SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN-A
Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12
Suy niệm 1: CAN ĐẢM
SỐNG THẬT LÒNG
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của các Luật Sĩ và những người Biệt
Phái. Đồng thời Chúa cũng kêu mời chúng ta hãy sống theo những gì họ dạy. Nhưng
tránh làm theo những gì họ làm. Bởi họ dạy một đàng, lại làm một ngã. Nói thì đúng,
làm thì sai. Dạy sống đạo đức, nhưng lại sống bất nhân.
Xin cho chúng ta
biết can đảm sống và làm chứng cho sự thật với lòng thành giữa một xã hội còn
nhiều gian dối và lọc lừa.
Người ta kể truyện
vui:
Để phân biệt được
đâu là người Việt, đâu là người Trung Quốc, đâu là người Nhật và đâu là người
Mỹ, người ta dựa vào hai yếu tố: “Nói” và “Làm”
Người Mỹ: nói gì thì
làm đấy.
Người Trung Quốc:
làm rồi mới nói.
Người Nhật: nói
trước rồi mới làm sau.
Còn người
Việt Nam: nói một đàng làm một ngã.
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của các Luật Sĩ và những người
Biệt Phái, bằng cách ý thức chúng ta hãy sống theo những gì họ dạy,
nhưng tránh làm theo những gì họ làm. Bởi họ dạy một đàng lại làm một nẻo. Nói
thì đúng làm thì sai. Dạy sống đạo đức, nhưng lại sống bất nhân.
Chúng ta đang sống
trong một xã hội phủ đầy bóng tối của gian dối. Chân thành và sự thật hình như
không còn chỗ đứng; trái lại xảo trá và lọc lừa lại lên ngôi và được xem là
Trend là model của thời đại. Chính vì thế mà ngày hôm nay, con người không còn
phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả, đâu là người tốt đâu là người xấu.
Sống trong xã hội như vậy thật là đau buồn và bất an!
Xin cho con cái Chúa
biết can đảm sống và làm chứng cho ánh sáng của trung thực hầu xua
tan bóng tối của bất công, gian dối, lộc lừa còn đang bao phủ nặng nề
trong cuộc sống hôm nay.
Xin Chúa cho chúng
ta biết tránh xa tính kiêu căng, thói giả hình của
người Luật Sĩ và Biệt Phái để chân thành nhận mình còn
nhiều khiếm khuyết, tội lỗi.
Xin cho chúng ta
biết noi gương Chúa sẵn sàng phục vụ và giúp đỡ mọi người trong hết
mọi việc, hầu xứng đáng là con Chúa và trở nên bạn hữu thân thiết với
mọi người. Amen.
Suy niệm 2: THỐNG
NHẤT ĐỜI SỐNG
Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy thống nhất đời sống sao cho giữa cái là và cái làm, giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và hành vi thông suốt với nhau. Nhờ đó mà xã hội mới được yên vui và tâm hồn mỗi người mới được an bình, khi mà ngoài kia còn nhiều gian dối, lọc lừa.
Phụng vụ lời Chúa
hôm nay cũng nhấn mạnh đến hai từ “nói và làm”
1. Bài đọc
I, trích sách ngôn sứ Malakhi. Tiên tri
Malakhi rao giảng vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, khi ấy Ðền thờ Giêrusalem
đã được xây dựng lại. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái bấy giờ
chỉ quan tâm tổ chức lễ nghi bên ngoài, mà không quan tâm đến việc hướng dẫn
tinh thần cho dân chúng.
Từ đó đã phát sinh
nhiều tệ nạn như: họ thường chọn những con vật đui mù què quặt, thậm chí là
những con vật ăn cắp để làm lễ vật dâng tiến cho Chúa. Họ cũng dung túng cho
việc li dị và kết hôn với người ngoại và làm ngơ cho việc trốn thuế thập phân.
Họ đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm đến tư lợi cho bản thân
mình.
Vì thế, Thiên Chúa đã sai
ngôn sứ Malakhi đến nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo để chấn chỉnh lại bản
thân cho đúng đắn, biết thật lòng tôn vinh Thiên Chúa và trung thành giữa với
giao ước Ngài, nhất là biết đối xử với mọi người trong tình anh em con cùng một
Cha.
2. Bài đọc II, trích thư thứ nhất
của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thas-sa-lô-ni-ca. Thánh Phao-lô cho
các tín hữu hiểu được cung cách lãnh đạo của ngài. Với tư cách là lãnh đạo,
nhưng ngài lại cư xử với các tín hữu như kẻ bé mọn. Ngài nêu cao tinh
thần phục vụ các tín hữu “như người vú nuôi nâng niu con
cái mình”. Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình
có cho các tín hữu, ngay cả mạng sống mình. Ngài không muốn trở
thành gánh nặng cho các giáo đoàn, nên tự mình ra sức lao động để nuôi sống bản
thân.
3. Cách riêng
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ
lối sống giả hình của các Luật Sĩ và những người Biệt Phái. Ngài ý thức
dân chúng hãy sống theo những nhà lãnh đạo dạy, nhưng tránh làm theo những
gì họ làm. Bởi họ dạy một đàng, làm một nẻo. Nói thì đúng làm thì sai. Dạy sống
đạo đức, nhưng đời sống lại bất nhân.
Chúng ta đang sống
trong một xã hội phủ đầy bóng tối của lọc lừa gian dối. Chân thành và sự thật
hình như không còn chỗ đứng; xảo trá và lọc lừa lại lên ngôi. Con người thời
nay hình như thích Do Trend và chạy theo model nên không còn khả năng phân biệt
đâu là đúng là sai, đâu là thật là giả, đâu là người tốt đâu là người xấu. Sống
trong xã hội mà chủ nghĩa duy tương đối được đề cao và giá trị chân thành, thật
lòng bị hạ thấp, xem thường thì thật là nguy hiểm và bất ổn!
Xin cho chúng ta là
con cái Chúa, biết can đảm sống và làm chứng cho sự thật và chân lý,
nhằm xua tan bóng tối của bất công, gian dối, lộc lừa đang còn bao
phủ dày đặc chung quanh chúng ta..
Xin Chúa cũng cho
chúng ta biết can đảm loại bỏ thói giả hình như những người Luật Sĩ
và Biệt Phái để thống nhất đời sống hầu trở nên dấu chỉ khá tín cho chân lý và
sự thật trong cuộc sống hôm nay.
Xin cho chúng ta can
trường bước theo Đức Giêsu trên con đường khiêm tốn, tự hạ, sẵn sàng hy sinh
phục vụ mọi người, ngay cả hy sinh chính mạng sống mình vì lòng yêu mến chân
thành. Được như vậy chúng ta mới xứng danh là người Kitô hữu và là người con yêu
dấu của Cha trên trời. Amen.
Suy niệm
3: LỄ THIẾU NHI
- Bài đọc 1: Trích sách ngôn sứ
Malakhi, vào khoảng thế kỉ thứ V, vua Cyrô, vương quốc Ba Tư đánh chiếm
Babylon và cho dân Do Thái được hồi hương về quê cha đất tổ, để tự do thờ
phượng Thiên Chúa. Dân chúng phấn khở xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, nhưng
nhiệt huyết buổi ban đầu dần vụt tắt sau khi đền thờ hoàn tất. Thay vào đó là
sự ươn lười, chểnh mảng của cả Tư tế lẫn dân chúng. Họ dâng cho Chúa những con
vật đui mù, què quặt, và ăn cắp, dung túng cho việc li dị và kết hôn với người
ngoại; chẳng màn đến việc đóng thuế thập phân…Đúng lúc đó, tiên Malakhi được
Chúa sai đến để vạch trần nguyên nhân sự xuống cấp này, đồng thời chỉ cho thấy
trách nhiệm ấy thuộc về các vị tư tế và lãnh đạo tôn giáo. Ý thức họ về việc
tôn vinh Chúa, tuân giữ giao ước và ứng xử với dân chúng như là anh em con cùng
một Chúa.
- Bài đọc 2: Trích thư thứ hai
của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Thessalonica. Trong là thư này Thánh
Phaolo cho biết đời sống ngài đi ngược lại với những nhà lãnh đạo tôn giáo Do
Thái xưa. Ngài luôn vâng nghe ý Chúa, làm mọi việc không nhằm vinh danh mình
nhưng luôn quy về Chúa và làm vinh danh Chúa. Đối với bản thân luôn khiêm tốn
phục vụ như người đầy tớ, và cố gắng ra công làm việc để lấy của nuôi bản thân
không trở thành gánh nặng cho các tín hữu. Với các tín hữu yêu thương phục vụ
tận tình, xem mình như một người mẹ, vú nuôi; sẵn sàng hy sinh phục vụ cho tin
mừng và trao ban cho các tín hữu những thiện ích, ngay cả phải hy sinh mạng
sống mình.
- Bài Tin mừng gồm 2
phần:
+ Phần
1: Chúa Giêsu nói về lối sống giả hình của các luật sĩ và biệt
phái,
+ Phần 2: Chúa ban
những cho môn đệ những lời giáo huấn, nhằm khuyên các ông biết sống
thế nào cho xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa.
1. Trước hết Chúa
lên án lối sống giả hình của những luật sĩ và biệt phái.
Chúa cảnh
tỉnh các môn đệ về những người luật sĩ và biệt phái rằng: Họ
“ngồi tòa Môisen”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ
nói, các con hãy làm và tuân giữ”. “Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì
họ nói mà không làm”. Vì:
- Họ đề ra luật lệ
để bắt người khác giữ, còn chính bản thân mình thì không giữ.
- Họ chỉ làm những
việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.
- Họ ham thích
danh vọng: ngồi chỗ nhất trong hội đường, thích được chào nơi công cộng, thích
được gọi là Rabbi.
Đó là những việc mà
người biệt phái và luật sĩ thích làm. Tại sao họ thích làm những việc như vậy
chúng con ?
Thưa tại vì họ kiêu
ngạo.
Chúa Giêsu khiển
trách họ vì họ kiêu ngạo, muốn tỏ ra mình là ta đây hơn mọi người. Họ
nới rộng hộp kinh, nối dài tua áo, họ muốn những thứ đó phải nổi bật hơn mọi
người... Nơi công cộng họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu
trong hội đường, thích được người ta chào hỏi là “rabbi”... Nghĩa là cái gì
cũng phải hơn người. Đó chính là lối sống giả hình và là biểu hiện của kiêu
căng, tự mãn.
Nên chúng ta cũng
hãy coi chừng! bởi lẽ Chúa Giêsu đã chẳng bảo có gì mà che giấu mãi được, tất
cả rồi cũng bị tỏ lộ ra mà thôi. Những gì mà con người không thấy thì Thiên
Chúa “thấy” hết. Con người có thể lừa bịp được người khác nhưng nhất định là
không thể qua mặt được Thiên Chúa.
Chuyện kể rằng: Ngày
kia, Nữ hoàng Shaba gởi đến vua Salomon hai bó hoa rất giống nhau, để thử xem
sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả .
Nhà vua bèn mở cửa
sổ, cho bầy ong bướm bay vào. Tức thì các chú ong và các nàng bướm liền sà ngay
xuống những bông hoa thật.
Những bông hoa giả
có sắc mà chẳng có hương, có bóng hình mà không có sự sống.
Những người luật sĩ
và biệt phái mà Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay cũng chẳng khác gì
những bông hoa giả như thế. Bên ngoài trông rất đẹp, nhưng bên trong là giả
tạo, đầy thúi nát, tựa mồ mả tô vôi. Mà đồ giả thì làm sao có giá trị và được
người đời ưa thích.
2. Phần hai, Chúa dặn
dò các môn đệ của Ngài về hai điều:
- Chúa
nói: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.
Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Ai trong chúng ta mà
lại chẳng muốn làm lớn. Nhưng làm lớn theo Chúa Giêsu là để phục vụ chứ
không phải để sống theo kiểu ta đây như những người biệt phái và luật
sĩ thuở xưa.
Tấm gương của Chúa
Giêsu từ trời cao hạ mình xuống mang lấy thân phận con người ngoại trừ tội lỗi
để trở nên đồng thân đồng phận và đồng tử để cho con người được sống và sống
dồi dào. Là Thiên Chúa tối cao, nhưng Ngài không ngần ngại quỳ xuống rửa chân
cho các môn đệ. Thấm nhuần giáo huấn của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô cũng đã trở
nên mẫu gương lãnh đạo tuyệt vời trong GH. (x. bài đọc 2)
Ước gì mỗi người
chúng ta biết siêng và đối xử với nhau với lòng khiêm tốn và luôn biết nhìn
nhận nhau là anh em con cùng một Cha.
- Chúa còn căn dặn
thêm: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” Tôn mình lên là kiêu
ngạo. Hạ mình xuống là khiêm nhường. Chúa muốn cho những môn đệ của Chúa loại
bỏ lối sống kiêu căng tự mãn nhưng hãy yêu chuộng cung cách sống khiêm nhường
theo gương Chúa.
Thực tế thì ai cũng
quý mến người khiêm nhường và hiền lành. Người khiêm nhường sẽ dễ chiếm được
cảm tình của những người xung quanh. Ngược lại, ai cũng ghét những người kiêu
hãnh và có lối sống trịch thượng. Người sống như thế hậu quả sẽ bị Chúa hạ bệ,
còn ai sống khiêm nhu sẽ được Chúa nâng cao qua hình ảnh của Mẹ Maria.
Để kết thúc ta hãy
nghe lại bài bài hát sinh hoạt của Lm Thái Nguyên:
Ai nhắc mình lên sẽ
bị hạ xuống
Ai hạ mình xuống sẽ
được nhắc lên
Xin cho con biết
luôn tự hạ
Sống khiêm nhu như
Giêsu từ ái
Lòng đơn sơ, chân
thành, cởi mở
Đời hồn nhiên như
hoa nở thắm tươi.
Suy niệm 4:
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của những Luật sĩ và Biệt phái. Lối
sống giả hình của họ được biểu lộ ra bên ngoài qua ba dấu hiệu:
1. Nói nhưng không
làm.
Cám dỗ thứ nhất của
họ là ngôn hành bất nhất, nói mà không làm. Chúa Giêsu lên án thói xấu như
sau: “Họ ngồi trên toà Mô-sê mà giảng dạy… bó những gánh nặng mà chất
lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt
23,4). Qủa thật họ lấy cái quyền ngồi trên toà Môsê để giảng dạy đạo
lý, xem ra họ nói rất hay nhưng họ lại không thực hành điều mình nói.
Suy nghĩ về điều này
cũng khiến ta giật mình. Bởi lẽ, khi xét mình chúng ta cũng hay mắc phải khuyết
điểm này. Ai trong chúng ta dám khẳng định là mình thống nhất được đời sống:
nghĩa là nhất quán giữa ý tưởng và việc làm; giữa lời nói và hành vi. Nên ai đó
đã nói: khoảng cách xa nhất là từ cái đầu đến đôi tay, giữa tư tưởng và việc
làm. Chính vì thế mà có nhiều người theo đạo, có đạo nhưng lại không sống
đạo. Cho nên khi Chúa Giêsu lên án những luật sĩ và biệt phái thì Ngài cũng là
cảnh báo đến chúng ta.
2. Hám danh
Cám dỗ thứ hai của
những luật sĩ và biệt phái là thích được người ta ca tụng, vinh danh. Thích vậy
nên “họ cố làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những
hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.” (Mt 23,5).
Vì muốn được người
khác khen ngợi, ca tụng, các luật sĩ và biệt phái đã không ngại ngùng “ngồi vào
cỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, họ thích nới rộng thẻ kinh
và may dài thêm tua áo...”, nhằm chứng tỏ mình là người đạo đức. Trong
cuộc sống chúng ta cũng bị cám về điều này, nên lắm khi chúng ta cắm đầu
chạy theo thành tích, tước hiệu, danh dự; dùng mọi cách để tìm kiếm sự ưu tiên,
ưu đãi trong đời sống.
Những luật sĩ và
biệt phái chỉ “đeo những hộp kinh thật lớn và may những tua áo thật
dài” để chứng tỏ mình thuộc nhóm thượng lưu ở Giêrusalem, nhưng con
người thời nay, vì muốn chứng tỏ mình là người giàu có, đẳng cấp, sang trọng
nên bằng mọi cách để tậu cho bằng được “siêu xe đắc tiền”, sắm những chiếc
“điện thoại khủng”, bận những bộ áo quần hàng hiệu đắt tiền, uống những thứ
rượu ngoại, đi vé máy bay hạng vip v.v… Chung quy chỉ vì muốn tỏ mình hơn người.
Hãy coi chừng lối sống tự mãn và giả tạo đó!
Về điều này, Cha
Mark Link có kể lại một câu chuyện có thật như sau: “Một thiếu tá vừa được
thuyên chuyển về chỉ huy một tiểu đoàn mới. Ông tìm cách “hù” cho binh lính cho
họ nể sợ ông. Một hôm, một anh binh nhì gõ cửa xin vào phòng ông. Ông nói:
- Vào đi. Nhưng đứng
chờ đấy vì tôi đang bận tiếp điện thoại.
Rồi ông cầm điện
thoại nói:
- Chào Đại tướng,
rất hân hạnh được nghe ngài. Ngài muốn gì ạ ?
Ông im lặng một hồi
như đang lắng nghe, rồi nói tiếp:
- Vâng, thưa Đại
tướng, tôi sẽ nói lại với Tổng thống về điều ấy.
Xong, ông đặt ống
nghe xuống và nói với anh binh nhì:
- Xong rồi, bây giờ
tới phiên anh. Anh có việc gì nào ?
Anh binh nhì đáp:
- Dạ tôi thừa lệnh
trung sĩ đến đây để nối dây điện thoại cho ngài, thưa Thiếu tá!
3. Thích thống trị
hơn là phục vụ
Các kinh sư và biệt
phái vì có lối sống quan liêu và tỏ ra quyền hành nên nhiều lần Chúa Giêsu đã
chỉ trích họ cách gay gắt. Hôm nay Chúa vạch ra những dấu hiệu chứng tỏ quyền
hành của họ: “Họ thích cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong
hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở nơi công cộng và được thiên hạ gọi là
rápbi” (Mt 23,7).
Ở mọi thời, mọi nơi
và mọi người, kể cả những kẻ đạo đức nhất cũng khó tránh khỏi cám dỗ về quyền hành.
Khi có quyền rồi thì muốn thống trị và áp đặt người khác, bắt người khác phục
vụ mình hơn là phục vụ người khác. Đó cũng là thứ bệnh “giáo sĩ trị” mà ngày
hôm nay GH nhắc đến nhiều.
Không phải chỉ những
luật sĩ, biệt phái thời xưa tỏ ra quyền hành mà ngày nay nhiều người trong
chúng ta cũng hay cho mình “độc quyền” về chân lý, nắm giữ lẽ phải và áp đặt
quan điểm mình trên người khác…Họ tự cho mình là thầy dạy người khác. Giống như
luật sĩ và biệt phái chúng ta thích đòi hỏi người khác, nhưng lại không
đòi hỏi chính mình, ta thích chỉ tay năm ngón, bắt người khác làm theo ý mình,
nhưng lại không muốn dấn thân, phục vụ.
Để giúp các môn đệ
có cái nhìn và cung cách lãnh đạo đúng đắn, Chúa Giêsu đã nhắc nhở
các ông: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ
anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn
lên.”
Kinh nghiệm
cho thấy người khiêm nhường và hiền lành và hy sinh phục vụ thì dễ chiếm được cảm tình
của những người xung quanh. Ngược lại, những người kiêu căng, tự mãn, khoe
khoan, hóng hách tịch thượng…sẽ làm cho người khác khó chịu, ghét bỏ và xem
thường về nhân cách.
Truyện kể rằng:
Trong trận phản công Đức, Bộ tham mưu đồng minh qua vùng Ardennes vào một buổi
sáng mùa đông, tuyết phủ đầy đường, tới một khúc quanh, chính bộ tham mưu phải
bỏ quân phục xuống thu gọn tuyết cho xe đi qua. Một quân nhân lùn, béo làm việc
rất hăng. Bỗng người ta thấy một sĩ quan (sĩ quan chỉ huy miền đó) đi tới, dáng
điệu trịch thượng và hỏi quân nhân có thân hình mập và lùn, đang hăng hái xúc
tuyết:
- Các anh ở đâu đến
và làm gì ở đây ?
Quân nhân này hỏi
lại:
- Còn anh, anh là ai
? Anh đang ở đâu, khi những người này làm việc ?
Sĩ quan kia trả lời:
- Tôi hả, tôi ở trên
xe, tôi là đại úy mà!
Quân nhân này nói:
- Còn tôi, tôi là
thống tướng Model, tôi cần nói cho anh biết: từ nay anh không còn là sĩ quan
nữa, anh bị giáng chức xuống làm binh nhì.
Tóm lại, những gì
Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo ngày xưa thì ngày nay lại liên
quan đến chúng ta. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy xa tránh lối sống ngôn hành
bất nhất, phô trương và quyền hành. Người mời gọi chúng ta hãy can đảm sống
chân thành, đơn sơ, khiêm tốn, sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân mà không toan
tính. Thực hiện được như thế, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa, và nhờ
đó ta mới xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Amen!
Suy niệm 5: MÔ HÌNH NGƯỜI LÃNH
ĐẠO GƯƠNG MẪU
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Anh chị em thân
mến,
Lời Chúa hôm nay
nói về trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trong chúng ta, nhiều người có trách
nhiệm hướng dẫn: kẻ thì hướng dẫn gia đình, người thì hướng dẫn một nhóm người
trong họ đạo hoặc ngoài xã hội. Trách nhiệm hướng dẫn rất nặng nề và đòi hỏi
rất nhiều, kẻo “mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố”.
Chúng ta hãy chăm
chú lắng nghe Lời Chúa dạy cách hướng dẫn người khác. Ðồng thời chúng ta cũng
hãy nài xin Chúa trợ lực để chúng ta có thể chu toàn trách nhiệm của mình.
- Nhận lãnh trách
nhiệm hướng dẫn người khác, nhưng chúng ta chưa có một đời sống gương mẫu để
làm gương cho những người được chúng ta hướng dẫn.
- Nhiều khi chúng
ta còn làm gương xấu.
- Chúng ta để ý
nhiều đến vinh dự của mình, mà ít quan tâm phục vụ.
1. Bài đọc I: Ngôn sứ Malakhi rao giảng vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, khi ấy Ðền thờ đã được xây dựng lại xong. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái chỉ quan tâm tổ chức các lễ nghi bề ngoài, không quan tâm hướng dẫn tinh thần dân chúng.
Từ đó phát sinh
nhiều tệ nạn: các lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt,
thậm chí là những con vật ăn cắp; dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người
ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan
liêu, chỉ nhằm tư lợi.
Thiên Chúa bảo
ngôn sứ Malakhi nhắc nhở về cung cách lãnh đạo: làm cho dân biết tôn vinh Thiên
Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em cùng
một Cha.
2. Bài đọc II: Cung cách lãnh đạo của Thánh Phaolô:
"Chúng tôi đã trở thành những kẻ bé mọn giữa anh em”
Ðối xử với tín hữu
“như người vú nuôi nâng niu con cái mình”
Sẵn sàng hy sinh
tất cả cho tín hữu, ngay cả mạng sống mình.
Cố gắng tự lực
cánh sinh để không trở thành gánh nặng cho giáo đoàn.
3. Tin Mừng Thánh Matthêu: Ðức Giêsu nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời của Ngài, tức là các luật sĩ và các người biệt phái:
Một mặt, Ngài bảo
mọi người phải tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi toà Môsê”, và hãy làm theo
những gì họ dạy.
Nhưng mặt khác
đừng noi theo hành vi của họ, biểu hiện những thói xấu như: chỉ tay năm ngón,
hám danh, kiêu căng.
1. Mô hình của người
lãnh đạo gương mẫu: Mô hình này dựa trên những lời Ðức Giêsu dạy và chính mẫu
gương của Ngài được ghi lại trong các sách Tin Mừng, như Mt 20,24-28; Mt
23,1-32; Ga 13,1-20 v.v.
- Tấm lòng của
người lãnh đạo: yêu thương những kẻ được mình hướng dẫn.
- Phương châm của
người lãnh đạo: tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục
vụ những kẻ mình hướng dẫn.
- Cung cách của
người lãnh đạo: hạ mình, hy sinh, gương mẫu.
2. Những thói xấu
mà người lãnh đạo dễ mắc phải:
- Bài đọc I và bài
Tin Mừng hôm nay vạch rõ những thói xấu mà những người lãnh đạo dễ mắc phải:
+ Lo tìm vinh dự
cho mình, mà quên tìm lợi ích cho thuộc cấp.
+ Thái độ quan
liêu, coi rẻ thuộc cấp.
+ Sai khiến người
khác làm, phần mình thỉ chỉ tay năm ngón.
+ Quên phục vụ
người khác, mà bắt người khác phục vụ mình.
3. Suy nghĩ về cái
“làm” và cái “thấy”
Cái “làm” của
chúng ta dễ bị ảnh hưởng tác động của cái “thấy”.
- Nếu “làm để cho
người ta thấy”, thì: khi người ta thấy thì chúng ta cố gắng làm cho thật tốt để
được người ta khen; nhưng khi không ai thấy thì chúng ta hoặc không làm, hoặc
làm cẩu thả.
- Nhưng cái “thấy”
của người ta thế nào? Người ta chỉ có hai con mắt và
chỉ hiện diện ở một nơi, cho nên có cái người ta thấy và có cái người ta không
thấy.
- Ngay cả khi
người ta thấy đi nữa thì làm sao? Có khi người ta thấy việc chúng ta làm và
người ta khen hoặc chê; nhưng nhiều khi người ta dù có thấy nhưng thờ ơ chẳng
có ý kiến khen chê gì cả (thí dụ chúng ta đi một đoạn đường, chúng ta thấy rất
nhiều việc, nhưng chúng ta vẫn dửng dưng đâu có ý kiến gì); có khi mình làm
việc tốt, người ta thấy nhưng lại hiểu sai và cho là việc xấu (thí dụ chuyện
Quan Âm Thị Kính: Thị Kính thương chồng định lấy kéo cắt dùm một sợi râu của
chồng, có người thấy thế tố cáo Thị Kính muốn dùng kéo giết chồng).
- Còn cái
“thấy” của Chúa thế nào? Có câu hát: “Con kiến đen, nằm
trên hòn đá đen, mà trời tối đen Ðức Chúa Trời cũng thấy”. Nghĩa là Chúa thấy
hết mọi sự, ở khắp mọi nơi. Không gì mà Ngài không thấy. Và khi thấy thì Chúa
luôn đánh giá: nếu thấy ta làm điều tốt thì Chúa vui và thưởng ta, còn thấy ta
làm điều xấu thì Chúa buồn và phạt ta.
a. Tiền giả
Có khi nào người
ta dám quẳng bỏ những tờ giấy bạc không? Thưa có, khi đó là tiền giả. Nhiều
người đã quẳng bỏ Kitô giáo vì thấy những kitô hữu giả hình (W.E. Biederwolf).
b. Ông vua ở
truồng
Một ông vua kia
rất ham mặc áo quần đẹp. Hai tên lưu manh đến gạ gẫm: “Chúng tôi có thể dệt và
may cho bệ hạ một bộ áo rất đặc biệt từ xưa tới nay chưa ai từng thấy. Nhưng áo
này phải dệt bằng vàng”. Vì quá ham bộ áo đặc biệt ấy, nhà vua đưa cho hai tên ấy
hết túi vàng này tới túi vàng khác. Thực ra chúng chẳng may gì cả.
Rồi một hôm hai
tên lưu manh cho biết áo đã may xong, mời nhà vua mặc thử. Chúng chỉ làm cử
điệu tay chân như đang mặc áo cho nhà vua.
Khi chúng cho biết
đã mặc xong, nhà vua hỏi các quan chung quanh “Áo ta có đẹp không?” Ai nấy trầm
trồ khen nức nở.
Quá phấn khởi, nhà
vua bảo quân hầu kiệu ngài ra các đường phố để khoe áo đẹp. Dân chúng hai bên
đường cũng nức nở khen. Nhà vua rất sung sướng.
Bỗng nhiên một đứa
trẻ hô lớn: “Ông vua ở truồng! Ông vua ở truồng!”. Nhà vua nhìn lại mình và mới
biết mình đang ở truồng thật.
Ðức Giêsu dạy
chúng ta đừng làm như người biệt phái “Họ làm mọi sự cốt cho người ta
thấy”, nhưng hãy cố gắng luôn sống dưới cái nhìn của Chúa, làm gì dù có
người thấy hay không, dù việc lớn hay việc nhỏ, việc chung hay việc riêng, hãy
luôn làm vì muốn đẹp lòng Chúa.
Thứ hai: Lc 14,
12-14
“Như trời cao
hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta
cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 5, 9). Đó cũng là sứ
điệp mà lời Chúa hôm nay muốn gửi đến chúng ta. Xin Chúa uốn lòng
chúng ta giống như trái tim Chúa, để chúng ta cũng có cách suy nghĩ và hành xử
giống như Chúa.
Gần đây rong khu vực
nông thôn rộ lên phong trào tổ chức đám tiệc. Ngoài tiệc cưới, đám tang, giỗ
chạp… người ta còn bày ra nhiều lý do khác để ăn mừng như: thôi nôi, đầy tháng,
sinh nhật…nói chung người ta tìm đủ mọi lý do để tổ chức tiệc. Thì ra
người ta thích tổ chức tiệc tùng là nhắm đến lợi nhuận kinh tế trong thời buổi
"củi quế gạo châu". Vì thế, những thực khách được nhắm đến thường là
những người có tiền và có địa vị trong xã hội. Còn những người nghèo thì ít khi
người ta nghĩ tới để mời dự tiệc.
Đó cũng chính là mưu
tính của vị thủ lãnh người Biệt Phái mà Chúa đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm
nay. Để lên án đầu óc tính toán vụ lợi, Chúa Giêsu đề nghị ông ta cần phải loại
bỏ tính ích kỷ và lòng tham lam tiền mà hãy quan tâm đến những người nghèo khổ.
Vì thế Chúa đề nghị ông ta và mọi người khi dọn tiệc nên “mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù”. Làm được như vậy, ta sẽ được phúc
vì sẽ được người nghèo biết ơn ở đời này và được Chúa ban thưởng hạnh phúc ở
đời sau, khi những người công chính sống lại đền ơn.
Để cụ thể hóa lời
dạy của Chúa Giêsu, ĐTC Phanxicô đã thiết lập ngày “Thế giới người nghèo” hàng
năm. Với mục đích để các cộng đoàn Kitô hữu “trở nên dấu chỉ cụ thể, rõ ràng
cho tình yêu thương của Chúa Kitô, đối với những người rốt cùng và túng thiếu
nhất”.
Xin cho chúng ta
biết đáp lại lời mời gọi của Chúa và GH mà thể hiện lòng yêu thương người
nghèo bằng những việc làm thiết thực như: lập “quỹ bác ái” tại các Họ đạo;
học hỏi “sứ điệp ngày thế giới người nghèo”; dành một ngày Chúa nhật dâng thánh
lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho người nghèo; đi đến với người nghèo trong các
khu xóm; chầu Thánh Thể và suy niệm Kinh Lạy Cha để thấm nhuần tinh thần đón
nhận và chia sẻ. Đó chính là phương thế để ta đạt đến sự trọn lành và xứng
danh là môn đệ Chúa Giêsu.
Thứ ba: Lc 14,
15-24
Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng
khao khát được tham dự vào bàn tiệc nước trời. Nhuu7ng làm thế nào để đạt được niềm khát khao sâu
xa đó? Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sẽ chỉ cho chúng ta biết. Xin cho chúng ta
biết lắng nghe và nỗ lực thực thi điều mà Chúa Giêsu chỉ dạy để được tham dự
vào bàn tiệc nước trời.
Thấy cái này nhớ đến
cái kia, làm điều này nghĩ đến điều nọ, đó là lẽ thường tình của con người.
Cũng thế, trong bữa tiệc tại nhà vị thủ lãnh Biệt phái, một người ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu đã bộc bạch suy nghĩ của mình: “phúc cho kẻ được ăn
tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã hướng dẫn ông
cũng như chúng ta cách thế để đạt được niềm khao khát chính đáng là tham dự vào bữa tiệc nước trời.
Chúa Giêsu cho biết
bàn tiệc nước trời đã dọn sẵn và rộng cửa đón nhận mọi người vào tham
dự. Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng cho thấy con người lại quá say mê nhiều thứ khác
ở trần gian nên dễ dàng từ chối bàn tiệc nước trời.
Chúa Giêsu đưa ra 3
lý do khiến người đời từ chối lời mời gọi tham dự bàn tiệc nước
trời: Mới tậu một thửa ruộng, nên cần phải đi xem đất (1). Mới mua năm đôi
bò nên phải đi thử chúng (2). Mới cưới vợ, bởi còn lo đến chuyện hạnh phúc đời này, không thể đến được (3). Những
lý do trên chung quy lại chỉ vì lợi ích trước mắt mà quên đi hạnh phúc và giá trị vĩnh cửu đời đời
Hằng ngày, hàng tuần
Chúa tha thiết mời chúng ta đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để ta
cảm nếm niềm vui nước trời. Nhưng chúng ta lại tìm mọi cách, diện mọi lý do để
khướt từ. Tất cả cũng vì còn say mê những giá trị chóng qua đời này là của cải, danh vọng và lạc thú.
Xin Chúa ban cho
chúng lòng cam đảm để vượt lên trên những giá trị trần thế chóng qua mà siêng
năng đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể do Chúa thiết tha gọi mời. Được vậy, chúng ta mới có thể cảm nếm được niềm vui hạnh phúc nước trời hôm nay và mai sau.
Thứ tư: Lc 14, 25-33
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ chân
chính của Chúa. Xin cho chúng ta tích cực làm theo lời dạy của Chúa với mong
muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.
Thời buổi kinh tế
thị trường (củi quế gạo châu) như hôm nay, trước khi đầu tư vào bất cứ dự án hay công việc gì, người ta đều phải tính toán chi tiết, kẻo thất bại sẽ gây tan nhà nát cửa và bị người
khác chê cười.
Đầu tư cho nước trời và tòng quân đứng dưới cờ Giêsu là quyết định hệ trọng, ảnh hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Vì thế, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta cần phải hãy suy tính thật cẩn trọng.
Ví như người muốn xây nhà, trước hết phải tính xem phí tổn bao nhiêu? có khả năng làm nổi hay không? Nếu không thì đừng khởi công kẻo công trình đắp chiếu gây tổn hại kinh tế.
Cũng vậy muốn chống lại
quân thù kéo 20 ngàn quân vây đánh, nhà vua phải tính toán lực lượng xem có đối
đầu nổi không. Nếu ta chỉ có 10 ngàn quân và không có kế sách nào hay, thì tốt
nhất nên cầu hòa, hoãn binh kẻo thua trận, nước mất nhà tan là chắc chắn.
Nếu những sự đời như
xây nhà, đánh trận mà người ta còn biết suy nghĩ tính toán cẩn trọng như thế,
thì hạnh phúc vĩnh cửu nước trời và đi theo làm môn đệ của Chúa không phải là chuyện
đùa, nên cần phải suy tính và chuẩn bị thật chu đáo. Vậy phải chuẩn bị thế nào?
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta 2 cách tốt nhất để chuẩn bị: 1 là từ bỏ, 2 là vác
thánh giá. Đó chính là hai phương cách hữu hiệu tối ưu để được làm môn đệ Chúa và nhờ đó ta sẽ chiếm hữu
được nước trời.
Từ bỏ những gì mình
yêu thích cũng đồng nghĩa với việc vác thập giá vì nó khiến ta hối tiếc vì mất
mát và thấy thương đau vì những thử thách. Từ bỏ tiền bạc, của cải, danh vọng,
tình thân…xem ra còn dễ, nhưng từ bỏ ý riêng, bản thân để thuộc trọn về Chúa quả là không dễ chút nào. Thật khó biết bao khi phải bỏ đi tính kiêu căng tự mãn, lòng ích kỷ tham
lam, bỏ con người cũ với những ý nghĩ cá nhân để hòan toàn vâng phục theo ý Chúa hoàn toàn. Khó nhưng với sức mạnh ơn Chúa ta thì mọi sự đều có thể.
Xin Chúa giúp chúng
ta có đủ sức mạnh ơn thánh để ta can đảm khướt từ mọi quyến rủ trần gian mà làm
theo ý Chúa muốn. Nhờ đó ta mới xứng đáng trở thành môn đệ chân chính của Chúa
và chiếm hữu được hạnh phúc nước trời.
Thứ năm: Ed
47,1-2.8-9.12; Ga 2,13-22
KÍNH CUNG HIẾN ĐỀN
THỜ LA-TÊ-RA-NÔ
Suy niệm 1:
Cùng với GH, hôm nay
chúng ta kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ Latêranô. Sau 300 năm GH sơ khai bị bách
hại gắt gao. Đến năm 306 khi vua Công-tăng-ti-nô lên ngôi, với chiếu chỉ
Mi-la-nô được ban hành, thì tự do tín ngưỡng mới được tôn trọng. Từ đó các
thánh đường và cơ sở tôn giáo của GH được triều đình hỗ trợ tái thiết và xây
mới lại, trong đó nổi bật là đền thờ Latêranô. Đến ngày 09/11/ 324 đền thờ được
hoàn thành và cung hiến long trọng, dưới triều đại ĐGH Xin-vét-te.
Mừng kính kỷ niệm
ngày cung hiến đền thờ Latêranô hôm nay, là dịp nhắc nhờ chúng ta về sự cao quý
của nhà thờ: là nơi Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người, là nơi
dành riêng thờ phượng TC, là nơi con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, là nơi
tín hữu lãnh nhận các nguồn ân sủng của Chúa qua các bí tích, là nơi dân Chúa
qui tụ lại để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa…vì thế chúng ta phải quan tâm gìn
giữ Nhà Thờ sạch đẹp, đồng thời có thái độ xứng hợp mỗi khi bước vào nhà Chúa.
Hình ảnh đền thờ vật chất nhắc nhớ ta đến đền thờ cao quý không tàn phai theo năm tháng đó là ngôi đền thờ tâm hồn, nơi đó TC Ba Ngôi ngự trị. Xin cho chúng ta luôn biết gìn giữ thân xác và tâm hồn mình trong sạch hầu xứng đáng là nơi cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Bài đọc 1, tiên tri
Ezekiel tiên báo về hình ảnh Đền Thờ thật lạ lùng. Từ nơi Đền Thờ ấy, một dòng
nước chảy tràn ra và làm cho nước biển hóa thành nước ngọt. Nguồn nước ấy làm
sinh sôi các sinh vật. Hai bên bờ dòng nước ấy mọc lên những cây trái tốt tươi.
Trái thì làm thức ăn và lá lại dùng làm thuốc uống, chữa lành bệnh tật.
Hình ảnh đền thờ lạ
lùng mà tiên tri Edekiel tiên báo ấy được ứng nghiệm nơi Thân Thể Đức Giêsu.
Thật vậy chính từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá mà nguồn nước sự sống dồi
dào của Chúa được tuôn đổ trên thế gian và thấm nhập vào tâm hồn những ai tiếp
nhận Người, từ đó làm phát sinh hoa trái tốt lành nơi những tín hữu. Đó cũng là
tư tưởng của thánh Phaolô. Trong bài đọc II, thư gửi các tín hữu Côrintô, thánh
Phaolô cho biết: Thân thể của chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng trên nền
tảng là Đức Kitô, nên được hòa nhập vào trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô
và trở nên đền thờ của TC. Nên khi tôn trọng và giữ gìn thân xác mình trong
sạch cũng là góp phần làm cho đền thờ trong Đức Kitô được tốt đẹp.
Sự kiện Chúa Giêsu
đánh đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ mà bài Tin Mừng tường thuật, một mặt
nhắc nhở chúng ta về giá trị cao quý của ngôi Nhà thờ vật chất, bởi nơi đây
giúp ta cùng với cộng đoàn được hiệp thông với nhau trong Chúa; mặt khác cũng ý
thức chúng ta về ý nghĩa thánh thiêng về một đền thờ quý giá hơn đó là đền thờ
tâm hồn. Bởi nơi đây chính là nơi mà Thiên Chúa Ba Ngôi thích ngự trị.
Xin cho chúng ta ý
thức rằng, sự hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa không chỉ nơi Nhà Thờ
vật chất; mà sự hiệp thông ấy phải được trãi dài trong suốt đời sống ở mọi nơi
và trong mọi lúc. Nhờ đó mà sự sống của Chúa Giêsu được lan tràn trên cuộc đời
chúng ta, từ đó trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại niềm vui và ơn ích
cho người và cho đời.
Suy
niệm 2:
Đền thờ
Giêrusalem phải mất bốn mươi sáu năm mới xây dựng xong.
Đúng là công trình thế kỉ hoàng tráng, kiên cố và đáng tự hào.
Tuy nhiên giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách quy mô của công trình mà
là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng hiện diện nơi ấy mới làm cho
mọi công trình trở nên có giá trị và nơi đó mới được gọi là Đền Thờ.
Cho nên một khi Đấng Thánh ấy không hiện diện và không được tôn thờ
nơi ấy nữa, thì nơi ấy không còn sự thánh thiêng và lập tức nơi ấy
lại trở thành nơi chợ búa, làm hang
ổ cho bọn trộm cướp cư ngụ. Lúc ấy, nơi ấy cần
phải được phá hủy để xây dựng lại những công trình khác có
giá trị hơn. Điều này cũng giúp ta hiểu rằng giá trị đền thờ không phải do
cấu tạo vật chất giá trị mà quan trọng là Đấng Thánh có hiện diện nơi ấy. Do
đó, bất cứ ở nơi đâu, thậm chí là nơi hang bò lừa, hay nơi ổ chuột
nếu có Chúa hiện diện, thì nơi đó cũng trở nên Đền Thờ vì
có Đấng Thánh ở cùng.
Qua Bí tích
Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là
cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ là hoang phí, nếu công trình
được trả giá bằng cái chết của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc
hang ổ của bọn cướp!
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, là Đấng sẵn
sàng hiến thân để ở cùng chúng con. Xin tạ ơn Chúa về tình yêu muôn trùng cao
cả. Và xin cho con biết khiêm tốn mở lòng hầu được Chúa thanh tẩy và thánh
hiến, để tâm hồn con thực sự nên Đền Thờ xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Amen.
* Suy niệm mùa
thường niên: Lc 15, 1-10
Tin mừng hôm nay
Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để làm nổi bậc lên tình thương vô cùng của Thiên
Chúa dành cho con người. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình thương Chúa mà
chân thành sám hối để an vui sống trong vòng tay yêu thương của Người.
Trong quyển sách
“Niềm vui sống đạo”. Tác giả người tôi tớ Chúa là đức cố Hồng Y Phanxiô-Xaviê
Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nêu ra 10 khuyết điểm của Chúa Giêsu.
Trong 10 khuyến điểm đó có hai khuyết điểm liên quan đến đoạn tin mừng hôm nay:
1. Chúa Giêsu không biết làm toán.
Với dụ ngôn con
chiên bị mất, cho thấy lối cư xử của Chúa Giêsu tỏ ra không biết
tính toán. Một kẻ có 100 con chiên ở giữa đồng trống mà mất một con, hẳn phải
tính toán xem làm sao một con đi lạc lại hơn 99 con còn lại. Vậy mà Chúa Giêsu
cho rằng 1 con đi mất cũng bằng 99 con còn lại, nên chấp nhận bỏ 99 con mà đi
tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Rồi khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên
vai, trở về nhà, kêu mời bạn hữu và những người thân cận đến chia vui. Hẳn là
Chúa Giêsu không biết làm toán!
2. Chúa Giêsu
không sành luận lý.
Chúa Giêsu không
những không cân nhắc tính toán trên số lượng, mà có lúc lời dạy của Ngài xem ra
đi ngược lại với sự khôn ngoan bình thường của con người. Với dụ ngôn về đồng
bạc bị mất, người phụ nữ có 10 đồng, nhưng trong đêm lỡ đánh mất 1 đồng: “Bà
thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được”. Rồi khi tìm được, thì
bất chấp giờ giấc nghỉ ngơi đêm của hàng xóm, bạn bè mà đánh thức họ để cùng
chung vui với mình. Sao bà không nghĩ dù sao thì cũng vẫn còn 9 đồng khác trong
tay, 1 đồng rơi thì vẫn còn đó, tìm trong đêm chi cho mệt nhọc. Rồi vui mừng gì
mà đến độ phải làm phiền hà đến những người chung quanh trong đêm tối. Đúng là
thiếu lý luận!
Sau khi dí dỏm kể ra
10 khuyết điểm của Chúa Giêsu, Đức cố Hồng Y tài đức của chúng ta đã tóm kết
bằng một lý do duy nhất, đó là: vì Chúa Giêsu quá yêu thương chúng ta. Yêu đến
nỗi không nhớ lỗi lầm, không tính toán, không xét nét, không vị kỷ, không phê
phán, không câu chấp, không gò bó, không biên giới, không điều kiện; Tình yêu
đó yêu điên cuồng đến độ phiêu lưu và hy sinh cả mạng sống mình; tình yêu đó
khác với mẫu mực nhỏ hẹp của xã hội và của lối cân nhắc giới hạn của chúng ta.
Thật ra, Chúa là
Ðấng trọn lành, làm sao có khuyết điểm được, nhưng Chúa lại là Tình Yêu vô hạn,
mầu nhiệm. Trí khôn loài người không hiểu nổi, không tin nổi, nên gọi là khuyết
điểm! Chẳng qua vì Chúa là yêu thương, mà yêu thương của Thiên Chúa cao hơn lý
luận con của người. Và ngài khích lệ chúng ta hãy can đảm chọn lựa cuộc
sống làm chứng cho 10 khuyết điểm tuyệt vời đó của Chúa Giêsu. Nghĩa là làm
chứng cho tình yêu cao vời của Chúa.
Xin Chúa cho chúng
con cảm nhận được tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người chúng con. Và
đừng bao giờ để chúng con phản phúc lại tình yêu của Chúa.
Thứ sáu: Lc 16, 1-8
Nhớ Thánh Lê-ô Cả,
giáo hoàng tiến sĩ Hội Thánh.
Làm thế nào để trở
thành người quản lý khôn ngoan và trung tín? Đó là sứ điệp Lời Chúa
hôm nay muốn nói với chúng ta. Xin cho chúng ta biết tận dụng sự khôn ngoan
Chúa ban để sinh nhiều hoa trái tốt lành mang lại lợi ích cho mình và cho
nước trời.
Quản gia là người
được ông chủ rất tin tưởng trao phó tất cả tài sản cho quản
gia trông coi. Nhiệm vụ của người quản gia trung thành là
vừa quản lý tốt tài sản, vừa khôn khéo làm gia tăng tài sản cho
ông chủ. Thế nhưng người quản gia mà Chúa Giêsu đề cập trong đoạn Tin mừng hôm
nay tuy khôn ngoan nhưng lại bất trung.
Anh ta khôn
ngoan vì biết tận dụng tài sản sẵn có của chủ để thu lợi bất chính cho
mình. Đến khi chủ gia khám phá và có ý định sa thải, thì một lần nữa,
anh khôn ngoan nghĩ ra cách đáp cánh an toàn. Với sự nhanh nhẹn vốn
có anh nghĩ ngay đến việc dùng tiền của gian dối để mua lấy bạn hữu,
với ý định sau khi mất việc anh được nhiều người thương mến mà đón tiếp anh vào
nương tựa nơi nhà họ.
Dù rất khôn ngoan nhưng
anh vẫn bị xem là kẻ bất lương vì 2 lý do: thứ nhất anh ta
đã không trung thực trong vai trò quản gia, có lẽ anh đã từng dùng tài sản của
chủ làm lợi cho mình. Thứ hai anh ta đã làm sai nguyên
tắc luân lý đòi buộc là dùng phương
tiện xấu hầu đạt được mục đích tốt.
Khi ca
ngợi hành động khôn ngoan của người quản gia bất lương này, Chúa
Giêsu không có ý khuyến khích chúng làm điều xấu để đạt mục đích tốt, nhưng
Chúa muốn mời gọi chúng ta học nơi người quản gia này biết khôn
ngoan chuẩn bị cho tương lai xa.
Chúng ta đang sống
trong những ngày cuối năm phụng vụ, Lời Chúa hôm nay là hồi
chu chuông cảnh tỉnh những ai còn đang ngủ mê trong tội lỗi bởi
lối sống bất trung với Chúa và gian dối với người kịp thời điều
chỉnh lại cuộc sống sao cho phù hợp với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng
ta biết luôn ý thức xử dụng tốt những ân huệ Chúa
ban: sức khỏe, thời giờ, tài năng, tiền
của… để sinh nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho người và cho
nước trời.
Thứ bảy: Lc 16, 9-15
Nhớ Thánh Mác-ti-nô
thành Tours, giám mục
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xác định lại chỗ đứng đích thực của đồng tiền để có
sự chọn lựa khôn ngoan cho những giá trị của cuộc sống. Đó là điều thực tế hàng
ngày xảy ra trong cuộc sống nên rất cần chúng ta quan tâm.
Chúng ta đang sống
trong đời đại kinh tế thị trường nên tiền bạc có sức ảnh hưởng rất lớn trên
cuộc sống. Nếu không thức tỉnh chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy kim tiền mà đánh
mất những giá trị cao quý khác, và có nguy cơ loại bỏ TC ra khỏi cuộc sống của
mình.
Dẫu biết rằng tiền
của thế gian chỉ là phương tiện chứ không phải là ông chủ. Nhưng vì tiền bạc
giúp con người có được cuộc sống sung túc và thoải mái nên nó có một sức hút
rất mãnh liệt. Nhiều người say mê tiền bạc đến nỗi đặt nó lên làm ông chủ để
tôn thờ ngang hàng với thần thánh “tiền là tiên là phật”. Chính vì đặt tiền bạc
vào địa vị cao nhất đời mình, nên họ dễ dàng loại bỏ tất cả những giá trị cao
quý khác. Vì tiền người ta có thể làm bất cứ việc gì ngay cả tham nhũng, gian
lận, bán rẻ nhân phẩm và giết hại lẫn nhau để có được đồng tiền.
Tin mừng hôm nay,
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy được giới hạn của tiền bạc, và qua đó Chúa mời
gọi chúng ta hãy vươn tới tình bạn hữu và giá trị nước trời: “Thầy bảo cho anh
em biết: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền
bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16, 9). Đúng vậy, tiền
bạc không phải là ông chủ để ta tôn thờ mà chỉ là đầy tớ để phục vụ cho tình
bạn và là phương tiện vật chất làm bậc thang lót đường để đưa ta đến với nhau
và cùng nhau vươn lên đến tận trời cao. Vì thế mà Chúa Giêsu quyết liệt đòi
buộc chúng ta phải có thái dứt khoát chọn lựa giữa Thần Tài và TC: “Các
con không thể làm tôi TC mà lại làm tôi tiền của được!”.
Xin cho chúng ta biết khôn ngoan chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình và đặt Chúa làm vị trí trung tâm và cao nhất trong các chọn lựa của đời sống Chúng ta. Để cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra, chúng ta vẫn trung thành với Chúa Đấng đáng chúng ta yêu mến và tôn thờ.
SUY
NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lm Minh Anh, Tgp Huế
THỨ HAI
CHÂN DUNG KHÔNG ĐÁNG CÓ
“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”.
Tang lễ của các vua Áo đã từng diễn ra tại nhà thờ St. Stephen, Vienna,
với một nghi lễ rất lạ thường. Linh cữu đến, cửa nhà thờ khoá. Một viên quan lấy
búa gõ. Có tiếng vọng ra, “Ai muốn vào?”; “Hoàng đế!”. Tiếng trả lời, “Tôi
không biết người ấy!”. Gõ lần thứ hai, “Ai muốn vào?”; quan tuyên bố, “Hoàng đế
tối cao!”; tiếng vọng ra, “Tôi không biết người ấy!”. Cuối cùng, lần gõ thứ ba,
“Ai muốn vào?”; lần này câu trả lời là, “Một tội nhân đáng thương!”; “Hãy
vào!”. Sau đó, cửa rộng mở và tang lễ hoàng gia bắt đầu.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến những con người quên mất mình là “những
tội nhân đáng thương!”. Đó là những lãnh đạo tôn giáo: các kinh sư, biệt phái;
qua họ, Chúa Giêsu phác hoạ một ‘chân dung không đáng có’ cho người lãnh đạo mọi
thời!
Chúa Giêsu không ngần ngại phơi trần, họ là những con người sống một cuộc
sống hời hợt và nông cạn, “Họ làm mọi việc cốt cho thiên hạ thấy”; họ là những
kẻ đạo đức giả, vì “Họ nói mà không làm”; họ trở thành nô lệ cho sự lừa dối của
chính mình bằng cách chỉ tìm kiếm sự tán thành hoặc ngưỡng mộ của người khác. Tự
bản thân họ chẳng là gì ngoài sự phù phiếm thảm hại, tự hào, lố bịch, trống rỗng
và ngu ngốc. Đó là một ‘chân dung không đáng có’ nơi người môn đệ Giêsu dù họ ở
đấng bậc nào, mọi nơi, mọi thời!
Từ tạo thiên lập địa, cám dỗ kiêu ngạo thường xuyên ấy vẫn tiếp tục diễn
ra; con rắn xưa vẫn thì thầm bên tai chúng ta, “Khi các ngươi ăn nó, mắt các
ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như thần, biết điều thiện, điều ác”. Và
chúng ta tiếp tục hãnh tiến với nhiều danh hiệu khoa trương. Chúng ta thường
xuyên chiếm giữ một nơi không phải của mình. Đó là thái độ của người Pharisêu,
thái độ mà ngôn sứ Malakia trong bài đọc thứ nhất đã nói tiên tri, “Các ngươi
đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo!”.
Thay vì mặc lấy một ‘chân dung không đáng có’
như thế, tính cách người môn đệ Giêsu phải hoàn toàn ngược lại, “Người làm lớn
hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Bài đọc thứ hai cho thấy Phaolô, một lãnh đạo
mẫu mực, “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, khác nào mẹ hiền
ấp ủ con thơ”; “Chúng tôi quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em,
không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống mình nữa!”. Bấy giờ, bình
an sẽ trào dâng, niềm vui sẽ ùa về. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Hồn con
xin Chúa giữ gìn, nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Anh Chị em,
“Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ!”. Augustinô nói, “Chúng
ta là những người lãnh đạo và là những tôi tớ phục vụ. Chúng ta có thể chủ trì,
nhưng chỉ khi chúng ta phục vụ!”. Đức Phanxicô thì nói, “Điều cần thiết là sẵn
sàng đánh mất chính mình vì lợi ích người khác thay vì bóc lột họ; phục vụ họ
thay vì đàn áp họ vì lợi ích của mình. ‘Người khác’ ở đây - dù là một con người,
một dân tộc hay một quốc gia - phải được nhìn nhận, không chỉ như một loại công
cụ… mà là ‘người anh em’, một ‘người cần trợ giúp!’”. Bạn và tôi cần trở thành
những lãnh đạo phục vụ trong một cộng đồng phục vụ: Giáo Hội là một cộng đồng
phục vụ. Vì “Thước đo của một Kitô hữu chân chính không phải là anh ta có bao
nhiêu người phục vụ mà là anh ta phục vụ bao nhiêu người!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con khoe mẽ về bất cứ điều gì của riêng mình ngoài tội
lỗi. Cho biết dõi theo Chúa, nên giống Chúa, một chân dung đáng mơ ước!”, Amen.
THỨ BA
VINH QUANG PHÙ PHIẾM
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới
thật có phúc!”.
Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Sự tôn trọng của thế giới
chỉ là một món hối lộ. Để mua lấy bình yên của nó, bạn phải bán sự bình yên của
mình. Bạn phải làm nô lệ cho một lũ kiêu ngạo, họ ghét bạn khi ban cho bạn những
niềm vui vô bổ. Đây là cách thế giới thưởng cho kẻ ngốc, những kẻ sống nhờ nụ
cười quyến rũ phản bội của ‘cô ta’ với những vinh quang phù phiếm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến phần thưởng thế giới ban cho kẻ ngốc! Chúa
Giêsu đưa ra một lời khuyên khi đãi tiệc. Tổ chức tiệc là điều tốt khi động cơ
là tình yêu; nhưng nếu mục tiêu của bữa tiệc, hay bất kỳ hành động từ thiện nào
khác là khoe khoang, thì ‘vinh quang phù phiếm’ đạt được từ hành động đó là
‘khoản thu’ mà bạn và tôi sẽ nhận được.
Buồn thay, nhiều người tìm kiếm và nhận được ‘sự trả công’ cho loại
‘vinh quang’ này! Bài học ở đây là, động cơ duy nhất để làm điều tốt phải là động
cơ khiêm tốn và thầm kín của phục vụ yêu thương. Do cám dỗ kiêu ngạo, chúng ta
dễ nhận ra mình quá quan tâm đến điều người khác nghĩ về mình. Tổ chức một bữa
tiệc cho bạn bè và những người giàu chỉ đơn giản là một minh hoạ cho tội kiêu
ngạo và khoa trương. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đang nói về hành động của một
số người với mục đích duy nhất là xây dựng hình ảnh bản thân để ăn mày lời khen
và sự xu nịnh. Hình thức ‘vinh quang phù phiếm’ này không chỉ vô ích đối với
linh hồn mà còn nguy hại cho nhân cách.
Ngược lại, khi bằng lòng với một việc tốt nào đó dẫu người khác không thấy,
bạn vẫn vui vẻ khi không ai hay; động lực để cống hiến hết mình vì lý do duy nhất
là muốn tạo nên một sự khác biệt trong cuộc sống tha nhân… thì đây là điều Chúa
Giêsu muốn nói khi Ngài bảo nên làm tiệc cho người nghèo, tàn tật, què quặt,
đui mù và tất cả những ai không có khả năng ‘trả nợ’. Nhưng thật thú vị, chính
Thiên Chúa ‘tự chuốc’ khoản nợ này và Ngài sẽ ‘trả’ dù bạn không có quyền đòi.
Thư Rôma hôm nay viết, “Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?”. Dù
vậy, bạn vẫn có quyền xin Ngài ân thưởng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy
Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày!”.
Anh Chị em,
“Đừng mua lấy bình yên của thế gian bằng cách bán sự bình yên của
mình!”. Hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách thức mua bình yên. Đầu tư vào
người nghèo! Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Đó còn là lên tiếng cho những người
không có tiếng nói, khẩn cấp mở rộng trái tim và biến những đau khổ và lo lắng
của người nghèo, người đói, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người tị nạn, những
người bị đánh bại bởi cuộc sống, những người bị xã hội chối bỏ thành của mình
trước sự kiêu ngạo của kẻ mạnh. Bằng cách này, việc phục vụ người khác của
chúng ta sẽ trở thành chứng tá của tình yêu, và làm cho tình yêu của Chúa Kitô
trở nên hữu hình và đáng tin!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế gian ghét con khi ban cho con niềm vui vô bổ. Đừng để con
bán sự bình yên của con để có được sự bình yên giá rẻ bởi những ‘vinh quang phù
phiếm!’”, Amen.
THỨ TƯ
TIỆC VĨNH CỬU
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa!”.
“Có hai loại người trong các bữa tiệc - những người muốn về nhà sớm và
những người muốn là người cuối cùng ra về. Vấn đề là họ thường kết hôn với
nhau!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay không nói đến một bữa tiệc vốn có thể dẫn
đến các cuộc hôn nhân không mấy suôn sẻ! Ở đây, Chúa Giêsu nói đến một bữa tiệc
mà ai đã có mặt thì chỉ muốn ở lại vĩnh viễn và không bao giờ muốn ra về. Đó là
bữa tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài, ‘tiệc vĩnh cửu’, ‘tiệc
thiên đàng!’.
“Tiệc” biểu thị nơi gia đình và bạn bè quây quần bên nhau để ăn mừng và
tận hưởng hạnh phúc, tình thân, quanh cùng một bàn ăn. Hình ảnh này nói lên sự
thân mật của chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi và niềm vui mà chúng ta sẽ tìm thấy
ở ‘Đất Hứa’. Chính Thiên Chúa đã chuẩn bị mọi sự và Ngài mời chúng ta vì “cỗ
bàn đã sẵn”. Ngài muốn chúng ta ở bên Ngài; muốn tất cả mọi người nam nữ ở bên
Ngài; muốn bạn và tôi ở bên Ngài.
Tuy nhiên, trước hết, bạn phải khao khát đến đó! Và mặc dù biết khá rõ
thiên đàng là nơi chúng ta có thể ở với trạng thái tốt nhất, nên ở lại vĩnh viễn,
vượt trên những ước vọng cao cả nhất của con người - “Điều mắt chưa hề thấy,
tai chưa hề nghe, và lòng người chưa hề nghĩ tới”; và do đó, không gì có thể so
sánh - thì tất cả chúng ta đều có khả năng từ chối lời mời, vĩnh viễn bỏ lỡ bữa
tiệc trọng vọng nhất, ‘tiệc vĩnh cửu’, mà Thiên Chúa có thể thết đãi: nhà của
Ngài, bàn ăn của Ngài với sự thân mật của Ngài.
Thật không may, trên thực tế, chúng ta có khả năng đánh đổi Thiên Chúa để
lấy bất cứ thứ gì ‘kém hơn’ Ngài! Một số người, chỉ vì một mảnh ruộng; người
khác, mấy con bò! Bạn và tôi sẵn sàng đánh đổi Đức Chúa Trời và lời mời của
Ngài để lấy điều gì? Thiên Chúa ‘hèn’ đến mức chúng ta có thể thay thế Ngài bằng
bất cứ thứ gì sao? Ngược lại mới phải! Chúng ta cần đáp trả sự hào hiệp của
Thiên Chúa bằng lời xin vâng, đầy lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ. Trong thư Rôma
hôm nay, Phaolô nói, “Anh em hãy vui mừng vì niềm hy vọng!”. Hy vọng gì? Hy vọng
được ở bên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Hồn con xin Chúa giữ gìn,
nép mình bên Chúa an bình thảnh thơi!”.
Anh Chị em,
“Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa!”. Thánh Ambrôsiô
nói, “Thiên Chúa với lòng nhân từ, Ngài mời gọi mọi người, nhưng chính sự hèn
nhát hoặc sự lạc lối của bạn và tôi chia cắt chúng ta với Ngài!”. Thánh lễ mỗi
ngày là tiệc Nước Thiên Chúa Chúa Giêsu dọn trước cho chúng ta! Nhưng đó cũng
là bất kỳ cách nào mà chúng ta được mời dự phần ân sủng của Ngài: Thánh lễ Chúa
Nhật, những giây phút cầu nguyện, một cuốn sách nên đọc, một hành động bác ái
Chúa muốn chúng ta thực hiện. Mọi cách mà ân sủng được ban đều là cách bạn được
mời đến dự tiệc của Thiên Chúa trước khi dự tiệc đời đời trên trời. Buồn thay,
một số người rất dễ kiếm cớ để từ chối lời mời đến chia sẻ ân sủng của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con quá mất thời gian cho các bữa tiệc mà sớm muộn gì
cũng phải ra về. Cho con luôn khát khao ‘tiệc vĩnh cửu’, ‘tiệc thiên đàng’, tiệc
ở lại đời đời với Chúa!”, Amen.
THỨ NĂM: THÁNH ĐƯỜNG LATERANO
LINH HỒN CỦA MỌI THÁNH ĐƯỜNG
“Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại!”.
Một trong những triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là
Victorinus. Ông nổi tiếng đến nỗi người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma.
Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm
Simplicianus, một người bạn, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”.
Simplicianus trả lời, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”.
Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu
sao?”. Sau đó ông học đạo và công khai trở lại!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như nhận định của Victorinus, “Những bức tường nhà thờ không làm
cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu
tượng Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường với các bức tường,
nhưng tôn vinh Đấng ngự trong thánh đường, Chúa Kitô, ‘linh hồn của mọi thánh
đường!’.
Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của
Thiên Chúa, nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm
nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Thiên Chúa. Lúc đầu, nơi
tụ họp của Kitô hữu là nhà riêng của họ, nơi các nhóm họp nhau để cầu nguyện và
Bẻ Bánh. Các cộng đoàn đã quy tụ ở đó cho đến ngày nay. Thời gian trôi qua, những
cộng đoàn này đã xây dựng những ngôi nhà dành riêng cho việc cử hành phụng vụ,
đọc Lời Chúa và cầu nguyện. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu
tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng nhà
thờ và những vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất là đại giáo đường
thánh Gioan Latêranô ở Rôma.
“Latêranô” biểu tượng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội trên thế
giới với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao giáo đường này tự hào trưng bày
trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong
thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường
Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là nơi ở hiện tại của Giáo Hoàng với
tư cách Giám Mục Rôma; tuy nhiên, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài.
Đức Phanxicô nói, “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ,
Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn
tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ
Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!”.
Anh Chị em,
“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng
thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người
và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh; Ngài là ‘linh hồn của mọi thánh đường’.
Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài và nói những
lời này, “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại”. Nhờ
hy sinh mạng sống, hy tế của Ngài, Chúa Kitô đã làm nên những đền thờ sống động
của Chúa Cha từ các tín hữu, bạn và tôi. Đây là lý do tại sao Phaolô nhắc chúng
ta trong bài đọc hai rằng, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là
đền thờ ấy”. Đền thờ tâm hồn của chúng ta là một thực thể thiêng liêng, nơi
Thiên Chúa ngự trị; nó không thể bị xúc phạm, báng bổ và phải được quét tước,
thanh tẩy thường xuyên sạch mọi tội lỗi, bụi bẩn!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘bụt thần’, ‘ngẫu tượng’ nào thấp thoáng
trong bốn bức tường của linh hồn con ngoài Ngài!”, Amen.
THỨ SÁU: “TA NGHE NÓI CON SAO ĐÓ!”
“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công
việc quản lý của anh, anh tính sổ đi!”.
Nhà thơ Edward Hale hùng hồn xác định nghĩa vụ của một công dân Hoa Kỳ,
“Tôi chỉ là một người, nhưng tôi là tôi. Tôi không thể làm mọi thứ, nhưng có thể
làm một điều gì đó. Những gì tôi có thể làm, là những gì tôi phải làm! Những gì
tôi phải làm, nhờ ơn Chúa, tôi sẽ làm! Và tôi ước không bao giờ phải nghe Ngài
phàn nàn, ‘Ta nghe nói con sao đó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Ta nghe nói con sao đó!’. Đây là một nhận xét, một nghi vấn của ông Chủ
trong dụ ngôn hôm nay. Thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về một
ai, Ngài biết tỏng! Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ cuộc sống của bạn và tôi, rất
có thể Ngài sẽ nói như thế!
Liệu điều này có khơi lên một nỗi lo lắng về một tà vạy nội tâm hay về một
uẩn khuất nào đó trong bạn? Chúng ta phải tính sổ đầy đủ trước Ngài, từng phần
một; và sẽ không có một thủ thuật lươn khươn nào ở đây. Liệu chúng ta có bị buộc
tội là những kẻ phung phí khi sử dụng những gì Ngài ban? Sai mục đích, không
khéo léo, lãng phí, hoặc xa hoa! Những ân sủng thiêng liêng như đức tin, Giáo Hội,
các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh hay kho tàng phong phú của truyền thống?
Những phương tiện đã được đặt trong tay chúng ta như thời gian, tiền bạc, tài
năng… liệu bạn và tôi có phải là những kẻ ‘hoài của?’.
Như người quản gia, bạn và tôi được Chúa chất vấn; nhưng hoàn toàn khác
với sự khôn lanh của anh, khi anh dám ‘đánh cược’ một lần cuối vào lòng tốt của
chủ, phòng khi anh mất chức. Chúng ta cứ giải trình cho Chúa. Hãy khiêm tốn
nhìn nhận và thống hối về những sai phạm của mình và hứa với Ngài sẽ “bắt đầu
và lại bắt đầu” nếu đã sa sẩy. Hãy cầu xin ơn tha thứ và cầu xin lòng thương
xót của Ngài để khởi sự lại, lánh xa tinh thần thế gian và các giá trị thế tục.
Được như thế, bạn và tôi sẽ không việc gì mà sợ hãi.
Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô sung sướng nhìn lại những gì đã làm, “Trong
Đức Kitô Giêsu, tôi có quyền hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa”; nhờ
đó, dân ngoại được ơn lãnh nhận đức tin đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca tiên
báo, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.
Anh Chị em
‘Ta nghe nói con sao đó!’. Hy vọng không ai trong chúng ta sẽ quá sợ hãi
trước những lời này. Lời Chúa cảnh báo chúng ta về một tinh thần thế tục vốn có
thể len vào đời sống mỗi người bất cứ lúc nào, đấng bậc nào. Tinh thần đó bộc lộ
bởi thái độ phung phí, lừa dối, nô lệ vốn sẽ kiến tạo một nhân cách nghèo nàn
nhất, một bản ngã ích kỷ nhất. Bởi lẽ con đường này sẽ dẫn chúng ta đến những
con đường băng hoại khác cả khi đó là một con đường dễ đi nhất. Tin Mừng đòi hỏi
chúng ta đi con đường hẹp, bằng cách sống một lối sống liêm khiết nhưng vui
tươi, hồn nhiên nhưng đầy sức sống! Đây quả là một lối sống lắm thách thức, được
đánh dấu bằng sự trung thực, công bằng và tôn trọng phẩm giá người khác; nhưng
đây chính là sự sắc sảo của người Kitô hữu và là sự tinh khôn của người môn đệ!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con không thể làm mọi thứ, nhưng có thể làm một điều gì đó.
Và nhờ ân sủng Chúa, con sẽ làm thật tốt những gì con phải làm, dù phải mang tiếng
‘cầu toàn!’”, Amen.
THỨ BẢY: THÓI ĐẤT, THÓI TRỜI
“Thiên Chúa thấu biết lòng các ông!”.
Winston Churchill, một chính khách thường bị chỉ trích. Nhưng theo ông,
sẽ không là vấn đề nếu chỉ trích phát triển theo hướng tích cực. Ông đóng trên
tường những lời này, “Tôi làm hết sức những gì có thể, và tôi luôn như vậy. Nếu
kết thúc của nó tốt đẹp, khiến tôi ổn, những lời chống đối sẽ không là gì cả. Nếu
tôi sai, thì dẫu mười thiên thần cho rằng, “Tôi đúng”, điều đó vẫn không tạo
nên một sự khác biệt. Chúa biết mọi sự!” - A. Lincoln.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa biết mọi sự!”, xác tín của Abraham Lincoln được gặp lại qua Tin Mừng
hôm nay. Chúa Giêsu nói với các biệt phái, “Thiên Chúa thấu biết lòng các
ông!”, những người sống theo ‘thói đất’ khi cố tạo một hình ảnh sai lạc về bản
thân; họ quên rằng, “Chúa biết mọi sự!”. Ngài muốn con người chân thực như
Ngài, Ngài muốn họ sống theo ‘thói trời!’.
Trong cuộc sống, có những sai lầm khi chúng ta nghĩ về một số người. Ngược
lại, biết bao điều không đúng khi một số người nghĩ về chúng ta! Kết luận của
Chúa Giêsu nhắm vào khuynh hướng ‘tô hồng bản thân’ nơi những con người luôn cố
tạo một hình ảnh đẹp đẽ về mình trước người khác, đang khi họ ít quan tâm sự thật
bên trong chính mình.
Thiên Chúa biết lòng dạ các biệt phái, Ngài cũng biết lòng dạ bạn và
tôi! Chúng ta thường quá đề cao chính mình; từ đó, tạo nên một hình ảnh lệch lạc
về bản thân. Hầu hết những đổ vỡ trong gia đình, cộng đoàn, trong các mối tương
quan bắt nguồn từ đây. Vì thế, mấu chốt trong việc đào tạo lương tâm của một
con người, trước hết, là giúp người đó nhận thức đúng đắn về mình. Đâu là nhận
thức đúng đắn? Đó là không cần quan tâm đến những gì Thiên Chúa không quan tâm!
Hãy quan tâm đến những gì trong tâm trí Ngài. Ngài nghĩ gì về tôi, Ngài nghĩ gì
về linh hồn tôi, cuộc sống tôi?
Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nhận thức sự yếu hèn của bản thân trước các
giáo đoàn. Ngài khiêm tốn nhìn nhận, họ là những người đã dành cho ngài sự nâng
đỡ trên bước đường rao giảng, “Họ đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ
mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại”. Nhờ những con người này, Danh
Thiên Chúa được nhận biết. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả niềm hân hoan nội tâm của
vị tông đồ, “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, xin chúc tụng Thánh Danh
muôn thuở muôn đời!”.
Anh Chị em,
“Chúa biết mọi sự!”. Ngài biết chúng ta ‘từ đất’ mà ra, thuộc về đất và
lòng luôn ‘dính đất’. Vì thế, với tiêu chuẩn ‘ngang đất’, chúng ta luôn tìm cho
mình những gì là ‘cao sang’ theo ‘thói đất’. Không được như thế, chúng ta chắp
vá, vay mượn… hầu có thể có một giá trị nào đó trước mặt người đời. Vì vậy,
chúng ta dễ dàng mặc lấy một cái nhìn sai lạc về chính mình; đang khi về phía
Thiên Chúa, Ngài luôn mơ về chúng ta là mỗi ngày, mỗi người được nên đồng hình
đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng chỉ cho chúng ta cách sống với tư cách con trai,
con gái của Trời, sống theo ‘thói trời’. Chớ gì, nhờ ân sủng Chúa, bạn và tôi
ngày càng nên giống Chúa Giêsu hơn. Chỉ cần nên giống Ngài, không cần phải nguỵ
tạo, tô hồng chính mình. Hãy sống theo ‘thói trời’, ‘phần còn lại, Ngài lo!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con thơm mùi đất khi con sống theo ‘thói đất’. Cho
con vương hương trời, đúng như phẩm tính con trai con gái của Trời!”, Amen.
CHÚA NHẬT XXXII TN A: PHÙ DÂU
“Chú rể kia rồi, ra đón đi!”.
Trong tập thơ của mình, William Cowper viết, “Tôi nói với những người
yêu mến Giêsu, Chàng Rể của tâm hồn tôi, Ngài có ở gần không? Tôi kiếm tìm
Ngài. Ngài đang ngự trên ngai, mang cái tên vĩ đại nhất, ngọt ngào nhất, dù
Ngài từng là người đau buồn nhất, xấu hổ nhất. Ân sủng bay trước, tình yêu theo
sau. Bước chân Ngài đi đến đâu, không ai biết, ngoài những người bạn của Ngài,
dẫu họ từng là kẻ thù của Ngài. Ngài chiếu sáng trên tất cả, và rồi tất cả đều
sẽ yêu; chiến tranh sẽ thôi gầm rú. Giêsu là vậy, ân sủng của Ngài là vậy. Hãy
nói với Ngài khi bạn nhìn thấy khuôn mặt Ngài, tôi mong gặp Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi mong gặp Ngài!”. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa
‘làm người’ để gặp gỡ ‘mỗi người’ theo cách ‘rất người!’. Không chỉ con người
mong gặp Ngài, nhưng Ngài khát khao gặp nó! Cuộc gặp không hề xa xôi, ngắn ngủi
hay hời hợt; nó thân mật! Ngài tự nhận là “Chàng Rể”. Bạn và tôi được gọi để
làm ‘phù dâu’ của ‘Cô dâu!’.
‘Phù dâu’ đại diện cho cô dâu, chia sẻ niềm vui với cô dâu. Nhiệm vụ duy
nhất của họ là chào đón và tháp tùng chàng rể vào phòng tiệc. Không ai có thể
thay thế vị trí của họ. Mức độ các ‘phù dâu’ thực hiện vai trò của mình nghiêm
túc sẽ quyết định mức độ họ hoàn thành vai trò của mình. Hội Thánh là ‘Cô Dâu’
của Chúa Kitô. Như các ‘phù dâu’, bạn và tôi phải hiểu sâu hơn về Chúa Kitô, và
tình yêu của Ngài dành cho Hội Thánh, bạn Ngài.
‘Chàng Rể’ có biết tôi không? Còn lời nào có thể tuyệt vọng hơn, “Thưa
Ngài, mở cửa cho chúng tôi với!”. Và còn gì bi thảm hơn câu trả lời, “Tôi bảo
thật các cô, tôi không biết các cô là ai!”. Chàng Rể chắc chắn biết Cô Dâu, người
mà Chàng Rể yêu mến và hiến mạng sống mình; và Chàng Rể còn phải biết các ‘phù
dâu’, những người yêu mến ‘Cô Dâu’, Ngài cũng hiến mình cho họ. Vì thế, Chàng Rể
không thể biết các ‘phù dâu’ một khi họ hời hợt, hết yêu, không yêu ‘Cô Dâu’
cùng những ai ‘Cô Dâu’ yêu mến. Trong khi chờ đợi Chàng Rể, thái độ của chúng
ta sẽ là lòng biết ơn vốn thể hiện trong tin yêu và hy vọng.
Hội Thánh là ‘Cô Dâu’, Hiền Thê của Chúa Kitô. Yêu mến Hội Thánh là yêu
mến Chúa Kitô. Đức Phanxicô nói, “Bạn không trở thành Kitô hữu từ phòng thí
nghiệm, Hội Thánh sinh chúng ta như bà mẹ sinh con!”. Thần học gia Karl Rahner
thì nói, “Hội Thánh là một bà cụ nhăn nheo khóm khém; nhưng Hội Thánh là mẹ
tôi, đừng ai đánh mẹ tôi!”.
Anh Chị em,
“Tôi mong gặp Ngài!”. Cuộc sống của các ‘phù dâu’ là một sự chuẩn bị cho
cuộc gặp gỡ ‘Chàng Rể’ và thời gian là một trong những quà tặng quý giá nhất
cho mỗi người. Mỗi giây phút là một sự chuẩn bị để gặp ‘Chàng Rể’, Đấng yêu
thương hiến mạng sống cho chúng ta. Cuộc sống của các ‘phù dâu’ còn là liên kết,
gắn bó và yêu mến ‘Cô Dâu’, Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh không chỉ là Hội Thánh
toàn cầu với Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục và mọi thành phần dân Chúa;
Hội Thánh còn là giáo phận của tôi, giáo xứ của tôi, cộng đoàn của tôi và gia
đình tôi. Tôi phải gắn bó, yêu mến, xây dựng và bảo vệ. Có như thế, bạn và tôi
khác nào những cô trinh nữ khôn ngoan, những ‘phù dâu’ tỉnh thức, dầu đèn đầy
bình, sẵn sàng nghinh đón Chàng Rể bất cứ khi nào Ngài đến!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm kiếm một điều gì khác, một ai khác ngoài
Giêsu; cho con luôn là một ‘phù dâu’ khôn ngoan, hết lòng yêu mến Chàng Rể và
Hiền Thê của Ngài!”, Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét