SUY NIỆM LỜI CHÚA
CÁC NGÀY TRONG TUẦN XXVI TN
Lm Seoka
Chúa nhật: Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su (Mt
18, 1-5)
Dưới trần
gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền đoạt
lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy nghĩ
ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa:
"ai là người lớn nhất trong nước trời".
Chúa Giêsu
không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết cần
phải có điều kiện như thế nào để được vào Nước Trời.
Điều kiện ấy
chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại làm trẻ
nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì trẻ nhỏ
luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ, luôn
nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc dù đôi lúc vì sự thật mà chúng ta phải
chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì trẻ nhỏ
luôn cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha mẹ.
Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho dù
cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì trẻ nhỏ
luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi những
điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết luôn
lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh lặng
trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm Lời
Chúa, chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc
đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói tóm lại,
Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang thân xác
của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời và là kẻ
lớn nhất trong Nước Trời.
Đây cũng là
con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh Têrêxa là
một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh xuân. Ngài đã
chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước Trời là con đường
thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ. Ngài làm những việc
rất ư là tầm thường nhưng ngài với tấm lòng phi thường. Thân xác ngài mỏng manh
yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những ai chưa
tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan chứa.
Noi gương
thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông vào
Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng Chúa
dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một đứa
bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa,
xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con chỉ là những người
con bé nhỏ, không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì và nếu chúng con
có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban.
Xin cho
chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho Chúa, như đứa bé đặt
trọn niềm tin vào cha mẹ. Để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ quây quần
bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.
Thứ hai, 02/10: Lễ các Thiên Thần Hộ Thủ (Mt
18, 1-5.10)
Giáo lý Hội
Thánh Công Giáo dạy rằng Thiên Chúa dựng nên hai thế giới hữu hình và vô
hình. Thế giới vô hình là thế giới thiêng liêng, mắt phàm không thấy được, thế
giới thiêng liêng đó có các Thiên Thần.
Thiên Chúa
dựng nên các thiên thần nhằm để thờ phượng Thiên Chúa, thi hành những mệnh lệnh
của Thiên Chúa và giúp đỡ con người. Thiên Chúa dựng nên hằng vô số các Thiên
Thần, nhưng có 3 Tổng Lãnh Thiên Thần là: Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-phen-en mà
Hội Thánh đã mừng lễ vào ngày 29 tháng 09.
Riêng hôm
nay cùng với Hội Thánh, chúng ta kính nhớ các Thiên Thần Bản Mệnh hay còn gọi
là Thiên Thần Hộ Thủ. Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một Thiên Thần
Bản Mệnh riêng. Vị Thiên Thần này luôn gìn giữ bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự hãm
hại của ma quỷ, giúp chúng ta tránh xa mọi cám dỗ ma quỷ ở mọi nơi mọi lúc.
Vị Thiên Thần
Hộ Thủ sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành với chúng ta suốt cuộc đời dương
thế cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Bài Tin Mừng
hôm nay Chúa Giê-su nhắc đến vị Thiên Thần này. Từ đó Chúa muốn chúng ta hãy
tôn trọng phẩm giá mỗi người, chớ khinh thường bất cứ ai, nhất là những con
người bé nhỏ nghèo hèn, vì mỗi người chúng ta đều mang hình ảnh Thiên Chúa, là
con Thiên Chúa và được Thiên Chúa giao cho một vị Thiên Thần bảo vệ, gìn
giữ. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ. Vì trẻ
nhỏ có tâm hồn đơn sơ trong trắng như Thiên Thần, biết mình yếu đuối mỏng manh
nên luôn tin tưởng phó thác vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa,
chúng con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương ban cho mỗi người chúng con một vị
Thiên Thần Hộ Thủ. Xin cho chúng con luôn nhớ tới Thiên Thần Hộ Thủ của chúng
con, để chúng con cùng cộng tác với ngài mà cố gắng tránh xa những cám dỗ của
ma quỷ. Đồng thời xin Chúa cũng luôn soi sáng giúp chúng con luôn ý thức tôn
trọng phẩm giá của mỗi người, nhất là những con người bé nhỏ nghèo hèn; sẵn
sàng đón tiếp những con người đó vì Danh Chúa.
Thứ ba (Lc
9,51-56)
Tin mừng hôm
nay nhấn mạnh đến tinh thần của người môn đệ cần phải có khi đi theo Đức Giêsu.
Nếu tinh
thần của Giacôbê và Gioan là tinh thần nóng nảy muốn báo thù và tiêu diệt khi
bị dân làng Samaria không tiếp đón, thì tinh thần mà Chúa Giêsu muốn các tông
đồ phải có đó là lòng bao dung tha thứ và cứu sống. "Con Người đến
không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta".
Đối với Chúa
Giêsu quyền lực và khả năng Chúa ban không phải để chấn áp hay giết hại lẫn
nhau cho hả cơn giận, nhưng là để phục vụ và dung hòa những xung đột khi xảy
ra. Chính vì thế Chúa Giêsu đã không chọn cách ứng xử nóng nảy trả đủa ngay lập
tức theo thói đời như Giacôbê và Goan. Trái lại Người mời gọi các ông phải có
lòng nhân từ tha thứ và khôn ngoan tìm con đường khác để lên Giêsusalem.
Xin cho
chúng ta có được tinh thần quảng đại bao dung của Chúa để tránh được những xung
đột đáng tiếc xảy ra trong gia đình chúng con; nhất là biết bình tỉnh trước
những điều trái ý xảy ra trong đời sống mà khôn ngoan giải quyết cách êm đẹp
theo ý Chúa muốn.
Thứ tư: Lễ
nhớ thánh Phanxicô Assisi (Luca 9, 57-62)
Tin mừng hôm
nay cho chúng ta biết về những điều kiện mà Chúa Giêsu mong muốn nơi người môn
đệ chân chính của Người:
Người thứ
nhất: tự nguyện xin theo Chúa bất cứ nơi đâu. Nhưng Chúa Giêsu
cho biết theo Người sẽ phải chấp nhận cuộc sống vô sản: không nhà cửa, không
tiền bạc, không nơi ăn chốn ở và phải phiêu bạt khắp nơi. "Con
chồn có hang, chim trời có tổ, Con người không có nơi gối đầu". Không
biết anh ta có chấp nhận theo hay không? Tin mừng không nói rõ.
Người thứ
hai: Chúa Giêsu lại kêu gọi: "hãy theo Ta".
Nhưng điều kiện anh ta đưa ra là: "xin cho phép tôi đi chôn cha
tôi trước đã". Một điều kiện xem ra rất cấp thiết và phù hợp với đạo
làm người, không ai có thể chối cải được. Nếu theo Chúa mà phải bỏ cha mẹ và
không lo cho cha mẹ trong lúc cuối đời thì quả là người con bất hiếu, không
xứng đạo làm người sao xứng đáng làm môn đệ của Chúa được. Ấy vậy mà Chúa Giêsu
lại tỏ ra cương quyết đòi hỏi: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần
con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Chắn chắn là Chúa Giêsu không
hề xem thường đạo hiếu bởi trong 10 điều răn, thì ngay sau 3 điều răn đầu nói
về bổn phận với Chúa thì điều răn thừ 4 Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ. Nhưng
nếu một khi rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc thờ và kính; giữa đạo làm
người và làm con Chúa; nhất là giữa việc Chúa và việc con người; giữa ý Chúa và
ý ta thì ta phải ưu tiên cho Chúa. Việc rao giảng Nước Thiên Chúa là việc làm
tối quan trọng vì đem đến niềm vui tin mừng cứu độ đến cho con người nên phải
là việc cấp bách và ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã quyết liệt
đòi hỏi như thế. Tin mừng cũng không cho biết anh ta có theo Chúa Giêsu hay
không.
Người thứ ba: cũng xin
theo Chúa Giêsu với điều kiện là cho phép anh ta về từ giã gia đình trước đã.
Nhưng Chúa Giêsu không đồng ý với lý do đó, Người nói :"ai đã tra tay
vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Nếu theo Chúa mà còn vướn bận chuyện gia đình, còn lưu luyến bởi những tình cảm
thân quen thì khó lòng mà dốc toàn tâm toàn lực cho Chúa và nước trời được. Do
đó Chúa Giêsu đòi hỏi anh ta phải dứt khoát từ bỏ những vướn bận ấy mới xứng
đáng làm môn đệ Người. Cuối cùng ta cũng không biết anh ta có theo Chúa hay
không.
- Tóm lại:
Muốn đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu đòi hỏi ta không chỉ bỏ một phần hay từ từ,
nhưng Chúa đòi ta phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn để gắn bó đời mình cho
Chúa và Nước Trời. Tiền bạc của cải, tình cảm gia đình, bổn phận trần thế... là
những thứ rất cần thiết cho con người; nhưng nếu không vượt lên những thứ ấy để
dành con tim trọn vẹn cho Chúa và Nước Trời, chắc chắn ta sẽ không xứng đáng
làm môn đệ đích thực của Chúa.
Xin Chúa cho
chúng ta biết ưu tiên đặt Chúa làm trọng tâm trong đời sống chúng ta để sẵn
sàng khướt từ mọi giá trị trần thế mà gắn kết đời ta cho những giá trị của Tin
mừng.
Thứ năm (Luca 10, 1-12)
Bản chất của
Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội
thánh không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha,
Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng”.
Không phải
đợi đến khi Chúa về trời, Người mới giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay
trong khi Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai
phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Bài Tin Mừng
hôm nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng.
Khi thi hành sứ vụ loan báo tin mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư
truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền
dạy: “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn
lên”
Trải qua mọi
thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông
Đồ, Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội
Thánh cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền
giáo.
Phải chăng
truyền giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải
như thế! Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào
3 chức vụ của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn
sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc
sống của mình.
Mục đích
truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và
đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết
sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta
có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người
đó là ai? Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm
chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản
chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người
ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước
tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi
ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo,
chúng ta can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác
ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu
lầm.
Cuối cùng
chúng ta phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có
Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có
ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công
Giáo” thật là đau lòng!
Vậy mỗi
người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu
chưa đủ, Chúa muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và
khả năng của mỗi người.
Lạy Chúa,
Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa
muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng
con sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và
làm việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho
chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết
khả năng và sức lực mà Chúa ban và xem đó như là công việc “sống còn” của chúng
con và của Gíao hội.
Thứ sáu (Lc
10, 13-16)
Chúa Giê-su
là Thiên Chúa làm người, Người luôn hiền hậu và khiêm nhường, đầy lòng yêu
thương và nhân từ với mọi người, ngay cả tim đèn leo lét Người không nỡ dập
tắt, cây lau bị ngã, Người không nỡ bẻ gãy. Thế nhưng tại sao bài Tin Mừng hôm
nay lại ghi lại những lời quở trách nặng nề của Chúa dành cho những thành như:
Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum.
Chúa Giê-su
xuống thế làm người, sau 30 năm sống ẩn dật, Người ra đi rao giảng Tin Mừng,
mạc khải Thiên Chúa Cha, kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Những
thành như Corozain, Bethsaiđa hay Capharnaum là những thành dân Israel, được
diễm phúc in dấu chân của Chúa, được nghe những lời giáo huấn của Chúa, được
chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Nhưng những con người ở những thành này lại
lòng chai dạ đá, cứng đầu cứng cổ, không chịu ăn năn sám hối, canh tân đời
sống, khước từ những lời giảng dạy của Chúa. Thế là Chúa phải thốt lên những
lời quở trách xem ra rất nặng nề: “khốn cho ngươi”. Giả như Chúa đến
những thành dân ngoại như Tyrô và Siđon để rao giảng thì họ đã ăn năn sám hối
và tin vào Chúa từ lâu rồi. Vì thế trong ngày phán xét nhưng thành đó sẽ được
xét xử khoan hồng hơn những thành mà được Chúa rao giảng Tin Mừng và kêu gọi
sám hối.
Vì sao những
thành dân Israel lại không chịu ăn năn sám hối và tin theo Chúa. Có thể họ quá
biết rõ con người Chúa Giê-su. Một con người xuất thân từ một gia đình nghèo ở
một làng quê hẻo lánh và nghèo khổ, con của một bạc thợ mộc tầm thường. Họ
không nhận ra nguồn gốc đích thực của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Có thể họ
tự hào là dân riêng của Chúa, là con cháu của tổ phụ Abraham, nên sẽ được Thiên
Chúa nâng lên đến tận trời.
Những lời
chúc dữ của Chúa Giê-su dành cho những thành như Corozain, Bethsaiđa hay
Capharnaum cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.
Chúng ta
cũng được Chúa chọn làm dân riêng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được gia nhập
vào cộng đoàn Hội Thánh, được lắng nghe Lời Chúa, được Hội Thánh dạy dỗ và
hướng dẫn, nhất là Chúa ban cho chúng ta chính Mình và Máu Chúa để dưỡng nuôi
linh hồn. Thế nhưng đời sống của chúng ta nhiều khi chẳng khác gì một người
không biết Chúa, có khi còn tệ hơn nữa. Cũng bon chen, tranh giành, lọc lừa,
mưu mô xảo quyệt như người đời, khước từ những lời giáo huấn của Hội Thánh mà
sống đạo theo ý riêng của ta.
Lạy Chúa,
xin cho chúng con luôn biết nhận ra con người yếu đuối mong manh với những giới
hạn, để luôn đón nhận những lời dạy dỗ bảo ban của Chúa qua những giáo huấn của
Hội Thánh, qua những người thay mặt Chúa hướng dẫn. Đồng thời, xin Chúa ban
thêm ơn can đảm giúp chúng con thực tâm sám hối ăn năn về những lỗi phạm của
chúng con và không ngừng canh tân đổi mới đời sống sao cho phù hợp với thánh ý
của Chúa.
Thứ bảy: Đức
Mẹ Mân Côi (Lc 1,26-38).
Anh chị em
thân mến,
Hôm nay Giáo
Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, để kính nhớ cuộc chiến thắng của các chiến
thuyền Ki-tô giáo tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571, nhờ sự trợ giúp
đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a qua lời cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi của các tín
hữu.
Qua kinh Mân
Côi, chúng ta thấy có hai yếu tố quan trọng mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích, đó
chính là sự lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, và suy niệm các
mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giê-su, mà Mẹ có vai trò rất đặc biệt trong
chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
- Đức Mẹ
Ma-ri-a rất yêu thích những ai đọc kinh Kính Mừng, bởi vì chính Thiên Thần
Ga-bri-en đã cất tiếng chào mừng khi truyền tin cho Mẹ:“Kính mừng Ma-ri-a
đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…”. Lời cầu chúc này đã nói lên
sự cung kính của Thiên Thần đối với một tạo vật là Mẹ được Thiên Chúa chọn làm
mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su.
Khi yêu
nhau, đôi bạn nam nữ thường lặp đi lặp lại điệp khúc “anh yêu em” và “em yêu
anh” mà không thấy chán, không thấy thừa thải hoặc không thấy mắc cở gượng
gùng, bởi vì tình yêu được phát xuất từ tấm lòng chân thật, cho nên họ sẽ sung
sướng đón nhận lời lẽ yêu thương ngắn ngọn mà bày tỏ hết cả tấm lòng yêu thương
của bạn mình.
- Đức Mẹ
Ma-ri-a cũng rất yêu thích những ai thành tâm đọc kinh Mân Côi, bởi vì nơi kinh
Mân Côi này chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần kinh Kính Mừng,
nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần kinh Kính Mừng như hai trăm đóa hoa
hồng dâng kính Đức Mẹ. Hai trăm kinh Kính Mừng là suy gẫm về hai mươi biến cố
trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài sống ở trần gian, hai mươi biến cố
này từ khi Đức Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống
và những điều Thiên Chúa thưởng ân cho Đức Mẹ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác.
(Hai mươi
biến cố này được chia thành bốn nhóm hay là bốn “sự”: năm sự Vui, năm sự Sáng,
năm sự Thương, năm sự Mừng. Mỗi sự đều có liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a
là Đấng đồng công cứu chuộc loài người.)
Đã có rất
nhiều lần chúng ta lần chuỗi Mân Côi mà miệng đọc như cái máy phát thanh, không
hề dừng lại để suy ngắm những gì mình đang đọc; có những lúc bạn và tôi đọc
kinh Mân Côi mà như sợ người khác giành giựt, cho nên chúng ta vẫn chưa hiểu và
chưa yêu mến Đức Chúa Giê-su cho đủ. Do đó mà chúng ta trở thành những nghi vấn
cho người khác nghi ngờ về đức tin của chúng ta.
Anh chị em
thân mến,
Đức Giáo
Hoàng Phao-lô VI khích lệ chúng ta như sau: “Bản chất việc đọc kinh Mân
Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có
thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Chúa Giê-su được nhìn
qua Trái Tim của Đấng gần gủi nhất với Chúa”. (Marialis Cultus, 47)
Mừng lễ Đức
Mẹ Mân Côi hôm nay, bạn và tôi nên có một quyết tâm khi lần hạt Mân Côi, đó là
luôn yêu mến và tin tưởng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Đức
Chúa Giê-su là Đấng nhờ sự vâng phục của Đức Mẹ để nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta
trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng và cho tình yêu của Thiên Chúa trong
cuộc sống của mình.
Xin Thiên
Chúa chúc lành cho chúng ta.
Thứ bảy (Luca 10, 17-24)
Các
môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì
thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả
đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà
Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế
gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài
làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở
trên trời.
Thật
vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên
Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có
hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu,
tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương
tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất
cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn
sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa
không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết
mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa
từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy
làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm
hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người
bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà
Thiên Chúa mạc khải.
Các
môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe
những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc
khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua
chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải
cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa
Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến
vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc
của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống
trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ
Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối
cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần
Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Thế mà nhiều khi
chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma
thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên
Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy
Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con
cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và
luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày.
Còn
gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa
nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ
ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc
sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng
của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống
theo thánh ý Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét