Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

 

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

SUY NIỆM NHIỀU TÁC GIẢ

Dẫn: Hôm nay Giáo Hội Việt Nam long trọng mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, những người anh hùng trong trái tim của mỗi tín hữu đất Việt. Đây là một dịp để mọi người chúng ta cùng ôn lại truyền thống hào hùng của Giáo hội Việt Nam mà cảm tạ, ngợi mừng và noi gương các bậc cha ông của chúng ta mà làm mới lại đức tin của mình.

Xin cho chúng ta là phận con cháu, biết nêu cao khí thế anh dũng của bậc cha ông mà viết tiếp những trang sử hào hùng của đức tin để ca ngợi tình thương Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

 

1. Hôm nay lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam. Một bầu khí đại lễ thật hào hùng. Phụng vụ trổi lên lời hoan ca chúc tụng: “Đây bài ca ngàn trùng. Dâng về Thiên Chúa. Bài ca thắm đượm máu hồng. Từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu”.

Vâng, cuộc đời các thánh tử đạo là một bài ca hào hùng dâng về Thiên Chúa.

Các ngài ca ngợi Thiên Chúa khi bình an, khi gian nan, khi dòng đời êm trôi và cả khi sóng gió ba đào.

Các ngài ca ngợi Chúa trong bổn phận thường ngày, khi đầu hôm sớm mai nơi ruộng vườn, nơi phố xá chợ thị.

Các ngài còn ca ngợi Chúa khi đối đầu với sự bách hại vì tin mừng.

Các ngài ca ngợi Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc.

Đỉnh cao của lời ca ngợi là bài ca vinh thắng thắm đượm máu đào. Các ngài đã chiến thắng gian nan, cùm gông, tù đầy.

Các ngài đã vượt lên trên sự sợ hãi của đe doạ đến cả tính mạng để tôn vinh Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ.

Các ngài đã dùng cả cuộc đời để ca ngợi Chúa. Cho dù cuộc sống có nổi trôi, bất định, các ngài vẫn trung kiên tin thờ Thiên Chúa.

Cuộc đời các ngài là một bài ca, thế nên các ngài cũng đáng được ca ngợi. Ca ngợi hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vì chưng các ngài là những người có phúc vì dám sống triệt để trang sử tin mừng yêu thương của Chúa trong cuộc sống của mình.

Các ngài dám nói lời tha thứ ngay trong những xúc phạm mà người đời đang tuôn đổ lên các ngài.

Các ngài đã có thể nhìn thấy hoa hồng nở rộ ngay trong đau đớn của cực hình.

Các ngài dám đi ngược lại với thế gian, vì phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta.

Nhìn vào cuộc đời các ngài, ta thấy, đó là một cuộc đời thật đẹp. Đẹp trong cuộc sống thường ngày luôn chu toan bổn phận của mình, luôn sống chan hoà tình bác ái với mọi người.

Như bà thánh Đê là mẹ của sáu người con. Tất cả những người con, cô Nụ, cô Mận khi làm nhân chứng đều nói rằng: “Mẹ tôi rất đạo đức, luôn dạy con cái ăn ngay ở lành, tối sớm kinh nguyện…”.

Đẹp trong cả những gian nan khi bị người đời ghét bỏ, các ngài vẫn thương yêu, vẫn thứ tha, vẫn ôn hoà để làm chứng cho lời tin mừng yêu thương, đế nỗi mà những người hành quyết các ngài vẫn cảm phục yêu mến đức hạnh các ngài. Như trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ”.

Đẹp trong cả cái chết luôn một mực nói lời yêu thương. Như trường hợp ông Cai Tả thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình “. Với ông Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ “. Vì ông nói: “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.

Như vậy, tử đạo không chỉ là đổ máu. Tử đạo là dám chết đi con người ích kỷ của mình, chết đi cho thói đời tham sân si mù quáng. Chết đi những đam mê nhục dục đê hèn. Tử đạo là dám sống vì tin mừng mà chịu thua thiệt, chịu mất mát. Tử đạo là yêu cho đến cùng và sống trọn vẹn những đòi hỏi của luật yêu thương.

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, xin cho chúng ta là con cháu biết noi gương các ngài để tiếp tục là bài ca ca ngợi Thiên Chúa. Ca ngợi Ngài bằng cả cuộc sống thắm đượm tình Chúa tình người. Ca ngợi Ngài mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam dẫn dắt chúng ta luôn bước đi trong tình yêu Chúa. Amen.

 

2. NHỮNG TÊN LÝ HÌNH THỜI ĐẠI

PM. Cao Huy Hoàng

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong Năm Đức Tin, chúng ta không chỉ tự hào về Đức Tin kiên cường của Cha ông chúng ta, không chỉ tự hào sống trong đất nước của các Thánh Tử Đạo, không chỉ hãnh diện vì được là con cháu của các Thánh Tử Đạo, không chỉ tri ân những giọt máu trổ sinh mầm sống mới Đức Tin nơi chúng ta, mà thiết thực hơn, chúng ta cần noi gương các Ngài: Sống Đức Tin là Tử Đạo hằng ngày.

Nếu cha ông ta đã sống trong một thời kỳ bách đạo cách tàn bạo, từ việc cấm cản, khủng bố đến việc bắt bớ, bỏ tù tra tấn dã man, cho đến những án tử hình ghê rợn nhất: xử giảo, lăng trì, bá đao, thiêu sống, xử trảm, rũ tù…thì thời chúng ta, “những tên lý hình thời đại” với cách bức bách Đức Tin của ta còn kinh khủng hơn nữa: làm cho con người không còn yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá của Ngài.

Những tên lý hình thời đại: Ngoài ta

Những người chủ trương không có Thiên Chúa đang cầm quyền sinh tử nơi đất nước của các Thánh Tử đạo, đưa Giáo Hội Việt Nam vào một thách đố mới, vào cuộc tử đạo mới: Truyền giáo cho người không tin có Thiên Chúa hay là để cho người không tin có Thiên Chúa truyền chủ thuyết của họ?

Tư tưởng “Tôn giáo là liều thuốc phiện” vẫn đã thấm trong máu thịt của họ và đã chỉ đạo cả cuộc đời họ, cả việc họ làm, đến nỗi khi con người gần đất xa trời, chờ phút “qui tiên”, họ cũng chẳng chấp nhận một cõi nào linh thánh. Một cuộc đời bồng bềnh theo năm tháng lơ lững không định hướng, vì chỉ tin được cái hiện hữu của thân xác mà không tin có linh hồn bất tử. Một cuộc đời không có chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ nào hơn là theo cái chuẩn mực mà mình tự đặt định. Đạo đức xã hội là làm sao đem lại lợi ích trần thế nhiều nhất cho xã hội mà chính mình là trước tiên!

Thời đại này, họ không đặt Thánh Giá trước mặt chúng ta và yêu cầu chúng ta bước qua để chứng minh cho họ là chúng ta chối bỏ Đức Tin, nhưng họ đã gieo vào lòng tín hữu bề bộn những chủ thuyết vật chất, và như thế là cuộc tử đạo mới, tử đạo hằng ngày, đã bắt đầu qua việc không đồng thuận với những chủ trương không Thiên Chúa:

- Các em học sinh ở nhà trường phải tử đạo khi không chấp nhận bài học nguồn gốc con người bởi khỉ, bài học không có Thiên Chúa nào. Không có Đấng Tạo Hóa tác sinh…như “Con chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.

- Các em thanh niên nam nữ vào đời phải tử đạo khi không theo cách sống thử tự nhiên được xã hội mặc nhiên cổ xúy, để giữ vững đức khiết tịnh vì biết rằng: sống thử – nhưng sinh con thật – giết người thật.

- Các gia đình công giáo phải tử đạo khi lao vào cuộc sống kinh tế. Biết rằng có thực mới vực được đạo, và để ổn định phát triển kinh tế, phải giảm sinh, nhưng cương quyết không giảm sinh theo kế hoạch không tự nhiên – vì chẳng khác nào giết con người từ trong trứng nước, và tự tẩy chay nhân phẩm quí giá của mình.

- Giá trị hôn nhân thời nay đặt trên căn bản là kinh tế, là của cải vật chất, là hưởng thụ…tạo điều kiện cho trào lưu ly thân ly dị cách dễ dàng, và tạo nên một sự hỗn độn về đời sống các gia đình không đáng có: chồng trước, vợ sau, con chung, con riêng, con bỏ, con nuôi… hỗn độn…. Biết như thế, vì bảo vệ Đức Tin Công Giáo, các gia đình công giáo phải tử đạo khi dứt khoát không bị cuốn vào trào lưu tục hóa giá trị hôn nhân.

- Khi có của ăn của để, thì việc hành đạo hầu như không cần thiết hơn việc giải trí tiêu khiển, và việc giữ lễ Chúa nhật có thể trở thành việc chiếu lệ, nhưng người công giáo đã tử đạo khi vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu, khao khát kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh lễ và việc rước lễ hằng ngày.

- Người ta muốn giam các tín hữu trong trại giam mới là chính cái biệt thự sang trọng, hay ít là căn phòng đầy đủ tiện nghi vật chất thơm phức nệm êm chăn ấm máy lạnh máy nóng …để mà hưởng thụ cuộc đời nầy, mà quên đi cái đời sau ảo tưởng… nhưng không, họ đã lầm, khi các tín hữu Việt Nam vẫn quí mến một cuộc vượt qua, và sẵn sàng cho cuộc vượt qua của chính mình…

- Giữa những băng hoại, suy đồi có nguy cơ làm phai mờ Đức Tin Công Giáo, các tông đồ của Chúa không đành lòng bó tay, nhưng tích cực gia tăng đời sống đạo đức gương mẫu, đời sống cầu nguyện, có sáng kiến phong phú để khắc phục, chận đứng, những trào lưu suy đồi của những tên lý hình thời đại làm tha hóa các phần tử trong giáo hội. Họ thiết thực trở nên những con người hướng dẫn thời đại đi vào đúng đường lối của Chúa. Họ thực sự đang ôm lấy Thánh Giá Chúa Giêsu với lòng quí mến thiết tha nhất. Họ đang tử đạo trên đất nước của các Thánh Tử Đạo, cùng với Đoàn Chiên Tử Đạo khắp nơi trên đất nước.

Chúng ta tin rằng các Thánh Tử Đạo Việt nam vẫn luôn phù hộ, tiếp sức cho các tín hữu Việt Nam chiến đấu trong cuộc bức bách mới của những tên lý hình thời đại mới đầy mưu ma chước quỉ của Satan luôn chủ trương chống lại Thiên Chúa.

Tên lý hình thời đại: Trong ta

Truyện rất ngắn “Lòi Cái Tôi Ra” của tác giả Anh-em-của-mọi-người, viết:

- Thưa cha khi chủng viện xây xong, người ta chặt cây cho lòi nhà ra nên chủng sinh phải chịu nắng nóng mấy năm nay. Bây giờ giáo xứ xây xong nhà giáo lý, lại chặt cây cho nhà giáo lý lòi ra làm thiếu nhi phải chịu nắng nóng!

– Không phải lòi nhà ra đâu mà lòi cái tôi ra đấy! Để lòi cái tôi ra nguời ta dám chặt bất cứ thứ gì kể cả cây thập giá nữa chứ cây xanh, bóng mát cho giáo dân là cái gì?

” … Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

Chiến đấu với những tên lý hình thời đại ngoài ta có thể không khó khăn lắm, nhưng chiến đấu và chiến thắng với tên lý hình trong ta, có vẻ không dễ dàng tí nào!

Phải khiêm tốn mà nhận ra rằng, có nhiều người, trong đó có thể có tôi, có bạn, đã không bước qua thập giá của những tên lý hình thời đại ngoài ta, nhưng ngược lại, vì cái tôi, mà ta đã chặt và quăng cây thánh giá đi rồi. Khi đã chặt và quăng đi, thì còn đâu mà bước qua! Khi đề cao cái tôi một cách quá đáng, người ta chối bỏ Đức Giêsu Kitô và khổ đau của Ngài một cách không thương tiếc, và cũng không hay biết!

Sự nhàn hạ, thanh thản, phương tiện tiện nghi, hưởng thụ… đã “lấn sân” tâm linh, tạo cho người ta cái hạnh phúc thật êm dịu, không còn cảm giác khổ đau của cây thập giá nữa. Và vì thế, khó mà chấp nhận sự khốn khó gian nan. Sướng quen rồi. Đây mới thực sự là trại giam mới, trại giam của của danh vọng, của quyền lực, của sự an thân, an vị, an nhàn, và … rồi an nghĩ trong trại giam ấy tới ngàn thu.

Bỗng dưng, chính ta, đã trở nên những tên lý hình thời đại. Ta xử trảm chính ta và xử trảm mọi người khi cách sống “không Kitô”, “không Thập Giá” trở thành gương xấu cứ lan nhanh lan nhanh đến nhiều người.

Vâng, không ai bắt ta làm nô lệ, chỉ vì ta bằng lòng để mất tự do. Không ai làm ta mất tự do, chỉ vì ta bằng lòng làm nô lệ! Nô lệ cho chính cái tôi của mình.

Yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá Chúa Giêsu

Thiết tưởng lòng yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá của Ngài, sẽ giúp tôi, giúp bạn vượt qua những cuộc bức bách ngoài ta, trong ta, sẽ giúp chúng ta vượt qua, giúp chúng ta được hồng phúc tử đạo hằng ngày, giúp chúng ta trung thành với Đức Tin Công Giáo.

Xin chia sẻ một phần câu chuyện về Thánh Tử Đạo Anrê Nguyễn Kim Thông (Anrê Năm Thuông) lý trưởng, thầy giảng; sanh 1790 tại Gò Thị, Bình Định; chết 15 tháng Bẩy, 1855, tại Mỹ Tho. Ngài chết rũ tù vì kiệt sức và đói khát trên đường di tán tại Mỹ-Tho.

“Bị điệu ra trước tòa quan tỉnh tra vấn về các điều tố cáo. Ông Trùm khiêm tốn, bình tĩnh ung dung trả lời bằng lời lẽ đanh thép: “Trong nhà tôi không có đạo trưởng. Còn việc tậu thuyền, mãi mã, sắm ghe, tích trữ lương thực, tôi chẳng hề có, xin quan cho đi khám xét. Tôi chỉ chuyên cần lo việc nông gia. Tôi không biết Tây Dương, không đem đường chỉ nẻo cho họ. Tôi cũng chẳng hề đi đâu mà mở đường sơn thủy, vận lương, chuyển binh cho giặc”. Không tìm ra chứng cớ về các điều cáo giác trên, bọn quan lại bèn truyền cho Ông Trùm “quá khóa”, tức là bước qua Thánh Giá, thì sẽ được tha về. Ông nhất quyết không tuân.

Quan bảo: “Kín đáo đạp lên thập giá đi, rồi về xưng tội”.

Ông Trùm đáp: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ? Việc xúc phạm Thánh Giá cũng vậy”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Thập Giá của Ngài, để được hồng phúc tử đạo với Chúa mỗi phút giây trong cuộc đời chúng con. Amen.

 

3. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta tìm thấy nơi các ngài những mẫu gương nào?

Trước hết các ngài là những đấng đã làm chứng cho niềm tin của mình. Thực vậy, trải qua hơn 300 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương yêu dấu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, từ thời hậu Lê đến thời nhà Nguyễn, Giáo Hội Việt Nam đã phải trải qua biết bao nhiêu cơn phong ba bão táp, đã phải cam chịu biết bao cuộc bắt bớ cấm cách. Biết bao nhiêu người đã phải rời bỏ gia đình và sản nghiệp tổ tiên, trốn vào những nơi rừng thiêng nước độc như giáo dân vùng Quảng Trị Lavang để bảo toàn đức tin của mình. Hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục và đã chết dưới những cực hình độc ác để tuyên xưng danh Chúa, trong đó 117 vị đã được tông phong lên hàng chân phước. Qua đó chúng ta thấy các ngài đã ý thức và dành cho Chúa một địa vị tuyệt đối, cũng như đã ý thức và dành cho đức tin một sự ưu tiên các ngài có thể nói lên rằng: Phải vâng lời Chúa hơn vâng lời thế gian, thà chết chứ chẳng thà phản bội Chúa. Bằng một lời nói, bằng một thái độ các ngài có thể giải thoát mình khỏi những cực hình dã man, nhưng các ngài không làm thế vì các ngài đã xác tín vào lời Chúa: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi.

Cùng với việc làm chứng niềm tin các ngài còn là những người làm chứng cho tình thương. Tiên vàn là tình thương đối với Chúa. Các ngài đã lấy chính cái chết để nói lên sự gắn bó mật thiết với Chúa. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu mặn nồng như lời Chúa đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống vì bạn hữu. Qua cái chết của các ngài, chúng ta thấy được một tình yêu thực mạnh mẽ, còn mạnh mẽ hơn cả tử thần nữa. Tiếp đến là tình thương đối với anh em, đặc biệt là những người đã gây nên đau khổ. Chúa Giêsu trên thập giá đã tha thứ: Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng làm chẳng hiểu việc chúng làm. Với các thánh tử đạo Việt Nam cũng vậy, mặc dù phải chịu nhiều đắng cay nhưng các ngài vẫn an ủi khích lệ lẫn nhau kiên vững trong đức tin và tha thứ cho những người đã làm cho mình phải đau khổ và chết chóc.

Sau cùng các thánh tử đạo Việt Nam là những người làm chứng cho niềm hân hoan Nước Trời. Chúa Giêsu đã phán: Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời thì Ta sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng bảo: Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ. Và lời Chúa đã như là một động cơ thúc đẩy các ngài cam chịu mọi đắng cay và lướt thắng mọi khó khăn, vì những đau khổ hiện thời không thể nào so sánh được với niềm hạnh phúc bất diệt mà Chúa sắm sẵn cho những kẻ yêu mến và trung thành với Ngài. Các ngài đã đau khổ một thời để rồi được hạnh phúc đời đời. Thân xác của các ngài tuy đã chết, nhưng linh hồn của các ngài lại được vui mừng trong vinh quang thiên quốc và nhất là tinh thần của các ngài luôn bừng cháy trong tâm hồn mọi người để rồi chúng ta cũng đi theo dấu chân của các ngài. Đúng thế, hãy làm chứng cho niềm tin và tình thương của mình để rồi chúng ta cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu như các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta.

 

4. KHÔNG ĐI THEO ĐẠO YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU LÀ BỎ ĐẠO

Khi nào ta bỏ đạo?

Một trong những thử thách mà vua quan ngày xưa thường bày ra để xử tội người có đạo là đặt một cây thánh giá dưới đất rồi truyền cho họ bước qua. Ai chấp nhận bước qua là tỏ dấu công khai từ bỏ đạo Chúa thì được tha về. Ai kiên quyết không bước qua thì được xem là người ngoan cố, không chịu từ bỏ đạo Chúa thì phải chịu tra tấn, tù ngục, chịu hành hình và chịu chết.

Có nhiều người kiên quyết không bước qua thánh giá, dù bị khiêng qua thì cũng co chân lại để khỏi dẫm đạp lên. Có người lỡ dại dột bước qua, nhưng về sau ân hận nên quay trở lại, khẳng định với quan quân mình không bỏ đạo nữa và xin được chịu chết vì Chúa.

Tất nhiên có nhiều người vì sợ ngục tù xiềng xích, gông cùm và tra tấn hoặc sợ chết nên đã bước qua thánh giá. Nhưng trái lại, cũng nhiều người dứt khoát không bước qua thánh giá, cho dù phải mất hết mọi sự và mất cả mạng sống mình.

Không đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu là bỏ đạo

Đạo là gì? Người Á đông quan niệm rằng đạo là đường, đường đưa về chân thiện mỹ. Thiên Chúa là Tình Yêu nên đạo của Ngài cũng là đạo Tình Yêu. Chúa Giêsu đến trần gian để lập nên đạo yêu thương như một con đường đưa nhân loại về cõi phúc.

Chỉ có những ai giữ tròn quy luật yêu thương mới thực sự là người người theo đạo Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

Những ai theo đạo yêu thương, tức là giữ tròn giới luật yêu thương Chúa dạy, thì được liệt vào hàng ngũ người con cái Chúa. Ngày phán xét, Chúa Giêsu mở cửa đón nhận họ vào Vương Quốc của Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”; ai không sống theo luật yêu thương, là người bỏ đạo Chúa, thì bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 24, 34. 41)

Ngày trước trong thời bách hại, hành động bước qua thập giá Chúa Giêsu là dấu chỉ cho biết ai là người bỏ đạo. Ngày nay, hành động chà đạp lên nhân phẩm, chà đạp tình người, là dấu hiệu chứng tỏ người thực hiện điều đó đã chối bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Nói cụ thể:

Trong đời sống chung giữa xã hội, ai nuôi lòng thù oán anh em mình, xúc phạm đến người khác, gây tổn thương thanh danh, phẩm giá người khác… là người đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Trong phạm vi gia đình, đạo yêu thương của Chúa dạy vợ chồng phải nên một với nhau, phải yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Thế nên khi vợ chồng không còn sống yêu thương hiệp nhất nữa mà sống phân li chia cắt, thì lúc đó, hai người đã lìa bỏ đạo yêu thương của Chúa Giêsu.

Đạo yêu thương Chúa dạy cha mẹ phải chăm lo, giáo dục con cái, rèn đúc con cái nên người tài đức. Nếu cha mẹ thờ ơ không làm tròn nhiệm vụ đó, là cha mẹ đã bỏ đạo Chúa.

Đạo yêu thương Chúa dạy con cái phải thờ cha kính mẹ, thảo hiếu với ông bà tổ tiên; nếu con cái không giữ tròn chữ hiếu với cha mẹ, với ông bà tổ tiên là họ đã từ bỏ đạo yêu thương của Chúa rồi.

Trái lại, khi chúng ta theo lời Chúa dạy mà tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến mình, cứu giúp những người hoạn nạn, chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu, quên mình phục vụ những người chung quanh… là chúng ta đang đi theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu cách triệt để nhất.

Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.

Nguyện xin các thánh tử đạo Việt Nam là ông bà tổ tiên của chúng ta luôn phù giúp chúng ta vững bước đi theo đạo yêu thương của Chúa.

 

5. SỐNG CHỨNG NHÂN

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

“Tin đạo chứ không tin người có đạo”. Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói. Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói. Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ. Họ bỏ xưng tội rước lễ. Họ bỏ đồng đạo. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ mang danh ky-tô hữu nhưng lại bảo rằng “đạo tại tâm” nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người ky-tô hữu. Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo. Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ. Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắc khe trong lề luật của Chúa. Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu? Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho tin mừng. Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán. Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ. Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Kitô. Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.

Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh ky-tô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng. Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi. Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược. Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy. Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.

Trường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán. Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.

Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội. Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.

Điểm chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình. Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Kitô. Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau. Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời. Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: “Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông”. Nhưng thánh Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: “Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng”.

Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm tin trung kiên của mình trong mọi tình huống. Đừng vì một chút cỏ dại lấn át mà chán nản bỏ đạo. Đừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình. Đừng chối đạo vì ghét ai đó hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ lung xen lẫn. Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.

Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình. Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê truỵ lạc. Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm. Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là ky-tô hữu.

Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án “tin đạo chứ không tin người có đạo”, vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.

Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con. Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian. Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương. Amen.

 

6. “THÀ CHẾT VINH CÒN HƠN SỐNG NHỤC”

 Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Từ ngày tổ tông loài người thoả hiệp với ma qủy quay lưng lại với Thiên Chúa, ma qủy thường dùng chiêu thức này để kiếm thêm đồng minh chống lại Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng nó đã nói cùng Adam – Eva: “cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên Chúa”. Ông bà đã ăn. Ông bà đã bắt tay cùng satan để chống lại Thiên Chúa. Con cháu Adam từ đời này đến đời nọ vẫn còn vô số người vì sự an nhàn bản thân, vì mong tìm kiếm lợi lộc, tìm hư danh trần thế, họ vẫn bằng lòng quay lưng lại với Thiên Chúa để làm tôi cho ma qủy, để tận hưởng khoái lạc mau qua trần gian.

Và cũng từ ngày Con Thiên Chúa từ chối thoả hiệp với sa tan, các môn đệ của Chúa trải qua bao thời đại vẫn còn đó những tấm gương quả cảm, anh dũng can trường từ chối thoả hiệp với sa tan. Họ thà nghèo đói để được bình an tâm hồn hơn là kiếm tiền bằng việc phi nhân thất đức mà lòng chẳng chút bình an. Họ chấp nhận vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời vua chúa trần gian, cho dù phải tù đầy, gian truân khốn khó. Họ chấp nhận đánh mất mùa xuân hạn hẹp trần gian để đổi lấy mùa xuân bất diệt thiên đàng.

Hôm nay chúng ta mừng kính 117 thánh tử đạo Việt Nam, là con số tượng trưng cho hơn 130 ngàn vị tiền nhân đã chết trong các đợt cấm đạo tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Họ đã chết không phải vì chống lại triều đình. Họ đã chết không phải vì lỗi công bình bác ái với tha nhân. Họ đã chết vì không chịu thoả hiệp với thế gian. Giữa sự sống và sự chết chỉ cách nhau một lằn ranh. Lằn ranh đó chính là cây thập giá. Bước qua thì được thoát khỏi cực hình trần gian. Bước qua thì được trở về với vợ con, với xóm làng, với chức tước vua ban và bổng lột trần gian, nhưng các thánh tử đạo Việt Nam đã không vì thế mà chối Chúa, bỏ đạo. Không thể vì ham sống sợ chết mà phải chà đạp lên thập giá là bỏ cơ hội sống đời đời để đổi lấy cuộc sống lây lất tạm thời trần gian. Các ngài thà chịu đòn roi, thà chịu án tử hình để trung kiên theo Chúa, để lãnh phúc triều thiên vinh quang bất diệt trên quê trời còn hơn là làm tôi mọi cho ma qủy. Như trường hợp ông đội Bường đã thẳng thắn trả lời với quan quân: “Bên đạo chúng tôi ai chết trẻ là đi đường tắt, ai chết già là đi đường trường. Song đàng nào cũng tới quê thật là nước thiên đàng vậy”. Thế nên, thánh nhân đã khuyên nhủ các đồng đạo rằng: “Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác. Nếu quan có hành hạ thì hãy can đảm chịu đựng. Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng về trời, không sợ gì roi đòn. Chịu sự khó như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Nếu có đau đớn quá thì hãy xin #ức Mẹ phù trợ cho được bền lòng đến cùng”.

Đọc lại tiểu sử các thánh tử đạo Việt nam chúng ta thấy có vô số lời dụ dỗ thật ngọt ngào. Tại Hà Tĩnh, các quan cho gọi những người đứng đầu các họ đạo Công Giáo đến và vẽ hình chữ thập xuống đất rồi bảo họ: “Chúng tôi chẳng muốn bắt ép quí vị điều gì trái nghịch với đạo. Chúng tôi biết đây không phải là thánh giá mà quí vị tôn thờ. Vậy hãy bước qua để chúng tôi có thể trình lại với vua là chúng tôi đã thi hành lệnh, nếu không chúng tôi mắc lỗi trước mặt vua”. Riêng tại Nghệ An, ông quan tỉnh đã nói với người công giáo: “Các ông thật dại dột để mình phải khổ sở. Làm sao chống lại được với lệnh vua? Đạo ở trong lòng chứ đâu có ở bên ngoài. Tạm chối đi, rồi hai ba tháng sau theo trở lại. Hãy xem thánh Phêrô đã chối đạo ba lần mà vẫn còn được cất nhắc lên cao”.

Song le, có nhiều phản ứng khác nhau.Có kẻ giả vờ bước qua để sống an nhàn. Có kẻ đã thản nhiên bước qua vì gia đình và dòng họ còn cần đến mình. Nhưng vẫn còn đó nhiều người không chịu bước qua dù chỉ là giả vờ, dù chỉ là tạm thời bỏ đạo rồi khi sóng gió đi qua lại quay lại với Thiên Chúa. Họ đã vui lòng đón nhận mọi khốn khó để nói lên lòng trung thành với đức tin vào Chúa.

Riêng cha Anrê Dũng Lạc, dù rằng quan quân mở lối thoát bằng việc cho giáo dân đem tiền chuộc Ngài nhưng ngài vẫn cương quyết chối từ. Các giáo dân đã tới trại giam khuyên nhủ cha rằng: “Thưa cha, cha chịu chết thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, vậy xin cha nghĩ lại”. Nhưng cha Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy, anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì. Tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần trước được giáo dân cầu nguyện cho và được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã định cho tôi phải chết vì Người như thánh Phêrô, thì xin anh em đừng chuộc tôi nữa”.

Là con cháu các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì có các vị tiền nhân đã quả cảm để sống niềm tin, nhưng liệu rằng chúng ta hôm nay còn mấy ai dám khước từ những thoả hiệp trần gian để trung kiên với đức tin của cha ông để lại? Vẫn còn đó những con người vì chút bổng lộc trần gian đã bỏ đạo, đã chống đối đạo. Vẫn còn đó những con người vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cái đã chẳng giữ đạo hay theo đạo một cách hời hợt. Có cũng như không. Vẫn còn đó những con người vì tiền mà bán mình, bán con để kiếm đồng đola bất chính. Họ thà rằng lỗi luật Chúa còn hơn là bỏ lỡ cơ hội lấy tiền, lấy bạc. Họ thà rằng mắt mặt với bà con xóm làng còn hơn là mất túi ba gang mà “quạ đen ban tặng”. Vẫn còn đó những con người bỏ Chúa chứ không bỏ tiền, bỏ Chúa chứ không bỏ tình, bỏ giáo hội chứ không bỏ danh vọng trần gian.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông của chúng con, xưa các ngài đã dùng máu đào để bảo vệ đức tin xin gìn giữ chúng con luôn trung kiên theo Chúa, dám khước từ danh lợi thú trần gian để nên chứng nhân cho Nước Trời trong cuộc sống hôm nay.

 

7. ĐỂ LÀM CHỨNG CHO VUA QUAN-Mt 10, 17-22

Trích trong ‘Manna’

Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết. Tất cả những gì các ngài phải chịu đều vì Đức Giêsu (c.18), vì Danh Đức Giêsu (c.22).

Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bầu khí của toà án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em” để tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu (c.19-20)

Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.

Chết vì Đạo là một cách làm chứng.

Làm chứng cho một niềm tin kiên vững: Vì tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, nên các ngài không bước qua thánh giá.

Làm chứng cho một tình yêu nỏng bỏng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13)

Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt: có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, cái chết đưa tôi giáp mặt với Đấng tôi yêu. Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.

Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.

Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.

Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.

Đã có người bước qua, và cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy, nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.

Đứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất…

Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Gợi Ý Chia Sẻ

Làm chứng bằng cuộc sống. Theo ý bạn, người Công Giáo Việt Nam phải sống thế nào để làm chứng về Đức Giêsu cho những đồng bào chưa biết Chúa?

Bị cám dỗ bước qua thánh giá, có khi nào bạn có kinh nghiệm đó trong đời thường không?

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

 

8. SỐNG VÌ ĐẠO

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh vật chất. Khuynh hướng tìm chiếm hữu, hưởng thụ, an nhàn là rất mạnh. Thế mà Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta phải từ bỏ mình, phải vác thập giá, phải hy sinh mạng sống. Phải chăng Chúa muốn ta tàn lụi đi? Hay Chúa muốn ta trở nên dại dột? Thưa không phải như thế. Chúa khuyên bảo ta hãy biết từ bỏ mình vì lợi ích của ta.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị cao quý hơn. Trong đời sống, cơm áo gạo tiền là cần là quý. Nhưng còn những thứ cao quý hơn. Ví dụ như danh dự, tình yêu, lòng chung thủy. Mạng sống là quý. Nhưng có những giá trị còn cao quý hơn. Ví dụ như đức tin, tổ quốc. Thân xác là quý. Nhưng linh hồn còn cao quý hơn. Vì thế, khi không thể chọn cả hai, ta phải biết chọn những giá trị cao quý hơn.

Chúa chỉ đường cho ta đến những giá trị bền vững hơn. Vật chất là quý. Nhưng giá trị của nó không lâu bền. Chết rồi ta chẳng mang theo được vật chất theo mình. Những giá trị tinh thần bền vững hơn. Dù chết rồi vẫn còn tồn tại. Tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cuộc sống đời này là quý. Nhưng cuộc sống đời này không kéo dài lâu. Cuộc sống đời sau mới trường tồn vĩnh cửu. Khi không thể chọn lựa mọi giá trị, ta phải biết lựa chọn những giá trị có tính cách vĩnh cửu.

Chúa chỉ cho ta đường đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Chọn Chúa mới là chọn những gì tốt đẹp nhất. Chúa là giá trị cao quý nhất. Chúa là giá trị vĩnh cửu nhất. Chúa là hạnh phúc hoàn hảo nhất. Hạnh phúc ở nơi Chúa làm ta no thỏa. Hạnh phúc ở nơi Chúa không bao giờ tàn lụi. Hạnh phúc ở nơi Chúa cho ta đạt được mọi ước mơ của con người.

Chúa chỉ cho ta con đường đi theo Chúa. Khi dậy dỗ ta, Chúa Giêsu không nói suông. Chính Người đã thực hành. Người đã từ bỏ mình, vác thánh giá. Người đã liều mạng sống, chịu chết vì chúng ta. người đã từ bỏ tất cả những giá trị trần gian để vâng theo thánh ý Đức Chúa Cha. Cuối cùng Người lại được tất cả. Chết rồi được Phục Sinh. Tự hủy mình ra không lại được trở thành Vua vũ trụ. Người đã từ bỏ tất cả, nay Đức Chúa Cha lại ban cho Người tất cả, khi đặt mọi sự dưới chân Người.

Yêu mến Chúa là vâng theo Lời Chúa, các thánh Tử đạo Việt Nam đã đi theo con đường của Chúa. Để bảo vệ đức tin, các ngài đã chịu mất tất cả cuộc sống an vui, mất danh vọng chức quyền, mất nhà cửa của cải. Vì hiểu rằng đức tin là gia tài cao quý nhất. Hướng về sự sống đời sau, các ngài đã sẵn sàng chịu giam cầm, chịu nhục nhà, chịu hành hạ đau đờn. Vì biết rằng những đau khổ đời này rồi sẽ qua đi, hạnh phúc đời sau mới vĩnh cửu. Để trung thành với Chúa, các ngài sẵn sàng chịu mất mạng sống. Vì biết rằng Chúa sẽ ban lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho các ngài. Các ngài thật can đảm. Vì khi chọn lựa từ bỏ như thế, phải chịu nhiều đau đớn, khổ nhục. Đó là chọn lựa tuyệt đối quyết liệt, dám liều mất cả mạng sống cho sự lựa chọn của mình. Các ngài thật khôn ngoan. Đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quý. Đã biết từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu. Đã biết từ bỏ những giá trị tương đối để lựa chọn Chúa là giá trị tuyệt đối.

Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn. Để sống đúng lương tâm công giáo, ta phải chối từ những mối lợi bất chính. Để chu toàn luật Chúa, ta phải từ chối những hưởng thụ ngọt ngào. Để thực hành luật yêu thương tha thứ, ta phải cắn răng chịu nhịn nhục. Để chọn Chúa, ta phải vác thánh giá. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến lòng ta đau đớn như bị vết thương. Vết thương rỉ máu âm ỉ suốt cuộc đời. Những lựa chọn đó nhiều khi khiến ta rơi lệ. Những dòng lệ đau đớn xót xa. Đó thực là những cuộc tử đạo. Cuộc tử đạo không thấy máu. Vì máu chỉ rỉ trong tâm hồn. Cuộc tử đạo không thấy lệ. Vì lệ đã nuốt ngược vào trong. Máu ri rỉ đau đớn nhức nhối lắm. Lệ nuốt vào cay đắng lắm. Để lựa chọn như thế phải có ơn khôn ngoan của Chúa. Để lựa chọn như thế cần phải có ơn sức mạnh của Chúa. Nhưng có lựa chọn như thế ta mới xứng đáng là môn đệ Chúa và xứng đáng là con cháu các thánh anh hùng tử đạo. Chính những lựa chọn đó đem lại cho ta sự sống đích thực.

Chính những lựa chọn đó đưa ta đến hạnh phúc vĩnh cửu.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Tại sao Chúa bảo ta phải từ bỏ mình? Chúa muốn ta tàn lụi hay phát triển?

2- Các thánh tử đạo đã theo Chúa cho đến cùng. Ta có thực sự theo Chúa Giêsu, Đấng chịu khổ hình, vác thánh giá và chịu chết không?

3- Thời nay không còn cấm đạo, không còn giết người có đạo, bạn nghĩ rằng thời nay sống đạo dễ hơn xưa không?

 

9. CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.

Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.

Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.

Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).

Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).

Tình yêu cuộc sống.

Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.

Tình yêu nhân loại.

Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.

Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).

Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.

Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin chúc lành cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam. Amen.

 

10. SỐNG CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:

- Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.

- Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.

- Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.

Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.

Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.

Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.

Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng.

Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.

Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.

Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

 

11. CAN ĐẢM NÓI KHÔNG VỚI TỘI LỖI-Lc 20, 27-38

 Lm. Ignatiô Trần Ngà

Trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam, một trong những thử thách mà các kitô hữu bị bắt bớ phải trải qua là bước qua thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các kitô hữu bước qua. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình. Còn ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bỗng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình.

Nói không trước những lời dụ dỗ và thúc ép

Vậy mà các bậc cha ông tử đạo của chúng ta ngày trước đã can đảm khước từ tất cả những hứa hẹn hấp dẫn đó, và đã kiên quyết nói không: Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa, không từ bỏ niềm tin.

Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các thánh tử đạo vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa.

Nói không trước những cực hình dã man và khủng khiếp nhất

Để uy hiếp các kitô-hữu và ép buộc các ngài bỏ đạo, ngoài những lời thuyết phục và dụ dỗ, vua quan ngày xưa còn áp đặt những cực hình man rợ và hết sức khủng khiếp để uy hiếp các ngài: bắt mang gông cùm nặng nề, bị giam nhốt trong ngục tối với rắn rết, muỗi mòng ghê sợ, chịu thiêu đốt, chịu thắt cổ, chịu chém đầu, chịu phanh thây, chịu án lăng trì (tức bị chặt tay, chặt chân trước rồi mới chém đầu sau), và khủng khiếp hơn cả là án bá đao như quan quân đã bắt cha Marchand Du phải chịu: chịu xẻo từng miếng thịt theo tiếng trống, cho đủ trăm miếng rồi mới chém đầu, moi ruột moi gan…

Dù vậy, các thánh tử đạo đã kiên quyết nói không: không chối Chúa, không bỏ đạo cho dù phải đổ máu, phải chịu xẻ thịt phanh thây, phải hy sinh mạng sống mình.

Nói không với tội lỗi

Ngày hôm nay, không ai dùng bạo lực, dùng những cực hình man rợ bắt chúng ta bỏ đạo hay chối Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa. Vì thế, chúng ta không cần nói không trước những hăm doạ, đòn vọt hay án chết như các ngài.

Nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những thách thức mới. Đó là những cám dỗ, những lôi cuốn của tội lỗi làm chúng ta đi trệch con đường của Chúa Giêsu, đi lạc ra khỏi đạo lý của Người.

Noi gương các anh hùng tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy can đảm nói không với các tệ nạn xã hội, với các thói hư tật xấu, với những lời quyến rũ của bạn bè xấu…

Muốn nâng lên được những tạ nặng, các lực sĩ cử tạ phải tập nâng những tạ nhẹ trước. Muốn giải được những bài toán khó, các học sinh phải tập làm những bài toán dễ trước. Những lực sĩ muốn nhảy thật cao thì trước tiên phải tập băng mình qua những mức thấp trước.

Tương tự như thế, để có thể nói không trước những cám dỗ lớn lao sẽ đến trong cuộc đời, trước những cái ác, cái xấu lôi kéo quyến rũ chúng ta nay mai, chúng ta phải tập nói không với các cám dỗ nho nhỏ xảy ra hằng ngày trước.

Nguyện xin các anh hùng tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để chúng ta luôn biết noi gương các ngài, anh dũng nói không với tội lỗi và các cơn cám dỗ, cho dù phải chịu mất mát thua thiệt trong cuộc sống đời nầy, để mai sau xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng và chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc.

 

12. SUY NIỆM của Lm. Phạm Thanh Liêm

Ngày 24 tháng 11, là ngày lễ thánh linh mục tử đạo Anrê Dũng Lạc. Giáo Hội Việt Nam đã xin Giáo Hội hoàn vũ để mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày này, và nhận Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. Vì là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam, nên lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là lễ trọng và được dời vào ngày Chúa Nhật. Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ là lễ Kitô Vua, nên lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được mừng vào Chúa Nhật trước lễ Kitô Vua.

Các thánh tử đạo là những người dám chết để làm chứng Thiên Chúa yêu thương con người. Các ngài là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang làm những điều kỳ diệu nơi những con người yếu đuối mỏng dòn.

Đời sống trong sáng đáng quý như châu ngọc

Bài đọc thứ nhất trong sách Maccabêô quyển thứ hai, thuật chuyện một người đáng kính, từ chối không ăn thịt heo cho dù phải chết. Ông được nhiều người quý mến nên đổi thịt heo thành thịt mà luật cho phép ăn, rồi đề nghị ông giả vờ ăn thịt heo để thoát chết. Êlêazarô từ chối mánh khóe để được sống này, vì khi làm như vậy gây gương xấu cho thế hệ tương lai. Thế hệ trẻ đâu biết đó không phải là thịt heo, nên tưởng rằng Êlêazarô tham sống sợ chết mà vi phạm luật Chúa.

Thái độ sống của Êlêazarô rất trong sáng, rất tự do ngay cả đối với cái chết. Ông cũng là người cho thấy tình yêu và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai. Nơi con người mỏng dòn, Thiên Chúa đã và đang làm những điều tuyệt vời. Các thánh tử đạo Việt Nam cũng là những người sống thái độ tự do và yêu mến như vậy. Các ngài là những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người con hiếu thảo và tốt lành; tuy vậy các ngài sẵn sàng chấp nhận cái chết vì yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người và những người thân.

Cái chết của các ngài, làm rạng danh gia tộc, giúp cho những người con người chồng người vợ nhìn lên tấm gương của những bậc cha anh thân yêu mà phấn đấu sống cho nên người và nên người con ngoan của Chúa. Các thánh tử đạo là những người ảnh hưởng rất lớn trên thế hệ tương lai mà nhiều người không thấy rõ điều này, khi cho rằng các ngài chết thì đâu có dạy dỗ hoặc ảnh hưởng gì được trên ai. Nơi các anh hùng tử đạo, lời dạy không bằng ngôn từ nhưng bằng chính cuộc sống. Và chúng ta biết, lời bằng hành động hay cuộc sống thì có sức thuyết phục hơn lời nói nhiều.

Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Bài đọc thứ hai trong thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Roma, cho thấy xác tín của thánh nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Yêsu. Bằng cớ cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, đó là Ngài đã ban chính Con Một Ngài cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa ban chính Con Một Ngài cho chúng ta, thì Ngài còn tiếc gì với chúng ta nữa?

Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Không phải vì chúng ta yêu Thiên Chúa đến độ không có gì tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa giữ chúng ta trong tình yêu của Ngài. Nếu chính Thiên Chúa giữ, thì ai giựt chúng ta ra khỏi tay Thiên Chúa được? Nếu chỉ là bản thân con người ghì chặt Thiên Chúa, thì người mạnh hơn có thể giựt họ ra được, nhưng đây chính Thiên Chúa giữ. “Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Yêsu Kitô”. Không ai, cho dù đó là thiên thần hay quỷ dữ, bất cứ quyền lực nào cũng không thể làm điều này, vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng mạnh.

Vì tin vào Thiên Chúa yêu thương tôi, nên tôi vững dạ an tâm, nên tôi ung dung thư thái bất chấp tất cả. “Nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, chính là Chúa”. “Đức Chúa là ánh sáng và Đấng cứu độ tôi, tôi còn sợ chi ai, tôi còn kinh khiếp chi ai”! Chính Thiên Chúa làm cho các thánh tử đạo trung thành với Ngài, cho dù “kiếm sắc, đầu rơi, gươm đao, xá gì”. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Ngài sẽ hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự nơi chúng ta.

Vác thập giá hằng ngày mà theo Ta

Đức Yêsu nói trong tin mừng theo thánh Luca: “ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”. Theo Đức Yêsu, là một thái độ sống liên lỉ chứ không chỉ là một hành vi riêng lẻ một lần cho tất cả. Để có thể có hành vi dám chết cho tình yêu, các anh hùng tử đạo đã luôn chết cho chính mình trong cuộc sống hằng ngày để sống cho Chúa trong từng hành vi sống của mình.

“Được lời lãi cả thế gian, mà phải mất mạng sống mình, thì ích gì?” Điều quan trọng là phải sống. Nhưng nếu chỉ sống một trăm năm, mà phải khổ nhục vĩnh viễn thì ích lợi gì? Sự khôn ngoan đi kèm với hành vi anh hùng nơi các thánh tử đạo. Các thánh tử đạo, là những người khôn ngoan, anh hùng và đức hạnh. Các ngài là những người dám sống và dám chết cho tình yêu. Các ngài chọn đời sống vĩnh cửu hơn đời sống chóng qua này.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Tại sao các vị tử đạo dám chết? Những người thân của họ được gì?

2. Có người nói: “sống tốt cuộc sống này, đã là tử đạo rồi”. Bạn có đồng ý không? Tại sao?

3. Để giúp nhau hiểu thêm về lịch sử Giáo Hội Việt Nam và gương anh dũng của các bậc cha anh, xin bạn kể tiểu sử một vị thánh tử đạo Việt Nam!

 

13. NHỮNG ĐẤNG BẬC ANH HÙNG

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Không kể 117 vị tử đạo tại Việt Nam được phong thánh năm 1988 và Anrê Phú Yên được phong chân phước năm 1999, còn hơn một trăm ngàn vị đã anh dũng dâng hiến đời mình, chấp nhận cái chết để làm chứng lòng trung thành và gắn bó với Đức Yêsu, Đấng yêu thương con người dầu phải chết.

Họ là ai?

Họ là những người cha người mẹ, họ là những người con, họ là những người chồng người vợ, họ là thanh niên thanh nữ, là tráng niên, là bô lão, là chủng sinh, là binh sĩ, là quan là dân, là dì phước là linh mục. Họ là những bậc tiền bối của dân con Việt Nam hiện nay. Họ là những người “dường như” không sợ chết. Họ chấp nhận gông cùm tra tấn, chấp nhận đòn vọt, đói khát, nắng mưa, bệnh tật, và sẵn sàng chấp nhận cái chết.

Họ là ai? Phải chăng họ là những người điên nên không sợ chết? Phải chăng họ là những người không còn bi#7871;t trách nhiệm làm chồng làm cha làm con làm mẹ làm vợ làm dâu? Phải chăng họ không biết trách nhiệm với vợ dại con thơ? Phải chăng họ không còn ý thức bổn phận làm con phải sống để báo hiếu cha mẹ già yếu cần nương nhờ nơi họ? Phải chăng họ không còn rung động trước tình cảm bao người thân dành cho họ, mà “ngoan cố” không chịu bỏ đạo để phải chết?

Không! Họ là những người cha người chồng người vợ, vô cùng thương con thương vợ thương chồng. Họ là những người con rất có hiếu và rất ao ước được sống để phụng dưỡng báo hiếu cha già mẹ yếu. Họ là những người thông minh có thể làm quan, là những “anh hùng” sẵn sàng hiến mạng cho quê hương tổ quốc. Họ là những người bình thường chứ không phải là những người điên, họ rất nặng “tình người” chứ không phải là những người “vô cảm”. Họ chết vì người ta muốn giết họ, chứ không phải tự họ muốn chết; tuy vậy họ sẵn sàng đón nhận cái chết chứ không thể chối bỏ Thiên Chúa.

Tại sao họ kiên cường và anh dũng như vậy?

Họ là những người rất bình thường, nhưng Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi những con người yếu đuối mỏng manh.

Ai không sợ chết? Ai không sợ đòn vọt, tù đầy, gông cùm xiềng xích? Nhưng những bậc tử đạo “dường như” không sợ, vì có một giá trị nào đó cao hơn, một cái gì đó quý hơn mà cho dù tình yêu gia đình, cha mẹ, vợ con, và ngay cả mạng sống cũng không đánh đổi được. Với họ, Thiên Chúa là nhất, Thiên Chúa trên tất cả, trên tình yêu gia đình, trên tương quan ruột thịt, và trên cả mạng sống mình.

Qua các bậc anh hùng tử đạo, người ta đọc thấy không phải “con người” anh hùng, nhưng chính “Thiên Chúa” đang thực hiện những điều kỳ diệu nơi những con người đơn sơ mong manh chất phác, làm họ như những “bức tường bằng sắt, như những bức vách bằng đồng” và kiên vững không gì khuất phục được. Người ta có thể hủy diệt mạng sống các ngài, có thể giết các ngài, có thể nghiền nát xương thịt các ngài, nhưng không thể bắt các ngài làm theo ý họ. Thiên Chúa vô hình đang hiện diện qua thực tại hữu hình. Thiên Chúa hiện diện đó, rất rõ, dù người ta không nhìn thấy Ngài bằng mắt trần.

Sống cho đúng là con cháu của những bậc anh hùng

Chúng ta là con dân đất Việt, là con cháu của các đấng bậc anh hùng. Phải sống sao để “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Xin cho chúng ta có tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với Đức Yêsu, và sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thiên Chúa.

Ngày nay người ta không còn nhiều dịp để “tử đạo” như ngày xưa, nhưng ngày nay người ta vẫn còn phải chọn giữa Thiên Chúa và tiền bạc danh vọng chức quyền; người ta vẫn phải chọn ưu tiên tương quan với Chúa trên những tương quan khác v.v..Ngày xưa phải đổ máu để sống đúng, để làm chứng; ngày nay không còn dịp đổ máu thể lý, nhưng để sống đúng như những người con của Thiên Chúa, người ta vẫn phải đổ máu “vô hình”, vẫn phải hy sinh, phải chết “chính con người của mình” thì mới có thể sống trọn vẹn cho Thiên Chúa được.


Suy niệm 14:

Cùng với Giáo Hội hoàn cầu, hôm nay chúng ta long trọng mừng kính các vị thánh anh hùng tử đạo Việt Nam. Máu của các Ngài đã đổ xuống trên quê hương này để làm chứng cho Đức kitô. Là con cháu, chúng ta được mời gọi để noi gương các Ngài, viết tiếp những trang sử hào hùng bất khuất qua việc sống cho đạo và chết vì đạo.

Kể chuyện về thánh Tôma Trần văn Thiện. Trước lời dụ dỗ ngon ngọt của vị quan xử án: Con hãy bước qua thập giá, ta sẽ gả con gái của ta cho con, Tôma Trần Văn Thiện đã khẳng khái trả lời: Tôi không mong chức quyền dưới đất mà chỉ mong chức trọng trên trời.

Từ khi hạt giống Tin mừng được các nhà thừa sai gieo vãi trên đất nước Việt nam từ năm 1533, cách đây đã 490 năm. Trong đó, đã có hơn 300 năm đầu (từ năm 1580-1888), cụ thể là năm 1580 các vua chúa quan quyền ra chiếu chỉ cấm đạo mãi cho đến năm 1888 mới chấm dứt.

Thời gian dài hơn 300 năm bị bách hại đã có trên 130.000 tín hữu. Trong số đó có 117 vị được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh vào ngày 19/06/1988; và một vị được phong chân phước năm 2000 , là Thầy Anrê Phú Yên.

Các Ngài thuộc đủ mọi thành phần gồm: 8 Giám Mục; 50 linh mục; 1 chủng sinh; 15 thầy giảng; 44 giáo dân. Các thánh tử đạo cũng là những người như chúng ta, cũng ham sống và sợ chết. Nhưng nhờ vào sứ mạnh ơn thánh Chúa và nhờ vào lòng tin và tình yêu Chúa sắt son các ngài đã sẵn sàng chấp nhận mang lấy gông cùm, xiềng xích, chịu nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu lên đầu rồi đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v. Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống. Bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những hình phạt man rợ và hiểm độc nhất.

Tổng số 79 vị bị chặt đầu. 18 vị bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

Chính nhờ Chúa ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối, đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, các ngài đã làm chứng cho mọi người biết, đạo Đức Chúa Trời chính là đạo yêu thương.

Thật vậy, chỉ vì tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian, mà thánh Matthêu Gẫm, đã can đảm không bước qua thánh giá. Ngài trả lời với ông quan tỉnh rằng: "Thánh giá tôi tôn thờ, thì làm sao tôi giẫm lên được?"

 Thánh Phaolô Tịnh thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”

 Thánh Anrê Kim Thông nói: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”…

Cha thánh Phêrô Lựu coi sóc Giáo họ Ba Giồng đã nói với lý hình: "Đạo đã thấm nhập vào xương vào tủy của tôi rồi, tôi làm sao bỏ được".

Vì tin vào Đức Kitô phục sinh, tin có sự sống lại ở đời sau, mà thánh Mỹ vui lòng chịu trăm bề đau khổ, Ngài nói với quan tổng đốc rằng: "Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ đạo này bao giờ".

Chúng ta không thể kể ra đây hết những hình khổ các thánh Tử Đạo đã phải chịu. Chúng ta cũng không thể nói hết được những lời di chúc quí báu của các ngài. Đối với các ngài, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không bỏ đạo, bỏ Chúa”.

Anh chị em thân mến,

Ngày nay không còn hình thức bách hại đạo như thời vua chúa ngày xưa nữa, nhưng Giáo Hội cần có những người dám sống, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay, là một hình thức tử đạo tuy không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta làm chứng cho Chúa về đạo yêu thương của mình.

Hình thức tử đạo ngày nay tuy không bị ai giết chết, nhưng đòi chúng ta can đảm chết đi cho những đam mê tật xấu, chết đi cho những dục vọng thấp hèn.

Hình thức tử đạo ngày nay, đòi chúng ta noi gương Chúa, sẵn sàng bao dung, tha thứ, và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến chúng ta.

Hình thức tử đạo ngày nay tuy ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, bị giết chết vì đạo, nhưng để sống đạo làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay thì không thiếu những thách đố mới.

Ngày nay, đồng tiền đang trở thành thước đo giá trị con người. Phần đông ai cũng muốn có tiền, và để có nhiều tiền, có những người đã hành động trái với lương tâm, trái với những điều Chúa dạy, bất chấp tất cả miễn sao có nhiều tiền là được.

Với thách đố của tiền bạc như thế, người tín hữu muốn sống với lương tâm ngay thẳng, muốn hành động theo đức tin, đòi buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền bất chính. Thà cam chịu thiếu thốn một chút mà sống đẹp lòng Chúa, hơn là có nhiều tiền mà quên mất Chúa.

Sống làm chứng cho Chúa trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo không đổ máu và anh hùng không kém gì chết vì Chúa. Sống đạo như thế, người tín hữu can đảm góp phần làm chứng cho Chúa, và cho giá trị Tin mừng không kém gì chết vì đạo.

 Sống đạo hôm nay là hết lòng thờ phượng kính mến Chúa. Chuyên chăm học hỏi Thánh kinh và giáo lý, là không sống gian dối, không nói và làm những điều xấu xa, tội lỗi.

Chúng ta chung lời tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam có những chứng nhân anh hùng Tử đạo là mẫu gương sống đức tin sáng ngời. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của các Ngài mà ban cho chúng ta là con cháu biết noi gương các Ngài  trung thành sống đức tin, can đảm làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen. (St)

 

Suy niệm 15:

Hôm là lễ ngày kính các thánh Tử đạo tại VN. Các thánh TĐ tại VN là những người Việt Nam, những nhà truyền giáo ngoại quốc chết vì Đạo tại VN. Các ngài là tổ tiên của chúng ta. Cách đây hơn 300 năm (1580-1888), có khoảng 130.000 người đã dám chết vì Đạo. Gồm đủ mọi thành phần: 8 Giám Mục; 50 linh mục; 1 chủng sinh; 15 thầy giảng; 44 giáo dân. Trong số đó có 117 vị được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh vào ngày 19/06/1988; và một vị được phong chân phước năm 2000, là Thầy Anrê Phú Yên. Thật là một biến cố hết sức lạ lùng!

Vậy khi mừng kính các thánh Tử Đạo tại VN, chúng ta phải có những tâm tình nào? Tôi thấy có nhiều tâm tình lắm, nhưng tôi vẫ thích ba tâm tình này:

1. Tâm tình thứ nhất đó là tự hào. Chúng ta tự hào 3 lý do:

- Trước hết vì các thánh là người đã chết trên đất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của La Mã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người Kitô hữu khác" 

- Thứ đến là vì con số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tại VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 118 vị đã được Giáo Hội phong lên hàng hiển thánh, Giáo Hội VN được xếp nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội tuyên phong. 

- Và cuối cùng tự hào vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm cho lòng tin vào Thiên Chúa. 

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài. 

Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà con người đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau:

  - Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.

  - Nặng hơn một chút thì bị voi dày, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.

  - Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.

  - Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)

Nhìn lại cái chết của các thánh Tử Đạo VN, chúng ta thấy gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn còn cao hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta phải tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27.5.1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: "Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô".

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II trong bài giảng ngày lễ tôn phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: "Từ năm 1533 tức là từ khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vài giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà họ bị lưu đày tới".

2. Tâm tình thứ hai: Biết ơn.

Việc mừng lễ hôm nay làm chúng ta nhớ lại những lời rất cảm động sau đây của Chúa Giêsu: "Kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì chúng con không vất vả làm ra. Những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng công lao khó nhọc của họ " (Ga 4,36-37).

Sử gia Tertulianô ngày xưa khi nhìn lại những năm trời Giáo hội bị bách hại và những cuộc trở lại đạo hàng loạt sau đó, ông đã phải viết lên những lời rất rất đáng cho chúng ta suy nghĩ như thế này: "Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người Kitô hữu khác". Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta có được những con người anh hùng như thế. Đồng thời chúng ta cũng phải biết ơn các Ngài vì chính nhớ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta và trên đất nước thân yêu của chúng ta.

3. Tâm tình thứ 3: ta phải sống thế nào cho xứng danh là con cháu của các ngài.

Châm ngôn VN có câu rất hay: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Phải sống xứng đáng để những thế hệ mai sau khi nhìn vào chúng ta, họ cũng cảm thấy tự hào.

Năm 1934 khi nhắn nhủ một số các em nhỏ đến mừng sinh nhật của mình, nhà bác học nổi danh nhất của thế kỷ thứ 20, Albert Einstein đã nói với các cháu những lời cảm động như sau: "Các cháu nên nhờ rằng những điều kỳ diệu các cháu được học  ở trường là do công lao của biết bao thế hệ trên khắp thế giới đã hăng hái gắng sức và cặm cụi làm việc không ngừng, rồi truyền lại cho các cháu như một di sản để cho các cháu tiếp nhận, tôn trọng, tăng gia thêm và một ngày nào đó các cháu sẽ lại trung thành truyền lại cho con cháu các cháu. Nhờ vậy mà chúng ta, những con người hữu sinh hữu tử mới thành bất tử trong những vật trường tồn mà chúng ta cùng chung sức làm ra". Chúng ta đang thừa hưởng một di sản vô cùng quý giá do Cha Ông chúng ta để lại. Cách trả ơn tốt nhất đối với các Ngài là tiếp nhận và trung thành truyền lại cho các thế hệ mai sau. 

Nhưng truyền lại bằng cách nào?

- Thưa bằng chính cuộc sống mà tổ tiên của chúng ta đã sống.

Văn hào Tagore khi bàn về cái chết của Thánh Gandhi, đã nói: "Có lẽ thánh Gandhi không thành công, có lẽ thánh sẽ thất bại như Đức Thích Ca đã thất bại, như Đức Giêsu đã thất bại vì chưa hủy diệt được lòng ác độc của loài người. Nhưng loài người luôn nhớ tới Thánh vì thánh đã đem đời mình ra để làm bài học cho muôn thế hệ mai sau".

1. Bài học đầu tiên mà mỗi người chúng ta phải noi gương bắt chước đó là trung thành với niềm tin. Đức tin là ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho chúng ta. Hãy bảo vệ lấy, đừng để cho nó bị hao mòn đi. Phao-lô Mợi bị bắt, bị giải đến quan. Quan dụ:

- Anh đạp ảnh đi, tôi sẽ cho anh một nén bạc.

Phaolô Mợi im lặng không trả lời.

- Vậy một nén vàng!

- Bẩm quan chưa đủ.

- Vậy anh muốn bao nhiêu?

- Bẩm quan lớn, quan lớn muốn cho tôi quá khóa thì quan phải cho tôi đủ vàng để mua được một linh hồn khác.

Thánh Nguyễn Văn Lựu thì nói: "Đạo đã nhập vào xương tủy tôi, làm sao tôi có thể bỏ được".

2. Bài học thứ hai phải can đảm sống niềm tin đó.

Victor Hugo: "Đồi Calvario ở đầu đường và hào quang cũng xuất hiện ở đó". Chúa Giêsu :" Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy". Không có chiến thắng cho những kẻ chưa lâm trận đã đầu hàng. Không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát. Phần thưởng càng lớn, vinh quang càng cao thì cái giá phải trả cho nó càng đắt. Phải sử dụng sức mạnh mới chiếm hữu được Nước Trời.

Trong thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma trong lúc cơn bắt bớ đạo tại đó bắt đầu trở thành khốc liệt. Ngài muốn dùng những lời này để khích lệ họ, để họ can đảm, để họ tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian  gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bỏ, gươm giáo? Ngài nói tiếp như một xác tín: Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta".  Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều dài hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta." (Rm 8,35-39). Amen. (St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...