng ta lắng nghe lời Chúa dạy để có quan niệm đúng đắn hơn trong vấn đề
này.
Thời Chúa Giêsu
có khá nhiều nhóm: Pharisêu, Biệt phái, Hêrôđê và Saduceo. Mỗi nhóm theo đuổi 1
lý tưởng khác nhau, và cũng có những quan niệm khác biệt. Nhóm Saducêo mà Tin
mừng hôm nay nhắc đến không tin vào sự sống lại giống như những người theo duy
vật chủ nghĩa thời nay. Do đó họ tìm mọi cách để đối chất với Chúa Giêsu
nhằm hạ nhục và loại trừ quan niệm vào sự sống lại mà Chúa Giêsu rao giảng. Họ đặt
ra 1 câu chuyện lố bịch về 1 gia đình có 7 người anh em. Theo luật Môisen thì
nếu người anh lớn cưới vợ mà chẳng may chết đi không con, thì người em phải
cưới lấy người vợ góa đó, để sinh con nối dõi tông đường. Vậy có cả thảy 7
người anh em cùng cưới 1 bà vợ. Nhưng lần lượt cả thảy 7 người anh em đó đều
chết đi và không con. Cuối cùng người vợ góa đó cũng chết. Vậy nếu có sự sống
lại thì ai sẽ là người chồng của chị ta?
Tình thế họ đặt
ra xem ra rất hóc búa, nhưng Chúa Giêsu đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh đoạn
nói về Môisen diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai cháy sáng, để minh chứng cho
biết: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ
sống”. Bởi lẽ Người là “Thiên Chúa hằng hữu”. Thứ hai sự
sống mai sau là sự sống vĩnh cửu nên không còn phải lấy vợ cưới chồng để duy
trì giống nòi nữa. Thứ ba tình trạng sự sống mai sau không giống như sự sống
trần gian mà như các Thiên Thần. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu đã làm
cho họ phải câm miệng không còn vênh váo, khoát lát nữa.
Trong cuộc sống trần
gian này mỗi người có cái nhìn khác nhau nên đưa đến những quan niệm niềm tin
khác nhau. Do đó cần tránh thái độ kiêu căng xem thường quan niệm niềm tin của
người khác; trái lại phải tìm cách dung hòa trong tinh thần tôn trọng những
khác biệt. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin tưởng vào Lời Chúa dạy và GH
hướng dẫn nên phải xác tín vững chắc vào sự sống lại và sự thưởng phạt đời sau.
Xin cho chúng ta
luôn biết gắn kết với Chúa trong lời cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và
kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nhất là khiêm tốn lắng nghe và thực
thi lời Chúa trong việc trung thành sống giới luật yêu thương mà Chúa chỉ dạy.
Nhờ đó ta mới có thể hưởng được tình trạng hạnh phúc viên mãn như các Thiên
Thần mai này.
Suy niệm 2:
GÓC KINH THÁNH: CHIẾU BÍ
Nguyễn Trung Tây
Có những người không
tin vào cuộc sống đời sau. Đối với họ, chết là chấm hết. Nhắm mắt nằm xuống,
xác thân trở về đất đen. Bởi không tin vào thế giới siêu hình, họ không tin vào
đời sống thiên đàng và sự hiện hữu của thiên thần. Đọc tới những hàng chữ này,
có một số độc giả nghĩ tôi đang nói tới những người theo chủ nghĩa vô thần. Không!
Không phải! Thật sự ra tôi đang nói tới những người giáo phái Sadducee
(Sa-đu-si), thuộc giới thượng lưu trí thức trong xã hội Do Thái. Bởi họ không
tin vào sự sống lại, họ mang bàn cờ tướng đến sân Đền Thờ, âm mưu (?) dự tính
(?) chiếu bí Đức Giêsu.
Nước cờ đầu tiên họ
đưa ra là,
- Có bẩy
anh em trai… Người anh trai cả lấy vợ. Nhưng rất tiếc, anh ta chết đi, để lại
bà vợ với không một mụn con.”
Đức Giêsu nhìn nước cờ
đối phương, yên lặng, chờ đợi. Nhìn khuôn mặt Đức Giêsu, ông Saducee đo lường
tình thế, rồi đi nước cờ kế,
- Người
em trai, theo phong tục, cưới người chị dâu (để nối tiếp dòng họ)… Nhưng rất tiếc,
anh ta cũng chết, để lại bà vợ với không một mụn con.
Đức Giêsu trầm tĩnh,
hơi thở điều hòa, chờ đợi giây phút. Ông Sadducee cười, nụ cười khó hiểu trong
khi nhấc tay đi thêm một nước cờ, lần này, rõ ràng ông ra chiêu độc,
- Và cứ
thế, bẩy người anh em đều lấy chung một bà vợ, bẩy người đều chết, nhưng không
để lại được một mụn con nào… Và sau cùng, người đàn bà cũng chết.
Đức Giêsu biết giây phút
đã tới khi ông Sadducee nhấc con cờ, đi nước chiếu bí,
- Thưa
Thầy, vào ngày "sống lại," người đàn bà này sẽ là vợ của ai trong số
bẩy người anh em đó?
Ơi tuyệt vời! Nước cờ
chiếu bí. Những ông Sadducee có lẽ đang ngồi rung đùi, vuốt râu chờ đợi giây
phút… Nhưng đời có những chuyện không ai ngờ, Đức Giêsu khoan thai chậm rãi đi
nước cờ của Ngài, và Ngài nói rõ, rất rõ,
- Sao
mà dốt thế! Chỉ có ở đời này, người ta mới lấy vợ lấy chồng. Còn ở thiên đàng,
người ta không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng. Khi đó người ta trở nên giống như
các thiên thần. Đã hiểu chửa?
Vậy là xong một ván cờ
chiếu bí.
Suy Niệm
Có đời sau hay không?
Có thiên thần hay không? Đức Giêsu đã trả lời rõ. Qua câu trả lời của Con Trời,
trần gian hiểu thêm một điều: “Cuộc sống trần gian khác với cuộc sống thiên
đàng; và ngôn ngữ trần gian không có khả năng diễn tả đời sống cõi sau.”
Ơi, cuộc sống... Sinh
ra phận người hạn chế, đôi mắt mù lòa. “Trên đời này có nhiều điều
không hiểu, Càng hiểu không ra lúc cuối đời!” (Mai Thảo). Nhưng cuộc sống đời sau là một thực thể. Bởi tôi tin
vào cuộc sống đời sau, tôi sẽ sống khác, khác rõ ràng tựa âm phủ khác với dương
gian.
Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin cho con
thấy!
Thứ năm: Mc 12,
28b-34.
Cốt lõi của đạo
Công giáo là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người ki-tô
hữu. Bác ái là dấu chứng để người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô,
là ngôn ngữ cao trọng của loài người và của các Thiên Thần; Bác ái cũng chính
là ngôn ngữ độc nhất tồn tại mãi trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta
biết giá trị cao quý của Bác ái để nỗ lực thi hành trong đời sống hàng ngày hầu
xứng danh là môn đệ Chúa Ki-tô.
Sống trong xã hội
Do Thái thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, khiến cho dân chúng không
còn phân biệt đâu là điều chính, đâu là điều phụ. Vì thế, mà tin mừng hôm nay
cho biết có một người trong nhóm Luật sĩ tới hỏi thử xem Chúa Giêsu đâu là điều
răn quan trọng nhất?
Thời bấy giờ
trong đất nước Do Thái có nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm lại đề cao một số
luật lệ. Có lẽ, nhân cơ hội này họ cũng muốn thử xem Chúa Giêsu đứng về phe
nhóm nào? Và qua cách thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về
Thánh Kinh và Luật Lệ của Chúa Giêsu ở mức độ nào?
Chúa Giêsu trích
dẫn hai câu Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách
Lê-vi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng,
hết linh hồn và hết sức lực ngươi”, đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều
luật thứ hai cũng quan trọng không kém đó là: “Ngươi phải yêu thương
người tha nhân như chính mình ngươi” để trả lời cho họ.
1. Yêu mến Chúa:
- Hết
lòng: Nghĩa là ta phải yêu Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng.
Yêu hết lòng cũng có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ
thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy
sinh vẫn chấp nhận.
- Hết linh
hồn: Nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng
linh hồn Chúa ban: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu
mù quáng.
2. Yêu thương
người:
- Tha nhân là ai?
Theo quan niệm
Cựu ước tha nhân chỉ có nghĩa là người gần gũi với mình về huyết thống và chủng
tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây phải hiểu là hết mọi người,
không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ...bạn hay là thù…
- Như chính mình
là sao?
Không có nghĩa là
ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải
đối xử với kẻ khác cùng một mức độ “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là
một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn
cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên
đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
* Mến Chúa và yêu
người, đó là hai mặt của một tình yêu. Giống như đồng tiền hai mặt, hay như cây
thập giá có chiều ngang dọc nếu bỏ đi một mặt hay một chiều thì cũng đồng nghĩa
là bỏ đi tất cả.
Xin Chúa cho
chúng ta biết sống trọn vẹn điều luật tình yêu Chúa dạy bằng cách đặt Chúa vào
vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời của ta và luôn biết đối xử với tha nhân
bằng tình yêu chân thành như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực hiện được
như thế chúng ta mới xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và xứng đáng
đón nhận phần thưởng nước trời.
Suy niệm 2:
Thật
hay và ý nghĩa khi dùng hình ảnh hai chiều ngang dọc của cây thánh giá để diễn
tả hai giới răn mến Chúa yêu người liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi trở nên
một giới răn duy nhất. Tuy rằng có hai chiều dọc ngang nhưng cây thánh giá chỉ
có một. Và phải có đủ hai chiều mới là thánh giá. Các kinh sư và phần đông tín
hữu muốn tách bạch: mến Chúa trước, yêu người sau.
Thực
ra, một khi phân biệt và xếp đặt theo thứ tự đó, người ta sẽ chẳng bao giờ thực
hành điều răn thứ hai là yêu người. Đối với Đức Giê-su, hai giới luật tình yêu
và với hai đối tượng khác nhau: Thiên Chúa và đồng loại, nhưng khi thực hành,
hai giới răn ấy chỉ là một. Hễ ai mến Chúa thì tình yêu ấy sẽ thôi thúc yêu
thương đồng loại. Ngược lại không yêu thương anh em mình thì không thể nhìn
nhận và yêu mến Thiên Chúa được, vì mọi hành động bác ái đều dẫn đến gặp gỡ
Ngài.
Mời Bạn: Câu
nói “con tim có lý lẽ của nó” thường được viện dẫn để duy trì tình yêu. Vậy con
tim của bạn có thứ lý lẽ nào? Phải chăng mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người
như Chúa yêu là lý lẽ của con tim bạn?
Chia sẻ: Làm
việc từ thiện (xã hội) và bác ái Ki-tô giáo khác nhau ở điểm nào?
Sống Lời
Chúa: Chọn làm một việc hay nói một lời bác ái với
người chung quanh.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi thí
mạng sống mình, xin Chúa đong đầy trái tim chúng con bằng chính tình yêu của
Chúa để con cũng yêu người như Chúa yêu thương con. (St)
Thứ sáu: Mc 12,
35-37
Như chúng ta đều
biết, Tin mừng thánh Marcô là quyển tin mừng ngắn nhất, chỉ
gồm 16 chương; trong khi đó Tin mừng Matthêu chương
28, Luca 24 chương, và Gioan 21 chương. Tuy ngắn nhưng Tin mừng
Marcô lại ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với :
(1) các Thượng
tế, Kinh sư và Kỳ mục về quyền bính của Chúa Giệsu sau khi đánh đuổi những
người buôn bán ra khỏi đền thờ (Mc 11,27-33);
(2) với nhóm Pharisêu
và mấy người thuộc phe Hêrôđê về việc có nên nộp thuế cho Xêda không? (12,
13-17);
(3) với nhóm Xađốc về
kẻ chết sống lại (12, 18-27);
(4) với một vị Kinh
sư về điều răn nào trọng nhất? (12, 28-34);
(5) Và hôm nay là
cuộc tranh luận thứ 5 về vấn đề Đức Kitô và vua Đa vít. (12, 35-37).
Cuộc tranh luận
hôm nay được diễn ra trong đền thờ, trước đám người đông đảo. Vấn đề được đặt
ra là “các Kinh sư nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít”. Đây không
chỉ là quan niệm của các Kinh sư mà còn là quan niệm hầu hết những người Do
Thái thời bấy giờ. Tại sao họ có quan niệm như vậy?
Thưa bởi vì họ
không muốn tin nhận Đấng Kitô là Thiên Chúa. Họ chỉ muốn tin nhận Đấng Kitô
theo nghĩa chính trị, Ngài đến để lãnh đạo dân chúng làm cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.
Bằng việc trích
lại lời của thánh vương Đa-vít nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng
tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới
chân Con.” (Tv 110, 1), Chúa Giêsu minh chứng cho họ thấy, Đấng Kitô
ấy không chỉ là người được sinh ra bởi dòng tộc Đa-vít, mà Đấng ấy còn là Chúa
Thượng của vua Đa-vít nữa. Và Chúa Thượng đó chính là Ngài.
Theo như lời của
thánh vương Đa-vít nói ở trên, ta phải ngầm hiểu rằng bao địch thù là tội lỗi,
ma quỷ và sự chết… phải được đặt dưới chân Ngài qua cuộc khổ nạn và phục sinh,
rồi mới lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Nên Ngài không phải là Đấng Kitô theo
quan niệm chính trị như những Kinh sư đã nói, mà Ngài chính là Thiên Chúa làm
người để cứu độ nhân loại.
Ngày nay vẫn còn
đó nhiều người vẫn quan niệm về một Đức Kitô rất trần tục như các Kinh sư và
nhiều người Do Thái xưa. Họ chỉ xem Ngài như là một thần tượng như bao thần
tượng khác, khá hơn là một siêu nhân, hay một ông thần như bao nhiêu Bụt thần
khác. May mắn thay, chúng ta đã tin nhận Đức Kitô là Chúa Thượng nhưng Người đã
chấp nhận đi qua con đường đau khổ thập giá, con đường của hi sinh tận hiến,
của khiêm tốn phục vụ đến cùng vì yêu thương chúng ta.
Xin cho chúng ta
biết can đảm chọn lựa chọn con đường tình mà Chúa đã đi qua, và hằng vững bước
theo Ngài với niềm tin yêu và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
Thứ bảy: Mc 12,
38-44
Có lẽ hai hình
ảnh đẹp được Chúa Giêsu yêu thích và khen ngợi nức lòng nơi đền thờ khi Ngài
còn ở tại thế, đó là hình ảnh của người thu thuế và người đàn bà góa nghèo.
1. Người
thu thuế khi lên đền thờ cầu nguyện là hình ảnh đẹp. Đẹp bởi tâm tình
thống hối chân thành và thái độ khiêm nhường thẳm sâu: “Đứng xa xa,
không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót
con là kẻ có tội”. Nên khi ra về ông được Chúa tha thứ và trở nên công
chính. Vì “Ai nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được
nhắc lên”.
2. Người
đàn bà góa nghèo bỏ “hai đồng tiền là một phần tư xu” vào
hòm tiền hôm nay. Hình ảnh của bà thật tuyệt đẹp làm Chúa Giêsu phấn khích đến
nỗi đã gọi ngay các môn đệ lại chỉ cho thấy và dạy các ông : “Thầy nói
thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều
hơn hết”. Nết đẹp của bà không đến từ dáng vẻ bên ngoài như những vị
Luật sĩ với những bộ áo thụng đắc tiền, hay bởi có chức cao quyền trọng được
mọi người kính trọng…Nhưng nét đẹp của bà được ẩn bên trong, đó là nét đẹp của
tấm lòng. Một tấm lòng quảng đại, yêu thương cho đi mà không cần tính toán.
Đúng như ông bà ta thường nói: của ít lòng nhiều; giá trị của quà tặng không
tùy thuộc vào số lượng mà là ở tấm lòng.
Việc dâng cúng
của người đàn bà góa nghèo hết sức bé nhỏ, nhưng lại vô cùng to lớn trước mặt Chúa,
vì bà đã cho tất cả những gì bà có, ngay cả hai đồng xu đó chính là thứ nuôi
sống bà “đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Tinh thần cho đi
của bà góa nghèo phải là khuôn mẫu cho tinh thần bác ái người Kitô giáo chúng
ta. Đó là tinh thần vô vị lợi, không màng đến danh lợi, cũng không nhằm phô
trương đánh bóng tên tuổi. Bác ái Kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư
thừa, nhưng là cho đi những gì thiết thân nhất cho đời sống của mình, nhưng lại
là nhu cầu cần thiết nhất của tha nhân.
Thật ra làm bác
ái không khó. Không khó, bởi vì thông thường chúng ta chỉ cho đi những gì dư
thừa. Chúng ta chỉ cần mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi dép… là đủ. Nhưng
thực tế, nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ đồ, hàng
chục đôi giày dép, mà những thứ dư thừa này luôn nằm im trong tủ, không bao giờ
ta sử dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy không khó chút nào, nhưng cho đi
với tình thần bác ái Kitô giáo thì không dễ, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải chia
sẻ những gì chúng ta cần, chứ không phải những gì dư thừa. Tuy nhiên nếu chúng
ta có được niềm tin và tình yêu vào Chúa thì chúng ta sẽ làm được.
Xin cho chúng ta
đừng bao giờ có thái độ trọng phú, khinh bần cũng như đánh giá tha nhân qua
dáng vẻ bên ngoài. Nhưng xin cho chúng ta luôn biết trân quý tấm lòng bên trong
của mỗi con người. Nhất là xin cho chúng ta hằng để tâm giúp đỡ những ai đang
gặp khốn khó, nghèo khổ bằng tinh thần bác ái Kitô giáo chân thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét