Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN-B

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36

Suy niệm 1: “ĐƯỜNG LỐI CÁC NGƯƠI KHÔNG PHẢI LÀ ĐƯỜNG LỐI CỦA TA(Is 55,8.9)

Thánh kinh thường đề cập đến những hình ảnh tương phản nhằm làm nổi bậc lên những giá trị chân lý, đòi buộc con người phải chọn lựa để bước theo. Phụng vụ lời Chúa hôm nay nói lên điều đó.

- Bài đọc 1, sách Khôn Ngoan nói đến sự tương phản giữa người công chính và kẻ gian ác.

Thực tế cuộc sống cho thấy, hình như người công chính thường gặp phải những gian nan, thử thách; trong khi đó kẻ gian ác thì lại an nhàn, may mắn. Điều này khiến cho những người công chính cảm thấy thất vọng, chán nản. Để khích lệ người công chính nhận ra thánh ý nhiệm mầu của TC mà kiên nhẫn theo đuổi lẽ công chính, tác giả sách khôn ngoan nêu lên một số nguyên nhân khiến người công chính phải chịu nhiều đau khổ trong đời sống:

1. Do người công chính luôn chống lại những việc làm xấu xa của kẻ gian ác.

2. Đời sống tốt lành của người công chính vạch trần lối sống xấu xa của kẻ gian ác, khiến họ thẹn thùng xấu hổ.

3. Họ muốn thử thách quyền năng TC xem Ngài có bênh vực người công chính không?

Từ đó, tác giả sách khôn ngoan mời gọi người công chính hảy kiên vững vào ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa mà kiên nhẫn kêu xin sự giúp đỡ của Người!

- Bài đọc 2, trích thư thánh Giacôbê tông đồ. Trong lá thư này, thánh Giacôbê cho thấy sự tương phản giữa khôn ngoan thật và khôn ngoan giả.

Trong xã hội cũng như GH thời nào và ở đâu cũng có người này người khác, bởi “bá nhận bá tánh”. Trong cộng đoàn GH ban đầu cũng vậy. Vì quá chiều theo những đam mê ham muốn bất chính của mình, tự xem mình là tài giỏi và khôn ngoan hơn người khác. Từ đó sinh ra cạnh tranh, cãi cọ, làm cho mọi thứ trở hỗn độn và đủ thứ tệ đoan trong cộng đoàn.

Để kiến tạo sự hiệp nhất trong công đoàn, Thánh Giacôbê khuyên họ nên bỏ đi cái tôi tự mãn của mình mà sống theo lẽ khôn ngoan đến từ TC bằng cách: “Trước tiên phải là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối.” Có như vậy thì mới gặt hái được “hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.”

- Bài Phúc âm nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa đường lối khôn ngoan của TC và ước muốn trần tục của các tông đồ.

Chúa Giêsu đến trần gian không phải là để được người ta phục vụ nhưng là để phục và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (x. Mc 10,45). Nhưng con đường đó lại không phù hợp với khát vọng và ước muốn của các tông đồ. Nên các ông không quan tâm và cũng không muốn nghe để tìm hiểu.

Chỉ vì quá say mê quyền lực thống trị, danh vọng, giàu sang, dục vọng theo tinh thần thế tục nên ngay từ lần loan báo về cuộc thương khó thứ nhất, Phêrô đã đứng ra can ngăn quyết liệt. Lần thứ hai này cũng thế, khi nghe Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó và cái chết đau thương của Ngài trên thập giá thì tất cả các ông đều làm ngơ và không muốn nghe, nhưng vì e sợ các ông không dám hỏi lại Ngài. Trong khi đó, các ông quay sang bàn luận và tranh cải với nhau “xem ai là người lớn nhất”. Đến nỗi sau đó, Chúa Giêsu phải dùng đến cử chỉ ôm đứa bé vào lòng để thức tỉnh và dạy cho các ông nhận ra bài học về lẽ khôn ngoan của đường lối TC

Tham vọng, ước muốn để làm mục tiêu phấn đấu vươn lên không có gì là xấu, nhưng nguy hiểm là nó dễ cám dỗ chúng ta dùng mọi thủ đoạn xấu xa đê hèn để đạt cho bằng được nó và một khi đã đạt được rồi thì lại xử dụng nó nhằm phục vụ cho những tham vọng ít kỉ cho bản thân mình.

Với Chúa Giêsu thì làm lớn không phải là thống trị ăn trên ngồi chốc, mà là khiêm tốn hy sinh phục vụ. Làm lớn không phải để được người ta phục vụ, nhưng là phục vụ đến tận cùng với lòng khiêm tốn như người đầy tớ. Có được như vậy thì mới đi vào quỹ đạo của nước trời để tiến bước theo đúng con đường của Chúa đã đi. Nhờ đó ta mới trở nên những người khôn ngoan đích thực và xứng đáng được Chúa ban thưởng niềm vui nước trời.


Suy niệm 2:

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thức để trở nên người lớn đích thực theo tinh thần của Chúa. Đó là trở nên người rốt hết và hết lòng phục vụ mọi người.

Như vậy để trở nên người lớn lao trong Nước Trời, chúng ta cần phải biết hạ mình xuống, đặt nhu cầu ích lợi của người khác lên trên mình và hết lòng phục vụ mọi người, theo mẫu gương của Chúa Giêsu: “Đấng đã đến thế gian không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống mình”. Đây là một quan niệm hoàn toàn trái ngược khuynh hướng tự nhiên của thế gian về quyền lực và thành công. Cho nên để thực hiện theo lời dạy của Chúa Giêsu không dễ chút nào, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều, bằng cách:

- Can đảm thay đổi tư duy: Thay vì luôn tìm kiếm vị trí cao nhất, chúng ta hãy tập trung vào việc phục vụ những người xung quanh.

- Tập làm những công việc nhỏ cách âm thầm: Như ân cần giúp đỡ người già, chăm sóc người bệnh và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động bác ái thiện nguyện...

- Biết sống khiêm tốn: đừng bao giờ khoe khoang những việc tốt mình đã làm, mà hãy xem đó là một phần trách nhiệm của mình.

Xin cảm tạ Chúa vì đã chỉ cho chúng ta biết con đường dẫn đến sự lớn lao đích thực. Xin Chúa ban cho chúng ta có được một trái tim khiêm tốn, biết hạ mình phục vụ tha nhân mà không hề toan tính, nhưng chỉ với ước muốn phục vụ mọi người với lòng yêu mến. Amen.

  

Thứ hai: Lc 8,16-18

Nhớ Thánh Pi-ô Pi-ê-tren-chi-na, linh mục

Hãy nhớ: Thổi tắt nến của người khác không làm bạn sáng hơn

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc chúng ta về bản chất và sứ mạng đích thực của người Kitô hữu. Ta hãy lắng nghe Lời Chúa chỉ dạy để chấn chỉnh lại đời sống của mình cho phù hợp với bản chất và sứ vụ mà Chúa muốn.

- Nếu bản chất của chiếc đèn là để thắp sáng, thì đức tin chính là bản chất của người Kitô hữu. Vì chúng ta được gọi là "tín hữu".

- Còn nếu sứ mạng của chiếc đèn là chiếu giải ánh sáng cho mọi người nhìn thấy, thì sứ mạng của người kitô hữu là chiếu tỏa ánh sáng đức tin ấy cho mọi người nhìn thấy bằng những việc làm cụ thể. Vì "Đức tin không có việc làm là đức tin chết. " (Gc 2,17). Mà những việc làm cụ thể ấy chính là những việc lành, “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16).

Qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban cho ánh sáng Đức tin và kêu mời chúng ta chiếu tỏ ánh sáng đó cho trần gian. Nhờ ánh sáng của những việc làm vì đức tin ta mới có thể đẩy lui được những bóng tối của gian dối, ghen ghét, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, đau khổ và sự chết ta khỏi cuộc sống để nhường lại cho ánh sáng của yêu thương, tha thứ, bác ái, niềm vui và sự sống…

Nếu mỗi chúng ta tích cực thắp lên ánh sáng của đức tin thì bóng tối của sự dữ sẽ tan biến. Ngược lại nếu ta ích kỷ chỉ giữ lại ánh sáng cho riêng mình hay che đậy nó lại thỉ sẽ nguy hại cho ta và cho người nên Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta : “vì ai có, sẽ được cho thêm, và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất” (Mc 4, 25)

Xin Chúa củng cố Đức Tin nơi mỗi chúng ta và giúp chúng ta can đảm thắp lên ngọn lửa đức tin bằng những hành động bác ái cho tha nhân, nhờ đó mà danh thánh Chúa được mọi người biết đến và ngợi ca thánh danh Người. Amen.


Suy niệm 2:

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về việc làm chứng cho đức tin. Chúa Giêsu sánh ví đức tin như một ngọn đèn cháy sáng, và Ngài muốn chúng ta thắp sáng ngọn đèn đức tin ấy trong đời sống hàng ngày.

Có thể nói đức tin chính là món quà quý giá Chúa ban, nó soi sáng con đường chúng ta đi trong chân lý. Và mời gọi chúng ta phải tỏa sáng đức tin ấy bằng những hành động cụ thể như: yêu thương, phục vụ, kiến tạo tình hiệp nhất; sống tốt đời đẹp đạo, để trở thành tấm gương sáng soi dẫn cho những người xung quanh.

Nhưng làm thế nào để ngọn đèn đức tin của chúng ta luôn được cháy sáng? Thưa ta cần phải siêng năng cầu nguyện, tiếp xúc thân tình với Chúa, qua đó ta mới kín múc được dầu ân sủng và tình yêu Chúa ban, nhờ đó mà ngọn đèn đức tin của ta mới được tỏa sáng.

 

Thứ ba: Lc 8,19-21

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện cần thiết để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và tích cực thực hiện những điều kiện ấy để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình thiêng liêng của Chúa.

Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên được liên hệ bằng huyết thống, chúng ta còn có một gia đình thiêng liêng, nhờ được sinh ra trong đức tin.

Vì thế, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.

Nếu để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống, ta phải lắng nghe và thi hành điều mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy,  để trở thành con ngoan của Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin, ta cần phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa dưới sự hướng dẫn của GH.

Hơn ai hết, Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống đức tin cho chúng ta.

Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã chứng minh cho biết đó là loại máu B: Bái ái, bao dung và bình an.

Xin cho chúng ta mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung và bình an với mọi người, nhất là với những ai gặp đau khổ trong cuộc sống, qua việc chúng ta biết lắng nghe và thực thi lời dạy Chúa dạy. Nhờ đó ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa và là thành viên trong gia đình đức tin của GH.


Suy niệm 2:

“Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Với lời khẳng định này của Chúa Giêsu cho biết rằng: gia đình của Ngài không chỉ giới hạn trong quan hệ huyết thống mà trên hết là gia đình thiêng liêng. Những người thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa là “những ai lắng biết nghe và thực hành Lời Chúa”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và sống Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu.

Khi chúng ta thao thức lắng nghe và sống theo Lời Chúa dạy là dấu chỉ cho thấy tình yêu lớn lao ta dành Chúa trong các chọn lựa của đời sống chúng ta.
Vậy chúng ta hãy dành thời gian mỗi ngày để đọc và suy niệm Lời Chúa; tích cực tham gia vào các khóa học hỏi và chia sẻ lời Chúa. Nhất là cố gắng sống theo những gì Lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình.

Xin Chúa giúp ta luôn biết yêu thích lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành và nhiệt tình tham gia vào các khóa học hỏi, chia sẻ Lời Chúa nơi các Họ đạo, với mong muốn Lời Chúa thấm sâu hơn vào tâm trí chúng ta, trở nên động lực hướng dẫn toàn bộ mọi hoạt động trong đời sống của chúng ta. Được vậy, ta mới xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình thiêng liêng của Chúa.  Amen.

 

Thứ tư: Lc 9,1-6

Suy niệm 1:

Sứ mạng quan trọng nhất khi Chúa Giêsu đến trần gian này là loan báo Tin mừng, mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Sứ mạng ấy Chúa trao cho các tông đồ xưa và nay cho chúng ta. Xin cho chúng ta ý thức sứ mạng quan trọng ấy để nỗ lực thi hành cho thật tốt.

Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không dùng cách thế đó. Trái lại, Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.

Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ, ban quyền trừ quỷ và chữa bệnh cho các ông và sai các ông đi rao giảng Tin mừng.

Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin mừng..

Cánh đồng truyền giáo thật mênh mông bát ngát. Chúa đã nhìn thấy lúa vàng đã chín rộ, nhưng ma quỷ lại đang phá hoại bằng biết bao phương cách, từ bên trong (tham, sân, si), cũng như bên ngoài (những trò chơi đồi trụy, sách báo, phim ảnh xấu) đã len lỏi và thấm nhập cách tinh vi vào tâm hồn chúng ta những tư tưởng xấu xa, tội lỗi.

Xin cho chúng ta biết canh tân đời sống bản thân, làm lành mạnh hóa đời sống tâm hồn; đồng thời cũng biết canh tân đổi mới những người chung quanh. Cụ thể là những người sống gần gũi: trong gia đình, trong xóm làng và nơi họ đạo chúng ta.

Xin Chúa ban cho Giáo hội nhiều tông đồ nhiệt thành để đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng ta đang sống.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng phải ra đi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gủi chúng con. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy. Amen.


 Suy niệm 2:

Giống như các Tông đồ, mỗi người Kitô hữu đều được Chúa mời gọi làm chứng nhân và rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình.

Để sai các Tông đồ ra đi thi hành sứ mạng làm chứng và loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ban cho các ông sức mạnh và quyền phép để thực hiện sứ vụ. Chúng ta cũng vậy, qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, Chúa ban cho mỗi người chúng những ơn huệ cần thiết để sống đời Kitô hữu vả khả năng làm chứng cho Tin mừng của Chúa.

Khi thi hành sứ mạng, Chúa nhắc bảo các Tông đồ không được bám víu vào vật chất mưu cầu về tiền bạc nhưng phải biết tin tưởng, cậy dựa vào tình thương quan phòng của Chúa. Đó cũng là điều Chúa muốn nơi chúng ta những người môn đệ Chúa.

Tin mừng cho biết: các Tông đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành nhiều bệnh nhân. Điều này cho thấy rằng việc rao giảng Tin Mừng không chỉ là truyền đạt những giáo lý suông mà còn phải mang đến niềm tin, hy vọng và sự chữa lành tâm hồn thể xác cho những người đang gặp khó khăn.

Xin Chúa cho chúng ta lòng can đảm để ra đi thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Chúa cho mọi người, với lòng tin tưởng và phó thác vào bàn tay uy quyền của Chúa. Xin cho chúng ta thật sự trở thành chứng nhân trung thành và sống động cho tình yêu của Chúa. Amen.

 

Thứ năm: Lc 9,7-9

Thánh Cót-ma và Thánh Đa-mi-a-nô, tử đạo.

Suy niệm 1:

Theo khuynh hướng tự nhiên mỗi khi mong muốn gặp ai đó là vì nhớ thương, kính mến hoặc muốn học hỏi những điều tốt đẹp nơi người ấy. Nhưng khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu của vua Hêrôđê mà tin mừng hôm nay trình thuật không phải thế mà chỉ là vì hiếu kỳ. Do đó ước muốn của ông bất thành. Đó cũng chính là điều mà Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta hôm nay. 

Tin mừng hôm nay cho biết danh tiếng Chúa Giêsu được nhiều người biết đến, bởi những lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ lớn lao Người đã thực hiện. Do đó dân chúng rất ngưỡng mộ và kính trọng Người. Biết những điều đó nên vua Hêrôđê cũng mong muốn một lần diện kiến Chúa để xác định xem Đức Giêsu là Người thế nào mà được dân chúng đồn thổi và ngưỡng mộ đến thế! Do bởi ước muốn gặp gỡ của Vua Hêrôđê không phải là vì thiện chí để lắng nghe và tìm hiểu chân thành mà chỉ để thỏa mãn tham vọng bất chính như:

- Vì lo sợ, ông muốn xác định xem Đức Giêsu có phải là Gioan Tẩy Giả mà ông đã nhẫn tâm giết chết không?

- Vì hiếu kỳ, ông muốn xem Đức Giêsu có thực sự tài năng xuất chúng như dân chúng đồn đoán không?

- Vì muốn chấn an lương tâm bất ổn bởi ông đã phạm quá nhiều tội ác như: 

. Giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận, khi Chúa Giêsu giáng sinh. Biến cố ấy đã gây chấn động đất nước và đã khiến cho biết bao nước mắt của các bà mẹ phải tuôn chảy vì khóc thương cho con mình. Tiếng thét ai oán của bà Rakhen không ngưng nghỉ vì con bà đã bị giết chết, đến nỗi không ai có thể khuyên can được bà. 

. Cướp lấy người vợ của anh mình là bà Hêrôđia. 

. Nhẫn tâm ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả chỉ vì lời hứa lúc cao hứng trong men say, nhân ngày sinh nhật của ông.

. Xem thường và lên án tử cách vô tội cho Chúa Giêsu sau này.

Chính do ý muốn gặp gỡ của ông phát xuất từ tâm địa bất chính nên mãi sau này khi Chúa Giêsu bị bắt bởi những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo, rồi đem đến trình diện để ông xử án, khi đó ông mới gặp gỡ được Chúa. Nhưng trong cuộc gặp gỡ ấy, ông cũng không đón nhận được bất cứ điều gì thiện hảo từ nơi Chúa Giêsu. Bởi lẽ ngay từ đầu cuộc gặp gỡ này đã không vì chủ đích tốt lành. 

Cuộc đời của vua Hêrôđê đã gây ra quá nhiều tội ác đã làm cho tâm hồn của ông trở nên chai đá, không còn khả năng để sám hối và thay đổi đời sống nữa. Cho nên dù ông có gặp gỡ Chúa Giêsu đi chăng nữa thì ông cũng không thể đón nhận được bất kỳ ân phúc từ nơi Chúa ban.  

Xin cho chúng ta luôn biết tìm đến Chúa bằng một tấm lòng chân thành khiêm tốn với ước muốn được đón nhận ơn tha thứ và lời chỉ dạy khôn ngoan của Người. Nhờ đó ta mới có thể đón nhận được những ơn lành cần thiết Chúa ban mà biến đổi đời sống nên tốt đẹp hơn.


Suy niệm 2:

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể về sự tò mò của vua Hêrôđê khi nghe tin về những phép lạ của Chúa Giêsu đã làm. Ông phân vân không biết Đức Giêsu là ai, bởi có nhiều nguồn tin nhận định về Đức Giêsu. Có người nói Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại, có người cho rằng Ngài là Êlia hoặc một vị ngôn sứ thời xưa.

Thực tế cho thấy tò mò là một phần của bản tính con người. Chúng ta thường muốn tìm hiểu về những điều mới lạ, những sự kiện bí ẩn. Tuy nhiên, sự tò mò của Hêrôđê mang một sắc thái khác. Đó là sự tò mò pha lẫn sợ hãi và hoang mang vì ông đã từng giết hại Gioan Tẩy Giả.

Sự tò mò của Hêrôđê đã buộc ông phải đối diện với chính mình và những hành động sai trái trong quá khứ. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc đối diện với lương tâm và sửa đổi những lỗi lầm.

Xin Chúa cho chúng ta biết tò mò tìm kiếm chân lý, sự thật nhưng không vì sợ hãi nhưng để hiểu rõ và tin nhận. Nhất là cho chúng ta có lòng can đảm dám đối diện với những sai lầm của mình mà hoán cải đời sống. Amen.


Ngày 26/09: THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ

Người ta thường ví vườn hoa không có hoa nở, không phải là vườn hoa. Trong nhà, không có tiếng khóc của trẻ con, nhà đó không vui nhộn. Lồng chim, không có chim là lồng chim chết. Giáo Hội được kết tinh, nở rộ bằng nhiều thành phần dân Chúa. Hội Thánh vì là thánh nên mọi người đều được mời gọi nên thánh. Bầu trời Giáo Hội xinh đẹp, lộng lẫy là do có nhiều vị thánh tô điểm, bồi đắp nên Thánh....đã góp phần tô điểm cho vườn hoa Giáo hội thêm mầu, thêm sắc và thêm hương cho vườn hoa GH.

Theo truyền thuyết thánh Cos-ma và Đa-mi-a-nô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập. Các ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì để giáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Sy-ri-a. Tại đây Cos-ma và Đa-mi-a-nô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt thành với đức tin, các ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi rẻ. Nhưng các ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các ngài có thể góp phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.

Thiên Chúa đã chúc lành cho dự tính của các ngài và ban cho các ngài được thông thạo về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các ngài càng ngày càng trở nên danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạ lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các ngài. Tuy nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các ngài.

Các hoàng đế Đi-ôc-lê-ti-a-nô và Ma-xi-mi-a-nô quyết tận diệt Kitô giáo, đã sai tổng trấn Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh sẽ bị sát hại. 

Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này quan tổng trấn truyền bắt giam hai ngài. Sau khi bắt các ngài phải dâng hương tế thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cos-ma và Đa-mi-a-nô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói các ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và cứu các ngài bình an vô sự. 

Nghe tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng, hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm. Hai thánh Cos-ma và Đa-mi-a-nô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các ngài. Lần này các ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các ngài lìa xác và nhận phúc tử đạo.

Danh tiếng của hai thánh Cos-ma và Đa-mi-a-nô lan tràn khắp Giáo hội vì những cuộc chữa lành bệnh tật do các ngài thực hiện. Hoàng đế Jus-ti-nô I khuyến khích lòng sùng kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi nhớ nơi các ngài chịu chết vì đạo. Tại Rôma, Đức Sym-ma-chô (498 - 514) xây nguyện đường. Đức Felix IV (526 - 530) xây một đại giáo đường kính các ngài. Cùng với thánh Luca, hai thánh Cos-ma và Đa-mi-a-nô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ và các nhà giải phẫu. 

(Trích: Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy)

 

Thứ sáu: Lc 9,18-22

Suy niệm 1:

Hôm nay thứ sáu, GH có thói quen tưởng nhớ mầu nhiệm tình yêu thập giá. Nơi thập giá ấy thánh tâm CG bị đâm thâu, máu và nước tuôn chảy đến giọt cuối cùng vì yêu nhân loại chúng ta. Máu và nước thánh của Chúa trào tuôn để tẩy gột tội lỗi chúng ta và trào tràn ân sủng qua các bí tích cứu độ chúng ta.

Xin cho chúng ta biết đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Chúa của tình yêu và sẵn sàng bước theo Ngài trên con đường tự hiến trong yêu thương và phục vụ nhằm thánh hóa bản thân và đem lại ích lợi cho tha nhân.

Đức Giêsu là ai? và con đường thực thi sứ mạng của Ngài là gì? Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ và với chúng ta qua đoạn Tin mừng hôm nay.

Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò có tính cách xã hội học. Nên Ngài phỏng vấn các môn đệ xem dư luận người ta bảo Thầy là ai?

Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ thấy có 3 luồng đánh giá về Thầy Giêsu.

Số người thì cho là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối sống giả hình của người Pharisêu cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa. Một số người khác thì cho rằng là Êlia, bởi Chúa Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia. Cũng có một số người xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri vì cách chung họ cũng thấy Chúa cũng nói lời Chúa và tiên báo về những vấn đề tương lai như các tiên tri.

Nhưng có lẽ điều quan tâm nhất đối với Chúa Giêsu là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? May mắn thay, Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng đúng như Ngài là: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại ngăn cấm các ông không được nói điều ấy với bất cứ ai cả và rồi Người mạc khải về con đường thương khó mà Người phải đi, để hoàn thành sứ mạng cứu độ theo thánh ý Chúa Cha. Qua lời loan báo này, Chúa Giêsu rất muốn các môn đệ và dân chúng phải hiểu đúng về vai trò đích thực “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó là một Đấng Kitô cứu độ con người bằng con đường yêu thương:

- Chính vì yêu thương thế gian nên Chúa Giêsu đã chấp nhận từ bỏ vinh quang và quyền thế của một vị Thiên Chúa tối cao để nhập thể làm người, ngoại trừ tội lỗi; đến nỗi những người Do Thái sống cùng thời với Người không nhận ra Thiên Tính đích thực của Người.

- Cũng vì quá yêu con người tội lỗi chúng ta, Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào con đường khổ nạn, đón nhận cái chết đau thương trên thập giá để cứu độ chúng ta theo thánh ý của Chúa Cha.

Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương lớn lao của Chúa, để ta biết nỗ lực sống xứng đáng với tình yêu ấy, cho dẫu phải đối mặt với bao gian nan thử thách trong cuộc sống hàng ngày.


Suy niệm 2:

Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra một câu hỏi sâu sắc cho mỗi người chúng ta: "Người ta bảo Thầy là ai? Còn các con bảo Thầy là ai?". Câu hỏi này không chỉ đơn thuần là một câu hỏi về kiến thức, mà còn là một lời mời gọi chúng ta suy tư sâu sắc về đức tin của mình.

Đối với dân chúng có nhiều quan niệm khác nhau về Chúa Giêsu. Họ cho rằng Người là Gioan Tẩy giả sống lại, là Êlia hoặc một tiên tri nào đó. Những quan niệm này phần nào phản ánh những mong đợi và hy vọng của họ về một vị cứu tinh.

Đối với các môn đệ, cụ thể là với tông đồ Phêrô: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Lời tuyên xưng này không chỉ dựa trên những suy luận lý trí, mà còn là kết quả của một trải nghiệm sâu sắc về tình yêu và ơn sủng của Chúa.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Chúa Giêsu lại loan báo cho các môn đệ biết về con đường thập giá mà Người sắp phải đi qua. Điều này cho thấy rằng đức tin đích thực không phải là một lý thuyết trừu tượng, mà là một cuộc sống gắn liền với đau khổ và hy sinh.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

- Phải thường xuyên đối chiếu đức tin của mình: Chúng ta có thực sự hiểu rõ về Chúa Giêsu hay không? Đức tin của chúng ta có dựa trên những kinh nghiệm cá nhân và sự hướng dẫn của Giáo Hội hay không?

- Phải sẵn sàng đối diện với thử thách: Đức tin sẽ được thử thách trong những lúc khó khăn. Chúng ta có đủ mạnh mẽ để giữ vững đức tin của mình trước những áp lực từ xã hội hay những cám dỗ của thế gian không?

- Phải trở nên chứng nhân của Chúa Kitô: Chúng ta được mời gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô bằng lời nói và việc làm. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sống một cuộc đời khiêm tốn, phục vụ và yêu thương tha nhân.

“Còn các con bảo Thầy là ai?" vẫn luôn là một câu hỏi cấp bách đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải không ngừng tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện, trong Lời Chúa và trong các bí tích. Chúng ta cũng cần phải sống một cuộc đời chứng tá, để cho những người xung quanh thấy được tình yêu của Chúa Kitô.

 

* Ngày 27 tháng 9: THÁNH VINH SƠN ĐỆ PHAOLÔ

Thánh Au-gus-ti-no từng nói: "Tình yêu có đôi chân đi đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân". Điều này đã được thánh Vinh Sơn Phao-lô minh chứng rõ nét qua những việc làm bác ái cụ thể trong đời sống của ngài.

1. Đôi dòng tiểu sử

Vinh Sơn đệ Phao-lô sinh ngày 24 tháng 4 năm 1580, là một vị thánh của Giáo Hội Công Giáo Rô-ma. Ngài sinh tại Pouy, Landess, Gascony, nước Pháp trong một gia đình nông dân nghèo khó. Lễ kính ngài trước đây là ngày 19 tháng 07 nhưng hiện nay được cử hành vào ngày giỗ của ngài 27 tháng 9 hàng năm.

Vinh Sơn thụ phong linh mục năm 1600 và lưu trú tại Toulouse cho đến khi đi Marseille để nhận thừa kế. Trên đường về từ Marseille, ngài bị người Turk cướp và bắt cóc đưa đi Tunis và bị bán làm nô lệ. Sau khi cảm hoá người chủ để trở thành một Kitô hữu, linh mục Vinh Sơn được trả tự do vào năm 1607.

Sau đó, ngài quay trở lại Pháp và nhận nhiệm sở tại một giáo xứ gần Pa-ris. Ngài đã thành lập các dòng từ thiện như Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, với sự cộng tác của bà Louise de Marillac, và Tu hội Truyền giáo hay còn được gọi là La-za-rist.

Khi được vua Louis XIII bổ nhiệm làm Tổng Tuyên úy của những tù nhân khổ sai chèo thuyền chiến, ngài có cơ hội để cải thiện đời sống những tù nhân ở Pháp.

Thánh Vinh Sơn Phaolô qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Pa-ris thọ 80 tuổi.

Vào năm 1705 tu viện trưởng Tu hội Truyền giáo La-za-rists đề nghị tiến hành hồ sơ phong thánh cho đấng sáng lập. Vào ngày 13 thánh 8 năm 1739, Vinh Sơn Phao-lô đã được Đức Giáo Bê-nê-đic-tô XIII phong chân phước, và ngày 16 tháng 6 năm 1737 ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong ngài lên hàng hiển thánh. Năm 1885 Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đặt ngài làm bổn mạng hội Nữ tu sĩ Bác ái. Đồng thời ngài cũng trở thành thánh bổn mạng của hội Nam tu sĩ Bác ái.

2. Những nét nổi bật trong đời sống

Đầu tiên là việc phục vụ cho những người nghèo khó: Cuộc đời của Ngài, ngay từ hồi còn thơ ấu đã nổi rõ nét là một con người đầy vị tha, bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo khó. Chính vì thế, Thánh Vinh Sơn Phao-lô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. 

Dù với bất cứ chức vụ nào: Bề trên Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan. Ngài yêu thương các người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ. Lời Chúa trong bài giảng tám mối phúc thật (x. Mt chương 5), đã được Ngài thực hiện cách tận căn: đi và dậy người ta bước đi trên con đường hiến chương nước trời. Ngài đã sống tận cùng lời Chúa: "cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ bị tù đầy v.v..." (x. Mt chương 25).

Chúa đã dậy mọi người bài học yêu thương. Yêu thương tận cùng và yêu thương không ngừng. Chính Chúa đã sống tận cùng sự yêu thương bằng cái chết trên thập hình. Chết mới nói lên lời. Trên thập giá, Chúa đã nói lên tất cả: yêu thương và tha thứ. Chúa đã trở nên nghèo, để sống với người nghèo. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã yêu thương người nghèo, những kẻ bơ vơ vất vưởng, đầu đường xó chợ, không nhà không cửa. Theo gương Chúa, Thánh Vinh Sơn Phao-lô đã luôn cứu giúp người nghèo, sống như người nghèo trong việc phục vụ, lao động để gần gũi với Chúa. Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa. Sống như người nghèo là sống như Chúa. Gặp gỡ người nghèo là gặp gỡ Chúa.

Thứ đến là lo cho những người nghèo khó có các mục tử coi sóc: Năm 1625, ngài đã sáng lập Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của thánh nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng hành với người nghèo của ngài. Việc phục vụ những người nghèo khó theo tinh thần Tin Mừng đã trở thành một linh đạo sống cho những ai muốn hiến thân phục vụ người nghèo trong Chúa Kitô.

Theo Ngài, con đường nên thánh phải được khởi đi từ việc nhận ra hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo: “… Chính chúng ta phải cảm nghiệm được điều đó, cũng như phải xử sự như Đức Kitô là quan tâm đến những người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của họ…”

Việc phục vụ người nghèo đối với Thánh nhân, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà phải được xuất phát từ chính con tim biết hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phao-lô tông đồ, khi Người nói: "Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”

Đức ái với những người nghèo trong linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô còn hệ tại ở việc hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi những người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).

Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta một tấm gương sáng trong việc phục vụ những người nghèo khó mà Chúa luôn yêu thương họ.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

*  Tóm tắt cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô, Linh mục:

- Sinh tại: nước Pháp năm 1581

- Năm 19 tuổi: chịu chức Linh mục

- Khoảng năm 40 tuổi: làm bề trên dòng Thăm Viếng.

- Năm 44 tuổi, ngài đã sáng lập Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê.

- Năm 52 tuổi lập tu hội Truyền Giáo và Tu hội Nữ Tử Bác Ái.

- Ngày 27 tháng 9 năm 1660 ngài qua đời tại Pa-ris thọ 80 tuổi.

- Ngày 16 tháng 6 năm 1737 ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong ngài lên hàng hiển thánh.

- Năm 1885 Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đặt ngài làm bổn mạng hội Nữ tu sĩ Bác ái. Đồng thời ngài cũng trở thành thánh bổn mạng của hội Nam tu sĩ Bác ái.


Thứ bảy: Lc 9,43b-45

Thánh Ven-xét-lao, tử đạo.

Suy niệm 1:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu loan báo lần thứ 2 về cuộc khổ nạn của Người. Nhưng các tông đồ không hiểu hay không muốn hiểu vì những lời loan báo của Chúa Giêsu đi ngược lại với những gì các ông mong ước. Xin cho chúng ta hiểu rằng muốn đạt đến vinh quang phải trải qua con đường thập giá.

Kinh nghiệm cho thấy, mỗi người có những sở thích hay “gu” khác nhau về: ăn mặc, giải trí, nghề nghiệp, bạn bè và lý tưởng…

Có thể nói “gu” của các tông đồ là được sung sướng, được ca tụng, được vinh dự… Do đó không lạ gì khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời...”, các tông đồ đều không thích nên không hiểu hay không muốn hiểu vì không phải là “gu” mà các ông mong muốn.

“Gu” các tông đồ muốn là được làm lớn, lãnh đạo và đứng đầu nên có lần các ông đã tranh cải với nhau xem ai là người lớn nhất. “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18,1).

“Gu” mà các tông đồ là mong muốn tận hưởng được một cuộc sống giàu sang, sung sướng, quyền thế nên sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất, tông đồ Phêrô can ngăn và đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời"Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người." (Mt 16,22).

“Gu các tông đồ là muốn thống trị và buộc mọi người phải tùng phục mình, nên có lần ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu sai lửa trời xuống để thiêu hủy làng Samaria vì không đón tiếp thầy trò các ông.“Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?”. (Lc 9,54). 

“Gu” các tông đồ là muốn chiếm hữu độc quyền về đặc sủng của Chúa nên không muốn cho bất cứ ai được làm phép lạ như Thầy mình. Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." (Mc 9, 38).

Tóm lại “gu” của các tông đồ khi theo Chúa Giêsu là vì quyền lực, thống trị và tận hưởng vinh quang phú quý. Vì thế những gì đi ngược lại “gu” ấy đều nằm ngoài tai của các ông.

Rất có thể “Gu” của các tông đồ cũng là  “gu” của chúng ta. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: Nước mắt và nụ cười, đau khổ và hạnh phúc luôn đan xen vào nhau, dệt nên tấm thảm cuộc đời. Chính Chúa Giêsu đã chấp nhận đi vào trần gian và sống kiếp người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa Cha để bước đi trên con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Nên những ai muốn đạt đến đỉnh vinh quang và hạnh phúc đích thực thì không thể đi con đường nào khác ngoài con đường mang tên Giêsu theo như lời mời gọi của Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24).  

Xin cho chúng ta biết từ bỏ “gu” của ta để đón nhận theo “gu” Chúa bằng cách  yêu mến  đón nhận vác thập giá mình đi theo Chúa, nhờ đó mới xứng đáng trở thành môn đệ của Người. Đức Maria đã chấp nhận đi vào con đường “xin vâng”, sẵn sàng đón nhận thập giá cùng với con mình là Đức Giêsu. Nhờ đó mẹ đã được Chúa ân thưởng vinh quang rực rở trên trời và được người thế chúc tụng tôn vinh muôn thế hệ.


Suy niệm 2:

1. Đoạn Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự tương phản:

- Giữa niềm vui và nỗi đau: Trong khi mọi người xung quanh đang kinh ngạc trước những phép lạ của Chúa đã làm, thì lúc ấy Chúa Giêsu lại loan báo về cuộc khổ nạn sắp xảy đến với Ngài. Sự tương phản này cho thấy cuộc sống đức tin không chỉ là những niềm vui, mà còn có những đau khổ và mất mát, đòi hỏi chúng ta phải đối diện trong cuộc sống hàng ngày.

- Giữa hiểu biết và mù quáng: Các môn đệ là những người thân cận với Chúa Giêsu nhất, nhưng các ông lại không hiểu được ý nghĩa của những lời của Thầy mình tiên báo. Điều này cho thấy, đôi khi, chúng ta có thể ở rất gần Chúa, nhưng lại không thực sự hiểu được ý định của Ngài.

2. Lời mời gọi của Chúa:

- Khi đối diện với khó khăn: Chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa Giêsu và tìm đến Ngài để được an ủi và nâng đỡ.

- Khi cảm thấy mù quáng: Hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt đức tin để nhìn thấy những điều mà mắt thường không thể nhìn thấy.

- Khi chia sẻ Tin Mừng: Chúng ta hãy luôn nhớ rằng, con đường đi theo Chúa không chỉ là con đường của niềm vui, mà còn là con đường của thập giá.

3. Cầu nguyện:

Xin giúp chúng ta  luôn nhớ đến những lời dạy của Chúa. Đặc biệt là khi chúng ta phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, xin cho chúng ta có đủ đức tin để tin tưởng vào tình yêu của Chúa mà sẵn sàng vác thập giá bước theo Chúa đến cùng. Amen.

 

SUY NIỆM TRONG TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THỨ HAI: AI CÓ SẼ CHO THÊM

Lời Chúa là ngọn đèn. Đèn phải đặt trên cao để soi tỏ bước đi. Giống như ngọn hải đăng soi đường cho tầu bè đi trong đêm tối. Cũng vậy Lời Chúa phải hướng dẫn đời sống ta từ suy tưởng đến lời nói và đặc biệt trong việc làm. Lời Chúa phải trở thành châm ngôn, thành nguyên tắc, thành chỉ nam cho đời sống. Đời sống vốn tràn đầy bóng tối của ma quỉ, xác thịt, thế gian. Chỉ có Lời Chúa mới phá tan bóng tối, chỉ cho ta biết đi trên đường ngay thẳng.

Người sống và làm theo Lời Chúa dạy, dù có âm thầm thì rồi cũng sáng tỏ. Hữu xạ tự nhiên hương. Hương thơm nhân đức sẽ lan tỏa tới mọi người, sẽ ướp thơm xã hội, sẽ biến đổi môi trường sống. Và Lời Chúa sẽ được tôn vinh.

Người nghe và thực hành Lời Chúa giống như hạt giống gieo vào đất tốt. Sẽ sinh bông hạt trăm nghìn. Càng thực hành Lời Chúa cuộc sống càng phong phú. Càng lắng nghe Lời Chúa tâm hồn càng bén nhậy và càng được Chúa mặc khải những chân lý cao sâu. Càng đi vào mầu nhiệm Nước Trời, tâm hồn càng nếm cảm sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Cứ thế mùa gặt càng thêm phong phú.

Vua Ky-rô là mẫu gương của người nghe và thực hành Lời Chúa. Được Lời Chúa phán bảo, nhà vua tức khắc ra chỉ thị tái thiết Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Kêu gọi người Ít-ra-en trở về xây dựng đền thờ. Chỉ thị cho mọi người trong đế quốc rộng rãi đóng góp vàng bạc, đồ vật quí giá và cả thực phẩm. Chỉ thị đó đem lại ánh sáng cho bao tâm hồn, từ người Do thái đến người dân ngoại, từ người ở Pa-lét-tin đến người đang lưu đầy xa xứ, từ bậc trưởng thượng đến hàng lê thứ. “Những người đứng đầu các gia tộc của Giu-đa và Ben-gia-min, các tư tế và các thầy Lê-vi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện” (năm lẻ).

Trong đường hướng đó, sách Châm ngôn khuyên dậy ta hãy thực hành Lời Chúa, đặc biệt hãy làm điều lành cho tha nhân. Người thực hành Lời Chúa sẽ đi trên đường ngay thẳng, hành động chính trực công minh và được Chúa ban ngàn muôn phúc lành. Đặc biệt “những ai chính trực Người nhận làm bạn tâm giao…Đức Chúa tuổn đổ phúc lành trên nơi ở của những người chính trực công minh”. Được Chúa là được tất cả. Người được Chúa sẽ được hạnh phúc. Càng yêu mến và càng muốn nghe và thực hành Lời Chúa hơn. Đó là có lại cho thêm (năm chẵn).

 

THỨ BA: SÂU HƠN, CAO HƠN, RỘNG HƠN

Khi trả lời “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”, Chúa Giê-su không có ý chối từ Đức Mẹ. Trái lại còn ngợi khen Đức Mẹ. Và nhân đó nói lên mối liên hệ gia đình cần phải sâu hơn, cao hơn và rộng hơn mối liên hệ huyết thống.

Liên hệ huyết thống tuy sâu xa, nhưng những ai nghe và giữ Lời Chúa thì kết hợp sâu xa hơn nhiều. Liên hệ gia đình thiêng liêng mới bền vững mãi mãi, vì có Lời Chúa làm nền tảng.

Liên hệ huyết thống tuy cao quí, nhưng chỉ dừng lại ở giới hạn phàm trần. Những ai nghe và giữ Lời Chúa tạo thành một gia đình cao hơn, bởi vươn lên tới Thiên Chúa và trở thành gia đình của Thiên Chúa.

Liên hệ huyết thống trần gian luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nhưng gia đình Thiên Chúa thì rộng lớn bao la vượt qua không gian và thời gian. Bất cứ nơi đâu có người nghe và giữ Lời Chúa thì thuộc gia đình của Chúa .

Đức Mẹ đã nghe và giữ Lời Chúa. Suốt đời kết hợp với Chúa Giê-su. Luôn thực hành thánh ý Chúa Cha. Nên mối liên hệ huyết thống với Chúa Giê-su đã vượt lên. Trở thành cao hơn, sâu hơn và rộng hơn.

Vua Đa-ri-ô khi nghe và thực hành Lời Chúa, đã biến cả vương quốc của vua thành một gia đình. Mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đều góp phần vào việc tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem. “Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do-thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa: phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó”. Đó là một gia đình rộng lớn khắp đế quốc Ba-Tư. Một gia đình nghe và thực hành Lời Chúa. Một gia đình của Thiên Chúa (năm lẻ).

Đó chính là thực hành lời sách Châm ngôn: “Trong tay Đức Chúa, lòng vua tựa dòng nước chảy, Người lèo lái đi đâu tuỳ ý Người”. Không theo ý Chúa thì mọi việc rơi vào thất bại tàn lụi. Làm theo ý Chúa thì kết quả bền vững tốt đẹp: “Các người cho lối sống của mình là ngay thẳng, nhưng Đức Chúa thấu suốt mọi tâm can. Thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ” (năm chẵn).

Nghe và thực hành Lời Chúa. Ta trở thành gia đình của Chúa. Thật vinh dự cao quí biết bao!

 

THỨ TƯ: CHÚA LÀ TẤT CẢ

Anh em đừng mang gì đi đường”. Nước Thiên Chúa không phải là nước trần gian. Nước trần gian cần nhiều phương tiện như lãnh thổ, tài nguyên, quân đội. Nước Thiên Chúa chỉ cần có Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả.

Sống đơn sơ khó nghèo, người môn đệ làm sáng lên sự hiện diện của Thiên Chúa cao cả. Không bám víu vào phương tiện trần gian, người môn đệ làm sáng lên sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng. Hai bàn tay trắng người môn đệ làm chứng về niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và phó thác vận mệnh trong tay Người. Hành trang người môn đệ đơn sơ chỉ cần mang Thiên Chúa trong mình, đó là có tất cả.

Người môn đệ cậy dựa vào các phương tiện trần gian sẽ thất bại. Chỉ khi có Chúa việc tông đồ mới thành công. Ta hãy so sánh thời đại chúng ta với thời các tông đồ. Thời đó các ngài không có gì hết. Không cơ sở. Không nhân sự. Không tiền của. Bị bắt bớ. Thế mà việc truyền giáo phát triển với tốc độ vũ bão. Còn ngày nay ta có nhiều cơ sở hơn. Nhiều nhân sự hơn. Nhiều tiền của hơn. Ít bị bắt bớ hơn. Nhưng việc truyền giáo ì ạch. Lại còn có nhiều người bỏ đạo nữa.

Ta thất bại vì không có Chúa. Không có Chúa vì ta phạm tội. Ét-ra đau đớn nhận biết tội lỗi của cha ông đã quên Thiên Chúa, chỉ trông cậy vào thế lực trần gian nên đã bị trừng phạt nặng nề, bị lưu đày, bị làm nô lệ, bị tan nát, xấu hổ. “Từ thời tổ tiên chúng con cho đến ngày nay, vì chúng con đã mắc lỗi nặng và phạm tội, nên các vua và các tư tế của chúng con đã bị nộp vào tay vua chúa các nước ngoại bang”. Nay được Thiên Chúa thương đưa về quê nhà, ông xin nhất tâm xây dựng Đền Thờ để khuyến khích toàn dân thờ phượng Thiên Chúa là nguồn mạch sức mạnh, bình an và thịnh vượng. Tái thiết đền thờ chính là tái thiết con người. Ăn năn sám hối. Sống thánh thiện. Có Chúa ở cùng, sẽ có tất cả (năm lẻ).

Tác giả sách Châm ngôn cũng giúp ta ý thức điều này. Ông chỉ tha thiết được có Chúa. Vì Chúa là tất cả: “Mọi lời Thiên Chúa phán đều được chứng nghiệm, Người là khiên thuẫn cho ai tìm ẩn náu nơi Người”. Vì thế ông không dám xin Chúa sự gì nơi trần gian. Chỉ xin Chúa ban cho sống một đời sống đừng xa lìa Chúa, đừng lỗi phạm đến Chúa. Vì thế ông không xin sang giầu vì sợ sang giầu làm cho tâm hồn xa Chúa. Ông cũng xin Chúa đừng để ông nghèo đói vì sợ đói ăn vụng túng làm liều sẽ làm ô danh Chúa. Đây là một thái độ khôn ngoan chúng ta phải học hỏi và thực hành trong đời sống. Chỉ cần có Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Tránh xa những gì ngăn cách ta với Chúa. Có Chúa ở cùng ta sẽ có tất cả (năm chẵn).

 

THỨ NĂM: PHÙ VÂN CHỈ LÀ PHÙ VÂN

Nghe những lời đồn thổi về Chúa Giê-su, Hê-rô-đê lo sợ. Vì người ta cho rằng Gio-an Tẩy giả sống lại. Mà ông đã giết chết thánh Gio-an. Có quyền sinh sát. Nhưng ông không có quyền trên lương tâm. Tuy chẳng ai dám phản đối, nhưng lương tâm kêu trách ông. Ông là vua. Nhưng có Đấng cao cả hơn ông. Có quyền phán xét ông. Thưởng phạt ông. Nên ông phải phân vân về việc làm của mình. Ông giết thánh Gio-an Tẩy giả. Giờ đây tiếng máu vô tội giầy vò ông, chất vấn ông. Mọi biến cố đều qua đi. Nhưng cách ta ứng xử với mỗi biến cố lại tồn tại. Và trở thành lời phán xét ta. Vì trên quyền thế trần gian, vẫn còn có Chúa Tể Càn Khôn cầm cân nảy mực. “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Đầu chém rồi nhưng trách nhiệm chưa hết đâu!

Có những điều mau qua. Nhưng vẫn còn đó những giá trị vĩnh cửu. Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn”. Ông khám phá ra chân lý. Mọi sự đều hư ảo. Nhưng vẫn có thứ trường tồn. Đừng dại dột vất vả thu tích những gì hư ảo chóng qua như phù vân. Hẫy làm việc mà tìm kiếm điều vĩnh cửu (năm chẵn).

Ét-ra cho biết những gì ngoài Thiên Chúa đều vô ích vì mau qua và không kết quả. Chỉ khi nào ta tôn thờ Thiên Chúa làm mọi việc trong Thiên Chúa bấy giờ mọi thứ mới vững bền. Vì thế phải làm việc cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Nếu chỉ làm cho bản thân mọi sự sẽ suy tàn: “Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ lấy làm vui và tỏ vinh quang Ta ở đó” (năm lẻ).

Khi có Chúa ở cùng mọi việc sẽ tốt đẹp. Đất sẽ trổ sinh hoa trái. Hãy ở trong Chúa. Hãy làm việc trong Chúa. Kết quả sẽ vững bền. Ngoài Chúa tất cả là hư vô. Là phù vân trên mọi phù vân.

 

THỨ SÁU: ĐẾN THỜI ĐẾN BUỔI

Sau thời gian lưu đầy, dân Ít-ra-en chán nản. Vì Đền Thờ xưa kia lộng lẫy nguy nga. Nhưng nay đã điêu tàn xiêu vẹo. Chúa khích lệ họ: “Hỡi Dơ-rúp-ba-ven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giê-su-a, con ông Gio-hô-xa-đắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên!…Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi…Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang”. Quả thực Đền Thờ phải trải qua những thăng trầm. Lộng lẫy nguy nga. Điêu tàn xiêu vẹo. Rồi Chúa sẽ tái thiết cho Đền Thờ rực rỡ vinh quang hơn trước (năm lẻ).

Chúa hứa tái thiết Đền Thờ. Nhưng thực ra sau này Chúa Giê-su cho biết, chính Người là Đền Thờ. Đền thờ Chúa Giê-su cũng đã có thời nguy nga lộng lẫy. Đó là khi danh tiếng Người vang dội. Toàn dân ngưỡng mộ. Tuy nhiên đó là những cảm tính chưa đúng thực và chưa sâu xa. Họ cho rằng Chúa là một người nào khác: “Họ bảo Thầy là Gio-an Tẩy giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Chỉ có Phê-rô có nhận thức đúng: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên vẫn chưa đến thời đến buổi để tiết lộ. Vì dân còn mang nặng não trạng trần tục về một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt. Nếu sớm biết Chúa là Đấng Ki-tô, họ sẽ tôn Chúa lên làm vua. Sẽ chính trị hoá tôn giáo. Và cuộc chạm trán với người Rô-ma là không tránh khỏi. Chúa muốn họ hiểu cho đúng về Đấng Cứu Thế. Muốn họ đi vào tâm tình tôn giáo. Chính Người cần phải trải qua đau khổ, và cả chịu chết. Để mọi người không còn ảo tưởng về Đấng Cứu Thế chính trị. Chính vì thế trước toà Phi-la-tô, khi đã thân tàn ma dại, Người mới xưng mình là vua. Người phải nhụ nhã. Rồi sau đó mới được vinh quang. Đền Thờ phải phá đi rồi mới xây lại (Tin mừng).

Sách Giảng viên dạy ta biết “Thiên Chúa làm mọi sự hợp thời đúng lúc”. Đó là qui luật ở đời này: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế;…một thời để giết chết, một thời để chữa lành…”(năm chẵn).

Ta hãy noi theo gương Chúa Giê-su. Sống ở trần gian phải chấp nhận đau khổ thử thách. Nhưng đừng thất vọng. Vì rồi đến thời đến buổi Chúa sẽ ban ơn giải thoát ta. Phải trải qua thời sám hối ăn năn mới đến thời trong trắng an bình. Phải chịu phá đổ. Rồi mới xây dựng lại. Chấp nhận quên mình đi. Từ bỏ mình. Chết cho bản thân. Đến thời đến buổi ta sẽ tìm lại được chính mình. Sẽ được Chúa làm phần thưởng. Và sẽ được sống muôn đời.

 

THỨ BẢY: CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP VÀO TAY NGƯỜI ĐỜI

Chúa Giê-su đang làm những phép lạ lẫy lừng khiến mọi người thán phục. Đột nhiên Người nói dõng dạc với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” khiến các môn đệ sợ hãi. Thủ lãnh thế gian được quyền hoành hành ở thế gian trong một thời gian. Đó là thời kỳ thanh luyện. Chính Chúa, trong thân phận con người, cũng phải chịu một phép rửa thanh luyện. Đó là chịu đau khổ, chịu nhục nhã, chịu chết. Để thắng vượt mọi cám dỗ trần gian. Để siêu thoát mọi ràng buộc của xác thịt và thế gian. Để tự do đi vào Nước Trời. Để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỉ, xác thịt, thế gian. Để mở con đường thăng tiến cho nhân loại. Đó là con đường khó khăn và đau khổ. Đến nỗi các môn đệ sợ hãi không dám hỏi lại.

Nhưng đó là con đường đúng đắn và cần thiết. Vì những giá trị trần gian chỉ là phù vân. Như sách Giảng viên khuyên nhủ thanh niên. Ngay lúc tuổi thanh xuân tươi đẹp hãy biết chuẩn bị cho đời sau. Vì đời này là chóng qua. “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, …Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình…Phù vân chỉ là phù vân”. Hãy biết tích trữ kho tàng vĩnh cửu. Hãy biết sẽ bị Thiên Chúa xét xử để biết từ bỏ những cám dỗ vật chất trần gian. Mà chuẩn bị cho Nước Trời (năm chẵn).

Khi thế giới phù vân qua đi, một thế giới mới xuất hiện. Chúa lập nên thành Giê-ru-sa-lem mới. Vô cùng rộng lớn vì không còn biên giới. Vô cùng hạnh phúc vì được Chúa bảo vệ. Vô cùng lộng lẫy vì Chúa là vinh quang của thành. Đó là trời mới đất mới. Nơi chan hoà tiếng đàn ca. Nơi chan chứa tiếng vui cười. Nơi hạnh phúc vĩnh viễn. “Giê-ru-sa-lem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đên cư ngụ ở đó. Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó. Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (năm lẻ).

Chúa bị nộp vào tay người đời. Đó là tấm gương cho tôi biết sẵn sàng chịu thiệt thòi ở đời này. Từ bỏ những ràng buộc của danh vọng chức quyền đời này. Chắc chắn đó là một cuộc thanh luyện đớn đau. Nhưng khi sạch mọi vương vấn trần tục tôi mới có thể bước vào thành Giê-ru-sa-lem mới rạng ngời vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa xin cho con biết trao nộp vào tay người đời tất cả những gì của họ. Để con thuộc về Chúa. Thuộc về Nước Chúa.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN-B

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36

HƯƠNG THIÊN ĐÀNG

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người!”.

“Khát vọng của con người không quá mạnh, nhưng thật yếu. Là những sinh vật nửa vời, nó bị lừa bởi đồ uống, tình dục và tham vọng; đang khi niềm vui vô hạn được ban thì nó chối từ. Như một đứa trẻ ngu ngốc tiếp tục nướng những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột - nó quá dễ dàng hài lòng - bởi nó không thể tưởng tượng được ý nghĩa lời đề nghị của cha nó về một kỳ nghỉ ở biển!” - C. S. Lewis.

Kính thưa Anh Chị em,

Phải, nhiều lúc chúng ta quá dễ dàng hài lòng với những khát vọng nặng mùi của những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến một khát vọng đáng ao ước hoàn toàn khác, khát vọng ngát hương trời, ngát ‘hương thiên đàng’.

Tin Mừng viết, “Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” - đó là khát vọng bánh bùn nặng mùi đất; và đây là khát vọng ngát ‘hương thiên đàng’, “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết!”. Khát vọng là bản tính tự nhiên của con người và điều này chẳng có gì xấu; nhưng bên cạnh những khát vọng đúng đắn, luôn luôn có những khát vọng lệch lạc. Ngay sau khi Thầy Giêsu của họ nói đến đau khổ và cái chết của Ngài sắp xảy ra, họ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Thật xấu hổ! Đây là điều mà Giacôbê gọi là “Những khoái lạc đang gây chiến trong con người”; “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét mà chẳng được gì, nên anh em xung đột!” - bài đọc hai. Đó là những khát vọng nặng mùi đất - khát vọng bánh bùn!

Sau đó, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ một khát vọng mạnh mẽ, đúng đắn, mang tính cứu độ của “Người công chính”. Đó là sự “Khôn ngoan từ trời” - bài đọc một - mà Giacôbê cũng đã nói đến; đó là thao thức của “Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” của những ai được Thiên Chúa đỡ nâng, “Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ!” - Thánh Vịnh đáp ca. Như vậy, khát vọng Chúa Giêsu chỉ ra là khát vọng phục vụ, khát vọng cúi xuống, quên mình và tự huỷ. Đây quả là khát vọng ngát ‘hương thiên đàng!’.

Như tâm hồn thanh bạch của một em bé, khi tâm hồn chúng ta không tìm tư lợi, không còn ích kỷ với những kỳ vọng lệch lạc, Chúa Thánh Thần sẽ tràn ngập mọi ngóc ngách trong trái tim bạn và tôi. Ngược lại, nếu kiêu hãnh, tự phụ, tham vọng, chỉ muốn thống trị, thì chắc chắn, Chúa Thánh Thần sẽ không còn chỗ ở đó. Vậy hãy làm rỗng chính mình trước khi nó được lấp đầy! Lấp đầy thứ gì, tuỳ bạn!

Anh Chị em,

“Làm người rốt hết, và làm người phục vụ!”. Chúa Giêsu đã sống nghịch lý bí quyết “làm người đứng đầu” này, “Tôi đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ!”; đỉnh điểm phục vụ của Ngài là cái chết trên thập giá cho nhân loại được cứu độ. Là môn đệ Giêsu, chúng ta không đi con đường nào khác ngoài con đường Ngài đi, đường tự hạ, phục vụ. Trong mọi đấng bậc, noi gương Thầy Chí Thánh, chúng ta trở nên những con người phục vụ. Và như thế, chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ bớt nặng mùi đất nhưng vương ‘hương thiên đàng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con nhìn thấy sự vĩ đại của con khi cúi xuống phục vụ anh em; và như thế, đời con mãi ngát hương!”, Amen.

 

Thứ hai: Lc 8,16-18

Nhớ Thánh Pi-ô Pi-ê-tren-chi-na, linh mục

RẠNG RỠ

“Để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng!”.

Rufus Jones vừa kết thúc buổi thuyết trình với chủ đề “Hãy Rạng Rỡ!”, một phụ nữ có khuôn mặt ‘rủi ro’ đến khó tin đón ông và hỏi, “Ông sẽ làm gì nếu có một khuôn mặt như tôi?”. Jones nói, “Tôi cũng có những rắc rối tương tự về loại này, nhưng tôi khám phá ra rằng, nếu bạn rạng rỡ từ bên trong, bất kỳ khuôn mặt nào cũng sẽ ngời sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu bạn ‘rạng rỡ’ từ bên trong!”. Khám phá của Rufus Jones được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi Chúa Giêsu nói đến ánh lửa tâm hồn của các môn đệ Ngài vốn sẽ tự nhiên toả rạng ra bên ngoài.

Sách Châm Ngôn gọi ánh lửa ấy là những điều lành, “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành!”; “Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ‘Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh!’” - bài đọc một. Điều lành ‘rạng rỡ’ ở đây là yêu thương, cảm thông, chia sẻ; là cầu thay nguyện giúp, trăn trở, xót thương… đó cũng là những phẩm tính của những ai ở trên núi Chúa, “Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài?” - Thánh Vịnh đáp ca.

Chúa Giêsu gọi ánh lửa ấy là ánh sáng không thể che giấu mà mọi người cần “nhìn thấy!”. Điều này xảy ra khi những người khác nhận ra ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta. Nhen lên, thổi bùng lên ngọn lửa của Ngài trong lòng mình, chúng ta biết chắc một điều là ánh sáng đó sẽ toả rạng và những người khác được hưởng nhờ. Như vậy, không toả sáng Chúa Kitô, thì không phải vì bạn và tôi che giấu Ngài, mà là vì Ngài đã không thể thắp lên từ bên trong mỗi người ánh lửa của Ngài. Một khi Ngài thắp sáng nội tâm chúng ta, ánh sáng của Ngài không thể bị che khuất. Nó nhất định ‘rạng rỡ!’.

Sự thật này giúp chúng ta đánh giá đúng mức mối quan hệ của linh hồn mình với Chúa. Nếu Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, nếu mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta thực sự được sống, hiệu quả của mối quan hệ ‘Chúa và tôi’ đó nhất định sẽ tác động nơi người khác; họ sẽ dễ dàng nhận ra ánh sáng không thể che giấu đó. Trở thành Kitô hữu không phải là đạt đến một cấp độ nhất định và duy trì ở đó. Về căn bản, nó có nghĩa là liên tục phát triển và tăng trưởng - giữ nguyên trạng thái hoặc trì trệ có nghĩa là thụt lùi.

Anh Chị em,

“Nếu bạn rạng rỡ từ bên trong!”. Qua Bí tích Rửa Tội, Chúa Kitô thắp lên ánh lửa Phục Sinh của Ngài trong tim chúng ta. Đó là ánh sáng của tình yêu, hy vọng, niềm vui, lòng thương xót và thiện hảo. Ngài giao nhiệm vụ giữ gìn ánh sáng ấy cho Giáo Hội; cụ thể, cho giáo xứ và gia đình. Qua từng biến cố, từng phút giây, Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên ánh sáng này để nó ngày càng ‘rạng rỡ’. Và Chúa đặt mỗi người vào đúng “đế” của họ từ chức vụ, nơi chốn, hoàn cảnh… Như vậy, khi người khác không thấy được ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta; phải chăng ánh lửa của Ngài trong chúng ta đang leo lét! Vậy nếu tha nhân không được lôi kéo vào tình yêu của Chúa Kitô qua chúng ta, bạn và tôi hãy nhìn lại mình, nhìn lại cung cách lắng nghe và sống Lời Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để thế gian thắp sáng con từ bên ngoài, hãy thắp sáng con từ bên trong, khởi đi từ các việc lành con chắt chiu mỗi ngày!”, Amen.

 

Thứ ba: Lc 8,19-21

MONG THẤY

“Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được”.

“Viên ngọc không thể bóng loáng mà không có ma sát, con người không thể hoàn thiện mà không có thử thách. Cũng thế, tình yêu không thể đích thực nếu không mong thấy và gặp gỡ người mình yêu!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Kể lại cuộc tìm thăm Chúa Giêsu của mẹ và anh em Ngài, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đánh giá mức độ yêu thương của mình đối với Chúa Giêsu. Bạn có ‘mong thấy’ Chúa Giêsu và gặp gỡ Ngài - người mình yêu - mỗi ngày?

Ngày nay, cũng như hai ngàn năm trước, nhân loại khao khát nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu. Mỗi người đều có lý do riêng! Một số cần được chữa lành - như Bartimê, người mù ở Giêricô đã hét lên phía sau Ngài cho đến khi Ngài xót thương và chữa lành anh; một số vì tò mò - như Giakêu, người đã trèo lên một cây sung để nhìn Ngài vì anh ta thấp bé; một số vì muốn nghe lời Ngài - như đám đông chen chúc quanh Ngài để nghe lời Chúa bên bờ hồ Gênêsareth; một số vì yêu thương, muốn chăm sóc Ngài - như Đức Trinh Nữ Maria và Maria Mađalêna. Vậy tại sao bạn và tôi ‘mong thấy’ Ngài?

Vậy mà, Chúa Kitô không dễ bị khuất phục, “Họ không làm sao lại gần được”. Cũng thế, một đôi khi rất khó để chúng ta tiếp cận Ngài. Mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm Chúa Kitô với một ý định trong sáng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu của mình. Chắc chắn sẽ có những trở ngại trên đường đi mà bạn và tôi phải chuẩn bị chúng. Ma quỷ luôn tìm cách chia cắt chúng ta khỏi Chúa thông qua tội lỗi, thậm chí nó còn gieo rắc sợ hãi vào lòng chúng ta để chúng ta không nhận được ân sủng chữa lành; chẳng hạn nó làm hết sức để ngăn cản chúng ta đến với toà giải tội.

Thế gian cũng tìm cách giữ chúng ta càng xa Chúa càng tốt, nó đưa ra hàng ngàn chào mời và các thú vui làm xao lãng để dẫn chúng ta ra khỏi sự cầu nguyện, suy gẫm và hoán cải. Và tất nhiên, đôi khi chính chúng ta lại không có một khuynh hướng đạo đức, phục vụ người khác và một cuộc sống đức hạnh. Cũng có thể đó là sự lười biếng vốn khả dĩ đánh bại ngay cả những người tốt nhất. Chúng ta cần nói cho Chúa biết rằng, chúng ta đang tìm kiếm Ngài, ‘mong thấy’ Ngài!

William Law nói, “Nếu bạn dừng lại và tự hỏi tại sao bạn chưa nên thánh, thì chính trái tim bạn sẽ mách bảo rằng, đó không phải là do sự thiếu hiểu biết hay bất lực, mà hoàn toàn là do bạn chưa bao giờ thực sự có ý định như vậy!”.

Anh Chị em,

“Họ không làm sao lại gần được”. Và dẫu lại gần Chúa Giêsu, thì không phải lúc nào chúng ta cũng đương nhiên trở nên tốt hơn. Ngài có thể từ chối? Phải, điều quan trọng đối với Ngài là bạn và tôi phải là “những người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành”. Điều này không loại trừ mẹ Ngài và những người thân của Ngài. Chúa Giêsu không hạ thấp ai nhưng thay vào đó, Ngài nâng chúng ta - và họ - lên một mức độ thân mật lớn hơn cả quan hệ huyết thống. Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa: Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đến với phẩm giá và sự thân mật ngày càng lớn hơn với Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con ‘mong thấy’ khuôn mặt Chúa trong mọi sự kiện và diễn biến của ngày hôm nay. Xin xua mọi kẻ thù, sự sợ hãi và sự nguội lạnh tinh thần trong con!”, Amen.

 

Thứ tư: Lc 9,1-6

KHÔNG THỂ NGHỈ NGƠI

“Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi!”.

“Tôi không thể nghỉ ngơi khi còn những linh hồn cần được cứu rỗi!” - Têrêxa Lisieux.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tiết lộ, Chúa Giêsu họp Nhóm Mười Hai, ban cho các ngài năng lực và quyền phép để ra đi loan báo Tin Mừng, trừ các thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Như Têrêxa, các ngài ‘không thể nghỉ ngơi’ đang khi còn những linh hồn cần được cứu rỗi!

Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại mà ‘các bệnh tâm thần mới’ bùng phát đến mức có thể nói chưa từng thấy trước đây. Nhịp sống hiện đại đùn đẩy con người vào một cuộc đua căng thẳng để ‘tiêu hao’ và ‘hiểu sai’ các vấn đề nhiều hơn những người hàng xóm. Toàn bộ các trang mạng xã hội thấm đẫm một liều lượng lớn ‘chủ nghĩa cá nhân’, đưa đến việc ‘định đoạt’ tuỳ thích những người bị cô lập - có thể là chính bản thân chúng ta - khỏi phần còn lại của thế giới. Sự cô đơn mà nhiều người buộc phải chịu đựng vì áp đặt xã hội, áp lực công việc hoặc các hình thức nô lệ khác… gây ra cho khá nhiều người trong chúng ta các chứng trầm cảm, loạn thần kinh, cuồng trí, tâm thần phân liệt hoặc một số rối loạn tâm lý vốn tác hại đến trẻ em và những người liên hệ. Chẳng hạn tăng động, tự kỷ… có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tương lai của một người.

Vì thế, việc gặp gỡ Chúa Kitô - Thầy Thuốc hoàn hảo - thật cấp thiết vốn sẽ mang lại trạng thái cân bằng và bình an, giúp xoa dịu tâm trạng của chính chúng ta, cho phép chúng ta khám phá lại bản thân bằng cách cung cấp ánh sáng, sự hiểu biết cho cuộc sống và cách tiếp cận tương lai của mình. Giáo huấn Phúc Âm là tiêu chuẩn làm sáng tỏ mọi nghi ngờ; rất tốt để dạy dỗ và cố vấn, giáo dục cả người trẻ và người lớn tuổi, dẫn mọi người đi trên con đường của cuộc sống, con đường không bao giờ héo hắt. Được chữa lành, chúng ta - ‘không thể nghỉ ngơi’ - lên đường chữa lành những người khác.

Gioan Phaolô II nói, “Những ai đã thực sự tiếp xúc với Chúa Kitô không thể giữ Ngài cho riêng mình, họ phải loan báo Ngài!”. Tất cả những ai trung thành - mọi Kitô hữu - được Chúa giao phó sứ vụ tông đồ nhờ Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, có quyền và bổn phận, cá nhân hoặc nhóm lại thành các hiệp hội, để làm việc hầu Sứ Điệp Cứu Rỗi có thể được mọi người trên khắp trái đất biết đến và chấp nhận. Phải, Kitô hữu ‘không thể nghỉ ngơi!’.

Anh Chị em,

“Họ rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi!”. Sai các môn đệ lên đường, Chúa Giêsu “ban cho các ông năng lực và quyền phép!”; nhưng cùng lúc, Ngài buộc họ ra đi trong yếu đuối, khó nghèo. Ngài thu nhỏ vali của họ gần như không còn gì, “Đừng mang gì đi đường!”. Hành trang của họ ‘là Ngài và chỉ một mình Ngài’. Ngài hạn chế tối đa tư trang hành lý để họ biết rằng, khiên thuẫn của họ là ‘tình yêu’ họ dành cho Ngài, chứ không là gì khác, ai khác. Qua đó, rõ ràng, Chúa Giêsu đang xung trận cùng các môn đệ ‘từ một khoảng cách kín đáo’; Ngài muốn quyền năng của Ngài bộc lộ trong sự mỏng giòn của kẻ được sai. Chính trong tình trạng dễ bị tổn thương này, bạn và tôi - ‘không thể nghỉ ngơi’ - tiếp tục lên đường rao giảng và chữa lành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước hết, xin chữa lành con! Vì nếu con ‘bệnh’, con sẽ không đủ sức để chữa lành ai!”, Amen.

 

Thứ năm: Lc 9,7-9

Thánh Cót-ma và Thánh Đa-mi-a-nô, tử đạo.

LẦN LỮA

“Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”.

“Hêrôđê không thể vượt qua những lớp rào cản của trái tim mình. Tham vọng quyền lực, ích kỷ và niềm tin yếu đuối đã kìm hãm khả năng khám phá ra một Giêsu đã chịu đau khổ để cứu mình!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến một người “không thể vượt qua những lớp rào cản của trái tim” - Hêrôđê! Ông đã thú nhận một sự thật khá trần trụi: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”; nhưng tiếc thay, lời xưng thú của ông không khiến ông đau buồn mà hoán cải; nó chỉ khiến trái tim ông chai đá hơn! Vậy điều gì đã khiến cho Hêrôđê ‘lần lữa?’.

Hêrôđê mong gặp Chúa Giêsu, nhưng điều này không dựa trên đức tin hay động cơ sám hối. Và dẫu thời gian Gioan bị giam hẳn là một cơ hội mời gọi Hêrôđê ăn năn; nhưng, ông vẫn ‘lần lữa’. Tại sao? Như Đức Phanxicô nói, “Tham vọng quyền lực, ích kỷ và niềm tin yếu đuối đã kìm hãm ông”; nói cách khác, ông không vượt thắng những ‘noạ tính’ của thế gian và dục tình.

Điều này cũng có thể đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta. Nói rằng, tôi vẫn ổn! Tôi tin Chúa Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Rỗi; tôi đã được “rửa tội” là chưa đủ! Chúng ta cần sống một đời sống mới bằng việc nên thánh mỗi ngày. Tôi cần quyết tâm sửa đổi những điểm yếu, thiếu sót và sai lỗi sang một điều gì đó mà Chúa Kitô - Đấng đã chịu đau khổ để cứu tôi - mong chờ. Đó là sự thật giục giã tôi phải biến đổi mà không ‘lần lữa’.

Bạn có ổn không? Chúng ta cần can đảm để mục kích trực tiếp và tự hỏi, “Tôi đã làm gì với hồng ân Chúa?”. Với Hêrôđê, không phải tất cả mọi thứ đều ổn; một sự thật ông đã thấy rõ, ‘ông giết người!’. Và đây có thể là khởi điểm để ông bắt đầu một cuộc hoán cải hầu đón nhận lòng thương xót Chúa; ít nhất, ông đã nhận ra mình có tội. Hoán cải luôn bắt đầu bằng việc chúng ta chấp nhận thất bại khi đã nghiêng chiều về điều ác. Tiếc thay, Hêrôđê chỉ dừng lại ở đó khiến trái tim ông xơ cứng hơn! Bạn và tôi thì sao?

Anh Chị em,

“Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”. Nhìn nhận mình có tội, dĩ nhiên, lương tâm Hêrôđê cắn rứt, nhưng ông không thay đổi! Điều này cho thấy, hoán cải là việc của ân sủng chứ không phải của sức người. Hãy cậy vào Chúa, đừng cậy sức mình! “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca. Bắt chước Hêrôđê, bạn và tôi khởi sự bằng việc nhìn nhận tội lỗi đầu nậu của mình, đặt bàn chân mình vào khởi điểm của lộ trình hoán cải; nhưng đừng ‘lần lữa’ như ông. Hãy cầu nguyện, van xin, kết hợp với việc chay tịnh; quyết tâm đứng lên và đi tới. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót Chúa để bắt đầu một hành trình mới, một hành trình có tên “nên thánh!”. Bên cạnh đó, trải nghiệm sự khó khăn của việc thay đổi bản thân, chúng ta cảm thông với sự đổi thay cần có thời gian của tha nhân! Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ tôi, sao tôi không nhẫn nhịn chờ đợi anh em tôi?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con nhận ra ‘chân tướng’ của mình, đừng để con ‘lần lữa’ khiến Chúa hoài công. Xin ân sủng Chúa giúp con quyết tâm đứng lên và đi tới!”, Amen.

 

Thứ sáu: Lc 9,18-22

CHOÁNG NGỢP

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

“Đã nhiều lần, tôi buộc phải quỳ gối, bởi tôi biết, tôi không còn nơi nào khác để đi! Sự khôn ngoan của riêng tôi và tất cả những gì tôi có, dường như không đủ cho ngày khốn quẫn. Và rồi, tình yêu Ngài phủ lấp, tôi choáng ngợp!” - Abraham Lincoln.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu Ngài phủ lấp, tôi ‘choáng ngợp!’”. Cùng với trải nghiệm của vị tổng thống - một sự trùng hợp đến thú vị - cả hai bài đọc hôm nay nói đến ‘choáng ngợp!’. Con người ‘choáng ngợp’ trước vũ trụ và càng ‘choáng ngợp’ hơn trước Đấng tạo thành nó!

Bài đọc Giảng Viên nói, “Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức về vũ trụ; tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết ý nghĩa”. Cuộc sống của nó như được chia đều giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hạnh phúc và bất hạnh! Vũ trụ của Thiên Chúa đơn giản là ‘quá lớn’ so với con người vốn ‘quá nhỏ’ để có thể nắm bắt. Thế giới đẹp đẽ nhưng ‘khá trêu ngươi’ của Thiên Chúa khiến nó ‘choáng ngợp’; vậy mà, sự thoả mãn vũ trụ cung cấp lại ‘quá ít!’. Đang khi con người được tạo ra cho vô biên, những thứ hữu biên làm sao có thể làm nó no thoả? “Ở đây không có thành phố lâu dài; chúng ta, những lữ khách đi tìm thành tương lai!”. Mục tiêu cuối cùng nằm ở chỗ khác, nơi Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!”.

Với bài Tin Mừng, khi hỏi “Dân chúng bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu không quan tâm xác suất mến mộ quần chúng dành cho Ngài; Ngài quan tâm đến phúc đáp của một câu hỏi khác, “Anh em bảo Thầy là ai?”. Ngài là Thiên Chúa, Vua Trời Đất, không xuất hiện trong uy nghi, oai hùng, nhưng trong hình hài một con người, lang thang trên những nẻo đường cho phàm nhân thấy được, sờ được. Vì muốn gần con người để có thể cứu lấy con người, Ngài trở nên bình dị, nếu không nói là bình thường!

Cũng thế, ngày nay, trong Thánh Thể, Ngài đợi chúng ta đến gặp Ngài, sờ đụng Ngài. Ngài mong chúng ta đừng khoá chặt Ngài trong nhà thờ, hoặc đặt Ngài nơi cao chỉ để cung kính. Ngài muốn ở cùng, nên một với chúng ta, hầu chúng ta được ‘choáng ngợp’ khi tình yêu Ngài phủ lấp. Và qua chúng ta - nhà tạm di động của Ngài - Ngài đến với những người khác, chia sẻ hoàn cảnh của mỗi người, hầu bổ sức và đồng hành với họ.

Anh Chị em,

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Phanxicô nói, “Tại sao Chúa Giêsu đặt ra vấn đề này: Ngài là ai? “Bạn không thể biết Chúa Giêsu mà không gặp vấn đề!”. Bạn không thể biết Ngài bằng cách ngồi ở “khoang hạng nhất”, “trong sự an thân”; càng không thể biết Ngài “trong thư viện”. Chúng ta chỉ biết Chúa Giêsu trên con đường đời thường. Biết Ngài qua sách giáo lý, “chưa đủ”; phải biết Ngài bằng cách nói chuyện với Ngài trong “cầu nguyện” khi quỳ gối. Không cầu nguyện, bạn không biết Ngài. Cuối cùng, bằng cách “đi theo Ngài”, đi với Ngài trên con đường Ngài đi. Và đây là con đường mà mỗi người đều có một quyết định phải đưa ra. Như vậy, nếu biết Chúa Giêsu bằng ba ngôn ngữ này - lý trí, trái tim và hành động - bạn có thể nói, bạn biết Ngài. Bấy giờ, tình yêu Ngài phủ lấp và bạn choáng ngợp!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘choáng váng’ trước những mời mọc thế gian. Cho con ‘choáng ngợp’ trước tình yêu Chúa luôn phủ lấp và quan tâm đến từng chi tiết đời con!”, Amen.

 

Thứ bảy: Lc 9,43b-45

Thánh Ven-xét-lao, tử đạo.

MỘT AI ĐÓ

“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.

Một nghiên cứu xã hội học ở San Francisco cho biết, tại một cuộc phỏng vấn các cô gái bán hoa; các cô được hỏi, “Điều gì bạn cần nhất và không thể có được?”. Đi kèm với nỗi buồn hoà chan nước mắt, các cô thường có một câu trả lời giống nhau là: “Điều tôi cần nhất là có một ai đó lắng nghe tôi, một ai đó đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Còn hơn “Có một ai đó đủ quan tâm để lắng nghe tôi!”, Lời Chúa hôm nay cho thấy, dẫu phận người mong manh, vẫn có ‘một Ai đó’ ở với nó, ‘một Ai đó’ mà nó tìm nương thân! “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Bài đọc Giảng Viên chiếu lại những thước phim lãng mạn về sự mòn hao của tuổi trẻ, nghiệt ngã của tuổi già và bẽ bàng của những gì kéo theo sau đó! Tác giả báo trước những tháng ngày héo hắt khi sự linh hoạt, thị giác, thính giác, sức lực của một con người giảm dần, cho đến khi thần chết viếng thăm; đời người bấy giờ, khác nào một sợi chỉ đứt đoạn! Tuy nhiên, khi cuốn sách kết thúc với những lời mà nó bắt đầu - “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân!” - thì ở giữa nó, những chân lý vẫn được tiết lộ. Xen lẫn những khốn cùng và bất lực của con người, vẫn có những điều vĩ đại của nó. Bởi lẽ, luôn có ‘một Ai đó’ - vĩ đại hơn thế giới, ở giữa thế giới, đang điều khiển thế giới - trân quý nó! ‘Một Ai đó’ vẫn đang chăm bẵm bạn và tôi, để dù cuộc đời vắn vỏi, phù vân, Đấng ấy vẫn luôn yêu thương và nơi Ngài, chúng ta tìm nương ẩn.

Tin Mừng hôm nay cho thấy điều tương tự! Đang khi mọi người phấn chấn, ngưỡng mộ và thán phục Ngài, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ về cái chết cận kề, kết thúc kiếp phù sinh mà Ngài đồng phận mang lấy một khi làm người, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời!” và kết thúc sẽ là một cái chết trọn nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Ngài sẽ chết trên thập giá, dang tay cứu lấy phận người phù du, cho nó vững bền thiên thu khi Ngài phục sinh vinh hiển, ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài.

Anh Chị em,

“Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”. Sống dưới bóng cánh của Đấng mà “ngàn năm tựa hồ hôm qua”, thì trước bất cứ khó khăn nào, bạn và tôi luôn nhớ đến Ngài. Sự thật này giúp chúng ta hình dung cuộc sống mình như một hạt cát trên nền vũ trụ, một ‘hạt cát được yêu thương’. Giêsu, Đấng Cứu Độ sẽ không để ai lẻ loi khi họ bước đi trên con đường Ngài đi. Ngài luôn ở bên, yêu thương, đồng hành; và sẽ cử ‘một Ai đó’ đến trợ giúp! Quả thế, Chúa Thánh Thần luôn có mặt, nâng đỡ chúng ta trong bất kỳ sự suy giảm nào, khi tuổi đà xế bóng hoặc lúc thần chết ngấp nghé. Càng phó thác, cầu xin, ân sủng Thánh Thần càng đổ xuống, chúng ta tin yêu, an bình sống phẩm cách con cái Thiên Chúa. Không chỉ sống, chúng ta còn làm chứng cho một thế giới mê đắm phù hoa, một thế giới có các giá trị rất khác với thế giới của Chúa Giêsu, nơi trú ẩn của mỗi người, một thế giới mà chúng ta cùng Ngài cứu độ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giữa những mòn hao của cuộc đời, khi con còn trẻ hoặc khi con về chiều, cho con biết rằng, Chúa hằng yêu con, ở gần con và lắng nghe con!”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...