Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

LỄ AN TÁNG 2024

LỜI CHÚA:

Bài đọc: Kh 21,1-5a.6b-7

Lời Chúa trong sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

1 Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

5a Đấng ngự trên ngai phán : “Này đây Ta đổi mới mọi sự. 6b Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. 7 Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta.” Đó là lời Chúa.

Tin mừng: Ga 17,20-26

"Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con.

Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa". Ðó là lời Chúa.

 DẪN NHẬP:

Xin kính chào cộng đoàn,

Trong niềm tin vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô, và với niềm xác tín vững vàng vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công, sáng nay chúng ta qui tụ nhau nơi đây để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cách đặc biệt cho chị Têrêsa Lâm Bích Hương.

Sự ra đi của chị đã để lại bao luyến tiếc, vì vẫn còn đó bao dự định chưa hoàn thành. Nhưng chúng ta tin rằng cái chết chỉ là sự biến đổi chứ không mất đi. Và sự sống ở trần gian này chỉ là một cuộc lữ hành đi về nhà Cha, để nơi ấy ta mới tận hưởng được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy phó thác linh hồn của Têrêsa vào bàn tay uy quyền và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Xin Người thanh tẩy mọi vết nhơ tội lỗi nếu chị còn vướng mắc và sớm đón nhận chị vào Nước Hằng Sống của Người.

Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin và tinh thần cho tang quyến để họ sớm vượt qua thử thách và nỗi buồn vì sự mất mác này.

Với những tâm tình và ước nguyện trên, giờ đây chúng ta  xin Chúa tha thứ những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta để chúng ta xứng đáng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cách đặc biệt cho chị Têrêsa.


Suy niệm 1:

Kính thưa cộng đoàn, đặc biệt quý tang quyến,

Một tác giả đã nói về nghịch lý của những dòng sông như sau: "Mọi dòng sông đều tìm cách đổ về biển, và khi gặp biển, thì tự đánh mất mình trong lòng đại dương".

Chúng ta đều biết vòng tuần hoàn của nước. Dưới sức nóng của mặt trời, nước từ đại dương bốc hơi tạo thành mây. Khi gặp hơi lạnh, mây ngưng tụ làm thành mưa tuôn xuống mặt đất.

Sau khi đã tưới gội, làm cho đất đai màu mỡ, nước tìm đến những dòng suối nhỏ, hòa mình vào những con sông và tiếp tục hành trình về biển.

Sông về với biển là về với nguồn cội. Trên hành trình về nguồn cội này, nó phá tung những vật cản, cuồn cuộn chảy về đại dương. Và, thật lạ lùng, khi gặp đại dương, dòng nước đang cuồn cuồn chảy chấp nhận đánh mất mình, hòa mình vào lòng biển cả, nơi mình từ đó mà phát xuất.

Thưa cộng đoàn, cũng như dòng sông, mỗi con người chúng ta đang trên con đường tìm về cội nguồn của mình. Khi con người khởi đầu cuộc sống trần gian, cũng là khởi đầu hành trình tìm về nguồn cội. Thiên Chúa là nguồn cội của muôn vật muôn loài. Ngài là Cha yêu thương hết thảy mọi người, và luôn muốn cho con người hạnh phúc.

Ý thức mình đang đi trong hành trình về cội nguồn, sẽ giúp cho người tín hữu thêm niềm hy vọng và nghị lực để vượt lên những nghịch cảnh, bởi lẽ chúng ta không phải là những con người lang thang vô định, mà là những người có một hướng đi rõ ràng, đó là đi về nhà Chúa.

Trên con đường về Nhà Chúa, có Chúa Giê-su là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Người tin vào Chúa biết rõ rằng, không phải đợi đến sau khi chết mới được gặp Chúa, mà chúng ta có thể được chiêm ngưỡng Ngài ngay khi còn sống ở đời này, nếu chúng ta sống thánh thiện, đạo đức ngang qua việc mến Chúa yêu người. Sự hiện diện của Chúa gần gũi, thân thương, như một người bạn đường, như lời Chúa trong thánh vinh 22 đã nói: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi… Người đưa tôi đến dòng suối mát, bổ sức cho tôi… Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời. Và tôi được ở đền Người, nhưng ngày tháng những năm dài triền miên" (Tv 22).

Được hòa mình vào đại dương, đó là đích điểm của mỗi dòng sông. Được gặp gỡ Thiên Chúa, đó là hạnh phúc của mỗi con người chúng ta. Có thể nói, đối với người tin Chúa, chết là lúc chúng ta hòa mình vào đại dương mênh mông của lòng thương xót Chúa. Đó chính là giây phút gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến tôn thờ, để rồi, từ thời điểm ấy, chúng ta không còn chiêm ngưỡng Ngài như trong gương, mà là mặt giáp mặt, trong tình yêu mến vô bờ bến, trong niềm hân hoan giữa triều thần thánh trên thiên quốc.

Về với cội nguồn không phải là một ảo tưởng ru ngủ con người. Vì Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay đã cầu nguyện với Chúa Cha để những ai tin vào Người cũng sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa: "Lạy Cha, con muốn rằng, con ở đâu họ cũng ở đấy với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho con…".

Thật diệu kỳ, những ai tin tưởng và gắn bó với Chúa Giê-su thì sẽ được đến ở cùng với Người. Họ có một nơi ở, đó là Nhà của Thiên Chúa, họ có một vị trí trong Trái Tim của Thiên Chúa, Đấng là Cội nguồn của mọi sự, mọi loài và là Đấng ban phát mọi ơn lành.

Trong một thị kiến, Thánh Gioan đã thấy trời mới đất mới, là nơi Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Ở đó, chiếc khăn tang đã được cất đi. Không còn đói khát, không còn khóc lóc và than van, nhưng chỉ còn niềm vui và hoan lạc tràn đầy. Đó chính là Nhà Cha, nơi những lữ khách đang dần dần tiến về đó để hưởng hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu.

- Trong hành trình về với cội nguồn, những dòng sông tưới mát và cung cấp phù sa làm cho đôi bờ thêm màu mỡ. Cuộc sống trần gian cũng thế. Mỗi người đều được Chúa trao phó cho họ sứ mạng tham gia phần mình làm cho cuộc sống này thêm tốt đẹp, nhân ái và yêu thương hơn. Những đức tính tốt đẹp mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống đời này sẽ không bị quên lãng với thời gian. Bởi lẽ "Hổ chết để da, người ta chết để tiếng". Nên mỗi người cần phải sống tốt, để sau khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta mới để lại cho hậu thế một tấm gương tốt đẹp với những kỷ niệm không phai tàn.

Thưa cộng đoàn, có một dòng sông mang tên Têresa Lâm Bích Hương. Hành trình về nguồn của dòng sông này kéo dài 66 năm. Chúa đã dùng dòng sông này để cung cấp màu mỡ cho mảnh đất gia đình, khu xóm bằng đời sống hy sinh phục vụ, tin yêu và phó thác. Chị đã chấp nhận hy sinh gian khó lo cho chồng cho con cháu, với nguyện ước làm cho gia đình mình được hiệp nhất yêu thương và hạnh phúc với lòng tin yêu Chúa và thương mến con người.

Hôm nay, dòng sông mang tên Têrêsa ấy đã hòa mình vào Đại Dương Vĩnh Cửu. Dòng sông ấy đã trở về với cội nguồn là Thiên Chúa. Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta tưởng niệm và cầu nguyện cách đặc biệt với chị và cho chị. Chúng ta tin rằng, sau một đời hy sinh vất vả chăm lo cho gia đình và phục vụ họ đạo cách âm thầm. Cụ thể là sẵn sàng cho chồng mình tham gia vào HĐMVGX với vai trò trưởng khu để cộng tác với quý Cha phục vụ cho bà con mình. Thời gian gần đây mặc dù chị phải đối mặt với một căn bệnh khó chữa, nhưng với sức mạnh của niềm tin chị đã đón nhận với tinh thần bình thản, với mong muốn được kết hiệp mật thiết vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu, hầu trở nên của lễ hy sinh dâng hiến Chúa Cha. Đời chị đẹp tựa đóa hoa hồng xinh đẹp, tỏa hương thơm ngát đúng như tên gọi của chị là Bích Hương: "Bíchcó nghĩa là xanh biếc và "Hươngcó nghĩa là hương thơm. Bích Hương có nghĩa là xinh đẹp, trong sáng và cao quý như ngọc; cùng với tâm hồn dịu dàng tinh tế tỏa hương.

Nay chị được Chúa gọi về để gặp gỡ chính Đấng mà suốt đời chị đã tin yêu, cậy trông và phó thác. Nên chúng ta có quyền tin rằng chị sẽ được Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu, cho chị hòa vào đại dương của tình yêu, hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu Người, theo như lời cầu xin tha thiết của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”. 

Chị Têrêsa đã tin yêu Chúa, đã phó thác đời mình cho Chúa, đã sống trung thành với Chúa cho đến giây phút cuối cùng, như thế chị đã thuộc trọn về Chúa. Vì thế, chị xứng đáng được ở với Chúa để chiêm ngưỡng vinh quang rạng ngời của Chúa, cội nguồn của tình yêu, sực sống và hạnh phúc vĩnh cửu.

Tưởng nhớ một người đã khuất, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình. Mỗi chúng ta đang tiến dần về quê trời, như dòng sông đang uốn khúc tuôn chảy về đại dương. Nơi ấy, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, được gặp gỡ các thiên thần, Mẹ Maria và các thánh. Nhất là nơi ấy, chúng ta cũng sẽ được gặp lại chị Têrêsa, người mà chúng ta đang thương nhớ và nguyện cầu cách đặc biệt hôm nay. Amen. (St)


Suy niệm 2:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 20,27-38)

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

34 Chúa Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”. Đó là lời Chúa.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, đặc biệt quý tang quyến.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết đến: Trịnh Công Sơn. Ông ta là một nhạc tài hoa của Việt Nam. Ông để lại cho đời nhiều nhạc phẩm hay, mang tính triết lý sâu sắc. Một trong những tác phẩm ấn tượng là bài “Hạ Trắng”. Trong tác phẩm này có một câu hơi khó hiểu, đó là: “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”. 

Có lần người ta phỏng vấn ông về câu này, ông cho biết lời nhạc ấy bắt nguồn từ 1 câu chuyện có thật của một đôi vợ chồng lớn tuổi, sinh sống tại Huế.

Hai vợ chồng đó đã sống với nhau cho đến đầu bạc răng long. Trong suốt ngần 70, 80 năm chung sống đời vợ chống, buổi sáng nào, bà vợ cũng xuống bếp đun cho ông ta một ấm trà nóng. Việc làm đó đã trở thành thông lệ, tựa như là một lễ nghi vậy

Nhưng vào một buổi sáng nọ, như thường lệ, bà xuống bếp đun cho ông một bình trà ấm, thì bất ngờ bà bị trúng gió và qua đời tại gian bếp quen thuộc ấy.

Ông ngồi trên này đợi mãi mà không thấy bà mang bình trà lên. May thay, hôm đó có đứa con trai ghé thăm ông bà, anh vào bếp và thấy người mẹ đã chết, người con trai ấy âm thầm đưa mẹ về nhà mình để làm tang lễ, vì anh sợ báo tin cho ba thì ba anh sẽ buồn mà chết theo, nên đành phải giấu kín tin ấy. Anh chỉ báo cho ba mình biết là anh đã đem mẹ về bên nhà để tiện bề chăm sóc. Tuy nhiên, giấu lâu cũng không được, một buổi sáng nọ ông mới hỏi: “ mẹ các con đã mất rồi phải không?” Lúc đó đứa con trai mới òa lên khóc và thừa nhận sự thật. Cũng kể từ đó ông không muốn ăn uống gì nữa, mãi cho đến khi ông qua đời. Bởi vì ông cảm thấy bây giờ mình sống cũng không còn ý nghĩa gì nữa.

Kính thưa cộng đoàn, câu chuyện cảm động trên đưa ta về câu hỏi muôn thuở của cõi nhân sinh đó là: “chết rồi con người sẽ đi về đâu?”

- Nhiều người cho rằng chết là hết, nhưng sự thật chết không phải là hết. Niềm tin kitô giáo dạy cho chúng ta biết rằng: chết chỉ là sự biến đổi chứ không mất đi, như lời của một bài thánh ca thường được cất lên trong những thánh lễ an táng: "sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi". 

Thật vậy, tựa như đám mây khi không còn là mây nữa thì nó lại tiếp tục hiện diện với một hình thức mới, đó là cơn mưa hay băng tuyết. Cũng thế, khi người mình thương chết đi không có nghĩa là mất đi mà chỉ là thay đổi dưới một dạng thức khác hay một tình trạng mới mà thôi. 

Một ví dụ dễ hiểu là ai trong chúng ta cũng từng trải qua thời gian trong bàu thai người mẹ, rồi sinh ra làm em bé, khi ấy, ba chúng ta chụp cho ta một tấm hình, mãi khi lớn khôn, ta có dịp nhìn lại tấm hình em bé ấy, tuy khác mình bây giờ, nhưng đó lại là chính mình. Vậy thử hỏi em bé khi xưa hay đám mây không còn thấy như trước nữa, thì có mất không? Thưa không, nó vẫn tiếp tục hiện diện trong những cơn mưa hay dưới một hình dạng khác mà thôi.

Khoa học ngày nay cũng công nhận điều đó. Họ chứng minh cho thấy vật chất và năng lượng không thể mất đi. Vật chất có thể được biến đổi từ dạng thức này thành dạng thức kia. Năng lượng cũng vậy nó tồn tại dưới hình thức này sang hình thức khác. Điều đó khoa học gọi là định luật “bảo toàn vũ trụ”.

Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe cũng đã xác định điều ấy: 

Bài đọc 1, cho ta biết có sự sống đời sau trong cõi vĩnh hằng. Cõi vĩnh hằng ấy được gọi là "trời mới đất mới", nơi ấy không còn tang tóc, đau khổ và nước mắt… như lời sách Khải Huyền đã diễn tả:  “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh Giê-ru-sa-lem mới, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm đến đón tân lang […] Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21,1-4).

Và sự sống mai sau cũng không còn lệ thuộc vào vật chất, tiền tài, danh vọng nữa. Khi ấy, con người không còn cảm thấy thiếu thốn gì cả, bởi lẽ con người đã đạt đến sự sung mãn trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Nên không còn phụ thuộc vào việc dựng vợ gả chồng. Sự sống khi ấy là bất diệt giống như các Thiên Thần. Đó là chân lý mà Chúa Giêsu đã khẳng định với những người thuộc phái Sa-du-ce-o, vốn không tin vào sự sống lại.

Như thế với lời xác quyết của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta hiểu rằng cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua. Sự sống mới trong Chúa Giêsu phục sinh mới là vĩnh cửu.

Niềm tin này chính là động lực, là sức mạnh và là niềm hy vọng, giúp chúng ta dễ dàng vượt thắng mọi gian lao, thử thách trong cuộc sống hàng ngày.

- Ông Gio-an Tri Bửu Liên, đã hoàn tất cuộc đời này, với 76 năm làm người và làm con Chúa. Ông đã gắn bó với họ đạo Sóc Trăng trong suốt cả đời mình. Trong đó nhiều năm ông đã cộng tác với quý cha tham gia vào đời sống phục vụ họ đạo với vai trò là ban cố vấn giới gia trưởng, và là thành viên của HĐMVGX. Trong mọi nhiệm vụ ông đều cố gắng hoàn thành cách tốt nhất, với hết khả năng của mình.

Thời gian qua ông lâm trọng bệnh, mặc dù gia đình đã tìm mọi cách chữa trị, các y bác sĩ cũng đã tận tâm điều trị, nhưng vẫn không thuyên giảm, sức khỏe ông mỗi ngày trở suy yếu, đi lại khó rất khăn. Nhưng trên giường bệnh, ông vẫn luôn nhớ đến trách nhiệm người chồng, người cha của mình. Trong những ngày sau cùng, ông vẫn quan tâm lo lắng sao cho người con gái mình được yên bề gia thất. Với vai trò trưởng khu, khi còn khỏe ông đã hy sinh phục vụ họ đạo nhiệt tâm. Khi lâm bệnh, không còn đi lại được, ông vẫn quan tâm thăm hỏi những hoạt động mục vụ và âm thầm cầu nguyện cho họ đạo. Tuy không đến nhà thờ tham dự thánh lễ Mi-sa hằng ngày được, nhưng ngày nào ông ao ước được rước Chúa vào lòng. Ông cảm thấy rất vui mỗi khi quý cha đến thăm hỏi và trao Mình Thánh Chúa cho ông.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Ông Gioan, người anh em tín hữu của chúng ta đã ra đi về với Chúa. Có lẽ với cái nhìn tự nhiên, ai trong chúng ta cũng tiếc thương. Người vợ tiếc thương vì mất đi một người chồng đã đồng lao cộng khổ, chia bùi xẻ ngọt với mình suốt mấy chục năm dài; các con cháu đau buồn vì mất đi một người cha, người ông đầy trách nhiệm tốt lành; Họ đạo mất đi một thành viên HĐMVGX nhiệt tâm và năng động. Dù có tiếc thương đó, nhưng chúng ta lại hãnh diện về đời sống đáng trân quý của ông.

Vậy nếu khi còn sống ông Gioan đã tin nhận vào mầu phục sinh và đã trung thành dấn bước theo Chúa trên hành trình đức tin cho đến giây phút cuối cùng với lòng cậy trông và phó thác vào tình thương và ơn cứu độ của Chúa, thì khi qua đời tôi tin rằng Chúa sẽ đón nhận ông về với Chúa.

Được biết ông cũng rất yêu mến và sống gắn bó mật thiết với Mẹ Maria qua việc siêng năng lần chuỗi mân côi. Nên ông cũng sẽ được Mẹ Maria thương đến. Sự ra đi của ông trong trung tuần tháng năm này, thật có ý nghĩa, ví tựa như đóa hoa đẹp xinh, được hái đi để dâng kính Mẹ Maria, nữ vương thiên đàng. Xin phó dâng đóa hoa mang tên Gioan vào bàn tay từ ái của mẹ. Xin Mẹ nhận lấy mà đưa vào trong vườn hoa nước trời khoe sắc cùng với muôn ngàn đóa hoa rực rỡ trong ánh vinh quang muôn đời.

Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng Alleluia.

Vì Con Mẹ đã sống lại thật. Alleluia.

Xin cầu cho linh hồn Gio-an được lên chốn nghỉ ngơi.

Hằng xem thấy mặt ĐCT sáng láng vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6 Suy niệm 1: ...