SUY
NIỆM LỜI CHÚA
CÁC
NGÀY TRONG TUẦN XXII TN
Lm.
Seoka
Thứ
hai (Lc 4, 16-30).
Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu trở về
quê hương xứ sở để công bố chương trình hành động trong sứ mạng cứu độ của
Ngài. Nhưng Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương Nazareth khướt từ và đối
xử tệ bạc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc khướt từ và hành xử tệ bạc ấy của
dân làng Nazareth? Xét cho cùng cũng bởi hai chữ “tại vì”.
- Tại vì Chúa Giêsu không có bằng cử
nhân, tiến sĩ trong tay nên khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, giáo lý, hay
giáo luật…nên đã bị làng Nazareth xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu
giảng dạy về kỷ thuật đóng bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận!
- Tại vì Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong
một gia đình quá nghèo. Con của bác thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa không
nghề nghiệp trong tay, không của hồi môn nên làm sao có của dư của để. Gía như
Chúa Giêsu là con của một đại gia, thì đâu nổi bị dân làng xúc phạm!
- Tại vì Chúa Giêsu không có bà
con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ
hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền
quý. Gía như Chúa Giêsu là con ông cháu cha (CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi
tán thưởng của dân làng Nazareth sẽ vang dậy không ngừng trước những lời hay ý
đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!
Tắt một lời, “tại vì” họ biết rất
rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu, một lý lịch được xếp vào “hạng
tồi”. Nên không lạ gì họ chối từ, không tin nhận Chúa Giêsu là
Đấng Cứu Thế.
Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị coi
thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; nơi
những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã hội, đặc biệt là
trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Khi mà mọi thứ đều được đánh giá dựa trên
đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những người nghèo hèn
vẫn còn bị coi rẻ.
Khi mà người ta quá coi trọng địa vị bằng
cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cõi ít học vẫn bị khinh thường. Khi mà
xã hội quá đề cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân
cô thế vẫn còn bị hất hủi chà đạp.
Đâu là những tiêu chuẩn tôi thường dựa vào để
đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành kiến, ác cảm chi phối mà đánh
giá người khác một cách bất công không? Thái độ của tôi thế nào đối với những
người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?
Xin Chúa giúp chúng ta biết gạt bỏ đi cái
nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên: cái
nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ
đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa. Amen.
Suy niệm 2
Thái độ khướt từ Chúa Giêsu của dân làng
Nazareth xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.
Có những anh chị em tân tòng nhưng đời sống
đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực xưng mình là đạo dòng, thì
lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên
lão làng?”
Có những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ
dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở
xa nhà thờ lại siêng năng chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí
tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?”
Có những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm
của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường những việc làm của cha sở
mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần
chùa gọi bụt bằng anh?”
Có những người chỉ thích đi khấn vái nơi này
nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít
khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải chăng “bụt nhà
không thiêng?”.
Nếu có những thái độ và những biểu hiện như
thế là chúng ta lại đi vào vết xe củ của dân làng Nazareth xưa.
Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù
quáng không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến
làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với người khác và không nhìn thấy
cái hay cái tốt nơi anh em.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm dẹp
bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra
những mặt tích cực và cao đẹp nơi những người anh em bé nhỏ. Amen
Thứ
ba (Lc 4,31-37)
Năm 1983, trong cuộc nói chuyện với liên hội
đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đã khẳng định
"Tân Phúc-Âm-hóa", không phải là Phúc âm mới, nhưng là "mới
về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và mới trong các diễn tả" vì "Đức
Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn
đời" (Dt 13,8). Như vậy "Tân phúc âm hóa" không phải là
Phúc âm mới; cũng không phải là một sáng kiến mới của Giáo Hội trong việc loan
báo Tin mừng ngày nay. Mà công cuộc "Tân phúc âm hóa" đã được Đức cố
GH Gioan Phaolô II đề cập cách nay khá lâu. Nhưng trên hết công cuộc "Tân
phúc âm hóa" này là do chính Chúa Giêsu khởi xướng và thực hiện cách nay
hơn 2000 năm, ngay khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin mừng. Đó là điều mà Tin mừng
hôm nay nói đến.
Chúa Giêsu luôn làm mới
lòng nhiệt thành.
Dù rằng bị thất bại ngay trong lần trở
về quê nhà, nhưng Chúa Giêsu không hề nản lòng trước thái độ khướt từ chống đối
của dân làng Nazareth. Trái lại càng làm cho Ngài nhiệt thành hơn. Bằng chứng
là Ngài đã bình tâm rời bỏ nơi đó mà sẵn sàng đi đến các thành khác
(Capharnaum) để tiếp tục thi hành sứ mạng đã được Chúa Cha trao phó với lòng
nhiệt thành mới mẻ như ban đầu.
Chúa Giêsu làm mới trong
phương pháp giảng dạy.
Không biết nội dung Chúa Giêsu giảng dạy như
thế nào tại hội đường Capharnaum, nhưng đã làm cho dân chúng hôm đó phải sửng
sốt. Tin mừng chỉ cho biết việc giảng dạy của Người rất mới lạ và rất uy
quyền. Chắc chắn rằng phong thái và phương pháp giảng dạy của Chúa
Giêsu không giống như các kinh sư. Các kinh sư khi giảng dạy thì chỉ giải
thích Kinh Thánh và Luật Lệ cách dài dòng, nhằm chất lên vai người khác những
gánh nặng. Còn giáo huấn của Chúa Giêsu thì ngắn gọn, cụ thể, gần gủi nên dễ
hiểu; hơn nữa lời giảng dạy của Ngài luôn hướng đến những người nghèo khổ,
những người bị loại ra bên lề xã hội, đúng như chương trình hành động mà Ngài
đã công bố nơi hội đường Nazareth. Vì thế mà lời giảng dạy của Ngài đã đụng
chạm đến trái tim người nghe.
Cuối cùng Chúa Giêsu đã làm
mới trong cách diễn tả.
Chúa Giêsu không chỉ nói suông như những Kinh
sư và Biệt phái"họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên
vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào". (Mt 23,
3-4). Còn Chúa Giêsu thì trái lại lời giảng dạy luôn đi đôi với việc làm cụ
thể. Bằng phép lạ chữa một người bị quỷ ám, ngoài việc minh chứng cho biết
Ngài chính là Thiên Chúa uy quyền; còn cho thấy cách thế diễn tả mới mẻ của
Chúa Giêsu trong việc rao giảng Tin mừng, nên đã thu hút được người nghe. Đúng
là “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Hay như cố ĐGH
Phaolô VI đã nói: "ngày nay người ta cần chứng nhân hơn thầy
dạy".
Xin Chúa ban cho mỗi chúng
ta luôn biết làm mới lại lòng nhiệt tâm tông đồ, luôn biết thao thức tìm ra
những phương cách phù hợp để đem Tin mừng đến được với người nghe, nhất là biết
tích cực sống những giá trị của Tin mừng phù hợp với thời đại mới. Nhờ thế sức
sống của Tin mừng của Chúa mới có thể lan tỏa mạnh mẻ đến mọi người và mọi nơi.
Suy niệm 2
Bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta hai bài
học.
1. Bài học thứ nhất: Thắng
không kêu bại không nản.
Dẫu trong ngày tiếp xúc cử tri tại quê nhà,
để công bố chương trình hành động, Chúa Giêsu đã bị thất bại vì những định kiến
cố hữu của họ. Nhưng không vì thế mà Người nản lòng, bỏ cuộc. Bởi vì Chúa
Giêsu hiểu rằng: "không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê
hương mình" . (Lc 4, 24).Nhưng Tin mừng phải được rao giảng, nên
Người bỏ nơi đó mà xuống thành Capharnaum, vào hội đường và tiếp tục thi hành
sứ vụ. Tại đây Ngài đã thành công rực rỡ vì được dân chúng đón nhận hồ hởi, nên
đã gây được tiếng vang lớn khắp cả vùng.
Đây cũng là bài học quý gia cho chúng ta.
Đừng nản lòng khi gặp thất bại, nhưng cũng
đừng quá hãnh diện khi thành công may mắn. Điều quan trọng là khiêm tốn tạ ơn
Chúa trong mọi lúc.
2. Bài học thứ hai: Lời nói
phải đi đôi với việc làm.
Nếu lời giảng dạy của các Biệt phái và Kinh
sư không được dân chúng đón nhận là vì "họ nói mà không làm. Họ
bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động
ngón tay vào". (Mt 23, 3-4). Lối sống giả hình của họ khiến dân
chúng chán ngán, mệt mỏi.
Thì với Chúa Giêsu lại khác. Lời giảng dạy
của Ngài đã được dân chúng đón nhận cách nhiệt tình. Với phép lạ trục xuất ma
quỷ ra khỏi người bị nó ám hại, Chúa Giêsu không những minh chứng mạnh mẻ uy
quyền của Thiên Chúa mà còn gây sửng sốt cho mọi người, vì lời Ngài nói luôn đi
đôi với việc Ngài làm.
Vì vậy, để có thể thuyết phục người khác tin
vào Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng suông bằng lời, nhưng đòi hỏi chúng ta
phải thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng
giảng dạy với uy quyền, giúp chúng con biết thống nhất giữa lời nói và việc làm
để những giá trị Tin mừng luôn được người nghe đón nhận và tin tưởng.
Xin Chúa củng cố niềm tin,
gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta để dẫu khi thành công hay
khi thất bại chúng ta vẫn luôn an vui sống trong vòng tay đầy yêu thương của
Chúa.
Thứ
tư (Lc 4, 38-44)
Có thể nói tin mừng hôm nay thuật lại một
ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu ở Caphácnaum với biết bao công việc: Vào Hội
đường giảng dạy, rồi đến nhà chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô; mãi đến lúc mặt trời
lặn Ngài vẫn còn tất bật chữa lành đủ mọi loại bệnh hoạn, tật nguyền. Sáng sớm
tinh mơ, Chúa lại tìm đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu phải trở
nên khuôn mẫu cho ngày sống của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Noi gương Chúa Giêsu chúng
ta hãy bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện.
Cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, được sống thân
tình bên Chúa, để lắng nghe lời Chúa chỉ dạy. Trên hết cầu nguyện để nhận lấy
nguồn ơn sức mạnh nâng đỡ của Chúa nhằm chu toàn tốt bổn phận hằng ngày. Một
ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin
Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
Học nơi Chúa Giêsu, chúng
ta hãy chuyên chăm làm việc.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên
Chúa để sống trong thế giới hữu hình và được đặt trong thế giới này để"làm
chủ trái đất" ; vì thế, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi để lao
động. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho ta : "cho đến nay, Cha tôi
làm việc, thì tôi cũng làm việc". (Ga 5, 17)
Làm việc để có của nuôi sống bản thân và gia
đình; đóng góp vào sự tiến bộ liên tục của khoa học kỹ thuật, nhất là làm cho
cộng đồng xã hội anh em của mình luôn luôn thăng tiến về văn hóa và đạo đức, đó
là ý định của Chúa và mong muốn của con người.
Tóm lại: Chúa Giêsu đã đi bước trước trong
đời sống lao động và cầu nguyện. Lao động mà không cầu nguyện sẽ làm cuộc sống
con người mệt mỏi và đơn điệu; ngược lại cầu nguyện mà không lao động khiến con
người trở nên sống hình thức, lười biếng và ỷ lại.
Xin Chúa cho mỗi người
chúng ta biết kết hợp cách hài hoà giữa lao động và cầu nguyện để nhờ đó nhân
loại không chỉ biết trân trọng những giá trị do lao động mang lại, mà còn biết
trân trọng những hiệu quả lớn lao của đời sống kết hiệp với Thiên Chúa.
Thứ
năm (Lc 5,1-11)
Gần đây trên báo Tri Thức Trẻ đã đăng tải bài
viết: Gái Miền Tây, và 3 chữ "N" nổi danh thiên hạ. (3 chữ
"N": Ngon, Ngoan và Ngu), đã bị dân cư mạng phản đối cực lực, khiến
cho bộ VHTT phải vào cuộc và xử lý nghiêm khắc. Bởi vì tác giả đã bôi nhọ và
xúc phạm đến giá trị nhân phẩm của gái Miền Tây, cũng như chia rẻ người vùng
miền.
Trái với nội dung bài viết trên báo Tri Thức
Trẻ trên, bài viết và nội dung của tác giả thánh Luca trong bài tin mừng hôm
nay đã để lại cho người đọc một ấn tượng tuyệt đẹp khi đề cao nhân vật Giêsu
với 3 chữ "L" (lạ) nổi danh thiên hạ.
1. "LẠ" về nơi
giảng dạy.
Sự thường ở đời ai lại dùng thuyền đánh cá để
ngồi trên đó mà giảng dạy; cũng chưa thấy ai quy tụ dân chúng nơi bãi biển để
giáo huấn. Vậy mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại tận dụng phương tiện và nơi
chốn ấy để rao giảng Lời Chúa. Quả là lạ thường!
2. "LẠ" về mẻ cá
bất thường.
Với kinh nghiệm lành nghề về việc đánh bắt cá
biển, Sinmon cùng các bạn đồng nghiệp đã trãi qua một đêm vất vả nhưng chẳng
được con cá nào. Trong khi giữa lúc ban ngày, Thầy Giêsu chẳng có chút kinh
nghiệm gì về việc ra khơi bám biển, lại đề nghị Simon thả lưới bắt cá, quả là
chuyện đùa! Nhưng để làm vui lòng thầy Giêsu, Simon đành miễn cưỡng làm theo,
nhưng thật bất ngờ, kết quả lại ngoài sức tưởng tượng. Một mẻ cá lạ đầy ấp
những cá là cá. Ấy mới là sự lạ!
3. "LẠ" về việc
chuyển đổi nghề nghiệp bất ngờ.
Trước một mẻ cá lạ lùng, Sinmon đã hò reo
sung sướng, nhưng cũng đầy sợ hãi khi nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của
mình nên đã sụp lạy Thầy Giêsu đầy quyền năng. Không ngờ chính lúc đó, Chúa
Giêsu lại nhẹ nhàn chấn an rồi bất ngờ kêu gọi ông chuyển đổi ngành nghề:
"Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta". Sinmon đã
không cưỡng lại được lời mời gọi chân tình tha thiết ấy của Đấng quyền năng nên
đã"bỏ mọi sự mà theo Người". Ôi lạ lùng biết mấy!
Với 3 chữ "LẠ" nơi con người Giêsu
mà thánh Luca tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay, nhằm dạy chúng ta những
bài học quý:
- Phải tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn
cảnh để loan báo Tin Mừng.
- Luôn biết tin tưởng, trông cậy vào quyền
năng Chúa trong mọi lúc vì "mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng bao
giờ". (Tv 90 ). Biết cậy dựa vào Chúa, ta có thể làm được
những điều kì diệu, như thánh Phaolô đã nói: "Tôi có thể làm mọi sự nhờ
Đấng ban thêm sức cho tôi". ( Phi-líp 4,13.).
- Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi kinh
nghiệm, mỗi người mỗi khả năng, tính cách..., Chúa đều tin tưởng mời gọi để
cộng tác với Chúa để cứu rỗi các linh hồn.
Xin cho chúng ta biết mau
mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tích cực, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để thi
hành thánh ý Chúa với lòng tin tưởng cậy trông vào quyền năng của Người.
Thứ
Sáu (Lc 5, 33-39)
Nhân cơ hội giải thích cho những người
Pharisêu lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ
biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.
Trong cựu ước Thiên Chúa tự ví Người là chàng
rể và Israel là nàng dâu.
Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để
giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Người là chàng rể
và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Người chính là Thiên
Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.
Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy
giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng
rể) đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.
Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của
Đức Giêsu. Do đó lúc Người vui thì con người phải chia vui với Người. Khi Người
khổ thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Người chết thì con người phải cùng
chấp nhận chịu chết với Người. Khi Người sống lại thì con người cũng cùng sống
lại với Người.
Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc ăn
chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Người
chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài
người và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay
là để dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn
chay nữa, trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Xin cho chúng ta biết lo ăn
chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi
ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.
Thứ
bảy (Lc 6,1-5).
Tin mừng hôm nay tường thuật về cuộc tranh
luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu.
Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn đệ
Chúa Giêsu bứt bông lúa ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát.
Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận này là
vì bất đồng quan điểm.
- Với những người Pharisêu giữ ngày
Sabát là điều hết sức quan trọng. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31,
14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Bứt bông lúa để ăn là một hành động không thể
chấp nhận được. Mặc dù theo sách Đệ Nhị Luật (23, 26) thì hành động này được
phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông
lúa.”. Nhưng vì đố kỵ, ghen ghét Chúa Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò
trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong
ba mươi chín việc không được phép làm ngày Sabát.
- Còn Chúa Giêsu thì cho rằng: Thiên
Chúa lập nên ngày Sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công
trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15). Ngày Sabát đúng là ngày
của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con
người và vì con người. "Ngày Sabát được đặt ra vì con người".
Do đó việc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn cho đỡ
đói trong ngày Sabát là một nhu cầu chính đáng vì nó phục vụ cho nhu cầu lợi
ích chính đáng cho con người. Chính vua Đa-vít và đoàn tùy tùng cũng đã vào đền
thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn khi bụng đói! Nhưng vì ghen ghét và hận thù
đã làm cho những người Pharisêu trở nên mù quáng mà quên đi mục đích chính của
việc giữ luật.
Để giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn
đúng đắn về mục đích của luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho
đến cùng, dù có phải trả giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh
chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và
chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống"yêu
thương là chu toàn lề luật."(Rm 13,10)
Xin Chúa loại trừ nơi chúng
ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng
đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái và bao dung với hết
mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét