DẪN
LỄ-BÀI GIẢNG-KHAI MẠC TẾT TRUNG THU
Không biết truyền thống Tết Trung Thu
có từ bao giờ, nhưng cứ mỗi rằm tháng Tám đến, người ta lại nhắc đến sự tích
chú Cuội, Hằng Nga…
Niềm vui của các em thiếu nhi là thấy
ánh trãng vẫn luôn đúng hẹn, theo chu trình tuyệt diệu trănng mãi tròn thêm và
tỏa sáng trên khắp bầu trời.
Niềm vui của các em thiếu nhi là mỗi
độ Trung Thu về lại được cùng với bạn bè đi rước đèn và ca hát, được quây quần
bên ba mẹ và người thân phá cổ, trông trăng, được dạo quanh vui chơi, mua sắm
quần áo mới.
Niềm vui của các em thiếu nhi khi
Trung Thu về là được xem múa lân, được vui làm ông địa nhảy múa theo tiếng
trống múa lân.
Xin cho các em mãi luôn giữ được niềm
vui, sự trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi thơ, dù mài ngày có lớn khôn,
không còn trẻ thơ như ngày nào, thì tâm hồn các em vẫn giữ được sự bình an thư
thái, giữ được nụ cười tươi tắn…
Giờ đây trong niềm vui mừng ngày Tết Trung Thu, chúng ta
cùng với các em thiếu nhi hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa Giêsu, Đấng luôn yêu
thương, chúc lành và ban Nước Trời cho các em và cho những ai có tâm hồn trẻ
thơ như các em.
Suy niệm
1:
Truyện kể rằng: Trong một giấc mơ, một người đàn ông nọ nhìn thấy một đoàn người đông vô số kể, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, ai cũng chen nhau muốn đến trình diện với Chúa để được vào Thiên Đàng trước.
Ông Phêrô đã được Chúa trao chìa khóa Nước Trời, nên ông luôn túc trực tại Cổng, để bất cứ ai muốn qua Cửa Trời vào gặp Chúa, thì ông phải xét duyệt lý lịch họ trước, chỉ miễn trừ con nít thôi.
Một
vị mặc áo cẩm bào, đội mũ cà cuống, cầm gậy vàng tiến đến, ông Phêrô hỏi:
-
Ngươi là ai?
-
Thưa con là Tổng Giám mục ạ.
-
Tổng Giám mục à, đứng qua một bên, đợi đã.
Một vị khác tiến đến mặc áo dòng, tay cầm cuốn Kinh Thánh tiến đến, Phêrô lại hỏi:
-
Ngươi là ai?
-
Dạ, con là cha Sở.
-
Cha Sở à, cũng đứng qua bên, hậu xét…
Và sau đó cũng có biết bao nhiêu đấng bậc khác, cứ chen nhau tiến vào, nhưng ai cũng bị ông Phêrô bảo đứng ra một bên chờ đợi.
Bất ngờ có một cụ già chống gậy bước tới, Thánh Phêrô mới hỏi:
-
Ngươi là ai?
-
Bẩm thưa ngài, con là con nít ạ!
-
Con nít à, vô lẹ đi con!
Ông
Phêrô cho “ông cụ non” vào Thiên Đàng ngay mà không cần tra xét duyệt lý lịch, vì
ông nhớ lời Thầy Giêsu đã nói trước: “Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa với
tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15).
Xưa
cũng như nay, mấy khi người ta lấy trẻ em làm mẫu gương cho người lớn. Thế
mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chẳng những lấy trẻ em làm khuôn mẫu
cho người lớn, mà còn cho rằng trẻ em lại là khuôn mẫu trong một vấn đề cực kỳ
hệ trọng, đó là chuyện đi vào Nước Trời!
Điều này, chắc hẳn Đức Giê-su không nhằm dạy ta về thái độ ấu trĩ, ỷ lại, khoán trắng cho Thiên Chúa những gì mà ta có thể làm được. Nhưng điều Ngài muốn là chúng ta phải biết đón nhận Tin Mừng Nước Trời và Lời Hằng sống của Ngài với tâm tình đơn sơ, hồn nhiên và tín thác như trẻ thơ, nghĩa là không so đo tính toán hơn thiệt. Nên khi thấy các môn đệ ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Ngài, Chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng ngăn cản chúng vì nước trời là của chúng. Ngài đã khuyến khích các em bé đến với Ngài để Ngài đặt tay trên chúng và chúc lành cho chúng. Ngài còn nói thêm: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.”
Thật vậy, khi nhìn vào trẻ nhỏ chúng ta ghi nhận biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp để xứng đáng đón nhận nước trời. Sau đây là những đức tính cao đẹp nơi trẻ nhỏ mà mọi người lớn cần học hỏi:
1. Trước hết là đơn sơ và chân thành.
Nơi
trẻ thơ ta thấy tâm hồn rất đơn sơ, không biết ăn gian nói dối như Cuội. Vì thế
mà cha ông chúng ta vẫn thường hay nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi
trẻ.” là thế!
Thế
nhưng, thật đáng buồn, ngày nay lại nhiều trẻ thơ đã bị nhiễm thói đời nên
thường nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em
đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối là tự
mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho em trở nên
già cỗi, và tự đầy đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối lo.
Thứ đến là biết tin tưởng và phó thác.
Vì
trẻ nhỏ cảm thấy mình yếu đuối mong manh nên lúc nào cũng tin tưởng phó thác nương
tựa vào vòng tay che chở của cha mẹ. Vì trẻ nhỏ tự thấy mình còn nhiều
giới hạn về mọi mặt trong đời sống nên các cháu luôn sống khiêm nhường mà cố
gắng học hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, thầy cô và anh chị dạy
bảo.
Nhưng
thật đáng tiếc bời ngày hôm nay, tâm hồn tuổi thơ của các em đang dần bị đánh
cắp, bởi lẽ bạo lực đang xảy ra khắp nơi. Ngay ở chính gia đình mình là cái nôi
bao bộc an toàn là nơi chốn bình an lại trở thành bãi chiến trường xung đột
giữa cha và mẹ và anh chị em với nhau. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh tượng
thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất
là những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường ngoài xã hội
thì làm sao các em sống bình yên và tín thác vào bàn tay yêu thương che chở
của cha mẹ anh chị và xã hội được. Đó chính là trách nhiệm của những người làm
cha làm me, và các nhà giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
Hôm nay ngày tết của tuổi thơ, chúng
ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong họ đạo biết gìn giữ nét đẹp tuổi
thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và
sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương, và chúc lành. Chúng ta cũng cầu
xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến
tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu
thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay
yêu thương của cha, của mẹ. Amen.
* LỜI
KHAI MẠC ĐÊM VĂN NGHỆ TẾT TRUNG THU
1. Kính
thưa quý Cha, quý Soeurs, quý HĐMVGX, quý ân nhân và tất cả quý ông bà anh chị
em…
Hoà
chung không khí tưng bừng của ngày hội trăng rằm, tối hôm nay chúng ta quy tụ
về đây để cùng chung chia niềm vui cùng với các em thiếu nhi và hiệp dâng lên
Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ, vì Chúa đã dựng nên đất trời và ban tặng cho ta;
trong đó có tứ thời bát tiết, có ánh trăng tuyệt mỹ. Nhờ đó mà chúng ta và các
em mới có được một ngày hội vui trung thu hôm nay.
Là
những người con Chúa, Tết trung thu không chỉ là ngày hội mà còn là ngày lễ. Vì
thế trong dịp này, ngoài việc tận hưởng niềm vui và gửi đến nhau những lời chúc
mừng ý nghĩa, chúng ta không quên cảm tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho
các em thiếu nhi luôn có được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi
thơ, cho dẫu mai đây các em khôn lớn, chắp cánh tung bay vào đời, các em vẫn
lưu giữ mãi những kỷ niệm tuyệt đẹp của tuổi thơ.
Chúng
ta cũng không quên cám ơn tình thương của bao người hằng bao bọc, chở che, đỡ
nâng các em, trong đó có các bậc làm cha mẹ, ông bà; quý cha, quý Soeurs,
HĐMVGX, quý thầy cô, các anh chị GLV huynh trưởng, cũng như tất cả các vị ân
nhân, thân nhân xa gần . . . đã tích cực hiệp hành cùng với các em trong mọi
bước đường ơn gọi làm người và làm con Chúa.
Nguyện
xin Chúa ban muôn phúc lành trên những ai đã đang và sẽ quảng đại hy sinh làm
cho đời các em tươi sáng tựa như ánh trăng rằm đêm nay.
Thay
lời cho ban tổ chức, tôi xin chúc mọi người đặc biệt các em thiếu nhi có được
một đêm lễ hội Trung thu tràn ngập tiếng cười, niềm vui và bình an trong Chúa
Giêsu tình thương.
Với
những ý nghĩa và tâm tình đó, giờ đây tôi xin tuyên bố khai mạc đêm hội trăng
rằm Tết Trung Thu 2023 với chủ đề: “VẦNG TRĂNG YÊU THƯƠNG-GIÊSU”.
Xin
trân trọng cám ơn!
Suy
niệm 2: ĐƯA TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA KITÔ
“Cứ để trẻ em đến với
Thầy, đừng ngăn cấm chúng vì Nước Thiên Chúa
thuộc về những ai giống như chúng.” (Mc 13,14)
Các
môn đệ tỏ vẻ không hài lòng khi người ta dẫn trẻ em đến với Chúa Giêsu để xin
Người đặt tay chúc lành cho chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại, Ngài nhìn
thấy tâm hồn các trẻ thơ trinh trong, tinh tuyền, đơn sơ, phó thác. Chính Ngài
cho biết Chúa Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những
mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25).
Những tâm hồn thơ bé luôn ngạc nhiên trước những vẻ đẹp của vũ trụ, những điều
kỳ diệu Chúa đã làm trên cuộc đời từng con người và sẵn sàng đón nhận những mặc
khải Nước Thiên Chúa.
Mời
Bạn: Ngày Trung Thu chúng ta nghĩ đến những trẻ em không có diễm phúc được vui
đùa trong gia đình hạnh phúc bên cha mẹ, anh chị em vì cuộc sống cùng cực, bị
bạo hành, gia đình ly tán hoặc mồ côi lang thang đầu đường xó chợ. Bạn
được mời gọi mở cửa dẫn trẻ em đến với Chúa Kitô bằng cách chia sẻ
niềm vui với các em, giúp các em tìm lại được nét vui tươi, hồn nhiên, tin
tưởng và tín thác vào Chúa.
Tiết
kiệm những chi thu lãng phí, không cần thiết để chia sẻ với các trẻ em đang cần
đến tình thương, đang thiếu vắng niềm vui.
Lạy
Chúa, còn biết bao trẻ em không có được những giây phút vui Trung Thu bên người
thân. Xin Chúa cho có nhiều bàn tay nhân ái sẵn sàng giang rộng, để đón tiếp
các em gia nhập vào mái ấm tình thương của mình. Xin cho con luôn sống hết tình
và hết mình cho những người kém may mắn, đừng bao giờ hối tiếc vì đã không có
gì cho chia sẻ cho anh chị em đồng loại của mình.
Suy
niệm 3: TRĂNG VÀNG MÙA THU
Gm
Giuse Vũ Văn Thiên
Cũng như Đức Maria, Vầng Trăng Thu tuyệt hảo, đã đón
nhận ánh sáng từ Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính để giải ánh vàng êm dịu cho
trần gian, chúng ta, các Kitô hữu, cũng được đón nhận ánh sáng từ Đấng Cứu độ,
để thông truyền cho cuộc đời, góp phần đẩy lui bóng tối là sự hận thù ghen ghét
và dối gian.
Mùa thu đã về! Vẻ đẹp của mùa thu được ghi dấu bởi
những chiếc lá vàng rơi lãng đãng, trong làn sương mù bàng bạc và làn gió se se
lạnh đầu ngày.
Vẻ đẹp của mùa thu còn đi liền với ánh trăng. Mặc dù
mặt trăng xuất hiện quanh năm, nhưng trăng mùa thu mới mang một vẻ đẹp huyền
bí, tạo nên một nét đẹp vừa thanh tao vừa lãng mạn, nhất là ở miền quê, là nơi
không có nhiều ánh sáng của đèn điện. Ánh trăng thu dịu êm và tươi mát, tạo cho
ta một cảm giác thư thái thanh bình. Sau một ngày lao động mệt nhọc, vầng trăng
thu giúp ta lấy lại sức khỏe thể xác và tinh thần. Trăng thu đã gợi hứng cho
các thi sĩ tạo nên những áng thơ bất hủ. Hàn Mặc Tử, một thi sĩ công giáo, đã
gắn bó cả cuộc đời mình với trăng và với thơ. Trong cuộc đời và sự nghiệp của
người thi sĩ này, trăng là bạn và là nguồn cảm hứng để ông sáng tác. Ông không
thể thiếu trăng trong cuộc đời. Đối với ông, trăng gợi hứng để cầu nguyện,
trăng giúp ông nâng tâm hồn lên với Chúa và giúp ông trở về với đời sống nội
tâm. Trăng còn là người bạn tri kỷ, là nơi ông trút bầu tâm sự những lúc ông bị
căn bệnh phong quái ác hành hạ. Trăng như một người tình vừa hư vừa thực, vừa
trần tục vừa thanh tao. Trăng là nơi gửi gắm yêu thương và cũng là nơi ông thể
hiện sự dỗi hờn. Yêu trăng đến mức say trăng và nhìn đâu cũng thấy trăng, có lẽ
điều này chỉ có nơi Hàn Mặc Tử. Cũng như thi sĩ, thiên nhiên vũ trụ đều ngẩn
ngơ trước vẻ đẹp của trăng:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, Chị Hằng ơi” (Bẽn lẽn)
Ở nước ta và ở Trung Quốc, tết Trung thu được tổ chức
vào rằm tháng 8 âm lịch. Ngày tết này cũng được gọi là tết Trông Trăng. Từ
thành phố tới thôn quê, mỗi nơi mỗi vẻ, những cuộc múa lân được tổ chức rộn
ràng, với tiếng trống thùng thình vang dội, thu hút nhiều trẻ em và người lớn
tham gia. Những bài hát mang nội dung ca ngợi mặt trăng mà người ta gọi với cái
tên rất thân thương là “Chị Hằng”. “Chị Hằng” được coi như người thân của mọi
người, rất xinh đẹp và thân thiện, lại là người tốt bụng hay tặng quà cho các
bé ngoan. Người ta tổ chức cỗ trung thu gồm bánh, kẹo và trái cây các loại. Các
em thiếu nhi thì vui mừng nhảy múa ca hát, tới khuya thì cùng “phá cỗ”, tức là
mọi người cùng thưởng thức mâm cỗ đã chuẩn bị. Tết Trung thu là tết của người
lớn cũng như của trẻ em. Đây là dịp biểu lộ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối
với con cái, là ngày hội ngộ gia đình trong bầu khí thân thương, hài hòa.
Nếu người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ
Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì
người công giáo cũng tôn vinh Đức Mẹ Maria vào ngày 15 tháng 8 dương lịch.
Trong thi ca công giáo, Đức Mẹ được sánh ví như vầng trăng tuyệt vời. Đức Mẹ không
chỉ là vầng trăng cho một số dân tộc mà là vầng trăng cho cả nhân loại. Nơi Mẹ,
chúng ta tìm thấy tất cả những ưu điểm của vầng trăng như sự dịu mát, thanh
bình, hướng tâm, thánh thiện:
Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang.
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang.
Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng.
Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang (Dao ca Mẹ dịu hiền – Văn Chi)
Hơn thế nữa, Mẹ Maria còn là Đấng che chở và phù giúp
chúng ta trong cuộc sống dương thế đầy gian nan vất vả. Chúng ta đều biết, mặt
trăng là một tinh tú ở gần trái đất. Nó không có khả năng phát sáng, mà nó tiếp
nhận ánh sáng từ mặt trời giống như bao vì tinh tú khác. Nhờ việc tiếp nhận
này, mặt trăng được sưởi ấm và tích tụ ánh sáng để chiếu soi ban đêm, khi mà
mặt trời bị khuất dạng bởi trái đất xoay vần. Vì thế mà ánh trăng luôn dịu
dàng, thanh thoát và chiếu sáng vào ban đêm. Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo
của Thiên Chúa. Mẹ nhận ánh sáng Chân Lý từ Đức Giêsu Kitô, là Mặt Trời Công
Chính để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Ánh sáng của Chúa Giêsu là tình yêu,
lòng nhân hậu, sự từ tâm, tình huynh đệ, lòng bao dung tha thứ, lòng trung
thành và khiêm nhường… Đức Giêsu là Ánh Sáng Thật, Ánh Sáng Bởi Ánh Sáng, tức
là nơi Người phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng. Ánh Sáng này
đã đến thế gian để phá tan tăm tối mịt mù, để xóa bỏ hận thù ghen ghét, và khai
mở một thế giới yêu thương. Tất cả giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng đều nhằm
đến nội dung căn bản này. Như thế, đón nhận Đức Giêsu là đón nhận ánh sáng từ
trời, nhờ đó ta nhận ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực.
Là người Kitô hữu, chúng ta cũng được tiếp nhận ánh
sáng thiêng liêng từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội. Trong nghi thức rửa tội, vị linh
mục chủ sự trao cho thụ nhân một cây nến sáng và nói: “Con đã trở nên
ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn sống như con cái của sự sáng, để được bền vững
trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các
thánh trên trời” (Nghi thức Rửa tội). Cũng như Đức Maria, Vầng Trăng
Thu tuyệt hảo, đã đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính để giải
ánh vàng êm dịu cho trần gian, chúng ta, các Kitô hữu, cũng được đón nhận ánh
sáng từ Đấng Cứu độ, để thông truyền cho cuộc đời, góp phần đẩy lui bóng tối là
sự hận thù ghen ghét và dối gian.
Chúng ta đang chuẩn bị đón tết Trung thu, bầu khí rộn
ràng của ngày hội vui này đang lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Ước chi mỗi tín
hữu biết ca tụng quyền năng Thiên Chúa khi ngắm vầng trăng vàng mùa thu, đồng
thời nhận ra sự che chở yêu thương của Đức Mẹ, Vầng Trăng Vĩnh Cửu.
Suy
niệm 4: CHÚ CUỘI
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ngày tết Trung thu người ta hay nói về
Chú Cuội ngồi gốc cây đa và ôm cả một mối lo. Như bài hát đã từng được nhiều
người ưa thích: “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già
ôm một mối mơ.” Vậy chú Cuội là ai?
Chú Cuội theo chuyện thần thoại của
Trung Quốc tên là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên,
nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thiên đình đã bị Ngọc hoàng nổi giận,
bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng
cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên Ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây
giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng
Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.
Còn ở Việt chúng ta thì Ngô Cương lại
chính là chú Cuội. Và cái bóng mà người Trung quốc gọi là cây quế đỏ, thì lại
chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu:
Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Chú Cuội theo truyền thuyết. Đó là một
kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn
nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra
một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh:
- Bớ làng
nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng
tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác,
chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú
cũng kêu la thất thanh:
- Bớ làng
nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với.
Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại
nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo:
Bắc thang lên đến tận mây,
Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.
Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,
Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.
Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà
chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt:
nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: hứa cuội có nghĩa là hứa lèo,
hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi
không được một bát nước xáo.
Tại sao ngày tết Trung thu mà người ta
lại kể chuyện về Chú Cuội, một đứa trẻ hư đốn trong ngày vui của các em? Có lẽ
không phải tình cờ hay ngẫu nhiên, vì kho tàng văn học cổ tích là tiếng nói của
khát vọng con người vươn tới sự hoàn thiện. Cha ông kể chuyện về chú cuội để
răn đời, để dạy con cháu, đừng sống như chú cuội kẻo phải ôm gốc cây đa cả đời.
Vì ngày tết Trung thu được xem là ngày tết của thiếu nhi, của tuổi thần tiên,
nên cha ông ta đã dùng rất nhiều những câu chuyện thần tiên để hướng các em tới
sự hoàn hảo nhất của con người.
Theo Tin mừng, Chúa Giêsu luôn yêu
thích tâm hồn trẻ thơ, Ngài luôn tìm dịp để gần gũi các em, Ngài không chỉ yêu
mến, chúc lành và bênh vực mà hơn thế nữa còn lấy trẻ nhỏ làm khuôn vàng thước
ngọc cho người lớn phải noi theo: “Nếu các con không trở nên như trẻ
nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước trời đâu.”
Nhìn vào trẻ nhỏ chúng ta sẽ ghi nhận
được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp. Trước hết, nơi trẻ thơ không có sự gian dối chỉ có đơn sơ chân
thành.
Thực vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ
chân thành, không ăn gian nói dối như Cuội. Kinh nghiệm cha ông ta vẫn
nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.”
Thế nhưng ngày nay nhiều trẻ thơ đã
nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm
cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói
dối là tự mình đánh mất tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con
người ra già cỗi, và tự đầy đoạ mình như chú Cuội, suốt đời ôm một mối lo.
Thứ đến, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực mà chỉ có một
tình yêu thương dạt dào và không biên giới.
Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa
bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đã kể rằng:
“… Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi
thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp
lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên
vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa
và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó.
“Với bước chân đi chập chững, nó đứng
dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi
khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã
khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ
của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc
lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp
nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết.
“Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút
lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được
vị trí đóng trại của kẻ thù… Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức
thì dừng lại… Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một
giây.
“Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc
xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc
đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được
sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức
khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong
tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng
bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay
trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh
hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ
đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc,
người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt
quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má
thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi.
“Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của
mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng
hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh
chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi
cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh
cuối cùng mà tôi còn giữ mãi chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng,
tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được
thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ
thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm.
Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa
bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta.”
Vâng, hôm nay trẻ thơ đang bị đánh cắp
tuổi thơ. Bạo lực xảy ra khắp nơi. Ngay ở gia đình là nôi hạnh phúc cũng trở
thành bãi chiến trường của cha, của mẹ. Trẻ thơ đã sớm thấy cảnh thượng cẳng
chân, hạ cẳng tay của những người thân trong gia đình và nhất là trên truyền
hình thì lại càng đầy dẫy những cảnh bạo động với máu đổ lênh láng trên đường.
Một thế giới đổ nát như thế làm sao dạy cho các em sống yêu thương và khao khát
hoà bình? Đó chính là trách nhiệm của những người làm cha làm me, và các nhà
giáo dục phải trả lời trước lương tâm của mình.
Hôm nay ngày tết của tuổi thơ, chúng
ta hãy cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong giáo xứ biết gìn giữ nét đẹp
tuổi thơ của mình bằng việc luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ
và sống chân thật để được Chúa luôn yêu thương, và chúc lành. Chúng ta cũng cầu
xin cho mọi người trên thế giới biết sống hoà thuận với nhau, để cùng nhau kiến
tạo nền hoà bình trên địa cầu này, nhất là các bậc cha mẹ luôn biết sống yêu
thương và sẵn lòng tha thứ cho nhau để tuổi thơ được an vui sống trong vòng tay
yêu thương của cha, của mẹ. Amen.
Suy
niệm 5: QUÀ TRUNG THU CHO NGƯỜI LỚN
PM.
Cao Huy Hoàng
Tết Trung Thu cho các em là cơ hội cho mỗi người lớn
chúng ta hoài niệm về một tuổi thơ của đời mình. Và dù mỗi người có một khung
cảnh tuổi thơ rất riêng, êm đềm hay bi đát, ở đây hay ở kia, tôi vẫn thấy một
điểm chung này: “hạnh phúc của tuổi thơ là được nép mình trong lòng Mẹ, được
nhận quà từ tay Cha, và được các anh chị thương mến”.
Ai cũng đã từng đi qua một tuổi thơ
- Có tuổi thơ thật êm đềm nơi thôn quê thanh bình
ngạt ngào hương lúa, nơi cao nguyên bạt ngàn hùng vĩ muôn khí sắc của rừng núi
thiên nhiên, hoặc bên bờ biển xanh dặt dìu, rì rào đến lao xao lời con sóng
hát.
- Có những tuổi thơ kinh hoàng trong chiến tranh,
trong bom đạn mịt mù khói súng, nồng sặc máu thương binh… Có những tuổi thơ bập
bềnh trên biển giữa triều sóng vượt biên, những tuổi thơ bị bỏ rơi nơi trại tạm
cư “đi không đến, về không được” “ngày không yên, đêm sầu nhớ”… Có
những tuổi thơ lạc loài giữa những con mắt vô tình “nói không nghe,
nghe không hiểu” trong những ngày đầu đời chân ướt chân ráo nơi đất
khách quê người.
- Có những tuổi thơ mót lúa, mót mì, mót khoai lang
trên cánh đồng hợp tác xã. Có những tuổi thơ bắt con cá thòi lòi ướp muối mắm
phơi khô cho những bữa cơm cả tuần không đi chợ.
- Có những tuổi thơ khóc mẹ không nhìn, khóc cha
không biết, ở với người dưng bữa đói bữa no. Có những tuổi thơ dập dìm trong
khu nhà ổ chuột, nắng đội đầu trần, đêm ngủ co ro.
- Còn những tuổi thơ đùa vui trên bãi rác, bới bóc
kiếm tìm lon, vỏ, bịch từ sáng sớm đến tối mịt chưa về. Còn những tuổi thơ rao
vé số trên hè phố khuya không nghe tiếng người gọi mua, mà nghe bao lời dụ
ngọt. Còn những tuổi thơ nơi những vùng quê xa xôi chưa có trường để đi học
đành phải làm toán trên lưng trâu, tập làm văn nơi cánh diều, học chữ học nghĩa
nơi những người không có chữ có nghĩa.
- Có những tuổi thơ đã đi qua, những tuổi thơ đang
đi qua, và còn những tuổi thơ đang đi tới… Và vẫn không thiếu những tuổi thơ
đầy bất hạnh. Nỗi bất hạnh của tuổi thơ chưa phải là chiến tranh hay hoà bình,
thôn quê hay thành thị, giàu hay nghèo, được ăn học, được rong chơi hay mót mì
mót lúa, bán vé số hay luợm ve chai… nhưng nỗi bất hạnh nhất của tuổi thơ chính
là không được nép mình trong lòng mẹ, không được nhận quà từ tay cha và không
được sống trong tình yêu thương của anh chị – nỗi bất hạnh vì mồ côi, cha mẹ mất
sớm, nỗi bất hạnh vì mẹ không nhìn và không biết cha nó là ai, nỗi bất hạnh vì
có cha có mẹ mà cha mẹ chia tay nhau sống với người yêu mới, rồi bỏ rơi con,
rơi bụi rơi bờ, rơi đầu đường xó chợ, có khi rơi vào trại giam do phạm pháp…
Vâng, Tết Trung Thu cho các em là cơ
hội cho mỗi người lớn chúng ta hoài niệm về một tuổi thơ của đời mình. Và dù
mỗi người có một khung cảnh tuổi thơ rất riêng, êm đềm hay bi đát, ở đây hay ở
kia, tôi vẫn thấy một điểm chung này: “hạnh phúc của tuổi thơ là được
nép mình trong lòng Mẹ, được nhận quà từ tay Cha, và được các anh chị thương
mến”.
Và còn hơn thế, với chúng ta, người
tín hữu Công giáo, tuổi thơ hạnh phúc vì tuổi thơ được Thiên Chúa chúc phúc,
qua lời dạy của Chúa Giêsu:
“Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn
cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Ai không đón nhận Nước
Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mc 10,14-15) (Lc 18,15-17) (Mt
19,14,15)
Thiết nghĩ, câu Lời Chúa “Nước
Trời là của những ai giống như chúng” là quà tặng Trung Thu cho mỗi
người lớn chúng ta. Vì Chúa đang nhắc nhở mỗi người phải sống tinh thần tuổi
thơ trong suốt cuộc đời. Thiên Chúa vừa là người Cha công bằng, chính trực, uy
nghiêm, vừa là người Mẹ giàu lòng từ bi nhân hậu, thương xót con cái vô ngần,
và Đức Giêsu là người Anh Cả của đoàn em tin yêu phó thác vào Thiên Chúa. Tinh
thần tuổi thơ đối với Thiên Chúa là tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha,
yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, như bé thơ đơn sơ phó thác cuộc đời mình
cho Cha mẹ, bằng lòng nép mình vào lòng Mẹ, vui mừng chờ đón quà tặng từ tay
Cha, và sung sướng đón nhận tình anh em huynh đệ của Đức Giêsu Kitô chí ái.
Tìm lại tuổi thơ
Nhưng Chúa Giêsu biết rõ những đổi
thay của con người chúng ta, biết rõ ai cũng muốn mình là lớn, không ai muốn
làm người bé nhỏ – không những muốn lớn, mà còn muốn lớn nhất.
Ai cũng đòi cái nhất. Chỉ có hai bà
hàng xóm thôi, cũng dùng so sánh nhất: “Nhà tôi với nhà chị, thì nhà
tôi lớn nhất.”. “Giữa con tôi với
con chị, thì con tôi học giỏi nhất.”. “Nhìn tôi với chị, thì tôi đẹp
nhất”… Vì thế, chính tôi cũng
phải xin lỗi các bạn vì ngay từ đầu bài tôi đã dùng cụm từ “đi qua một
tuổi thơ” vì những nét đơn sơ hồn nhiên chân thật ngày nào không còn
nguyên tuyền trong tôi nữa. Tôi vẫn nghĩ tôi đã lớn rồi.
- Hồi nhỏ, nếu có được sai đi đâu, mua dầu mua mắm
khi mặt trời vừa xuống là tôi đã không dám đi rồi. Tôi vùng vằng không đi vì
tôi sợ bóng tối. Lớn lên, khi vừa có hẹn với người yêu, tôi lại sợ ánh sáng.
Tôi thích hẹn với nàng chỗ mờ mờ tối tối thú vị hơn.
- Hồi nhỏ sợ bóng tối, lớn lên sợ ánh sáng.
- Hồi nhỏ, thành thật lắm, chẳng biết dối trá, lớn
lên một chút biết quanh co, đôi chối, tìm đủ mọi cách để chạy tội mình.
- Hồi nhỏ đi thưa, về trình, đi báo việc, về báo
công, thật có lễ, có phép, lớn lên đi “thưa một đường, đi một nẻo”, chẳng
thật thà cho đúng lễ đúng phép, không chỉ con với cha mẹ mà cả cha mẹ với con.
- Hồi nhỏ mẹ cho ăn gì thì ăn cái nấy, lớn lên đòi
Mẹ phải dọn ăn những gì ưa thích mà thôi.
- Hồi nhỏ theo ý Cha, lớn theo ý con.
- Hồi nhỏ tin tưởng hết lòng vào cha mẹ, đến khi vào
đời, thấy nhà nghèo không vốn liếng, không của cải, không kịp bạn kịp người,
bèn xem thường cha mẹ quá đỗi…
- Hồi nhỏ…, lớn lên…
- Hồi nhỏ…, lớn lên…
Nếu có hứng thú, có thời gian, xin mời
các bạn tiếp tục làm một bảng so sánh, để thấy rằng Chúa Giêsu thật có lý khi
yêu cầu chúng ta: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán
cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào nước Trời.” (Mt
18,3). Hoặc ở nơi khác: “Phàm ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ, thì người
ấy là kẻ lớn hơn trong Nước Trời.” (Mt 18,4)
Chúa bảo chúng ta phải “hoán cải”, để
sống lại tinh thần tuổi thơ mà ta đã không còn muốn gìn giữ và nối tiếp khi vừa
mới lớn. Và như thế, mới có cơ may có một cuộc sống trường sinh trong Nước
Thiên Chúa. Và khi sống được tinh thần tuổi thơ ấy, ta mới mở nổi tấm lòng mình
ra mà đón tiếp những người bạn nhỏ của ta trong cuộc đời – những người bạn nhỏ
tuổi, nhỏ tiền, nhỏ bạc, nhỏ địa vị, nhỏ chức danh, nhỏ tiện nghi, nhỏ kiến
thức, nhỏ đức tin, nhỏ lòng yêu mến, nhỏ nhà nhỏ cửa, nhỏ mọi thứ nhỏ… như Chúa
Giêsu nói: “Kẻ nào tiếp đón trẻ nhỏ nầy vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta,
và kẻ tiếp đón Ta, là tiếp đón Đấng đã sai Ta. Vì chưng ai nhỏ hơn trong các
ngươi, thì kẻ đó là lớn.. (Lc 9,48).
Và vì biết hạnh phúc cao vời Thiên
Chúa hứa ban cho nhũng người thấp hèn, bé nhỏ, sống tinh thần bé nhỏ, đơn sơ,
thì chúng ta, những người tự cho mình là lớn, là ông kia bà nọ, có chức, có
quyền, có cả thiên chức, có cả cơ đồ xứng đáng… chắc chắn phải thận trọng trong
lối sống, trong lời ăn tiếng nói, trong phát ngôn phát biểu trên mạng trên đài,
trên báo chí… đừng để gây nên gương mù gương xấu cho những người bé mọn, bạn
hữu chí thiết của Thiên Chúa. Tuyên án của Chúa thật nặng nề: “Nhưng ai
làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà
treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt
18,6).
Quà tặng Chúa Giêsu
Trong những ngày này, quà bánh trung
thu bày bán khắp nơi. Bánh lớn bánh nhỏ, bánh rẻ bánh mắc đủ hạng. Đến nay thì
Trung Thu không còn là Tết chỉ của thiếu nhi, mà còn là dịp của người lớn, vì
mỗi dịp có thể tặng quà là người ta mua quà tặng. Có những quà tặng có giá trị
rất lớn, người ta chờ dịp để tặng cho nhau mà không bị mang tiếng to tiếng nhỏ.
Có người tặng quà vì quý mến chân thành, nhưng cũng không thiếu những món quà
trục lợi…
Chỉ có các em thiếu nhi đơn sơ nhất,
nhận được những món quà chân thành nhất.
Chúng tôi có một con đường làng 17 hộ
lương giáo – con đường của những người làm thanh long thuê quanh năm suốt
tháng, con đường nhân dân tự lập từ việc lấp hố lấp hầm làm đường đi, thắp sáng
điện đường, đến việc tổ chức vui trung thu và phát quà khuyến học cho các em
hằng năm, con đường như một cộng đồng cơ bản (Communité de base) – Các cháu
thiếu nhi thấp thỏm từ sáng đến chiều, rồi trông cho đến 7 giờ 30 tối để tụ họp
vui chơi, lãnh quà và phần thưởng khuyến học. Quà và phần thưởng năm nay có hơn
năm ngoái đôi chút, nhờ cha mẹ các em đồng lòng đóng góp nhiều hơn, nhưng một
phần quà bánh kẹo cũng không quá năm ngàn đồng VN, và phần thưởng khuyến học
cho các em không quá 15.000. Ấy thế mà mỗi em đều thấp thỏm, đợi chờ, rồi rạng
rỡ vui mừng khi nhận được từ tấm lòng yêu thương của các cha mẹ.
Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, nhưng tâm
tình đón nhận của những người thấy mình nghèo bao giờ cũng vui mừng và xúc động
hơn.
Từ thái độ đón nhận của các em thiếu
nhi, tôi nghĩ đến thái độ đón nhận quà trung thu của người lớn chúng ta. Quà
Trung Thu của chúng ta là “Nước Trời của những ai trở nên giống như trẻ
nhỏ”. Chúng ta có chấp nhận tìm lại tuổi thơ đã đánh mất, sống lại tinh
thần tin tưởng mến yêu phó thác và tâm tình thấp thỏm, đợi chờ vui mừng khi đón
nhận quà tặng của Thiên Chúa không? Quà tặng ấy, chính là Lời Đức Giêsu, là
chính Đức Giêsu món quà quý giá mà Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho nhân gian.
Chính tinh thần Đức Giêsu và lời dạy của Ngài sẽ làm cho chúng ta dần tìm lại
được cuộc sống hạnh phúc “được nép mình trong lòng mẹ, được nhận quà từ
tay cha, và được các anh chi trong gia đình thương mến”.
Vì tinh thần tuổi thơ của Chúa Giêsu
là: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập
tự.” (Pl 2,6-8).
Năm ngoái, tại Viện Tim, một số em mổ
tim chơi trung thu ngay trong Viện với mấy cái đèn cầy, vài cái bánh… Anh Trung
bạn tôi đem lồng đèn vào cho cháu Hữu:
- Chú tặng con cái lồng đèn trung thu, nhớ Chúa
Giêsu.
- Ngày xưa Chúa Giêsu có ăn tết Trung Thu không? Có
lãnh quà trung thu không?
Chú Trung trả lời:
- Chúa Giêsu lãnh quà trung thu cả đời con ạ, vì
Chúa Giêsu lúc nào cũng đơn sơ khiêm tốn, và vâng lời Chúa Cha cả.
- Vậy ai vâng lời là được lãnh quà Trung Thu hả?
- Đúng rồi, ai còn biết vâng lời, ấy là người thiếu
nhi.
- Cha con vâng lời mẹ con, vậy cha con có phải thiếu
nhi không?
- Có chứ, ai biết vâng lời làm điều tốt đều là thiếu
nhi cả, đều được lãnh quà trung thu…
Hữu quay sang mẹ, hỏi:
- Quà của cha đâu, mẹ?
Xin cảm ơn món quà và giải thích của
anh Trung, bạn tôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống
lại tuổi thơ thánh thiện- tuổi thơ khiêm cung vâng lời. Xin ôm chúng con vào
lòng như “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc
10,16). Amen.
TẾT TRUNG THU
Hc 42, 15-16; 43,1-2.6-10; Mc
10, 13-16.
Dẫn 1: Kính
thưa cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt các con thiếu nhi quý mến!
Hôm nay rằm tháng 8 âm
lịch, Tết Trung Thu và là ngày hội của Thiếu nhi. Thật là
chính đáng và phải đạo khi chúng ta qui tụ bên nhau để tạ ơn và
dâng lên Chúa lời chúc tụng tôn vinh, vì Ngài đã tạo dựng đất trời
cho chúng ta, trong đó có vầng trăng tuyệt mỹ nên chúng ta có thêm đêm hội
trông trăng hàng năm.
Nguyện xin Thiên Chúa
quyền năng và tình thương ban xuống trên tất cả mọi người, đặc
biệt là các em thiếu nhi trong Họ đạo Sóc Trăng chúng ta có
được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên, ngoan ngoãn. Xin cho các em
thêm tuổi thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người đời theo
gương Chúa Giêsu tuổi thơ
Xin
Chúa cũng ban muôn vàn phúc lành trên quí Cha,
quí Dì, Cha mẹ, Quí Thầy cô, anh chị GLV, quý Ân nhân và tất cả những ai đã góp
phần cho niềm vui Trung Thu hôm nay của các em được nên trọn.
Dẫn 2: Cộng
đoàn phụng vụ và các con Thiếu Nhi thân mến,
Hôm nay là Tết Trung thu,
ngày hội của Thiếu nhi khắp mọi miền đất nước. Chúng ta có dịp quy tụ bên nhau
để cùng tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên những công trình tuyệt mỹ,
nhờ đó chúng ta mới có được ngày hội trăng rằm.
Xin cho tất cả các thiếu
nhi trên toàn thế giới, đặc biệt là các em thiếu nhi Thánh Thể trong Họ đạo
chúng ta, luôn giữ được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi thơ với
sự thật thà, hiền hoà và tín thác vào Tình Yêu của Thiên Chúa.
Xin Chúa ban muôn phúc
lành cho Quí Cha, Quí Dì, Cha Mẹ, Quí Thầy Cô, các anh chị GLV, cách đặc biệt
cho quý vị Ân Nhân và tất cả những ai đã hy sinh giúp cho niềm vui Trung Thu
năm nay được trọn vẹn.
Để
được vào Nước Trời, cần phải có điều kiện như thế nào? Đó là điều mà Chúa
Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Điều
kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại
làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
-
Vì trẻ nhỏ luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn
sơ, luôn nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc dù đôi lúc vì sự thật mà chúng
ta phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
-
Vì trẻ nhỏ luôn cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào
cha mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa,
cho dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
-
Vì trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học
hỏi những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải
biết luôn lắng nghe lời Chúa.
Chúng
ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng trong tâm hồn, biết được
thánh ý Chúa qua việc lắng nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúng
ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời hay những
lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của tha nhân.
Nói
tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang
thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời
và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây
cũng là con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh
Têrêxa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh
xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước
Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ.
Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác
ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho
những ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn
chan chứa.
Noi
gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông
vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng
Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một
đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những
người con bé nhỏ. Không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng
con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban. Xin
cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt
trọn niềm tin vào cha mẹ để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần
bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.
*
LỜI KHAI MẠC VĂN NGHỆ ĐÊM TRUNG THU
1. Kính
thưa quý Cha, quý Soeurs, quý HĐMVGX, quý ân nhân và tất cả quý ông bà anh chị
em…
Hoà
chung không khí tưng bừng của ngày hội trăng rằm, tối hôm nay chúng ta quy tụ
về đây để cùng chung chia niềm vui cùng với các em thiếu nhi và hiệp dâng lên
Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ, vì Chúa đã dựng nên đất trời và ban tặng cho ta;
trong đó có tứ thời bát tiết, có ánh trăng tuyệt mỹ. Nhờ đó mà chúng ta và các
em mới có được một ngày hội vui trung thu hôm nay.
Là
những người con Chúa, Tết trung thu không chỉ là ngày hội mà còn là ngày lễ. Vì
thế trong dịp này, ngoài việc tận hưởng niềm vui và gửi đến nhau những lời chúc
mừng ý nghĩa, chúng ta không quên cảm tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho
các em thiếu nhi luôn có được tâm hồn trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi
thơ, cho dẫu mai đây các em khôn lớn, chắp cánh tung bay vào đời, các em vẫn
lưu giữ mãi những kỷ niệm tuyệt đẹp của tuổi thơ.
Chúng
ta cũng không quên cám ơn tình thương của bao người hằng bao bọc, chở che, đỡ
nâng các em, trong đó có các bậc làm cha mẹ, ông bà; quý cha, quý Soeurs,
HĐMVGX, quý thầy cô, các anh chị GLV huynh trưởng, cũng như tất cả các vị ân
nhân, thân nhân xa gần . . . đã tích cực hiệp hành cùng với các em trong mọi
bước đường ơn gọi làm người và làm con Chúa.
Nguyện
xin Chúa ban muôn phúc lành trên những ai đã đang và sẽ quảng đại hy sinh làm
cho đời các em tươi sáng tựa như ánh trăng rằm đêm nay.
Thay
lời cho ban tổ chức, tôi xin chúc mọi người đặc biệt các em thiếu nhi có được
một đêm lễ hội Trung thu tràn ngập tiếng cười, niềm vui và bình an trong Chúa
Giêsu tình thương.
Với
những ý nghĩa và tâm tình đó, giờ đây tôi xin tuyên bố khai mạc đêm hội trăng
rằm Tết Trung Thu 2023 với chủ đề: “VẦNG TRĂNG YÊU THƯƠNG-GIÊSU”.
Xin trân trọng cám ơn!
2. Kính
thưa quý ông bà và anh chị em, đặc biệt các em thiếu nhi yêu quý!
Hòa
trong không khí vui tươi, phấn khởi nhân ngày hội trăng rằm của thiếu nhi cả
nước, thay lời cho ban tổ chức tôi xin gửi đến quý ông bà và anh chị em lời
chào yêu thương và quý mến.
Thưa quý
vị và các
em thiếu nhi thân mến!
Đến
hẹn lại lên, cứ đến ngày rằm tháng 8, Họ đạo Sóc Trăng chúng ta lại tổ chức
nhiều sinh hoạt mục vụ phong phú và đầy ý nghĩa…, với mong muốn giúp các em
thêm niềm vui, tạo mối hiệp thông, liên kết tình bác ái yêu thương và giúp các
em hoà nhập vào đời sống cộng đồng. Thông qua những hình thức vui chơi giải
trí, nghệ thuật, văn hoá văn nghệ… hy vọng sẽ giúp cho các em sớm bộc lộ được
những tài năng tiềm ẩn Chúa ban mà phát huy đúng cách và trúng hướng. Cho nên những
hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trong đêm Trung Thu luôn là dự hướng
không thể bỏ qua trong chương trình mục vụ của Họ đạo chúng ta.
Với
ý nghĩa và mong muốn đó, tôi hy vọng quý vị phụ huynh, thầy cô và mọi tổ chức
đoàn thể tích cực quan tâm, nâng đỡ và hướng dẫn các em, là thế hệ tương lai
của xã hội và GH có thêm tin yêu cuộc sống, nỗ lực rèn luyện bản thân, chuyên
chăm học tập và phấn đấu trở thành những người hữu ích và là con ngoan của Chúa
trong lòng GH.
Thay
lời cho ban tổ chức, tôi xin kính chúc quý vị phụ huynh, thầy cô, anh chị huynh
trưởng và mọi người luôn mạnh khỏe, an vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc
các con thiếu nhi một đêm trăng rằm thật vui, ấm áp và tràn đầy hạnh phúc
bên bạn bè và gia đình!
Các
riêng với người Công Giáo chúng ta, có thể nói rằng không có niềm vui nào mà
không khởi đi từ Thiên Chúa. Bởi Ngài là Đấng sáng tạo đất trời, muôn vật muôn
loài và đã ban tặng tất cả cho chúng ta, trong đó có ánh trăng sáng ngời. Nên
trong ngày hội trăng rằm đêm hôm nay, chúng ta không quên dâng lên Thiên Chúa
lời chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn về những điều thật kì diệu do Thiên Chúa ban
tặng cho chúng ta.
Cuối
lời, Cha cầu chúc các con Thiếu nhi luôn sống an vui, ngoan hiền, gìn giữ tâm
hồn trong sáng như ánh trăng rằm, ngỏ hầu xứng danh là người kitô hữu
và là người con yêu dấu của Chúa. Nguyện xin Chúa Giêsu luôn là người bạn
đồng hành, yêu thương, gìn giữ, ban ơn và chúc lành cho tất cả các con.
Với
những tâm tình đó, giờ đây tôi xin long trọng nói lên lời khai mạc đêm Trung
Thu 2023, với chủ đề: “Vầng Trăng Yêu Thương-Giêsu”
3. Kính thưa cộng
đoàn,
Trong không khí rộn ràng khắp mọi miền đất nước chào
đón Tết Trung Thu 2023, trước hết tôi xin gửi lời chào thân thương và trân quý
đến tất cả quý ông bà và anh chị em, đặc biệt là các em thiếu nhi!
Trung thu được gọi là Tết của Thiếu nhi. Nên
mỗi
dịp Trung thu về, các em lại được quây
quần bên
gia đình và người thân để phá cỗ trông trăng;
là dịp để các em quy tụ bên nhau dưới ánh trăng để vui chơi múa hát thoả thích
cùng với bạn bè; là dịp các em cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị tình thân; tâm hồn các em sẽ
lưu giữ thêm những kỉ niệm đẹp về cuộc đời tuổi thơ trong sáng.
Tết trung thu cũng là dịp để
các em biểu tỏ tình thương chia sẻ bác ai với nhau. Đây cũng là dịp nhắc nhở người
lớn chúng ta về trách
nhiệm quan trọng đối các em thiếu nhi, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha
mẹ, bệnh
tật và thiếu thốn... bằng những hành động thiết thực, mong sao tất cả các em đều có cuộc sống đủ đầy và
vui hưởng một cái Tết Trung Thu nên tròn đầy và ý nghĩa.
Cha
rất tự
hào vì thời gian qua các con Thiếu nhi Họ
đạo có
nhiều tiến bộ. Các con đã
biết vâng lời và sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô…,
biết siêng
năng học tập, biết tương trợ giúp đỡ
bạn bè, phụ giúp cha mẹ, nhất là biết tiết kiệm nuôi heo đất để hiệp thông,
tham gia vào sứ vụ xây dựng Họ đạo. Vui nhất là mỗi ngày nhìn thấy các con chăm
ngoan, tích cực học giáo lý và siêng năng tham dự Thánh lễ.
Cha
rất mong
các con luôn biết nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, biết yêu thương gia đình, biết lễ phép với
người lớn, lưu
tâm trao dồi đời sống đạo đức, tích cực chung tay gìn giữ môi
trường sao cho: sáng, xanh, sạch, đẹp; luôn gìn giữ mãi tâm hồn trong trắng,
hồn nhiên, đơn sơ và hiền hoà tựa ánh trăm rằm sáng trong.
Cách
riêng, tôi không quên cám ơn tình thương của bao người đã bao bọc, chở che, đỡ
nâng các em trên mọi chặng đường cuộc sống. Trong đó có các bậc phụ huynh, quý
Cha, quý Soeurs, HĐMVGX, quý thầy cô GLV, anh chị Huynh trưởng và tất cả quý vị
ân nhân xa gần . . . đã hiệp hành: hiệp thông-tham gia vào sứ vụ cao quý là
hướng dẫn và trợ giúp các em trên con đường nên thánh.
Xin
Chúa chúc lành và tuôn ban muôn vàn ơn phúc xuống trên quý vị.
Một
lần nữa, thay lời cho ban tổ chức, tôi cầu chúc mọi người, đặc biệt là các
con Thiếu nhi một đêm lễ hội trăng rằm tràn ngập tiếng cười, niềm vui, bình an
và hạnh phúc trong Chúa Giêsu và Mẹ Maria!
Với
những ý nghĩa và tâm tình đó, giờ đây tôi xin tuyên bố khai mạc Đêm Hội Trăng
Rằm Tết Trung Thu 2023, với chủ đề: “VẦNG TRĂNG YÊU THƯƠNG-GIÊSU”.
Xin
trân trọng cám ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét