Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG-B

2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1, 26-38

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người.

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”. 

Mỗi khi đọc “kinh kính mừng” là chúng ta nhắc lại lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria khi xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….” .

Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ, có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (Được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).

Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết, nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng nghe.

Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta cảm thấy không thể thực hiện được, nhưng “đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể”. Từ không, Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Từ bùn đất, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Bằng quyền năng,  Thiên Chúa đã làm cho bà Isave cao niên và son sẻ mang thai và sinh con. Nên việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế vẫn đồng trinh đối với Đức Maria là chuyện bình thường. Do đó, nếu ta biết tin tưởng và khiêm tốn để Chúa hành động nơi cuộc đời của ta như Đức Maria, thì Chúa cũng sẽ làm những điều kì diệu trên đời ta.

Tuy dẫu Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.

Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.

Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục  ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất.

Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.

Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”. 

Xin cho chúng ta biết noi gương Đức Maria biết  khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà tích cực cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và qua ta ơn cứu độ đến được với tha nhân.

 

Thứ hai: CHÚA GIÁNG SINH

DẪN LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Kính thưa cộng đoàn,

Sau những ngày tỉnh thức mong đợi, đêm nay Chúa Cứu Thế giáng sinh cho chúng ta. Đêm nay, đêm ngập tràn niềm vui, ngập tràn ánh sáng của nguồn bình an và ơn cứu rỗi. Đêm mà “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đêm huyền nhiệm vì Con Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận con người để con người được làm con Thiên Chúa.

Nguyện xin ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể chiếu rọi tâm hồn tối tăm của chúng ta, để lòng trí mỗi người chúng ta được bừng sáng lên niềm hy vọng, bình an và hạnh phúc bởi biết rằng Con Thiên Chúa đã đến trần gian vì yêu chúng ta.

Giờ đây, trong tâm tình mừng vui hân hoan, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ mừng kỷ niệm Thiên Chúa Giáng Sinh cho và vì chúng ta.

 

* Suy niệm: LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

ĐỐI TƯỢNG CHÍNH CỦA GIÁNG SINH LÀ AI?

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Đối tượng mùa Giáng sinh của bạn cần gặp gỡ là ai? Nếu bạn không tìm được đúng đối tượng thì bao mùa Giáng Sinh đi rồi tới thì “lòng bạn như vẫn thấy thiếu đi niềm vui”.

Ta thử ra đường gặp mọi người hỏi xem Giáng sinh năm nay họ quan tâm điều gì? Có lẽ ta sẽ bắt gặp vô số người bận rộn tìm kiếm nhưng sẽ không gặp được Chúa giáng sinh, vì họ tìm sai đối tượng.

- Nhiều bà mẹ có điều kiện một chút thì hồ hởi khoe với nhau vừa mới mua được món hàng hạ giá mùa Noel. Họ tìm kiếm hàng sale mùa lễ để mua cho rẻ.

- Đối tượng của nhiều trẻ em tìm kiếm trong mỗi mùa Giáng Sinh là ông già Noel, là người có một cái bụng phệ nhún nhảy sẽ phát quà cho bé trong đêm Chúa giáng sinh.

- Đối tượng Giáng Sinh của nhiều thanh niên nam nữ là có người cùng đi lễ, cùng đi xem hang đá, cùng uống nước, vui chơi giải trí.

- Đối tượng giáng sinh của nhiều gia đình là môt bữa ăn ngon, một party ấm cùng bên ánh đèn lung linh.

- Đối với những người lao động nghèo thì vẫn miệt mài bán vé số, quét rác, nhặt ve chai chỉ mong có cái ăn để mà sống chứ chẳng cầu gì hơn?

- Đối tượng của các cha xứ là trang trí Giáng sinh lộng lẫy với những cái độc lạ để dân chúng đến đông vui cho lễ hội thêm rộn ràng.

Tất cả các đối tượng mọi người đang tìm kiếm và chọn cho mình đều là xuất phát từ niềm vui ngày Chúa Giáng sinh. Tất cả những điều này có lẽ không có sai, nhưng đây không phải là đối tượng mà các mục đồng hay các đạo sỹ từ phương đông đi tìm kiếm trong đêm Giáng Sinh đầu tiên. Thế nên, Giáng sinh đến và đi thì lòng người vẫn như thiếu đi niềm vui vì đối tượng ta tìm kiếm không phải chính Chúa mà là công việc của Chúa, và tệ hơn chỉ là những hình thức vui chơi phát sinh trong mùa giáng sinh, nên lòng người vẫn thiếu niềm vui của bình an.

Đức cố HY Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận từng nhắc là: “con đừng tìm việc của Chúa mà hãy tìm chính Chúa”, điều này ta vẫn thấy nơi nhiều giáo xứ , quá chú trọng đến trang trí, đến tập hát, tập múa hay ăn uống mừng lễ mà quên đi cốt lõi là cần tổ chức những buổi cầu nguyện dọn lòng mừng lễ và cầu nguyện nơi hang đá giáng sinh. Tôi đã từng thấy có những nơi tranh cãi, xích mích với nhau trong những mùa đại lễ, lý do là vì con cái họ không được chọn đóng kịch, chọn múa, họ không được hát chính, họ không được đọc sách, mà quên đi nhân vật chính của ngày lễ là Đức Ky-tô- Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ.

 Đối tượng chính của lễ Giáng sinh chính là Đức Cứu Thế đã giáng sinh để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta đã được Ngài cứu chuộc bằng chính Máu Huyết của Ngài để ta được trở thành con cái Thiên Chúa.

Thế nên, mừng lễ giáng sinh là dịp để chúng ta cám ơn Chúa đã giáng sinh để cứu chuộc chúng ta. Qua công ơn cứu chuộc ta được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

Giáng sinh năm nay, tôi nhận được một thiệp giáng sinh có câu sau: “He came to pay a debt He didn’t owe because we owed a debt we couldn’t pay.”  Tạm dịch là: “Ngài  đã đến để trả sạch món nợ không phải của Ngài, nhưng là món nợ của mỗi người chúng ta, mà tôi và bạn đã không thể trả nổi.”  

Đây mới là tin vui, tin mừng cho muôn dân, vì hôm nay là ngày kỷ niệm việc Con Chúa giáng trần để trả sạch món nợ tội lỗi cho chúng ta.

Báo chí nói bà Trương Mỹ Lan là người hiện nay đang nợ người dân nhiều nhất. Nợ cả trăm ngàn tỉ. Chúng ta cứ lấy mỗi năm 1000 tỉ để giải cứu cam cho dân Miền Tây thì số tiền bà nợ có thể giải cứu được 100 năm! Không biết số tài sản hiện có bà bán đi có thể trả nợ được bao nhiêu? Rồi con cháu bà có trả nợ thay cho bà hay không? Nhưng chắc chắn một điều là bà cũng chỉ bị giam tù hết một đời thôi.

Nhưng còn Đấng Cứu Thế đã đến gánh cho nhân loại chúng ta món nợ tội lỗi mà nếu chúng ta là một tội nhân không được cứu chuộc thì sẽ bị giam cầm nơi hoả ngục đời đời. Chính Ngài đã cứu chuộc chúng ta khỏi đau khổ đời đời trong tình trạng xa lìa Chúa.

Thế nên, mừng lễ Giáng sinh chúng ta chỉ có niềm vui trọn vẹn là dành cho Chúa một tâm tình tri ân cảm tạ. Dâng cho Chúa tội lỗi của chúng ta với lòng thành tâm thiện chí thay đổi đời sống. Khi chúng ta chọn đúng đối tượng và hiểu đúng mục đích của giáng sinh thì tự lòng ta sẽ thấy niềm vui vì hôm nay ơn cứu độ đã được ban cho toàn thế giới và chỉ mang lại bình an hạnh phúc cho những ai thiện tâm đón nhận Ngài. Amen.

 

* Suy niệm: LỄ RẠNG ĐÔNG

1. GIÁNG SINH TÌNH THAM GIA

Cùng với toàn thế giới, chúng ta đang hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Hòa chung với niềm vui trọng đại này, chúng ta còn được GH mời gọi chiêm ngắm lại biến cố Giáng sinh của Con Thiên Chúa xuống thế làm người dưới khía cạnh của năm mục vụ 2024, với chủ đề GH đưa ra là: "Thúc đẩy sự tham gia đời sống GH". Khi chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm giáng sinh theo chủ đề trên, chúng ta được mời gọi thực hiện hai điều quan trọng: 

Thứ nhất: Noi gương Đức Giêsu tích cực tham gia vào sứ vụ cứu chuộc của Chúa. 

Thiên Chúa không ngồi trên trời cao và từ xa để cứu chuộc con người, nhưng Chúa đã xuống thế ở giữa loài người để cứu lấy chúng ta. Chúa đã tham gia vào thân phận con người, cùng chung chia mọi nỗi buồn vui sướng khổ với phận người sa ngã và yếu đuối.

Chúa đã nhiệt tình tham gia đến độ trở nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã dấn thân tham gia làm một con người bé nhỏ khiêm hạ ở nơi thấp nhất, để rồi từ đó, Chúa nâng cao phẩm giá con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

Thứ hai: Nhiệt tâm tham gia vào việc đón nhận Chúa đến trong đời sống hàng ngày

Chúa Nhập thể thì không chỉ có Đức Mẹ, thánh Giuse tham gia cưu mang và tìm nơi cho Chúa giáng sinh làm người; cũng không chỉ có thánh Gioan làm chứng cho Ngôi Lời là ánh sáng thật đã đến thế gian, mà đặc biệt còn có sự tham gia nhiệt tình của những người chăn chiên.

Ngay giữa đêm khi được các thiên thần báo tin hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, thì họ đã bảo nhau: “Nào ta sang Bêlem.” Rồi họ hối hả ra đi và đã gặp cả nhà Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Mẹ Hội Thánh đang cần các con cái mình tham gia vào đời sống Đạo hăng hái nhiệt tình như vậy.

Chúa đã xuống thế làm người hơn 2 ngàn năm, nhưng thế giới hôm nay vẫn còn nhiều người chưa tin nhận Chúa. Có nhiều lý do khác nhau, nhưng có 1 lý do là vì những người tin Chúa nhưng lại sống đức tin thụ động và dửng dưng với sứ vụ loan báo Tin Mừng, nên không thể chiếu tỏa ánh sáng và sự sống của Chúa cho thế giới.

Thế nên, Giáng sinh là dịp thuận lợi để chúng ta hăng hái nhiệt thành tham gia vào việc xây dựng Hội Thánh và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa cuộc đời này. Amen.

(Viết theo ý tưởng của Lm. Nguyễn Xuân Trường)

 

2. RẠNG ĐÔNG: Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Lc 2,15-20

Lễ Giáng Sinh là một lễ được nhiều người biết đến, được nhiều người vui mừng chờ đón như một lễ hội chung của con người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng bên ngoài của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi,đó là mấy người trong chúng ta đã hiểu và sống ý nghĩa của mầu nhiệm mà lễ Giáng Sinh muốn bày tỏ.

Lời nguyện, bài đọc 1 và 2 của Lễ Rạng Đông hôm nay đều ca ngợi Đức Kitô là ánh sáng, là vinh quang của Thiên Chúa. Ánh sáng và vinh quang đó đến với con người không có một mục đích nào khác hơn là để dẫn con người ra khỏi bóng tối của sự chết, dẫn tới nguồn ánh sáng chân thật và nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Nhưng tại sao ánh sáng và vinh quang ấy không được tỏ ra cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, mà như trong Tin Mừng hôm nay nói là Chúa chỉ tỏ ra cho những người đơn sơ, bé mọn, nghèo hèn là các mục đồng. Còn những người khác, họ đã chờ đón Chúa, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không nhận ra và đón tiếp Người?

Thưa bởi lẽ Thiên Chúa luôn xuất hiện giữa những biến cố đời thường và sự tỏ hiện của Người không ồn ào, náo nhiệt, giữa chốn phồn hoa đô thị, nhưng lại âm thầm kín đáo. Nên chỉ có những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn mới có cơ hội gặp gỡ được Người. Các mục đồng là những người bị mang tiếng xấu, bị coi là những thành phần bất hảo và trộm cắp. Họ bị mọi người khinh khi, bị liệt vào giai cấp hạ đẳng trong xã hội, nhưng điều kì lạ chính họ lại là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh.

Sau khi được các Thiên Thần báo tin, các mục đồng đã hối hả lên đường tới Belem và đã găp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Một Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ, một Thiên Chúa cao sang, toàn năng lại mang thân phận con người bé nhỏ sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Hình ảnh này muốn nói với chúng ta điều gì?

1. Một Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ nghèo hèn muốn nói với chúng ta rằng: mỗi người chúng ta được sinh ra, dù nhỏ bé đến đâu, dù có thấp hèn đến mấy, đều là hình ảnh của Thiên Chúa và đều là con cái Ngài, bởi lẽ con người đã được TC đóng ấn bằng chính tình yêu của Người ngay từ khi tạo dựng.

2. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ đơn sơ muốn nói với chúng ta rằng: bất cứ cuộc sống nào, dù tầm thường đến đâu, dù vô danh tiểu tốt đến mấy, thì cuộc sống ấy luôn vẫn có một ý nghĩa. Bởi sự sống là ân huệ hết sức quý giá do chính TC thương ban.

3. Một Hài Nhi nằm trong máng cỏ hôi tanh muốn nói với chúng ta rằng: dấu chứng vĩ đại của Thiên Chúa chính là sự bé nhỏ của Ngài, dấu chứng quyền lực của Thiên Chúa lại chính là sự yếu đuối của Ngài.

Con TC đã giáng sinh thế đó, Ngài đến với con người trong một làng quê hẻo lánh với thân phận thấp hèn bé nhỏ mong manh. Chỉ có những ai có tâm hồn khiêm hạ như các mục đồng mới có thể nhận biết Ngài.

Thiên Chúa đã làm người. Sự sống và tình thương, ánh sáng và vinh quang của vị Thiên Chúa làm người đó vẫn tiếp tục ban cho chúng ta. Nhưng chỉ có những ai sống khiêm tốn, nghèo khó, sống yêu thương mới có thể nhận biết và đón nhận Ngài.

Chúng ta có thể lên án những người đi trước chúng ta là tại sao họ đã không nhận ra và không tiếp nhận Chúa. Nhưng, rất có thể chúng ta cũng sẽ không bao giờ nhận ra và tận hưởng ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể như các mục đồng xưa kia. Và cũng có thể ngày lễ hôm nay sẽ vô ích, chỉ mang hình thức trống rỗng bên ngoài, nếu chúng ta chưa mặc lấy cho mình một tâm tình khiêm tốn và yêu thương. Bao lâu chúng ta còn lo mải mê chạy theo những vinh hoa phú quý, những lợi lộc vật chất, những thú vui trần tục, mà quên đi những giá trị tinh thần; bao lâu chúng ta vẫn còn sống một cách ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình mà khinh miệt những người thấp kém, nhỏ bé hơn mình, mà không kính trọng, yêu thương, san sẻ những gì mình có cho họ, thì chứng tỏ chúng ta chưa nhận ra và chưa đón nhận “Đấng Thiên Chúa làm người”.

Vậy hôm nay, chúng ta hãy chứng tỏ mình đã thật sự gặp gỡ và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế bằng những hành động cụ thể như tỏ lòng tôn trọng đối với những người bé nhỏ, nghèo hèn; đừng bao giờ khinh thường, coi rẻ anh chị em mình nhưng hãy tỏ lòng yêu thương,tôn trọng những người chung quanh chúng ta, bằng những suy nghĩ, lời nói và việc làm tích cực.

Trong niềm vui của ngày hồng phúc hôm nay chúng ta cũng được mời gọi trở nên những máng cỏ thanh sạch, những hang đá ấm áp để cho vua cả trời đất ngự vào tâm hồn ta, với mong muốn được Chúa Giêsu Hài Đồng  ban bình an, tình yêu và sự sống viên mãn của Ngài cho chúng ta..Amen

 

* LỄ BAN NGÀY: Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

Theo quan niệm dân gian, người ta cho rằng ngày 11 tháng 12 năm 2013 đã qua, được gọi là “ngày của trăm năm” hay ngày “tiến lên” trong thế kỷ 21.

Thực ra đây chẳng phải là ngày tốt hay xấu. Đó chỉ là ngày có con số đẹp, lạ và ngộ nghĩnh theo sắp xếp kiểu tiến lên như 11-12-13. Bởi vì điều làm nên giá trị cho ngày đẹp đó là mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần. Vì thế, người ta gọi đây là “ngày của trăm năm”.

Theo tác giả Phạm Hồng Phước thì “bất luận thế nào, do đây là ngày đặc biệt, cả trăm năm mới có một lần, người ta có thể nghĩ về chúng theo ý thích của mình. Nhưng gạt qua một bên chuyện tốt-xấu, không ai có thể phủ nhận đây là ngày rất đẹp. Và vì vậy, trong ngày đẹp hết sức hiếm hoi như vậy, ta nên đánh dấu chúng bằng những sự kiện, việc làm gì đó thật là đẹp. Thí dụ, tặng cho “người dưng khác họ chẳng nọ thời kia” một món quà thật xinh, một lời khích lệ hay một nụ hôn chân thành…

Nếu ngày 11/12/13 là ngày đặc biệt theo cái nhìn của người đời, thì ngày 25/12/2022, ngày mừng kỉ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người phải là một ngày hết sức đặc biệt đối với người kitô hữu chúng ta.

Đặc biệt không bởi con số của năm tháng, ngày giờ. Nhưng đặc biệt bởi ngày này năm xưa Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trong thế gian và làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi, để cứu độ chúng ta.

Đặc biệt là nhờ Người mà muôn vật, muôn loài được tạo thành.

Đặc biệt bởi chính Ngài là sự sống và là Đấng ban sự sống.

Người cũng chính là Ánh sáng và là Ánh sáng thật.

Ngài đến để xua tan bóng tối tội lỗi, chia rẽ, hận thù… để đem đến cho nhân loại ánh sáng tình thương cứu độ.

Nếu ngày 11/12/13,  tác giả Phạm Hồng Phước nhắc nhở con người làm một nghĩa cử cao đẹp dành cho tha nhân, thì ngày Giáng sinh hôm nay, chúng ta cũng được Ngôi Lời Thiên Chúa kêu mời hãy thắp lên cho tha nhân ánh sáng của niềm hy vọng bằng những cử chỉ đẹp.

Hãy thắp lên ánh sáng yêu thương chân thành cho những ai còn đang lạc bước trong bóng tối của đố kị ghen ghét.

Hãy thắp lên ánh sáng của hòa giải tha thứ cho những ai còn bước đi trong bóng tối của hận thù, chia rẽ.

 Hãy xua tan bóng đêm của đau khổ, thất vọng bằng ánh sáng cảm thông an ủi; bóng tối của nghèo đói bằng ánh sáng quảng đại cho đi; của bóng đêm sự chết bằng ánh sáng niềm vui sự sống….

Mừng ngày lễ giáng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết tiếp nhận sự sống và ánh sáng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đem đến.

Xin cho mỗi người trong chúng ta biết can đảm xua trừ bóng đen của tiền tài, danh vọng, lạc thú trần thế vây hãm nhờ tin nhận và thông phần vào ánh sáng thần linh của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Qua đó chúng ta mới có thể trao ban ánh sáng niềm vui, hy vọng và sự sống của Chúa cho tha nhân.

 

* LỄ BAN NGÀY

Chắc chúng ta còn nhớ vào thứ tư, ngày 11 tháng 2012, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được bình chọn là nhân vật của năm. Đây là truyền thống của báo Time có từ năm 1927 và mỗi năm như vậy, họ chọn một nhân vật, một phong trào làm người hay sự kiện nổi bật của năm đó. Một nhân vật nào được Time tuyển chọn, ban biên tập sẽ dành một bài báo đặc biệt nói về vị đó. 

Trong bài viết nói về ĐTC Phanxicô lần này, báo Time ca ngợi ĐTC có đời sống khó nghèo, đơn sơ khiêm tốn, đặc biệt là ngài luôn quan tâm đến người nghèo. Ảnh hưởng của ĐTC đã làm bừng lên sức sống của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, nhất là tại các nước Âu Mỹ. 

Giới báo chí thế giới cũng đã đặt cho ĐTC Phanxicô những danh hiệu như: “Giáo Hoàng Của Người Nghèo”; “Giáo Hoàng Của Quần Chúng”... Những tin tức Đức Thánh Cha tỏ lòng thương yêu người nghèo, bệnh tật, gần gũi với mọi người đều được các hãng thông tấn quốc tế loan truyền cách rộng rãi.

Nếu báo giới năm ấy không ngớt lời ca khen Đức Thánh Cha Phanxicô và bình chọn ngài là nhân vật của năm vì đời sống nghèo khó, đơn sơ, khiêm tốn và sự gần gũi thân tình với mọi người, nhất là người nghèo. Thì cách đây hơn 2000 năm, một nhân vật trọng đại đã xuất hiện. Đời sống của Người đã trở nên trung tâm và khuôn mẫu cho mọi người, ở khắp mọi nơi, qua mọi thời đại . Chính đời sống khó nghèo, đơn sơ bình dị và tình yêu lớn lao, Người trở nên nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ, làm ảnh hưởng đến bao lớp người trên thế giới; trong đó đặc biệt có Đức Giáo Hoàng Phanxicô kính yêu của chúng ta. Nhân vật đó chính là Đức Giêsu Kitô.

Ảnh hưởng bởi cách thế hiện diện của Ngài.

Như lời Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)

Là một Thiên Chúa cao sang, quyền thế  nhưng Người không nhất quyết chọn nơi sinh ra ở cung điện diễm lệ, trong sự đầy đủ vật chất giàu sang. Trái lại Người chấp nhận sinh ra trong cảnh hang đá đơn sơ, khó nghèo. Ngài nghèo khó đến độ không có một chỗ tử tế để hạ sinh, không một tấm chăn ấm đến xua đi giá lạnh mùa đông.

Con Thiên Chúa không những sinh nơi hang đá nghèo hèn, nhưng còn chấp nhận đời sống vô gia cư, lưu lạc nơi đất khách quê người ngay từ thuở ấu thơ. Khi trở về quê, Người sống ẩn dật suốt 30 năm tại làng quê nghèo Nazareth cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Đến năm 30 tuổi, Người chọn lấy đời sống bôn ba trên khắp nẻo đường Palestine để rao giảng tin mừng. Chính Người tuyên bố cho những ai bước theo Người phải chấp nhận cuộc sống bấp bênh: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chổ tựa đầu” (Mt 8,18-22).

Sinh đã nghèo, sống lại nghèo hơn và chết còn nghèo đáng sợ, đến mức không thể nghèo hơn nữa: trần truồng bị treo trên thập giá.

Chấp nhận sinh nghèo, sống nghèo, chết nghèo để đồng cảm với người nghèo và ban phát sự giàu có của Người lại cho ta: "Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ." (Mt 5,3).

Ảnh hưởng bởi cuộc sống đơn sơ bình dị của Người.

Là Hoàng Tử Bình An, nhưng Người không chọn thành phần quý tộc, ông hoàng bà chúa làm cha mẹ mình. Trái lại Ngài sinh hạ nơi hang bò lừa, sống trong gia đình khó nghèo. Đón nhận một người nữ làng quê làm mẹ và chàng Giuse thợ mộc làm cha. Những người được Hoàng Tử Bình An mặc khải đầu tiên lại là những người đơn sơ, bé mọn. Ngoài Đức Maria và thánh Giuse còn lại chỉ là những mục đồng nghèo khổ, đơn sơ và bé nhỏ trong xã hội.

Tiệc mừng sinh nhật đầu tiên của Hài Nhi Giê-su không trống, không kèn, không có mặt của quan quyền, vua chúa; nhưng là những sinh vật bò lừa, những người chăn chiên quê mùa và những người đạo sỹ biết khiêm nhường đi tìm chân lý, nguồn ơn cứu độ đích thực.

Chiêm ngắm hình ảnh đơn sơ của Hài nhi Giê-su nơi máng cỏ ta mới hiểu hơn về giao ước vĩ đại đã được Thiên Chúa thực hiện từ những gì đơn sơ nhất.

Ảnh hưởng bởi chính tình yêu Người dành cho con người.

Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, thật ngỡ ngàng khi nhận ra một vị Thiên Chúa đầy yêu thương và gần gũi con người.

Một Hài Nhi đơn sơ, được quấn trong tấm tả mỏng manh, giữa trời đông buốt giá, nhưng cánh tay người vẫn giơ cao và giang rộng như muốn ôm chầm và nhấn chìm nhân loại trong trái tim chan chứa tình yêu của Ngài. Hình ảnh Hài nhi Giê-su giang tay ban phát tình yêu xuyên suốt cuộc đời của Ngài, xuyên suốt cả lịch sử vũ trụ.

Cánh tay của Ngài chữa lành bao người bệnh hoạn, tật nguyền. Cánh tay của người giang ra ôm trọn những con người đau khổ thậm chí là những con người tội lỗi. Cánh tay vị Vua vũ trụ cúi xuống thể hiện tình yêu bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho con người. Từ nơi cánh tay và trái tim của Người nguồn mạch ơn cứu độ tưới nhuần trên nhân thế mãi mãi…Cánh tay ngài ôm ấp mọi thân phận con người, tình yêu nơi Ngài giải phóng thân phận con người tội lỗi: “chỉ bằng yêu thương mới “giam cầm” được những con người hoang dại”. “Chỉ có tình yêu mới phá tan gông cùm của những tâm hồn tan nát” (trích trong “nhà sư đeo cỗ thánh giá” Vô Thường).

Giáng sinh là dịp để  hàng tỷ trái tim con người thổn thức ngỡ ngàng về Hài Nhi Giê-su.

Xin Hài nhi Giê-su cho con luôn biết luôn suy ngắm hình ảnh của Người mọi lúc, mọi nơi trong cuộc đời của con! Xin cho con luôn biết sống đơn sơ, khiêm hạ và yêu thương chân thành theo gương Người, nhờ mẫu gương sống động nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô kính yêu của chúng con.

Xin Hài Nhi Giêsu luôn thương đến những người chưa nhận biết Chúa. Cho họ cảm nếm được tình thương cứu độ của Chúa dành cho họ. Xin cho con trở nên ánh sao sáng hầu đưa dẫn nhiều người nhận ra Chúa là Mặt Trời Công Chính, ngỏ hầu mọi người chung lời ca ngợi danh Chúa khắp địa cầu như một bài tình ca bất tận về Hài nhi Giêsu! Amen.

 

* LỄ BAN NGÀY

Lễ Giáng Sinh dịp để chúng ta tưởng niệm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người ban lại cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa. Mầu nhiệm giáng sinh là mầu nhiệm tình yêu. Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3,16). Vì quá đỗi yêu thương con người nên "Ngôi lời đã hóa thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Chính vì thế khi Ngôi Lời hóa thành nhục thể thì Ngài đã mang một tên gọi mới là : "Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta." 

 Với những người không tin vào Đấng Emmanuel thì lễ Giáng Sinh chỉ là dịp để đi mua sắm, tặng quà, ăn uống, vui chơi. Với họ vậy là đủ!  Nhưng với chúng ta, những người tin vào Đấng Emmanuel, điều quan trọng nhất là gặp được Ngài, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa cư ngụ và ở giữa chúng ta.

Biến cố Giáng Sinh là biến cố giao duyên giữa trời và đất, là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc gặp gỡ này cần phải có hai phía.

Về phía Thiên Chúa, Ngài đã hòan tất một chặng đường dài từ trời cao xuống đất thấp, qua việc nhập thể để gặp gỡ con người.

Về phía con người chỉ cần bước đi một quãng đường ngắn như các mục đồng tại Belem, hay một quãng đường dài hơn một chút như các đạo sĩ Đông phương, là sẽ gặp được Ngài.

- Sự kiện Ngôi Lời nhập thể là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo công giáo chúng ta. Đó là Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người và mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc. Với cái nhìn tự nhiên thì biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người là điều khó hiểu, nhưng đó lại trở thành hiện thực đối với chúng ta. Để hiểu được mầu nhiệm này, ta hãy nghe lại câu truyện sau đây:

Truyện: Đàn Ngỗng Tìm Chỗ Trú.

Vào một mùa Giáng Sinh nọ, trước giờ đi lễ, vị chủ nông trại đang thưởng thức nhạc Giáng Sinh, bỗng đâu cả đàn ngỗng của ông tụ lại trước sân nháo nhác tìm chỗ trú. Chúng vừa đói, vừa lạnh, lông cánh rối bời. Tất cả người làm đều đã nghỉ cả, người chủ cũng đều sắp đóng cửa về Thành phố dự Thánh Lễ. Bởi vậy ông bèn ra lùa đàn ngỗng vào chuồng, nhưng chúng không biết. Nên cho dù ông có gào thét khản cả tiếng, chạy ngược chạy xuôi, đã rời cả đôi chân mà vẫn không đem được một con nào vào chuồng. Thấy vậy ông thầm ước: ”Ước gì tôi được làm ngỗng trong chốc lát, để tôi có thể dùng tiếng lòai ngỗng mà nói cho chúng hiểu ước muốn của tôi và cho chúng biết đâu là chốn hiểm nguy, đâu là nơi an tòan”. Bỗng chốc, ông đã trở thành một con ngỗng đứng giữa bầy như ước nguyện.

 Có thể chúng ta coi đó là điều vô lý vì con người sao biến thành ngỗng. Thế nhưng, có một điều khác còn phi lý hơn mà Giáo hội đang mời gọi chúng ta chiêm ngắm nơi hang đá Belem, nơi đó Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa và là vua cả trời đất lại mặc lấy thân phận con người, đã sinh ra trong cảnh khó nghèo nơi hang đá bò lừa. Chỉ khi Ngài làm người mới dùng ngôn ngữ của lòai người mà chỉ dạy cho con người lối đường về quê thật. 

Cách thức Thiên Chúa để biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta phải trở nên mẫu mực cho tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau.

Đối với Chúa, ta chỉ có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài bằng cách thi hành trọn vẹn thánh ý Ngài như một đứa con hiếu thảo.

Đối với tha nhân, chúng ta phải thực hiện những việc làm cụ thể như: ra đi gặp gỡ, thăm hỏi, lắng nghe và chia sẻ; biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những ai nghèo khó; biết cảm thông, an ủi và trợ giúp những người đang gặp đau khổ về tâm hồn, theo tinh thần của 14 mối yêu người.

Câu chuyện cảm động dưới đây giúp chúng ta hiểu hơn thế nào tình yêu là tình yêu ta dành cho Chúa.

Truyện : Hòang Tử Và Cô Gái.

Hòang tử của một vương quốc rất giầu có, lại đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp là con một người làm bánh mì. Tuy bị hòang gia phản đối nhưng hòang tử nhất mực cưới nàng làm vợ. Lễ thành hôn được tổ chức kín đáo và đơn giản trong đền vua, không có khách quí nào tham dự, không có đại diện các nước lân bang.

Nhiều năm trôi qua, hòang tử và cô gái xinh đẹp sống những ngày rất êm đềm hạnh phúc. Đến ngày vua cha băng hà, hòang tử được lên ngôi vua thay cha cai trị dân nước. Bấy giờ các quan triều đình mới cho hòang tử hay biết, vì hạnh phúc của dân nước, ngài phải chọn một trong hai điều : hoặc là khước từ ngai vàng, hoặc phải rẫy bỏ người vợ đẹp để chính thức thành hôn với công chúa của nước láng giềng.

Hòang tử phân vân giữa hạnh phúc cá nhân và an ninh trật tự của dân tộc. Trong khi đó, các quan cận thần thuyết phục hòang tử rằng cô vợ đẹp ấy cũng chỉ là cô con gái nhà nghèo.

Cuối cùng, hòang tử xiêu lòng và phải ngậm ngùi tâm sự với vợ :”Vì an bình và hạnh phúc của cả dân nước, anh đành phải từ bỏ em, em hãy trở về gia đình và có thể đem theo cái gì quí nhất đối với em”.

Tối hôm ấy, hòang tử và người đẹp dùng bữa cơm cuối cùng tại hòang cung. Bữa cơm chia ly sao mà buồn thế ? Hòang tử ăn trong nước mắt, lòng buồn rười rượi không nói lên lời. Tuy nhiên, người vợ vẫn thản nhiên chuốc rượu cho chồng, cạn ly này rồi lại đầy ly khác, trong khi hòang tử lại cố uống cho quên sầu.

Sau bữa ăn thì hòang tử đã quá say không còn biết gì nữa. Lúc ấy, nàng lấy chăn trùm kín hòang tử rồi vác lên vai, kín đáo đi lối sau ra khỏi hòang cung về nhà cha mẹ.

Sáng hôm sau, khi đã tỉnh rượu, hòang tử mở mắt ra thấy mình trong căn nhà nghèo nàn của người làm bánh mì.

- Hòang tử ngạc nhiên hỏi : Làm sao thế này ? Anh đang ở đâu ?

- Cô vợ mỉm cười đáp: Không phải là anh đã nói là  em phải trở về nhà cha mẹ và có thể đem cái gì quí nhất đối với em sao? Thật vậy, điều quí nhất đối với em không phải là gì khác hơn chính là hòang đế của lòng em.

Ước gì tình yêu ta dành cho Chúa cũng giống như tình yêu người vợ dành cho hoàng tử trong câu chuyện trên, để ta ở đâu, làm gì và sống trong hoàn cảnh nào, ta cũng mang Chúa theo cùng, để Chúa ở với ta và ta được ở trong Chúa. Đó cũng chính là ý nghĩa và mục đích mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở cùng chúng ta. Amen. (St)

 

Thứ ba: Cv 6,8-10.7,54-60; Mt 10, 17-22

26/12Kính Thánh Stêphanô Phó Tế Tử Đạo Tiên Khởi

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết sẽ phải chịu nhiều bách hại không chỉ bởi nhà cầm quyền trần thế và ngay cả những người thân yêu của mình, vì mang danh Chúa. Nhưng Chúa Giêsu cũng chấn an các ông đừng sợ, hãy can đảm và kiên trì làm chứng cho Ngài. Đừng sợ! bởi lẽ chính Chúa Thánh Thần sẽ  luôn ở bên. Ngài sẽ nâng đỡ và soi sáng cho các ông biết phải nói gì. Đừng sợ! vì khi trung thành can đảm làm chứng cho Chúa, các ngài sẽ được Chúa cứu thoát.

Có thể nói, phó tế Stêphanô là người đầu tiên trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu vì đã can đảm làm chứng cho Chúa và đã được diễm phúc lãnh nhận vòng hoa chiến thắng vinh quang trong nước trời.

Thầy phó tế Stêphanô vì mang danh môn đệ Đức Kitô và say mê rao giảng về một vị Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nên phó tế Stêphanô đã bị những người Pharisêu ghen ghét. Bởi hận thù, ghen ghét nên họ tìm mọi cách để vu khống hạ bệ và giết ngài. Nhưng với lòng can đảm và ơn soi sáng của Thánh Linh, ngài không khuất phục trước những lời đe dọa vu khống của họ. Trái lại, ngài sẵn sàng tranh luận, giải thích cho họ nhận ra chân lý. Lời lẽ của ngài rất khôn ngoan và sắt bén làm cho đối phương phải im hơi, lặng tiếng. Không tranh luận lại được với ngài. Vì thế, họ càng căm phẩn và tìm cách tố cáo ngài về tội phạm thượng chống lại Môsê và Thiên Chúa. Họ quyết định bắt ngài đưa ra pháp đình để xử án.

Trước pháp đình, Stêphanô càng mạnh dạn minh chứng về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến trần gian và đã chịu chết nhục nhã để cứu chuộc loài người. Thánh nhân cũng không ngần ngại vạch trần tội vong ân bội nghĩa của họ và không ngại nhắc đến lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Ngài.

Với lời lẽ khôn ngoan để minh chứng niềm tin, cũng như lời biện hộ đanh thép tố cáo tội ác của những kẻ làm hại ngài, càng khiến cho đối phương tức giận đến sôi máu và quyết định đưa ngài ra ném đá tử hình.

Dù chịu cực hình đau đớn, nhưng lòng ngài vẫn chan chứa sự cảm thông và tình yêu tha thứ theo gương vị Thầy Chí Thánh. Nên trước khi tắt thở, ngài không quên cầu nguyện cho những kẻ giết hại mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ.”

Xin cho chúng ta cũng biết noi theo thánh Stêphanô can đảm chấp nhận mọi gian lao thử thách ngay cả mạng sống để minh chứng cho niềm tin của mình vào Đức Kitô Tình Yêu nhờ sức mạnh của Thánh Thần.  Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Stêphanô cũng sẵn lòng tha thứ cho những kẻ làm hại chúng ta. Biết lấy tình thương xóa bỏ hận thù, theo lời dạy của Chúa Giêsu. 

 

Thứ tư: 1Ga 1,1-4; Ga 20, 2-8

Ngày 27/12: Kính Thánh Gioan Tông Đồ, Tác Giả Sách Tin Mừng

Đọc lại toàn bộ tin mừng, chúng ta nhận ra thánh Gioan tông đồ có nhiều cái nhất:

1. Là 1 trong 4 môn đệ được CG mời gọi theo Chúa đầu tiên.

2. Là 1 trong 12 tông đồ trẻ nhất.

3. Là tông đồ được CG yêu nhất và cũng là tông đồ yêu Chúa Giêsu nhất.

4. Là 1 trong 3 tông đồ thân tín nhất của CG vì luôn có mặt trong những biến cố xảy ra quan trọng trong cuộc đời của CG: Cứu sống con của ông trưởng hội đường Gia-ai, biến hình trên núi Tabor, cầu nguyện trong vườn đầu...

5. Là tông đồ được tựa đầu vào ngực CG trong bữa tiệc ly.

6. Là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giây phút đau đớn nhất của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

7. Là tông đồ duy nhất được đón nhận di chúc của CG trong vai trò làm con Đức Mẹ.

8. Là tông đồ nhạy bén nhất nên luôn nhận ra Chúa Giêsu phục sinh khi nhìn vào ngôi mộ trống và đáng vấp thấp thoáng của CG bên bờ biển hồ Galilêa.

9. Là tông đồ trước tiên cùng với thánh Phêrô được ơn chữa lành cho anh bị què ở cửa đẹp của đền thờ Giêrusalem sau khi CTT hiện xuống.

10. Là tông đồ duy nhất sống thọ gần 100 tuổi và không phải chịu chết tử vì đạo.

11. Là tông đồ có những suy tư và cảm nhận về tình yêu cách sâu sắc nhất.

12. Là vị tông đồ có một thao thức lớn nhất về tình yêu với nhau.

13. Trung tâm những lời giáo huấn của ngài không gì quan trọng cho bằng là "tình yêu". Ngài kêu gọi mọi người hãy yêu thương nhau như Chúa yêu, và cho biết rằng: “TC là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở lại trong TC ”...

Những cái nhất của thánh Gioan nhắc nhở chúng ta về ơn gọi trọng nhất của người Kitô hữu chúng ta.  Đó là "tình yêu": yêu Chúa và yêu người như Chúa yêu.

 Vậy xin cho chúng ta cũng biết đặc giá trị của tình yêu vào trong tâm điểm của đời sống chúng ta để trong mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta luôn thấm đẫm tình yêu của Chúa theo gương thánh Gioan tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay. Amen.


 Suy niệm 2: TÌNH YÊU CHẮP CÁNH

Tôi đọc trên Internet câu chuyện sau đây:

Có một cô gái mù; cô ta oán ghét mình, oán ghét mọi người, trừ ra người bạn trai tốt lành của cô, luôn ở bên cạnh cô để an ủi, chăm sóc. Cô ta nói với người bạn: “Nếu ngày nào em được sáng mắt, em sẽ xin lấy anh”. Một buổi đẹp trời kia, có ai đó hiến cho cô một đôi mắt. Bác sĩ giải phẫu và ghép đôi mắt mới cho cô. Thế là cô gái mù lòa nhìn được mọi sự, mọi người chung quanh. Cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bấy giờ người bạn trai của cô hỏi: “Nay em đã sáng mắt, em có muốn lấy anh không?” Cô ta chăm chú nhìn người bạn và thấy anh ta cũng mù mắt như mình trước đây. Thật quá bất ngờ. Ý nghĩ rằng suốt đời mình phải sống với một người bất hạnh như thế khiến cô ta lo sợ và cô đã lắc đầu từ chối. Chàng thanh niên buồn rầu ra đi, và vài hôm sau gởi đến cho cô gái một lời nhắn: “Anh chúc em hạnh phúc. Hãy chăm sóc đôi mắt em, vì trước khi nó là của em nó đã là của chính anh đó!”

Đọc câu chuyện này trong mùa Giáng Sinh, chúng ta nghĩ tới tình yêu Thiên Chúa đối với ta và thái độ vô ơn của ta đáp lại tình yêu vô biên và vô vị lợi của Chúa. Quả thế, Thiên Chúa dành cho ta một tình yêu quá lớn lao mà chúng ta hoàn toàn chẳng đáng. Thánh Gioan nói, Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Người cho ta. Người yêu ta nhưng chỉ chuốc lấy cho mình tất cả thiệt thòi, tất cả tủi nhục và khổ đau vì ta luôn vô ơn bạc nghĩa. Người hy sinh cho ta không phải chỉ đôi mắt mà cả người Con yêu dấu của mình, Đấng đã đến trần gian chia sẻ kiếp người yếu đuối mỏng dòn của chúng ta và đã hy sinh mạng sống mình cho ta được hạnh phúc.

Chỉ hai ngày sau lễ Giáng Sinh (27/12) chúng ta mừng lễ thánh Gioan Tông Đồ. Giáo Hội thường mừng lễ các thánh trong ngày sinh nhật trên trời của các ngài nghĩa là ngày các ngài từ giã cõi trần để về với Chúa. Nhưng với thánh Gioan thì khác. Không phải là vô cớ mà Giáo Hội đặt lễ thánh Gioan sát vào lễ Noel như thế. Thánh Gioan là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến và cũng là người chứng tỏ một lòng yêu mến và một sự hiểu biết đặc biệt nhất trong các Tông Đồ đối với Thầy chí thánh. Trong các tác giả sách Tin Mừng, không ai nói về mầu nhiệm Nhập Thể, tức mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, một cách say sưa và hiểu mầu nhiệm này một cách sâu sắc như Gioan. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm tình yêu. Cũng không ai trong các tác giả Tân ước nói tập trung về tình yêu như thánh Gioan; chính ngài đã định nghĩa Thiên Chúa LÀ Tình yêu. Ta nghe đã quá quen, nhưng thật là táo bạo (và sâu sắc) khi định nghĩa Thiên Chúa như thế. Gioan hiểu tình yêu Thiên Chúa qua kinh nghiệm của ngài về Đức Giêsu Kitô.

Thánh Gioan là ai?

Phúc Âm cho biết ngài là con ông Giêbêđê và bà Salômê, một ngư phủ, và anh của ngài là Giacôbê, cũng là môn đệ của Chúa. Trước khi đi theo Chúa Giêsu, Gioan là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Phúc Âm còn cho biết, ngài là một trong ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, cùng với Phêrô và Giacôbê. Bộ ba này đã được chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm cho đứa con ông Gia-ai đã chết được sống lại; chứng kiến cảnh Chúa hiển dung sáng láng trên Núi Tabo và được Chúa dẫn theo để hiện diện với Chúa trong giờ phút Người cầu nguyện thảm thiết trong vườn Cây Dầu trước lúc phó mình chịu chết. Cùng với Tông Đồ Phêrô, Gioan là môn đệ đã được chọn đi dọn chỗ cho Thầy ăn lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ; cả hai đã đi theo vào dinh vị Thượng Tế khi Đức Giêsu bị bắt điệu vào đó. Đặc biệt nhất là một mình Gioan đã có mặt dưới chân thập giá và được Chúa tin tưởng phó Thân Mẫu của Người cho, để thay mặt Người chăm sóc Mẹ. Thánh Gioan thật xứng đáng với danh hiệu “người môn đệ được Chúa thương mến”!

Tình yêu chắp cánh

Bài Tin Mừng ngày lễ thánh Gioan (Ga 20,1-9) kể lại việc Phêrô và Gioan vội vàng chạy ra mộ Chúa sau khi bà Maria Mácđala hớt hải đến báo tin rằng ngôi mộ đã bị mở ra và không thấy xác Chúa ở đó nữa. Hai môn đệ đều chạy nhưng Gioan chạy mau hơn và đã đến mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. Phêrô đến sau, vào thẳng trong mộ và cũng thấy những băng vải và khăn che đầu, khăn này được cuộn lại và để riêng ra (chi tiết này ngụ ý rằng đây không phải là một vụ trộm xác).

Tại sao Gioan chạy đến mộ trước Phêrô? Chắc hẳn vì ngài trẻ trung hơn, chạy khỏe hơn Phêrô. Nhưng theo ý nghĩa thần học, người ta có thể giải thích tại vì Gioan có lửa tình yêu cháy bỏng trong lòng; tình yêu như chắp cánh cho đôi chân chạy mau.

Và tại sao Gioan không vào ngay trong mộ mà lại nhường cho Phêrô? Là vì Phêrô đứng đầu các Tông Đồ, ngài đại diện cho quyền bính Giáo Hội sau này. Ý nghĩa “thần học” của hành động Gioan là: Đức tin của chúng ta chủ yếu dựa trên lời chứng của các Tông Đồ, và trước hết là lời chứng của vị đứng đầu các ông. Dù vậy, ngay lúc này, khi nhìn thấy ngôi mộ trống, Tông Đồ Phêrô chưa hiểu, chưa tin ngay, còn Gioan vào sau thì “đã thấy và đã tin” liền, không chậm trễ.

Thấy gì? Cũng chỉ thấy những dấu hiệu mong manh là khăn liệm và khăn che đầu như Phêrô thôi, nhưng chắc chắn tình yêu mến đã giúp ngài “thấy” xa hơn các dấu hiện bên ngoài.

Quả thật, tình yêu cho người ta đôi mắt tinh tường, con tim bén nhạy và ngay cả đôi chân nhanh nhẹn để chạy tới cùng đích là gặp gỡ người mình yêu dấu.

Để biết ai, hiểu ai, cần phải yêu mến người ấy. Tình yêu giúp ta đi vào tận trong trái tim kẻ khác và biết họ, hiểu họ từ bên trong, một cách đích thật và sâu xa.

Vị Tông Đồ của Tình Yêu

Người ta nói suốt đời ngài chỉ rao giảng về tình yêu, và khi đã về già, sức lực không còn nữa, ngài chỉ lặp đi lặp lại một lời: “Các con hãy yêu thương nhau!” Tình yêu có vẻ là điều tự nhiên nhất và dễ dàng nhất đối với con người. Nhưng thật ra tình yêu chân chính là rất khó vì chúng ta thường rất ích kỷ. Thánh Phaolô đã mô tả tình yêu đích thực với những đặc tính như sau: “[tình yêu thì] nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác [của kẻ khác]; tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” [x. 1Cr 13,4-8]. Chính Chúa Giêsu đã dạy một cách tóm tắt: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh tính mạng vì người mình yêu”. Một tình yêu như thế thì chúng ta cứ phải học, phải học suốt đời.

Nếu thánh Gioan đến đây hôm nay và ngỏ lời với ta, chắc ngài sẽ vẫn lặp lại lời khuyên quen thuộc: “Các con hãy thương yêu nhau”.

Xin Chúa ban cho chúng ta đầy tình yêu chân thật trong lòng, nhờ đó chúng ta có được đôi mắt tinh tường có thể nhìn ra các nhu cầu của tha nhân, đôi tai rất thính để nghe biết những lời kêu than dù là nhỏ nhẹ nhất của những người đau khổ, đôi chân nhanh nhẹn để chạy mau tới mọi người cần tới mình và một trái tim tế nhị để luôn luôn tìm được lời nói, thái độ, cách cư xử thích hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Linh Mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM


Thứ năm: 1Ga 1,5-2,2; Mt 2,13-18

Ngày 28/12: Kính nhớ các anh hài tử đạo.

Hòa trong bầu khí vui mừng của những ngày mừng lễ giáng sinh, nhưng hình như sự trầm buồn vẫn len lỏi đâu đó. Trầm buồn không bởi Con Thiên Chúa bị khướt từ xua đuổi; cũng không do việc Con Thiên Chúa sinh hạ nơi hang đá thấp hèn, cũng không hẳn vì gia đình thánh gia phải chốn chạy lưu lạc nơi đất khách quê người. Nhưng nổi buồn hơn hết phải nói đến đó là bao trẻ thơ vô tội đã bị sát hại dưới bàn tay độc ác của bạo chúa Hêrôđê.

Nguyên nhân nào đưa đến những cái chết thương tâm của những hài nhi vô tội. Có hai nguyên nhân chính:

- Nguyên nhân thứ nhất: Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì các nhà đạo sĩ phương đông nhìn thấy ánh sao lạ. Đoán biết Đức vua dân Do Thái xuất hiện nên các ngài đã lên đường tìm tới Bêlem để thờ lạy. Sau khi dâng lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược, các ngài được mộng báo trở về quê hương bằng con đường khác, không trở lại báo tin cho Vua Hêrôđê biết về nơi chốn hạ sinh của Hài Nhi Giêsu như thỏa thuận trước đó. Biết mình bị lừa nên nhà vua rất tức giận.

- Nguyên nhân thứ hai: Bởi lẽ theo các thượng tế và kinh sư là những chuyên gia sử sách, thì vị lãnh tụ chăn dắt Israel phải sinh ra tại Bêlem, miền đất Giuđa. Nay vị lãnh tụ được sử sách nói đến đã xuất hiện. Nhà vua lo sợ mất ngai vàng nên quyết định ra lệnh sát hại các trẻ em từ hai tuổi trở xuống tại Bêlem cũng như các vùng phụ cận với hy vọng trong đó có cả Hài Nhi Giêsu. Thế là bao tiếng khóc than thảm thiết của những bà mẹ vang lên làm nao động lòng người.

Nếu ngày xưa vì tức giận, sợ mất quyền lực mà vua Hêrôđê đã nhẫn tâm giết chết bao hài nhi vô tội để lại bao tiếng ai oán. Thì ngày nay thay vì quyền sống, sự bình đẳng và phẩm giá con người phải được đề cao. Thế mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi hàng năm có biết bao là trẻ em vô tội bị giết chết do sự độc ác của những Hêrôđê thời đại. Thật là một điều đáng buồn!

Báo Pháp Luật đăng vào thứ ba ngày 26/09/ 2017. GS Ngọc Phượng cho hay, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.

Dân gian thường nói: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy mà chính cha mẹ chỉ vì ích kỷ, chỉ vì ham hố địa vị mà đánh mất nhân phẩm, mờ mắt lương tri, giết chết chính con cái mình, thua loài lang sói. Đó là  một hành động vô đạo, bất nhân. Hơn nữa, giết một đứa trẻ không có khả năng tự vệ là một hành động bỉ ổi, hèn nhát.

Theo Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, kẻ nào phá thai thì còn dã man tàn bạo hơn cả vua Hêrôđê. Hêrôđê chỉ giết một lần, còn ngày nay người ta kéo dài hành động tàn ác đó khắp nơi. Mỗi ngày có nhiều em nhỏ vô tội bị giết chung quanh chúng ta và giữa chúng ta.

Lễ mừng kính các thánh anh hài tử đạo hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy can đảm bảo vệ sự sống, nhất là những bậc làm cha mẹ hãy trân trọng món quà vô giá là sự sống mà Chúa thương ban. Hãy chăm lo nuôi dưỡng con cái thật chu đáo, hãy quan tâm giáo dục con cái mình trở thành người và người con Chúa thật tốt trước tình trạng xã hội xuống dốc về đạo đức như ngày hôm nay.

Xin các thánh Anh Hài tử đạo vì danh Chúa Giêsu, tha thứ cho những sai lầm của những người có trách nhiệm, nhất là những bậc làm cha mẹ vì đã nhẫn tâm giết hại các ngài.

 

Thứ sáu: 1Ga 2, 3-11; Lc 2,22-35

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Gioan hôm nay mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Chúa và với nhau.

1.  Hiệp thông với Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Người.

Mà giới răn của Chúa không gì khác là sống  yêu thương. Sống yêu thương là chúng ta giống Chúa, bởi lẽ "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 7). Giống Chúa cũng có nghĩa là chúng ta thuộc về gia đình của Chúa, vì chúng ta thông hiệp cùng một Tình Yêu với Ngài. Yêu thương chính là bằng chứng cụ thể để người ta nhận biết chúng ta là một đệ Chúa (x Ga 13, 35) và là dấu chỉ cụ thể để chúng ta nhận biết mình biết Thiên Chúa.

2. Hiệp thông với nhau bằng cách yêu thương tha nhân.

Yêu thương tha nhân chính là thông hiệp trong tình yêu Chúa. Tin mừng thánh Gioan cho biết: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1, 14). Với mầu nhiệm nhập thể và nhập thế, Thiên Chúa đã đồng thân, đồng phận với con người, ngoại trừ tội lỗi. Chính Chúa Giêsu xác quyết: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho 

một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). 

Thánh Gioan còn cho biết thêm: khi sống yêu thương tha nhân là chúng ta đang sống trong vùng ánh sáng, còn nếu chúng ta sống trong hận thù là chúng ta ở trong bóng tối.  Vì thế khi thực thi lòng yêu thương tha nhân cũng đồng nghĩa là chúng ta đang biết mình sống trong ánh sáng, vì chúng ta được thông hiệp vào Chúa Giêsu là Ánh Sáng. “Ngôi Lời là ánh sáng thậtánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. (Ga 1,9).

Xin Chúa cho cộng đoàn Họ đạo chúng ta biết hiệp thông với Chúa qua việc chu toàn luật Chúa và GH bằng cách siêng năng tham dự thánh lễ và chuyên cần cầu nguyện theo mẫu gương của Thánh Gia. Cũng như biết hiệp thông với nhau bằng đời sống bác ái chia sẻ. Nhờ đó mà ánh sáng Tình Yêu Chúa được lan tỏa đến với mọi người, nhất là những người còn sống trong bóng tối của nghèo khổ và thất vọng.

 

Thứ bảy: 1Ga 2,12-17; Lc 2, 36-40.

Bằng thể văn Hịch, lời hiệu triệu của thánh Gioan trong bài đọc 1 kêu mọi thành phần con cái Chúa: từ các phụ huynh đến các thiếu niên, trẻ nhỏ, thanh niên và mọi người Kitô hữu hãy can đảm đứng lên chống lại những quyến rủ thế gian mà thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

Để trung thành thi hành ý Chúa theo lời hiệu triệu của Thánh Gioan, đòi hỏi con cái Chúa phải can đảm từ bỏ: Bỏ những đam mê xác thịt, bỏ những những cái nhìn bất chính của đôi mắt, khử trừ tính kiêu căng và loại bỏ thói ba hoa muốn hơn người…Từ bỏ vốn dỉ rất khó. Dẫu khó nhưng không có nghĩa là không thể. Bởi lẽ Thánh Gioan cho biết chính Chúa đã trang bị cho chúng ta những khí giới hữu hiệu như:

Nhờ sự chiến thắng của Chúa Giêsu, nên những ai liên kết với Ngài cũng sẽ chiến thắng như Ngài.

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa, được tha thứ mọi tội lỗi được liên kết cùng Gíao hội tạo nên sức mạnh chống lại sức quyến rủ của thế gian.

Hơn thế nữa lời Chúa chính là vũ khí sắt bén nhất giúp chúng ta vượt thắng mọi cám dỗ trần thế. Chính nhờ sức mạnh lời Chúa mà Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ nơi hoang địa.

Xin cho chúng ta biết tích cực đáp lại lời kêu gọi của Thánh Gioan để  trung thành sống theo thánh ý Chúa. Xin đừng bao giờ để những cám dỗ của thế gian lôi kéo chúng ta xa cách Chúa và Gíao hội.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH-B

 

LỜI KHAI MẠC ĐÊM CANH THỨC GIÁNG SINH 2023

Hoà trong  không khí ấm áp chan chứa tình Chúa và tình người của đêm giáng sinh, trước hết cho phép tôi gửi lời chào yêu thương và lời chúc bình an đến tất cả quý ông bà và anh chị em có mặt nơi đây!

Kính thưa cộng đoàn,

Đã từ lâu, lễ Giáng Sinh không còn là niềm vui riêng của người Công Giáo nữa, mà còn là niềm vui chung của toàn thể nhân loại.

 Nhiều người tự hỏi, không biết Giáng Sinh là ngày lễ gì vậy? Và Giáng Sinh có liên hệ gì với tôi?

- Thật ra lễ Giáng Sinh còn được gọi với một tên đầy đủ là Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh. Lễ này chúng ta quen gọi là lễ No-en. Chữ No-en được viết tắt bởi chữ Em-ma-nu-el. Có nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

Đúng vậy, lễ No-en hay lễ Thiên Chúa Giáng Sinh là đại lễ mừng kỷ niệm biến cố trọng đại, đã xảy ra trong dòng lịch sử nhân loại cách đây 2023 năm. Khi ấy Con Thiên Chúa đã rời bỏ trời cao, xuống thế làm người vào một đêm đông giá lạnh để ở cùng nhân loại chúng ta.

Tên Ngài là Giê-su. Ngài xuống trần gian với sứ mệnh để cứu chuộc con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Mang lại cho con người niềm vui, bình an và hạnh phúc, mà thuở ban đầu nguyên tổ Ađam và Evà đã đánh mất vì bất tuân phục Thiên Chúa.

Đêm nay, được gọi là đêm đất trời giao duyên, đêm mà nhân thế hân hoan đón mừng Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài chính là trung tâm và là cửa ngõ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Nên mầu nhiệm Giáng sinh còn được gọi là mầu nhiệm hiệp thông. Hiệp thông giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người.  “Củng cố sự hiệp thông” cũng chính là chủ đề mà Giáo Hội Việt Nam cử hành và sống trong suốt năm phụng vụ vừa qua. Sự hiệp thông này được xậy dựng trên nền tảng Lời Chúa, trong Bí tích Thánh Thể và qua tình tương thân tương ái. 

Tiếp nối sự hiệp thông ấy, năm nay GHVN mời gọi chúng ta hãy tích cực “Thúc đẩy sự tham gia đời sống GH”, bằng những việc làm cụ thể, được nói trong lá thư mục vụ của Đức Giám Mục Giáo phận Cần Thơ gửi cho cộng đoàn dân Chúa nhân dịp mùa vọng và giáng sinh 2023 này. Xin mời cộng đoàn cùng lắng nghe. (Đọc thư ĐGM)

Để tỏ lòng biết ơn và thể hiện quyết tâm tham gia vào đời sống GH và xã hội, theo lời gọi của ĐGM, xin cộng nổ một tràng vỗ tay thật to!

Hoà cùng tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cộng đoàn, tôi cũng xin vui mừng gửi đến quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý HĐMVGX, quý vị khách quý, quý ông bà, cô bác và anh chị em, đặc biệt là các em thiếu nhi lời chào mừng yêu thương, ấm áp và trân quý; cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng chúc lành và ban dồi dào ơn phúc xuống trên toàn thể quý vị. Và cầu chúc mọi người mùa Giáng Sinh an lành, ấm áp, thánh đức; và một Năm Mới dương lịch 2024 dồi dào sức khoẻ, nhiều niềm vui, hạnh phúc, thành đạt.

Với những tâm tình đó, giờ đây tôi xin nói lời khai mạc đêm canh thức giáng sinh 2023, với chủ đề: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta.” (Ga 1,14).

Xin trân trọng cám ơn! (Lm. Nguyệt Giang)

 

Thứ hai: LỄ GIÁNG SINH RẠNG ĐÔNG

Lễ Giáng Sinh là một lễ được nhiều người biết đến, được nhiều người vui mừng chờ đón như một lễ hội chung của con người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi, nhất là đối với những người Kitô hữu chúng ta, đó là mấy người trong chúng ta đã hiểu và sống ý nghĩa của mầu nhiệm mà lễ Giáng Sinh muốn bày tỏ.

- Lời nguyện, bài đọc 1 và 2 của Lễ Rạng Đông hôm nay đều ca ngợi Đức Kitô là ánh sáng, là vinh quang của Thiên Chúa. Ánh sáng và vinh quang đó đến với con người không có một mục đích nào khác hơn là để dẫn con người ra khỏi bóng tối của sự chết, dẫn tới nguồn ánh sáng chân thật và nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Nhưng tại sao ánh sáng và vinh quang ấy không được tỏ cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, mà như trong Tin Mừng hôm nay nói là Chúa chỉ tỏ cho những người đơn sơ, bé mọn, nghèo hèn là các mục đồng. Chỉ có những mục đồng nghèo hèn này mới nhận ra Chúa trong thân phận nghèo hèn giống như họ. Còn những người khác, họ đã chờ đón Chúa, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không nhận ra và đón tiếp.

Thế nhưng, nếu có ai nhân danh chính họ mà đến trong vinh quang trần thế, thì họ sẽ đón tiếp nồng nhiệt (x.Dcr 5,43-44). Con người luôn có một khuyết điểm, họ thường áp đặt lên Thiên Chúa những điều mà họ tưởng là của Thiên Chúa, nhưng thật ra lại chính là của họ. Trong khi luôn mải mê chạy theo những vinh hoa, phú quý thì người ta không thể nào chấp nhận một Đấng Cứu Thế xuất hiện một cách quá tầm thường giữa những người tầm thường.

Người ta quan niệm Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, cao cả, vinh quang và uy quyền giống theo kiểu loài người. Cho nên, người ta không thể nào tin nơi con trẻ sinh ra trong chuồng bò kia, con của bác thợ mộc và bà Maria trong xóm nghèo Nagiaret lại có thể là chính Thiên Chúa làm người được.

Người ta quên rằng vinh quang trần thế thường làm cho người ta chia rẽ, tranh giành, chém giết nhau. Còn vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa không phải để huỷ diệt, để phân rẽ, mà là ánh sáng ban sự sống, là sức mạnh của tình yêu để cải hoá chúng ta.

Thiên Chúa đã làm người. Sự sống và tình thương, ánh sáng và vinh quang của vị Thiên Chúa làm người đó vẫn được tiếp tục ban cho chúng ta. Nhưng chỉ những ai sống khiêm tốn, nghèo khó, sống yêu thương mới có thể nhận biết và đón nhận Ngài.

Chúng ta có thể sẽ lên án những người đi trước chúng ta là đã không nhận ra và không tiếp nhận Chúa. Nhưng, mãi mãi chúng ta sẽ chẳng bao giờ được hưởng ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể và thông truyền cho người khác như các mục đồng xưa kia và ngày lễ hôm nay sẽ trải qua vô ích, sẽ chỉ là những hình thức trống rỗng bên ngoài, nếu chúng ta chưa mặc lấy cho mình một tâm tình khiêm tốn và yêu thương. Bao lâu chúng ta còn lo mải mê chạy theo những vinh hoa phú quý, những lợi lộc vật chất, những thú vui trần tục, mà quên đi những giá trị tinh thần, bao lâu chúng ta vẫn còn sống một cách ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình hoặc khinh miệt những người thấp kém, nhỏ bé hơn mình, mà không kính trọng, sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ san sẻ những gì mình có, thì những điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa nhận ra và chưa đón nhận “Đấng Thiên Chúa làm người”.

Vậy hôm nay chúng ta hãy chứng tỏ chúng ta đã gặp và sẵn sàng tiếp nhận Đấng Cứu Thế bằng những hành động cụ thể; tỏ lòng tôn trọng đối với những người bé nhỏ, nghèo hèn thường bị khinh thường, coi rẻ; tỏ tình yêu thương với những người chung quanh chúng ta bằng những lời nói và việc làm. Nhưng không phải chỉ hôm nay, mà mãi mãi như vậy. (St)

 

* MẦU NHIỆM GIÁNG SINH-THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

Sau những ngày tỉnh thức mong đợi, đêm nay Chúa Cứu Thế giáng sinh cho chúng ta. Đêm nay, đêm ngập tràn niềm vui, ngập tràn ánh sáng của nguồn bình an và ơn cứu rỗi. Đêm mà “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đêm huyền nhiệm vì Con Thiên Chúa đã nhận lấy thân phận con người để con người được làm con Thiên Chúa.

Nguyện xin ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể chiếu rọi tâm hồn tối tăm của chúng ta, để lòng trí mỗi người chúng ta được bừng sáng lên niềm hy vọng, bình an và hạnh phúc bởi biết rằng Con Thiên Chúa đã đến trần gian vì yêu chúng ta.

Giờ đây, trong tâm tình mừng vui hân hoan, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ Mừng kỷ niệm Thiên Chúa Giáng Sinh cho và vì chúng ta.

Cùng với toàn thế giới, chúng ta đang hân hoan mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Hòa chung với niềm vui trọng đại này, chúng ta còn được GH mời gọi chiêm ngắm lại biến cố Giáng sinh của Con Thiên Chúa xuống thế làm người dưới khía cạnh của năm mục vụ 2024, với chủ đề GH đưa ra là: "Thúc đẩy sự tham gia đời sống GH". Khi chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm giáng sinh theo chủ đề trên, chúng ta được mời gọi thực hiện hai điều quan trọng: 

- Thứ nhất: Noi gương Đức Giêsu tích cực tham gia vào sứ vụ cứu chuộc của Chúa. 

Thiên Chúa không ngồi trên trời cao và từ xa để cứu chuộc con người, nhưng Chúa đã xuống thế ở giữa loài người để cứu lấy chúng ta. Chúa đã tham gia vào thân phận con người, cùng chung chia mọi nỗi buồn vui sướng khổ với phận người sa ngã và yếu đuối.

Chúa đã nhiệt tình tham gia đến độ trở nên giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã dấn thân tham gia làm một con người bé nhỏ khiêm hạ ở nơi thấp nhất, để rồi từ đó, Chúa nâng cao phẩm giá con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

- Thứ hai: Nhiệt tâm tham gia vào việc đón nhận Chúa đến trong đời sống hàng ngày

Chúa nhập thể thì không chỉ có Đức Mẹ, thánh Giuse tham gia cưu mang và tìm nơi cho Chúa giáng sinh làm người; cũng không chỉ có thánh Gioan làm chứng cho Ngôi Lời là ánh sáng thật đã đến thế gian, mà đặc biệt còn có sự tham gia nhiệt tình của những người chăn chiên.

Ngay giữa đêm khi được các thiên thần báo tin hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, thì họ đã bảo nhau: “Nào ta sang Bêlem.” Rồi họ hối hả ra đi và đã gặp cả nhà Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Mẹ Hội Thánh đang cần các con cái mình tham gia vào đời sống Đạo hăng hái nhiệt tình như vậy.

Chúa đã xuống thế làm người hơn 2 ngàn năm, nhưng thế giới hôm nay vẫn còn nhiều người chưa tin nhận Chúa. Có nhiều lý do khác nhau, nhưng có 1 lý do là vì những người tin Chúa nhưng lại sống đức tin thụ động và dửng dưng với sứ vụ loan báo Tin Mừng, nên không thể chiếu tỏa ánh sáng và sự sống của Chúa cho thế giới.

Thế nên, Giáng sinh là dịp thuận lợi để chúng ta hăng hái nhiệt thành tham gia vào việc xây dựng Hội Thánh và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa cuộc đời này. (St)


Thứ ba (26/12): Kính Thánh Stêphanô, phó tế tử đạo tiên khởi

GIÁ MỘT LINH HỒN

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”.

Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại. Ông ước tính, thời Julius Caesar, phải tốn ít hơn 1 dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, khoảng 17,000$; đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và năm 1970, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!

Kính thưa Anh Chị em,

Nhân ngày mừng kính thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, một câu hỏi đặt ra là, “Để giết chết một môn đệ Giêsu, phải tốn bao nhiêu?”. Xem ra không tốn đồng nào! Và sẽ rất thú vị khi chúng ta đặt một câu hỏi ngược lại, “Vậy để cứu lấy sự sống đời đời của một linh hồn, ‘giá một linh hồn’ sẽ là bao nhiêu?”. Lời Chúa hôm nay sẽ cho câu trả lời.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tiết lộ, giá phải trả để cứu một linh hồn là chính mạng sống và sự tha thứ của vị chứng nhân. Trình thuật cho biết, người ta ném đá Têphanô cho đến chết khi ngài vừa kịp nói, “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ!”; và “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. Rõ ràng, trong số những người được Têphanô thứ tha, có Saolô, một người đã từng tìm cách tiêu diệt Hội Thánh; để ít lâu sau, trở thành Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Như vậy, Phaolô là người đầu tiên hưởng nhận ơn tha thứ của Têphanô. Từ đó, có thể nói không do dự rằng, ‘giá một linh hồn’ để Hội Thánh có được Phaolô là chính mạng sống cùng sự tha thứ của vị tử đạo.

Làm sao một con người có thể làm được điều này? Trình thuật cho biết, “Được đầy ơn Thánh Thần, Têphanô đăm đăm nhìn trời”. Chính Thánh Thần ban đủ sức mạnh để Têphanô bắt chước Thầy mình; Têphanô đã sống trong Thánh Thần, đầy Thánh Thần, được dẫn dắt bởi Thánh Thần. Và sẽ không ngạc nhiên khi chúng ta đọc lại lời Chúa Giêsu đã hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em!”.

Tha thứ đích thực là giá phải trả cho một linh hồn; vì dẫu có hy sinh đến chết nhưng lòng không tha thứ, thì cái chết vẫn vô ích! Trên thập giá, Chúa Giêsu nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ!”; tương tự như thế, phút hấp hối, Têphanô thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Và bắt chước Thầy, “Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha”, Têphanô kịp thì thào, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ sâu sắc tâm tình này, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con!”.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Đó là lời thứ tha của Chúa Giêsu trên thập giá mà Têphanô lặp lại. Thật ý vị, “họ” ở đây còn bao hàm bạn và tôi! ‘Giá một linh hồn’ của bất cứ ai trong chúng ta đều được Chúa Giêsu mua lấy bằng chính mạng sống Ngài. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh, được thứ tha trong ơn nghĩa thánh. Vì thế, mỗi lần nhớ đến hồng ân trọng đại này, hãy ý thức hơn về ơn gọi của mình, bạn và tôi được gọi để trở nên những chứng nhân của sự tha thứ, của ánh sáng; những chứng nhân Kitô sẽ sẵn sàng trả giá bằng cả cuộc sống mình, dù có phải chết, cho các linh hồn trong một thế giới tối tăm cừu hận.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘giá một linh hồn’ thật đắt, nhất là linh hồn con. Cho con biết, Chúa mua nó hơn hàng trăm ngàn đô; chính mạng sống Ngài!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

 

Thứ tư: KÍNH THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ

MÔN ĐỆ VÔ DANH: ĐÔI MẮT TINH THƯỜNG, CON TIM NHẠY BÉN VÀ ĐÔI CHÂN NHANH NHẸN

“Ông đã thấy và đã tin!”.

“Niềm tin nhỏ đưa linh hồn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống linh hồn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hơn cả nhận định trên về niềm tin, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó còn ‘hơn cả thiên đàng’. Thật bất ngờ, ngay sau đại lễ Giáng Sinh, chúng ta nghe Tin Mừng đại lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Hội Thánh kính nhớ một chứng nhân phục sinh, Gioan tông đồ thánh sử, dẫu cho trong Phúc Âm của mình, Gioan chỉ là một ‘môn đệ vô danh!’.

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” trong Phúc Âm thứ tư. Môn đệ này thực sự không bao giờ được ‘nêu tên’ nhưng luôn ‘núp bóng’ giản dị dưới danh hiệu “người Chúa Giêsu yêu”. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu yêu Gioan hơn những người khác. Thực ra, con người vô danh này đã đáp lại tình yêu đối với Thầy mình trọn vẹn hơn các bạn đồng môn khác. Bằng chứng là dưới chân thập giá, khi cả nhóm Mười Hai bỏ chạy, Gioan vẫn ngoan cường đứng đó với nhóm phụ nữ; vì thế, Gioan trở nên kiểu mẫu cho tất cả môn đệ mọi thời.

Tin Mừng cho biết, chính tình yêu nồng nàn đã cho phép Gioan trực giác một điều gì đó về Thầy nhanh hơn những người khác. Chẳng hạn, Phêrô và Gioan nhìn thấy những dải vải gấp gọn trong ngôi mộ trống; nhưng chỉ với Gioan, “Ông đã thấy và đã tin!”. Gioan nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’. Gioan nhìn sự việc với đôi mắt của một tình yêu sắt son nên có thể nhận ra Chúa Phục Sinh ngay trong khoảng không đời mình, một khoảng không xám xịt, chẳng hy vọng, chẳng có sự sống!

“Ông đã thấy và đã tin!”. Gioan thấy gì? Bài đọc thứ nhất trả lời, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Ôi! ‘Đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ, Gioan - Khải Huyền cho biết - là “phượng hoàng” chấp cánh bay cao tận mút cùng thời gian, mút cùng không gian để thấy và chiêm ngưỡng Ngôi Lời hằng sống. ‘Đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ ngôi mộ trống, Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh! Đó là Giêsu, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh vừa mừng kính, cũng là Đấng đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần của Ngài trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.

Anh Chị em,

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ ông tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, Gioan đã để những gì mình thấy, những gì mình nghe đi vào tâm trí, vào con tim; từ đó, khám phá dần, Giêsu là ai. Vì thế, Gioan trầm lắng dưới chân thập giá, bình tâm trong khủng hoảng. Cũng vậy, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Mẹ Hội Thánh muốn hỏi bạn và tôi, “Con thấy gì?”. Thấy nhân loại nhẫn tâm đẩy Con Thiên Chúa ra tận đồng vắng; thấy con người ác tâm treo Đấng Cứu Độ lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Hội Thánh mời chúng ta chiêm ngắm và tin vào tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho chính mình; và như thế, niềm tin cũng sẽ kéo thiên đàng Giêsu xuống tận linh hồn bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường chỉ muốn hữu danh, nổi tiếng; nên niềm tin èo uột của con đẩy con xa khỏi thiên đàng. Cho con thêm lòng kính tin, để thiên đàng Giêsu cũng kéo xuống tận linh hồn con!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

 

Thứ năm: KÍNH NHỚ CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO

CHỨNG TÁ THẦM LẶNG

“Hêrôđê sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”.

Trong một bữa tiệc tại toà bạch ốc, Hillary Clinton hỏi một thực khách nhỏ thó đồng bàn, “Bà nghĩ sao, mãi đến hôm nay, Hoa Kỳ vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống?”. Bà ấy đáp, “Có lẽ phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay khi còn trong lòng mẹ!”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Thực khách nhỏ thó ấy không ai khác ngoài Mẹ Têrêxa!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Các Thánh Anh Hài không nói đến các trẻ bị bóp chết trong lòng mẹ, nhưng nói đến các trẻ bị giết chết vừa lúc lọt lòng mẹ. Sẽ rất ngạc nhiên khi trước cả Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, các trẻ sơ sinh cùng thời trẻ Giêsu đã là những chứng nhân tuẫn đạo đầu tiên vì danh Ngài; bằng chứng là Hội Thánh tôn kính các em “Các Thánh Anh Hài”. Và dẫu là những ‘chứng tá thầm lặng’, các trẻ này vẫn nói với chúng ta nhiều điều.

Trước hết, các trẻ này nói rằng, “Kìa, sự độc ác của con người xấu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi sinh mạng của những người khác!”. Rằng, “Sẽ có một nơi mà các chế độ chuyên quyền không thể tồn tại; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì bằng tình yêu; Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác!”. Các trẻ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc Ánh Sáng, Vương Quốc Tình Yêu, Vương Quốc Giêsu! Các em được gọi cho một ‘chứng tá thầm lặng’, gãy gọn, nhưng đầy sức mạnh về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến. Mẹ các em sẽ gặp lại các em, ẵm các em vào lòng mãi mãi một ngày kia trước vị Vua yêu thương này.

Việc các trẻ vô tội bị giết hiệu báo Hêrôđê và Philatô rồi đây, sẽ giết chết một Giêsu vô tội. Và như thế, ông trở nên biểu tượng cho mọi quyền lực bạo tàn của vương quốc bóng tối trong suốt lịch sử. Các Anh Hài là những ngôn sứ tiên báo bi kịch lịch sử nhân loại cũng như cuộc chiến giữa vị Vua Ánh Sáng và Ác Thần bóng tối. Gioan thật sâu sắc, “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có chút bóng tối nào!” - bài đọc một.

Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi này còn là một lời cầu mạnh mẽ được Chúa Cha đoái nhận. Tiếng nấc nỉ non của các em từ thời bà Rachel đến thời các bà mẹ Bêlem đã khơi dậy trong Hài Nhi Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ hiến mình trên thập giá, trên các bàn thờ, như quà tặng cho những trẻ này; cho vô số linh hồn già trẻ khác qua muôn thế hệ trước và sau Ngài.

Anh Chị em,

“Hêrôđê sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”. Đức Phanxicô nói, “Các trẻ Bêlem chết vì trẻ Giêsu; và Giêsu, Chiên vô tội, sẽ chết thay cho cả nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Chỉ cần nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa, điều này đã chỉ ra một con đường an ủi nào đó. Trên thập giá, Giêsu, Người Con sắp chết, sẽ ban ‘khả năng sinh sản mới’ cho mẹ Ngài, phó thác môn đệ Gioan cho mẹ, và biến mẹ thành Mẹ của dân đức tin. Cái chết đã bị chinh phục, và do đó, những giọt nước mắt của Maria thời Hêrôđê cũng như của Rachel thời Giêrêmia đã tạo ra một niềm hy vọng mới và một cuộc sống mới”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không cần để có những nam nữ tổng thống, cho con biết ra sức bảo vệ sự sống và quyền sống của những thiên thần không kịp nhìn thấy ánh nắng mặt trời!”, Amen.

 Lm. Minh Anh, Tgp Huế

Thứ sáu: TÒNG THUỘC THÁNH THẦN

“Thánh Thần hằng ngự trên ông!”.

Con người đeo đuổi niềm vui trong mọi quan lộ. Một số tìm được nó, số khác thì không! Sẽ dễ dàng hơn khi mô tả một vài nơi không tìm thấy nó: Nơi người vô tín, Voltaire, “Ước gì tôi chưa từng sinh ra!”; nơi người lắm tiền, Jay Gould, tỷ phú, “Tôi là người khốn khổ nhất trên đời!”; nơi người có địa vị, Lord Beaconsfield, “Tuổi trẻ là sai lầm, trưởng thành là đấu tranh, tuổi già là hối tiếc!”. Vậy niềm vui thực sự ở đâu? Câu trả lời rất đơn giản, “Chỉ trong Chúa Kitô, nơi những ai ‘tòng thuộc Thánh Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ trong Chúa Kitô, nơi những ai ‘tòng thuộc Thánh Thần’”, con người mới có niềm vui đích thực! Kết luận trên, một lần nữa, được gặp thấy trong các bài đọc hôm nay. Lời Chúa nói đến những nhân vật khá độc đáo, từ cụ già Simêon, bà mẹ trẻ Maria và Giuse đến những con người “ở lại trong ánh sáng” theo cách nói của Gioan.

Trước hết, Luca mô tả Simêon với ba lần đề cập Thánh Thần, “Thánh Thần hằng ngự trên ông”; “Ông được Thánh Thần linh báo”; và “Được Thần Khí thúc đẩy”. Simêon sống với Thánh Thần, học lắng nghe những linh hứng của Thánh Thần, trò chuyện với Thánh Thần. Không chỉ được truyền cảm hứng, Simêon còn được Thánh Thần tác động mạnh mẽ để kịp lên đền thờ gặp Đấng Kitô. Cuối cùng, đầy Thánh Thần, ông ẵm lấy Đấng Kitô và cất lên “Nunc dimittis” bất hủ. Hãy dành một chút thời gian để chiêm ngắm cụ già này, một người ‘tòng thuộc Thánh Thần’, phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần!

- Thứ đến, Giuse và Maria, những con người ngoan nguỳ với Thánh Thần. Cách riêng Maria, người đã không gây ra bất kỳ một trở ngại nào cho công việc của Thánh Thần. Gioan Phaolô II mô tả, “Đức Maria đã trung thành đáp ứng mọi yêu cầu của Thiên Chúa, đáp ứng mọi chuyển động của Chúa Thánh Linh”. Trước cửa đền, Maria nghe những lời tiên tri của Simêon, một công cụ của Thánh Thần, “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn”. Maria chấp nhận ‘lưỡi gươm’ đâm thấu tâm hồn được báo trước; bởi lẽ, Mẹ đã ‘tòng thuộc Thánh Thần’.

Theo cách nói của Gioan, ‘tòng thuộc Thánh Thần’ - bài đọc một - còn là những ai “đi trên con đường Đức Giêsu đã đi”, những người “yêu thương anh em mình!”. Gioan gọi họ là những người “bước đi trong ánh sáng”, “ở lại trong ánh sáng”; những ai “biết Thiên Chúa” và “Tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” nơi họ.

Anh Chị em,

“Thánh Thần hằng ngự trên ông!”. Ẵm lấy Hài Nhi trên tay, đầy Thánh Thần, Simêon chúc tụng Thiên Chúa, “Nunc dimittis”. Với trình thuật này, Đức Phanxicô có một ý tưởng khá thú vị, “Khi Maria để Simêon ôm lấy Đứa Con của Lời Hứa vào lòng, ông bắt đầu hát - cử hành một “phụng vụ” đích thực - ông hát những giấc mơ của mình. Bất cứ khi nào Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu vào giữa dân Ngài, họ đều gặp được niềm vui. Cũng thế, chỉ có điều này mới làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong phú và giữ cho tâm hồn chúng ta được sống: đặt Chúa Giêsu vào nơi Ngài thuộc về, giữa dân Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lạc lối trong những quan lộ. Vì niềm vui của con chỉ ở nơi Chúa, khi con ‘tòng thuộc Thánh Thần’. Chỉ khi đó, con mới có thể hát lên “Nunc dimittis!”, Amen.

 Lm. Minh Anh, Tgp Huế

Thứ bảy: MONG ĐỢI

“Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”.

Robert Slater nói, “Không nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn của một quả phụ đi bộ hàng ngày đến nghĩa trang; ở đó, cô đứng lặng trân một vài phút… trước khi bắt đầu một ngày mới. Cô ấy biết, một phần của cô đang ở đó; và phần kia, ở trong bổn phận thường nhật”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hoàn toàn khác với quả phụ u sầu kia, Tin Mừng hôm nay nói đến Anna, một lão bà goá bụa mà lòng vui như hội! Sau 7 năm sống với chồng, phần còn lại của những 77 năm, “Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa”. Bà ‘mong đợi’ “ngày Chúa cứu chuộc Giêrusalem”. Nhân vật độc đáo này đáng được suy gẫm!

Như Simêon, từng ngày, Anna ‘mong đợi’ Chúa với niềm tin tuyệt đối. Hàng chục thập kỷ, bà ước mong gặp Ngài. Có lẽ bà sẽ cam chịu cho đến chết, vì sự ‘mong đợi’ bền bỉ đó vẫn tiếp tục chiếm trọn đời bà; với bà, không có cam kết nào quan trọng hơn. Vì thế, khi thánh gia lên đền thờ, thì cùng Simêon, bà nhanh chóng có mặt dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Gánh nặng tuổi tác và sự chờ đợi biến mất! Họ khám phá Hài Nhi, một sức mạnh mới vốn đòi hỏi họ một nhiệm vụ mới, trở nên ‘chứng nhân của sự mong đợi!’.

Nhà của Chúa là nhà của bà! Gần như bà đã sống ở đó suốt đời. Sự tận tâm của bà đối với nhà Chúa khiến bà nhạy cảm với sự xuất hiện của Ngài. Nhìn Simêon ẵm Hài Nhi, bà lập tức nhận ra đứa trẻ ấy là ai và bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa cũng như nói về trẻ ấy cho người khác. Phản ứng của bà phát triển theo hai hướng, hướng về Chúa trong ngợi khen, và hướng về người khác để nói cho họ biết, Chúa đã đến, cứu thoát dân Ngài. Việc cầu nguyện đã mang lại cho Anna một tầm nhìn thiêng liêng để nhận ra và loan báo Đấng Cứu Độ. Bà chứng tỏ rằng, trung thành với việc cầu nguyện sẽ giúp mỗi người đọc ra dấu chỉ của Thiên Chúa, biết Ngài hoạt động thế nào; và sau đó, rao truyền điều Ngài muốn! Anna cho thấy, một trong những cách thức để phụng sự Chúa là dành thời giờ, sự tập trung, và chú ý vào Chúa cùng hiến dâng chính mình cho Ngài.

Về Anna, Đức Bênêđictô 16 nói, “Cuộc sống goá bụa lâu dài của bà dành cho việc thờ phượng trong đền thờ và tham gia vào việc mong đợi sự cứu chuộc Israel đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp gỡ của bà với Hài Nhi Giêsu!”.

Anh Chị em,

“Bà không rời đền thờ, ăn chay, cầu nguyện và phụng sự Thiên Chúa”. Chỉ một câu, Luca tài tình ghi lại tính cách thánh thiện của con người Anna. Cuộc đời của bà khác xa cuộc đời của quả phụ ngày ngày ra nghĩa trang. Nó ý nghĩa hơn nhiều! Thiên Chúa cũng ước mong trái tim mỗi người chúng ta luôn quy hướng về Ngài, ‘mong đợi’ Ngài như trái tim của Anna, để có thể nhạy cảm với bao việc Ngài làm trong thế giới, một thế giới đang trải qua khúc ngoặt xám xịt nhất của lịch sử. Với tình thế hiện nay, rất nhiều người đang buông xuôi, thất vọng… bạn và tôi hãy mang đến cho họ một tia hy vọng từ chứng tá của mình! Hãy như Anna, đến với đền thờ, trung thành cầu nguyện và phụng sự Chúa trong chay tịnh để có thể chia sẻ cho người khác dấu chỉ quan trọng nhất, Dấu Chỉ Giêsu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không rảo bước hàng ngày đến nghĩa trang, nhưng con cần ‘đi bộ’ đến với Chúa mỗi ngày bằng bất cứ phương tiện nào; bởi lẽ, con ‘mong đợi’ Chúa, con cần Chúa!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...