Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

 MÙNG BA TẾT: CẦU CHO CÔNG ĂN VIỆC LÀM

St 2, 4b-9.15;  Cv 20, 32 -35; Mt 25, 14-30

AI KHÔNG MUỐN LÀM VIỆC THÌ CŨNG ĐỪNG ĂN!

Ca dao Việt Nam chúng ta có câu:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi,

Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.

Tháng Ba thì đậu đã già,

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng Tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắm sửa làm mùa tháng Năm...

 

Còn Hài Bảo Liêm thì khôi hài sửa lại như sau:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè

Tháng tư cày bữa ruộng ra

Tháng năm đóng lại đi chơi với bạn bè

Tháng sáu, tháng bảy nghỉ hè

Tháng tám, tháng chín mùa hè mới xong

Tháng mười, mười một, mười hai

Còn ba tháng nữa thôi nghỉ đông cho rồi.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Nghỉ ngơi và ăn chơi mãi  không phải là điều Chúa muốn. Do đó sau những ngày vui Tết bên gia đình, người thân và bạn bè, hôm nay Chúa muốn chúng ta trở lại với công việc đời thường. Tâm lý của mỗi người chúng ta có lẽ giờ đây cảm thấy ngao ngán khi phải quay về với cuộc sống tất bật, bon chen, với bao khó khăn thử thách đang chờ phía trước.

Hiệp dâng thánh lễ  ngày mùng 3 Tết hôm nay, chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Thiên Chúa những việc làm của chúng ta trong năm mới này.

Xin Chúa luôn đồng hành hướng dẫn, giúp chúng ta mạnh mẽ vượt qua được mọi áp lực trong cuộc sống, ban cho mỗi người chúng ta có được công ăn việc làm ổn định, tạo ra những đồng tiền chân chính, để nuôi sống bản thân, chăm lo gia đình và thăng tiến xã hội.

Để những ước nguyện và tâm tình trên xứng đáng được Chúa ban ơn và chúc lành. Chúng ta hãy thành tâm sám hối, xin Chúa bao dung tha thứ mọi thiếu sót lầm lỗi của chúng ta.


* Câu chuyện 1: SỰ TÍCH CỦA CON TRÂU ĐI CÀY

Ngày xưa, khi thế gian mới được tạo thành, Thượng Đế đã sai một vị thần từ trời xuống trần mang theo 1 bao hạt lúa và 1 bao cỏ để gieo trên mặt đất. Thượng Đế đã dặn đi dặn lại vị thần gieo trồng là phải gieo hạt lúa làm thức ăn cho loài người trước rồi mới được gieo cỏ làm thức ăn cho loài vật. Nhưng khi xuống tới trần gian, do mải mê ngắm phong cảnh tuyệt đẹp khác lạ của trần gian nên thần gieo trồng đã quên lời dặn của Thượng Đế mà gieo cỏ trước khi gieo lúa. Từ đó, cỏ không cần trồng mà vẫn mọc lên khắp nơi và thú vật không cần lao động vẫn có dư cỏ ăn, đang khi loài người muốn có gạo ăn phải vất vả cày bừa gieo trồng mà có khi vẫn bị bữa no bữa đói. Thượng Đế thấy vậy liền phạt tội vị thần gieo trồng tắc trách này hóa kiếp thành con Trâu để giúp loài người cày bừa trước khi gieo lúa, rồi khi nào ăn hết cỏ mới được lên thiên đường. Nhưng rồi do cỏ mọc nhanh, Trâu không sao ăn hết được, nên Trâu cứ phải tiếp tục chịu vất vả cày bừa đền tội và không sao thoát được kiếp làm trâu trở lại thiên đường.

Câu chuyện dạy chúng ta bài học: phải luôn làm việc nghiêm túc chăm chỉ để có cái ăn như câu người ta thường nói: "Tay làm hàm nhai, tai quai miệng trễ". Hoặc như câu tục ngữ phương Tây: “Hãy làm hết sức mình rồi trời sẽ giúp”. Không có chuyện lười biếng ở không, rồi cứ “ngồi há miệng chờ sung rụng” mà được.


* Câu chuyện 2: AI CŨNG ĐỀU GIÀU CÓ MÀ KHÔNG NHẬN RA

Có một chàng thanh niên lúc nào cũng ngồi than thân trách phận không may của mình, nên không thể nào giàu có được. Ngày nọ, một ông lão đi qua thấy vẻ mặt ủ ê của anh ta bèn hỏi :

- Chàng trai kia, sao trông cậu buồn bã thế, cậu có điều gì không vui sao?

- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.

- Cháu mà nghèo ư, cháu đang giàu có đấy chứ ?

- Chưa thấy ai nói với cháu như vậy cả, vì thực sự cháu rất nghèo.

- Này nhé: Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, và trả 3 lượng vàng thì cháu có chịu không?

- Không ạ.

- Giả như ta chặt một bàn tay của cháu và trả 30 lượng vàng, cháu có chịu không?

- Không bao giờ.

- Vậy nếu ta lấy đi đôi mắt của cháu và trả cháu 300 lượng vàng, thì cháu thấy thế nào?

- Cũng không được.

- Vậy nếu ta trả cháu 3000 lượng vàng để hai ông cháu chúng ta hoán đổi số phận, để cháu trở thành một lão già như ta có được không?

- Đương nhiên là không.

- Cháu muốn giàu. Vậy nếu ta trao cho cháu 30,000 lượng vàng để lấy đi mạng sống của cháu, thì cháu thấy thế nào?

- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu đang là một người giàu có mà cháu không biết.

Suy niệm 1: Người ta thường nói: "Đứng núi này trông núi kia cao". Nhiều người lúc nào cũng mở miệng than thân trách số phận mình đen bạc, đang khi thực ra họ còn đang hạnh phúc hơn nhiều người. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải cố gắng chu toàn bổn phận của mình bằng hết khả năng Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc được trao phó có thể phát sinh thêm nhiều nén bạc khác, thì mới đáng được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời đời sau.

Tin mừng Gio-an hôm nay cho biết về công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa như sau: “Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tao thành” (Ga 1,1-3).

Hôm nay, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu biết giá trị của công việc tạo dựng của Thiên Chúa và dạy chúng ta phải tích cực cộng tác với Chúa để hoàn thiện thiên nhiên như Chúa đã tự nhủ khi tạo nên loài người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).  

- Loài người được trao quyền làm chủ thiên nhiên:

Sau khi sáng tạo trời đất, Thiên Chúa đã trồng một vườn cây ở Ê-đen về phía Đông, và đặt vào đó con người do ngài dựng nên… “Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,9). Như vậy, Thiên Chúa không muốn con người ở không, nhưng đòi họ phải làm việc. Bởi vì: “Nhàn cư vi bất thiện”. Từ đây con người phải làm việc theo thánh ý Thiên Chúa và chỉ làm việc thành công khi biết cậy dựa vào ơn Chúa giúp như tác giả Thánh Vịnh đã viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.” (Tv 127,1).

- Gương sáng lao động của thánh gia Na-da-rét: 

Khi xuống thế làm người, Đức Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó tại làng Na-da-rét: Cha nuôi của Người là ông Giu-se hành nghề thợ mộc, mẹ đẻ là bà Ma-ri-a thì chăm lo công việc nội trợ phục vụ chồng con. Còn trẻ Giê-su thì ngoan ngoãn hiếu thảo vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) và sẵn sàng chia sẻ với nỗi vất vả của cha mẹ, qui hướng mọi việc theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41), và luôn làm vui lòng Ngài (x. Lc 2,46; Ga 4,34).

Trong khi đi giảng đạo, Đức Giê-su đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi thứ tật bệnh. Người đặt nặng việc phục vụ tha nhân hơn việc giữ Luật Mô-sê. Do đó Người đã chữa bệnh trong ngày sa-bát là ngày bị cấm làm việc. Người đã trả lời cho các đầu mục Do thái như sau: "Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27-28). Đức Giê-su cũng khẳng định vai trò ngang hàng với Thiên Chúa trong công việc như sau: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

- Phải chăm chỉ làm việc để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân:

Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn của Đức Giê-su về những nén bạc nhằm dạy môn đệ phải cộng tác để làm lợi ra các nén bạc vật chất tinh thần được Chúa trao phó như sau: Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông: người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén tùy khả năng mỗi người. Điều ông muốn nơi các đầy tớ là sự chăm chỉ làm việc theo ý của ông và không chấp nhận sự lười biếng. Khi ông chủ trở về và đòi các đầy tớ tính sổ: người đã lãnh năm nén ba nén bạc đều đã làm lợi thêm gấp đôi nên được chủ khen thưởng. Trái lại, người lãnh một nén do sự bất tín và biếng nhác đã mang nén bạc đi chôn vì sợ hãi thay vì yêu mến ông chủ. Anh ta đã bị mất những gì đang có.

-  “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” :

Thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phao-lô nghe biết có một số tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13). Rồi khi từ biệt các tín hữu ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm về sự làm việc như sau: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20,33-35).

- Chúng ta phải làm gì?

Trong Kinh Tiền Tụng lễ Mùng Ba Tết, Hội Thánh đã ca tụng Thiên Chúa như sau: "Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại thế ".

Giáo phụ Tê-tu-li-a-nô dạy người tín hữu phải làm mọi việc với tinh thần đức Tin như sau: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu phải làm mọi sự qui hướng về Thiên Chúa: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Mỗi người chúng ta hãy làm việc theo đúng luật và phù hợp với thánh ý Thiên Chúa khi biết sử dụng và làm lợi thêm ra những gì Chúa trao như: Sự sống, thời gian, tài năng, của cải, con cái... và cần ý thức rằng: chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tòa phán xét sau này.

- Lời cầu:

Lạy Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc chúng con vẫn còn lười biếng, chưa tích cực cộng tác với Chúa để chu toàn các nhiệm vụ được Chúa và Hội Thánh trao phó. Chúng con cũng thường kêu trách Chúa khi cầu xin mà không được như ý. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng những gì trong tầm tay để phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con sau này được Chúa cho vào Nước Trời hưởng Tôn nhan Chúa muôn đời. Amen. (St)


Suy niệm 2:  Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

Làm ăn sinh sống là chuyện quan trọng. Nó chiếm phần lớn thời giờ và tâm lực của chúng ta, nên Hội Thánh Việt Nam muốn dành ngày mồng 3 tết
để thánh hóa công việc làm.

Làm việc không phải là chuyện trần tục, đáng khinh. Làm việc nằm ở trong chương trình của Thiên Chúa ngay khi tạo dựng con người, khi ấy Thiên Chúa đã trao cho Ađam và Eva thay mặt Thiên Chúa để chăm sóc và bảo vệ thế giới vật chất này: hãy làm chủ và canh giữ vườn.

Có người nghĩ rằng trên thiên đàng, Thiên Chúa chỉ biết khoanh tay vui hưởng hạnh phúc trong một ngày sa-bát dài vô tận. Thật ra, Thiên Chúa chúng ta vẫn làm việc không ngơi. Chính Chúa Giêsu cho ta biết điều đó: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc" (Ga 5, 17).

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì Ngài cũng là một Thiên Chúa làm việc. Vì Ngài không ngừng yêu chúng ta nên Ngài cũng không ngừng làm việc, bởi lẽ công việc dấu hiệu biểu lộ Tình Yêu.

Sáng tạo và tiếp tục sáng tạo là việc của Thiên Chúa. Ngài ban sự sống, duy trì và làm cho nó lớn lên. "Chính trong Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu." Có thể nói hạnh phúc của Thiên Chúa trên trời là làm việc để phục vụ cho con người dưới thế. Thiên Ðàng có những cửa sổ quay về trần gian !

Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng say mê làm việc. Làm người là một việc lớn Cha giao cho Ngài, một công việc khó khăn đòi nhiều năm tập luyện.

Trong những năm dài âm thầm ở Na-da-rét, cũng là thời gian miệt mài làm việc để nuôi sống bản thân và cha mẹ.

Những ngày tháng lê gót khắp xứ Pa-lét-tin để loan báo Tin Vui cho người nghèo khổ và băng bó vết thương cho người đau yếu.

Những ngày mải mê phục vụ, thầy trò không có giờ ăn.

Những khi đói khát, lang thang, đầu không chỗ tựa.

Những khi mệt nhoài, nằm ngủ say trên thuyền.

Cả ngày sa-bát cũng là ngày làm việc, vì ngày của Chúa cũng là ngày phục vụ con người, Ðức Giêsu luôn canh cánh bên lòng về việc Cha giao.

Cha muốn Con cứu chuộc nhân loại bằng cái chết đầy yêu thương tha thứ. "Thế là đã hoàn tất" (Ga 19, 30).

Ðức Giêsu thanh thản ra đi khi công việc đã vuông tròn.

"Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." Noi gương Ðức Giêsu, việc làm của từng người chúng ta phải gắn bó với việc sáng tạo của chính Thiên Chúa.

 Lao động không phải là hình phạt, nhưng là một bổn phận "Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn." (2Tx 3, 10)

Lao động nào cũng đòi sự cố gắng của cả con người. Hãy đầu tư nhiều tình yêu vào công việc nhỏ bé.

Lao động là vinh quang cho con người vì làm cho con người trở nên ông chủ của vũ trụ.

Lao động là vinh quang cho Thiên Chúa vì làm cho trái đất được trở nên thần linh hơn.

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới: Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin

Con mơ ước những người thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Con ước mơ một thế giới đầy màu xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con người những ước mơ, thì xin giúp chúng con thực hiện những ước mơ đó bằng cách ra công làm việc như lời Chúa phán dạy: “Hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng vì của ăn mang lại sự sống đời đời”.

Vậy ta phải làm việc chứ không thể ngồi chờ lòng thương xót của người khác, cũng không phải để ngồi chờ vận may. Chăm chỉ làm việc sẽ mang đến những giá trị tinh thần và vật chất.

Về vật chất, giúp chúng ta cải thiện đời sống con người, xây dựng xã hội và công ích.

Về tinh thần, làm việc chân chính sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng và sử dụng tiền của cho hợp lý và thánh thiện, đồng thời còn đưa đến việc thực hành bác ái cách chân thành.

Nhưng làm việc thì vất vả, mệt nhọc. Chỉ có Chúa mới nhìn thấy và hiểu rõ nhất những vất vả và gánh nặng trên hành trình mưu sinh của mỗi người chúng ta, và cũng chỉ có Chúa mới là nguồn động viên an ủi, tiếp thêm sức lực chúng ta trên đường đời hiệu quả nhất.

Xin Chúa thánh hoá những công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này và ban cho chúng ta được một năm tràn đầy may mắn trong mọi ngành nghề, từ lao động chân tay cho đến trí óc, từ ngoài đồng cho đến văn phòng công ty, xí nghiệp.

Xin Chúa ban ơn thêm sức giúp chúng ta vượt thắng được mọi gánh nặng và dìu dắt chúng ta vượt thoát được mọi tai ương, hoạn nạn trên đường đời.

(x. Nguồn: https://vntaiwan.catholic.org.tw/manna2)


Suy niệm 3:CHO MỘT MỤC ĐÍCH

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”.

“Sống không mục đích, bạn như con tàu không bánh lái; một vật trôi dạt vô dụng. Hãy có một mục đích sống! Dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp vào điều Chúa muốn. Đừng quên, bạn được gọi cho một mục đích!” - Thomas Carlyle.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cho một mục đích’ cũng là chủ đề của Lời Chúa ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm. Các bài đọc tiết lộ nhân vật chính của câu chuyện lớn hôm nay là ai, Đấng ấy làm gì, muốn gì?

Ngài là Chúa, Đấng tạo thành muôn loài muôn vật; Ngài muốn con người tiếp tục công trình, nó được gọi ‘cho một mục đích’, để “cày cấy và canh giữ đất đai”. Khởi đầu của vũ trụ không là một ‘tai nạn’ ngẫu nhiên, nhưng là kết quả từ ý muốn của Thiên Chúa

- Bài đọc Sáng Thế. Sau năm ngày tạo dựng, Ngài tạo nên con người, hình thành nó từ bụi đất. Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất tượng trưng cho một thứ gì đó ít giá trị, thấp kém và hèn mọn. Nhưng Thiên Chúa đã thở vào mũi nó; với hơi thở sự sống thần thánh này, nó không chỉ trở thành một thực thể sống nhưng nó còn mang hình ảnh Ngài. Có hơi thở của Ngài, Thần Khí, con người được phúc chia sẻ quyền thống trị vạn vật với Thiên Chúa. Rõ ràng, nó được gọi ‘cho một mục đích!’.

Mục đích của Thiên Chúa thật rõ khi đem con người đặt vào “vườn”: “Để cày cấy và canh giữ đất đai”. “Vườn” là “ngôi nhà chung” mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, người được gọi ‘cho một mục đích’ đã nêu gương, “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” - bài đọc hai.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên, họ đã mạo hiểm nhân đôi những yến bạc đã lãnh nhận. Họ được khen vì đã chu tất cam kết đối với Ông Chủ và Vương Quốc Ngài. Họ nhìn những ân ban trong sự ngạc nhiên. Cuộc sống, sức khỏe, đức tin, tài năng; bên cạnh đó, ‘những con người’ đã đi vào, đã lấp đầy, đã làm nên cuộc đời của họ. Họ không ngừng tạ ơn; chính việc tạ ơn giúp họ phát triển mối quan hệ đáng yêu này ngày một thắm thiết hơn với Đấng tặng ban.

Đầy tớ thứ ba đã đánh mất những tài năng anh có. Một khi quà tặng không được sử dụng, sự tốt lành của Thiên Chúa lập tức bị nghi ngờ. Anh quên rằng, anh được gọi ‘cho một mục đích’.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn”. Bạn và tôi được dựng nên, được “đặt vào vườn”, nghĩa là được gọi ‘cho một mục đích’. Hạnh phúc thay khi được chia sẻ quyền làm chủ vạn vật với Chúa; như thế, lao động là cộng tác với Ngài. Vì vậy, hãy “dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp” trong Năm Mới này với tâm thức của một nhà khai phá; đừng làm gì với tâm thức của một tù nhân! Nhưng mục đích đó chỉ đạt được khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hỏi với “Chúa muôn trùng cao cả” - Thánh Vịnh đáp ca. Hãy dành cho Thiên Chúa một chỗ trong mọi công việc; biến lao nhọc thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm đầy can đảm ở đời này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống lây lất vốn chỉ thêm ‘chật đất’. Cho con dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần ‘ngân sách’ đã lãnh nhận!”, Amen.

 

CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Ngày vui, Tết hết qua mau,

Bắc tay vào việc lẽ nào lại quên.

Sáng soi xin Chúa ta nên,

Xin cho biết việc chớ quên nguyện cầu.


Việc làm năm mới khởi đầu,

Sao cho Danh Chúa nhiệm mầu tỏ soi;

Khi làm, Chúa ghé mắt coi.

Hoàn thành, khởi sự chúng tôi dâng Ngài.

 

Sáng thế Chúa đã an bài,

Dựng nên Nguyên Tổ, Chúa sai “giữ vườn".

Giê su thì dạy tỏ tường:

"Cha tôi làm việc tôi thường làm theo".


Việc làm tuy lắm gieo neo;

Nhưng  noi gương Chúa, làm theo Ý Ngài.

Chúng ta làm việc hôm nay,

Hãy dâng cho Chúa, xin Ngài gúp ta.

 

Hạnh phúc công việc làm ra,

Xin Chúa soi sáng cho ta hoàn thành.

Mùa màn hoa lợi thu nhanh,

Đủ ăn, nuôi sống …, giúp anh em mình;


Xin cho thời tiết đẹp xinh,

Việc làm phú túc, dân lành khang an,

Xin cho công việc năm sang,

Xứng tài, xứng đức, ngập tràn phúc vinh.


Lạy Chúa, tạo hóa anh minh,

Đôi tay khối óc. Con xin tận dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...