Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

MÙNG HAI TẾT: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Lv 13, 1-2. 44-46; 1 Cr 10, 31 – 11, 1; Mc 1, 40-45

HIẾU THẢO VỚI TIỀN NHÂN

Làm con thảo hiếu Mẹ Cha.

Đó là đạo hiếu, đó là giới răn.

Hiếu thảo Cha Mẹ trọn phần.

Dâng lời, Yêu mến chuyên cần chăm lo.  

- Hôm nay là mùng Hai Tết, chúng ta hiệp nhau nơi đây để dâng Thánh Lễ kính nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho tổ tiên, ông bà cha mẹ chúng ta. 

Các ngài đã cộng tác với Chúa trong việc sinh thành dưỡng dục chúng ta. Với lòng biết ơn và tâm tình hiếu thảo, chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị còn sống được khang an trường thọ, an vui bên con cháu và xin cho những vị đã qua đời được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời trong mùa xuân nước trời. 

Với những tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối về những lầm lỗi thiếu sót của chúng ta trong đời sống, xin Chúa nhân từ tha thứ để chúng ta xứng đáng dâng thánh lễ hôm nay lên trước tôn nhan Chúa.

Hiệp thông trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và tin tưởng vào mầu các thánh cùng thông công, tôi xin gửi lời chào bình an đến tất cả quý ông bà và anh chị em.

Quý cộng đoàn thân mến, có một bài hát quen thuộc rất phù hợp với tâm tình của ngày đầu xuân của nhạc sĩ Phanxico. Với những lời mở đầu sau đây: “Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình, cũng về với ân tình, ngất ngây với lòng yêu mến, dâng đến lòng mẹ cha bông hoa là lòng biết ơn…”

Hôm nay, trong những đầu xuân Giáp Thìn, với lòng biết ơn, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và quý ông bà anh chị em có dịp quay về để sum họp gia đình trong ân tình để cùng nhau dâng lên Chúa những lời kinh tạ ơn trong tâm tình thảo hiếu.

Hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ là truyền thống hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta. Bởi lẽ ai trong chúng ta cũng ý thức được rằng những gì chúng ta nhận được trong cuộc đời này đều nhờ đến công ơn của các ngài.

Với tâm tình “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chiều hôm nay mùng 2 Tết, chúng ta quy tụ nhau đây để dâng lên tổ tiên ông bà cha mẹ và những người thân yêu của chúng ta bông hoa của lòng biết ơn và những lời cầu nguyện chân thành.

Phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, Chúa nhắc nhở chúng ta hãy thực thi lệnh truyền của Chúa nơi điều răn thứ tư là: “Thảo kính cha mẹ”. Có thực thi lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ thì lời cầu nguyện của chúng ta mới được Chúa đón nhận và xứng đáng được Chúa chúc lành. Vì thế, chúng ta cần phải nhớ cho:

Làm con thảo hiếu Mẹ Cha

Đó là đạo hiếu, đó là giới răn

Hiếu thảo Cha Mẹ trọn phần

Dâng lời, yêu mến chuyên cần chăm lo.

Xin Chúa cho ông bà, cha mẹ, người thân của chúng con còn sống được khang an, trường thọ, được mạnh hồn khỏe xác và có nhiều niềm vui và hạnh phúc bên con cháu. Và xin cho những vị đã qua đời được Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm, thiếu sót nếu còn vướn mắc để các ngài sớm được vui hưởng mùa xuân bất diệt trong nhà Cha trên trời.

 

* Suy niệm 1: ẤM ÁP NGHĨA TÌNH

LÁ THƯ GỬI NGƯỜI CON

Con thân yêu.

"Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và cảm thông với bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống có làm rơi vung vãi... Nếu như bố mẹ có gặp khó khăn trong cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ lại những ngày giờ mà bố mẹ đã phải trải qua với con, để dạy cho con bao điều hay kẽ phải khi con còn thơ bé.

+ Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì con cũng đừng bao giờ cắt ngang lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm đến khi con đi vào giấc ngủ... và bố mẹ luôn làm cho con.

+ Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên coi đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải bao lần dỗ ngọt để vỗ về mỗi khi tắm rửa cho con.

+ Khi con thấy sự giới hạn về kiến thức của bố mẹ trong cuộc sống văn minh hiện đại, con cũng đừng tỏ vẻ thất vọng nhưng hãy để bố mẹ có thêm thời gian tìm hiểu. Bố mẹ đã từng dạy con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến tự chăm sóc bản thân và đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

+ Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ có thời gian nhớ lại và nếu như bố mẹ có quên, con cũng đừng vì thế mà bực mình nổi giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là luôn được nhìn thấy con, được ở bên và nghe con nói, thế thôi!

+ Nếu như bố mẹ chưa muốn ăn, con cũng đừng ép!... vì bố mẹ biết khi nào bị đói hay không.

+ Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trong những bước đi đầu đời.

+ Một ngày nào khi con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, không ai tránh được hết mọi sơ sót lầm lẫn. Con đừng xót xa về sự già nua của bố mẹ.

+ Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ khi con mới chào đời. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi lúc tuổi già bóng xế... Hãy giúp bố mẹ những tháng ngày vắn vỏi còn lại với tình yêu thương và lòng nhẫn nại...

Điều bố mẹ mong ước duy nhất là có thể nở nụ cười mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời giữa đoàn con cháu đầy lòng kính tin Chúa và chân thành yêu thương nhau.

Thương con thật nhiều... Bố mẹ..."

Ngày đầu Năm Mới, chúng ta được mời gọi sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bởi lẽ tất cả những gì ta nhận được hôm nay đều do ông bà cha mẹ để lại, cho nên đạo hiếu nhắc nhở chúng ta bổn phận: “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Mùa Xuân là dịp khơi gợi lại trong chúng ta nguồn sống ấy.

Mùa xuân cũng là cơ hội để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy sống lại truyền thống tốt đẹp ấy với một chiều kích sâu xa hơn trong tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, hay giữa con người với nhau. Cho nên khi chúng ta sống trọn tình thảo hiếu với ông bà, cha mẹ thì cũng đồng thời ta đáp trả lời mời gọi của Tin mừng trong thái độ yêu mến và tôn phục Thiên Chúa.

Cùng quy tụ bên gia đình trong bữa cơm ấm áp nghĩa tình ngày đầu năm, chúng ta không khỏi không nhắc đến những kỷ niệm thân thương của ông bà, cha mẹ khi các ngài còn hiện diện với chúng ta.

Nhiều gia đình còn xum họp bên nhau quanh nấm mồ của những người đã khuất, cùng thắp lên nén hương gói trọn bao lời cầu nguyện trong yêu thương luyến nhớ.

Ngày mùng Hai tết không chỉ nhắc chúng ta tưởng nhớ đến những người đã khuất, mà còn nhắc ta bổn phận làm con đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành dưỡng dục đang còn sống. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo với những người còn sống, đồng thời cũng để nói lên lời tạ lỗi với mẹ cha.

Lần giở lại những trang Tin Mừng, chúng ta gặp lời của Thiên Chúa trong sách Huấn ca: “Của dâng cho Cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi” (Hc 3, 14-15). Theo đó, lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ sẽ làm cho ta trở nên công chính và bản thân ta, cuộc đời của ta có ý nghĩa và giá trị hơn trước mặt người đời.

Sau bổn phận đối với Thiên Chúa thì thái độ thảo hiếu đối với cha mẹ được coi là yếu tố căn bản của nhân vị trong tương quan với tha nhân. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi người ta đề cao chủ nghĩa duy vật thì các giá trị đạo đức xuống cấp. Chúng ta không thể không đau lòng khi thấy trong nhiều gia đình con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, họ không thương tiếc đẩy cha mẹ vào các viện dưỡng lão mà không một lời thăm hỏi, trong khi họ có đủ điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta không thể không đau lòng khi có người bỏ bê cha mẹ già đau ốm, hầu mong cha mẹ chết sớm đi để rảnh nợ.

Trong nhiều gia đình, con cái còn đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ cho nhau… Như những người Pharisêu và Kinh sư trong Tin mừng hôm nay, một số những người trẻ sẵn sàng quay lưng lại với truyền thống, với các chuẩn mực đạo đức xã hội mà coi thường giá trị nền tảng của gia đình, không tuân giữ luật Chúa “thảo kính Cha mẹ”. Mỗi chúng ta, hơn một lần trong cuộc đời, cũng đã có lúc làm cha mẹ buồn lòng, gây cho cha mẹ những khổ đau phiền lụy và cả những hao tổn về tinh thần.

Chúng ta không khỏi ngậm ngùi ân hận khi nghĩ lại bao lầm lỗi, xúc phạm gây bao khổ đau cho ông bà cha mẹ hôm nào. Những gì của quá khứ đang sống lại trong chúng ta như đang mời gọi ta tìm cách đền đáp công ơn cha mẹ, thảo hiếu với ông bà.

Chúng ta không khỏi xúc động khi nghĩ lại bao yêu thương, hy sinh mà các ngài đã dành cho mình: “Cha thời sinh ta, mẹ thời nuôi ta. Cái ơn sâu nghĩa nặng cao vời ấy tựa Thái Sơn, làm sao ta báo đáp”. 

Chúng ta, kẻ làm con ít khi thực sự cảm nhận được hạnh phúc có cha có mẹ, hạnh phúc được sống trong tình yêu nồng ấm của mẹ cha, thường khi các ngài đã về với Chúa, chúng ta mới cảm nhận sâu xa tình yêu của các ngài, mới thèm được cha thương, mẹ chiều, mới ngậm ngùi hiểu ra cái lẽ: ngọn roi cha dạy làm xót lòng cha, làm đau lòng mẹ hơn là làm con đau đớn; mới hiểu ra rằng tất cả những gì cha mẹ làm cho ta cũng chỉ vì mong con nên thân nên người, mong con hạnh phúc.

Những gì chúng ta có được hôm nay đều ghi đậm dấu ấn của mẹ cha; sự thành đạt, niềm hạnh phúc của chúng ta hôm nay có sự đánh đổi những hy sinh vất vả của cha mẹ. Cha mẹ đã phải hao gầy, cằn khô theo năm tháng bởi bao lo lắng, hy sinh, bao vất vả đắng cay, bao giọt lệ chảy ngược vào lòng để chúng ta khôn lớn, nên người. Lòng cha mẹ quá quảng đại, bao dung, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, chấp nhận mọi khổ đau để đời chúng ta được thành đạt, hạnh phúc.

Nhớ về công ơn cha mẹ, luôn là lời mời chúng ta hướng về nguồn cội của sự sống, của tình yêu, của mọi ân phúc trong đời là chính Chúa để chúng ta tỏ lòng yêu mến, biết ơn trước hết với Chúa là nguồn cội mọi ân phúc và với mẹ cha là những người sinh thành dưỡng dục ta nên người.

Tạ ơn Chúa đã thương cho chúng ta được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình có ông bà, có cha mẹ, có những người thân bên cạnh để yêu thương, nâng đỡ dạy dỗ, bảo ban để chúng ta không ngừng lớn lên trong thân xác và nhân bản, về trí tuệ và tình yêu, nhất là được giáo dục trong lòng tin yêu Chúa.

Xin Chúa tha thứ những thiếu sót, lầm lỗi cho chúng con.

Xin cho chúng con biết noi gương vâng phục và hiếu thảo của Chúa Giêsu.

Xin giúp chúng con biết đem lại niềm vui và an ủi cho các bậc sinh thành.

Xin ban cho con sống xứng đáng với công ơn mà các ngài dành cho con.

Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành hồn xác trên ông bà cha mẹ chúng con.

Và xin cho những vị đã an nghỉ được Chúa ban phúc trường sinh bên Chúa. Amen.

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

 

* Suy niệm 2: SÓNG TRƯỚC VỖ ĐÂU, SÓNG SAU VỖ ĐÓ

Nếu ngày Mồng Một Tết GH mời gọi chúng ta hướng mắt lên cao để tạ ơn Chúa và xin ơn bình an, thì ngày Mồng Hai Tết GH lại nhắc nhở chúng ta hướng mắt nhìn về tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta để tri ân và cầu nguyện cách đặc biệt cho các ngài. 

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta luôn biết trân trọng mái ấm gia đình mình, bởi gia đình là cái nôi của sự sống là tổ ấm yêu thương, ngôi trường giáo dục ta nên người tốt và hữu ích và là chốn tựa nương bình yên nhất để ta quay về mỗi khi mệt nhoài.

Ước gì những người con chàu trong gia đình, chúng ta luôn biết yêu thương hòa thuận với nhau. Biết chu toàn tốt trách nhiệm và bổn phận của mình và luôn sống thảo hiếu với tổ tiên và ông bà, cha mẹ chúng ta theo như ý muốn của Chúa.


- Như chúng ta đã biết, nhân ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ 3, được cử hành vào ngày 23/07/2023 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta “đừng bỏ mặc người cao tuổi một mình”, “đừng đẩy họ ra bên lề cuộc sống” “vì sự hiện diện của họ trong gia đình và cộng đoàn là điều quý giá”. 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng đã mời gọi người già và người trẻ, ông bà và con cháu, lớn lên cùng nhau, lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và hỗ trợ nhau.

Ngài nhắc nhở chúng ta đừng quên ông bà hay người lớn tuổi, vì họ đã từng trợ giúp khi chúng ta gặp khốn khó, đã hy sinh vì chúng ta. Đừng để họ nằm ngoài danh sách ưu tiên của chúng ta.

Và mong muốn chúng ta hãy dành thời giờ để thăm viếng ông bà, cha mẹ cũng như những người cao tuổi đang sống trong cô đơn.

Để cụ thể hóa lời mời gọi ấy của Đức Thánh Cha, hôm nay ngày mùng hai Tết, GH nhắc nhở chúng ta thể hiện lòng hiếu kính đó. Việc hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ không chỉ là đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam chúng ta mà trên hết đó là điều răn do Thiên Chúa truyền dạy: “hãy thảo kính cha mẹ”. 

Hiệp dâng thánh lễ Mồng Hai Tết hôm nay, với lòng biết ơn của những người con thảo, chúng ta hãy cầu xin cho ông bà cha mẹ còn sống được khang an trường thọ, được hồn an xác mạnh, có nhiều niềm vui và hạnh phúc bên con cháu. cho những vị đã qua đời được Chúa thương tha thứ mọi hình phạt, để các ngài sớm vui hưởng Mùa Xuân bất diệt trên quê Nước Trời.


* Suy niệm 3:  

Câu chuyện: Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

- Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là cha mẹ sinh thành ra chúng ta. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động của con cái với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ nói lên lòng thảo hiếu đối với các ngài.

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cạnh cha mẹ ông bà cùng với anh chị em con cháu.

- Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình. Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình. Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi  các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh cho ta khi ta còn thơ bé. Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết trong năm.

- Làm gì trong những ngày này?

- Tết là dịp để con cháu làm việc ở xa trở về nhà để xum họp với ông bà cha mẹ. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự đã sống tròn chữ hiếu?

Người xưa có câu: "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ", diễn tả những nỗi vất vả, công khó cực nhọc của các bậc làm cha mẹ khi phải chăm sóc cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, giúp con được học hành vui chơi....

 - Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

- “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bạn sẽ biếu món quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ ông bà đang còn sống và các bậc tổ tiên đã qua đời?

- Lời cầu

Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. Amen. (St)


Suy niệm 4: VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhớ lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn người chết, hàng ngày, con cháu mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình. Sau đó, họ san phẳng mộ; từ đó, không ai nhớ đến nó nữa. “Bỏ mả”, “bãi mả”, một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.

Sách Huấn Ca coi các ngài như những vĩ nhân, “Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng!”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ họ đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ trọn tháng Các Đẳng; đầu năm, mồng 2 Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, 3 lần mỗi ngày.

Trước hết, phải kể đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột… máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho mặc; “Dục” là giáo dục, dạy cho nên người, nên thánh. Không được “dục”, nhất định không thành người. Một em bé được thả vào rừng, có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, sẽ kiếm được cái ăn, cái uống, nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Vì thế, ngoài sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Bên cạnh đó, một điều khác còn khó hơn: làm gương sáng. Trên đời này, không việc nào khó hơn làm gương sáng. Như thế, công đức của cha mẹ ông bà dành cho chúng ta thật bao la. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.

Lần kia, đang điểm tâm với một đôi vợ chồng Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài 80. Một người đàn ông, khoảng lục tuần, dìu bà xuống xe; đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Khi ăn, ông đút cho bà từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Nhìn từng cử chỉ ấy, tôi đờ người! Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi thèm, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay. Giờ đây, tôi ước được dắt ba mẹ mình, ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không.

Tiếp đến, bạn đối xử làm sao với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như thế! Không cần đợi 30, 40 năm sau, nhưng nhãn tiền. Bạn hiếu thảo với cha mẹ bây giờ, con cái sẽ thảo hiếu với bạn mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho các ngài, con cái không học được thói quen tốt đó; mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương cho con cái ngay bây giờ, trong luyện hình, đừng ngạc nhiên khi con cái ‘bỏ mả’ chúng ta mai ngày.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”. Công đức các đấng sinh thành góp phần làm nên những gì chúng ta là, chúng ta có! ‘Vĩ nhân của các vĩ nhân’ không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống của Ngài trong Chúa Kitô. Vì thế, hãy yêu thương, kính trọng; đúng hơn, trân quý các ngài khi các ngài còn sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘bỏ mả’ với các đấng đã khuất; dạy con biết con biết ‘nâng niu’ các bậc chưa khuất!”, Amen.

Lm Minh Anh, Tgp Huế


ĐẠO HIẾU

“Thờ Cha, kính Mẹ” nghĩa ân.

Vui Tết hãy nhớ tình thân Ông Bà.

 

Tổ Tiên công đức Mẹ Cha.

Biết ơn, hiếu thảo đó là “đạo con”.

Công giáo luật Chúa sắc son,

Thờ Cha, kính Mẹ cho tròn giới răn.

 

Bàn thờ hương khói hoa đăng.

Ngày xuân ngày tết dành phần kính tôn.

Mùng hai Tết dịp suy tôn:

Công Cha, Nghĩa Mẹ, kính tôn ông bà.

 

Công lao sinh dưỡng nên ta,

Yêu thương, vâng phục Mẹ Cha trọn tình.

Tổ tiên tâm nguyện giữ gìn,

Tiếp tục sự nghiệp tận tình ghi ơn,

 

Kinh Lễ xin Chúa xuống ơn.

Thưởng công bội hậu, đẹp hơn trên trời.

Nhớ Lời Chúa đã gọi mời,

Phải luôn hiếu thảo vâng lời Mẹ Cha,

 

Còn sống phụng sự thiết tha

Qua đời “Kinh Lễ” thế là không quên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...