SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
St 11,1-9 (Xh 19,3-8a.16-20b hay Ed 37,1-14 hay Ge 3,1-5);
Rm. 8,22-27; Ga 7,37-39
Chiều hôm nay, chúng ta
cùng quy tụ nhau đây để cử hành lễ vọng, mừng kính trọng thể lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống.
Phụng vụ lời Chúa hôm
nay cho chúng ta biết vai trò rất quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống
chúng ta và GH. Chính Ngài là Đấng khai sinh và nuôi sống GH. Ngài cũng chính
là nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất trong GH và chính là nguồn sự sống đích thực
của chúng ta.
Xin cho chúng ta biết
khiêm tốn mở lòng đón nhận nguồn nước sự sống của Chúa Thánh Thần và ngoan
ngoãn để cho CTT hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Nhờ đó đời ta mới có thể trổ
sinh được nhiều hoa trái tốt lành.
- Bài đọc 1,
trích sách Xuất hành: nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của sự chia rẽ. Trình thuật
trong sách xuất hành hôm nay nhắc lại câu chuyện tháp Babel thời ông Nôe. Sau trận
lục đại hồng thủy, con cháu ông Noe còn sống sót. Họ tập họp nhau
lại không phải là để tạ ơn và tìm cách tôn thờ Chúa cho phải đạo;
trái lại họ quy tụ với nhau để bàn kế sách đối phó chống lại Thiên Chúa. Họ
cùng nhau quyết định xây dựng cây tháp ở Babel cao ngút lên tận trời, nhằm
thách thức Thiên Chúa có thể làm gì được họ. Nhưng khi họ tiến hành xây dựng
được nữa chừng thì Chúa liền cho họ trở nên bất đồng về ngôn ngữ. Khiến họ
không còn hiểu nhau nữa, gây nên sự chia rẽ nhau. Vì thế kế hoạch xây tháp
Babel của họ bất thành.
Câu chuyện cho thấy rằng
nếu con người kiêu căng muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, sẽ nhận lấy
hậu quả tai hại đó là sự chia rẽ, chống đối nhau và sẽ bị thất bại trong mọi
việc làm. Chia rẽ còn đồng nghĩa với sự chết.
- Trái lại với sự chia
rẽ gây nên cái chết về tình yêu thương, hiệp nhất của nơi con cháu Noe ngày
xưa, thì bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự sống nhờ
sự hiệp nhất trong nguồn nước CTT.
Nói đến sự sống là phải
nói đến nước và sự hiệp nhất. Chúa Giêsu sánh ví CTT chính là nguồn nước. Nguồn
nước ấy được tuôn tràn trên các tông đồ và thế gian vào ngày lễ ngũ tuần. Ngày
ấy từ Giêrusalem mới sẽ tuôn tràn nguồn suối nước mát, mang lại sự sống dồi dào
cho thế gian.
Thật ra CTT là nguyên lý
của sự sống đã được Thánh Kinh diễn tả khá nhiều.
Trong cựu ước, ngay từ
chương đầu sách Sáng Thế đã cho thấy CTT là hơi thở Thần Khí mà TC đã thổi vào
hồn con người của Ađam. Và sự sống vạn vật được hình thành kể từ khi “Thần
Khí Chúa bay là trên mặt nước”. (St 1,2)
Trong sách 1 Xh 17,6-7, cho biết: Từ
trong tảng đá Mêriba ở Masa nơi sa mạc khô cằn đã tuôn ra dòng nước nuôi sống
dân Do Thái trên hành trình tiến về đất hứa. Tảng đá Mêriba ấy chính là hình
ảnh của Giêsu. Từ tảng đá Giêsu cũng tuôn tràn một dòng nước chính là CTT sẽ
nuôi sống cho dân Chúa vượt qua hành trình tiến về quê trời.
Còn trong
sách Edekiel 47, 1-9. 12, thì mô tả. “Tôi
đã thấy Nước từ bên phải Đền Thờ chảy ra, và Nước ấy chảy đến đâu thì tất cả
đều được cứu rỗi…”. (Ed 47, 1-9. 12). Đền Thờ đó chính là
hình ảnh của Chúa Giêsu và từ nơi Chúa Giêsu Đền Thờ Mới ấy lại tuôn tràn dòng
nước mang sự sống sung mãn đến mọi người và mọi nơi. Dòng nước
ban sự sống ấy chính là CTT.
Mừng lễ Chúa Thánh thần
hôm nay, xin cho chúng ta biết nhìn nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần
trong GH và trong đời sống mỗi người chúng ta. Xin cho chúng ta biết
khiêm tốn mở lòng đón nhận dòng nước ân thiêng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào
tâm hồn chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta được hiệp nhất với nhau trong cùng một
Thánh Thần và được tưới dội cùng một dòng nước sự sống của CTT. Nhờ
đó mà hoa trái CTT là bác ái, bình an và hoan lạc được trổ sinh trong cuộc đời
mỗi chúng ta.
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Suy niệm 1: DANH
XƯNG-BIỂU TƯỢNG-VAI TRÒ CỦA CTT
Cùng với toàn thể GH,
hôm nay chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đánh
dấu chính thức ngày khai sinh của GH, dưới sự hướng dẫn của CTT. Chính CTT là
Đấng ban tràn đầy ân sủng, sự sống và sức mạnh cho GH. Ngài cũng là tác
nhân tạo nên sự hiệp nhất, bình an và tình yêu trong lòng GH.
Hiệp dâng Thánh lễ hôm
nay, xin Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng ta, để Ngài sửa lại mọi sự trong
ngoài chúng ta. Xin CTT ban cho chúng ta biết sốnghiệp nhất với nhau trong cùng
một đức tin, đức cậy và đức mến, nhất là luôn hăng say sống và làm chứng cho
Tin Mừng tình thương cứu độ của Chúa.
1. Danh xưng:
- Chúa Thánh Thần là tên
gọi của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và
Chúa Con, cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. (khi
đọc kinh tin kính và khi làm dấu Thánh giá là chúng ta tuyên xưng uy danh ấy).
- Chúa Thánh Thần là
Đấng Bảo Trợ, là Trạng Sư mà Chúa Giêsu phục sinh hứa ban cho các môn đệ.
- Chúa Thánh Thần cũng
còn được gọi Đấng An Ủi, Thần Chân Lý (Ga 16,13), Thần Khí của Thiên Chúa (Rm
8,9; 15,19; 1Cr 6,11; 7,40), Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11), Thần Khí Vinh
Hiển (1Pr 4,14), Thần Khí của Lời hứa (Gl 3,14: Ep 1,13), Thần Khí làm cho ta nên
nghĩa tử (Rm 8,15; Gl 4,6)…
2. Biểu tượng:
Chúa Thánh Thần được
nhắc đến trong Kinh Thánh dưới nhiều biểu tượng khác nhau như: gió, hơi thở,
nước, dầu, lửa, áng mây, ánh sáng và chim bồ câu…
- Gió, hơi
thở: (Tiếng Hipri: Ruah; tiếng Hylạp: Pneuma)
nghĩa là sinh khí, sức sống mà Thiên Chúa ban để con người tham dự vào sự sống
của Người (Ds 16,22; Cv 2,2; Ga 3,8)
- Nước: có ý
nói về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy. Chúa Thánh Thần là nước
nguồn vọt ra từ cạnh sườn Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá nhằm rửa ta sạch
mọi tội lỗi và sinh ta lại làm con Chúa; trong bí tích Thánh Tẩy, Chúa Thánh
Thần thanh tẩy tội lỗi và ban lại cho ta làm con Thiên Chúa (Ga 3,5)
- Dầu: nói lên
sức mạnh đặc biệt Thiên Chúa ban, cách riêng cho những kẻ Người chọn. Việc xức
dầu rất có ý nghĩa đối với Chúa Thánh Thần, người “được xức dầu” đồng nghĩa với
được “Thánh Thần ngự đến” (Is 61,1tt; Lc 4,16tt)
- Áng mây và ánh
sáng: Hai biểu tượng này nói lên sự tỏ hiện của Chúa Thánh Thần mặc khải
về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa hằng sống và cứu độ (Ds 11,24–25;
Lc 9,28–36)
- Bàn tay: nhờ việc đặt
tay của Đức Giêsu (Mc 6,5; 8,23; 10,16; 16,18) và của các Tông đồ mà Chú Thánh
Thần được thông ban cho thụ nhân (Cv 5,12; 8,17-19; 13,3; 14,5; 19,6). Trong
khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thêm sức, vị đại diện Giáo Hội
cũng đặt tay khẩn cầu Thánh Thần xuống trên các thụ nhân.
- Chim bồ câu: Hình
ảnh chim bồ câu làm ta nhớ đến biểu tượng Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu
khi chịu phép Rửa sám hối ở sông Jođan để Người bắt đầu sứ mạng loan báo tin
mừng cứu độ. Chúa Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống và ở lại trong tâm hồn của
mọi tín hữu khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy và Thêm sức.
3. Vai trò của Chúa
Thánh Thần:
- Chúa Thánh Thần đóng
một vai trò rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển vũ trụ vạn vật. Sách
Sáng thế viết: "khi đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng
tối bao trùm vực thẳm và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước."
- Trong biến cố truyền
tin Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria thì Chúa Thánh
Thần chính là tác nhân. Tin mừng Luca khẳng định: "Thánh Thần sẽ
ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng
Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa."
- Khi Đức Giêsu chịu
phép rửa tại sông Gio-đan thì Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu
hiện đến để thông truyền cho nhân loại biết Đức Giêsu quả thật là Con yêu dấu
của Thiên Chúa.
- Đặc biệt, trong ngày
Lễ Ngũ Tuần, chính Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ
và làm cho các tông đồ nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các ngài, đồng
thời khiến các ngài đang từ những kẻ nhút nhát, sợ sệt lại trở nên những con
người can đảm, mạnh mẽ, sẵn sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
* Ngày nay, Chúa Thánh
Thần vẫn đang hoạt động trong đời sống của Giáo hội. Sự tác động của Chúa Thánh
Thần sẽ làm Giáo hội không ngừng phát triển, nhất là Người luôn luôn đồng hành
với mỗi người chúng ta. Thế nên, trước khi chúng ta bắt tay vào làm bất kỳ công
việc nào, chúng ta đều khởi đầu bằng việc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng
thời cầu xin sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để tất cả mọi việc
từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.
Như vậy, vai trò của
Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc. Hơn
thế nữa, Chúa Thánh Thần còn không ngừng thánh hóa toàn thể nhân loại. Người sẽ
thúc đẩy tâm hồn con người hành động theo sự hướng dẫn của Người để có thể đưa
nhân loại tiến vào con đường hoàn thiện trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như lời Đức Giêsu đã nói
với các môn đệ xưa về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần sau khi Ngài về với Chúa
Cha cũng là đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, nhiều khi chúng
ta quên mất vai trò của Chúa Thánh Thần, hay nói một cách khác là chúng ta bỏ
rơi Chúa Thánh Thần, chẳng quan tâm đến sự hiện hữu của Người trong cuộc đời
chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng
ta biết đón nhận Lời Chúa và mở rộng con tim để Chúa Thánh Thần đến và hoạt
động trong tâm hồn chúng ta. Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành, gìn
giữ và thánh hóa mỗi người; Ngài cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hăng say làm chứng nhân
cho Đức Kitô Phục Sinh trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người kitô hữu chúng
ta.
Suy niệm 2: THẦN
KHÍ SỰ SỐNG VÀ HIỆP NHẤT
Ngày lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong
ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi hoàn toàn các tông đồ. Sau khi đón nhận Chúa
Thánh Thần, các tông đồ đã mạnh dạn đứng lên, ra đi khắp nơi để loan báo niềm
vui tin mừng phục sinh mà không hề sợ hãi.
Mừng lễ hôm nay,
xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta, để Ngài ban ơn,
thêm sức và thúc đẩy chúng ta nhiệt tâm sống chứng nhân và thi hành sứ vụ loan
báo tin mừng cứu độ của Chúa cho hết mọi người theo gương các tông đồ
xưa.
Dịch bệnh
Covid-19 trong những năm qua đã làm cho thế giới lâm vào cảnh bi thương,
bởi nó đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người, khiến cho hàng
tỷ người phải cách ly xã hội. Có thể nói Covid-19 gây nên cái chết và sự cách
ly, nhưng Thần Khí thì ngược lại, Ngài luôn tạo nên sự sống và tình hiệp nhất.
1. CTT, ĐẤNG BAN
SỰ SỐNG.
Có lẽ cuộc sống ngày nay
điều quan trọng nhất hình như không phải cơm áo gạo tiền, mà khí thở mới
là điều chính yếu nhất. Có đủ khí thở mới giúp con người có được sự sống.
Không có khí thở thì con người phải chết.
Mà khí
thở không do nhân loại tạo ra. Con người dù tài giỏi mấy cũng không thể
nào tạo ra được khí thở. Chỉ duy mình TC mới là Đấng tạo ra
và ban phát khí thở cho muôn loài. Vì thế mà Thánh Kinh thường sánh ví
Chúa Thánh Thần là hơi thở. Đúng vậy, Ngài chính là Đấng ban sự sống cho muôn vật
muôn loài, như lời Thánh vịnh đáp ca diễn tả: “Ngài lấy sinh
khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi
tới, là chúng được dựng nên.”
Vì vậy, khi Chúa Giêsu
Phục sinh hiện đến với các môn đệ trong căn phòng đóng kín vì sợ người Do
Thái, Ngài đã thổi hơi trên các môn đệ để trao ban sự sống thần
linh. Nhờ đó mà các môn đệ có được sự sống mới, sự sống thần linh do CTT ban
tặng khác xa sự sống thể chất của các con vật.
2. CTT, ĐẤNG KIẾN TẠO SỰ
HIỆP NHẤT.
Các bài Sách Thánh Lễ
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống diễn tả tuyệt vời về sự hiệp nhất. Sách Công vụ Tông
Đồ kể chuyện các môn đệ nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng lạ lùng là mọi người
đều hiểu nhau. Thánh Phao-lô khẳng định: dù chúng ta có nhiều đặc sủng, nhiều
hoạt động, nhiều phục vụ khác nhau, thì tất cả vẫn hiệp thông gắn bó với nhau
như các chi thể làm nên một thân thể nhờ Thần Khí duy nhất; tất cả vì ích chung
chứ không tìm lợi riêng cho riêng mình. Nhờ thần khí hiệp nhất mà mọi người dù
khác biệt lại không xung khắc, nhưng ăn khớp với nhau. Khác mà không khắc, khác
mà khớp với nhau. Như vậy chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo nên
tình hiệp nhất, tựa như các chi thể trong cùng một thân thể.
Mặc dầu không ai nhìn
thấy Chúa Thánh Thần như thế nào, sách thánh cũng chỉ dùng những biểu tượng để
diễn tả. Nhưng những hoạt động của CTT thì ta có thể nhận ra. Để nhận ra sự
hiện diện của CTT, ta hãy dựa vào thư gửi tín hữu Galata của thánh Phao-lô
tông đồ, ngài đã liệt kê cụ thể các “hoa trái” của Chúa Thánh Thần như
sau: “Tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện,
trung tín, hiền hoà, tự chủ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.” (Gal
5, 22-23).
Trong những hoa trái kể
trên, ta còn nhận thấy hoa trái của sự sống và tình hiệp nhất trong vũ trụ và
trong đời sống nhân loại đều do CTT tác động, đó là điều mà phụng vụ lời Chúa
hôm nay xác tín.
Xin cho chúng ta biết mở
lòng đón nhận CTT vào tâm hồn, để Ngài thông ban cho ta sự sống
mới, thúc đẩy ta tích cực hơn trong việc dấn thân xây dựng xã hội và
GH mỗi ngày nên phong phú và thiện hảo hơn. (St)
Suy niệm 3: VAI TRÒ HIỆP NHẤT CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Một câu chuyện biến ngôn kể rằng:
Vào một buổi sáng mùa hè, trời quang mây tạnh,
các sinh vật trong một khu rừng tranh luận với nhau về ý nghĩa đời sống.
Họa mi mở đầu, lên tiếng nói: Đối với tôi,
cuộc sống chỉ là ca hát, có thế thôi. Nói rồi nó ngẩng cao cổ, tung lên bầu trời
xanh một giọng hát trong trẻo tuyệt diệu.
Nghe thế, chuột chũi liền lẩm bẩm: Cuộc sống
không phải là ca hát, nhưng cuộc sống là phải liên tục đấu tranh trong hầm tối.
Một chị bướm ngắt lời: Như vậy thì thật vô
lý. Với tôi cuộc sống phải là thỏa thích vui chơi bay lượn.
Đến lượt con ong lên tiếng: Chị bướm ơi, chị
lầm rồi. Đời sống không phải là vui chơi bay lượn, nhưng là chăm chỉ làm việc.
Nghe thế, một chú kiến vênh râu, tỏ ý tán
thành quan điểm của con ong.
Bỗng một con phượng hoàng từ trời nói vọng
xuống: Tất cả các chú không ai nói đúng cả. Theo ý tôi thì cuộc sống chỉ có ý
nghĩa nhất khi ta tự do bay cao trên mây xanh.
Tới đây, thì tất các cây trong rừng đều nhao
nhao lên tiếng tham gia vào cuộc tranh luận:
Một cây thông cao vút, cành lá reo vui trong
gió, dưới ánh bình minh, lên tiếng khen ý kiến của con phượng hoàng là đúng: Đời
sống là vươn mình lên không trung, coi thường những cái nhỏ nhen sà sà ở mặt đất.
Cây bìm leo liền phản đối và đồng tình với
chị kiến, chú ong: Đời sống là cần lao phấn đấu.
Cây hoa hồng và huệ trắng thì đứng về phe cô
bướm, đồng thanh nói: Đời sống chỉ là vui chơi bay lượn.
Lúc ấy, một đám mây bay qua, buông rơi mấy hạt
mưa xuống đám sinh thực vật, rồi phát biểu: Đời sống chỉ là giọt lệ cay đắng và
nước mắt.
Một dòng suối chảy ngang qua đó cũng xen vào
một câu: Đời sống chỉ là mau qua biến chuyển không ngừng.
Trong lúc cuộc tranh luận về ý nghĩa đời sống
lên tới đỉnh điểm, thì chuông nhà thờ ngân vang lên tiếng báo hiệu mừng lễ Hiện
Xuống làm cho cuộc tranh luận đang sôi nổi bỗng im bặt. Tất cả đều nhất trí rằng
câu trả lời đúng nhất về ý nghĩa đời sống là: sự bình an, vui mừng, sức mạnh và
hòa hợp trong Chúa Thánh Thần.
Đây chỉ là
một câu chuyện biến ngôn, không có thực, nhưng nói lên sự thực này là Chúa
Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng, vai trò chính yếu trong việc điều hòa
vũ trụ vạn vật nói chung và loài người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần thì
mọi sự sẽ hỗn độn, mọi loài sẽ bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau.
- Bài đọc 1 sách Công vụ Tông Đồ đã diễn tả tuyệt vời về ý tưởng ấy. “Trong ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các
môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh
thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng
lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn
đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho
họ nói. Khi ấy tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước
dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ
ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình”.
Thật lạ lùng, mặc dù các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình
do CTT ban, nhưng loại ngôn ngữ ấy mọi người khắp nơi đều nghe và hiểu được.
- Bài đọc 2, trích thư thứ nhất gửi cho tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô
cũng đã xác quyết: mặc dầu có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều hoạt động khác
nhau, nhiều phương cách phục vụ khác nhau… nhưng tất cả đều hiệp nhất với nhau.
Sự hiệp nhất ấy có được là nhờ tác động của Thần Khí. Nhờ thần khí hiệp nhất mà
mọi người dù khác biệt lại không xung khắc, nhưng ăn khớp với nhau. Khác mà
không khắc, khác mà khớp với nhau. Như vậy chính Chúa Thánh Thần là
nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất, tựa như các chi thể
trong cùng một thân thể vậy, tất cả chỉ vì lợi ích chung.
Mặc
dầu không ai nhìn thấy Chúa Thánh Thần như thế nào, sách thánh cũng chỉ dùng
những biểu tượng để diễn tả. Nhưng những hoạt động của CTT thì đa dạng, chúng
ta có thể nhận ra. Để nhận ra sự hiện diện của CTT, ta hãy dựa vào lời của
thánh Phaolô tông đồ trong lá thư gửi tín hữu Galata. Ngài đã liệt kê cụ thể
các “hoa trái” của Chúa Thánh Thần là: “Tình yêu, hoan lạc, bình an,
nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ. Không có luật nào
chống lại những điều như thế.” (Gal 5, 22-23). Ngoài những hoa trái ấy,
chúng ta còn nhận thấy thêm hai loại hoa trái đặc biệt khác mà phụng vụ lời
Chúa hôm nay đề cập đến, đó là: sự sống và tình hiệp nhất do chính CTT ban tặng.
Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh
hoạt xã hội, chúng ta đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, hiềm
khích. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, nghi kị. Nhưng hãy nói với
nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ
của tình yêu chính là ngôn ngữ tạo nên sự hiệp nhất. Khi nói loại ngôn ngữ ấy
thì bất cứ ai cũng có thể hiểu được.
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay,
Giáo Hội còn nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời
sống đạo của mình. Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim
chúng ta biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình Chúa, cũng như tích
cực cộng tác với Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống mình mỗi ngày nên tốt lành
và thánh thiện hơn, nhờ đó ta mới có thể làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa
cách hiệu quả. Amen.
Suy niệm 4:
Hôm nay là một ngày đặc
biệt. Phụng vụ Lời Chúa nói nhiều đến Chúa Thánh Thần. Có lẽ trong Ba Ngôi
Thiên Chúa, Thánh Thần là Đấng thường bị quên lãng, ít được biết đến. Nói về
Chúa Thánh Thần là một điều khó khăn hơn so với Ngôi Cha và Ngôi Con. Vì Người
là Đấng thiêng liêng sáng láng vô cùng, một khuôn mặt bí nhiệm và ẩn giấu nhất
trong Thiên Chúa. Để giúp chúng ta hiểu một chút gì đó về Người, tôi mời gọi cộng
đoàn cùng suy niệm xem Người là ai? và có
vai trò gì với các môn đệ và của mỗi người chúng ta?
1. Chúa Thánh Thần là
ai? Như chúng ta biết, mạc khải về Chúa Thánh Thần là một
mạc khải tiệm tiến.
- Trong Cựu Ước,
Thánh Thần được đề cập đến rất nhiều lần qua các hình ảnh như: hơi thở, gió, nước,
lửa…, nhưng chưa được quan niệm như một Ngôi Vị Thiên Chúa, chỉ mô tả là một
hành động, một sức mạnh, là nguyên lý, hay sự sống đến từ Thiên Chúa. Bởi vì, Cựu
Ước chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất, niềm tin độc thần. Phải đợi đến mạc khải
Tân Ước, chúng ta mới biết rõ hơn về Người.
- Khi Chúa Giêsu đến,
Ngài mạc khải cho chúng ta biết về sự mới
mẻ của mầu nhiệm Thiên Chúa. Theo đó, Thiên Chúa không phải là một ngôi vị đơn
độc, nhưng là một Thiên Chúa có Ba Ngôi, một cộng đoàn: Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần hiệp nhất và yêu thương mật thiết với nhau.
Trong Tin Mừng Gioan,
Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về ngôi vị tính và thần tính của Chúa Thánh Thần
qua danh hiệu Đấng Bảo Trợ (Paracletus): “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh
em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha” (Ga 15,26).
Ở đây, Chúa Giêsu mạc
khải cho chúng ta biết: Chúa Thánh Thần không phải là một hành động, nhưng là một
chủ thể, không phải là một cái gì, nhưng là một ngôi vị, không phải là một thụ
tạo, như một số lạc giáo chủ trương, nhưng là Tạo Hóa. Người phát xuất từ Chúa
Cha, nên Người ngang hàng với Chúa Cha và Chúa Con. Người là Thiên Chúa Ngôi
Ba. Vì thế, chúng ta phải phụng thờ và tôn vinh Người như là Thiên Chúa cùng với
Chúa Cha và Chúa Con. Đó là niềm tin mà Giáo Hội tuyên xưng qua hàng thế kỷ, với
phán quyết của Công Đồng Constantinople I (431) định tín: “Chúng
tôi tin Chúa Thánh Thần là Đức Chúa và là Đấng Ban Sự Sống.” (Kinh Tin
Kính)
2. Vậy Người có vai
trò gì đối với các môn đệ và mỗi người chúng ta?
* Với các môn đệ: Người được sai đến với tư cách là Đấng
Bảo Trợ khác, Thánh Thần đóng vai trò thay thế cho Chúa Kitô, để hướng dẫn, bảo
vệ và đồng hành với các môn đệ trong cuộc sống mỗi ngày. Trong
bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết những việc cụ thể Người làm:
“Thầy còn
nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi
nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ
không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại
và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.” (Ga 16,12-13).
Quả thật, Chúa Thánh
Thần đến không thực hiện một chương trình cứu độ khác, nhưng Người tiếp tục và
hoàn tất công trình cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện.
Thánh Thần nhắc lại
cho các môn đệ nhớ lại những gì Chúa Kitô đã dạy, và soi sáng cho họ hiểu được
những lời nói và việc làm của Chúa Kitô. Người hướng dẫn họ đến với Chúa Kitô là
đường, là sự thật và là sự sống.
Bằng chứng rõ ràng là
mặc dù trước đó các môn đệ sống gần gũi bên Chúa Giêsu, diện đối diện với Người,
nhưng họ chưa nhận biết Người là ai, vì họ chưa đón nhận sự soi sáng của Chúa
Thánh Thần. Sau khi Chúa chết, các môn đệ đều thất vọng, hoang mang và sợ sệt,
luôn nhốt mình ở trong phòng kín, nhưng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ can
đảm ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, nói được các tiếng lạ, chữa lành các bệnh
tật và trừ quỷ.
* Với mỗi người chúng ta: - Đức Chúa
Thánh Thần làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội trở nên một, như Đức
Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng nó nên một.”
- Đức Chúa
Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Ngài đến để làm cho Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su
được trở nên thánh thiện, dù rằng, Giáo Hội đang trên đường đi về Nước Trời vẫn
còn đó những người tội lỗi.
- Đức Chúa
Thánh Thần đến, chính Ngài sẽ sai phái các sứ giả ra đi khắp thiên hạ, để làm
cho mọi người tin và trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su.
- Đức Chúa
Thánh Thần là thầy dạy chân lý, chính Ngài đã làm cho chúng ta hiểu rõ lời của
Đức Chúa Giê-su dạy bảo.
- Đức Chúa Thánh Thần đã ban tràn đầy ân
sủng trên mỗi người chúng ta qua việc lãnh nhận bảy hồng ân cao quý trong ngày
lãnh nhận bí tích Thêm sức, để nhờ đó chúng ta đủ khả năng làm chứng cho Chúa
Giê-su, đủ khả năng chiến đấu với tội lỗi, và đủ khả năng để làm cho người khác
trở thành môn đệ của Ngài.
3. Để cho Chúa Thánh
Thần hướng dẫn
Chúa Thánh Thần là
quà tặng của Đấng Phục Sinh ban cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta, như là
Đấng Bảo Trợ. Người không phải là Thiên Chúa ở trên, nhưng là Thiên Chúa ở
trong chúng ta. Người ngự trong lòng mỗi người chúng ta vì chúng ta là đền thờ
của Người. Người hiện diện và đồng hành với mỗi người chúng ta để ban sức sống,
soi sáng và hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn là Chúa Kitô. Để được Người
hướng dẫn, tôi mời gọi chúng ta thực hành ba việc sau đây:
1. Mỗi ngày chúng ta
hãy nhớ đến Người, ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Người, nhất là hãy
nhạy bén với hoạt động của Chúa Thánh Thần, và để cho Người hướng dẫn chúng ta
qua ước muốn, suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta.
2. Trước khi làm gì,
chúng ta hãy cầu nguyện xin Người hướng dẫn và soi sáng cho chúng ta.
3. Mỗi sáng thức dậy,
chúng ta hãy nhớ ngay đến Chúa Thánh Thần và thầm nguyện với Người, xin Người
là Đấng Bảo Trợ của con trong ngày mới. Amen (St)
Thứ hai: St
3,9-15.20; Ga 19,25-34
Lễ kính
Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh
Theo lịch phụng vụ, hàng
năm ngay sau khi mừng kính trọng thể lễ CTT hiện xuống, GH liền mừng lễ (lễ nhớ
buộc) Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh. Qua đó, GH cho thấy, nếu CTT là Đấng
khai sinh và hướng dẫn GH, thì Đức Maria là Đấng đồng hành, đỡ nâng GH.
Trong năm phụng vụ, GH
mừng kính nhiều tước vị Đức Maria: Mẹ TC, Hồn Xác Lên, Vô Nhiễm Nguyên Tội...và
hôm nay là mừng lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh.
Lễ này được Đức Chân
Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI công bố trước các nghị phụ vào ngày 21/11/1964, sau
khi bế mạc kỳ họp thứ III của công đồng Vatican II, với lời xác quyết: “Mẹ
của HT, nghĩa là Mẹ của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những
người vẫn gọi Mẹ là Mẹ vô cùng nhân ái.”
Lời xác quyết trên
của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phao-lô VI đặt trên nền tảng vững
chắc của Thánh Kinh Và truyền thống GH.
- Trong truyền
thống GH, ngay từ buổi ban đầu, người tín hữu luôn có lòng sùng
kính Đức Maria. Nên việc cử hành này sẽ làm phong phú và tăng
trưởng thêm đời sống Kitô hữu: “ Toàn dân Kitô giáo xưa nay đã tôn
kính Thánh Mẫu TC bằng danh hiệu rất ngọt ngào này, thì nay còn phải tôn kính
hơn nữa.” (ĐTC Phao-lô VI)
- Nền tảng Thánh
Kinh cho biết: Đức Maria đã được
TC tuyển chọn để cưu mang, hạ sinh và nuôi dưỡng Đức
Giêsu, Ngôi Hai TC làm người. Do Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu là đầu
HT, nên Đức Maria phải xứng danh là Mẹ HT.
- Tin mừng hôm nay,
thánh Gioan cho biết: Dưới chân thập giá, trước khi trút hơi thở cuối
cùng, Chúa Giêsu đã trối thánh Gioan làm con Đức Maria và Đức
Maria làm mẹ của thánh Gioan; mà thánh Gioan được hiểu
là đại biểu của HT. Qua đó, Chúa Giêsu muốn GH đón nhận Đức Maria là
Mẹ và muốn Đức Maria nhận HT làm con Mẹ.
- Sách Cvtđ tường
thuật lại những hoạt động của HT những ngày đầu, luôn có Mẹ
Maria hiện diện bên cạnh các môn đệ để hiệp thông, an ủi,
khích lệ và cầu nguyện cùng các ngài. Nhờ đó mà HT non trẻ của Chúa
vượt thắng được mọi gian lao thử thách và không ngừng tiến triển.
- Kinh nghiệm cho
thấy không có người mẹ nào quên con mình. Vì thế ta tin chắc Mẹ
Maria sẽ không bao giờ bỏ rơi còn cái Mẹ trong HT, nhất là trong cơn gian nan
thử thách. Vì lẽ đó, một mặt chúng ta phải tỏ lòng hiếu kính Đức
Mẹ, bằng cách thực hiện điều Chúa Giêsu chỉ dạy như lời mẹ
căn dặn các gia nhân nơi tiệc cưới Cana:“Người bảo sao cứ làm vậy.” (Ga
2,5) Nhất là luôn tuân giữ lệnh truyền của Mẹ khi hiện ra ở
Fatima: “ăn năn đền tội cải thiện đời sống, tôn sùng mẫu tâm, siêng năng
lần chuỗi Mân côi.’
- Nguyện xin
Chúa nhờ lời chuyển cầu rất thế giá của Mẹ Maria bên tòa Chúa,
ban cho HT luôn được bình an, yêu thương hiệp nhất và kiên
vững niềm tin.
Xin Chúa chúc lành
cho GH và cho mỗi người chúng ta. Amen.
Thứ hai thường niên: Mc
10,17-27
Có lẽ thao thức và khát
vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì
phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta biết được điều đó.
Trong sách Giáo lý
công giáo thường được chia thành 4 phần: giữ- xin- tin- chịu.
Tín lý (những điều phải
tin).
Luân lý (những điều phải
giữ).
Bí tích (những điều phải
chịu).
Kinh nguyện (những điều
phải xin).
Nhưng hình như những
người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tín ngưỡng chỉ chú
trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin,
cho nên xảy ra những điều sai lạc trong luân lý.
Ngày hôm nay, nền luân
lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh
học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt
đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó
chưa tốt.
Ví dụ: Con người không
thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó mà đi cướp bóc của cải
người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục
đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng
đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi.
Lý do, vì chính Chúa là
nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền
quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự
sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài
tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an
lòng.
Giữ luật lệ chính chắn
cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời. Chính vì
mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức.
Để đạt được mục đích tốt
thì cần phải xử dụng phương tiện tốt. Nhưng anh ta cứ tưởng giữ tốt các luật lệ
và bám vào của cải là cách đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ
những phương tiện đó không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu
chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình
Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên
một với Chúa, ở trong Chúa thì là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu
chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ
là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện tình
yêu Chúa, yêu người. Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ
không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “ hãy bán tấ cả …mà theo
Ta”. Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt
những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo
là để được hạnh phúc nước trời, xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình
yêu với niềm tin tưởng phó thác; cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em
chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời
này và cả đời sau . Amen
Thứ ba: Mc 10, 28-31
Con đường dẫn đến hạnh
phúc quê trời không phải thoải mái, nhẹ nhàng nhưng đầy dẫy những chông
gai và thử thách, đòi hỏi ta phải nỗ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con
đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái
lại con đường ấy rất dài, đòi buộc ta phải kiên trì bước đi trong sự thiện hảo từng giây
phút trong suốt cả cuộc đời.
Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng và chạy theo nhu cầu hưởng thụ vật
chất nên người ta có thể dùng mọi hình thức để sinh lợi bất kể việc
làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính.
Một học sinh chấp nhận bỏ nhiều thời
giờ, sức khoẻ, tiền của, tổn hao tâm trí …để tập trung vào việc học tập, tất cả chỉ vì mong muốn sau này mình
có được một việc làm ổn định, lương cao, hưởng thụ một đời sống thoải mái.
Một người nông dân cũng vậy, suốt
năm tháng vất vả gieo trồng với hy vọng duy nhất là được mùa vụ được bội thu, bán được giá, lợi nhuận kinh tế
cao để có cuộc sống thoải mái hơn.
Với người buôn bán thì ai cũng mong sao mua may bán đắt, lời càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung khi làm bất
cứ việc gì nghề gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời.
Với suy nghĩ rất con
người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “Chúng con bỏ mọi sự
mà theo Thầy ?”, với ý là con đã bỏ tất cả để theo Chúa thì con có lợi gì?
Sau khi đưa ra một loạt
những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ
trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự
sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở
đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng là những giá trị khác quý giá gấp trăm lần những gì mà các tông đồ từ bỏ để theo Chúa.
Ví dụ: Những người hiến
thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ
lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em
cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương
chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng
ta nữa.
Nhất là phần thưởng sự
sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể
đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói: “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này,
Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại hay chểnh mảng trong ơn gọi và sứ vụ của mình được Chúa trao phó, nhưng
phải luôn ý thức cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Lạy Chúa, ở đời tốt xấu
trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ đây họ lại
ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước
đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho
chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa
đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, hy
sinh đi theo Chúa, với lòng tin tưởng và yêu mến.
Thứ tư: Lc 1,39-56
ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ
ELIZABETH
Sự kiện Đức Maria ra đi
thăm viếng bà Elizabeth để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá.
1. Bài học từ bỏ và hy
sinh
Khi chấp nhận ra đi thăm
viếng bà chị họ Elizebeth là Đức Maria đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ:
- Bỏ mái ấm gia đình với những gì đang có, như sự yên
hàn, những tiện nghi, dẫu là tiện nghi tối thiểu.
-
Bỏ lại những công việc gia đình hàng ngày và những thói quen nhỏ nhặt.
- Bỏ
những bận tâm lo lắng cho bản thân và gia đình mình.
Từ
bỏ những gì quen thuộc với mình là điều rất khó. Thế nhưng, nếu không dám từ bỏ
thì không thể lên đường.
Sự
cất bước lên lên đường của Đức Maria cần phải hy sinh.
- Hy
sinh chổ ở thân quen, chổ nằm êm ấm cho dẫu là nhà tre vách lá, chiếu rách
giường xiêu.
- Hy
sinh mang lấy hành trang nặng nề trên vai gầy và tiến bước nặng nhọc đang lúc
lòng mang dạ chữa.
- Hy
sinh chịu gian lao thử thách để băng qua những vùng đồi núi, sa mạc, giữa bầu
trời nắng gắt với bao là hiểm trở, đói khát dọc đường.
Đến
với những nơi phồn hoa phố thị, vào với những biệt thự sang trọng, gặp gỡ những
đại gia, được đón tiếp nồng hậu, được thết đãi bởi những bữa ăn cao lương mỹ vị
đã là một hy sinh; huống chi ra đi đến những nơi đèo dốc hiểm trở, vào ở trong
ngôi nhà nghèo nàn như nhà của Giacaria có lẽ chẳng ai muốn bao giờ. Hơn nữa
đến viếng thăm gia đình của Giacaria chẳng được phục vụ chu đáo, trái lại Đức
Maria còn phải lo lắng chăm sóc cho bà chủ nhà trong lúc sắp sinh nở quả là một
hy sinh lớn lao.
Nhưng
điều mà con người không muốn ấy, thì Đức Maria lại thực hiện cách vội
vàng "vội vả lên đường".
Động
lực nào đã thúc đẩy Đức Maria ra đi thăm viếng bà Elizabeth? Nếu không phải là
động lực của tình yêu. Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng
từ bỏ, chấp nhận hy sinh để ra đi thăm viếng và giúp đỡ người chị họ mình trong
lúc khó khăn. Chính tình yêu thúc bách Đức Maria ra đi để chia sẻ niềm vui. Vui
vì đang cưu mang Đấng Cứu Thế. Niềm vui ấy mong muốn được chia sẻ cùng người
chị họ và cho gia đình Giacaria. Vui vì "có Chúa ở cùng".
2.
Bài học của yêu thương phục vụ.
Không chỉ đơn thuần thăm
viếng để chia sẻ niềm vui, Mẹ còn chấp nhận hy sinh thời giờ và công việc gia
đình để ở lại với người chị họ, không phải một giờ hai giờ, một ngày hai ngày
mà là suốt 3 tháng.
Ở lại không phải để được
phục vụ, để sống trong cảnh nệm êm chăn ấm nhưng để giúp đỡ người chị họ đang
mang thai và sinh con trong lúc tuổi già. Đức Maria "đến để phục
vụ chứ không phải được phục vụ".
Ngày nay, thời đại văn
minh, tiến bộ con người không còn nhiều thời gian thăm viếng nhau. Có chăng
người ta chỉ thăm nhau bằng một cú điện thoại hay vài hàng chữ qua Emai, họa
hiếm lắm người ta mới đến với nhau với tính cách xã giao, hời hợt.
Giữa cuộc sống bộn bề lo
toan cơm áo gạo tiền, vất vả nhọc nhằn, việc đến thăm nhau chân tình là điều
rất quý. Nhất là thăm viếng mục vụ lại là việc làm cao quý biết bao.
Thăm viếng một bệnh nhân
để lắng nghe họ tâm sự cũng là góp phần chữa lành họ. Có mặt bên cạnh một một
gia đình đang gặp chuyện bất hoà để chia sẻ nỗi niềm của họ cũng là góp phần
hàn gắn gia đình họ trước nguy cơ rạn vỡ; thăm viếng những gia đình ngụi lạnh
trong đạo thánh để hâm nóng lại tình yêu Chúa, cần thiết lắm thay! Thăm viếng
những gia đình nghèo khổ, những bệnh nhân già yếu để chia sẻ, an ủi, động viên
và cũng cố đức tin là nhiệm vụ hết sức quan trọng của đời kitô hữu....
Dĩ nhiên để làm được
điều đó cần phải "có Chúa ở cùng", nhất là dám chấp nhận
hy sinh từ bỏ, cũng như ý thức sống tinh thần phục vụ yêu thương chân thành
theo gương Mẹ Maria. Xin Mẹ thương giúp chúng con!
Thứ tư thường niên: Mc
10, 32-45
Danh dự con người không
hệ tại ở chức cao quyền trọng, làm lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại ở lòng khiêm tốn
phục vụ lợi ích cho tha nhân. Đó là sứ điệp lời Chúa muốn gửi đến chúng ta qua
bài tin mừng hôm nay .
Kiêu ngạo là tự cho
mình hơn người, coi thường những người khác.
Ai cũng yêu mến người
khiêm nhường và xem thường người kiêu ngạo, bởi lẽ hơn người thì kiêu mà kém
người thì ghen. Đó là tâm lý của nhiều người. Các môn đệ Chúa Giêsu, dù
lâu nay theo Chúa, được dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn
còn mang nặng tính kiêu ngạo.
- Vì kiêu ngạo mà các
ông đã không ngần ngại tranh giành chức quyền, đang lúc Chúa Giêsu loan báo về
cuộc khổ nạn của Người.
- Vì kiêu ngạo muốn hơn
người, nên hai ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho mỗi ông được ngồi bên
hữu bên tả Chúa; nghĩa là muốn được địa vị cao, có vinh dự, được làm lớn và
muốn người ta phục vụ mình trong nước của Chúa, khi Ngài lên làm vua Dân
Do Thái.
- Cũng vì kiêu ngạo mà
những môn đệ khác sinh lòng ghen tị, khó chịu khi hai ông Giacôbê và Gioan xin
được ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Phấn đấu để được hiểu
biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người,
cho xã hội và Giáo Hội là việc nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu mọi
người, để thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt
mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Cũng đáng
khiển trách đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành
hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận…vì đó cũng
chính là những kẻ kiêu ngạo. Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa là thế, tự
cao tự đại, ham mê chức quyền, say mê danh vọng... cũng vẫn ích kỉ hẹp
hòi, ghen tị muốn hơn thua với nhau. Tất cả xuất phát từ tính kiêu
ngạo. Mà hậu quả của kiệu ngạo là không thể lường.
Theo Kinh Thánh, thiên
thần Luxiphe phản nghịch muốn có quyền năng bằng Đức Chúa Trời nên bị Ngài
nguyền rủa và đày xuống hỏa ngục thành satan. Adam và Eva khi nghe lời cám
dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm cũng là để có được sự tinh khôn và giống Thiên
Chúa biết cả tốt xấu, hậu quả là đánh mất hạnh phúc thiêng đàng. Người
kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người
khác; ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay; họ không thấy trời cao đất
rộng, nhưng như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Lạy chúa, kiêu ngạo và
ghen tị là hai tật xấu cản trở sự phát triển đời sống chúng con về mọi phương
diện. Xin cho chúng con ý thức loại bỏ hai tật xấu này để sống hoà hợp, vui vẻ,
và sẵn sàng cộng tác với nhau. Đừng để con kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng
đừng để con phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.
Thứ năm: Hc 42,15-25; Mc
10,46-52
Nhớ thánh Giút-ti-nô, tử
đạo
Tin mừng hôm nay trình thuật
lại phép lạ Chúa Giêsu chữa đôi mắt mù loà của anh chàng Bar-ti-mê được sáng nhờ vào lời kêu xin tha thiết của anh ta: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít. Xin dủ
lòng thương tôi” và “xin cho tôi được sáng”.
Chúng ta cũng hãy bắt chước
anh mù này, tha thiết kêu xin Chúa chữa lành đôi mắt tâm hồn của ta, để ta nhận ra Chúa là cứu Chúa của ta, nhận ra mọi người là
anh em, nhất là nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ bất hạnh.
Anh mù được tin mừng thánh Mar-cô trình thuật hôm nay rất đổi quen
thuộc. Tên anh ta là Bác-ti-mê, con của ông Ti-mê, hàng ngày anh thường ăn xin gần thành Giê-ri-cô, cho nên chẳng xa lạ gì với mọi người trong vùng đó.
Số phận người mù thường được gắn liền với nghề ăn xin, nghĩa là mang kiếp cầm ca. Mà đã mang kiếp cầm ca xin thì chẳng ai muốn đến gần vì ai cũng sợ phiền phức. Cho dẫu người mù có tài hát rong thì cũng chẳng ai muốn nhìn và để ý lắng nghe.
Nhưng người đời thường
nói “có tật có tài”. Dù cho mọi người có xa tránh và làm ngơ, nhưng anh ta
biết vẫn có Đức Giêsu yêu thương và quan tâm đến anh. Bởi lẽ bằng con mắt tâm hồn anh ta nhạy bén nhận
ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần ngại
lớn tiếng kêu vang Người. “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng thương
tôi”. Bằng trực giác nhạy bén, anh ta đã nhận ra quyền năng chữa lành của Đức Giêsu, cho nên dù bị cản ngăn, cấm đoán anh vẫn kêu xin thiết tha.
Thật tinh tường,
anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần gian chẳng ai
có; đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta không hề xin Người tiền bạc, cơm gạo,
bánh trái như mọi ngày, trái lại anh ta xin cho được sáng mắt : “xin
cho tôi được sáng”.
Nhờ nỗ lực cảm nhận thế
giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nỗ lực hết sức
mình để thực hiện điều cảm nhận đó, anh ta đã được Chúa đáp lời, bằng việc làm phép lạ cho anh ta
được sáng mắt như lòng nguyện ước.
Hằng ngày các môn
đệ và đàm đông dân chúng theo Đức Giêsu vẫn thấy, vẫn nghe những lời Ngài nói, những việc Ngài làm nhưng vì mơ tưởng đến chức cao quyền trọng, ăn sung mặc sướng nên đôi mắt họ đã bị
che mờ bởi những tham vọng, không còn khà năng nhận ra sứ mạng Mes-si-a nơi Chúa Giêsu.
Đôi mắt được ví là cửa sồ tâm hồn, chúng ta cảm ơn Chúa đã ban cho ta
có được đôi mắt thể lý sáng ngời để nhìn đời và để làm duyên. Xin Chúa cũng gìn giữ đôi mắt tâm hồn chúng ta luôn ngời sáng để đừng bao giờ ta nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt
(mang hình viên đạn) vô tình, hửng hờ và khinh khi như đám đông và các môn
đệ mà luôn biết nhìn đời bằng ánh mắt cảm thông, yêu mến chân tình.
Xin Chúa ban cho ta cũng
có được ánh sáng của niềm tin để đừng bao giờ hành xử vô duyên đối với nhau,
nhất là đối với những người thiếu may mắn hơn mình bằng những hành vi ngăn cản,
cấm đoán như đám dân xưa. Trái lại, xin cho chúng ta có những hành động thật
đẹp, bằng những việc làm bác ái, bằng những hy sinh phục vụ quên mình khi anh
chị em cần đến chúng ta. Nhất là đừng bao giờ có thái độ và hành vi ngăn cản
những người yếu đuối, sa ngã đến với Chúa.
Thứ sáu: Mc 11,11-26
Tin mừng hôm nay trình
thuật lại hai câu chuyện rất khác nhau.
Chuyện thứ nhất: Chúa Giêsu
nguyền rủa cây vả tươi tốt cho đến chết khô vì không sinh hoa trái.
Chuyện thứ hai: Chúa
Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ, xô đổ bàn ghế của những người
đổi tiền và không cho phép bất cứ ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ.
Cả hai câu chuyện trên
xem ra không có liên hệ gì đến nhau và không ăn sam với nhau. Tuy nhiên, qua
hai câu chuyện ấy, Chúa Giêsu muốn lên án mạnh mẽ những người có lối sống giả
hình và say mê tiền của.
Thật vậy, nhiều lần Chúa
đã dùng những lời lẽ cứng rắn để lên án lối sống giả hình của những người
Pha-ri-sêu và tham tiền của giới lãnh đạo Do Thái giáo. Đời sống của họ chẳng
khác gì cây vả. Bên ngoài trông rất tốt đẹp, nhưng tâm hồn họ thì trống rỗng,
kiêu ngạo và gian ác. Lòng họ thì ích kỷ và tham lam. Vì tiền bạc, họ sẵn sàng
bán bổ thần thánh, chà đạp lên chốn linh thiêng, nhẫn tâm biến đền thánh thành
nơi chợ búa hôi tanh, bẩn thỉu và ồn ào.
Chắn chắn không ai trong
chúng ta muốn làm phiền lòng Chúa để bị Chúa nguyền rủa như những người
Pha-ri-sêu và giới lãnh đạo Do Thái giáo xưa kia. Trái lại, chúng ta muốn làm vui
lòng Chúa và được Chúa chúc lành. Vậy chúng ta phải luôn đặt trọn niềm tin
tưởng phó thác vào Chúa; biết gắn bó mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu
nguyện; nhất là sẵn sàng tha thứ cho nhau, như chính Chúa đã tha thứ cho chúng
ta.
Thứ bảy: Hc 51,12-20; Mc
11,27-33
Nhớ thánh Ca-rô-lô
Loan-ga và các bạn tử đạo
Trong cuộc sống ngày
nay, việc nhận ra được chân lý đã là khó, nói chi sống theo chân lý quả là
không dễ chút nào. Xin Chúa cho chúng ta có được đôi tai sâu lắng như Đức
Maria, để chúng ta cũng có thể nhận ra lời chân lý từ Chúa. Và xin cho chúng ta
có được sức mạnh nội tâm như Đức Maria, để can đảm sống theo lời chân lý của
Chúa dạy.
Khi thấy đời sống độc
thân-khiết tịnh của các linh mục, anh em ngoài tôn giáo hay thắc mắc và đặt câu
hỏi: Làm sao các vị ấy có thể sống khiết tịnh được?
Nếu là người có thiện
chí, thì lời giải thích của ta sẽ làm cho họ hiểu và dễ chấp nhận. Ngược lại,
họ hỏi để đã kích, bôi nhọ, hạ bệ thì dù cho giải thích thề nào đi nữa thì họ
cũng không muốn hiểu.
Sau khi Chúa đánh đuổi
những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi đền thờ. Các thượng tế, kinh sư và đầu
mục thấy khó chịu muốn nhổ bỏ cái gai Giêsu ra khỏi mắt họ. Chính vì thế họ họp
lại với nhau, bàn luận cách thế để hạ bệ Đức Giêsu. Sau cuộc hội thảo, họ
tóm kết lại thành hai câu hỏi để gài bẩy đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết, đó
là:
1. “Ông lấy
quyền nào mà làm các điều ấy?
2. “Ai đã
cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?”
Hai Câu hỏi trên không
phải vì thiện chí muốn tìm hiểu sự thật, nhưng là để gài bẩy hạ bệ và tiêu diệt
Đức Giêsu. Điều này không chỉ xảy ra một lần trong tin mừng mà ít nhất là ba
lần.
Trước những câu hỏi nhằm
tìm cách gài bẩy như thế này, Chúa Giêsu không hề trả lời trực tiếp? Vì nếu trả
lời quyền ấy là do từ trời là sẽ lọt vào khung phạm luật cao nhất của thời bấy
giờ. Còn nếu trả lời không biết, thì sẽ đánh mất niềm tin của dân chúng.
Đàng nào cũng nguy.
Nhưng “võ quít dày có
móng tay nhọn”. Thay vì trả lời trực tiếp, Chúa đảo ngược tình thế nhằm đưa họ
về chính cõi lòng, để tự vấn lương tâm bằng cách đặt câu hỏi ngược lại: “Tôi
xin hỏi các ông một điều, nếu các ông trả lời đúng thì tôi sẽ nói cho các ông
biết, tôi lấy quyền ai mà làm việc đó. Vậy phép rửa của ông Gioan bởi Thiên
Chúa hay bởi loài người?.”
Nếu họ trả lời phép rửa
của Gioan bởi trời. Tại sao không tin Chúa?, vì chính Gioan làm chứng và loan
báo về Đấng Cứu Thế là do Thiên Chúa sai đến và có uy quyền Thiên Chúa.
Còn nếu trả lời là do
bởi người ta, thì sẽ gặp phản ứng của dân chúng, vì họ tin ông Gioan là ngôn sứ
bởi trời đến để loan báo về Đấng Cứu Thế. Đàng nào cũng không được, nên họ chọn
cách an toàn nhất là: “chúng tôi không biết” cho xong chuyện.
Dù biết rõ nhưng phải dối lòng.
Xin cho chúng ta biết
chân thành tìm kiếm sự thật đích thực. Đừng bao giờ vì quyền lợi hay thành kiến
mà đóng chặt cửa lòng phủ nhận chân lý. Xin
cho chúng ta biết can đảm sống thành thật trong lời nói, ý tưởng và việc làm
nhất là can đảm làm chứng cho chân lý. Xin cho chúng ta cũng biết khiêm
tốn nhận ra quyền năng Chúa hành động trong thế giới này và luôn tin tưởng vào
uy quyền của Chúa. Amen.