Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN-NĂM B

Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34


Chồi nhỏ, rồi sẽ thành cây.

Cậy trông vào Chúa mỗi ngày đời ta.

Nước Chúa như giống giải ra,

Âm thầm phát triễn thành là cây to.

 

NƯỚC THIÊN CHÚA

Công dân Nước Chúa ai ơi!

Xây dựng Nước Chúa theo Lời Chúa trao.

Lưu đày dân chúng héo hon.

“Hương nam” đế quốc tung đòn ép che.

 

Chặt đi, Chúa hạ chẳng e.

Chồi non thay thế chở che Dân Ngài.

“Hương nam rồi sẽ đổi thay,

Đất nước thịnh vượng “Lời Ngài” không sai.

 

Gian trần bể khổ hôm nay,

Phao lô bày tỏ ta rài “vững trông”:

Vì đời ta bị lưu vong,

Cách xa Thiên Chúa chờ mong ngày về.

 

Sống đẹp lòng Chúa mọi bề,

Đến ngày Chúa rước, Chúa thề thưởng công.

Giê su vừa giới thiệu xong.

Nước Trời hạt giống gieo trong đất lành.

 

Dù thức hay ngủ, không canh!

Hạt giống cứ mọc lên thành cây cao.

Nhỏ như một hạt cải hôm nao,

Thành cây, chim núp dựa vào bóng râm.

 

Giê su: Nước Chúa âm thầm,

Xin cho con biết kiên tân đón chờ.

Suy niệm 1: 

Khi muốn nói những điều khó nói, người ta hay dùng cách nói ví von.

Khi muốn bộc bạch những tâm tình sâu kín, khó nói thành lời, người ta nhờ đến câu chuyện. 

Còn khi mạc khải mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu thường dùng đến những dụ ngôn.

Có thể nói dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất nhưng cũng hữu hiệu nhất để đưa dẫn con người dễ dàng tiếp cận với những giá trị thiêng liêng và những thực tại vô hình.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ ngôn hạt giống và dụ ngôn hạt cải để mạc khải về mầu nhiệm nước trời.

Với hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết, nước trời khởi đầu bé tí ti như hạt cải, và âm thầm mong manh như hạt giống. Nhưng với thời gian nước trời dần dần được lớn lên, phát triển vững mạnh, mang đến những điều bất ngờ!

- Hạt giống khi được gieo vào lòng đất, nó bị vùi lấp và thúi đi, rồi mới nảy mầm, lớn lên thành cây và trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi, mang đến mùa gặt bội thu, làm no thỏa lòng người.

- Còn hạt cải nhỏ bé, một khi được gieo vãi vào mảnh vườn, nó lại mọc lên, trở thành cây cao bóng cả làm nơi trú ngụ và làm tổ an toàn cho chim trời.

Bằng hai hình ảnh cụ thể và gần gũi ấy, Chúa Giêsu muốn nói đến những thực tại quan trọng về nước trời là Hội Thánh.

- Hội thánh của Chúa ở trần gian khởi đi rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm 12 tông đồ mong manh. Nhưng trải qua hơn 2000 năm, HT đã không ngừng phát triển và lớn mạnh mãi. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô hữu, chiếm 1/3 dân số trên toàn thế giới và hiện diện khắp mọi nơi. Đúng như lời Chúa Giêsu đã nói!

- Tựa như hạt giống mong manh, nhưng nội tại nó lại chứa đựng sức sống mạnh mẽ. Hội Thánh Chúa cũng thế, nơi HT chứa đựng sự sống thần lương phong phú nuôi dưỡng người tín hữu tiến trên đường đời, nhờ vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.

- Giống như cây cải cao lớn, cành lá xum xuê, làm nơi cho chim trời đến trú ngụ những khi mệt nhoài hay lúc gặp hiểm nguy, thì GH cũng là nơi tựa nương cho những ai yếu đuối, thất vọng, nghèo khổ tựa vào; GH chính là bóng mát cho những ai mệt mỏi trên đường đời náo nương. Bởi lẽ lúc nào GH cũng đứng về phía người nghèo, cô thế cô thân để bênh vực chở che, đem lại cho họ niềm an vui đích thực. Vì thế, mà Chúa Giêsu đã tha thiết mời gọi: "những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng cho” (Mt 11, 28).

Mặc dù Nước Trời tại thế là HT do chính Chúa Giêsu thành lập, nuôi dưỡng, hướng dẫn và an bài, nhưng Chúa Giêsu lại mong muốn mỗi người chúng ta tích cực tham gia vào sứ vụ xây dựng Nước Trời. Vậy để tham gia vào sứ vụ xây nước trời là HT có hiệu quả, chúng ta cần phải thực hiện hai việc cụ thể sau:

1. Phải chấp nhận tự hủy như hạt giống; nghĩa là mỗi ngày chúng ta cần phải tập chết đi cho tính ích kỷ của mình, can đảm khử trừ những đam mê dục vọng thấp hèn, sẵn sàng diệt trừ những thói hư tật xấu…mà tích cực sống cho những giá trị tin mừng. Nhờ đó, đời ta mới có thề trổ sinh được nhiều hoa trái tốt tươi, dâng hiến cho đời cho người.

2. Phải luôn kiên trì lớn lên từng ngày như hạt cải. Nghĩa là luôn trung thành thi hành tốt những bổn phận Chúa trao. Đừng nóng vội khi thấy bản thân mình đã cố gắng nhiều mà không tiến triển được gì trên con đường nhân đức.

Khi nhìn vào GH của Chúa hôm nay, nhiều người cảm thấy thất vọng vì sứ vụ loan báo Tin mừng xem ra không có kết quả gì. Nhưng với sứ điệp lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng và sức mạnh của Chúa mà kiên trì cầu nguyện, thực thi tình bác ái yêu thương và âm thầm hy sinh phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi. Chính nhờ kiên trì thi hành những việc làm xem ra bé nhỏ âm thầm đó trong từng ngày, tin rằng mùa xuân nước trời bừng sáng, đem đến nhiều hoa thơm trái ngọt, là niềm vui và hạnh phúc đích thực cho đời và cho người.


Suy niệm 2: TÍCH CỰC THAM GIA GIEO NIỀM VUI TIN MỪNG

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến những điều vĩ đại của Nước Trời nhưng lại được ẩn giấu trong những việc nhỏ bé, những biến cố bình thường, và trong những con người thấp hèn. Nhưng đó lại là cách thức mà Thiên Chúa thực hiện để thiết lập Nước Trời.

Bài đọc 1, trích sách ngôn sứ Êdêkien, nói về hình ảnh cây khô được Thiên Chúa biến thành cây tươi tốt. Hình ảnh này tượng trưng cho sức mạnh và quyền năng tối thượng của Thiên Chúa. Ngài có thể biến đổi mọi thứ, kể cả những điều tưởng chừng như không thể. Thiên Chúa có thể ban sự sống cho những gì đã chết, mang lại niềm hy vọng cho những ai đang sống trong cảnh tuyệt vọng nếu biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài.

Bài đọc 2, trích thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ, và mục tiêu cuối cùng của chúng ta là cuộc sống vĩnh cửu với Chúa. Ngài khuyến khích chúng ta sống sao cho đẹp lòng Chúa, cho dù còn ở trong thân xác hay đã rời bỏ thân xác, tất cả cũng sẽ phải ra trước tòa án của Đức Kitô để nhận lãnh phần thưởng hay hình phạt xứng đáng.

Tin Mừng theo Thánh Mac-cô, trình thuật lại hai câu chuyện dụ ngôn về Nước Trời.

- Dụ ngôn hạt giống, được người nông phu gieo vào lòng đất, rồi tự mọc lên, dẫu cho người gieo hạt có thức hay ngủ, đêm hay ngày thì hạt giống ấy vẫn âm thầm mọc lên và rồi sinh hoa kết quả. Điều này nói đến sự quan phòng kì diệu của Thiên Chúa về sự phát triển và lớn mạnh của Nước Trời. 

- Với hình ảnh hạt cải, tuy bé nhỏ nhất trong các hạt, nhưng khi được gieo vào lòng đất nó lại mọc lên trở thành cây cao bóng cả, làm nơi trú ngụ và làm tổ cho chim trời.

Qua đó, Chúa Giêsu cho ta biết, Nước Trời có được lớn mạnh và lan tỏa khắp nơi hay không, đều tùy thuộc vào hành động của Thiên Chúa chứ không phải là hành động của con người. Chính Thiên Chúa mới là Đấng thiết lập và làm cho Nước Trời được lớn mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình và kế hoạnh của Người, qua việc góp phần tham gia vào sứ vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian, ngang qua đời sống yêu thương, bác ái của mình. Nên chúng ta đừng sợ khi phải làm những việc nhỏ bé và khiêm tốn. Và cũng đừng xếp những việc làm nhỏ bé, âm thầm vào hạng chót trong các hoạt động của chúng ta. Bởi vì, trong bàn tay Thiên Chúa thì những việc làm dù nhỏ bé nhất, âm thầm nhất cũng có thể trở nên những điều vĩ đại cho Nước Chúa và cho phần rỗi các linh hồn.

Dụ ngôn còn nhắc chúng ta hãy tích cực gieo rắc những hạt giống của yêu thương, bình an và công lý vào trong đời sống hàng ngày, tin rằng với sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa thì nước trời sẽ trỗ sinh hoa trái rực rỡ tô thắm cho mùa xuân cuộc đời.

Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng con để chúng con biết tích cực gieo rắc những hạt giống của niềm vui, bình an và hy vọng vào trong cuộc sống này, với mong muốn góp phần nhỏ bé tô thắm cho Nước Trời thêm thắm xinh.

 

Suy niệm 3: NƯỚC TRỜI MỌC LÊN NHƯ HẠT CẢI VÀ HẠT LÚA

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về Nước Trời, một Nước đang lớn lên và phát triển cách kỳ diệu, vượt qua mọi sự mong đợi của con người.

Nước Trời được ví như hạt lúa và hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng lại có sức sống mãnh liệt, âm thầm nảy mầm và lớn lên, mang đến sự sung mãn và hy vọng.

·  Bài đọc 1 (Ez 37,1-14): Tiên tri Ezekiel được thị kiến về một thung lũng đầy xương khô được Thiên Chúa làm cho sống lại. Hình ảnh này tượng trưng cho sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng có thể biến đổi mọi sự, kể cả những điều tưởng chừng như không thể.

·  Đáp ca (Tv 103,1-12): Đáp ca bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tình yêu thương và sự quan phòng của Người đối với con người. Thiên Chúa luôn chăm sóc và gìn giữ con người, kể cả khi họ phạm tội và lầm lạc.

·  Bài đọc 2 (Rm 8,21-27): Thánh Phaolô khẳng định rằng toàn thể tạo vật đang rên rỉ chờ đợi ngày được giải thoát khỏi sự hư nát và trở về với vinh quang của Thiên Chúa. Niềm hy vọng này dựa vào lời hứa của Thiên Chúa về việc Người sẽ sai Con Một đến để cứu chuộc con người và toàn thể tạo vật.

·  Tin Mừng (Mc 4,26-34): Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải và cây lúa để minh họa cho sự phát triển của Nước Trời. Nước Trời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, tưởng chừng như tầm thường, nhưng lại có sức mạnh phi thường để lan tỏa và biến đổi cuộc sống con người.

1. Hạt cải nhỏ bé, Nước Trời lớn lao:

Dụ ngôn hạt cải và hạt lúa cho thấy Nước Trời không bắt đầu từ những điều vĩ đại, nhưng từ những điều nhỏ bé. Nước Trời được gieo vào tâm hồn con người qua Lời Chúa, qua những việc bác ái, qua những hy sinh thầm lặng. Nước Trời không ồn ào náo nhiệt, nhưng âm thầm lan tỏa, tác động và biến đổi cuộc sống con người.

2. Sức mạnh phi thường của Nước Trời:

Dù nhỏ bé như hạt cải và hạt lúa, nhưng lại có sức sống mãnh liệt, có thể vươn lên và phát triển trong mọi điều kiện. Nước Trời cũng vậy, dù khởi đầu khiêm tốn, nhưng lại có sức mạnh phi thường, có thể chiến thắng mọi sự dữ, mọi nghịch cảnh, và mang đến sự sống mới cho con người.

3. Lời mời gọi sống trong Nước Trời:

Khi lãnh nhận bí tích rửa tội là chúng ta được sống trong Nước Trời. Mà sống trong nước trời là ta phải sống theo Lời Chúa, sống yêu thương, chia sẻ, tha thứ, và hy sinh cho người khác. Sống trong Nước Trời là gieo mầm Tin Mừng vào tâm hồn mình và vào cuộc sống của những người xung quanh, để Nước Trời ngày càng lan rộng và tỏa sáng.

Anh chị em thân mến,

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tích cực gieo hạt giống Nước Trời vào tâm hồn mình và vào cuộc sống của những người xung quanh. Hãy để hạt giống Nước Trời nảy mầm và lớn lên, mang đến sự sống mới, sự hy vọng và niềm vui cho chính bản thân chúng ta và cho mọi người.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã đến và sống giữa chúng ta, ban cho chúng ta ơn can đảm và nhiệt huyết để gieo hạt giống Nước Trời và góp phần xây dựng Nước Trời ngay giữa lòng thế gian.

Chúng con xin cảm tạ Chúa vì đã gieo hạt giống Nước Trời vào tâm hồn con. Xin Chúa giúp con vun đắp hạt giống ấy để nó nảy mầm và lớn lên, mang đến hoa trái tốt lành cho cuộc sống con. Xin Chúa ban cho con ơn can đảm và nhiệt huyết để gieo hạt. (St)


Suy niệm 4:

Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta khám phá ra sức mạnh nội tại của hạt giống nước trời, tự nó có khả năng đơm hoa kết trái.

Xin cho mỗi chúng ta biết âm thầm chu toàn bổn phận, khiêm tốn phó thác vào sức mạnh và quyền năng của Chúa, cũng như tham gia tích cực và chủ động vào đời sống GH, nhằm sinh được nhiều hoa trái tốt đẹp, đem lại mùa xuân tươi mát cho đời và cho người.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví nước Thiên Chúa giống như hạt cải. Là loại hạt nhỏ nhất trong các hạt giống. Nhưng một khi được gieo vào lòng đất, thì nó mọc lên trở thành cây cao bóng cả, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể đến ẩn náu được.

Hình ảnh hạt cải, gợi ta nhớ lại lời Thiên thần Gabriel đã nói với các mục đồng trong ngày Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh làm người: Anh em cứ dấu này, mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ”.

Hạt Giống Giêsu đã được gieo vào thế giới này qua hình hài của một em bé, âm thầm không ai biết đến. Ngài cũng đã âm thầm sống 30 năm ẩn dật tại làng quê nhà Nagiareth. Rồi 3 năm sau hết Ngài đã rao giảng tin mừng nước trời, làm nhiều phép lạ, cứu chữa bệnh nhân, ban ơn tha thứ và cuối cùng chấp nhận chết treo trên thập giá và đã phục sinh, vì yêu thương và để cứu chuộc chúng ta. Để mời gọi mọi người vào nước trời, Người đã thành lập GH và chọn gọi 12 tông đồ để các ngài tiếp tục sứ mạng mở mang nước trời ở trần gian này.

Các tông đồ chỉ là những người chài lưới quê mùa, ít học. Tuy nhiên với sức mạnh và quyền năng của Chúa ban và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ông đã ra đi khắp nơi thi hành sứ mạng loan báo tin mừng nước Chúa mời gọi mọi người tham gia vào đời sống GH để đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa.  

Nhìn vào lịch sử các Họ đạo trong Giáo phận chúng ta, hầu hết đều khởi đầu chỉ một vài gia đình, với số giáo dân ít ỏi, nhưng với thời gian 50 năm, 100 năm, 200 năm, các Họ đạo giờ đây trở nên lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Nhờ vào đâu? Thưa đó là nhờ vào ơn thánh Chúa. Nhờ vào gương sáng đời sống đức tin người kitô hữu chúng ta; nhờ vào sự nhiệt tình hăng hái tham gia vào các sinh hoạt bác ái, từ thiện và đời sống lương thiện của mọi người trong Họ đạo.

Vậy, để GH trở thành cây cao bóng cả, là nơi qui tụ nhiều người, chúng ta cần phải:

- Noi gương Đức Kitô, vâng phục thánh ý Thiên Chúa là chu toàn tốt bổn phận của mình.

- Nên giống Đức Kitô, hằng ngày dám chết đi cho tội lỗi, cùng các tính hư nết xấu.

- Tích cực vun trồng cây đức tin, bằng việc chuyên chăm cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, lắng nghe và sống Lời Chúa mỗi ngày. Nhất là biết sống khiêm tốn, hy sinh phục vụ mọi người với lòng yêu mến chân thành. (St).


Suy niệm 5: Ý NGHĨA DỤ NGÔN HẠT LÚA VÀ HẠT CẢI

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt lúa và hạt cải để nói với chúng ta điều gì?

Chúa Giêsu sử dụng hai hình ảnh quen thuộc là hạt lúa và hạt cải nhằm truyền tải một thông điệp rất sâu sắc về Nước Thiên Chúa:

1. Dụ ngôn hạt lúa:

·  Hình ảnh: Một người gieo hạt lúa xuống đất. Ban đầu, hạt lúa tưởng chừng như "chết đi" khi vùi mình trong lòng đất. Tuy nhiên, qua quá trình âm thầm nảy mầm và phát triển, nó sẽ vươn lên và trổ bông kết trái, mang lại nhiều hạt lúa mới.

·  Ý nghĩa:

- Nước Thiên Chúa cũng giống như hạt lúa, khởi đầu từ những điều nhỏ bé, tưởng chừng như vô nghĩa.

- Tuy nhiên, qua sự vun đắp và hoạt động âm thầm của Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần phát triển và lan rộng, mang lại sự cứu rỗi và hoán cải cho con người.

- Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, không cần đến sự can thiệp trực tiếp của con người, giống như hạt lúa nảy mầm và phát triển mà không cần sự chăm sóc liên tục.

2. Dụ ngôn hạt cải:

·  Hình ảnh: Hạt cải được xem là loại hạt nhỏ nhất trong các loại hạt trên mặt đất. Tuy nhiên, khi gieo trồng, nó lại có thể mọc thành cây lớn nhất, xum xuê cành lá, đến nỗi chim trời có thể đến trú ngụ và làm tổ dưới bóng của nó.

·  Ý nghĩa:

- Nước Thiên Chúa cũng vậy, tuy khởi đầu từ những điều nhỏ bé, nhưng lại có sức mạnh phi thường, có thể lan rộng và phát triển mạnh mẽ, vượt qua mọi rào cản và thử thách.

- Nước Thiên Chúa sẽ mang đến sự đổi mới và biến đổi sâu sắc cho con người và cho cả thế giới, giống như cây cải mọc thành cây lớn và che chở cho nhiều sinh vật.

Kết luận:

Dụ ngôn hạt lúa và hạt cải khích lệ chúng ta tin tưởng vào sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa tuy khởi đầu từ những điều xem ra rất nhỏ bé, nhưng lại mang trong mình tiềm năng to lớn, có thể lan rộng và biến đổi cả thế giới. Chúng ta chỉ cần cộng tác với Chúa bằng cách tích cực gieo vãi hạt giống Lời Chúa vào trong môi trường gia đình, khu xóm, họ đạo, công sở… nơi chúng ta hiện diện, phần còn lại hãy tin tưởng và phó thác vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa. Ngài sẽ lo liệu và an bài để cho những hạt giống ấy nảy mầm và phát triển một cách kỳ diệu. Lịch sử GH đã minh chứng điều ấy.

Ngoài ra, hai dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự kiên nhẫn chờ đợi những hạt giống của yêu thương phục vụ của hy sinh bác ái với những cố gắng chu toàn tốt bổn phận của mình hàng ngày với lòng tin tưởng và phó thác vào sức mạnh và quyền năng của Chúa. Bởi Nước Thiên Chúa không phát triển một cách vội vã và ồn ào, mà âm thầm, bé nhỏ nên rất cần có thời gian và sự vun đắp từng ngày. Vì thế, một mặt chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi vào kế hoạch đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, mặt khác mỗi người chúng ta cũng phải cố gắng hy sinh đóng góp phần mình vào việc chăm sóc và gieo rắc hạt giống Lời Chúa nơi mảnh đất tâm hồn mình cũng như của tha nhân, làm được như vậy thì Nước Thiên Chúa mới nhanh chóng được lan rộng và phát triển mạnh mẽ.


Thứ hai: Mt 5,38-42

Chúa Giêsu khẳng định: “Ta đến để kiện toàn lề luật và các tiên tri.” Do tác động thay đổi của xã hội qua dòng thời gian, nhất là vào thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có sự giải thích sai lệch về lề luật Chúa nên cần phải kiện toàn. 

Trong những đoạn Tin mừng trước, Matthêu cho biết Chúa Giêsu đã kiện toàn khá nhiều luật như: luật giết người, luật đơn hôn và vĩnh hôn, luật thề hứa…tiếp tục hôm nay là luật báo oán.

Theo lẽ công bằng thì: "hòn đá ném đi, thì hoàn chì ném lại; hay bánh ếch đi thì bánh quy lại"…đã trở thành nguyên tắc và lẽ sống tự nhiên trong xã hội.

Trong sách Lêvi cũng dạy rằng: “người nào đả thương đến sinh mạng người khác tất phải chết, người nào gây thương tích cho người khác, nó đã làm sao thì người ta sẽ làm cho nó như vậy: gãy đền gãy, mắt đến mắt, răng đền răng.” (Lv 24, 17-20).

Nhưng đối với tinh thần Kitô giáo, cách hành xử với nhau không chỉ dựa trên lẽ công bằng mà còn phải được đặt trên nền tảng của bác ái nữa. Vì thế, nếu trả thù theo lẽ công bằng thì tiếp tục gây thêm oán thù chồng chất “oán báo oán, oán chồng chất”. Do đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bao dung và tha thứ cho nhau. Chẳng những tha thứ mà còn tích cực làm ơn cho những ai làm hại chúng ta nữa vì “lấy ơn trả oán, oán tiêu tan”.

Tha thứ cho những ai làm tổn thương ta đã là khó, làm ơn cho kẻ hại ta quả là điều không dễ chút nào với sức tự nhiên của con người. Nhưng đó lại là điều có thể với ơn ban của Chúa.

Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng ta, để ta đủ can đảm thi hành điều Chúa chỉ dạy là tha thứ và làm ơn cho hết mọi người, nhất là những ai gây đau khổ cho chúng ta.

 

Thứ ba: Mt 5,43-48

Suy niệm 1: 

Tiếp tục là đề tài kiện toàn lề luật và các lời tiên tri, tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu kiện toàn luật báo oán bằng luật yêu thương và nâng luật yêu thương lên một tầm mức hoàn hảo. Xin Chúa uốn lòng chúng ta theo trái tim của Chúa để chúng ta biết yêu thương mọi người "như Chúa yêu" chúng ta.

Tất cả các lề luật đều được tóm lược vào 1 điều duy nhất là "yêu thương". Nhưng yêu ai? và yêu như thế nào? đó là điều mà sứ điệp lời Chúa muốn đề cập trong bài Tin mừng hôm nay.

 “Tình Yêu” chính là luật điều quan trọng nhất mà TC đã truyền dạy nhân loại trong thời Cựu ước qua sách Đệ-nhị-luật và Lê-vi: “Yêu Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình”. 

Với người Do Thái, người thân cận là những người cùng huyết thống, cùng màu da, cùng tôn giáo, cùng tộc chủng mình…, còn những người vượt ra ranh giới và quy định giới hạn ấy thì họ xem là người xa lạ, không phải là đối tượng để họ yêu thương.

Bởi thế Chúa Giêsu đã chấn chỉnh lại ý hướng sai lệch của họ bằng cách cho biết rằng mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài nên tất cả đều là con cái của Chúa, và là anh em với nhau. Cho nên đối tượng của tình yêu phải là phổ quát, nghĩa là yêu hết mọi người không trừ ai cả.

Vì vậy, để xứng đáng trở thành môn đệ Chúa Giê-su thì điều căn bản là ta phải “yêu như Chúa yêu” (x. Ga 15,12). Đó là một tình yêu tự hủy (Thập Giá), tình yêu tự hiến (Thánh Thể) và tình yêu tự trao ban (Thánh Tâm). Chính khi chúng ta biết "yêu như Chúa yêu" như thế, ta mới trở nên người công chính và xứng danh là con của Chúa.

Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta biết "yêu như Chúa yêu", ngay cả những ai làm hại chúng ta.


Suy niệm 2: LÒNG YÊU THƯƠNG HOÀN HẢO

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về một mệnh lệnh khó khăn nhưng vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu: "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con" (Mt 5,44).

1. Yêu thương kẻ thù: Lệnh truyền khó khăn

Yêu thương kẻ thù là một điều đi ngược lại với bản tính con người. Chúng ta thường có xu hướng trả thù, oán ghét những ai đã làm tổn thương mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại dạy chúng ta phải yêu thương họ, thậm chí là cầu nguyện cho họ.

Lệnh truyền này thật khó khăn, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những cảm xúc tiêu cực như tức giận, hận thù, và oán ghét. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một trái tim rộng mở, tha thứ và bao dung.

2. Tại sao Chúa Giêsu lại dạy chúng ta yêu thương kẻ thù?

Có nhiều lý do tại sao Chúa Giêsu lại dạy chúng ta yêu thương kẻ thù:

·  Yêu thương là bản chất của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8). Khi chúng ta yêu thương kẻ thù, chúng ta đang noi gương Thiên Chúa và thể hiện tình yêu của Ngài trong thế giới.

·  Yêu thương mang lại bình an: Khi chúng ta ôm ấp lòng oán ghét, chúng ta sẽ tự chuốc lấy sự bất an và khổ đau. Yêu thương kẻ thù giúp chúng ta giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực này và mang lại bình an cho tâm hồn.

·  Yêu thương có thể thay đổi người khác: Khi chúng ta yêu thương kẻ thù, chúng ta có thể tác động tích cực đến họ và giúp họ thay đổi. Lòng yêu thương của chúng ta có thể làm mềm lòng họ và khiến họ nhận ra lỗi lầm của mình.

·  Yêu thương là dấu chỉ của người Kitô hữu: Yêu thương kẻ thù là một trong những dấu chỉ quan trọng nhất của người Kitô hữu. Khi chúng ta yêu thương kẻ thù, chúng ta đang chứng tá cho Tin Mừng và cho thấy sự khác biệt của người Kitô hữu với những người khác.

3. Làm thế nào để yêu thương kẻ thù?

Yêu thương kẻ thù không phải là điều dễ dàng, nhưng nó không phải là điều không thể. Dưới đây là một số cách để chúng ta có thể thực hành lời dạy của Chúa Giêsu:

·  Cầu nguyện cho kẻ thù: Khi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù, chúng ta đang mở lòng mình cho họ và xin Chúa giúp họ thay đổi.

·  Làm ơn cho kẻ thù: Chúng ta có thể làm ơn cho kẻ thù bằng cách giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn, hoặc bằng cách tha thứ cho họ khi họ làm tổn thương chúng ta.

·  Tránh xa những lời nói và hành động oán ghét: Chúng ta cần cẩn thận để không nói hoặc làm những điều có thể làm tổn thương kẻ thù của chúng ta.

·  Sống bác ái với tất cả mọi người: Yêu thương kẻ thù không có nghĩa là chúng ta phải yêu thương họ hơn những người khác. Thay vào đó, chúng ta cần sống bác ái với tất cả mọi người, kể cả những người mà chúng ta yêu thương và những người mà chúng ta không yêu thương.

Kết luận

Yêu thương kẻ thù là một mệnh lệnh khó khăn, nhưng nó là một mệnh lệnh quan trọng của Chúa Giêsu. Khi chúng ta yêu thương kẻ thù, chúng ta đang noi gương Thiên Chúa, mang lại bình an cho bản thân, và chứng tá cho Tin Mừng. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta có thể thực hành lời dạy này trong cuộc sống của mình. (St)

 

Suy niệm 3: 7 LOẠI TÌNH YÊU MÀ CHÚNG TA THƯỜNG TRẢI QUA TRONG ĐỜI

Trong tâm lý học tình yêu, những kiểu yêu mà chúng ta trải qua trong cuộc sống có thể được phân chia làm 7 loại như sau. Bạn đã từng trải qua tình yêu nào rồi?

Khi nói về tình yêu trong thời hiện đại, chúng ta thường liên tưởng ngay đến khái niệm khá chung chung tình yêu lãng mạn (romantic love). Có lẽ vì các lĩnh vực có sức ảnh hưởng tinh thần lớn là văn học, âm nhạc và điện ảnh thường tập trung khai thác kiểu tình yêu này, vô hình trung chiếm lấy sự chú ý cho các kiểu còn lại.

Chúng ta gặp nhiều người trong cuộc sống, hiển nhiên cũng sẽ trải qua nhiều kiểu yêu thương khác nhau. Theo quan điểm của người Hy Lạp cổ đại, tình yêu mà chúng ta thường trải qua trong cuộc sống được phân chia làm 7 loại như sau. (Nguồn: Psychlogy Today)

1. Eros-Tình yêu đam mê

Eros là tình yêu đam mê, hay sự gắn bó có sức hấp dẫn về tình dục. Đây là loại tình yêu gần nghĩa nhất với quan niệm tình yêu lãng mạn thời hiện đại. Cái tên Eros bắt nguồn từ tên thần tình ái trong thần thoại Hy Lạp (tương tự như thần Cupid trong thần thoại La Mã). Động cơ của Eros có sự tương đồng với quan điểm ý chí của nhà triết học Schopenhauer rằng: thế giới bắt nguồn từ bản năng vô thức nhằm tồn tại và duy trì nòi giống của con người.

Eros thường bị nhầm lẫn rằng bắt buộc phải có yếu tố tình dục. Tuy nhiên, đó chỉ là một yếu tố vật lý gia tăng đam mê giữa hai bên và hoàn toàn không phải hấp dẫn về tình yêu lãng mạn (romantic attraction). Do vậy những người vô tính (asexual) vẫn trải qua tình yêu Eros bình thường.

2. Philia-Tình bạn

Philia là tình bạn, và nền tảng của tình yêu này là sự chia sẻ thiện chí với nhau. Trong một bài đăng trên trang Insider, nhà triết học Aristole cho rằng bạn có thiện chí làm bạn với ai đó vì một trong ba lý do sau:

·  Người đó hữu ích cho bạn (giá trị lợi ích)

·  Người đó đem lại cảm xúc vui sướng cho bạn (giá trị tinh thần)

·  Trên tất cả, đó là một người tốt cho bạn (tổng hòa của 2 yếu tố trên)

Trong đó, tình bạn vì lý do cuối cùng mang lại giá trị và sự gắn bó cao nhất trong loại tình yêu Philia này. Khi tình cảm vững bền, những lợi ích chung (công việc, tài chính, mối quan hệ,…) sẽ xuất hiện như những hệ quả tích cực.

Ngoài ra, Philia còn là chất keo gia cố và bồi đắp tình yêu Eros bền vững hơn. Tình bạn làm giảm đi ham muốn sở hữu nhau để thỏa mãn cái tôi và biến chuyển thành mong muốn được thấu hiểu mỗi bên lẫn thế giới xoay quanh ở mức độ sâu sắc hơn.

3. Storge-Tình cảm gia đình

Storge là tình cảm gia đình (còn gọi là tình thân) — là một loại Philia nhưng trong các mối quan hệ gia đình (thường là cha mẹ, con cái, anh chị em, thú cưng). Khác với Eros hay Philia, Storge không phụ thuộc quá nhiều vào phẩm chất cá nhân của mỗi người để bắt đầu hay duy trì.

Rộng hơn, tình yêu gia đình là tình cảm được xây dựng từ sự thân thuộc, che chở nhau của con người. Vì vậy mà tình yêu gia đình không nhất thiết phải giữa những người có huyết thống với nhau.

Đây cũng là một bước phát triển về tình yêu của các cặp đôi Eros. Khi sự bổ sung và vun đắp tình cảm giữa hai bên đến một mức độ trưởng thành, tình ái sẽ dần chuyển thành tình thân. Đó cũng chính là nền tảng của một mối quan hệ bền lâu.

4. Agape-Lòng bác ái

Tha thứ cho bản thân mình, nghĩ đến những người liên quan khi hành động, cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng, tất cả đều là biểu hiện của Agape mà bạn có thể đã từng trải qua.

Agape là tình yêu cho vạn vật, cụ thể là những khái niệm vĩ mô hơn như tình yêu đồng bào, đất nước, thiên nhiên hay thần linh. Một cách gọi khác của Agape theo các nhà tư tưởng Cơ đốc là lòng bác ái, khi tình thương yêu chuyển thành lòng vị tha với vạn vật xung quanh. Không giống như Storge, Agape không dựa trên mối quan hệ huyết thống hay gia đình, dù hai loại tình yêu này có mặt tương đồng về biểu hiện.

Lòng vị tha là một loại tình yêu tối quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của chúng ta vì nó nuôi dưỡng tâm lý của cá nhân, xã hội và nhận thức về môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh nhiễu động về nhận thức của xã hội như hiện nay, tất cả những gì chúng ta cần đôi khi chỉ là lòng vị tha cho nhau.

5. Ludus-Tình cảm bông đùa

Các mối quan hệ tình một đêm (one night stand), friends with benefit là ví dụ điển hình của tình yêu Ludus. Đây là loại tình cảm không có bất cứ ràng buộc gì và chỉ đơn thuần “vui là chính”, hoặc đôi khi để thỏa mãn bản năng chinh phục. Ngoài ra, các dạng nhẹ nhàng hơn của Ludus là khi bạn trêu đùa, nhảy múa cùng nhau. Trọng tâm của tình cảm này luôn là niềm vui.

Ludus là một tình yêu đơn giản, không đòi hỏi và chỉ là hấp dẫn tình ái đơn thuần. Kiểu tình yêu này sẽ diễn ra thuận lợi nhất khi đôi bên đều đã trưởng thành và tự chủ tốt cảm xúc của chính mình. Những vấn đề phát sinh xoay quanh Ludus thường là khi một bên muốn chuyển từ Ludus sang Eros (tình yêu có gắn bó), trong khi Ludus lại tương thích nhiều hơn với Philia (tình bạn).

6. Pragma-Tình cảm lý trí

Pragma là một loại tình cảm thực tế, thậm chí là thực dụng vì lợi ích chung nào đó. Trong tình yêu này, tất cả hấp dẫn về lãng mạn, tình dục chỉ là yếu tố phụ vì Pragma tập trung vào việc đạt được những mục đích đã được đề ra. Những mối quan hệ Pragma có thể tồn tại lâu dài thường là một bên chấp nhận “nhắm mắt làm ngơ” hoặc là có sự cảm thông cho hành động của bên còn lại.

Trong quá khứ, các cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” khiến Pragma trở nên cực kỳ phổ biến trong xã hội cũ. Tuy nhiên đến thời hiện đại, những mối tình Pragma vẫn tồn tại đông đảo, đặc biệt trong xã hội châu Á luôn coi trọng địa vị và sự ngưỡng vọng của người khác. Một số lợi ích của các cặp đôi Pragma có thể kể đến như làm hài lòng bố mẹ, vì tương lai của con cái, tài chính, danh tiếng, tiếp quản/xây dựng quyền lực trong kinh doanh,…

7. Philautia-Tình yêu bản thân

Yêu thương chính mình, hay Philautia là lòng tự trắc ẩn cũng như lòng tự tôn của bạn. Hơn cả vậy, Philautia như một hệ thống cảm xúc phản chiếu những suy nghĩ, cảm nhận và hành động của bạn về chính mình và môi trường xung quanh.

Thực hành tình yêu Philautia lành mạnh, bạn sẽ có thêm sức bền trước những biến cố cũng như cởi mở hơn với những trải nghiệm để trưởng thành. Đây cũng là một hình thức để bồi đắp lòng vị tha (Agape).

Mặt trái của Philautia là khi bị tiêu cực hóa sẽ trở thành tự cao (Hubris). Tự cao là quá ham muốn địa vị, khả năng, thành tích, dẫn đến lừa dối bản thân rằng mình có điều đó (tương đồng với ái kỷ). Vì nó đi kèm với ảo vọng, vì vậy tự cao sẽ thúc đẩy bất công, xung đột và thù địch.

Kết: Tình yêu là một loại cảm xúc kỳ lạ và phức tạp, nhưng cũng rất tốt đẹp. Và trong tất cả những điều tốt đẹp của tình yêu, điều tốt nhất, đẹp nhất và đáng tin cậy nhất là sự chân thật và trí tuệ mà tình yêu mang lại cho con người. Đó là lý do khiến Plato xem tình yêu không phải là thần thánh mà là triết gia. (St)

 

Thứ tư: Mt 6,1-6.16-18 

Suy niệm 1:

Tiếp tục chủ đề kiện toàn lề luật. Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu kiện toàn các việc đạo đức theo một tinh thần mới. Ta hãy chú tâm lắng nghe lời Chúa hướng dẫn và cố gắng thực hiện những điều Chúa muốn để ta xứng đáng được Chúa ghi nhận và ban ơn phúc.

Người đời thường nói: "của cho không bằng cách cho; hình thức không bằng nội dung". Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài Tin mừng hôm nay.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí là 3 việc làm đạo đức hết sức quan trọng trong đời sống con người. Nó là điều không thể thiếu trong đời sống ngoài xã hội cũng như nơi các tôn giáo. Tuy nhiên những việc đạo đức này chỉ có giá trị thật sự khi nó được thực hiện với tấm lòng yêu mến và khiêm tốn chân thành. Ngược lại nếu các việc đạo đức ấy được thực hiện với ý hướng để nhằm khoe khoang và vụ lợi thì những việc làm ấy không có giá trị gì trước mặt Chúa.  Tệ hại hơn nữa nếu các việc đạo đức ấy được thực hiện nhằm để đòi hỏi công đức trước mặt Chúa thì quả là điều đáng chê trách.

Xin cho chúng ta biết làm các việc đạo đức bằng tấm lòng khiêm tốn trước Chúa với động lực tình yêu và với ý hướng sám hối chân thành, mong sao được đổi mới mỗi ngày nên đẹp lòng Chúa hơn.

 

Suy niệm 2:

Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta trả lại giá trị đích thực của các việc đạo đức mà Chúa mong muốn con người thực hiện trong đời sống hàng ngày.

Các việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, bác ái…gắn liều với định mệnh con người. Có thể nói nhờ những việc đạo đức mà phẩm giá con người được nâng cao. Tuy nhiên do ảnh hưởng tác động của xã hội và ước vọng ích kỉ của con người mà những việc đạo đức lần lần bị biến tướng và méo mó. Thay vì thực hiện những việc làm thiện nguyện bác ái là vì mưu cầu lợi ích cho người khác và làm vinh danh Chúa, thì nhiều người ngày hôm nay dùng những việc làm đạo đức để phục vụ ích lợi cho bản thân và để làm sáng danh mình.

Xin Chúa uốn lòng chúng ta theo trái tim Chúa, để những việc làm đạo đức của chúng ta đều được khởi đi từ tấm lòng yêu mến chân thành với mong muốn ánh sáng vinh quang của Chúa được ngời sáng.


Suy niệm 3:

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống bác ái một cách âm thầm, kín đáo, không vụ lợi, không khoe khoang.

1. Làm việc lành trong âm thầm:

·  Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng." (Mt 6,1)

·  Chúa dạy chúng ta làm việc bác ái vì lòng yêu thương, mong muốn giúp đỡ người khác, chứ không phải để được khen ngợi hay nhận phần thưởng.

·  Làm việc lành trong âm thầm là cách thể hiện lòng khiêm nhường, tin tưởng vào Thiên Chúa, và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh thầm lặng vì nhân loại.

2. Cha trên trời sẽ trả công:

·  "Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con." (Mt 6,6.18)

·  Thiên Chúa nhìn thấu tâm can con người, biết rõ mọi ý định và hành động của chúng ta. Ngài sẽ thưởng cho những ai làm việc lành một cách chân thành, không vụ lợi.

·  Phần thưởng của Thiên Chúa không phải là những thứ vật chất chóng qua, mà là niềm vui vĩnh cửu, hạnh phúc Nước Trời.

3. Bài học cho chúng ta:

·  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống bác ái một cách âm thầm, kín đáo, không vụ lợi, không khoe khoang.

·  Chúng ta hãy tập làm những việc tốt mỗi ngày, dù là việc nhỏ bé, với lòng yêu thương với sự chân thành.

·  Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ nhìn thấy và ban thưởng cho những việc làm tốt lành của chúng ta.

Suy Nghĩ:

·  Hôm nay tôi đã làm được việc tốt gì?

·  Tôi đã làm việc đó vì mục đích gì?

·  Tôi có thể làm gì để sống bác ái một cách âm thầm, kín đáo hơn?

Lời Nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp con biết sống bác ái một cách âm thầm, kín đáo, không vụ lợi, không khoe khoang. Xin cho con biết tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Chúa. Xin cho con luôn noi gương Chúa Giêsu trong việc hy sinh thầm lặng vì người khác. Amen. (St)

 

Thứ năm: Mt 6,7-15

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 1 trong 3 đạo đức không thể thiếu được của người môn đệ Chúa. Đó là cầu nguyện.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu, để cầu xin những ơn cần thiết. (GLCG. 2591).

Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn và là lương thực nuôi sống đức tin. Tất cả các tôn giáo đều đề cao việc cầu nguyện, bởi vì đó là cách thức tốt nhất để tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, nhờ đó ta dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói; cũng như múc lấy sức mạnh thần thiêng Chúa ban, nhờ đó đức tin ta thêm vững mạnh.

Trong bài tin mừng hôm nay, ngoài việc Chúa cho các môn đệ biết nội dung phải cầu nguyện như thế nào qua "kinh lạy Cha"; Ngài còn nhấn mạnh đến hai điều quan trọng khi cầu nguyện cần phải có:

- 1 là không nên lãi nhãi nhiều lời khi cầu nguyện. Bởi vì Thiên Chúa là người Cha đầy yêu thương nên Ngài thấu hiểu mọi nhu cầu cần thiết của ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì thiện hảo nhất.

- 2 là phải loại trừ khỏi tâm trí mình mọi ý tưởng hận thù thay vào đó là tấm lòng bao dung tha thứ. Bởi có tha thứ cho tha nhân thì ta mới xứng đáng được Chúa tha thứ. Tha thứ là điều kiện căn bản để Chúa đón nhận của lễ và ban ơn cho chúng ta, nên Chúa phán: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5, 23-24). Có thể nói tha thứ chính là hoa trái của đức tin và là đỉnh cao của lòng thương xót.

Nếu cầu nguyện để nuôi sống và củng cố đức tin, thì tha thứ chính là hành động cụ thể để thể hiện đức tin ấy. Xin cho chúng ta biết siêng năng cầu nguyện để củng cố đức tin thêm vững mạnh, nhờ đó ta dễ dàng biết tha thứ cho nhau.


Suy niệm 2:

1. Lời Chúa mời gọi:

·  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về cách thức cầu nguyện đúng đắn.

·  Chúa Giêsu dạy chúng ta tránh lối cầu nguyện giả hình, khoe khoang, chỉ nhằm mục đích phô trương bản thân để được người khác khen ngợi.

·  Thay vào đó, Ngài hướng dẫn chúng ta cầu nguyện với lòng chân thành, khiêm tốn, từ sâu thẳm tâm hồn, và hướng đến Thiên Chúa Cha trên trời.

2. Bức tranh cầu nguyện đích thực:

·  Lạy Cha: Lời xưng hô này thể hiện mối tương quan thân thiết giữa con cái và Cha trên trời.

·  Nơi ngai Cha ở trên trời: Nhắc nhớ chúng ta về sự cao cả, uy quyền và tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.

·  Xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển: Mong ước danh thánh Thiên Chúa được tôn vinh, được mọi người biết đến và yêu mến.

·  Triều đại Cha mau đến: Nài xin Nước Trời mau được thiết lập trên trần gian, nơi công lý, yêu thương và hòa bình luôn hiện diện.

·  Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời: Mong ước ý Chúa được thực hiện trên đời này, như đã được thực hiện trên Thiên đàng.

·  Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày: Nhu cầu thiết yếu về vật chất được đáp ứng để duy trì cuộc sống.

·  Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con: Lời cầu xin tha thứ cho bản thân và cho tha nhân, thể hiện lòng vị tha và sự hy sinh.

·  Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ: Nài xin Thiên Chúa ban sức mạnh để chiến thắng cám dỗ và chống lại mọi sự dữ.

3. Bài học từ Lời Chúa:

·  Cầu nguyện là cuộc đối thoại thân tình với Thiên Chúa: Thay vì chỉ xin xỏ, chúng ta hãy dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ tâm tư và lắng nghe tiếng Chúa.

·  Cầu nguyện cần xuất phát từ trái tim chân thành: Lời cầu nguyện chỉ có ý nghĩa khi đến từ lòng yêu mến và tin tưởng vào Thiên Chúa.

·  Cầu nguyện không chỉ cho bản thân mà còn cho tha nhân: Chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn, thử thách.

·  Cầu nguyện cần đi đôi với hành động: Lời cầu nguyện cần được thể hiện qua những hành động cụ thể, thể hiện lòng yêu thương và sự hy sinh.

4. Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm ơn Ngài đã dạy chúng con cách cầu nguyện đúng đắn. Xin cho con biết noi gương Ngài, để lời cầu nguyện của con luôn xuất phát từ trái tim chân thành, hướng đến Thiên Chúa Cha trên trời.

Xin giúp con luôn nhớ rằng, cầu nguyện không chỉ là xin xỏ, mà còn là cuộc đối thoại thân tình với Chúa.

Xin ban cho con sức mạnh để biến lời cầu nguyện thành hành động, để con có thể sống yêu thương và hy sinh như Ngài đã dạy. Amen. (St)

 

Thứ sáu: Mt 6,19-23

Nhớ Thánh Lu-Y Gon-Da-Ga, tu sĩ

* Gương thánh nhân:

Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, tại nước Ý. Khi mới chào đời, thân phụ của ngài có ý định huấn luyện ngài thành một sĩ quan.

Nhưng khi lên 7 tuổi, đời sống tâm linh Luy Gonzaga thay đổi lạ lùng. Hàng ngày cậu siêng năng đọc kinh sách, thánh vịnh và có lòng kính mến Ðức Maria cách đặc biệt.

Lúc 13 tuổi, cùng với người em, theo cha mẹ lên triều đình để phục dịch cho thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Nhưng khi nhìn thấy những sinh hoạt của triều đình, Luy càng chán ngán và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.

Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Luy đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ, cũng như thường tụ tập các trẻ em nghèo lại để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Luy phải trải qua 4 năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều đình. Sau cùng, Luy Gonzaga mới chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử của dòng Tên lúc 17 tuổi.

Khi nhập dòng, Luy Gonzaga đã xin làm những công việc vất vả hèn kém là phục vụ trong nhà bếp và rửa chén dĩa. Luy thường nói: “Tôi là một miếng sắt cong queo. Tôi đến với Đạo để được chiếc búa khổ chế đền tội tán ra cho thẳng!”

Đầu năm 1591, nước Ý lâm nạn đói kém và dịch bệnh hoành hành. Cùng với các anh em khác, Luy đi quyên góp thực phẩm, quần áo giúp những bệnh nhân. Luy đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố vào bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn uống, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích sau cùng.

Một lần sau khi trở về từ bệnh viện, Luy nói với Cha linh hướng Roberto Bellarmino rằng: “Con tin rằng mình chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con cảm thấy nơi mình một khao khát mãnh liệt để làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Con nghĩ rằng Chúa đã không cho con cơ hội này nếu Ngài không muốn đưa con về với Ngài”.

Luy Gonzaga đã phục vụ họ cho tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh và qua đời lúc vừa tròn 23 tuổi. Đó là vào đêm 20 tháng Sáu năm 1591. Ngài thốt lên: “Tôi sắp về thiên đàng!”.

Xác Thánh Luy Gonzaga được mai táng trong thánh đường dâng kính Thánh Inhaxiô ở Rôma.

Năm 1726, Luy Gonzaga được Đức Thánh Cha Bênêđictô tôn phong Hiển thánh.

Và năm 1729, Thánh Louis lại được Đức Bê-nê-đíc-tô XIII đặt làm bổn mạng của giới sinh viên.

Vào ngày 30 tháng 06 năm 1926, Đức Thánh Cha Pi-ô XI đã đặt Thánh Nhân làm Bổn Mạng của giới trẻ Công giáo.

Vì Thánh Louis chết do phục vụ những người mắc bệnh dịch hạch và bị lây bệnh từ họ, nên vào ngày 22 tháng 06 năm 1991, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đặt Ngài làm bổn mạng của những người mắc bệnh dịch hạch, cũng như làm Bổn Mạng của các bệnh nhân AIDS và của những người chăm sóc những bệnh nhân này.

Ngoài ra, Thánh Louis cũng còn được người ta chạy đến cầu khấn mỗi khi họ bị đau mắt hay bị cám dỗ về đức trong sạch. Ngài cũng được đặt làm Bổn Mạng của thành phố Man-tu-a. Giáo hội cử hành Lễ kính nhớ Ngài vào ngày 21 tháng 06 với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

Tóm lại: Thánh nhân có một đời sống khổ chế nhiệm nhặt, siệng năng cầu nguyện, luôn giữa tâm hồn thanh sạch, tận tâm hy sinh phục vụ bệnh nhân hết lòng, nhất là những bệnh nhân bị truyền nhiễm mà không hề sợ lây nhiễm. Đó chính là những nhân đức cao quí của thánh nhân mà chúng ta có thể học đòi bắt chước.

Xin Chúa cũng ban cho chúng có được những đức tính cao đẹp như thánh nhân.

 

Suy niệm lời Chúa:

Một triết gia đã nói: “Con người là một sinh vật duy nhất biết mình phải chết”. Lời của triết gia trên không những phản ánh về nỗi day dứt của con người trước sự sống chết mà còn là nỗi ám ảnh về số phận sau cái chết.

Hầu hết các tôn giáo đều tin vào sự sống đời sau. Và cho rằng sự sống mai sau tùy thuộc hoàn toàn vào cuộc sống đời này, vì thế mà nhiều người đồng tình với quan niệm nhân-quả, nghĩa là công-thưởng, tội-trừng. Tuy biết mình sẽ chết, sẽ sự sống lại và sẽ được thưởng hay bị phạt mai sau, nhưng có mấy ai biết quan tâm đến số phận mai sau của mình. Chính vì thế mà tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta đừng quá bận tâm lo lắng thu tích của cải chóng qua đời này mà quên lãng nhiệm vụ thu tích kho tàng bền vững mai sau trên trời.

Thiên hạ thường truyền khẩu với nhau bài vè này: 

Tiền là tiên là phật,

là sức bật của lò xo,

là thước đo của lòng người,

là sức khỏe của tuổi già,

là niềm vui của tuổi trẻ…,

có tiền mua tiên cũng được.  

Đúng vậy, bởi lẽ trong cuộc sống trần gian này ai cũng cần có tiền để sống. Có tiền mới mua được thực phẩm, đồ dùng; có tiền mới cho con cái ăn học; có tiền mới làm được việc này việc nọ; và có tiền ta mới có thể đi đây đi đó được… Do đó tiền bạc là thứ không thể thiếu, chính vì thế người ta phải ra sức làm việc để kiếm được thật nhiều tiền, càng tích lũy nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiền không phải là tất cả. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều tiền chưa chắc có hạnh phúc. Bởi vì, ngoài tiền của vật chất ra, cuộc sống con người còn có những thứ khác cao quý hơn. Như được sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc, gia đình êm ấm hòa thuận…Và vượt trên tất cả chính là khát vọng được trở nên hoàn thiện.

Thế nhưng, khi nhìn vào thực tế cuộc sống, dường như chọn lựa giữa Chúa và tiền của thật khó khăn. Nhiều người hãnh diện xưng mình là kitô hữu nhưng lại dễ dàng bỏ lễ ngày Chúa nhật để chọn tiền. Có người còn cho rằng đi lễ Chúa đâu có tiền, Chúa đâu cho cơm cho gạo để ăn... còn đi làm mới có cái để ăn. Nhiều người sẵn sàng bỏ những ngày Chúa nhật, lễ trọng để đi chơi, đi ăn cưới hoặc ăn giỗ mà không hề áy náy lương tâm. Họ sống theo kiểu “có thực mới vực được đạo.”

Thu tích tiền bạc của cải đời này được xem là xu hướng khôn ngoan của con người thời đại khi mà nền kinh tế khủng hoảng, bấp bênh nên việc tích lũy tiền của càng nhiềul càng tốt. Tuy nhiên khi có nhiều tiền của thu tích rồi, người ta cũng không cảm thấy vững dạ an lòng, vì mối mọt và trộm cướp luôn là hiểm họa đang trực chờ. 

Vậy người khôn ngoan đích thực là người biết phân bố thời gian sao cho hợp lý. Một phần thời gian ta lo cho sự sống thể xác của mình, một phần thời gian ta dành chăm lo gia đình, một phần ta phục vụ cho xã hội, nhưng đừng quên dành nhiều thời gian để chăm lo cho phần hồn và hạnh phúc đời đời của mình.

Xin cho chúng ta biết hướng tất cả mọi sự vào cùng đích là hạnh phúc vĩnh cửu nước trời để biết khôn ngoan sử dụng tiền của sao cho phù hợp ý Chúa, nhằm đảm bảo mai sau ta có được kho tàng vĩnh cửu trong nước trời.

  

Thứ bảy: Mt 6, 24-34

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Chọn đúng làm cho cuộc sống ta được bình an và hạnh phúc. Chọn lựa sai sẽ làm cho đời ta bất an và đau khổ. Chọn lựa là quyền tự do căn bản của con người. Quyền ấy đã được Thiên Chúa ban tặng con người và luôn được Ngài tôn trọng. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có sự chọn lựa dứt khoát. Chọn đứng dưới cờ TC để phụng thờ Người hay đứng dưới cờ Satan để phụng sự Tiền Của thế gian? Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.”

Đức Giêsu đã sống trong kiếp người, nên hơn ai hết Ngài hiểu rõ những mối bận tâm lo lắng của chúng ta chính là nhu cầu vật chất. Tiền Của có một vị trí to lớn trong đời sống chúng ta, đến nỗi nó hiển nhiên trở thành vị thần đầy quyền lực, có sức hút mãnh liệt khiến chúng ta sẵn sàng chối bỏ Thiên Chúa để lệ thuộc hoàn toàn vào nó.

Nhằm giúp chúng ta có được quyết định sáng suốt trong chọn lựa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đặt trọn tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa bằng cách “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học. Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”.

 Hơn thế nữa, là những người con cái Chúa, đời sống chúng ta phải khác và vượt trội hơn những người không có niềm tin. Nên mối bận tâm lo lắng của chúng ta không phải là vật chất mau qua như dân ngoại tìm kiếm mà là giá trị vĩnh cửu nước trời. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.

Xin cho chúng ta biết chọn Chúa là gia nghiệp và phụng thờ Người cách xứng hợp với tâm tình yêu mến của những người con cái Chúa.

Xin cho chúng ta cũng luôn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa; bởi ta tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có vị trí đặt biệt và một giá trị quý giá trong trái tim của Chúa. Cho dẫu lắm khi ta phải hy sinh và thiệt thòi khi chọn Chúa, nhưng ta hãy tin chắc rằng, Chúa luôn yêu thương chăm lo và ban phát cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-NĂM B Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43 Suy niệm 1: ...