SUY NIỆM LỜI CHÚA
TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Lm. Nguyệt Giang
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6, 51-58
Suy niệm 1:
Hiệp chung tâm tình cùng GH
toàn cầu, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến với bàn tiệc Thánh Thể để
kính múc Mình và Máu Chúa Kitô làm lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng hồn xác ta. Xin
Chúa giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ vào tình yêu cứu độ của Chúa, biết siêng
năng đến với bàn tiệc Thánh Thể và dọn tâm hồn cách xứng hợp cho Chúa ngự vào.
Thiên Chúa dựng nên con
người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày; phần hồn
muốn sống cần phải đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa chính là
của ăn có sức thiêng nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến và
quý trọng của ăn thiêng liêng mà Chúa Giêsu tặng ban cho ta, bằng cách dọn mình
xứng hợp và siêng năng đón rước Chúa vào lòng mỗi khi tham dự thánh lễ.
Nhân gian thường nói “Ăn gì
thì bổ cái đó” là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người
và các tạo vật. Nếu ăn nhiều thịt, thì áp xuất máu sẽ tăng lên và tính tình
cũng thường hay nóng nảy. Ngược lại nếu ăn rau, củ, quả nhiều thì cơ thể cảm
thấy nhẹ nhàng, tính tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở
những cơ thể cũng bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể
khác.
Căn cứ vào kinh nghiệm đó,
chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giêsu phán dạy: "Ta là bánh
hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban,
chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta,
thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy."
Đúng vậy, Chúa Giêsu Kitô
không phải chỉ có bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong
Ngài, nên thịt và máu Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời. Khi ăn Thịt
và uống Máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu
phải rùng mình sợ hãi và bỏ đi; và những người thời nay không tin Chúa Giêsu
thì cho rằng đầu óc của những người Công Giáo là điên rồ. Ấy vậy mà điều ấy lại
rất quen thuộc thường tình đối với người Công giáo chúng ta. Việc đón nhận Mình
và Máu Chúa đã trở nên vô cùng quan trọng cho sự sống tinh thần và thiêng liêng
của mọi Kitô hữu.
Với người Công giáo chúng
ta, chẳng những tin vào Lời Chúa Giêsu phán về việc ăn Thịt và uống Máu Ngài,
nhưng còn có kinh nghiệm ăn Thịt và uống Máu ấy hằng ngày. Nhờ đó mà ta mới cảm
nghiệm được sự trưởng thành trong đời sống tinh thần và thiêng liêng của mình ở
mức độ đời đời là như thế nào. Vì thế mà trên cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ
lại có một Thánh Lễ để cung cấp cho hàng tỷ người Công giáo sự sống thần linh
và trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu. Bất cứ ai đến ăn Thịt và uống Máu
Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả sự chữa lành thể
xác nữa.
Bí tích Thánh Thể, lương
thực thần lương mang sự sống đời đời. Xin cho chúng ta biết tin tưởng và khao
khát tìm đến đón nhận chính nguồn lương thực này, hầu đem lại cho chúng ta
nguồn bình an và sự sống đích thực.
Suy niệm 2: Lễ Thiếu
Nhi.
Hôm nay, chúng ta cùng với
Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Hiệp dâng thánh lễ
hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tích cực tìm hiểu và suy niệm sâu xa hơn về
bí tích Thánh Thể, nhờ thế chúng ta mới thêm lòng yêu mến Thánh Thể Chúa.
Giờ đây, chúng ta hãy khiêm
tốn nhìn nhận những lầm lỗi, thiếu sót của mình mà xin ơn tha thứ của Chúa hầu
xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.
Mừng kính trọng
thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, là dịp thuận tiện để Cha
cùng với các con ôn lại đôi chút giáo lý về Bí Tích Thánh Thể mà Giáo Hội chỉ
dạy chúng ta.
1. Các con cho cha biết: Ai
đã lập Bí Tích Thánh Thể?
-
Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu lập Bí Tích
Thánh Thể khi nào?
-
Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly trước khi Người chịu
chết.
3. Chúa Giêsu đã lập bí
tích Thánh Thể như thế nào?
-
Đang trong bữa ăn, Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng tạ ơn rồi bẻ ra trao
cho các môn đệ mà phán: “Này là mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn”.
Sau đó, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha rồi trao cho các môn
đệ và nói: “ Các con hãy nhận lấy mà uống, này là máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu
sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.” (Mt 26, 26-28; Lc
22, 17-20). Khi ấy bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
4. Vì ý gì Chúa Giêsu lập
bí tích Thánh Thể?
-
Vì yêu thương chúng ta và muốn ở với chúng ta mãi nên Chúa Giêsu đã dùng chính
Mình Máu Người làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng linh hồn bổ dưỡng thân xác
nhắm giúp chúng ta đủ sức tiến bước trên hành trình đi về nhà Cha.
5. Chúa Giêsu lập bí tích
Thánh Thể mấy lần?
-
Chúa Giêsu chỉ lập bí tích Thánh Thể một lần, nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh
cho các tông đồ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” ( Lc
22, 19). Qua đây Chúa Giêsu truyền lệnh cho Hội Thánh cử hành bí tích Thánh Thể
mà tưởng nhớ đến Chúa.
6. Giáo Hội cử hành bí tích
Thánh Thể khi nào?
-
Chính khi cử hành thánh lễ là Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể.
7. Khi nào bánh rượu trở
nên Mình Máu Chúa?
-
Trong thánh lễ, khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu lúc
ấy bánh rượu liền trở nên Mình và Máu Thánh Chúa.
8. Chúa Giêsu yêu thương
muốn ở với chúng con. Vậy các con có muốn rước Chúa vào lòng để ở cùng chúng
con không?
-
Muốn.
9. Muốn rước Chúa vào lòng
thì phải có những điều kiện gì?
-
Sạch tội trọng, có ý ngay lành, giữ chay một giờ trước khi rước Chúa.
10. Rước Chúa thì được
những ơn ích gì các con?
-
Được kết hợp mật thiếu với Chúa Giêsu và với nhau.
- Xóa bỏ các
tôi nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa.
- Có sức chống
trả chước cám dỗ.
- Bảo đảm cho
ta được sống đời đời.
Các con thân mến, Chúa
Giêsu yêu thương chúng ta đến hy sinh thân mình để trở nên Mình Máu Thánh nuôi
sống chúng ta. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết đáp lại tình yêu Chúa bằng
việc chăm học giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ và luôn giữ tâm hồn trong
sạch để dọn mình rước Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng.
Suy niệm 3: THÁNH THỂ
TUYỆT ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU
Cùng với GH hoàng vũ, hôm
nay chúng ta hiệp dâng thánh lễ mừng kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa
Kitô. Đó là sáng kiến tuyệt vời của tình yêu.
Vì tình yêu mà Chúa Giêsu
đã thiết lập nên Bí Tích Thánh Thể để ở lại mãi với nhân loại chúng ta, trở nên
lương thực thần linh nuôi dưỡng linh hồn, bổ dưỡng thân xác chúng ta.
Tình yêu vẫy gọi tình yêu,
ân tình đền đáp ân tình. Xin cho chúng ta luôn biết yêu mến, tôn kính bí tích
Thánh Thể, qua việc siêng năng đến kính viếng Thánh Thể Chúa và tích cực tham
dự thánh lễ cũng như dọn mình cách xứng hợp mỗi khi đón rước Chúa vào trong tâm
hồn.
Định luật tình yêu dạy cho
ta hiểu rằng: “yêu ai thì muốn ở gần người đó, yêu ai thì muốn hy
sinh phục vụ cho người đó và yêu ai thì muốn trở nên một với người mình
yêu.” Hành động mà Chúa Giêsu trao ban chính Mình và Máu Thánh Người
làm lương thực thần linh nuôi sống chúng ta, chính là đỉnh cao của tình
yêu dâng hiến.
Khi yêu nhau người ta không
chỉ dừng ở việc phục vụ trong hy sinh, nhưng người ta còn muốn nên một với
người mình yêu: “mình với ta tuy hai mà một” là vậy. Vì lẽ đó, Chúa Giêsu đã
lập Bí Tích Thánh Thể, ngang qua đó, Ngài đã biến bánh thành Thịt và rượu thành
Máu Người để nuôi sống và ở lại mãi với người mình yêu.
Chuyện kể rằng: Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn một
năm. Trong thời gian đó họ đã sống rất hạnh phúc. Mỗi buổi sáng
trước khi rời nhà đi làm, và buổi chiều khi vừa trở về ngôi nhà thân
thương, người chồng không bao giờ quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và
một lời nói thân thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày thêm
nồng thắm. Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người
chồng bị trúng mưa trên đường từ xưởng làm về nhà.
Anh bị cảm nặng
phải nằm liệt giường nhiều ngày và đã được chị vợ tận tình săn sóc.
Đẩu tiên, anh được vợ mang đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán bị
sưng màng phổi. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng bệnh
của anh ngày càng nặng thêm. Sau đó, bệnh viện kết luận anh đã bị ung thư
màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba và vô phương cứu chữa.
Khi sắp chết, anh
chồng đã cầm tay vợ thều thào nói: “Em yêu quí ! Có lẽ sắp tới giờ
Chúa gọi anh về rồi. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng vâng theo thánh ý
Chúa muốn. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được tiếp tục sống bên
em nữa. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc
nhẫn mà cách đây hơn một năm, hai vợ chồng mình đã tặng cho nhau khi
kết ước trước bàn thờ Chúa. Bây giờ anh xin tặng lại chiếc nhẫn kỷ
vật này cho em, để mỗi lần nhìn thấy nó, em biết rằng anh vẫn luôn
ở bên em và hằng cầu Chúa ban cho em an lành hạnh phúc”.
Nói xong, anh tháo
chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay ra và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như
trước đây anh đã từng làm trong thánh lễ hôn phối của hai người.
Sau khi chết, anh
được an táng trong một nghĩa trang gần nhà. Từ ngày đó, mỗi ngày
người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu chít khăn tang, tay
cầm bó bông đi vào nghĩa trang. Chị đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ
mọc chưa xanh của chồng, để cầu nguyện cho anh. Tay chị đeo hai chiếc
nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của người
chồng quá cố đã để lại cho chị khi sắp từ giã cuộc đời này.
Câu chuyện trên minh chứng
cho chúng ta biết: đối với người đời trước khi đi xa, thường muốn để lại cho
người mình thương bằng những kỉ vật hay của hồi môn quý giá nhất. Còn với Chúa
Giêsu thì những kỉ vật những của hồi môn ở trần gian này dù quý giá mấy đi nữa
thì cũng trở nên tầm thường, không đủ nói lên hết tấm lòng yêu thương. Để tỏ
tấm lòng yêu thương đến cùng, Chúa Giêsu lại có một sáng kiến hết sức độc đáo,
qua việc trao ban một kỉ vật vô cùng cao trọng, đó chính bản thân Người. Nhưng
bản thân bằng xương thịt của Người cũng chỉ có thể trao ban cho nhận loại chúng
ta chỉ được một lần, không thể trao ban mãi mãi được. Cho nên Ngài mới lưu lại
bản thân Ngài bằng chính bí tích nhiệm mầu dưới hình bánh và hình rượu, làm
thức ăn của uống thiêng liêng dưỡng nuôi linh hồn chúng ta.
Hơn thể nữa, Chúa Giêsu còn
muốn các môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, là hiện thân của Ngài ở
giữa trần gian nên Ngài đã trao ban chức Linh mục cho các ông với lời phán
truyền: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Cho nên trong
mỗi thánh lễ, nhờ việc đặt tay của Linh mục chủ tế trên hình bánh hình rượu và
đọc lời truyền phép như Chúa Giêsu đã thực hiện trong bữa tiệc ly, thì lập tức
bánh và rượu, liền trở nên Mình Máu Chúa. Để những ai tin và đón nhận Mình Máu
Chúa vào lòng sẽ được thần lương Chúa bổ dưỡng đủ sức để tiến bước trên con
đường đi về quên trời.
Mỗi lần tham dự thánh lễ
ước gì mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm được tình yêu kì diệu mà Chúa Giê-su
đã dành cho nhân loại chúng ta qua bí tích Thánh Thể nhiệm mầu, đó chính là bí
tích tình yêu, hy sinh và nuôi dưỡng.
- Vì bí tích Thánh Thể là
bí tích tình yêu nên vẫy gọi chúng ta cũng hãy tập tành bắt chước tình yêu dành
cho tha nhân, như Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta.
- Vì bí tích Thánh Thể là
dấu chỉ của hy sinh nên vẫy gọi chúng ta cũng biết hy sinh phục vụ cho tha
nhân, như Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống vì chúng ta.
- Vì bí tích Thánh Thể là
bí tích nuôi dưỡng nên vẫy gọi chúng ta cũng tập tành chia sẻ vật chất lẫn tinh
thần với mọi người, như Chúa Giê-su đã lấy thịt và máu của mình để nuôi dưỡng
linh hồn chúng ta.
- Và vì bí tích Thánh Thể
được kết tinh từ tấm bánh tinh tuyền và rượu nho thanh khiết do công lao con
người dâng hiến tạo thành, nên mời gọi chúng ta cũng hãy cố gắng trở thành tấm
bánh thơm ngon bẻ ra cho anh chị em của mình hưởng dùng qua những việc làm hy
sinh phục vụ hàng ngày của chúng ta.
Xin cho chúng con đừng thờ
ơ, hờ hững với món quà tình yêu vô giá nầy nhưng biết sốt sắng lãnh nhận với
tâm tình cảm tạ sâu xa.
Suy niệm 4:
Thiên Chúa dựng nên con
người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày, phần hồn
muốn sống còn phải rước Mình Máu Thánh Chúa. Mình Máu Thánh Chúa chính là của
ăn nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến, quý trọng của ăn thiêng
liêng do Chúa Giêsu ban tặng, bằng cách dọn mình xứng đáng mỗi khi lên rước
Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Tuần trước chúng ta mừng
kính trọng thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm căn bản và cao trọng nhất của
niềm tin Kitô giáo (mầu nhiệm tín lý). Tuần này chúng ta tiếp tục mừng kính mầu
nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm trung tâm và là đỉnh cao của đời sống người Kitô hữu
(mầu nhiệm bí tích). Cả hai mầu nhiệm đều nói lên tình yêu TC dành cho nhân
loại chúng ta. Nếu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nói lên tình yêu sáng tạo của
Ngôi Cha, cứu chuộc của Ngôi Con và thánh hóa của CTT; thì mầu nhiệm Thánh Thể
lại nhấn mạnh đến tình yêu tự hiến của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.
Chính vì yêu mà Chúa
Giêsu đã nhập thể làm người để ở cùng và chia sẻ kiếp người với chúng ta.
Ngài không những chịu nạn chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta mà Ngài còn
hiến tế mạng sống mình làm lương thực thần linh nuôi dưỡng linh hồn và bổ dưỡng
thân chúng ta trên hành trình dương thế. Chỉ mong sao Ngài được ở lại trong ta
và ta được ở lại trong Ngài mãi cho đến ngày tận thế.
Nhân gian thường nói: “Ăn
gì thì bổ cái đó”, đó là một thực tế của sự sống luân chuyển trong
thân xác con người và các tạo vật. Nếu ăn thịt nhiều thì áp suất máu sẽ
tăng lên và tính tình thường hay nóng nảy. Ngược lại ăn rau, củ, quả nhiều, thì
cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, tính tình trở nên điềm đạm hơn. Đó là kinh
nghiệm bình thường ở những cơ thể bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất
thường thì có thể khác. Căn cứ vào kinh nghiệm đó, chúng ta có thể hiểu được
lời Chúa Giêsu phán dạy: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai
ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho
thế gian được sống... Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở
trong kẻ ấy."
Đúng vậy, Chúa Giêsu không
chỉ mang bản tính nhân loại hay chết, mà Ngài còn mang bản tính Thiên
Chúa trường tồn, nên thịt và máu Ngài luôn ở trong trạng thái sự sống
vĩnh cửu. Ăn thịt và uống máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái
đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ hãi và bỏ đi, còn những người thời
nay không tin Chúa thì cho rằng: đầu óc của những người Công Giáo
thật điên rồ! Nhưng đó lại là điều rất quen thuộc và vô cùng quan trọng đối với
người Công Giáo chúng ta. Người Công giáo chúng ta không những tin
vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể mà chúng ta còn có
kinh nghiệm ăn thịt và uống máu Người hằng ngày, và ai nấy đều cảm nghiệm được
sự trưởng thành trong đức tin ở mức độ đời đời như thế nào. Vì thế mà trên
thế giới, cứ 1 giây đồng hồ có khoảng 3 Thánh lễ được cử hành, nhằm cung cấp
cho khoảng 1,3 tỉ người Công giáo sự sống trường sinh chính là Thịt và Máu
Chúa Giêsu. Bất cứ ai đến ăn thịt và uống máu Chúa Kitô thì đều cảm nhận
được sự bình an khôn tả, nhiều khi còn nhận được sự chữa lành cả thể xác
nữa.
Bí tích Thánh Thể, lương
thực thần lương mang sự sống đời đời. Xin cho chúng ta luôn biết tin tưởng, yêu
mến và khao khát tìm đến, đón nhận nguồn lương thực thần linh do Chúa tặng ban,
nhờ đó ta mới cảm nhận được nguồn bình an tâm hồn và mang lấy được nguồn sống
đời đời do Chúa truyền ban.
Thứ hai: Mc 12,1-12.
Nhớ thánh Ca-rô-lô Loan-ga
và các bạn tử đạo
Khi rao giảng Tin mừng,
Chúa Giêsu thích dùng những hình ảnh gần gũi nhưng sâu sắc, đơn sơ nhưng thực
tế nhằm diễn tả mầu nhiệm nước trời và khơi lên những thực trạng của đời sống
con người. Dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay là một
ví dụ. Để nêu lên quá khứ đáng chê trách của dân Do Thái thời cựu ước, nhất là
sự tắc trách của các kỳ mục, kinh sư và biệt phái thời bấy giờ, Chúa Giêsu đã
dùng dụ ngôn những tá điền sát nhân.
- Hình ảnh ông chủ vườn nho
chính là Thiên Chúa.
- Vườn nho được xem là dân
Israel; sau này là GH; cũng có thể hiểu đó là những ân huệ về vật chất và tinh
thần nơi mỗi chúng ta.
- Bồn nho, tháp canh và rào
dậu… tất cả là những giáo huấn, lề luật và ân huệ của Chúa ban.
- Tá điền chính là những
giới chức đạo-đời.
- Những đầy tớ chính là các
ngôn sứ, hay những người đại diện nói Lời Chúa.
- Người con của ông chủ
chính là Đức Giêsu.
Tất cả những hình ảnh mà
Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn trên đây nhằm phản ánh sự đối lập giữa một vị
Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và sự bất trung của con người.
- Vì yêu thương
TC tin tưởng trao ban: hình ảnh tận tụy của ông chủ vườn nho như: trồng nho, đào bồn ép, xây
tháp canh, rào dậu chung quanh… rồi tin tưởng giao cho tá điền chăm sóc mà trẩy
đi xa; cho thấy Thiên Chúa luôn tin tưởng chúng ta là những tá điền của Chúa.
Người không đứng cạnh bên ta dòm ngó như viên cảnh sát, nhưng để ta tự do sáng
kiến làm việc. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật và trao cho chúng ta “giữ
và canh tác vườn” như đã từng trao cho Adam và Eva xưa, nên ta phải
yêu mến đáp lại sự tin tưởng của Chúa dành cho chúng ta bằng cách tích cực chu
toàn tốt nhất nhiệm vụ Chúa trao. Dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn
làm dân riêng của Người như là vườn nho được Người yêu thương. Ngừơi đã tin
tưởng trao phó dân Israel cho các giới chức tôn giáo chăm sóc hướng dẫn, nhưng
họ đã lười biếng và tắc trách nên đã làm hư hoại dân Người.
- Vì yêu thương
TC kiên trì nhắc nhở: như người chủ khi thấy sự lười biếng của tá điền liền sai những người
đầy tớ của ngài đến nhắc nhở họ. Thiên Chúa không chỉ sai 1 tiên tri mà nhiều
tiên tri; không chỉ sai một lần mà nhiều lần các ngôn sứ đến để nhắc nhở dân Do
Thái về sự bất trung của họ. Nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt làm ngơ trước lời
mời gọi của Chúa. Thiên Chúa cũng nín chịu hết mọi tội lỗi của con người chúng
ta và kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn đổi mới. Dân chúng và các giới chức
lãnh đạo đời Do Thái tượng trưng cho những tá điền. Nhiều lần Chúa gửi các ngôn
sứ đến nhắc nhở sai lầm và kêu gọi họ sống theo đường lối Chúa, nhưng họ không
nghe mà còn ra tay sát hại các ngôn sứ của Chúa.
- Vì yêu thương
TC hy sinh Người Con yêu quý: Các tá điền không chỉ ngược đãi đánh đập những đầy tớ
của chủ sai đến, mà còn nhẫn tâm bắt trói và quăng xác Con Ông Chủ ra khỏi vườn
nho, rồi giết đi. Đó là lời tiên tri mà Chúa Giêsu báo trước về cái chết
của Người ngoài thành Giêrusalem, do lòng hận thù của dân chúng và những giới
chức tôn giáo Do Thái.
- Vì yêu thương
TC phán xử công thẳng: Cuối cùng thì ông chủ cũng lấy lại vườn nho và trao lại cho người
khác canh tác. Tương tự như thế, Thiên Chúa phán xét thật công thẳng vì “ác
giả thì ác báo”. Thiên Chúa sẽ lấy khỏi tay những ai chểnh mảng tự hào
về tài năng Chúa ban cho mình mà không lo chu toàn tốt bổn phận Chúa trao để
trao lại cho những ai biết tích cực làm việc cho Chúa. Chúng ta cũng sẽ
phải trả lời về những hành vi của mình trước mặt Thiên Chúa về cách chúng
ta thi hành những bổn phận mà Chúa trao ban.
Xin Chúa cho chúng ta có
được con mắt tinh tường để nhận ra những ơn huệ Chúa ban; đôi tai sâu lắng để
nghe được Lời dạy của Chúa cùng trái tim nhạy bén để cảm nhận được tình yêu tận
hiến đến cùng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin đừng để chúng ta
trở nên kẻ vô ơn bạc nghĩa như những tá điền bất trung, nhưng trở nên những tá
điền trung thành và khôn ngoan để thi hành tốt bổn phận Chúa trao ban, nhằm
sinh lợi nhiều hoa trái tốt lành cho vườn nho của Chúa là bản thân, gia đình và
GH.
Thứ ba: Mc 12,13-17.
Sau nhiều lần gài bẫy Chúa
Giêsu không thành, lần này những người Pharisêu sẵn sàng phối hợp với nhóm
người Hêrôđê tạo thành sức mạnh gọng kìm nhằm tấn công triệt hạ cho bằng được
Chúa Giêsu, cho dầu hai nhóm này không cùng chung một lý tưởng và quan niệm
sống:
- Phe Pharisêu: Chủ trương
chống lại mọi thế lực ngoại bang, cũng như phản đối việc nộp thuế cho đế quốc
Rôma.
- Phe Hêrôđê: thì chủ
trương thỏa hiệp với Rôma để được an phận. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng cộng
tác làm việc cho đế quốc Rôma nhằm bóc lột dân tộc mình.
Nhưng vì hôm nay họ có cùng
một đối tượng nhắm đến để triệt tiêu là Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng kết thân
với nhau.
Trước đây, những người
Pharisêu cũng đã không ít lần giăng bẫy để cho Chúa Giêsu vướn vào khung hình
phạt cao nhất của luật Do Thái giáo là tử hình, nhưng Người đã khôn khéo vượt
thoát. Hôm nay, với quyết tâm cao nhất là không để Chúa Giêsu vượt thoát lưới
giăng như những lần trước, nên họ liên minh với phe Hêrôđê nhằm đẩy Chúa Giêsu
vướn khung hình phạt cao nhất của luật dân sự là phản động, chống lại đế quốc
Rôma. Như thế phe Hêrôđê sẽ tóm lấy và lên án tử cho Người.
Nhưng để gài bẫy được Chúa
Giêsu không phải dễ dàng. Nên trước khi đặt bẫy họ bày ra miếng mồi thơm ngon
bằng những lời khen tặng dành cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi
biết Thầy là người chân thật không vị nể ai…” nhằm cho thấy thiện chí
và chân thành của họ. Nhưng liền ngay đó, bất ngờ họ đưa ra câu hỏi chết
người: “có nên nộp thuế cho Xêda không?”. Trả lời
“không” cũng chết mà trả lời “phải” cũng chết. Nếu Chúa Giêsu trả lời “Phải!” họ sẽ
xui giục dân chúng chống lại Chúa Giêsu vì Ngài có tư tưởng vọng ngoại toa rập với thế lực nước ngoài phản lại dân tộc mình. Nếu Chúa trả
lời “không” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Rôma vì Ngài có tư tưởng bài ngoại, xui giục dân chúng tạo phản chống lại chính quyền.
Nhưng vì quá hiểu về lòng dạ thâm hiểm của họ, nên Đức Giêsu nói với họ: "Tại
sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!". Họ
liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai
đây?" Họ đáp: "Của Xê-da." Đức Giêsu bảo
họ: "Của Xê-da.", trả về Xê-da."; của Thiên Chúa, trả về
Thiên Chúa". Câu trả lời thật tuyệt vời làm họ hết sức ngạc nhiên
về Người. Như vậy “lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn”
(Tv 124, 7).
Qua câu trả lời khôn ngoan
ấy, ngoài việc Chúa Giêsu đã vượt thoát khỏi án tử họ giăng, Người còn minh
định cho họ hiểu về hai vấn đề quan trọng:
- Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị
tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô
lệ cho chính trị. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất
của mình.
- Thứ hai: Mỗi người phải chu
toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho Xê-da” những
gì của Xê-da. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những
gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên
đồng tiền là hình của hoàng đế Xê-da, vì thế phải trả lại cho ông ta. Nhưng
linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải
được trả về cho Thiên Chúa.
Xin cho chúng
ta biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa
nên hãy ngoan ngoãn vâng lời và làm theo những gì Ngài truyền dạy.
Điều quan trọng là lo chu toàn tốt bổn phận tôn thờ Thiên Chúa; đồng thời
cũng không quên bổn phận đóng góp công sức tiền của để xây dựng GH và xã hội
trần thế theo tinh thần Phúc âm, hầu trở nên người công dân tốt và người Kitô
hữu trưởng thành.
Thứ tư: Mc 12,18-27.
Nhớ thánh Bô-ni-phát, giám
mục, tử đạo
Suy niệm 1:
Đa phần con người tin có sự
sống lại và cuộc sống đời sau. Nhưng cũng phần lớn cho rằng sự sống đời sau
cũng giống như sự sống đời này. Còn quan niệm người Kitô hữu chúng ta thế nào
về vấn đề này? Đó là điều mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay.
Chúng ta lắng nghe lời Chúa dạy để có quan niệm đúng đắn hơn trong vấn đề này.
Thời Chúa Giêsu có khá
nhiều nhóm: Pharisêu, Biệt phái, Hêrôđê và Saduceo. Mỗi nhóm theo đuổi 1 lý
tưởng khác nhau, và cũng có những quan niệm khác biệt. Nhóm Saducêo mà Tin mừng
hôm nay nhắc đến không tin vào sự sống lại giống như những người theo duy vật
chủ nghĩa thời nay. Do đó họ tìm mọi cách để đối chất với Chúa Giêsu nhằm
hạ nhục và loại trừ quan niệm vào sự sống lại mà Chúa Giêsu rao giảng. Họ đặt
ra 1 câu chuyện lố bịch về 1 gia đình có 7 người anh em. Theo luật Môisen thì
nếu người anh lớn cưới vợ mà chẳng may chết đi không con, thì người em phải
cưới lấy người vợ góa đó, để sinh con nối dõi tông đường. Vậy có cả thảy 7
người anh em cùng cưới 1 bà vợ. Nhưng lần lượt cả thảy 7 người anh em đó đều
chết đi và không con. Cuối cùng người vợ góa đó cũng chết. Vậy nếu có sự sống
lại thì ai sẽ là người chồng của chị ta?
Tình thế họ đặt ra xem ra
rất hóc búa, nhưng Chúa Giêsu đã dựa trên nền tảng Thánh Kinh đoạn nói về
Môisen diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai cháy sáng, để minh chứng cho
biết: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ
sống”. Bởi lẽ Người là “Thiên Chúa hằng hữu”. Thứ hai sự
sống mai sau là sự sống vĩnh cửu nên không còn phải lấy vợ cưới chồng để duy
trì giống nòi nữa. Thứ ba tình trạng sự sống mai sau không giống như sự sống
trần gian mà như các Thiên Thần. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu đã làm
cho họ phải câm miệng không còn vênh váo, khoát lát nữa.
Trong cuộc sống trần gian
này mỗi người có cái nhìn khác nhau nên đưa đến những quan niệm niềm tin khác
nhau. Do đó cần tránh thái độ kiêu căng xem thường quan niệm niềm tin của người
khác; trái lại phải tìm cách dung hòa trong tinh thần tôn trọng những khác
biệt. Là người Kitô hữu chúng ta phải tin tưởng vào Lời Chúa dạy và GH hướng
dẫn nên phải xác tín vững chắc vào sự sống lại và sự thưởng phạt đời sau.
Xin cho chúng ta luôn biết
gắn kết với Chúa trong lời cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và kết hợp
với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, nhất là khiêm tốn lắng nghe và thực thi lời
Chúa trong việc trung thành sống giới luật yêu thương mà Chúa chỉ dạy. Nhờ đó
ta mới có thể hưởng được tình trạng hạnh phúc viên mãn như các Thiên Thần mai
này.
Suy niệm 2: GÓC KINH THÁNH-CHIẾU BÍ
Nguyễn Trung Tây
Có những
người không tin vào cuộc sống đời sau. Đối với họ, chết là chấm hết. Nhắm mắt
nằm xuống, xác thân trở về đất đen. Bởi không tin vào thế giới siêu hình, họ
không tin vào đời sống thiên đàng và sự hiện hữu của thiên thần. Đọc tới những
hàng chữ này, có một số độc giả nghĩ tôi đang nói tới những người theo chủ
nghĩa vô thần. Không! Không phải! Thật sự ra tôi đang nói tới những người giáo
phái Sadducee (Sa-đu-si), thuộc giới thượng lưu trí thức trong xã hội Do Thái.
Bởi họ không tin vào sự sống lại, họ mang bàn cờ tướng đến sân Đền Thờ, âm mưu
(?) dự tính (?) chiếu bí Đức Giêsu.
Nước cờ
đầu tiên họ đưa ra là,
- Có bẩy anh em trai… Người anh trai cả lấy vợ. Nhưng rất tiếc, anh
ta chết đi, để lại bà vợ với không một mụn con.”
Đức Giêsu
nhìn nước cờ đối phương, yên lặng, chờ đợi. Nhìn khuôn mặt Đức Giêsu, ông
Saducee đo lường tình thế, rồi đi nước cờ kế,
- Người em trai, theo phong tục, cưới người chị dâu (để nối tiếp
dòng họ)… Nhưng rất tiếc, anh ta cũng chết, để lại bà vợ với không một mụn con.
Đức Giêsu trầm
tĩnh, hơi thở điều hòa, chờ đợi giây phút. Ông Sadducee cười, nụ cười khó hiểu
trong khi nhấc tay đi thêm một nước cờ, lần này, rõ ràng ông ra chiêu độc,
- Và cứ thế, bẩy người anh em đều lấy chung một bà vợ,
bẩy người đều chết, nhưng không để lại được một mụn con nào… Và sau cùng, người
đàn bà cũng chết.
Đức Giêsu
biết giây phút đã tới khi ông Sadducee nhấc con cờ, đi nước chiếu bí,
- Thưa Thầy, vào ngày "sống lại," người đàn bà
này sẽ là vợ của ai trong số bẩy người anh em đó?
Ơi tuyệt
vời! Nước cờ chiếu bí. Những ông Sadducee có lẽ đang ngồi rung đùi, vuốt râu
chờ đợi giây phút… Nhưng đời có những chuyện không ai ngờ, Đức Giêsu khoan thai
chậm rãi đi nước cờ của Ngài, và Ngài nói rõ, rất rõ,
- Sao mà dốt thế! Chỉ có ở đời này, người ta mới lấy vợ lấy chồng.
Còn ở thiên đàng, người ta không lấy vợ cũng chẳng lấy chồng. Khi đó người ta
trở nên giống như các thiên thần. Đã hiểu chửa?
Vậy là
xong một ván cờ chiếu bí.
Suy niệm: Có
đời sau hay không? Có thiên thần hay không? Đức Giêsu đã trả lời rõ. Qua câu
trả lời của Con Trời, trần gian hiểu thêm một điều: “Cuộc sống trần gian khác
với cuộc sống thiên đàng; và ngôn ngữ trần gian không có khả năng diễn tả đời
sống cõi sau.”
Ơi, cuộc
sống... Sinh ra phận người hạn chế, đôi mắt mù lòa. “Trên đời này có nhiều điều không hiểu, Càng hiểu
không ra lúc cuối đời!” (Mai Thảo). Nhưng
cuộc sống đời sau là một thực thể. Bởi tôi tin vào cuộc sống đời sau, tôi sẽ
sống khác, khác rõ ràng tựa âm phủ khác với dương gian.
Lời nguyện: Lạy Ngài! Xin cho con thấy!
Thứ năm: Mc 12, 28b-34.
Suy niệm 1:
Cốt lõi của đạo Công giáo
là Bác ái. Bác ái là đồng phục và là ngôn ngữ chung của người ki-tô hữu. Bác ái
là dấu chứng để người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, là ngôn ngữ
cao trọng của loài người và của các Thiên Thần; Bác ái cũng chính là ngôn ngữ
độc nhất tồn tại mãi trên thiên đàng.
Xin cho chúng ta biết giá
trị cao quý của Bác ái để nỗ lực thi hành trong đời sống hàng ngày hầu xứng
danh là môn đệ Chúa Ki-tô.
Sống trong xã hội Do Thái
thời bấy giờ, với ngổn ngang những luật lệ, khiến cho dân chúng không còn phân
biệt đâu là điều chính, đâu là điều phụ. Vì thế, mà tin mừng hôm nay cho biết
có một người trong nhóm Luật sĩ tới hỏi thử xem Chúa Giêsu đâu là điều răn quan
trọng nhất?
Thời bấy giờ trong đất nước
Do Thái có nhiều phe nhóm, mỗi phe nhóm lại đề cao một số luật lệ. Có lẽ,
nhân cơ hội này họ cũng muốn thử xem Chúa Giêsu đứng về phe nhóm nào? Và qua
cách thăm dò đó, họ cũng muốn thử xem trình độ hiểu biết về Thánh Kinh và Luật
Lệ của Chúa Giêsu ở mức độ nào?
Chúa Giêsu trích dẫn hai câu
Thánh Kinh, một trong sách Đệ Nhị Luật và một trong sách Lê-vi: “Ngươi
phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức
lực ngươi”, đó là điều quan trọng thứ nhất. Điều luật thứ hai cũng quan
trọng không kém đó là: “Ngươi phải yêu thương người tha nhân như chính
mình ngươi” để trả lời cho họ.
1. Yêu mến Chúa:
- Hết lòng: Nghĩa là
ta phải yêu Chúa chân thật, tình yêu phát xuất từ đáy lòng. Yêu hết lòng cũng
có nghĩa là yêu trung thuỷ, trước sau như một, không bao giờ thay lòng đổi dạ,
không một cản trở nào làm giảm bớt hay sức mẻ, dù có phải hy sinh vẫn chấp
nhận.
- Hết linh hồn: Nghĩa
là tình yêu ta dành cho Chúa có sự can thiệp của những tài năng linh hồn Chúa
ban: lý trí, ý chí và nhất là tự do. Chứ không phải là tình yêu mù quáng.
2. Yêu thương người:
- Tha nhân là ai?
Theo quan niệm Cựu ước tha
nhân chỉ có nghĩa là người gần gũi với mình về huyết thống và chủng
tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây phải hiểu là hết mọi người,
không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ...bạn hay là thù…
- Như chính mình là sao?
Không có nghĩa là ngươi
phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối
xử với kẻ khác cùng một mức độ “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một
nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách
chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi
mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.
* Mến Chúa và yêu người, đó
là hai mặt của một tình yêu. Giống như đồng tiền hai mặt, hay như cây thập giá
có chiều ngang dọc nếu bỏ đi một mặt hay một chiều thì cũng đồng nghĩa là bỏ đi
tất cả.
Xin Chúa cho chúng ta biết
sống trọn vẹn điều luật tình yêu Chúa dạy bằng cách đặt Chúa vào vị trí quan
trọng nhất trong cuộc đời của ta và luôn biết đối xử với tha nhân bằng tình yêu
chân thành như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực hiện được như thế chúng
ta mới xứng danh là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và xứng đáng đón nhận phần
thưởng nước trời.
Suy niệm 2:
Thật hay
và ý nghĩa khi dùng hình ảnh hai chiều ngang dọc của cây thánh giá để diễn tả
hai giới răn mến Chúa yêu người liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi trở nên một
giới răn duy nhất. Tuy rằng có hai chiều dọc ngang nhưng cây thánh giá chỉ có
một. Và phải có đủ hai chiều mới là thánh giá. Các kinh sư và phần đông tín hữu
muốn tách bạch: mến Chúa trước, yêu người sau.
Thực ra,
một khi phân biệt và xếp đặt theo thứ tự đó, người ta sẽ chẳng bao giờ thực
hành điều răn thứ hai là yêu người. Đối với Đức Giê-su, hai giới luật tình yêu
và với hai đối tượng khác nhau: Thiên Chúa và đồng loại, nhưng khi thực hành,
hai giới răn ấy chỉ là một. Hễ ai mến Chúa thì tình yêu ấy sẽ thôi thúc yêu
thương đồng loại. Ngược lại không yêu thương anh em mình thì không thể nhìn nhận
và yêu mến Thiên Chúa được, vì mọi hành động bác ái đều dẫn đến gặp gỡ Ngài.
Mời
Bạn: Câu nói “con tim có lý lẽ của nó” thường được viện dẫn
để duy trì tình yêu. Vậy con tim của bạn có thứ lý lẽ nào? Phải chăng mến Chúa
trên hết mọi sự và yêu người như Chúa yêu là lý lẽ của con tim bạn?
Chia
sẻ: Làm việc từ thiện (xã hội) và bác ái Ki-tô giáo khác
nhau ở điểm nào?
Sống
Lời Chúa: Chọn làm một việc hay nói một lời bác ái với người
chung quanh.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi thí mạng
sống mình, xin Chúa đong đầy trái tim chúng con bằng chính tình yêu của Chúa để
con cũng yêu người như Chúa yêu thương con. (St)
Thứ sáu: Hs
11,1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU LỄ
TRỌNG
Suy niệm 1:
Ông bà anh chị em thân mến,
cùng với GH, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tôn kính Thánh Tâm Chúa
Giêsu. Nguyện xin thánh Tâm Chúa uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, để
chúng ta biết thể hiện TY Chúa trong đời sống gia đình, cũng như ngoài xã hội,
nhằm góp phần xoa dịu phần nào vết thương trong trái tim Chúa.
Câu chuyện quen
thuộc: Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao,
Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều
bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán
và khủng bố tàn tạ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta
bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng
nhiều ảnh tượng, giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt
trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: Người
gì mà để trái tim ra ngoài !
Tsukamoto là một
nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh
trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và
nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó.
Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã
về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh
trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới
thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh
mấy chữ : "Đối ngoại hữu kỳ tâm - Đối nội vô tâm giả"
Từ đó
Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một
hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:“Thế nào,bạn lại thích ảnh
tượng của bọn tà đạo rồi sao ?”
“Đứng về mặt chính trị của
triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì
tôi rầt thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và
hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.”
Để ông bạn coi: Đối với
thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì "Hữu Tâm", còn với bản
thân mình thì "Vô Tâm". Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra
ngoài... Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích
cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình,
phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời, giúp người.
Nội bức ảnh nầy tôi thấy
đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng,
cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo
Nhật Bản vậy.
Một tôn giáo dạy phụng sự
nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không
quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.
Osaki cảm phục sự diễn đạt
của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu
như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép
Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục... (Trích
"Phúc").
Đúng như lời giải thích của
Tsukamoto. Thiên Chúa đã yêu thương con người cách vô vị lợi.
- Bài đọc 1 cho biết: Thiên
Chúa yêu thương và tuyển chọn dân Do Thái làm dân riêng của Người, không phải
vì họ quan trọng hay vì công lao của họ, nhưng hoàn toàn là do lòng tốt của
Thiên Chúa.
- Còn bài đọc 2, thánh
Gioan định nghĩa "Thiên Chúa là Tình Yêu". Bằng chứng là
Ngài đã không tiếc gì đối với chúng ta. Ngay cả Người Con Một Yêu dấu, Ngài
cũng sẵn sàng trao ban cho chúng ta .
- Riêng bài Tin Mừng hôm
nay cho biết, chính Chúa Giêsu hằng yêu thương chúng ta. Đặc biệt là những
người bị xã hội bỏ rơi. Cụ thể là những ai đang mang gánh nặng, đang gặp đau
khổ và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Chúa Giêsu tha thiết mời gọi họ đến
với Chúa để Chúa ủi an, nâng đỡ và bổ sức cho họ. Có lẽ Chúa sẽ không cất đi
hết những khó nhọc, gánh nặng của kiếp người. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ ban ơn
trợ lực và ban sức mạnh để những ai đến với Ngài sẽ vượt qua.
Cũng chính vì yêu thương
chúng ta nên Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy học lấy bài học yêu thương như
Ngài. Bài học yêu thương đó được cụ thể hóa qua đời sống hiền lành và khiêm
nhượng.
Xin cho chúng ta cảm nhận
tình yêu sâu xa mà Chúa đã dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết đáp trả tình của
Chúa qua đời sống gắn bó mật thiết với Chúa và yêu thương chân thành với tha
nhân mà không cần toan tính. Amen.
Suy niệm 2:
Ông bà anh chị em thân mến, cùng với GH, hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây để tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyện xin thánh Tâm Chúa uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, để chúng ta biết thể hiện TY Chúa trong đời sống gia đình, cũng như ngoài xã hội, nhằm góp phần xoa dịu phần nào vết thương trong trái tim Chúa.
Lịch sử cho biết: năm 1597,
lệnh bắt đạo gắt gao trên toàn nước. Chỉ trong một tuần lễ, mọi
cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt
gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ. Tại vùng Odawara,
Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ là Simauchi và Uzawa
cùng nhiều ảnh tượng để giải về Tokyo. Trong lúc ấy quan đại thần
Tsukamoto đã nhặt được trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục:
Người gì mà để trái tim ra ngoài !
Tsukamoto là một
nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh
trái tim Chúa Giêsu coi qua, rồi liền vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông
nhớ lại và nghĩ đến bức ảnh kỳ lạ ấy chắc hẳn
có một ý nghĩa nào đó. Nên ông lượm lại bức ảnh rồi đặt
trên bàn mà suy nghĩ. Trời đã về khuya mà vị quan ấy vẫn ngồi
bất động một mình trước bức ảnh. Mãi đến gần một giờ sáng,
vị quan đại thần ấy mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm
bút lông ghi dưới bức ảnh mấy dòng chữ : "Đối ngoại hữu kỳ
tâm - Đối nội vô tâm giả"
Từ đó,
Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim Chúa trên bàn làm việc một cách kính cẩn.
Một hôm có ông bạn tên là Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:“Thế nào,bạn lại
thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?”
- “Đứng về mặt chính trị
của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo
thì tôi rầt thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình
và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo”.
Ông bạn xem: Đối với thiên
hạ, tha nhân bên ngoài thì "Hữu Tâm", còn với bản thân mình
thì "Vô Tâm". Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài...
Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời;
còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, không bao giờ lo cho riêng mình, phải diệt
cái ngã vị kỷ đi để đem hết trái tim ra giúp đời, giúp người.
Nhìn bức ảnh nầy tôi thấy
đầy đủ giáo lý Từ Bi của Phật giáo, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng giáo,
cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão giáo, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần
Đạo Nhật Bản chúng ta.
Một tôn giáo dạy phụng sự
nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan
tâm đến tư lợi, thì quả là cái đạo ngay chính.
Osaki cảm phục sự diễn đạt
của người bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao
siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận
phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai vị linh mục trẻ đã bị bắt
trước đó. (St).
Đúng như lời giải thích của
Tsukamoto. Thiên Chúa đã yêu thương con người cách vô vị lợi.
Hình ảnh người Mẹ mà Ngôn
sứ Hô-sê đã diễn tả trong bài đọc 1 đã nói đến một vị Thiên Chúa giàu
lòng xót thương. Tựa như người mẹ, Ngài không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc,
bồng bế, bảo vệ… mà Ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống
mình cho nhân loại chúng ta, đúng như lời Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu
Rô-ma đã nói: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta,
nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Ki-tô đã
chết vì chúng ta.” (Rm 5,8) Tình yêu ấy được hiện thực hóa
nơi Đức Kitô vượt quá trí hiểu của loài người chúng ta. (x. Ep 3, 8-12. 14-19)
Đức Ki-tô đã hy sinh cho
chúng ta ngay khi chúng ta còn là thù địch với Ngài, đang khi chúng
ta còn chống đối Ngài. Nhưng vì yêu thương, Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ và
hiến mạng sống mình để cho chúng ta được sống và được giao hoà lại với Thiên
Chúa, cội nguồn của Tình Yêu. Trái tim bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra đến
giọt cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá đã tuôn tràn ân sủng dồi dào trên
chúng ta.
Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa
Giê-su hôm nay, chúng ta có dịp suy niệm sâu xa hơn về tình yêu của Chúa dành
cho chúng ta, yêu đến tận cùng và sẵn sàng chết vì người mình yêu. Tình yêu vẫy
gọi tình yêu, nên một khi cảm nhận được tình yêu Chúa, chúng ta cũng hãy
mở rộng trái tim mình ra đón nhận dòng máu tình yêu của Người để thanh lọc con
tim bợn nhơ và ích kỉ của chúng ta nên trinh trong.
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa
Giêsu uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, và xin cho dòng máu TY của Chúa
cũng được lan chảy trong đời sống gia đình, khu xóm, họ đạo chúng ta để ai nấy đều
biết sống hy sinh quên mình phục vụ tha nhân, nhất là những ai đang gặp khó
khăn đau khổ. Được như thế mới hy vọng phần nào xoa dịu được trái tim rỉ
máu của Chúa Giêsu vì yêu thương chúng ta. Amen.
Suy niệm 3:
Đạo công giáo được mệnh
danh là đạo “Tình Yêu”. Bởi lẽ TC là TY. Ngài dựng nên con người và tha
thiết mời gọi chúng ta sống theo Tình Yêu của Ngài: “Thầy ban cho anh em một
điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ
của Thầy: là anh em có lòng thương nhau” (Ga 13, 34-35).
Cũng với GH hoàn vũ, hôm
nay chúng ta hiệp dâng thánh lễ mừng kính thánh Tâm Chúa Giêsu. Tâm là Tim.
Kính nhớ thánh tâm là tôn kính tình yêu của Chúa. TY của Chúa thì cao sâu không
bờ không bến nên GH dùng nhiều cách thế và hình ảnh để diễn đạt. Trong nhiều
cách thế diễn đạt ấy thì 3 hình ảnh gần gũi và quen thuộc nhất với chúng ta vẫn
là: Thánh giá, Thánh Thể, Thánh Tâm.
1. Hình ảnh Thánh Giá.
Khi nhìn lên thánh giá, ta nhận ra “tình yêu tự hủy” của Chúa
Kitô. Vì yêu thương nhân loại đến tận cùng, nên Ngôi Hai TC đã nhập thể và nhập
thể làm người và sống kiếp người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài còn sẵn
sàng hy sinh mạng sống mình để đền thay tội lỗi chúng ta, cho chúng ta được
sống và sống dồi dào. Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá, máu
và nước chảy ra cho đến giọt cuối cùng, khơi nguồn ân sủng trao ban cho chúng
ta qua các bí tích.
2. Hình ảnh Nhà Tạm.
Khi ngắm nhìn Nhà Tạm, ta nhận ra “tình yêu tự hiến” của Chúa.
Vì quá yêu thương nhân
loại, Đức Giêsu không chỉ hạ sinh làm người mà Ngài còn có sáng kiến tuyệt vời
với mong ở lại mãi với chúng ta nên đã lập nên bí tích thánh thể. Qua đó Ngài
hiến dâng chính mình làm lương thực thần linh nuôi dưỡng linh hồn, bổ
dưỡng thể xác chúng ta Đón nhận Mình Máu Chúa, ta được Chúa nuôi dưỡng,
ban thêm sức giúp ta chống trả lại những chước cám dỗ và đủ sức tiến bước
trên con đường tiến về nước trời.
3. Hình ảnh Thánh Tâm.
Với trái tim đặt ra bên ngoài, giúp ta nhận ra “tình yêu tự mở và tự
trao ban.”
Trái tim Chúa thật lạ lùng,
Ngài không giữ trái tim trong lồng ngực nhưng lại đặt ra bên ngoài. Hình ảnh
này diễn tả một triết lý nhân sinh cao siêu về một tình yêu mở ra và trao ban
tất cả cho hết mọi người. Còn với chính mình thì không màng tới, không quan
tâm, không gìn giữ bất cứ điều gì cho riêng mình. Chiêm ngắm hình ảnh Thánh Tâm
Chúa, quan đại thần Tsukamoto đã cảm nhận được sâu xa về tình yêu cao quý của
Đức Kitô, nên ông đã đặt bút viết lên dòng chữ tuyệt đẹp : “Đối ngoại hữu kì
tâm, đối nội vô tâm giả”.
Tình yêu ấy đã được lời
Chúa trong ngày lễ hôm nay khắc họa đậm nét qua hình ảnh người mục tử nhân lành
với nhiều đức tính cao đẹp: Không tính toán so đo, không loại trừ, không
tiêu diệt... Nhưng luôn yêu thương, bao dung, tha thứ cho dẫu đó là ai.
Người mục tử ấy luôn tận
tuỵ chăm sóc chiên mình. Dẫn đưa chiên đến đồng cỏ xanh, dòng suối mát để chiên
được ăn uống thỏa thê. Quan tâm chăm sóc và chữa lành chiến đau yếu; tìm kiếm
chiên bị thất lạc và vui mừng biết bao khi tìm thấy. Nhất là sẵn sàng hy sinh
mạng sống mình để bảo vệ đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Hình ảnh đó như
đang vẫy gọi mọi người trong chúng ta bước theo, cách đặc biệt là các linh mục
của Chúa nhân ngày thế giới cầu xin ơn thánh hoá các linh mục.
Xin cho dòng máu nóng tình
yêu từ nơi Thánh Tâm Chúa tuôn chảy vào trong tâm hồn chúng ta, để
cuộc sống của ta luôn thấm đẫm dòng máu tình yêu tự huỷ, tự hiến, tự mở ra mà
trao ban cho hết mọi người, nhất là những ai nghèo khổ, qua những
hành động yêu thương bác ái hàng ngày, theo gương vị mục tử nhân
lành là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Amen (St)
Suy niệm 4: XIN GIỐNG TRÁI TIM CHÚA
Trong những tuần qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta mừng kính trọng thể những mầu nhiệm lớn nhất của
đức tin: Mầu
nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Mình Máu Thánh Đức Kitô và hôm nay là mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và điều lạ lùng là cả ba mầu nhiệm đều nói
cho chúng ta về Tình Yêu: tình yêu của Ngôi Cha và Ngôi Con dành cho nhau trong
Chúa Thánh Thần; nhưng tình yêu của Ba Ngôi dành cho nhau không đóng kín mà mở
ra cho loài người chúng ta. Cả ba bài đọc hôm nay đều diễn tả tình yêu ấy:
- Sách Ôsê trong bài
đọc 1 cho biết: Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con cái. Chăm sóc
con, bồng bế con trên tay, ấp ủ con trong lòng. Tập cho con đi. Đút cơm cho con
ăn. Đó là những cử chỉ quen thuộc của một người mẹ.
Tuy Thiên Chúa được
mạc khải là một người cha, nhưng Người lại có tấm lòng của một người mẹ. Và tấm
lòng của Ngài còn mênh mông hơn cả tấm lòng của một người mẹ. Bởi thế: “Dẫu người mẹ có quên con mình thì Ta cũng
sẽ chẳng bao giờ quên các con”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế đó.
- Thánh Phaolô trong
thư Êphêsô trong bài đọc 2 thì nói đến tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành
cho nhân loại chúng ta. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của con người, bởi nó vừa
rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu. Chỉ những ai được Thiên Chúa mở lòng trí thì mới
hiểu được phần nào tình yêu vô tận của Người.
- Còn bài Tin Mừng chúng
ta vừa nghe, Thánh Gioan trình thuật lại cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.
Sau khi chết, trái tim của Chúa đã bị lưỡi đòng đâm thâu qua, nước và máu tuôn chảy
ra cho tới giọt cuối cùng.
Trái tim là biểu hiện
của tình yêu. Trái tim của Chúa Giêsu bị đâm thâm nước và máu tuôn tràn đến
giọt cuối cùng nói đến Tình yêu hiến thân vì chúng ta.
Trái tim Chúa bị đâm
nát giọt máu cuối cùng tuôn đỗ, nói lên yêu thương trọn vẹn cho đi tất cả, hiến
dâng tất cả của Chúa dành cho chúng ta.
Quả thật Thiên Chúa
đã yêu thương chúng ta đến tận cùng. Dầu chúng ta như thế nào, chúng ta vẫn luôn
có một chỗ an nghỉ trong trái tim của Chúa vì chúng ta là con cái Người.
Lễ Thánh Tâm là cơ hội để chúng ta chiêm ngưỡng và nhận ra tình
yêu cao vời của Chúa dành cho ta và mời gọi ta đáp lại tình yêu Ngài bằng một
tấm lòng tôn kính và một tình mến sâu xa.
Trái tim của mỗi người chúng ta thường bị nhiễm bẩn nên rất cần được
dòng máu Chúa thanh luyện, để biết ta biết yêu thương quảng đại hơn.
Nếu Chúa đã yêu thương chúng ta cách trọn vẹn, kể cả không tiếc những
giọt máu cuối cùng, thì chúng ta cũng cần phải biểu lộ một tình yêu bằng cách sẵn
sàng dốc cạn tình cho người khác.
Tình yêu được dốc cạn là tình yêu tự nguyện đi bước trước, chủ động
đi đến bắt tay làm hòa với những ai ta
đang giận hờn.
Tình yêu được dốc cạn là tình yêu quảng đại sẵn lòng giúp những ai
túng thiếu, mà không một chút luyến tiếc hoặc tính toán hơn thiệt.
Tình yêu dốc cạn là khi ta dám can đảm chấp nhận phần thiệt thòi
về mình, để người khác có được phần lợi hơn.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin
Chúa thanh luyện trái tim con và giúp con can đảm thực hiện điều đó. Amen. (St)
Mùa Thường Niên: Mc
12, 35-37
Như chúng ta đều biết, Tin
mừng thánh Marcô là quyển tin mừng ngắn nhất, chỉ gồm 16
chương; trong khi đó Tin mừng Matthêu chương 28, Luca 24
chương, và Gioan 21 chương. Tuy ngắn nhưng Tin mừng Marcô lại
ghi lại 5 cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với :
(1) các Thượng tế, Kinh
sư và Kỳ mục về quyền bính của Chúa Giệsu sau khi đánh đuổi những người buôn
bán ra khỏi đền thờ (Mc 11,27-33);
(2) với nhóm Pharisêu và mấy
người thuộc phe Hêrôđê về việc có nên nộp thuế cho Xêda không? (12, 13-17);
(3) với nhóm Xađốc về kẻ chết
sống lại (12, 18-27);
(4) với một vị Kinh sư về điều
răn nào trọng nhất? (12, 28-34);
(5) Và hôm nay là cuộc tranh
luận thứ 5 về vấn đề Đức Kitô và vua Đa vít. (12, 35-37).
Cuộc tranh luận hôm nay
được diễn ra trong đền thờ, trước đám người đông đảo. Vấn đề được đặt ra
là “các Kinh sư nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít”. Đây không
chỉ là quan niệm của các Kinh sư mà còn là quan niệm hầu hết những người Do
Thái thời bấy giờ. Tại sao họ có quan niệm như vậy?
Thưa bởi vì họ không muốn
tin nhận Đấng Kitô là Thiên Chúa. Họ chỉ muốn tin nhận Đấng Kitô theo nghĩa
chính trị, Ngài đến để lãnh đạo dân chúng làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.
Bằng việc trích lại lời của
thánh vương Đa-vít nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu
Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.” (Tv
110, 1), Chúa Giêsu minh chứng cho họ thấy, Đấng Kitô ấy không chỉ là người
được sinh ra bởi dòng tộc Đa-vít, mà Đấng ấy còn là Chúa Thượng của vua Đa-vít
nữa. Và Chúa Thượng đó chính là Ngài.
Theo như lời của thánh
vương Đa-vít nói ở trên, ta phải ngầm hiểu rằng bao địch thù là tội lỗi, ma quỷ
và sự chết… phải được đặt dưới chân Ngài qua cuộc khổ nạn và phục sinh, rồi mới
lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Nên Ngài không phải là Đấng Kitô theo quan niệm
chính trị như những Kinh sư đã nói, mà Ngài chính là Thiên Chúa làm người để
cứu độ nhân loại.
Ngày nay vẫn còn đó nhiều
người vẫn quan niệm về một Đức Kitô rất trần tục như các Kinh sư và nhiều người
Do Thái xưa. Họ chỉ xem Ngài như là một thần tượng như bao thần tượng khác, khá
hơn là một siêu nhân, hay một ông thần như bao nhiêu Bụt thần khác. May mắn
thay, chúng ta đã tin nhận Đức Kitô là Chúa Thượng nhưng Người đã chấp nhận đi
qua con đường đau khổ thập giá, con đường của hi sinh tận hiến, của khiêm tốn
phục vụ đến cùng vì yêu thương chúng ta.
Xin cho chúng ta biết can
đảm chọn lựa chọn con đường tình mà Chúa đã đi qua, và hằng vững bước theo Ngài
với niềm tin yêu và phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa.
Thứ bảy: Is 61,9-11;
Lc 2,41-51
Nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức
Trinh Nữ Maria
Thông thường khi nói
tới “nhiễm” là người ta nghĩ ngay đến những thứ độc hại, làm ảnh hưởng xấu đến
cuộc sống con người. Cuộc sống ngày hôm nay có quá nhiều thứ gây ô nhiễm:
Ô nhiễm không khí,
làm ảnh hưởng đến đường hô hấp con người.
Ô nhiễm nguồn nước và
thức ăn làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Ô nhiễm tiếng ồn làm
ảnh hưởng không tốt đến thính giác con người.
Ô nhiễm phim ảnh xấu,
ảnh hưởng đến thị giác con người…
Tuy nhiên, những ô
nhiễm bên ngoài ấy không độc hại bằng những ô nhiễm đến từ bên trong.
Chính những ô nhiễm bên trong làm cho tâm trí con người trở nên bệnh tật và
chay cứng.
Ô nhiễm của chủ nghĩa
“mặc kê nô” làm cho trái tim con người trở nên dững dưng trước những nỗi đau
khổ của người khác.
Ô nhiễm của “chủ
nghĩa cá nhân” làm cho trái tim con người trở nên ích kỉ, chỉ tìm tư lợi cho
mình mà quên đi sự hy sinh phục vụ vì hạnh phúc cho tha nhân.
Ô nhiễm của “lối sống
thực dụng” làm mất đi những giá trị luân lý, đạo đức, thuần
phong mỹ tục của con người.
Ô nhiễm của “chủ
nghĩa vô thần” làm cho lòng con người trở nên kêu căng, tự mãn, bất cần đến ơn
thiêng của Thiên Chúa.
Ô nhiễm của “chủ
nghĩa duy tương đối” làm suy giảm những giá trị chân lý tuyệt đối của Chúa và
có nguy cơ đánh mất đức tin nơi người tín hữu…
Hôm nay chúng ta cùng
với GH kính nhớ lễ trái tim vô nhiễm của Đức Maria. GH muốn nhắc nhỡ
chúng ta hãy khiêm tốn mở lòng mình ra để luồng
gió mới của Chúa Thánh Linh thổi vào tâm hồn ta, hầu tâm
hồn ta được thanh lọc khỏi những thứ độc hại, làm ô uế đến tâm hồn
tinh sạch của ta đã được thanh tẩy trong ngày lãnh nhận bí tích rửa
tội.
Xin cho chúng ta biết
noi theo mẫu gương của Mẹ Maria, biết khiêm tốn để cho Lời Chúa thanh lọc trái
tim nên trong sạch và sẵn sàng trao dâng con tim của mình vào bàn tay đầy uy
quyền của Thiên Chúa tình thương, để Người điều khiển nhịp đập con tim của
ta, giống như khi xưa Mẹ đã để cho con tim của Mẹ rung lên cùng nhịp đập
yêu thương của Chúa Giêsu dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần. Amen.
Hôm nay cùng với Giáo
Hội chúng ta mừng lễ Trái tim vô nhiễm Đức Maria. Lễ này được Giáo Hội mừng
kính ngay sau lễ Thánh tâm Chúa Giêsu. Sở dĩ Giáo Hội sắp đặt như thế là muốn
nói với chúng ta điều này:
Nếu như Thánh tâm
Chúa Giêsu là dấu chỉ tình thương vô biên mà Thiên Chúa dành cho con người, thì
Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria cũng thế, cũng là dấu chỉ của tình yêu,
nhưng là tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với Chúa Giêsu, Con yêu dấu
của Mẹ.
Và tất nhiên, khi tôn
kính Trái tim vẹn sạch Đức Trinh nữ Maria, Giáo Hội cũng tôn kính tình yêu hiền
mẫu của Mẹ đối với toàn thể nhân loại chúng ta.
Thế nhưng, tình
thương của Mẹ Maria dành cho con người không ngừng bị xúc phạm. Chính cụ già
Simeon đã tiên báo về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ, và điều đó đã xảy
ra đúng như vậy. Dưới chân thập giá, nhân loại đã làm cho trái tim Mẹ rướm máu
khi họ đã ra tay giết chết Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ. Điều ấy đã làm cho Mẹ
phải đau khổ biết là dường nào.
Trong sứ điệp tại
Fatima, Mẹ Maria đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Mẹ đã bị tội lỗi của thế
gian gây nên biết bao thương tích, khi Mẹ phải tận mắt chứng kiến nhân loại
chính là con cái của Mẹ tàn giết nhau trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Thế nhưng dù nhân loại
có thánh thiện hay tội lỗi, có giàu sang hay nghèo hèn, có khoẻ mạnh hay bệnh tật,
Mẹ Maria đều đón nhận mỗi chúng ta như người con trọn vẹn của Mẹ.
Mỗi người chúng ta đều
được Mẹ Maria dành cho tất cả tình thương như Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu.
Mỗi người chúng ta đều
được Mẹ Maria dành cho một chỗ đặc biệt trong trái tim của Mẹ.
Trái tim của Mẹ Maria
êm ái và ngọt ngào như vậy đó thưa anh chị em.
Khi cho chúng ta
chiêm ngắm lại trái tim vẹn sạch và từ ái của Mẹ Maria hôm nay, Giáo Hội mời gọi
chúng ta hãy mang lấy 4 tâm tình này:
- Thứ nhất, chúng ta hãy
tạ ơn Chúa Giêsu vì dưới chân thập giá Ngài đã trao ban nhân loại chúng ta cho
Mẹ chăm sóc giữ gìn.
- Thứ hai, chúng ta
hãy cám ơn Đức Mẹ vì Mẹ đã yêu thương ta như chính con ruột của mình.
- Thứ ba, mỗi người
hãy đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông phó thác vào Mẹ, và hãy siêng năng chạy đến
với Mẹ để được Mẹ nâng đỡ ủi an.
- Và sau cùng, mỗi
người đừng quên cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt mân côi, sùng kính Trái
tim Mẹ, theo như lời Mẹ dặn. Amen. (St)
Mùa Thường Niên: Mc
12, 38-44
Có lẽ hai hình ảnh đẹp được
Chúa Giêsu yêu thích và khen ngợi nức lòng nơi đền thờ khi Ngài còn ở tại thế,
đó là hình ảnh của người thu thuế và người đàn bà góa nghèo.
1. Người thu thuế khi
lên đền thờ cầu nguyện là hình ảnh đẹp. Đẹp bởi tâm tình thống hối chân thành
và thái độ khiêm nhường thẳm sâu: “Đứng xa xa, không dám ngước mắt lên
trời, đấm ngực và nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nên
khi ra về ông được Chúa tha thứ và trở nên công chính. Vì “Ai nhắc mình
lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”.
2. Người đàn bà góa
nghèo bỏ “hai đồng tiền là một phần tư xu” vào hòm
tiền hôm nay. Hình ảnh của bà thật tuyệt đẹp làm Chúa Giêsu phấn khích đến nỗi
đã gọi ngay các môn đệ lại chỉ cho thấy và dạy các ông : “Thầy nói thật
với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn
hết”. Nết đẹp của bà không đến từ dáng vẻ bên ngoài như những vị Luật
sĩ với những bộ áo thụng đắc tiền, hay bởi có chức cao quyền trọng được mọi
người kính trọng…Nhưng nét đẹp của bà được ẩn bên trong, đó là nét đẹp của tấm
lòng. Một tấm lòng quảng đại, yêu thương cho đi mà không cần tính toán. Đúng
như ông bà ta thường nói: của ít lòng nhiều; giá trị của quà tặng không tùy
thuộc vào số lượng mà là ở tấm lòng.
Việc dâng cúng của người
đàn bà góa nghèo hết sức bé nhỏ, nhưng lại vô cùng to lớn trước mặt Chúa, vì bà
đã cho tất cả những gì bà có, ngay cả hai đồng xu đó chính là thứ nuôi sống
bà “đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống”.
Tinh thần cho đi của bà góa
nghèo phải là khuôn mẫu cho tinh thần bác ái người Kitô giáo chúng ta. Đó là
tinh thần vô vị lợi, không màng đến danh lợi, cũng không nhằm phô trương đánh
bóng tên tuổi. Bác ái Kitô giáo không phải là cho đi những thứ dư thừa, nhưng
là cho đi những gì thiết thân nhất cho đời sống của mình, nhưng lại là nhu cầu
cần thiết nhất của tha nhân.
Thật ra làm bác ái không
khó. Không khó, bởi vì thông thường chúng ta chỉ cho đi những gì dư thừa. Chúng
ta chỉ cần mặc ba bốn bộ đồ hay mang vài ba đôi dép… là đủ. Nhưng thực tế,
nhiều người trong chúng ta lại sở hữu lên đến vài chục bộ đồ, hàng chục đôi
giày dép, mà những thứ dư thừa này luôn nằm im trong tủ, không bao giờ ta sử
dụng đến. Nên khi cho đi những thứ ấy không khó chút nào, nhưng cho đi với tình
thần bác ái Kitô giáo thì không dễ, bởi nó đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ những
gì chúng ta cần, chứ không phải những gì dư thừa. Tuy nhiên nếu chúng ta có
được niềm tin và tình yêu vào Chúa thì chúng ta sẽ làm được.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ có thái độ trọng phú, khinh bần cũng như đánh giá tha nhân qua dáng vẻ bên ngoài. Nhưng xin cho chúng ta luôn biết trân quý tấm lòng bên trong của mỗi con người. Nhất là xin cho chúng ta hằng để tâm giúp đỡ những ai đang gặp khốn khó, nghèo khổ bằng tinh thần bác ái Kitô giáo chân thành.
SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN-B
Lm. Minh Anh, Tgp Huế
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6, 51-58
QUÀ TẶNG
DIỆU KỲ
“Đây là
Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”.
Một nhà tu đức nói, “Cử hành Thánh Thể,
cách chung, là thước đo của một cộng đoàn Kitô hữu. Nhìn cách thức một cộng
đoàn cử hành Thánh Lễ, người ta có thể biết ngay đây là một cộng đoàn ‘đang sống’,
‘đang hấp hối’ hay ‘đã chết!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa
Kitô, Linh Hồn và Thần Tính của Ngài, chúng ta mừng kính một ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’
mà việc cử hành không chỉ là thước đo của một cộng đoàn, nhưng còn ở việc sống
Bí tích tình yêu này.
Thánh Thể là tất cả! Tất cả sự viên mãn
của cuộc sống, sự cứu rỗi, lòng thương xót, ân sủng, hạnh phúc và thiên đàng… Tại
sao Bí tích Thánh Thể có tất cả những điều này và còn nhiều điều khác nữa? Bởi
lẽ đơn giản, Thánh Thể là Thiên Chúa! “Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”;
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống!”. Vì thế, Thánh Thể là ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’,
là ‘tất cả những gì Thiên Chúa là!’.
Trong bài thánh ca truyền thống tuyệt đẹp
“Adoro te Devote”, Tôma Aquinô viết, “Con thờ lạy hết tình, ôi Vị Thần ẩn giấu
thực sự bên dưới những vẻ bề ngoài này. Toàn thể trái tim con suy phục Ngài; và
khi chiêm ngưỡng Ngài, nó hoàn toàn quy phục. Thị giác, xúc giác, vị giác đều bị
đánh lừa khi phán đoán về Ngài”. Lời tuyên xưng này cho thấy, khi thờ lạy Thánh
Thể, chúng ta thờ lạy một Thiên Chúa ẩn mình. Giác quan bị đánh lừa; bởi lẽ, những
gì chúng ta thấy, nếm cảm, không tiết lộ thực tế: Thánh Thể là Thiên Chúa!
Là người Công Giáo, chúng ta được dạy về
sự tôn kính đối với Thánh Thể. Nhưng “tôn kính” thôi chưa đủ! Điều quan trọng
là phải suy gẫm trong lòng rằng, “Tôi có tin Bí tích Thánh Thể là Thiên Chúa
Toàn Năng, Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh?”; “Tôi có tin tưởng
đủ sâu sắc để trái tim có thể rung động với tình yêu và lòng kính tôn tột bậc mỗi
khi ở trước một Thiên Chúa đang hiện diện dưới bức màn Bí tích?”; và “Khi tôi
quỳ gối, tôi có quy phục trong lòng rằng, tôi yêu mến Chúa bằng cả con người
mình?”.
Điều này nghe có vẻ hơi quá. Có lẽ việc
cúi đầu cung kính đơn giản là đủ cho bạn? Nhưng không phải vậy. Chúng ta còn phải
nhìn thấy Ngài ở đó bằng con mắt đức tin trong tâm hồn. Phải tôn thờ Ngài “hết
lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”; phải kêu lên “Thánh, Thánh, Thánh -
Chúa là Thiên Chúa Các Đạo Binh, Thiên Chúa Toàn Năng!”. Chúng ta phải cảm động
đến sự thờ phượng sâu sắc nhất khi bước vào sự hiện diện thánh thiêng của Ngài;
và quan trọng hơn, sống Bí tích yêu thương này đối với anh chị em mình.
Anh Chị em,
“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”.
Hôm nay, bạn và tôi suy gẫm về chiều sâu đức tin của mình về ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’
này. Mình Máu Chúa Kitô là công cụ thánh hoá; là dấu chỉ sự tự hiến của một
Thiên Chúa đã trở nên của ăn thức uống hầu nuôi sống và liên kết các tế bào
trong Nhiệm Thể ‘với Đầu và với nhau’; đồng thời, xây đắp cho Nhiệm Thể ‘đạt tới
tầm vóc Chúa Kitô toàn thể’. Vì thế, hãy tự hỏi, tôi có yêu thương anh chị em
tôi như Bí tích này chờ đợi? Tôi có yêu mến Chúa Giêsu hơn mỗi khi tham dự
Thánh Lễ? Vì cách thức tôi sống - cử hành Bí tích này - cho biết tôi ‘đang sống’,
‘đang hấp hối’ hay ‘đã chết!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘đang sống’, ‘đang hấp hối’
hay ‘đã chết?’. Xin ban ơn trợ giúp để con có thể kinh ngạc và kính sợ mỗi khi
rước lấy ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’ này!”, Amen.
MÌNH
MÁU CHÚA CHAN CHỨA TÌNH YÊU
Lm. Nguyễn Xuân Trường
Trong đời, chúng ta nhiều lần mời nhau
ăn uống. Mời nhau ăn uống không chỉ để sống, mà còn để bày tỏ tình cảm quý mến
dành cho nhau. Kinh nghiệm này giúp ta hiểu hơn ý nghĩa Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Kitô: Chúa mời chúng ta ăn uống chính Mình Máu Ngài để trao ban tình yêu và sự
sống của Ngài cho chúng ta.
1. Tình yêu. Yêu nhau người
ta luôn thích gần nhau, gần đến độ con sà vào lòng mẹ, em ngồi vào lòng anh.
Chúa yêu nên cũng muốn ở gần con người, gần đến độ Ngài vào ở trong lòng dạ con
người qua bí tích Thánh Thể. Yêu thích gần và cũng thích cho đi: Yêu nhau luôn
thích tặng quà cho nhau. Yêu ít thì tặng ít, yêu nhiều thì tặng nhiều,
yêu hết mình thì trao tặng tất cả. Chúa yêu đến độ trao tặng cả thịt máu
Ngài, nghĩa là trao tặng cả con người của Ngài cho chúng ta. Có gì Chúa trao tặng
hết sạch, không giữ lại gì. Chúa luôn sẵn lòng tặng, phần chúng ta có mở lòng
đón nhận qua việc siêng năng đi lễ hàng ngày không?
2. Sự sống. Khi chúng ta ăn
cơm canh cá thịt vào trong cơ thể, thì các đồ ăn ấy phải tan biến để trở thành
chất dinh dưỡng làm nên sự sống của ta. Cũng vậy, khi Chúa trao ban Mình Máu
Ngài làm của ăn uống là lúc Chúa chấp nhận tan biến để làm nên sự sống của
chúng ta. Hơn nữa, cơm canh cá thịt có giúp nuôi sống nhưng rồi thân xác ta vẫn
phải chết, còn Mình Máu Thánh Chúa là thần lương giúp ta có sự sống đời đời.
Lễ Mình Máu Chúa là dịp giúp chúng ta ý
thức hơn việc tham dự Thánh lễ là dự tiệc Thánh Thể. Dự tiệc thì phải đẹp đẽ
vui vẻ. Đồng thời, lễ Mình Máu Chúa cũng là dịp mời gọi chúng ta sống lối sống
Thánh Thể, nghĩa là sống yêu thương quảng đại cho đi, sống vì người khác, để trở
nên tấm bánh tình yêu và sự sống thơm ngon dâng tặng cho người, cho đời. Amen.
Thứ
hai: TÁ ĐIỀN KHU VƯỜN TÌNH YÊU
“Đến
mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho”.
“Chúa Kitô đã gọi chúng ta bằng tình
yêu, Ngài bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, sau đó, Ngài ban cho bạn và tôi tự do,
giao cho mỗi người - các tá điền - tất cả tình yêu này. Như thể Ngài muốn nói rằng:
‘Hãy bảo vệ và giữ gìn tình yêu của ta như ta đã bảo vệ con!’. Đó là cuộc đối
thoại giữa Thiên Chúa và mỗi ‘tá điền khu vườn tình yêu’ của Ngài!” - Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay mời chúng ta rảo bước dạo
chơi trong vườn nho của Chúa, “Có người kia trồng được một vườn nho… Ông cho tá
điền canh tác”. Tất cả chúng ta đều là những ‘tá điền khu vườn tình yêu’ của
Ngài. Bạn và tôi là những người ‘bảo vệ tình yêu!’.
Vườn nho là linh hồn mỗi người, Giáo Hội
và thế giới chờ đợi hoa trái từ chúng ta. Trước hết là sự thánh thiện cá nhân của
bạn và tôi; sau đó là việc trở nên những tông đồ liên tục cho bạn bè, những người
sẽ được gương sáng và lời nói tốt lành của chúng ta khuyến khích để đến gần
Chúa Kitô. Và thế giới sẽ trở thành một nơi tốt hơn để sinh sống nếu chúng ta
biết thánh hoá công việc chuyên môn, các mối quan hệ xã hội và bổn phận của
mình đối với công ích. Phêrô nói, “Đức Kitô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng
chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức!” - bài đọc một.
Vậy bạn thuộc hạng tá điền nào? Những tá
điền chăm chỉ hay là những tá điền cảm thấy khó chịu khi chủ sai đầy tớ đến thu
hoa lợi? Chúng ta có thể chống đối những người chịu trách nhiệm giúp chúng ta
mang lại hoa trái mà Chúa mong đợi. Chúng ta có thể phản đối những lời dạy của
Giáo Hội, của Đức Thánh Cha, của các Giám mục; hoặc có lẽ, khiêm tốn hơn, của
cha mẹ, những người dẫn dắt chúng ta; hoặc một người bạn tốt.
Chúng ta thậm chí có thể trở nên hung
hăng và cố làm tổn thương họ, hoặc thậm chí giết chết họ bằng những lời chỉ
trích và phê phán tiêu cực. Hãy xét xem bản thân về động cơ thực sự của những
thái độ như vậy. Có lẽ chúng ta cần hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin của mình;
có lẽ cần hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân, xét mình kỹ hơn để khám phá lý do
tại sao chúng ta không muốn sinh hoa kết trái.
Dù ở trong đấng bậc nào, tất cả chúng ta
đều có thể là “những mục tử tốt lành” và “những tay lưới người như lưới cá”.
“Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta sinh hoa kết trái lâu dài. Chỉ bằng cách
này, trái đất mới được biến đổi từ thung lũng nước mắt thành khu vườn tình yêu
của Chúa” - Bênêđictô XVI. Bạn và tôi có thể mang tâm hồn mình, tâm hồn bạn bè,
hoặc cả thế giới đến gần Chúa Kitô hơn, nếu chúng ta chăm chỉ đọc, suy niệm Lời
Chúa và giáo huấn của Đức Thánh Cha hầu áp dụng chúng vào cuộc sống.
Anh Chị em,
“Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các
tá điền để thu hoa lợi vườn nho”. Không có Đấng Tạo Hoá thì tạo vật sẽ biến mất.
Đó là lý do tại sao mỗi Kitô hữu ý thức rằng, tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc
họ - những ‘tá điền khu vườn tình yêu’ - mang ánh sáng của Chúa đến cho những
ai không biết Ngài, chưa biết Ngài, hoặc khước từ Ngài.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con ý thức rằng, thế giới
- thung lũng nước mắt - có biến thành khu vườn tình yêu hay không, một phần
cũng do những nỗ lực mỗi ngày của con!”, Amen.
Thứ ba: ĐƯỢC IN HÌNH CHÚA
“Của
Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”.
“Bạn nhất thiết phải trả cho Caesar đồng
xu có hình ảnh của ông ấy; nhưng bạn sẵn sàng dâng hiến điều tốt nhất của mình
cho Chúa, bởi chính hình ảnh của Ngài mới - ở trên bạn - chứ không phải hình
Caesar. Bạn đã được in hình Chúa!” - Thánh Jêrôme.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bạn đã ‘được in hình Chúa!’”. Tin Mừng
hôm nay - một lần nữa - khiến chúng ta ngạc nhiên trước sự thông minh lạ lùng của
Chúa Giêsu. Với câu trả lời tuyệt vời, Ngài trực tiếp chỉ ra tính công bằng tự
nó của các thực tại trần thế: “Của Caesar, trả về Caesar!”.
Tuy nhiên, Lời Chúa còn nói đến một điều
gì đó hơn cả việc Chúa Giêsu thoát khỏi cuộc xung đột với những kẻ gài bẫy
Ngài; một điều gì đó hoàn toàn phù hợp với mọi khía cạnh cuộc sống của bạn và
tôi: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”. Việc đề cập đến hình ảnh Caesar khắc
trên đồng xu nói rằng việc họ cảm thấy đầy đủ với các quyền và nghĩa vụ công
dân của một quốc gia là đúng; nhưng về mặt biểu tượng, nó khiến họ phải nghĩ đến
một hình ảnh khác được in dấu nơi mỗi người nam nữ: hình ảnh Thiên Chúa. Ngài
là Chúa của mọi người, và chúng ta, những người được tạo dựng “theo hình ảnh
Ngài” - ‘được in hình Chúa’ - trước hết thuộc về Ngài.
“Ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, việc xác
quyết quyền chủ tể của Chúa Giêsu trên trần gian và trên lịch sử cũng có nghĩa
là nhìn nhận rằng, con người không được để cho tự do cá nhân của mình suy phục
một cách tuyệt đối bất cứ quyền bính trần thế nào, nhưng chỉ suy phục một mình
Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô. Vì lẽ, Caesar không phải là Chúa!”. Trong
suốt cuộc đời mình, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra vấn đề lựa chọn. Cũng thế,
chúng ta có quyền lựa chọn, và các lựa chọn rất rõ ràng: hoặc chúng ta chọn các
giá trị trần thế để sống hoặc chúng ta quyết định sống theo các giá trị Tin Mừng.
Cuộc sống luôn luôn là thời gian để lựa
chọn, thời gian để hoán cải, thời gian để “thay thế” chính cuộc sống - lần này
và lần khác - cho phù hợp với động lực và ý muốn của Chúa, Đấng chúng ta thuộc
về. Việc cầu nguyện sẽ dần dần giúp chúng ta khám phá ra những gì Ngài mong đợi.
Ai chọn Thiên Chúa, thuộc về Ngài, sẽ trở thành ‘nơi ở’ của Ngài. Phêrô viết,
“Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa
và là Đấng Cứu Độ chúng ta!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca trùng hợp một
cách sâu sắc, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!”.
Anh Chị em,
“Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa!”. Đức
Phanxicô nói, “Tôi thuộc về ai? Thuộc về gia đình, thành phố, bạn bè, công việc,
chính trị; thuộc về một đất nước? Vâng tất nhiên! Nhưng trước hết - Chúa Giêsu
nhắc nhở - bạn và tôi thuộc về Thiên Chúa. Đây là sự thuộc về căn bản. Chính
Ngài là Đấng đã ban cho bạn tất cả những gì bạn đang có, đã có. Do đó, ngày qua
ngày, chúng ta phải sống cuộc sống mình trong sự nhận biết ‘sự thuộc về căn bản’
này với lòng biết ơn chân thành đối với Chúa Cha, Đấng tạo dựng mỗi người một
cách riêng biệt, không thể lặp lại, và luôn rập theo hình ảnh Chúa Giêsu, Con
yêu dấu của Ngài. Bởi lẽ, bạn đã ‘được in hình Chúa’. Đó là một bí ẩn kỳ diệu!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để cuộc sống con hao hao
mang ‘dáng dấp Caesar’. Xin cho nó luôn ngát ‘mùi Chúa’ vì con được in hình
Ngài!”, Amen.
Thứ tư: CỞI MỞ VỚI SỰ KHÔN NGOAN
“Chẳng
phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm?”.
“Như bìa một cuốn sách cũ, nội dung của
nó bị xé ra, chữ viết và các chương bị xé lẻ. Nằm đây, thức ăn cho sâu; nhưng
tác phẩm sẽ không bị mất hoàn toàn. Vì nó sẽ xuất hiện một lần nữa - như tôi
tin tưởng - trong một phiên bản mới, hoàn hảo hơn vốn đã được Tác Giả sửa chữa
và bổ sung!” - Benjamin Franklin.
Kính thưa Anh Chị em,
Đó là những gì đọc được trên văn bia của
Franklin. Tin Mừng hôm nay tường thuật một kịch bản của những người Sadducêô -
vốn không có niềm tin như vị tổng thống - đặt cho Chúa Giêsu. Đó là một kịch bản
giả định khá dài và khó xảy ra. Họ đặt vấn đề kẻ chết sống lại. Và Chúa Giêsu kết
luận, “Các ông lầm!”. Ngài mời họ ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ của Thiên Chúa.
Kịch bản về một người phụ nữ đã cưới bảy
anh em sau khi những người này lần lượt qua đời. Kết thúc tình huống, họ hỏi,
“Khi họ sống lại, người phụ nữ đó sẽ là vợ của ai?”. Chúa Giêsu trả lời, “Các
ông lầm!”. Người Sadducêô, những nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống, chỉ chấp
nhận Kinh Torah, năm cuốn đầu tiên của Cựu Ước. Họ không tin có thế giới bên
kia hay sự sống lại, vì cho rằng Kinh Torah không dạy điều đó.
Vấn đề của người Sadducêô chính là sự thận
trọng và cứng nhắc trong cách tiếp cận đức tin. Họ dựa vào lý trí của con người,
áp dụng nó vào Kinh Torah. Và mặc dù lý trí và suy luận hợp lý của con người là
hữu ích và cần thiết trong cuộc sống, nhưng họ đã cố gắng giải quyết mọi vấn đề
đức tin trong nỗ lực của chính mình bằng cách giải thích Kinh Torah một cách hẹp
hòi và cứng nhắc. Họ không cho phép mình ‘cởi mở với sự khôn ngoan’ sâu sắc hơn
của Thiên Chúa tràn ngập lý trí khi người ta phải chú ý đến nguồn cảm hứng và mạc
khải của Ngài. Thay vào đó, họ rạch ròi trắng đen trong mọi suy luận và thực
hành. Để rồi, sự cứng nhắc này dẫn họ đến chỗ “lầm lạc”.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể lầm
lạc khi sử dụng lý trí một cách cứng nhắc. Chúng ta đơn giản hoá đức tin đến mức
nghĩ rằng, mình có thể đạt được mọi câu trả lời bằng nỗ lực của bản thân. Vậy
mà, mục tiêu thường xuyên của chúng ta là cho phép tâm trí mình hoàn toàn đắm
chìm trong sự khôn ngoan sâu sắc nhất của Thiên Chúa, ‘cởi mở với sự khôn
ngoan’ của Ngài và những gì Ngài mặc khải. Những lời dạy của Giáo Hội sẽ hướng
dẫn chúng ta, giữ chúng ta trên con đường ngay thẳng; nhưng chính tiếng nói của
Chúa - nói với tâm trí chúng ta một cách thực tế và riêng tư - sẽ giúp chúng ta
hiểu được chiều sâu, chiều rộng của Thánh Ý, Sự Thật và Sự Khôn Ngoan của Ngài.
Anh Chị em,
“Các ông lầm!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về
bất kỳ khuynh hướng nào mà bạn trở nên những người Sadducêô. Bạn có cứng nhắc hẹp
hòi không? Bạn có cho phép mình lầm lạc khi nghĩ rằng bạn có tất cả các câu trả
lời cho mọi vấn đề? Nếu vậy, hãy tìm kiếm sự khiêm tốn; hạ mình xuống trước những
bí ẩn của thiên đàng. Hãy dùng tâm trí để tìm hiểu những lẽ thật mà Chúa đã mặc
khải và sẵn sàng để ngày càng được thu hút sâu hơn vào sự sống của chính Chúa,
‘cởi mở với sự khôn ngoan’ sâu thẳm của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con lầm lạc khi cứng
nhắc trước một vấn đề đức tin hay giáo huấn của Hội Thánh. Cho con biết khiêm tốn,
dễ dạy trước tiếng nói của Thánh Thần!”, Amen.
Thứ năm: ĐỜI SẼ ĐẸP HƠN
“Thưa Thầy, điều răn nào đứng hàng đầu?”.
“Các dòng sông không uống nước của
chúng; các cây không ăn trái của chúng; mặt trời không chiếu sáng chính nó; và
các loài hoa không toả hương cho mình. Sống cho tha nhân là quy luật của tự
nhiên. Chúng ta cùng có mặt trên đời là để tương trợ lẫn nhau cho dù khó khăn
thế nào... Đời chỉ đẹp khi bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng đời sẽ đẹp hơn, khi nhờ
bạn, tha nhân được hạnh phúc!” - Phanxicô.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay nhắc lại câu hỏi một
kinh sư đặt cho Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, điều răn nào đứng hàng đầu?”. Ông hỏi một,
Ngài trả lời hai, ‘Kính mến Chúa, yêu thương người!’. Vì lẽ, “‘Đời sẽ đẹp hơn’,
khi nhờ bạn, tha nhân được hạnh phúc!”.
Tình yêu đối với tha nhân không thay
tình yêu đối với Thiên Chúa và ngược lại; tình yêu đối với Thiên Chúa chỉ hiện
thực khi con người biết yêu thương người khác. Nếu lễ toàn thiêu dâng Chúa đòi
sát tế con vật, đốt của lễ, thì tình yêu đối với tha nhân đòi giết chết cái
tôi. Chẳng thể nào yêu khi cái tôi khép kín, đòi được nguyên vẹn. Ai cũng thừa
nhận là tội khi làm điều dữ; ít ai coi là tội khi không làm điều lành. Tội
không phải là không yêu thương, nhưng tội là không để ý đến người lân cận, coi
người khác như không hiện hữu.
Chúng ta buông bỏ tiền bạc, quần áo cũ,
đồ đạc cũ nhanh hơn nhiều so với việc buông bỏ thời gian, lối suy nghĩ. Chúng
ta cho đi nhiều nhưng không cho đi chính mình. Tôi có ngại dành thời gian để
giúp đỡ Giáo Hội? Kitô giáo không hoàn toàn là chuyện giữa tôi với Chúa; một đức
tin như vậy sẽ rơi vào tình trạng ích kỷ và coi thường thế gian. Bạn và tôi được
mời gọi để trở thành men muối trong thế giới, mang ánh sáng cho bóng tối. Chúa
muốn bạn trở thành cánh tay, đôi chân và tiếng nói của Ngài trong thế giới. Tôi
có hài lòng với việc cầu nguyện, dâng thánh lễ hàng tuần mà không làm gì khác?
Phải chăng Chúa đang muốn tôi tham gia nhiều hơn vào giáo xứ, cộng đồng? Nhờ
đó, ‘đời sẽ đẹp hơn!’.
Thật thú vị, Đức Phanxicô nói, “Marcô
không buồn nói rõ người lân cận là ai, bởi vì người lân cận là người mà tôi gặp
trên đường đời mỗi ngày. Vấn đề không phải là tôi chọn trước người hàng xóm:
đây không phải là Kitô hữu! Hàng xóm của tôi là người mà tôi chọn từ trước:
không, đây không phải là Kitô giáo, mà là ngoại giáo! Nhưng đó là việc có mắt để
nhìn, có trái tim để muốn điều tốt cho người khác. Nếu chúng ta nhìn bằng cái
nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ luôn lắng nghe và gần gũi với những người đang
cần giúp đỡ!”.
Anh Chị em,
“Thưa Thầy, điều răn nào đứng hàng đầu?”.
Đức Phanxicô còn nói, “‘Kính mến Chúa, yêu thương người’ ngay cả khi được sắp xếp
theo trình tự, thì chúng vẫn là hai mặt của một đồng xu! Yêu mến Chúa là sống
vì Ngài, vì Ngài là ai; và vì những gì Ngài làm! Thiên Chúa là sự cho đi không
hề giảm bớt; tha thứ không giới hạn; Ngài khuyến khích và nuôi dưỡng. Vì vậy,
yêu mến Chúa có nghĩa là đầu tư năng lực của chúng ta mỗi ngày để trở thành những
người trợ lực của Ngài trong việc phục vụ tha nhân một cách không suy giảm,
trong việc tha thứ không giới hạn, trong việc vun trồng các mối quan hệ hiệp
thông huynh đệ. Và như thế, ‘đời sẽ đẹp hơn!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con là con ốc sên chỉ
biết tụt vào mỗi khi có ai cần đến. Cho con biết làm cho đời đẹp hơn khi dám
tiêu hao mỗi ngày!”, Amen.
Thứ sáu: SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
“Một
người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
“Coup de grâce” - một thành ngữ tiếng
Pháp - nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một tử tội hầu kết thúc sớm cái chết
đau đớn của họ. Hai anh trộm chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã hưởng “cú đánh ân
huệ” này khi ống chân của họ ‘được đập vỡ’ để có thể chết nhanh vì ngạt thở.
Chúa Giêsu không ‘được hưởng’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; nhưng, “Một người
lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Theo truyền thống, người lính đâm cạnh
sườn Chúa Giêsu có tên là Longinus; có truyền thống coi ông là viên đại đội trưởng
đã thốt lên “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; truyền thống khác cho rằng,
Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên; một truyền thống còn nói, mắt
Longinus bị mù, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống chữa lành. Vậy
mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta biết, cạnh sườn Chúa
Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, ‘suối nguồn xót thương’
tuôn trào đến tận thế cho nhân loại được ơn cứu rỗi.
Biểu tượng này - trái tim - không chỉ là
những gì thuộc về con người, nó còn là một biểu tượng thần linh nói lên tình
yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim yêu thương mà Hôsê tiết lộ,
“Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Nói đến ‘trái tim’
là nói đến sự sống. Khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, máu và nước chảy ra chính
là lúc sự sống mới - các Bí tích - của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” biểu tượng
cho Thánh Thể, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi “tắt hơi”, Chúa
Giêsu kịp “trao Thần Khí”, Bí tích Thêm Sức được ban. Đó là những chiều kích
sâu thẳm ‘dài, rộng, cao, sâu’ “vượt quá sự hiểu biết” mà Phaolô mời gọi chúng
ta chiêm ngắm - bài đọc hai; Thánh ca Isaia lặp đi lặp lại, “Các bạn sẽ vui mừng
múc nước tận nguồn ơn cứu độ!”.
Ngày nay, khi tham dự các Bí tích, chúng
ta dễ dàng coi các nghi thức chỉ là biểu tượng; đang khi chúng thực sự là các
phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính qua linh
mục, Chúa Kitô dâng lễ tế lên Chúa Cha. Hôm nay, ngày thánh hoá các linh mục,
chúng ta không quên cầu nguyện cho các ngài và cùng với các ngài, mỗi khi chứng
kiến một phép Rửa hay một Bí tích nào đó, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’
với Longinus, nhận lãnh ân sủng và sự tha thứ tuôn đổ từ ‘suối nguồn xót thương’
của Thánh Tâm Chúa; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lành và trở nên thanh
sạch vẹn toàn.
Anh Chị em,
“Máu cùng nước chảy ra!”. Chiêm ngắm
Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là ‘suối
nguồn xót thương’ liên lỉ tuôn trào sự sống mới, ân sủng dưỡng nuôi, quyền năng
thứ tha và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim
Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi các tội nhân đến tắm gội
trong vực cứu rỗi của họ. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, cho phép Máu
và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác bạn và tôi, hầu
chúng ta có thể cảm nhận được sự tươi mới và sự sống mới của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để linh hồn con không còn lầy
lụa, không còn đói, không còn khát… cho con biết chạy đến tắm gội, kín múc nơi
‘suối nguồn xót thương’ là các Bí tích!”, Amen.
Thứ bảy:
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỀU RÕ RÀNG
“Riêng
mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.
J. Wolfgang von Goethe, 1749-1832, một
trong những nhân vật hàng đầu của thơ ca hiện đại Đức, từng nói, “Trước một bộ
óc vĩ đại, tôi cúi đầu; trước một trái tim vĩ đại, tôi quỳ gối!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Trọng kính Trái Tim Chúa Giêsu, Hội
Thánh ‘quỳ gối’; kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, Hội Thánh ‘cúi đầu!’. Trái
Tim Chúa Con bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người; Trái Tim Mẹ Chúa tỏ
bày tình yêu con người dành cho Thiên Chúa. Đó là một tình yêu vô điều kiện, dẫu
phải dò dẫm trong đức tin; bởi lẽ, trước kế hoạch ‘diệu dụng’ của Thiên Chúa, Mẹ
đón nhận tất cả, dẫu ‘không phải tất cả đều rõ ràng!’.
Trong gia đình Nazareth, sự ngạc nhiên
không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả trong những khoảnh khắc hốt hoảng như lạc mất
Con trong đền thờ: đó là khả năng kinh ngạc trước sự biểu hiện dần dần của Con
Thiên Chúa. Đó chính là sự kinh ngạc mà ngay cả các thầy dạy trong đền thánh
cũng phải sững sờ. Nhưng kinh ngạc là gì; có gì đáng ngạc nhiên? Ngạc nhiên và
kinh ngạc là trái ngược với việc coi mọi thứ là đương nhiên; nó trái ngược với
việc giải thích hiện thực chung quanh và các sự kiện lịch sử chỉ theo tiêu chí
của chúng ta. Ngạc nhiên là cởi mở với người khác, hiểu lý do của người khác.
Thái độ này rất quan trọng để hàn gắn những mối quan hệ giữa các cá nhân đã bị
tổn hại, và cũng không thể thiếu để chữa lành những vết thương mới chớm nở
trong môi trường gia đình, cộng đoàn.
Yếu tố thứ hai chúng ta có thể nắm bắt từ
trình thuật là nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse khi không tìm được Con.
Nỗi lo lắng mà họ trải qua trong ba ngày Chúa Con mất tích cũng sẽ là nỗi lo lắng
của chúng ta khi chúng ta xa Chúa Giêsu. Chúng ta có cảm thấy lo lắng khi quên
Chúa Giêsu hơn ba ngày khi không cầu nguyện, không đọc Tin Mừng, không cảm thấy
cần sự hiện diện và tình bạn an ủi của Ngài?
Thật khó cho Maria để hiểu hết ý nghĩa từng
biến cố xảy ra trong đời của Con mà chóp đỉnh là mầu nhiệm thập giá. Trên đồi
Canvê, Mẹ cảm nhận đó là kế hoạch của Thiên Chúa và Mẹ sẵn sàng cho điều đó; bởi
lẽ, nó đã được chuẩn bị qua từng biến cố trước đó mà Mẹ đã suy đi nghĩ lại
trong lòng. Không cần hiểu nhiều, nên Mẹ chẳng thắc mắc nhiều; trái lại, đón nhận,
thuỷ chung và tìm mọi cách để hoàn thành nó. Mẹ biết, Mẹ có một vai trò trong
đó, và chuẩn bị nó qua một đời sống nhiệm hiệp với Con dưới sự chỉ dạy của
Thánh Thần.
Anh Chị em,
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng!”. Đó là cách ứng xử tuyệt vời, cao thượng của Mẹ trước
các mầu nhiệm. Làm sao một phàm nhân có thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa?
Vẫn có thể! Vì trong đức tin, Mẹ lần dò, tìm hiểu và tín thác tuyệt đối vào
Chúa; hơn nữa, trong trái tim Mẹ không có chỗ cho cái tôi! Cũng thế, sẽ không
bao giờ chúng ta hiểu hết giá trị, mục đích và ý nghĩa đời mình trong chương
trình của Chúa, trừ khi bạn và tôi có một đời sống cầu nguyện và chờ đợi như Mẹ;
nghĩa là trung thành bước đi trên con đường Chúa vạch sẵn, dẫu nó là con đường
không mấy rõ ràng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết kinh ngạc trước
các biến cố Chúa cho xảy đến trong đời, nhất là những khi con mù tịt, dạy con
không chỉ ‘cúi đầu’, nhưng còn biết ‘quỳ gối!’”, Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét