SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B
Is 35, 4-7a; Gc 2, 1-5; Mc 7, 31-37
Suy niệm
1:
Tin mừng hôm nay trình
thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người bị điếc và ngọng xuất phát từ
tình thương và quyền năng của Người. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng tha
thiết xin Chúa dùng quyền năng và tình thương của Người mà cứu chữa căn bệnh
câm và điếc tâm hồn của chúng ta.
- Hãy mở ra! đó là Lời Đức
Giêsu nói với một người vừa bị câm và bị ngọng. Tức thì lưỡi anh ta được mở ra
và tai anh ta nghe được. Việc Đức Giêsu chữa lành cho bệnh nhân vừa minh chứng
Đức Giêsu là Thiên Chúa xuống thế làm người, vừa hiện thực hoá lời của ngôn sứ
Isaia loan trước đó khoảng 700 năm, nay thành hiện thực.
Dâng thánh lễ hôm nay,
chúng ta khấn xin Chúa cũng mở lưỡi chúng ta ra để chúng ta biết ca ngợi tình
yêu của Chúa. Mở tai cho chúng ta ra để chúng ta yêu thích nghe lời giáo huấn
của Chúa. Đặc biệt mở đôi tay chúng ta ra để ta biết sẵn sàng san sẻ niềm vui
cho những người bất hạnh hơn chúng ta.
- Nghe và nói là hai khả
năng tự nhiên mà Chúa ban cho con người. Nhờ nói được và nghe được mà con người
mới có thể giao tiếp được với nhau. Có nghe được, ta mới thấu hiểu tư tưởng của
tha nhân; có nói được, người khác mới biết được ước muốn của mình. Mất đi hai
khả năng này, con người sẽ bị giới hạn trong các mối tương quan với người khác.
Chính vì không tương quan được dễ dàng với tha nhân nên người bị ngọng và điếc
thường mang tâm lý mặc cảm và sống co cụm.
Phép lạ Chúa Giêsu chữa
lành cho người bị ngọng và điếc được Tin mừng Marcô hôm nay trình thuật hôm nay
diễn ra một cách tiệm tiến: “…Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt
ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên
trời, Người thở dài và bảo: " Epphata!" (nghĩa là "Hãy mở
ra!"). Những dấu hiệu này, xem ra hơi khác hơn với những phép trước
đây mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Thật ra, với quyền năng của Thiên Chúa, Đức
Giêsu chỉ cần phán một lời thì tức khắc mọi bệnh tật đều tan biến. Tuy nhiên,
Marcô trình bày việc cứu chữa cho người bị ngọng và điếc này cách lạ thường vì
muốn nhấn mạnh đến một Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng “rất người”.
Ngài không chỉ là một
Thiên Chúa uy quyền mà còn là một Thiên Chúa rất gần gũi với con
người. Vì là một Thiên Chúa gần gũi với con người nên khi cứu chữa cho
người bị ngọng và điếc, Chúa Giêsu cũng dùng những phương cách xem ra rất là
“người” như: “…đến gần, nắm tay đem người bệnh ra khỏi đám đông, rồi
đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta…”. Tất cả những
cử chỉ ấy, Thánh Marcô minh chứng cho thấy Đức Giêsu là người thật, nhưng cũng
là Thiên Chúa thật. Là người thật nên Chúa Giêsu luôn gần gũi, cảm thông và rất
yêu thương chúng ta. Là Thiên Chúa thật nên Người làm được tất cả mọi sự theo ý
Người muốn. Nên những ai biết đặt niềm tin tưởng và cậy trông vào Người thì sẽ
không hề thất vọng.
Có lẽ trong chúng ta,
không ai bị câm và điếc thể lý, đó là ơn huệ lớn lao mà Chúa thương ban, chúng
ta hãy cảm tạ và tôn vinh Chúa! Tuy nhiên, chắc gì trong chúng ta không mắc
phải chứng bệnh câm và điếc tâm hồn. Chứng bệnh này rất là nguy hiểm chỉ có
Chúa mới cứu chữa khỏi. Vậy với lòng khiêm tốn, ta hãy tin tưởng cầu xin uy
quyền và tình thương của Chúa cứu chữa cho ta:
- Thoát khỏi tình trạng
câm tâm hồn: để ta biết thốt lên những lời yêu thương, cảm thông, tha thứ,
an ủi, khích lệ… nhau trong đời sống hằng ngày; nhất là biết mở miệng để ca
ngợi, chúc tụng, tôn vinh quyền năng và lòng thương xót Chúa không ngừng, như
dân chúng chứng kiến phép lạ xưa kia.
- Vượt thoát được tình
trạng điếc thiêng liêng: để chúng ta nghe được lời hay ý đẹp dành cho nhau
hơn là những lời chua chát, gắt gỏng, đắng cay…; nhất là luôn biết mở rộng tâm
hồn “Epphata” để lắng nghe tiếng Chúa và GH chỉ dạy.
Xin Chúa cũng cho chúng ta
đừng giả điếc làm ngơ trước những tiếng kêu cứu của tha nhân, nhưng biết luôn
sẵn sàng mở rộng tâm hồn lắng nghe để cảm thông, an ủi và giúp đỡ họ. Nhờ đó mà
niềm vui Tin mừng của Chúa được lan tỏa đến với mọi người và mọi nơi. Amen.
Suy niệm
2:
Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành
người câm điếc hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều
điều đáng suy ngẫm:
1. Sự cô lập và khát khao
được kết nối của con người: Người đàn ông điếc câm trong câu
chuyện đại diện cho những người cảm thấy cô lập, bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Anh ta không thể giao tiếp, không thể chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của
mình. Chúng ta cũng có những lúc cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm, và khát khao
được kết nối với người khác.
2. Quyền
năng và tình thương của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không chỉ chữa lành căn bệnh về thể xác
cho người đàn ông này mà còn giúp anh ta được tái hòa nhập vào cộng đồng. Hành
động của Chúa Giêsu cho thấy quyền năng và tình yêu thương của Ngài đối với
những người yếu đuối và bị bỏ rơi.
3. Phép lạ
nhắc nhở chúng ta: Phép lạ này không
chỉ đơn thuần là một sự kiện kỳ diệu mà còn mang ý nghĩa biểu tượng. Việc người
điếc nghe được và người câm nói được tượng trưng cho việc mở lòng ra để lắng
nghe Lời Chúa và chia sẻ Tin Mừng với người khác. Vậy chúng ta hãy :
- Mở
lòng đón nhận Lời Chúa: Chúng ta cần dành thời gian để đọc Kinh Thánh,
tham gia các buổi chia sẻ Lời Chúa để nuôi dưỡng đức tin và tìm thấy sự hướng
dẫn trong cuộc sống.
- Lắng
nghe và chia sẻ tình thương: Hãy cố gắng lắng nghe những người xung
quanh, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn. Đồng thời, hãy chia sẻ những
điều tốt đẹp mà mình đã nhận được với người khác.
- Chấp
nhận những
giới hạn của bản thân và cố gắng vượt qua: Chúng ta đều có những hạn
chế và yếu đuối. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta có thể vượt qua
những giới hạn đó và sống một cuộc đời ý nghĩa.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở lòng lắng nghe
Lời Chúa và chia sẻ Tin Mừng với người khác. Xin giúp chúng ta biết vượt qua
những khó khăn và trở thành những chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa dòng đời.
Amen. (St).
Suy niệm
3: ÉP-PHA-TA !-HÃY MỞ RA !
Đức Hồng Y Sin, nguyên
tổng giám mục giáo phận Manila, Philippines kể câu chuyện về một cô bé mù bán
một số bánh kẹo và các mặt hàng khác trên vỉa hè, trong mùa Giáng sinh. Khi mọi
người đang hối hả tới lui, chiếc khay tre của cô đã bị va chạm và bị hất đổ.
Các mặt hàng của cô rơi vãi tung tóe. Cô cố gắng dò dẫm tìm lại một cách vất
vả. Dường như không ai để ý đến cô, tất cả đều vội vã lướt qua cô vì công việc
riêng. Tuy nhiên, một người đàn ông dừng lại và khom người nhặt các mặt hàng
của cô lên và xếp lại trong chiếc khay cô cầm. Cô hỏi người đàn ông tốt bụng:
“Ông có phải là Chúa Kitô không?” Tuy không được ai trả lời. Nhưng đối với cô đó chính là Chúa Kitô.
Câu chuyện trên phần nào giúp ta hiểu được tinh thần của phần phụng vụ lời Chúa
hôm nay.
Tin mừng Marcô chúng ta vừa nghe tường thuật
lại phép lạ Chúa Giêsu đã cứu chữa cho người bị câm điếc từ lúc mới sinh được
khỏi, tựa như món quà quý giá mà anh đã đánh rơi, nay đã được Chúa Giêsu nhặt
lại trao cho anh với quyền năng và tình thương của Ngài.
Sinh ra trong
tình trạng câm điếc thật bất hạnh, nhưng may mắn thay anh ta đã được mọi người
thương mến, cảm thông với nỗi bất hạnh ấy. Cha mẹ và láng giềng đều mong muốn
anh có ngày nào đó nói được, có ngày nào đó nghe được như bao người khác. Họ đã
nghe về một ông Giêsu quê làng Nagiaret đầy tình thương và đầy quyền năng. Một
vị cứu tinh của nhân trần có khả năng giải thoát và cứu chữa anh khỏi mọi tật
nguyền. Nên họ đã cố gắng đem anh ta đến với Chúa. Sự nỗ lực của mọi người đã
được Chúa Giêsu bù đắp qua phép lạ mở miệng và mở tai cho anh ta, nhờ đó anh ta
nói và nghe được.
- “Ép-pha-ta-hãy mở ra”
chính là sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta.
Bài đọc 1 cho biết dân Do Thái phải sống trong cảnh lưu đày ở Babylon
đen tối và cùng cực. Họ mất đi quyền tự do làm người, đồng nghĩa mất đi tiếng
nói và hy vọng hướng về một tương lai tươi sáng. Trong hoàn cảnh đó Thiên Chúa
đã sai tiên tri Isaia đến loan báo cho họ về một viễn cảnh đầy hy vọng. Khi
ấy “chính Người sẽ đến và cứu thoát họ. Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng
lên, và tai người điếc sẽ mở ra; người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm
sẽ nói được....” Lời hứa này đã được hiện thực hóa sau hơn 700 năm nơi
Chúa Giêsu Kitô, qua việc Ngài đã mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc,
mở miệng cho người câm, mở tự do cho người tù tội, mở vương quốc của Chúa cho
những ai có lòng tin yêu. Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ tấm lòng
rộng mở đầy yêu thương của Chúa dành cho nhân loại chúng ta.
- Nếu vì câm điếc thể lý
đã ngăn cản, hạn chế con người giao tiếp với nhau vì không thể nghe nói và nhìn
ngắm nhau được. Thì câm điếc thiêng liêng còn nguy hiểm hơn nhiều. Vì câm điếc
thiêng liêng khiến cho người ta giận dỗi, thù ghét, không thèm nghe, không thèm
nói, không muốn nhìn nhau, và không muốn đến gặp gỡ nhau. Chính vì mang
bệnh câm điếc thiêng liêng nên có nhiều người đã không thèm nghe lời
Chúa, lời GH, không tham dự thánh lễ, không cầu nguyện, không tham gia vào các
sinh hoạt mục vụ của Họ đạo, bởi lòng dạ họ đã đóng kín và chay cứng.
- Trái với lòng dạ khép
kín chay đá của con người, Thiên Chúa vì yêu thương nên lòng Ngài luôn mở rộng
lòng để kết nối các mối tương quan lại với nhau. Ngài đã mở rộng cửa trời
để xuống thế làm người ở với chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Trên thánh giá,
Chúa đã mở trái tim cho máu và nước ân sủng chảy tràn trên nhân thế. Chúa đã mở
rộng đôi tay để tha thứ và ôm ấp cả nhân loại vào lòng của Ngài.
- Câm điếc tâm
hồn khiến ta mất đi tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Vì
câm điếc thiêng liêng nên ta không còn nghe được tiếng nói của Chúa và tiếng
nói của tha nhân. Nhất là ta không còn lắng nghe được tiếng nói lương tâm và
không còn khả năng nói lên tiếng của con tim mình nữa. Nên rất cần được Chúa
cứu chữa.
- Ngày nay người ta thích
mở tay vuốt chạm điện thoại, mở mắt dán chặt vào mạng xã hội, nhưng lại đóng
chặt lòng dạ, đóng tai mắt miệng không nghe nói, không muốn nhìn và giao tiếp
với nhau, ngay cả với người thân trong gia đình.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã
đến để phục hồi những gì đã bị hủy hoại bởi tội lỗi, xin Người giúp chúng con
biết mở lòng, mở miệng, mở tai, mở mắt
để chúng con cởi mở đời mình với Chúa và với mọi người. Xin cho chúng con can đảm lắng nghe tiếng nói của sự thật, biết nói những lời
yêu thương, tha thứ và biết mở đôi tay ra để phục vụ mọi người với tấm lòng
rộng mở như Chúa đã yêu thương và mở rộng lòng với chúng
con. Amen. (St).
Thứ hai:
Lc 6, 6-11
Ý nghĩa và mục đích của
việc giữ luật ngày Sabat là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta biết
trong bài tin mừng hôm nay. Chúng ta hãy chú tâm lắng nghe lời dạy của Chúa mà
áp dụng tích cực vào đời sống mình.
Ý nghĩa của việc nghỉ ngày
Sabat được khởi đi từ ý định của Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo. Thiên Chúa
tạo dựng vũ trụ và con người trong vòng 6 ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi.
(x. St 1,1-8.27-28-2,3).
Trong dòng lịch sử dân Do
Thái, dân chúng đã hiểu và tuân giữ quy luật thiên định ấy. Nhất là trong biến
cố vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng, dân Do Thái đã được thoát khỏi cảnh nô lệ bên
Ai Cập nhờ sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Ý thức về quyền năng quá lạ
lùng của Thiên Chúa nên họ đã dành riêng một ngày Sabat để tôn thờ và tạ ơn
Thiên Chúa. Chính vì vậy mà ngày Sabat thuở ban đầu được xác định là ngày kính
nhớ tình thương tạo dựng và sự sống do Chúa tặng ban. Nhưng trải qua dòng thời
gian, ý nghĩa chính của ngày nghỉ Sabat đã bị những người Biệt Phái làm sai
lệch, nên Chúa Giêsu muốn xác định lại ý nghĩa và mục đích đúng đắn của ngày
này là để “làm việc lành và để cứu sống chứ không phải giết chết.” Vì thế, Chúa
Giêsu đã không ngần ngại làm việc lành, đó là vượt qua rào cản cấm kị vô lý do
những người Biệt Phái đưa ra mà ra tay cứu chữa cho người bị bại liệt được khỏi
và ban lại cho anh ta sự sống mới trong tâm hồn.
Ngày Sabat của người Do
Thái chính là ngày Chúa nhật của chúng ta hôm nay. Xin cho chúng ta hiểu được ý
nghĩa và mục đích của việc nghỉ ngày Chúa nhật để dành chút thời giờ sống thân
tình với Chúa; quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật; nâng cao kiến
thức đạo đời, bồi dưỡng thể chất, tinh thần và đức tin... với tâm tình biết ơn,
tin tưởng, phó thác vào lòng thương xót của TC.
Thứ ba: Lc
6, 12-19
Tin mừng hôm nay Chúa
Giêsu cho ta biết được giá trị và sức mạnh của cầu nguyện. Xin cho chúng ta
biết siêng năng cầu nguyện, nhờ đó ta nhận ra được thánh ý của Chúa và đủ sức
chu toàn tốt những bổn phận của mình trong đời sống thường ngày.
Trong suốt ba năm thi hành
sứ vụ loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu hằng xác định: “Lương thực của Ta
là làm theo ý Cha”. Nhưng làm thế nào để biết được ý Cha nếu không cầu
nguyện. Bởi cầu nguyện chính là cách thế gặp gỡ, tiếp cận, lắng nghe để nhận ra
thánh ý của Chúa Cha; nhờ đó mà Ngài mới có thể chu toàn được sứ vụ do Chúa Cha
trao phó.
Ngày sống của Chúa Giêsu
dù tất bật với bao công việc, nhưng Ngài vẫn dành “giờ vàng” cho cầu nguyện.
Phúc âm nhiều lần cho biết Chúa Giêsu dành thời gian sáng sớm tinh sương để cầu
nguyện: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một
nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó.” (Mc 1,35). Nhất là trong những
lúc quyết định những việc hệ trọng, Chúa Giêsu lại càng cầu nguyện cách tha
thiết. Trong vườn cây dầu sắp bước vào cuộc khổ nạn “Ngài sấp mình xuống
đất và cầu nguyện nếu có thể được thì cho giờ đó đi khỏi Ngài. Ngài nói: “Abba,
lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi Con; nhưng không phải:
Con muốn gì, mà là Cha muốn gì!” (Mc 14,35-36). Khi chọn 12 tông đồ để
tiếp tục sứ vụ loan báo niềm vui Tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã thức suốt đêm
để cầu nguyện: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt
đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)
Nhờ cầu nguyện mà những
quyết định và công việc của Ngài thực hiện luôn phù hợp với thánh ý của Chúa
Cha. Nhờ cầu nguyện mà Ngài có được cuộc sống an bình cho dẫu gặp phải nhiều
chống đối thử thách. Nhờ cầu nguyện mà Ngài múc lấy được năng lượng và sức mạnh
của Chúa Cha trao ban để ra đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ và làm phép lạ không
mệt mỏi.
Xin cho chúng ta ý thức
được giá trị cao quý của cầu nguyện mà can đảm hy sinh thời gian cho việc gặp
gỡ, lắng nghe và phân định theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc cầu
nguyện. Được vậy, ta mới thấy an vui trong đời sống vì có Chúa hướng dẫn và ban
ơn trong mọi hoạt động của đời sống chúng ta.
Thứ
tư: Lc 6, 20-26
Mong muốn lớn nhất của con
người là được hạnh phúc thật. Nhưng làm thế nào để đạt được điều mong ước sâu
xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn chúng ta. Chúng ta hãy lắng
nghe và thực hành lời chỉ dạy của Chúa để cuộc đời ta có được hạnh phúc đích
thực. Xin Đức Mẹ ngự bên tòa Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc thật và đâu
là con đường đưa dẫn đến những hiểm họa không ngờ.
4 cách thế mà Chúa Giêsu
hướng dẫn trong đoạn tin mừng thánh Luca hôm nay xem ra mâu thuẫn với lối suy
nghĩ của thế gian. Bởi lẽ những gì Chúa Giêsu coi là phúc thì thế gian xem đó
là họa và ngược lại những gì Chúa Giêsu xem là họa thì thế gian coi đó là phúc.
Kinh nghiệm cho thấy tiền
bạc, của cải, danh vọng, lạc thú không thể đem lại cho con người hạnh phúc đích
thực. Đã bao vị vua quyền lực nhất thế gian có đầy đủ những thứ mà người đời
xem là hạnh phúc đều cảm thấy bất an và đều buông bỏ lại tất cả sau cái chết.
Giàu sang, danh vọng rồi cũng mất; no đủ dư đầy mãi rồi cũng chán nản; hoan hỉ
vui cười rồi cũng đau buồn; những lời tung hô chúc tụng cũng nhạt nhòa. Vì thế
gian này rồi cũng qua đi và cuộc đời rồi cũng sẽ kết thúc.
Điều quan trọng là làm thế
nào khi gặp những bất toàn, bệnh tật, đau khổ, túng nghèo… mà vẫn có được hạnh
phúc, đó mới là điều quan trọng. Muốn có được hạnh phúc thì phải chấp nhận đón
lấy những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống bằng cách tập đi vào con đường
thập giá mà Chúa Giêsu đã đi; vì đó chính là chính lộ dẫn ta đến vinh quang
phục sinh. Đó cũng chính là con đường đưa ta vào hưởng hạnh phúc viên mãn trong
nhà Cha trên trời.
Xin cho chúng có được tinh
thần buông bỏ những thứ chóng qua đời này mà nắm bắt những giá trị bền lâu cao
quý. Nhờ đó ta mới can đảm chấp nhận bước vào con đường hẹp, đường thập giá,
đường đưa ta đến bến bờ của hạnh phúc thật.
Suy niệm
2:
Ở đời luôn có hai mặt thật
và giả. Hạnh phúc cũng vậy. Có những thứ đem đến cho con người hạnh phúc thật.
Tuy nhiên cũng có những thứ chỉ đem đến cho con người hạnh phúc giả tạo, không
bền lâu. Điều nghịch lý là ai cũng mong muốn có được hạnh phúc thật, nhưng rồi
lại thích đi tìm những thứ chỉ mang đến hạnh phúc giả tạo, chóng qua.
Xã hội ngày nay, nhiều
người cho rằng hạnh phúc là có 1,2,3,4,5 ( một là vợ đẹp, hai là con ngoan, ba
là nhà 3 tấm, bốn là xe 4 bánh và năm là du lịch 5 châu.). Thế nhưng thực tế
cho thấy, khi đạt được những điều mong ước ấy, con người vẫn không tìm thấy
hạnh phúc thật.
Như thế thì tiền bạc của
cải, vật chất tiện nghi, đam mê lạc thú nơi trần gian không lấp đầy được khát
vọng sâu xa nơi cỏi lòng con người và không là phương thế đưa đến hạnh phúc
thật. Vậy ta phải làm gì để có hạnh phúc thật?
Bài tin mừng hôm nay, Chúa
Giêsu chỉ cho chúng ta biết những phương cách để đạt đến hạnh phúc đích thật.
Đó chính là thực thi 4 mối phúc thật.
Điều đáng nói là con đường
4 mối phúc thật mà Chúa Giêsu đề ra hình như đi ngược lại với suy nghĩ thực tế
của con người thời nay và lắm khi trở thành xa lạ ngay cả đối với người Kitô
hữu chúng ta. Vì con người thời nay vẫn còn bám víu quá nhiều vào tiền bạc, của
cải, danh vọng... nên không dám chấp nhận những phương cách mà Chúa Giêsu đề
ra: là tinh thần khó nghèo, từ bỏ, đau khổ ngay cả hy sinh vì chính đạo để phục
vụ tha nhân và nước Chúa.
Con đường 4 mối phúc không
phải là viễn vong, mơ hồ hay bất khả thi nhưng là con đường chính đạo. Bởi vì
chính Đức Giêsu đã kinh qua và đã đạt đến hạnh phúc vinh quang. Do đó muốn có
hạnh phúc thật chúng ta không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường
Đức Giêsu đã đi và đã chỉ dạy. Con đường khiêm hạ, khó nghèo, hi sinh từ bỏ và
hiến thân cho tha nhân bằng tình yêu.
Các thánh nam nữ mà chúng
ta mừng kính hôm nay, tất cả đã hân hoan bước vào con đường
4 mối phúc mà Chúa Giêsu đã vạch ra và hâm hở tiến bước với lòng đầy niềm tin,
nên tất cả đã đi đến đích điểm và đã lãnh nhận triều thiêng vinh quang
nước trời do Chúa tặng ban.
Xin Chúa giúp chúng ta can
đảm bước theo con đường các Thánh Nam Nữ đã đi, bằng cách trung thành thực
thi 8 mối phúc mà Chúa Giêsu vạch ra, nhờ đó chúng ta đạt được điều mà mình
hằng khao khát là hạnh phúc thật. Amen.
Thứ năm:
Lc 6, 27-38.
Đâu là những tiêu chí cần
thiết để trở nên con cái Đấng tối cao và xứng đáng nhận lãnh phần thưởng lớn
lao do Thiên Chúa ban tặng? Thưa đó là:
1. “Hãy yêu thương
địch thù và làm ơn cho những kẻ ghét mình".
2. “Hãy chúc phúc
cho những kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình…”.
Thực hiện những tiêu chí
ấy do Chúa Giêsu đòi hỏi không phải là điều dễ dàng. Rất khó! Khó nhưng không
phải là không thể, bởi lẽ chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Ngài đã
yêu thương đến tận cùng bằng cái chết để cho nhân loại được sống. Trên đỉnh cao
thập giá, Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài và cầu xin Chúa Cha tha
thứ cho chúng: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng
làm" (Lc 23, 34).
Ngài còn hướng chúng ta
đến mẫu gương cội nguồn Tình yêu nơi Thiên Chúa. Một tình yêu phổ quát, dành
cho hết mọi loài và mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo.
Không giới hạn giới tính nam hay nữ; hoàn cảnh giàu hay nghèo; tình trạng tốt hay
xấu… tất cả đều được Ngài yêu thương và chúc lành.
Tình yêu của Chúa tựa
như "mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên
người liêm khiết cũng như kẻ bất lương" (x. Mt 5, 45). Tình yêu
cao vời ấy luôn thôi thúc và vẫy gọi chúng ta bước theo để xứng danh là môn đệ
Chúa và được xem là cao quý hơn những con người tội lỗi.
Nhờ bí tích rửa tội, chúng
ta được Thiên Chúa tuyển chọn vào đoàn dân thánh và trở thành môn đệ của Chúa
Giêsu. Xin cho chúng ta biết nghe theo lời dạy của Chúa Giêsu để luôn
sống: bao dung- tha thứ, quảng đại- hy sinh cho hết mọi người, nhất là kẻ thù
nghịch với chúng ta. Nhờ đó ta mới xứng danh là con cái Đấng Tối Cao, và đón
nhận được phần thưởng lớn lao do Thiên Chúa ban tặng.
Suy niệm
2:
Lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm
nay là một thử thách khá lớn đối với chúng ta, những người đang
cố gắng sống theo Tin mừng. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thể hiện một tình
yêu vượt lên trên những giới hạn tự nhiên của con người như:
- Yêu kẻ thù: Đây có lẽ là lời mời gọi khó khăn nhất. Làm sao có
thể yêu người đã làm tổn thương mình? Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta vượt qua
bản năng trả thù, để sống một tình yêu tích cực hơn.
- Làm
ơn cho kẻ ghét mình: Hành động tích cực này đòi hỏi chúng ta phải vượt
qua cảm xúc tiêu cực của sự ghét bỏ, để mở lòng cho những người đối lập với
mình.
- Chúc
phúc cho kẻ nguyền rủa mình: Thay vì trả đũa, chúng ta được mời gọi
cầu nguyện cho những người đang mang trong lòng sự hận thù.
- Cho
đi mà không đòi hỏi: Đức Giêsu dạy chúng ta cho đi một cách vô điều
kiện, không mong đợi bất kỳ sự trả ơn nào.
* Tất cả những lời mời gọi trên nhằm hướng
chúng ta đến:
- Một lối sống khác biệt: Chúng
ta được mời gọi sống một cuộc sống khác biệt với thế giới, một cuộc sống của
tình yêu thương và tha thứ.
- Trở nên giống Chúa: Bằng
việc yêu thương kẻ thù, chúng ta đang trở nên giống Chúa, Đấng luôn mở rộng
vòng tay đón nhận mọi người.
- Mang đến
bình an: Khi chúng ta sống theo lời Chúa, chúng ta
mang đến bình an và hy vọng cho thế giới xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã ban cho con
Lời Chúa hôm nay. Con xin Chúa giúp con có thể yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ
ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa con, và cầu nguyện cho kẻ vu khống con.
Xin Chúa ban cho con ơn khiêm tốn và lòng bao dung để con có thể sống theo lời
Chúa dạy. Amen. (St).
Thứ sáu:
Lc 6, 39-42
Nhớ Thánh
Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Gioan Kim Khẩu, với danh hiệu "Kim
Khẩu" (nghĩa là "miệng vàng") đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong
lịch sử Giáo hội. Ngài không chỉ là một nhà thần học xuất sắc mà còn là một nhà
giảng thuyết tài ba, một mục tử tận tụy và một người bảo vệ công lý.
* Thánh
Gioan Kim Khẩu là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo:
- Lòng yêu
mến Lời Chúa: Thánh nhân dành cả cuộc đời để nghiên cứu
và giảng dạy Kinh Thánh. Ngài tin rằng Lời Chúa là nguồn sống và ánh sáng soi
đường cho mỗi người. Qua những bài giảng của mình, ngài đã giúp nhiều người
hiểu sâu hơn về ý nghĩa của đức tin và tìm thấy niềm an ủi trong Chúa.
- Sự trung
thành với giáo lý: Thánh Gioan Kim Khẩu
luôn trung thành với giáo lý của Giáo hội. Ngài không ngại đối đầu với những
quan điểm sai lầm và bảo vệ đức tin một cách kiên quyết.
- Lòng
nhiệt huyết phục vụ: Ngài không chỉ là
một nhà thần học mà còn là một mục tử tận tụy. Ngài đã dành nhiều thời gian và
công sức để chăm sóc cho đoàn chiên của mình, đặc biệt là những người nghèo khổ
và bệnh tật.
- Sự can
đảm trong việc lên tiếng vì công lý: Thánh nhân không
ngại lên tiếng chỉ trích những bất công trong xã hội, dù phải đối mặt với sự
chống đối từ những người có quyền thế.
- Tầm quan
trọng của việc cầu nguyện: Thánh Gioan Kim Khẩu
là một người cầu nguyện không ngừng. Ngài tin rằng cầu nguyện là nguồn sức mạnh
giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
* Noi
gương Thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta hãy:
- Dành
thời gian đọc và suy niệm Lời Chúa: Hãy dành thời gian
hàng ngày để đọc Kinh Thánh và suy ngẫm về những lời dạy của Chúa.
- Sống đời
sống cầu nguyện: Cầu nguyện là cách
chúng ta giao tiếp với Thiên Chúa. Hãy dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày.
- Tham gia
vào các hoạt động của Giáo hội: Tham gia vào các
hoạt động của Giáo hội giúp chúng ta sống đời sống cộng đoàn và phục vụ tha
nhân.
- Bảo vệ
công lý: Hãy lên tiếng chống lại bất công và bảo
vệ những người yếu thế.
- Sống đời
sống khiêm tốn và phục vụ: Hãy học theo gương
của Thánh Gioan Kim Khẩu, sống đời sống khiêm tốn và phục vụ tha nhân.
Suy niệm
1:
Chúa dạy chúng
ta: “Các con phải nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn
lành”. Tuy nhiên Chúa không muốn chúng ta tự cao, tự đại cho mình tốt lành
thánh thiện hơn người khác rồi lên mặt dạy đời, xét đoán và lên án người
khác.
Xin cho chúng ta biết
khiêm tốn nhận mình còn nhiều thiếu sót và lầm lỗi mà biết lo sửa đổi để mỗi
ngày trở nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng là con của Chúa.
Tin mừng hôm nay Chúa
Giêsu dạy chúng ta: “anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét
đoán”. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là thích xét đoán người
khác, bởi lẽ:
- Ta luôn nghĩ mình giỏi
hơn, hay hơn, tốt hơn, hiểu biết và thánh thiện hơn người khác.
- Do tính ác nằm sẵn trong
con người ta bởi ảnh hưởng tội nguyên tổ. Đúng như Tuân Tử đã nói: "Nhân
tri sơ tính bản ác."
- Do cái tôi của ta quá
lớn nên ta thích thống trị và hạ bệ người khác để nâng bốc mình lên.
Thật vậy, khi xét đoán ai
đó là ta tự đặt mình lên trên người ấy, muốn được người khác nhìn nhận,
quy phục và ngợi khen ta.
Sở dĩ Chúa Giêsu dạy chúng
ta chớ nên xét đoán người khác bởi vì:
- Quyền xét đoán là quyền
của Thiên Chúa: “Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có
quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn ngươi là ai mà dám xét đoán người thân
cận?” (Gc 5,12).
- Nhân vô thập toàn, là
con người ai cũng có những thiếu sót và tội lỗi, lắm khi tính hư nết xấu và tội
lỗi chúng ta còn lớn hơn người khác. Do đó Chúa Giêsu khuyên chúng ta nên để ý
đến cái “xà” trong mắt của mình hơn là quan tâm đến cái “rác” trong mắt anh em.
Và hãy lưu tâm lấy cái “xà” trong mắt mình trước đã hơn là chỉ lo lấy cái “rác”
trong mắt anh em.
- “Cầm đuốt mà rê chân
người”; “Bới lông tìm vết", " vạch lá tìm sâu”…Đó là căn bệnh nguy
hại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Nhưng hãy nhớ lời Chúa
dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, để
đừng bao giờ tìm cách bươi móc lầm lỗi của người khác, rồi kết án buộc tội, làm
như vậy chắc chắn ta sẽ bị Thiên Chúa kết án.
Xin cho chúng ta đừng bao
giờ tước quyền của Thiên Chúa mà xét đoán và lên án anh em mình; cũng đừng bao
giờ đồng lõa hùa theo người khác để rồi nói xấu bôi nhọ hay lên mặt dạy đời
người khác. Trái lại cho chúng ta biết can đảm nói điều tốt lành cho anh em,
nhất là những người vắng mặt. Làm thế, ta mới được Thiên Chúa ghi công. Bởi vì
“anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy”.
Suy niệm
2:
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm
về thái độ khi nhìn nhận và xét đoán người khác. Đức Giêsu cảnh báo: "Người
mù làm sao dẫn được người mù? Cả hai sẽ cùng rơi xuống hố". Ngài
muốn nói rằng, muốn hướng dẫn, muốn dạy dỗ ai đó, thì trước hết mình phải biết
mình, phải có cái nhìn trong sáng và phải cảm nghiệm điều mình muốn hướng dẫn
người khác.
- Phải
biết mình: Trước khi chỉ trích lỗi
lầm của người khác, chúng ta hãy nhìn sâu vào chính mình. Liệu chúng ta đã thực
sự hoàn hảo để có thể phán xét?
- Phải có
cái nhìn trong sáng: Đức tin giúp chúng
ta có một "đôi mắt tâm hồn" để cảm nhận sâu xa những giá trị bên
trong của mỗi người.
- Phải cảm
nghiệm: Thay vì chỉ trích, chúng ta hãy cố gắng
thấu hiểu và yêu thương người khác. Bởi vì, ai cũng có những giới hạn và yếu
đuối của riêng mình.
* Cho nên những người có trách nhiệm làm: cha
mẹ, người lãnh đạo cần phải nêu gương sáng trước khi hướng dẫn người khác:
- Trong
gia đình: Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn
của nhau.
- Trong
cộng đồng: Hãy xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và yêu
thương.
- Trong
xã hội: Hãy cẩn trọng với những lời phán xét vội vàng và thiếu căn cứ.
Xin Chúa cho chúng ta có một trái tim bao dung
và một cái nhìn nhân hậu để không vội vàng phán xét và lên án người khác.
Amen. (St).
Suy
niệm 3: KHÔN NGOAN TRONG CHÚA GIÊSU
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ở đời ai cũng
muốn làm thầy người khác. Vì tự hào mình khôn ngoan giỏi giang. Biết hết mọi
sự. Nhưng lại không biết chính mình. Vì thế thường mâu thuẫn. Nói mà không làm.
Chúa Giê-su gọi đó là “mù lại dắt mù”.
Chúa dạy ta
phải khôn ngoan. Khôn ngoan phải đi trong ánh sáng. Ánh sáng là phải biết mình.
Biết lỗi lầm của mình. Biết khuyết điểm của mình. Biết giới hạn của mình. Thấy
cái xà trong mắt mình. Phải lấy ra thì mắt mới thấy rõ. Thấy đường rồi mới có
thể hướng dẫn người khác. Biết mình rất khó. Nhận mình sai sót lỗi lầm còn khó
hơn. Và sửa chữa lỗi lầm lại càng khó lắm.
Chỉ có Chúa là
sự khôn ngoan. Là sự sáng. Ở trong Chúa ta sẽ có ánh sáng. Sẽ được khôn ngoan.
Soi vào Chúa ta sẽ được biết mình. Nhìn lên Chúa ta sẽ biết đường. Đi theo Chúa
ta sẽ đến nơi. Chỉ có Chúa là Thầy. Vì Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Khi rao giảng
cho người khác, thánh Phaolô tỏ ra lòng khiêm nhường sâu xa. Nhận đó là
bổn phận: “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự
cần thiết bắt buộc tôi phải làm”. Vì thế ngài hạ mình “trở thành nô lệ
của mọi người”, “trở nên tất cả cho mọi người”. Vẫn chưa đủ, ngài
không ngừng xét mình, răn mình, sửa mình để có thể giúp đỡ người khác: “Tôi
bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác,
chính tôi lại bị loại” (năm chẵn).
Ngài trở nên
người khôn ngoan. Vì ngài sống trong Chúa Giê-su. Ngài trở thành người sáng
suốt. Vì đã tự lấy cái xà trong mắt mình trước. Ngài trở thành người hướng dẫn.
Vì đã tự biết mình.
Suy
niệm 4: HÃY TỰ BIẾT MÌNH
Chỉ là thụ tạo
mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch
sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ
nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa,
nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để
sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người:
sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho
mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của
mình cũng như của người khác.
Tin Mừng hôm
nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên
chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình
vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con
người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con
người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra
khỏi mắt ngươi trước đã”, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình
trước.
Có nhận ra mối
tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của
mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa,
con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là
Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình
liên đới với tha nhân. “Hỡi người, hãy tự biết mình”, đó là khẩu hiệu mà nhà
hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh,
có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: “Hãy sám hối và
tin vào Tin Mừng”. “Hãy sám hối” trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của
mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người
khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống
Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra
khỏi cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thứ bảy:
Ds 21,4b-9; Ga 3,13-17
SUY TÔN
THÁNH GÍA. LỄ KÍNH
Cùng với GH hôm nay chúng
ta dâng thánh lễ suy tôn Thánh Giá Chúa. Đây là dịp chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn
Thánh Giá Chúa. Để qua đó, ta nhận ra tội lỗi của mình; nhất là nhận ra tình
yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Nói đến thánh giá là nói
đến tình yêu. Mà đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta chính là
cái chết đau thương của Đức Giêsu trên thập giá. Kể từ khi thập giá treo Đức
Giêsu, Đấng Cứu Thế thì thập giá lại trở nên Thánh Giá bởi nơi ấy gắn liền với
Đấng Thánh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Xin cho chúng ta nhận ra
con đường tình đó mà Chúa đã dành cho chúng ta và xin cho chúng ta cũng biết
can đảm dấn bước vào con đường tình thập giá Chúa, để được tham dự vào sự phục
sinh vinh quang của Người.
Lễ suy tôn thánh giá hôm
nay, GH như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm kỹ hơn về Thánh Giá Chúa.
- Bài đọc 1 hôm nay trình
thuật cho chúng ta biết, dân Israel đã được Thiên Chúa yêu thương. Qua ông
Môsê, Thiên Chúa đã đưa dẫn họ về đất hứa. Nhưng trên hành trình trong sa mạc,
dân Israel đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và trút tội lên đầu Môsê.
Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện và cắn chết nhiều
người. Nhận ra sự bất trung về tội lỗi của mình đã phạm, toàn dân đồng loạt kêu
cầu ông Môsê xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và
truyền cho ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây
cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." (Ds
21,8)
- Trong bài Tin Mừng, Đức
Giêsu xác định hình ảnh con rắn đồng treo trong sa mạc xưa chính là Ngài, khi
nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng
sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga
3, 14-15). Như vậy, khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta thấy gì? và được gì?
1. Thấy
gì?
- Thấy tội phản phúc của
mình đã gây nên cái chết đau thương của Chúa, tựa như những người Do Thái trong
sa mạc và những người cùng thời với Chúa Giêsu.
- Thấy tình thương lớn lao
mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tội lỗi đáng lẽ làm cho chúng ta phải chết,
nhưng Chúa đã chết hay cho chúng ta. Một vị Thiên Chúa quyền năng và thánh
thiện mà lại sẵn sàng chết cho thụ tạo là tội nhân, quả là lớn lao biết bao.
- Thấy được sự tự hạ tột
cùng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả tư tưởng này trong thư gửi cho tín
hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải
nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra
không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng phục cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl
2,6-7).
2. Và được
gì?
- Được Chúa ban lại ơn sự
sống. Tội lỗi làm cho chúng ta phải chết nhưng qua cái chết và sự phục sinh của
Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự sống.
- Được phục hồi chức vị
làm con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
- Được hiệp thông với nhau
trong tình anh em và được đón nhận dồi dào ân sủng của Thiên Chúa, nhất là ơn
cứu độ.
Khi chiêm ngắm Thánh Giá
Chúa, chúng ta cũng nhận ra rằng: Muốn được phục sinh vinh quang cùng với Đức
Giêsu thì chúng ta cũng phải chấp nhận trãi qua thập giá đau khổ. Xin cho chúng
ta học được những bài học cao quý nơi Thánh Giá Chúa. Nhờ đó, ta ý thức sống
xứng đáng hơn với mầu nhiệm thập gía của Chúa Giêsu bằng cách noi gương thánh
Phaolô luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong niềm xác tín: "Tôi
sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl
2,20).
* Mùa
thường niên: Lc 6, 43-49
Thống nhất đời sống là
bước đầu tiên để tiến tới hoàn thiện. Đó là điều mà Chúa Giêsu luôn nhắc nhở
các môn đệ cũng như mỗi chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Có thể nói con đường xa
nhất là con đường từ đầu đến tay. Ước muốn thì nhiều, nhưng biến ước muốn thành
hành động thì cả là một quảng đường dài. Cũng vậy nghe mà hiểu đã là khó, huống
chi đem ra áp dụng vào cuộc sống quả là một quá trình dài hơi và lắm chông gai.
Chính vì thế mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nỗ lực để thống nhất đời sống
bằng cách đem Lời Chúa ra thực hành?
Chúa Giêsu đưa ra 2 hình
ảnh cụ thể để diễn đạt ý tưởng này:
- Xem quả thì biết cây.
Quả tốt phải được phát sinh từ cây tốt. Cây nào thì quả đó. Hành vi được xem là
tốt, khi nó phải phát sinh từ ý tưởng đẹp. Còn nếu hành động xem ra xấu là do
nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ xấu, vì « tư tưởng biến thành hành động ; lòng đầy
miệng mới nói ra », rất nguy hại đến mình và cho người. Nên cần lắm thống nhất
giữa “cái là” và “cái làm”.
Những người Pharisêu chính
bởi không thống nhất giữa ý tưởng bên trong và hành vi bên ngoài nên đã bị Chúa
Giêsu khiển trách nặng lời về lối sống giả hình của họ. Hạt giống Lời Chúa thì
luôn luôn tốt. Hãy gieo hạt Lời Chúa vào trong tâm hồn mình và hằng ngày chăm
sóc vun tưới hạt giống ấy qua việc lắng nghe, học hỏi và suy niệm thì hạt giống
Lời Chúa mới phát triển và đâm hoa kết trái tốt đẹp qua những hành động tốt đẹp
được.
- Nhà trên nền đá. Tựa như
xây nhà trên nền đá vững chắc, thì cho dù mưa sa giống tố và nước ùa vào cũng
không làm lay chuyển được. Cũng vậy, nếu ngôi nhà tâm hồn chúng ta được xây
bằng vật liệu vững chắc là Lời Chúa, thì cho dù cuộc đời mình có gặp phải những
gian nan thử thách hay phải đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt, thì ngôi
nhà đức tin của ta mới mong được đứng vững.
Xin Chúa cho chúng ta ý
thức được tầm quan trọng của Lời Chúa để yêu mến học hỏi và áp dụng vào hoàn
cảnh sống của mình qua những việc làm cụ thể. Nhờ đó cây đời của chúng ta mới
trỗ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho đời và cho người.
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN
Lm Minh Anh, Tgp Huế
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B
Is 35, 4-7a; Gc 2, 1-5; Mc 7, 31-37
Suy niệm
1: VƯỜN GIÊSU
“Ngài đem anh ta ra khỏi
đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh!”.
Trong “Khu Vườn Bí Mật”,
“The Secret Garden”, Burnett viết về một khu vườn khoá kín suốt 10 năm, cho đến
khi cô bé Mary tình cờ có được chìa khoá. Cô đã chăm sóc, hồi sinh nó với tình
yêu. Khu vườn sống lại với sự đổi thay của những đứa trẻ khác. Colin, một cậu
trai èo uột luôn nghĩ mình sắp chết; Dickon, một cậu bé chỉ kết thân với động
vật. Nhờ khu vườn, Mary không còn là một tiểu thư trái khoáy; Colin và Dickon
tràn đầy hy vọng, “sẽ sống mãi”. Khu vườn bừng sức sống bởi ‘tình yêu cuộc
sống’ của lũ trẻ!
Kính thưa Anh Chị em,
Qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm
nay, một người câm điếc được Chúa Giêsu ‘kéo riêng ra khỏi đám đông’, đưa vào
một ‘khu vườn bí mật’ khác, ‘vườn Giêsu’; ở đó, Ngài chữa anh. ‘Kéo riêng ra’,
một chi tiết khá bất ngờ, đầy thú vị, giàu ý nghĩa và không ít thời sự!
Tại sao Chúa Giêsu ‘kéo
riêng’ người câm điếc khỏi đám đông? Phải chăng Ngài muốn anh ở một mình với
Ngài, muốn ngỏ riêng với anh một điều gì đó? Ngài đưa anh vào vườn bí mật
“Giêsu”, chính Ngài! Ở đó, Ngài chữa lành anh để tai anh nghe được “Lời Giêsu”,
miệng anh kêu được “Tên Giêsu”, mắt anh thấy được “Ánh Sáng Giêsu”, và trái tim
anh cảm nếm được “Lòng Thương Xót Giêsu”.
Có lẽ không ai trong chúng
ta phải câm điếc thể lý, nhưng có lẽ, không ít người trong chúng ta câm điếc
thiêng liêng, câm điếc tinh thần. Vì thế, chúng ta trục trặc trong việc hiệp
thông với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Nguyên nhân của những khiếm khuyết
trong việc nói năng thường là hệ quả khuyết tật của việc lắng nghe. Điều này
đúng cả về thể lý lẫn thiêng liêng. Hôm nay, trong khu vườn linh hồn mình, Chúa
Giêsu không chỉ đặt tay vào tai, nhưng đặt tay Ngài vào tim mỗi người chúng ta
để chữa lành. Ngài cầu xin Chúa Cha mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón
nhận ân sủng Ngài; đồng thời, mở ra với tấm lòng bác ái trước những nhu cầu của
tha nhân, những người đang đau khổ cần trợ giúp - bài đọc hai. Chúa Giêsu muốn
“mở ra” chính trái tim của chúng ta mà Ngài là Lương Y Chúa Cha sai đến sẽ chữa
lành, “Mắt người mù sáng lên, và tai người điếc mở ra!” - bài đọc một.
Anh Chị em,
“Ephphatha!”, “Hãy mở
ra!”. Đức Phanxicô nói, “Chúa Giêsu đã tiết lộ cho chúng ta bí mật của một phép
lạ mà chúng ta cũng có thể noi theo để ‘trở thành nhân vật chính’ của
“Ephphatha” mà Ngài đã dùng để phục hồi khả năng nghe nói cho người câm điếc.
Điều đó có nghĩa là mở lòng mình ra với những anh chị em đau khổ cần được giúp
đỡ, bằng cách tránh xa sự ích kỷ và cứng lòng. Chính trái tim - cốt lõi sâu
thẳm của con người - mà Chúa Giêsu đã đến để “mở ra”, để giải thoát, để làm cho
chúng ta có khả năng sống trọn vẹn mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Ngài
đã trở thành con người để con người, bị tội lỗi làm cho điếc và câm lặng bên
trong, có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của Tình Yêu ngỏ
với trái tim mình; và qua đó, có thể học nói ngôn ngữ của tình yêu, biến nó
thành những cử chỉ quảng đại và tự hiến!”.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày hay ít
nữa mỗi tuần, con được Chúa dẫn vào ‘vườn Giêsu’ khi tham dự Thánh Lễ hay những
giờ cầu nguyện, xin chữa lành ‘hồn xác trí tri’ con!”, Amen.
Suy niệm
2:
Tin mừng hôm nay thuật lại
phép lạ Chúa Giêsu chữa cho người bị câm điếc được khỏi do tình thương và quyền
năng của Người. Xin Chúa cũng dùng quyền năng và tình thương của Chúa mà cứu
chữa chúng ta khỏi căn bệnh câm điếc tâm hồn.
Nghe và nói là 2 khả năng
tuyệt vời mà Chúa thương ban cho con người. Nhờ nói được và nghe được mà mỗi
chúng ta mới có thể dễ dàng sống hài hòa trong các mối tương quan với mọi
người. Nhờ nghe được ta mới hiểu rõ ước muốn của tha nhân; và nhờ nói được ta
mới dễ dàng diễn tả những tư tưởng của mình cho tha nhân hiểu.
Mất đi 2 khả năng này, con
người như bị trói buộc trong các mối tương quan bình thường của một con người
mang xã hội tính. Do đó sẽ dễ dàng dẫn đến trầm cảm, cô đơn và đau khổ.
Việc Chúa Giêsu cứu chữa
cho người bị câm điếc với một tiến trình tiệm tiến và có vẻ công phu theo như
những gì mà bài Tin mừng hôm nay trình thuật, vừa nói lên tình yêu gần gủi và
thân thiết của Chúa Giêsu; vừa cũng để diễn đạt quyền năng lớn lao và kín đáo mà
Chúa Giêsu dành cho anh ta.
Xin Chúa cũng dùng quyền
năng đầy tình thương Chúa cứu chữa chúng ta:
- Khỏi tình trạng câm tâm
hồn: để ta biết thốt lên những lời cảm thông, tha thứ, khích lệ nhau
trong yêu thương; nhất là biết bắt chước người được Chúa chữa lành hôm nay mà
hân hoan ca tụng quyền năng và lòng thương xót Chúa.
- Khỏi tình trạng điếc
thiêng liêng để chúng ta yêu thích lắng nghe những lời hay ý đẹp dành cho nhau,
nhất là vui mừng lắng nghe Tin mừng tình yêu của Chúa: “Ephpheta, nghĩa là hãy
mở ra”.
Hôm nay cũng là ngày kỉ
niệm sinh nhật Đức trinh nữ Maria. Hơn ai hết Đức Maria là người Mẹ vĩ đại,
luôn quan tâm, lo lắng và yêu thương nhân loại chúng ta là con cái Mẹ. Mẹ hằng
dõi theo chúng ta trong từng bước đi trong cuộc sống. Chắc hẳn trong những lúc
chúng ta gặp thử thách do bệnh tật thể xác và đau khổ trong tâm hồn gây nên, Mẹ
sẽ không bỏ rơi chúng ta. Bởi vì Mẹ Maria chính là Người Mẹ của Lòng Thương
Xót, nên Mẹ sẽ sẵn sàng nâng đỡ và ra tay cứu giúp chúng ta như Mẹ đã từng cứu
giúp cho những ai gặp phải những đau khổ xác hồn khi chạy đến kêu cầu Mẹ.
Xin cho chúng ta luôn biết
kính mến, tin tưởng và phó thác cuộc đời mình vào trái tim từ ái của Mẹ Maria.
Amen.
Thứ hai:
Lc 6, 6-11
VĂN HOÁ
CỨU SỐNG
“Ngày Sabbat, được phép
làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”.
Marian - thông minh, xinh
đẹp - một nhà truyền giáo thành công. Tuy nhiên, không lâu sau, bệnh tật đã đưa
cô đến gần cái chết. Một người bạn nói với cô, “Rất tiếc, bệnh tật đã cản trở
công việc của Chúa!”. Sâu sắc và thánh thiện, Marian mỉm cười, “Thật tuyệt khi
làm công việc của Chúa, nhưng sẽ tuyệt hơn khi vâng ý Ngài! Được hấp thụ một
nền ‘văn hoá cứu sống’ của Chúa Kitô, nên dù có chết, chúng ta vẫn có thể cứu
sống!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc Lời Chúa
hôm nay cho thấy sự thật mà Marian đã trải nghiệm, “Dù có chết, chúng ta vẫn có
thể cứu sống!”. Marian đã sống một nền ‘văn hoá cứu sống!’.
Trước luồng văn hoá sự
chết vốn dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức trong cộng đoàn Côrintô, Phaolô
phải lên tiếng, “Không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế
của cha mình”. Những gì đã xảy ra thật tồi tệ, nhưng sẽ tồi tệ hơn khi các tín
hữu của ngài không xem đó là vấn đề, thậm chí họ cho đó là ‘tự do mới!’. Với
tất cả tình yêu, Phaolô kêu gọi họ hãy loại bỏ men cũ chết chóc để nhận lấy
loại bánh không men tinh tuyền của Chúa Kitô, loại bánh đem lại một nền văn hoá
sự sống - bài đọc một.
Nét văn hoá mới này thể
hiện rõ hơn qua trình thuật Tin Mừng. Một ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy
trong hội đường; ở đó, có một người có cánh tay khô bại, các biệt phái rình xem
Ngài có chữa lành anh không. Dẫu đọc được sự nhỏ nhen đó, Chúa Giêsu vẫn hành
động, lòng nhân ái không cho phép Ngài chần chừ. Với Ngài, miễn sao con người
gặp được lòng xót thương của Thiên Chúa; người khác nghĩ sao, không thành vấn
đề! Vì thế, Ngài gọi người có cánh tay khô bại ra đứng giữa họ và hỏi, “Ngày
Sabbat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”. Làm
sao họ có thể trả lời! Và Ngài “rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay:
“Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường”.
“Dù có chết, chúng ta vẫn
có thể cứu sống!”. Câu nói của Marian trở nên hiện thực tuyệt vời nơi Chúa
Giêsu. Biết rằng, bị chống đối Ngài vẫn cứu sống! Và cuối cùng, để cứu sống cả
nhân loại, ban cho nó sự sống đời đời, Ngài đã bị nhân loại giết chết. Ngài là
Thiên Chúa của kẻ sống cũng như của kẻ chết
Anh Chị em,
“Ngày Sabbat, được phép
làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”. Như vậy, có một nền
văn hoá sự chết và một nền văn hoá sự sống trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.
Những phán xét của người Pharisêu khiến họ chỉ trích Chúa Giêsu đến mức trở nên
giận dữ; cuối cùng, họ lập mưu giết Ngài. Họ không quan tâm đến hoàn cảnh của
người đàn ông mà Chúa Giêsu chữa lành. Nhưng Ngài thì ngược lại, Ngài nói những
lời ban sự sống và làm phong phú thêm cuộc sống thông qua việc chữa lành. Tình
yêu không thể bị áp đặt nhưng buộc chúng ta phải hành động, kéo chúng ta lại
với nhau và phục hồi sự sống hoàn toàn. Bạn và tôi phải học từ Chúa Giêsu cách
trở thành ngọn hải đăng của ánh sáng và sự sống giữa nền văn hoá chia rẽ của
chủ nghĩa vị kỷ và cái chết bao quanh.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con luôn
muốn điều tốt, sẵn sàng làm điều tốt, bất chấp những rủi ro; vì lẽ, ‘văn hoá
cứu sống’ luôn làm con sống và anh chị em con sống!”, Amen.
Thứ ba: Lc
6, 12-19
PHƯƠNG THẾ
DUY NHẤT
“Chúa Giêsu lên núi cầu
nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người
kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”
“Ai không lên núi của
Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới đồng bằng suốt thời
gian còn lại!” - John Bunyan.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý tưởng của Bunyan được
gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện không chỉ buổi
sáng, nhưng cả buổi tối và suốt đêm; sáng ngày, Ngài chọn các tông đồ. Dường
như với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất’ khi phải chọn lựa!
Hơn các thánh sử khác,
Luca miêu tả tính cách của Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện! Nhìn Ngài,
xem ra không ai tất bật với việc rao giảng, chữa lành và thực hành xót thương
như Ngài. Nhưng dẫu bận rộn đến đâu, mỗi ngày, Ngài cũng dành cho mình những
giờ phút “lên núi của Thiên Chúa” như một ưu tiên hàng đầu, “Từ sáng sớm khi
trời còn tối mịt, Người ra đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó”;
hoặc trước một biến cố quan trọng, Ngài cầu nguyện suốt đêm. Với Ngài, cầu
nguyện là ‘phương thế duy nhất’. Chọn lựa càng quan trọng, cầu nguyện càng khẩn
thiết và lâu giờ hơn!
Giữa một thế giới dành
giật, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của công việc, kể cả việc học hành hoặc ngay
cả việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các lãnh vực, thì chưa bao giờ chúng ta
cảm thấy mình ngày càng có ít quỹ thời gian như ngày nay. Đức Phanxicô cảnh
báo, “Hãy cầu nguyện để khỏi mất đức tin. Ai không cầu nguyện là rời xa đức
tin, biến đức tin thành một ý thức hệ chỉ mang tính luân lý; ở đó, không có
Chúa Giêsu!”; ngài nói, “Việc cầu nguyện không thể chỉ gói gọn trong một tiếng
đồng hồ ngày Chúa Nhật; nhưng mỗi người cần sống mối tương quan thâm tình hằng
ngày với Chúa Giêsu; nhờ đó, chúng ta mới có khả năng phân định và chọn lựa
giữa bao điều phải chọn lựa!”.
Bên cạnh đó, một yếu tố
cực kỳ quan trọng khác là, đừng bao giờ quên rằng, điều nâng đỡ chúng ta nhất,
chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho mỗi người. Ngài xướng cả tên
lẫn họ của mỗi người trước Chúa Cha, Ngài tỏ cho Chúa Cha thấy những thương
tích của từng người là giá cứu rỗi Ngài sẽ trả. Vì thế, cả khi lời cầu nguyện
của bạn và tôi chỉ lắp bắp - ảnh hưởng bởi một đức tin dao động - và nó chưa là
‘phương thế duy nhất’ của những chọn lựa, bạn vẫn không bao giờ được ngừng tin
tưởng vào Ngài. Tôi không biết cầu nguyện thế nào nhưng Chúa Giêsu đang cầu
nguyện cho tôi!
Anh Chị em,
“Người đã thức suốt đêm
cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Đức Phanxicô nói, “Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện
của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện nhút nhát của chúng ta đậu trên đôi cánh đại
bàng của Ngài và bay lên tận trời. Ngài đang cầu nguyện cho tôi!”. Cũng thế, Mẹ
Giáo Hội đang liên lỉ cầu nguyện cho tôi. Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng “lên
núi của Thiên Chúa” - các bàn thờ - cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu
và tạ ơn. Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời
nhất, Giáo Hội và con cái của Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước
nhan Cha Trên Trời!
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, ‘phương thế duy
nhất’ để con có thể chọn lựa mà không hối tiếc là cầu nguyện. Vì càng nhận lãnh
trong im ắng, con càng biết cho đi trong hành động!”, Amen.
Thứ
tư: Lc 6, 20-26
CẦN MỘT
TẦM CAO
“Phúc cho anh em là những
kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em!”.
“Phúc cho ai nghèo khó,
đang đói, đang khóc! Để hiểu nó, niềm tin của bạn cần một tầm cao! Mất để mất,
mất để được! Bạn đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bạn đang ở đâu, sẽ đi về
đâu, mất hay được?”. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu,
lắng nghe Ngài; đồng thời, xác tín, đây là những lời từ miệng Ngài phán ra,
“Phúc cho anh em, những kẻ nghèo khó!”. Rất nghịch thường, nhưng đó là sự thật.
Để hiểu nó, niềm tin của bạn và tôi ‘cần một tầm cao!’.
Hãy hình dung Chúa Giêsu
đang trìu mến nhìn vào khuôn mặt những kẻ theo Ngài, Ngài cũng yêu thương nhìn
vào mắt bạn và tôi để nói những lời đó. Chúng ta chấp nhận và tin điều Ngài
nói. Đương nhiên, nghèo nàn, đói khát, buồn phiền không hấp dẫn ai, nhưng Ngài
tuyên bố chúng là những giá trị đích thực của Nước Trời. Và thế là đủ!
Ngài khuyến khích chúng ta
hướng lên kho báu Nước Thiên Chúa, đừng sợ phải thiếu thốn, khó nghèo. Ngài sẽ
chăm sóc, bồi thường. Thiên đàng đang đợi; ở đó, tiếng cười và niềm vui, một sự
viên mãn khôn lường. Quả là gian nan khi không tìm kiếm ‘thiên đàng trên đất’
trong giàu sang, danh lợi vốn là những gì làm người đời mất sức lực, mất thời
giờ, sức khoẻ để tài bồi; và rốt cuộc, tay trắng ra đi. Họ mất để mất! Phaolô
nói, “Thời gian chẳng còn bao lâu. Ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận
hưởng, vì bộ mặt thế gian này đang biến đi!” - bài đọc một. Như vậy, ai không
bị ràng buộc, dám mất tất cả vì Nước Trời, sẽ được tất cả. Mất để được! Niềm
tin đó ‘cần một tầm cao!’.
Khác với các phúc của
Matthêu, bốn phúc của Luca còn kèm thêm bốn hoạ, “Khốn cho các người là những
kẻ giàu có”, “no nê”, “được vui cười”, “ca tụng”. Nếu con đường của bạn và tôi
xem ra ‘phù hợp hơn’ với những mặt đối lập này; thì hôm nay, hãy nhìn lại! Bạn
đang ở đâu, sẽ đi về đâu, mất hay được?
Vậy, đừng đặt niềm tin vào
các thứ phù du; đừng tìm ‘hạnh phúc rẻ’ bằng việc chạy theo ‘những người bán
khói’ đang chào mời một nền văn hoá chết chóc; họ những chuyên gia về ảo tưởng
vốn chỉ khiến bạn ‘mất để mất!’. Bạn ‘cần một tầm cao’ của niềm tin hầu biết
nhìn sâu sắc hơn về các thực tại và tự chữa lành tật ‘thiển cận kinh niên’ mà
tinh thần thế tục đã tiêm nhiễm. Chúa Giêsu đang khuấy động chúng ta; qua đó,
Ngài tiết lộ điều gì thực sự làm chúng ta phong phú, no thoả; mang lại niềm vui
và phẩm giá; mang lại ý nghĩa và sự viên mãn cho một cuộc sống ‘mất để được!’.
Anh Chị em,
“Phúc cho anh em, những
người nghèo khó!”. Hãy đặt các giá trị thế gian vào đúng vị trí của chúng! Xin
Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi cơn khát của cải, khỏi việc chạy theo những
hứa hão của thế gian và khỏi việc đặt trái tim mình vào những gì thuộc tầm
thấp! Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi tìm kiếm bất kỳ niềm vui nào trong
khen ngợi của thế gian, vì điều đó có nghĩa là chúng ta đã đặt trái tim mình
vào ‘vinh quang đất cát’ thay vì ‘vinh quang thiên đàng!’.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con mất
cả chài lẫn chì - đời này lẫn đời sau - nếu con chỉ tìm kiếm những gì không phải
Chúa hay những gì ‘ít Chúa’ nơi chốn lè tè này!”, Amen.
Thứ năm:
Lc 6, 27-38.
KHÔN NGOAN
NHẤT
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn
cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho
kẻ vu khống anh em!”.
Sau nội chiến, miền Nam
rơi vào thế ‘bên thua cuộc’; đột nhiên, Lincoln muốn đàm phán. Điều này khiến
nhiều tướng lãnh bất bình. Một người giận dữ nói, “Kẻ thù nhất định phải bị
tiêu diệt!”. Tổng thống ôn hoà bảo, “Kẻ thù bị tiêu diệt khi họ trở thành
bạn!”. Cuộc chiến kết thúc với câu nói bất hủ của ông, “Trong nội chiến, không
ai thắng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Kẻ thù bị tiêu diệt khi
họ trở thành bạn!”. Câu nói của Abraham Lincoln thật phù hợp với giáo huấn của
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay - “Hãy yêu kẻ thù!” - và xem ra, yêu kẻ thù
là kim chỉ nam ‘khôn ngoan nhất!’.
Với ba ví dụ tích cực,
Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta đến mấy lần phải yêu kẻ thù của mình: làm ơn cho kẻ
ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ vu khống
mình. Làm sao có thể yêu những người không yêu mình? Làm sao có thể yêu những
người mà chúng ta biết chắc chắn là họ ghét mình? Vậy mà, yêu như thế là một
món quà từ Thiên Chúa với điều kiện, chúng ta biết mở lòng đón nhận. Vì xét cho
cùng, yêu kẻ thù là điều ‘khôn ngoan nhất’. Tại sao? Một khi chúng ta yêu họ,
kẻ thù cảm thấy như đã bị tước khí giới; và ‘vũ khí mới’ dành cho họ chỉ còn là
tình yêu, để họ cũng chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Yêu thương bấy giờ là
điều kiện chắc chắn để họ không còn là kẻ thù - mà là bạn - của chúng ta.
Với Chúa Giêsu, “Hãy yêu
kẻ thù!” không là tuỳ chọn, nhưng là mệnh lệnh. Nó không dành cho mọi người,
nhưng dành cho các môn đệ, những ai Chúa Giêsu gọi là “những người đang nghe
Thầy”. Ngài biết rõ việc yêu kẻ thù vượt quá khả năng con người, nhưng đây là
lý do tại sao Ngài đã ‘trở thành con người’: không phải để chúng ta ‘như chúng
ta hiện tại’, mà để biến đổi chúng ta thành những con trai con gái của Chúa vốn
‘có khả năng yêu thương lớn hơn’. Đây là tình yêu của Chúa Cha và con cái Ngài;
đây là tình yêu Chúa Giêsu dành cho những ai “đang nghe” Ngài. Vì vậy, điều đó
trở nên khả thi! Với Ngài, nhờ tình yêu và Thánh Thần của Ngài, bạn và tôi có
thể yêu thương ngay cả những người không yêu thương chúng ta, cả những người
làm hại chúng ta.
Anh Chị em,
“Hãy yêu kẻ thù!”. Không
ai trong chúng ta không muốn được tha thứ, cũng không ai không muốn được yêu
thương. Mọi tôn giáo đều có châm ngôn vàng, “Đừng làm cho người khác những gì
bạn không muốn người khác làm cho mình!”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là người duy
nhất đi xa hơn cách tích cực nhất với câu nói này, “Anh em muốn người ta làm gì
cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy!”. Về điều này, Gioan Kim Khẩu
nói, “Thậm chí còn hơn thế, vì Chúa Giêsu không chỉ nói: ‘hãy mong điều tốt cho
người khác’, mà còn ‘hãy làm điều tốt cho người khác!’”. Đây là lý do tại sao
châm ngôn vàng ‘khôn ngoan nhất’ Chúa Giêsu đưa ra không thể chỉ là một suy
nghĩ viển vông, nhưng nó phải được chuyển thành hành động.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, là người Công
Giáo, nhất định con không có kẻ thù; nhưng có lẽ con có vô vàn người ghét. Xin
cứ để họ ghét con ‘vì Chúa’, đừng để họ ghét con ‘vì con!’”, Amen.
Thứ sáu:
Lc 6, 39-42
Nhớ Thánh
Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
KHÔNG SỢ
SAI LẦM
“Khốn thân tôi nếu tôi
không rao giảng Tin Mừng!”.
Một người bạn nói với nhà
truyền giáo A. Judson, “Một bài báo đã ví anh như một số tông đồ”. Judson trả
lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi
muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống
và dạy lời Ngài mà không sợ sai lầm. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi muốn giống Chúa Kitô
thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô một khi ngài đã quyết
tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết
Chúa Kitô! “Uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân mình vào dấu chân Ngài, sống và
dạy lời Ngài”, Phaolô đã can đảm bôn tẩu loan báo Chúa Kitô mà ‘không sợ sai
lầm’.
Nhưng với chúng ta thì
sao? Trước hết, bạn và tôi phải được nung nấu bởi tình yêu Chúa Kitô và hiểu
biết Ngài; vì lẽ, “Người mù có thể dắt người mù được sao?” - Tin Mừng hôm nay.
Nghĩa là, trước tiên, người rao giảng phải là người biết rõ, thấy rõ, mình đang
đi đâu, trên con đường nào và sẽ dẫn tới đâu? Là người chỉ đường, chúng ta cần
xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Hãy suy gẫm về tầm
quan trọng này, đặt Chúa Kitô vào trung tâm cuộc sống và sứ vụ của mình; may
ra, chúng ta mới có thể hướng dẫn người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.
Thứ đến, ‘đi trong’ Giáo
Hội! Chúa Kitô không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài,
nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ nó khỏi mọi sai lầm.
Bạn không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta bắt nguồn từ sự hiểu biết “Tôi đang
ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội!”.
Bên cạnh đó, học tập là
một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời, dẫu chúng ta thường coi nhẹ. Vì
‘coi nhẹ’, nên việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Vỡ Lòng
hoặc Thêm Sức! Chúng ta tự mãn, ‘không biết mình nghèo’, nên những người chúng
ta dạy dỗ ‘không bao giờ giàu’; hậu quả là không ít người lớn chỉ được đào tạo
với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô, đào sâu, suy tư,
nghiên cứu, chiêm ngắm các mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển
Thánh Thần biến đổi cuộc sống. Được thế, bạn và tôi mới có thể nâng cao chiều
kích đức tin, hâm nóng hồn tông đồ nơi mình và nơi những người chúng ta dẫn dắt
mà ‘không sợ sai lầm’.
Anh Chị em,
“Khốn thân tôi nếu tôi
không rao giảng Tin Mừng!”. Chớ gì bạn và tôi có chung một thao thức của
Phaolô! Bởi lẽ, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, dạy dỗ và giúp người
khác đến với Ngài bằng những gì chúng ta học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là
vị Thầy, vị Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội,
Mẹ Khôn Ngoan của chúng ta; Ngài là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự mù
loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp
đầy những nông nổi. Được thế, chúng ta mới có thể dẫn dắt người khác mà ‘không
sợ sai lầm!’.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy
núi tự mãn trong con, cho con biết mình ‘không giàu’ để ham học hỏi, đào sâu,
chiêm ngắm; nhờ đó, những ai Chúa trao cho con ‘bớt nghèo!’”, Amen.
Thứ bảy:
Ds 21,4b-9; Ga 3,13-17
SUY TÔN
THÁNH GÍA-LỄ KÍNH
Suy niệm
1: BIỂU TƯỢNG SỰ SỐNG
“Con Người phải được treo
lên!”.
Sau Phục Sinh, cô Bitram
tặng mỗi em một chiếc hộp hình trứng; cô yêu cầu mỗi em đặt vào đó một biểu
tượng sự sống. Nửa giờ sau, từng chiếc hộp mở ra. Nào hoa, nào bướm, bọ, kiến…
cả lớp sung sướng. Kìa, một chiếc hộp rỗng! Có tiếng la, “Ngốc!”. Philip, hội
chứng Down, lên tiếng, “Của tôi!”. Bọn trẻ la to, “Ngốc!”; “Tôi đúng! Ngôi mộ
trống!”. Cả lớp im lặng, trọng nể! Không lâu sau, cậu bé qua đời. Tại đám tang,
lớp giáo lý tiến lên; mỗi em đặt trên quan tài một quả trứng rỗng - ‘biểu tượng
sự sống!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu quả trứng rỗng, biểu
tượng nói lên một điều gì đó quá vĩ đại - ‘biểu tượng sự sống’ - thì Thánh Giá
Giáo Hội suy tôn hôm nay nói lên một điều gì đó vĩ đại hơn! Bởi lẽ, trên đó,
Chúa Kitô, Đấng Cứu Sống nhân loại đã được treo lên.
Thật thú vị, nói đến việc
Thiên Chúa cứu sống, Cựu Ước lẫn Tân Ước nói đến một ‘cái gì đó’, một ‘Ai đó’
phải được treo lên! Sách Dân Số tường thuật việc Israel nổi loạn, Chúa cho rắn
lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môsê van xin; Chúa bảo, “Hãy làm một con rắn,
treo lên một cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được
sống!”. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng Chúa Kitô được treo lên, rồi đây, Ngài
cứu sống cả nhân loại; cách riêng, những ai nhìn lên ‘biểu tượng sự sống’ đó và
tin!
Nếu La Mã treo một tử tội
bằng dây của giá treo cổ, cung thánh các nhà thờ sẽ trưng một chiếc thòng lọng;
nếu La Mã chọn ném đá một tội nhân đến chết, cung thánh sẽ có một đống đá với
thi thể một Giêusu bầm dập vô hồn sóng soài kề bên. Không, Ngài bị đóng đinh
trên thập giá nên Giáo Hội đặt thánh giá giữa cung thánh, khắc lên bia mộ, đặt
trên đỉnh nhà thờ và chiếu sáng nó về đêm. Giáo Hội đã thành công ‘cách ngoạn
mục’ trong việc truyền đạt sự thật về cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô.
‘Thành công’ đến nỗi qua bao thế kỷ, thế giới quên rằng, một thiết bị tra tấn
chết chóc như thế lại trở nên biểu tượng lớn nhất của hy vọng, của cứu độ, của
sự sống!
Chúa Kitô không như một
thầy thuốc lạnh lùng chạm vào bệnh nhân rồi tắm mình trong thuốc sát trùng.
Không, Ngài như một bác sĩ trước khi mổ, chỉ vào mình và nói, “Hãy xem vết sẹo
của tôi!”; rồi chỉ vào vết thương hoang hoác trên ngực, Ngài nói, “Tôi cũng là
nạn nhân của sự dữ!”. Ngài chấp nhận cái chết tàn khốc để có thể thấu cảm và đi
sâu vào nỗi đau thập giá của từng con người; thánh hoá nó, lấy nó làm của mình,
hầu biến nó thành niềm vui, ‘biểu tượng sự sống’, biểu tượng bình an và hy vọng!
Anh Chị em,
“Con Người phải được treo
lên!”. Đức Phanxicô chia sẻ, “‘Con Rắn Cứu Độ’ nay đã đến giữa chúng ta! Chúa
Kitô bị treo lên, không cho phép những con rắn độc giết chết chúng ta. Nếu
chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, nọc độc sự dữ không thể thắng được chúng
ta!” Hãy chiêm ngắm Chúa Kitô, nhất là những lúc kiệt sức! Chúng ta sẽ múc lấy
sự cảm thông, ủi an từ trái tim từ ái của Ngài. Nhờ đó, chúng ta đủ sức ôm lấy
thập giá đời mình giao cho Ngài, Ngài sẽ gắn nó vào thánh giá Ngài! Và như thế,
thập giá của mỗi người cũng là ‘biểu tượng sự sống’ cho bản thân và cho thế
giới.
Chúng ta có thể cầu
nguyện,
“Lạy Chúa, xin làm rỗng
con, tiễu trừ khỏi con mọi tính hư nết xấu; nhờ đó, con có thể sống, trở nên
‘biểu tượng sự sống’ cho anh chị em con và cho thế giới!”, Amen.
Suy niệm 2: LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
“Con Người sẽ phải được
giương cao”
Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan
mừng kính lễ suy tôn Thánh Giá của Đức Chúa Giê-su.
Nói hân hoan vì chính Đức
Chúa Giê-su đã dùng cây Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta khỏi ách tội
lỗi của ma quỷ, hân hoan vì cây Thánh Giá chính là cây trường sinh đem lại sự
sống đời đời cho chúng ta.
Thánh Giá chính là nguồn
ơn cứu độ cho nhân loại, đó chính là niềm tin và là biểu tượng thánh của người
Công Giáo chúng ta, ở đâu có Thánh Giá là ở đó có bằng an và sức mạnh thần
thiêng.
Đức Chúa Giê-su không chết
dưới lưỡi gươm của quân lính để cứu chuộc nhân loại, Đức Chúa Giê-su cũng không
chết vì chén thuốc độc để chúng ta được sống, nhưng Ngài đã chết bằng cách chịu
đóng đinh trên cây thánh giá để cứu chuộc nhân loại, do đó Thánh Giá là biểu
tượng cho sự giao hoà giữa trời và đất, và là sự nối kết tình huynh đệ giữa con
người với nhau, mà tâm điểm phát xuất chính là Đức Chúa Giê-su.
Phải qua thánh giá mới đến
vinh quang, cũng như phải qua đò mới đến được bến bờ bên kia, nhưng người qua
đò thì không còn nhớ đến con đò đã đưa mình qua sông, bởi vì con đò không còn
ích gì cho họ nữa, nhưng cây Thánh Giá không những Thiên Chúa dùng để cứu chuộc
chúng ta, mà còn đi với chúng ta cho đến hết cuộc sống ở trần gian:
- Thánh Giá nơi bí tích
Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở thành những người được cứu độ và làm con của
Thiên Chúa, đó là Thánh Giá của niềm tin.
- Thánh Giá nơi bí tích
Thêm Sức làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa trong cuộc sống
của mình, đó là Thánh Giá của tình yêu.
- Thánh Giá nơi bí tích
Xức Dầu Thánh làm cho chúng ta được bình an, đó là Thánh Giá của hy vọng.
Vinh quang và chiến thắng
không ở nơi cảnh thanh bình giả tạo nhưng ở nơi chiến trường, mà chiến trường
của chúng ta –những người Ki-tô hữu- chính là bổn phận hàng ngày của mình;
chiến trường của chúng ta cũng ở trong những khó khăn của cuộc sống, khi chúng
ta chu toàn bổn phận chính là lúc chúng ta đem cây Thánh Giá của Chúa cắm vào
nơi ươn hèn của tội lỗi, khi chúng ta vui vẻ cậy nhờ ơn Chúa để đi qua những
khó khăn của cuộc sống, là chúng ta đã đem vinh quang của cây Thánh Giá dựng
lên cao để cho mọi người biết rằng: sức mạnh và vinh quang của chúng ta chính
là cây Thánh Giá.
Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay Thánh Giá
không còn là biểu tượng của đau khổ nữa, nhưng là của chiến thắng và vinh
quang, bởi vì tất cả những đau khổ đưa nhân loại chúng ta đến chỗ chết chóc huỷ
diệt, thì đã được Đức Chúa Giê-su –Đấng Cứu Chuộc trần gian- đã gánh lấy cho
chúng ta, để giờ đây mỗi người trong chúng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ chiến
thắng là cây Thánh Giá ngay trong cuộc sống đầy đau khổ và hạnh phúc của mình ở
trần gian này.
Xin Thiên Chúa chúc lành
cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét