Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

LỄ AN TÁNG 11/03/2024

SUY NIỆM 1:

Bài đọc 1: Rm 6, 8-9

Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rô-ma.

Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.  Đó là niềm tin của chúng ta. Vì chúng ta biết rằng một khi Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, tử thần chẳng còn quyền chi đối với Người. Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa".

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

Người xúc động và hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người. Ðó là lời Chúa.

 Suy niệm: Có thể sánh ví cuộc sống trần gian của người Kitô hữu như là một cuộc hành trình, trên cuộc hành trình ấy đòi hỏi chúng ta phải dám chấp nhận bước đi, chấp nhận đối mặt với gian lao thử thách, và có khi còn dám chết đi để được sống lại trong Chúa Kitô.

Chắc chắn không ai trong chúng ta coi cái chết “với Đức Ki-tô” chỉ là cái chết phần xác, nhưng là cái chết của linh hồn vì ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ và tội cá nhân do ta gây nên. Tuy nhiên, cái chết này đã bị tiêu diệt nhờ vào cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, qua đó Người ban lại cho ta sự sống mới, sự sống vĩnh cửu nước trời.  

 Theo dòng suy tư thần học của thánh Phao-lô trong bài đọc 1 trích thư gửi tín hữu Rô-ma mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô muốn nói về ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy, ngài diễn tả như sau: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Và như “Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sẽ được sống lại trong cùng một đời sống mới với Người như vậy”.

Qủa thế, trong Chúa Kitô con người cũ tội lỗi của chúng ta đã chết đi trong cái chết của Đức Kitô nên chúng ta cũng được “mai táng” cùng với Người. Vì thế nên chúng ta cũng sẽ được “Phục sinh” cùng với Người. Nói khác đi, căn tính tội lỗi của chúng ta được thay đổi nhờ cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, để từ thân phận tội lỗi phải chết của chúng ta sẽ được sống trong Chúa “Đó chính là niềm tin của ngườ Kitô hữu chúng ta”.  

Nhờ niềm tin vững vàng vào mầu nhiệm của sự chết và phục sinh của Đức Kitô mà cuộc đời của chúng ta trở nên ý nghĩa và tràn đầy niềm hy vọng, bời vì cái chết chỉ là khởi điểm cho một cuộc hành trình mới, hành trình dẫn đưa chúng ta tiến đến sự sống bất diệt.

Niềm tin ấy đã được Ðức Giêsu xác quyết với Mácta và Maria trong bài tin mừng chúng ta vừa nghe rằng: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống." Ðức Giêsu chính là nguồn của sự sống và là đấng ban phát sự sống. Trong Ngài chúng ta mới có được bình an và hạnh phúc, nơi Ngài chúng ta mới có được sự sống trường sinh và vĩnh cửu.

Vì thế, muốn được sống đời đời cùng với Chúa Giêsu, ngay từ đời này ta phải tin tưởng, cậy trông và sống bằng sự sống của Ngài: Tức là sống trong ơn thánh nhờ việc  lãnh nhận các bí tích, thực thi bác ái, hy sinh và chuyên cần cầu nguyện.

Người thân của chúng ta là….đã tin vào Chúa Kitô và đã sống niềm tin đó trong suốt cuộc hành trình lữ thứ trần gian này bằng cách dám từ bỏ con người cũ với những tính hư tật xấu, biết tận tâm tìm kiếm Chúa bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh, và bác ái nên chúng ta tin rằng ông (bà)…cũng sẽ được sống lại cùng với Chúa Kitô trong niềm hạnh phúc muôn đời. Với niềm tin và hy vọng ấy, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin cho ông (bà)…với niềm hy vọng bà sớm được Chúa ban thưởng hạnh phúc viên mãn trong nước trời.

 

SUY NIỆM 2:

Bài đọc 1: Rm 5,12-15

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

12 Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. 14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Đó là lời Chúa.

Phúc âm: Lc 20,27-38

Tin mừng chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

34 Chúa Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:

Ðức Cha Fulton J. Sheen trong tác phẩm "Trên đỉnh caoThập Giá" đã kể rằng: Sau khi bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Ðịa Ðàng và gánh chịu hình phạt lao dịch, A-đam đã phải vất vả khổ cực tìm kiếm của ăn.

Một lần kia, trên đường ra nương rẫy, A-đam vấp phải thân xác bất động của A-ben. A-đam nâng dậy vác con lên vai đưa về nhà đặt trong vòng tay E-và. Ông Bà lay gọi nhưng A-ben không đáp trả. Trước đây A-ben là đứa con ngoan, lanh lợi, không có trầm lặng như vậy. Ông Bà nâng tay A-ben lên, bàn tay lại rơi xuống đất bất động, trước đây A-ben không hề như thế. Ông Bà nhìn vào đôi mắt của con: lạnh lùng, trắng dã, vô tư một cách bí mật, trước đây đôi mắt của A-ben có vô tình như vậy bao giờ đâu. Ông Bà kinh ngạc, nỗi kinh ngạc tăng dần lên. Thế rồi hai Ông Bà chợt nhớ lời Thiên Chúa: "Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ phải chết".

Cái chết của A-ben là cái chết đầu tiên của nhân loại. Khi Nguyên tổ phạm tội, Ðịa Ðàng đã đóng ngõ cài then. Ðau khổ và sự chết đã tràn vào thế giới và chảy dọc theo thời gian.

Thiên Chúa đã sinh ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Sống và chết là hai thái cực đối chọi nhau. Sự sống và sự chết là một kỳ công của Thiên Chúa. Con người không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào ngăn cản được sự chết. Thế giới càng văn minh thì Tử Thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Có cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đau đớn khốn khổ, muốn chết không được, muốn sống không yên. Càng chạy trốn Tử Thần, thì Tử Thần càng đến gần. Càng tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều. Ở mọi thời đại, cái chết vẫn là một mầu nhiệm thách thức lý trí con người. Tại sao con người lại phải chết ? chết là gì ? Ðó luôn luôn là những câu hỏi làm xao xuyến tâm trí con người trong mọi không gian và thời gian.

Có thể nói sự chết là một đề tài suy niệm phong phú nhất. Mỗi tôn giáo, mỗi con người nhìn và hiểu một cách khác nhau tuỳ theo quan niệm của mình, tuỳ theo niềm tin, tuỳ theo chọn lựa và thái độ cuộc sống của mình.

Cách riêng đối với người Ki-tô giáo chúng ta, thì tin rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có ?

- Kinh Thánh trả lời cho ta biết rằng: sự chết là hậu quả của tội lỗi (Rm  5, 12; 6, 23). Nhưng Thiên Chúa, "vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16 )

Bài Phúc âm chúng ta vừa nghe kể về những người thuộc phái Xa-đốc không tin có sự sống lại, nên họ đặt ra những vấn nạn vô lý để chất vấn Chúa Giê-su. Họ trích sách Ðệ nhị luật 25,5-6 để hỏi Người: “Nhà kia có 7 anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị goá đó vợ sẽ là của ai ?”

Những câu trả lởi của Ðức Giê-su đã vén mở phần nào bức màn đời sau. Ðời sau khác đời này. Người ta không còn lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi tông đường, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa thôi. Ðời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn trong ngày sau hết. Bởi vì Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.

Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô mà chúng ta sắp cử hành trong tuần thánh tới đây cho biết Ðức Giê-su sẽ hoàn tất về măc khải nói trên, bằng cách chiến thắng sự chết và sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống viên mãn cho nhân loại chúng ta. Niềm tin vào Ðức Giê-su, Ðấng đã chết và sống lại là niềm tin cao cả nhất của người Kitô hữu chúng ta. Cho nên, khi một người tín hữu vừa qua đời, thì chuông Nhà Thờ liền vang lên để báo tin cho mọi người biết một linh hồn đã được Chúa gọi về. Nghe chuông báo tử, mọi người đều lắng đọng tâm hồn hướng về nhà thờ để cầu nguyện, sau đó đến tang gia để thăm viếng, phân ưu, đọc kinh cầu nguyện, tham dự nghi thức tẩm liệm, và đưa người chết đến Nhà Thờ. Linh cữu được đặt trước bàn thờ Chúa. Cây nến Phục Sinh tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Kitô được thắp sáng và đặt cạnh quan tài. Thánh Lễ được cử hành và mọi người hiệp thông cầu nguyện cho người đã chết. Vị đại diện Giáo Hội là Linh Mục tiễn đưa người quá cố đến Ðất Thánh, làm phép huyệt để thánh hoá nơi người chết an nghỉ nhằm nói lên niềm hy vọng vào sự sống lại: "Chúng ta gởi thân xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại gặp nhau trên Thiên Ðàng."

Người thân của chúng ta là chị Emily đã tin vào Chúa Kitô và đã sống niềm tin vào Chúa Kitô đã chết và phục sinh trong suốt hành trình 64 năm ở trần gian này, chị đã dám chết đi cho con người cũ với những tính hư tật xấu để sống cho con người mới trong Chúa Kitô; chị đã liên kết với Chúa Kitô bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh, và bác ái theo như lời Chúa chỉ dạy, nên chúng ta tin rằng chị cũng sẽ được cùng sống lại với Chúa Kitô trong niềm vinh quang hạnh phúc muôn đời trong nhà Cha nước trời theo như lời xác quyết của Đức Giê-su với chị Mác ta: “Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.” (Ga11,25-26). (St

 

SUY NIỆM 3: 

Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”. Ðó là lời Chúa.

Phúc Âm: Lc 20, 27-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”. Ðó là lời Chúa.

"TÔI TRÔNG ÐỠI KẺ CHẾT SỐNG LẠI"

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, đặc biệt là gia đình tang quyến,

Trong mỗi thánh lễ ngày Chúa Nhật và những ngày Lễ Trọng, sau bài phúc âm và bài giảng, người công giáo chúng ta có thói quen lập lại lời tuyên xưng Ðức Tin của mình. Lời tuyên xưng ấy được tóm gọn trong Kinh Tin Kính. Cuối phần Kinh Tin Kính, chúng ta xác tín một cách mạnh mẽ và vững vàng như sau: "Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen". Như vậy niềm tin dạy chúng ta biết có sự sống lại và cũng có sự sống đời sau.

Thật vậy, nếu không có sự sống lại, thì sự chết sẽ là tiếng nói sau cùng. Không có sự sống lại, thì những hy sinh ăn ngay ở lành, những việc lành phước đức, và những cố gắng sống trung thành với đức tin của chúng ta ở đời này sẽ trở thành vô nghĩa. Cho nên sự sống lại không chỉ là niềm tin của người kitô hữu chúng ta mà còn là chân lý của mọi người. Nhưng chúng ta phải hiểu sự sống lại ấy như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải dựa vào ánh sáng của Lời Chúa, cách cụ thể qua các bài đọc mà chúng ta vừa nghe:

- Bài đọc 1 trích sách Macabê, trình thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em nhà Mác-ca-bê, sự kiện này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong truyền thống Cựu Ước minh chứng cho niềm tin vào sự sống lại sau khi chết. Bà mẹ và anh em nhà Macabê đã sẵn sàng chịu tử đạo chỉ vì họ tin chắc rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng sẽ cho họ sống lại vĩnh viễn sau cái chết.

- Sách giáo lý Công giáo cũng dạy cho chúng ta biết được sau khi chết mọi người sẽ được Thiên Chúa phán xét: kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ phải sa vào hỏa ngục chịu phạt vô cùng. Như vậy, thiên đàng, là nơi người lành được hưởng phúc thanh nhàn, trong tình trạng vui vẻ vô cùng, bởi được xem thấy mặt Ðức Chúa Trời luôn mãi vì được chia sẻ sự sống với Thiên Chúa vĩnh viễn, hay nói cách khác là "Chúng ta được sống trong sự sống của Thiên Chúa". Thánh Phao-lô đã diễn tả tình trạng thiên đàng bằng những hình ảnh tuyệt vời như sau: "Ðiều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề cảm nhận, đã được Chúa dọn sẵn cho những kẻ yêu mến Ngài. Ðây là điều Chúa dùng thần khí mặc khải cho chúng ta" (1Cr 2, 9 10a ).

Còn hỏa ngục, là tình trạng con người phải chịu đau khổ vĩnh viễn trong ngày phán xét. Chính Chúa Giê-su đã từng đề cập điều này bằng dụ ngôn "Chiên và dê" (x. Mt 25, 32 33). Ngày ấy, con người sẽ bị chia làm hai nhóm, bên phải và bên trái. Và Ðức Vua sẽ đến nói nhóm bên phải rằng (tức là nhóm chiên): "Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà nhận lấy nước Thiên Ðàng đã sắm cho anh em từ khi tạo thành trời đất. Vì Ta đói, anh em đã cho ăn; Ta khát, anh em đã cho uống; Ta không có chỗ trú, anh em đã cho trọ; Ta mình trần, anh em đã cho mặc... " (Mt 25,34 36). Ðoạn, Ðức Vua cũng phán bảo với những người bên trái rằng (tức là nhóm dê ): "Hỡi những kẻ khốn nạn! Hãy xéo đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, đã sắm cho ma quỷ và các thần dữ. Vì Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta không chỗ trú, các ngươi không đón tiếp; Ta mình trần, các ngươi không cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi không thăm viếng... " (Mt 25,41-43). Dụ ngôn trên, cho ta thấy rằng, hỏa ngục là sự xa cách vĩnh viễn Thiên Chúa, hay nói một cách khác, hỏa ngục là nơi không bao giờ ta còn được xem thấy tôn nhan Thiên Chúa nữa.

Tuy nhiên vì Thiên Chúa là Đấng rất từ bi, nhân ái và bao dung vô cùng, nên Ngài không muốn bất cứ ai sa vào hỏa ngục chịu đau khổ đời đời, cho nên Ngài còn dành một nơi trung gian nữa để thanh luyện cho những ai còn vướng mắc tội nhẹ, chưa thanh sạch đủ, nơi đó gọi là luyện ngục. Tín điều này đã được công đồng Florencia và Trento xác tín khi GH dựa vào một số bản văn Thánh Kinh và truyền thống của Giáo Hội.

Vậy bổn phận của chúng ta, những người còn sống là phải cố gắng làm nhiều việc lành phúc đức, siêng năng tham dự thánh lễ và chăm chỉ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn trong nơi luyện ngục, hầu giúp các linh hồn này sớm được thanh luyện nên trinh trong, xứng đáng bước vào thiên đàng để diện kiến tôn nhan Thiên Chúa. Những công đức của người sống dành cho các linh hồn nơi luyện tội ấy đã được đề cập trong sách Mác-ca-bê quyển thứ hai như sau: "Giu-đa thủ lãnh nhà Mác-ca-bê sau một trận chiến đã quyên góp và gửi tiền về Giê-ru-sa-lem để xin lễ và cầu nguyện cho những người đã tử trận" (2 Mcb 12,43 ).

Trở lại với bài Tin Mừng, như chúng ta biết nhóm Xa-đốc là một nhóm tư tế cao cấp trong Do-thái giáo. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo lẫn chính trị, từ trước thời Ðức Giêsu. Họ chỉ chấp nhận và tin vào 5 quyển sách của ông Mô-sê, gọi là Ngũ Kinh. Nên họ không tin có sự sống lại, vì thế họ mới đặt ra một câu chuyện lố bịch nhằm làm bẻ mặt Chúa Giêsu, bởi Ngài rao giảng về sự sống lại. Qua việc trả lời vấn nạn của nhóm Xa-đốc đặt ra, Chúa Giê-su đã xác định cho chúng ta biết được: có đời sau, có sự sống lại, và có các thiên thần. Tuy nhiên tình trạng đời sau không giống như tình trạng ở đời này. Vì sự sống đời sau giống như các Thiên Thần nên không còn bóng dáng của sự chết, không còn chuyện dựng vợ gả chồng, và không còn việc sinh con cái nối dõi tông đường nữa.

Vì do hậu quả của tội nguyên tổ và nhất là tội cá nhân của mỗi người, nên chúng ta phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống đời này. Nhưng với tình yêu vô biên, Thiên Chúa vẫn luôn phù trợ chúng ta bằng nhiều phương thế nhiệm màu khác nhau, nhằm giúp chúng ta có thể chu toàn tốt ơn gọi và sứ vụ của mình. Cho nên dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng hãy tin tưởng mà cố gắng sống theo lời dạy của Chúa, bằng cách tích cực xây dựng đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Kitô (Mt 7, 24), phải trở nên hạt giống tốt nơi môi trường mình đang sống (Mc 4, 8 ), nhất là dám chết đi con người cũ để trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho cuộc sống này (1Cr 15,42). Sống được như vậy, ta sẽ cảm nếm được sự sống vĩnh cửu mai sau, bởi thấy mình được gắn kết mật thiết vào Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống và hạnh phúc đời đời.

Ông JB Nguyễn Văn Buôl đã tin vào sự sống lại mai sau, đã được thanh tẩy trong máu Chúa Kitô, đã xây dựng đời mình trên nền đá tảng đức tin là Chúa Kitô; ông cũng đã trở nên hạt giống tốt lành nơi môi trường gia đình và Đọ đạo bằng đời sống đạo gương mẫu. Nhất là trong thời gian nằm bệnh, ông đã học cách chết đi cho con người cũ với những nặng nề và đau đớn về thể xác với lòng tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa. Trong suốt hành trình 74 năm qua, ông JB đã cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong hy sinh phục vụ để làm chứng cho tin mừng tình yêu Chúa, nên ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, ông sẽ được Thiên Chúa ghi nhận và ban thưởng hạnh phúc muôn đời trong nước của Ngài.


SUY NIỆM 4: KIÊN TRUNG GÌN GIỮ NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN

Kính thưa ông bà anh chị em,

Cùng với bà Lucia Lưu Thị Nhiệm,(sinh1936) hầu hết chúng ta hiện diện nơi đây đều đã được dìm mình trong dòng nước tái sinh, đã nhận lấy cây đèn đức tin và đã thề hứa bước đi theo Chúa Kitô là ánh sáng cứu độ đến trọn đời.

Ngày chịu phép rửa tội, GH nhắc nhở chúng ta là hãy gìn giữ, bảo vệ và chăm nom ngọn đèn đức tin của mình luôn mãi cháy sáng, cho đến ngày Con Thiên Chúa đến trở lại trong vinh quang. Tâm tình ấy đã được nhắc đến qua hình ảnh mười cô trinh nữ trong bài phúc âm mà chúng ta vừa nghe.

Khi nhận lấy nhiệm vụ chào đón chàng rể, chắc hẳn các cô phù dâu biết được là chàng rể sẽ đến bất ngờ, không hề hẹn trước giờ giấc. Vì thế, nhiệm vụ của các cô là phải tỉnh thức và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Tỉnh thức để canh chừng kẻo vì mê mệt mà ngủ thiếp đi. Sẵn sàng để khi chàng rễ đến thì lập tức cầm đèn cháy sáng trong tay ra đón Người.

Điều đáng tiếc là hết một nữa các cô đã chễnh mãng không chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng. Nên các cô này không có cơ hội ra nghênh đón chàng rễ, và kết quả là tất cả đã trở nên muộn màng bởi cửa phòng tiệc đã đóng chặt lại. Chỉ có những cô khôn ngoan vừa biết chuẩn bị đèn mà lại vừa mang theo dầu cho nên các cô này được diễm phúc cầm đèn sáng ra đón chàng rễ và thế là các cô xứng đáng được theo chàng rễ vào phòng dự tiệc cưới trong niềm hân hoan vui mừng.

Có thể nói bà Lucia cũng thuộc vào hàng trinh nữ, và là người thuộc vào nhóm 5 cô trinh nữ khôn ngoan mà tin mừng hôm nay nói đến. Bởi bà đã chọn đời sống độc thân và trong suốt hành trình 88 năm qua lúc nào bà cũng chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng cho đời sống đức tin của mình. Bà đã thắp sáng ngọn đèn đức tin ấy bằng đời sống cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ, và sốt sắng đón nhận các bí tích với lòng tin yêu Chúa.

Nhất là trong khoảng thời gian lâm bệnh, bà đã thường xuyên dọn mình xưng tội và đón nhận Mình Thánh Chúa sốt sắng hàng tháng. Và trước khi từ giả cuộc sống này, bà đã được lãnh nhận đầy đủ các phép bí tích với một tâm hồn thánh thiện và sốt sắng.

Vì chọn sống đời độc thân nên cuộc sống của bà chắc hẳn cũng gặp phải nhiều gian lao thử thách, nhưng không vì thế mà ngọn đèn đức tin của bà bị lu mờ hay tắt đi. Bằng chứng là trong thời gian cuối đời, Chúa đã dành cho bà những sự ưu ái, qua việc chăm sóc mục vụ tận tình của các vị mục tử; cũng như tình yêu thương của bà con cộng đoàn trong Họ đạo dành cho bà.

Kính thưa ông bà anh chị em, tahm dự thánh lễ an táng của bà Lucia hôm nay, và dưới ánh sáng của lời Chúa soi dẫn, chúng ta được mời gọi hướng đến những điều quan trọng sau đây:

- Hãy như bà Lucia, không vì cuộc sống này có nhiều gian lao thử thách, mà ta quên đi việc giữ gìn, bảo vệ và chăm sóc cho ngọn đèn đức tin của mình luôn cháy sáng, nhờ vào đời sống cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích và tích cực thi hành các việc bác ái yêu thương như Chúa mời gọi.

- Giữa bao phong ba bảo táp cuộc đời, đối mặt với muôn vàn cám dỗ về tiền tài, danh vọng, quyền lực, đam mê, lạc thú của thế gian, xin cho chúng ta luôn biết can trường chiến đấu để gìn giữ, bảo vệ ngọn đèn đức tin của mình được cháy sáng, nhờ vào việc lắng nghe và thực hành lời Chúa.

- Trong mọi hoàn cảnh, xin cho chúng ta biết noi gương các trinh nữ khôn ngoan mà chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng, để khi Chúa đến ta hân hoan ra nghênh đón Người với đèn sáng trong tay. Được như thế, ta mới xứng đáng được Chúa đưa vào tham dự bàn tiệc hạnh phúc muôn đời trong nhà Cha trên trời.

Bà Lucia trước mặt người đời được xem là người trinh nữ khôn ngoan vì bà đã trung kiên bảo vệ và gìn giữ ngọn đèn đức tin của mình cháy sáng mãi đến giây phút cuối cùng, nên chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng bà cũng sẽ được Chúa đưa vào tham dự bàn tiệc vui muôn đời cùng với các thần thánh trong nhà Cha muôn đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...