SUY
NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA
NHẬT PHỤC SINH-B
Cv
10, 34a.37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
Suy niệm 1: Thánh Phaolô đã nói:
“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và
cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Nhưng vì “Đức Ki-tô đã trỗi
dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…” cho nên những ai
“liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (1Cr 15, 20- 22).
Đó chính là nền tảng đức tin căn bản của chúng ta.
Xin cho chúng ta
luôn biết gắn bó mật thiết với Chúa Kitô phục sinh bằng tất cả niềm tin yêu và
phó thác để như lời thánh Phaolô xác quyết: “nếu ta cùng chết với Đức Kitô, thì
ta tin rằng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài.” (Rm 6, 8).
Phụng
vụ lời Chúa trong ngày lễ phục sinh hôm nay có khá nhiều thông điệp mà Chúa
muốn gửi đến chúng ta. Nhưng theo tôi có hai thông điệp quan trọng nhất mà mỗi
người chúng ta cần phải lưu tâm trong ngày mừng đại lễ phục sinh hôm nay đó là:
1. Sự sống lại của
Đức Kitô phải là nền tảng đức tin của chúng ta.
Bài
Tin mừng hôm nay, thánh Gioan đưa ra rất nhiều dấu chứng, nhất là dấu chứng về
ngôi mộ trống. Thánh Gioan cũng cho biết nếu nhìn vào ngôi mộ trống với cặp mắt
tự nhiên thì cũng chưa đủ để xác tín rằng Chúa Giêsu đã sống lại.
Bằng
chứng là bà Maria Mađalêna khi nhìn vào mộ trống nhưng đã cho rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và
chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu".
Còn
Phêrô khi nhìn “vào trong mộ và thấy
những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không
để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”, nhưng ông cũng không
nhận ra sự phục sinh của Chúa.
Cũng
thế, những người đã ra tay hãm hại Chúa trước đây vì cố tình không tin vào sự
phục sinh của Chúa nên họ đã dùng một số tiền lớn để mua chuộc lính canh mộ
phao tin giả rằng: “đang đêm chúng tôi
ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông, rồi phao tin ông ta sống lại”.
Nhất
là đối với những người có đầu óc duy lý thì cho rằng: Ông Giêsu chưa chết chỉ
bất tỉnh thôi nên khi chôn trong mồ, đợi đến khi mọi người ra về hết rồi, thì
Người đã tỉnh dậy và cố sức lăn tảng đá đậy mồ ra, mà đi mất.
Do
đó để có được niềm tin thực sự vào sự phục sinh của Chúa Giêsu sẽ không dễ dàng
chút nào, vì người ta có muôn ngàn phương cách để chối bỏ chân lý này.
Riêng
với người tín hữu, trong ngày lãnh nhận bì tích rửa tội, chúng ta đã tin nhận
vào mầu nhiệm phục sinh, nhưng không phải vì thế mà ai trong chúng ta cũng đều
vững vàng với niềm tin ấy. Rất có thể vì chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa
vô thần và lối sống thực dụng nên lắm khi niềm tin vào sự phục sinh của chúng
ta cũng bị lung lay; cũng có thể vì quá đề cao chủ nghĩa tương đối và quyền tự
do phóng túng nên ngày càng có nhiều người muốn chối bỏ niềm tin vào sự sống
lại để được an tâm sống trong tình trạng tội lỗi của mình. Vì thế hơn lúc nào
hết, ngay bây giờ chúng ta cần phải xác định lại niềm tin của mình vào sự phục
sinh của Chúa Giêsu.
Nhưng
để có được cái nhìn đức tin kiên vững vào sự phục sinh của Đức Kitô trong mọi
hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta cần phải có được cái nhìn của thánh Gioan
tông đồ, người môn đệ yêu Chúa và được Chúa yêu. Đó là cái nhìn được định hướng
bởi tình yêu trong sáng, dưới sự soi dẫn của lời Chúa. Chỉ khi nào có cái nhìn
như thế, ta mới tin nhận vững vàng vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô và sự
sống lại mai sau của chúng ta.
2. Ta phải sống niềm
tin phục sinh như thế nào?
Bài
đọc 2, trích thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô chỉ dạy các
tín hữu Côlôsê cũng như chúng ta phải sống niềm tin phục sinh như sau:
- Cùng chết với Đức
Giêsu và sống lại với Ngài. Nghĩa là phải dám
chết đi con người cũ với tính hư nết xấu và tội lỗi để sống con người mới trong
Chúa Kitô phục sinh; nhất là phải can đảm từ bỏ ý riêng để tuân phục theo thánh
ý Chúa.
- Lo tìm kiếm những
gì thuộc về thượng giới. Trong khi lo cho
đời sống trần gian cơm áo gạo tiền, chúng ta cũng phải biết quan tâm lo tìm
kiếm những giá trị cao quý hơn như chân-thiện-mỹ; nhất là luôn tôn trọng giá
trị công bằng và sống tình bác ái yêu thương nhau.
- Biết hướng lòng
trí về những gì thuộc về thượng giới. Dầu sống ở trần
gian, nhưng chúng ta không thuộc trần gian này. Do đó, đừng quá lệ thuộc vào
danh-lợi- thú, trái lại phải biết hướng tâm hồn lên tới Chúa, gắn bó với Người
bằng đời sống cầu nguyện và thờ phượng Chúa trong tình con thảo.
- Đặc biệt là biết
noi gương thánh Phê-rô mạnh dạn làm chứng cho Chúa phục sinh
bằng đời sống chân thành, cởi mở, lạc quan, luôn yêu đời và yêu người. Luôn can
đảm rao giảng về Chúa Giêsu phục sinh là Đấng giàu lòng yêu thương con người.
Vì yêu thương nên Ngài đã chấp nhận xuống thế làm người, sống như con người
ngoại trừ tội lỗi. Vì yêu con người tội lỗi nên Ngài đã sẵn sàng chịu chết đau
đớn trên thập giá để gánh lấy tội lỗi nhân loại mà treo vào thập giá. Cuối cùng
cũng chính vì tình yêu nên Ngài đã sống lại để khơi lên niềm hy vọng lớn lao
vào sự sống mai sau cho chúng ta. Để từ nay ai tin vào Đức Kitô phục sinh sẽ
được tha tội và đón nhận ơn cứu độ.(x. bài đọc 1).
Xin Chúa phục sinh
củng cố lại đức tin nơi mỗi người chúng ta và xin cho chúng ta nỗ lực sống và
loan báo niềm vui phục sinh cách tích cực bằng đời sống yêu thương phục vụ chân
thành trong sáng ngỏ hầu niềm vui tin mừng phục sinh của Chúa được lan tỏa đến
mọi người và mọi nơi.
Suy niệm 2
Truyện kể: Trong kho tàn truyện cổ tích, có một câu truyện lý thú sau đây: Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Ðất.
Mặt Trời nói: “Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh biêng biếc”. Nhưng Mặt Trăng thì lại cho rằng, "tất cả chúng mang một màu bạc lấp lánh."
Mặt Trăng nói
rằng, con người trên Trái Ðất thường ngủ trong yên tĩnh. Còn Mặt Trời lại bảo con người luôn
hoạt động đấy chứ.
- Con người hoạt động, vậy tại sao trên Trái Ðất lại yên ắng đến vậy? Mặt Trăng
cãi.
- Ai bảo là trên Trái Ðất yên lặng? - Mặt Trời ngạc nhiên – Trên Trái
Ðất mọi thứ đều hoạt động, và còn rất ồn ào náo nhiệt nữa.
Và
họ cãi nhau rất lâu, cho đến khi Gió bay ngang qua.
- Tại sao các bạn lại cãi nhau về chuyện này chứ? Tôi đã ở bên cạnh Mặt Trời khi
Mặt Trời nhìn xuống Trái Ðất, và tôi cũng đi cùng Mặt
Trăng khi Mặt Trăng xuất hiện. Khi Mặt Trời xuất hiện, mọi thứ
là ban ngày, cây cối màu xanh, con người hoạt động. Còn khi Mặt Trăng lên thì đêm về,
mọi người chìm sâu vào giấc ngủ.
Nếu
chỉ nhìn mọi việc dưới con mắt của mình, thì mọi thứ chẳng có gì là hoàn hảo,
trọn vẹn cả. Không thể đánh giá Trái Ðất chỉ bằng con mắt của Mặt
Trời hoặc Mặt Trăng được.
Cũng vậy khi đánh giá một
con người, một sự việc nào đó, không thể nhìn từ một phía…
Tin mừng Phục Sinh thuật lại
cho thấy ba cái nhìn khác nhau khi chứng kiến cùng một sự kiện “Ngôi mộ
trống”.
- Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ
đinh ninh rằng xác Chúa Giêsu, Thầy mình đã bị đánh cắp (x. Ga 20,13-15).
- Phêrô thì rất đỗi ngạc
nhiên vì sự việc đã xảy ra tồi tệ như thế! (x. Lc 24,12).
- Còn Gioan, người môn đệ được Chúa Giê-su thương mến, thì tin chắc rằng Chúa Giêsu đã sống lại như lời Ngài
đã tiên báo (x. Ga 20,9).
Sở dĩ có những cái nhìn khác
nhau như vậy là vì họ có những tâm trạng khác nhau:
- Maria Mac-đa-la, với
tâm trạng thương nhớ Chúa thiết tha. Có lẽ cả đêm dài bà không chợp mắt được.
Bà ước ao trời mau sáng để ra thăm mộ Chúa. Nhưng khi chứng kiến tảng đá đậy mộ
bị lăn ra và xác Chúa không còn trong mộ, bà đã hốt hoảng chạy về báo tin cho
các môn đệ Chúa. Tình thương của Maria Mác-đa-la dành cho Chúa Giêsu là một
tình thương đáng trân trọng. Nhưng nếu tình thương ấy chỉ dừng lại ở mức độ cảm
tính thường tình thì không có khả năng nhận ra sự phục sinh của Chúa.
- Tông đồ Si-mon Phêrô thì
đang mang nặng tâm trạng buồn rầu vì tội lỗi đè nặng tâm hồn, bởi đã chối Thầy.
Cho nên ông cũng không nhận ra gì hơn ngoài việc rất đổi ngạc nhiên khi chứng
kiến những mảnh băng vải và khăn che đầu được cuốn lại xếp riêng ra rất ngăn
nắp; cùng với ngôi mộ trống. Phải chăng lúc đó tâm trí của ông vẫn còn bị ám
ảnh giờ phút chối Chúa. Phải chăng lòng ông vẫn còn mang nặng nỗi u buồn về tội
lỗi mà mình đã nhát đảm gây ra. Ông còn phải có thời gian như là liều thuốc đặc
trị để chữa lành vết thương tâm hồn bất tín ấy, để tiến đến niềm tin trọn vẹn
vào Chúa Giêsu phục sinh.
- Cách riêng tông đồ Gioan,
người môn đệ Chúa yêu cũng là môn đệ rất yêu Chúa, nên khi chứng kiến
những băng vải đặt bên trên ngôi mộ trống, lập tức ông đã nhớ lại những lời Chúa đã từng tiên báo trong những năm Người rao giảng. Và ông đã tin là Thầy mình đã thực sống
lại từ trong kẻ chết như lời sách thánh đã tiên báo.
Vì thế, để tin vào sự phục
sinh của Chúa Giêsu, Gioan phải vượt lên trên tình cảm tự nhiên như Maria
Mac-đa-la, cũng như phải thắng vượt nỗi đau buồn mặc cảm tội lỗi của Phêrô mà định hướng cái nhìn của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chính cái nhìn này đã giúp tông đồ Gioan vững
tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu. Như vậy, cùng một sự kiện xảy ra, nhưng lại có
những cái nhìn khác nhau, khởi đi từ những tâm trạng khác nhau.
Trong cuộc sống hàng ngày,
luôn có những biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại xảy ra chung quanh chúng ta…tựa như
là dấu chỉ “ngôi mộ trống”. Vậy trước những dấu chỉ đó ta có cái
nhìn như thế nào?
- Có thể giống như Maria
Mac-da-la, ta chỉ dừng lại ở cái nhìn do cảm tính tự nhiên thúc đẩy, nên khi đối
diện với những biến cố ấy ta không nhận ra gì cả ngoài những cảm xúc đau buồn
khi gặp khó khăn, nghèo khổ, mất mác, thất bại và vui mừng khi thành công, may
mắn trong cuộc sống.
Có thể chúng ta cũng giống
như Phêrô, chẳng nhìn thấy gì hơn trước những biến cố xảy ra trong đời sống vì
quá tự ti mặc cảm bởi những lầm lỗi trong quá khứ của mình.
Xin Chúa cho chúng ta có
được cái nhìn đức tin, được định hướng dưới ánh sáng lời Chúa như thánh Gioan.
Nhờ đó ta mới có thể nhận ra sự hiện của Chúa Giêsu phục sinh trong mọi biến cố
xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Amen
Suy
niệm 3
Hiệp thông cùng
Giáo Hội, hôm nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Phục sinh, kỉ niệm
biến cố Đức Kitô đã chết và sống lại. Đây là mầu nhiệm nền tảng và cao cả nhất
của người Kitô hữu chúng ta. Bởi như lời thánh Phao-lô tông đồ đã xác quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của
chúng ta là hão huyền và lời rao giàng của chúng ta là vô ích. Chúng ta là
những người khờ dại nhất." (x.1Cr 15,12-19). Nhưng Đức Kitô
đã sống lại nên đem đến niềm vui, hy vọng cho chúng ta.
Vui vì Đức
Giêsu là người nên Ngài cũng đã chết thật nhưng Ngài là Thiên Chúa nên Ngài đã
sống lại thật, vì thế từ này sự chết không còn làm chủ được chúng ta nữa.
Hy vọng vì qua
mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, chúng ta tin rằng nếu chúng ta cùng chết với
Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được cùng sống lại với Người.
Vậy xin Chúa thương củng cố đức tin nơi mỗi người chúng ta để chúng ta kiên cường sống và làm chứng cho niềm tin của mình với niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu mai sau.
Truyện: Trong
một cơ hội tình cờ, có ba người đại diện cho ba tôn giáo lớn là: Phật giáo, Hồi
giáo và Thiên Chúa giáo ngồi lại tranh luận với nhau, và ai cũng tự hào về đấng
sáng lập đạo của mình.
- Người Phật tử nói:
"Khi Đức Phật Thích Ca của chúng tôi chết, chúng tôi đưa đi hỏa táng và
hài cốt của Ngài hiện đang để trong chùa Xá Lợi (Xương Phật), điều đó chứng tỏ
đức Phật Thích Ca của chúng tôi hiện hữu."
- Tiếp đến, Môn đồ Hồi giáo
lên tiếng: "Khi Giáo Chủ Mahomét của chúng tôi chết, ngài để lại cho chúng
tôi nắm tóc và bộ râu, và đã được lưu giữ trong đền thờ bên Árập. Điều đó chứng
minh Giáo chủ chúng tôi có mặt trên trần gian này."
Rồi hai người hỏi tín hữu
Kitô giáo: "Còn Chúa Giêsu của anh chết, Ngài có gì lại làm bằng
chứng không?".
- Người tín hữu trả lời: Khi
Chúa chúng tôi chết, Ngài để lại ngôi mộ trống, vì Ngài không chết luôn như
Giáo Chủ của các anh, Ngài đã sống lại ra khỏi mồ. Do đó, chúng tôi không có
mảnh xương, hài cốt như đức Phật Thích Ca; hay nắm tóc, bộ râu như đức Giáo Chủ
Mahomét.
Nếu Chúa Giêsu của chúng tôi
chết mà không sống lại, thì chúng tôi chẳng tôn thờ Ngài. Các nhà truyền giáo
cũng chẳng dại gì mà phải dấn thân vào những nơi xa xôi để rao giảng Tin mừng.
Các thánh tử đạo cũng chẳng bao giờ liều mình đổ máu ra để làm chứng cho Đấng đã
chết mà không sống lại!
Thật vậy, Thánh Phaolô đã
nói rằng: "Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của
chúng ta chỉ là hão huyền và lời rao giảng cũng trở nên vô ích…" (1
Cr 15,14-19).
Nếu Đức Kitô chết mà không
sống lại, thì Ngài không phải là con Thiên Chúa hằng sống; việc Ngài hiến mình
chịu chết là một điên rồ. Những phép lạ Ngài làm chỉ là phù phép giả tạo. Toàn
bộ giáo lý Ngài rao giảng đều sụp đổ.
Nếu Đức Kitô chết mà không
sống lại, chắc chắn các Bí tích phát sinh từ cạnh sườn Ngài đều vô hiệu hoá.
Giáo hội Ngài thiết lập sẽ không tồn tại. Và như vậy, sẽ không có đạo Công
Giáo, không có những ngôi thánh đường trên thế giới.
Nếu Đức Kitô chết mà không
sống lại, thì Ngài cũng chẳng hơn gì chúng ta, cùng lắm thì như các vị đạo sư,
chết là hết.
Nhưng, Đức Kitô đã chết và
đã sống lại, chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa hằng sống, như lời Ngài nói: "Ta
có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại” (Ga 10,18); “Ta
là sự sống lại và là sự sống." (Ga 10, 25). Thế thì, Chúa
Kitô sống lại Ngài mang lại cho chúng ta những gì?
- Trước nhất, Ngài mang lại
cho chúng ta niềm vui. Niềm vui này khởi đi từ các tông
đồ, "các ông vui mừng vì xem thấy Chúa" (Ga 20, 20),
và cũng là niềm vui cho toàn thể dân thánh. Vui vì Chúa đã chiến thắng tử
thần "Ngài không bao giờ chết nữa" (Rm 6, 9). Vui vì
nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, chúng ta được thông phần vào đời sống
mới, với tư cách là con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô.
Chúa sống lại ban cho chúng
ta niềm hy vọng. Hy vọng ngày mai đây khi nhắm mắt lìa đời, chúng
ta cũng được sống lại với Chúa, lúc đó ta sẽ gặp lại những người thân đi trước
chúng ta.
Chúa sống lại ban cho chúng
ta nguồn an ủi, vì Chúa đã vượt qua cái chết bởi những đau khổ, đã
nếm mùi cay đắng của một kiếp người rồi mới tiến đến vinh quang.
Như vậy, mọi việc lành chúng
ta làm ở đời này đều sinh công ích. Mọi đau khổ của chúng ta đều có giá trị
vĩnh cửu đời sau, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa.
Chúa sống lại, Ngài muốn
minh chứng cho chúng ta biết rằng: Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã
chết đi để chúng ta được sống.
Chớ gì mỗi năm mừng kỷ niệm
Chúa Phục Sinh, là dịp nhắc nhở chúng ta sống lời mời gọi của Thánh
Phaolô: "Nếu anh em muốn sống lại với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm
kiếm những sự trên trời..." (Cl. 3,1).
Tìm kiếm những sự trên trời,
không phải là bỏ hết công ăn việc làm để rồi tối ngày chỉ đi nhà thờ quỳ cầu
nguyện liên lỉ, nhưng tìm kiếm những sự trên trời, theo như lời thánh Phaolô
khuyên nhủ đó là: "Dù anh em ăn, dù anh em uống hay làm bất cứ
việc gì, anh em hãy làm vì vinh danh Chúa." (1Cr 10,31).
Mỗi sáng khi thức dậy, người
mà chúng ta nhớ đầu tiên phải là Chúa. Việc lo lắng tìm kiếm trước tiên phải là Nước trời "Tiên vàn, các con
hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước..." (Mt 6, 33). Rồi cuối ngày
trước khi ngả lưng xuống ngủ, người nhớ cuối cùng cũng phải là Chúa, nếu có gì
lầm lỗi trong ngày xin Chúa thứ tha.
Nếu ngày nào chúng ta cũng
sống với tất cả ý thức như thế, là chúng ta đang tìm kiếm những sự trên trời,
đang sống Tin mừng Chúa Phục Sinh.
Anh
chị em thân mến,
Mỗi lần tham dự Thánh lễ,
sau khi linh mục truyền phép chúng ta đồng thanh tung hô: "Lạy
Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống
lại cho tới khi Chúa đến" (1Cr 11,26).
Thế nào là loan truyền và
tuyên xưng việc Chúa sống lại?
1. Loan truyền bằng cách
sống chứng nhân lòng thương xót đó là: đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ
tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi
lầm.
2. Tuyên xưng việc Chúa sống
lại không phải bằng "đầu môi chót lưỡi" nhưng bằng cách thay đổi lối
sống của mình. Như các tông đồ, họ không còn sống cho chính bản thân mình nữa,
mà sống cho "Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta". Vì thế, họ sẵn
sàng chịu đau khổ, chịu chết vì danh Chúa Phục sinh.
Ngày xưa, trong cuộc thương
khó Chúa, các tông đồ hoảng sợ, đức tin lung lay tận gốc rễ, nhưng nhờ Đức
Mẹ củng cố niềm tin mà các ông được vững mạnh. Thì bây giờ, giữa một thế giới
có nhiều biến động và nhiều thách đố, nhiều khi làm cho đức tin chúng ta bị
lung lay chao đảo, thì hãy bắt chước các tông đồ mau chạy đến với Đức Mẹ, người
Mẹ của lòng thương xót, sẽ ra tay nâng đỡ phù trì, giúp chúng ta can đảm làm
chứng cho tin mừng phục sinh của Chúa.
Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy
vui mừng Alleluia. Vì Con Mẹ đã sống lại thật. Alleluia. Xin cầu cho chúng con.
Amen.
Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên
Khải, CMC
Suy niệm 4: CHÚA Ở ĐÂU RỒI ANH CHỊ EM?
Chuyện kể có vị
linh mục đầu lễ thay vì chào cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em”, thì không biết
là hoa mắt chóng mặt thế nào ngài lại chào: “Chúa ở đâu rồi anh chị em?” khiến
cả nhà thờ cười ồ lên. Chuyện có vẻ khôi hài ấy lại nhắc nhở chúng ta ý thức việc
mình có thực sự tin Chúa Giêsu phục sinh đang có mặt trong đời hay không? Niềm
tin Chúa phục sinh đã thay đổi đời sống mình như thế nào?
1. Thế giới vắng bóng Chúa. Năm xưa sau khi ra viếng mộ Chúa, bà Maria
Mácđala đã chạy về nói với các môn đệ: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và
chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ngày nay, người ta ở các nước theo chủ
nghĩa vô thần cũng như cả các nước theo truyền thống Kitô giáo cũng đã và đang
ra sức đem Chúa đi khỏi xã hội, nhà trường và cả gia đình mình. Người ta muốn
loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để tự mình làm theo ý mình. Một thế giới vắng
bóng Thiên Chúa. Chúa ở đâu rồi?
2. Sống trong Chúa phục sinh. May là vẫn còn nhiều người tin Chúa, thế nhưng
niềm tin Chúa phục sinh có ảnh hưởng gì lên cuộc sống của mình? Năm xưa Chúa phục
sinh đã thay đổi hoàn toàn tâm trạng, tầm nhìn, lối sống của các môn đệ. Phúc
Âm cho thấy các môn đệ khi nghe tin Chúa phục sinh đều “chạy”, diễn tả một sự sống
sinh động. Cử động là dấu chỉ nhận biết chết hay sống: bất động là chết, hoạt động
là sống. Thế nên, sống trong Chúa phục sinh phải là sống sinh động, tích cực
tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh.
Hình ảnh “tảng đá lăn ra khỏi mộ” không phải để cho Chúa phục sinh đi ra, nhưng là để cho chúng ta có thể đi vào sự phục sinh của Chúa. Chúa phục sinh không chỉ để cho chúng ta kèn trống ca hát mừng lễ, nhưng là để cho chúng ta sống sinh động, vui tươi trong Chúa đời này và đời đời. Amen.
Sống lại! Chúa sống lại rồi,
Phép Rửa: ta chết, tới hồi Phục sinh.
Mộ trống dấu chứng hiển linh,
Chúa đã sống lại hiển vinh huy hoàng.
Kê-ryg-ma
đó, ngài truyền cho ta:
Giê-su sống giữa chúng ta;
Ngài
đã chịu chết cứu ta đời đời
Sống
lại, huyền dịu ai ơi!
Tin Ngài để được muôn đời hiển vinh.
Phao-lô cũng gởi lời khuyên:
Người
tin Chúa sống hãy liền làm theo,
Là
chết như Chúa chịu treo.
Tìm
kiếm thượng giới noi theo luật Ngài.
Lòng
trí suy nghĩ từ nay.
Hãy
hướng về Chúa để Ngài ban ơn.
Ngôi
mồ trống dấu rõ hơn.
Là
Chúa đã sống cứu nhơn thế này.
Ma-ri-a nghĩ cũng hay:
“Là
ai đã lấy xác nầy Chúa tôi”.
Bà chạy đi báo hỡi ôi! đau buồn.
Phục
sinh nên Chúa hiện luôn,
Bà
tin Ngài sống, không buồn như xưa.
Phê
- rô nhìn thấy “nhưng chưa!”,
Vì
ông chưa hiểu chuyện vừa xẩy ra.
Gio-an nhớ Chúa dạy là,
Ngài
sẽ sống lại, thế là ông tin.
(Hai Lúa)
Thứ hai: Mt 28, 8-15
Suy niệm 1:
Tin
mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ.
Người chấn an các bà và sai các bà loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ.
Xin cho chúng ta có được niềm vui phục sinh và can đảm minh chứng niềm vui phục
sinh cho mọi người.
Để
biết được thông tin chính xác, ta cần lắng nghe chính người trong cuộc thông
tin lại. Tin mừng hôm nay cho thấy có hai nguồn thông tin trái ngược nhau về sự
kiện Chúa Giêsu sống lại.
Nguồn thông tin của
các bà phụ nữ.
Đây
là những người trong cuộc vì đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giêsu. Đã tận tai nghe
lời Chúa nói cũng như đã đụng chạm đến chân Chúa. Các bà còn được Chúa trao
nhiệm vụ loan báo cho các môn đệ biết về việc Chúa sống lại và muốn gặp các môn
đệ tại Galilêa.
Nguồn tin của lính
canh.
Những
lính canh, cũng đã chứng kiến sự kiện ấy. Nhưng vì bị các thượng tế và kỳ lão
mua chuộc và hù dọa nên họ nghe theo lời hướng dẫn của các thượng tế và kỳ lão
phao tin không trung thực rằng: “ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,các môn đệ hắn
đã đến lấy trộm hắn đi”.
Cùng
là chứng những sự việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra giống như các phụ nữ, nhưng
những người lính canh đã bị khống chế của quyền lực và sự mua chuộc bởi tiền
bạc của giới thượng tế và kỳ lão nên các ông đã thông tin sai sự thật.
Trong
cuộc sống, chúng ta cũng thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về
một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có những thông
tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế
lực của mình cũng có không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải kiểm chứng
và dè chừng.
Hằng
ngày trên các phương tiện truyền thông ta bắt gặp rất nhiều thông tin lề trái,
lề phải nhằm dẫn dắt dư luận sang một hướng nào đó. Bên cạnh những thông tin
thật cũng có nhiều thông tin không thật. Sống trong một xã hội mà phải liên tục
đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả quả là một điều bất hạnh. Chắc chắc
ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống
chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham vì bị mua chuộc…
ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê
tiền bạc, chức quyền ta cũng sẵn sàng chối bỏ niền tin cách dễ dàng.
Chúa
Phục sinh ban bình an cho các bà phụ nữ và sai các bà ra đi làm chứng niềm tin
phục sinh. Hôm nay, Chúa phục sinh cũng ban bình an cho chúng ta và cũng mời
gọi chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng chân lý và tình thương nhằm đem đến
niềm vui và bình an cho tha nhân.
Xin cho chúng ta
được trở nên chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh trong cuộc sống hôm nay.
Suy niệm 2:
Tin
mừng hôm nay cho biết: tuy chứng kiến cùng một sự kiện Chúa phục sinh nhưng các
bà phụ nữ và những người lính canh mộ lại có những cái nhìn khác nhau:
-
Các bà phụ nữ do không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc chi phối; cũng không khiếp sợ
trước bất kỳ thế lực nào bên ngoài, nên sau khi chứng kiến sự kiện Chúa phục
sinh hiện ra với chính mình, các bà đã tin nhận và đã hân hoan loan báo tin
mừng ấy cho các môn đệ, như lời Chúa phục sinh căn dặn.
-
Còn với những người lính canh mồ, dẫu rằng họ cũng chứng kiến cùng một sự kiện
Chúa phục sinh như các bà phụ nữ. Nhưng vì bị lôi cuốn bởi sức mạnh của đồng
tiền do các Thượng Tế và Kỳ Lão mua chuộc; cũng như vì sợ hãi trước thế lực to
lớn của giới chức lãnh đạo tôn giáo bấy giờ, nên họ đã sẵn sàng chối bỏ chân
lý. Tệ hại hơn nữa là họ lại nghe lời của các Thượng Tế và Kỳ Lão để dẫn dắt dư
luật theo hướng nhìn dối trá sai lạc, khi phao tin: “Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông”.
Gian
dối, lộc lừa ngày hôm nay đã lan tràn trong xã hội chúng ta trong mọi lãnh vực,
chỉ vì người ta quá say mê tiền bạc, danh vọng, quyền lực…Thật là hiểm họa! Nên
cần lắm sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các đoàn thể, của hệ thống báo chí,
truyền thanh, truyền hình, Internet, của nhà trường và gia đình…nhằm lên án
mạnh mẽ sự dối trá, lộc lừa và đề cao lòng trung thực nơi con người và tôn
trọng công lý trong xã hội.
Với người Kitô hữu
chúng ta Chúa đã dạy: “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt
điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Xin cho chúng ta biết tin nhận mạnh mẽ vào
mầu nhiệm Chúa phục sinh. Nhờ đó, ta mới có đủ can đảm vượt lên sức hút mãnh
liệt của danh-lợi-thú mà sống ngay chính trước Chúa, lương tâm, mọi người.
Thứ ba: Ga 20, 11-18
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay cho
ta biết, Chúa phục sinh hiện ra với bà Maria Macđala, ban lại cho bà niềm vui
cũng như chỉ cho bà cách thức phải sống niềm vui phục sinh thế nào.
Xin Chúa Giêsu phục
sinh cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa, nhất là những lúc đau buồn,
chán nản, để nhờ gặp gỡ Chúa chúng ta tìm lại được niềm an vui, hạnh phúc tâm
hồn. Xin cho chúng ta cũng biết tích cực chia sẻ niềm vui phục sinh cho mọi
người chung quanh, nhất là những người đang gặp đau khổ.
Truyện kể:
Có một phụ nữ vừa
mất con trai, bà tìm đến một nhà hiền triết và nói: "Có lời cầu nguyện nào
mà ông biết có thể đem con trai tôi sống lại?"
Nhà hiền triết bảo:
"Hãy đem về đây cho ta một hạt giống cây mù tạt được trồng từ gia đình nào
chưa từng bao giờ biết đến đau khổ".
Người phụ nữ ngay
lập tức lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ. Đầu tiên bà đến gõ cửa một ngôi nhà
lớn sang trọng và hỏi: "Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạt từ gia đình chưa
bao giờ biết đến đau khổ, có phải nơi này không?"
Họ trả lời bà đã đến
nhầm chỗ và bắt đầu kể những tai họa đã xảy đến với gia đình họ. Bà ngồi lại an
ủi họ rối tiếp tục lên đường đi tìm hạt giống thần kỳ.
Nhưng bất cứ nơi nào
bà ghé vào, dù ở những ngôi nhà tồi tàn hay sang trọng, bà đều được nghe những
chuyện đau buồn này đến chuyện bất hạnh khác. Bà trở nên quan tâm và rất muốn chia
sẻ nỗi buồn của người khác đến nỗi bà đã quên đi nỗi buồn của chính bà và quên
câu hỏi về hạt giống cây mù tạt thần kỳ mà bà tìm kiếm.
Tin
mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Maria Macđala bị mất. Nhưng không phải mất
con, mà là mất Chúa, vì thế mà bà đã thốt lên với tâm trạng đau buồn cùng với
hai Thiên Thần rằng: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”.
Giống
như người mẹ trên, Maria Macđala cũng đã đau buồn vì lạc mất Chúa nên bà đã hỏi
thăm hai Thiên Thần xem có biết Chúa đâu không hãy chỉ cho bà biết.
Nỗi
đau buồn khiến cho tâm trí Maria Macđala bấn loạn nên không còn khả năng nhận
ra Chúa nữa dẫu Người đang hiện diện bên bà nhưng bà cứ ngỡ là người làm vườn
nên bà đã lên tiếng hỏi thăm xem cách nào tìm lại Chúa?
Mãi
khi Chúa Giêsu phục sinh gọi đúng tên bà với giọng nói thân quen “Maria!” thì
bà mới nhận ra Chúa trong niềm vui mừng khôn tả. Nhưng lúc đó, Chúa phục sinh
bảo với bà rằng: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.
Nhưng hãy đi gặp gỡ anh em Thầy…” để loan báo cho các môn đệ biết về sự phục
sinh của Chúa. Đó chính là bí quyết giúp bà Maria Macđala quên đi những nỗi đau
buồn của mình khi biết lên ra đi loan báo tin mừng phục sinh của Chúa.
Giống
như Maria Mađala, ai trong chúng ta cũng có những nổi buồn. Buồn vì cuộc sống
nghèo khổ, thiếu thốn và bất hạnh. Buồn vì những bệnh tật, tội lỗi mà mình đang
mang nặng không thể vượt qua. Buồn vì phải chứng kiến những nổi đau và cái chết
của người thân…Để vượt qua những nổi đau buồn đó, Chúa phục sinh cũng mời gọi
chúng ta: “Thôi, đừng giữ Thầy lại”, nghĩa là đừng sống theo ý mình mà sống
theo ý Chúa; đừng giữ đạo theo cách thế của mình mà theo cách thức Giáo Hội
hướng dẫn; đừng ích kỉ giữ Chúa cho riêng mình mà phải đem Chúa đến cho người
khác.
Ngày
nay, Chúa Giêsu Phục sinh cũng mời gọi chúng ta ra đi “gặp gỡ anh em thầy” để
chia sẻ cho họ biết về niềm tin và niềm vui phục sinh mà ta có được khi gặp gỡ
Chúa. Đó cũng là cách chúng ta làm cho Chúa phục sinh hiện diện trong đời sống
hằng ngày. Được như thế, ta mới cảm thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa trước
những điều không vừa ý xảy đến, vì bởi ta tin rằng Chúa phục sinh luôn hiện
diện với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc đời.
Suy niệm 2:
Khởi
đầu đoạn tin mừng hôm nay trình bày về tâm trạng đau buồn của bà Maria khi ở
bên mộ Chúa: “…Maria đang còn đứng gần bên mồ Chúa mà than khóc…” Lý do bà than
khóc vì tưởng rằng: “người ta đã lấy mất
xác Chúa và không biết người ta đã để Người ở đâu?”. Như thế đã rõ lý do bà
Maria đau buồn khó lóc, đó là vì bà đã lạc mất Chúa.
Cuộc
đời của chúng ta cũng có nhiều lúc đau buồn và khóc than khi: Mất tiền của, mất
sức khỏe, mất công ăn việc làm và mất chức quyền… Nhưng nỗi đau buồn lớn nhất
vẫn là mất đi mạng sống của mình hay phải chứng kiến sự ra đi của người thân.
Bởi lẽ mất đi những thứ khác ta có thể bù đắp và tìm lại được, vì còn sống là
còn hy vọng, nhưng chết đi được xem là mất tất cả, theo cái nhìn tự nhiên. Vì
thế mà người đời thường sánh ví: “mạng sống hơn đống vàng”.
Tuy
nhiên đối với người có đức tin thì cái mất lớn nhất không phải là mất đi tiền
bạc, của cải, danh vọng và mạng sống thể lý mà là mất đi niềm tin. Niềm tin
chính là sức mạnh tinh thần giúp ta vượt thắng mọi gian nan thử thách, đem lại
cho ta niềm vui và hy vọng tốt đẹp trong cuộc sống, ngay cả những lúc đau buồn
và tuyệt vọng.
Hiểu
như thế ta mới cảm nhận được niềm vui khôn tả của bà Maria, khi bà nhận ra Chúa
vẫn còn chứ không phải mất, vẫn sống chứ không phải chết. Hơn hết là vì bà đã
tìm lại được lý tưởng của đời sống nhờ tin tưởng vào sự phục sinh của Chúa.
Nước
mắt và nụ cười, thành công và thất bại, niềm vui và nỗi buồn… luôn đan xen với
nhau, kết dệt thành tấm thảm cuộc đời của mỗi con người. Nhưng để tấm thảm cuộc
đời ta tươi sáng thì cần lắm nụ cười nhiều hơn nước mắt; thành công lớn hơn
thất bại, niềm vui mạnh hơn nỗi buồn. Muốn được vậy ta phải tin nhận vào mầu
nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Chỉ khi tin nhận vào Chúa phục sinh
thì nước mắt của ta mới ngừng rơi; có đặt hy vọng vào Chúa phục sinh thì nổi
buồn của ta mới tan biến và có tích cực dấn thân cho lý tưởng loan báo tin mừng
phục sinh thì niềm vui trong lòng ta mới lớn lên và lan tỏa mãi.
Xin
cho ánh sáng tin mừng phục sinh của Chúa Kitô tỏa chiếu vào tâm hồn u tối của
chúng ta và khơi dậy trong ta tinh thần nhiệt quyết hăng say ra đi loan báo tin
mừng phục sinh của Chúa cho mọi người, nhất là những ai đang sống trong cảnh
đau buồn, thất vọng vì mất đi niềm tin vào cuộc sống.
Thứ tư: Lc 24, 13-35
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay
tiếp tục trình thuật về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ
trên đường Em-mau. Chúa đã dùng Lời Chúa và cử chỉ bẻ bánh trong bữa ăn thân
tình để giúp hai ông nhận ra Người. Mọi ưu phiền và chán nản tan biến nhường
chổ cho niềm vui và hạnh phúc. Hai ông hân hoan trở về Giêrusalem báo tin phục
sinh cho các môn đệ khác.
Xin Chúa cho chúng
ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa và Thánh Thể mà yêu mến gắn kết với
Thánh Thể Chúa cũng như siêng năng tìm hiểu, suy niệm và sống theo Lời Chúa
hướng dẫn.
Truyện kể:
Cô con gái hay than thở với cha sao bất
hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không
biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô
đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha cô vốn là một
đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi
nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt,
trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi,
không nói một lời.
Người con gái sốt
ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản
nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê
vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng
thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc
trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
- Điều này nghĩa là
gì vậy cha - cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống
này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi
thứ lại phản ứng thật khác.
Cà rốt khi chưa chế
biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.
Còn trứng lúc chưa
luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong.
Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt cà phê thì thật
kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người cha quay sang
hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt,
bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên
yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con sẽ là quả trứng,
khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan
vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay con sẽ giống hạt
cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100
độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc đời này cũng
vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh
mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt,
trứng hay hạt cà phê?
Để
thay đổi cái nhìn bi quan, chán nản của cô con gái mình, người cha đã dùng hình
ảnh rất đổi quen thuộc mà dạy cho con mình bài học vượt qua.
Cũng
thế, để thay đổi tâm trạng buồn phiền, chán nản, thất vọng của hai môn đệ trên
đường Em-mau, Chúa Giêsu phục sinh cũng dùng những hình ảnh xem ra rất đổi bình
thuờng trong cuộc sống.
Bằng
cách xuất hiện như một người khách bộ hành để cùng chia sẻ những ưu tư, những
quan tâm mà các ông đang gặp phải. Cũng như gợi lại cho hai ông nhớ lại những
Lời Chúa đã tiên báo và giải thích như xưa Ngài đã từng làm. Nhờ thế lòng các
ông cảm thấy bừng sáng lên bởi nhờ sức nóng của Lời Chúa.
Bằng
việc ở lại và ngồi vào bàn dùng bữa với các ông như khi còn sống. Nhất là qua
cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử
chỉ Chúa làm khi lập bí tích Thánh Thể. Lúc đó mắt họ mới mở ra và nhận ra Chúa
phục sinh.
Nhờ
sống Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, ta sẽ nhận ra Chúa phục sinh hiện diện nơi
những người anh em mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, như hai môn đệ Em-mau xưa.
Nhờ
Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan trước những
biến cố dưới con mắt người đời bị coi là xui xẻo, mất mác, đau thương, bất
hạnh…, bởi chúng ta nhận ra Chúa phục sinh hiện diện qua các biến cố ấy.
Xin
cho chúng ta biết gắng bó với Lời Chúa và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh
Thể. Nhờ đó chúng ta đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
Suy niệm 2:
Hai
môn đệ Emmmau ngót 3 năm bám chân theo Thầy Giêsu nhằm xây mộng đời cho ngày
mai tươi sáng, nhưng không ngờ mọi dự tính về một tương lai huy hoàng giờ lại
tan biến thành mây khói sau cái chết của thầy Giêsu. Thất vọng, chán nãn, ngã
lòng, cảm thấy thua cuộc, hai ông quyết định trở về quê cũ, làm lại nghề xưa
nhằm kiếm cơm sống qua ngày.
Nhưng
không ngờ chính lúc hai ông bước đi trong nỗi buồn tuyệt vọng, thì Chúa Phục
sinh lại hiện ra đồng hành cùng hai ông như người khách bộ hành. Ngài đã lắng
nghe những tâm tư, nguyện vọng, vui buồn mà hai ông gặp phải. Ngài đã cũng chia
sẻ bằng cách giải thích cho họ hiểu lời Thánh Kinh đã nói về Người phải chết,
sống lại mà cứu chuộc muôn dân, nhờ đó họ cảm thấy ấm lòng, nhưng vẫn chưa hiểu
hết, mãi cho đến khi hai ông chứng kiến lại nghi thức bẻ bánh trong bữa ăn tối
với hai ông sao giống như cử chỉ mà Chúa đã thực hiện trong bữa Tiệc Ly với các
môn đệ trước khi chết, thì lúc ấy hai ông mới nhận ra quả thực Thầy mình đã
sống lại và hiện ra với mình. Ngay lúc đó niềm vui vỡ oà trong tim, họ liền
quay lại Giêrusalem để báo tin cho các môn đệ khác.
Những
khó khăn trong cuộc sống, đôi khi làm cho chúng ta tưởng rằng Chúa đâu mất rồi,
Ngài không thấy, không nghe những nổi khổ của chúng ta. Thực ra, Chúa Phục sinh
vẫn đang hiện diện bên cạnh chúng ta, và cùng đồng hành với chúng ta trong mọi
nẻo đường đời, chỉ tại chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Người thôi.
Thế
giới ngày nay không thiếu những tâm hồn cô đơn tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất
niềm tin, tuyệt vọng vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Giữa những cảnh cô đơn
tuyệt vọng ấy, người kitô hữu chúng ta có bổn phận đốt lên những ngọn lửa tin
yêu và hy vọng để sưởi ấm tâm hồn họ. Bổn phận này không đòi hỏi những phương
tiện lớn lao, những khả năng xuất chúng, mà chỉ cần những nghĩa cử bé nhỏ đầy
tình Chúa và tình người. Một hành vi bác ái, một lời an ủi, một giây phút gặp
gỡ trong tình Chúa sẽ rất cần thiết cho cuộc đời này.
Xin Chúa cho chúng
ta lòng tin đủ mạnh để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này, nhờ đó
mà chúng con mới dễ dàng vượt qua những nỗi buồn và thất vọng xảy ra trong cuộc
sống.
Suy niệm 3:
Tin
mừng hôm nay như giúp chúng ta giải tỏa được 2 thắc mắc lớn trong đời sống đức
tin, đó là : Chúa Giêsu phục sinh đang ở đâu? và làm thế nào để nhận ra Người?
1.
Qua câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmau,
cho chúng ta hiểu rằng: Chúa Giêsu phục sinh hiện diện mọi nơi và mọi lúc. Ngài
hiện diện trên các nẻo đường; Ngài đã hiện diện tại vùng quê Emmau, Người hiện
diện tại nơi ở của 2 môn đệ; Người hiện diện ngay trong bàn ăn…; đồng thời cùng
lúc ấy, Người cũng hiện diện tại thành đô Giêrusalem nơi 11 tông đồ đang họp
nhau cầu nguyện.
2.
Chúa Giêsu phục sinh đã tỏ hiện qua người khách bộ hành với dáng vẻ rất đỗi
bình thường. Chúa tỏ hiện qua Lời Chúa được ghi trong thánh kinh, đặc biệt là
nơi bàn tiệc Thánh Thể…
Như
thế, Chúa Giêsu phục sinh không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian nữa
nên Người hiện diện mọi nơi và mọi lúc, qua nhiều cách thức khác nhau. Chính vì
thế mà Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời; nhất là trong
những lúc chúng ta gặp đau khổ và thất vọng như hai môn đệ Emmau. Do đó để nhận
ra Chúa Phục sinh, ta phải liên kết với anh em, phải biết thể hiện tình bác ái
với tha nhân; phải biết hiệp thông với cộng đoàn trong những giờ cầu nguyện.
Nhất là phải biết để tâm lắng nghe lời Chúa và tích cực tham dự thánh lễ và
chầu thánh thể. Bởi chính những cách thế đó ta sẽ dễ dàng gặp gỡ Chúa.
Thứ năm: Lc 24,
35-39. 41-48
Suy niệm 1:
Để
tin nhận một điều gì đó, thông thường người ta cần phải kiểm chứng rõ ràng. Dẫu
tin Chúa phục sinh đã được loan báo đến các môn đệ Chúa, nhưng các ông vẫn sống
trong tình trạng bán tin bán nghi. Có lẽ vì thế trong lần hiện ra với các môn
đệ được tin mừng tường thuật hôm nay là để giúp cho các ông xác quyết về niềm
tin phục sinh của mình. Chúa nói “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Biết
thế nhưng đức tin chúng ta còn rất yếu kém. Xin Chúa gia tăng lòng tin nơi
chúng ta.
Để
thuyết phục các môn đệ tin chắc là Người đã sống lại, Chúa Giêsu cũng đã phải
kiên nhẫn đưa ra rất nhiều bằng chứng:
-
Trước hết, Chúa bảo các ông hãy nhìn tay chân của Người.
-
Tiếp đến, Chúa bảo họ cứ sờ vào thân thể của Người.
-
Dù đưa tay chân và thân thể cho các ông xem, nhưng các ông cũng vẫn còn ngỡ
ngàng. Nên Chúa tiếp tục đưa thêm bằng chứng là hỏi xem các ông có gì ăn không?
Và Chúa đã cầm lấy khúc cá nướng các ông trao mà ăn trước mặt các ông. Qua đó
Chúa cho họ thấy rằng chính Người đã phục sinh chứ không phải là ma hiện hình.
-
Cuối cùng Chúa còn phải dùng đến bằng chứng của Thánh Kinh tiên báo về Người và
Lời Người đã nói khi còn sống, để mở trí cho các ông hiểu, tất cả đều được ứng
nghiệm nơi Người.
Với
những bằng chứng thuyết phục ấy, Chúa Giêsu đã minh chứng Người đã sống lại và
kêu gọi các ông hãy làm chứng về sự phục sinh của Người. Nhân danh Người mà rao
giảng cho muôn dân, kêu gọi họ ăn năn sám hối để đuợc ơn tha tội.
Chúa
đã kiên nhẫn tìm mọi cách để cũng cố lòng tin nơi các môn đệ. Xin Chúa cũng cố
và gia tăng lòng tin nơi chúng ta, nhất là những khi bị thử thách về đức tin.
Chúa
đã trao cho các môn đệ sứ mạng làm chứng tin mừng phục sinh sau khi gặp gỡ và
tin nhận Chúa. Chúa cũng tiếp tục trao phó sứ mạng làm chứng nhân cho tất cả
chúng ta. Xin cho chúng ta biết siêng năng họp nhau cầu nguyện, siêng nhận lãnh
các bí tích nhờ thế đức tin chúng ta đủ mạnh để sống và làm chứng cho tin mừng
phục sinh.
Suy niệm 2:
Sách
CVTĐ, thánh Luca ghi lại những hoạt động chính yếu của các môn đệ thời GH sơ
khai. Tất cả những hoạt động ấy đều nhắm đến đích điểm là: “làm chứng nhân” cho
Chúa theo lệnh truyền của Người trước khi về trời; khởi đi từ thành Giêrusalem
cho đến tận cùng thế giới. Nhưng làm thế nào để lời chứng của chúng ta đáng tin
cậy và thuyết phục được người nghe?
Tin
mừng hôm nay cho biết, trước khi sai các tông đồ đi thi hành sứ mạng làm chứng,
Chúa Giêsu phục sinh đã dùng mọi cách để minh chứng về sự phục sinh của Người.
Dẫu trước đó Người đã hiện ra với các bà phụ nữ đạo đức; với bà Maria Macđala,
với hai đệ trên đường Emmau và cùng với Phêrô, nhưng hình như niềm tin của đa
số các môn đệ còn chưa vững chắc. Nên lần này trong khi các môn đệ họp nhau
đông đủ, Người lại hiện đến với các ông lần nữa ngỏ hầu xóa tan đi những mối
ghi ngờ nơi các ông.
Để
chứng thật Người đã phục sinh, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ xem tay và cạnh
sườn Người; Người tiếp tục kêu mời các ông đụng chạm đến thân thể Người; rồi để
xác định Người không phải là ma, Người tiếp tục cầm lấy mẩu cá nướng và một
tảng mật ong mà ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Hơn thế nữa,
Người còn gợi lại cho các ông nhớ đến những lời được nói “trong luật Môsê,
trong sách tiên tri và thánh vịnh". Sau cùng, Chúa nói đến những lời mà
Người đã tuyên báo về cái chết và sự phục sinh của Người khi còn sống. Từ đó
mới nhắc nhở các môn đệ thi hành sứ mạng quan trọng là “phải nhân danh Người
rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ
thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều
ấy".
Như
thế để thi hành sứ mạng làm chứng cho tin mừng phục sinh, đòi hỏi các môn đệ
phải xác tín niềm tin cách mạnh mẽ vào sự phục sinh của Chúa. Vì có xác tín
mạnh mẽ thì lời chứng của các môn đệ mới có sức thuyết phục người nghe.
Xin Chúa củng cố
niềm tin vào Chúa phục sinh nơi mỗi chúng ta. Nhờ đó ta mới dấn thân lo cho
việc truyền giáo bằng lời nói và chứng tá đời sống đức tin mạnh mẽ của chúng
ta.
Thứ sáu: Ga 21,1-14
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay
tường thuật Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ ở biển hồ Tibêria,
giúp các ông đánh bắt được một mẻ cá đầy. Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng ta, để
những việc hàng ngày của chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp theo ý Chúa.
Khi
hiện ra với các bà phụ nữ, Chúa Giêsu bảo các bà về báo tin cho các môn đệ đến
Galilê để gặp Người. Nghe theo lời loan báo những người phụ nữ các môn đệ trở
về Galilê. Trong tâm trạng buồn bã, các ông rủ nhau đi đánh cá. Tuy Các ông là
những những đánh cá chuyên nghiệp, vậy mà đánh bắt cả đêm chẳng được con cá
nào. Thất vọng, mệt mỏi cuốn lưới định nghỉ ngơi, thì lúc đó, Chúa Giêsu hiện
đến, bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, nơi gần bờ. Các ông tin vào Lời ấy
mà thả lưới. Kết quả, đánh được một mẻ cá đầy, không sao kéo lên nỗi. Bấy giờ,
Gioan nhận ra nói đó là Chúa, Phêrô mặc ngay áo vào, nhảy xuống biển, bơi vào
bờ.
Trên
bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bữa ăn sáng cho các ông với cá nướng và bánh.
Trong bữa ăn Người cầm bánh và cá trao cho các ông, một cử chỉ quen thuộc giúp
các ông càng xác tín Chúa đã phục sinh.
Lời
Chúa hôm nay xác quyết cho chúng ta hiểu rằng: “không có Ta, các ngươi không
làm gì được”. Bằng chứng, Các môn đệ đã vất vã, cực nhọc suốt đêm mà chẳng có
gì. Nhưng khi có sự hiện diện của Chúa, các ông bắt được rất nhiều cá.
Xin cho chúng ta
đừng bao giờ kiêu căng, tự mãn về những hiểu biết và khả năng của mình, nhưng
luôn khiêm tốn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa.
Suy niệm 2:
Tin
mừng hôm nay trình thuật lại kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với 7 môn đệ bên
biển hồ Tibêria-miền Galilêa.
Như
chúng ta biết, khi Chúa phục sinh hiện ra với các bà phụ nữ đạo đức, sau khi
chấn an và ban niềm vui phục sinh cho các bà, Chúa Giêsu nhắn các bà về loan
báo cho các môn đệ Người đến Galilêa để gặp Người ở đó.
Nghe
theo lời của các bà loan báo, các tông đồ cùng nhau đi về vùng Galilê để chờ
đợi gặp gỡ Chúa. Nhưng trong lúc chờ đợi, với tâm trạng buồn chán, ông Simon
Phêrô đề nghị các ông khác xuống thuyền để đánh cá. Tuy nhiên suốt đêm ấy các
ông không đánh bắt được con nào, cho dẫu các ông là những ngư phủ chuyên
nghiệp. Một buổi sáng thất vọng và mệt mỏi cần sự nghỉ ngơi lấy sức sau một đêm
dài mệt mỏi. Bổng nhiên tia hy vọng bình minh lé lên, vì một ai đó từ trên bờ thăm
hỏi chân tình và rồi đề nghị các ông tiếp tục thả lưới bên phải thuyền. Lời đề
nghị ấy như có ma lực thúc đẩy các ông nghe theo. Thật bất ngờ mẻ lưới ấy, các
ông đã bắt được rất nhiều cá “hầu không kéo nổi lưới lên”.
Với
cái nhìn nhạy bén của con tim, ngay lúc đó Gioan đã nhận ra thầy mình và đã nói
với Phêrô: "Chính Chúa đó". Rất đổi vui mừng “Phêrô liền khoác áo
vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và
kéo lưới đầy cá theo”.
Trên
bờ, Chúa Giêsu đã nướng cá chuẩn bị sẵn sàng buổi ăn sáng cho các ông. Khi ngồi
ăn, không ai dám hỏi: "Ông là ai? Vì mọi người đã biết là Chúa”. “Chúa
Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là
lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại”.
Chúa
phục sinh luôn hiện diện bên đời chúng ta, ngài hiện diện nơi làm việc thường
ngày của ta. Ngài thấy và thấu hiểu tất cả những gì chúng ta gặp phải và ước
muốn. Do đó, chúng ta hãy luôn ý thức sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa
trong đời, nhất là những lúc gặp khó khăn thất bại chúng ta tin rằng Chúa không
bao giờ bỏ rơi chúng ta nên chúng ta hãy chạy đến với Chúa với niềm tin tưởng
phó thác vào tình thương và uy quyền của Chúa. Bởi lẽ: “Ví như Chúa chẳng xây
nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).
Thứ bảy: Mc 16, 9-15
Suy niệm 1:
Tin
mừng hôm nay tóm kết về những lần hiện ra của Chúa phục sinh. Điều đáng ghi
nhận là khi hiện ra với ai, Chúa cũng cố lòng tin họ, sai họ đi làm chứng cho
Chúa. Xin Chúa cũng cố lòng tin nơi chúng ta, để chúng ta can đảm làm chứng
nhân cho Chúa giữa dòng đời đời hôm nay còn lắm gian nan.
Sau
khi sống lại, mỗi lần hiện ra, Chúa đều kêu gọi làm chứng cho tin mừng phục
sinh.
-
Khi hiện ra với bà Maria Macđala, Chúa sai bà đi loan tin cho các môn đệ. Nhưng
các ông không tin.
-
Chúa phục sinh lại hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau, hai ông về báo
tin, nhưng các môn đệ khác cũng không tin.
-
Sau cùng Chúa hiện ra với các tông đồ đang ngồi ăn trong nhà tiệc ly, Nguời
trách các ông không tin những kẻ đã thấy và làm chứng Nguời sống lại, rồi kêu
gọi các ông đi loan báo tin mừng cứu độ.
Như
thế, để đón nhận tin mừng phục sinh không phải là dễ, cần phải kiên nhẫn và
thời gian.
Trãi
qua hơn hai ngàn năm, Giáo Hội không ngừng rao giảng tin mừng cứu độ. Tuy nhiên
vẫn còn rất nhiều người chưa tin nhận Chúa.
Xin cho chúng ta
đừng nản lòng, nhưng luôn nổ lực thi hành lệnh truyền của Chúa Phục sinh mà
kiên trì rao giảng không ngừng.
Ngày hôm nay, người
ta không tin lời thầy dạy cho bằng tin vào những chứng nhân. Xin cho chúng ta ý
thức không chỉ rao giảng bằng lời nhưng còn bằng đời sống chứng tá yêu thương.
Nhờ thế tin mừng phục sinh có sức thuyết phục mạnh mẽ và đáng tin cậy với mọi
người hơn.
Suy niệm 2:
Hôm
nay là ngày cuối của tuần bát nhật phục sinh, GH như muốn chúng ta cùng với
thánh Mác-cô tổng kết lại về những lần hiện ra của Chúa phục sinh. Thánh sử
Mác-cô tóm gọn lại những lần hiện ra của Chúa phục sinh như sau:
-
Trước hết Người hiện ra với bà Maria Mađalêna, bà đi báo tin vui cho các môn đệ
đang buồn thảm khóc lóc, nhưng họ không tin.
-
Tiếp đến Người hiện ra với hai môn đệ (Clêophas và Luca), hai ông trở về báo
tin mừng cho anh em mình, nhưng họ cũng không tin.
-
Sau hết, Chúa hiện ra với 11 tông đồ đang ngồi ăn, Chúa khiển trách các ông
cứng lòng. Sau đó sai các ông ra đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho muôn
loài.
Qua
đó cho thấy rằng để tin vào Chúa phục sinh không phải là chuyện một sớm một
chiều nhưng cần phải có thời gian. Chính Chúa cũng phải kiên nhẫn thuyết phục
các môn đệ rất nhiều lần, bằng nhiều cách và ở nhiều nơi khác nhau.
Hiểu
được như thế, chúng ta mới không thất vọng trước những thất bại trong việc loan
báo tin mừng, bởi vì việc thuyết phục người khác tin vào Tin mừng phục sinh
không phải là chuyện dễ dàng chút nào nên đòi buộc chúng ta phải cố gắng thật
nhiều.
Trước
hết bản thân người rao giảng tin mừng phải có một đức tin kiên vững vào Chúa.
Bởi vì có xác tín niềm tin vào Chúa, ta mới dám sống chết cho sứ mạng loan báo
tin mừng, như thánh Phêrô và Gioan đã xác quyết trong bài đọc 1: "Trước
mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không?
Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe".
Sau
nữa là phải kiên nhẫn trong việc loan báo Tin mừng, không nên nóng vội vì “mưa
dầm thấm đất”. Đó cũng là kinh nghiệm bản thân của các tông đồ xưa và của GH
trãi qua hơn 2000 năm qua.
Chúa đã trao ban cho
chúng ta sứ mạng làm chứng cho Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Xin
cho chúng ta biết noi gương các thánh tông đồ, vâng nghe lời Chúa biết hy sinh
dấn cho công cuộc rao giảng tin mừng, cho dẫu phải đối mặt với những khó khăn,
ngay cả nguy hại đến mạng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét