SUY NIỆM LỜI CHÚA
TUẦN XXVIII TN A
Thứ hai : Lc 11,
29-32
Dẫn:
Mặc dù được nghe rất nhiều lời giảng dạy và
chứng kiến không ít những phép lạ Chúa Giêsu làm. Nhưng người Do Thái thời Chúa
Giêsu vẫn cứng lòng, không ăn năn hoán cải. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở
trách họ rất nặng lời.
Xin đừng để chúng ta đi vào vết xe củ như người
Do Thái xưa. Nhưng cho chúng ta biết khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và Giáo Huấn
của Giáo Hội chỉ dạy mà hoán cải đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Suy niệm:
"Người buồn cảnh có vui bao giờ". Việc thay đổi
con người không hệ tại ở hình thức bên ngoài, nhưng trước hết là phải thay đổi
tận cõi lòng, thay đổi não trạng và cái nhìn. Dù có chứng kiến bao là phép lạ,
dù có vỗ tay ca ngợi không ít những lời hay ý đẹp của Chúa Giêsu, rốt cùng họ
vẫn không tin.
Như hết cách, Chúa Giêsu đành phải thốt lên: “Thế
hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin điềm lạ. nhưng chúng sẽ không thấy được
dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Gio-na”.
Như một cố gắng cuối cùng, Chúa Giêsu đã dùng
lại hai câu chuyện ngày xưa, hy vọng họ suy nghĩ lại mà thay đổi não trạng.
Nhắc lại chuyện Gio-na ngày xưa, nhằm lưu ý họ
rằng: Ngày xưa chỉ lời rao giảng miễn cưỡng của Ngôn sứ Giona. Vậy mà cả thành
Ninivê, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay, sám
hối và khẩn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona.
Đấng mà Giona loan báo đã đến và rao giảng vậy mà họ lại không để tâm ăn năn
hối cải. Thật đáng buồn!
Nhắc lại câu chuyện nữ hoàng phương nam vượt
đường xa vạn dặm, bất chấp khó khăn, tốn kém đến để diện kiến vị vua khôn ngoan
là Salomon. Bà ta đã toại nguyện, hết lòng cảm phục sự khôn ngoan của nhà vua.
Nhưng ở đây còn trọng hơn vua Salomon nữa, vì Người chính là sự khôn ngoan của
Thiên Chúa và là vua trên hết các vị vua. Thế mà họ chẳng thèm nghe. Thật đau
lòng!
Chính lòng tự mãn và mù quáng đã làm hỏng hết
mọi ơn phúc, vì thế không còn cách nào để tự chữa mình được nữa.
Xin cho chúng ta đừng như thế hệ Do Thái xưa mù
quáng và tự mãn, nhưng trở nên giống dân thành Ninivê và nữ hoàng phương nam
mau mắn lắng nghe lời Chúa và quyết tâm ăn năn sám hối; cũng như biết khiêm tốn
nhận mình còn nhiều khiếm khuyết, thiếu sót, tật xấu và tội lỗi, để theo sự
khôn ngoan của Chúa hướng dẫn mà sửa đổi đời sống mỗi ngày nên tốt hơn.
Thứ ba: Lc 11,
37-41
Dần
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xác định lại
tính sạch dơ phát xuất từ đâu và đâu là sự dơ bẩn đáng sợ nhất trong đời sống.
Suy niệm
Chúng ta đang sống trong một thế giới báo động
đỏ về nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà lãnh đạo tâm huyết của thế giới đã kêu
gọi liên kết với nhau để nhằm tìm ra những giải pháp làm giảm đi nạn ngây ô
nhiễm môi sinh.
Năm 2015 ĐGH Phanxicô trong thông điệp
Laudato-si cũng cho thấy tác hại ghê gớm của nạn ô nhiễm môi trường và tha
thiết kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ ngôi nhà chung, nhằm để lại cho thế hệ
mai sau một bầu không khí trong lành.
Dẫu những ô nhiễm bên ngoài tác động không nhỏ
đến đời sống thể lý của con người cần phải thanh tẩy cho trong sạch nhằm bảo vệ
sức khỏe và tính mạng con người.
Tuy nhiên ô nhiễm bên trong mới là điều đáng lo
ngại.
Chính ô nhiễm tâm hồn, ô nhiễm lối sống ích kỷ
và tham lam đồng tiền đã đánh mất những giá trị sống lành mạnh. Từ đó đẩy con
người đến chỗ không còn biết hành xử văn hóa nữa. Dẫn đến tình trạng vức rác
bừa bãi, xả thải nước công nghiệp độc hại ra môi trường, sản xuất nông nghiệp
độc hại vô tư; tình trạng thức ăn bẩn được rao bán tràn lan…dẫn đến biến đổi
khí hậu, nước biển dâng và xâm ngập mặn và bệnh tật bùng phát làm cho đời sống
người dân điêu đứng khốn cùng!
Chính vì thế trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu xác nhận cho những người Biệt phái và Luật sĩ hiểu rằng: Những gì xuất
phát từ bên trong mới gây nên những điều xấu xa và nguy hại. Nếu tâm trí lành
mạnh sẽ dẫn đến hành động tốt đẹp, ngược lại tâm trí đầy u tối và toan tính xấu
xa sẽ đưa đến những việc làm đen tối gây nguy hại cho con người và cuộc sống.
Do đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy ý thức trong việc thanh tẩy tâm hồn hơn
là chú tâm vào việc tẩy rửa bên ngoài chén đĩa.
Khi nuôi dưỡng trong lòng những ý nghĩ tốt sẽ
làm những điều lành và có ích cho mọi người. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết
thanh tẩy tâm hồn khỏi những dơ bẩn của tính xấu và những vấn vương tội lỗi để
chúng ta có những lời nói và hành vi tốt đẹp trong sáng chân thành dành cho
Chúa và cho nhau trong đời sống.
Thứ tư: Lc 11,
42-46
KÍNH THÁNH LUCA,
TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Ngày 18 tháng 10
Dẫn:
Cùng với GH hôm nay chúng ta dâng thánh lễ mừng
kính thánh Luca, tác giả sách Tin mừng. Chúng ta không biết rõ về quê quán và
gia thế của ngài, chỉ biết ngài gia nhập kitô giáo ở Antiokia và qua đời bên Hy
lạp. Ngài được thánh Phaolô nhắc đến như người bạn đồng hành trong bước đường
loan báo Tin mừng. Ngài chính là tác giả của sách Tin mừng thứ ba và sách công
vụ tông đồ.
Đọc những tác phẩm của thánh Luca ta nhận ra
được thao thức lớn nhất của thánh nhân là làm chứng niềm vui Tin mừng của Chúa
đến tận cùng trái đất theo lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh.
Tạ ơn Chúa vì GH có được một vị thánh tài hoa và
nhiệt tâm tông đồ.
Tạ ơn Chúa đã chọn thánh Luca, sai đi rao
giảng và viết sách Tin Mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa là người Cha
giàu lòng thương xót.
Xin cho chúng ta biết siêng năng học hỏi TM của thánh Luca để
chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Chúa, nhờ đó ta mới có thể loan báo niềm vui
Tin mừng của Chúa cách tích cực và hiệu quả.
Suy niệm 1:
Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, Hội Thánh
không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh không truyền giáo. Chính Chúa
Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người đã trao sứ mạng truyền giáo cho
Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ
mà loan báo Tin Mừng”.
Không phải đợi đến khi Chúa về trời, Người mới
giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ
mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin
Mừng.
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Chúa
Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi thi hành sứ vụ loan báo tin
mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng đầu, đừng quá
bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng mang theo túi tiền,
bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”
Trải qua mọi thời, ở mọi nơi, Hội Thánh không
ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ và 72 môn đệ, nay Hội Thánh
Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh cũng muốn
con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Phải chăng truyền giáo là công việc của hàng
giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải như thế! Mỗi người tín hữu, khi
lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ của Hội Thánh đó là:
ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi người tín hữu có nhiệm vụ
và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống và khả năng của mình.
Mục đích truyền giáo là giới thiệu Chúa cho mọi
người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Là một tín hữu bình
thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúa qua việc không ngừng trau
dồi kiến thức giáo lý và học hỏi Phúc âm. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một
người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai?
Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác,
chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời
sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên
miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy
cũng rất cần.
Vậy trước tiên chúng ta can đảm tuyên xưng mình
là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin
của mình.
Tiếp theo, chúng ta can đảm sống cho những giá
trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị
này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta phải thực hành niềm tin của
chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo
không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo
Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!
Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người chúng con hãy là những
tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Luca thao
thức sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi nơi. Xin cho chúng
con biết cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và
sức lực của mình theo gương thánh Luca mà hôm nay GH mừng kính.
Suy niệm 2:
KỈ THUẬT 3 GIẢM 3
TĂNG TRONG TRUYỀN GIÁO
Để hỗ trợ kĩ thuật làm lúa có hiệu quả cho người
nông dân, gần đây các nhà khuyến nông đã khuyến khích nông dân áp dụng kĩ thuật
theo chương trình 3 giảm, 3 tăng (3 giảm: giảm mật độ gieo xạ,
giảm phân bón thuốc sâu, giảm chi phí đầu tư; 3 tăng: tăng năng suất, tăng chất
lượng hạt giống, tăng giá cả bán ra thị trường). Nhờ áp dụng kĩ thuật này
trên cánh đồng lúa, người nông dân giảm được chi phí đầu tư rất lớn nhưng hiệu
quả kinh tế lại khá cao.
Hơn 2000 trước Chúa Giêsu cũng đã triển khai mô
hình kĩ thuật "3giảm 3 tăng" như
vậy trong chương trình mục vụ truyền giáo của Ngài.
1. Kỉ Thuật
3 Tăng
Bằng cách áp dụng kĩ thuật 3 tăng, Chúa Giêsu
đưa ra mô hình truyền giáo với ba tác động: Tăng đồng, tăng công, tăng lúa.
Để tăng đồng: Chúa truyền: " … hãy đi
khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng".
Để tăng công: Chúa không những chỉ thị riêng cho các tông đồ
đi rao giảng tin mừng mà Chúa Giêsu còn tuyển chọn và sai 72 môn đệ ra đi
truyền giáo nữa. Như thế, một cách nào đó, Chúa không chỉ kêu gọi các
tông đồ và môn đệ truyền giáo mà cho tất cả chúng ta. Bởi lẽ,
“truyền giáo là bản chất của Giáo hội”.
Chính nhờ Giáo hội thực hiện lệnh truyền
của Chúa cách tích cực mà người tin và theo Chúa ngày càng đông, điều này
đồng nghĩa với việc tăng lúa.
Áp dụng kỉ thuật này vào cánh đồng truyền giáo
hôm nay
Để tăng đồng, ta không chỉ lưu tâm
việc truyền giáo quanh quẩn khu vực chung quanh họ đạo mình
mà còn phải bận tâm lo mở rộng ra những khu vực xa hơn “đến
tận vùng biên”.
Để tăng công, ta phải tập trung đào
tạo nhân sự về tinh thần cũng như năng lực, nhằm có thêm nhiều người
tích cực cộng tác trong việc truyền giáo.
Khi làm tốt chính sách tăng đồng, tăng
công này chắc chắn số người tin theo Chúa ngày
càng đông, ấy là lúa đã gia tăng.
2. Kỉ Thuật
3 Giảm
Song song với chỉ thị cho các môn đệ áp dụng kỉ
thuật 3 tăng trong việc truyền giáo, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh đến ứng dụng kỉ
thuật 3 giảm:
Giảm cậy vào sức mình cũng như giảm trừ chủ
nghĩa cá nhân.
Để giảm bớt đi tính kiêu căng tự mãn ỷ lại vào
sức mình nên điều đầu tiên mà Chúa Giêsu lưu ý khi sai các môn đệ đi loan báo
tin mừng đó là phải cầu xin: “Trước tiên hãy xin chủ ruộng…”. (Mt
7,7-8; Lc 11,9-10; Ga 14,13-14).
Tiếp đến, để trách óc cục bộ và giảm trừ chủ
nghĩa cá nhân, Chúa Giêsu đã chỉ thị các môn đệ: “đi từng hai người
một” khi sai các ông ra đi rao giảng tin mừng.
Ý thức những lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu, mỗi
chúng ta phải luôn tự nhủ lòng rằng: Thành công trong việc truyền giáo không hệ
tại bởi tài năng của cá nhân một ai, mà hệ tại ở việc nương tựa vào sức mạnh
quyền năng của Chúa. Chúa mới là Đấng đánh động lòng người
và thuyết phục con người tin theo Chúa, người
phàm chỉ là dụng cụ Chúa dùng chứ khôngphải là chủ ruộng.
Do truyền giáo là nhiệm vụ chung của Giáo hội
nên chúng ta cần phải cộng tác và phối hợp với nhau dưới sự điều phối và hướng
dẫn chung của Giáo hội, nhờ thế tạo nên một khối thống nhất, làm thành sức mạnh
lớn lao cho lời rao giảng.
Giảm nương tựa và bám víu vào của cải vật chất
Khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo, Chúa Giêsu
mong muốn các môn đệ phải sống tinh thần siêu thoát khi truyền dạy các ngài: “....khi
đi các con đừng mang theo túi tiền, bao bị……”. Với tinh thần siêu thoát,
Chúa khuyến cáo các môn đệ đừng quá bám víu vào của cải vật chất, nhưng phải
bám víu vào sức mạnh của Chúa; với hành trang nhẹ nhàn không mang theo gánh
nặng vật chất, Chúa ý thức người môn đệ phải đặt mối ưu tư truyền giáo lên hàng
đầu. Bằng đời bấp bênh nghèo khó, người môn đệ sẽ dễ dàng đến người nghèo, sống
với người nghèo. Sống nghèo chính là lời rao giảng hùng hồn nhất về Tin mừng
của Chúa. Chấp nhận sống nghèo cũng là cách minh chứng cụ thể cho mọi người
thấy niềm tin, lòng cậy trông phó thác vào tình thương Chúa nơi người môn đệ.
Giảm dính bén đến tình cảm cá nhân
Một trong những trở ngại dễ làm chùng bước cho
việc truyền giáo là nhiều cán bộ của Chúa quá bận tâm và dính bén với tình cảm
cá nhân.
Nơi nào sung sướng thì muốn bám trụ để hưởng
thụ, còn nơi nào nghèo khó thì ngại không muốn đến và ở lại đó. Bởi đến với
người nghèo họ có gì mà thết đãi hay biếu xén, ngược lại đến với người giàu thì
được ăn uống no say, lắm khi được quà bíu xén.
Đáng buồn hơn là không ít những cán bộ truyền
giáo của Chúa lại dính bén vào chuyện tình cảm cá nhân, thích tham gia vào
những cuộc chuyện trò vô bổ làm mất giờ, mất sức, lắm khi quên đi nhiệm vụ quan
trọng và cấp thiết cho việc truyền giáo.
Tóm lại truyền
giáo là nhiệm vụ cấp bách và là nhiệm vụ sống còn của Giáo Hội. Vì thế mọi
thành phần dân Chúa phải tích cực góp phần cho việc truyền giáo; đồng thời phải
tận dụng hết những khả năng Chúa ban và sử dụng triệt để mọi kỉ năng Chúa dạy
để thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Nhờ ý thức trách nhiệm và áp dụng đúng những
kĩ năng Chúa chỉ dạy, hy vọng cánh đồng truyền giáo ngày càng được mở rộng và
số lượng người tin theo Chúa mỗi ngày được gia tăng.
Thứ năm: (Lc 11,
47-54)
Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời
khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu dành cho những người Biệt phái và các Tiến
sĩ luật về 2 vấn đề:
1. Họ đã cộng tác cách gián tiếp với cha ông họ
mà giết hại các tiên tri. Nếu họ đã nhận ra được sự sai lầm của các tổ phụ vì
đã giết hại các Tiên Tri từ xưa đến nay mà ra công xây lại mồ mả cho các tiên
tri như là một sự bù đắp, thì đáng lý giờ đây họ phải cương quyết không đi theo
vết xe đổ ấy mới phải. Đàng này họ tiếp tục chống đối và khướt từ lời dạy của
Đức Giêsu, một vị ngôn sứ tối cao đến từ Thiên Chúa.
2. Những Tiến sĩ luật là những người thông thạo
về thánh kinh và luật lệ. Họ có nhiệm vụ giải thích cho dân chúng hiểu biết và
tuân giữ luật Chúa. Ấy thế mà họ cố tình bẻ cong luật Chúa để giải thích theo ý
mình và với lòng tham đã đưa ra nhiều khoản luật chồng chất thêm gánh nặng trên
vai người dân, làm cho người dân hoang mang không còn biết đâu là điều chính,
đâu là điều phụ. Nên Chúa Giêsu khiển trách họ rất nặng lời: "các
ngươi cất giữ chìa khóa sự hiểu biết. Chính các ngươi không được vào, mà những
người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".
Vì muốn được tự do hành xử theo ý riêng mình, họ
đã tìm mọi cách để loại trừ cái gai Giêsu ra khỏi con mắt họ. Để hãm
hại Chúa Giêsu họ đã bày ra nhiều phương cách như tăng bốc, đe dọa, hạ uy
tín...và chấp vấn về nhiều vấn đề nhằm bẫy Chúa Giêsu sa vào khung hình
phạt nặng nhất mà tiêu diệt.
Chính lòng ghen tỵ và óc tự mãn đã làm cho cặp
mắt của những người Biệt phái và Luật sĩ bị mờ đi không còn khả năng nhận ra
ánh sáng chân lý nữa.
Ngày nay ngoài xã hội và trong gia đình vẫn còn
đầy những thách đố do bóng tối kiêu căng, gian dối và hận thù... xin cho chúng
ta biết can đảm gieo vào nơi ấy ánh sáng của khiêm tốn, bao dung và chân lý để
ánh sáng của niềm vui của Tin mừng được lan tỏa.
Thứ sáu: Lc 12,
1-7
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay gồm 2 phần:
Tin mừng hôm nay gồm 2 phần:
1. Phần thứ nhất: Chúa Giêsu lên án lối sống giả
hình của nhóm Biệt Phái và lưu ý các môn đệ cũng như đám đông dân chúng hãy ý
tứ giữ mình khỏi lây nhiễm thứ men giả hình ấy của Biệt Phái.
2. Phần thứ hai: Chúa mời gọi các môn đệ can đảm
sống và làm chứng cho sự thật, đừng sợ! Chúa Giêsu đưa ra nhiều lý do để khuyến
khích các môn đệ can đảm sống và làm chứng cho sự thật:
- Thứ nhất: “không
có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì dấu kín mà chẳng biết
được”.
- Thứ hai: Tin vào sự quan phòng
của Thiên Chúa: “năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế
mà không con nào bỏ bị quên trước mặt Thiên Chúa. Tóc trên đầu các con cũng
được đếm cả rồi. Vậy các con đường sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”.
- Thứ ba: Thiên Chúa là Đấng quyền
năng, Ngài làm chủ sự sống chết của chúng ta. Do đó Người nhắc nhở chúng
ta “đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm
gì hơn được nữa”. Nhưng “hãy sợ Đấng, sau khi đã giết
chết, còn có quyền ném vào địa ngục”.
Trong một xã hội có quá nhiều gian dối như ngày
nay. Xin cho chúng ta biết can đảm dám sống sự thật về mình trước Chúa, người
khác và lương tâm.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ tránh xa men Biệt Phái. Bởi lẽ loại men này rất
nguy hiểm và có sức mạnh lan tỏa rất ghê gớm nên cần đề phòng.
Vậy loại men ấy là men
gì mà nguy hiểm thế, đến nỗi Chúa Giêsu phải cảnh tỉnh các môn đệ Ngài tránh
xa?
Thưa men ấy là chính
đời sống xấu xa, tội lỗi của họ.
Men của Biệt Phái
chính là lòng kiêu căng, tự mãn và thói sống giả hình.
Loại men này có độc tố
mạnh và lan tỏa rất nhanh. Trái lại có một thứ men rất bổ dưỡng và đem lại sức
khỏe cho tâm hồn rất tốt. Loại men ấy Chúa Giêsu đã nói đến qua dụ ngôn nấm men
trộn trong ba đấu bột cho đến khi toàn bộ bột dậy men. Men ấy là men Tin mừng,
men của tình yêu, men của hy sinh, bao dung và tha thứ…nhưng đáng tiếc loại men
này lại ít ai thích sử dụng nên lan tỏa rất chậm chạp.
Ngày nay những loại
men độc hại luôn âm thầm thấp nhập và lan tỏa vào trong xã hội và dễ đi vào
lòng người. Nên lời cảnh báo của Chúa Giêsu vẫn còn nguyên giá trị.
Men của ích kỷ, dối
trá, dửng dưng, tham vọng, tự do phóng túng…rất nguy hiểm gây xáo trộn xã hội
và giết chết tâm hồn con người nên cần phải tránh xa.
Xin Chúa cho chúng ta
biết loại trừ khỏi tâm hồn chúng ta những độc tố của những loại men nguy hại bằng
cách tiếp nhận những loại men tốt mang lại sức khỏe và sự sống tinh thần. Nhất
là luôn can đảm khước từ những cám dỗ do hương vị ngọt ngào của men độc tố mời
gọi bằng việc gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bác ái và chay tịnh tâm
hồn.
Thứ bảy: Lc 12,
8-12
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khuyến
khích các môn đệ hãy can đảm xưng nhận Chúa trước mặt người đời, cũng như trước
mặt vua quan thế quyền với những lý do sau:
- Chúa Giêsu sẽ bênh vực họ trước mặt
Thiên Chúa, nên người môn đệ mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Còn ngược lại nếu chối bỏ Chúa Giêsu thì Người cũng sẽ chối bỏ họ trước mặt
Chúa Cha. Nếu chối bỏ Chúa Giêsu cũng là chối bỏ sự thật và chân lý, bởi lẽ “Chúa
Giêsu là đường là sự thật và là chân lý”. Mà chối bỏ chân
lý là xúc phạm đến Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần. Đó là tội mà Chúa Giêsu
khẳng định là sẽ không được tha.
Cuộc đời của Giuđa Ítcariốt và Phêrô đều giống
nhau là đã chối bỏ Chúa Giêsu. Nhưng lại có kết quả khác nhau: ông Giuđa không
biết ăn năn, không tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã đi tự tử. Còn
thánh Phêrô đã được tha thứ, vì ông tin vào tình thương tha thứ của Chúa nên đã
ăn năn hối cải. Như thế tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là cố tình chối bỏ
chân lý, sự thật mà không chân thành sám hối.
- Có Chúa Thánh Thần bảo vệ và hướng
dẫn. Chúa Giêsu cho biết khi làm chứng cho Chúa chắc chắn sẽ gặp nhiều
nguy hiểm bởi thế gian và sẽ bị bắt hại bởi vua quan, chính quyền. Nhưng Chúa
Giêsu cũng bảo đảm với các môn đệ là có Chúa Thánh Thần luôn hiện diện ngay bên
để nâng đỡ họ: “Các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế
nào: vì trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống
đầy lòng chúng con để chúng con can đảm sống và làm chứng cho chân
lý. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con kiên vững niềm tin để không
bao giờ chối bỏ Chúa trước những lời mời gọi thấp hèn của thế gian nhưng luôn
mạnh dạn xưng nhận Chúa trước mặt người đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét