Kính
Thánh Phanxicô xaviê
Lm Seoka
Với thánh phaolô thì việc rao giảng Tin
mừng như là cái duyên chứ không còn phải là cái nợ bó buộc nặng nề. Nên việc
rao giảng Tin mừng chính là một niềm vui là hạnh phúc và là lẽ sống. “Miễn
Lời Chúa được rao giảng”. (Pl 1, 18), Thánh Phaolô thấy rằng
không rao giảng là một sự khốn khổ: “khốn thân tôi, nếu tôi không rao
giảng Tin mừng”. (1Cr 9,16).
Chính tình yêu là sức mạnh thúc đẩy
thánh phaolô tận tâm, tận lực trong sứ vụ rao giảng. Với sức mạnh tình yêu,
thánh Phaolô đã chấp nhận mọi gian lao, khổ nhọc để đồng thân đồng phận với mọi
người: yếu với người yếu, vui với người vui“trở nên tất cả cho mọi người”. (1 Cr 9, 12), với mục
tiêu duy nhất đem phần phúc Tin mừng đến với mọi người.
Tiếp nối thánh Phaolô tông đồ, thánh
Phanxicô-Xaviê cũng đã sẵn sàng bỏ lại tất cả: danh vọng, giàu sang… để dấn bước
lên đường đến với muôn dân loan báo Tin mừng. Vâng nghe lệnh truyền của Chúa
Giêsu và mưu cầu ơn cứu độ cho mọi người, thánh nhân đã hăng say đến những vùng
xa xôi Á Châu: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippin. Ngài đã sẵn sàng bỏ lại thân xác
mình trong
một túp lều thô sơ, trên một đảo nhỏ ở Sancian
gần bờ biển Trung Hoa sau những ngày lâm trọng bệnh. Trong lúc tìm đường vào
đại lục này.
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng
mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin
Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho
những người chung sống và làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá.
Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo
với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban, theo gương của thánh Phanxico-Xaviê mà
Giáo hội mừng kính hôm nay.
Suy niệm 2
"Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội
Thánh trên đất nước chúng ta". Đó là lời mở đầu của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc
Hội Đồng giám Mục Việt Nam sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế
truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội. Giáo Hội
có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo
hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria
est, Ad Gentes 2). Sẽ không là Giáo Hội hay là người kitô hữu nữa nếu không
loan báo Tin mừng.
Trên hết truyền giáo hay loan báo Tin mừng là lệnh truyền tâm
quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các Tông
đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho
mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì
sẽ bị kết án" (Mc 16,15). Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo
Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa mà được cứu
độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?
Trước hết noi gương thánh Phanxicô-Xaviê thao thức truyền giáo.
Trong bức thư của thánh Phanxicô gửi cho thánh Inhaxiô Loyola
cho thấy thánh nhân đã thao thức cho việc truyền giáo mạnh mẻ là dường nào.
Ngài viết: “Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người
có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ trở nên người có đạo. Nhiều lần tôi đã
nghĩ đến việc đi tới các đại học bên châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng
kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là
thực hành rằng :”Khốn thay, có vô số linh hồn vì lỗi của các ông mà phải trục
xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục. Chớ gì những người đó chuyên chú vào
việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho
Chúa về đạo lý và những nén bạc đã ủy thác cho họ”. (Các giờ kinh Phụng
vụ, tr 535).
Thứ đến phải có lòng nhiệt thành truyền giáo.
Vì yêu Chúa và các linh hồn, ngài đã hy sinh tất cả bởi vì như
ngài nói: “Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi”. Đúng như lời
thánh Augustinô nói: “Ở đâu có tình yêu ở đó không còn khó nhọc nữa. Mà nếu có
khó nhọc thì họ lại yêu thích chính sự khó nhọc đó”. Vì thế, sau khi rửa tội
cho một bà già đau nặng, ngài đã kêu lên: “Lạy Chúa, bỏ cha mẹ, quê hương, vượt
trùng dương để cứu một linh hồn mà thôi thì con cũng thỏa mãn lắm rồi. Nay có
chết con cũng vui lòng”. Điều đó chứng tỏ ngài yêu các linh hồn như thế nào.
Gương truyền giáo của thánh Phanxicô thật tuyệt vời, chúng ta cần phải noi
theo.
Có lẽ ngày hôm nay, Chúa không bắt chúng ta phải qua Tàu,
sang Tây để truyền giáo mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ
chồng, và những người làm việc với chúng ta. Rao giảng không chỉ bằng lời nói,
nhưng còn qua đời sống hằng ngày.
Một cách cụ thể, chúng ta thực hiện việc truyền giáo trước hết
bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Chỉ có Chúa mới đánh
động lòng người và làm cho người khác tin Chúa, chứ người phàm không có khả
năng làm được điều đó, vì Chúa đã phán: “vậy các con hãy xin chủ ruộng
sai thợ đến gặt lúa của Người.”. (Lc 10, 2).
Thứ đến phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương
sáng cho người khác vì như ai đó đã nói :“Lời nói như gió lung lay, gương bày
như tay lôi kéo”. Gương sáng có tính thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói.
“Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. (Đức thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Xin Chúa cho chúng ta biết thao thức và góp phần tích cực vào
công cuộc tân phúc âm hóa cho mọi người, ở mọi nơi theo gương thánh
Phanxicô-Xaviê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét