Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

 

DẪN LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Sưu tầm 

Dẫn vào Thánh lễ:

Cùng với GH, hôm nay chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam.

Các ngài là cha ông, tổ tiên của chúng ta. Khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi noi gương các ngài để can đảm sống chứng nhân đức tin giữa lòng đời trong bối cảnh hôm nay.

Người chứng nhân của thời đại hôm nay chính là dám chấp nhận lội ngược dòng để sống căn tính, cốt lõi của Tin Mừng, đó là: chấp nhận đứng về phía người thấp cổ bé họng, những người không có tiếng nói, bị loại ra bên lề nhằm bênh vực và lên tiếng thay cho họ khi quyền chính đáng của họ bị cướp đoạt.

Tử đạo ngày nay còn là lựa chọn và khước từ trước những cám dỗ, lôi cuốn, hấp dẫn để trục lợi cá nhân, an thân, ăn trên ngồi trước, ham quyền cố vị..., hay chạy đua những dục vọng, dâm ô, khát vọng bất chính, sống trác táng, phóng đãng... Khi khước từ những thứ đó, chúng ta được mời gọi để sống một cuộc sống công minh chính đại, sống tinh thần phục vụ vô vị lợi theo lời mời gọi của Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Như vậy, cùng một lời mời gọi nên thánh, chung một lý tưởng hoàn thiện, nhưng mỗi thời đại, chúng ta được thúc đẩy thể hiện niềm tin của mình bằng một cung cách nhau đó là ý nghĩa chính yếu trong việc mừng kính các thánh tử đạo hôm nay.

 Dẫn vào bài đọc 1: 2Mcb 7,1-2.9-14

Bảy anh em và người mẹ can đảm chịu hình khổ và chịu chết, để làm chứng cho Chúa, vì tin chắc sẽ được sống lại hưởng phước muôn đời. Ðó là nội dung bài đọc sau đây.

Dẫn vào bài đọc 2: Rm 8,31-39

Bài đọc thứ hai trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma, cho thấy xác tín của thánh nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

 Dẫn vào bài Tin Mừng: Ga 15,18-21

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho chúng ta là môn đệ Người biết: thế gian đã bắt bớ Người thì họ cũng sẽ bắt bớ chúng ta, vì họ không tin Người và Chúa Cha là Ðấng đã sai Người.

 

II. Dẫn vào Thánh lễ 2:

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của chúng ta cũng là bằng chứng hùng hồn của sức mạnh của Thiên Chúa qua sự yếu đuối của con người.

Trải qua chiều dài nhiều thế kỷ, từ khi hạt giống đức tin được gieo vào lòng đất Việt, Giáo Hội đã trải qua bao gian nan thử thách. Nhưng gông cùm, bắt bớ tù đầy và ngay cả sự chết đã không ngăn cản, không sờn lòng các vị tiền nhân anh dũng.

Các Ngài đã không sợ những người chỉ làm hại thân xác mà không lay chuyển tâm hồn. Các Ngài như vàng được thử trong lửa và như của lễ toàn thiêu được Chúa chấp nhận. Nơi các Ngài, tình yêu của Chúa Kitô đã chiến thắng tất cả những thế lực của sự dữ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, làm cho Hội Thánh lớn lên và phát triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Giáo Phụ Tertuliano đã viết: “Máu tử  đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng ta là con cháu biết noi gương các ngài để tiếp tục là bài ca ca ngợi Thiên Chúa. Ca ngợi Ngài bằng cả cuộc sống thắm đượm tình Chúa tình người. Ca ngợi Ngài mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam dẫn dắt chúng ta luôn bước đi trong tình yêu Chúa.

Dẫn vào bài đọc 1: Kn 3,1-9

Thiên Chúa thử thách những kẻ tin theo Người như lửa thử vàng. Ai trung thành với Người sẽ được hưởng phúc muôn đời. Ðó là ý nghĩa bài đọc sau đây.

Dẫn vào bài đọc 2: 1Cr 1,17-25

Thập giá là cớ vấp phạm cho người Do Thái, là sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng là quyền năng và là khôn ngoan của Thiên Chúa đối với chúng ta là những kẻ tin. Ðó là nội dung đoạn thư hôm nay.

Dẫn vào bài Tin Mừng: Mt 10,17-22

Những kẻ tin theo Chúa phải chịu thử thách bách hại. Họ sẽ làm chứng cho Chúa nhờ Chúa Thánh Thần. Và ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Ðó là ý nghĩa bài Tin Mừng sau đây

 

III. Dẫn Vào Thánh Lễ 3

Cộng đoàn Phụng vụ thân mến,

Sau bao nhiêu thế kỷ tin theo Kitô giáo, cuối cùng Giáo Hội Việt Nam cũng có được 117 vị thánh của mình, những vị thánh tử đạo dám lấy chính mạng sống để làm chứng niềm tin vững vàng của mình.

Hôm nay Hội Thánh hân hoan mừng kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là tổ tiên ông bà chúng ta, đã can đảm hy sinh đổ máu mình ra để làm chứng cho Chúa, và đã trổ sinh thêm nhiều hoa trái là các tín hữu.

Chúng ta hãy sốt sắng dâng thánh lễ, để nhờ các Ngài chuyển cầu cùng Chúa cho đạo thánh Chúa ngày càng phát triển, và cho các Kitô hữu biết noi gương các Ngài, can đảm làm chứng đức tin của mình, trung thành theo Chúa để được cứu rỗi.

Xin cho chúng ta tin thờ Chúa bền đỗ như các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Bài đọc I: (2Mcb 7,1.20-23.27b-29)

Đức tin của bà mẹ và bảy người con thật đáng khâm phục: Họ can đảm chịu khổ và chết để làm chứng cho Chúa, vì tin rằng họ sẽ được sống lại vinh hiển. Cũng vậy, các Thánh tử đạo Việt-Nam đã chấp nhận cực hình phần xác và hy sinh cả mạng sống vì đức tin vào Thiên Chúa.

Bài đọc II: (Rm 8,31b-39)

Thánh Phaolô khẳng định với các tín hữu Rôma cũng như với mỗi người trong chúng ta rằng: Trong mọi thử thách hãy vững tin, vì chúng ta sẽ chiến thắng trong Chúa, là Đấng đã yêu mến chúng ta.

 

IV. Dẫn Lễ 4:

Cùng với Giáo Hội khắp nơi trên thế giới, và đặc biệt hướng về Giáo Hội Việt Nam, chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Họ là những chứng nhân Anh Hùng đang được hưởng kiến nhan thánh Chúa ở trên trời. Chúng ta hãnh diện vì có được Các Ngài là tổ tiên của dân tộc Việt Nam chúng ta đang cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa.

Giờ đây, với niềm vui của Ngày Lễ Mừng Kính Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, cùng với ca đoàn, chúng ta xướng lên bài ca nhập lễ sau đây:

Bài đọc I: Ðoạn sách chúng ta sắp nghe có ý an ủi những tín hữu trong thời bị bách hại, những người công chính ở trong tay Chúa, và họ không còn sợ hãi trước những đau khổ, vì có Chúa ở cùng họ. Những bắt bớ, khổ cực không thể làm lung lay niềm tin của họ vào Thiên Chúa.

 Bài đọc II: Trong Bài Ðọc II, Thánh Phaolô nhác nhở chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa, vì chúng ta được nhận biết Thiên Chúa qua Giáo Hội. Người Do Thái đòi hỏi những phép lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn những tín hữu của Chúa Kitô lại đi tìm và chấp nhận sự đau khổ của Thập Giá.

Bài Phúc Âm: Làm thế nào để nên thánh? Ðường lối nên thánh được chỉ vẽ qua 8 mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Là Con đường đau khổ mà Chúa Giêsu đã gánh chịu. Và chúng ta, là những môn đệ của Chúa cũng sẽ không sợ hãi trước những hy sinh gian khổ của cuộc sống Chứng Nhân, vì có Chúa Thánh Thần là Ðấng Chúa Cha đã sai đến với chúng ta và sẽ giúp chúng ta nói trước vua quan và làm chứng cho muôn người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...