Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B
Dẫn:
Hôm nay Chúa nhật II Phục sinh, Giáo Hội cử hành thánh lễ tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay trình thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, nhất là đối với Tôma để bày tỏ lòng thương xót của Người qua các vết thương mà Người mang lấy vì tội lỗi nhân loại. Với lòng thương xót, Chúa đã trao chúc bình an, trao ban Thánh Thần để củng cố niềm tin cho các tông đồ rồi sai các ông ra đi làm chứng lòng thương xót của Chúa cho hết mọi người ở khắp nơi.
Xin Chúa củng cố niềm tin, trao ban bình an và CTT cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cũng can đảm thực thi sứ mạng lòng thương xót Chúa cho mọi người, nhờ đó mà mọi người có thể đón nhận được lời chúc phúc của Chúa: “phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Suy niệm:
 Theo như lịch phụng vụ, thì cứ vào Chúa nhật II Phục sinh hàng năm, GH tôn kính lòng thương xót Chúa. Vậy lý do nào mà GH lại chọn Chúa nhật hôm nay mà không phải những ngày khác trong năm để kính lòng thương xót Chúa?
- Thứ nhất là do chính Chúa Giêsu mạc khải cho nữ tu Faustina.
Ngày 22.2.1931, Chúa Giêsu đã hiện ra và mặc khải cho nữ tu Faustina, thuộc dòng Đức Mẹ từ bi ở Balan, lòng thương xót của Chúa và dạy chị phải rao truyền lòng thương xót đó qua bức ảnh thánh, và chọn ngày Chúa nhật II sau Phục sinh là ngày lễ kính lòng thương xót của Chúa. Chúa Giêsu nói với chị Faustina rằng: Hãy vẽ bức ảnh như con nhìn thấy đây với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Ta hứa, nếu ai tôn kính ảnh này sẽ không bị hư mất. Ta cũng hứa sẽ giúp linh hồn đó toàn thắng các kẻ thù trong cuộc sống, nhất là trong giờ lâm tử. Ta sẽ bảo vệ, gìn giữ linh hồn nó. Ta mong muốn tấm ảnh này được tôn kính trên toàn thế giới. Theo lệnh cha linh hướng, chị Faustina có hỏi Chúa về ý nghĩa hai màu sắc của hai luồng sáng đó, thì Chúa trả lời: Hai luồng sáng đó biểu thị cho máu và nước, luồng trắng chỉ nước, nó làm cho linh hồn nên công chính. Luồng đỏ chỉ máu, đó là sự sống của linh hồn. Hai luồng sáng này được ban ra do lòng thương xót vô bờ của trái tim Ta, mà người lính đã lấy đòng đâm thâu khi Ta bị treo trên Thập giá. Phúc thay những linh hồn nào luôn biết nương náu trong nơi trú ẩn này, vì cánh tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không đánh phạt họ.
- Thứ hai là do chính Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập. 
Ngày 30.4 năm thánh 2000, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, tông đồ của lòng thương xót và đã lập lễ kính lòng thương xót của Chúa trên toàn Giáo hội vào chúa Nhật II Phục sinh, đúng như ước muốn của Chúa nói với chị Faustina: “Ta ao ước là lễ kính lòng thương xót của Ta phải được cử hành vào Chúa nhật 2 Phục sinh”. Như vậy là Hội Thánh, qua Đức Giáo Hoàng đã chính thức công nhận việc tôn sùng lòng nhân từ thương xót của Chúa, để mọi người, đặc biệt là các tội nhân biết tin tưởng mau mắn chạy đến với tình yêu đầy lòng nhân ái của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina rằng: “không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến gần Ta, dù tội lỗi của nó có đỏ như máu đi nữa...”.

- Thứ ba do phụng vụ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng thương xót Chúa.
1. Tin mừng hôm nay cho biết cả hai lần hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu phục sinh đều trao chúc bình an cho các ông. Bình an phải là món quà quý giá nhất mà các tông đồ đang cần trong lúc hoang mang, sợ hãi vì những người Do Thái đang tìm cách giết hại. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu thấu hiểu điều ấy nên Người đã hiện ra chấn an các ông và trao ban ơn bình an, để củng cố niềm tin cho các ông.
2. Cũng vì lòng thương xót, Chúa đã không hề chấp nhất thái độ thách thức của Tôma. Trái lại, Người cảm thông tha thứ cho Tôma và còn đã chiều ý Tôma mà hiện ra lần hai để nhằm củng cố thêm đức tin cho ông.
3. Mỗi lần hiện ra Chúa đều mời gọi tông đồ nhìn vào những vết đinh nơi tay và vết giáo nơi cạnh sườn Người. Chính những vết thương ấy là dấu chứng hùng hồn của một vị TC giàu lòng thương xót, đã sẵn sàng ôm lấy hết những vết thương do tội lỗi con người gây nên vào thân thể Người để đóng đinh nó vào thập giá. Và sẵn sàng đổ đến giọt máu cuối cùng từ trái tim nhằm tẩy xóa vết nhơ tội lỗi con người cũng như tuôn tràn đến giọt nước cuối cùng từ cạnh sườn, để khơi nguồn cho sự sống mới qua các bí tích.
4. Lòng thương xót Chúa không chỉ dừng lại nơi các tông đồ mà Người còn muốn trao ban cho hết mọi người nên sau khi trao ban bình an và củng cố đức tin cho các tông đồ, Chúa phục sinh tiếp tục trao ban Thánh Thần và năng quyền tha tội cho các tông đồ, để qua các tông đồ, nhờ sự tác động của Thánh Thần, Chúa sẵn sàng ban ơn tha thứ cho kẻ có tội thật lòng ăn năn. “Bởi tha thứ chính là đỉnh cao của lòng thương xót”.
- Ta phải thể hiện lòng thương xót Chúa thế nào?
Ngày hôm nay Chúa phục sinh cũng muốn chúng ta lan tỏa lòng thương xót Chúa đến với mọi người. Nhưng làm thế nào để chúng ta giúp cho người khác nhận ra lòng Chúa thương xót?
Bài đọc 1, trích Sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy mẫu gương tuyệt vời nơi cộng đoàn tín hữu sơ khai. Đó là cộng đoàn mà “các tín hữu sống đồng tâm nhất trí nên một với nhau trong cùng một đức tin. Họ không coi thứ gì là của riêng, nhưng mọi sự đều là của chung. Họ sống tình bác ái chia sẻ với nhau, không để ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn. Họ đem tiền bạc của cải đặt dưới chân các tông đồ, để các ông phân phát cho những người có nhu cầu”. Bằng đời sống hiệp nhất trong đức tin, với tình thương bác ái chia sẻ, với ý thức sống tinh thần vị tha, xả kỷ, cùng lòng tin tưởng vào uy tín của những người đại diện GH, họ đã làm cho lòng thương xót của Chúa được lan tỏa cách cụ thể đến với từng người. Nhờ đó mà họ “được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2, 46-47). Chính những người bách hại Giáo hội trong Đế quốc Rôma đã nhận xét cách khách quan rằng: “Kìa xem họ yêu thương nhau là dường nào”.
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết bắt chước đời sống của cộng đoàn tín hữu sơ khai tin tưởng vào Chúa, luôn trung thành yêu mến gắn bó với Giáo Hội, biết sống hiệp nhất với anh em và sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người bằng tình yêu mến chân thành, nhất là biết luôn nghĩ đến mưu cầu lợi ích cho tha nhân, với lòng tín thác vào lòng thương xót Chúa.



HÌNH ẢNH NGÀY MỪNG BỔN MẠNG

NHÓM HIỆP HỘI LÒNG THƯƠNG XÓT











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...