SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN-B
2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15
Suy niệm 1:
“Hãy
tín thác vào lòng thương xót Chúa”, đó là sứ điệp mà Chúa Giêsu gửi đến nhân
loại qua thánh nữ Faustina. Sứ điệp ấy càng được xác tín qua phụng vụ lời Chúa
hôm nay.
Tin
mừng mà chúng ta vừa nghe, tường thuật lại những hoạt động của Chúa Giêsu bên
kia biển hồ Ga-li-lê.
Khi
chiêm ngắm về tất cả những lời nói, cử chỉ, việc làm... của Chúa Giêsu, ta nhận
thấy Chúa Giêsu không chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh mà Ngài còn quan tâm
cách cụ thể đến nhu cầu vật chất của dân chúng nữa. Với con tim giàu lòng
thương xót, nên khi nhìn thấy tình cảnh bơ vơ và đói khát của đám đông
dân chúng theo Ngài, Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ
dư đầy.
Phép
lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rằng, một khi chúng ta
can đảm tín thác vào lòng thương xót của Chúa mà can đảm dấn bước, nghe theo
Lời hướng dẫn của Ngài thì chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Xin cho chúng ta luôn biết tín
thác mạnh mẽ vào lòng thương xót của Chúa, dẫu cho gặp phải nhiều gian lao
thử thách như tình cảnh giãn cách xã hội như hiện nay, vì ta tin rằng: “có
Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta?” (Rm 8,31)
Suy niệm 2:
Tin
mừng hôm nay, Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông. Cho
thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác của con người. Nhưng Ngài không
dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm
bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ
lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó Ngài muốn ban cho con người thứ lương
thực trường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.
Để
có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc
vất vã “đổ mồ hôi sót con mắt ”, cũng như biết nhường cơm xẻ áo cho nhau.
Để
có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai
việc: Đến với Chúa Giêsu và Tin vào Ngài.
Cái
đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con
người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con
người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong
nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức
Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Hãy
đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình
yêu, Sự thật và Bình an.
Xin cho chúng ta biết siêng
năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi
dưỡng bằng Lời Chúa và Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự
sống đời đời cho chúng ta.
Thứ hai: 1Ga 4,7-16; Ga 11,19-27 (Lc 10,38-42)
Nhớ Thánh Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô
Suy niệm 1: Ga 11,19-27
* Bối cảnh: Tại
làng
Bêtania, nơi Chúa Giêsu yêu thương và thường xuyên ghé thăm.
* Các nhân vật chính: Mác-ta, Ma-ri-a và
La-da-rô.
* Sự kiện chính: Cái chết của La-da-rô và
cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a.
- Trước sự ra đi của người em trai, hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a rất đau buồn. Mác-ta là mẫu người hành động, nên muốn tìm kiếm lời
giải đáp. Ma-ri-a lại là mẫu người chiêm niệm, nên muốn tìm đến an ủi trong Chúa. Cả hai thái độ đều cần
thiết và cần bổ sung cho nhau.
- Đức Giêsu là người thật, nhưng cũng là Thiên Chúa thật. Là người
thật nên khi chứng kiến cái chết của La-da-rô, Ngài cảm thương và đã rơi lệ. Là Thiên Chúa thật nên Ngài đã làm
phép lạ cho La-da-rô sống lại sau khi chết 4 ngày.
Tuy
nhiên để phục sinh La-da-rô, Chúa Giêsu đòi hỏi hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a phải đặt trọn niềm tin vào Ngài. Chính
nhờ đức tin và niềm hy vọng vào Chúa Giêsu của Mác-ta mà điều kỳ diệu đã xảy ra
là La-da-rô đã chết và đã sống lại.
- Như vậy, lời Chúa hôm nay
nhắc nhở chúng ta:
1.
Trong đau khổ:
. Giữ vững niềm tin vào
Chúa.
. Tìm đến cộng đoàn để được
an ủi và chia sẻ.
2.
Trong cuộc sống:
. Kết hợp giữa hành động và
chiêm niệm.
. Phục vụ tha nhân và cầu
nguyện.
3. Hướng đến tương lai:
. Đặt niềm tin vào sự sống
đời đời.
Xin Chúa cho chúng ta luôn giữ vững đức tin dẫu phải đối mặt với những khó
khăn thử thách xảy ra trong cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh xin cho ta biết đặt trọn
niềm hy vọng vào Chúa.
Xin cũng cho chúng ta biết cảm thương trước nỗi buồn đau của tha nhân và
sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương và phục vụ chúng ta.
Amen.
Suy niệm 2: Lc 10,38-42
Tin
mừng Luca hôm nay vẽ lên một bức tranh thật trong sáng, hài hòa về chân dung
của hai người thiếu nữ:
-
Cô Matta nồng nhiệt đón rước Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà mình, rồi tất
bật với công việc phục vụ nhằm chuẩn bị cho một bữa ăn thật thịnh soạn để thết
đãi khách quý.
-
Cô em, Maria thì ngược lại, rất tế nhị và sâu lắng, ngồi im lặng bên chân Chúa
để chăm chú lắng nghe từng lời giáo huấn của Chúa Giêsu.
+
Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng cả hai đều thể hiện được nét đẹp của sự đón
tiếp theo cách thế của người Á đông: hiếu khách, tận tâm lo phục vụ sao cho vừa
lòng khách đến. Bên cạnh đó cũng hết sức tinh tế, gần gủi thân tình, chịu khó
lắng nghe và chia sẻ, với mong muốn được vui lòng khách đi.
-
Mọi chuyện tưởng như sẽ êm xuôi nếu như cô chị Martha không lên tiếng than
trách đứa em Maria. Có lẽ với nét mặt khó chịu, chị ta hướng nhìn về Chúa Giêsu
rồi lên tiếng: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý
tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay." (c. 40).
Cứ
ngỡ là Chúa Giêsu đồng tình với quan điểm của chị. Nhưng không, Chúa Giêsu lại
dịu dàng quở trách chị ta: "Martha! Martha, chị băn khoăn lo lắng nhiều
chuyện qúa! (c 41). Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt
nhất, và sẽ không bị lấy đi" (c. 42).
Như
thế, có phải Chúa Giêsu xem trọng việc lắng nghe lời Chúa hơn là việc phục vụ
Chúa không? Chắc chắn là Chúa Giêsu không muốn đặt hai việc này lên bàn cân để
xem việc nào nặng hơn. Nhưng trên hết, Người muốn Martha biết dung hòa hai việc
ấy lại với nhau. Sở dĩ Chúa Giêsu quở trách Martha, bởi vì: chị ta quá xem điều
chị đang làm là quan trọng, còn việc lắng nghe lời Chúa của Maria chỉ là thứ
yếu.
Theo
triết lý Á đông thì có cái nhìn trung dung hơn trong mọi vấn đề. Nên các nhà tu
đức cho rằng: “đạo đức thì ở giữa chiêm niệm và hoạt động.”.
Trong
bài huấn dụ trước hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc
Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 21/ 07/ 2013, Đức
Thánh Phanxicô cũng đã nói: “Anh chị em thân mến, cả trong cuộc sống Kitô của
chúng ta cầu nguyện và hành động luôn luôn hiệp nhất với nhau một cách sâu xa”.
Đức
Thánh Cha giải thích thêm điểm này: “Một lời cầu nguyện mà không đưa tới hành
động cụ thể đối với người anh em nghèo, bệnh tật, cần giúp đỡ, người anh em
đang gặp khó khăn, là một lời cầu nguyện cằn cỗi và không trọn vẹn. Nhưng đồng
thời trong việc phục vụ Giáo Hội khi người ta chỉ chú ý tới việc làm, chỉ đặt
trọng lượng nơi các sự vật, các nhiệm vụ, các cơ cấu, mà quên đi trọng tâm là
Chúa Kitô, không dành thời giờ cho việc đối thoại với Chúa trong lời cầu
nguyện, thì có nguy cơ phục vụ chính mình chứ không phục vụ Thiên Chúa nơi
người anh em cần sự giúp đỡ”.
Thánh
Biển Đức tóm gọn kiểu sống mà thánh nhân chỉ cho các tu sĩ của người trong hai
từ "ora et labora"; "cầu nguyện và lao động". Chính từ việc
chiêm niệm, từ một tương quan tình bạn mạnh mẽ với Chúa nảy sinh ra nơi chúng
ta khả năng sống và đem tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót và sự hiền dịu
của Chúa đến cho người khác.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời
gọi các tín hữu hãy hướng về Mẹ Maria, mẫu gương tuyệt hảo của cầu nguyện và
hoạt động mà nêu gương bắt chước: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của sự lắng nghe
và phục vụ, dạy chúng ta biết suy niệm trong lòng Lời của Con Mẹ và cầu nguyện
với lòng trung thành, để luôn luôn chú ý tới các nhu cầu của các anh chị em
khác một cách cụ thể hơn”.
Suy niệm 3:
Hôm nay, Giáo hội kính nhớ
các thánh Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là 3 chị em ở làng Bê-ta-ni-a. Lễ
này đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thêm vào lịch phụng vụ chung của Giáo
hội Công giáo Rô-ma, ngày 02/02/2021. Trước đây, lịch phụng vụ chỉ kính nhớ duy
nhất thánh Mát-ta.
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ
luật Bí tích đã giải thích rằng Đức Thánh Cha thêm ba vị thánh vào lịch phụng
vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma “vì chứng tá Phúc âm quan trọng của họ
trong việc đón rước Chúa Giê-su vào nhà họ, chăm chú lắng nghe Người, tin rằng
Người là sự sống lại và là sự sống.”
Sắc lệnh khẳng định: “Trong ngôi
nhà ở Bê-ta-ni-a, Chúa Giê-su cảm nghiệm được tình gia đình và tình bạn của
Marta, Maria và La-da-rô, và vì lý do này, Phúc âm thánh Gio-an khẳng định rằng
Chúa yêu thương họ. Bà Mát-ta đã rộng lượng tiếp đãi Người, bà Ma-ri-a ngoan
ngoãn lắng nghe lời Người và ông La-da-rô nhanh chóng đi ra khỏi mộ theo lệnh
của Đấng đã chiến thắng sự chết.”
- Bài Phúc âm trích đọc trong
thánh lễ này (Lc 10, 38-42) minh chứng tình cảm mà chị em nhà này đã dành cho
Chúa. Họ tận tình tiếp đãi Chúa mỗi người một cách thế. Dầu vậy, Bài Phúc âm
cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về trật tự của những việc chúng ta làm cho Chúa.
Mát-ta đón thầy trong tư cách chị cả.
Chị tất bật trong bếp lo bữa ăn để tiếp đãi Thầy, chị lo lắng phải làm sao để
tiếp đón Thầy cho xứng. Còn Ma-ri-a
đón tiếp Chúa bằng cách thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để
lắng nghe.
Mát-ta là người đảm đang, thạo
việc, nhanh nhẹn. Nhưng chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị
cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn. Nhưng trong tình thế
này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Chị đề nghị: “Xin Thầy bảo em giúp con một tay !” Ước
mơ của Mát-ta rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giê-su lại đang kể chuyện
cho Ma-ri-a, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú. Nhờ Thầy
kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mát-ta bị mối
lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy
Giê-su không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là
một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giê-su nhìn thấy sự căng
thẳng, lúng túng của Mát-ta và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn
một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: “Mát-ta,
Mát-ta”. Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện
quá. “Chỉ cần một chuyện thôi.
Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn”.
Thầy Giê-su không bảo rằng điều
Mát-ta làm là điều không tốt. Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn,
cần hơn.
Cuộc sống hôm nay dễ làm chúng ta bị cuốn vào chọn
lựa của Mát-ta, bị đè nặng bởi công việc. Chúng ta quên mất: điều cần hơn là
dành thời giờ để gặp Chúa, ở bên chân Chúa mà lắng nghe.
Đời sống của người Ki-tô hữu là kết hợp
hài hoà giữa chọn lựa của Mát-ta và Ma-ri-a. Vừa
làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
* Mùa thường niên:
Mt 13, 31-35
Suy niệm 1: Để
mạc khải về mầu nhiệm nước trời cho dễ hiểu, Chúa Giêsu hay dùng đến dụ ngôn.
Như vậy, có thể nói dụ ngôn là con đường ngắn nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất
và hữu hiệu nhất để đưa dẫn chúng ta tiếp cận với những giá trị thiêng liêng và
những thực tại vô hình của nước trời.
Tin
mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng đến hai dụ ngôn: Dụ ngôn hạt cải và tấm men để mạc
khải về mầu nhiệm nước trời.
Bằng
hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: nước trời khởi đầu bé tí ti
như hạt cải, âm thầm như tấm men. Nhưng với thời gian nó dần dần lớn lên, vững
mạnh và có sức lan tỏa đến bất ngờ!
-
Với hạt cải nhỏ bé, nhưng khi được gieo vào lòng đất, nó lại âm thầm lớn lên
vững mạnh, to lớn đến nổi làm chổ nương tựa cho chim trời ẩn trú an toàn.
-
Với tấm men ít ỏi, nhưng khi trộn lẫn vào ba đấu bột thì nó lại kích thích ba
đấu bột dậy men, trở thành một khối bột to lớn.
Giống
như hạt cải ban đầu nhỏ tí ti, nhưng khi gieo vào lòng đất nó mọc lên và trở
thành cây cao bóng cả, trở nên nơi trú ẩn an toàn cho chim trời những khi mõi
mệt và gặp hiểm nguy; GH khởi đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé chỉ với nhóm tông đồ 12
nhỏ nhoi. Nhưng trãi qua hơn 2000 năm nay, GH đã không ngừng phát triển và lớn
mạnh. Đến nay đã có trên 2 tỷ người kitô giáo, chiếm 1/3 dân số thế giới. GH đã
trở thành nơi tựa nương cho bao nhiêu người yếu đuối, nghèo khổ tựa nương; trở
nên bóng mát cho những ai mệt nhòai trên đường đời ẩn náo. Bởi lúc nào GH cũng
đứng về phía người nghèo, cô thế cô thân để bênh vực chở che, nhằm đem lại cho
họ nguồn bình an đích thực. Như lời mời gọi của Chúa Giêsu: "những ai vất
vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,
28).
Tựa
như tấm men rất ít ỏi, nhưng khi được trộn vào ba đấu bột nó lại âm thầm kích
thích cho ba đấu bột dậy men thành một khối to; làm thành những tấm bánh thơm
ngon mang lại niềm vui và nguồn sức sống cho con người. Số tín hữu trong GH ban
đầu cũng rất ít ỏi, lại phải sống hòa nhập với mọi người trong một thế giới
rộng lớn. Vậy mà chỉ với thời gian ngắn, Tin mừng của Chúa đã thấm nhập và lan
tỏa đến mọi người trên khắp cùng thế giới, nhờ vào đời sống hiệp nhất yêu
thương và gương chứng nhân đức tin anh hùng của các kitô hữu.
Xin
Chúa cho mỗi người chúng ta biết tích cực cộng tác với GH trong sứ mạng mở mang
nước trời bằng đời sống chứng nhân của tình yêu Chúa; trở thành men Tin mừng
thấm nhập vào mọi tâm hồn và lan tỏa đến mọi nơi. Nhờ đó mà GH của Chúa mỗi
ngày được lan rộng và vững vàng hơn.
Suy niệm
2:
Qua hai dụ ngôn
hạt cải và nắm men, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về Nước Thiên
Chúa và sự phát triển của đức tin.
1. Sức mạnh
tiềm ẩn của sự nhỏ bé:
- Hạt cải: Dù hạt cải là hạt giống nhỏ bé nhất, nhưng khi lớn
lên, nó trở thành cây lớn, cho bóng mát và là nơi chim chóc làm tổ. Điều này
cho thấy, những điều nhỏ bé, khiêm tốn, nếu được vun trồng và chăm sóc, có thể
phát triển thành những điều vĩ đại.
- Nắm men:
Chỉ một ít men thôi cũng đủ làm dậy cả khối bột. Điều này tượng trưng cho sức
mạnh của đức tin, dù nhỏ bé nhưng có thể tác động và biến đổi cả một cộng đoàn.
2. Sự phát
triển âm thầm và bền bỉ:
- Hạt cải:
Sự lớn lên của hạt cải diễn ra âm thầm, không ồn ào. Nước Thiên Chúa cũng vậy,
nó phát triển dần dần, không phải qua những sự kiện lớn lao mà qua những hành
động nhỏ bé, khiêm tốn của mỗi người.
- Nắm men:
Nắm men làm dậy bột từ bên trong, không thể nhìn thấy được quá trình đó. Điều
này cho thấy, sự phát triển của đức tin cũng diễn ra từ bên trong tâm hồn mỗi
người, không phải là một sự thay đổi bề ngoài.
3. Sự lan tỏa của Tin Mừng:
- Nắm men:
Nắm men làm dậy cả khối bột, tượng trưng cho việc Tin Mừng được lan tỏa và tác
động đến nhiều người.
- Hạt cải:
Cây cải lớn lên và cho bóng mát, là nơi chim chóc làm tổ, tượng trưng cho việc
Giáo hội là nơi mọi người tìm đến để được an ủi và nâng đỡ.
4. Sự kiên
nhẫn:
- Cả hai dụ
ngôn đều nhấn mạnh đến yếu tố thời gian. Hạt cải cần thời gian để lớn lên, nắm
men cũng cần thời gian để làm dậy hết bột. Điều này dạy chúng ta phải kiên
nhẫn, tin tưởng vào sự lớn lên của Nước Thiên Chúa, dù quá trình đó có thể diễn
ra chậm chạp.
* Tổng kết:
Qua hai dụ ngôn
hạt cải và nắm men, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng:
- Nước Thiên
Chúa bắt đầu từ những điều nhỏ bé, khiêm tốn.
- Đức tin phát
triển dần dần, âm thầm nhưng mạnh mẽ.
- Mỗi người
chúng ta đều có vai trò trong việc xây dựng và phát triển Nước Thiên Chúa.
- Chúng ta cần
kiên nhẫn và tin tưởng vào sự lớn lên của đức tin.
* Ứng dụng vào đời sống:
- Trong đời
sống cá nhân: Chúng ta nên bắt đầu từ những việc nhỏ bé, chăm sóc đức tin
của mình mỗi ngày.
- Trong cộng
đoàn: Chúng ta cần cùng nhau hợp tác, chia sẻ để xây dựng cộng đoàn ngày
càng vững mạnh.
- Trong xã
hội: Chúng ta nên sống theo tinh thần Tin Mừng, lan tỏa tình yêu thương và
sự bác ái đến với mọi người. (Nguồn: Gemini.google.com)
Thứ ba: Mt 13,36-43
Suy niệm 1:
Tiếp nối dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì hôm qua, với
lời giải thích trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho
các môn đệ và chúng ta biết về một Thiên Chúa: từ bi và nhẫn nại đối với con người, cách riêng người tội lỗi;
đồng thời Người cũng rất công thẳng nên sẽ xét xử vào ngày tận thế. Khi ấy Người sẽ phân biệt cho ta thấy được số phận khác nhau giữa người công chính và
kẻ bất lương như thế nào.
Trong ngày ấy “Người công chính sẽ chói lọi như mặt
trời, trong Nước của Chúa”; còn kẻ bất lương sẽ “bị tống ra khỏi Nước của
Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Cảm
nhận được lòng từ bi và nhẫn nại của Thiên Chúa; cũng như nhìn thấy được sự công thẳng của Người
trong ngày phán xét cuối cùng, phải là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người chúng ta quyết
tâm sống tốt hơn để xứng đáng với tình thương của một vị Thiên Chúa “chậm bất
bình và giàu lòng xót thương” (x. Xh 34,6); “Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và
được sống” (Ed 33,11).
Mong rằng mỗi người trong chúng
ta biết quan tâm chăm sóc, gìn giữ hạt giống thiện tâm đã được Thiên Chúa gieo vãi vào trong mảnh
đất tâm hồn mình ngay từ thuở ban đầu. Và cũng biết can đảm khước từ mọi mầm móng xấu xa tội lỗi là cỏ lùng do ma quỷ gieo vãi vào trong môi trường thế
gian này, để hạt giống thiện tâm có cơ may phát triển và trổ sinh thật nhiều
hoa trái tốt lành, dâng hiến cho Chúa và phục vụ lợi ích cho nhiều người.
Suy niệm 2:
Dụ ngôn lúa mì
và cỏ lùng mang đến cho chúng ta những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống đức
tin:
- Lúa mì tượng trưng cho những người con của Thiên
Chúa, những người tin và sống theo Lời Chúa.
- Cỏ lùng tượng trưng cho những kẻ ác, những người
gieo rắc chia rẽ và tội lỗi.
Trong cuộc sống trần gian này, chúng ta luôn phải đối
diện giữa thiện và ác, tốt và xấu, ánh sáng và bóng tối. Lắm khi ta thấy cỏ
lùng lấn át cả lúa mì. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy hiện diện của cỏ lùng dù
có mạnh thế tới đâu thì cũng không thể làm lu mờ đi giá trị của lúa mì.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nên Ngài biết
rõ mọi sự và Ngài sẽ phân định mọi sự vào ngày tận thế. Chúng ta không nên vội
vàng phán xét người khác, mà hãy để cho Thiên Chúa là Đấng phán xét công chính.
“Vì không
muốn kẻ gian ác phải chết” nên Thiên Chúa rất kiên nhẫn với con người. Ngài cho
chúng ta là những kẻ tội lỗi có thời gian và cơ hội để hoán cải và trở về với
Ngài.
Cảm tạ tình thương và lòng nhân ái của Chúa, chúng ta
hãy cố gắng sống tốt đời đẹp đạo, làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nhìn thấy
những người xấu xa tội lỗi, chúng ta đừng vội lấy quyền Thiên Chúa mà phán xét
họ, nhưng hãy kiên nhẫn và cầu nguyện cho họ.
Xin Chúa
giúp ta biết sống như những hạt lúa mì giữa thế gian này. Xin cho ta có một
trái tim bao dung và kiên nhẫn, để ta biết yêu thương và tha thứ cho những
người xung quanh. Xin cho ta luôn tin tưởng và cậy trông vào sự quan phòng của Chúa,
dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Amen.
Thứ tư: Gr
15,10.16-21; Mt 13,44-46
Nhớ Thánh
I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Để
mạc khải về những khía cạnh khác nhau của nước trời, trong những ngày qua, Chúa
Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh cụ thể để diễn đạt. Tiếp tục về đề tài nước
trời, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến hai hình ảnh rất gần gũi, đó
là kho báu và viên ngọc quý để làm nổi bật giá trị tuyệt
đối của nước trời.
Bằng
dụ ngôn người nông dân sẵn sàng bán đi tất cả gia sản của mình mà tậu cho bằng
được kho báu bị chôn giấu trong mảnh ruộng nọ; và nhà buôn kia cũng chấp nhận
đánh đổi mọi thứ ông có, mà mua lấy viên ngọc quý. Qua đó, Chúa Giêsu như muốn
nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tích cực lo tìm kiếm và sẵn sàng hy sinh tất
cả những gì mình có, để mua lấy cho bằng được kho tàng quý giá, vượt trên cả
kho báu và viên ngọc quý trên trần gian này, đó là Nước Trời. Bởi làm gì
có kho tàng nào quý giá bền vững và an toàn cho bằng nước trời, vì “nơi
đó kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12,
33), nên rất đáng cho chúng ta đánh đổi mọi thứ mà mua lấy.
Xin
Chúa cho chúng ta biết khao khát tìm kiếm những giá trị thuộc về nước trời và
can đảm đánh đổi mọi thứ chóng qua đời này, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình
để mua cho bằng được Nước Trời làm gia nghiệp đời mình.
Thứ năm: Mt
13,47-53
Như
một ưu ái cho những người sống vùng sông nước nhận ra mầu nhiệm nước trời, Tin
mừng hôm nay Chúa Giêsu lại tiếp tục dùng dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển bắt
cá. Đây là dụ ngôn cuối cùng trong một loạt 7 dụ ngôn nói về Nước Trời, được
Tin mừng Matthêu ghi lại ở chương 13. Sứ điệp của dụ ngôn này nhằm nhấn mạnh
đến số phận đời đời của mỗi người chúng ta trong ngày phán xét.
-
Tựa như đàn cá bơi dưới biển, gồm đủ mọi thứ cá tốt, xấu khác nhau, thì trong
xã hội và GH… cũng đều có những người tốt và kẻ xấu chung sống bên cạnh
nhau.
-
Giống như cá bơi lội dưới nước sâu, ta không biết được đâu là cá tốt, đâu là cá
xấu, cho đến khi chiếc lưới được kéo lên bờ, thì ta mới phân biệt được rõ ràng.
Cũng vậy, sống trên thế gian này, ta không tài nào đánh giá được đâu là người
tốt, đâu là kẻ xấu. Nhưng đến ngày tận thế, ngày mà lưới trời chụp xuống trên
thế gian, lúc đó các Thiên Thần sẽ tách biệt ra, thì ta mới nhận ra đâu là
người lành và đâu là kẻ dữ.
-
Cũng giống như số phận của những con cá được kéo lên bờ, cá xấu sẽ bị ném ra
ngoài; còn cá tốt thì được bỏ vào giỏ; thì số phận đời đời của mỗi chúng ta
trong ngày phán xét cũng vậy. Ngày đó, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lò lửa không hề
tắt. Ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng”. Còn người công chính sẽ được
Chúa ân thưởng hạnh phúc nước trời.
Nhưng
làm thế nào để ngày phán xét, ta sẽ được vào hưởng vinh quang nước trời? Cuối
đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu như muốn nói đến điều then chốt, quyết định
số phận của mỗi người trong ngày phán xét, đó là có biết học hỏi và đem lời
Chúa ra thực hành hay không. Việc hiểu lời Chúa và đem ra áp dụng vào đời sống
hiện tại cũng “giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của
mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
Như
thế thì học hỏi lời Chúa là điều cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Điều quan trọng
nhất vẫn là đem lời Chúa ra thực hành, thì mới xứng đáng được Chúa ban thưởng
hạnh phúc nước trời.
Xin
cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria luôn biết để tâm lắng nghe lời Chúa dạy và
tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hiện tại nơi trần gian này.
Nhờ đó mà ta mới hy vọng được vào chung hưởng phần phúc vinh quang cùng với các
thánh và Mẹ Maria trong nước trời mai này.
Thứ sáu: Mt 13,54-58
Suy niệm 1:
Thái
độ khước từ Chúa Giêsu của dân làng Nadarét xưa nhắc nhở chúng ta cần
phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay:
- Có
những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những
người vỗ ngực xưng mình là "đạo dòng", thì lại có đời sống đức
tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?”
- Có
những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại
thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng chuyên chăm tham
dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?”
- Có
những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó
lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng
tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?”
- Có
những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình
thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện,
khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.
Nếu
có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe cũ
của dân làng Na-da-rét xưa. Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù
quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành
kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại cởi mở với người khác và không nhìn
thấy cái hay cái tốt nơi anh em.
Nếu
GH chúng ta có cái nhìn thành kiến khinh thường thì chắc không có một linh mục
Gioan Maria Vianney tuyệt vời trong lòng GH. Lấy ngài để so sánh với thánh
Augustino, Tô-ma Aquino, Bonaventua và Phanxico-xavie thì trí thông minh của
thánh Gioan Maria Vianney kém xa, cách một trời một vực.
Đọc
lại tiểu sử của ngài, ta biết ngài xin vào chủng viện nhưng học tiếng La-tinh
không biết gì, triết học không hiểu, thần học cao siêu nên không thể với tới.
Học hành kém cỏi vậy nên ban giám đốc chủng viện khuyên ngài nên về nhà. Nếu
không biết tiếng La tinh và am hiểu thần học thì làm sao làm linh mục được vào
thời bấy giờ đòi buộc. Năm 17 tuổi ngài mới học xong tiểu học. Thi tú tài đến
lần thứ 12 mới đậu. Có thể liệt kê ngài vào hạng người: ngu lâu, dốt bền, khó
đào tạo.
Một
lần nọ Tòa Giám Mục cử một giáo sư xuống để khảo hạch và xem xét ngài có nên
tiếp tục con đường ơn gọi tu trì nữa không. Vị giáo sư hỏi gì cũng không trả
lời được, đến nỗi vị giáo sư nổi nóng đập bàn và nói: tôi nói thật với anh, tôi
chưa thấy ai dốt nát như anh, anh dốt như con lừa! chắc anh chẳng giúp ích gì
cho GH đâu. Nhưng thánh nhân chẳng buồn phiền và khó chịu, trái lại ngài tươi
vui và điềm tĩnh khiêm tốn trả lời: Thưa giáo sư, ngày xưa trong Cựu ước ông
Sam-son chỉ dùng có 1 cái hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Phililinh. Vậy thì
con là cả 1 con lừa, lẽ nào Chúa lại không dùng được việc gì sao! Câu trả lời
làm cho cha giáo kinh ngạc, không phải vì sự khôn ngoan đối đáp mà vì sự khiêm
tốn của ngài.
Sau
khi chịu chức Linh mục ngài được gửi về một giáo xứ nghèo, vùng sâu, vùng xa
đầu trộm đuôi cướp miền quê, có tên là giáo xứ Ars. Nhưng tại đây ngài đã làm
nên những điều cao cả. Có thể tóm kết 3 kỉ luật mà thánh nhân đã làm trong đời
sống linh mục của ngài:
-
Chưa có LM nào ngồi tòa giải tội lâu giờ và siêng năng như ngài.
-
LM quê mùa nhưng lại có tài giảng dạy hấp dẫn, ngay cả những đấng vị vọng trong
GH cũng phải tìm đến đến nghe ngài giảng dạy và học hỏi.
-
Vị thánh bị ma quỷ cám dỗ và thử thách nhiều nhất.
Trong
bàn tay Thiên Chúa thì tất cả đều có thể, cho dẫu đó là những dụng cụ vô dụng
nhất Thiên Chúa vẫn biến thành những điều tuyệt hảo để làm vinh danh Chúa và
hữu ích cho con người. Cho nên hãy tín thác vào tình thương và sức mạnh của
Chúa mà nỗ lực đáp lại ơn ban của Người. Mặc khác, cũng phải luôn có nhìn tích
cực về mình và với những người chung quanh chúng ta.
Xin
Chúa giúp chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị
đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi
những người anh em bé nhỏ. Amen.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay cho biết, sau một thời gian rao giảng đó đây, hôm nay Chúa Giêsu trở về quê nhà là Nazareth để giảng dạy trong hội đường. Dân chúng rất đổi ngạc nhiên và thán phục về những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Tuy nhiên sau đó, họ lại nhanh chóng quay lưng, xem thường, thậm chí còn chế giễu: "Ông ta không
phải là con bác thợ sao?". Có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là cái nhìn định kiến, dán nhãn về một Đức Giêsu quá gần gũi và quen thuộc đối với họ.
Phản ứng của họ, khiến chúng ta nghĩ đến:
- Phải chăng thành kiến lại là rào cản lớn nhất, khiến chúng ta không thể nhận ra những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới này và trên cuộc đời của mỗi chúng ta; và sự quen thuộc là bức màn che mờ đôi mắt chúng ta, khiến chúng ta không chúng ta còn khả năng nhìn thấy những điều mới mẻ, những điều tốt đẹp ở ngay trước mắt chúng ta.
- Việc đón nhận và tin vào Chúa Giêsu không hề dễ dàng chút nào, nếu con người không có được một trái tim rộng mở để vượt qua những định kiến và những giới hạn của bản thân mình. Muốn có niềm tin, chúng ta cần phải mở lòng đón nhận, không ngừng khám phá và trải nghiệm.
- Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ nhân loại, nhưng không phải ai
cũng sẵn sàng đón nhận Ngài. Thái độ chối từ của người dân Nazareth là một lời nhắc
nhở chúng ta rằng, con đường loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa không bao giờ dễ dàng.
Xin Chúa cho chúng ta:
- Có được con mắt đức tin để nhìn thấy những giá trị tốt đẹp nơi mỗi người, dù họ có những khuyết
điểm gì đi nữa.
- Biết tích cực khám phá những điều mới, những ý tưởng mới và những cách sống mới trong đời sống hàng ngày.
- Trở nên chứng tá sống động về tình yêu của
Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
- Có một trái
tim mở rộng để đón nhận Lời Chúa và những ân sủng của Chúa ban.
- Can đảm vượt thắng những định kiến và thành kiến của bản thân để yêu thương, đón nhận và tận
tình phục vụ mọi người. Amen.
Thứ bảy: Mt 14,1-12
Suy niệm 1:
Cái
chết anh dũng của Gioan Tẩy Giả được Tin mừng trình thuật hôm nay, cho thấy
lòng người còn nhiều góc tối.
-
Góc tối của đam mê dục vọng: Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem
thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh
mình. Đắm chìm trong đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui
thấp hèn trong những tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
-
Góc tối của hận thù ghen ghét: Không
chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Giả trước hành động vô luân của
mình, bà Hêrôdia đã căm thù ông đến tận xương tủy. Nên
khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu Gioan
Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
-
Góc tối của nhác đảm sợ hãi: “Vẫn
biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi
nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại
không can đảm làm theo tiếng lương tâm của mình”. Vì sợ tiếng nói
lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với lời hứa bồng bột trước
bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến quyết định ngông cuồng
là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả.
-
Góc tối của ngây ngô dại khờ: Sa-lô-mê, một cô con gái có tài mà không có đức. Cô đã dùng
tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho đời cho
người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị lợi
dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.
Xin
cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào mọi ngỏ ngách của lòng người, hầu
xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người
hôm nay. Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng
cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Giả dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo
lý luân thường và làm chứng cho nền chân lý Tin mừng.
Suy niệm 2:
Tin mừng chúng ta vừa nghe, trình thuật lại cái
chết anh dũng của Gioan Tẩy Giả. Qua cái chết của Gioan để lại cho chúng ta hai bài học quý giá:Can đảm sống cho chân lý và hy sinh bản thân để bảo vệ nền đạo đức luân thường.
Để bảo vệ cho chân lý và làm trong sáng cho nền đạo đức luân thường. Gioan đã mạnh mẽ lên án những bất công trong xã hội và tố cáo tội ác của vua Hê-rô-đê và hoàng hậu, cho dẫu biết mình phải chết. Nhưng để bảo vệ nền
đạo đức luân thường, chân lý và công lý, Gioan Tẩy Giả vẫn không ngần ngại hy sinh tính mạng mình. Xã hội ngày hôm nay người ta muốn sống theo chủ nghĩa tự do phóng túng nên họ sẵn sàng bài bát những giá trị của Tin mừng qua nhiều hình thức như: chấp nhận và ban bố cho những luật lệ đi ngược lại với luật Chúa; cỗ võ cho những trào lưu tôn thờ ma quỷ, bán bổ niềm tin tôn giáo, cho phép đồng tính luyến ái, và không ngần ngại kích dục công khai. Những hình ảnh khai mạc lễ hội Olympic 2024 vừa qua tại Pháp mình chứng cho điều ấy.
Noi gương Gioan Tẩy Gỉa chúng ta hãy can đảm sống cho chân lý và công lý, cũng như mạnh mẽ tố cáo tội ác để bảo vệ cho nền đạo đức luân thường cho dù chúng ta phải hy sinh mạng sống mình.
- Cái chết anh dũng của Gioan
Tẩy Giả là dấu chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Gioan Tẩy Giả đạ công khai tin nhận vào Đức Giêsu chính là Đấng cao trọng và quyền thế hơn mình, là Đấng mà muôn dân hằng trông đợi đã đến thế gian. Ông cũng không ngần ngại giới thiệu các môn đệ của mình cho Chúa Giêsu vá xác định mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đấng ấy cao cả đến nỗi ông không xứng đáng quỳ xuống để cởi giày cho Người.
Vì tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nên Gioan đã tích cực rao
giảng Tin mừng kêu gọi mọi người sám hối, cải thiện đời sống, chấn hưng lại tâm hồn nhằm chuẩn
bị sẵn sàng một con đường xứng hợp cho Đấng Cứu Thế ngự đến.
Như thế, Gioan Tẩy Giả đã
trở nên mẫu gương sáng ngời về lòng trung tín và tinh thần anh dũng của một bậc Tiên tri đáng cho chúng ta noi theo. Cái chết của anh dũng Gioan Tẩy Giả còn là lời khẳng
định vào sự sống lại mai sau dành cho những ai trung tín với ơn gọi và sứ
mạng của mình.
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm để dám làm chứng cho chân lý, dù phải
đối mặt với những khó khăn thử thách. Và trong mọi hoàn cảnh, xin cho chúng ta biết đặt Chúa vào vị trí
trung tâm của đời sống, để bảo vệ cho những giá trị của Tin mừng thì cho dù phải hy sinh tính mạng, với niềm hy vọng vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Lm. Minh Anh, Tgp Huế
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN-B
2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15
Suy niệm 1: TẠO KHÔNG GIAN
“Với
ngần ấy người thì thấm vào đâu!”.
“Trao một khúc xương cho con chó không phải
là bác ái! Dám chia sẻ với nó một khúc xương đang khi bạn cũng đói như nó mới
là bác ái!” - Jack London!
Kính thưa Anh Chị em,
“Đang khi bạn cũng đói như nó!”. Câu nói vắn
gọn của J. London đưa chúng ta về hình ảnh một cậu bé vô danh có lẽ cũng ‘đang
đói’ mà Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đề cập. Ấy thế, chính cậu đã dám chia sẻ và
đã ‘tạo không gian’ cho phép lạ của Chúa Giêsu.
Tin Mừng mời gọi bạn và tôi đồng nhất với
cậu bé ấy vì lẽ cậu có một điều gì đó đáng học hỏi. Đối mặt với một đám rất
đông đang đói, Philipphê và Anrê hơi bi quan, “Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng
đủ cho mỗi người một chút”. Anrê thì biết cậu bé vốn có một ít thức ăn, nhưng kết
luận “Với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”.
Điều đáng ngạc nhiên là ngay lúc đó, Chúa
Giêsu nói, “Cứ bảo người ta ngồi xuống!”; nghĩa là Ngài đã có trên tay những gì
Ngài cần, tức là những gì cậu bé trao, trao lúc nào, không ai biết! Cậu bé đâu
ngờ rằng, chính sự hào hiệp của cậu đã ‘tạo không gian’ cho Chúa Giêsu; nhờ đó,
Ngài thoả mãn cơn đói của hơn 5.000 người. Êlisa - hình ảnh tiền trưng của Chúa
Giêsu - thời các Vua đã có một phép lạ tương tự - bài đọc một. Rõ ràng, đây là
những ‘bữa tiệc thần thánh’ báo trước tiệc Thánh Thể ban sự sống đời đời Chúa
Giêsu sẽ mặc khải trong Tin Mừng Gioan. “Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con
hết thảy muôn vàn thoả thuê!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Nhiều lúc trong cuộc sống, các nguồn lực
chúng ta có quá nhỏ bé trước hoàn cảnh phải đối mặt, dù đó là ‘nguồn lực vật chất’,
‘nguồn lực thể chất’, ‘nguồn lực tinh thần’ hoặc ‘cảm xúc’. Chúng ta dễ thấy
mình là một phiên bản của Anrê, “Với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”. Đó là
‘loại’ câu hỏi kéo chúng ta xuống, làm mất sức mạnh, lòng yêu mến, nhất là mất
lòng cậy trông! Chúng ta giới hạn quyền năng và tình yêu quan phòng của Thiên
Chúa; đang khi lẽ ra phải “dám chia sẻ” và nỗ lực ‘tạo không gian’ cho Ngài.
Cậu bé chỉ cho đi những gì cậu có và điều
tuyệt vời đã xảy ra! Nếu bạn và tôi làm những gì ít ỏi có thể, Chúa sẽ làm những
gì còn lại theo những cách thức khiến chúng ta vô cùng ngạc nhiên. Ngài không
phụ thuộc ai, nhưng sự đóng góp của chúng ta, dù nhỏ bé, có thể rất quan trọng:
một cốc nước, một đồng tiền bà goá, một chút men hay một hạt cải! Chính cậu bé
đã mở một cánh cửa cho Chúa Giêsu; nghĩa cử của cậu sẽ khởi đầu cho một giáo huấn
vĩ đại Ngài sắp công bố: Bánh Từ Trời Ban Sự Sống Đời Đời!
Anh Chị em,
“Với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”. Với
lý do này, lý do khác, bạn và tôi thường tìm cách thoái thác. Tại sao? “Chúng
ta tìm cách tích lũy và gia tăng những gì chúng ta có; chúng ta thích thêm vào,
thêm nhiều hơn. Nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, bớt đi; Ngài thích
chúng ta trừ đi, lấy đi một thứ gì đó để trao cho người khác. Chúng ta muốn
nhân lên; Ngài muốn chúng ta giảm xuống khi chia sẻ, khi cho đi!” - Phanxicô.
Đó cũng là những gì Phaolô hôm nay kêu gọi các tín hữu Êphêsô, “Anh em hãy sống
cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban!” - bài đọc hai.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con vào trần gian với đôi tay
trống, con ra khỏi đó với đôi tay trơn. Cho con biết rằng, những gì con mang
theo là những gì con ‘đã cho đi!’”, Amen.
Suy niệm
2: CHÚA KITÔ, LƯƠNG THỰC SỰ SỐNG VĨNH CỬU
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy
nghĩ về bốn từ khóa.
- Từ khóa đầu tiên là trách
nhiệm.
Đoạn Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết, dân chúng theo
Chúa Giêsu rất đông, số đàn ông là năm ngàn người, không kể phụ nữ và trẻ em.
Trước một lượng người đông như vậy mà Chúa Giêsu lại hỏi các môn đệ “Ta
mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Trong Tin Mừng Mác-cô, các môn đệ đưa
ra giải pháp: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng
mạc chung quanh mà mua gì ăn”. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu là: “chính
anh em hãy cho họ ăn đi!’” (Mc 6, 35-37).
Lời đề nghị của Chúa Giêsu với các môn đệ được hai thánh
sử thuật lại tuy có khác nhau, nhưng diễn tả cùng một ý tưởng, đó là Chúa Giêsu
trao cho các môn đệ trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn. Trao cho các môn đệ trách
nhiệm lo ăn cho hơn năm ngàn người, chẳng phải là một việc quá sức các ông sao?
Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, chính Người sẽ lo việc đó. Việc của các tông đồ là
sẵn sàng cộng tác với Người. Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta có cảm
tưởng rằng Chúa đang trao cho chúng ta một trách nhiệm vượt quá khả năng của
mình, khiến chúng ta lo lắng và muốn từ chối. Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng
ta hiểu rằng, chỉ cần chúng ta khiêm tốn cộng tác với Chúa, phần còn lại Chúa
sẽ hoàn thành. Và điều Chúa làm thì luôn luôn vượt quá sức tưởng tượng và mong
ước của chúng ta.
- Từ khóa thứ hai là chia sẻ.
Ông An-rê giới thiệu cho Chúa Giêsu một cậu bé
có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nướng. Có lẽ đó là bữa chiều của cậu
mà mẹ cậu đã chuẩn bị. Cần lưu ý rằng lúa mạch chủ yếu được dùng làm thức ăn
cho gia súc, nên bánh lúa mạch là bánh của người nghèo. Nhờ năm chiếc bánh lúa
mạch và hai con cá nướng của cậu bé nghèo mà Chúa Giêsu đã cho hơn năm ngàn
người được ăn no. Cậu bé tuy nghèo nhưng lại giàu tấm lòng khi sẵn sàng trao
cho Chúa Giêsu tất cả những gì mình có. Ta thường thấy người nghèo là những
người rộng rãi nhất!
Hôm nay, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải nuôi năm ngàn
người, nhưng Người vẫn luôn mời gọi chúng ta chia sẻ “năm chiếc bánh và hai con
cá” của chúng ta, nghĩa là sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Hãy quảng
đại trao cho Chúa những gì chúng ta có, để Chúa thực hiện những điều tuyệt vời và
lạ lùng cho những người xung quanh chúng ta và cho thế giới.
- Từ khóa thứ ba là môi
trường sinh thái.
Sau khi cho hơn năm ngàn người ăn no nê, Chúa Giêsu bảo
các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Sai các
môn đệ đi thu gom những miếng thừa từ năm chiếc bánh và hai con cá, xem ra có
vẻ như hơi vô ích, vì lẽ thường sẽ chẳng còn dư lại bao nhiêu. Nhưng Chúa Giêsu
không quan trọng việc các môn đệ sẽ thu lại được bao nhiêu, điều Người quan tâm
là “kẻo phí đi”. Các môn đệ đã vâng lời và thu lại được mười hai thúng
đầy bánh vụn.
Rõ ràng, câu nói của Chúa Giêsu đang chất vấn xã hội
tiêu dùng của chúng ta hôm nay. Tại các nước giàu, biết bao thức ăn thừa bị
quăng vào thùng rác, trong khi trên thế giới vẫn còn những người đang chết đói,
vẫn còn những người nghèo phải bới tìm đồ ăn trong các thùng rác công cộng. Lời
Chúa mời gọi chúng ta không chỉ không lãng phí nhưng còn biết sử dụng cách tiết
kiệm và quân bình các tài nguyên thiên nhiên, quan tâm và chăm sóc trái đất.
Khi ý thức rằng, tất cả những gì chúng ta có là đều được Thiên Chúa ban cho,
thì việc chi tiêu không hợp lý hay việc bỏ một miếng đồ ăn thừa đều là một sự
phí phạm. Sống tâm tình biết ơn sẽ giúp chúng ta biết bảo vệ môi trường mình
sống và chia sẻ cho tha nhân những gì mình được lãnh nhận.
- Từ khóa thứ tư là Bí tích Thánh Thể.
Qua những cử chỉ và lời nói khi làm dấu lạ cho hơn năm
ngàn người được ăn no chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu loan báo
về Bí tích Thánh Thể. Khi làm dấu lạ này, Người muốn nói với chúng ta rằng,
Thiên Chúa không chỉ là Đấng ban lương thực để nuôi sống thân xác con người, mà
chính Người còn là lương thực nuôi sống linh hồn khi hiến thân mình cho nhân
loại trong Bí tích Thánh Thể.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã
ban cho chúng ta sự sống và ban lương thực để nuôi sống thân xác và linh hồn
chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết siêng năng đến kín múc nguồn sống của Chúa
nơi Bí tích Thánh Thể, để nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng trở thành những máng thông
chuyển sự sống của Chúa bằng đời sống chia sẻ với tha nhân, và ý thức trách
nhiệm bảo vệ sự sống con người và môi trường. (St).
Thứ hai: 1Ga 4,7-16; Ga 11,19-27 (Lc
10,38-42)
NHỚ THÁNH MAC-TA, MA-RI-A VÀ
LA-DA-RÔ
“VÂNG, CON TIN!”
“Con có tin điều đó không?”; “Thưa Thầy, vâng, con tin!”.
“Niềm tin, về nhiều mặt,
như chiếc xe cút kít. Cách đơn sơ, bạn phải thực sự đẩy nó để nó có thể hoạt động.
Nếu không sống nó; bạn không tin nó!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nếu không sống nó; bạn
không tin nó!”. Lời Chúa lễ các thánh Matta, Maria và Lazarô đặt ra một câu hỏi
căn bản: “Con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi và Matta nhanh nhẩu đáp,
“Vâng, con tin!”. Hôm nay, Ngài hỏi bạn và tôi, “Con có tin tất cả những điều
đó không?”; và thách thức của chúng ta trong thời hậu hiện đại này, là mau mắn
thưa, “Vâng, con tin!”.
Nhưng tất cả những điều
đó là điều gì? Trước hết, bạn có tin loài người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc
cách bí ẩn khi nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa? Bạn có tin các tín điều trong Kinh
Tin Kính? Và quan trọng nhất, bạn có tin Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết sống
lại, chiến thắng tội lỗi, sự chết và đang sống để lôi kéo mọi người về với Ngài
như Đấng Cứu Độ? Phải, thách thức lớn nhất của bạn và tôi là thưa lên, “Vâng,
con tin!”.
Một trong những khó
khăn lớn của chúng ta là giữ cho đức tin mình thật ‘đơn sơ’ như đức tin rất mực
‘chơn chất’ của Matta! Khuynh hướng của chúng ta là thích hướng tới sự ‘tinh vi
và phức tạp’. Và dẫu suy nghĩ và lập luận tốt là một quà tặng, nhưng cần lưu ý,
khuynh hướng chủ nghĩa duy lý bẩm sinh có thể không phải là khởi đầu tốt cho một
đức tin chân chính. Một đức tin đơn sơ rất đẹp lòng Chúa, bởi Ngài có nhiều thời
giờ hơn để làm một điều gì đó ‘trong chúng ta và qua chúng ta’; nghĩa là Ngài
không cần mất thời giờ để thuyết phục chúng ta tin như đã không mất thời giờ với
Matta.
Đức tin đơn sơ này -
bài đọc một - được Gioan tóm tắt, “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa
thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa”. Thế
thôi! Đó là những ai mạnh dạn thưa “Vâng, con tin!” với Ngài và đơn sơ sống giới
răn yêu thương của Ngài! “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở
lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Thánh Vịnh đáp ca
cũng phảng phất nét giản dị đó, “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!”.
Anh Chị em,
“Thưa Thầy, vâng, con
tin!”. Đức tin đơn sơ của Matta có thể thúc bách chúng ta tiến về phía trước và
hướng ra các chân trời; đồng thời, khơi dậy và biến chúng ta thành những chứng
tá của Vương Quốc trước nhu cầu cấp bách cứu các linh hồn. “Niềm tin đó như chiếc
xe cút kít, và bạn phải thực sự đẩy nó để nó có thể hoạt động!”. Như vậy, đức
tin của những ai sẵn sàng thưa “Vâng, con tin!” và quyền năng của Thiên Chúa đã
‘tìm kiếm’ nhau; và cuối cùng, ‘gặp nhau!’. Chính đức tin đơn sơ của Matta đã
đưa Lazarô em cô ra khỏi mồ; và qua sự kiện kỳ vĩ này, hẳn Matta đã lôi kéo
không ít người tin vào Chúa Giêsu, Đấng sẽ ban cho họ không chỉ sự sống ngắn hạn
như đã ban cho Lazarô, nhưng còn ban cho họ sự sống dài hạn, đời đời, sự sống
miên viễn thiên đàng.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, xin loại
khỏi đức tin con bao phức tạp, cho nó thật dung dị, hầu có thể đem ra khỏi huyệt
những ai đang cố nán lại trong ‘nấm mồ’ riêng của họ!”, Amen.
Thứ ba: CÁNH ĐỒNG THỨ HAI
“Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con!”.
“Cuộc sống của chúng
ta là những cánh đồng chủ yếu đầy cỏ dại; bạn và tôi không thể trồng dâu tây!
Chúng ta có thể cắt cỏ dại, nhưng chỉ ngần ấy nỗ lực, sẽ không bao giờ tạo ra những
quả dâu tây có thể chấp nhận được. Nếu thực sự muốn sản xuất quy mô những quả
dâu chín mọng tuyệt vời, bạn phải đào sâu hơn. Phải cày xới toàn bộ cánh đồng -
một cánh đồng thứ hai - và bắt đầu lại với những cây mới!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị với câu hỏi
dễ thương của các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay, “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ
lùng trong ruộng cho chúng con!”. Và thú vị hơn khi chúng ta hỏi Chúa Giêsu
cùng một câu hỏi hoặc những câu tương tự. Hẳn Ngài sẽ nói về một ‘cánh đồng thứ
hai’, và nếu cần, “phải cày xới toàn bộ và bắt đầu lại với những cây mới!”.
Chúng ta có thể hỏi
Ngài, “Lạy Chúa, cho con biết tại sao con không tiến bộ đủ trong đời sống nội
tâm của mình. Cho con biết làm sao con có thể trung thành với Chúa, có thể tìm
kiếm Chúa giữa những công việc hoặc trong những hoàn cảnh mà con không hiểu hoặc
không muốn? Làm sao con có thể trở thành một tông đồ đủ tiêu chuẩn? Nguyên việc
cầu nguyện của con, xin Chúa nói thật rõ! Con cầu nguyện thế nào? Lời cầu nguyện
của con có chân thành không? Liên tục không? Có tin tưởng không?
Với các môn đệ, Chúa
Giêsu nói đến một thế giới ‘đầy cỏ’, thực tế, như một cánh đồng lớn, nơi Thiên
Chúa gieo lúa tốt và kẻ ác gieo cỏ; do đó, lúa tốt và cỏ xấu cùng mọc lên. Với
chúng ta, gần gũi hơn, Ngài nói về một ‘cánh đồng thứ hai!’; đó là cánh đồng mà
chúng ta có thể dọn sạch - cánh đồng trái tim của mỗi người - cánh đồng duy nhất
bạn và tôi có thể trực tiếp can thiệp. Ở đó, lúa mì và cỏ dại chen nhau. Thật vậy,
chính từ cánh đồng trái tim - tốt hay xấu - cả hai mở ra cho cánh đồng lớn của
thế giới.
Có một phương pháp tốt
cho công việc này. Nó được gọi là “xét mình”, tức là xem xét những gì đã xảy ra
hôm nay trong cuộc sống của tôi, những gì đã đánh động trái tim tôi và những
quyết định nào tôi đã đưa ra. Và điều này chính xác là để ‘gọi tên chúng’, xác
minh chúng dưới ánh sáng của Chúa, đâu là cỏ dại và đâu là lúa tốt.
Israel, dân bị Chúa
nghiêm phạt - bài đọc một - xem ra cũng đang xét mình, “Lạy Chúa, chúng con nhận
rằng mình gian ác và cha ông sai lỗi đã nhiều!”. Israel đang “cày xới”, đang
“trồng lại những cây mới”. Thánh Kinh luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục
cậy tin và không tuyệt vọng dẫu trong những hoàn cảnh không còn gì để mất.
Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng
con!”.
Anh Chị em,
“Bắt đầu lại với những
cây mới!”. Trái tim của chúng ta là một cánh đồng tự do, nó không phải là một
phòng thí nghiệm vô trùng mà là một ‘không gian mở’; do đó, dễ bị tổn thương. Một
mặt cần phải liên tục chăm sóc những chồi non mong manh của lòng tốt; mặt khác,
phải xác định và nhổ tận gốc cỏ dại đúng thời điểm. Hãy nhìn vào bên trong, xem
xét những gì đang xảy ra, đang phát triển trong tôi, những gì là tốt, những gì
là xấu; hay phải chăng cần “phải cày xới toàn bộ và bắt đầu lại với những cây mới?”.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, con muốn sản
sinh ‘những quả dâu tây tuyệt vời’. Cho con biết, việc ‘cải thiện cánh đồng
lòng con’ là một tiến trình của ân sủng và cả nỗ lực của con!”, Amen.
Thứ tư: CHỐN NƯƠNG MÌNH
“Chúa là chốn
con nương mình!”.
Đọc Augustinô, chúng ta hiểu thế nào là sự
chữa lành! “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì
toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi nếu tôi không tìm
thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”. Và Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên
Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”;
“Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm
Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”. Cùng với Tin Mừng hôm
nay, Thánh Vịnh đáp ca - “Chúa là chốn con nương mình!” - cho thấy hành trình
cuộc đời mỗi người là một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm kho báu, tìm
‘chốn nương mình’.
Có ‘chốn nương mình’ tạm bợ; có ‘chốn
nương mình’ bền vững! Và Giêsu, ‘chốn’ đáng nương mình nhất vì Ngài là ‘Kho
Báu’ của mọi kho báu! Sự bồn chồn trong trái tim mỗi người về một tình yêu có
thể sánh với sự bồn chồn của người đi tìm kho báu. Theo những cách khác nhau,
chúng ta trải qua những khát khao về một tình yêu vô điều kiện; một bảo đảm hạnh
phúc đời này, đời sau và câu trả lời cho mọi nan đề. Trong Chúa Giêsu, chúng ta
có tất cả! Hãy đào sâu ý thức về sự vĩ đại của món quà tình bạn mà Ngài ‘tặng
không’ như người kia tình cờ tìm được kho báu ngoài đồng. Hãy ra sức tìm kiếm
và củng cố tình bạn này bằng sự cởi mở trước tình yêu của Ngài như người kia ‘rảo
khắp’ tìm ngọc đẹp. Và bạn sẽ nghiệm ra Giêsu là ‘chốn nương mình’ đích thực nhất.
Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá cuộc sống
mình có giá trị vô hạn trước mặt Thiên Chúa; trong giáo huấn Ngài, chúng ta
khám phá sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững bền; và
trong ân sủng Ngài, chúng ta nhận được sức mạnh để lớn lên trong tình yêu! Kho
báu Giêsu là nơi đầu tư tốt nhất cho một tương lai vững chắc; nơi mỗi người có
thể sống ơn kêu gọi ‘cho sự vĩ đại’ của mình. Vì thế, hãy gác lại mọi bận tâm
khác để làm sao thực sự sở hữu Ngài! Hãy bỏ qua một bên bất cứ điều gì tìm cách
mang lại cho chúng ta một cảm giác an toàn ngoài Ngài! Vì lẽ, không chỉ là ‘chốn
nương mình’, Chúa Giêsu còn là Đấng biến đổi tất cả những ai tìm Ngài nương
thân!
Giêrêmia đã nói lên niềm xác tín đó khi
coi Thiên Chúa là ‘chốn nương mình’, coi Lời Ngài như của ăn - bài đọc một. “Gặp
được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ”; và Chúa phán,
“Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống
và giải thoát ngươi!” đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chốn con nương
mình!”.
Anh Chị em,
“Chúa là chốn con nương mình!”; “Con càng
khốn khổ, Ngài càng gần con!”. Ai gần Giêsu, sở hữu Giêsu, người ấy sở hữu
Thiên Chúa, sở hữu thiên đàng. Augustinô và các thánh sở hữu Giêsu, họ được
Ngài biến đổi. Như vậy, với Chúa Giêsu, một con tim không hoán cải, không thể dịch
chuyển, là một con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận rằng, mình được
yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất một kho tàng! Hãy như
Augustinô, như các thánh, một khi tìm được Giêsu, bạn và tôi hãy cố ôm chặt
Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, “con càng khốn khổ, Ngài càng gần
con”. Cho con biết rằng, càng gần thế gian, con càng nghèo; càng gần Chúa, con
càng bớt nghèo và giàu ra!”, Amen.
Thứ năm: NỖI SỢ THÁNH
“Như hòn đất
nơi tay thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng vậy!”.
Trong cuốn “Đồ Gốm” được Đức Cha Giuse
Đinh Đức Đạo tặng, tôi thích nhất đoạn ngài bắt chước Ghitôn - sách Thủ Lãnh -
để thử xem Chúa có chọn mình không. Chỉ khác một điều, Ghitôn lấy tấm lông
chiên, đặt giữa trời, xin Chúa làm ướt và sau đó, làm khô nó; Chúa chiều ông,
ông biết Chúa chọn mình! Chú bé Giuse thì lấy một tờ giấy nhúng vào nước, phơi
giữa trời hè và xin Chúa giữ cho nó ướt mãi. Và thật thú vị, cả hai lần, chú
không nhớ gì đến tờ giấy! Chợt nhớ, hai lần trở lại, nó khô queo. Vậy mà Chúa vẫn
chọn chú!
Kính thưa Anh Chị em,
Câu chuyện chú bé Giuse và người ‘Thợ Gốm’
được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay; bên cạnh đó, còn có cả câu chuyện chiếc lưới
thả xuống biển! Số phận chiếc bình gốm hoàn toàn nằm trong tay người thợ; số phận
cá tốt, cá xấu hoàn toàn nằm trong tay ngư phủ. Hai hình ảnh này gợi lên một ‘nỗi
sợ thánh’; đồng thời, trấn an chúng ta về sự công bình của Thiên Chúa, một
Thiên Chúa công bình và quyền năng nhưng rất mực từ bi!
Trong ý định đời đời của Ngài, Thiên Chúa
nhào nặn hòn đất cuộc đời chúng ta trước khi chúng ta hình thành trong lòng mẹ,
và ân sủng Ngài không ngừng giục giã mỗi người đáp lại. Ngài không loại trừ ai,
bất kể họ thế nào; cả khi phản ứng ban đầu của ‘những hòn đất’ đã để lại nhiều
điều không đáng mong đợi. Như người thợ gốm, Ngài định hình cuộc đời chúng ta với
những sai sót của mỗi người; Ngài luôn cố tạo ra một điều gì đó mới mẻ, tốt đẹp
từ những sai sót đó. Tất nhiên, chúng ta phải cộng tác bằng cách tiếp tục mở
lòng đón nhận hành động của Ngài. Nguyên việc ý thức điều đó đã là đáng mừng;
vì lẽ, nơi bạn, đã có một ‘nỗi sợ thánh!’.
Cũng thế, lưới kéo lên bờ chỉ ra thời điểm
cuối cùng. Sẽ đến một lúc Nước Trời trên trái đất kết thúc, những ai thuộc về
và không thuộc về Chúa được tách khỏi nhau. Vậy khi nào kết thúc? Thật may,
không ai biết! Nhưng một điều chắc chắn, kết cục của mỗi người sẽ đến trong một
thời gian tương đối ngắn. Khi điều đó xảy ra, liệu chúng ta ở trong hay ở
ngoài! Làm sao để bảo đảm tôi đang ở đúng chỗ? Tôi sẽ đi xưng tội? Đừng đặt cược
vào nó! Bảo đảm tốt nhất là gắng mà ‘qua cửa hẹp’ ngay hôm nay; và sống thật tốt.
Làm được điều đó mỗi ngày, tương lai sẽ tự liệu; bạn không cần phải lo lắng!
Anh Chị em,
“Như hòn đất nơi tay thợ gốm thế nào, các
ngươi ở trong tay Ta cũng vậy!”. Một khi hòn đất nằm trong tay thợ gốm, nó
thành vật quý và hữu dụng; bằng không, hòn đất muôn đời vẫn là đất. Cũng thế,
là những hạt bụi hư vô, bạn và tôi được Thiên Chúa thổi sinh khí để trở thành
sinh linh mang sự sống, hình ảnh và dáng dấp của Ngài. Ngài yêu chúng ta vô
vàn. Không chỉ làm người, chúng ta trở nên tạo vật mới; con trai, con gái của
Ngài. Vậy, hãy có cho mình một ‘nỗi sợ thánh’, không chỉ sợ ngày kia bị loại ra
ngoài như những cá xấu, mà còn sợ trở nên móp méo, ‘sợ không nên thánh!’. Vậy
hãy linh hoạt, uyển chuyển trong tay Ngài, Ngài sẽ nắn chúng ta ngày càng giống
Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Phúc thay người được Chúa Trời nhà
Giacóp phù hộ!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con là chiếc ‘bình móp’
hay con ‘cá còi’; dạy con chuẩn bị cõi đời đời khi còn ở bên này; để ngày đó,
bên kia, con khỏi phải khóc lóc nghiến răng!”, Amen.
Thứ sáu: TÌM KIẾM SỰ HIỆN DIỆN
“Ngôn sứ có
bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình thôi!”.
‘Nản chí’ là bất mãn với quá khứ, ghét bỏ
hiện tại và ngờ vực tương lai. ‘Nản chí’ là vô ơn với phúc lành hôm qua, thờ ơ
với cơ hội hôm nay và bất an với sức mạnh ngày mai. Đó là thiếu kiên nhẫn với
thời gian, non nớt với suy nghĩ và bất lịch sự với Thiên Chúa. Vì thế, trong mọi
sự, bạn hãy tìm kiếm sự hiện diện của Ngài!” - William Ward.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu không
‘nản chí’ khi những người cùng quê - dẫu đã chứng kiến sự khôn ngoan và những
việc vĩ đại Ngài làm - không ‘tìm kiếm một sự hiện diện khác’ nơi Ngài.
Đồng hương của Chúa Giêsu hẳn đã biết
Maria, mẹ Ngài, và cô hẳn đã làm chứng hàng ngày về những đức tính đáng kinh ngạc;
họ hẳn đã biết Giuse, một người chính trực; và Chúa Giêsu hẳn đã thể hiện hoàn
hảo mọi đức tính nhân bản khi Ngài lớn lên. Thế nhưng, nhiều người đã không nhận
ra sự thánh thiện của Ngài và của Thánh Gia Thất.
Trải nghiệm này nhắc chúng ta rằng, chúng
ta cũng sẽ dễ dàng bỏ lỡ sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình. Nếu những
người gần gũi với Chúa Giêsu không nhận ra những đức hạnh và sự thánh thiện phi
thường của Ngài, thì chúng ta lại càng không thể thấy sự hiện diện của Chúa
trong cuộc sống của những anh chị em chung quanh! Vì một lý do nào đó, có lẽ phải
đấu tranh với lòng kiêu hãnh và sự tức giận, nên chúng ta dễ nhìn vào lỗi lầm của
người khác hơn là nhìn vào các nhân đức của họ. Câu chuyện Phúc Âm hôm nay khuyến
khích chúng ta làm mọi cách để có thể nhìn xa hơn ‘các bề mặt’ và ‘tìm kiếm sự
hiện diện’ của Chúa trong mọi cuộc sống chúng ta gặp gỡ trên đường đời.
Ở cấp độ căn bản nhất, Chúa ngự trong mỗi
người và mọi người được Ngài dựng nên! Ngay cả những người ở trong tình trạng tội
lỗi nghiêm trọng và dai dẳng vẫn được Ngài tạo tác và phản ánh hình ảnh Ngài
theo chính bản chất của họ. Chúng ta phải thấy điều này! Cũng thế, cả những người
ở trong tình trạng ân sủng mang theo sự hiện diện của Chúa, không chỉ trong bản
chất của họ mà còn phản chiếu hoạt động của Ngài trong cuộc sống họ. Vì thế,
chúng ta phải nỗ lực ‘tìm kiếm sự hiện diện’ của Chúa trong mọi sự, mọi người,
để có thể nhìn thấy Ngài trong thế giới và trong mỗi người.
Anh Chị em,
“Hãy tìm kiếm sự hiện diện của Chúa” bằng
cách bắt đầu nghĩ về những người mà bạn thân thiết nhất. Khi nghĩ về họ, bạn
nghĩ đến điều gì? Qua nhiều năm, chúng ta có thể hình thành một thói quen chỉ
trích lầm lỗi của họ. Và những thói quen đó rất khó bỏ. Chúng ta chỉ có thể bỏ
chúng bằng cách nỗ lực ‘tìm kiếm sự hiện diện’ của Chúa trong cuộc sống họ. Như
đã lưu ý, nếu những người dân thành Nazareth đã gặp khó khăn khi làm điều này với
Chúa Giêsu, Đấng hoàn hảo tuyệt đối, thì chúng ta sẽ còn khó khăn hơn khi làm
điều đó với những con người bất toàn. Thế nhưng, nếu vượt qua những định kiến
này mà không nản chí, thì đó là một nỗ lực rất thánh thiện mà - với ơn Chúa - bạn
sẽ thực hiện được.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con vô ơn với phúc lành
hôm qua, thờ ơ với cơ hội hôm nay và bất an với sức mạnh ngày mai khi con bỏ lỡ
‘những lần thăm’ của Chúa qua anh chị em con!”, Amen.
Thứ bảy: VƯỢT QUA HỐI TIẾC
“Đó chính
là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”.
“Để có thể vượt qua hối tiếc, thoát khỏi nỗi
đau gây nên bởi những hối hận về quá khứ, sợ hãi về tương lai… hãy để lại dĩ
vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của
Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài bằng việc trung thành với ân sủng!” -
Jean-Pierre de Caussade.
Kính thưa Anh Chị em,
Giá mà câu nói của Jean-Pierre de Caussade
được áp dụng cho Hêrôđê thì linh hồn của một quận vương đã không hư mất! Trong
Tin Mừng hôm nay, Hêrôđê cho rằng, Chúa Giêsu hẳn là Gioan Tẩy Giả sống lại từ
cõi chết, thì phải chăng bên trong ông đã có một sự đấu tranh với những hối tiếc,
sợ hãi và mặc cảm tội lỗi? Giá mà ông ‘vượt qua hối tiếc’ và cho phép lòng
thương xót Chúa bước vào!
Sau khi giết Gioan, Hêrôđê nghe biết danh
tiếng của Chúa Giêsu, tin tức về Ngài đã lan truyền nhanh chóng và kịp đến tai
ông. Với phiên bản của Marcô, chúng ta biết, “Hêrôđê sợ Gioan, biết Gioan là
người công chính và thánh thiện nên giam giữ ông. Khi nghe Gioan nói, ông rất bối
rối, nhưng vẫn thích nghe”. Có thể Hêrôđê đã có một tia sáng đức tin nào đó,
nhưng cuối cùng, bị chi phối bởi những đam mê và ham muốn quyền lực. Có lẽ đó
là lý do tại sao ban đầu ông giữ Gioan lại trong tù; và có vẻ như Hêrôđê cũng tỏ
ra hối hận hoặc sợ hãi về việc chặt đầu Gioan. Và cũng rất có thể vì lý do này
mà Hêrôđê đã nghĩ ngay đến Gioan khi lần đầu nghe về Chúa Giêsu và “quyền năng
lớn lao” đang hoạt động trong Ngài.
Sự hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi là
những tác động phổ biến của một lương tâm đang xung đột. Hêrôđê là một ‘mẫu
gương’ về những gì xảy ra khi chúng ta không giải quyết được xung đột đó bên
trong chính mình. Cách duy nhất để ‘vượt qua hối tiếc’ và giải quyết sự bối rối
bên trong của một lương tâm xung đột là ‘khiêm nhường đầu phục sự thật’. Hãy tưởng
tượng nếu Hêrôđê đã ăn năn; hãy tưởng tượng nếu ông ta đã tìm đến Chúa Giêsu,
thú nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ! Đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời.
Thật tiếc, thay vào đó, chúng ta có chứng từ của một người đã đi lạc không để
cho lòng thương xót Chúa bước vào nên vẫn ngoan cố trong tội.
Anh Chị em,
“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết
trỗi dậy!”. Hãy suy gẫm về lời chứng không thánh thiện này của Hêrôđê! Chúa có
thể sử dụng mọi thứ cho vinh quang Ngài, và Ngài thậm chí có thể sử dụng mẫu
gương của Hêrôđê để chúng ta thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào. Bạn có đấu
tranh với sự hối tiếc, sợ hãi và tội lỗi không? Tin tốt lành là xung đột này dễ
dàng được giải quyết bằng một tấm lòng khiêm nhường tìm kiếm sự thật. Hãy tìm
kiếm sự thật để ‘vượt qua hối tiếc’, thừa nhận bất kỳ tội lỗi dai dẳng nào mà bạn
cần giải quyết và cho phép lòng thương xót của Chúa bước vào để giải thoát bạn.
Tắt một lời, “Hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót Chúa; trao tương lai cho sự
quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài dành cho bạn!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con đủ sức nhảy bổ vào
vòng tay từ ái của Chúa; nhờ đó, con thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ, bất
an của hiện tại và sợ hãi của tương lai!”, Amen.