Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA VỌNG

                                                       Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B

Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3, 8-14; Mc 1,1-8

Suy niệm 1:

Phụng vụ Lời Chúa tuần II mùa vọng, nhắc nhở chúng ta dọn đường cho Chúa ngự đến. Nhưng con đường quan trọng nhất vẫn là con đường đi vào lòng người. Xin cho chúng ta biết tích cực dọn dẹp và sửa chữa lại con đường thiêng liêng đi vào tâm hồn của ta cho xứng hợp, để sẵn sàng đón Chúa ngự đến.

Năm nào cũng vậy, vào Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, Lời Chúa đều vang lên lời kêu gọi: dọn đường cho Chúa ngự đến.

Trong bài đọc I, tiên tri Isaia kêu gọi Israel tích cực dọn một con đường cho Chúa ngự đến, để Người giải phóng dân Người khỏi cảnh lưu đày bên Babylon "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.” (Is 40, 1-5). Lời kêu gọi này của tiên tri Isaia được loan báo khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Lúc bấy giờ dân chúng chỉ hiểu con đường ấy là con đường vật lý, con đường băng qua hoang địa hiểm trở để tiến về đất hứa. Và quả thật lời tiên báo ấy đã thành hiện thực. Vào năm 538 sau khi đánh thắng đế quốc Babylon, vua Ba Tư tên là Kyrô ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái ở Babylon được hồi hương trở về quê cha đất tổ.

Nhưng lời kêu gọi của tiên tri Issaia không chỉ dừng lại trên phương diện vật lý mà còn có giá trị thiêng liêng nữa. Ý nghĩa thiêng liêng ấy được làm nổi bật lên qua lời kêu gọi khẩn thiết của ngôn sứ Gioan Tẩy Gỉa trong bài Tin mừng hôm nay: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.” (Mc 1,3-4). Con đường mà Gioan Tẩy giả kêu gọi để sửa chữa không còn là con đường vật lý mà chính là con đường thiêng liêng, con đường ấy là con đường đi vào tâm hồn và cuộc sống của mỗi người. Chính vì thế mà Gioan Tẩy Gỉa đã không ngần ngại tha thiết kêu gọi mọi người hãy tỏ lòng thống hối mà nhận lãnh phép rửa. Như vậy, lời kêu gọi dọn đường cho Chúa đến, không chỉ có giá trị vật lý mà còn có giá trị thiêng liêng; không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Do Thái thời lưu đày hay thời đại của Gioan Tẩy Gỉa, mà lời mời gọi ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay cho tất cả chúng ta. Bởi lẽ cho dẫu Đấng Cứu Thế đã đến trần gian cách nay hơn 2000 năm rồi, nhưng Người có thể chưa đi vào được tâm hồn chúng ta, vì con đường đi vào cỏi lòng chúng ta vẫn còn đó quá nhiều rào cản, bởi những tính hư tật xấu và tội lỗi. Vậy làm thế nào để dẹp bỏ những rào cản mà chuẩn bị con đường xứng hợp cho Chúa ngự đến?

Thưa bằng cách noi gương của thánh Gioan Tẩy Gỉa mà biến đổi cuộc sống:

- Dành thời gian nhiều hơn để cầu nguyện sống thân tình với Chúa. Trân trọng những phút giây thinh lặng nội tâm để nghe được tiếng nói của Chúa và tiếng lòng thổn thức, theo gương Gioan Thẩy Gỉa.

- Vui vẻ đón nhận những nghịch cảnh xảy ra ngoài ý muốn mà không kiêu ca hay than trách.

- Biết làm chủ bản thân bằng cách tiết chế trong ăn uống, mua sắm và tránh tiêu xài hoang phí. Dứt khoát không thỏa hiệp với những ham muốn bất chính.

- Biết khiêm tốn nhận ra đúng chân giá trị của mình: mình là ai? đang ở đâu? nhiệm vụ của mình là gì?...như Gioan Tẩy Gỉa đã xác định chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, nhiệm vụ dọn đường cho Chúa và không xứng là đầy tớ cởi dép cho Đấng Cứu Thế đến. “Người rao giảng rằng: "Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần".

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta can đảm loại trừ những vật cản ra khỏi tâm hồn và tích cực chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao ban trong tinh thần yêu thương bác ái. Nhờ thế Chúa mới có thể đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta.

* Chúng ta hãy ý thức canh giữ bản thân mình theo gương của vị thầy dòng đạo đức trong câu chuyện sau đây:

Vào một buổi chiều kia, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng được tiếng là người đạo đức: “Hôm nay con đã làm gì?”

Tu sĩ liền trả lời: “Thưa cha, cũng như mọi ngày, hôm nay con rất bận bịu làm việc mà nếu không có ơn Chúa, con sẽ không thể chu toàn. Đó là mỗi ngày con đều phải canh chừng hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu, giữ một con sấu, trị một con gấu và quan tâm săn sóc cho một bệnh nhân”.

Bề trên cười hỏi lại : “Con nói gì thế? Trong dòng chúng ta đâu có những con thú dữ như con vừa nói ?”.

Tu sĩ trả lời : “Thưa cha thật đúng như thế.

Hai con chim ưng là hai con mắt của con mà con phải giữ để chúng khỏi nhìn những vật cấm kỵ.

Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi để chúng không đi vào con đường xấu.

Hai chim diều hâu là hai bàn tay mà con phải bắt nó làm những việc có ích.

Còn con cá sấu là cái lưỡi mà con phải kìm hãm để khỏi nói ra những điều lỗi bác ái.

Con gấu chính là trái tim mà con phải canh chừng để khỏi ích kỷ và tự cao tự đại.

Còn bệnh nhân là chính thân xác của con mà con cần luôn chăm sóc đề phòng để nhục dục khỏi vùng trỗi dậy”.

Ngày xưa Gioan Tẩy Gỉa đã sống như thế để dọn đường đón Đấng Thiên Sai. Nếu mỗi người chúng ta cũng biết sống như vậy trong Mùa Vọng này, tin rằng đời ta sẽ được biến đổi, con đường đi vào tâm hồn của ta sẽ trở thành con đường bằng phẳng, nhờ đó mà Chúa mới dễ dàng đến viếng thăm và ban dồi dào ân sủng cho ta vào bất cứ lúc nào.


Suy niệm 2:

Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật II mùa vọng, mùa của trông ngóng, đợi chờ Chúa đến trong hy vọng. Thực ra Chúa đã đến trần gian cách nay đã hơn 2000 năm rồi và Chúa cũng sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét mọi loài trong ngày cánh chung. Nhưng trong hiện tại lúc này và ở đây Chúa vẫn đến từng giây phút bên đời ta để ban ân sủng, bởi lẽ "Ngài là Chúa của kẻ sống". Điều quan trọng là làm sao ta mới có thể được gặp gỡ Ngài?

Để gặp gỡ Chúa, rất cần ta chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, bằng cách dọn đường.

Ngày xưa chưa có đường, nhưng do đi lại nhiều nên thành đường. Trên trần gian này có lắm con đường: đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường truyền mạng Internet, đường kiến thức, văn hóa…Nhưng tựu chung tất cả các con đường đều hướng đến mục đích là kết nối và gặp gỡ.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta dọn con đường đi vào cõi lòng. Ta tạm gọi con đường ấy là "đường tình"; hay "đường từ trái tim đến trái tim". Có tích cực dọn con đường này cho tốt thì Chúa mới đến được với tâm hồn ta. Vậy chúng ta cần phải dọn con đường này như thế nào?

Phụng vụ lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta một vài cách thức:

1. Trước hết phải tỏ lòng sám hối.

Muốn sám hối thì phải biết nhận ra con người thật của mình còn nhiều thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi vì "Nhân vô thập toàn", chỉ có Chúa mới hoàn hảo. Vì thế mà Gioan Tẩy Gỉa đã lớn tiếng kêu gọi dân chúng hãy tỏ lòng thống hối để đón nhận ơn tha thứ ngang qua khiêm tốn lãnh nhận phép rửa.

Khiêm tốn nhận mình còn nhiều thiếu sót, lầm lỗi là điều không phải dễ dàng, bởi ai trong chúng ta cũng mang gen của kiêu căng tự mãn do nguyên tổ truyền lại. Nhưng nếu không khiêm nhường sám hối thì ta không thể đổi mới được cuộc sống. Không khiêm tốn thì cửa tâm hồn chúng ta bị đóng kín nên Chúa không đến được với ta.

2. Kế đến phải đặt Chúa vào vị trí quan trọng nhất của đời mình.

Tin mừng cho biết đời sống gương mẫu và lời rao giảng của Gioan Tẩy Gỉa thời bấy giờ đã thu hút mãnh liệt nên ông được mọi người biết đến và ngưỡng mộ. Nhiều người còn lầm tưởng ông là Đấng Cứu Thế đã đến. Nhưng không vì thế mà ông tự khuyết trương danh vọng cho mình, trái lại ông luôn đặt Chúa Giêsu vào vị trí cao trọng nhất cho đời mình. Ông không ngại cho mọi người biết mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Trước mặt mọi người, ông khiêm tốn và nhìn nhận mình thấp kém trước Chúa Giêsu, nên không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.

Chỉ khi đặt Chúa vào vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời như Gioan Tẩy Gỉa, ta mới dám chọn Chúa làm lẽ sống cho đời mình mà sẵn sàng khướt từ mọi giá trị trần tục khác nếu điều ấy không phù hợp với ý muốn của Chúa.

3. Sau cùng phải loại trừ mọi tính hư hết xấu.

Bài đọc 1, trích sách tiên tri Isaia, kêu gọi dân Israel mở một con đường băng qua sa mạc để cho Chúa ngự đến, giải thoát họ khỏi cảnh lưu đầy bên Babylon về quê cha đất tổ.

Lời kêu gọi của tiên tri Isaia cũng là lời kêu gọi dọn đường của Gian Tẩy Giả để đón chờ Chúa đến. Ông kêu gọi dân chúng tích cực san bằng những đồi cao, lấp đầy những hố sâu và uốn ngay lại những khúc đường quanh co hầu chuẩn bị sẵn sàng con đường cho Chúa ngự đến.

Những lời kêu gọi ấy cũng chính là sứ điệp của Chúa mời chúng ta ngày nay.

Vậy chúng ta hãy tích cực san bằng những đồi cao của kiêu căng tự mãn, chấp nhận lấp đầy những hố sâu của tham sân si và sẵn sàng uốn ngay lại những khúc đường quanh co gian dối, lọc lừa.

Làm được như thế, Chúa mới đến được với ta và ta mới có cơ hội gặp được Chúa. Có ý thức thi hành những lời chỉ dạy của Chúa thì tha nhân mới dễ dàng đến được với ta và ta mới có thể đến được với tha nhân bởi tất cả chúng ta đều bước chung một con đường tình của Chúa.


Suy niệm 3: 

Năm nào cũng vậy, vào Chúa nhật thứ II Mùa Vọng, Lời Chúa luôn vang vọng lời mời gọi: hãy dọn đường cho Chúa đến.

- Trong bài đọc I tiên tri Isaia kêu gọi dân Israel hãy tích cực dọn một con đường cho Chúa đến, để Người giải phóng họ thoát khỏi cảnh lưu đày bên Babylon "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng…” (Is 40, 1-5).

Lời kêu gọi này đã được tiên tri Isaia loan báo khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Lúc bấy giờ dân chúng chỉ hiểu con đường ấy là con đường vật lý, con đường băng qua hoang địa hiểm trở để đi về đất hứa. Lời tiên báo ấy đã trở thành hiện thực vào năm 538, sau khi vua Ba Tư tên là Kyrô đánh thắng đế quốc Babylon, sau đó ngài ra chiếu chỉ cho phép dân Israel được hồi hương trở về quê cha đất tổ.

Tuy nhiên lời kêu gọi của tiên tri Issaia không chỉ dừng lại trên phương diện vật lý mà còn có giá trị thiêng liêng nữa. Ý nghĩa thiêng liêng ấy được làm nổi bật qua lời kêu gọi khẩn thiết của ngôn sứ Gioan Tẩy Gỉa trong bài Tin mừng hôm nay: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng.” (Mc 1,3-4). Con đường mà Gioan Tẩy giả kêu gọi để sửa chữa không phải là con đường vật lý mà là con đường thiêng liêng, con đường ấy là con đường đi vào tâm hồn và cuộc sống của mỗi người ngang qua việc tỏ lòng thống hối và nhận lãnh phép rửa.

Như vậy, lời kêu gọi dọn đường cho Chúa đến, không chỉ có giá trị vật lý mà còn có giá trị thiêng liêng; không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Do Thái trong thời lưu đày hay thời Gioan Tẩy Gỉa mà lời mời gọi ấy còn mang giá trị cho cả chúng ta ngày nay. Bởi vì cho dẫu Đấng Cứu Thế đã đến thế gian cách nay hơn 2023 năm rồi, nhưng Đấng ấy có thể chưa đi vào được cõi lòng chúng ta, vì con đường đi vào cõi lòng chúng ta vẫn còn đó quá nhiều rào cản của những tính hư tật xấu và tội lỗi. Vậy làm thế nào để dẹp bỏ những rào cản ấy để chuẩn bị con đường xứng hợp cho Chúa ngự đến?

Thưa hãy noi gương của thánh Gioan Tẩy Gỉa để biến đổi cuộc đời mình qua những cách thức sau:

1. Khiêm tốn: khiêm tốn nhận ra đúng chân giá trị của mình bằng cách đặt câu hỏi: mình là ai? đang ở đâu? nhiệm vụ của mình là gì?...như Gioan Tẩy Gỉa đã xác định rõ mình là ai trước Chúa và mọi người. Ông xác nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, nhiệm vụ của ông là dọn đường cho Chúa đến và ông không xứng đáng là đầy tớ cúi xuống để cởi dép cho Đấng Cứu Thế. Ngài rao giảng rằng: "Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần".

2. Gắn bó mật thiết với Chúa: Gioan Tẩy Gỉa đã có thời gian dài sống trong hoang địa. Nơi ấy ngài đã tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, nhờ đó ông đã nhận ra thánh ý Chúa và can đảm loan báo những gì Chúa hướng dẫn ông. Cho nên để thi hành tốt sứ vụ của mình đòi buộc chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa ngang qua: cầu nguyện, học hỏi lời Chúa, giáo huấn giáo hội, siêng năng làm việc đạo đức, nhất là tham dự Thánh lễ…

3. Trân quý đời sống khó nghèo: Gioan đã chọn con đường tu khổ chế, ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhờ thế ngài đã lớn lên, dạn dày và trưởng thành. Chính đời sống khó nghèo đã làm cho lời rao giảng của ngài trở nên khả tín, đánh đọng và thu hút được nhiều người nghe. Chúng ta cũng phải quý trọng lối sống giản dị, đơn sơ và yêu mến tinh thần nghèo khó theo gương Gioan Tẩy Gỉa.

4. Luôn biết làm mới mình: Gioan Tẩy Giả đã dùng lại lời tiên tri Isaia mà cảnh tỉnh dân chúng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng.” (Lc 3,5). Lời kêu gọi của Gioan nhắc chúng ta rằng: đừng bao giờ tự hào về những gì mình làm được và đừng bao giờ an phận với những tư duy và lối sống theo lối mòn xưa cũ. Đã đến lúc mỗi chúng ta cần phải đổi mới, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ, đổi mới đời sống sao cho phù hợp với lời Chúa qua lời kêu gọi của Gioan Tẩy Gỉa:

- Lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.

- Uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc.

- San cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn và bạt cho thấp những chỗ gồ ghề của bất công bất chính.

Cuộc đời mỗi người là một con đường. Nhưng con đường quan trọng nhất là đường đi vào cõi lòng. Con đường ấy vẫn còn đó nhiều đồi núi kiêu ngạo, những thung lũng ích kỷ, bao nhiêu chỗ ghồ ghề khúc khuỷu. Vẫn còn đó những lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc, những lũng sâu tăm tối vì đang thiếu vằng ánh sáng của tình yêu. Nên rất cần sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho bằng, để mong sao con đường đi vào cõi lòng mình trở thành đại lộ thênh thang thì Chúa mới dễ đi vào.

Việc dọn đường bên ngoài qua các nghi thức sám hối, xưng tội, ăn chay, cầu nguyện, bố thí… sẽ không mang đến cho ta ích lợi gì nếu lòng ta không thật tâm sám hối và canh tân đổi mới đời sống theo ý muốn của Chúa.

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta biết can đảm loại trừ những vật cản ra khỏi tâm hồn mình mà tích cực chu toàn tốt bổn phận do Chúa trao ban với tinh thần yêu thương bác ái. Nhờ thế Chúa mới có thể đến, ở lại và ban dồi dào ân sủng trong tâm hồn chúng ta.


Suy niệm 4:

KHẤU CHUẨN sinh năm 961, mất năm 1023, quê ở Hạ Khuê, Hoa Châu. Ông đậu tiến sĩ năm 980 và được thăng chức tể tướng triều đình năm 1004. Thuở nhỏ Khấu Chuẩn ham chơi liêu lỏng, không biết giữ lề thói phép tắc, lại còn lười biếng không lo học hành. Bà mẹ vốn nghiêm khắc thấy con như thế thì thường la mắng quở phạt, nhưng cậu bé vẫn chứng nào tật đó không chịu chừa cải. Một hôm, cậu trốn học đi chơi vì thế thầy giáo mời bà mẹ lên trường làm việc.

Khi về nhà bà rất giận dữ, nên khi thấy cậu vừa về đến nhà đã bị bà cầm quả cân trên tay ném trúng chân làm cậu bị thương, máu chảy đầm đìa. Từ bấy giờ cậu mới biết sợ không dám tiếp tục chơi bời lêu lổng nữa, mà chuyên tâm việc học hành

Về sau Khấu Chuẩn thi đỗ làm quan và được thăng tiến nhanh lên đến chức tể tướng trong triều đình. Tiếc thay khi ông đạt được danh vọng và phú quý thì người mẹ ông lại qua đời. Mỗi khi nhìn thấy vết thương ở chân do quả cân gây ra, thì ông lại khóc nức nở mà nói với mọi người rằng : “Ta phải cám ơn mẹ ta, vì thương ta mà ra tay đánh phạt, gây ra vết thương này. Nhưng cũng chính nhờ nó mà ta được nên người thành đạt như ngày hôm nay”.

Khấu Chuẩn nhờ nhận ra ý muốn tốt lành của người mẹ nên ông đã quyết tâm sám hối, cải thiện đời sống và đã thành đạt.

Tin mừng hôm nay cũng nhấn mạnh đến chủ đề “sám hối” đổi mới đời sống để đón nhận nước trời, bởi nước trời đến gần. Sám hối bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Metanoia (meta là thay đổi, noia là não trạng). Sám hối không chỉ thay đổi bên ngoài nhưng là thay đổi bên trong, thay đổi cõi lòng và cách nghĩ. Sám hối là điều kiện quan trọng để chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón mừng Chúa đến. Chính vì thế mà Gioan Tẩy Gỉa, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước và là tiền hô của Đấng Thiên Sai đã đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Có thể nói sám hối là điều kiện tiến quyết để đón nhận nước trời nên khởi đầu sứ vụ rao giảng tin mừng, chính Chúa Giê-su cũng đã kêu gọi mọi người sám hối. Ngài nói: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Và trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giê-su thường xuyên thúc giục mọi người hãy ăn năn sám hối. Ngài dùng nhiều dụ ngôn để kêu gọi dân chúng sám hối như dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa nói: “Cứ để cả lúa và cỏ lùng cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13, 30). Đặc biệt, trước khi từ giã các môn đệ lên trời, Chúa Giê-su đã truyền lệnh các môn đệ: “Hãy đi rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội…” (Lc 24,47)

Như thế, sám hối là lời kêu gọi và là lệnh truyền rất quan trọng mà Chúa Giê-su muốn gửi đến cho nhân loại qua mọi thời và mọi nơi, nên rất đáng lưu tâm mà thực hiện.

Nhưng có nhiều người vẫn còn dửng dưng, cho rằng đây là chuyện nhỏ, chẳng đáng lưu tâm và không muốn đem ra thực hành, bởi họ nghĩ rằng: Sám hối làm chi cho mệt; sám hối thì phải mất công chừa bỏ tội lỗi và thói hư… chi bằng cứ thoải mái, nếu có mắc tội thì đi xưng tội là xong, thế là nhẹ nhàng, khỏe khoắn…Thế là cuộc đời của họ như quả lắc đồng hồ, đong đưa từ phạm tội đến xưng tội, rồi từ xưng tội đến phạm tội và chu kỳ nầy cứ lặp đi lặp lại không ngừng, rốt cuộc thói hư tật xấu vẫn còn y nguyên, đời sống đạo chẳng khá hơn chút nào!

Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận luận điệu như vậy của chúng ta. Chúa Giê-su nhiều lần cho biết nếu không sám hối thì số phận sẽ rất bi đát.

Qua sự kiện một số người Ga-li-lê bị Phi-la-tô bị tàn sát cách man rợ, Chúa Giê-su cảnh tĩnh dân chúng: “Nếu các ngươi không sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết hết như vậy.” (Lc 13, 3). Ngài còn nói đến trường hợp mười tám người bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết thình lình để cảnh báo: “Nếu các ngươi không sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13, 5).

Tin mừng hôm nay, thánh Gioan tẩy giả cũng cảnh báo rằng:

- Ai không ăn năn hối cải thì bị xem như một thứ cây xấu, sẽ bị chặt bỏ đi và bị ném vào lửa. Ngài nói: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10).

- Ngài cũng gợi lên hình ảnh Thiên Chúa sẽ cầm nia và “rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Mt 3, 12).

Mọi người sinh ra trên đời đều có tội, bởi nhân vô thập toàn. Nếu ta không phạm tội trong tư tưởng lời nói việc làm thì ta cũng phạm vào những tội thiếu sót như đầu lễ mọi người chúng ta đều nhìn nhận. Chính khi ta biết sám hối chừa bỏ tính hư nết xấu và tội lỗi và canh tân đời sống nên tốt đẹp hơn mới được Chúa thương xót thứ tha, còn những ai không ăn năn hối cải sẽ phải mang lấy hậu quả đau thương nặng nề như lời cảnh tỉnh của Gioan Tẩy Gỉa trong tin mừng hôm nay, nhất là của Chúa Giêsu, Đấng mang và ban nước trời cho chúng ta.

Xin cho chúng con quyết tâm thực hành lời Chúa truyền dạy, sám hối, tu thân sửa mình để thoát khỏi hậu quả của tội và được hưởng phúc đời đời trong nước Chúa. Amen. (St)


Suy niệm 5: DỌN ĐƯỜNG LÀ SÁM HỐI

1. Bài đọc 1: Is 40, 1-5. 9-11

Ðoạn này nằm trong phần thứ hai sách Isaia (các chương 40-45), được soạn bởi một đệ tử của ngôn sứ Isaia mà người ta gọi là Ðệ nhị Isaia. Phần này được soạn vào cuối thời lưu đày. Do nội dung, nó cũng được đặt tên là Sách An Ủi.

Trong đoạn này, có 3 ý tưởng đáng lưu ý:

a/ "Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá". Ngày xưa, vì dân Do Thái phạm tội nên Thiên Chúa đã cho họ đi lưu đày. Nhưng nay đã tới lúc Thiên Chúa ân xá tội lỗi cho họ và chấm dứt thời nô lệ của họ. Vì thế, tác giả bảo "Hãy an tâm, hãy an tâm".

b/ Tác giả còn kêu gọi "Hãy dọn đường. Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa". Sau khi kết thúc thời lưu đày, dân sẽ trở về quê hương theo một hành trình qua sa mạc, tựa như một cuộc xuất hành mới qua sa mạc để về Ðất Hứa. Bởi thế, cũng như ngày xưa trong cuộc xuất hành thứ nhất từ Ai-cập trở về đất hứa, Thiên Chúa đã đi trước dẫn đường, thì trong cuộc xuất hành này, Thiên Chúa cũng sẽ dẫn đường cho họ. Vì thế mà phải dọn đường, phải sửa đường. Hành trình qua sa mạc không phải chỉ là thời gian thử thách, mà còn là thời gian thanh luyện.

c/ Tác giả mô tả Thiên Chúa như một mục tử. Thiên Chúa chẳng những là Ðấng giải thoát, Ðấng dẫn đường, mà còn là Ðấng yêu thương: "Ngài ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng trong lòng và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ".

2. Bài đọc II: 2 Pr 3, 9-14

Lá thư được gọi là thư thứ hai Phêrô thực ra không phải do Thánh Phêrô viết, mà do một người mượn danh ngài viết ra, vào khoảng cuối thế kỷ I.

Hoàn cảnh và lý do: Vào cuối thế kỷ I, các kitô hữu không mấy tin vào việc Chúa lại đến, từ đó họ cũng chẳng thiết tha gì đến việc dọn đường cho Ngài.

- Do thời gian chờ đợi hơi lâu nên nhiều người nản lòng. Nhưng tác giả giải thích rằng sở dĩ Chúa chậm đến là vì Ngài nhẫn nại, ban thêm thời gian cho những người tội lỗi có dịp sám hối.

- Tác giả khẳng định lại rằng chắc chắn Chúa sẽ lại đến. Và khi đó sẽ là "trời mới đất mới".

- "Vì vậy, anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao khi mong chờ ngày Chúa đến".

3. Tin Mừng: Mc 1, 1-8

Tất cả những niềm hy vọng của Cựu Ước được thực hiện nơi Ðức Giêsu. Ngài chính là Ðấng Messia. Ngài sắp đến. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai Gioan Tẩy giả làm tiên hô dọn đường cho Ngài, thực hiện lời kêu gọi của Isaia ngày xưa.

Việc Ðức Giêsu là Ðấng Messia và Ngài sắp đến là một tin rất quan trọng sẽ mang lại niềm vui cho dân Do Thái, bởi vì họ đã chờ đợi điều này từ rất lâu. Bởi thế, ngay từ câu đầu tiên của đoạn này và cũng là của cả quyển sách, thánh Mác cô đã dùng từ "Tin Mừng": "Khởi đầu Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa".

Ðấng Messia là một nhân vật quan trọng mà Cựu Ước chờ đợi bấy lâu nay. Vì thế phải có một sứ giả đi trước để dọn đường cho Ngài. Isaia chỉ nói tới việc dọn đường và người dọn đường. Ðoạn Tin Mừng này cho biết rõ thêm: người dọn đường là Gioan Tẩy giả, và ngài kêu gọi dọn đường một cách cụ thể bằng việc sám hối và lãnh nhận phép thanh tẩy. (Lm. Carolo Hồ Bặc Xái)


Ngày nay, kinh tế phát triển mạnh, giao thông là yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế của một đất nước. Muốn cho giao thông tốt phải có đường tốt, muốn có đường tốt thì phải sửa chữa và bảo trì như: đường bộ, đường hàng hải hay đường hàng không... Sửa đường là một việc thường xuyên phải thực hiện để giao thông được dễ dàng.

1. Có nhiều con đường

- Con đường vật lý là những con đường làm bằng vật chất mà ta phải sử dụng hằng ngày, để sự giao thông vật chất được dễ dàng. Những con đường này rất nhiều, rất đa dạng, ở đâu cũng có. Chỗ nào không có đường thì giao thông bị bế tắc.

- Con đường tinh thần là con đường vô hình trong việc giao lưu giữa con người với con người. Đây chỉ là con đường vô hình, siêu vật chất nhưng cũng có lúc bị tắc nghẽn hay bị cắt đứt làm cho sự giao lưu giữa con người gặp khó khăn, ví dụ: hai người ngồi gần kề nhau mà vẫn thấy nghìn trùng xa cách.

- Con đường thiêng liêng là con đường vô hình, siêu vật chất nối kết tâm hồn ta với thần linh, nối kết linh hồn ta với Thiên Chúa. Con đường này cũng có khi bị tắc nghẽn làm cho chúng ta khó liên hệ với Chúa, ví dụ người luôn ở trong tình trạng phạm tội nhẹ hay ở trong tình trạng ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa. Cũng có thể con đường này bị cắt đứt trong tình trạng con người phạm tội trọng, làm cho ta không đến được với Chúa và Chúa không đến với ta.

Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, ta còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

- Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

- Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

- Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen. (TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

 

Thứ hai: Lc 5,17-26

Suy niệm 1:

Mùa vọng là mùa dọn đường. Dọn đường cho Chúa đến được với ta và cho ta gặp được Chúa. Dọn đường cho Chúa đến với tha nhân và cho tha nhân được gặp gỡ Chúa. Xin cho chúng ta biết tích cực dọn con đường thiêng liêng cách tốt nhất để Chúa có thể dễ dàng đến với ta và với mọi người.

Cuộc đời của người bại liệt tại Caphanaum được biến đổi và tâm hồn anh ta nhận được ơn tái sinh, tất cả là nhờ anh ta gặp gỡ được Đức Kitô. Nhưng hành trình để gặp gỡ Chúa Giêsu lại gặp rất nhiều ngăn trở:

– Ngăn trở do bệnh tật: Bởi mang căn bệnh bại liệt nên chính anh không thể thân hành đến gặp Chúa được, cho dù anh ta rất muốn.

– Ngăn trở do khoảng cách: Muốn gặp được Chúa Giêsu, anh phải vượt qua đoạn đường dài. Tự anh không thể vượt qua.

– Ngăn trở bởi đám đông: Bao chung quanh Chúa Giêsu rất nhiều người, làm sao anh ta có thể đến gần được với Chúa.

Nhưng mọi ngăn trở ấy được dẹp bỏ nhờ vào tình thương và sự hy sinh của những người thân cận anh. Họ đã đưa anh lên chõng, cùng nhau khiêng anh đến với Chúa; họ đã vượt qua trở ngại của không gian để đưa anh lên mái nhà và vất vả dỡ mái nhà để thòng anh xuống trước mặt Chúa Giêsu. Chính sức mạnh của niềm tin và tình yêu nơi những người thân cận, đã giúp anh vượt qua mọi rào cản, đưa anh đến gặp được Chúa Giêsu. Nhờ đó mà anh được Người thương cứu chữa.

Tuy nhiên, để cứu chữa người bất toại khỏi căn bệnh thể xác và tâm hồn, Chúa Giêsu cũng phải vượt qua những rào cản khắc nghiệt, bởi sự chống đối của những người Biệt phái và Luật sĩ. Dẫu họ không nói ra, nhưng Chúa Giêsu vẫn biết trong thâm tâm họ có sẵn một bản án dành cho Người:“Người này là ai mà dám phạm thượng?”.

Quyền tha tội là đặt quyền của TC, khi nói lời tha tội là Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa nên phạm vào khung luật tử hình. Nhưng với sức mạnh của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã vượt lên tất cả những rào cản của nghi kỵ của luật lệ vô hồn để thực hiện giới luật tình yêu, để vừa chữa lành bệnh thể xác và bệnh tâm hồn cho người bại liệt, qua việc tha tội cho anh ta.

Mùa vọng là mùa mà GH mời gọi chúng ta dọn tâm hồn cho xứng hợp để cho Chúa đến. Xin Chúa chúng ta biết can đảm vượt qua mọi cản trở mà đến với Chúa để được Người tha thứ tội lỗi và chữa lành mọi vết thương lòng. Xin cho chúng ta cũng mạnh dạn đến với tha nhân nhất là những anh chị em đang xa lìa Chúa và xa cách cộng đoàn để nói lên lời cảm thông, yêu thương và chia sẻ, giúp họ vượt qua được mọi ngăn trở mà trở về cùng Chúa để được Người chữa lành và ban cho họ Niềm Vui Tin Mừng cứu độ của Chúa.

 

Suy niệm 2:

Cuộc sống này có nhiều rào cản ngăn bước chúng ta đến gặp gỡ Chúa. Tin mừng hôm nay cho biết có những rào cản sau:

- Do bệnh tật thể lý hay tân hồn.

- Do khoảng cách địa lý trắc trở.

- Do hội chứng đám đông.

Đó là những rào cản khiến cho người bị bệnh bại liệt xưa kia khó lòng gặp gỡ được Chúa Giêsu. Những rào cản ấy có khi cũng ngăn bước chúng ta đến với Chúa trong thời đại hôm nay.

- Có thể vì mang căn bệnh thể lý, ta không thể tự mình đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay tham gia vào các sinh hoạt đạo đức của Họ đạo được. Nhưng cũng có khi do nhiễm phải Virus lười biếng, dững dưng, thói quen, giận hờn... nên ngại đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa.

- Có thể vì khoảng cách địa lý cách xa nhà thờ, ngại yêu xa nên ít khi đến gặp gỡ Chúa qua việc tham dự thánh lễ.

- Có thể do hội chứng e ngại đám đông, xuất phát từ những lời nói ác ý, thiếu suy nghĩ có khi vô tình những đã làm chùng bước một số anh chị em đến với Chúa. Kinh nghiệm cho biết đã không ít người tín hữu cũng vì những lời nói tiêu cực của một ai đó trong cộng đoàn đã làm cho họ bất mãn, có khi mất đức tin không còn thiết tha đến gặp gỡ Chúa nữa.

Để vượt qua những rào cản ấy cần phải có người quan tâm, đồng hành nâng đỡ. Hình ảnh những người khiêng anh bị bại liệt trong tin mừng hôm nay đã giúp sức cho người bệnh vượt qua mọi rào cản để đến gặp gỡ được Chúa. Nhờ thế cuộc đời anh được đổi mới và tâm hồn anh được tái sinh.

Mong ước mùa vọng này, một mặt, chúng ta có được sức mạnh tinh thần và đức tin đủ để vượt qua mọi rào cản mà xưa nay đã ngăn bước ta đi đến gặp gỡ Chúa. Mặc khác vì đức tin và tình thương, ta cũng biết hy sinh để quan tâm giúp đỡ và tìm mọi cách để đưa dẫn những người thân chúng ta đang sống trong tình trạng bại liệt tâm hồn và đức tin đến gặp gỡ Chúa để họ được Chúa chữa lành và ban ơn dồi dào ân sủng.

 

Thứ ba: Mt 18, 12-14

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh của vị mục tử tốt lành để làm nổi bậc lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. “Chúa không muốn chúng ta phải chết nhưng muốn chúng ta ăn năn sám hối để được sống”.  Xin cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót Chúa mà mau quay gót trở về để được sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của Người.

Với dụ ngôn người mục tử tốt lành và con chiên bị thất lạc mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa và qua đó cũng nêu bậc lên giá trị hết sức cao quý của con người.

– Để diễn tả lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sánh ví TC như người mục tử nhân lành. Người mục tử ấy không những biết chiên, tận tâm lo lắng chăm sóc cho đoàn chiên được sống dồi dào; tìm những cánh đồng cỏ non cho chiên ăn no; khai thác những dòng suối mát cho chiên uống thỏa thê và ra sức tìm nơi ấm cúng cho chiên nghỉ ngơi an giấc… mà còn luôn hiện diện và đồng hành với chiên trong mọi nẻo đường để bảo vệ cho chiên khỏi rơi vào kẻ thù bắt hại. Nếu có con chiên nào lạc đàn, thì người mục tử luôn thao thức và không ngại hy sinh để ra đi tìm kiếm bất chấp gian nan khổn cực, cho đến khi tìm được và đưa chiên về đàn mới an vui…Tất cả những hình ảnh của người mục tử tốt lành ấy là nhằm diễn tả một phần về một vị TC giàu lòng thương xót.

– Vì sao TC lại yêu thương chúng ta một cách đặc biệt như thế?

Thưa bởi vì trong thế giới này, không có loài nào cao quý bằng loài người. Ngoài loài Thiên Thần ra thì chỉ có con người mới được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người. Mỗi người chúng ta đều có phẩm giá hết sức cao trọng trong mắt của Chúa. Vì thế mà Chúa không muốn để hư mất bất cứ ai. Người đã sẵn sàng chịu chết đau đớn trên thập tự để cứu chuộc chúng ta và rồi hứa ban sự sống hạnh phúc đời đời cho chúng ta trong nhà Cha trên trời.

Nhưng nhiều khi chúng ta ta lại nghe theo lời của ma quỷ muốn dùng tự do của mình để chối bỏ TC và xa cách anh em, bởi lối sống đạo trể nải, nguội lạnh, sẵn sàng chống lại ý Chúa mà phạm tội, để từ đó trở thành con chiên bướng bỉnh, lạc đàn…

Mùa vọng này, xin cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Chúa cũng như tình yêu của cộng đoàn GH dành cho chúng ta, để ta can đảm trở về. Nhất là xin cho những ai đang xa lìa Chúa và GH biết rằng Chúa luôn tìm kiếm chúng ta và rất mong đưa dẫn chúng ta về hòa nhập cùng cộng đoàn gia đình Họ đạo để ta được sự chăm sóc của Chúa và nâng đỡ của cộng đoàn.


Thứ tư: KỶ NIỆM CUNG HIẾN NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ CẦN THƠ

- Phụng vụ chọn Lễ cung hiến Nhà thờ-viếng nhà thờ hay bàn thờ được thánh hiến thì hưởng ơn toàn xá.

Suy niệm 1: Ga 2,13-22

Cùng với GH, hôm nay chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được triều đình hỗ trợ tái thiết và xây mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được hoàn thành và cung hiến long trọng, dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.

Mừng kính kỷ niệm ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi dành riêng thờ phượng TC, là nơi con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi tín hữu lãnh nhận các nguồn ơn thiêng của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.

Hơn nữa hình ảnh đền thờ vật chất còn nhắc nhớ chúng ta đến ngôi đền thờ vững bền và cao quý khác xinh đẹp không tàn phai theo năm tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn ý thức gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch để xứng đáng là nơi cư ngụ của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bài đọc 1, tiên tri Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng nước chảy tràn ra và làm cho nước biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi. Trái thì làm thức ăn và lá lại dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.

Hình ảnh đền thờ lạ lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu. Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn trọng và giữ gìn thân xác mình trong sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ trong Đức Kitô được tốt đẹp.

Sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý thức chúng ta về ý nghĩa thánh thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ tâm hồn. Bởi nơi đây chính là nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.

Xin cho chúng ta ý thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích cho người và cho đời.


 Suy niệm 2

Đền thờ Giêrusalem phải mất bốn mươi sáu năm mới xây dựng xong. Đúng là công trình thế kỉ hoàng tráng, kiên cố và đáng tự hào. Tuy nhiên giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách quy mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng hiện diện nơi ấy mới làm cho mọi công trình trở nên có giá trị và nơi đó mới được gọi là Đền Thờ. Cho nên một khi Đấng Thánh ấy không hiện diện và không được tôn thờ nơi ấy nữa, thì nơi ấy không còn sự thánh thiêng và lập tức nơi ấy lại trở thành nơi chợ búa, làm hang ổ cho bọn trộm cướp cư ngụ. Lúc ấy, nơi ấy cần phải được phá hủy để xây dựng lại những công trình khác có giá trị hơn. Điều này cũng giúp ta hiểu rằng giá trị đền thờ không phải do cấu tạo vật chất giá trị mà quan trọng là Đấng Thánh có hiện diện nơi ấy. Do đó, bất cứ ở nơi đâu, thậm chí là nơi hang bò lừa, hay nơi ổ chuột nếu có Chúa hiện diện, thì nơi đó cũng trở nên Đền Thờ vì có Đấng Thánh ở cùng.

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ là hoang phí, nếu công trình được trả giá bằng cái chết của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ của bọn cướp!

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là Đấng sẵn sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn trùng cao cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và thánh hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.


* Suy niệm mùa vọng: Mt 11,28-30

Không nhớ Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo

Đức Giêsu mang hai bản tính: Thiên tính và nhân tính.

Nếu bỏ qua Thiên tính mà xét theo nhân tính, thì Tin mừng hôm nay cho biết Đức Giêsu là con người tuyệt vời, bởi Ngài luôn có được tâm an và khí hòa.

1. Với tâm an: Ngài đã nhìn mọi sự xảy đến trong đời sống hết sức an nhiên và bình thản.

Trước những thành công, Ngài không tỏ ra thái độ hãnh diện và kiêu kỳ. Khi đối mặt với thất bại, Ngài không thua buồn, buông xuôi và bỏ cuộc. Tất cả được Ngài nhìn dưới ánh sáng của niềm tin vào kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

– Có được tâm an: Ngài đã sáng suốt nhận ra chính vì lòng đầy kiêu căng và tự mãn là nguyên nhân làm cho những người biệt phái, các kinh sư không có khả năng đón nhận mầu nhiệm nước trời. Nhờ tâm an Ngài cũng thấu hiểu nhờ lòng khiêm tốn và hiền hòa mà những người thu thuế, tội lỗi, những người bệnh tật và ít học, gọi chung là kẻ bé mọn đón nhận được mầu nhiệm cao quý nước trời.

2. Với khí hòa: không nổi nóng và loại trừ những kẻ kiêu căng chống đối; cũng như không hãnh diện tự hào trước những người tin nhận Ngài và muốn tôn Ngài làm vua. Trái lại Ngài sáng suốt hướng họ đến cách sống tốt đẹp hơn.

– Với những kẻ cứng cỏi và kiêu căng, Ngài mời gọi họ đến với Ngài để học lấy bài học quan trọng làm người đó là hiền lành và khiêm nhường.

– Với những người khiêm nhường và hiền lành, Ngài mời gọi họ tiến thêm một bước nữa trong đời sống đức tin để sẵn sàng mang lấy ách và vác lấy gánh của Ngài. Nghĩa là đi theo Chúa để thi hành giới luật tình yêu của Chúa dạy.

Dẫu biết rằng khi mang lấy ách và vác gánh lấy của Chúa thì rất nặng nề và nhọc mệt. Bởi con đường của Chúa là con đường hẹp và là đường thập giá cũng như sống theo giới luật yêu thương Chúa dạy thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi ở thế gian này. Biết thế nên Chúa Giêsu tha thiết mời gọi những người này hãy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ và bổ sức cho và Ngài đảm bảo rằng: “Ơn Ta đủ cho con.” (2Cr 12,9).

Tóm lại sứ điệp lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn có được tâm an, khí hòa để an bình đón nhận những biến cố vui buồn trong cuộc sống; cũng như sáng suốt giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất, chúng ta cần phải luôn có cái nhìn đức tin. Nhưng để có cái nhìn đức tin đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện đời sống nhân bản là hiền lành và khiêm nhường.

Xin Chúa cho ta biết sống hiền lành (kỹ năng mềm) và khiêm tốn (kỹ năng thấp) trước Chúa, tha nhân và lương tâm. Nhất là xin cho ta có được đức tin vững mạnh để can đảm đi theo Chúa đến cùng trong việc thực thi giới luật tình yêu mà Chúa chỉ dạy, nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành những kẻ bé mọn trong nước trời.

 

Thứ năm: Mt 11, 11-15

Nhớ Thánh Gioan Thánh Gía, linh mục, tiến sĩ Hội thánh

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cho ta biết giá trị cao quý của người Kitô hữu và nhắc nhở chúng ta ý thức sống xứng đáng với giá trị cao quý của mình.

Nhân vật được nhắc nhiều nhất trong Mùa Vọng có lẽ không ai khác ngoài Gioan Tẩy Gỉa. Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận Gioan Tẩy Gỉa là nhân vật cao trọng. “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Sự cao trọng của Gioan Tẩy Gỉa không phải bởi tài năng hay chức cao quyền trọng. Nhưng sự cao trọng này trước hết là do được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn làm sứ giả trực tiếp dọn đường cho Chúa. Đồng thời cũng nhờ đời sống đức độ của bản thân đã làm nên một con người Gioan Tẩy Gỉa cao trọng vượt trổi hơn tất cả các con cái do người phụ nữ trần gian sinh ra và được mọi người đặt ngang hàng với các tiên tri vĩ đại thời cựu ước. Nhiều người còn lầm tưởng ngài chính là Đấng Messia xuất hiện.

Do đâu Gioan Tẩy Gỉa trở nên cao trọng như thế?

Thưa do được Chúa chúc phúc ngay khi còn trong dạ mẹ và được Chúa chọn để làm sứ ngôn dọn đường trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Do ngài được diễm phúc hơn các tổ phụ các tiên tri thời Cựu ước vì đã được thấy, được nghe và chứng kiến những việc làm của Đấng Cứu Độ mà dân Israel trông đợi. Hơn hết là do ngài có một đời sống khắc khổ, chay tịnh, nghèo khó và ngay chính trong lời nói và hành động. Sẵn sàng lên án bất công và tội ác trong xã hội, cũng như đời sống vô luân của vua Hêrôđê. Với sứ mạng làm chứng cho chân lý và cho ánh sáng cứu độ, Gioan đã sẵn sàng chịu chết để trung thành với sứ mạng mà Chúa trao phó.

Dẫu Gioan Tẩy Gỉa được Chúa Giêsu đề cao và không ngớt lời ca ngợi vậy mà Gioan tẩy Gỉa lại không được diễm phúc bằng “những người nhỏ nhất trong nước trời”. Những người nhỏ trong nước trời là ai mà quá diễm phúc như thế? Thưa đó là những người được tái sinh ra qua Bí Tích Rửa Tội dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Họ trở thành con của Thiên Chúa và xứng đáng được thừa hưởng ơn cứu độ do chính Chúa Cứu Thế mang đến nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.

Nhưng để xứng đáng là người diễm phúc sống trong nước trời mà Chúa Giêsu thành lập, người Kitô hữu chúng ta còn phải sống trung thành trong đức tin, luôn yêu mến và gắn bó với Chúa; nhất là biết ngoan ngoãn lắng nghe và thực thi lời Chúa hướng dẫn mà chu toàn tốt nhất bổn phận hằng ngày.

 

Thứ sáu: Mt 11, 16-19

Tin mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy can đảm loại trừ ý riêng để vâng nghe thánh ý Chúa trong tinh thần hoán cải, hầu chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho Chúa ngự đến.

Để phản ảnh thực tại cuộc sống và trình bày giáo huấn Tin Mừng nước trời, Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh cụ thể, gần gũi để sánh ví.

Nhìn vào lối sống kiêu căng và ích kỷ của các Kinh Sư, Biệt Phái. Chúa Giêsu nghĩ ngay đến hình ảnh của những đứa trẻ đường phố để sánh ví. Với việc đưa ra hình ảnh của những đứa trẻ chơi trên đường phố, Chúa Giêsu muốn lên án lối sống ích kỷ và tự mãn của những người cùng thời với Người, cách riêng là những Biệt Phái và Pharisêu. Họ luôn lấy mình làm chuẩn mực cuộc sống. Nên họ cho mình cái quyền lên án mọi người theo cái nhìn chủ quan của họ. Ngay cả Gioan Tẩy Gỉa vị ngôn sứ được mọi người kính trọng, vậy mà họ cũng lên án và cho là bị ma quỷ ám vì lối sống ngay chính và khắt khổ. Họ cũng không ngần ngại lên án cả Thầy Giêsu, Đấng mà Gioan Tẩy Giả cho biết là “Chiên Thiên Chúa” , là Đấng mà Gioan không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Ấy vậy mà họ cũng xem thường và cho là kẻ mê ăn uống và là bạn bè với quân tội lỗi và thu thuế.

Hạ người khác xuống để ngôi đầu lên là kế sách hèn bẩn. Nó bộc lộ lối sống kiêu ngạo, không muốn ai hơn mình. Và là cách thế biểu hiện tính ích kỷ, chỉ bắt người khác làm theo ý mình.

Mùa vọng là mùa dọn dường cho Chúa ngự đến tâm hồn chúng ta sao cho dễ dàng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhỡ chúng ta hãy can đảm dẹp bỏ vật cản lớn nhất trong tâm hồn chính là tính ích kỷ và tự mãn.

Xin cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn nhận ra những giớn hạn và tội lỗi của mình mà chân thành sám hối, để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Nhất là biết sẵn sàng từ bỏ ý riêng, để luôn vâng theo ý Chúa trong tinh thần khiêm tốn, nhờ đó ta mới đón nhận được ơn khôn ngoan đích thực của Chúa.

 

Thứ bảy: Mt 17, 10-13

Tin mừng hôm nay cho biết lời Kinh Thánh nói về ngôn sứ Êlia đang được hiện thực hoá nơi ơn gọi và sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa. Xin cho chúng ta biết nghe theo lời mời gọi dọn đường của thánh Gioan Tẩy Gỉa và nỗ lực sống theo mẫu gương của ngài, nhằm chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón nhận Chúa đến.

Sau khi chứng kiến Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, ba tông đồ thân tín của Người là Phêrô, Giacôbê và Gioan càng xác tín vững vàng hơn vào thầy Giêsu của mình chính là Đấng Cứu Thế đã đến. Tuy nhiên, trong đầu các ông vẫn còn một thắc mắc, suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu được. Đó là theo lời kinh thánh thì ngôn sứ Êlia phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Vậy sao không thấy Êlia xuất hiện?

Với thắc mắc này, Chúa Giêsu một mặt xác tín cho các ông biết lời “các kinh sư nói rằng Êlia phải đến trước” là đúng thật. Mặt khác để giúp cho các ông hiểu được lời xác nhận của các kinh sư qua miệng ngôn sứ Malakhi trong Kinh thánh xưa nay đã được ứng nghiệm nơi con người của Gioan Tẩy Gỉa.

Ngôn sứ Êlia không phải từ trời ngự xuống trong hình hài thể xác như dân Do Thái mong đợi, nhưng ngôn sứ Êlia xuất hiện trong tinh thần và sứ mạng của Gioan Tẩy Gỉa. Nhưng vì người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế nên họ không đón nhận tinh thần và quyền lực Êlia ngự trong con người Gioan Tẩy Gỉa. Vì thế mà họ đã xử tệ với ông như họ đã từng đối xử tệ với các ngôn sứ trước đây. Đó cũng là cách mà họ cũng sẽ đối xử với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế sau này.

Lời Chúa trong mùa vọng luôn mời gọi chúng ta tích cực dọn đường cho Chúa đến qua lời nhắc nhở của các vị ngôn xưa và nay. Nhưng cũng giống như dân Do Thái xưa, chúng ta không muốn đón nhận những lời cảnh tỉnh ấy. Nên một lần nữa Chúa Giêsu tiếp tục bị chúng ta khướt từ.

Xin cho chúng ta biết ngoan ngoãn nghe theo lời kêu gọi của Chúa qua những vị mục tử trong GH mà thật lòng sám hối, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón nhận ơn cứu độ mà Chúa thương ban.


CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

Suy niệm 1: GIOAN TẨY GIẢ, NGÀI LÀ AI?

Được tuyển chọn để nâng lên từ thân phận tầm thường trở thành người phục vụ ơn cứu độ của Thiên Chúa, đã là ơn gọi đặc biệt lạ thường, quý giá. Vì thế, được chọn trở thành người dọn đường cho chính Chúa Cứu Thế, ơn gọi ấy càng lớn vô song, càng trọng, càng khó có thể có gì sánh ví.

Thánh Gioan Tẩy giả chính là người nhận được tất cả vinh dự ấy. Nhưng một khi được tuyển chọn để trở thành người dọn đường cho chính Chúa Cứu Thế, những vinh dự và nhiệm lạ nơi thánh Gioan, không chờ đến ngày thực thi ơn gọi đặc biệt ấy, mới diễn ra. Cả cuộc đời làm người nơi dương thế của thánh Gioan là một đời nhiệm lạ, một đời sống trong những biến cố thậm chí còn trên mức lạ thường.

Để chuẩn bị tâm hồn giúp bản thân sống mùa Vọng thật chu đáo, ích lợi, chúng ta cùng chiêm ngắm hành trình ơn gọi đầy nhiệm lạ của thánh Gioan mà Tin Mừng lưu dấu:

- Ngoài Đức Maria được truyền tin để lãnh nhận Ngôi Hai nhập thể, chỉ có một mình ông Giacaria, cha của thánh Gioan được nhận lời truyền tin từ thiên thần Chúa.

- Cùng Đức Maria, trong ngày được Đức Maria thăm viếng, một mình thánh Gioan được tràn đầy Thánh Thần (Lc 1, 15).

- Chỉ một mình thánh Gioan cùng với Đức Maria được thoát vết nhơ nguyên tổ truyền. Hội Thánh nhìn nhận, hồng ân "tràn đầy Thánh Thần" cũng là hồng ân giải thoát khỏi tội tổ truyền.

- Chỉ một mình thánh Gioan được sinh ra trong dấu chỉ lạ lùng để chứng minh quyền năng của Chúa, đó là người cha ruột của ngài phải chịu câm tạm thời, vì một chút nghi nan của ông.

- Trong cả loài người, chỉ một mình thánh Gioan được thành thai trong lòng mẹ theo cách thức giống Chúa Giêsu: Được Thiên Chúa chuẩn bị và loan báo trước.

- Chỉ một mình thánh Gioan và gia đình của ngài được Chúa đến viếng thăm trong buổi đầu làm người, ngay khi Chúa vừa mới tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

- Chỉ có một mình thánh Gioan, ngay từ khi còn là bào thai, đã nhận ra hạnh phúc được Chúa viếng thăm, nên được Chúa cho ơn lạ nhảy mừng trong dạ mẹ mình. Đây cũng lại là dấu chỉ lạ thường của tình thương và quyền năng của Chúa.

- Thánh Gioan được sinh ra từ người cha và người mẹ già nua, đã qua thời kỳ sinh nở từ lâu.

- Chỉ một mình thánh Gioan, sau khi ra đời, làm cho dấu chỉ bị câm nơi người cha già hoàn tất. Ngày con sinh ra cũng chính là ngày tư tế Giacaria được phép mở miệng ca khen Thiên Chúa: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người…” (Lc 1, 68tt).

- Lớn lên trong hoang địa, trở thành người cất tiếng đòi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Cứu Thế, thánh Gioan hoàn tất lời tiên tri Isaia, từ ngàn xưa, loan báo về mình: "Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" ( Is 40, 3- 5).

- Chỉ thánh Gioan được nhìn nhận là người "đi trước Chúa": "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu" ( Ml 3, 1-24). Hoặc: "Em sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa" (Lc 1, 17). Hoặc: "Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1, 76-77).

- Chúa sẽ còn dùng thánh Gioan như dấu chỉ lạ thường cho toàn dân Chúa trong ơn gọi mà thánh Gioan lãnh nhận qua cách sống, cách rao truyền lòng thống hối, cách thanh tẩy để nói lên lòng thống hối… Thánh Gioan thật sự làm chủ nước sông Giordan trong việc đòi mỗi chúng ta phải thanh tẩy tâm hồn cho Thiên Chúa và cho Chúa Cứu Thế.

- Thánh Marcô còn gọi thánh Gioan là thiên thần của Thiên Chúa. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cho thấy điều đó: "Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi" (Mc 1, 2).

- Với vai trò giới thiệu Chúa Cứu Thế cho muôn dân, chỉ một mình thánh Gioan được đặt làm cầu nối giữa Cựu và Tân ước.

- Chỉ một mình thánh Gioan được chính Đấng mà mình dọn đường cho, xác nhận là tiên tri Êlia thời đại: "Ông Gioan chính là Êlia, người phải đến" (Mt 11, 14).

- Một mình thánh Gioan là vị tiên tri được Chúa khen ngợi đích danh: "Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả" (Lc 7, 28).

- Đời sống, ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của thánh Gioan diễn ra trong giai đoạn đất nước đang hết sức khó khăn và nhiễu nhương. Lúc đó, Palestine bị Roma xâm lăng và đặt nền thống trị hà khắc. Nhiều phe nhóm lợi dụng tình hình khó khăn phân chia bè phái và nổi loạn. Đời sống dân chúng nơi nơi lầm than... Chính thánh Gioan cũng mang trong tâm tư mình nhiều khắc khoải trong tinh thần đợi chờ đấng Cứu Thế, Đấng mà chính ngài nhọc công rao giảng sẽ đến kiện toàn lòng người. Lòng trĩu nặng đến nỗi thánh nhân phải thốt lên: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" (Mt 11, 3).

- Cuối đời, vì lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, thánh Gioan can đảm ngăn cản mối tình loạn luân giữa vua Hêrôđê với chị dâu của ông ta.

Nhưng bạo chúa Hêrôđê, thay vì nhận ra tội lỗi của mình, đã cho giết chết thánh nhân.

Có thể nói, thánh Gioan là vị tiên tri đặc biệt trên dòng lịch sử cứu độ: Xuất hiện ngay trước Chúa Giêsu, trở thành người dọn đường tâm hồn nhân loại, và là vị tiền hô của Chúa có một không hai trong lịch sử.

Vậy để thật sự trở thành người đã được biến đổi, chúng ta hãy ý thức và khắc sâu lời dạy của thánh Gioan, luôn biết chuẩn bị tâm hồn mình đón Chúa đến. Con đường tâm hồn mà mỗi người phải lo dọn đó là:

- Nhìn lại chính mình để xem mình có đang đi trên con đường quanh co, thiếu trung thực với người bên cạnh, nhiều lần sống trong gian dối...?

- Hay sống bên nhau mà vẫn đầy thói kiêu căng, thiếu bác ái, thiếu xây dựng môi trường sống cho thật tương thân tương ái?

Chúng ta cũng không giữ gìn lòng yêu thương trong cách ăn nết ở, trong lời nói, trong cách hành xử, để rồi chỉ luôn chỉ trích nhau, thiếu hoà nhã với mọi người, không khiêm tốn, không quên đi những thiếu sót của người bên cạnh...?

Áp dụng tinh thần mùa Vọng và ý thức thật cao để sống lời dạy "HÃY DỌN ĐƯỜNG" của thánh Gioan, chúng ta hãy chỉnh sửa lại đời mình. Hãy làm cho tâm hồn mình thực sự là tâm hồn rộng mở đón chờ Chúa Đấng Cứu Thế.

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

 

Suy niệm 2: VỀ TỪ CHỐN LƯU ĐÀY

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi!”.

“Chúa Kitô có thể được sinh ra hàng ngàn lần ở Bêlem - nhưng tất cả đều vô ích cho đến khi Ngài được sinh ra trong tôi!” - Angelus Silesius.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng, “Cho đến khi Ngài được sinh ra trong tôi!” khác nào nói, cho đến khi tôi được thực sự tự do để đón Ngài; được giải thoát khỏi mọi hình thức nô lệ, được trở ‘về từ chốn lưu đày’. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta - hưởng ứng lời Gioan Tẩy Giả - chỉnh đốn con người mình hầu có thể mở ra những con đường cho Chúa ngự đến.

Marcô thật tài tình khi mở đầu Phúc Âm bằng việc giới thiệu Gioan, vị tiền hô báo trước cuộc tiến vào ‘đất hứa mới’, “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”. Đó là một lời hứa của Thiên Chúa, một biểu thị bảo vệ, báo trước chiến thắng và kết thúc của cuộc lang thang trong sa mạc. Marcô muốn độc giả của mình biết rằng, Gioan Tẩy Giả là tiền hô của một Môsê mới, Đức Kitô; một cuộc xuất hành mới, tiến vào Vương Quốc Ngài!

Đó là sự khởi đầu của một chiến dịch mở ra những con đường chống lại các thế lực thù địch vốn đang chế ngự đất lưu đày. “Con đường”, “hodos”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đường đi hoặc hành trình; nhưng trong Tân Ước, nó thường đề cập đến “lối sống mà Thiên Chúa đòi hỏi”. Năm 586 trước Công Nguyên, Giêrusalem rơi vào tay Babylon, hàng ngàn người Do Thái bị lưu đày ở đó. 47 năm sau, Cyrus, vua Ba Tư, đánh bại Babylon, cho phép người Do Thái hồi hương về Israel. Vì thế, Marcô khôn khéo sử dụng Isaia - bài đọc thứ nhất - để nói đến cuộc xuất hành mới. Nói cách khác, “dọn đường cho Chúa” nghĩa là bắt đầu một cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ tội lỗi. Đó là ‘về từ chốn lưu đày’; đúng hơn, một lối sống, một hành động phù hợp với lối sống Thiên Chúa đòi hỏi.

Mùa Vọng, mùa chuẩn bị cuộc trở về, một cuộc hoán cải. Mùa Vọng, mùa tái định hướng triệt để cuộc sống của mình hướng về Thiên Chúa. Phêrô - bài đọc hai - cũng có một lời kêu gọi tương tự, “Ngài muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”. Vì thế, “Anh em phải cố gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền!”.

Với Đức Phanxicô, “Để chuẩn bị những con đường cho Chúa đến, cần lưu ý đến yêu cầu cần hoán cải mà Gioan mời gọi. Những yêu cầu cần hoán cải là gì? Trước hết, hãy lấp đầy những “thung lũng” do sự lạnh lùng và thờ ơ gây ra, mở lòng mình ra với người khác bằng những tâm tình như tâm tình của Chúa Giêsu, nghĩa là với sự thương cảm và quan tâm huynh đệ vốn đáp ứng mọi nhu cầu của anh chị em mình”.

Anh Chị em,

“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa!”. Để dọn đường cho Chúa, hãy lấp đầy các thung lũng do ‘giá lạnh’ gây ra. Người ta không thể yêu thương, bác ái và huynh đệ nếu vẫn còn những “khoảng không” cũng như những ổ gà trên các con đường. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thái độ. Sau đó, cần phải hạn chế sự thờ ơ do kiêu ngạo và tự phụ. Như Gioan đã mở ra những con đường trong sa mạc, bạn và tôi chỉ ra những viễn cảnh hy vọng, ngay trong những bối cảnh hiện sinh đầy gian khổ của thế giới vốn đang bị đánh dấu bởi những thất bại này đến những thất bại khác!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đang ở đâu? Liệu Chúa đã được sinh ra trong con? Xin đưa con ‘về từ chốn lưu đày’ nếu con đang bị đày ải ở đâu đó!”, Amen.

 

Thứ hai: TRỞ NÊN MỘT NGƯỜI BẠN

“Không tìm được lối đem người ấy vào, họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Chúa Giêsu”.

Phillips Brooks, một giáo sĩ rất bận rộn. Khi ông sắp qua đời, một bạn trẻ viết thư hỏi bí quyết về sự thanh thản của ông. Brooks hồi âm, “Càng về chiều, tôi càng xác tín, những ngày cuối đời là những ngày bình an, viên mãn nhất. Đó là một sự hiểu biết sâu sắc, chân thật hơn về tình yêu đối với Chúa Giêsu. Tôi không thể diễn tả; nhưng Ngài ở đây, biết tôi và tôi biết Ngài, một điều thực nhất trên thế giới; và mỗi ngày, nó càng thực hơn! Tôi tự hỏi, hiểu biết này sẽ phát triển đến mức nào nếu những ngày này cứ kéo dài? Vì Ngài đã thực sự trở nên một người bạn của tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài đã thực sự trở nên một người bạn của tôi!”. Tin Mừng hôm nay mời chúng ta nhìn vào những người bạn của kẻ bất toại; đồng thời, chiêm ngắm ‘Giêsu’, người bạn của tất cả những ai muốn có Ngài là bạn. Để đến lượt họ, ‘trở nên một người bạn!’.

“Không tìm được lối đem người ấy vào”, các bạn của người bất toại đưa ra một quyết định không thể táo bạo hơn. Họ là một phần của phép lạ! Không có họ, chưa chắc phép lạ đã xảy ra. Đó là những ‘nghệ sĩ’ đầy lòng tin đã cống hiến ‘một màn diễn’ ngoạn mục cho Tin Mừng! Chúa Giêsu không thể lờ đi ‘chiếc võng ru người’ đong đưa trên đầu Ngài, sừng sững trước mặt Ngài. Tin Mừng nói, “Thấy họ có lòng tin”. Ngài đánh giá cao cái họ có, ‘lòng tin’ của những người bạn và của chính người bệnh.

Mùa Vọng, mùa ‘trở nên một người bạn’ đầy lòng tin! Thật thú vị, ‘trở nên một người bạn’ đầy lòng tin là phép lạ thực sự của Mùa Vọng, còn hơn cả được chữa lành!

Bài đọc Isaia hôm nay nói, “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng… Thiên Chúa của anh em đây rồi!”. Những lời đầy khích lệ này một lần nữa được lặp lại trong Thánh Vịnh đáp ca, “Kìa Thiên Chúa chúng ta đến cứu chúng ta!”.

Mùa Vọng, mùa bạn và tôi đến với những tâm hồn xao xuyến, nói với họ rằng, “Chính Chúa sẽ đến cứu anh em!”. Và cách tốt nhất, nhanh nhất để làm điều này là đưa họ đến với “Giêsu Thánh Lộ”, như cách nói của Isaia. Có Giêsu, “sa mạc sẽ mừng vui, đồng khô sẽ hoan hỷ”; vì lẽ, Ngài là “mạch suối vọt lên nơi hoang địa” linh hồn, là “sông chảy nơi đồng vắng” lòng người; với Ngài, “người mù sẽ thấy, người điếc sẽ nghe, và người què sẽ nhảy nhót như nai!”.

Anh Chị em,

“Ngài đã thực sự ‘trở nên một người bạn’ của tôi!”. Không chỉ là một người bạn, “Giêsu” còn là Đấng giải thoát. Mùa Vọng, mùa nhắc nhở chúng ta, Ngài là “Một Người Bạn Cứu Độ”, và là một người bạn lý tưởng cho tất cả những ai muốn ‘trở nên một người bạn’. Trên các bàn thờ, Ngài đang tiếp tục ‘trở nên một người bạn’ hiến thân cho kẻ mình yêu, cách riêng cho những ai muốn bắt chước Ngài để hiến thân phục vụ tha nhân. Thế giới đang rất bất an, bao người đang rã rời, bủn rủn. Hơn bao giờ hết, bạn và tôi được mời gọi trở nên những ‘Giêsu khác’, ra đi khơi niềm cảm hứng, thắp lên hy vọng cho bao tâm hồn trong môi trường mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì ngày sống của con cũng viên mãn và bình an khi có Chúa là bạn; hầu con thực sự luôn ‘trở nên một người bạn’ cho tất cả những ai đang lẻ loi, trống vắng!”, Amen.

 

Thứ ba: CUỘC XUẤT HÀNH MỚI

“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”.

Trong “The Adversary”, “Kẻ Thù”, M. Bubeck viết, “Xác thịt, một hỏng hóc cố hữu, khiến con người tự nhiên không thể phụng sự Thiên Chúa hoặc làm vui lòng Ngài. Xác thịt sở hữu một nội lực hấp dẫn ‘thừa hưởng’ từ sự sa ngã; nên tự nó, luôn thể hiện một sự nổi loạn chống lại điều thiện và Thiên Chúa. Nó không thể được cải tạo hoặc cải thiện! Hy vọng duy nhất để khỏi sa ngã là thực hành và thay thế toàn bộ cuộc sống bằng một cuộc sống mới, một ‘cuộc xuất hành mới’ trong Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi hai bài đọc hôm nay soi rọi ý tưởng của M. Bubeck; nhất thiết cần có một khởi đầu mới trong Chúa Kitô! Isaia nói đến ‘cuộc xuất hành mới’ khi dân Chúa trở ‘về từ chốn lưu đày’; Chúa Giêsu nói đến ‘cuộc xuất hành mới’ của con chiên lạc.

Bài đọc “Sách An Ủi” mở đầu bằng những lời trấn an ngọt ngào từ miệng Thiên Chúa, “Hãy an ủi, an ủi dân Ta!”. Thời nô lệ đã mãn, Israel hồi hương! Việc trở lại Giêrusalem được coi là ‘cuộc xuất hành mới’; trong đó, Thiên Chúa đích thân “Ấp ủ vào lòng lũ chiên con; bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Đây là cuộc ra đi mà Israel sẽ vĩnh viễn hồi hương, ‘về từ chốn lưu đày’, một cuộc lên đường mà mọi chướng ngại phải được loại, “Thung lũng được lấp đầy, núi đồi phải bạt xuống”, và “Mọi người sẽ thấy vinh quang Chúa!”. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Kìa Thiên Chúa chúng ta quang lâm hùng dũng!”.

Nếu thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã phát động ‘cuộc xuất hành mới’ để tái đoàn tụ dân, thì thời Tân Ước, điều tương tự được thực hiện trong Chúa Giêsu. Qua Tin Mừng hôm nay, Ngài ví mình như mục tử đi tìm tội nhân trong một nhân loại tội luỵ để đưa nó về. Ngài sẽ cứu cả nhân loại thương tích bằng chính mạng sống Ngài; qua đó, Ngài phục hồi cho mọi tội nhân phẩm tính con cái Thiên Chúa. Đó là lý do của lễ Giáng Sinh! Hình ảnh con chiên lạc biểu tượng cho cả nhân loại, trong đó có bạn và tôi. Ngài sẽ vác từng con chiên, nghĩa là từng tội nhân; Ngài sẽ rửa sạch mọi tội lỗi, chữa lành mọi thương tích, hầu nó có thể thực sự trải nghiệm ‘cuộc xuất hành mới!’.

Anh Chị em,

“Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng”. Để có thể ấp ủ lũ chiên, Thiên Chúa nhất định thực hiện bằng được một cuộc xuất hành cho chúng! Xuất hành nào cũng có cái để xót xa, tiếc nuối; nhưng không cuộc xuất hành nào hạnh phúc hơn cuộc xuất hành trong Chúa Kitô. Đó là “thay thế toàn bộ cuộc sống bằng một cuộc sống mới”. Bản thân Ngài cũng đã trải qua loại hình xuất hành này, thập giá; để từ đó, nhân loại được tái sinh. Trên các bàn thờ, cuộc xuất hành này đang được tái diễn liên lỉ; và Giêsu Mục Tử vẫn đang rong ruổi đi tìm từng người. Mùa Vọng, mùa bỏ lại tất cả vướng bận để có thể chóng vánh rời khỏi hố sâu, bụi rậm, những vách đá tội lỗi khiến chúng ta không nghe tiếng Ngài. Từ nơi đã rơi vào, hãy thật im ắng bên trong lẫn bên ngoài hầu cho phép linh hồn được nghe tiếng Ngài. Hãy la lên, “Con đang ở đây!”. Ngài sẽ vội đến, vác lên vai; từ đó, bạn và tôi được “biến đổi toàn bộ bằng một cuộc sống mới”. Đó là cuộc xuất hành đáng đợi nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đang ở đây, hãy ùa đến, ẵm lấy con, hầu con có thể bắt đầu ‘cuộc xuất hành mới’ trên vai Ngài, ngay hôm nay!”, Amen.

 

Thứ tư: TOÀN TRÍ, TOÀN TRI, TOÀN TRỊ

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”.

Được khen ngợi như một Phaolô khổng lồ của Hoa Lục, Hudson Taylor viết cho một người bạn, “Dường như Chúa đã tìm khắp thế giới một đứa ‘đủ yếu’ để làm công việc của Ngài. Tìm thấy tôi, Ngài nói, ‘Con đủ yếu, con sẽ làm được!’. Tất cả những người khổng lồ của Chúa đều là những đứa yếu. Họ không cậy mình, nhưng cậy Ngài, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, một Thiên Chúa ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’; cũng là Đấng đã nói, “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Dẫu là Vua Trời, Ngài xuống thế mặc lấy hình hài một thơ nhi để cứu chuộc loài người. Đó chính là ý nghĩa của lễ Giáng Sinh!

Giêsu, người đang nói những lời này là ai? Ngài là người có thể nhìn thấu nơi kín đáo trong tâm hồn con người và khám phá ở đó những điều giấu ẩn. Ngài nhận ra bạn và tôi đang vất vả nhọc nhằn! Rằng, chúng ta khó nhọc nặng gánh bởi những đòi hỏi của cuộc sống, những tì đè của tội lỗi, những bất an của lương tâm. Và rằng, chúng ta phải căng thẳng bởi sự giằng co của những đam mê và những ước muốn điên rồ không thoả mãn. Giêsu là người dám hứa điều mà linh hồn luôn khao khát cho nơi tôn nghiêm thẳm sâu của mỗi người; những gì chưa bao giờ được phép hy vọng, và hơn cả những gì một người có thể thấy mình xứng đáng. “Hãy đến với tôi!”. Ai có thể thốt ra lời mời đơn giản, nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn đến thế nếu không phải là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị?’.

Bài đọc Isaia cho thấy điều tương tự. Giữa chốn lưu đày, khi niềm tin sa sút… Israel tưởng rằng, Thiên Chúa ở rất xa và Ngài đã bỏ họ, “Thanh niên thì mệt mỏi; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”. Biết họ đang hoang mang ngờ vực, ‘đặt Ngài lên bàn cân’ với các thần ngoại, Ngài lên tiếng, “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh tinh tú, gọi đích danh từng ngôi một!”. Nói như thế, khác nào nói, Ngài là Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’. Rồi đây, Ngài sẽ đưa họ về, băng bó, chữa lành; để mỗi người nhủ lòng, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng!”. Đến cách nào? Bằng cách “Hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi!”. Mang ách Giêsu, nên khiêm nhường như Ngài! Khiêm nhường đến nỗi không đợi ai đáp lại lời mời, Ngài cất công tìm kiếm mỗi người để họ có thể sà vào Ngài, khám phá Ngài, bất chấp những gánh nặng, những đam mê ngổn ngang không kiềm chế. Hãy đến máng cỏ nơi Vua các vua đang nằm bất lực; ở đó, toát lên phẩm tính khiêm nhường! Không cần một lời hay một bài phát biểu, Ngài có sẵn bài học sống động mà chúng ta cần cảm nhận với tất cả cường độ có thể. Trước trẻ thơ bất lực này, Đấng ‘toàn trí, toàn tri, toàn trị’ nhập thể vì yêu con người! Chỉ cần lặng thinh! Ở đây, mọi tham vọng hão huyền tan biến, mọi giận dữ, đam mê phải dịu lại và tất cả những gì viển vông mụ mị phải tan bay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết ‘chìm sâu vào trong’ khi cung chiêm máng cỏ! Cho con biết mình ‘quá yếu’ khi được Chúa ‘lỡ chọn’ cho những công việc khổng lồ!”, Amen.

 

Thứ năm: LẮM PHÚC

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”.

Trong đoản thơ “Shadows”, “Những Chiếc Bóng Đổ”, tác giả chia sẻ, “Thật tuyệt vời khi bạn chạy và ‘những chiếc bóng đổ’ chạy! Khi bạn hạnh phúc, ‘những chiếc bóng đổ’ reo ca; khi bạn ngân nga, ‘những chiếc bóng đổ’ nhại lại. ‘Những chiếc bóng đổ’ chạy theo khi cuộc sống của bạn ngập tràn ánh nắng và hân hoan. Bạn quả là ‘lắm phúc!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu nữ thi sĩ Martha Wadsworth không tiếc lời để nói về ‘những chiếc bóng đổ’ của một người mẹ, thì với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm điều tương tự với Gioan Tẩy Giả, người Ngài ngưỡng mộ. Tuy nhiên, Ngài bất ngờ kết luận, “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Vậy sẽ có người ‘lắm phúc’ hơn Gioan?

Đúng thế! Chúa Giêsu thường ít khen ai ngoài một vài đối tượng có lòng tin mạnh! Dẫu vậy, ở đây, Ngài nức tiếng khi nói về Gioan, “Trong trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan!”. Ngài coi Gioan như đại ngôn sứ Êlia tái thế, người dọn đường cho Đấng Messia. Nhưng bất chợt, Ngài đảo ngược nhận định khi nói về “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tại sao? Hạng nhỏ nhất này là ai? Nước Trời ở đây là gì?

Những kẻ nhỏ nhất ở đây là những người ‘lắm phúc’ hơn Gioan; trong đó có chúng ta. Một ngạc nhiên đầy thú vị! Rõ ràng, Gioan vĩ đại, nhưng sự vĩ đại của Gioan chỉ để chuẩn bị cho một Đấng Vĩ Đại. Gioan ‘biết’ Ngài, nhưng không biết Ngài về sau, sẽ làm gì! Gioan chỉ tay về phía Chúa Giêsu và nói cho các đồ đệ, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”, nhưng Gioan không sống để chứng kiến ‘sự xoá tội’ của Ngài bằng cách nào! Giao Ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô trên thập giá, Gioan chưa bao giờ nhìn thấy điều đó; Gioan cũng chưa bao giờ hoàn toàn là môn đệ của Ngài. Gioan không thể chia sẻ sự sống dồi dào được giải thoát qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô như mọi Kitô hữu có đức tin có thể làm.

Không hưởng nhận Thánh Thần của Chúa Kitô, Gioan mù tịt về Giáo Hội; đang khi chúng ta được ngụp lặn giữa biển ân sủng. Gioan không biết Vương Quốc Chúa Kitô thiết lập là gì, Nước Trời, và những ai thuộc về nó. Và Nước Trời không gì khác, chính Ngài! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói những điều đó.

Anh Chị em,

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Những gì Gioan không biết lại là những gì chúng ta đang trải nghiệm. Được Thánh Thần tưới gội qua phép Rửa Tội và các Bí tích, chúng ta sống trong hiện diện tràn đầy của Đấng thiết lập các Bí tích. Bên cạnh đó, chúng ta sở hữu Phúc Âm, các thư Phaolô và các tài liệu làm nên Tân Ước vốn là Lời Hằng Sống. Như vậy, chúng ta ‘lắm phúc’ hơn Gioan bội phần; không vì làm được nhiều, nhưng được ban thật nhiều! Rõ ràng, bạn và tôi không hề tầm thường chút nào. Vậy, hãy sống cho xứng tầm với ân sủng, mang lấy sức mạnh của Thần Khí để dám sống, dám nói và dám chết như Gioan hầu có thể làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và mở rộng Vương Quốc Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con là ‘chiếc bóng đổ’ của Chúa. Những ngày Mùa Vọng, cho con biết chia sẻ ân phúc, nụ cười và ‘ánh nắng’ cho những ai ‘vận xúi, vô phúc!”, Amen.

Thứ sáu: ĐỜ ĐẪN THIÊNG LIÊNG

“Chúng tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

Một nhà thơ cổ viết, “Thiên thần Niềm Tin đi vào căn phòng lòng tôi; vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Những vị khách lần lượt ra đi. Sợ Hãi và Lo Lắng, Đau Buồn và Ảm Đạm lao vào màn đêm! Tôi tự hỏi, làm sao có thể có được hoà bình như vậy? Thiên thần thì thầm, ‘Bạn không thấy sao? Các nhân vật đó thực sự không thể cùng tôi chung sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay cho biết, không chỉ thiên thần của niềm tin, nhưng chính Chúa Giêsu vẫn đi vào lòng chúng ta; Ngài vừa đi, vừa hát, vừa thổi sáo. Tiếc thay, nhiều lúc không hơn gì lũ trẻ ngoài chợ, chúng ta cứ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

Bài đọc Isaia biểu lộ ‘nhã nhạc’, những giai điệu yêu thương, Thiên Chúa hát cho dân Ngài, “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, công chính của ngươi dạt dào như sóng biển”. Nhưng Israel bỏ ngoài tai! Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp điều tương tự, Ngài cất giọng mà xem ra không ai hưởng ứng! Họ từ chối Ngài; gán cho Ngài là ‘bợm nhậu’, gán cho Gioan là ‘quỷ ám’.

Với chúng ta, nếu không muốn nghe những gì Thiên Chúa nói, chúng ta cũng thường hợp lý hoá cách này cách khác để khéo từ chối thông điệp của Ngài; và ngày này qua ngày khác, chúng ta đi đến chỗ ‘đờ đẫn thiêng liêng!’. Bạn và tôi cần phân biệt bản chất sứ điệp và cách thức sứ điệp loan truyền! Phaolô viết, “Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành”. Chiếc bình thực sự không quan trọng cho bằng những gì nó ẩn chứa. Cũng thế, điều quan trọng không phải là các tác nhân hoặc phát ngôn nhân, nhưng điều quan trọng là nhận ra rằng, Thiên Chúa có thể đang ‘thổi sáo và hát’ cho tôi qua họ. Một số các thánh có những điểm yếu nghiêm trọng; nhưng trên thực tế, nhiều vị đã làm thánh ‘vì’ và ‘nhờ’ những yếu đuối đó!

Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật sâu sắc, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống!”. Chúng ta sẽ nhận được ánh sáng nếu thực sự biết lắng nghe và nhận ra mình đang ở trong bóng tối. Rất ‘ít người’ trong chúng ta lắng nghe một sứ điệp mà không ‘sàng lọc’ nó qua lịch sử hoặc phong cách của người chuyển tải. Khi tôi chia sẻ Lời Chúa cho 20 người, có thể sẽ có đến 20 thông điệp khác nhau. Điều đó không có gì sai, với điều kiện, mỗi người thực sự nghe cho được những gì Chúa đang soi rọi và không để mình rơi vào ‘đờ đẫn thiêng liêng!’.

Anh Chị em,

“Các anh không nhảy múa?”; “Không đấm ngực khóc than!”. Có thể bạn và tôi không nhảy múa, không khóc than vì chúng ta để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm” chiếm cứ. Đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn! Bên cạnh đó, là thái độ ‘không nóng không lạnh’ của mỗi người. Tất cả những điều này có thể dẫn chúng ta đi đến chỗ ‘đờ đẫn’. Chúa Giêsu vẫn ‘đang thổi sáo và đang hát’ mỗi ngày trên các bàn thờ, trong Lời, các Bí tích, các biến cố và qua những anh chị em chung quanh; Ngài đang làm điều đó cách nhẫn nhịn. Mùa Vọng, mùa bạn và tôi để cho “sợ hãi và lo lắng, đau buồn và ảm đạm lao vào màn đêm” hầu có thể nghe được ‘nhã nhạc’ yêu thương của Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin rằng, Chúa vẫn đang đi vào căn phòng lòng con mỗi ngày, đang ‘hát’, đang ‘thổi sáo’ nhằm biến đổi con. Đừng để con ‘đờ đẫn mãn tính!’”, Amen.

 

Thứ bảy: LỚN LÊN TRONG SỰ NHẬN BIẾT

“Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”.

“Một trong những lý do tại sao những người trưởng thành ngừng phát triển và không muốn học hỏi, là họ ngày càng ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại hơn. Họ không còn muốn ‘lớn lên trong sự nhận biết’; vì thế, họ chóng già!” - John Gardner.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ “chóng già”, không ‘lớn lên trong sự nhận biết’ có thể khiến con người mất ơn cứu độ! Lời Chúa hôm nay nói đến Êlia, vị ngôn sứ vĩ đại, được Chúa Giêsu đồng hoá với Gioan Tiền Hô. Người Do Thái đương thời đã không nhận ra ông, Chúa Giêsu buộc lòng nói lên sự thật này, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”.

Bài đọc Huấn Ca nói đến uy tín lẫm liệt của Êlia. Người Do Thái tin rằng, theo sách Malachia, Êlia sẽ tái thế, chấn hưng mọi sự để dọn đường cho Đấng Messia. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu, “Êlia phải đến trước!”. Ngài trả lời, “Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông!”. Ngài cho biết, Gioan là hiện thân của Êlia; Ngài mời họ ‘lớn lên trong sự nhận biết’ vô cùng quan trọng này.

‘Lớn lên trong sự nhận biết’ là một kiểu thức nhận biết sâu sắc bằng trái tim những gì mà với mắt thường, con người không thể nhận thức. Với ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn nói với người đương thời rằng, họ đã không nhận ra Gioan theo cách thức này. Gioan chính là Êlia, người mà các nhà tiên tri đã loan báo, sẽ đến để chuẩn bị cho sự xuất hiện của chính Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới. Nếu họ nhận ra Gioan là Êlia, hẳn họ đã không “đối xử với ông như ý họ muốn”; Gioan đã bị trảm quyết!

Không nhận ra Gioan, người đương thời cũng sẽ không nhận ra Đấng Gioan dọn đường. Chúa Giêsu báo trước số phận của Ngài rồi đây cũng sẽ chẳng hơn gì Gioan, “Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ”. Họ cũng sẽ đối xử với Ngài như họ muốn; Gioan bị chặt đầu, Ngài bị đóng đinh! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ!”. ‘Lớn lên trong sự nhận biết’ mang ý nghĩa được phục hồi, biết thống hối, được chữa lành và mở mắt đức tin; một sự phục hồi chuẩn bị cho việc hưởng nhận ơn cứu độ. Mùa Vọng, còn là mùa ăn năn để hưởng nhận ơn tha thứ hầu hiểu được quà tặng Giêsu, Quà Tặng Cứu Độ!

Anh Chị em,

“Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông!”. Chúng ta có thể tiếp tục không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài đang hiện diện với chúng ta trong Lời, các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Ngài hiện diện với chúng ta trong những anh chị em chung quanh; trong những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Ngài hiện diện với chúng ta từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người qua tiếng lương tâm. Dẫu Ngài hiện diện theo nhiều cách, dưới nhiều hình thức, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa nhận ra Ngài. Chưa nhận ra Ngài, chúng ta sẽ đối xử với Ngài ‘theo ý chúng ta muốn!’. Mùa Vọng, mùa xin ơn chữa lành đôi mắt đức tin để ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Giêsu, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để ban ơn cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không chỉ để khỏi “chóng già”, cho con ‘lớn lên trong sự nhận biết’ Chúa để ‘chóng nên thánh!’”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...