SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI PHỤC SINH
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH B
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
Người đời
thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ chứ không chịu lỗ.”
Nhưng cái khổ lớn nhất không phải là yêu mà là bị người mình yêu từ chối. Đúng
vậy, yêu mà bị phản bội thì đau tê tái lòng biết mấy!.
Chúa Giêsu đã yêu
thương chúng ta đến nỗi đã thí mạng mình vì chúng ta và mong muốn chúng ta đáp
lại tình yêu của Ngài. Nhưng hình như nhân loại đã hững hừ trước tình yêu cao
đẹp của Chúa. Vì thế mà Ngài tha thiết kêu mời chúng ta: “Hãy ở lại trong tình
yêu của Ngài” bằng cách tuân giữ giới răn yêu thương Ngài ban. Khi ấy chúng ta
mới xứng đáng trở thành bạn hữu với Ngài và cảm nếm được niềm vui trọn vẹn.
Mẹ Maria đã
sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để tham gia tích cực vào sứ mạng cứu
chuộc nhân loại nên Mẹ đã để cho Ngôi Lời Thiên Chúa ở lại trong cung lòng Mẹ cách
trọn vẹn. Nhờ đó Mẹ đã cảm nếm được niềm vui trọn vẹn với bao nhiêu đặc ân cao
trọng do Chúa thương ban.
Xin Mẹ giúp
chúng ta cũng biết noi gương bắt chước Mẹ để cho suối nguồn tình yêu của Chúa
tuôn chảy vào tâm hồn mình, ngỏ hầu chúng ta cũng cảm nếm được thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng
ngày.
Chuyện vui: Ông bà già nọ rất yêu quý cháu nội đích tôn của mình. Một hôm hai ông
bà ngồi bên nhau xem cháu nội ngủ. Vì lẽ thương cháu quá, bà nội lên tiếng bảo:
- Ông thấy
không, hai con mắt nó khi ngủ giống tôi như đúc vậy!
- Ông nội gật
gù nói: À… thì giống, nhưng chỉ khi nó ngủ thôi, còn khi nó thức cặp mắt nó có
khác gì tôi đâu.
- Ngắm xem
cháu được một lúc, ông lại lên tiếng: Bà xem, khi nó ngủ cái miệng nó giống in
hệt tôi vậy đó!
- À thì lúc
ngủ, còn khi nó thức, ông trông cái miệng nó và miệng tôi có khác gì nào! Bà
trả lời.
- Ông nội gật
đầu bảo: Vậy tôi biết lý do tại sao nó lại nói chuyện và ăn hàng nhiều rồi…(vì
cái miệng giống bà mà).
Mong ước lớn lao của ông bà cha mẹ là làm sao con cái
trở nên giống mình, ít nhất là ở hình thể bên ngoài. Nhưng sẽ là niềm vui và
hạnh phúc lớn lao nếu con cái giống mình về cả tâm tính vì: “con nhà tông không
giống lông cũng giống cánh.”
- Giống như mong ước của ông bà nội của đứa cháu đích tôn ấy. Khi yêu ai, ta không chỉ muốn người ấy nên giống mình ở hình thể, mà ta còn muốn
người ấy giống mình cả về tâm tính và trở nên một với mình. Cũng vậy, vì quá yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu
cũng mong ước chúng ta được trở nên một với Người. Vì thế, Người tha thiết mời
gọi chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong
tình thương của Thầy.”
- Nhưng làm thế nào để được “Ở lại trong tình thương của Chúa?”.
Thưa đó là: “Anh
em hãy yêu thương nhau "như Thầy" đã yêu thương anh em.”
+ “Yêu như Thầy”
là dám từ bỏ: Từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để
xuống thế làm người. Từ bỏ giàu sang và vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân
phận con người nghèo khổ và trên hết là từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa
Cha, như lời thánh Phaolô nói: “Đức
Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa
vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ
mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl
2,6-8)
+ “Yêu như
Thầy” là sẵn sàng hòa nhập:
Chúa Giêsu đã hòa nhập vào đời sống nhân loại chúng ta. Ngài chấp nhận đồng thân, động phận và đồng tử với chúng ta, ngoại trừ
tội lỗi. Người hòa nhập bằng cách chấp nhận sinh ra trong một gia đình nghèo, nơi hang lừa; sống cuộc đời ẩn dật nơi làng quê Nazareth, trong một gia đình của bác thợ mộc
thanh bần (x. Mt 13,55; Mc 6,3; Lc 2,7); chấp nhận chịu đói, chịu khát trong
suốt ba năm bôn ba rảo khắp các nẻo đường Palestin để rao giảng Tin mừng, làm nhiều phép lạ để cứu chữa những ai bệnh tật, đau khổ và tha thứ cho những ai tội lỗi. Chấp nhận đi vào con đường
thương khó và đón nhận cái chết đau thương trên thập giá, theo cách thức
rất nghèo một cách tự nguyện, để chu toàn kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.
+ “Yêu như Thầy”
là khiêm tốn phục vụ: “Người vốn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến
cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariôt, con Simon, ý định
nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì
Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi
áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn
đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13,1-5). Thật vậy, vì quá yêu thương
các môn đệ nên Người đã khiêm tốn hạ mình xuống phục vụ các ông. Người tự đổ
nước vào chậu, cúi mình xuống rửa chân và lấy thắt lưng mà lau.
+ “Yêu như Thầy” là sẵn sàng hy sinh: Đỉnh cao của tình yêu chính là hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Vì tội của Ađam mà cả thế gian đều phải chịu sự chết. "Như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội." (Rm 5,12). Nhưng “chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết thương của anh em mà anh em đã được chữa lành.” (1Pr 2,24).
Yêu như Thầy
không chỉ là hy sinh chết thay cho bạn hữu, mà hơn thế nữa là dâng hiến bẻ Thân
Mình ra làm của ăn nuôi sống cho người mình yêu: “Này là mình Thầy sẽ
bị nộp vì các con”; và đổ Máu mình ra làm thức uống: “Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Vì quá yêu thương và muốn ở lại mãi với chúng ta nên Chúa Giêsu đã dùng chính Mình Máu Mình để làm của ăn của uống nuôi dưỡng thêm sức cho ta trên hành tiến bước theo Chúa trên trần gian này.
Kinh nghiệm cho thấy: khi tôi yêu mến ai thì bất cứ việc
to việc nhỏ, việc nặng việc nhẹ ... thì tôi luôn muốn sẵn sàng làm mọi việc cho người tôi yêu; ngay cả khi người tôi yêu chưa muốn, tôi cũng làm, miễn sao làm vui lòng người mình yêu. Chúa Giêsu
không chỉ muốn mà Người còn tha thiết mời gọi chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương.”
Xin cho chúng
ta biết thể hiện lòng yêu mến Chúa, qua việc thi ý muốn của Người. Đó là yêu
thương nhau bằng một tình yêu: từ bỏ, hòa nhập, trao ban, phục vụ và hy sinh
hiến mình cho mọi người, nhất là những người thân yêu trong gia đình của mình như chính Chúa đã
yêu chúng ta. Nhờ đó ta mới được ở lại trong tình thương của Chúa và diễm phúc được trở
nên bạn hữu với Người. Amen.
Thứ hai: Cv 16,11-15; Ga 15,26-16,4
Tin mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại những lời trăn
trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, trước khi Ngài rời xa
các ông, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết, sống lại và lên trời.
Đoạn tin mừng hôm nay ghi lại hai lời trăn trối rất quan
trọng mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ:
1. Hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông.
Để động viên và an ủi các môn đệ trong tình cảnh đau
buồn của kẻ ở người đi, Chúa Giêsu hứa sẽ không bỏ rơi các môn đệ như những đứa con
mồ côi, mà Ngài sẽ ban cho các ông một Đấng Phù Trợ khác, là Thần Chân Lý và chính là Chúa Thánh Thần sẽ đến ở với các ông luôn mãi. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng, hướng dẫn
và bảo trợ các ông trong sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa sau này.
2. Can đảm thi hành sứ mạng làm chứng cho
Chúa.
Vì các tông đồ là những người “đã ở với Chúa Giêsu từ ban đầu”, nên lời chứng của các tông đồ có giá trị, khả tín và dễ thuyết phục người nghe.
Tuy nhiên, để giúp các môn đệ khỏi bị vấp ngã và chùn bước trong sứ vụ loan báo tin mừng sau này, Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ biết là các ông sẽ gặp nhiều thách đố, bởi sự chống đối của người đời, vì họ không hiểu và không nhận biết Chúa Cha và Ngài: “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa; và vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy.” Nhưng hãy an tâm thi hành sứ mạng, vì có Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ, là Thần Chân Lý luôn ở bên bảo vệ, che chở và hướng dẫn các ông.
- Vai trò phù trợ của Chúa Thánh Thần được minh chứng một cách cụ thể qua trình thuật hoạt động truyền giáo của tông đồ Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay:
Sách Cvtđ ghi nhận cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của Phaolô đang lúc bị trắc trở vì CTT ngăn cản không cho ông đi xuống phía nam và cũng không cho ngài đi lên bắc mà buộc ngài phải rẽ sang hướng tây, xuống tàu để vào vùng đất Châu Âu.
Để giúp cho Phaolô khỏi phải phân vân và bỡ ngỡ bởi không biết đi đâu loan báo tin mừng, Chúa Thánh Thần đã đưa dẫn một chàng thanh niên
Ma-cê-đô-ni-a đến với Phao-lô để mời ngài đi đến Phi-lip-phê mà rao giảng (các
nhà nghiên cứu cho rằng chàng thanh niên Ma-cê-đô-ni-a đó là thầy thuốc Lu-ca,
bởi vì kể từ lúc ấy, trình thuật của sách Cvtđ chuyển sang dùng đại danh từ
“chúng ta” một cách bất ngờ).
Phái đoàn truyền giáo bấy giờ gồm 4 người: Xila,
Timôthê, Luca và Phaolô đã đến thành Philipphê là trung tâm của tỉnh Macêđônia,
thuộc quyền cai trị của chính quyền Rôma. Có thể nói đây là địa điểm đầu tiên
thuộc vùng đất Châu Âu. Tại đây Chúa Thánh Thần lại tiếp tục an bài cho Phaolô
gặp được “một bà tên là Lyđia, làm nghề buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa”,
bà sẵn sàng mở lòng để đón nhận lời rao giảng của Phaolô và đã chịu phép rửa
cùng với những người trong gia đình của bà. Bà cũng là người hiếu khách, yêu mến các môn đệ nên đã nài
xin Phaolô cùng đoàn truyền giáo đến ở nhà bà mà thi hành sứ vụ: “Nếu
các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi.”.
Nhờ vậy mà Phaolô có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng thành lập cộng đoàn tín hữu tại thành Philipphê này. Đây được xem là cộng đoàn tiên khởi bên vùng đất ở Châu Âu.
Sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa là bổn phận và trách
nhiệm của mỗi tín hữu chúng ta. Nhưng để làm chứng có kết quả tốt, ngoài việc
nhiệt tình thi hành sứ vụ, ta còn phải biết khiêm tốn lắng nghe sự
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự tham gia tích cực, chủ động của nhiều người với lòng tin
tưởng, cậy trông, phó thác vào sự an bài của Chúa.
Suy niệm 2:
Phúc âm tuần này, cách cụ thể hôm nay đề cao vai trò của
CTT trong sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô. Ngài là Đấng Phù Trợ và là Thần Chân
Lý nên Ngài sẽ hướng dẫn và nâng đỡ cho các môn đệ thực thi sứ mạng làm chứng
cách có hiệu quả nhất. Sứ mạng làm chứng hay loan báo tin mừng cũng là nhiệm vụ
Chúa trao ban cho mỗi người kitô hữu chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin CTT
hướng dẫn và trợ giúp ta thi hành thật tốt sứ mạng quan trọng này.
Lịch sử của GH trãi qua hơn 2000 năm cho thấy, việc loan
báo tin mừng lúc nào cũng gặp phải những khó khăn, chống đối. Có những chống
đối đến từ bên ngoài nhưng cũng có những khó khăn xuất phát từ bên trong GH.
Tuy nhiên không vì thế mà GH chùn bước và bỏ cuộc. Kinh nghiệm giúp chúng ta
hiểu rằng, để làm tốt sứ mạng này, ta cần phải lưu tâm đến những điều do Chúa
Giêsu chỉ dạy:
- Lưu tâm đến vai trò quan trọng của CTT, bởi “Ngài là Đấng Phù Trợ và là Thần Chân Lý bởi
Cha mà ra”, Ngài sẽ hướng dẫn, bảo vệ và bên đỡ chúng ta trong mọi hoàn
cảnh. Vì thế mà chúng ta cần phải luôn cầu xin và nghe theo sự hướng dẫn khôn
ngoan của CTT.
- Phải tích cực làm chứng nhân cho Chúa trong nhẫn nại
và kiên trì, bằng lời nói và việc làm một cách cụ thể. Đức thánh Gíao Hoàng Phaolô VI
nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin
vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
Chính thánh Phêrô cũng đã mời gọi các tín hữu đang sống
trong hoàn cảnh chịu bách hại: “hãy can
đảm trả lời mọi chấp vấn cho những ai thù ghét mình với giọng điệu hiền hòa và
lòng kính trọng. Nhất là phải luôn sống tốt lành ngay chính theo lương tâm
hướng dẫn. Được như vậy mới làm cho những kẻ thù ghét và bách hại mình phải xấu
hổ vì đã đối xử không tốt với chúng ta.” (x.1 Pr 3,15-18).
Nguyện xin CTT nâng đỡ, hướng dẫn và thúc giục chúng ta
nỗ lực thi hành sứ mạng làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh, với mong muốn
danh thánh của Chúa được mọi người biết đến và tin nhận. Amen.
Thứ ba: Cv 16,22-34; Ga 16,5b-11
Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ và Thần Chân Lý. Vì là Thần Chân Lý nên Chúa Thánh Thần sẽ
vạch ra cho thế gian thấy được những sai lầm của họ. Chúa Giêsu cho biết khi Chúa Thánh Thần đến Người sẽ
chứng minh cho thế gian nhận ra ba thứ sai lầm sau đây:
1. “Về
tội lỗi”: đối với người Do Thái xưa, đó
là tội đã không tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên họ đã không nghe và sống
theo giáo huấn Người hướng dẫn. Còn đối với chúng ta ngày nay, mặc dầu chúng ta
tin Chúa, nhưng vì kiêu căng tự mãn nên chúng ta thích làm theo ý riêng mình hơn là nghe và sống theo ý muốn của Chúa. Từ đó dễ đưa dẫn chúng ta đi vào con đường lầm lạc, tội
lỗi. Chúa Thánh Thần sẽ cho chúng ta nhận ra điều đó.
2. “Về sự
công chính”: đối với
người Do Thái, vì không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Công Chính nên họ đã lên
án tử và giết chết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tương
đối nên chúng ta dễ dàng bóp méo hình ảnh về một Thiên Chúa chân thật. Hơn nữa,
do bị tác động bởi chủ nghĩa vô thần nên con người thời nay quá đề cao của cải vật chất, tiền bạc, thoải mái hưởng thụ khoái lạc bất chấp tội lỗi. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã
từng nhận định: “Tội lớn nhất hiện nay của nhân loại là con người đang đánh mất
dần cảm thức về tội lỗi.”.
3. “Về việc
xét xử”: ngày xưa Thượng Hội đồng Do
Thái đã lên án tử Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái đã đồng tình với bản án ấy. Bởi vì bản án ấy được xử không chỉ bởi phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm mà còn là giám đốc
thẩm, một cơ quan có thẩm quyền cao nhất nên nhiều người cho rằng đó là bản án đúng đắn. Tuy nhiên sau cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giêsu, họ mới nhận ra đó là bản án sai lầm bởi vì họ không dựa vào
công lý mà lại dựa trên dư luận và hận thù. Ngày nay nhiều khi chúng ta cũng
dựa vào dư luận và cảm tính nên có cái nhìn không đúng về người khác, dẫn đến
những sai lạc tai hại.
Đoạn sách Cvtđ hôm nay cũng cho biết, do thánh Phaolô
trục xuất thần Ốp ra khỏi người đầy tớ gái, đụng chạm đến túi tiền của chủ cô
ta, vì từ nay cô ta không còn khả năng bói toán làm lợi cho người chủ này nữa,
nên họ đã túm lấy Phaolô và Xila, lôi đến quảng trường, đưa ra trước nhà chức
trách mà tố cáo Phaolô và Xila là người Do Thái đã gây xáo trộn trong thành
phố, vì đã truyền bá những tập tục chống lại người Rôma. Nên cả đám đông chống
đối hai ông, các quan tòa thì tức giận ra lệnh đánh đòn Phaolô và Xila nhừ tử
rồi nhốt hai ông vào trong ngục, giao người canh giữ cẩn thận. Dầu vậy, Phalô
và Xila luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, nên hai ông vẫn lạc quan ca
hát và cầu nguyện. Với vai trò bảo trợ, CTT đã ra tay giải thoát hai ông thoát
khỏi xiềng xích và nhà tù cách lạ lùng, Ngài còn cảm hóa cả viên cai ngục và cả
gia đình ông tin theo Chúa Giêsu, với niềm hy vọng vào ơn cứu độ, nhờ lời giảng
dạy của Phaolô. Hơn hết, CTT còn soi sáng cho quan tòa nhận ra sự sai lầm của
mình nên ông đã xin lỗi Phaolô và Xila rồi ra lệnh thả hai ngài. Phaolô trở lại
nhà bà Lyđia để thăm và khuyên nhủ các tín hữu. Sau đó ngài rời Philipphê để
đến Thêxalônia.
Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng phó thác vào sự
hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Nhất là cho chúng ta luôn biết khiêm
tốn nhận ra những lầm lỗi, yếu đuối của mình và can đảm sửa đổi đời sống cho
ngày càng hoàn thiện hơn.
Suy niệm 2:
Chúa Giêsu biết sự ra đi của Ngài về với Chúa Cha sẽ để
lại một khoản trống rất lớn đối với các môn đệ, khiến cho các ông phải u sầu vì
không còn được Thầy ở bên, mặt giáp mặt, theo nghĩa hữu hình. Biết được điều đó
nên Người đã chấn an các môn đệ và hứa ban CTT đến ở với các ông. CTT là Đấng
Phù Trợ nên Ngài có vai trò bên vực và bảo vệ các môn đệ, qua việc “chứng minh
rằng thế gian sai lầm” ở ba điểm:
- Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”, vì họ đã không tin vào Đức Giêsu là đấng cứu độ.
- Sai lầm thứ hai là “về
sự công chính”, vì không tin nhận Người đến từ Chúa Cha và những lời giảng
dạy của Người là chân lý.
- Sai lầm thứ ba là “về
án phạt”, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử. Cho thấy uy quyền TC nơi
Đức Giêsu và hậu quả của việc chống đối Người.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được những bài
học này là mỗi người chúng ta, cần phải khiêm tốn nhìn nhận về mình còn nhiều
sai sót lỗi lầm, bởi vì không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta luôn cần phải nhờ ơn
Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn, ta mới thấy rõ và thấy đúng được những lầm
lạc của mình. Việc nhận ra những sai lầm là điều rất cần thiết và rất hữu ích
để chúng ta kịp thời chấn chỉnh lại đời sống mà thăng tiến bản thân cho phù hợp
thánh ý TC.
Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài đang hiện diện từng giây phút
trong đời sống chúng con. Thế mà, lắm lúc chúng con đã quên mất sự hiện diện
của Ngài. Tuy nhiên, chúng con biết Chúa vẫn rất yêu thương chúng con, Ngài
không rời bỏ chúng con ngay cả lúc chúng con lãng quên Ngài. Chúng con thật
lòng xin lỗi Chúa và xin Chúa tiếp tục ban ơn soi sáng, để chúng con nhận ra
những sai lầm, yếu đuối, tội lỗi của mình mà chấn chỉnh lại đời sống cho đẹp
lòng Chúa hơn. Amen.
Thứ tư: Cv 17,15. 22-18,1; Ga 16,12-15
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay tiếp tục đề cập đến vài trò và sứ mạng
của CTT. Ngài có vai trò tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, giúp các môn đệ cũng
như chúng ta nhận ra được sự thật toàn vẹn. Xin cho chúng ta biết mở lòng đón
nhận CTT vào trong tâm hồn để Ngài hướng dẫn chúng ta đến với thật toàn vẹn.
Trong suốt 3 năm theo Chúa Giêsu bôn ba trên khắp mọi
nẻo đường Palestina để rao giảng tin mừng, các môn đệ đã nghe biết bao lời giáo
huấn của Chúa Giêsu và chứng kiến biết bao phép lạ Ngài làm, thế nhưng lúc ấy
các ông không hiểu hay không hiểu hết chân lý do Chúa Giêsu truyền dạy. Nên có
lần các ông thốt lên: “Lời này chướng tai
quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).
Mãi đến khi Chúa Giêsu sắp về cùng Chúa Cha, vậy mà các
ông vẫn không hiểu hết những lời giảng dạy của Ngài. Dầu vậy Chúa Giêsu vẫn
kiên nhẫn chấp nhận sự giới hạn của các ông với hy vọng thời gian và nhờ ơn
sủng của CTT, các ông sẽ hiểu được những lời Ngài giảng dạy.
Qủa thật, trước đây có nhiều điều các môn đệ không hiểu
nỗi, nhưng sau khi đón nhận CTT trong ngày lễ ngũ tuần, các môn đệ đã thay đổi
cách lạ lùng. Các ngài đã nhận ra chân lý của tin mừng nên đã sẵn sàng sống
chết để làm chứng cho chân lý đã tin nhận.
Con người chúng ta hay kiêu căng tự mãn cho rằng mình
hiểu biết tất cả, nhưng thật ra chúng ta rất giới hạn, chỉ biết ra một phần của
sự thật. Bầu trời thì bao la, kiến thức thì mênh mong như đại dương, ta làm sao
hiểu hết được mọi lãnh vực trong đời sống; nhất là những chân lý mầu nhiệm làm
sao ta có thể suy thấu nếu không được sự hướng dẫn và soi sáng của CTT.
Vậy xin Chúa Thánh Thần thanh luyện tâm hồn ta nên trinh
trong, để lương tâm ta luôn trong sáng, ngỏ hầu ta có thể dễ dàng nghe được
tiếng nói của CTT nơi tâm hồn chúng ta mà, nhận ra chân lý toàn vẹn do Chúa
Giêsu giảng dạy. Amen.
Suy niệm 2:
Cả cuộc đời của Đức Giêsu là lời mạc khải tròn đầy về
Thiên Chúa, về kế hoạch và đường lối cứu độ của Ngài, nhưng không phải tất cả
những gì Đức Giêsu nói và những việc Đức Giêsu làm được các môn đệ hiểu, để đến
với sự thật toàn vẹn.
Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay đã khẳng định với các
môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có
sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật
toàn vẹn.” Như thế, để hiều tất cả những gì Đức Giêsu giảng dạy cách
toàn vẹn, các môn đệ cần đến sự soi sáng và hướng dẫn của Thánh Thần.
Vì thế, trước khi đi vào cuộc thương khó, chịu chết,
sống lại và đi về nhà Cha, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ về Thần Khí sự thật,
về vai trò của Người trong việc mạc khải. Các môn đệ sẽ hiểu hết tất cả những
gì Đức Giêsu mạc khải, và nhất là sẽ đến được với chân lý toàn vẹn nhờ Thần Khí
sự thật. Quả vậy, đúng như lời Đức Giêsu nói, Thần Khí sự thật được ban xuống
bởi Đức Giêsu từ Chúa Cha cho các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Nhờ sự xuất hiện của Thần Khí sự thật, không những các
môn đệ đã hiểu, đã đến được với chân lý toàn vẹn, mà các ngài còn đủ khôn
ngoan, can đảm và sức mạnh để rao giảng và làm chứng cho tin mừng của Chúa.
Sách Cv kể rằng, lần đầu tiên Phêrô rao giảng sau khi
lãnh nhận Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, đã có hơn 3000 người xin lãnh nhận
phép rửa.
Những lời rao giảng của các ông vừa khôn ngoan, vừa mạnh
mẽ, vượt lên trên khả năng tự nhiên của các ông. Phêrô chỉ là người làm nghề
chài lưới, Matthêu là người thu thuế,... vậy mà rao giảng, viết sách y như một
nhà thông thái. Làm được những việc lớn lao cả thể ấy, không phải do sức riêng,
nhưng do Thánh Thần.
Đức Giêsu là mạc khải tròn đầy của Thiên Chúa, nhưng mạc
khải ấy chỉ được hiểu đầy đủ, trọn vẹn nhờ Thần Khí sự thật được ban xuống theo
đúng lời hứa của Đức Giêsu. Xin cho mỗi tâm hồn tín hữu Chúa luôn mở ra và được
đổ đầy Thần Khí sự thật, để ai nấy đều hiểu được mạc khải của Đức Giêsu và nhất
là được Đức Giêsu dẫn đến với sự thật toàn vẹn. Amen.
Thứ năm: Cv 18,1-8; Ga 16,16-20
Tiếp tục là những diễn từ chia tay với các môn đệ trong bữa tiệc ly. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến những
vui buồn trong đời sống. Niềm vui và nỗi buồn là lẽ thường tình trong cuộc sống
bất tất trên cuộc đời này, nên ta cần phải an nhiên và bình tỉnh đón nhận với
niềm hy vọng phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng khi gặp đau
buồn và cũng đừng quá phấn khích khi có được niềm vui, nhưng trong mọi hoàn
cảnh ta luôn biết giữ được sự quân bình tâm lý với niềm tin tưởng, cậy
trông vào Chúa Giêsu phục sinh, bởi Người luôn ở cùng chúng ta.
Chúa Giêsu biết rằng sự ra đi về với Chúa Cha sẽ làm cho
các môn đệ đau buồn, vì không còn thấy Ngài hiện diện cách hữu hình với các ông.
Tuy nhiên nỗi buồn ấy sẽ biến thành niềm vui, vì Ngài được về cùng Chúa Cha và
từ nay sẽ hiện diện cách vô hình và liên tục để bảo vệ, nâng đỡ, hỗ trợ các ông cách tích cực và hiệu quả hơn. Sự ra đi trở về với Chúa
Cha của Ngài sẽ mở ra một tương lai sáng ngời, mang đến niềm hy vọng vào sự sống mai sau cho
toàn thể nhân loại.
Trong thế gian này, không ai tránh khỏi những vui-buồn của cuộc sống.
Tuy nhiên có những niềm vui chóng vánh, sau đó để lại nỗi buồn vô hạn, bởi đó
chỉ là niềm vui của thế gian. Bên cạnh đó cũng có những nỗi buồn khiến ta tê
tái lòng, nhưng chưa hẳn là tăm tối ngỏ cụt, bởi vì phía bên kia đường hầm tăm
tối ấy lại là ánh sáng rạng ngời của niềm vui trọn vẹn của tâm hồn.
Chúa Giêsu đã từng trải qua những đau buồn tột cùng
của kiếp người, nhưng với niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình
thương Chúa Cha, Ngài đã đón nhận với thái độ an nhiên. Và Ngài đã phục sinh vinh hiển, để ngang qua đó mang lại ơn cứu chuộc cho nhân loại chúng ta.
Vì thế, ta đừng bao giờ quá phấn khích khi có được niềm vui của thế gian, bởi khi lao vào những cuộc vui ấy, ta
dễ dàng đánh mất chính mình, và hậu quả tai hại để lại nơi tâm hồn ta là một sự
trống vắng, bất an và chán chường.
Xin Chúa ban thêm ánh sáng đức tin để chúng con ý thức được những
thất bại đau buồn xảy ra trong cuộc đời này là lẽ thường tình nơi con người bất toàn, bất túc của chúng con. Nhờ đó chúng con sẽ dễ dàng đón nhận những biến cố vui buồn xảy ra trong
đời mình với lòng tin tưởng phó thác vào sức mạnh ơn ban của Chúa
Giêsu Phục sinh, bởi vì: “Ơn Ta đủ cho con”. Amen.
Thứ sáu: Cv 18,9-18; Ga 16,20-23a
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mẹ lâm bồn sắp sinh con để sánh ví với nỗi buồn-niềm vui của người môn đệ nơi trần gian này. Xin cho chúng ta biết tích cực đón nhận những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống với niềm tin tưởng, hy vọng và phó thác vào sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu Kitô.
Cuộc sống chúng ta có nhiều niềm vui và nỗi buồn, nó như những sợi chỉ đan xen kết dệt nên tấm thảm cuộc đời của mỗi người chúng ta. Có những niềm vui chóng qua, nhưng cũng có những niềm vui lâu dài.
Có những niềm vui đến từ vật chất, vì nó đáp ứng được những nhu cầu ham muốn của thể xác chúng ta. Nhưng niềm vui ấy lại chóng qua.
Có những niềm vui đến từ những giá trị tinh
thần, khiến cho tâm hồn ta cảm thấy hạnh phúc, vì cảm nếm được những điều ngọt
ngào, mới mẽ và phong phú trong cuộc sống. Nhưng xét cho cùng niềm vui đến từ
giá trị tinh thần ở đời này rồi cũng qua đi, bởi vì nó chỉ là niềm vui do thế
gian ban tặng.
Có một thứ niềm vui tồn tại vĩnh viễn, niềm vui nên trọn ấy không
ai lấy mất được. Đó là niềm vui trong Chúa, niềm vui được gặp gỡ Chúa, được
Chúa Giêsu nói đến trong bài tin mừng hôm nay.
Các thánh tử đạo đã từng trải qua những đau khổ và ngay cả
chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình, nhưng các ngài cảm thấy chan chứa niềm vui
khi phải bước ra pháp trường đối mặt với cái chết. Bởi lẽ, các ngài có Chúa
trong tâm hồn và biết mình sẽ được gặp Chúa.
Các môn đệ khi thi hành sứ mạng loan báo tin mừng đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, đau khổ ngay cả phải hy sinh mạng sống mình, nhưng những điều ấy đã không làm cho các ngài nao núng mất đi niềm vui. Bởi có Chúa ở cùng và các ngài tin rằng phía bên kia của bóng tối đau khổ và sự chết là ánh sáng của niềm vui và sự sống vĩnh cửu.
Với quyền năng của Thiên Chúa thì
không có gì là không thể. Ngài dễ dàng viết thành đường thẳng từ những đường
cong. Tựa như người phụ nữ sắp sinh con thì lo lắng đau đớn, nhưng niềm
vui và hạnh phúc dâng trào khi nhìn thấy một sinh linh được chào dời.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những đau buồn, nhưng nỗi buồn đó lại đem đến niềm vui ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại sau cái chết và sự phục sinh của Người. Chúng ta chỉ có niềm vui thật sự khi chúng ta dám bước theo con đường mà Chúa đi qua, sẵn sàng nghe theo lời giáo huấn của Chúa chỉ dạy và sống trong ân sủng của Chúa.
Một người phụ nữ đang mang
thai, bà ta sẽ rất sợ hãi khi biết sắp đến giờ bà sinh. Bà thấu được những cơn
đau dữ dội, xé lòng mà mình sẽ phải gánh chịu! Tuy nhiên, niềm vui khôn tả sẽ
ập đến với bà khi mắt bà nhìn thấy đứa con của mình cất tiếng khóc chào đời.
Thấy
được tâm trạng các môn đệ đang hoang mang lo lắng vì sắp phải lìa xa mình, Đức
Giêsu đã trấn an các ông và vén mở cho các ông thấy niềm vui sẽ nên trọn vẹn: “Bây
giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và
niềm vui của anh em không ai lấy mất được”.
Trong
đời sống đức tin của chúng ta, cũng có những lúc đi trong đêm tối của cô đơn,
ốm đau, bệnh tật... Những lúc đó, chúng ta chán nản và muốn buông xuôi. Tựa như
bà mẹ mệt nhọc lúc mang thai và đau đớn khi sinh hạ, sau đó, bà sẽ vui mừng khi
thấy con mình chào đời. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của cuộc đời đức tin nơi
chúng ta.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn của đức tin và hy vọng
trong nguồn ơn cứu độ, bởi vì: sau khi mưa trời lại sáng; thất bại là mẹ thành
công; và nếu ta cùng chết với Đức Giêsu thì cũng được cùng Ngài sống lại với Ngài trong
vinh quang.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận những đau khổ, chấp nhận hy sinh với niềm tin và hy vọng vào Chúa,
để từ đó, một ngày kia, chúng con được chan chứa niềm vui vì thập giá sẽ nở hoa
cứu độ. Amen.
Ngọc Biển SSP
Thứ bảy: Cv 18,23-28; Ga 16,23b-28
Suy niệm 1:
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự liên kết mật
thiết giữa Chúa Cha và chúng ta, qua vai trò trung gian của Ngài. Nên Ngài
khuyên các môn đệ cũng như chúng ta hãy cầu xin với Chúa Cha, nhân danh Ngài
với lòng tin tưởng sẽ được Chúa Cha lắng nghe và ban cho chúng ta có được niềm
vui trọn vẹn.
Ý thức điều đó, chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện với
Chúa Cha nhờ danh Chúa Giêsu, đó là sứ điệp được nhấn mạnh trong tin mừng hôm
nay.
Ta có thể chia đoạn tin mừng hôm nay làm hai phần:
1. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy năng
tưởng đến Chúa Cha mà dâng lên Người những lời nguyện xin. Tuy nhiên những lời
nguyện xin ấy phải được hiệp nhất trong Ngài, tin chắc sẽ đẹp lòng Chúa Cha và
sẽ được Chúa Cha lắng nghe và nhận lời. Nhưng hình như các môn đệ ít năng tưởng
đến Chúa Cha và ít khi cầu xin với Người. Lời nhắc bảo này của Chúa Giêsu còn nhằm đến chúng ta, vì hình như chúng ta cũng ít khi nhớ đến Chúa Cha để cầu xin với
Người. Vậy chúng ta hãy ghi nhớ điều Chúa Giêsu chỉ dạy mà hiệp thông với Ngài
trong lời cầu xin với Chúa Cha.
2. Chúa Giêsu cho ta biết lý do tại sao Chúa Cha nhận lời cầu xin của
chúng ta.
- Bởi vì Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta con cái của
Người: “Chính Cha yêu mến các con, bởi vì
chúng con yêu mến Thầy”.
- Chúng ta được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng giá máu của
Người, mà Chúa Giêsu là con yêu dấu Chúa Cha “Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Nên khi nhân danh Chúa Giêsu mà cầu
xin sẽ được Chúa Cha nhậm lời.
- Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến thế gian và từ thế gian mà trở về cùng với Chúa Cha “Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”, từ đó mở đường cho chúng ta đến được với Chúa Cha. Hơn nữa khi ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang nước trời, Chúa Giêsu không quên chúng ta “Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó.” (Ga 14,3).
Tựa như một thái tử sống trong một vương quốc thịnh vượng, hùng cường, giàu sang, thái tử ấy có một vị vua cha rất nhân từ, bao dung và sẵn lòng giúp đỡ con dân nghèo khổ. Thái tử ấy đến thăm và sống với dân nghèo nên cảm thương tìm mọi cách để cứu giúp họ. Nay thái tử ấy về lại với vua cha nên tha thiết kêu gọi dân chúng gửi lời cầu xin vua cha, bởi thái tử tin chắc chắn vua cha sẽ ban phúc cho thần dân nhờ vào công trạng của mình. Đó là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua tin mừng hôm nay.
Vậy chúng ta cũng hãy tin tưởng cậy dựa vào công nghiệp Chúa Giêsu mà năng cầu xin với Chúa Cha trong niềm tin tưởng và yêu mến, tin chắc rằng Chúa Cha sẽ sẵn sàng ban cho chúng ta dồi dào ơn phúc, để cuộc đời chúng ta có được niềm vui trọn vẹn.
Suy niệm 2:
Thiên Chúa không phải là một Đấng nào đó cao vời và xa lạ, nhưng Ngài rất gần gũi với con người, gần gũi thân thiết như người cha, như người mẹ, hơn nữa như người bạn, không chỉ là người bạn bình thường mà là bạn chí thân, chí cốt, người bạn dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình."
Thời đế quốc Rô-ma, hoàng đế Xê-da đôi khi lại phong tước “Bạn của Hoàng đế” cho một số người nhưng với điều kiện: họ phải là trung thần và đã lập được rất nhiều công trạng.
Còn Chúa Giêsu, Ngài không đòi những kẻ theo Ngài phải lập nhiều công trạng hiển hách, nhưng Ngài vẫn gọi họ là bạn hữu với điều kiện duy nhất là họ kiên nhẫn thực hiện những điều Ngài truyền dạy. Mà điều Ngài truyền dạy là gì?
- Thưa đó chính là điều mà Chúa lặp đi lặp lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Điều Thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau."
Vì thế, muốn trở nên người bạn thân thiết với Đức Giêsu thì chúng ta cần phải “thực hiện” điều răn yêu thương Chúa dạy chứ không chỉ dừng lại trên sự hiểu biết mà thôi. Đây chính là ‘tiêu chuẩn’ để xét xem ta có thực sự đang là bạn của Chúa Giêsu hay không: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3,18).
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con biết sống yêu thương như Chúa đã yêu để chúng con xứng đáng được kể vào số những người bạn hữu của Chúa. Nhờ đó mà ngày sau chúng con mới được hưởng hạnh phúc cùng Chúa trên Quê Trời. Xin cho chúng con hiểu được, ngày nào con không có một hành động yêu thương là ngày đó kể như con đã không còn “sống". Amen. (St)
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI PHỤC SINH
Lm. Minh Anh, Tgp Huế
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH B
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17
LÀ BẠN HỮU
“Thầy gọi các con là bạn hữu!”.
“Có hai điều mà con người
không có số học để tính toán, không có thước mực để đo lường. Một là mức độ mất
mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là mức độ ân tứ của Ngài
khi phải ban Con Một cho tội nhân. Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi
Thiên Chúa buộc phải ban Con mình để làm Bạn của tội nhân. Và bấy giờ, tội nhân
được trở nên con cái Ngài, ‘là bạn hữu’ của Ngài!” - John Charles Ryle.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay
chứng thực nhận định của J. C. Ryle; đồng thời, nói với chúng ta - những con
người phàm trần - một điều không tưởng! Rằng, chúng ta ‘là bạn hữu’ của Thiên
Chúa. Chúa Giêsu nói, “Thầy gọi các con là bạn hữu!”.
Với Chúa Giêsu, chúng ta gọi
Ngài là Đấng Cứu Rỗi, là Thầy, là Chúa, là Vua và là Bạn như Ngài xác nhận. Khi
nói Chúa Giêsu như Người Bạn, điều quan trọng là phải hiểu đúng bản chất của
tình bạn đó. Tình bạn với Chúa Giêsu không phải là tình bạn đơn giản khiến
chúng ta trở thành “bạn bè”. Nó không như tình bạn giữa hai người bình đẳng.
Ngài là Chúa nên tình bạn với Ngài mang những đặc điểm độc đáo không có trong
những tình bạn khác. Không thể có người bạn nào lớn hơn chính Thiên Chúa. “‘Là
bạn hữu’ với Chúa, tình bạn này phải ở dạng thuần khiết nhất!” - Tôma Aquinô.
Đó là một tình bạn; đúng hơn,
một tình yêu, trong đó, trọng tâm duy nhất của một người là lợi ích của người
khác. Nó không dựa trên lợi ích riêng của một người. Vấn đề không phải là “Tôi
nhận được gì từ nó?”. Trong thư Côrintô, Phaolô định nghĩa tình yêu vị tha như
sau: “Tình yêu thì kiên nhẫn, nhân hậu. Nó không đố kỵ, không khoa trương,
không thổi phồng, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng nảy, không nuôi
hận thù… Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng
tất cả. Tình yêu không bao giờ thất bại!”. Đây không chỉ là định nghĩa của tình
yêu mà còn là nền tảng duy nhất cho một tình bạn chân chính.
Xem xét những phẩm chất đó,
chúng ta thấy Thiên Chúa liên hệ với chúng ta theo từng cách này. Việc chúng ta
có đáp lại những đức tính này đối với Chúa hay không sẽ quyết định ‘mức độ sâu
sắc’ của mối quan hệ ‘là bạn hữu’ chúng ta thiết lập với Ngài. Vì thế, tình yêu
chúng ta dâng Ngài đúng đắn nhất xuất hiện dưới hình thức thờ phượng. Ngài đáng
được tôn thờ, đầu phục, tin cậy và vâng phục hoàn toàn. Một điều đẹp đẽ và an
ủi là khi thờ phượng Chúa, chúng ta nhận lại sự sống của Ngài. Và điều này thiết
lập một tình bạn thánh thiện vốn sẽ biến đổi chúng ta nên trọn lành.
Anh Chị em,
“Thầy gọi các con là bạn
hữu!”. Hãy suy gẫm lời mời của Chúa Giêsu; từ đó, bước vào một tình bạn đích
thực với Ngài! Điều này có nghĩa là Thiên Chúa trở thành trung tâm của cuộc đời
bạn. Nó có nghĩa là bạn tìm cách hiến thân một cách vị tha và không dè dặt cho
Đấng xứng đáng với mọi tình yêu của bạn. Nó có nghĩa là bạn chọn sự thờ phượng
và vâng phục Ngài hoàn toàn. Phần thưởng của tình yêu này là bạn có thể bước
vào một mối liên kết thánh thiện, thuần khiết và viên mãn đến mức nó khiến bạn
trọn vẹn ‘biến đổi’, giúp bạn ‘là bạn hữu’ của Chúa, đúng con người mà bạn mong
muốn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không là bạn của
Chúa, con dễ làm bạn với ma quỷ và những gì thuộc về nó. Giúp con tìm điều đẹp
lòng Chúa; và con sẽ thiết thân hơn với Chúa mỗi ngày!”, Amen.
Thứ hai: MỘT PHẦN KHÔNG THỂ
THIẾU
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”.
Ngày kia, Paul Rader thăm đấu
trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú ăn thịt. Ông viết, “Tôi
ngước nhìn lên trời, nơi Chúa Cha đang ngồi chứng kiến các con cái Ngài vui
mừng chờ đợi cái chết. Các Kitô hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi
hớn hở khi biết rằng, họ sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể níu chân họ. Tử
đạo, nhất định là ‘một phần không thể thiếu’ trong đời sống của một chứng
nhân!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tử đạo, ‘một phần không thể
thiếu’ trong đời sống của một chứng nhân!”. Tin Mừng hôm nay báo trước điều đó!
Biết mình sắp về cùng Cha, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ những gì sắp xảy đến,
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường!”. Và còn hơn thế!
Rất có thể, khi nghe nói về
việc sẽ bị khai trừ khỏi hội đường; thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều
này có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc những lời này có thể khiến họ khó chịu
đôi chút; cũng rất có thể, họ chỉ nghe mà không quá lo lắng! Đó chính là lý do
tại sao Chúa Giêsu nói, “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để khi đến giờ
họ hành động, các con nhớ lại là Thầy đã nói với các con rồi!”. Và chúng ta có
thể tin chắc, vào thời điểm bị bách hại, các môn đệ đã bình tĩnh và can đảm hơn
nhiều trước những gì đang chờ đợi họ - thập giá - ‘một phần không thể thiếu’ mà
Chúa Giêsu đã báo trước. Để rồi, điều này giúp họ thoát khỏi cám dỗ tuyệt vọng
vốn có thể dẫn đến chỗ mất đức tin.
Thế nhưng, điều thú vị ở đây
là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói, “Hãy chống trả, bạo động,
hoặc chuẩn bị vũ trang!”. Thay vào đó, Ngài nói với họ về một điều gì đó tuyệt
vời hơn - Chúa Thánh Thần. Rằng, Thánh Thần sẽ ‘cáng đáng’ mọi sự; Ngài sẽ dẫn
dắt, tiếp sức và cho phép họ làm chứng cho Ngài. Làm chứng cho Chúa Giêsu rõ
nét nhất, có thể là tù đày, có thể là đổ máu vì Danh Ngài! Chúa Giêsu chuẩn bị
trước điều này, bằng cách nói cho họ biết, họ sẽ được Chúa Thánh Thần ở cùng.
Và một khi điều này xảy ra, các môn đệ càng cậy trông tuyệt đối vào Đấng Bảo
Trợ mà Ngài đã hứa!
Anh Chị em,
“Họ sẽ khai trừ các con khỏi
hội đường!”. Chúa Giêsu đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để
Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục Chúa Cha. Cũng vậy, bách hại, bắt bớ
là cơ hội để chúng ta chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành với niềm tin của
mình! Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh. Với chúng
ta, cuộc chiến giành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ
là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội
tâm mỗi người, đó cũng là ‘một phần không thể thiếu’ của người môn đệ. Đừng sợ!
Thánh Thần ở trong và ở bên chúng ta; Ngài sẽ tiếp sức để chúng ta vượt qua tất
cả. Được như thế, mỗi ngày, bạn và tôi khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm
đăm “nhìn ngưỡng thiên đàng, bùi ngùi hớn hở”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi con hụt
hơi vì thập giá bên ngoài lẫn bên trong, cho con sức mạnh của Thánh Thần; vì
biết rằng, đường nên thánh của con không thể thiếu thập giá!”, Amen.
Thứ ba: TƯƠI
TẮN, ĐẦY SỨC SỐNG
“Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca cầu nguyện”.
“Kền kền và chim ruồi bay qua
các sa mạc. Tất cả những gì kền kền tìm kiếm là thịt thối rữa; những gì chim
ruồi kiếm tìm là những bông hoa xương rồng rực rỡ. Kền kền sống với những gì đã
có thuộc quá khứ; lấp đầy bản thân với những gì đã chết và hư thối. Chim ruồi
sống bằng những gì đang có, sẽ có; chúng tìm những bông hoa tươi tắn, đầy sức
sống. Mỗi loài chim tìm kiếm những gì nó kiếm tìm. Cũng thế, loài người, tuy
không giống nhau!” - Steve Goodier.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay
toát lên một điều khá phù hợp với ý tưởng của Goodier về hai loài chim! Bài đọc
Công Vụ Tông Đồ cho biết, từ ngục tối, “Vào quãng nửa đêm, Phaolô và Sila hát
thánh ca cầu nguyện”. Rõ ràng, Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đang hiện
diện và hoạt động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ nơi những kẻ thuộc về Ngài!
Thật không dễ để bạn và tôi
có thể cất lên những lời chúc khen trong những hoàn cảnh như thế; có chăng, chỉ
là những lời khẩn xin, nài van. Qua đó, Phaolô và Sila vô tình tiết lộ một xác
tín bên trong của mình; rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn ác tâm
của con người; rằng, Chúa Phục Sinh đang ở với họ! Câu chuyện kết thúc tuyệt
vời với việc viên cai ngục và cả gia đình ông chịu phép rửa sau lời chỉ dạy của
vị tông đồ. Như vậy, Đấng Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài thực sự đang hoạt
động cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong những tình huống bất trắc nhất để các
tông đồ được cứu thoát, lòng đầy bình an. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa
“Lạy Chúa, Ngài ra tay uy
quyền giải thoát con!”.
Chúa Phục Sinh luôn ở cùng
chúng ta! Đó cũng là điều Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ qua Tin Mừng
hôm nay. Bối cảnh là phòng Tiệc Ly, khi các môn đệ đang buồn sầu vì Ngài sắp
rời xa. Vì thế, Ngài đã rọi một tia sáng vào bóng tối tâm linh nơi họ, bằng
cách bảo đảm rằng, sự ra đi của Ngài mang đến cho họ ‘những hạt giống mới’,
‘những cơ hội mới’; tạo nên ‘một sự khác biệt’ nơi họ để Thiên Chúa có thể hoạt
động một cách ‘tươi tắn, đầy sức sống’ trong mọi hoàn cảnh. Ngài nói đến Chúa
Thánh Thần, Đấng sẽ tiếp tục hoạt động không chỉ ‘qua họ, trong họ và cùng họ’,
nhưng còn ‘qua những ai nối tiếp họ’; trong đó, có bạn và tôi!
Anh Chị em,
“Mỗi loài chim tìm kiếm những
gì nó kiếm tìm!”. Bạn tìm kiếm gì mỗi ngày? Hãy thôi tìm kiếm những gì hư thối,
chết chóc; đừng sống trên quá khứ! Hãy tìm kiếm những ‘đoá hoa Giêsu’ ngọt ngào
thanh khiết giữa sa mạc khô khốc chợ đời. Loài hoa ấy ‘dẫu hiếm hoi’ nhưng vẫn
đang vẫy gọi bạn và tôi đến để ‘đậu lại’ lâu hơn với Ngài: hoa Thánh Thể, hoa
Lời Chúa, hoa bác ái, hoa yêu thương! Ngài đợi chúng ta thống hối trở về để từ
bỏ một tội lỗi; Ngài mong chúng ta ra khỏi mình để chăm sóc lẫn nhau nhiều hơn…
và trở nên những chứng tá yêu thương trong môi trường mình. Đó chính là sự
‘tươi tắn, đầy sức sống’ mà Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài sẵn sàng ban
tặng cho những ai tìm kiếm Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm
kiếm những gì xem ra tươi tắn nhưng tiềm ẩn chết chóc. Cho con một chỉ tìm kiếm
những bông hoa bình an và hoan lạc trong Thánh Thần!”, Amen.
Thứ tư: MÙ MỜ
“Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng
cho quý vị!”.
Socrates, ông tổ triết Tây,
không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được lưu truyền qua đồ đệ
Platô. Ông không nhận mình là thầy, chỉ nhận là bà đỡ “giúp đứa trẻ tự chào
đời”; “Không dạy ai điều gì; tôi chỉ khiến họ suy nghĩ!”; “Mẹ tôi đỡ đẻ cho các
bà, tôi đỡ đẻ cho các bộ óc!”. Cuối đời, Socrates bị cáo buộc đã làm hư hỏng
giới trẻ, bất kính Athêna. Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc. Socrates để
lại một câu nói bất hủ, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả, tôi mù mờ
về mọi sự!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến sự
‘mù mờ!’. Một trùng hợp thú vị, là chính dân thành Athêna thời Phaolô, nơi 400
năm trước đã bức tử Socrates - biết có thần minh - nhưng họ ‘mù mờ’ khi không
biết vị thần đó là ai. Cũng thế, bạn và tôi biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu,
nhưng vẫn ‘mù mờ’ về Ngài; chúng ta không bao giờ biết Ngài trọn vẹn cho tới
khi lên thiên đàng.
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường
thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, nơi ông thấy một bàn thờ “Kính Thần
Vô Danh”. Phaolô lên tiếng, “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin
rao giảng cho quý vị!”. Ngài là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải trong cuộc đời,
cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Đấng tạo thành vũ trụ và muôn
loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất”. Thánh Vịnh đáp ca gợi lên ‘sự hiểu
biết’ này, “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa!”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ đang ‘mù mờ’, “Thầy còn nhiều
điều phải nói với các con, nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi”. Là
Kitô hữu, chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu; tuy nhiên, chúng ta vẫn
‘mù mờ’ về Ngài và sẽ không bao giờ biết Ngài hoàn toàn. Bao lâu còn trên dương
thế, chúng ta chỉ đang dò dẫm trên hành trình hướng tới sự hiểu biết Ngài mà
thôi! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói về Đấng Chúa Cha sẽ sai đến, “Khi nào
Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn”. Nói cách
khác, cần có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho
tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Thánh Thần
hướng chúng ta đến sự hiểu biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn.
Anh Chị em,
“Tôi chỉ biết một điều, tôi
không biết gì cả!”. Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì
nếu biết Ngài, bạn và tôi đã nên thánh từ lâu. Biết Chúa Giêsu, nhưng không
biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá! Biết Chúa
Giêsu, nhưng không biết Ngài khao khát chúng ta đến mức nào, đến mức ẩn mình
trong Thánh Thể, chờ đợi chúng ta mỗi ngày! Biết Chúa Giêsu, nhưng chúng ta
không nhận biết Ngài trong anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ.
Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu nơi chúng ta vẫn rất ‘mù
mờ’; và sự hiểu biết này sẽ chỉ tiến triển nếu mỗi người biết ngoan nguỳ dưới sự
dìu dắt của Thánh Thần. Chính sự hiểu biết được soi sáng bởi Thánh Thần này mới
có thể biến đổi bạn, biến đổi tôi tự bên trong!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘mù mờ’ về
Chúa, càng ‘mù mờ’ về con. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con! May ra
nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.
Thứ năm: NGUỒN VUI LUÔN
CHIẾM ƯU THẾ
“Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.
Trong cuốn “Niềm Vui Của Các
Thánh”, cha Jean Pierre de Caussade chỉ cho chúng ta bí quyết để xua tan u buồn
và lo lắng. Ngài viết, “Mỗi ngày, bạn hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương
xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và
‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi. Được như thế, nhất định, bạn
sẽ nghiệm ra rằng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế’ như các thánh đã trải
nghiệm!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến nỗi
buồn và niềm vui nơi các môn đệ của Chúa Giêsu; nhưng ‘nguồn vui luôn chiếm ưu
thế’ một cách tất yếu. Vì “Ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy!”.
Chúa Giêsu nói đến nỗi buồn
của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng ngay sau đó, Ngài nói đến niềm vui
“sẽ lại thấy Thầy” của họ. Câu chuyện Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng
chứng. Lần đầu tiên đến Côrintô, Phaolô được đôi vợ chồng Aquila và Priscilla
tiếp đón. Họ dành cho ngài một chỗ ở, một việc làm. Nhưng còn nhiều hơn thế! Về
sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ - không chỉ ở Côrintô - họ còn có những ‘căn
phòng’ tương tự ở Êphêsô, ở Rôma, nơi các tín hữu học và dạy giáo lý, chia sẻ
Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ rằng, lễ “Hai thánh
dệt lều Aquilla và Priscilla” được mừng vào ngày 8/7 hàng năm! Đức Bênêđictô
XVI gọi họ là “Các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức
tin”. Nhờ họ, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân” - Thánh Vịnh
đáp ca. Phaolô hẳn đã trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh qua họ. Rõ
ràng, ‘nguồn vui luôn chiếm ưu thế!’.
Ở đây, chúng ta có một hình
ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một
‘cộng đồng các kẻ tin’ vốn sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn;
một sứ vụ mà tất cả chúng ta, trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay
nữ, trẻ hay già, độc thân hay đã lập gia đình. Đó là một sứ vụ mà Chúa Thánh
Thần sẽ luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên ‘sự hiện diện đầy
ủi an’ của Chúa Phục Sinh. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn
vui’ qua các thành viên trong cộng đồng đức tin của mình.
Anh Chị em,
“Các con sẽ lại thấy Thầy!”.
“Giêsu Nguồn Vui” luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài không cất đi những khốn khổ
chúng ta gặp trên đường, nhưng luôn hiện diện để bạn và tôi đi trọn con đường
Ngài đã đi. Vấn đề là, chúng ta có “biết ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót
của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng tốt lành của Ngài; và
‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi?”. Tắt một lời, nếu Chúa Phục
Sinh luôn ‘chiếm chỗ’ ưu tiên ở trung tâm ngày sống của chúng ta, chúng ta sẽ
‘lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy
Ngài trong Lời, nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ. Đó
là những thành viên của Hội Thánh hay chưa gia nhập Hội Thánh. Ngài là
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể chia sẻ
‘Giêsu Nguồn Vui’ cho những ai vui ít, buồn nhiều, cho con nhận ra sự ‘hiện
diện đầy ủi an’ của Chúa trong từng phút giây ngày sống của con!”, Amen.
Thứ sáu: KHÚC DẠO ĐẦU CHO MỘT
NIỀM VUI
“Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh; vì Thầy ở với anh!”.
Trong cuốn “Cuộc Nổi Loạn Thánh”,
“A Holy Rebellion”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta
hành động như Satan?”. Câu trả lời đơn giản là “Khi bạn và tôi đặt lợi ích bản
thân trên lợi ích của Chúa Kitô; và khi chúng ta coi khổ đau và thử thách như
một thất bại, bế tắc, thay vì coi đó như là khúc dạo đầu cho một niềm vui!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu có cùng một quan điểm với hai tác giả trên. Thông điệp “Thầy ở với anh!”
dành cho Phaolô - bài đọc một - cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ mọi
thời; trong đó, có bạn và tôi! Rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là ‘khúc dạo đầu cho
một niềm vui!’.
Khi căn dặn, “Cứ nói đi, đừng
làm thinh!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây Phaolô sẽ chịu là có
thật! Việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật! Việc chống lại lời
Phaolô rao giảng là có thật! Vì thế, Ngài trấn an, “Vì Thầy ở với anh; không ai
tra tay hại anh được!”. Qua đó, Chúa Giêsu cho biết bách hại, tù đày Phaolô và
các môn đệ Giêsu mọi thời sẽ gánh chịu, là những gì phải đến trước; và nó là
‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’, niềm vui được nên giống Thầy. Và còn hơn thế,
nó là niềm vui ‘Thiên Chúa được nhận biết’. Dân thành này rồi sẽ tuyên xưng
cùng với dân các thành khác; rằng, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu” như
Thánh Vịnh đáp ca xác tín!
Khẳng định của Chúa Giêsu về
những gì phải đến sẽ đến càng rõ nét hơn với bài Tin Mừng. Ngài thừa nhận những
gì đang ở phía trước, “Các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui
mừng”. Nhưng Ngài kịp hứa, “Thầy sẽ gặp lại các con!”; nghĩa là, “Thầy sẽ ở
cùng các con, với các con, trong các con!”. Và không thể tin được! Chúa Giêsu
dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng như Ngài từng trải nghiệm, “Người
phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa
niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Ngài bảo đảm rằng, sự
hiện diện thường xuyên của Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh
nào; bất cứ điều gì xảy ra cũng chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn,
niềm vui có Ngài!
Anh Chị em,
“Vì Thầy ở với anh!”. Đó cũng
là điều Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi để trao một sứ vụ. Khi sai
Môsê đi giải phóng dân, ông hỏi một đàng, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?”;
Chúa trả lời một nẻo, “Ta sẽ ở cùng ngươi!” - một tên mới của Môsê! Trong biến
cố Truyền Tin, “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng, ‘Chúa ở cùng bà!’”. Mỗi Thánh
Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em!”, “Và ở cùng cha!”. “Có Chúa ở
cùng”, một sự thật đáng vui mừng! Ngài là Emmanuel ở cùng chúng ta như đã ở với
Con Một Giêsu trọn cuộc sống dương thế. Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Chúa
Giêsu chịu, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một
niềm vui’ lớn hơn, “Niềm Vui Phục Sinh”. Và còn hơn thế, “Niềm Vui Phúc Kiến”
bên Cha đời đời, vốn đã tiềm tàng cuối chân trời mà chúng ta đang hướng về -
Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con xác tín,
Chúa đang cầm trên tay triều thiên long lanh của con; vì thế, mọi ‘thánh giá
mềm cứng’ đời con chỉ là ‘khúc dạo đầu cho một niềm vui’ lớn hơn!” Amen.
Thứ bảy: GIA ĐÌNH THIÊN LINH
“Chúa Cha yêu mến các con, vì các con yêu mến và tin Thầy từ
Thiên Chúa mà đến!”.
W. Davis nói, “Danh tiếng là
những gì người ta nói về bạn trước bia mộ bạn; tính cách là những gì thiên thần
nói về bạn trước ngai Thiên Chúa. Danh tiếng là những gì bạn có khi đến một
cộng đồng; tính cách là những gì bạn có khi rời cộng đồng đó. Nhưng từ nơi ấy,
người ta biết một điều, bạn là con cái Thiên Chúa, bạn thuộc về một ‘Gia Đình
Thiên Linh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa
hôm nay tiết lộ bạn và tôi là những con trai con gái yêu quý của Thiên Chúa,
bạn và tôi thuộc về một ‘Gia Đình Thiên Linh!’: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần!
Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy cách thức các tín hữu sơ khai nâng đỡ lẫn nhau! Apollô, một nhân vật ‘rất ấn tượng’ với kiến thức Thánh Kinh vững chắc; vậy mà anh cần vợ chồng Priscilla - Aquila dẫn dắt.
Apollô có những quà tặng mà đôi bạn này không có; đôi bạn này sở hữu những điều mà Apollô không có.
Để có thể lớn lên trong đức tin, mỗi
người ‘cho đi’ và ‘nhận lại’. Là thành viên của gia đình Hội Thánh, chúng ta có
bổn phận ‘bổ trợ’ cho nhau đang khi cùng nhau chia sẻ một sứ vụ là mở rộng
Vương Quốc. Nhờ đó, dân các nước có thể ca khen, “Thiên Chúa là vua toàn cõi
địa cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mở rộng cộng đồng đức tin đó lên một cấp độ cao hơn, với một trương độ có chiều kích phổ quát hơn. Đó là Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, nền tảng của mọi gia đình, mọi cộng đồng!
Ngài nói đến Chúa Cha bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất,
“Chúa Cha yêu mến các con, bởi các con yêu mến và tin Thầy!”. Trong Chúa Giêsu,
bạn và tôi được kết hiệp với Chúa Cha nhờ tình yêu của Chúa Thánh Thần; để từ
đó, cung lòng mỗi người là thánh thất của Chúa Ba Ngôi và là thánh điện của
Thánh Thần Ngài!
“Toàn bộ cuộc sống Kitô hữu
xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi! Vì vậy, hãy giữ cho cuộc sống mình ở một ‘cung
bậc’ và một ‘cung điệu tầm cao!’. Hãy nhớ, vì vinh quang Thiên Chúa mà chúng ta
tồn tại, làm việc, chiến đấu và chịu đựng. Như thế, bạn ‘được gọi để tham dự
vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa’ rạng ngời vinh quang!” - Đức
Phanxicô.
Anh Chị em,
“Được gọi để tham dự vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa” là ơn gọi của bạn và tôi! Nói đến “gia đình” là nói đến thông truyền sự sống; nói đến Thiên Chúa là nói đến một Đấng trên cao!
Được làm con cái Chúa, chúng ta được nâng từ đất thấp lên trời cao; từ tội lỗi đến thánh thiện; từ tầm thường đến phi thường! Từ đó, mọi hành vi cử chỉ của chúng ta không chỉ là một ‘hành vi nhân linh’; nhưng còn là một ‘hành vi thiên linh’; không chỉ thông truyền sự sống tự nhiên, chúng ta thông chuyển sự sống siêu nhiên.
Trong Chúa Kitô, chúng ta là con trai con gái của
Thiên Chúa, chúng ta thuộc về trời cao, không phải thuộc về đất thấp. Vì thế,
từ đây, bạn đừng chỉ tìm “danh tiếng người ta nói về bạn”, nhưng hãy sống “tính
cách mà các thiên thần sẽ nói về bạn trước ngai Thiên Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết, con thuộc về ai và mục đích đời con là gì! Đừng để con sống một cuộc sống không xứng tầm ‘cung bậc’ và ‘cung điệu tầm cao’ của một người con Chúa!”, Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét