Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
TIN CÓ VỮNG, LỜI CHỨNG MỚI THUYẾT PHỤC

Lm. Seoka

Sách CVTĐ, thánh Luca ghi lại những hoạt động chính yếu của các môn đệ thời GH sơ khai. Tất cả những hoạt động ấy đều nhắm đến đích điểm là: “làm chứng nhân” cho Chúa theo lệnh truyền của Người trước khi về trời;  khởi đi từ thành Giêrusalem cho đến tận cùng thế giới. “Anh em hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Lệnh truyền trên đây cho thấy tính toàn cầu của sứ điệp Phục sinh. Niềm vui Phục sinh không chỉ dành cho người Do Thái hay cho người Samari, mà cho cả thế giới. Nhưng làm thế nào để lời chứng của người Kitô hữu đáng tin cậy và thuyết phục được người nghe?
Tin mừng hôm nay cho biết, trước khi ý thức các tông đồ về sứ mạng “làm chứng nhân” cho Tin mừng, Chúa Giêsu phục sinh đã phải dùng mọi cách để thuyết phục các môn đệ tin thật sự vào sự phục sinh của Người. Trước đó Người đã hiện ra với các bà phụ nữ đạo đức, với bà Maria Macđala, với hai đệ trên đường Emmau và với Phêrô. Nhưng hình như niềm tin của đa số các môn đệ hãy vẫn còn chưa vững chắc. Nên lần này trong khi các môn đệ họp nhau đông đủ, Người lại hiện đến với các ông lần nữa, với hy vọng xóa tan đi những mối nghi ngờ nơi các ông.
Để minh chứng Người thực sự sống lại, lần hiện ra này, Chúa Giêsu đã phải dùng đến nhiều dấu chỉ khác nhau:
- Trước hết Người chấn an và trao chúc bình an cho các ông.
-  Tiếp đến, Người mời gọi các ông xem tay và cạnh sườn Người.
-  Thấy họ vẫn còn bối rối tưởng là ma, Người tiếp tục kêu gọi các ông đụng chạm đến thân thể Người.
- Ấy vậy mà hình như họ vẫn còn bán tin, bán ngờ, nên Người lên tiếng hỏi xem: "Ở đây các con có gì ăn không? Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ". 
- Cuối cùng, Chúa Giêsu phải dùng đến những lời đã được nói “trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Đặc biệt là Người phải khai mở tâm trí cho họ, nhờ đó họ mới hiểu được lời Thánh Kinh đã nói về Người: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".
Qua đây cho thấy để tin vào Chúa phục sinh không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng cần phải có thời gian. Hiểu rõ đầu óc thực nghiệm như Tôma nơi các môn đệ, nên Chúa Giêsu phục sinh phải kiên nhẫn hiện ra với các ông nhiều lần, bằng nhiều cách và ở nhiều nơi khác nhau.
Điều này cũng ngầm cho ta hiểu rằng: để thuyết phục người khác tin vào Tin mừng phục sinh không phải là chuyện dễ dàng. Trước hết bản thân người rao giảng Tin mừng phải có một đức tin kiên vững vào Chúa phục sinh. Bởi có xác tín niềm tin vào Chúa phục sinh (vào sự sống lại mai sau, vào thưởng phạt, vào thiêng đàng hỏa ngục…), ta mới dám sống và chết cho niềm tin và sứ mạng của mình, như thánh Phêrô và Gioan đã xác quyết mạnh mẽ: "Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe" (Cv 4,19); và có xác tín vào mầu nhiệm Phục sinh thì lời chứng của ta mới có sức thuyết phục người nghe.
Nhưng điều quan trọng hơn hết, qua đây giúp ta ý thức rằng: sứ mạng truyển giáo (loan báo tin mừng) là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhưng đầy cam go thử thách, đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan thích ứng từng hoàn cảnh và không nên nóng vội, vì “mưa dầm thấm đất”. Đó cũng chính là kinh nghiệm của các tông đồ xưa và của GH trãi qua hơn 2000 năm nay. 
Chúa đã trao ban cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho Chúa ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, đặc biệt khi lãnh nhận bí tích thên sức.  Xin Chúa Thánh Thần kiện toàn đức tin vững vàng nơi chúng ta, để ta hăng say dấn thân cho công cuộc truyền giáo theo gương các tông đồ xưa, cho dẫu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ngay cả nguy hại đến mạng sống. Bởi ta tin rằng: Chúa Phục sinh chính là ánh sáng, niềm vui, lẽ sống và hy vọng cho những ai đang u sầu thất vọng vì phải đối mặt với một tương lai tăm tối, mịt mù. 
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
Dẫn:
Tin mừng hôm nay trình thuật lại 2 lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ. Lần 1 với hai môn đệ Emmaus và lần 2 với các môn đệ khác đang họp nhau cầu nguyện. Cả hai lần hiện ra, Chúa Giêsu đều phải dùng nhiều cách thức để minh chứng Người đã sống lại để củng cố niềm tin cho các ông. Sau đó, Người thúc đẩy các ông ra đi loan báo niềm vui phục sinh cho người khác. Xin Chúa củng cố niềm tin vững vàng nơi chúng ta để chúng ta nhiệt tâm làm chứng cho niềm vui tin mừng.

Suy niệm:
Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta thường dùng cái biết chủ quan của mình để phê phán một vấn đề, hay là để đánh giá một sự việc nào đó. Nhưng thật sự cái biết chủ quan của ta dễ mắc sai lầm vì chúng ta không thể thấy và nắm bắt hết những góc cạnh của vấn đề, sự việc. Nhất là về các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính vì thế mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn và hiểu biết đúng đắn về mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh, nhờ đó mà  ta mới có thể nhiệt tâm làm chứng nhân cho Người.
- Bài đọc 1 thuật lại rằng: Sau khi Phêrô chữa lành cho một người què tại cửa đền thờ, thì có rất nhiều người lấy làm ngạc nhiên, bàn tán xôn xao. Nhân cơ hội đó, Phêrô lên tiếng xác nhận về 2 sự thật:
1. Phép lạ ông chữa người què được khỏi, không do khả năng tài giỏi của ông, nhưng đó là do ơn ban của Chúa, nhờ uy danh Chúa Giêsu.
2. Phêrô nhắc lại vụ án Đức Giêsu. Ngài quả quyết rằng: Sở dĩ người Do Thái bắt giết Đức Giêsu là bởi vì họ không biết. Hay nói đúng hơn là họ đã dùng chính cái biết hạn hẹp của mình, để suy diễn về mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người nên họ đã đóng đinh Chúa của mình vào thập giá. Nhưng giờ đây Người đã sống lại, điều này minh chứng Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Messia. Vì thế Phêrô kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin nhận Người để được ơn cứu độ.
- Bài đọc 2, trích thư thứ nhất của thánh Gioan. Trong lá thư, ngài hướng các tín hữu đến cái biết đích thực, không phải chỉ là cái biết lý trí theo quan niệm thuyết ngộ đạo mà là cái biết của đức tin. Để thể hiện sự hiểu biết ấy họ phải tin nhận, yêu mến và thi hành điều luật mà Chúa Giêsu chỉ dạy. 
- Còn bài Tin mừng cho biết, sở dĩ các môn đệ thất vọng, buồn bả và sợ hãi vì các ông chưa biết chính xác về Đức Giêsu mà các ông theo đuổi suốt những năm tháng qua.
Với hai môn đệ Emmau thì cứ ngỡ Đức Giêsu chính là một vị tiên tri có quyền năng trong lời nói và việc làm, nên hai ông theo Người với hy vọng sẽ được đổi đời, được hưởng bổng lộc sau này. Nhưng không ngờ với cái chết của thầy Giêsu thì tất cả mộng vàng tan mau. Nên giờ đây hai ông phải lê từng bước nặng trĩu trở về chốn xưa.
Với các môn đệ khác thì nghĩ rằng Đức Giêsu chính là một vị ngôn sứ vĩ đại, là một Đấng mà các ông hoàn toàn có đủ lý do để hy vọng rằng: Người sẽ đứng lên khôi phục lại vương quốc Israel. Vì thế mà trước đây có lần hai người con ông Dêbêđê đã không ngần ngại xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên hữu và bên tả khi Người lên làm vua. Nên khi chứng kiến giây phút Đức Giêsu tắt thở trên thánh giá, họ mới nhận ra rằng: đó chỉ là cái biết nông cạn theo cách suy diễn trần tục của các ông. Vì thế mà khi hiện ra, Chúa Giêsu Phục sinh phải dùng đủ mọi cách để thay đổi cái hiểu biết của các ông, nhất là Chúa phải dùng đến Thánh kinh và nghi thức bẻ bánh mới mở mắt được các ông hiểu đúng đắn về Người. Có thể nói chính Lời Chúa và Bí tích Thánh thể là phương thế hữu hiệu giúp cho các môn đệ nhìn ra khuôn mặt đích thật của Đấng phục sinh.
Chúng ta chỉ sống đạo một cách đầy đủ ý nghĩa khi chúng ta có một sự hiểu biết đúng đắn về Đấng phục sinh. Sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ có được bằng sự chăm chú lắng nghe Lời Chúa và tích cực tham dự Thánh lễ. Biết rằng có những lúc Lời Chúa đi ngược lại với những ước mơ và dự định của ta, có khi việc tham dự Thánh lễ đòi hỏi chúng ta một sự hy sinh rất nhiều. Thế nhưng đó chính là những bài học không bao giờ cũ cho những ai muốn tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình; đó cũng cơ hội cần thiết để Chúa ban ơn thánh, vốn là điều rất cần cho đời sống chúng ta. Ngoài ra Thánh Gioan còn có thêm một gợi ý rất quan trọng nhằm giúp chúng ta thể hiện sự hiểu biết của mình về Chúa, đó là chu toàn các giới răn của Người: "Ai nói mình biết Đức Giêsu mà không giữ các giới răn của Người, thì người đó không sống trong sự thật."
Nguyện xin Đức Kitô phục sinh đồng hành với chúng ta luôn mãi. Đồng hành mỗi khi chúng ta nghe Lời Chúa và hiệp dâng Thánh lễ, để mỗi ngày chúng ta thêm hiểu biết về Chúa cách đúng đắn hơn. Đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời này, để chúng ta sống niềm tin và làm chứng về niềm tin cho những người chúng ta gặp gỡ. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...