SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A
Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13, 24-43
Lời Chúa hôm
nay nhấn mạnh đến chân dung đích thực của một vị TC giàu lòng thương xót.
Người là Đấng nhân từ và nhẫn nại với hết mọi người, đặc biệt những ai tội lỗi
biết ăn năn hoán cải là Ngài liên bao dung thứ tha. Mặc dù Người là Đấng quyền
năng nhưng Người lại không dù quyền năng để tiêu diệt và giết chết, trái lại
Người yêu thương bảo vệ và nuôi sống.
Xin Chúa cho
chúng ta luôn biết tin tưởng vào quyền năng của Chúa và biết sống khoan dung,
kiên nhẫn với mọi người như Chúa đã đối xử nhân từ và nhẫn nại với ta.
Bài đọc 1 cho
biết: Thiên Chúa là Đấng có quyền thưởng phạt mọi loài. Nhưng Người rất
khoan dung nhân hậu, kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn để Người tha thứ.
Bài đọc 2 thánh
Phao-lô cho tín hữu Rô-ma biết rằng: Loài người chúng ta hèn mọn và tội
lỗi, nên không biết cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa. Chính Chúa Thánh Thần
sẽ giúp chúng ta cầu nguyện đúng theo ý Chúa muốn.
Suy niệm 1:
Thật-giả,
tốt-xấu; tội lỗi-thánh thiện…ở đâu và thời nào cũng có, lắm khi rất khó phân
biệt. Khi chứng kiến cái xấu, cái ác và sự dối trá ở đời…, ta cảm thấy khó chịu
và muốn loại trừ nó ra khỏi cuộc sống này tức khắc. Nhưng thử hỏi: Thiên Chúa
có cùng quan điểm với chúng ta không? Điều này sẽ được phụng vụ lời Chúa hôm
nay giải đáp cho chúng ta được biết.
“Mỗi ngày có 24
giờ, trong đó có biết bao thay đổi.” Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa (ông chủ
ruộng) đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa tốt cùng
lớn lên và sống bên cạnh nhau mãi cho đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã có lý khi nói: "Thánh nhân là tội nhân biết
ăn năn sám hối.". Mang thân phân con người không ai là vô tội trước Chúa,
bởi lẽ “nhân vô thập toàn”. Nhưng điều quan trọng là khi lầm lỗi ta có
biết ăn năn sám hối hay không? Nếu biết khiêm tốn thành tâm ăn năn sám hối thì
tội nhân cũng sẽ trở thành thánh nhân; và ngược lại chỉ một giây phút nông nổi
làm điều xấu, điều tội là tức khắc sẽ trở thành tội nhân.
Cho nên đừng ai tự hào cho mình là người công chính, vì ta đâu
biết trước được điều gì sẽ xảy đến cho mình. Chính Thánh Phao-lô là vị
tông đồ nhiệt tình của Chúa mà còn phải thừa nhận sự mong manh yếu đuối của
mình như sau: "sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác
tôi không muốn, tôi lại cứ làm" (Rm 8,19).
Tạ ơn Chúa đã "không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng
muốn nó ăn năn sám hối và được sống". Gỉa như
Thiên Chúa chiều ý chúng ta mà tiêu diệt tức khắc những kẻ gian ác, thì thế
gian này chắc chắn sẽ không còn một ai được cứu rỗi, bởi vì “nếu Chúa chấp
tội nào ai rỗi được.” (Tv 130,3). Nhưng thật may mắn, chúng ta
lại có một vị Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, Người không muốn
chúng ta phải chết nên luôn nhân từ và kiên nhẫn trước những lầm lỗi của con
người chúng ta. Người chỉ mong muốn chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những thiếu
sót lầm lỗi của mình mà ăn năm sám hối, biến đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn: “không
muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống.” (Lc
16, 19-31).
Xin Chúa cho
chúng ta cảm nhận được tình thương và lòng nhân từ của Chúa dành cho
mỗi người chúng ta mà thành tâm sám hối. Ước sao những hạt giống tốt lành
do Chúa gieo vãi vào mảnh đất tâm hồn mỗi người chúng ta ngày càng
được lớn mạnh đủ sức loại trừ được những mầm mống cỏ lùng độc hại ra khỏi mảnh
đất tâm hồn mà trỗ sinh nhiều hoa trái thánh thiện, tốt lành dâng kính Chúa và
mang đến lợi ích cho đời, cho người. Amen.
Suy niệm 2:
Lời Chúa hôm nay nói đến dụ ngôn về lúa tốt và cỏ lùng cùng mọc
bên nhau trong cánh đồng. Dụ ngôn cho ta biết ngay trong chính con người
của mỗi chúng ta, cũng như lòng Giáo hội trần gian này lúc nào cũng có kẻ xấu
người tốt; sự thiện và sự ác luôn tồn tại bên nhau. Thực tế cho thấy, người xấu
và điều ác lại hay lấn át người tốt và sự lành.
Vậy chúng ta cần có thái độ nào đối với những người xấu và sự
ác? Câu trả lời là hãy nghe theo lời Chúa dạy để cho cỏ lùng và lúa tốt
cùng mọc lên bên nhau cho đến mùa gặt.
Bài đọc 1, trích sách Khôn ngoan cho ta biết: Dân tộc Do Thái
thường xuyên bị kẻ thù hãm hại, họ nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ dùng sức mạnh của
Người mà tiêu diệt kẻ thù của họ, nhưng Người lại nhân từ với kẻ thù của
họ. Điều này khiến cho họ hiểu lầm rằng Thiên Chúa quá yếu ớt không thể
can thiệp giúp họ. Nhưng họ đâu hiểu rằng, những kẻ thù ấy cũng chính là thụ
tạo của Chúa, nên cũng được Ngài yêu thương. Ngài chỉ dùng sức mạnh và tỏ uy
quyền trên những kẻ nào ngoan cố thôi, còn đối với những ai Ngài có khả năng
hoán cải, thì Ngài lại kiên nhẫn chờ đợi họ ăn năn sám hối để được Người tha
thứ.
Lòng nhân từ và nhẫn nại của Chúa là dấu hiệu nhắc nhở về một
vị Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. “Người chậm bất bình và giàu
lòng khoan dung”, nên Người "không muốn kẻ gian ác
phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". Giá "như
Chúa chấp tội thì nào có ai được rỗi.” (Tv 130,3) Vì
thế mà Chúa mới kiên nhẫn chờ đợi chúng ta là những kẻ
tội lỗi biết ăn năn sám hối để được sống.
Bởi thế, mỗi khi đối diện với sự dữ, sự ác, chúng ta cũng đừng quá
thất vọng nản chí mà nguyền rủa, nhưng hãy tích cực thắp lên ánh sáng của điều
thiện, điều lành để đẩy lùi bóng tối của sự dữ, sự ác ra khỏi ra khỏi môi
trường sống của chúng ta; ta cũng đừng quá nóng vội loại trừ những người tội
lỗi, xấu xa ra khỏi thế giới này nhưng hãy nêu gương Chúa kiên nhẫn, bao dung
với những ai lầm lỗi, nhằm tạo cơ hội cho họ được trở về nẻo chính đường ngay,
làm lại cuộc đời.
Sống được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành những môn đệ
đích thực của Chúa Kitô, bởi trong ta đang mang con tim mình dòng máu nhân lành
và bao dung của Chúa, Đấng chúng ta yêu mến và tôn thờ.
* Đức Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình, cha Ngài là
ông Giuse làm nghề thợ mộc và mẹ Ngài là Đức Maria làm nghề nội trợ. Tuy nhiên,
Đức Giêsu lại có cảm tình và hiểu khá rõ về nghề nông, cho nên trong khi thi
hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Đức Giêsu đã dùng khá nhiều hình ảnh liên quan
đến nhà nông để nói đến những giá trị thiêng liêng và mạc khải về mầu nhiệm nước
trời.
Cụ thể xuyên suốt
trong 3 tuần qua, Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, gắn
liền với đời sống của người nông dân để nói đến những sứ điệp quan trọng.
- Chúa nhật 14
thường niên, lời Chúa gợi lên hình ảnh của “ách và gánh” để nói đến những
nỗi, nhọc nhằn vất vã trong những bổn phận hàng ngày. Trước những nỗi nhọc nhằn
vất vã đó, Chúa không hứa sẽ cất khỏi cuộc đời chúng ta và cũng không muốn
chúng ta khướt từ, chối bỏ nhưng Người lại mời gọi chúng ta đón nhận nó với một
tình thần mới. Đó là hãy đến với Ngài và học nơi Ngài; hãy đến với Ngài để Ngài
nâng đỡ và bổ sức cho. Nhờ gắn kết với Chúa nguồn sức mạnh thiêng liêng, ta sẽ
cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải gánh vác những bổn phận hàng ngày với bản thân,
gia đình, xã hội…theo thánh ý Chúa và mong muốn của GH.
- Chúa nhật 15
thường niên, lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy tư về hình ảnh
của người nông phu ra đi gieo giống. Người nông phu ấy ra đi và gieo vãi những
hạt giống vào mọi mảnh đất, dẫu cho đó là loại đất vệ đường, sỏi đá hay gai
gốc, người nông phu ấy vẫn cứ gieo vào. Người nông phu đó chính là Thiên Chúa.
Hạt giống ấy là Lời Chúa và những mảnh ruộng ấy chính là tâm hồn của mỗi chúng
ta. Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại gieo vãi lời Người vào mọi tâm
hồn con người, bất luận tốt hay xấu. Nhưng Ngài luôn hy vọng trong nhiều
tâm hồn ấy, có được những tâm hồn thanh sạch, tốt lành sẵn sàng đón nhận hạt
giống Lời Ngài, nhờ đó mà hạt giống ấy có cơ may đâm chồi nẩy lộc, lớn lên và
sinh thật nhiều bông hạt: 30, 60 và 100.
- Chúa nhật 16
thường niên này, lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy nghĩ về hai
hình ảnh cỏ lùng và lúa. Ông chủ ruộng là Thiên Chúa lúc nào Người cũng gieo
vào mảnh đất tâm hồn ta và trần gian này những hạt lúa tốt; trái lại kẻ thù là
ma quỷ thì lại luôn gieo vào đó mầm mống cỏ lùng độc hại là sự dữ, điều tội. Tự
nhiên, ai trong chúng ta cũng ghét điều xấu, sự tội và tìm cách loại trừ nó ra
cuộc sống này; chẳng những chúng ta muốn loại trừ mà còn mong muốn Thiên Chúa
ra tay trừng phạt cái xấu, người ác ra khỏi cuộc đời tức khắc. Nhưng Thiên Chúa
hình như không chiều theo ý của chúng ta, Nên Người nhẫn nại và bao dung với
những người xấu. Đó là điều phải lẽ, vì “nếu như Ngài chấp tội, nào có
ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). Thiên Chúa mà chiều
theo ý ta trừng phạt kẻ gian ác thì có lẽ thế giới này sẽ chẳng còn một ai được
sống, bởi lẽ không ai trong chúng ta là vô tội trước mặt Chúa cả. Tạ
ơn "Chúa lại rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv
130,4), nhờ thế ta mới có cơ hội ăn năn sám hối để được Chúa tha thứ mà
đón nhận ơn cứu chuộc của Người.
Suy niệm 3: HAI ĐẠO QUÂN. Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
Tin
mừng hôm nay cho thấy trần gian như một thửa ruộng lớn, trong đó có cả lúa tốt
xen lẫn với cỏ lùng.
Khi
đến trần gian, Chúa Giê-su hoạt động như một người nông dân cần cù gieo hạt.
Ngài liên tục gieo vào cánh đồng trần gian những hạt giống tốt như tình yêu
thương, thuận hoà, tinh thần hy sinh phục vụ… nhằm xây dựng thế giới nầy thành
một đại gia đình hoà bình, yêu thương và hạnh phúc. Ngài kêu gọi nhiều người
khác đầu quân vào đạo binh của Ngài, để cùng với Ngài gieo vãi những hạt giống
tốt lành khắp cánh đồng trần gian.
Trong
lúc đó, Sa-tan lại là một thủ lãnh đáng gờm, nó cùng với đội quân hùng hậu của
nó cũng hăng hái tung vào thế gian này vô vàn hạt “cỏ lùng” độc hại, nhằm biến
thế giới nầy thành chốn đau thương, chia rẽ, hận thù và huỷ diệt.
Sa-tan
và đội quân của nó tìm mọi cách để xoá bỏ điều thiện, dập tắt ánh sáng, hòng
tôn vinh cái ác lên ngôi và làm cho bóng tối lầm lạc vây phủ vào tâm hồn mọi
người. Một khi con người bị đặt dưới quyền thống trị của điều ác thì nhân loại
sẽ điêu tàn; một khi tâm trí con người bị bóng tối bao phủ, thì họ sẽ sa vào hố
sâu của tội lỗi và khổ đau.
Xã
hội hôm nay có nhiều dấu hiệu cho thấy đạo quân của Sa-tan đang thắng thế và
gây ra nhiều hậu quả thảm khốc, đó là: Nếp sống đạo đức đang suy thoái trầm
trọng, nạn ly dị gia tăng, hôn nhân đồng tính đang được hợp pháp hoá tại một số
quốc gia, nạn phá thai xảy ra đến mức báo động, các án mạng thường xuyên xảy ra
với mức độ tàn nhẫn tăng dần, nhiều người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, danh dự,
nhân phẩm của mình chỉ vì tham tiền nên tệ nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi…
Đối
lại, Thiên Chúa và đoàn con cái của Ngài luôn cố công vun đắp điều thiện và xua
trừ điều ác; cố gắng khơi lên ánh sáng và tìm cách đẩy lùi bóng tối… nhằm cứu
thoát con người khỏi những thảm hoạ do Sa-tan và đạo quân của nó gây ra.
Trước
thực trạng đau lòng nầy, vấn đề quan trọng mà mỗi người chúng ta cần đặt ra cho
mình là: hiện thời chúng ta đang đầu quân cho ai?
Khi
người cha chẳng lo làm việc bổn phận gia đình mà cứ nhậu nhẹt say sưa, văng tục
chửi thề, ham mê chạy theo những giá trị trần gian mà không quan tâm đến đời
sống đạo; hoặc khi người mẹ lười biếng, ham mê bài bạc, không quan tâm đến việc
hướng dẫn và giáo dục con cái học hỏi giáo lý và sống đức tin… là họ đang trở
thành chiến binh của Sa-tan, tiếp tay với nó để gieo vãi những hạt giống xấu,
làm hư hỏng con cái mình và phá hoại hạnh phúc gia đình.
Chúa
là Đấng gieo hạt giống của hoà bình và yêu thương vào trong thế gian này, và
Chúa tha kêu mời chúng ta tiếp nối sứ mạng cao quý ấy của Người mà gieo hạt
giống niềm vui Tin mừng của Người khắp muôn nơi.
Xin cho chúng ta trở nên những chiến sĩ nhiệt
thành của Chúa, tích cực cộng tác với Chúa gieo rắc Tin mừng tình thương của
Chúa đến mọi nơi; xin Chúa đừng để cho chúng ta trở thành chiến binh của Sa-tan
mà gieo rắc những hạt giống độc hại vào trong cuộc sống này sẽ làm hư hỏng gia
đình, suy đồi xã hội và bất an cho mọi người. Amen.
Thứ hai: Mt 12,
38-42.
Kinh nghiệm cho
thấy: "Người buồn cảnh có vui bao giờ". Việc thay đổi con
người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi tận
cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn.
Mặc dù chứng kiến
bao là phép lạ Chúa Giêsu đã làm; mặc dù đã nhiều lần vỗ tay ca ngợi những lời
hay ý đẹp của Chúa Giêsu, nhưng rốt cùng nhiều người Do Thái, đặc biệt là nhóm
người Pha-ri-sêu và Biệt phái vẫn không tin.
Như hết cách,
Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng
xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông
Gio-na”. Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng lại hai câu
chuyện ngày xưa với hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
- Nhắc lại chuyện
Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao
giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành, từ vua đến dân, từ già đến
trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa.
Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona. Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao
giảng, vậy mà họ lại không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn!
- Nhắc lại câu
chuyện nữ hoàng Phương nam vượt đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém
đến để diện kiến vị vua khôn ngoan là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng
cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua. Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa,
vì Người chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua.
Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau lòng!
Chính lòng tự mãn
làm cho họ trở nên mù quáng nên đã làm hỏng hết mọi ơn phúc, vì thế không còn
cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta
đừng như thế hệ Do Thái xưa, mù quáng và tự mãn. Nhưng hãy trở nên giống dân
thành Ninivê và nữ hoàng Phương nam có cái nhìn ngay chính để nhận ra chân lý
mà theo đuổi; cũng như biết khiêm tốn nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu
sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi
đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Suy
niệm 2: THÁCH THỨC
“Chúng
tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”.
Một
thiếu nữ đến gặp một linh mục, đặt một câu hỏi đầy thách đố, “Xin cha cho biết
sống đời dâng hiến là gì?”. Đầy thách thức, vị linh mục đưa ra một tờ giấy
trắng và nói, “Đó là ký tên bên dưới và để cho Chúa điền vào bên trên bất cứ
điều gì Ngài muốn!”.
Kính
thưa Anh Chị em,
Liệu
không biết thiếu nữ kia có ký bên dưới tờ giấy hay không, nhưng sự thật là, con
người luôn muốn ‘thách thức’ Thiên Chúa! Đó là một sự thật khó tin; nhưng điều
khó tin hơn là, Thiên Chúa luôn chiều con người. Hai bài đọc hôm nay sẽ cho
thấy điều đó.
Sách
Xuất Hành kể chuyện con cái Israel ‘thách thức’ Thiên Chúa và Môisen. Sau 430
năm đậu nhờ đất khách quê người, đất mà dường như Israel chỉ hạnh phúc vỏn vẹn
hơn kém ‘30 năm lẻ’, để 400 năm còn lại hầu như là nô dịch; nhưng cuối cùng,
cũng được giải thoát. Ấy thế, vừa ra khỏi đó, dân ‘thách thức’ Chúa và tôi tớ
Ngài, “Ở Ai Cập không đủ đất để chôn chúng tôi sao?”; hoặc đau đớn hơn, “Hãy
mặc chúng tôi làm nô lệ cho Ai Cập!”. Một nhà thần học nói, “Chỉ cần 4 ngày,
Israel ra khỏi Ai Cập; nhưng phải đợi đến 40 năm, Thiên Chúa mới có thể lấy ‘Ai
Cập’ ra khỏi lòng nó!”. Môisen trấn an, “Đừng sợ! Chúa sẽ chiến đấu cho anh
em!”. Và quả Ngài đã chiến đấu thật; người Ai Cập chìm lỉm như chì giữa biển
Sậy, để Israel có thể cất lên, “Nào ta hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng!” như
thánh ca Xuất Hành chúc khen.
Xu
hướng ‘thách thức’ đó, một lần nữa, lộ rõ trong bài Tin Mừng khi một nhóm luật
sĩ, biệt phái kéo đến thưa Chúa Giêsu, “Chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu
lạ!”. Quan hệ của họ với Chúa Giêsu là quan hệ một chiều; nếu Ngài muốn có sự
tôn trọng, hãy làm theo ý họ. Lòng kiêu hãnh của họ đã đưa ra những yêu sách mà
họ nghĩ là bất khả thi đối với Ngài, và nó sẽ không được thoả mãn cho đến khi
được đáp ứng! Kiêu hãnh là nguyên nhân của bao chia rẽ, oán hận và cay đắng
trong các mối quan hệ. Bài học ở đây là, thay vì ‘thách thức’ Thiên Chúa, bạn
và tôi hãy để Ngài ‘thách thức’ mình; chính những ‘thách thức’ đối với bản thân
lại là nhân tố để mỗi người có thể lớn lên trong khiêm nhường, vị tha và thống
hối.
Anh
Chị em,
“Chúng
tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ!”. Hãy thôi ‘thách đố’ Thiên Chúa, hãy thôi
than trách Ngài; nhưng vững tin! Ngài là Cha chúng ta, Đấng luôn làm những điều
khó tin để chúng ta hiểu Ngài hơn. Và gì nữa? Hãy bắt đầu bằng sự ăn năn chứ
không bằng những thách đố. Khi tôi ăn năn, tôi tin nhận Giêsu, Đấng Ngài sai
đến, Đấng xứng với tất cả tình yêu của tôi. Tôi cảm thấy hối hận vì đã yêu Ngài
quá ít hoặc đã xúc phạm Ngài quá nhiều. Sự thống hối tràn đầy tình yêu bao hàm
một sự uốn nắn ý chí của tôi đối với Ngài và đối với người khác. Đây là một
hình thức của tình yêu tự hiến mà tất cả chúng ta có thể đạt được vào bất cứ
thời điểm nào trong đời. Và đó chính là phép lạ mà Thiên Chúa đang ‘thách thức’
bạn và tôi!
Chúng
ta có thể cầu nguyện,
“Lạy
Chúa, chớ gì con dám ký tên bên dưới ‘tờ giấy’ ngày sống của con mỗi ngày, và
Chúa có thể viết bên trên bất cứ điều gì Chúa muốn!”, Amen.
(Lm Minh Anh, Tgp. Huế)
Thứ ba: 2Cr
4,7-15; Mt 20,20-28
Kính Thánh
Gia-cô-bê, tông đồ
Mừng kính Thánh
Gia-cô-bê tông đồ hôm nay, chúng ta cùng nhau liệt kê vài nét chính liên quan
đến con người của thánh nhân mà tin mừng đã nói đến.
-
Thánh Gia-cô-bê là anh ruột của thánh Gio-an, quê ở làng Bết-sai-đa, cùng quê
với Phê-rô và An-rê. Cha ngài là ông Dê-bê-đê làm nghề chài lưới. Mẹ ngài là bà
Sa-lô-mê, một người phụ nữ đạo đức được nhắc trong thánh kinh.
-
Ngài là một trong 4 môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi theo Ngài trên biển
hồ Tê-bê-ri-a. Không ngần ngại do dự, Gia-cô-bê đã lập tức bỏ lại tất cả để đi
theo Chúa.
-
Trong số 12 tông đồ, ngài là một trong ba môn đệ thân tín và gần gũi Chúa Giêsu
nhất. Ngài được diễm phúc chứng kiến Chúa biến hình trên núi Ta-bo, được chứng
kiến Chúa phục sinh con gái ông Gia-ia, được Chúa sai đi sửa soạn bữa tiệc cuối
cùng; ngài cũng được hiện diện cùng với Chúa trong vườn cây dầu và chứng kiến
giây phút sợ hãi nhất của Thầy Giêsu. Nhất là vinh dự được làm tông đồ đầu tiên
hiến mạng sống để làm chứng cho tin mừng.
-
Nhắc đến tông đồ Gia-cô-bê ai trong chúng ta cũng đều nhớ đến hai tính xấu nổi
bật nơi con người ông.
Thứ nhất: ông là một con người nóng tính.
Một
lần Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, vì phải đi ngang qua
Sa-ma-ri-a. Do đường xa nên Chúa Giêsu sai ông cùng Gio-an đi trước để chuẩn bị
chỗ ở. Nhưng những người trong thành quyết liệt từ chối không cho thầy trò nghỉ
trọ. Lý do vì họ không ưa thích người Do Thái. Tông đồ Gia-cô-bê rất tức giận,
nên khi trở lại gặp Chúa Giêsu, ông đã xin Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu
đốt cả dân thành ấy. Nhưng Chúa không làm theo ý của ông. Trái lại Ngài
quở trách ông là "con của sấm sét". Sau đó thầy trò sang đường khác
tiếp tục cuộc hành trình.
Thứ hai: ông là con người đam mê quyền lực.
Mặc
dù Gia-cô-bê đã theo Chúa, được Chúa dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng
trong đầu ông vẫn còn mang nặng đam mê quyền lực.
Do
đó, có lần chính ông và em ông là Gio-an trực tiếp đến xin Chúa Giêsu cho ngồi
hai bên tả hữu khi nào Chúa thành lập nước Người. Điều đáng trách là việc này
xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Thật là quá
đáng! Càng quá đáng hơn khi hai anh em ông nhờ cậy chính người mẹ mình đi
cửa sau để xin Chúa cho hai anh em ông được ngồi vào hai chiếc ghế quyền lực
bên cạnh Chúa, một khi giang sơn thuộc về tay Chúa.
Nhưng với Chúa
Giêsu thì việc phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn mà
phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc tốt, nên
làm. Nhưng nỗ lực tranh đấu để được đứng đầu mà thống trị mọi người, hay
tạo uy thế cho mình nhằm đến tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá
nhân thì quả là điều đáng lên án. Mặc khác cũng cần lưu ý và khiển trách đối
với những ai có lòng ghen tị một khi thấy ai đó tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn
mình, thành công hơn mình là tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… và tìm cách
triệt hạ, bôi nhọ, nói xấu... Hạng người ấy chỉ đáng là kẻ tiểu nhân.
Xin cho chúng ta
biết điều hướng tính nóng của mình không làm điều xấu gây phương hại đến tha
nhân, nhưng biết dùng tính nóng ấy để xả thân làm những việc lành và nhiệt tâm
loan báo tin mừng theo gương thánh Gia-cô-bê tông đồ. Và cũng cho chúng ta
hiểu được: làm lớn không phải là để thống trị hà khắc người khác mà là để phục
vụ cách vô vị lợi trong tinh thần khiêm tốn và yêu mến chân thành. Nhất là đừng
vì lòng ghen tị mà tìm mọi cách để nói xấu, bôi nhọ xúc phạm nhân phẩm đến
người khác, hay dùng thủ đoạn tiểu nhân nhằm triệt hạ uy tín của anh em mình
với ý đồ ngăn cản bước tiến của họ.
* Suy niệm lễ
thường niên: Mt 12, 46-50
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa
ra cho chúng ta biết những điều kiện cơ bản cần thiết để xứng đáng trở nên
thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng ta
trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên liên
hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh
ra trong đức tin. Vì thế, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng
định: thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “làm
theo ý Cha trên trời”.
Nếu điều kiện căn bản để trở
thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống, ta phải lắng
nghe và thi hành điều tốt mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy để
trở thành con ngoan của Thiên Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia
đình thiêng liêng của đức tin, ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa cùng với
sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người
luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời
mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu
trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã chứng minh cho biết đó
là loại máu B. (B là bái ái, bao dung và bình an).
Xin cho chúng ta
mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung với mọi
người và luôn kiến tạo sự bình an cho mình và tha nhân nhờ việc lắng nghe và
thực thi lời dạy của Chúa. Có như vậy ta xứng đáng trở thành người thân của
Chúa trong gia đình thiêng liêng.
Thứ tư: Mt
13,1-9 (Hc 44,1.10-15; Mt 13,16-17)
Nhớ Thánh
Gio-an-kim và An-na; song thân Đức Maria
Nhớ chân phước
An-rê Phú Yên, thầy giảng, bổn mạng các giáo lý viên Việt Nam.
* Suy niệm 1: Mt 13, 16-17
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Gioa-kim và An-na song thân Đức
Maria. Dù rằng chúng ta không biết gì về đời sống của hai ngài. Nhưng với kinh
nghiệm của cha ông ta: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, hay “Cha
nào con nấy”… Nhất là dưới ánh sáng lời Chúa dạy: “Xem quả thì biết
cây”, phần nào chúng ta nhận ra đôi chút về đời sống của hai ngài qua
Đức Maria, người con của hai ngài.
- Đức Maria sẽ không được mọi đời khen ngợi là người phụ nữ diễm
phúc nếu không được cảm nếm niềm hạnh phúc nơi thánh Gio-an-kim và An-na.
- Đức Maria sẽ không được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nếu như tâm hồn
Mẹ không được thánh Gio-an-kim và An-na chuần bị xứng hợp.
- Đức Maria sẽ không có tinh thần âm thầm hy sinh phục vụ nếu như
không nhận thấy đời sống hy sinh phục vụ âm thầm của cha mẹ người.
- Đức Maria sẽ không thể có được tinh thần khiêm hạ, nghèo khó nếu
như không được hấp thụ bởi gương sáng từ cha mẹ.
- Đức Maria sẽ không có được tinh thần vâng phục thánh ý Thiên
Chúa nếu như không được cha mẹ truyền thụ lại một nền tảng đức tin vững chắc.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria giúp cho gia đình chúng
con biết noi gương gia đình thánh Gio-an-kim và An-na, luôn vâng nghe lời Chúa
và Hội thánh; biết loại trừ tính hư tính xấu là cỏ lùng độc hại ra khỏi đời
sống, để những giá trị Tin mừng là lúa tốt được triển nở mạnh mẻ nơi gia đình
chúng con.
Xin cho các bật làm cha mẹ trở thành gương sáng đời sống đức tin
và yêu thương cho con cái như thánh Gio-an-kim và An-na, nhằm góp phần làm cho
mảnh đất tâm hồn nơi con cái trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành.
* Suy niệm 2: Mt 13,16-17
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính thánh Gioakim và thánh Anna,
Song Thân của Đức Maria hôm nay, Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có
phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” (c.16)
Trong bối cảnh phụng vụ, lời này của Đức Giê-su được ứng nghiệm
cho đôi mắt và đôi tai của “ông bà ngoại” của Người, nghĩa là của thánh Gioakim
và của thánh Anna. Tuy nhiên, lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt
và đôi tai của chúng ta.
Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp
đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta
mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi
nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời gọi
nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho
người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng
ta.
Tuy nhiên, ngay trước đó, Đức Giê-su còn nói tới một bệnh mù khác,
một bệnh điếc khác: “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không
hiểu” (c.13). Như thế, mối phúc mà Đức Giê-su nói tới, không chỉ là
khả năng thể lý nhìn thấy sự vật và nghe được âm thanh.
1. Phúc vì được thấy
Thật vậy, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không
phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra
những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không
chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ,
nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên
chính Đấng tạo dựng.
Và nhất là khi nhìn thấy một người, đôi mắt của chúng ta không
được dừng lại ở vẻ bề ngoài, ở ngoại hình, ở trang phục, không được coi người
người này là đối tượng để mình thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ham muốn; nhưng
đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhìn người khác trong sự thật, nghĩa là người
đó là một ngôi vị tự do và có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những
vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng; nếu sự thật là người ấy có
những hành vi phạm lỗi đáng lên án, thì chúng ta được mời gọi nhận ra một sự
thật khác lớn hơn: người ấy còn là một ngôi vị bất hạnh đang đau khổ, và có khi
người này ở trong bất hạnh mà không biết. Đó là cái nhìn của Người Cha nhân hậu
đối với người con hoang đàng, đó là cái nhìn của Đức Giê-su về người phụ nữ
ngoại tình, đó là cái nhìn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta,
với từng người chúng ta.
Đôi mắt của thánh Gioakim và thánh Anna, đôi mắt của các môn đệ và
đôi mắt của chúng ta thật là có phúc, như Đức Giê-su nói: “Còn anh em,
mắt anh em thật có phúc vì được thấy”, bởi vì chúng ta được ơn nhận biết
Đức Giê-su Nazareth là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống và Ngôi Lời nhập
thể. Đôi mắt có phúc là đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; và đôi mắt nhận
biết Đức Giê-su Ki-tô là đôi mắt sống đúng với ơn gọi của mình.
2. Phúc vì được nghe
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được
ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra
sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt
cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi
vì “Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3 và St 1):
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2).
Thế mà ý nghĩa và sứ điệp, được tạo ra bởi sự liên kết hài hòa
theo qui luật giữa các âm thanh, thì hoàn toàn thinh lặng, không có tiếng động.
Thiên Chúa nói với con người qua rất nhiều lời nói: lời trong Kinh Thánh, lời
từ các chứng nhân của Thiên Chúa, nhưng chính Đức Giêsu Nazareth, Ngôi Lời
Thiên Chúa làm nên sự hợp nhất của những lời nói cụ thể này. Như thế, Ngôi Lời
không làm cho bất cứ đôi tai nào rung lên, Ngôi Lời chỉ được thốt lên và chỉ
được nghe trong thinh lặng. Thiên Chúa ngỏ sự thinh lặng của Ngôi Lời cho người
biết lắng nghe:
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. (Tv 19, 4-5)
3. Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa
Thánh Phao-lô trong thư gởi Tín Hữu Roma đã trích Tv 19, nhưng một
cách rất lạ lùng. Bởi vì, đối với thánh nhân “Tiếng vang đã dội khắp
hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.” (Tv 19, 5)
không là gì khác hơn là việc rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô! Thật vậy,
ngài đã viết trong thư gởi các tín hữu Roma:
Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời
Đức Ki-tô. Nhưng tôi xin hỏi: Phải chăng họ đã không được nghe giảng?
Có chứ!
“Tiếng các ngài đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi
tới chân trời góc biển”. (Rm 10, 17-18)
Theo thánh Phao-lô, sứ điệp của công trình tạo dựng và sứ điệp của
các tác viên Tin Mừng là cùng một sứ điệp, đó là sứ điệp “Đức Giê-su Ki-tô,
Ngôi Lời Thiên Chúa”. Như thế, điều mà thánh Phaolô cảm nhận thì thật là lạ
lùng! Trình thuật, lời công bố và sứ điệp, vốn là lời sáng tạo như là chúng ta
nghe được trong sự thinh lặng của Ngôi Lời, nay bỗng dưng vang vọng trong miệng
của thánh nhân, cũng như trong miệng của mọi tác viên loan báo Tin Mừng, trong
đó có chúng ta hôm nay.
Như thế, nếu chúng ta nghe ra sứ điệp được truyền đạt “ngày này
cho ngày kia” và “đêm này cho đêm kia” kể từ khởi nguyên của thế giới sáng tạo,
chúng ta sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Và ngược lại, nếu
chúng ta đón nhận sứ điệp Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ nghe được sứ
điệp của ngày và đêm. Bởi lẽ, cả hai, công trình sáng tạo và Tin Mừng Đức
Giê-su Ki-tô, có cùng một nội dung, đó là Ngôi Lời Thiên Chúa; và
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì
chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,3)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
* Suy niệm mùa
thường niên: Mt 13,1-9
Chúa Giêsu thường
dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc
sống. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo
hạt giống.
Với hình ảnh
người ra đi gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một
vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu,
dẫu biết rằng những nơi ấy có thể không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi
trường mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con
người. Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có
loại sỏi đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống Lời
Chúa thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt. Người gieo
vãi hạt giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính
toán. Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để
tiếp nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi
người chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Thì giờ đây ta cần xét xem mảnh đất tâm hồn của
ta là loại đất nào?
Nếu
tâm hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản
thân theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng
vệ đường.
Nếu
tâm hồn chúng ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẻ đánh mất
tình hiệp thông với tha nhân thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai
gốc.
Nếu
tâm hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha
nhân là mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
Xin
Chúa cho mảnh đất tâm hồn của chúng con được nên màu mở để hạt giống Lời Chúa
gieo vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững mạnh và sinh được nhiều bông
hạt tốt tươi qua những việc làm tốt lành của chúng con.
Thứ năm: Mt 13,
10-17
Khi muốn nói điều
gì khó nói, người ta hay dùng cách ví von.
Khi muốn thổ lộ
tâm tình sâu kín, người ta hay nhờ đến câu chuyện.
Khi muốn diễn tả
chân lý tròn đầy, Chúa Giêsu lại dùng đến dụ ngôn.
Dụ ngôn chính là
cách diễn đạt chân lý về "mầu nhiệm nước trời" dễ hiểu nhất.
Do dụ ngôn mang ý
tưởng so sánh và diễn đạt khía cạnh khó hiểu nên chỉ những ai cố công tìm hiểu
mới có thể nhận ra được giá trị chân lý siêu việt mà Chúa Giêsu muốn nói đến.
Nhưng hình như những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bằng dụ ngôn không được
dân chúng đón nhận cách tích cực. Đa phần họ nghe cho vui tai thôi chứ không ra
công tìm hiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói thẳng: "Họ
nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu". Duy chỉ có các
tông đồ là những người tích cực chủ động muốn nghe và tìm hiểu lời giảng dạy
của Chúa, nên họ được mạc khải cho biết về mầu nhiệm nước trời. Chắc chắn Chúa
Giêsu không cố tình dùng dụ ngôn nhằm gây khó dễ cho người nghe, nhưng là để
xác định xem ai là người thiện chí thì mới xứng đáng hiểu lời vàng ngọc, châu
báo của Chúa dạy.
Nhìn thấy Chúa và
Nghe được Lời Chúa quả là diễm phúc lớn lao cho những người sống cùng thời với
Chúa Giêsu rồi. Bởi lẽ "nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong
mỏi được thấy điều anh em thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe
mà không được nghe". Tuy nhiên nếu nhìn mà không thấy, nghe
mà không hiểu thì quả là một bất hạnh to lớn.
Chúng ta là những
người thật hạnh phúc vì được vinh dự được lắng nghe, gặp gỡ và đón nhận
Mình Thánh Chúa hằng ngày qua thánh lễ.
Xin cho chúng ta
biết siêng năng tham dự thánh lễ với lòng khao khát được nghe lời Chúa và đón
nhận chính Chúa vào tâm hồn, nhờ đó ta cảm nếm được niềm hạnh phúc sâu xa trong
cuộc đời này.
Thứ sáu: Mt
13,18-23
Chúa Giêsu thường
dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc để nói lên thực tại của cuộc
sống. Cụ thể bài Tin mừng hôm nay Chúa dùng hình ảnh người nông phu ra đi gieo
hạt giống.
Với hình ảnh
người đi gieo hạt, Chúa Giêsu muốn nói đến lòng quảng đại hào phóng của một vị
Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào bất cứ nơi đâu, dẫu
biết rằng những nơi ấy có thể không sinh hoa kết quả.
Với hình ảnh môi
trường mà hạt giống được gieo vào, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến tâm hồn của con
người. Môi trường ấy, Chúa Giêsu cho biết có nhiều loại. Có loại lề đường, có
loại sỏi đá, có thứ gai góc..., nhưng cũng có loại đất tốt.
Hạt giống Lời
Chúa thì luôn tốt, có khả năng phát triển và sinh nhiều bông hạt. Người gieo
vãi hạt giống ấy là Thiên Chúa thì luôn hào phóng và quảng đại không so đo tính
toán. Điều quan trọng còn lại là môi trường lòng người có chuẩn bị sẵn sàng để
tiếp nhận hạt giống Lời Chúa hay không?
Nếu tâm hồn mỗi
người chúng ta chính là mảnh đất tiếp nhận hạt giống Lời Chúa; thì giờ đây ta cần
xét xem mảnh đất tâm hồn của ta là loại đất nào?
- Nếu tâm
hồn ta còn mang nặng những thành kiến, cố chấp, bảo thủ, ngại thay đổi bản thân
theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội, thì mảnh đất tâm hồn ta đang thuộc dạng vệ
đường.
- Nếu tâm hồn
chúng ta còn có những bất hòa, phân biệt, chia rẽ, đánh mất tình hiệp thông với
tha nhân thì mảnh đất tâm hồn chúng ta vẫn còn nhiều gai gốc.
- Nếu tâm
hồn chúng ta còn sống ích kỉ, kiêu căng, bất công, thiếu bác ái với tha nhân
thì mảnh đất tâm hồn của ta còn nhiều sỏi đá.
Xin Chúa thương
biến đổi mảnh đất tâm hồn chúng con được nên màu mở để hạt giống Lời Chúa gieo
vãi vào có cơ may mọc lên, phát triển vững mạnh và sinh được nhiều bông hạt tốt
tươi qua những việc làm tốt lành, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.
Thứ bảy: 1Ga
4,7-16; Ga 11,19-27 (hay Lc 10,38-42)
Nhớ Thánh Mac-ta,
Ma-ri-a, La-da-rô
Suy niệm 1: Lc 10, 38-42
Tin mừng Luca hôm nay vẽ lên
một bức tranh thật trong sáng, hài hòa về chân dung của hai người thiếu nữ:
- Cô Martha nồng nhiệt đón rước Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà mình, rồi tất bật với công việc phục vụ nhằm chuẩn bị cho một bữa ăn thật thịnh soạn để thết đãi
khách quý.
- Cô em, Maria thì ngược lại, rất tế nhị và sâu lắng, ngồi im lặng bên chân Chúa để chăm chú lắng nghe từng lời giáo huấn của Chúa Giêsu.
+ Hai cách đón tiếp khác nhau,
nhưng cả hai đều thể hiện được nét đẹp của sự đón tiếp theo cách thế của người
Á đông: hiếu khách, tận tâm lo phục vụ sao cho vừa lòng khách đến. Bên cạnh đó
cũng hết sức tinh tế, gần gủi thân tình, chịu khó lắng nghe và chia sẻ, với
mong muốn được vui lòng khách đi.
- Mọi chuyện tưởng như sẽ êm
xuôi nếu như cô chị Martha không lên tiếng than trách đứa em Maria. Có lẽ với
nét mặt khó chịu, chị ta hướng nhìn về Chúa Giêsu rồi lên tiếng: "Thưa Thầy,
em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp
con một tay." (c. 40).
Cứ ngỡ là Chúa
Giêsu đồng tình với quan điểm của chị. Nhưng không, Chúa Giêsu lại dịu dàng quở
trách chị ta: "Martha! Martha, chị băn khoăn lo lắng
nhiều chuyện qúa! (c 41). Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria
đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi" (c.
42).
Như thế, có phải
Chúa Giêsu xem trọng việc lắng nghe lời Chúa hơn là việc phục vụ Chúa không?
Chắc chắn là Chúa Giêsu không muốn đặt hai việc này lên bàn cân để xem việc nào
nặng hơn. Nhưng trên hết, Người muốn Martha biết dung hòa hai việc ấy lại với
nhau. Sở dĩ Chúa Giêsu quở trách Martha, bởi vì: chị ta quá xem điều chị đang
làm là quan trọng, còn việc lắng nghe lời Chúa của Maria chỉ là thứ yếu.
Theo triết lý Á
đông thì có cái nhìn trung dung hơn trong mọi vấn đề. Nên các nhà tu đức cho
rằng: “đạo đức thì ở giữa chiêm niệm và hoạt động.”.
Trong bài huấn dụ
trước hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền
Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 21/ 07/ 2013, Đức Thánh
Phanxicô cũng đã nói: “Anh chị em thân mến, cả trong cuộc sống Kitô của chúng
ta cầu nguyện và hành động luôn luôn hiệp nhất với nhau một cách sâu xa”.
Đức Thánh Cha
giải thích thêm điểm này: “Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành động
cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em đang gặp
khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Nhưng đồng thời
trong việc phục vụ Giáo Hội khi người ta chỉ chú ý tới việc làm, chỉ đặt trọng
lượng nơi các sự vật, các nhiệm vụ, các cơ cấu, mà quên đi trọng tâm là Chúa
Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại với Chúa trong lời cầu nguyện, thì
có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục vụ Thiên Chúa nơi người anh em cần
sự giúp đỡ”.
Thánh Biển Đức
tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho các tu sĩ của người trong hai từ
"ora et labora"; "cầu nguyện và lao động". Chính từ
việc chiêm niệm, từ một tương quan tình bạn mạnh mẽ với Chúa nảy sinh ra nơi
chúng ta khả năng sống và đem tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót và sự
hiền dịu của Chúa đến cho người khác.
Cuối cùng, Đức
Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy hướng về Mẹ Maria, mẫu gương tuyệt hảo của
cầu nguyện và hoạt động mà nêu gương bắt chước: “Xin Đức Trinh Nữ
Maria, Mẹ của sự lắng nghe và phục vụ, dạy chúng ta biết suy niệm trong lòng
Lời của Con Mẹ và cầu nguyện với lòng trung thành, để luôn luôn chú ý tới các
nhu cầu của các anh chị em khác một cách cụ thể hơn”.
Suy niệm 2:
Hôm nay 29/7,
cùng với GH chúng ta kính nhớ thánh Macta quê ở Be-ta-ni-a, chị của Ma-ri-a và
La-za-ro. Xin cho chúng ta học được bài học mở lòng đón Chúa và hy sinh phục vụ
trong tình yêu mến.
Bài đọc 1, thánh
Gioan cho biết ta biết: TC là Tình Yêu nên Người dựng nên chúng ta giống Người,
đó là đặt để nơi con người chúng ta tình yêu của Chúa. Và cũng chính Người đã
yêu thương chúng ta trước. Nên “hễ ai
thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không
yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.” Và “Ai
tuyên xưng Ðức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và
người ấy ở trong Thiên Chúa.”
Thánh Mac-ta đã
nhận ra Đức Giêsu chính là TC và chính nhờ tình yêu hướng dẫn. Chị đã mạnh mẽ
tuyên xưng Đức Giêsu “là Ðấng Ki-tô, Con Thiên
Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Tình
yêu và niền tin vào Đức Kitô là TC đã kết dệt nên một con người với những nhân
cách tuyệt đẹp nơi thánh Mac-ta.
Đọc tin mừng,
chúng ta thấy có 3 lần nhắc đến tên Mac-ta:
Lần thứ
nhất: Lc 10, 38-42
Lấn thứ
hai: Ga 11, 19-27
Lần thứ ba: Ga 12, 1-11
Cả ba lần ấy
chúng ta đều nhận ra những tính cách đặc biệt của Mac-ta: Hân hoan đón rước
Chúa vào nhà mình; tận tâm hy sinh phục vụ và đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su
“là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có
chết cũng sẽ được sống.”
Xin chúng ta biết
noi gương thánh Mac-ta tin và yêu Chúa hết lòng nhờ đó chúng ta biết mở lòng
đón nhận Chúa và tha nhân vào trong cuộc đời mình; biết luôn khiêm tốn hy sinh
phục vụ những nhu cầu cầu cần thiết cho mọi người; nhất là luôn biết tin tưởng,
cậy trông và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa ngay trong những
lúc khó khăn và đau khổ
· Suy
niệm mùa thường niên: Mt 13, 24-30.
Qúa khứ có thể
tôi là người tội lỗi, nhưng tương lai có thể tôi là người tốt lành. Bởi vì mỗi
ngày có 24 giờ, trong đó có biết bao thay đổi. Thấu hiểu điều đó nên Thiên Chúa
(ông chủ ruộng) đã kêu gọi gia nhân hãy kiên nhẫn chờ đợi cho cỏ lùng và lúa
tốt cùng sống bên cạnh nhau đến ngày thu hoạch.
Các nhà tu đức đã
có lý khi nói: "Thánh nhân là tội nhân biết ăn năn sám hối". Mang
thân phân con người, không ai là vô tội trước mặt Thiên Chúa, bởi “nhân vô thập
toàn”.
Gỉa như TC chiều
ý ta mà tiêu diệt tức khắc những kẻ gian ác, thì thế gian này chắc chắn không
ai được cứu rỗi, vì: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được.” (Tv
130,3). Nhưng thật may mắn, chúng ta lại có một Thiên Chúa là Nười
Cha giàu lòng thương xót. Người "Không muốn kẻ gian ác phải chết
nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống." (Lc 16,19-31).
Xin cho chúng ta luôn biết cảm thông trước những yếu đuối của mình cũng như của tha nhân, vì ý thức rằng: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm." (Rm 8,19). Đồng thời cũng biết đáp lại tình thương tha thứ của Chúa mà can đảm loại trừ những mầm móng cỏ lùng độc hại ra khỏi mảnh đất nơi tâm hồn của mình, để mầm lúa tốt trong ta có cơ may phát triển mạnh mẽ. Nhờ thế, hạt giống lời Chúa gieo vải mới sinh được nhiều hoa trái, mang lại mùa bội thu cho nước trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét