Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018


CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH-B
Lm Seoka
NÉT ĐỘC ĐÁO
LÀM NÊN CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã khắc họa lên bức chân dung đích thực của người mục tử nhân lành. Chân dung ấy đã được Người chấm phá bằng những đường nét hết sức tinh tế và sống động của “hy sinh” (x. Ga 10,11); của “hiểu biết” (x. Ga 10,14); của “quan tâm lo lắng” (x. Ga 10, 10); của “ thao thức tìm kiếm”…Trong nhiều đường nét tinh tế ấy, nếu chiêm ngắm kỹ ta sẽ bắt gặp ngay hai nét chủ đạo làm nên cái hồn của bức chân dung người mục tử nhân lành. Hai nét chủ đạo ấy chính là: “biết” và “hy sinh”.
- Biết chiên: Thật vậy, để trở nên một người mục tử nhân lành, trước hết, người mục tử ấy phải “biết” rõ chiên mình: Biết từng con chiên một trong đàn. Biết khi nào chiên đói để cho ăn; khi nào chiên khát để cho uống. Biết con chiên nào lạc đàn để tìm về; con nào gặp nguy hiểm để tiếp cứu. Người mục tử nhân lành còn biết cảm thương những con chiên đang trong tình trạng mệt mỏi để dắt dìu; biết yêu mến những chiên bệnh tật để tìm cách chữa trị…
- Hy sinh: Có thể nói hy sinh chính là nét nổi bậc thứ hai làm nên cái hồn của bức chân dung người mục tử nhân lành. Sức hấp dẫn và lôi cuốn nơi bức chân dung người mục tử chính là nét “hy sinh” cho đoàn chiên: Hy sinh sức khỏe, thời giờ để đi tìm đồng cỏ xanh tốt; ra sức khai thác nguồn nuớc mát trong lành cho chiên ăn uống no thỏa. Không quản khó nhọc để tắm rửa cho chiên được sạch sẽ; không ngần ngại thức khuya, dậy sớm đưa chiên đi ăn, tối đưa chiên về nghỉ ngơi và hy sinh giấc ngủ để canh giữ cho đoàn chiên được an giấc. Hơn hết người chăn chiên lành còn sẵn sàng liều mạng sống mình chống lại sói dữ và kẻ trộm mà bảo vệ cho đàn chiên mình được sống và sống dồi dào. (x. Ga 10, 16).
Chúa Giêsu không chỉ khắc họa chân dung tuyệt mỹ về người mục tử nhân lành bằng lời nói suông, bằng những nét vẽ vô hồn, nhưng Người còn khắc họa bức chân dung ấy bằng chính đời sống trong suốt ba năm rao giảng tin mừng, mà đỉnh cao là cái chết đau thương trên thập giá. Trên đỉnh cao thập giá, Chúa Giêsu đã sẵn sàng đổ hết máu và nước mình ra hầu hoàn thiện nét vẽ cuối cùng làm nên bức chân dung mục tử không thể hoàn hảo hơn. Vì thế, Ngài không ngần ngại tự xưng mình là đấng Mục Tử Nhân Lành, chẳng những cho dân Israel mà cho toàn thể nhân loại ( x Ga 10,11-16). “Tôi chính là mục tử nhân lành, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11). “Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của Tôi và chiên Tôi biết Tôi” (Ga 10, 15). “Để nhờ danh Người mà chúng ta được ơn cứu độ” (x. Cvtđ 4, 12).
Hiểu theo một nghĩa nào đó, thì cha mẹ cũng chính là mục tử nhân lành nơi gia đình và là chủ chăn của con cái mình. Vì thế, cha mẹ cũng được kêu gọi trở nên người mục tử nhân lành theo mẫu gương Chúa Giêsu.
Xin cho bậc làm cha mẹ biết quan tâm lắng nghe, tìm hiểu con cái để nhận ra tình trạng, tâm tư, nguyện vọng thầm kín…của chúng mà chia sẻ, chăm sóc và hướng dẫn chúng kịp thời. Biết kiến tạo gia đình mình trở thành mái ấm yêu thương hiệp nhất trong Chúa. Biết sẵn sàng hy sinh bảo vệ con cái mình khỏi sa vào lưới ba thù: xác thịt, thế gian, ma quỷ. Nhất là xin cho những bậc làm cha mẹ cũng biết hy sinh quảng đại dâng hiến những người con ưu tú của mình cho Chúa và Giáo hội trong ơn gọi tu trì, cũng như ước mong có nhiều bạn trẻ mạnh dạn dấn thân đáp lại tiếng Chúa kêu mờiAmen

LINH MỤC - NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH

“Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng Linh mục, vì thế, ước mong các Giám mục và Linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi, nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành”. (Sứ điệp Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5). Xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh là những chủ chăn đích thực như lòng Chúa mong ước, nhờ thế Hội Thánh Chúa được canh tân mỗi ngày nên tốt đẹp hơn.
Nhờ bí tích truyền chức, linh mục trở nên “Alter Christus” và được tham dự vào đức ái mục tử, tự hiến bản thân mình để phục vụ Hội Thánh theo gương hiến thân của Đức Kitô.
Như Đức Kitô đã cảm thương với dân chúng khi nhọc mệt, đuối sức ( x. Mt 9, 35-36; Ga 6, 15). Linh mục cũng phải biểu lộ lòng cảm thương của mình cách chân thành và cụ thể đối với mọi người mà mình gặp gỡ “anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc”. ( Rm 12, 15).
Như Đức Kitô đã yêu mến những con chiên lạc đàn và vui mừng khi tìm gặp ( x. Mt 18, 12-14; Ga 8,11). Linh mục cũng phải tìm đến những ngưuời đang sống trong cô đơn thất vọng; những người tội lỗi, nhất là những người không mấy cảm tình với Giáo Hội…, vì họ cũng là đối tượng của lòng thương xót Thiên Chúa. “Con Người đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).
Như Đức Kitô hằng biết rõ và gọi tên từng người một (x. Ga 10, 3). Linh mục phải nỗ lực quan tâm và phục vụ từng người trong Họ đạo mình, không loại trừ một ai.
Như Đức Kitô đã hy sinh hiến thân vì tình yêu nhân loại (x. Ga 10, 15). Linh mục cũng hãy yêu thương chăm sóc cộng đoàn mà Chúa trao phó. Người mục tử nhân lành không chỉ dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và suối mát (x. Tv 23, 22),  mà còn phải nuôi dưỡng đàn chiên bằng chính sự sống mình qua việc hiến tế theo gương Chúa Giêsu (x. Ga 6, 56). Để có thể nói được như Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10).
Như ngọn nến cháy hao mòn theo tháng ngày để chiếu giãi ánh sáng; như hạt lúa mục nát để phát sinh sự sống mới, Linh mục cũng phải chấp nhận tiêu hao đời mình từng giây phút để phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Người Linh mục giống Đức Kitô thì không trách khỏi qui luật “vượt qua” chết để được sống (x. Ga 12, 25). Chính thánh Phanxicô Assisi cảm nghiệm quy luật này và đã thốt lên những lời nghịch lý trong bài ca bất hủ: “Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh… Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.  Trên hết để thực hiện được vai trò người mục tử nhân lành, Linh mục phải có Đức Ái Mục Tử vì đó là nguyên lý và động lực thúc đẩy Linh mục sống xứng danh vai trò mục tử của mình.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử tối cao, chúng con là những Linh mục bước theo Chúa trong vai trò người mục tử. Xin cho trái tim chúng con thuộc thuộc về Chúa và thuộc về mọi người. Xin cho trái tim chúng con biết yêu bằng tình yêu hiến dâng. Xin cho trái tim chúng con mở rộng đủ lớn để chứa mọi người và từng người một. Xin cho chúng  con có trái tim của Chúa để con say mê Chúa và say mê con người. Xin cho chúng con luôn yêu Chúa, vì khi yêu Chúa chúng con mới sẵn sàng hy sinh đời mình bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa đoàn chiên đến với Chúa là nguồn sống đích thực. Amen.

NHỮNG ĐẶC TÍNH  NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết những đặc tính cần phải có của người mục tử nhân lành:
1. Dám hy sinh mạng sống mình: Đoàn chiên không phải là của người chăn thuê, nên anh ta không thiết tha gì để bảo vệ đàn chiên. Mục tiêu của người chăn thuê thường là vì lợi ích của bản thân. Vì thế khi có sói dữ tấn công, anh ta sẽ dễ dàng bỏ mặt chiên cho sói dữ ăn thịt, còn anh ta thì sẽ tìm cách thoát thân. Còn mục tử chân chính thì sẵn sàng đứng ra chống lại sói dữ để bảo vệ đàn chiên mình, dù phải đối mặt với hiểm nguy, cho dù phải hy sinh mạng sống.
2. Biết chiên của mình: Cái biết của người mục tử không chỉ là cái biết chung chung về số lượng, hời hợt về tên gọi. Nhưng mục tử đích thực phải biết chất lượng: tình trạng, nhu cầu, ước muốn sâu xa của chiên mình. Cái biết đến độ đồng thân, đồng phận, đồng cảm và đồng tử với chiên mình.
3. Quan tâm và đưa những chiên xa lạc về đàn: Vì chiên cần có chủ chiên nên chủ chiên phải quy tụ chiên vào cùng một đàn để chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng cho chúng được sống và sống dồi dào. Do đó chủ chiên không chỉ quan tâm đến chiên trong đàn mà còn tìm cách để đem các chiên ngoài đàn về, để chúng được hiệp nhất trong cùng một đàn dưới sự hướng dẫn của cùng một chủ chiên.
Xin cho các vị chủ chăn sẵn sàng hy sinh không chỉ thời giờ sức khoẻ mà cả mạng sống để phục vụ cho cộng đoàn được lớn mạnh trong sức sống của Chúa. Xin cho các vị chủ chăn cũng khiêm tốn tìm hiểu và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng chính đáng của mọi người trong cộng đoàn mà sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu ấy bằng tình thương của người mục tử nhân từ. Đừng vì tự cao, tự ái mà bỏ ngoài tai những đòi hỏi, nhu cầu chính đáng của giáo dân. Xin cho các vị chủ chăn ngoài việc lo lắng chăm sóc cho đàn chiên mình cho tốt, còn phải quan tâm đến những con chiên ngoài đàn. Tìm mọi cách để dẫn đưa họ về với Chúa, hầu họ cũng được sống trong tình thương chăm sóc của tình yêu Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...