Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

 THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Đnl 30,15-20; Lc 9,22-25

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Đnl 30,15-20; Lc 9,22-25

 

Suy niệm 1: LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC KITÔ CẦN ĐIỀU KIỆN NÀO?

Để làm môn đệ Chúa Giêsu, cần phải có những điều kiện nào? Tin mừng hôm nay cho ta biết phải thỏa mãn 3 điều kiện: từ bỏ, vác thập giá và đi theo Chúa. Xin cho mỗi ngày chúng ta biết can đảm từ bỏ ý mình để theo ý chúa. Từ bỏ lối sống vị kỉ để sống vị tha. Biết hy sinh vác thập giá mình hằng ngày mà bước theo Chúa, hầu xứng đáng làm môn đệ của Người.

Cuộc sống chúng ta là một chuỗi những chọn lựa. Những lựa chọn sẽ làm cho ta trở nên tốt hay xấu, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh… Lựa chọn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ. Từ bỏ lại đòi chúng ta hy sinh. Mà hy sinh nào cũng phải chấp nhận mất mác và đau đớn.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có thái độ dứt khoát trong chọn lựa: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo.”

Khi gọi các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các ngài phải chấp nhận từ bỏ mọi sự: Bỏ tình thân (cha mẹ, anh chị em, vợ chồng…). Bỏ con người cũ với những tính hư nết xấu, cả những tội lỗi để đi theo Chúa. Đó là ta không được nhượng bộ ham muốn xác thịt, không dung dưỡng sự lười biếng, không thỏa hiệp với lòng tham lam ích kỉ... Trên hết ta phải từ bỏ chính mình, vì nếu ta có bỏ đi tất cả mà chưa từ bỏ mình thì ta chưa bỏ gì cả, từ từ chúng ta sẽ gom lại tất cả những gì mình đã bỏ rơi.

Trong kho tàng văn hóa thần bí của nước Ấn độ, người ta đọc thấy một câu chuyện răn đời lý thú sau đây :

Có một vị linh sư Ấn giáo tài đức nọ, sau một thời gian dài nhiệt tâm hướng dẫn tu luyện cho các đệ tử, vị linh sư Ấn giáo cảm thấy rất hài lòng về sự tiến bộ của một người đệ tử ruột mình. Nhận thấy rằng người đệ tử không còn cần đến sự dìu dắt huấn luyện của mình nữa, nên một ngày kia, vị linh sư mới bỏ mặc anh trong một túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông.

Thực hiện huấn dụ của vị linh sư, mỗi buổi sáng khi thức dậy, người đệ tử dìm mình xuống dòng sông để thanh tẩy theo đúng nghi thức Ấn giáo, rồi anh giặt chiếc áo cũ của mình. Chiếc áo ấy là tất cả tài sản duy nhất của anh.

Một ngày nọ, người đệ tử buồn bực xót xa vô hạn khi phát giác chiếc áo duy nhất của mình phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn rách tả tơi! Không còn cách nào khác, người đệ tử đành phải gõ cửa dân làng để xin một chiếc áo khác. Nhưng chẳng bao lâu, chiếc áo này cũng bị chuột cắn nát! Lúc đó anh mới nảy sinh ý nghĩ vào làng xin cho kỳ được một con mèo. Từ nay anh khỏi phải lo lắng về sự quấy phá của mấy chú chuột nữa. Nhưng thay vì xin áo mặc, người đệ tử thuộc môn phái khất thực cũng vẫn phải ngày ngày vào làng xin cơm bánh ăn cho mình.

Tháng này qua năm khác, anh vẫn phải vác bị đi khất thực! Một ngày kia, bỗng nhiên người đệ tử cảm thấy xấu hổ vì bao năm qua, anh đã vô tình trở thành một thứ gánh nặng cho dân làng. Nghĩ thế, anh đã tìm đủ mọi cách để tậu cho bằng được một đôi bò để nuôi lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò rồi thì cũng phải liệu sao có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh tự mình đi cắt cỏ cho bò. Nhưng về lâu về dài, nhận thấy không còn thời giờ để ngồi thiền và cầu nguyện, anh đành phải thuê một người cắt cỏ cho bò.

Đôi bò ngày càng sinh sản ra nhiều. Chẳng bao lâu trở thành một đàn bò đông đúc, nên số người cắt cỏ cũng phải gia tăng theo nhịp độ phát triển của đàn bò. Mấy năm sau, mảnh đất chung quanh túp lều tranh của anh ngày xưa đã biến thành một nông trại trù phú rộng lớn.

Con người đã một thời muốn từ bỏ tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ, một vị linh sư trong Ấn giáo, thì nay đã hiển nhiên trở thành một ông chủ nông trại giàu có danh tiếng. Có tiền, có tất cả mọi sự, nên anh nghĩ phải có một người tâm đầu ý hợp để cùng anh chia sẻ công việc. Sau cùng anh đành phải cưới một người vợ trẻ đẹp. Không bao lâu, anh đã trở thành một trong những ông chủ nông trại giàu có quyền thế nhất trong vùng.

Hai mươi năm sau, trong một dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư Ấn giáo xưa đã một thời dẫn dắt anh trên đường tu trì, vô cùng ngạc nhiên vì thay cho túp lều tranh rách nát nghèo nàn bên bờ sông ngày nào, nay đã là cả một cơ nghiệp đồ sộ lớn lao.

Thăm hỏi dân làng để biết được tung tích người chủ nông trại giàu có uy quyền hống hách khắp vùng, vị linh sư mới ôn tồn lên tiếng hỏi người đệ tử cũ của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?".

Người đệ tử suy nghĩ hồi lâu rồi hối hận trả lời: "Thưa Thày, có lẽ Thày không tin. Tất cả cơ nghiệp này, được như hôm nay, cũng chỉ vì con đã không đủ can đảm để giữ chiếc áo rách!".

Như vậy, bỏ mọi sự là phải từ bỏ cách dứt khoát và trọn vẹn chứ không phải nửa vời, nước đôi.

Đi theo Ngài. nghĩa là đi chứ không đứng, là thực hiện chứ không ước muốn, vì “hoả ngục thường được lát bằng những thiện chí”. 

Đi chứ không lùi, nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải thấy được gần Chúa hơn, gần anh em hơn. 

Đi theo Ngài chứ không theo ai khác, nghĩa là phải xác định rõ Giêsu Kitô là thần tượng duy nhất của đời tôi. Đó là một Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại cho tình yêu. 

Đi theo Ngài chứ không phải bắt Ngài phải theo tôi.

Ước gì mùa chay thánh này, chúng ta biết bỏ đi ý riêng để vâng theo ý Chúa. Biết bỏ đi những dự định toan tính của mình khi đi theo Chúa. Biết ưu tiên làm việc Chúa hơn việc mình. Biết làm cho và vì Chúa hơn làm cho và vì mình. Bởi ta biết rằng ý Chúa, việc Chúa, cho Chúa và vì Chúa thì thiện hảo và ích lợi cho đời sống chúng ta.

 

 Suy niệm 2: TIÊU CHUẨN TUYỂN DỤNG MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU

Đâu là điều kiện tiên quyết để xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu? Đó là điều mà lời Chúa muốn nói với mọi người chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay.

Sau lời tiên báo về cuộc thương khó, Chúa Giêsu đề cập ngay đến những điều kiện cần thiết để được làm môn đệ Ngài. Đó là: “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Ngài”. Điều kiện này không chỉ dành riêng cho nhóm 12 tông đồ, mà còn cho tất cả chúng ta, những người muốn bước theo Chúa. 

Từ bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày để đi theo Chúa là một đòi hỏi không hề dễ dàng chút nào! Đòi buộc chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận, phải lựa chọn chính chắn và phải cương quyết từ bỏ mọi thứ để  tiến bước theo Ngài.

Thực tế cho thấy bất kì ai cũng có những thập giá, có thể thập giá mỗi người có khác nhau; cũng như mỗi người có những cách thế khác nhau để đảm đương thập giá trong đời mình ngang qua những bổn phận, trách nhiệm… trong các mối tương quan với: Chúa, tha nhân, bản thân và môi trường xã hội. 

Đã nói đến thập giá thì không có thập giá nào nhẹ nhàng dễ vác cả, nên đòi buộc mỗi người cần phải nỗ lực cố gắng nhiều. Điều quan trọng là làm sao ta không để thập giá đè bẹp đời mình trong cuộc hành trình bước theo Chúa. Muốn thực hiện được điều này rất cần có ơn Chúa. Bởi tự sức riêng ta sẽ dễ té ngả bất cứ lúc nào.

Tin vào lời Chúa nói: “ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9), ta hãy liên kết chặt chẽ với Chúa ngang qua việc cầu nguyện, tâm niệm và sống lời Chúa, nhất là đón nhận bí tích Thánh Thể, nhờ thế ta mới có đủ sức mạnh của Chúa mà vượt thắng mọi thử thách, gian nan trên đường đời.

Xin Chúa nâng đỡ và ban ơn cho mỗi người chúng ta, để ta can đảm và trung thành vác thập giá theo chân Chúa đến cùng, cho dẫu phía trước vẫn còn đó nhiều gian nan thử thách. Amen.


Suy niệm 3: XÂY DỰNG LẠI CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

 

Bài đọc I trích sách Đệ nhị luật nói về 2 con đường: ai chọn đi theo con đường của Chúa và các giới luật của Ngài thì sẽ được sống; còn ai đi theo các quyến rũ khác thì sẽ diệt vong.

Trong bài trích Phúc Âm, Chúa Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì: đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được nghe vang vọng lời mời gọi thiết tha của Chúa là: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”, nghĩa là hãy “trở về” với Chúa, với tha nhân và với chính mình để kết nối lại các mối dây hiệp thông sao cho chắc chắn và bền vững hơn.

Trở về với Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Người trên cuộc đời chúng ta.

Trở về với tha nhân để nhận thấy bổn phận yêu thương, liên đới và chia sẻ với anh chị em đồng loại.

Trở về với chính mình để nhận ra mình tội lỗi và cần được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ.

Như vậy, cả ba mối tương quan, chúng ta thấy có một mẫu số chung là: nhận thấy mình bất toàn, ích kỷ, kiêu ngạo, nên cần phải trở về với Thiên Chúa, tha nhân và ngay cả với chính mình để đi vào đúng con đường mà Chúa đã đi qua và đã mở ra cho chúng ta bước theo.

Muốn đi đúng vào con đường của Chúa, chúng ta cần phải kiểm tra lại những sợi dây kết nối với Chúa, tha nhân và chính mình dưới ánh sáng Lời Chúa xem mình đã chọn sống theo đường lối của Chúa hay lối đường của thế gian và có can đảm từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình và đi theo Chúa không?

Khi nói đến từ bỏ chính mình, Đức Giêsu muốn chúng ta phải ý thức và từ bỏ tận căn, bởi vì nếu có từ bỏ nhiều thứ, dốc quyết nhiều chuyện, mà ta chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả, và nếu có bỏ đi chăng nữa, thì sẽ tìm dịp và tìm cách thuận lợi để lấy lại!

Bỏ mình còn có nghĩa là coi mình ra không để hướng về Chúa và anh chị em, là quên mình để yêu thương, tha thứ và sống cho và vì người khác.

Bỏ mình luôn đi đôi với việc vác thập giá của chính mình hằng ngày. Thập giá của mỗi người chính là ốm đau, bệnh tật, những chiến đấu chống lại cám dỗ, những trái ý, hiểu lầm, vu vạ, cáo gian…nhưng nếu chúng ta can đảm nhận đón nhận vì lòng yêu mến Chúa với niềm tin tưởng vào sự phục sinh vinh quang của Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ đạt đến vinh quang phục sinh cùng với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn từ bỏ tội lỗi, sống yêu thương, đón nhận thánh giá trong đời và trung thành vác lấy cách yêu mến. Xin cũng ban cho chúng con ơn trở về thât sự trong Mùa Chay thánh này. Amen.

(Dựa theo ý tưởng của Ngọc Biển SSP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...