Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN-NĂM B

Cn 9,1-6; Ep 5,15-20Ga 6,51-59

Suy niệm 1:

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày; phần hồn muốn sống phải rước lấy Mình Máu Thánh Chúa, của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết quý trọng của ăn thiêng liêng do chính Chúa tặng ban mà siêng năng kính viếng và dọn mình xứng đáng rước Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ.

Nhân gian thường nói: “Ăn gì thì bổ cái đó”; đó là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người và các tạo vật. Nếu ăn thịt nhiều thì áp xuất máu sẽ tăng lên và tính tình cũng thường hay nóng nảy. Ngược lại nếu ăn rau, củ, quả nhiều, thì cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, tính tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở những cơ thể bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể khác.

Căn cứ vào kinh nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giêsu hôm nay phán dạy: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy".

Đúng vậy, Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ có bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong Ngài. Nên thịt và máu Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời. Khi ăn thịt và uống máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ hãi và bỏ đi; còn những người không tin Chúa Giêsu thời nay thì cho đầu óc của những người Công Giáo là điên rồ. Nhưng ngược lại, Mình Máu Chúa Giêsu rất gần gũi và trở nên vô cùng quan trọng cho sự sống tinh thần và thiêng liêng của mọi Kitô hữu. Người Công giáo chẳng những tin vào Lời Chúa Giêsu phán về việc ăn thịt và uống  máu Ngài, mà còn có kinh nghiệm ăn thịt và uống máu ấy hằng ngày trong mỗi thánh lễ và đã cảm nghiệm được sự trưởng thành trong đời sống tinh thần và đức tin của mình như thế nào.

Vì thế trên cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ lại có một Thánh lễ để cung cấp cho trên cả tỷ người Công giáo một sự sống trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu. Bất cứ ai đến ăn thịt và uống máu Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả sự chữa lành thể xác nữa.

Bí tích Thánh Thể, lương thực thần lương mang sự sống đời đời. Xin cho chúng ta biết tin tưởng và khao khát tìm đến đón nhận chính nguồn lương thực này, hầu đem lại cho chúng ta nguồn bình an và sự sống đời đời.

 

 Suy niệm 2: BÍ TÍCH THÁNH THỂ-LƯƠNG THỰC TRƯỜNG TỒN

Phụng vụ lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta những bài đọc sâu sắc về Bí tích Thánh Thể, một hồng ân vô giá mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội. Những điểm chính trong các bài đọc chúng ta vừa nghe:

- Bài đọc 1: Sách Châm ngôn đã sánh ví sự Khôn ngoan tựa như một bữa tiệc thịnh soạn, và kêu mời mọi người đến tham dự, tức là đế đón nhận, học hỏi sự Khôn ngoan ấy. Hình tượng về sự Khôn ngoan này sẽ được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu.

- Bài đọc 2: Thánh Phao-lô khuyên tín hữu đừng sống như kẻ khờ dại, mà hãy sống như người khôn ngoan. Theo ngài, khôn ngoan là: Biết tận dụng thời buổi hiện tại; biết tìm hiểu đâu là thánh ý của Chúa trong thế giới hôm nay.

- Bài Tin Mừng tuần này tiếp tục đề tài về Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu tự xưng mình là "Bánh Hằng Sống" và khẳng định mạnh mẽ rằng: “Ai ăn thịt Ngài và uống máu Ngài sẽ có sự sống đời đời.” Lời xác quyết này, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống đức tin. Qua đó mời gọi chúng ta hãy siêng năng tham dự Thánh lễ và dọn mình rước Mình Thánh Chúa cách sốt sắng. Nhờ đó, chúng ta mới được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng hồn ta.

- Chúa Giêsu không chỉ là lương thực nuôi sống thể xác, mà còn là nguồn sống thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu vào trong tâm hồn mình, để Ngài biến đổi và giúp chúng ta sống một cuộc đời mới.

- Sự sống mà Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta không phải là sự sống tạm thời trên trần gian, mà là sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời. Khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta được đảm bảo một chỗ trong Thiên đàng.

- Hãy ý thức rằng: Việc rước Mình Thánh Chúa không chỉ là một nghi thức, mà còn là một hành vi đức tin, một lời cam kết sống theo những giá trị của Tin mừng.

- Nhưng để sống xứng đáng với những ơn ban của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần lưu ý những điều sau đây:

1. Trước khi rước lễ:

- Xét mình: Thường xuyên xem xét lại đời sống, nhận ra những yếu đuối, lỗi lầm để sám hối và xin Chúa tha thứ.

- Xưng tội: Nếu phạm tội trọng, hãy xưng tội để được hòa giải với Chúa và Giáo hội trước khi rước lễ.

- Kiêng ăn: Tuân thủ luật chay tịnh của Giáo hội để chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận Chúa Giêsu.

- Cầu nguyện: Dành thời gian cầu nguyện, suy niệm về mầu nhiệm Thánh Thể, xin Chúa ban ơn sủng để sống tốt hơn.

2. Trong khi rước lễ:

- Tâm hồn khiêm tốn: Đến với Chúa với tâm hồn khiêm tốn, nhận biết mình là người tội lỗi nhưng luôn khao khát được Chúa thương xót.

- Đón nhận Chúa Giêsu: Rước lễ với đức tin vững chắc, tin rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong bánh thánh.

- Kết hợp với Chúa: Cố gắng kết hợp với Chúa Giêsu trong mọi việc làm, mọi lời nói và mọi suy nghĩ.

3. Sau khi rước lễ:

- Sống đời sống mới: Để cho Chúa Giêsu biến đổi cuộc sống của mình, trở thành người môn đệ đích thực của Chúa.

- Yêu thương tha nhân: Biết yêu thương và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật.

- Tham gia vào cộng đoàn: Tích cực tham gia các hoạt động của cộng đoàn, cùng nhau xây dựng Giáo hội.

- Cầu nguyện thường xuyên: Duy trì đời sống cầu nguyện để luôn được Chúa soi sáng và hướng dẫn.

Chúng ta cùng cảm tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, đó là một hồng ân vô giá. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết trân quý hồng ân lớn lao ấy, bằng cách tôn kính Thánh Thể, siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ cách sốt sắng, với mong muốn được Chúa biến đổi mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen. (St)

 

Thứ hai: Mt 19,16-22.

Suy niệm 1:

Có lẽ khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Nhưng làm thế nào để có được sự sống ấy? Lời Chúa hôm nay sẽ khai mở cho chúng ta biết cách thức để đạt đến khát vọng cao quý ấy.

Sách Giáo Lý Công Giáo thường được chia thành 4 phần: Tín lý (tuyên xưng đức tin), luân lý (thực hành đức tin), bí tích (cử hành đức tin) và cầu nguyện (nuôi dưỡng đức tin). Nhưng hình như đa phần người Công giáo chúng ta chỉ chú trọng đến phần luân lý (thực hành đức tin) mà ít quan tâm đến phần tín lý (tuyên xưng) và những phần còn lại nên có sự sai lệch trong cái nhìn và cách sống đạo.

Nền luân lý Công giáo luôn nhấn mạnh đến Mục đích và Phương tiện phải song hành trong cái nhìn đạo đức sinh học. Theo cái nhìn này, thì một hành vi luân lý được chấp nhận khi thỏa mãn hai diều kiện: phương tiện và mục đích đều đúng và trúng. Nếu một trong hai yếu tố ấy không đúng và trúng thì hành vi đó bị xem là sai lạc.

Ví dụ: Vì nhân danh mục đích giúp đỡ người nghèo mà ta đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèohoặc vì muốn giúp cho bệnh nhân thoát khỏi tình trạng đau đớn cùng cực về thể xác mà ta tiêm cho họ một mũi thuốc an tử thì không đúng, vì làm như thế là ta đã xử dụng phương tiện sai trái để biện minh cho mục đích tốt. Lý do là vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa nên quyền quyết định sinh tử đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết cho mình hay cho người khác.

Anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và giữ luật rất tốt. Nhưng xem ra anh ta vẫn không an lòng, bởi vì luật lệ và của cải hình như không phải là phương thế thật sự để đưa anh đạt đến vinh quang nước trời. Vì thế anh ta đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi xem: “phải làm việc lành gì để được sống đời đời?”. Thật bất ngờ với lời đề nghị của Chúa Giêsu: "hãy bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó...rồi đến theo Ta". Như vậy yêu thương và chia sẻ cho người nghèo mới chính là phương thế để được sự sống đời đời. Do không muốn hy sinh chia sẻ cho người nghèo theo lời đề nghị của Chúa Giêsu nên anh ta buồn và quay mặt bỏ đi trong thất vọng.

Tóm lại, phương tiện để đạt đến mục đích sự sống đời đời không phải là tiền bạc, cũng không chỉ là tuân giữ một số luật lệ chay cứng vô hồn, nhưng là phải tích cực thi hành những việc làm bác ái, chia sẻ cho tha nhân với niềm tin yêu và phó thác vào Chúa.

Tin Chúa, thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tất cả …mà theo Ta”.

Yêu người, là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.

Lạy Chúa, cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa với tấm lòng yêu mến; và biết yêu thương tha nhân bằng những hành vi bác ái, chia sẻ chân tình. Nhờ đó, chúng con mới có được hạnh phúc ở đời này và cả đời sau. Amen.

 

Suy niệm 2:

Bài Tin mừng hôm nay trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một chàng thanh niên giàu có. Chàng thanh niên này đã giữ mọi luật lệ từ thuở nhỏ, nhưng anh ta vẫn cảm thấy như thiếu thốn một điều gì đó. Nên hôm nay anh ta mới tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi thử xem làm thế nào để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Qua những lời gợi ý của Chúa Giêsu dành cho anh ta, muốn nói với chúng ta hai điều sau đây:

1. Hạnh phúc thật hệ tại ở đâu? Người thanh niên giàu có đã có mọi thứ mà người ta cho là hạnh phúc: của cải, sức khỏe, và một cuộc sống đạo đức. Tuy nhiên, anh ta vẫn cảm thấy thiếu thốn. Điều này cho thấy rằng, vật chất không phải là tất cả. Hạnh phúc đích thực đến từ việc sống trọn vẹn theo ý muốn của Thiên Chúa.

2. Làm gì để trở nên hoàn hảo? Chúa Giêsu mời gọi người thanh niên bán hết mọi thứ để theo Ngài. Đây không phải là một lời mời dễ dàng vì nó đòi buộc chúng ta phải từ bỏ những gì mà mình đã từng yêu thích, để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa.

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những lựa chọn. Nhưng Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải can đảm buông bỏ những gì ràn buộc chúng ta dấn bước theo Chúa. Khi ấy chúng ta mới có được bình an đích thực nơi tâm hồn và sẽ chiếm hữu được một kho tàng vô giá trên trời do Chúa tặng ban.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm từ bỏ những gì cản trở chúng ta đến với Chúa. Và xin cho chúng ta có được một trái tim nghèo khó để luôn sẵn sàng đón nhận những gì Chúa tặng ban. Amen.

 

Thứ ba: Mt 19,23-30

Nhớ Thánh Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh

Suy niệm 1:

Tiếp nối bài tin mừng hôm qua, sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản của mình để đổi lấy sự hoàn thiện (hay sự sống đời đời) thì ngay sau đó, Chúa Giêsu đưa ra kết luận: “người giàu có khó vào được Nước Trời”. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn cho biết phần thưởng lớn lao cho những ai dám chấp nhận từ bỏ mọi sự vì danh Ngài. Đó là sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng với phương châm "có qua có lại mới toại lòng nhau". Nên tông đồ Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: “chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”.

Tin tưởng vào Đức Giêsu là Chúa uy quyền và giàu tình thương nên Ngài sẽ không để cho những ai theo Ngài phải chịu thiệt thòi. Chắc chắn Ngài sẽ ban lại cho những ai dám từ bỏ, hy sinh và cho đi vì Ngài một phần thưởng lớn lao hơn, đó là “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây quả là một phần thưởng cao quý mà lòng người chẳng dám ước mong.

Ngày hôm nay, nếu ai đó bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa, ruộng đất… mà theo Chúa thì bị xem là người không bình thường, mất tính nhân bản vì đi ngược lại với đạo lý làm người. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì đúng như thế, nhưng việc theo Chúa không phải hiểu như thế. Theo Chúa là biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, làm lẽ sống cho đời ta, còn những giá trị khác ngoài Chúa chỉ là thứ yếu. Bởi lẽ nếu xét cho đến cùng thì mọi thứ trên trần gian này đều do Chúa dựng nên và tất cả cũng chỉ là phù vân, tạm bợ, chóng qua... Duy chỉ có mình Chúa và nước trời mới là vĩnh hằng và hạnh phúc thật. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc nhở chúng ta đừng quá bám víu vào của cải, vật chất, tiền bạc... như người thanh niên giàu có, mà loại trừ Chúa ra khỏi những chọn lựa ưu tiên trong đời sống của mình.

Lạy Chúa, xã hội càng ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà cuộc sống con người cũng được cải thiện và sung túc hơn. Nhưng chính vì thế mà con người ngày nay dễ dàng quên và xa Chúa do không cưỡng lại sức hút của đồng tiền. Xin Chúa đừng để chúng con sa vào ma lực của đồng tiền mà xa rời bước đường theo Chúa và lý tưởng hạnh phúc nước trời.

 

Suy niệm 2:

Xét cho cùng khao khát và ước muốn sâu xa nhất của con người vẫn là được sống đời đời hay hạnh phúc nước trời. Vậy phương thế nào giúp chúng ta đạt được nỗi khát khao ấy? Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết.

Tin mừng hôm nay đề cập đến hai vấn đề rất thiết thực với đời sống người Kitô hữu chúng ta:

1. Vào nước trời khó hay dễ?

Chúa Giêsu khẳng định: Vào được nước trời là một điều không dễ và rất khó cho những ai giàu có. Khó không bởi đường xa vạn dặm không vì núi non điệp trùng hay sông sâu hiểm trở, nhưng khó vì lòng người còn yếu đuối hay thay đổi: nay tốt mai xấu, hôm nay thánh thiện ngày mai tội lỗi…Khó là bởi vì lòng người còn nhiều tính hư tật xấu với những tham sân si (tham lam, nóng giận, đam mê bất chính). Nhất là luôn tự cao tự mãn, luôn đặt cái tôi lên trên cái ta, chỉ biết mình chứ không người, thu vén cho mình mà không dám cho đi vì tình thương…thì thật khó vào nước trời biết bao! Tuy nhiên nếu giàu có mà biết sống tình bác ái cho đi quảng đại với niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa thì mọi việc đều có thể.

2. Từ bỏ theo Chúa được gì?

Tính toán được mất, hơn thua không chỉ là suy nghĩ thường tình của người đời mà còn là suy nghĩ của những môn đệ Chúa. Chính vì thế mà Phêrô đặt vấn đề này với Chúa Giêsu: “Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con được gì?”.

Thưa nếu vì yêu Chúa và cho Chúa mà ta đánh đổi mọi thứ trần gian này như: sức khỏe, thời gian, của cải, tiền bạc, danh vọng, ngay cả tình thân…thì Chúa hứa sẽ ban lại cho chúng ta gấp trăm ở đời và sự sống vĩnh cửu đời sau. Kinh nghiệm của những người dám hy sinh bỏ lại tất cả để dấn thân theo Chúa trên hành trên ơn gọi tận hiến cho thấy điều đó. Và phần thưởng ấy các môn đệ Chúa cũng đã lãnh nhận với niềm hạnh phúc viên mãn trong nước trời.

Xin cho chúng ta dám từ bỏ những gì ngăn cản chúng ta đến gần với Chúa và tha nhân, và xin Chúa cũng cho chúng ta biết đặt Chúa làm lẽ sống và cùng đích của cuộc đời, để ta dám dấn thân bước theo Chúa và sống cho Chúa.


Suy niệm 3:

Tin mừng chúng ta vừa nghe nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa của cải và sự sống đời đời. Chúa Giêsu khẳng định: “người giàu có rất khó vào Nước Trời”. Ngài ví von một cách ấn tượng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.”

1. Tại sao giàu có lại khó vào nước trời?

- Khi ta quá gắn bó với của cải, ta dễ đặt nó lên trên Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu vật chất thường làm mù quáng trái tim, khiến ta khó mở lòng đón nhận tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

- Chúng ta thường nghĩ rằng, tiền bạc của cải mới đem lại sự an toàn, nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Của cải có thể mất đi bất cứ lúc nào, và khi đó, ta sẽ mất đi cả niềm tin và hy vọng.

- Người giàu có thường có xu hướng ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Điều này trái ngược hoàn toàn với tinh thần bác ái mà Chúa Giêsu dạy.

2. Qua đây Chúa muốn nhắc nhở chúng ta:

- Của cải chỉ là phương tiện, chứ không phải mục đích: Của cải là một ân huệ của Thiên Chúa, giúp chúng ta sống tốt hơn. Tuy nhiên, nó không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời.

- Ta cần phải ưu tiên cho những giá trị tinh thần: Nên cần dành thời gian và tâm sức cho những giá trị tinh thần như cầu nguyện, làm việc thiện, xây dựng các mối quan hệ.

- Sẵn sàng chia sẻ: Của cải không chỉ để dành cho bản thân mà còn để chia sẻ với những người khó khăn hơn. Việc cho đi không chỉ giúp đỡ người khác mà còn làm cho tâm hồn ta trở nên giàu có hơn.

Xin Chúa giúp ta biết trân trọng những gì Chúa ban, nhưng không để lòng mình bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất. Xin cho ta có một trái tim rộng mở để biết sống quảng đại chia sẻ với những ai đang gặp khó khăn, nghèo khổ. Amen.


Suy niệm 4:

Lời Chúa hôm nay đề cập đến sự giàu có và Nước Trời.

Chúa Giêsu cho biết người giàu có vào Nước Trời là điều rất khó. Tại sao vậy? Thưa vì của cải trần gian thường gắn liền với lòng tham lam, sự ích kỷ, và tính kiêu căng của con người. Tiền bạc của cải dễ làm cho chúng ta có thái độ bất cần Thiên Chúa và xem thường tha nhân.

Khi dùng hình ảnh “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước trời”. Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta đừng quá bám víu vào của cải vật chất mà hãy bám víu vào Thiên Chúa và để cho tâm hồn mình thuộc trọn về Người. Bởi lẽ sự giàu sang đích thực không nằm ở của cải vật chất mà nằm ở tình yêu thương, niềm vui, và sự bình an do Chúa tặng ban.

Vì thế, chúng ta cần phải xem xét lại mối tương quan của mình đối với tiền bạc của cải, để điều chỉnh lại cái nhìn và thái độ sao cho đúng đắn:

- Thay vì coi tiền bạc là mục tiêu sống, chúng ta nên xem nó như một công cụ để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

- Hạnh phúc đích thực không nằm ở của cải vật chất mà hệ tại ở những giá trị tinh thần và mối quan hệ với người khác.

- Hạnh phúc chỉ có được khi ta dám quảng đại cho đi bằng tình yêu mến chân thành, chứ không phải là thâu tóm thật nhiều của cải ở trần gian này.

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra sự nguy hiểm của tiền bạc mà cố gắng vượt thắng mọi cám dỗ vật chất trên bước đường theo Chúa. Xin Chúa cũng giúp chúng ta dám từ bỏ mọi sự để sống một cuộc đời đơn giản, yêu thương và hy sinh mọi người với niềm tin tưởng vào Chúa. Amen.


Thứ tư: Mt 20,1-16a

Nhớ Thánh Piô X (St. Pius X), Giáo hoàng

Thánh Piô X có tên là Giuse Sarto, sinh năm 1835 tại làng Riese, miền Vénétia nước Ý. Thánh Piô X rất thông minh, cần mẫn và sáng trí.

Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858. Thánh nhân đã làm cha phó giáo xứ Tomholo, rồi chánh xứ Salzanô, và được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma. Vì là một người có tài, có đức, nên Ngài được Đức Thánh Cha phong làm Giám Mục địa phận Mantoue vào năm 1884. Thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm chủ chăn, chuyên lo đào tạo hàng giáo sĩ, thương yêu, lưu tâm đến người nghèo và để ý tới phụng vụ.

Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, năm 1893, thánh nhân được phong làm Hồng Y, Giáo Chủ Venise Thiên Chúa đã tuyển lựa Ngài cách đặc biệt để lèo lái Giáo Hội của Chúa, nên sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua đời, Ngài được bầu lên chức vụ tối cao của Giáo Hội vào ngày 4 tháng 8 năm 1903. Ngài đã cố gắng chối từ nhưng như lời Chúa nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền” (Ga 15, 16). Trên ngai Giáo Hoàng, Ngài vẫn sống đơn sơ, khiêm nhượng, khó nghèo. Thánh nhân bảo vệ và củng cố đức tin cho mọi người, ngài lên án và chống lại phái duy tâm, tiếp xúc với các nhóm ly giáo, đặt nền tảng vững chắc cho giới tu sĩ, soạn thảo cuốn giáo luật, khuyến khích lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, việc siêng năng rước lễ và việc ban cho trẻ em rước lễ sớm hơn thường lệ.

Với trách nhiệm chủ chăn hoàn vũ, Đức Giáo Hoàng Piô X đã lo âu, đau khổ vì thế chiến đang bắt đầu. Thánh nhân nhạy cảm trước mọi biến cố của thế giới xẩy đến, Ngài chia sẻ với thế giới, với mọi người nỗi đau, nỗi buồn và sự vui mừng, Ngài ra đi về với Chúa trong an bình vào ngày 20 tháng 8 năm 1914. Sau 31 năm tức là ngày 21 tháng 8 năm 1945, Đức Thánh Cha Piô XII đã phong thánh cho Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Giáo Hoàng Piô X trí khôn ngoan siêu việt và lòng dũng cảm xứng bậc Tông Đồ để Người bênh vực đức tin công giáo và quy tụ  tất cả về Đức Kitô. Xin rộng ban cho chúng con biết nghe lời thánh nhân giảng dậy và noi gương sáng của Người hầu mai ngày đạt tới phước trường sinh” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Piô X).

 

Suy niệm 1: 

Thiên Chúa là Đấng công bằng, nhưng cũng đầy lòng yêu thương vô cùng. Đó là chân lý mà lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta qua dụ ngôn những người làm vườn nho.

1. Thiên Chúa rất ư là công bằng.

Những người thợ vườn nho đi làm từ sáng sớm, tỏ ra bất bình và khó chịu trước cách thức trả lương của ông chủ. Họ cho rằng đã làm nhiều giờ, vất vã đổ mồ hôi nhiều thì chủ phải trả tiền nhiều. Kẻ làm ít giờ, chịu nắng mưa và đổ mồ hôi ít thì tiền công phải ít. Vậy mà tất cả đều được ông chủ trả như nhau, là một đồng. Làm như vậy ông chủ có công bằng không?.

Tưởng như không công bằng trước cách thức trả tiền công của chủ. Nhưng qua lời giải thích của ông chủ, ta thấy việc trả công của ông quá ư là công bằng. Bởi lẽ ngay từ đầu họ đã thoả thuận và chấp nhận với chủ ngày công là một đồng. Như thế ông chủ đã trả cho họ đúng với những gì họ đã thỏa thuận và xứng với những gì họ đã làm. Còn ông chủ có trả cho thợ làm vào giờ chót bằng số tiền của họ là vì tình thương của ông chủ. Chẳng lẽ ông chủ không được làm điều ấy sao?

Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng. Do đó, Ngài sẽ ban thưởng hay luận phạt chúng ta theo công việc tội phúc mà chúng ta đã làm. Dĩ nhiên chúng ta không nên đòi hỏi nơi Ngài sự công thẳng "vì nếu chấp tội nào ai đứng vững".

2. Thiên Chúa còn là Đấng giàu lòng thương xót.

Thiên Chúa của chúng ta không chỉ công bằng mà Người còn giàu lòng yêu thương. Những người thợ được ông chủ kêu gọi vào làm vườn nho ngay từ sáng sớm đã là một vinh dự và là niềm an vui lớn lao rồi. Bởi lẽ họ không phải lo lắng và chờ đợi việc làm. Kẻ được mời gọi vào những giờ chót trong ngày, họ phải sống trong tâm trạng phập phòng lo lắng và phải lang thang suốt cả ngày đi tìm việc làm. Cuối cùng tất cả đều được kêu gọi vào làm cùng một việc và trong cùng vườn nho của chủ. Đó không chỉ là niềm vui lớn lao của người những thợ làm vườn sau chót mà còn là vinh hạnh cao quý của người được gọi làm từ ban mai. Sở dĩ ông chủ mời gọi tất cả vào làm vườn nho của ông, đó là vì Ngài giàu lòng yêu thương, muốn tạo công ăn việc làm và cuộc sống cho mọi người. Hình ảnh ông chủ ấy là Thiên Chúa và vườn nho là Giáo Hội của Người.

Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được mai mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo Hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo Hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết sức trước tình yêu mời gọi của Người.

Lạy chúa, xin cho chúng con đừng tự hào về những công việc chúng ta đã làm, nhưng cho chúng con biết tự hào vì chúng con có một người Cha giàu lòng xót thương. Người sẽ ban thưởng cho chúng con hơn những gì chúng con đã làm.

 

Suy niệm 2:

Truyện: Cha Sở và Cha Phó

Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có cha sở và cha phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc nhau. Một nhóm quí cha sở, nhóm kia quí cha phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.

Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:

Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ minh, bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về cha phó. Xin cha ngăn cản đi.

Cha sở bình tĩnh trả lời:

- Giữa tôi và cha phó ai vất vả hơn ?

- Cha phó.

Cha sở chậm rãi nói tiếp:

- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi, một người đáng lẽ đã về hưu ?

Nghe cha sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:

- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả cha phó bây giờ.

Cha sở nói tiếp:

- Và tôi cũng đã được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn cha phó. Vì bây giờ cha phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.

Đám người kia ra về, họ cảm phục cha sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.

Điểm nhấn của dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe phản ảnh 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách thức trả lương của ông chủ vườn nho:

- Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều theo lẽ công bình theo suy nghĩ của họ.

- Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng lại không lỗi đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả lương bằng kẻ làm suốt ngày.

+ Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:

- Người Do Thái làm việc đạo đức là nhằm để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì buộc Chúa phải ban ơn cho họ nhiều.

- Đối với Chúa Giêsu thì: Thiên Chúa ban ơn cho con người không phải vì công lao của họ mà vì tình thương của Ngài.

Dựa theo lý lẽ sự công bằng theo cái nhìn tự nhiên của con người thì ta thấy như bất công và đặt ra câu hỏi là tại sao “mấy người chỉ làm có một giờ, thế sao ông chủ lại coi họ làm ngang hàng với những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, bị nắng nôi thiêu đốt” (x. Mt 20,12). 

Nhưng nếu dựa vào lý lẽ của tình thương thì chúng ta lại thấy rất là hợp lý. Ví dụ trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng lại dựa theo lý lẽ của tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình, nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình mà cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con cái sẽ ra sao? Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Cho nên ta hãy tạ ơn Chúa, vì nếu cư xử theo công bằng thì không biết số  phận ta sẽ ra sao? Cho nên nếu chúng ta là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì chúng ta đừng bao giờ ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (thí dụ như những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Hãy có cái nhìn tích cực hơn là mình đã được diễm phúc hơn nhiều người bởi mình được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc trong vườn nho của Chúa lâu hơn những anh chị em khác.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường hay bị cám dỗ viện lẽ công bình mà ganh tỵ với người khác. Những lúc ấy chúng ta hãy nghĩ đến câu thánh vịnh: “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!” (Tv 130,3). Chính vì Chúa cư xử với chúng ta bằng tình thương nên chúng ta mới có thể đứng vững.

Có một câu chuyện dụ ngôn như sau:

Ngày nọ, Thiên Chúa ngạc nhiên khám phá ra rằng, tất cả mọi người đều được vào Thiên Đàng mà không ai phải sa hỏa ngục. Ngài suy nghĩ phải chăng Ngài là Đấng không công bằng sao?

Nên Ngài mới cho gọi sứ thần Gabriel đến và ra lệnh: “Ngươi hãy tập trung tất cả mọi người lại trước mặt Ta và đọc cho họ nghe mười giới răn của Ta”.

Thế là tất cả mọi người đều đến trình diện trước tòa Chúa.

- Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất và Chúa lên tiếng phán bảo: “Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo ra khỏi mặt Ta và đi vào hỏa ngục ngay”. Thế là một số người từ từ tách ra khỏi đám đông và buồn bã đi vào hỏa ngục.

- Sứ thần Gabriel tiếp tục đọc các giới răn khác. Và cứ sau mỗi giới răn thì lại có thêm một số người rời bỏ đám đông để đi vào hỏa ngục.

- Sau khi sứ thần Gabriel đọc đến giới răn thứ sáu, thì tất cả đám đông buồn bã ra đi…. xuống hỏa ngục hết, chỉ trừ còn lại một vị ẩn sĩ già.

Thiên Chúa đưa mắt nhìn sứ thần Gabriel rồi hỏi: “Phải chăng chỉ có người này được vào Thiên Đàng ? Nếu vậy thì ông ta sẽ cô độc lẻ loi lắm”. Nói xong, Ngài truyền lệnh cho sứ thần Gabriel gọi đám đông lại và cho họ trở vào Thiên Đàng.

Nhìn thấy đám đông tội lỗi xấu xa bỗng dưng được tha thứ và được trở lại Thiên Đàng, vị ẩn sĩ nổi giận và hằn học nói với Chúa: “Chúa không phải là Đấng công bằng. Tại sao Chúa không cho con biết trước điều này ?”.

Câu chuyện cơ cấu trên cho ta thấy được cách tính toán của vị ẩn sĩ già. Có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng giống như vị tu sĩ già và của những người thợ làm từ giờ thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay. Cứ ngỡ rằng, ta đã giữ đủ mọi thứ thì chỉ có ta mới xứng đáng với những phần thưởng của Chúa ban, còn những người khác thì không.

Giữa một thế giới đầy những rào cản của kỳ thị, ganh ghét và toan tính, xin Chúa giúp chúng ta không những cư xử với mọi người theo lẽ công bình mà còn biết vươn tới tình thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. (St).


Suy niệm 3:

Dụ ngôn ông chủ vườn nho và những người làm thuê mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta nhiều điều:

1. Tình thương của Thiên Chúa là phổ quát:

Dù đến muộn hay sớm, mọi người đều được trả công như nhau. Điều này cho thấy tình yêu của Thiên Chúa không dựa trên công lao mà là ân sủng. Ngài luôn mở rộng cánh tay chào đón mọi người, bất kể hoàn cảnh hay quá khứ như thế nào.

Chúng ta thường so sánh mình với người khác, cảm thấy bất công khi người khác được nhiều hơn. Nhưng Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa yêu thương mỗi người một cách riêng biệt và công bằng trong chính con mắt của Ngài.

2. Tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội:

Vườn nho tượng trưng cho Giáo hội. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đến làm việc trong vườn nho đó. Dù đến sớm hay muộn, chúng ta đều có cơ hội đóng góp vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Quan trọng là chúng ta có sẵn lòng đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không.

3. Thái độ khi làm việc cho Chúa:

Người làm đến muộn không hề oán trách những người đi trước, chỉ có những người đi làm đúng giờ thì lại than trách Chúa và so đo với những người đến làm muộn. Chúng ta cần loại bỏ tính ích kỉ, ghen tỵ, so đo với nhau của những người đi làm trước. Dù đến với đức tin sớm hay muộn, chúng ta hãy cố gắng chu toàn tốt các chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế của mình. Hãy tận tâm làm những gì Chúa giao phó mà không so đo, tính toán và ganh tị phải là tính cách và tinh thần của người kitô hữu chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức được rằng: mỗi người đều có ơn gọi riêng được Chúa trao ban, chúng ta cần phải cố gắng chu toàn tốt ơn gọi của mình. Cũng vậy, trên hành trình đức tin có người theo Chúa lâu, nhưng cũng có người mới tin theo Chúa. Điều đó không quan trọng, quan trọng là mỗi người phải cố gắng hoàn thiện bản thân của mình mỗi ngày nên tốt hơn. Amen.

 

Suy niệm 4: LUÔN CÓ CƠ HỘI

“Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho cho Ta!”.

John Sargent từng vẽ bức “Hoa Hồng”. Đó là một kiệt tác! Dẫu hội hoạ sĩ đã ra một giá rất cao, nhưng anh vẫn từ chối bán nó. Anh coi đây là tác phẩm tốt nhất của mình; để rồi bất cứ khi nào nản lòng và nghi ngờ về sự sáng tạo của bản thân, anh nhìn nó và tự nhủ, “Tôi đã vẽ nó!”. Nhờ đó, anh ‘luôn có cơ hội’ đi tiếp, tiến tới đỉnh cao sự nghiệp với danh hiệu “Hoạ sĩ vẽ chân dung hàng đầu cuối thế kỷ 19”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như bức “Hoa Hồng” của Sargent, Bí tích Rửa Tội là một kiệt tác thầm nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa đã ban ân sủng dẫy đầy để chúng ta bắt đầu, rồi lại bắt đầu, hầu có thể tiến tới đỉnh cao sự nghiệp của mình; sự nghiệp đó là “kế hoạch yêu thương” Thiên Chúa đã vạch cho mỗi người. Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó.

Chủ vườn là hình ảnh một Thiên Chúa xót thương, quảng đại và hào hiệp. Ngài đón nhận bất cứ ai sẵn sàng vào làm ‘vườn nho’ nhà Ngài ở bất cứ thời điểm nào. Với Ngài, mọi người ‘luôn có cơ hội!’. Một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất, là bạn ‘chấp nhận’ đã đánh mất cơ hội để làm điều mình ao ước! Ấy thế, trong đời sống thiêng liêng, mỗi người luôn có khả năng để bắt đầu lại. Tại sao? Bởi lẽ, Thiên Chúa đã ban cho mọi người một quỹ thời gian đủ để đi về phía Ngài; vì vậy, cả khi ngã quỵ, nhờ ơn Chúa, chúng ta vẫn có thể đứng lên và tiếp tục đi tới.

Với Thiên Chúa, con người không chỉ ‘luôn có cơ hội’ để bắt đầu lại, nhưng còn có thể trải nghiệm những nghịch lý xót thương của Ngài. Tình huống dụ ngôn hôm nay là một bằng chứng: người làm ít, kẻ làm nhiều, đều nhận một quan tiền! Chúng ta thường quên rằng, với Thiên Chúa, về mặt thiêng liêng, mọi sự đều là quà tặng. Không ai có quyền đòi Ngài công bằng về ân sủng; những gì chúng ta làm cho Chúa không bao giờ là ‘ân huệ’ dành cho Ngài; nhưng là những nghĩa vụ ‘hiện sinh’; nói cách khác, đó là lý do chúng ta có mặt trên đời. Ngài không mắc nợ ai! Mọi sự Ngài mang đến là nhưng không do tình yêu vô bờ của Ngài. Chúng ta thường dễ dàng đối xử với Chúa theo cách loài người, đang khi quên rằng, Ngài là Thiên Chúa; với Ngài, mỗi người ‘luôn có cơ hội’ phục vụ cho vinh quang Ngài.

Anh Chị em,

“Hãy đi làm vườn nho cho Ta!”. Bức “Hoa Hồng” đã thúc giục Sargent “Hãy đi!”; Bí tích Rửa Tội thúc giục bạn và tôi “Hãy đi!”. Vì thế, mỗi khi nản lòng và không muốn đi tiếp, hãy lặng thinh trước ‘kiệt tác ân sủng’ của mình, phép Thánh Tẩy, mà tiến về phía trước! Cũng vậy, lời mời gọi “Hãy đi làm vườn nho cho Ta”, biểu tượng của mọi lời gọi, nhắc chúng ta hãy nhìn những con người đã được Thiên Chúa trao cơ hội. Họ không chỉ là các thánh hoặc những tâm hồn thánh thiện; nhưng còn là những người thu thuế, phong cùi, người nữ ngoại tình, biệt phái hay ngay cả người trộm lành… những con người này đã đi tiếp, và đi tận tới Nước Trời.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con nghi ngờ về khả năng nên thánh của mình; sau mỗi lần thất bại, cho con can đảm đứng lên và đi tới, vì con ‘luôn có cơ hội!’”, Amen.

(Lm Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Thứ năm: Lc 1,26-38

Nhớ Đức Thánh Maria, Trinh Nữ Vương

CÁC DANH HIỆU CỦA ĐỨC MẸ MARIA

Đức Maria có nhiều danh hiệu (như Đức Mẹ, Đức Bà, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Thiên Đàng, Mẹ Giáo Hội). Tất cả đều chỉ cùng một người nữ tên là Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu Kitô. 

Bốn danh hiệu là tín điều (Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ hồn xác lên trời).

Một số danh hiệu trích từ Thánh Kinh như “Người đầy ơn phúc” (Lc 1, 28), “Đức trinh nữ” (Mt 1, 22), “Vườn kín” (Dc 4, 12), “Vinh hiển của Giêrusalem” (Jdt 15, 10).

Có những danh hiệu nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Đức Mẹ Maria trong nhiệm cuộc cứu độ như “Evà Mới”, “Hòm Bia Thiên Chúa”, “Tòa Đấng khôn ngoan”, “Đấng đồng công cứu chuộc”, “Đức Mẹ sầu bi”.

Có những danh hiệu do các Đức giáo hoàng dâng tặng, như vào năm 1521 Đức Piô V thiết lập lễ “Đức Mẹ chiến thắng”, trong Thế chiến thứ II Đức Bênêđíchtô XV thêm danh hiệu “Nữ Vương ban sự bằng yên” (“Nữ Vương hòa bình) vào Kinh cầu Đức Bà, năm 1960 Đức Gioan XXIII đổi lễ “Đức Mẹ chiến thắng” thành lễ “Đức Mẹ Mân Côi”.

Chính Kinh cầu Đức Bà chứa đựng rất nhiều danh hiệu của Đức Mẹ như “Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành”, “Đức Bà là gương nhân đức”, “Rất thánh Nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh”.

Đức Mẹ Maria còn có các danh hiệu gắn với nơi Mẹ đã hiện ra như “Đức Mẹ Fatima”, “Đức Mẹ Lộ Đức”, “Đức Mẹ La Vang”.

Nhiều danh hiệu khác mang tính thi ca, qua nhiều năm tháng đã trở thành sức sống cho lòng sùng kính Đức Mẹ và các việc đạo đức bình dân.

Xin giới thiệu đến quý anh chị Legio Mariae 88 danh hiệu quan trọng và quen thuộc sau:

1. Advocate of Sinners / Refuge of Sinners Đấng bào chữa kẻ có tội

2. All Holy / Panagia Đức Mẹ toàn thánh

3. Ark of the Covenant Hòm bia Thiên Chúa, Hòm bia giao ước

4. Auxiliatrix / Helper Đấng phù hộ

5. Beautiful than Beauty Đấng tuyệt mỹ

6. Benefactress Đấng bảo trợ

7. Blessed Virgin Mary Đức Trinh Nữ Maria

8. Cause of Our Joy Đấng làm cho chúng con vui mừng 

9. Comforter of the Afflicted Đấng yên ủi kẻ âu lo 

10. Co-Redemptrix Đấng đồng công cứu chuộc 

11. Ever-Virgin Đấng trọn đời đồng trinh

12. Fountain Sealed Suối niêm phong 

13. Full of Grace Người đầy ơn phúc 

14. Garden Enclosed Vườn kín 

15. Gate of Heaven Cửa thiên đàng 

16. Glory of Jerusalem Vinh hiển của Giêrusalem 

17. Health of the Sick Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn 

18. Holy Mary Rất thánh Đức Bà Maria

19. Holy Mother of God Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời

20. Holy Virgin of Virgins Rất thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh

21. House of Gold Đền vàng 

22. Immaculate Heart Trái Tim vẹn sạch 

23. Immaculate Mother Đức Mẹ vô nhiễm 

24. Lily among Thorns Hoa huệ giữa bụi gai 

25. Madonna Đức Mẹ, Đức Bà

26. Mediatrix of All Graces Đấng trung gian các ơn

27. Mirror of Justice Gương nhân đức 

28. Morning Star Sao Mai 

29. Mother / Blessed Mother Đức Mẹ, Đức Bà

30. Mother Inviolate Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng 

31. Mother Most Admirable Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm 

32. Mother Most Amiable Đức Mẹ rất đáng yêu mến 

33. Mother Most Chaste Đức Mẹ cực tinh cực sạch 

34. Mother Most Pure Đức Mẹ cực thanh cực tịnh 

35. Mother of All Peoples Mẹ của mọi dân tộc

36. Mother of Christ Mẹ Chúa Kitô 

37. Mother of Divine Grace Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa 

38. Mother of God / Theotokos Đức Mẹ Chúa Trời, Mẹ Thiên Chúa

39. Mother of Good Counsel Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành 

40. Mother of Mankind Mẹ nhân loại

41. Mother of Mercy Đức Mẹ nhân ái, Đức Mẹ thương xót 

42. Mother of Our Redeemer Mẹ sinh Chúa Cứu Thế 

43. Mother of the Church Mẹ Giáo Hội 

44. Mother Undefiled Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ 

45. Mystical Rose Hoa Hường màu nhiệm 

46. New Eve Evà mới 

47. Our Lady Help of Christians Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu 

48. Our Lady of Consolation Đức Mẹ ủi an

49. Our Lady of Fatima Đức Mẹ Fatima

50. Our Lady of Immaculate Conception Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội

51. Our Lady of Perpetual Help Đức Mẹ hằng cứu giúp 

52. Our Lady of Ransom Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi 

53. Our Lady of Sorrows Đức Mẹ sầu bi 

54. Our Lady of the Eucharist Đức Mẹ Thánh Thể

55. Our Lady of the Miraculous Medal / Our Lady of Grace Đức Mẹ ban ơn 

56. Our Lady of the Snows Đức Mẹ xuống tuyết 

57. Our Lady of Victories Đức Mẹ chiến thắng

58. Queen Assumed into Heaven Nữ Vương linh hồn và xác lên trời 

59. Queen Conceived without Original Sin Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông 

60. Queen of All Saints Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ 

61. Queen of Angels Nữ Vương các thánh thiên thần 

62. Queen of Apostles Nữ Vương các thánh Tông Đồ 

63. Queen of Confessors Nữ Vương các thánh hiển tu 

64. Queen of Heaven Nữ Vương Thiên Đàng

65. Queen of Martyrs Nữ Vương các thánh tử vì đạo 

66. Queen of Patriarchs Nữ Vương các thánh tổ tông 

67. Queen of Peace Nữ Vương ban sự bằng yên, Nữ Vương hòa bình 

68. Queen of Prophets Nữ Vương các thánh tiên tri 

69. Queen of the Most Holy Rosary Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi 

70. Queen of Virgins Nữ Vương các thánh đồng trinh 

71. Saint Mary Thánh Maria 

72. Seat of Wisdom Tòa Đấng khôn ngoan 

73. Second Eve Evà mới 

74. Singular Vessel of Devotion Đấng sốt mến lạ lùng 

75. Spiritual Vessel Đấng trọng thiêng

76. Star of the Sea Sao Biển 

77. The Immaculate Conception Đấng vô nhiễm nguyên tội

78. The Virgin Đức Trinh Nữ, Đức Nữ đồng trinh

79. The Virgin Mary Đức Trinh Nữ Maria 

80. Tower of David Lầu đài Đa-vít 

81. Tower of Ivory Tháp ngà báu 

82. Vessel of Honor Đấng đáng tôn trọng 

83. Virgin Most Faithful Đức Nữ trung tín thật thà 

84. Virgin Most Merciful Đức Nữ có lòng khoan nhân 

85. Virgin Most Powerful Đức Nữ có tài có phép 

86. Virgin Most Prudent Đức Nữ cực khôn cực ngoan 

87. Virgin Most Renowned Đức Nữ rất đáng ngợi khen 

88. Virgin Most Venerable Đức Nữ rất đáng kính chuộng

Ns. Phêrô Nguyễn Đình Diễn

Suy niệm 1: 

Có thể nói, hầu hết mọi ân sủng TC ban cho nhân loại đều qua trung gian của Mẹ Maria chí thánh. Dẫu là nữ vương nhưng Mẹ luôn gần gũi và rất mực yêu thương mỗi người chúng ta. Nguyện xin Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Nữ Vương ban cho chúng ta mọi ơn lành xác hồn, nhất là xin cho chúng ta được hưởng niềm vinh quang bất diệt cùng với Mẹ trong nước Thiên Chúa mai này.

Đáp lại niềm tin truyền thống của GH và lòng mong mỏi của các tín hữu đã tôn sùng Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương có từ lâu đời; cũng như dựa trên nền tảng lời Chúa trong Tv 44,10: “Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ “; cũng như chính sách khải huyền đã diễn tả: “Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Kh 12,1) hay ”Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúa” (Kh 19,16), ĐGH PI-O XII đã thiết lập lễ Đức Maria trinh nữ vương vào năm 1954, vì Đức Maria xứng danh là Mẹ của một vị Vua trên hết các vua, Mẹ của một vị Chúa trên các chúa.

Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, GH mời gọi chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của GH. Mẹ đã sống với Thiên Chúa cách tuyệt hảo, đã luôn khiêm tốn nói lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.

Thánh Bê-na-đô đã khẳng định rằng "nói về Mẹ thì không bao giờ đủ"; bởi vì các nhân đức của Mẹ quá tuyệt đẹp. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường.

Thánh sử Lu-ca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Đức Maria đã đáp lại với sứ thần Chúa "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".  Trong bài ca Mag-ni-fi-cat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là ‘phận nữ tỳ hèn mọn’.

Nơi mái ấm gia đình Na-da-rét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Nữ tỳ của Chúa lúc nào cũng tin tưởng phó thác vào Chúa, qua việc luôn thực hiện mọi thánh ý của Chúa, không bai giờ làm theo ý riêng mình hay của thế gian. Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn đời Mẹ. Ở mọi nơi, trong mọi lúc Mẹ Maria luôn tín thác mọi sự vào Chúa quan phòng.

Biết rằng sống khiêm nhường là một nhân đức cao quý, nhưng để sống được nhân đức này không đơn giản chút nào. Bởi vì, mỗi người chúng ta vốn đã mang sẵn “gen kiêu ngạo”, nên hay tự cho mình là đúng đắn, tài giỏi và hiểu biết mọi thứ. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, mang theo đó là tính kiêu ngạo cũng phình to. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh ra tự mãn kiêu căng, mang lấy cái ‘bệnh của sao’ mà coi thường người khác. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn sống khiêm nhường, vì đó là đức tính cao đẹp đáng trân quý, nhưng nhiều khi chúng ta lại không biết làm thế nào để sống được đức tính này?

Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vin-cen-te Leb-be cho rằng: chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và như lời Chúa nói: “ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta được trở nên người tôi trung của Chúa, luôn biết noi gương Mẹ Maria tin yêu và phó thác vào bàn tay uy quyền của Thiên Chúa mà sẵn sàng vâng phục thánh ý Ngài trong mọi ngày đời của chúng ta.

  

Suy niệm 2: 

Hòa chung tâm tình với toàn thể Giáo hội  hôm nay, chúng ta hân hoan mừng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương. Suy niệm về cuộc đời của Mẹ, Giáo hội nhìn nhận Đức Mẹ đáng được tôn phong lên tước hiệu Trinh Nữ Vương, bởi lẽ Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Vua Vũ Trụ. Chúng ta hiệp lời tạ ơn Chúa đã ban tặng cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời là Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương. Xin Chúa nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu mà ban cho chúng ta được bình an, cũng như biết khiêm tốn vâng theo thánh ý Chúa theo gương Mẹ hầu sau cuộc đời này, chúng ta cũng được chung hưởng niềm vinh phúc Nước Trời cùng với Mẹ.

Mỗi khi nói đến Đức Maria, Giáo hội luôn muốn trình bày Đức Maria với một hình ảnh là một Eva mới, hoàn toàn trái ngược với Eva cũ bất tín và bất trung. Đức Maria là người luôn tin tưởng và tùng phục Thiên Chúa trong mọi sự. Vì thế, Mẹ đã trở thành kiểu mẫu của những ai đang trên đường đến với Chúa và dấn thân cho niềm tin của mình.

Để được hạnh phúc và vinh quang trên trời như hôm nay, Đức Maria đã trải qua bao nhiêu là thử thách, gian khổ và hiểm nguy, nhưng Mẹ đã tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa cách trọn hảo.

Cuộc đời của những người Kitô hữu đích thực hôm nay cũng sẽ không tránh khỏi những gian nan và khốn khó. Nhưng có Mẹ là trạng sự và là sao mai dẫn đường nên chúng ta hãy vững tin trung thành với ơn gọi làm con Chúa trong cuộc hành trình trần thế này.

Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng Người đã không uy nghi bước từ trời cao xuống đất thấp, trái lại Ngài đã phải đi ra từ lòng mẹ, và chấp nhận mang lấy thân phận mong manh yếu đuối như biết bao trẻ thơ khác; Ngài cũng cần được che chở, nuôi dưỡng và lớn lên trong vòng tay của Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Khi tuyên dương những công lao vĩ đại của Mẹ Maira, GH không chỉ đơn giản nhìn nhận tấm lòng khiêm tốn vâng phục Thiên Chúa qua hai tiếng “xin vâng” một lần trong ngày Truyền tin, mà GH còn muốn xác nhận lời “xin vâng” ấy của Mẹ luôn vang vọng trong suốt cuộc đời của Mẹ; nhất là trong những giây phút đứng dưới chân Thánh giá khi đau đớn chứng kiến Con mình chịu đóng đinh và chết trên thập giá, Mẹ đã can đảm, quyết liệt “Xin vâng” mạnh mẽ hơn nữa. Chính nhờ thái độ tín thác tuyệt đối của Mẹ vào chương trình của Chúa, Mẹ đã họa lại sự vâng phục trọn vẹn của Chúa Giêsu vào thánh ý Chúa Cha, nhờ đó mà ơn cứu độ của Thiên Chúa giao phó cho Con Chúa là Đức Giêsu Kitô đã trở nên hoàn tất

Mầu nhiệm Chúa Giêsu làm người muốn dạy chúng ta biết quí trọng cuộc sống trong tin yêu và tín thác. Dẫu cho cuộc đời của Chúa có phải trải qua nhiều lận đận, long đong trong phận nghèo, Chúa vẫn chấp nhận và sống đến cùng theo Thánh Ý Chúa Cha được thành toàn. Còn chúng ta, khi gặp những giây phút gian nan, chán chường, thất vọng, thất bại, lắm khi chúng ta cảm thấy đời bỗng trở nên vô nghĩa, và muốn buông xuôi.

Nhìn vào cuộc sống của Mẹ Maria thì những khó khăn của chúng ta chẳng đáng là gì. Hôm nay, nhờ gương sáng và lời cầu bầu của Mẹ với tước vị là Nữ Vương trên trời dưới đất, xin Chúa giúp chúng ta đừng cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn biết trông cậy vào quyền năng của Chúa, nhất là biết tín thác trọn vẹn vào chương trình kỳ diệu mà Chúa muốn thực hiện nơi thân phận nhỏ bé, yếu hèn của chúng ta.

Thật ý nghĩa khi Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ này sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Qua tước hiệu cao quý này, GH nhắc nhở con cái mình hãy hướng lòng lên Mẹ Maria Nữ Vương để khẩn cầu Mẹ mọi nơi mọi lúc nhấy là khi gặp phải những nghịch cảnh, thất bại, đau khổ và tăm tối trong cuộc đời. Chúng ta luôn tin rằng dù cuộc đời mình có bất hảo và phàm ngôn Mẹ không bao giờ xa cách và bỏ rơi chúng ta. Chúng ta hãy lấy tình con thảo mà ca khen Mẹ với tâm tình tin tưởng, yêu mến, phó thác. Đồng thời luôn biết vâng nghe những lời Mẹ nhắn nhủ… nhất là biết noi gương Mẹ luôn biết lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa cách mau mắn. Amen. (St)

 

Suy niệm 3: VƯƠNG QUYỀN CỦA MẸ

“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Nữ hoàng Mary, Scotland, rất được yêu mến, thường đi thăm người dân mà không cần hộ tống. Chiều kia, trời sắp mưa, bà ghé một ngôi nhà, nói với cô chủ, “Cô có thể cho tôi mượn chiếc ô, tôi sẽ trả vào ngày mai”. Cô chủ trao cho người lạ chiếc ô mà cô định vứt đi. Hôm sau, có tiếng gõ cửa; người phụ nữ ra mở, một cận vệ hoàng gia xuất hiện, “Nữ hoàng nhờ tôi cảm ơn cô đã cho bà mượn cái này”. Cô chủ sững sờ; sau đó, bật khóc, “Ôi, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội. Tôi đã không trao cho Nữ hoàng cái tốt nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất!”. Nữ Hoàng ở đây là Đức Maria, Trinh Nữ Vương, hôm nay Giáo Hội mừng kính. Trong vinh quang hồn xác lên trời, Mẹ đã trở nên ‘thành quả tối hậu’ của công trình cứu độ. Mẹ vô cùng diễm lệ; đồng thời, cũng rất quyền thế với ‘Vương Quyền của Mẹ!’, vì Mẹ là Thánh Mẫu của Đấng mà “Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Thánh Kinh trình bày Chúa Kitô như một vị Vua, nên mẹ Ngài là Hoàng Thái Hậu. Chúa Kitô là Vua với tư cách Thiên Chúa; và Mẹ Ngài là Nữ Vương bởi “huyết thống thiêng liêng” trong tư cách Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương bởi Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, chỉ sau Chúa Con; là Nữ Vương bởi sự lựa chọn duy nhất của Chúa Cha. Nếu một người có thể trở thành vua hoặc nữ hoàng theo sự lựa chọn của con người, thì danh hiệu và ‘Vương Quyền của Mẹ’ sẽ lớn hơn biết bao khi đó là sự lựa chọn của chính Thiên Chúa!

Đức Phanxicô đưa ra ba trích dẫn Thánh Kinh nói lên ‘Vương Quyền của Mẹ’. Trước hết, các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, Đấng Kitô trong Cựu Ước xem ra đều nói đến một vị Vua như một danh tính được ban. Chẳng hạn bài đọc Isaia hôm nay, “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Người gánh vác quyền bính trên vai… sẽ mở rộng quyền bính cho ngai vàng và vương triều Đavít”, hầu ‘Danh thánh Chúa tự giờ đây cho đến mãi muôn đời được chúc tụng’ như lời tiên báo của Thánh Vịnh đáp ca!

Thứ đến, trong Tân Ước, ‘Vương Quyền của Mẹ’ được tìm thấy trước nhất trong trình thuật Truyền Tin. Phúc Âm hôm nay tiết lộ, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!”; “Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời”. Sau cùng, trong Khải Huyền, vương vị của Maria được thấy trong thị kiến vĩ đại “Một phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao”; và chương 12 miêu tả Maria là Nữ Hoàng - Mẹ mới trong Vương Quốc, chia sẻ quyền cai trị vũ trụ của Con mình.

Anh Chị em,

“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”. Đức Maria là Mẹ của Đấng vô cùng vô tận đó. Ngày lễ hôm nay xác định ‘Vương Quyền của Mẹ’ vốn giải thích về vai trò chuyển cầu quan trọng của Mẹ trong đời sống chúng ta. Cũng vậy, Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, đáp lại Mẹ Ngài, người nữ tỳ có ý chí hoàn toàn nên một với ý muốn của Thiên Chúa, và là người phục vụ Ngài trong vai trò người cầu bầu cho chúng ta trước Con của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy tự tin chạy đến với Thái Hậu, cũng là Mẹ của mình, trao cho Mẹ những gì là tốt nhất, dâng lên Mẹ những lời cầu; tất nhiên, với điều kiện chúng sẽ phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa; và biết rằng, Mẹ sẽ mang chúng đến trước Giêsu, Thái Tử.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là ‘con Trời’, ‘con của Nữ Hoàng’. Đừng để con sống vật vờ, cầu bơ cầu bất! Cho con sống xứng với phẩm vị con trai con gái rất yêu dấu của Chúa!”, Amen.

(Lm Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Suy niệm 4: ĐỨC MARIA-NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN

Có một câu chuyện vui, phần nào nói lên một ý nghĩa của ngày lễ mừng nhớ Đức Maria Nữ Vương hôm nay:

Một ngày kia, Chúa Giêsu đi dạo trên thiên đàng và Ngài rất ngạc nhiên thấy trong những góc tối, có nhiều khuôn mặt rất khả nghi lẻn vào ở trong thiên đàng.

Ngài tự hỏi:

- Làm thế nào mà họ vào đây được.

Ngài đến gặp thánh Phêrô và trách ông là thiếu cảnh giác.

Thánh Phêrô phàn nàn:

- Con làm thế nào được? Con canh cổng rất cẩn thận, nhưng đêm khuya mẹ Ngài lại mở cửa sổ cho những kẻ tinh quái này vào làm sao con dám chống lại?

Câu chuyện trên muốn nói đến vai trò cao trong của Mẹ Maria, bởi Mẹ chính là Mẹ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, nên Đức Maria xứng đáng được gọi là Nữ Vương. Vì là Nữ Vương thiên đàng. Là Nữ Vương Mẹ rất có uy thế trước tòa Thiên Chúa. Tin rằng những lời cầu xin của chúng ta với Mẹ sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và nhậm lời.

Tin tưởng vào điều đó nên trong lời Kinh Cầu Đức Bà, Đức giáo hoàng Pi-ô VI năm 1814, đã thêm vào kinh Cầu Đức Bà 8 câu Tôn Vinh Nữ Vương như sau:

1. Nữ vương các thánh thiên thần.

2. Nữ vương các thánh Tổ tông.

3. Nữ vương các thánh Tiên tri.

4. Nữ vương các thánh Tông đồ.

5. Nữ vương các thánh Tử vì đạo.

6. Nữ vương các thánh Hiển tu.

7. Nữ vương các thánh Ðồng trinh.

8. Nữ vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ.

Ngoài ra:

- Đức Lê-ô XIII, năm 1833 lại thêm: "Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân côi".

- Đức Pi-ô IX, năm 1854 thêm: "Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông".

- Đức Piô XII, năm 1950 thêm: "Nữ Vương linh hồn và xác lên trời".

- Đức Gioan Phao-lô II, năm 1995 thêm: "Nữ Vương các gia đình" để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn trong thế giới hôm nay.

Đặc biệt Đức Bê-nê-đic-tô XV, năm 1915 đã thêm lời ca tụng: "Nữ Vương ban sự bằng yên".

Vì thế mà trong các giờ kinh gia đình, chúng ta thường kêu xin Đức Mẹ qua lời ca tụng: “Nữ Vương ban sự bình yên- cầu cho chúng con”. Lời ca tụng và kêu xin này không chỉ được xướng lên 1 lần mà đến cả 3 lần. Điều này chứng tỏ con cái Mẹ luôn tin tưởng vào uy thế của Mẹ trước mặt Chúa nên mới nài xin tha thiết ơn bình yên như thế.

Tuy Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là Nữ Vương trời đất nhưng Mẹ luôn khiêm tốn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, bằng chứng là Mẹ đã thân thưa với Chúa hai tiếng “xin vâng” trong ngày thiên thần Gab-ri-el truyền tin mà Tin Mừng hôm nay trình thuật: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền".

Nếu E-va cũ đã xuẩn động bất tuân đã làm cho nhân loại trở nên nô lệ cho tội lỗi và phải lãnh lấy hậu quả là đau khổ và án chết đời đời. Thì chính nhờ vào hai tiếng “xin vâng” của E-va mới nơi Đức Maria đã mang lại ơn cứu độ, ơn bình an và sự sống mới cho nhân loại chúng ta.

Nhìn vào thực tế của cuộc đời, ta thấy rằng con người không thể nào thoát khỏi bàn tay đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa. Cho nên nếu con người cứ kiêu căng, mãi mê đi tìm và sống theo cái tôi phóng túng tự do của mình mà không vâng phục thánh ý Chúa, thì chúng ta sẽ phải lãnh lấy hậu quả của bất an và đau khổ cho đời mình.

Kinh nghiệm nơi Mẹ Maria cho ta bài học ấy. Chính vì lòng khiêm tốn luôn vâng phục thánh ý Chúa với lòng tưởng phó thác đời mình cho Chúa sử dụng tùy ý, Mẹ Maria đã tìm thấy bình an đích thật nơi tâm hồn và đã được Thiên Chúa ban thưởng những đặc ân cao trọng.

Cuộc đời con người, chắc hẳn không có gì quý giá cho bằng sự bình an. Tuy nhiên muốn có sự bình an ấy thì tốt nhất là chúng ta hãy đến bên Mẹ, nép mình vào lòng Mẹ và học đòi bắt chước Mẹ bài học khiêm hạ qua việc ngoan ngoãn vâng nghe lời Chúa dạy, sẵn sàng thân thưa với Chúa lời “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch…, tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy được sự bình an.

Tin tưởng vào uy thế và lời chuyển cầu của Mẹ Maria, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau xướng lên lời chúc tụng và cầu xin quen thuộc: “Nữ Vương ban sự bình an-cầu cho chúng con” 3 lần, để xin ơn bình an của Chúa đến với mỗi người, mỗi gia đình và cho Họ đạo chúng ta...

Xin Đức Maria là Nữ Vương ban sự bình an luôn che chở chúng ta trong vòng tay của Mẹ, để đời chúng ta mãi mãi được bình an trong bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. 

 

Suy niệm 5:

Lời Chúa hôm nay đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về Đức Mẹ Maria, người phụ nữ được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Thiên Chúa. Lời chào của thiên thần Gabriel đã mang đến cho thiếu nữ Maria một sứ mệnh cao cả, một vinh dự lớn lao mà không ai ở trần gian này có thể sánh bằng.

"Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Chúa cùng Bà, Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ..."  Lời chào này không chỉ là một lời chào đơn thuần, mà còn là một lời tuyên xưng đặc biệt về sự thánh thiện vẹn toàn của Đức Maria. Bà là người phụ nữ duy nhất được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, là mẫu gương tuyệt hảo về đức tin và lòng khiêm tốn cho mọi người.

"Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su..." Lời loan báo này đã làm cho Đức Maria kinh ngạc, nhưng với lòng tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, Mẹ đã mau mắn đáp lại bằng một niềm tin tuyệt đối: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Lòng tín thác và vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa của Mẹ Maria đã trở thành mẫu gương cho mọi người chúng ta noi theo khi phải đối diện với những gian nan thử thách trong cuộc sống.

Với những phẩm chất cao đẹp nơi Đức Maria nên Mẹ xứng đáng được Giáo hội tôn vinh là Trinh Nữ Vương Thiên Đàng. Xin Mẹ luôn cầu bầu cho đoàn con Mẹ biết sống khiêm tốn, thánh thiện và vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh theo gương Mẹ.


Thứ sáu: Mt 22, 34-40

Suy niệm 1:

Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu ngổn ngang những luật lệ, khiến dân chúng không còn phân biệt đâu là chính, đâu là phụ. Ngay cả những người Biệt phái còn cảm thấy rối não huống chi là giới bình dân. Tận dụng cơ hội ấy để làm bẻ mặt Chúa Giêsu, nhóm Biệt phái đã cử một người thông luật đến với Chúa Giêsu để hỏi thử xem điều luật nào là quan trọng nhất? Với câu hỏi ấy, họ không nhằm tìm hiểu chân lý cho bằng nhắm đến hai mục tiêu:

1. Thử xem trình độ am hiểu về thánh kinh luật lệ của Chúa Giêsu ra sao? Để bắt bẻ và hạ nhục nếu Người không giải thích thỏa đáng.

2. Nhân dịp này, họ cũng biết được Chúa Giêsu đang đứng về phe nhóm nào? Bởi lẽ, thời bấy giờ có khá nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm đề cao một số luật lệ.

Chúa Giêsu dư biết dã tâm của họ. Nhưng vì muốn xác định lại tính chất tinh tuyền của lề luật nên Chúa Giêsu đã trích dẫn lại hai câu Thánh kinh, một trong sách Đệ-nhị-luật và một trong sách Lê-vi để trả lời cho họ: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.”(Đnl 6, 5). Đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18). Rồi Người kết luận: “Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”. Như vậy là đã rõ, điều luật quan trọng nhất mà TC ban cho nhân loại chính là tình yêu…

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn nghĩa là tình yêu ta dành cho Chúa phải chân thành và luôn trung thành, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ, không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp nhận. Tình yêu ấy phải được hướng dẫn bởi những tài năng của linh hồn như: lý trí, ý chí và nhất là tự do; chứ không phải là tình yêu mù quáng.

-   Yêu thương người khác như chính mình nghĩa là phải đối xử với người khác cùng một “tình yêu” như ta đã xử với bản thân mình. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta quy hướng đến tình yêu “như Chúa yêu”. Đó là một tình yêu phổ quát dành cho hết mọi người. Đó là một tình yêu trao ban nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng cho tha nhân: “người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được...”. Và trên hết đó là một tình yêu hy hiến, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì tha nhân với mong muốn tha nhân được hạnh phúc, vui sướng và "được sống dồi dào". 

Lạy Chúa, yêu Chúa thì còn dễ nhưng yêu người khác như chính mình quả là khó; mà yêu người khác như Chúa yêu thật khó biết bao nếu không có ơn Chúa giúp. Xin Chúa ban ơn giúp sức và đong đầy sức mạnh tình yêu của Chúa vào trong tâm hồn chúng con, để mỗi người chúng con can đảm sống và ứng xử với nhau bằng chính tình yêu như Chúa yêu chúng con. Amen.

 

Suy niệm 2: CHIỀU SÂU CỦA TÌNH YÊU

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”.

Qua ống nhòm, một nhóm các nhà thực vật học phát hiện một loài phong lan quý hiếm dưới khe núi, hai bên là vách đá! Để có nó, ai đó phải thòng mình xuống. Một cậu bé tò mò đang ở gần; họ nói, cậu sẽ được tưởng thưởng hậu hĩ nếu giúp họ gỡ được gốc hoa. Cậu nói, “Tôi sẽ quay lại!”. Một chốc, cậu trở lại, theo sau là một người đàn ông; cậu nói, “Tôi sẽ xuống núi lấy gốc hoa, nếu người này nắm sợi dây. Ông ấy là bố tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến chiều sâu của một vách núi, nhưng nói đến ‘chiều sâu của tình yêu’. Trả lời câu hỏi của một thông luật, Chúa Giêsu nói, “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”, “Và yêu người thân cận như chính mình”. Không chỉ nói đến ‘sức mình’; nhưng như cậu bé, Ngài còn nói đến sức Trời, ‘một Ai đó’, Chúa Cha!

Vậy ‘chiều sâu của tình yêu’ là gì? Trích dẫn Sallust, một sử gia La Mã, Bênêđictô 16 cho thấy nội dung đích thực của tình yêu: “Muốn cùng một thứ và từ chối cùng một thứ; cái này nên giống cái kia, và điều này dẫn đến ‘một cộng đồng’ của ý chí và tư tưởng”. Tình yêu đích thực có hai chiều kích: tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân. Cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia!

Yêu Chúa đòi hỏi phải yêu người khác. Điều này không hề dễ dàng, đặc biệt trong một thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân và cho phép dẫm đạp người khác để tiến thân. Nếu yêu thương người khác theo Cựu Ước “như yêu chính mình” đã khó, thì việc yêu người khác theo yêu cầu của Chúa Kitô “như Thầy đã yêu các con” lại khó biết bao. Đây là công việc không phải của sức người, nhưng của sức Trời, ‘một Ai đó!’.

Đây là một trong những đổi mới quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu, nó giúp chúng ta hiểu rằng, điều không được thể hiện trong tình yêu thương đối với tha nhân không phải là tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, những gì không rút ra được từ mối quan hệ của con người với Thiên Chúa thì không phải là tình yêu đích thực đối với tha nhân!

Câu chuyện bà Rút hôm nay là một minh hoạ. Naomi có một nàng dâu, ‘cô Rút’ ‘yêu mẹ chồng như chính mình’; Rút quên bản thân để lựa chọn đi hay ở, “Mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con!”. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra, chính Rút, người phụ nữ ngoại giáo này, sẽ là ‘Bà Tổ’ của Giêsu, Đấng Cứu Thế. Để từ đó, muôn dân có thể cất lời ngợi khen, “Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi!” như Thánh Vịnh đáp ca mời gọi.

Anh Chị em,

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Trong lịch sử Giáo Hội, thế giới chứng kiến những con người noi gương Giêsu Thầy mình, và với sức mạnh của Ngài, họ sống đến cùng điều răn này. Họ là những con người đã khám phá ‘chiều sâu của tình yêu’ nơi Thiên Chúa, hiện sinh nơi Chúa Giêsu. Hãy để Ngài ‘nắm lấy sợi dây’, bạn và tôi cũng hãy đi và làm như vậy, bằng cách gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, chăm sóc người anh em!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nắm giữ sợi dây đời con. Cho con đừng cậy sức mình, nhưng cậy sức Chúa để cũng có thể ‘thòng xuống’ mà khám phá ‘chiều sâu của tình yêu!’”, Amen.

(Lm Minh Anh, Tgp. Huế)


Suy niệm 3: 

 Đoạn Tin mừng hôm nay đề cập đến 1 trong 4 khía cạnh quan trọng trong đời sống đức tin, đó là tuân giữ lề luật. Nhưng trong xã hội Do Thái bấy giờ có quá nhiều luật lệ, vậy đâu là điều luật căn bản và quan trọng nhất?

Thưa, Chúa Giê-su cho ta biết điều luật quan trọng nhất đó là: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi."  

Với câu trả lời ngắn gọn và súc tích của Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng:

- Tình yêu là nền tảng của mọi giới răn. Khi chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta sẽ tự nhiên muốn sống theo ý muốn của Ngài.

- Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân là hai khía cạnh không thể tách rời. Khi chúng ta yêu mến Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu thương mọi người như chính mình hay “như Chúa yêu”.

- Toàn bộ Luật Mô-sê đã được Chúa Giê-su đã tóm gọn thành một luật duy nhất, đó là luật yêu thương. Luật này bao gồm tất cả các giới răn khác. Vì thế mà Thánh Phao-lô đã nói: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật.” (Rm 13,10).

+ Nhưng làm sao ta biết được mình yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn?

Thưa là khi ta biết trao trọn con người của mình cho Chúa, đặt niềm tin hoàn toàn vào Chúa và sống trọn vẹn theo ý muốn của Ngài.

+ Dấu hiệu nào cho ta biết được mình yêu thương người khác như chính mình?

Thưa là khi ta biết sống vị tha, luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác để đáp ứng những nhu cầu lợi ích của tha nhân theo như những ước muốn chính đáng của chính mình.

Xin Chúa cho chúng ta biết sống yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu thương và hiến mình vì chúng ta.

 

Thứ bảy: Ga 1,45-51

Kính Thánh BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô, TÔNG ĐỒ

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay tường thuật lại sự kiện ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ làng quê Nadarét. Nhưng sau khi gặp Đức Giêsu, ông đã thay đổi cách nghĩ. Vậy điều gì đã làm cho niềm tin của ông thay đổi?

Thời Đức Giêsu, dân Do Thái hiểu cách nói “vua Ít-ra-en” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng Ít-ra-en khỏi ách đô hộ nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1,49, ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Ít-ra-en phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái ở một thành đô hoa lệ. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng mà muôn dân đang mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét, Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Tuy nhiên, sau khi gặp mặt Đức Giêsu và trò chuyện với Ngài thì ông đã bị thuyết phục và đã tuyên xưng đức tin: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en”.

Dẫu ông đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này một cách rất mập mờ. Cho mãi sau ngày Chúa Giêsu Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.

Như thánh philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa văn hóa và tôn giáo, chúng ta có ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Và chúng ta phải giới thiệu Đức Giêsu thế nào cho phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của công nghệ 5G như hôm nay?

Sau khi gặp Chúa Giêsu, tông đồ Barthôlômêô đã thay đổi suy nghĩ, biến đổi cuộc đời, trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Sau ngày Chúa Giêsu phục sinh, ông còn hăng say ra đi loan báo Tin mừng và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Còn chúng ta thì sao? Hằng ngày khi nghe lời Chúa, chúng ta có để cho lời Chúa tác động, thâm nhập và đem ra thực hành không? Và mỗi khi rước lấy Thánh Thể Chúa, chúng ta đã biến đổi cuộc đời như thế nào ?

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của chúng con còn non yếu nên chưa xác tín vững mạnh vào Chúa. Xin Chúa củng cố niềm tin cho chúng con mỗi khi gặp gỡ Chúa qua tha nhân, qua cầu nguyện, qua các biến cố...nhất là qua việc tham dự thánh lễ hàng ngày. Nhờ đó mà cuộc đời chúng con được biến đổi nhờ lời giáo huấn và Thánh Thể Chúa.

 

 Suy niệm 2: KHÔNG ĐÓNG CỬA TRƯỚC CHÂN LÝ

“Hãy đến mà xem!”.

Bài đọc Khải Huyền lễ kính thánh Bartôlômêô nói đến một ‘Giêrusalem từ trời’ với “Tường thành xây trên mười hai nền móng, khắc tên mười hai tông đồ”. Ngày nay, không phải trên tường thành, nhưng trên trần điện Sistine, ‘Giêrusalem mới’, tượng trưng Hội Thánh, vẫn còn kiệt tác 400 tuổi Michelangelo đã ‘khắc’: “Bartôlômêô xách tấm da” của mình. Theo một truyền thống, Bartôlômêô, người ‘không đóng cửa trước chân lý’, tử đạo do bị lột da, chặt đầu. Vì thế, ngài là Quan Thầy thợ thuộc da, đóng sách và người bán thịt!

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi Philipphê cho biết họ đã gặp Đấng Messia, thì Nathanael, tức Bartôlômêô đã phản ứng mạnh mẽ, “Từ Nazareth, nào có chi hay?”. Tại sao? Rất có thể vì người Do Thái biết Đấng Messia sẽ đến từ Bêlem, chứ không từ Nazareth. Điều này lập tức dấy lên trong Nathanael một sự nghi ngờ. Đúng! Chúa Giêsu sinh ở Bêlem; về sau, lên định cư ở Nazareth. Nathanael ‘quên khuấy’ chi tiết này!

Như Nathanael, bạn và tôi có thể dễ dàng nghi ngờ các vấn đề đức tin và bao vấn đề khác. Nếu từ đầu, Philipphê cho biết Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, trưởng thành ở Nazareth thì có thể Nathanael đã ‘cởi mở’ hơn. Nhưng, sự việc xảy ra như thế, thì phải chăng ở đây, Chúa Thánh Thần muốn dạy một điều gì đó quan trọng hơn. Đúng thế! Chúa Thánh Thần dạy bạn và tôi ‘không đóng cửa trước chân lý’ chỉ vì một điều gì đó thoạt đầu không có ý nghĩa! Sự nghi ngờ không bao giờ đến từ Thiên Chúa, Ngài không gieo nó! Tin tốt lành là, dẫu bộc lộ tức khắc một sự nghi ngờ, nhưng Nathanael vẫn cởi mở. Và để trả lời cho ngờ vực này, Philipphê đã có một câu trả lời tốt nhất, “Hãy đến mà xem!”.

Đến với Chúa Giêsu, Đấng đã nói rất ít về Nathanael, một người “không có gì gian dối”, Nathanael đã cởi mở với Ngài và nhanh chóng tuyên xưng niềm tin, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Nathanael lập tức nhận ra sự vĩ đại của Ngài, và điều này chỉ có thể có nhờ ân sủng. Từ đó, cùng Philipphê và các tông đồ khác, Nathanael có thể thưa, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Vậy, điều gì đang khiến bạn khó hiểu về cuộc sống, các mối tương quan và những mù mịt về đức tin? Nếu có điều gì đó khiến bạn đang mù mờ theo cách này, hãy cho phép mình ‘không đóng cửa trước chân lý’ và làm theo lời tốt nhất của Philipphê, “Hãy đến mà xem!”. Nathanael thầm cho biết, nếu chúng ta đem bối rối của mình đến với Chúa Giêsu, mở lòng với Ngài, tất cả sẽ được sáng tỏ; mọi nghi ngờ sẽ phải tan bay!

Anh Chị em,

“Hãy đến mà xem!”. Chúa mời bạn và tôi “đến xem” qua các trung gian, người thân, bạn bè… dẫu ban đầu có thể có những nghi ngờ, nhưng miễn là ‘không đóng cửa trước chân lý’, chúng ta sẽ gặp Ngài, Đấng luôn có cách để lôi kéo bạn và tôi đến gần Ngài. Từ cuộc gặp gỡ nhờ việc “đến xem” ấy, Nathanael đã bỏ những thành kiến, định kiến cá nhân để phó mình hoàn toàn cho Ngài; và kết quả, được Ngài biến đổi, trở nên một vị thánh vĩ đại, sống trọn vẹn cho sứ vụ. Giờ đây, Giêsu Thánh Thể và Lời ân sủng của Ngài vẫn đang đợi đang chờ chúng ta “đến xem”. Không chỉ “xem”, chúng ta còn chìm sâu trong cầu nguyện, lặng thinh trong yêu mến, và nhất định, Ngài cũng sẽ biến đổi bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù bận rộn đến đâu, đừng bao giờ để con bỏ việc “đến xem” Chúa mỗi ngày. Xem Chúa tốt lành nhường bao, xem con đáng thương nhường nào!”, Amen.

(Lm Minh Anh, Tgp. Huế)


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN-B

TIỆC KHÔN NGOAN

“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!”.

“Hãy nhớ một sự thật rằng, trừ khi chúng ta giữ được sự khát khao Chúa mạnh mẽ trong lòng mình; bằng không, bạn và tôi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống khi không có Ngài!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiếp tục nói về Bí tích Thánh Thể nhưng dưới một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ - ‘cái nhìn của sự khôn ngoan’ - khi bạn và tôi “nhận ra sự trống rỗng vô cùng của cuộc sống” bởi vắng bóng Thiên Chúa. Từ đó, có thể nói, Thánh Thể là sáng kiến của Đấng Khôn Ngoan; Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan!’.

Sách Châm Ngôn coi Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan ban tặng sự hiểu biết và khôn ngoan dưới hình thức một bữa tiệc thịnh soạn cho tất cả những ai nô nức đón nhận lời mời của Ngài, “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống!” - bài đọc một. Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và Tiệc Thánh Thể là ‘Tiệc Khôn Ngoan’; ở đó, chúng ta chia sẻ sự thông tuệ của một Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô. Thánh vịnh Đáp ca mời gọi “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.

“Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan. Cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình!” - bài đọc hai. Theo Phaolô, thức ăn mà Chúa Giêsu ban tặng - Thịt Máu Ngài - là nguồn gốc của sự khôn ngoan, hiểu biết thực sự về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. “Bạn là những gì bạn ăn!”. ‘Ăn’ Chúa Kitô, bạn nên giống Ngài, một Chúa Kitô khác, ‘Alter Christus’, không chỉ về mặt thể xác mà còn về tinh thần và trái tim, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi!”.

“Cử hành Bí tích Thánh Thể, ‘ăn Thịt và uống Máu Ngài’, có nghĩa là chấp nhận sự khôn ngoan của thập giá và con đường phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta bày tỏ sự sẵn lòng hy sinh bản thân vì người khác như Chúa Kitô đã làm!” - Gioan Phaolô II. Chấp nhận Chúa Kitô là chấp nhận toàn bộ Phúc Âm của Ngài, chiến thắng và đau khổ của Ngài. Nghĩa là chúng ta tự nguyện và ao ước đi con đường Ngài đi để phục vụ Ngài hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn; và cùng Ngài kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Một thế giới của chân lý và tình yêu, của công lý và hoà bình, của tự do và hạnh phúc. Khi thấy mình thực sự là một phần của nỗ lực vĩ đại đó, hãy biết rằng, theo một ý nghĩa rất thực tế, chúng ta đã dự ‘Tiệc Khôn Ngoan’ mỗi khi tham dự Thánh Lễ!

Anh Chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Hôm nay, hãy suy gẫm cách bạn tiếp cận Bí tích Thánh Thể. Bạn hiểu sâu sắc như thế nào về khoảnh khắc rước Chúa; nó có biến đổi bạn không? Ước gì bạn đói khát Chúa, nhận ra những tác động thiêng liêng diễn ra trong lòng mình mỗi khi rước Ngài. Hãy đào sâu đức tin bằng cách cam kết tham gia cầu nguyện nhiều hơn vào các Thánh Lễ khi bạn tham dự những lần tới. Hãy lùi lại và xem xét những gì bạn thực sự tin, bối rối hoặc không tin! Thánh Thể là quà tặng lớn nhất. Hãy tin điều đó bằng cả tấm lòng và ‘Tiệc Khôn Ngoan’ của mỗi Chúa Nhật sẽ biến đổi bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con xác tín, Bí tích Thánh Thể định hình con, để - cách khôn ngoan nhất - con không sống cho mình mà sống cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.

 

Thứ hai: CHO ĐI

“Tôi còn thiếu điều gì nữa?”.

“Không ai có thể mang hai đôi giày cùng một lúc! Tôi đã cố gắng giữ mọi thứ trong tay và mất hết, nhưng những gì tôi trao vào tay Chúa, tôi vẫn sở hữu. Nếu cho đi những thứ bạn không cần, thì đó không phải là cho đi, vì bản chất của sự cho đi nằm ở việc hy sinh bản thân, cho đi mà lòng xót xa; đó mới là cho đi đích thực!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Chắc hẳn tất cả chúng ta đều muốn ‘nên tốt hơn’, có cùng một khao khát ‘cho đi’ như chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay. Suy cho cùng, trái tim của bạn và tôi luôn bồn chồn - một sự ‘bồn chồn thánh thiện’ - mãi đến khi an nghỉ trong Chúa.

Tuy nhiên, như chàng thanh niên, chúng ta thường thấy trong chính mình có những trở ngại trước lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng ta khám phá ra rằng, chúng ta không có đủ tự do bởi những gắn bó ‘đủ loại’ đang kìm hãm. Chúng ta chưa có sự tự do vinh quang của con cái Chúa - theo cách nói của Phaolô. Vì thế, hãy tiếp tục cầu nguyện để phát triển sự tự do hầu trở nên những con người Chúa muốn chúng ta trở thành!

Chúa Giêsu coi trọng câu hỏi cầu tiến của người thanh niên, “Tôi còn thiếu điều gì nữa?”. Đáp lại, Ngài mời anh thực hiện một bước nhảy, “Hãy đi bán tài sản của anh, đem cho người nghèo. Rồi hãy đến theo tôi!”. Và một nỗi buồn ập xuống khi anh nhận ra mình không thể đạt được ‘nhiều hơn thế’ như lòng mong ước. Đừng nghĩ Phúc Âm này không thực sự liên quan đến chúng ta vì bạn và tôi không thuộc hạng giàu có. Hãy lắng nghe những gì Chúa Giêsu đang nói, Ngài nói đến điều mà người thanh niên không muốn từ bỏ - tiền bạc. Nếu thành thật, chúng ta sẽ thừa nhận rằng, tất cả chúng ta đều có ‘một số thứ’ mà chúng ta sẽ rất chậm và rất khó để từ bỏ. Những thứ chúng ta không muốn Chúa đụng đến; một ngôi nhà, một công việc hay một mối quan hệ.

Trong thực tế, hạnh phúc và bình an của chúng ta nằm ở việc buông bỏ bất cứ điều gì đang kìm hãm việc đáp lại tiếng Chúa gọi ‘ở đây và lúc này’. Chúng ta thường chỉ làm những ‘điều tối thiểu’ đang khi Chúa Giêsu luôn mời chúng ta làm những ‘điều tối đa!’. Ngài chờ đợi một bước nhảy! Với người thanh niên, Ngài bắt đầu từ những bổn phận đến sự tự do ‘cho đi’, “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp” để tiến tới một đề xuất tích cực, “Hãy đi bán… rồi theo tôi!”. Đức tin không thể chỉ giới hạn ở một loạt “không”, vì đời sống Kitô hữu là một loạt “có”, loạt “có” của tình yêu.

Anh Chị em,

“Tôi còn thiếu điều gì nữa?”. Hãy hỏi Chúa, “Lạy Chúa, con còn thiếu điều gì? Đức tin của con đang ở mức nào?”. Để được Chúa Giêsu thu hút, bạn và tôi có đáp lại sự ‘bồn chồn thánh thiện’ của mình cách tự do, với lòng quảng đại với tất cả trái tim? Hãy nhớ, càng đáp lại tiếng gọi cá nhân của Chúa một cách hào phóng, chúng ta sẽ càng hạnh phúc! Chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, của Đức Mẹ và các thánh. Các ngài sẽ chỉ cho chúng ta sự tự do để bước đi trên con đường Chúa muốn chúng ta đi hầu đáp lại nỗi khao khát “nhiều hơn” trong một cuộc sống dám ‘cho đi’ mỗi ngày!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết rằng, những gì con trao vào tay Chúa, con ‘vẫn sở hữu và sẽ sở hữu’; những gì ngày kia con mang theo là những gì con đã ‘cho đi!’”, Amen.

 

Thứ ba: NỔI TIẾNG

“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”.

Trong “Let Us Live!” - một trong những bài thơ nổi tiếng của sử thi thế giới - Latin Catullus viết, “Hãy sống, hãy yêu, hãy xét lại mọi lời đồn thổi của những con người đứng tuổi đi trước mà giá trị chỉ đáng một xu! Mặt trời có thể lặn rồi mọc; nhưng với con người, khi ánh sáng ngắn ngủi chìm xuống, chúng ta phải ngủ một đêm dài vĩnh viễn bất tận!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mọi lời đồn thổi, huyễn danh hay ‘nổi tiếng’ của một người rồi cũng chỉ đáng một xu! Thật thú vị, ý tưởng của nhà thơ La Mã cổ đại được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay! Cả hai bài đọc nói đến sự ‘nổi tiếng’; ‘nổi tiếng thế gian’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’.

Trước hết, ‘nổi tiếng thế gian!’. Tia, một vị vua giàu có, “sinh lòng tự cao vì lắm của”; tự cho mình là thần. Và Chúa đã để ngoại bang đánh vua tơi bời đến nỗi phải chết thê thảm giữa trùng khơi - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa phán, Ta cầm quyền sinh tử!”. Tiếp đến, ‘nổi tiếng thiên đàng!’. Sau câu hỏi của Phêrô, “Vậy chúng con sẽ được gì?”; Chúa Giêsu nói, “Đến thời tái sinh, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel”. Và Ngài kết luận, “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”.

“Kẻ đứng đầu”, họ là ai? Để hiểu điều này, cần lưu ý quan niệm khác nhau về “đứng đầu” của “thế gian” và của “thiên đàng!”. Thế gian luôn đề cao “kẻ đứng đầu”: ‘nổi tiếng!’, thành danh, uy tín và các thứ tương tự. Thật ra, ‘nổi tiếng’ tự nó chẳng có gì xấu, nhưng ai say mê nó đến độ đánh đổi tất cả, thì đó là cạm bẫy. Đương thời, Chúa Giêsu rất ‘nổi tiếng’; từ khắp nơi, người ta tuôn đến với Ngài, thậm chí muốn tôn Ngài làm vua. Ma quỷ cũng muốn điều đó! Một khi mắc mưu nó, chúng ta để mình bị lôi kéo đến mụ mị lao vào việc tìm kiếm loại ‘nổi tiếng’ giá rẻ này; và khuynh hướng chung, ai cũng thích. Chúa Giêsu tiết lộ, ai bị cuốn vào lối sống này, sẽ là người “sau hết” trong Nước Trời!

Tương phản với hạng “sau hết” là những kẻ “trước hết” trong Nước Trời. Đó là những tâm hồn thánh thiện vốn có thể được tôn vinh hoặc không được tôn vinh; một số có thể được thế giới nhìn nhận và tôn vinh - chẳng hạn, Mẹ Têrêxa. Nhưng thông thường, không ai biết đến họ, những con người vô danh. Vậy tại sao bạn và tôi không bắt chước Chúa Giêsu và những tâm hồn này để làm người ‘nổi tiếng’ trong việc yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân? Thật ra, người ‘nổi tiếng’ theo cách này thì lặng lẽ, khiêm tốn. Với thế gian, họ là những kẻ “sau hết”; nhưng với Chúa, họ thuộc hạng “trước hết!”.

Anh Chị em,

“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”. Điều này hoàn toàn đúng nơi Chúa Giêsu - “Phiến đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường” - Đấng “không ai thèm để mắt” lại là Đấng đánh bại thần chết và phục hồi sự sống cho nhân loại. Vậy với bạn, điều nào quan trọng? Yêu quý một điều gì đó đời đời hay quý chuộng những gì một xu? Ước chi những ước muốn thế tục không thống trị hoặc ngăn cản bạn hướng mắt đến sự ‘nổi tiếng trên cao’, ‘nổi tiếng của trời!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con phấp phỏng, hoài công khi chạy theo những ‘nổi tiếng một xu’; dạy con thao thức cho sự ‘nổi tiếng hơn cả ngàn xu’, ‘nổi tiếng thiên đàng!’”, Amen.

Thứ tư: ÂN SỦNG

“Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót!”.

“Bi kịch của một cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu! Và Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi cái bắt đầu đó nơi mỗi người. Với ân sủng của Ngài, sớm muộn, không thành vấn đề!” - Richard L. Evans.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Evans được gặp lại qua dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho” trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể thiên về những người cằn nhằn, vì xem ra khá bất công khi những người chỉ làm một giờ lại nhận tiền công - ‘ân sủng’ - như những người làm từ sáng sớm. Với Chủ Vườn, dường như kẻ vào trước, người vào sau không là vấn đề!

Dụ ngôn phản ánh tình hình Giáo Hội sơ khai. Các Kitô hữu đầu tiên là những người thuộc về một dân tộc có lịch sử tôn giáo hàng nghìn năm, họ là dân riêng của Chúa. Sau đó, những lương dân từ các môi trường ngoại giáo bắt đầu được nhận vào; có thể họ đã sống một cuộc sống rất vô luân. Tuy nhiên, một khi chịu phép Rửa tội, họ được hưởng nhận mọi ‘ân sủng’ như bao Kitô hữu khác. Cách nào đó, có vẻ không công bằng! Thực tế, những người chỉ làm một giờ không khiến cho ‘nhu cầu của họ’ kém hơn những người đến sớm. Công bằng của Chúa được đo bằng nhu cầu của con người chứ không bằng nhân chia toán học. Với Ngài, sớm muộn, không quan trọng.

Những gì mỗi người nhận được là ‘một biểu tượng’ tình yêu của Chủ Vườn. Người sớm, kẻ muộn nhận được như nhau. Tình yêu Chúa không có mức độ; nó luôn là 100 phần trăm. Thiên Chúa là Tình Yêu ‘không thể không yêu’, cũng ‘không thể không yêu toàn bộ!’. Đây là điều có thể đã xảy ra với bạn và tôi. Bao nhiêu lần, chúng ta ‘đến muộn!’. Quên điều đó, chúng ta có thể rời xa Chúa. Tôi có thể đi lạc thăm thẳm; nhưng bất cứ lúc nào tôi quay về, có thể là giờ thứ 11, Ngài vẫn dang rộng tay ôm lấy tôi! Thánh Vịnh đáp ca và bài đọc Êzêkiel có chung một tâm tình, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì!”. Tình yêu Chúa thật lạ lùng, Ngài tìm kiếm và chờ đợi từng con chiên, giành lại từng con, để không con nào phải thiếu thốn một ‘ân sủng’ nào.

Anh Chị em,

“Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu!”. Chúa không nhìn vào thời gian và kết quả, Ngài nhìn vào cái sẵn có, lòng quảng đại của chúng ta. Cách Ngài hành động còn hơn cả công bằng - vượt công lý - thể hiện trong ‘ân sủng’. Mọi thứ đều là ‘ân sủng’, sự cứu rỗi của chúng ta là ‘ân sủng’, sự thánh thiện của chúng ta là ‘ân sủng’. Khi ban ‘ân sủng’, Chúa ban nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Ai lý luận bằng logic của con người, logic của công trạng thông qua ‘sự vĩ đại’ của chính mình - tôi đã làm rất nhiều trong Giáo Hội, tôi đã giúp đỡ rất nhiều - từ việc là người đứng đầu, sẽ thấy mình xuống hàng chót. Ai là vị thánh đầu tiên được phong thánh của Giáo Hội? - Anh Trộm Lành. Anh đã ‘cuỗm’ thiên đàng vào phút cuối, và đây là ‘ân sủng!’. Ai nghĩ đến công trạng của mình, sẽ thất bại; ai khiêm nhường phó thác cho lòng thương xót của Chúa, thay vì là người đứng chót - như anh trộm lành - sẽ thấy mình lên hàng đầu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘ân sủng’ Chúa “định đoạt” dẫy đầy trên con. Cho con biết bắt đầu lại ngay hôm nay, đừng để Chúa đợi con lâu và cuộc đời con sẽ không là một bi kịch!”, Amen.

 

Thứ năm: ĐỨC MARIA TRINH VƯƠNG

VƯƠNG QUYỀN CỦA MẸ

“Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Nữ hoàng Mary, Scotland, thường đi thăm dân chúng một mình. Chiều kia, trời mưa, bà ghé một ngôi nhà, “Cô có thể cho tôi mượn chiếc ô, ngày mai tôi sẽ trả?”. Cô chủ trao cho người lạ chiếc ô định vứt đi. Hôm sau, có tiếng gõ cửa; một cận vệ hoàng gia xuất hiện, “Nữ hoàng nhờ tôi cảm ơn cô đã cho bà mượn cái này”. Cô chủ sững sờ; sau đó, bật khóc, “Ôi, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, đã không trao cho nữ hoàng cái tốt nhất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không ít lần chúng ta bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất”. Nữ Hoàng ở đây là Maria, Trinh Vương Giáo Hội mừng kính. Trong vinh quang hồn xác lên trời, Mẹ là ‘thành quả tối hậu’ của công trình cứu độ. Mẹ diễm lệ, quyền thế với ‘Vương Quyền của Mẹ!’, vì Mẹ là Thánh Mẫu, là ‘Ái Nữ’ của Đấng mà “Triều đại Người sẽ vô cùng vô tận!”.

Thánh Kinh trình bày Chúa Kitô như một vị Vua, nên mẹ Ngài là Hoàng Thái Hậu. Chúa Kitô là Vua với tư cách Thiên Chúa, nên Mẹ Ngài là Nữ Vương bởi “huyết thống thiêng liêng” trong tư cách Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương bởi Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, chỉ sau Chúa Con; là Nữ Vương bởi sự lựa chọn duy nhất của Chúa Cha. Nếu một người có thể trở thành vua hoặc nữ hoàng theo sự lựa chọn của con người, thì danh hiệu và ‘Vương Quyền của Mẹ’ sẽ lớn hơn biết bao khi đó là sự lựa chọn của chính Thiên Chúa!

Đức Phanxicô trích dẫn ba điều nói lên ‘Vương Quyền của Mẹ’. Trước hết, lời tiên tri về Đấng Cứu Thế, Messia, Đấng Kitô trong Cựu Ước xem ra đều nói đến một vị Vua như một danh tính được ban: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Người gánh vác quyền bính trên vai… sẽ mở rộng vương quyền cho ngai vàng và vương triều Đavít” - bài đọc một. Thứ đến, ‘Vương Quyền của Mẹ’ được tìm thấy trong trình thuật Truyền Tin, “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người!” - bài Tin Mừng. Sau cùng, vương vị của Mẹ được thấy trong thị kiến vĩ đại “Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” - Khải Huyền; chương 12 miêu tả Mẹ là Nữ Hoàng - Người Mẹ mới của Vương Quốc - chia sẻ quyền cai trị vũ trụ với Chúa Con.

Anh Chị em,

“Triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận!”. Đức Maria là Mẹ của Đấng vô cùng vô tận đó, nhưng cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. “Đức Maria đáng được gọi là Nữ Hoàng, không chỉ vì vai trò làm mẹ thiêng liêng của ngài, mà còn vì Thiên Chúa muốn ngài có một vai trò đặc biệt trong công cuộc cứu rỗi đời đời của chúng ta!” - Pio XII; “Vương quyền của Mẹ không phải là một cái gì thuộc về của cải hay quyền lực mà là một sự phục vụ tình yêu” - Bênêđictô XVI; “Hãy gõ cửa nhà Mẹ! Chúng ta không được tưởng tượng Đức Maria ‘như một bức tượng sáp bất động’, nhưng nơi Mẹ, chúng ta có thể nhìn thấy một ‘người chị với đôi dép mòn và với biết bao mệt nhọc!” - Phanxicô. Fulton J. Sheen thì hài hước, “Chúa sẽ chào đón một người trên thiên đàng bằng những lời này: ‘Mẹ tôi nói rất tốt về bạn!’”. Vì thế, bạn và tôi đừng bao giờ bỏ lỡ “không trao cho Nữ Hoàng cái tốt nhất!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là ‘con của Nữ Hoàng’. Đừng để con vất vưởng như con mồ côi! Cho con sống xứng với phẩm vị con trai con gái rất yêu dấu của Chúa và của Mẹ!”, Amen.

 

Thứ bảy: NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO

“Làm sao Ngài lại biết tôi?”.

“Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!” - Blaise Pascal. Thiên Chúa luôn yêu thương những con người tiến về phía Ngài; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó hướng đến Ngài. Ngài đã có mặt ‘nơi tâm điểm khát khao’ của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên nẻo đường của những khát khao!

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái Barthôlômêô’ - Nathanael - Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo nhưng như một con người sống động, dễ gặp, để ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính giản dị đáng kinh ngạc của chúng. ‘Tính giản dị’ là cách thức tác giả kể lại những lần gặp sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ của Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng! Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp đó không là một cuộc gặp qua quýt, xã giao… cũng không là một cuộc gặp thân thiện thường ngày. Một điều gì đó hoàn toàn khác; họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc hơn với Nathanael, người đã mỉm cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Thiên Sai nơi con người có tên Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Cứ đến mà xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy - những “ước ao thấy Ngày của Ngài” - đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa giờ đây đã phải lặng trân khi nghe lời chào của người thanh niên không mấy quen biết, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền khiến Nathanael nghẹt thở, “Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ trong sáng như vàng ròng!

Anh Chị em,

“Làm sao Ngài lại biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ; Ngài biết Nathanael cách thấu đáo, cá vị. Đúng thế, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không biết con!”. Chính cái biết và sự thấu hiểu của Chúa Giêsu đã khiến Nathanael hoàn toàn ‘tê liệt’; vì giờ đây, nỗi chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Phần chúng ta, chúng ta phải đến với Chúa Giêsu trên những nẻo đường nào? Đức Phanxicô nói, “Hãy đến với Ngài trên nẻo đường của những tội nhân. Hãy đến với Ngài với sự tự tin cũng như với niềm vui mà không cần trang điểm. Đừng bao giờ trang điểm trước mặt Chúa! Hãy đến, mang theo tất cả sự thật!”. Đừng ngần ngại cùng Ngài thổ lộ tâm can, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Đó chính là tâm điểm khát khao của mỗi người mà Ngài biết rõ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con. Không khát khao Chúa, con sẽ khát khao các thứ ‘ít Chúa’ và ‘không phải Chúa’; cho con khao khát chỉ một mình Ngài!”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...