SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY
TUẦN II PHỤC SINH
Lm. Seoka
Lễ Truyền Tin
Suy niệm 1:
Cùng với Giáo Hội, hôm nay chúng ta long
trọng mừng Lễ Truyền Tin. Kỷ niệm biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức
Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho
con người.
Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên
Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế
và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Đức
Maria khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để
chương trình cứu độ của Chúa nơi ta được hoàn thành tốt đẹp.
Mỗi khi đọc kinh kính mừng, chúng ta nhắc
lại lời truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria xưa: “kính mừng
Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….” cũng
đồng nghĩa với lời Thiên Thần: “Mừng vui lên, Đấng đầy ơn phúc. Thiên
Chúa ở cùng bà…”.
Lời truyền tin này là một lời chào chúc
quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ có ơn phúc nào cao lớn cho bằng
ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng
ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có
hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên
Chúa. (được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống
chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng
khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa
như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý
định Thiên Chúa, dù không hiểu hết nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn
vâng nghe.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt
ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta thấy không thể thực hiện được,
nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể. Từ không Chúa đã tạo thành
vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Chỉ cần bùn đất Chúa đã tạo dựng con
người bằng hơi thở của Chúa. Với quyền năng bà chị họ Isave son sẻ đã mang thai
và sinh con. Còn với Đức Maria việc cưu mang Đấng Cứu Thế mà vẫn đồng trinh là
chuyện bình thường. Miễn chúng ta sẵn sàng để Chúa hành động nơi chúng ta như
Đức Maria.
Tuy Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự.
Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.
Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ
phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên
Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.
Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ
bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của
mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn
tất.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức
Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã
ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của
Thiên Chúa được thực hiện.
Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi
chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên
con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”.
Xin cho chúng ta tích cự cộng tác với ơn
cứu độ của Chúa để cứu chính mình và tha nhân.
Suy niệm 2:
Trước ơn phúc lớn lao, Đức Maria đã bối
rối và muốn tìm hiểu xem sự việc sẽ xảy đến như thế nào? Một khi nhận biết là ý
định Thiên Chúa Đức Maria sẵn sàng vâng theo chứ không hề nghi ngờ, hay kém tin.
Trước những thử thách, khó khăn, đau buồn
trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta bị lung lay, nghi ngờ và than trách người,
than trách Chúa, ít khi chúng ta bắt chước Đức Maria tìm hiểu xem Chúa muốn gì
qua những biến cố vui buồn, thành công thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh ấy
trong cuộc sống. Mỗi biến cố đều có sứ điệp Chúa gởi đến ta mong ta đọc ra mà
điều chỉnh đời sống theo thánh ý của Chúa. Chúa luôn đi qua cuộc đời chúng ta,
nhưng chúng ta lại không gặp Ngài. Chúa luôn đồng hành với ta nhưng ta lại
không nhận ra Ngài. Chúa hằng gõ cửa nhà chúng ta nhưng ta lại không nhận ra
tiếng Ngài.
Xin cho chúng ta biết để tâm suy niệm các
biết cố trong đời để nhận ra lòng thuơng xót của Chúa như Đức Maria. Amen
(Viết theo Hạt Giống Nẩy Mầm, của cha
Carôlô Hồ Bặc Xái)
Thứ hai (Ga
3,1-8)
Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa
Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Qua cuộc đối thoại này, Chúa giải thích cho ông
Nicôđêmô hiểu được ý nghĩa của việc “tái sinh”; đồng thời Chúa Giêsu cũng cho
ông ta biết giá trị và mục đích của việc “tái sinh” là được làm
con Chúa và được vào nước trời.
Xin cho chúng ta biết quý trọng những ơn ích
Chúa ban trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Cho chúng ta biết từ
bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu, gìn gữ tâm hồn trong trắng, sống xứng đáng là con
Chúa.
Nicôđêmô, thủ lãnh người Do Thái, có
địa vị, có học thức cao và là thành phần trong công
nghị, được mọi người kính nể. Nghe những lời giảng dạy và chứng kiến những
phép lạ Chúa Giêsu làm, ông cảm phục, tin nhận Chúa Giêsu là tôn sư đến từ
Thiên Chúa. Tuy nhiên vì có nhiều điều làm ông thắc mắc nên không ngại đêm
khuya, kín đáo tìm đến Chúa Giêsu, trong khiêm tốn xin Chúa giải đáp.
Nghe những lời giảng hay, chứng kiến nhiều
phép lạ nếu để vui tai, thích mắt thì chẳng ích lợi gì nếu bản thân chúng ta
không thay đổi trở nên tốt hơn. Giảng dạy và phép lạ chỉ là phương tiện,
nước trời mới là đích điểm.
Nhưng làm thế nào để đạt được nước trời?
Trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã
chỉ cho ông cách thức rất cụ thể để vào nước trời đó là phải “tái
sinh”. Nicôđimô, chỉ hiểu tái sinh theo nghĩa xác thịt, theo cách thức tự
nhiên nên ngây ngô thốt lên: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra
được? chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”.
Chứng tỏ ông không hiểu việc tái sinh theo nghĩa siêu nhiên mà Chúa
Giêsu đề cập đến :“Tái sinh bởi nước và Thần Khí”.
Để là người, chúng ta phải được sinh ra bởi
cha mẹ. Các ngài đã truyền cho chúng ta sự sống tự nhiên. Để trở nên
người, chúng ta phải được hướng dẫn giáo dục nhờ gia đình và xã hội. Nhưng
để trở thành người con Chúa, chúng ta phải được sinh lại trong Chúa Thánh Thần
nhờ bí tích rửa tội. Qua bí tích rửa tội Chúng ta được Chúa ban cho sự sống
siêu nhiên.
Như thế, để làm người và nên người, chúng ta
phải được sinh ra theo lối tự nhiên bởi cha mẹ. Nhưng để là người con Chúa,
chúng ta phải được sinh ra theo lối siêu nhiên bởi nước và Thánh Thần qua bí
tích rửa tội. Nhờ tái sinh qua bí tích rửa tội, chúng ta được Chúa tha thứ
tội lỗi, được làm Con Chúa, được gia nhập vào Hội Thánh, được trở nên tạo vật mới
mặc lấy Đức Kitô và được kêu mời trở nên ánh sáng giữa trần đời.
Chúa Giêsu đã chết để tiêu diệt sự chết và
sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Vì thế chúng ta được Chúa kêu mời
chết đi cho con người cũ bất tòan, tội lỗi để sống con người mới hoàn hảo nhờ
được tái sinh trong Chúa.
Xin cho chúng ta biết ý thức gìn giữ và phát
huy ơn trọng đại làm con Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa
tội. Biết chừa bỏ tội lỗi, tính hư nết xấu mà sống con người mới
thánh thiện tốt lành, trở nên ánh sáng tin mừng phục sinh soi chiếu vào trần
đời còn nhiều bóng tối, hầu xứng đáng được vào Nước Chúa.
Thứ ba
(Ga 3,7b-15)
Suy niệm 1:
Xây dựng Họ đạo trở thành một cộng đoàn hiệp
thông là một trong những tiêu chí mà GH luôn hướng đến. Điều này đã được HĐGM
VN nhấn mạnh đến trong thư mục vụ năm 2015, “Tân phúc âm đời sống Giáo
xứ”.
Nhưng làm thế nào để xây dựng Họ Đạo trở thành
một cộng đoàn hiệp thông?
Thư mục vụ 2015 mời gọi chúng ta hãy chiêm
ngắm và noi gương đời sống cộng đoàn tín hữu thời GH ban đầu được sách CVTĐ hôm
nói đến. Đó là một cộng đoàn tín hữu không những hiệp thông bên ngoài: “…đối
với họ, mọi sự đều là của chung”, nhưng trên hết là bên trong “một
lòng một ý”. Qủa là cộng đoàn tín hữu tuyệt đẹp, đáng mơ ước!
Vậy nhờ vào đâu mà cộng đoàn GH non trẻ làm
được điều kỳ diệu ấy?
Có phải nhờ tài năng lãnh đạo của các tông đồ
không? Chắc chắn là không. Vì các tông đồ đa phần là những người bình dân học
vụ, kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo non nớt.
Có phải nhờ vào tình trạng dân trí cao và hiểu
biết giáo lý sâu rộng không? Chắn chắn là trình độ hiểu biết về giáo lý, kinh
thánh cũng như kiến thức khoa học của các kitô hữu bấy không sánh được như ngày
nay…
Có phải nhờ vào nền kinh tế phát triển phồn
vinh và đời sống vật chất dân chúng bấy giờ dư đầy không? Chắn chắn là không!
Vậy nhờ đâu?
Thưa nhờ sức mạnh của đức tin.
Tin vào quyền năng của Thiên Chúa nên họ không
ngại từ bỏ ý riêng để cùng tùng phục ý Chúa.
Tin vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô
do các tông đồ làm chứng nên họ đã vượt lên những ích lợi vật chất đời này mà
mưu tìm giá trị vĩnh cửu mai sau.
Tin vào uy tín và thế giá của các tông đồ nên
họ sẵn sàng gom góp của cải mình có đem đến đặt dưới chân các tông đồ làm của
chung.
Trên hết là vì họ tin vào tình yêu chân thành
của nhau và xem nhau như là anh em một nhà nên mong muốn “không ai phải
thiếu thốn điều gì”.
Đã có thời nhiều quốc gia, nhiều triết thuyết
muốn xây dựng xã hội thành một cộng đoàn hiệp thông như cộng đoàn của các Kitô
hữu đầu tiên, nhưng đều thất bại. Bởi lẽ sự hiệp thông ấy không đến từ sức mạnh
con người, nhưng đến từ sức mạnh bởi ơn trên. Chính vì thế mà trong bài Tin
mừng hôm qua Chúa Giêsu xác quyết mạnh mẽ với Nicôđêmô: “…không ai có thể
thấy nước Thiên Chúa , nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.(Ga
3, 3). Chính nhờ ơn ban của Thiên Chúa và sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh
Thần, con người mới có thể tin nhận vào Chúa Giêsu, Đấng từ trời xuống, nhờ đó
mà được sống muôn đời như lời Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô trong bài Tin mừng
hôm nay .
Như thế để xây dựng Họ đạo thành một cộng đoàn
hiệp thông theo mô hình của các kitô hữu ban đầu, cần phải có đức tin: Tin vào
Thiên Chúa quyền năng, tin vào uy tín và thế giá của GH cũng như tin vào sự
chân thành của nhau. Mà đức tin là một ân ban từ trên cao và từ bên
trong. Vì thế chúng ta tha thiết xin Chúa củng cố niềm tin
nơi mỗi người chúng ta. Nhờ đó chúng ta mới có thể xây dựng Họ đạo trở
thành một cộng đoàn hiệp thông như cộng đoàn các tín hữu ban đầu.
Suy niệm 2:
Qua cuộc đàm đạo với Ni-cô-đê-mô trong bài Tin
mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận cho biết về nguồn gốc và vai trò của Người
trong việc cứu độ con người.
Trước hết Chúa Giêsu minh chứng về nguồn gốc
của Người.
Nguồn gốc của Người đến từ trời cao, nên Người
biết và thấy hết những điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời. Điều kiện
cần thiết ấy chính là “phải được sinh lại bởi ơn trên”. Bởi vậy trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy các tông đồ
đi loan báoTin Mừng và rửa tội cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép
Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án…” (Mc 16, 15-16).
Tiếp đến Chúa Giêsu cho biết vai trò của Người
trong việc cứu độ.
Với hình ảnh con rắn đồng được treo trong sa
mạc thời Mô-sê đã cứu chữa những người bị rắn lữa cắn khỏi chết, nhờ tin nhận
và nhìn lên rắn đồng, Chúa Giêsu mời gọi Nicôđêmô hãytin vào Ngài để được
cứu độ.
Nếu xưa kia nguyên tổ đã nghe lời cám dỗ của
ma quỷ, đưa tay hái trái cấm trên cây mà ăn để rồi nhận lấy án tử, thì nay với
cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Giá trở thành cây
quả phúc, Chúa Giêsu trở nên trái chín thơm lành, mang lại sự sống trường sinh
cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài và can đảm ăn lấy Ngài.
Tin tưởng nhìn lên Ngài và ăn lấy Ngài, đồng
nghĩa với việc chấp nhận đồng thân, đồng phận, và đồng tử với Chúa Giêsu trên
con đường khổ giá.
Như thế để được sự sống đời đời ngoài điều
kiện được sinh lại bởi ơn trên nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta còn
phải can đảm dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, qua việc chấp
nhận những thử thách, gian nan, khốn khó ở đời này với lòng tin tưởng
vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong mùa
phục sinh này, biết ý thức sống trọn vẹn ơn tái sinh làm con Chúa, dưới sự tác
động của Chúa Thánh Thần; nhất là luôn can đảm chấp nhận vác thập giá mình,
bước theo Chúa Giêsu trong niềm xác tín: “Nếu
chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người…”.(Rm 6,8).
Thứ tư (Ga 3,
16-21)
Suy niệm 1
Cùng với GH chúng ta đang sống trong năm thánh
của lòng thương xót Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua
suốt chiều dài lịch sử và rộng khắp mọi nơi, mọi thời. Lòng thương xót của Chúa
cũng thể hiện qua muôn vàn cách thế với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể phụng
vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhận ra một vài cách thế của lòng thương xót
Chúa.
Bài đọc I cho biết: lòng thương xót Chúa
được thể hiện qua sự quan phòng kỳ diệu bằng việc giải thoát các tông đồ ra
khỏi ngục tù trong đêm tối, nhờ vào sự hướng dẫn của vị Thiên Sứ Chúa sai đến;
cũng như qua sức mạnh hỗ trợ của dân chúng, khiến cho các thượng tế phải dè
chừng trước những hành động sai trái của họ.
Còn bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho
Nicôđêmô biết về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa qua việc trao ban
chính Người Con yêu dấu của Ngài “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến
nỗi dã ban chính người con của Ngài là đức kitô. Để ai tin vào người con ấy thì
không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”.
Lòng thương xót của Chúa thật vô biên. Đáng lẽ
vì phạm tội con người phải nhận lấy đau khổ và án chết đời đời, nhưng vì lòng
thương xót, Thiên Chúa đã hy sinh chính con mình là Đức Giêsu. Để nhờ và qua
Người Con ấy, con người được cứu độ.
Thánh Gioan xác quyết: Đức Kitô chính là Ánh
Sáng. Chúa đã đến thế gian nhằm xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết. Vì thế
từ nay ai tin nhận và bước theo Ánh Sáng ấy soi dẫn thì sẽ không chết trong
bóng đêm tội lỗi, nhưng sẽ được sự sống đời đời trong ánh sáng vinh quang.
Nhưng khốn thay thế gian lại sợ ánh sáng và
thích bóng tối, bởi vì ánh sáng phơi bày tội ác xấu xa của họ. Vì thế mỗi chúng
ta hãy can đảm bước vào vùng sáng chân lý, hãy mạnh dạn khướt từ bóng tối của
đam mê dục vọng và sự dữ, nhờ đó ánh sáng của lòng thương xót Chúa mới được lan
tỏa đến mọi người và mọi nơi.
Xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh được thắp lên
trong lòng của mỗi chúng ta để ta lan tỏa ánh sáng lòng thương xót Chúa đến
những nơi còn sống trong bóng tối tử thần với hy vọng mọi người tin nhận ánh
sáng của lòng thương xót Chúa mà được cứu độ..
Suy niệm 2:
Ánh sáng và bóng tối, sống và chết luôn tồn
tại nơi trần gian và trong mỗi người chúng ta. Muốn bước đi trong ánh sáng để
được sự sống đời đời, chúng ta cần phải đến cùng Đức Giêsu, nguồn ánh sáng
và là Đấng ban sự sống.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình
ảnh Ánh Sáng để chỉ về Người.
Ánh sáng là thứ quan trọng và gần gũi với con
người. Ánh sáng rất cần thiết cho sự sống. Không có ánh sáng thì không có sự
sống. Thảo mộc , súc vật và con người nếu không có ánh sáng thì sẽ chết.
Ánh sáng giúp cho con người thấy nhau, thấy
được vẽ đẹp vũ trụ vạn vật, phân biệt được màu sắc và cảnh vật.
Trong lãnh vực siêu nhiên, Chúa Giêsu muốn nói
đến sự cần thiết của Ngài như ánh sáng không thể thiếu. Không có Người thì tạo
vật không được tạo thành. Không có Người không có ơn cứu rỗi. Không có Người
không có sự sống đích thực nơi con người.
Nhưng con người chúng ta lại sợ ánh sáng và
ngại đến cùng ánh sáng vì ánh sáng phơi bày tội lỗi chúng ta trước mặt Chúa và
mọi người, nên chúng ta yêu bóng tối hơn ánh sáng.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can
đảm đẩy lui những bóng tối của gian dối, bất công, chia rẽ hận thù và sự
chết ra khỏi tâm hồn và môi trường sống của ta.
Xin cho chúng ta luôn yêu thích tắm dội
ánh sáng chân lý, tình thương và sự sống của Chúa Giêsu vào cuộc đời ta.
Suy niệm 3:
Sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, con người
không còn khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, thật giả…vì thế, hơn bao giờ
hết con người ngày hôm nay cần có ánh sáng thật soi đường, chỉ lối.
Chúa Kitô, ánh sáng thật, đến trần gian để soi
đường chỉ lối. Xin cho chúng ta tin nhận và sống theo sự hướng dẫn của Ngài.
Ánh sáng là chủ đề tài nổi bậc trong tin mừng:
Ngay những trang đầu của tin mừng, thánh Gioan
đã cho biết Chúa Giêsu chính là “ánh sáng, ánh sáng thật, ánh sáng đến
trần gian và chiếu soi mọi người”.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng là ánh
sáng thế gian và Ngài mời gọi con người đi trong ánh sáng của Ngài.
Từ hai ngàn năm qua, Ngôi Lời Thiên Chúa đã
chiếu ánh sáng Thiên Chúa vào trần gian. Người mang lửa xuống trần gian. Người
mong ước cho ngọn lửa ấy cháy bừng lên, lan rộng ra. Nhưng nhìn vào tình hình
thế giới hôm nay, ta thấy bóng tối vẫn còn vây phủ con người.
Bóng tối chết chóc của chiến tranh, hận
thù, của ô nhiễm môi trường, của đói nghèo, áp bức, phân biệt chủng tộc, của
nền văn hóa sự chết giết hại cả những mầm mống sự sống.
Bóng tối tội lỗi. Tội lỗi vẫn tiếp tục lan
tràn. Sự dữ nổi lên dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguy hiểm nhất là người ta
đánh mất cảm thức về tội lỗi, thản nhiên sống trong tội, sống chung với tội
lỗi.
Bóng tối của hận thù ghen ghét. Trong thế giới
văn minh mà con người hô hào hôm nay, vẫn còn có những người say máu giết hại
đồng bào của mình, gây nên tội ác diệt chủng. Vẫn có những thế lực đen tối ngấm
ngầm gây chia rẽ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các cộng đoàn, hội thánh...
Sống trong xã hội tràn ngập bóng tối của sự
chết, của tội lỗi và hận thù…như thế, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta
phải chiếu giãi trước mặt mọi người.
“Các con là ánh sáng thế gian”. Ngày nhận lãnh
bí tích rửa tội, Giáo Hội trao cho ta cây nến sáng để nhắc nhớ chúng ta hãy gìn
giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng mãi trong suốt cuộc đời.
Cây nến phục sinh mà người kitô hữu chúng ta
thắp lên trong đêm lễ phục sinh nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ mang ánh sáng Chúa
Kitô chia sẻ cho mọi người chung quanh.
Xin Chúa giúp chúng ta tẩy sạch mọi bóng tối
tội lỗi, để thực sự được sinh lại cùng với Đức Giê-su. Trở nên con cái sự sáng
bằng đời sống tươi vui, an hoà, khiêm nhường, nhịn nhục, yêu thương, đoàn kết
đến cho anh em.
Thứ năm (Ga
3,31-36)
Suy niệm 1:
Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Chọn
đúng làm cho cuộc sống trở hạnh phúc. Chọn lựa sai sẽ làm cho ta bất hạnh. Chọn
lựa là quyền tự do căn bản của con người. Chính quyền ấy đã được Thiên Chúa ban
tặng và luôn tôn trọng. Vì thế chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn
ấy.
Phụng vụ lời chúa hôm nay đặt ra cho các tông
đồ và Nicôđêmô những lựa chọn.
Bài đọc I đặt ra cho các tông đồ đứng trước
giữa hai chọn lựa:
Chọn nghe theo lời các thượng tế im lặng trước
sự thật về sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu thì được an phận. Còn nếu lên tiếng
rao giảng và làm chứng cho sự thật ấy thì sẽ nguy hại đến bản thân. Nhưng nhờ
ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các ngài đã mạnh mẽ chọn đứng về
sự thật: “Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người
phàm”.
Còn bài tin mừng hôm nay thì Chúa Giêsu lại
đặt ra cho Nicôđêmô về hai chọn lựa: tin hay không tin vào Ngài. Chúa Giêsu
nói:“Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài nói những lời
của Thiên Chúa… ai tin vào Ngài thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào
Ngài, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng
trên người ấy”. Ta không biết sau đó ông đã chọn lựa thế nào, bởi tin mừng
bỏ ngỏ. Điều này khiến chúng ta lại phải nghĩ đến quyết định lựa chọn của mỗi
người chúng ta.
Đúng vậy, chọn lựa luôn gắn liền với đời sống
chúng ta. Nhìn lại cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy mình thích chọn lựa
những gì xem ra nhẹ nhàn, dễ dãi, không thích chọn gian khổ hy sinh; chúng ta
thích chọn nghe những lời ngon ngọt, a dua, ngợi khen chúc tụng hơn là những
lời chân thật, bởi lời thật thì đắng lòng. Cũng thế chúng ta thường thích nói
những lời của con người hơn là nói những Lời của Chúa. Chúng ta thích chọn lựa
đứng về lợi ích nhóm hơn là đứng về những ai cô thế cô thân. Chúng thường hay
chọn im lặng trước dối trá hơn là bên vực cho công lý... Nhất là chúng ta hay
chọn an phận hơn là làm chứng nhân cho Chúa.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh ban dồi dào ơn khôn
ngoan và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, để chúng ta biết
chọn lựa sao cho đúng ý Chúa và can đảm sống theo sự lựa chọn ấy cho dẫu phải
hy sinh và thiệt thòi vì biết rằng mình đã làm đẹp lòng Chúa như
các tông đồ xưa. Có như vậy ta mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giêsu
phục sinh đem đến.
Suy niệm 2:
Bằng những hình ảnh đối lập: cao- thấp,
trời-đất, Chúa Giêsu muốn xác định thiên tính của Ngài và mời gọi chúng ta dấn bước
theo Ngài để được sự sống đời dời.
Chúa Giêsu xác định:
Ngài đến từ trên cao nên cao trọng hơn hết mọi
người.
Ngài được Thiên Chúa sai đi nên Ngài là Người
của Thiên Chúa.
Ngài được Thiên Chúa yêu thương trao ban thần
khí vô ngần vô hạn cũng như Chúa Cha trao ban mọi sự trong tay Ngài, điều này
xác nhận Ngài chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
Vì ngài đến từ trời cao, là Con Thiên Chúa và
là Thiên Chúa làm người, nên Ngài thấy hết, biết hết các việc trên trời. Đo đó
lời chứng của Ngài là chân thật, để ai tin vào Ngài thì được sự sống đời đời,
kẻ nào không tin thì sẽ bị luận phạt.
Là Thiên Chúa làm người và đã trãi qua kiếp
người bằng cái chết đau thương để rồi phục sinh vinh hiển trở về cùng Thiên
Chúa, nên ai tin theo con đường Ngài đã đi thì sẽ không sợ lạc đường về quê
trời.
Chúa Giêsu không chỉ vạch ra cho ta
con đường đạt đến sự sống đời đời, mà Ngài còn dấn thân tiến bước
trên con đường ấy. Vì thế chúng ta hãy vững tin tiến bước theo Ngài. Đường dẫn
về quê trời đã có, người dẫn đường đã sẵn sàng, điều quan trọng là tùy thuộc
nơi mỗi chúng ta có dám dấn thân bước theo hay không? Chúa không thể bắt
ép ta bước đi trên con đường ấy, nếu như ta không muốn.
Xin cho chúng ta biết ngước vọng về trời cao
và hướng lòng trí về quê trời vĩnh cửu mà xin cho lòng được ái mộ những sự trên
trời. Nhờ đó ta sẵn sàng dấn thân bước theo con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra
mà thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa để được Chúa thương ban cho chúng ta
sự sống đời đời.
Thứ sáu (Ga 6,
1-15)
Suy niệm 1:
“Hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa”, đó là
sứ điệp mà Chúa Giêsu gửi đến nhân loại qua thánh nữ Faustina. Sứ điệp ấy càng
được xác tín qua phụng vụ lời Chúa hôm nay.
Bài đọc I hôm nay cho biết: trong lúc mà các
giới chức lãnh đạo tôn giáo triệu tập họp hội đồng Do Thái để tìm cách tiêu
diệt các tông đồ nhằm dập tắt đạo Giêsu. Thì Chúa lại quan phòng cho một người
Pharisêu tên là Gamaliên đứng ra giữa hội đồng để phân tích thiệt hơn nếu ra
tay giết hại các tông đồ.
Sau khi ông nhắc lại các phong trào mang tính
nhân loại thuần túy nổi lên trước đây nhưng đến nay tất cả đều bị tan rã. Thì
ngay sau đó ông xác tín rằng:“Còn quả thật là do Thiên Chúa thì không thể
nào phá hủy được, không khéo lại quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”. Nghe những lời đó nên họ chùng bước, chỉ quyết định đem các tông
đồ ra đánh đòn và cấm không cho nói đến danh Đức Giêsu nữa, rồi thả đi. Dẫu bị
đánh đập nhưng các tông đồ cảm thấy “lòng hân hoan bởi được coi là
xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu và tiếp tục rao giảng và loan báo tin
mừng tại tư gia và trong đền thờ”.
Còn bài tin mừng thì tường thuật lại những
hoạt động của Chúa Giêsu bên kia biển hồ Ga-li-lê. Chiêm ngắm về tất cả những
lời nói, cử chỉ, việc làm của Chúa Giêsu được thể hiện trong bài tin mừng hôm
nay, ta nhận thấy Chúa Giêsu không chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh mà còn cả
nhu cầu vật chất của dân chúng nữa. Với lòng thương xót trước sự bơ vơ và
đói khát của đám đông dân chúng theo Ngài nên Ngài đã làm phép lạ hóa
bánh ra nhiều để nuôi sống họ.
Như thế lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu
rằng một khi can đảm tín thác vào lòng thương xót Chúa qua việc dấn bước theo
và nghe Lời giảng dạy của Ngài (bài tin mừng), cũng như hy sinh làm
chứng cho tin mừng phục sinh của Ngài (bài đọc I) thì Chúa không bỏ rơi bao
giờ.
Xin cho chúng ta luôn biết tín thác mạnh mẽ
vào lòng thương xót của Chúa để can đảm loan truyền tình thương của Ngài
cho mọi nơi dẫu phải gặp nhiều thử thách với niềm tin rằng: “có Thiên
Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta?”.
Suy niệm 2:
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã làm phép lạ
bánh hóa nhiều để nuôi đám đông. Cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của
thân xác của con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ
bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành
cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó
Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực trường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu.
Để có được của ăn mau qua, nuôi dưỡng thân
xác, con người phải ra công làm việc vất vã “đổ mồ hôi sót con mắt ”, cũng như
biết nhường cơm xẻ áo cho nhau.
Để có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh
thần và tâm linh, con người chỉ cần làm hai việc: Đến với Chúa Giêsu và Tin vào
Ngài.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái
đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu
thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông
và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai
đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được
Thiên Chúa sai đến.
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm
bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Xin cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa
Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và
Bánh Thánh, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời cho chúng
ta.
Thứ bảy Ga 6,16-21
Suy niệm 1:
Các nhà xã hội học định nghĩa: con người là
con vật có xã hội tính. Do đó không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống
với, sống cùng, sống cho, sống vì và sống nhờ nhau. Nhờ đời sống chung mà con
người được phát triển và tốt đẹp hơn nhờ vào sự tương trợ nhau. Tuy nhiên
bên cạnh đó cũng vì đời sống chung mà ta gặp phải không ít khó khăn và thử
thách
Bài đọc I hôm nay cho thấy một vấn đề khó khăn
nổi lên trong đời sống của cộng đoàn sơ khai. Đó là sự ghen tỵ phân bì xảy ra,
bởi lẽ vì những bà góa Do Thái gốc Hy Lạp chịu thiệt thòi do bị các tông đồ
quên lãng. Điều này có nguy cơ đưa đến sự chia rẻ, hận thù và trở thành
gương mù. Nhận ra nguy hại ấy, các tông đồ đã tìm cách giải quyết. Thay vì
có thể dùng quyền bính mình để răn đe khống chế, hay loại trừ họ ra
khỏi cộng đoàn thì trái lại các tông đồ khiêm tốn nhận ra sự thiếu xót của
mình vì đã không quan tâm đủ để chăm lo cho mọi người. Để đáp ứng nhu cầu chính
đáng ấy, các tông đồ đã đề nghị bầu chọn thêm 7 phó tế phụ tiếp với các ngài
chăm lo phục vụ các bà góa, dù thành phần này không được xã hội đề cao bấy giờ.
Nhờ đó mà đời sống của cộng đoàn trở nên êm ấm.
Bài Tin mừng hôm nay thì nêu lên những sóng
gió mà các tông đồ gặp phải khi xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ trong đêm
tối. Trong bóng đêm ngoài việc phải vất vả chống chọi với sóng to gió lớn,
các ông còn phải đối mặt với sự sợ hãi kinh hồn khi thấy Chúa Giêsu đi
trên mặt biển đến với họ, vì tưởng là ma. Nhưng nhờ lời trấn an của Chúa
Giêsu: “Thầy đây mà, đừng sợ!”, khi ấy các ông mới tìm lại
bình an và đưa con thuyền cập bến an toàn.
Cuộc đời ta của chúng ta có lúc yên bình nhưng
cũng có lúc sóng gió nổi lên khiến ta sợ hãi bất an. Xin Chúa phục
sinh luôn ở bên để che chở, chấn an và giúp ta biết chọn lựa hướng sống
tốt đẹp theo thánh ý Người, nhờ đó con thuyền đời ta dễ dàng vượt
qua sóng gió hiễm nguy của biển đời trần gian mà đạt đến bến
bờ của an vui và hạnh phúc nhờ ơn ban của Chúa.
Suy niệm 2:
Suy niệm về bài tin mừng hôm nay, ta nhận ra
rằng:
Các môn đệ chính là mỗi người chúng ta.
Con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội.
Biển Hồ là hình ảnh trần gian.
Đêm tối, bảo tố, gió mạnh là những thử thách
do ma quỷ gây nên.
Bờ bên kia là hạnh phúc nước trời mà con người
cần vươn tới.
Cũng như các môn đệ xưa, chúng ta đã bước
vào con thuyền của Giáo Hội khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Cùng với con
thuyền Giáo hội, chúng ta đang tiến bước trên biển đời trần gian.
Giống như con thuyền của các môn đệ bị những
cơn sóng to, gió lớn đánh dữ dội, thì ở mọi thời, mọi nơi Giáo Hội cách chung,
cách riêng mỗi chúng ta cũng đương đầu với những chống đối, những vu
khống, bôi nhọ và loại trừ do thế lực ma quỷ gây ra.
Có khi những bóng tối, những vết đen đáng tiếc
xảy ra trong Giáo Hội cách chung hay những đau khổ, những thất bại và
những bất hạnh xảy đến cho bản thân, làm cho ta dao động,
mất hướng sống. Khi đó là lúc thuyền đời của ta đang đi trong đêm
tối đức tin, đến nỗi ta muốn buông xuôi tất cả.
Quan trọng là Chúa Giêsu phục sinh không bỏ
rơi chúng ta khi gặp gian nan thử thách. Chính lúc đó, Chúa sẽ ra tay
cứu giúp chúng ta, không để cho sóng gió nhận chìm chúng
ta vì “Ơn Ta đủ cho con”. Ngài vẫn ở bên Giáo Hội. Ngài
luôn đồng hành và hiện diện bên mỗi người chúng ta. Ngài ban Chúa Thánh
Thần hướng dẫn Giáo Hội và ban ơn trợ giúp chúng tađủ sức lướt thắng mọi
sóng to gió lớn và dìu bước chúng tacập bến bình an,
nếu chúng ta tin tưởng cậy trông phó thác vào Ngài.
Xin Chúa phục sinh ban thêm lòng tin kiên
vữngnơi chúngcon, để dù trong bất cứ hoàn cảnh
thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin,
chúng con vẫn an tâm tiến bước trên biển đời. Xin Chúa luôn hiện diện và đồng
hành với chúng con, để đưa dẫn chúng con đạt tới bến bờ bình an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét