Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
 KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
( Ga 20, 19-31)

BÀN TAY CỦA YÊU THƯƠNG
Lm. Seoka
Truyện kể
Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp một vẽ điều gì đã làm các em thích nhất trong đời. Cô thầm nghĩ: “ chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem hoặc những món đồ chơi, quyển chuyện tranh…”. Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên là Douglas: Bức tranh vẽ một bàn tay!
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị cuốn hút bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán: “ Đó là bàn tay bác nông dân”. Một em khác cho rằng: “ Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ giải phẩu…”. Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Douglas cười ngượng ngịu: “ Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!”.
Cô giáo ngẫn ngơ. Cô nhớ lại những phút ra chơi, cô thường dùng bàn tay để dắt Douglas bước ra sân, bởi em là một cô bé tật nguyền, khuôn mặt không được xinh xắn như các bạn trẻ khác, gia cảnh từ lâu lâm cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra, tuy cô vẫn làm điều tương tự với các em khác, nhưng hóa ra đối với Douglas, bàn tay cô lại mang một ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương.
Nếu bàn tay cô giáo là hình ảnh đẹp nhất trong tâm hồn em bé khuyết tật Douglas, thì Bàn Tay Chúa Giêsu phải là hình ảnh tuyệt vời nhất đối với nhân loại. Bởi lẽ  bàn tay ấy mang đầy những dấu vết của lòng yêu thương. Vì thế mỗi lần hiện ra với các tông đồ, đặc biệt với Tôma qua đoạn tin mừng hôm nay, Chúa đều mời gọi các tông đồ xem đôi bàn tay của Người.
Bàn tay  mang dấu vết tình yêu đối với Chúa Cha
Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha bằng một tình yêu mật thiết, được thể hiện qua đôi bàn tay của cầu nguyện.
Đôi bàn tay hướng về Cha trong tư thế cầu nguyện mỗi khi bắt đầu ngày sống, xin Cha hướng dẫn và ban ơn giúp sức để những việc làm trong ngày sống được hoàn thành tốt đẹp theo ý Cha. Đôi bàn tay hướng về Cha suốt đêm dài, mỗi khi quyết định những việc làm quan trọng. Xin Cha ban ơn sáng suốt để chọn lựa điều tốt nhất, theo ý muốn của Cha. Đôi bàn tay từng cầm bánh và rượu đưa lên cao hướng về Chúa Cha để chúc tụng, tạ ơn. Xin Cha chúc lành cho những lương thực hưởng dùng. Đôi bàn tay đưa cao hướng lên trời, kêu xin sự sống cho La-da-rô. Bàn tay chấp lại trong lo sợ, thiết tha khẩn cầu xin Cha cất khỏi chén đắng trong tinh thần phó thác.Bàn tay dang rộng trên thập giá đau đớn vang xin Chúa Cha tha thứ cho những người giết hại mình.
Bàn tay mang dấu vết yêu thương con người
Đôi bàn tay Chúa Giêsu luôn hướng đến con người để cảm thông chia sẻ và giúp đỡ bằng tình yêu hy sinh.
Bắt đầu bằng đời sống lao động vất vả nơi gia đình Nazarét. Bàn tay từng cầm cưa, búa, đục để làm mộc cùng với thánh Giuse lo của ăn cho gia đình.
Bàn tay sẵn sàng mở ra ban ơn tha thứ biết bao tội nhân biết ăn năn sám hối như Maria Macdala, cho ngưuời phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu…, đã chữa lành biết bao người đau ốm, bằng cách đặt tay trên mắt người mù bẩm sinh, trên tai và lưỡi của người câm điếc, trên thịt da lỡ lóet của người mắc bệnh hủi, trên trán giá lạnh của con gái Giai-rô, trên tay nóng sốt của bà nhạc mẫu Phêrô….
Bàn tay quyền thế đã truyền khiến giông tố và sóng gió yên lặng, đã cầm roi xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đến thờ, đã xua trừ ma quỷ, đã chúc dữ cho những người biệt phái.
Bàn tay bị đâm thủng, nơi ấy vẫn còn lỗ đinh được ghi lại tình yêu Chúa dành muôn thế hệ. Bàn tay bị nộp cho lý hình, bị đóng đinh vào thập giá và phải mang lấy thân xác nặng nề đau xé suốt ba giờ liền trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu con người.
Khi mời gọi các tông đồ nhìn xem tay Chúa vừa để chứng thực chính Người là Thiên Chúa Tình Yêu; vừa để mời gọi các ông học lấy bài học yêu thương “như Người đã yêu”.
Khi mời gọi các tông đồ nhìn vào đôi bàn tay của Chúa là để nhắc nhở các ông không chỉ thi hành mệnh lệnh loan báo tin mừng trên môi miệng mà còn phải thực hiện lời rao giảng trên đôi tay mở ra để giúp đỡ những người bé nhỏ, nghèo nàn, yếu đau. An ủi những ai đau khổ, bất hạnh và vỗ về những ai cô đơn, tội lỗi. Hàn gắn những gia đình bị rạng nứt và đổ vỡ.
Nhìn bàn tay Chúa để các tông đồ hiểu rằng việc truyền giáo sẽ không bao giờ đạt kết quả, nếu thiếu đời sống cầu nguyện. “Hãy xin với chủ ruộng” .
Đôi bàn tay giơ cao hướng về Chúa để xin ơn. Xin Chúa ban ơn soi sáng, lòng nhiệt thành và sức mạnh cho những nhà truyền giáo. Xin Chúa đánh đọng lòng người tiếp nhận tin mừng. Xin Chúa chúc lành cho công cuộc truyền giáo.
Đôi bàn tay dang rộng hướng về tha nhân, bằng cách chấp nhận chịu đâm thủng của những dấu đinh vất vả, hy sinh, đau khổ vì tình yêu.
Bàn tay yêu thương đó được minh chứng nơi cộng đoàn tín hữu đầu tiên.
Họ đồng tâm hướng đôi bàn tay về Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng lắng nghe Lời Chúa và lời giảng dạy của các tông đồ, cùng hiệp nhau trong nghi lễ bẻ bánh.
Họ cũng dùng bàn tay hướng về anh em để chia sẻ trong tình bác ái. Tự nguyện dùng tài sản riêng làm của chung. Chấp nhận bán hết tài sản để trợ giúp cho người túng thiếu. Họ cư xử với nhau như anh em một nhà. Chính đời sống ấy lôi cuốn biết bao người xin gia nhập Kitô giáo.
Sứ mạng loan báo tin mừng tình thuơng được Chúa phục sinh trao ban cho các tông đồ, qua các tông đồ cho các kitô hữu đầu tiên và hôm nay sứ mạng ấy Chúa trao lại cho mỗi người chúng ta!

Lạy Chúa trong cuộc sống thường ngày, xin cho chúng ta biết xử dụng đôi bàn tay của mình. Một bàn tay nắm chặt bàn tay Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Bàn tay kia nắm chặt lấy tay tha nhân bằng những hành động bác ái yêu thương, để rồi chúng con đặt bàn tay của nhau vào bàn tay Chúa nhờ thế tình yêu Chúa được đơm bông kết trái khắp nơi.

LÝ TRÍ VÀ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH
Lm. Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Lý trí chấp nhận những gì Thánh Kinh kể lại cho chúng ta: đó chính là Đức Giêsu đã thực sự sống lại"

1. Giả như chúng tôi mời một anh chị em lên toà giảng và bịt mắt anh chị em đó lại, rồi chúng tôi đặt một xô nước trước mắt anh chị em đó, và hỏi anh chị em đó đoán xem nó chứa nước hay không?
Có ba cách trả lời câu hỏi đó mà không cần phải cởi khăn bịt mắt ra. Ba cách đó thế nào?
- Cách thứ nhất là đến thẳng xô nước và thò tay vào xem có nước trong đó không. Nói cách khác, anh chị em có thể kinh nghiệm trực tiếp xem xô ấy đầy hay rỗng. Cách này được gọi là kinh nghiệm. đây là tri thức mà chúng ta có được bằng kinh nghiệm trực tiếp. Đó là tri thức do giác quan.
- Cách thứ hai để biết cái xô ấy có chứa nước hay không là thả vào đó một vật, chẳng hạn một đồng xu. Nếu vật ấy chạm vào đáy xô tạo nên một âm thanh vang và to, anh chị em sẽ biết ngay cái xô ấy rỗng. Nhưng nếu đồng xu ấy va chạm tạo nên âm thanh không rõ hoặc có những hạt nước bắn toé ra, anh chị em biết ngay cái xô ấy có nước. Tri thức này có được là nhờ lý luận.
- Cách thứ ba để biết xem cái xô ấy có nước hay không là hỏi thăm người nào mà anh chị em tin cậy. Người ấy có thể nhìn vào cái xô và nói cho anh chị em biết trong ấy có nước hay không. Cách biết này là tin vào người khác mà biết. Đó chính là tri thức có được do niềm tin.
Kinh nghiệm, lý luận, và tin tưởng đó chính là ba cách thức để biết ở đời này.
***
2. Bây giờ chúng ta hãy xét đến một câu hỏi khác, câu hỏi thứ hai.
Trong ba cách để biết ấy, có cách nào giúp chúng ta biết được nhiều hơn cả? Chúng ta biết được điều này điều kia phần nhiều là do kinh nghiệm bằng giác quan, hay do đầu óc suy luận hay do tin tưởng vào người khác?
Nếu anh chị em trả lời là do niềm tin, do sự tin tưởng nơi người khác, thì anh chị em đúng hoàn toàn. Hầu hết chúng ta biết được điều này điều kia là do chúng ta tin vào những gì người khác nói với chúng ta. Một nhà chuyên môn ước lượng rằng 80% những kiến thức của chúng ta là do tin tưởng vào người khác mà có.
Chẳng hạn, trong chúng ta ít có ai được may mắn du hành quanh thế giới. Cách duy nhất để chúng ta biết về phần lớn các quốc gia trên thế giới là do người khác nói cho chúng ta biết, Nói cách khác, chúng ta tin vào những người đã từng đến những nơi ấy. Nếu họ kể cho chúng ta rằng có một xứ sở nọ tên là Trung Hoa, và dân chúng ở đó thế này thế kia, chúng ta sẽ tin họ.
Phương cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thực như thế, thì cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thực hơn nữa. Phần lớn các tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào những gì Kinh Thánh kể lại cho chúng ta. Nói cách khác, phần lớn tri thức tôn giáo của chúng ta là do niềm tin.
3. Bây giờ chúng ta xét đến câu hỏi thứ ba. Chúng ta có thể hiểu biết những thực tại tôn giáo bằng ba cách mà chúng ta thường dùng để hiểu biết những thực tại thông thường không?
Chẳng hạn, chúng ta có thể biết Đức Giêsu sống lại từ cõi chết không phải chỉ nhờ tin những gì Kinh Thánh nói, mà còn nhờ vào suy luận nữa không? Có nhiều ngừơi nghĩ rằng được. Họ giải thích rất hấp dẫn. Họ lập luận rằng sau khi Đức Giêsu chết, các môn đệ bị khủng hoảng tinh thần tột độ. Họ chỉ còn là một nhóm người đại bại, một nhóm người thất chí, một nhóm người nhát sợ. Thế rồi, vào Chúa nhật Phục sinh, có một biến cố nào đó đã biến đổi họ một cách không thể tưởng tượng được. Có một biến cố nào đó đã thay đổi con người họ một cách thật lạ lùng. Bỗng nhiên lòng họ bùng lên niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự. Họ không thể cầm lòng được. Họ vội chạy đi loan báo cho mọi người họ gặp rằng Đức Giêsu đã sống lại và hiện đang sống. Họ tin điều ấy một cách chắc chắn đến độ họ thà sẵn sàng chịu bắt bớ bách hại đủ kiểu đủ cách, dầu là phải chết, còn hơn phải chối bỏ Đức Giêsu đã phục sinh của họ.
Đời sống và lời giảng của nhóm người này đã thay đổi cục diện lịch sử nhân loại. Không một giả thuyết nào có thể giải thích được tại sao đời sống của họ lại có thể biến đổi như thế, ngoại trừ cách giải thích của chính họ: họ đã thấy Đức Giêsu hiện còn sống.
Giả như nhóm người thất học này đã phịa chuyện về Đức Giêsu và sự phục sinh của Người thì chắc chắn ta phải chấp nhận rằng sớm hay muộn, ít nhất phải có một người trong bọn sẽ phải nói ra sự thật, vì không chịu nổi sự bách hại và giết chóc.
Nhưng không một ai trong nhóm ấy đã làm thế. Lời chứng của họ về Đức Giêsu sống lại không bị lay chuyển chút nào, không bị giảm cường độ chút nào. Ngược lại, lời chứng ấy càng ngày càng mạnh mẽ và ảnh hưởng tới mọi người hơn. Họ đã cảm nghiệm được một năng lực mới lạ và dịu kỳ đã khiến họ thực hiện được nhiều phép lạ. Chính sự biến đổi không thể nào giải thích được nơi các môn đệ Đức Giêsu khiến cho nhiều người nói rằng chính lý trí cũng minh chứng rằng Chúa Giêsu đã phục sinh. Nói cách khác, lý trí thuần lý cũng xác quyết rằng một biến cố nào đó rất ngoạn mục đã xảy ra làm biến đổi các môn đệ Đức Giêsu lý trí thuần lý xác nhận rằng sự phục sinh của Đức Giêsu thực sự xẩy ra.
Anh chị em cũng như tôi đều không được đặt tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu như thánh Tomas, để trực tiếp cảm nghiệm được Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng vào chứng cứ của Thánh Kinh, chúng ta cũng có thể làm hơn thế nữa. Chúng ta có thể sử dụng tặng phẩm Chúa ban là lý trí để xác quyết thêm điều Kinh Thánh đã truyền dạy chúng ta. Và rồi, chúng ta cũng có thể quì gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Chúa Giêsu: "Lạy Chúa Con, lạy Thiên Chúa của con". Đáp lại, Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta: "Hạnh phúc biết bao cho những ai không thấy mà tin".
Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện: Lạy Chúa, bất cứ khi nào đức tin chúng con bị chao đảo, giống như trường hợp của thánh Tôma, thì xin Ngài hãy nhắc chúng con nhớ lại những lời Kinh Thánh thuật lại về những biến cố đã xảy ra vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Cũng xin Chúa nhắc chúng con nhớ biến cố này không chỉ gây ảnh hưởng trên các môn đệ Chúa Giêsu mà còn trên toàn dòng lịch sử. Và nhất là, xin nhắc chúng con biết tham dự vào Tin Mừng Phục sinh của Ngài với tha nhân quanh chúng con, giống như các môn đệ đã chia xẻ niềm vui ấy với quần chúng quanh họ. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B
Một bác học người Pháp muốn làm một cuộc nghiên cứu trong sa mạc. Ông chọn mấy người Ả rập làm hướng dẫn viên. Một buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, một người trong nhóm dẫn đường trải tấm thảm xuống cát và ngồi lên đó trong dáng điệu trầm tư. Thấy thế nhà bác học buộc miệng hỏi:
- “Ngươi làm gì thế?”
- “Dạ, tôi cầu nguyện,” người kia trả lời.
- “Cầu nguyện à, thời buổi này mà còn cầu nguyện sao? Vậy ra anh vẫn còn tin có Thiên Chúa? … Mà anh đã nhìn thấy Chúa chưa?” Nhà bác học như muốn bắt bẻ.
- “Dạ chưa.”
- “Vậy anh đã nghe Chúa nói chưa?”
- “Dạ chưa.”
- “Vậy anh đã sờ chạm vào Chúa chưa?”
- “Dạ chưa,” người hướng dẫn kiên nhẫn trả lời.
- “Nếu thế thì anh thật là một gã điên khi tin vào một Thiên Chúa mà chưa bao giờ thấy, không bao giờ nghe, và cũng chẳng bao giờ đụng chạm được.”
Sau đó mọi người vào lều nghỉ đêm. Sáng hôm sau, trước khi hừng đông, nhà thông thái vừa bước ra khỏi lều đã vội kêu lên:
- “Ồ, này mọi người ơi: Tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua nơi này!”
Người hướng dẫn trợn mắt kinh ngạc:
- “Vậy chứ ngài đã nhìn thấy con lạc đà đó đi ngang qua đây sao ?”
- “Không,” nhà thông thái tự đắc trả lời.
- “Vậy chứ ngài đã đụng chạm vào nó à?”
- “Không.”
- “Vậy chứ ngài nghe thấy tiếng kêu của nó à?”
- “Không.”
Người hướng dẫn reo lên:
- “Thế thì ngài thực là một kẻ điên khi tin rằng có một con lạc đà đã đi ngang qua khu vực chúng ta ở, khi mắt ngài không thấy, tai ngài không nghe, và tay ngài không đụng chạm đến.”
Nhà thông thái đáp lại:
- “Nhưng ta biết được có con lạc đã ấy là nhờ những dấu chân của nó còn để lại trên mặt cát kìa.”
Ngay lúc đó mặt trời hừng đông bắt đầu mọc lên, toả muôn tia sáng rực rỡ lung linh. Người hướng dẫn liền chỉ tay về phía mặt trời và nói: “Thế thì tôi cũng nhìn vào dấu vết là mặt trời kia để quả quyết có một Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời tôi.”.

CON MẮT THỨ BA
Nhiều người cho rằng chỉ có những gì có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay mới có thật; còn những gì không thể nhìn thấy bằng mắt trần, bị xem là không có. Vì thế, khi một số người được hỏi tại sao không tin Thiên Chúa, không tin có linh hồn, không tin có sự sống đời sau… họ trả lời thật đơn giản: "Có thấy đâu mà tin!" . Thế nhưng, có vô số điều dù không trông thấy nhưng chúng ta vẫn phải nhận là chúng hiện hữu. Người ta không thể nhìn thấy tình mẫu tử nơi người mẹ, không nhìn thấy ý chí kiên cường nơi bậc anh hùng, không nhìn thấy trí khôn tuyệt vời của nhà khoa học… nhưng không ai dám phủ nhận rằng những thực tại nầy không có. 
Đôi mắt trần có tầm nhìn rất hạn chế
Với đôi mắt trần nầy, tầm nhìn của người ta rất hạn hẹp, như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung."Với đôi mắt trần nầy, chúng ta chỉ nhận thấy một ít sự vật phù du mà thôi, còn những điều quan trọng, những điều chính yếu thì không thể nhận thấy. Do đó, nhân loại cần đến những con mắt khác, con mắt thứ ba để nhận thức những thực tại cao siêu. Con mắt nầy giúp người ta nhìn xa, nhìn rộng, nhìn sâu, nhìn thấy điều thiết yếu, nhìn thấy chân lý… 
Cần có con mắt thứ ba
Con mắt thứ ba của các nhà vi trùng học là ống kính hiển vi; nhờ đó mà mới đây, nhà vi trùng học người Mỹ, tiến sĩ M. Blaser phát hiện có đến hơn 250 loài vi khuẩn chung sống ngay trên lớp da của mỗi người và ông gọi đùa làn da của chúng ta là một vườn thú rất lớn! [1] và trên mỗi cm2 da của ta có khoảng 32 triệu vi khuẩn!
Con mắt thứ ba của các nhà thiên văn là ống kính thiên văn, nhờ đó các nhà khoa học có thể thấy được những ngôi sao cách mặt đất đến 32 tỷ năm ánh sáng! [2]
Con mắt thứ ba của các nhà quân sự là màn ảnh ra-đa, là vệ tinh quan sát… Chúng giúp các nhà quân sự phát hiện máy bay địch từ xa, giúp nắm rõ địa hình cũng như các bí mật quân sự của đối phương nhằm đạt tới chiến thắng.
Đối với Đức Giê-su, con mắt thứ ba mà Ngài mong muốn các môn đệ phải có là Đức Tin. Nhờ Đức Tin, nhân loại có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhận ra Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ, nhận ra mình có hồn thiêng bất tử, biết mình có cuộc sống mai sau, có thiên đàng, hoả ngục… 
Tông đồ Tô-ma chưa có con mắt thứ ba, Anh chỉ tiếp cận với thế giới qua đôi mắt trần. Anh chủ trương rằng chỉ những gì được xem thấy tận mắt, được sờ tận tay… mới là điều có thực. Chính vì thế, khi nghe các môn đệ bảo: "Này Tô-ma, Thầy đã sống lại và đã hiện ra với chúng tôi", Tô-ma cho là chuyện đùa.
Cho dù Tô-ma có thấy Chúa tận mắt đi nữa, chắc gì anh tin, vì biết đâu đó chỉ là bóng ma của Chúa Giê-su hiện về. Vì thế, anh đòi kiểm chứng bằng cách xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa mới được.
Con mắt Đức Tin
Chúa Giê-su không hài lòng với quan điểm đó. Ngài nói: "Tô-ma, vì anh đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin." Như thế, phúc cho những ai không dùng đôi mắt trần, nhưng dùng con mắt thứ ba, con mắt Đức Tin để nhận ra Chúa và những thực tại thiêng liêng khác.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin dạy chúng con đừng cậy dựa vào đôi mắt trần, vì chúng không thể giúp thấy được những thực tại cao cả, lớn lao. Xin ban Chúa Thánh Thần để Ngài khai mở cho chúng con đôi mắt đức tin, vì chỉ nhờ đôi mắt thiêng liêng này, chúng con mới có thể nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân lành để tôn thờ và yêu mến; nhận ra những người chung quanh là chi thể của Chúa để hết lòng yêu thương và phục vụ, nhận biết trần gian chỉ là quán trọ và thiên đàng mới là quê thật của mình… Nhờ đó chúng con được cứu độ và được hưởng phúc muôn đời với Chúa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...