Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IV PHỤC SINH B

Lm. Seoka

Thứ hai: Cv 11, 1-18
"Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: "Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?" Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: "Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến, tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: 'Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà ăn'. Tôi thưa: 'Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu'. Tiếng từ trời nói lần thứ hai: 'Vật gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp'. Ba lần xảy ra như thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.
"Và ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: 'Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ'. Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: 'Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần'. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?"
Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống". Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Đoạn sách Cvtđ hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Phêrô và những người tín hữu gốc Do thái về vấn đề: có nên mở cửa để tiếp nhận dân ngoại vào ngôi nhà Hội Thánh theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Phục sinh các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20);  hay là đóng chặt cửa để bảo toàn những giá trị truyền thống?
Với những người tín hữu gốc Do Thái thì không được vượt ra những luật lệ truyền thống như: vào nhà dân ngoại, ăn uống những thức ăn bị xem là ô uế; nhất là phải giữ luật cắt bì. Nên nghe biết sự việc ông Phêrô vào nhà ông Cornêliô là người ngoại ăn uống, giảng dạy giáo lý và rửa tội cho ông và cả gia đình mà không phải giữ luật cắt bì, đã làm cho họ khó chịu. Do đó, ngay khi Phêrô đặt chân về Giêrusalem thì họ kéo đến để phản đối việc làm của Phêrô.
Nhưng sau khi lắng nghe Phêrô giải thích về những gì ông làm không phải là sáng kiến của ông mà là do ý muốn của Thiên Chúa. Bằng việc trưng dẫn hai thị kiến kỳ lạ đã xảy ra với ông và với ông Cornêliô đã làm cho chính Phêrô đã hiểu ra rằng:“Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta”. Sau khi lắng được lời giải thích của Phêrô, các tín hữu ở Giêrusalem đã bị thuyết phục và họ đã thay đổi cái nhìn về dân ngoại. Họ cũng nhận ra rằng: “Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự sống”.
Bế quan tỏa cảng để gìn giữ và bảo toàn hay là mở rộng cửa nhằm tiếp nhận cái mới làm phong phú và hoàn thiện hơn? đó luôn là vấn đề được đặt ra để bàn luận không những trên bình diện vĩ mô mà còn vấn đề được đặt ra trên bình diện vi mô, cụ thể nơi các gia đình hôm nay, khi mà quyền chính kiến mỗi người được tôn trọng.
Xin cho các thành viên trong gia hiểu rằng: gìn giữ bảo vệ những giá trị truyền thống cha ông là điều đáng trân quý, nhưng nếu vì tục lệ truyền thống mà gây bất ổn xã hội và làm tổn hại đến môi trường thì cũng nên xét lại. Nhất là với các gia đình Công giáo khi có những bất đồng quan điểm xảy ra thì phải biết lấy Lời Chúa và đường hướng của GH làm nền tảng để giải quyết vấn đề. Bởi ta tin rằng Lời Chúa là chân lý và Giáo huấn GH là lẽ khôn ngoan hướng dẫn chúng ta. Đó cũng là chọn lựa khôn ngoan của thánh Phêrô: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32).

Thứ ba: Cv 11, 19-26
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Đoạn sách Cvtđ hôm nay gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: ghi lại thành quả tốt đẹp của GH sau những ngày tháng lo sợ chạy trốn vì cuộc bách hại xảy ra nhân sự kiện phó tế Stêphanô tử đạo tại Giêrusalem. Các môn đệ phải tản mác đến các miền Phênixi, đảo Syp và thành Antiôkhia để trú ẩn.  Tại những nơi đây, các môn đệ chỉ rao giảng cho người Do Thái. Tuy nhiên trong đó, có mấy người gốc Syp và Kyrênê, những người này, khi đến Antiôkhia, đã mạnh dạn loan Tin mừng của Chúa cho người Hy-lạp nữa. Kết quả thật bất ngờ là “một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa”. Nhờ đâu mà có nhiều người ngoại giáo tin theo Chúa như vậy? Thánh Luca cho biết đó là nhờ“bàn tay Chúa ở với họ”. Nghĩa là nhờ vào sức mạnh và quyền năng Thiên Chúa phù giúp họ. Chính tại Antiokhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu.
Phần thứ hai: Đề cao đến tình hiệp thông trong Hội Thánh. Khi nghe biết một số đông dân ngoại tại Antiokhia tin theo đạo, thì các vị hữu trách của Hội Thánh tại Giêrusalem cử ông Barnaba đến để chia sẻ niềm vui và củng cố đức tin cho các tín hữu ở đây bằng cách khuyên nhủ họ hãy bền lòng gắn bó với Chúa. Rồi ông lên đường đi Tácxô để tìm Saolô về để cộng tác với ngài lo cho giáo đoàn tại đây. Nhờ đó, giáo đoàn Antiokhia càng thêm lớn mạnh. Qua đây cho thấy sự quan tâm, nâng đỡ kịp thời của Hội Thánh. Điều này làm nổi bậc lên tính phổ quát và tình hiệp thông của GH Công giáo.
Với cái nhìn của con người thì sự kiện Hội Thánh bị bách hại gắt gao ở Giêrusalem là nỗi đau, nhưng với Thiên Chúa thì đó lại là cơ hội để Tin mừng đến được với dân ngoại. Nhất là trong mọi hoàn cảnh GH luôn biết quan tâm tìm hiểu để nâng đỡ cách tốt nhất trong tình hiệp thông.
Xin cho chúng ta luôn biết phó thác vào đường lối khôn ngoan của Chúa và tin tưởng vào đường hướng của GH. Phần ta hãy luôn biết tận dụng mọi hoàn cảnh để làm chứng tin mừng của Chúa theo gương các tín hữu Hy Lạp hóa theo tinh thần nhiệt tâm của thánh Barnaba và Phaolô: Hãy rao giảng Lời Chúahãy lên tiếnglúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiệnhãy biện báchãy khiển tráchhãy khuyên lơnhết tình đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tim 4, 2).

Thứ tư: Kính Thánh Marcô: 1 Pr 5, 5b-14.
"Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người nhắc anh em lên trong thời giờ Người thăm viếng. Anh em hãy trút bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em. 
Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. Anh em hãy vững vàng trong đức tin mà chống lại nó, vì biết rằng hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một sự đau khổ đó. Nhưng Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân sủng, Đấng đã kêu gọi anh em tham dự vinh quang đời đời của Người trong Đức Giêsu Kitô, chính Người sẽ làm cho anh em là những người chịu đau khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng và kiên cố. Nguyện Người được vinh quang và uy quyền đến muôn đời. Amen. 
Nhờ Silvanô, người anh em trung tín, tôi cam đoan như thế, tôi viết vắn tắt thư này cho anh em, để khuyên nhủ và chứng thực rằng đó là ơn đích thực của Thiên Chúa, và anh em đang tận hưởng. Hội thánh được tuyển chọn ở Babylon và Marcô, con tôi, gởi lời chào anh em. Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện.
Nguyện (chúc) ơn Chúa ở cùng tất cả anh em, những người ở trong Đức Giêsu Kitô. Amen. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
"Công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta".  Đó là lời mở đầu của UB Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Gíao Hội. Gíao Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.
Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad gentes 2). Nên sẽ không là Gíao hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo Tin mừng. Nhưng trên hết, truyền giáo hay loan báo Tin mừng là tâm quyết cháy bỏng của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời, Ngài đã di chúc lại cho các tông đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 15).
Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa và được cứu độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo Tin mừng mang lại hiệu quả?
Bài đọc I, thư thứ nhất của thánh Phêrô nói đến những điều quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm để sống:
"Lấy đức khiêm nhường đối xử với nhau". Muốn đối xử khiêm nhường với nhau, trước hết phải tự khiêm hạ trước Chúa. Không khiêm hạ trước Chúa làm sao ta dễ khiêm nhường với anh em. Kiêu ngạo luôn là cám dỗ nguy hiểm đánh mất hạnh phúc thiêng đàng mà nguyên tổ Adam và Eva đã mắc phải.  
"Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em". Nghĩa là phải đặt trọn niềm tin vào sự quan phòng của Chúa đầy yêu thương và quyền năng của chúng ta.
- "Hãy sống tiết độ và tỉnh thức", là sống đúng với ơn gọi và chu toàn tốt bổn phận mà Chúa trao phó cho mình.
"Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự".  Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả cái chết cũng luôn trung thành làm chứng niềm tin. Vì phần thưởng mà Chúa ban tặng chính là được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường; nhất là được hưởng vinh quang đời đời trong Đức Kitô.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của việc truyền giáo, để như thánh Mác-cô, ta biết tận mọi khả năng, hoàn cảnh góp phần tich cực cho việc truyền giáo. Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Giêsu nhờ biết siêng năng tìm hiểu Tin Mừng, trong đó có Tin Mừng thánh Mác-cô để lại. Nhất là xin cho chúng ta luôn can đảm sống theo những giá trị Lời Chúa hướng dẫn: khiêm nhường, phó thác, tiết độ, tỉnh thức và kiên vững đức tin, dầu phải đối mặt với bao thử thách, nhờ đó mà Tin Mừng của Chúa có sức thuyết phục mạnh và ơn cứu độ của Chúa được lan tỏa rộng đến mọi người.

Thứ năm: Cv 13, 13-25.
"Bởi dòng dõi Đavít, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ".
 Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: "Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói".
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: "Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai-cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Đavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: 'Ta đã gặp được Đavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta'.
"Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ, Đấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: 'Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người' ". Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Sách Cvtđ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc hành trình truyền giáo lần thứ I của Phaolô và Barnaba nơi vùng đất dân ngoại, ngoài lãnh thổ Giêrusalem. Có lẽ cuộc hành trình truyền giáo này gặp rất nhiều vất vả, khó khăn nênmôn đệ Gioan-Márcô đã rời bỏ nhóm mà trở về Giêrusalem, chỉ còn lại Phaolô và Barnaba. Hai ông rời bỏ Paphô để vượt biển đến Antiokhia xứ Pisiđia. Tại đây, vào ngày Sabath, Phaolô cùng với Barnaba vào hội đường người Do Thái để cử hành nghi thức phụng vụ (đọc và nghe giải thích thánh kinh, học hỏi lề luật và cầu nguyện). Tận dụng cơ hội này, Phaolô đã đứng lên giảng dạy. Nội dung bài giảng của Phaolô chủ yếu là điểm lại những chặng đường lịch sử mà dân tộc Israel đã đi qua:
- Từ Aicập cho đến xuất hành khỏi cảnh nô lệ.
- Từ vượt qua hành trình 40 năm trong sa mạc cho đến vào đất hứa.
- Từ thời các thủ lãnh đến thời quân chủ
- Cuối cùng là thời Messia đã được Gioan Tẩy Giả loan báo. Đấng Messia ấy chính là Đức Giêsu-Kitô. Người đến để hoàn tất kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ.
Sau khi tóm tắt lại những chặng đường lịch sử mà dân tộc Israel đã đi qua, Phaolô muốn chứng minh cho khán giả thấy rằng: Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong lời hứa với tổ phụ Abraham nên đã ban cho Israel Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua Đavid và Đất hứa làm gia nghiệp.
Xin cho chúng ta luôn ý thức: Lời hứa rất quan trọng trong đời sống. Nếu một người biết giữ lời hứa và thực hiện lời hứa, chứng tỏ người ấy sống có trách nhiệm với bản thân và người khác, sẽ được người khác quý mến, tôn trọng và tín nhiệm. Ngược lại, nếu nói mà không làm, thường xuyên thất hứa, chứng tỏ người ấy sống thiếu trách nhiệm, không biết tôn trọng bản thân và người khác, chắc chắn sẽ không được tôn trọng. Nên trước khi hứa với ai điều gì ta nên cẩn trọng xem mình có khả năng thực hiện được không? Và nếu một khi đã hứa, hãy cố gắng thực hiện!
Trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, ta (hay cha mẹ thay ta) đã hứa với Chúa và GH là từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin, trung thành sống với Chúa trong tình con thảo. Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức sống trung thành với lời đã thề hứa ấy.
Nhất là xin cho các đôi vợ chồng trẻ luôn biết tôn trọng và tuân giữ lời mình đã tự nguyện thề hứa trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn trong ngày cử hành bí tích hôn phối mà trung thành với nhau trong đời vợ chồng, cho dẫu phải đối mặt với những nghịch cảnh trong đời sống.

Thứ sáu: Cv 13, 26-33.
"Thiên Chúa đã làm trọn lời hứa khi cho Đức Giêsu sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi Phaolô đến Antiôkia thuộc xứ Pisiđia, ông lên tiếng trong hội đường rằng: "Thưa chư huynh, con cháu Abraham, và những người kính sợ Thiên Chúa ở giữa chư huynh, lời cứu độ đó đã được rao giảng cho chư huynh. Những người cư ngụ ở Giêrusalem và các thủ lãnh của họ đã không nhìn nhận Đức Giêsu và các lời tiên tri mà họ đọc mỗi ngày Sabbat; thế mà họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khi lên án Người. Và dầu không thấy nơi Người lý do nào đáng phải chết, họ cũng xin Philatô cho giết Người. Và khi đã hoàn tất mọi điều đã chép về Người, họ đã tháo Người xuống khỏi cây thập giá và mai táng Người trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba. Và trong nhiều ngày, Người đã hiện ra với những kẻ đã cùng với Người từ Galilêa lên Giêrusalem. Bây giờ những kẻ đó là những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng.
"Phần chúng tôi, chúng tôi loan báo cho chư huynh hay rằng: lời hứa ban cho tổ phụ chúng ta, Thiên Chúa đã làm hoàn tất cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, như đã chép trong thánh vịnh thứ hai rằng: 'Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con' ". Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Sau khi nhắc lại những chặng đường lịch sử mà dân Israel đã trãi qua dưới sự dẫn dắt đầy khôn ngoan của TC, Phaolô tiếp tục dùng khung bài giảng Kerygma (bài giảng truyền giáo) để khái quát về cuộc đời của Đức Giêsu nơi trần thế và khẳng định mọi điều Thiên Chúa hứa ban nay đã được thành toàn nơi Đức Kitô qua cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Người.
- Về sự phục sinh của Đức Giêsu: Phaolô khẳng định chính Đức Kitô đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ: "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân". Và Phaolô và Barnaba chính là chứng nhân cho tin mừng ấy: "Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2, 7).
- Về cái chết của Đứcc Giêsu: Phaolô nhấn mạnh cái chết của Đức Giêsu là do "dân cư thành Giêrusalem và các thủ lãnh của họ” gây nên. Nhưng cũng như Phêrô, ngài cho biết sở dĩ họ giết Đức Giêsu là vì họ không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ.
+ Từ đó, Phaolô hướng mọi người nhìn về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là kế hoạch cứu độ đầy khôn ngoan của TC, vì đã ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Trung của TC. Và ông kêu gọi mọi người sám hối, tin nhận Đức Giêsu để đón nhận ơn cứu độ.
Với cái nhìn đức tin, Phaolô cho thấy: dù con người có từ chối và đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá, họ cũng không tài nào vô hiệu hóa được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, để từ nay, không những dân Israel mà mọi người đều có thể nhận được ơn cứu độ.
Xin cho chúng ta biết phó thác đời mình cho kế hoạch đầy khôn ngoan và giàu lòng yêu thương của TC.
Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu vẫn phải chấp nhận ngang qua con đường thập giá. Vì thế thập giá chính là con đường mà chúng ta phải bước theo nếu muốn được cứu độ. Xin cho chúng ta luôn can đảm sống tinh thần của thánh Phaolô để sẵn sàng "cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại như Người".


Thứ bảy: Cv 13, 44-52.
"Đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Đến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: 'Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất' ". Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Với chủ đích ban đầu của các môn đệ là loan báo Tin mừng Cứu độ chủ yếu cho người Do Thái nên Phaolô và Barnaba luôn tận dụng Hội đường để rao giảng. Lần này cũng vậy, Phaolô và Barnaba đến Hội đường vào ngày Sabath để rao giảng theo lời mời của một số người Do Thái. Tuy nhiên lần này hai ông lại bị chống đối quyết liệt bởi những người Do Thái quá khích.
Hai lý do họ chống đối Phaolô và Barnaba là:
- Thứ nhất vì ghen tương: Họ không muốn Phaolô và Barnaba có ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông nghe theo Phaolo va Barnaba thì họ sẽ không còn ảnh hưởng trên dân chúng nữa. Họ không muốn thấy ai được phép bằng họ.
- Thứ hai vì quan niệm hẹp hòi: Truyền thống Do Thái quan niệm chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và có đặt quyền nghe lời của Thiên Chúa. Giờ đây cả dân ngoại cũng được làm con Thiên Chúa và được nghe lời Thiên Chúa thì họ đâu còn chi đặc biệt nữa. Nên khi “thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy”.
Cách giải quyết của Phaolô và Barnaba trước sự chống đối:
1.  Bình tĩnh can đảm giải thích: Lẽ ra "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân Ngoại".
2. Dùng Lời Chúa để minh chứng: Phaolô và Barnaba đã trích lại lời Thiên Chúa trong sách Isaia để cho thấy việc rao giảng Lời của Chúa cho dân ngoại chính là lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dânđể ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất." (Is 49, 6).
Nhưng khi nghe những lời đó, họ càng phẩn nộ, đã xách động và xúi dục nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, ngược đãi ông Phaolô và ông Barnaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.
Trước thái độ cố chấp của họ, cuối cùng hai ông đành phải cắt đứt liên hệ với họ qua cử chỉ“giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Icôniô”, theo như lời Chúa Giêsu đã dạy:“Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại” (Mt 10,14). Chính nhờ đó mà Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy và dân ngoại được hân hoan ca tụng Lời Chúa.
Xin cho chúng ta biết noi gương hai thánh tông đồ Phaolô và Barnaba luôn nhiệt tâm rao giảng Tin mừng cho mọi người dù gặp phải nhiều gian nan thử thách. Nhất là cho mỗi người Kitô hữu chúng ta biết tích cực góp phần cho công cuộc truyền giáo với hết khả năng của mình. Đừng vì tính ích kỷ, ghen tị, tự mãn… hay bất cứ lý do nào làm ngăn cản cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...