CHẦU THÁNH THỂ THÁNG 7
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể, quỳ trước tôn nhan Chúa, chúng con muốn tạm gác lại tất
cả mọi công việc, mọi lo toan cuộc sống mà tận dụng những giây phút ngắn ngủi
quý báo này để được ở bên Chúa và bên nhau, trong một chiều tà của ngày thứ năm
đầu tháng bảy này.
Được
ở bên Chúa tâm hồn chúng con mới cảm thấy thanh thản và an bình. Trong tâm tình
con thảo, chúng con xin dâng lên Chúa lời chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ và yêu
mến.
Lạy Chúa, Họ đạo
chúng con đang chuẩn bị đón ĐGM về để thăm viếng mục vụ và Bí tích Thêm sức cho
một số con em vào Chúa nhật này. Qua Bí tích Thêm sức, các em sẽ lãnh nhận tràn
đầy ơn Chúa Thánh Thần, giúp các em can đảm sống đạo và nhiệt tâm thi hành sứ
vụ loan báo Tin Mừng tình thương cho mọi người, qua cuộc sống thường ngày.
Nhưng để các em
cũng như mỗi chúng con sống và thực thi tốt sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa, thì
chúng con cần phải am hiểu Lời Chúa. Chúa Thánh Thần chính là Thần Chân Lý, là Đấng Khôn Ngoan sẽ khai sáng và hướng dẫn chúng con hiểu được những điều Chúa dạy,
bởi khi xưa Chúa đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải
nói với anh, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự
thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật tòn vẹn.” (Ga 16,12-13).
Vậy giờ đây,
chúng con xin Chúa ban Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, để Người giúp chúng
con hiểu được lời dạy của Chúa.
LỜI
CHÚA: Ga 20,19-23
Vào
chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng
kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh
sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông:
"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh
em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận
lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ
ai, thì người ấy bị cầm giữ." Đó là Lời
Chúa.
SUY
NIỆM:
Khi
nói về Chúa Thánh Thần là ta nghĩ ngay đến 7 ơn cao quý, do CTT ban
tặng trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Đúng là vậy, nhưng chưa
đủ, vì CTT không chỉ ban 7 ơn mà còn vô vàn những ơn khác; cũng không phải lãnh nhận 7 ơn Người ban như là một thủ tục cần phải có trong tiến trình học giáo lý hay theo độ tuổi do GH quy định, mà điều quan trọng nhất là để giúp chúng ta sống niềm tin trưởng thành, ngang qua đời sống chứng nhân và thi hành sứ vụ loan báo niềm vui tin mừng của Chúa trong đời sống hàng
ngày.
Sách
công vụ tông đồ trình thuật cho chúng ta biết, trong ngày lễ ngũ tuần, Thiên
Chúa đã ban Thánh Thần cho các tông đồ. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần hết sức là
mãnh liệt. Người như luồng gió cường tráng, như ngọn lửa cháy bừng bừng. Luồng
gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi tâm hồn các tông đồ
thất học, nhát đảm trở thành những con người khôn ngoan và can đảm. Các ngài đã
mạnh dạn bước ra khỏi căn phòng bị đóng kín vì sợ người Do Thái mà hăng say ra
đi đến với muôn dân để loan báo niềm vui Tin Mừng Phục Sinh. Và các ngài đã làm
nên điều vĩ đại là đã thay đổi cả một thế giới rộng lớn.
Lời
Chúa trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nhấn mạnh đến hai tác động quan
trọng của Chúa Thánh Thần sau khi Người ngự đến trên các tông đồ. Hai tác động
đó là: RA ĐI và THA THỨ.
1.
Thứ nhất RA ĐI: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Nhận
lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động.
Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa
thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa
nhà ra đến đó. Mở ra để đón lấy những luồng gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận
mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người.
Một
cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy
hướng về bản thân chẳng khác nào một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ làm cho ta
nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là
đi đến những địa chỉ do Thánh Thần muốn. Những địa chỉ đó là “loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho
người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một
năm hồng ân của Thiên Chúa." (Lc 4,18-19). Nghĩa là chúng ta hãy để
Chúa Thánh Thần mở tung cánh cửa ích kỷ để chúng ta biết sống tình hiệp thông
và chia sẻ bác ái với mọi người trong môi trường mà mình đang hiện diện.
2. Thứ hai YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ: “Anh
em tha tội cho ai thì người ấy được tha”.
Tha
thứ, hoà giải và yêu thương luôn là một vấn đề lớn của thế giới, của gia
đình, của từng người. Những, chia rẽ, xung khắc hầu như đang xảy ra
từng ngày trong cuộc sống con người. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta lại loại
trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Trong
cõi đời này, không ai là một hòn đảo, do đó ta không thể sống một mình mà
rất cần sống với người khác, bởi sống chung là một nhu cầu. Cho nên, việc tha
thứ, hoà giải yêu thương là vô cùng cần thiết.
Hoà
giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó
làm. Vì con người đầy tự ái và tự mãn. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít ai đủ can
đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế,
việc hoà giải phải cần đến ơn ban của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ
giúp ta nghĩ đến:
-
Ơn gọi của bí tích Rửa Tội. Nhờ và qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở
nên con cái của Chúa và là anh với nhau. Chúng ta có chung một người Cha là
Thiên Chúa trong tình liên đới đức tin. Bởi thế, mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha là
chúng ta được mời gọi sống tình hiệp thông tha thứ: "Lạy Cha chúng
con ở trên trời”.
-
Lời mời gọi trở nên hoàn thiện: “Anh em hãy nên hoàn
thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48). Nhân gian thường hay
phân biệt hai loại người sau đây: người hiền nhân quân tử và kẻ tiểu nhân.
Trong xã hội Nho giáo, người hiền nhân quân tử luôn được đề cao, và được xem là
bậc thầy mẫu mực cho lối sống xã hội; còn kẻ tiểu nhân bị xem là những người
tầm thường, kém cõi, đáng khinh bỉ. Những kẻ tiểu nhân thì hay hành động nóng vội,
thiếu suy nghĩ, không có khả làm chủ được cảm xúc của mình. Trong khi người
hiền nhân quân tử thì sâu sắc, hiểu biết, khôn ngoan nên có lối sống quân bình,
bao dung và dễ tha thứ. Nên mới được xem là bậc trượng phu, anh hùng :
Đấng trượng phu
đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng
đừng oán mới hay.
Tha
thứ là chiến thắng được bản tính tự nhiên của phần con để bước vào thế giới
siêu nhiên của phần người. Kinh nghiệm cho thấy tự thân con người chúng ta
không thể nào thắng vượt được những xu hướng tự nhiên của phần con, nhưng với
ơn ban và sức mạnh của Chúa Thánh Thần thì ta sẽ dễ dàng vượt thắng.
- Tình yêu của
Chúa dành cho ta: “Không có tình yêu nào
cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu
của mình” (Ga 15,13). Hãy lặng thinh, nhìn lên và
chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Vì yêu thương nhân loại chúng
ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận đón lấy cái chết đau thương trên thập giá
vì tội lỗi chúng ta. Trên thập giá, Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho
những kẻ xỉ nhục, làm khổ và giết hại Người mà không hề oàn giận một ai. Lòng
tha thứ của Ngài quả là kỳ diệu.
-
Tha thứ để được thứ tha: Chúa Giê-su cho chúng ta
biết Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta tuỳ vào thái độ của chúng ta đối xử với
tha nhân. Vậy nếu “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại
cho anh em bằng đấu ấy”. Cụ qua lời Kinh lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng
ta cầu nguyện như sau: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ
có nợ chúng con”.
Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi trao ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại Chúa hằng muốn chúng con ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà canh tân và đổi mới đời sống. Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn để CTT xâm nhập vào trong tâm trí chúng con. Nhờ đó chúng con mới có thể can đảm bước ra khỏi căn phòng tăm tối của lòng mình, và hăng hái ra đi đến những vùng ngoại vi để thi sứ vụ loan báo niềm vui tin mừng cứu độ của Chúa cho hết mọi người trong thời đại hôm nay. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét