Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

 CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - NĂM B

St 9, 8-15; 1Pr 3, 18-22; Mc 1,12-15

 

SUY NIỆM 1: PHƯƠNG CÁCH VƯỢT THẮNG CÁM DỖ

Trong thư thứ I thánh Phêrô cảnh cáo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1Pr 5, 8). Vì ma quỷ là thù địch chúng ta nên nó tìm mọi cách để hãm hại chúng ta. Vì ma quỷ rất hung dữ nên nó lợi dụng mọi cơ hội để tấn công và giết hại đời ta. Do đó ta phải luôn đề phòng và tìm mọi phương cách để chống trả. Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Tin mừng hôm nay thuật lại những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải đối mặt, sau khi ăn chay 40 ngày đêm nơi hoang địa. Nhưng ma quỷ đã thất bại, bởi vì Chúa Giêsu luôn biết đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, qua việc lắng nghe và làm theo lời dạy của Thiên Chúa.

Cám dỗ luôn có mặt ở mọi nơi, mọi thời và không miễn trừ một ai cả. Vì thế cho dẫu ta là ai đi nữa thì cũng đều bị ma quỷ cám dỗ. Trong thực tế đã không ít lần chúng ta đã sa vào cám dỗ và đã thất bại thảm hại do không nghe theo sự hướng dẫn của Lời Chúa. Hậu quả là nó gây nên biết bao đau khổ cho bản thân ta và làm tổn thương đến bao nhiêu người khác.

Vậy để vượt thắng sức mạnh của cám dỗ, cách tốt nhất là ta hãy làm theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu:

- Cầu nguyện và ăn chay: Có lần Chúa Giêsu nói cho các môn đệ Ngài biết: “Thứ quỷ này phải phải ăn chay và cầu nguyện mới trừ được” (Mc 9,29). Trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu cũng đã cảnh tỉnh các môn đệ: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối" (Mc 26,41). Nhờ cầu nguyện ta múc lấy sức mạnh của ơn Chúa. Chính thánh Phaolô đã có kinh nghiệm này khi nói: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9).

- Sống theo Lời Chúa: Lời Chúa chính là ánh sáng soi dẫn bước đường ta đi. Chúa Giêsu đã dùng lời Chúa như cặp mắt thần để nhận ra mưu chước cám dỗ của ma quỷ và Ngài cũng đã dùng chính sức mạnh của lời Chúa mới khuất phục được sức mạnh lôi kéo của ma quỷ.

- Tránh xa cám dỗ: Bằng những kinh nghiệm đã từng vượt thắng cám dỗ, các nhà tu đức luôn khuyên chúng ta hãy biết tránh xa cám dỗ. Ma quỷ là loài xảo nguyệt và rất tinh ranh nên nó có muôn ngàn cách thế để lôi kéo chúng ta. Có khi rất mãnh liệt, nhưng có lúc cũng rất ngọt ngào và êm dịu làm say ngất lòng người. Nên cách tốt nhất là ta nên tránh xa những dịp cám dỗ. Bởi đối với cám dỗ thì “Đào vi thượng sách”.

Xin cho chúng ta biết lắng nghe, học hỏi, suy niệm và đưa Lời Chúa vào đời sống. Nhờ đó ta mới sáng suốt phân định rõ được những mưu chước của ma quỷ mà xa tránh mới có thể vượt thắng được những cám dỗ.

 

SUY NIỆM 2: BA CÁM DỖ LỚN NHẤT TRONG ĐỜI TA

Cùng với GH, chúng ta bước vào Chúa nhật I mùa chay thánh. Đây được gọi là mùa chiến đấu thiêng liêng nhằm chống lại những cám dỗ của ba thù: xác thịt, thế gian và ma quỷ. Cám dỗ nào cũng nhằm lôi kéo chúng ta xa rời và chống lại TC.

Xin cho chúng ta biết khôn ngoan nhận ra được mọi mưu chước cám dỗ và hằng gắn kết chặt chẽ với Chúa qua việc lắng nghe và thực thi lời dạy bảo của Người, được thế ta mới có đủ tỉnh táo cũng như sức mạnh của Chúa mà chống lại những mưu chước của cám dỗ.

Truyện kể rằng: Tại một tu viện nọ, vào một buổi tối, cha bề trên mới hỏi một tu sĩ trong dòng như sau:

- Hôm nay từ sáng đến giờ thầy làm gì?

- Tu sĩ trả lời rằng: Hôm nay cũng như mọi ngày, con bận bịu với bao là công việc, mà nguyên sức con sẽ không thể làm nổi, nếu không được Chúa trợ giúp. Mỗi ngày con đều phải trông chừng hai con chim ưng, kiềm giữ hai con nai, kiểm soát hai con diều hâu, điều khiển một con cá sấu, trừng trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.

- Cha bề trên ngạc nhiên hỏi lại: Con nói gì lạ thế? Những con vật mà con vừa nói trong tu viện của chúng ta làm gì có?

- Thưa cha bề trên, thật đúng như vậy: Hai con chim ưng chính là hai con mắt của con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để chúng tự do thu nhận những hình ảnh xấu vào đầu. Hai con nai tức là đôi chân của con, con phải luôn trông chừng chúng trong từng bước đi, để chúng luôn đi trong nẻo chính đường ngay. Hai con diều hâu là hai bàn tay con, con phải luôn bắt chúng làm việc hữu ích. Còn cá sấu là cái lưỡi trong miệng con, con phải kiềm chế để nó khỏi thốt ra những lời lẽ thâm độc hại người. Con gấu chính là trái tim con, con phải coi chừng để nó khỏi mắc thói ích kỷ và thích phô trương công đức để tìm tiếng khen. Còn bệnh nhân chính là thân xác con, con phải canh phòng để cho xác thịt khỏi trỗi dậy và luôn được khỏe mạnh.

Đúng vậy, cuộc sống của chúng ta luôn phải chiến đấu với ba thù là: ma quỷ, thế gian và xác thịt. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là xác thịt, vì nó ở ngay trong lòng mình. Tựa như tin mừng Mác-cô hôm nay nói đến: trong hoang địa một mình, Chúa Giêsu phải “sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.” Mang thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi nên Đức Giêsu cũng phải chấp nhận sống chung với loài dã thú ngay trong chính con người của Ngài. Như thế Đức Giêsu cũng phải chiến đấu với “phần con” để nâng cao “phần người”.

Mặc dầu tin mừng hôm nay, Mác-cô không trình bày chi tiết về những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đối mặt nhưng với phần trình thuật của tin mừng Mathêu và Luca, ta biết được Đức Giêsu đã phải trải qua ba cơn cám dỗ tựa như kiếp người chúng ta. Trong hoang địa, sau khi ăn chay 40 đêm ngày, Đức Giêsu cảm thấy đói và mệt thì ngay lúc đó Satan liền hiện ra và cám dỗ Đức Giêsu về 3 nhu cầu hết sức cần thiết của con người.

- Cám dỗ thứ nhất về nhu cầu ăn uống: Ăn uống là nhu cầu cấp thiết và căn bản của con người, nhất là trong lúc đói khát vì “Đói thì đầu gối phải bò. Cái chân hay chạy, cái giò hay đi.” Lợi dụng thời cơ chính mùi ấy, Satan tiến lại và gợi ý với Đức Giêsu: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy biến những hòn đá này thành bánh mà ăn" (Mt 4,3). Một lời cám dỗ xem ra rất hợp tình, hợp lý, và hợp hoàn cảnh. Thiết nghĩ, sau 40 ngày nhịn đói, cháo trắng, cơn nguội vẫn ngon huống hồ là bánh mì ngon ngọt, thật lòng với bản năng tự nhiên chắc không ai cưỡng lại được! Nhưng Đức Giêssu đã chiến thắng cơn cám dỗ này bằng sức mạnh và ánh sáng của lời Chúa: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh." (Đnl 8,3)

- Cám dỗ thứ hai về nhu cầu uy quyền và danh vọng: TC cho phép Satan mang Đức Giêsu lên tận góc tường cao nơi đền thờ Giêrusalem và thách thức: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Nhảy xuống là chuyện nhỏ, bởi vì Ngài chính là Con Thiên Chúa quyền năng nên thiên thần sẽ nâng Ngài bay bỗng không để Ngài phải va chạm vào đá sỏi. Làm như thế chắc Ngài sẽ được dân chúng tung hô, ngưỡng mộ và tin theo dễ dàng, nhưng Đức Giêsu đã không để uy quyền và danh vọng cám dỗ Ngài. Một lần nữa Đức Giêsu lại dùng sức mạnh lời Chúa để chiến đấu: "Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi." (x. Đnl 6,13).

- Cám dỗ thứ ba liên quan đến tiền bạc: Nhân gian thương nói: “có tiền mua tiên cũng được” hay “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Đồng tiền đi liền khúc ruột và có sức mạnh vạn năng, có thể phá đỗ mọi thứ. Biết rõ điều đó nên lần này Satan mang Đức Giêsu lên một đỉnh núi cao. Nơi đó, nó chỉ cho Ngài tất cả những vinh hoa, giàu sang của mọi vương quốc thế gian, rồi nói với Đức Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Dẫu biết rằng tiền bạc rất quan trọng nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không phải hạnh phúc cùng đích của con người. Nhưng nếu không tiền thì cũng khó mà có được hạnh phúc.

Hiểu được mưu chước cám dỗ của ma quỷ nên Chúa Giêsu một lần nữa đã mạnh mẽ khướt từ: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (x. Đnl 6,13).

Nếu ngày xưa trong vườn địa đàng, Ađam và Eva nguyên tổ chúng ta đã chọn lựa theo ý mình mà khướt từ ý muốn Thiên Chúa, vì thế ông bà đã gục ngã trước cám dỗ của con rắn. Còn Đức Giêsu, Ađam mới đã không nuông chiều theo ý mình, trái lại đã chọn vâng phục theo thánh ý TC nên Ngài đã dùng lời Chúa làm vũ khí để chống lại những lời đường mật của Satan và đã chiến thắng.

Cám dỗ về ăn uống, quyền lực, tiền bạc không chỉ là những cám dỗ dành cho nguyên tổ, cho Đức Giêsu… mà còn là những cám dỗ thường xuyên xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta cũng hãy đi vào sa mạc lòng mình 40 đêm ngày để cầu nguyện, ăn chay hãm mình theo gương Đức Giêsu nhằm kiềm hãm được những nhu cầu của “phần con” mà vươn lên giá trị của “phần người” nhờ tác động và hướng dẫn Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa giúp chúng ta có được sự sáng suốt và khôn ngoan mà nhận ra được những mưu chước của những cám dỗ, để với sức mạnh của ơn sủng và lời Chúa, ta mới có thể chiến đấu và chiến thắng được ba thù.

 

SUY NIỆM 3: SÁM HỐI VỀ VỚI NGHĨA TÌNH

Hôm nay cùng với GH, chúng ta bước vào Chúa nhật thứ nhất Mùa chay thánh. Có thể nói đặc sản của mùa chay là sám hối. Sám hối là trở về. Trở về  với Chúa nhờ đời sống cầu nguyện, trở về với tha nhân nhờ việc thực thi tình bác ái và trở về với chính mình nhờ vào việc chay tịnh.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng trở về với Bí Tích Rửa Tội để làm sống lại ơn làm con Chúa trong tâm tình con thảo.

Chúa thương cứu độ tội con người.

“Hồng thủy” Phép Rửa tỏ mười mươi.

Dựa vào Lời Chúa không nao núng,

Sám hối và tin đổi kiếp người.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa và gắn bó mật thiết với Người ngang qua đời sống cầu nguyện. Nhờ đó chúng ta mới múc lấy được sức mạnh ơn thiêng Chúa ban mà chiến đấu và chiến thắng với ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Truyện kể rằng: Ngày kia Satan hỏi các đồ đệ: Làm thế nào để chiếm đoạt được các linh hồn?

- Quỉ thứ nhất thuộc quốc gia Mỹ nói: Tôi sẽ rỉ tai: không có Chúa đâu.

Satan bảo: Họ đâu có tin, nhìn vào vũ trụ vạn vật và trật tự lạ lùng torng vũ trụ này, không thể nào họ chối là không có Thiên Chúa được.

- Qủi nhỏ thứ hai thược quốc gia Trung Quốc bảo: Tôi sẽ rỉ tai: chết là hết, không có sống lại và đời sau thưởng phạt đâu.

Sa tan nói: Không được, vì sự sống đời đời đã được Thiên Chúa khắc ghi vào chính giữa trái tim con người rồi.

Thế là cả bọn cùng trầm ngâm suy nghĩ.

- Bỗng một con qủy thứ ba thuộc quốc tịch Việt Nam đứng lên nói: Tôi có dịu kế là:  tôi sẽ nhắc đi nhắc lại cho mọi người biết: Chúa có thật và chết chưa phải là hết. Tôi bảo họ phải biết sám hối và tin vào Tn mừng của Chúa. Nhưng tôi sẽ rỉ tai họ: gấp gì, còn lâu chán lo gì hãy lo hưởng thụ đi, khi nào gần chết hãy ăn năn trở về với Chúa để được hưởng cả đời này lẫn đời sau.

Qủi vương đập bàn cười ha hả: Tuyệt, một kết hoạct tuyệ hảot, nếu theo kế hoạch này, chúng ta sẽ thành công!

Ma quỷ là loài xả quyệt, nó tìm mọi cách để cám dỗ hãm hại chúng ta. Ma quỷ cũng rất tinh khôn nên nó lợi dụng mọi cơ hội để chiêu dụ và lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa nhằm giết hại đời ta. Cho nên ta phải luôn cảnh giác và tìm mọi phương cách để chống trả.

Tin mừng hôm nay tha thiết mời gọi chúng ta hãy trở về với Chúa để nhận diện ra những cám dỗ bằng cách:

- Đi vào sa mạc cùng với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình. Bởi lẽ, giữa biết bao bon chen giành giật của cuộc sống, nhiều khi chúng ta trở thành vong bản, tức là đánh mất bản thân, sống trong lầm lạc, không có định hướng và tương lai.

Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, Thánh Mác-cô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa-Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn. Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa lòng đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính.

Có thể nói từ tạo thiên lập địa cho đến nay, cơn cám dỗ lớn nhất của loài người vẫn là cơn cám dỗ rời xa Thiên Chúa và đường lối của Ngài. Tại sao? Vì như một đứa trẻ nổi loạn luôn muốn bỏ nhà ra ngoài để tự do làm điều mình ưa thích, loài người cũng cứ muốn lìa bỏ Chúa để tự mình làm chủ cuộc đời theo ý riêng của mình, mình muốn làm gì thì làm. Chúng ta thường bị cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình, không cần Chúa nữa. Đây là cơn cám dỗ nguy hiểm và kinh khủng nhất của thời đại ngày nay.

- Hãy can đảm đi vào sa mạc của lòng mình để lắng đọng tâm hồn mà kiểm thảo lại các mối dây hiệp thông trong đời sống:

Hiệp thông với Chúa qua việc nhớ lại ân sủng mà ta đã lãnh nhận bí tích rửa tội để sống tâm tình làm con Chúa.

Hiệp thông giữa vợ-chồng với nhau để sống lại tình yêu nồng nàn của ngày lãnh nhận bí tích hôn phối.

Hiệp thông với gia đình và với những người tha nhân để kết nối lại những rạn nứt đã và đang bị phá hủy.

Để giúp chúng ta trở về sống lại những mối dây hiệp thông ấy, phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhớ đến tình thương lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta:

- Bài đọc I trích sách sáng thế cho biết vì yêu thương nhân loại nên Thiên Chúa đã cho giáng xuống trần gian một trận lụt đại hồng thuỷ kéo dài 40 ngày nhằm tiêu diệt hết mọi tội lỗi và đã nhân từ cứu thoát ông Noe và gia đình ông vì đã tin nhận và trung tín với Chúa. Sau đó Thiên Chúa cảm thấy hối tiếc và đã lập giao ước với Nôê.

· Nội dung giao ước: sẽ không còn xảy ra một tai họa nào tương tự như thế nữa cho loài người.

· Kẻ được hưởng giao ước: "mọi xác phàm", tức tất cả các sinh vật.

· Điều kiện: đây là một giao ước đơn phương. Chỉ một mình Thiên Chúa cam kết với loài người; loài người không bị buộc điều gì cả.

· Dấu chỉ giao ước này: cầu vòng rực rỡ.

- Bài đọc II, trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô. Ngài nhắc lại câu chuyện Hồng thuỷ xưa và coi đó là hình bóng của phép rửa tội. Nếu ngày xưa Thiên Chúa đã hủy diệt tội lỗi và nhân từ cứu sống Nôê và gia đình ông; thì ngày nay nhờ phép rửa tội Thiên Chúa cũng xóa bỏ mọi tội lỗi con người và cứu thoát cho những ai tin nhận vào cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

- Cách riêng bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta bước theo Đức Giêsu vào sa mạc của lòng mình mà ăn chay và cầu nguyện để sống thân tình với Chúa với mong muốn tìm hiểu thánh ý và đường lối của Chúa (như Tv 24), mà thi hành sứ vụ của mình. Sứ vụ đó là sống chứng nhân và loan báo Tin Mừng nước trời theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng".

Xin cho chúng ta biết thật lòng sám hối mà trở về sống tình hiệp thông với Chúa bằng đời sống cầu nguyện sâu xa hơn, trở về với gia đình đễ yêu thương cha mẹ và anh chị em mình cách chân thành hơn và trở về với mọi người trong tình anh chị em con cùng một Cha trên trời. Đó là cách cụ thể nhất để chúng ta thực thi lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Amen.


ĐÓN NHẬN ƠN CHÚA

Mùa Chay "thuận tiện" đón ơn,

Là "thời cứu độ" lãnh ơn Chúa Trời.

"Sám hối bao lỗi tội đời.

Vững tin vào Chúa, nghe nơi Tin Mừng".

 

Xưa; sau hồng thuỷ diệt đời,

Chúa lập giao ước với thời Nô ê.

Không còn tai họa ê chề.

Sinh linh cõi thế không hề tiêu dong.

Thiên Chúa cam kết hết lòng;

Ngài cho dấu chỉ: cầu vòng trên mây.

 

Phê rô nhắc lại chuyện nầy.

Như là Phép Rửa cứu đây thế trần.

 

Giê su chay tịnh góp phần.

Tìm hiểu Ý Chúa, chuyên cần thực thi.

Tin Mừng từ đó loan đi.

"Thời giờ đã mãn, ta thì ăn năn.

Nước Chúa giờ đã đến gần

Ăn năn sám hối lãnh phần ơn Thiên.".

 

Mùa chay, Giáo Hội nhủ khuyên.

Giê su cùng bước gặp Thiên Chúa liền,

Chiến đấu sự dữ triền miên,

Siêng năng cầu nguyện cần chuyên mỗi ngày.

Hai Lúa

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...