Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA CHAY

Lm. Nguyệt Giang

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B

St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,1-9

Suy niệm 1: LÀM GÌ ĐỂ XỨNG DANH LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHÚA

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng lên núi với Chúa Giêsu, không phải để được biến hình nhưng là để biến đổi đời sống, nhờ biết lắng nghe lời dạy của Chúa Giêsu, người Con chí ái của Chúa Cha, trở nên hoàn thiện hơn theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48).

Nếu Chúa nhật thứ I MC, Tin mừng mời gọi chúng ta cùng hiệp hành theo Đức Giêsu tiến vào sa mạc dưới sự tác động của CTT để chay tịnh và cầu nguyện mà đủ sức chiến đấu chống lại thế lực của ma quỷ, thì Chúa nhật II MC hôm nay, lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta dấn bước theo Đức Giêsu tiến lên núi cao để tiếp xúc thân mật với Chúa Cha mà biến đổi đời sống, với mong muốn được trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu Kitô. Có thể nói ơn gọi cùng đích của người Kitô hữu chính là trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu. Nhưng làm thế nào để ta trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu? Tin mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta một vài gợi ý sau đây:

- Chấp nhận đi vào con đường thập giá.

Nếu trước đó 6 ngày, Chúa Giêsu khi loan báo về cuộc thương khó mà Ngài sắp trãi qua, thì các môn đệ, nhất là Phê-rô đã không chấp nhận và quyết liệt can ngăn Thầy mình đi vào con đường hẹp ấy; thì với cuộc biến hình này, Chúa Giêsu như muốn giúp các ông hiểu rằng: vinh quang chỉ đến sau khi chấp nhận đi vào con đường thập giá.

- Tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Tin mừng cho biết trong khi cầu nguyện trên núi cao, thì hình dạng Đức Giêsu bổng biến đổi lạ thường: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Và rồi ngay lúc ấy, Chúa Cha đã xác nhận Đức Giêsu chính là Con yêu dấu của Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17). Qua đây Đức Giêsu muốn bày tỏ Thiên tính của Ngài và củng cố lòng tin vững vàng nơi các môn đệ.

- Vâng nghe lời Chúa Giêsu chỉ dạy.

Với sự hiện diện của Mô-sê (đại diện cho luật cựu ước) và Ê-li-a (đại diện cho ngôn sứ cựu ước) trong biến cố biến hình trên núi cao xác định cho ta biết: Đức Giêsu chính là Môsê và Êlia mới. Nơi Ngài gom tóm toàn thể lề luật và lời các ngôn sứ được nói trong Cựu ước. Từ nay lề luật và lời các ngôn sứ được kiện toàn nơi Chúa Giêsu. Bởi thế khi rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã từng xác quyết mạnh mẽ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17). Cho nên ta mới hiểu được vì sao trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan và hôm nay trên núi cao có tiếng Chúa Cha phán bảo: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5; Mc 9,6; Lc 9,35) Vậy để trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu, đòi buộc chúng ta phải thực hiện hai việcquan trọng sau đây:

1. Phải chấp nhận từ bỏ tất cả để tiến bước trên hành trình đức tin theo Đức Giêsu, với niềm tín thác tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa, theo gương tổ phụ Abraham khi xưa. (x. bài đọc 1).

2. Phải luôn chú tâm lắng nghe và thực hành lời Chúa bằng cách để cho Lời Chúa thấm nhập vào mọi ý tưởng, lời nói và việc làm của ta, để như lời Thánh Phaolô chúng ta xác quyết được rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). 

Thực hiện được như thế, tin rằng Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng của Ngài mà chế ngự tất cả những yếu hèn trong chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên vinh sáng như Ngài (x. bài đọc 2). 


Suy niệm 2: MỤC ĐÍCH CỦA BIẾN CỐ HIỂN DUNG

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện biến hình của Chúa Giêsu trên núi cao, nhằm củng cố niềm tin cho các môn đệ và mạc khải Thiên Tính của Người. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu mà sẵn sàng đón nhận những thập giá xảy đến trong đời sống thường ngày.

Biến cố biến hình trên núi Tabor xảy ra sau khi Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn và cái chết mà Người sẽ phải trải qua trước đó 6 ngày. Nhưng khi ấy các môn đệ, nhất là tông đồ Phêrô không chấp nhận nên ông đã đứng ra can ngăn quyết liệt. Cho nên ông đã bị Chúa Giêsu khiển trách rất nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người.” (Mc 8,33). Đặt sự kiện biến hình trong bố cảnh ấy, ta mới hiểu được mục đích mà Chúa muốn nhắm đến là gì:

1. Củng cố đức tin cho các môn đệ: Qua lời tuyên bố của Chúa Cha từ trên cao: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”, Chúa Cha như muốn giúp các môn đệ xác tín mạnh mẽ về niềm tin của mình vào Đức Giêsu chính là Thiên Chúa làm người.

2. Giúp các môn đệ chấp nhận con đường thập giá:

Con đường thập giá là đường đau khổ, chẳng ai muốn đi. Sự kiện biến hình rực rỡ trên đỉnh núi Tabor như là liều thuốc đắng bọc đường, gíúp các môn đệ dễ dàng nuốt lấy vị đắng của hy sinh thập giá mà Chúa Giêsu sắp bước vào; cũng như giúp các ông đủ sức vượt qua những khó khăn, gian khổ khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng nước trời mà Chúa trao phó cho các ông sau này.

Thật vậy, một khi đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người thì các môn đệ mới đủ can đảm dấn bước theo Chúa đến cùng trên con đường thập giá và sẵn lòng đón nhận những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc đời mình. Thật vậy, chính nhờ đón nhận sức mạnh niềm tin do Chúa Thánh Thần ban xuống trong ngày lễ ngũ tuần mà các môn đệ đã vượt thắng mọi nỗi lo sợ để hăng hái lên đường thi hành sứ mạng loan báo niềm vui tin mừng cho mọi người, cho dẫu gặp phải nhiều gian lao thử thách, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình các ông cũng không hề nao núng. Bởi các ông tin rằng ngang qua thập giá sẽ đạt đến vinh quang phục sinh.

Sức mạnh của niềm tin ấy đã được minh chứng nơi tổ phụ Abraham trong bài đọc 1. Abraham đã đặt trọn niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa nên ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa mà sát tết Isaac con mình. Với cái nhìn tự nhiên thì đây là một đòi hỏi vô lý, không thể chấp nhận được, bởi vì vừa đi ngược với đạo lý làm người, vừa đi ngược lại với hứa mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông về một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và cát ngoài biển cả trước đó. Thế nhưng vì đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, nên Abraham đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Thấu hiểu được tấm lòng của Abraham nên Thiên Chúa đã buông tha Isaac, người con trai yêu quý của ông.

Bài đọc II trích thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phao-lô thấy tình yêu mãnh liệt mà TC dành cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Vì yêu chúng ta quá đỗi nên Đức Kitô đã sẵn sàng từ bỏ mọi vinh quang thuộc về mình để chấp nhận sinh hạ xuống thế gian trong thân phận con người, Ngài chịu nhiều đau khổ và sau cùng chết đau thương trên thập tự giá chỉ "vì tất cả chúng ta” “và để cứu rỗi chúng ta”; rồi khi sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài lại tiếp tục "biện hộ cho chúng ta" trước tòa Cha.

"Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?" Cho nên điều quan trọng là ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng yêu thương. Chính niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt thắng tất cả mọi gian khó, ngay cả phải hy sinh mạng sống mình. Bởi lẽ chúng ta hiểu rằng chỉ có Chúa mới có quyền quyết định trên vận mạng con người chúng ta. Sự sống chết linh hồn và thân xác của chúng ta thuộc về Người.

Xin Chúa thương củng cố niềm tin cho chúng ta, để chúng ta vững bước theo Chúa đến cùng theo gương tổ phụ Abraham. Nhất là trong mùa chay thánh này, xin cho chúng ta dám chấp nhận hy sinh thời giờ, sức khỏe, thú vui và cả tiền bạc nữa để góp phần tham gia vào các việc đạo đức phụng thờ Thiên Chúa và hy sinh phục vụ mọi người với niềm tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa. Amen.


Suy niệm 3: BIẾN ĐỔI ĐỜI CON CHÚA ƠI!

Tin mừng Chúa nhật II MC hôm nay mời gọi chúng ta hiệp hành theo Chúa Giêsu tiến lên núi cao, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, với niềm hy vọng được Chúa biến đổi đời sống, trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Chúa Giêsu. Nhưng làm thế nào để đời ta được biến đổi? Lời Chúa hôm nay sẽ hướng dẫn chúng ta đôi điều:

1. Bài đọc 1, trích sách Sáng thế cho chúng ta biết: Abram trước khi trở thành tổ phụ của một dân đông đảo như sao trên trời và cát ngoài bãi biển, ông Abram đã phải chấp nhận “từ bỏ”:

- Từ bỏ cái tên Abram cũ để mặc lấy cái tên mới do chính Thiên Chúa đặt cho là Abraham.

- Từ bỏ nhà cửa, của cải, quê hương hương xứ sở, những người thân quen… đã gắn bó một thời để dấn bước lên đường đi đến một vùng đất vô định do Thiên Chúa sẽ chỉ định ở phía trước.

- Từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa mà con đường phía trước tăm tối mù mịt là một thử thách lớn lao.

- Từ bỏ tình thân máu mủ ruột thịt sẵn sàng sát tế người con một yêu quý của mình là Isaac mà dâng hiến cho Thiên Chúa. Có thể nói hành động ấy chính là đỉnh cao của việc từ bỏ nơi tổ phụ Abraham.

Với cái nhìn tự nhiên của con người thì những việc làm từ bỏ của Abram quả là dại khờ, bởi không có điều gì làm bảo đảm cho tương lai cả. Tuy nhiên những gì mà con người tưởng chừng như là dại dột, tăm tối thì với Thiên Chúa lại là điều khôn ngoan và tươi sáng. Thật vậy chính nhờ sự vâng phục Thiên Chúa sẵn sàng bỏ lại tất cả những gì mình có, mà ánh sáng ơn cứu độ của lời hứa năm xưa nơi vườn địa đàng của Thiên Chúa nay được bừng sáng; cũng chính nhờ sự vâng phục Thiên Chúa với tất cả lòng tin yêu phó thác mà tên tuổi của Abraham được khắc ghi mãi đến muôn đời và danh hiệu “Cha của những kẻ tin” được vinh danh mãi.

2. Bài đọc 2, trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi cho tín hữu Rô-ma, nhắc nhớ chúng ta rằng: để được biến đổi trở nên người con Chúa, ngoài việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa, ta mà còn phải tích cực phục vụ lợi ích cho con người theo mẫu gương của Đức Giêsu. Ngài đã ẵn sàng chịu chết đau thương trên thập giá “vì tất cả chúng ta”; và sống lại vinh quang, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha cũng là để biện hộ và cứu rỗi chúng ta. Như vậy để được biến đổi trở nên người con yêu dấu của Chúa Cha trong Đức Giêsu quả là điều không hề dễ dàng chút nào. Vì thế mà

3. Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng biến cố biến hình trên núi Tabor tựa như một viên thuốc đắng bọc đường, nhằm hóa giải cho con đường thập giá phía trước mà Ngài phải trải qua. Cho nên qua sự kiện biến hình trên núi Tabor, Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn đệ cũng như mọi người chúng ta hãy:

- Vững tin vào con đường thập giá mà Đức Giêsu phải đi. Nếu trước đó, khi loan báo về cuộc thương khó Ngài sắp trải qua, các môn đệ, nhất là Phêrô đã không chấp nhận và quyết liệt can ngăn; thì qua cuộc biến hình này, Chúa Giêsu muốn giúp các ông hiểu rằng vinh quang phục sinh chỉ bừng sáng xuyên qua con đường thập giá.

- Vững dạ an lòng vì Ngài chính là Con Thiên Chúa. Tin mừng cho biết trong khi cầu nguyện trên núi cao, thì hình dạng Ngài bổng biến đổi: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Và khi ấy, chính Chúa Cha đã xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

- Hãy ngoan ngoãn vâng nghe lời Chúa. Trong cuộc biến hình có sự xuất hiện của hai nhân vật quan trọng thời Cựu ước là ông Mô-sê và Ê-li-a. Điều này xác nhận cho ta biết rằng Đức Giêsu chính là Môsê và Êlia mới. Từ nay toàn thể lề luật và lời các ngôn sứ trong Cựu ước được gom tóm và kiện toàn cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu. Chính vì thế mà Chúa Cha mới kêu mời chúng ta là hãy: "vâng nghe lời Người". 

Vậy đễ vâng nghe Lời Người, chúng ta cần phải thực hiện hai việc chính yếu sau đây:

Chấp nhận từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Thiên Chúa theo gương của tổ phục Abraham, cha những kẻ tin. Cách đặc biệt là noi gương Đức Kitô luôn tín thác tuyệt đối vào thánh ý của Chúa Cha, như Ngài đã xác quyết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34)

+ Phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa qua việc say mê học hỏi, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Hãy để cho Lời Chúa thấm nhập vào mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta trong mọi sinh hoạt đời thường, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Làm được như thế đời ta mới được biến đổi trở nên “Con yêu dấu của Chúa Cha” trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Amen.


Suy niệm 4: CAI SỮA VÀ CHIÊM NGẮM

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

Vima Dasan nói: “Số phận của mỗi Kitô hữu được viết giữa hai ngọn núi: Golgotha là nơi cai sữa; và Taborê là nơi chiêm ngắm. Phẩm chất đời sống đức tin của mỗi người được quyết định bởi mức độ hy sinh và chiêm ngắm của họ!”

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng ‘cai sữa và chiêm ngắm’ của Vima Dasan được gặp lại qua phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay.

Sự trưởng thành trong niềm tin vào Thiên Chúa của bất cứ ai nhất định phải trải qua hai giai đoạn không thể thiếu trên ‘hai ngọn núi’ ấy trong cuộc đời của họ!

Thiên Chúa không nhặt những chiếc bình của con người để sử dụng mà trước hết không cai sữa cho họ và huấn luyện họ. Ngài đã huấn luyện từ xa cho Abraham, “Hãy rời quê hương, bà con và nhà cha ngươi để đến xứ Ta sẽ chỉ!”. Abraham phải dò dẫm, tập lắng nghe, và Thiên Chúa đã chuẩn bị ông bằng việc cai sữa khỏi mọi tình cảm và của cải. Khắc nghiệt nhất là việc ông phải hiến tế Isaac, con ruột, trên núi Môrigia - bài đọc một.

Mùa Chay, ‘mùa lên núi’, mùa bạn học biết việc ‘cai sữa’, mùa hiến tế những gì còn ràng buộc cái tôi vốn đang dính trết với những gì thuộc thế gian. Tuy nhiên, đừng lo! Thiên Chúa đã dự liệu. Núi Môrigia, nơi Abraham hiến tế con, còn có tên là núi ‘Chúa sẽ liệu’; ở đó, ông nhận biết một Thiên Chúa có trái tim thương xót. Ngài tha chết cho con ông! Nhờ đó, lòng tin của ông vào Ngài ngày càng tuyệt đối, và ông sẽ là “Cha các kẻ tin”.

Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc này để nói đến cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng đã xảy ra trên một ngọn núi ‘Chúa sẽ liệu’ khác, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” - bài đọc hai.

Bạn và tôi phải đến Môrigia, hoặc Golgotha đời mình, nơi chúng ta học cách ‘cai sữa’ và hiến tế những gì yêu quý nhất, ‘những Isaac’ đời mình; đồng thời, phải đến Taborê, nơi chúng ta sẽ học cách chiêm ngắm và cầu nguyện trong Thánh Linh. Vấn đề của Kitô hữu thời hiện đại là nhiều người không còn muốn đến bất kỳ ngọn núi phát triển tâm linh nào. Và đó là lý do tại sao một số trong chúng ta chậm trưởng thành trong đời sống đức tin.

Một ngọn núi cấp thiết khác không thể thiếu trong đời sống là ngọn núi chiêm ngắm và cầu nguyện. Trên Taborê, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh của Ngài. Việc chứng kiến vinh quang thần tính nơi Thầy mình hẳn sẽ giúp họ mỗi khi bị cám dỗ nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẫn bách hoặc những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Cũng thế, bạn và tôi hãy thường xuyên sống lại những giây phút ngọt ngào Chúa ban bằng việc chiêm ngắm và cầu nguyện hầu đủ sức vượt những chướng ngại cuộc đời.

Anh Chị em,

“Người đưa các ông… tới một ngọn núi cao”. Tất cả chúng ta cần phải rời xa nhau, thường xuyên lên những ngọn núi đời mình trong một không gian thinh lặng để tìm lại chính mình và nhận biết rõ hơn tiếng nói của Chúa. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện truyền cảm hứng cho chúng ta một lần nữa để “xuống núi” và trở về thung lũng, nơi chúng ta gặp nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi sự mệt mỏi, bất công, nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần và nâng đỡ họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chẳng có cuộc lên núi nào là dễ chịu, cho con yêu mến việc ‘cai sữa và chiêm ngắm’ mà Chúa đã chuẩn bị cho con cách này cách khác!”, Amen.


Tin Chúa, Abra-ham sát tế con

Thương ta, Chúa ban tặng lòng son.

Giê su tỏ rạng vinh quang Chúa.

Gương sáng cho ta, muốn làm con.

 

ƠN CHÚA BAN

Mùa Chay, Giáo Hội nhắc ta

Nhớ “Con Một Chúa” thương ta xuống đời.

Chúa Cha ban tặng thế thời.

Giê su gương mẫu, cho đời sống theo.

 

Abra ham tin Chúa vâng theo

Sẵn sàng sát tế con theo Ý Ngài.

Chúa nhận, bảo phải dừng tay

Kể ông công chin tin Ngài dâng con.

 

Phao-lô suy nghĩ “Người Con”

Vì thương nhân loại ban “Con Yêu Ngài”.

Giê su đến chịu chết thay,

Và khi sống lại chính Ngài hộ ta.

 

Biến hình, bài học sâu xa.

Từ trời tiếng của Chúa Cha gọi mời:

Đây Con Yêu Dấu cho đời.

 “Quyết tâm học hỏi, theo Lời Chúa khuyên.

 

Vào mùa Chay Thánh cần chuyên.

Vững tin vào Chúa ngoan hiền thực thi.

Biển đời sự dữ lo chi.

Cùng đi với Chúa lo gì gian nan.

 

Sám hối tội lỗi đeo mang.

Thực thi bác ái vinh quang Chúa mời.

(Hai Lúa)

 

Thứ hai: Lc 6, 36-38

Trong cuộc sống, có lẽ không ai trong chúng ta muốn bị người khác dòm ngó, bới móc mình. Vậy chúng ta cũng đừng làm cho người khác điều gì mà chính chúng ta cũng không ưa thích.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên con cái đích thực của Chúa bằng cách thể hiện lòng nhân từ với tha nhân theo mẫu gương của Chúa: “Biết tha thứ và cho đi” hay ít nhất đừng tước lấy quyền của Chúa mà xét đóan và kết án anh em mình.

Truyện kể:

Ông bà già nọ rất yêu quý cháu nội đích tôn của mình. Một hôm hai ông bà ngồi bên nhau xem cháu nội ngủ. Vì lẽ thương cháu quá, bà nội lên tiếng bảo:

- Ông thấy không, hai con mắt nó khi ngủ giống tôi như đúc vậy!

- Ông nội gật gù nói: À… thì giống, nhưng chỉ khi nó ngủ thôi, còn khi nó thức cặp mắt nó có khác gì tôi đâu.

- Ngắm xem cháu được một lúc, ông lại lên tiếng: Bà xem, khi nó ngủ cái miệng nó giống in hệt tôi vậy đó!

- À thì lúc ngủ, còn khi nó thức, ông trông cái miệng nó và miệng tôi có khác gì nào! Bà trả lời.

- Ông nội gật đầu bảo: Vậy tôi biết lý do tại sao nó lại nói chuyện và ăn hàng nhiều rồi…(vì cái miệng giống bà).

Mong ước lớn lao của ông bà cha mẹ là làm sao con cái trở nên giống mình, ít nhất là ở hình thể bên ngoài. Nó sẽ còn tốt hơn nếu con cái giống mình về cả tâm tính. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Thiên Chúa là người Cha giàu lòng yêu thương, cũng muốn chúng ta là những người con trở nên giống Người.

Niềm vui và hãnh diện của cha mẹ là con cái giống mình. Cũng thế Thiên Chúa Người Cha của mọi người Cha sẽ vui mừng và hãnh diện biết mấy nếu chúng ta nên giống Chúa.

Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, vì thế Người cũng mong chúng ta phải có lòng nhân từ như Người.

Để thể hiện lòng nhân từ, một mặt Chúa dạy chúng ta “đừng xét đoán” và “đừng kết án” ai cả. Mặt khác cách tích cực “hãy tha thứ” và “hãy cho đi”.

Nhưng hình như do hậu quả của tội nguyên tổ và ảnh hưởng của bầu khí hận thù chống đối của Satan xưa, nên chúng ta thường làm ngược lại điều Thiên Chúa mong muốn.

Chính chất độc tội nguyên tổ đã tiêm vào người ta và bầu khí ô nhiễm chống đối của Satan thấm nhập hồn ta nên hình dáng chúng ta đã bị biến dạng, tâm tính chúng ta bị biến chất, không còn là hình ảnh tốt đẹp của Chúa nữa; cung cách đối xử với nhau không còn dựa trên tình yêu, lòng nhân từ của Chúa nữa.

Chúng ta thường thích xét đoán người khác hơn xét đoán chính mình. Chúng ta thường thích lên án người khác hơn lên án chính mình. Trong khi Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, chí thánh, uy quyền nhưng Chúa không hề xét đoán hay lên án mà một mực tìm cách cứu vớt và luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội ăn năn sám hối để Người tha thứ.

Thiên Chúa là Tình Yêu và là Đấng nhân từ giàu lòng thương xót. Chúa muốn chúng ta hãy trở nên giống Người bởi chính Người là Cha chúng ta.

Niềm vui và hảnh diện của Cha là nhìn thấy con cái cố gắng để trở nên giống mình. Và bình an và hạnh phúc của con cái chỉ có được khi biết vâng lời Cha và noi theo nếp sống tốt đẹp của Cha mẹ mình.

Xin Chúa cho chúng con, những người con Chúa ngày càng giống Chúa nhân từ quảng đại. Không bao giờ xét đoán, phê bình chỉ trích, nói hành nói xấu, cáo gian ai. Trái lại luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng. Luôn  biết nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho mọi người. Biết cho đi không cần toan tính. Nhất là biết sẵn sàng thứ tha cho nhau như Chúa hằng tha thứ cho chúng con. Amen.

 

Suy niệm 2:

Nhân gian thương nói: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Cha mẹ rất vui khi con cái giống mình và con cái cũng cảm thấy hạnh phúc khi biết mình giống cha mẹ. Giống về hình thể và tâm tính sẽ là vinh dự biết mấy! Cũng vậy Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Người cũng sẽ rất vui khi thấy ta giống Người về lòng nhân từ hay tha thứ.

Điểm nhấn của đoạn tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về mối tương quan giữa con người với nhau. Mối tương quan này chính là tiêu chí và là nền tảng để Chúa đánh giá về mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Nếu chúng ta sống nhân từ hay tha thứ cho anh em mình thì Chúa sẽ bao dung tha thứ cho ta. Nếu chúng ta dám quảng đại cho đi thì Chúa sẽ bù đắp lại cho ta dư đầy. Còn ngược lại, nếu ta xét đoán người khác thì chính Chúa cũng sẽ xét đoán chúng ta; chúng ta không tha thứ cho người khác Chúa cũng không tha cho ta và nếu ích kỉ không dám hy sinh cho đi thì Chúa cũng bù đắp cho chúng ta.

Xét đoán chủ quan, sống ích kỉ, thiếu lòng bao dung dấu chứng cho thấy con tim bị lỗi nhịp và cái nhìn bị lệch chuẩn. Vì thế rất cần thanh luyện lại con tim và chỉnh sửa lại đôi mắt qua việc cảm nhận tình yêu của Chúa dành cho ta và dùng ánh sáng lời Chúa mà soi rọi lại đời sống của ta. Nhờ đó ta mới nhận ra lòng nhân từ của TC dành cho ta mà thay đổi đời sống sao cho nên giống Chúa.

 

Thứ ba: Mt 23, 1-12

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của các kinh sư và những người Pharisêu. Đồng thời Chúa cũng kêu mời chúng ta hãy sống theo những gì họ dạy. Nhưng tránh làm theo những gì họ làm. Bởi họ dạy một đàng, lại làm một ngã. Nói thì đúng, làm thì sai. Dạy sống đạo đức, nhưng lại sống bất nhân.

Xin cho chúng ta biết can đảm sống và làm chứng cho sự thật với lòng thành giữa một xã hội còn nhiều gian dối và lọc lừa.

Chuyện vui:

Để phân biệt được đâu là người Việt, đâu là người Trung Quốc, đâu là người Nhật và đâu là người Mỹ, người ta dựa vào hai yếu tố: “Nói” và “Làm”

Người Mỹ: nói gì thì làm đấy.

Người Nhật: nói rồi mới làm.

Người Trung Quốc: làm trước nói sau.

Còn người Việt Nam: nói một đàng làm một nẻo.

Tin mừng hôm nay cho thấy một mặt Chúa Giêsu lên án lối sống giả hình của các Kinh sư và Pharisêu, mặt khác Chúa cũng muốn chỉ cho các môn đệ và chúng ta hiểu được đâu mới là giá trị đích thật của lòng đạo đức.

- Người có lòng đạo đức trước hết cần phải thống nhất đời sống. 

Thống nhất đời sống nghĩa là làm sao hiệp nhất giữa cái “là” và cái “làm”; giữ "tâm tình", “lời nói” và "việc làm” phải xuyên suốt với nhau.

Những Kinh sư và Pharisêu giảng dạy rất hay, nhưng họ không hề làm và sống theo những gì họ nói. “Nói một đàng làm một nẻo”; “ngôn hành bất nhất”. Nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng cảnh báo dân chúng: “Những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ.” Hình như họ thích “buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử.”

ĐGH Phaolô VI cũng đã có lần cảnh tỉnh GH cũng như tất cả chúng ta: "Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân.” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, s 41).

- Người có lòng đạo đức thật sự thì luôn biết sống khiêm tốn.

Những Kinh sư và Pharisêu lúc nào cũng tự hào cho mình là người đạo đức hơn người. Nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy họ thích “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo”; cũng như ham “muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường” và “được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”.

Tất cả những biểu hiện đó đã bộc lộ rất rõ nét thái độ kiêu căng, tự mãn, hám danh nơi giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ. Nên họ không xứng hợp với những giá trị và tiêu chuẩn đúng đắn nơi một con người đạo đức chân chính.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm loại trừ lối sống phô trương, kiêu căng, giả hình ra khỏi đời sống, mà yêu thích lối sống đơn sơ, chân thành và hiền hòa với mọi người. Nhất là biết noi gương Chúa Giêsu yêu thương phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo, bằng một tấm lòng trân quý, khiêm hạ với mong muốn làm đẹp lòng Chúa và trở nên bạn nghĩa thiết với hết mọi người. Amen.

 

Suy niệm 2:

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ lối sống giả hình của những kinh sư và biệt phái. Bởi lẽ đời sống họ bất nhất, nói mà không làm; hay nói một đàng làm một nẻo.

Trong suốt 3 năm rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu chỉ nói lời yêu thương, khuyến khích nâng đỡ những ai lầm đường lạc lối và sẵn sàng nói lời tha thứ cho những tội nhân biết ăn năn sám hối và đặt niềm tin vào Chúa. Ít khi nào thấy Người lên án, khiển trách nặng lời với ai, ngoại trừ những người cứng lòng tin, trong đó đặc biệt là giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ là nhóm kinh sư và biệt phái.

Qua những lời khiển trách nặng lời của Chúa Giêsu dành cho họ, cho thấy tính chất nguy hiểm của lối sống giả hình ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và cộng đồng xã hội to lớn như thế nào!

Kinh sư và pharisêu là những người am hiểu luật lệ và là những nhà lãnh đạo tinh thần. Là thành phần dành riêng để phụng thờ và tôn vinh Thiên Chúa và hướng dẫn đời sống đạo cho dân. Nhưng vì muốn người khác tôn vinh và nể phục mình, nên họ sẵn sàng chọn lối sống giả hình. Họ thích nói và biểu hiện việc đạo đức ra bên ngoài chỉ vì lòng họ đầy kiêu căng tự mãn. Tất cả những việc làm của họ chỉ nhằm đến là được người đời ca tụng. Nên họ: “thích được người khác chào hỏi dọc đàng, thích ngồi những hàng ghế đầu trong đám tiệc cũng như nơi đền thờ; may dài thêm tua áo…và thích người khác gọi là thầy!” Tất cả những biểu hiện đó thể biểu hiện của lối sống tự mãn và muốn mọi thứ về phải được quy về mình, thay vì Chúa. Muốn mình được tôn vinh thay cho Chúa. Nhận thấy lối sống giả tạo quá tinh vi của những kinh sư và biệt phái nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách nặng lời nhất để lên án lối sống bip bợm của họ.

Nói người nghĩ ta! không khéo đời sống của ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Lắm khi chúng ta chỉ thích nói những lời hay ý đẹp, nhưng ta lại không sống theo. Có khi chúng ta chỉ thích giữ đạo hình thức với những tổ chức hoành tráng bên ngoài, nhưng lòng thì trống rỗng. Có khi chúng ta chỉ muốn ghi danh vào sổ công giáo, nhưng ta lại không sống niềm tin của mình. Lắm khi ta cũng siêng năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ, nhưng là để cho an lòng, chứ ta không thích vào nhà thờ, không muốn thánh lễ kéo dài, không thích lắng nghe lời Chúa và dọn mình để đón nhận Chúa Giêsu nơi bí tích thánh thể. Ta chỉ muốn đặt Chúa trong nhà thờ, chứ không muốn Chúa hiệp hành cùng ta trong đời sống.

Xin cho mùa chay này, mỗi người trong chúng ta biết hồi tâm chuyển hướng nhằm chấn chỉnh lại đời sống sao cho giữa tư tưởng, lời nói và hành động luôn được thống nhất với nhau như lòng Chúa hằng mong muốn.

 

Thứ tư: Mt 20, 17-28

Tham vọng thế gian: làm lớn, đứng đầu là để được ăn trên ngồi trước, để hà hiếp, bốc lột người khác.

Tham vọng nước trời: làm lớn là động lực trao dồi khả năng nhằm để phục vụ mọi người. Làm lớn không phải để ngồi trên cao chỉ tay năm ngón, nhưng là cơ hội phục vụ nhiều người tốt hơn.

Khi còn ở đại chủng viện, cha tu đức hay hỏi các thầy: tiêu chí đi tu để làm gì?

Dĩ nhiên các thầy thánh thiện thì trả lời: để có điều kiện tốt hơn để phục vụ Chúa, phục vụ mọi người. Ít thầy nào dám trả lời: đi tu để “làm cha”. Dẫu rằng lòng luôn ước muốn đi tu là để “làm cha”. Bởi lẽ không làm linh mục, thì vào đại chủng viện làm gì?

Ước muốn làm linh mục của các thầy chủng viện là ước muốn chính đáng. Nhưng cần xem lại quan niệm làm “cha đời” và “cha đạo” như thế nào?

Theo Pastores Dabo Vobis, thì linh mục phải là hiện thân của Đức Kitô trong tư cách: là Đầu và Tôi Tớ, là Mục tử và hôn phu của Hội Thánh. Làm linh mục không vì mục tiêu danh vọng, thống trị, nhưng để phục vụ với con tim hiền hậu và khiêm tốn.

Các tông đồ khi theo Chúa có lẽ cũng luôn muốn mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự, được làm lớn, làm thủ lãnh để sai bảo người khác nên đã nhiều lần thố lộ ước muốn ấy bằng những cách thế khác nhau: 

Bằng cách trực tiếp đến xin Chúa cho một anh ngồi bên hữu, một anh ngồi bên tả, như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an con ông Dê-bê-đê.

Khi đi ngày không được thì đi đêm, thấy đi đường thẳng không an toàn thì đi đường vòng. Khi ngại miệng xin xỏ thì nhờ người thân như trường hợp mà tin mừng hôm nay thuật lại. Bà mẹ của hai ông Gia-cô-bê và Gio-an đến thỉnh cầu Chúa Giêsu cho hai đứa con yêu của bà được một cậu bên tả và một cậu bên hữu khi Chúa được vinh quang.

Các tông đồ khác tuy ngại không dám bộc bạch ước muốn đứng đầu nhưng cũng đã tỏ ra khó chịu và bực mình với Gia-cô-bê và Gio-an vì lòng ghen tỵ, không muốn cho hai anh em kia phần hơn.

Tập thể nào, tổ chức nào cũng cần có người đứng đầu để điều khiển các sinh hoạt; không thể có cảnh “cá đối bằng đầu” được.

Giáo hội cũng thế, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Nhưng điều quan trọng Chúa muốn là đừng dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, hay tự cao tự đại nhưng để phục vụ. Không phải dùng quyền để bảo vệ cá nhân mình nhưng xử dụng quyền để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.

Lòng kiêu ngạo tranh đấu để làm đầu mọi người vốn là điều không tốt, nhưng lòng ganh tỵ thì cũng chẳng hay ho gì. Hai tật xấu này thường làm cản trở sự phát triển đời sống cá nhân và tập thể về mọi phương diện, cần loại bỏ.

Tinh thần cạnh tranh cũng không phải là xấu. Nhưng cạnh tranh để làm gì mới là điều đáng nói. Cạnh tranh mà ghanh tỵ mà ghen ghét mà triệt hạ, đấu đá lẫn nhau thì đáng lên án.

Xin Chúa cho chúng ta luôn có tham vọng tốt để phát triển tối đa khả năng Chúa ban và biết xử dụng những khả năng đó để phục vụ cho mọi người mỗi ngày tốt hơn. Xin cũng cho chúng ta biết từ bỏ thái độ ghen tỵ khi thấy người khác thành đạt và tốt đẹp hơn chúng ta.


Suy niệm 2:

Ước mong được làm lớn, đứng đầu là điều chính đáng, không có gì xấu, nó chỉ xấu khi ước muốn ấy trở nên tham vọng thống trị và hưởng thụ ích kỷ mà thôi. Đó chính là sứ điệp mà tin mừng hôm nay Chúa muốn dạy cho các môn đệ cũng như cho chúng ta.

Đọc Phúc âm chúng ta gặp thấy ít là 3 lần Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Nhưng đáng tiếc là cả 3 lần ấy đã không được các môn đệ lưu tâm và chia sẻ. Tệ hơn nữa, các môn đệ còn tranh giành địa vị xem ai làm người làm lớn, đứng đầu trong anh em.

- Lần thứ nhất (Mt 16, 21), sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, thì Phêrô đã đứng ra can ngăn và phản đối quyết liệt đến nỗi Chúa Giêsu phải quở trách nặng lời với Phêrô là “Satan”.

- Lần thứ hai (Mt 17, 22-23), đang khi đi dọc đàng, Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, thì các môn đệ chẳng những làm lơ như không nghe mà còn lại bàn tán với nhau xem ai là người lớn nhất.

- Lần thứ ba là hôm nay, sau khi Chúa Giêsu nói về cuộc thương khó mà Ngài phải chịu, thì ngay lúc ấy bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan con của ông Dê-bê-đê lại đến van xin Chúa Giêsu cho hai đứa con của bà được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu sau này khi đất nước được thành lập.

Đây không chỉ là ước mong của bà mẹ mà còn là mong ước của hai người con bà. Bởi có lần hai ông này cũng đã từng ngỏ lời xin với Chúa Giêsu hai chức quan to nhất.

Các môn đệ khác cũng không nằm ngoài tham vọng ấy. Nên ngay khi bà mẹ hai ông này xin chỗ nhất trong thiên hạ thì họ tỏ ra bực mình và đã tỏ ra thái độ khó chịu với hai anh em nhà Dêbêđê.

Chắc hẳn khi các môn đệ bỏ tất cả để dấn bước theo Chúa Giêsu không chỉ vì ngưỡng mộ tài đức vẹn toàn của Thầy Giêsu mà trên hết các ông còn mong muốn được một chỗ đứng quyền lực trong xã hội, sau khi mà Chúa Giêsu giải phóng đất nước khỏi ác đô hộ của đế quốc Rôma và thâu giang sơn về một mối.

Ước mong đó không xấu nên không thấy Chúa Giêsu phản đối, cấm đoán, nhưng điều Ngài hướng đến làm lớn để làm gì mới là điều quan trọng. Chính vì thế Ngài hỏi mới hỏi lại có “uống nổi chén đắng không?”. Nghĩa là có chấp nhận hy sinh phục vụ và sẵn sàng chịu đau khổ để chu toàn sứ vụ lãnh đạo không?

Rồi Ngài giải thích cho các ông biết được sự khác biệt giữa quan niệm làm lớn theo kiểu thế gian và theo kiểu nước trời như thế nào.

Làm lớn theo tinh thần của Chúa không phải là để thống trị, không phải là để được ăn trên ngồi trước hay tìm tư lợi cho riêng mình hay phe nhóm mình nhưng là để có cơ hội thuận lợi nhằm hy sinh phục vụ ích lợi cho nhiều người hơn.

Ước mong làm lớn, đứng đầu không chỉ là mong ước của bản thân mỗi người trong chúng ta mà còn là ước mong của những người làm cha làm mẹ. Đó là ước mong chính đáng với mong muốn để ta thêm động lực phấn đấu thăng tiến bản thân, thay đổi cuộc sống mỗi ngày nên tốt hơn.

Xin cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của hai chữ “chức trách” trong nhiệm vụ lãnh đạo. Đối với người môn đệ Chúa, chức vụ càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề; làm lớn theo tinh thần của Chúa là phải khiêm tốn cúi xuống phục vụ mọi người với tinh thần hy sinh quên mình vì lòng yêu mến chân thành.

 

Thứ năm: Lc 16,19-31

Mùa chay là thời gian thuận tiện để mời gọi chúng ta trở về sống lại các mối hiệp thông với Chúa, với nhau và với chính mình. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về mối sống hiệp thông với tha nhân qua việc giúp đỡ những ai nghèo khổ với tình bác ái chân thành. Đó chính là cách thức đưa dẫn ta vào hưởng hạnh phúc nước trời.

Với cái nhìn tự nhiên theo thói đời thì ông phú hộ mà Chúa Giêsu nói đến trong bài tin mừng hôm nay, xem ra cũng đáng khen! Ông chẳng làm gì nên tội. Không ăn trộm ăn cắp ai, không cho vay ăn lời dù lãi chỉ bằng ngân hàng nhà nước, không lấn ranh chiếm đất ai cả cho dù là trong ý muốn. Ông cũng chẳng lê lết sang nhà hàng xóm để nhiều chuyện, cũng không thấy ông phiền trách hay nói hành nói xấu ai. Đời ông không hề cờ bạc, không số đầu số đuôi. Cho dẫu ông có lắm tiền nhiều của nhưng chẳng thấy ông đi bia om hay vào hàng quán ăn uống phung phí… sống được như ông thời nay xem ra đã là tốt quá còn gì!

Phải chi trái đất này chỉ một mình ông thì không có gì để nói. Phải chi xã hội này mọi người đều giàu có như ông thì số phận ông ta đâu có hẵm hiêu và đau đớn đến thế. Cũng tại cái anh Lazarô nghèo nàn và bệnh tật hiện diện trên thế gian này nên cuộc sống giàu sang, sung sướng của ông đã trở nên nguy hiểm, bất an. Bất an không vì sợ trộm cắp nhưng vì phải chia sẻ; nguy hiểm không vì tiệc tùng ăn uống linh đình nhưng vì luật tình yêu đòi buộc ông phải thực thi tình bác ái.

Cuộc đời luôn biến đổi không dò. Hôm qua là chủ nay có thể là đầy tớ, hôm qua giàu có hôm nay lại nghèo khổ. Hôm nay là sung sướng thoải mái nhưng ngày mai biết đâu lại gian lao, khốn khổ… Cuộc đời của ông phú hộ và Lazarô cũng đổi thay sau cái chết. Giàu có, sung sướng, tiện nghị, yến tiệc linh đình nhưng thiếu chia sẻ bác ái đã trở thành vực sâu u tối giam hãm nhà phú hộ muôn đời.

Chấp nhận đau khổ, bệnh tật trong thân phận nghèo nàn, khiêm tốn không hề than trách, nhưng một mực tin tưởng phó thác vào tình thương Chúa như Lazarô, đã trở thành những bậc thang đưa ông lên cao vút đến nổi khoảng cách từ Lazarô đến nhà phú hộ xa vời vợi không thể qua lại được.

Chúa sẽ xét xử chúng ta về những việc làm bác ái ta đã làm hay không làm cho tha nhân. “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc hãy vào hưởng vinh quang cùng Ta. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn…..” (Mt 25, 34)

Như thế, ông phú hộ bị phạt không vì ông ta lắm tiền nhiều của, cũng không vì ăn sang mặc đẹp, nhưng ông ta bị phạt bởi vì ông không biết dùng của cải tiền bạc mà giúp đỡ người nghèo.

Xin chúa cho chúng ta biết vâng lời Chúa và Giáo Hội, hằng ngày biết dùng của cải Chúa ban mà làm lợi ích cho mình và tha nhân về phần hồn cũng như phần xác; và cho chúng con dù giàu hay nghèo cũng luôn sống đẹp lòng Chúa, vâng theo thánh ý Chúa để mai sau được hưởng hạnh phúc bên Chúa muôn đời.

 

* Lập Tông Tòa Thánh Phêrô, Tông Đồ1Pr 5,1-4; Mt 16, 13-19

Sau một thời gian rao giảng thi hành sứ vụ đó đây, hôm nay Chúa Giêsu muốn thực hiện một cuộc thăm dò mang tính cách xã hội học. Nên bất ngờ Ngài phỏng vấn các môn đệ với mục đích thử xem dư luận nghĩ về Người thế nào?

Theo nghe ngóng đây đó, các môn đệ cho biết có ít nhất 3 luồng ý kiến đánh giá về Thầy Giêsu:

- Một số người thì cho Thầy là Gioan Tẩy Giả, bởi lẽ Chúa Giêsu cũng có đời sống khắc khổ chay tịnh và mạnh mẽ lên án lối sống giả hình của người Pharisêu; cũng như rao giảng về sự sám hối gần giống như Gioan Tẩy Gỉa.

- Một số khác thì cho rằng Thầy là Êlia, bởi Đức Giêsu cũng đã từng làm phép lạ tựa như Êlia xưa kia.

- Phần đông còn lại thì xem Chúa Giêsu là một vị tiên tri, vì cách chung họ nghe thấy Đức Giêsu cũng nói lời Chúa và tiên báo về những vấn đề tương lai tựa như các tiên tri xưa nay.

Nhưng điều quan tâm nhất mà Chúa Giêsu muốn biết là các môn đệ hiểu về Ngài như thế nào? cho nên Ngài tiếp tục đặt thêm câu hỏi thứ 2: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô thay mặt anh em tuyên xưng đúng như Ngài là: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Sau đó, Chúa Giêsu mạc khải về con đường đau khổ mà Ngài phải đi để hoàn thành sứ mạng, thì lập tức Phêrô lại không chấp nhận nên đã quyết liệt can ngăn. Vì thế, Chúa Giêsu đã khiển trách Phêrô nặng lời: “Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Cho dẫu rằng Phêrô tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa nhưng ông vẫn mong muốn một đấng Messia theo quan niệm trần tục. Ông không thích đón nhận một Đấng Kitô phải đi vào con đường thập giá để cứu độ nhân loại theo ý Chúa Cha.

Ngẫm đi nghĩ lại, nhiều lúc chúng ta cũng có quan niệm giống như Phêrô về một Đức Giêsu. Đó là khi ta mong muốn Người ban phát cho ta về quyền lợi kinh tế, chính trị, và xã hội…Nên ta dễ gắn bó với Chúa khi có tiền, thành công và gặp may mắn…ta dễ thất vọng và xa cách Chúa khi gặp phải khó khăn, thử thách và thất bại…

Xin Chúa nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, nhất là trong những lúc gặp gian nan, thử thách.


Thứ sáu: Mt 21, 33-43. 45-46

Suy niệm 1:

Dụ ngôn ám chỉ ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.

Đầy tớ ông chủ là các ngôn sứ.

Tá điền là những người khước từ, không chấp nhận lời Thiên Chúa phán dạy. Cụ thể là giới tư tế Do Thái giáo.

Người con trai của chủ vườn nho là Giêsu.

Dụ ngôn vẽ lên hình ảnh đối lập giữa tình thương, lòng bao dung, sự nhẫn nại của Thiên Chúa trước sự phản phúc vì tham vọng ích kỉ và lòng độc ác của con người.

Bằng tình thương ông chủ đã tạo lập vườn nho và chuẩn bị đầy đủ những phương tiện cần thiết để phát triển; rồi tin tưởng giao phó cho tá điền chăm sóc, làm lợi.

Với tấm lòng bao dung, ông chủ đã lần lượt gửi những đầy tớ tin cậy của mình đến để nhắc nhở, khích lệ các tá điền làm việc có trách nhiệm, nhằm sinh lại nhiều hoa lợi cho chủ.

Cuối cùng với lòng nhẫn nại, ông chủ đã gửi đến chính người con yêu của mình, với hy vọng các tá điền cảm nếm được tình thương sự quan tâm của ông chủ mà thức tỉnh, lo chu toàn bổn phận.

Đổi lại tình thương của chủ là sự bất cần của những tá điền. Họ không màn đến tình thương và sự tin tưởng của ông chủ dành cho họ, nên họ đã chễnh mãn trong bổn phận canh tác và chăm sóc vườn nho.

Đổi lấy tấm lòng bao dung của chủ là sự ích kỉ tham lam bất chính của các tá điền nên đã dã tâm chiếm đoạt luôn hoa lợi của chủ.

Đổi lấy sự nhẫn nại của chủ là sự nhẫn tâm của các tá điền. Họ sẵn sàng ra tay manh động, độc ác giết chết luôn người con thừa tự của ông chủ và không ngại vứt xác ra ngoài vườn.

Hình ảnh của các tá điền trên không những ám chỉ các tư tế Do Thái xưa, mà ám chỉ đến mỗi chúng ta.

Ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa đã thương chọn tôi vào làm vườn nho của Ngài. Ngài đã xây dựng luật lệ, lập nên các bí tích và dùng chính Lời Ngài mà chỉ dạy, bảo vệ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Những thứ ấy ví như hàng rào, bồn đạp nho, vọng gác trong vườn. Thế nhưng vì sự chễnh mãn, chúng ta đã không nghĩ đến tình thương và sự ưu ái của Chúa, không lo vun trồng đức tin Chúa ban nên đã gạt bỏ ngoài tai những lời Chúa dạy, không buồn thực thi lề luật Chúa, không thiết tha với những ơn ích của các bí tích mang lại.

Với mưu cầu lợi ích cá nhân, chúng ta đã thực hiện những việc làm xấu xa trái lại với những lời nhắc nhở chỉ bảo của các đấng bề trên, Giáo hội là sứ giả của Chúa, gây ra gương mù, gương xấu cho những người trong gia đình, trong khu xóm…. Đó là cách chúng ta giết chết những đầy tớ Chúa gửi đến.

Biết bao lần trong đời sống, chúng ta cũng đã bỏ ngoài tai lời dạy của chính con một Người là Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha. Ấy là chúng ta đã nhẫn tâm giết chết chính Đức Giêsu con yêu dấu của Thiên Chúa!

Rõ ràng Chúa muốn cứu độ mọi người, nhưng vẫn có những hạng người biết lề luật nhưng không biết tuân giữ lề luật. Họ chỉ nói mà không thực hành. Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án họ và cảnh tỉnh cho họ biết Nước Trời cũng sẽ vuột mất khỏi tay họ.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con một tấm lòng thành để chúng con luôn sẵn sàng lắng nghe và thực thi lời Chúa và Giáo huấn của Giáo Hội.

 

Suy niệm 2:

Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất là mỗi người cần phải nhận thức được bản thân mình là ai, giá trị mình là gì, chỗ đứng của mình ở đâu và mình cần phải làm gì? Đúng như người xưa có câu: “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Đừng quá ảo tưởng về bản thân mình để rồi phải nhận lấy kết cục bi đát đầy thảm thương như những tên tá điền sát nhân trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu đề cập đến trong đoạn tin mừng hôm nay: “Ông chủ sẽ tru diệt bọn hung ác đó và cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp hoa lợi”.

- Vì không nhận thức được mình là ai. Nên những tá điền có ảo tưởng mình là ông chủ. Từ đó tự mãn cho mình cái quyền định đoạt mọi thứ, nên đã ra tay giết chết tất cả các đầy tớ, ngay cả người con yêu dấu của ông chủ sai đến nhắc nhở họ.

- Do không hiểu được giá trị của mình nằm ở đâu, nên những tá điền đã chểnh mảng không chu toàn tốt bổn phận canh tác vườn do ông chủ tin tưởng trao phó. Họ không biết rằng cuộc đời họ chỉ có giá trị một khi biết vâng lời làm theo ý chủ mình. Bởi lẽ số phận sống chết của họ hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định của ông chủ.

- Cuối cùng vì không biết mình đang đứng ở vị thế nào, cứ ngỡ mình là chủ, trong khi mình chỉ là người quản lý. Vì thế họ mới có tham vọng chiếm hữu tất cả vườn nho của chủ. Và sẵn sàng ra tay giết chết ngay cả người con thừa tự của chủ mình.

Vườn nho ấy là cuộc đời ta, gia đình ta, GH và là xã hội… chúng ta đang sống. Tá điền ấy là mỗi chúng ta được Chúa yêu thương tin tưởng đặt vào nơi các môi trường ấy. Chính vì thế đừng quên mình là ai, giá trị mình ơ chỗ nào, và vị thế và trách nhiệm mình ra sao trước mặt Chúa là chủ của ta. Xin cho chúng ta hiểu được mình là ai? Cảm nhận được tình thương Chúa yêu ta như thế nào? Để ta cố gắng hơn trong việc chu toàn tốt bổn phận được Chúa trao phó, với tất cả lòng tôn kính và yêu mến ngài.

 

Thứ bảy: Lc 15,1-3.11-32.

Chúa là Người Cha nhân hậu, giàu lòng lòng yêu thương, cảm thông và sẵn sàng tha thứ những lầm lỗi của chúng ta, một khi chúng ta nhận ra sai lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống. Đó là nội dung của sứ điệp lời Chúa hôm nay gởi đến chúng ta. Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa mà quyết tâm từ bỏ tội lỗi, quay về sống trong ân sủng của Người.

Người đời thường nói: con cưng là con hư. Nếu cưng không đúng cách sẽ làm hư hỏng con cái. Nhưng con đã hư rồi thì liều thuốc duy nhất để chữa là tình thương.

Tin mừng hôm nay, không trình bày cho chúng ta biết trước khi hai người con hư, người cha đã yêu thương chúng như thế nào. Nhưng chỉ cho ta biết, người cha đã dùng tấm lòng yêu thương tha thiết để cảm hóa hai đứa con sau khi chúng đã ra hư đốn.

Người con thứ: Nhẫn tâm cắt đứt tình cha và sẵn sàng bỏ nghĩa anh em, gom lấy nữa phần gia sản gia đình ra đi phiêu lưu tìm cảm giác lạ. Từ nay thay vì ngủ nhà cha, anh ngủ nhà trọ. Thay những bữa cơm đơn sơ ở nhà cha bằng những bữa tiệc linh đình nơi nhà hàng sang trọng. Thay vòng tay yêu thương chân tình của cha già, bằng những vòng tay ân ái gian trá của các kiều nữ trẻ trung xinh đẹp.

Nhưng khách sạn dù có thoải mái, cơm nhà hàng dù có sang trọng đặc biệt, và nằm trong vòng tay của các kiều nữ xinh đẹp dù êm ái, thì rồi anh cũng chẳng thấy bình an và hạnh phúc. Kết quả của phiêu lưu tìm cảm giác lạ trong thác loạn đã làm anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy và đau khổ, kiếp sống không ra con người.

Dẫu thế tình cha vẫn ấm áp như ngày nào. Vui mừng chào đón người con như thuợng khách. Sẵn sàng tha thứ, yêu thương. Tình yêu vẫn nguyên vẹn tha thiết và nồng nàn như xưa.

Người con cả cũng chẳng hơn gì đứa em hư hỏng. dù cần cù lam lũ, không hề bất tuân lệnh cha. Nhưng đầu anh lại có nhiều toan tính, lòng anh đầy ích kỷ và ghen tỵ. Trong khi mọi người vui mừng vì em mình đã chết nay sống lại đã mất nay tìm thấy. Vậy mà anh lại kể công và phân bì với em mình cùng cha già. Trong khi người cha không hề coi anh là người ngoài thì chính anh lại xem mình là kẻ xa lạ vì không thừa nhận mình là con cha và là người anh của đứa con thứ: “ Cha coi đã bao năm con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ Cha cho lấy một con bê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con cha kia (không phải là em con), sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.

Thấu hiểu hết lòng con, người cha ra năn nỉ con vào chia sẻ niềm vui và ân cần giải thích cho con hiểu rằng: nó là em con và con là con cha. Cha muốn con vui trong phận làm con và làm anh và hãy vui mừng và hãnh diện vì luôn được sống trong tình thương của cha.

Hình ảnh của hai đứa con trong dụ ngôn có lúc cũng hiện diện nơi mỗi chúng ta. Có lúc ta cũng muốn chối bỏ chúa, bỏ đạo, bỏ nhà thờ. Có lúc chúng ta cũng muốn phiêu lưu tìm cảm giác lạ quá độ của bia rượu, thuốc lá, cà phê, trai gái, bất trung và sa đoạ như đứa con thứ. Cũng lắm lúc chúng ta sống trong ít kỷ tham lam toan tính, tìm lợi mình, muốn hại người. nuông chiều và nuôi dưỡng lòng ghanh tị. Cảm thấy khó chiụ khi ai đó giàu hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, đạo đức hơn chúng ta, được nhiều người thương mến hơn chúng ta.

Chúa Người Cha thấu hiểu lòng của mỗi chúng ta. Nhưng Chúa cũng là Đấng giàu lòng yêu thương tha thứ, mong muốn ta nhận ra lầm lỗi mà sửa đổi. Mùa chay là mùa trở về,  xin cho chúng ta biết bỏ đi con đường đi hoang tội lỗi mà can đảm quay về nhà Cha để cảm nhận tình của Cha yêu ta là dường nào. Nhờ thế ta quyết tâm đổi mới đời sống mỗi ngày nên tốt hơn, hầu xứng đáng với tình yêu của Cha dành cho chúng ta.


SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN II MÙA CHAY

Lm. Minh Anh, Tgp Huế

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B

CAI SỮA VÀ CHIÊM NGẮM

“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

“Số phận của mỗi Kitô hữu được viết giữa hai ngọn núi: Golgotha, nơi cai sữa; và Taborê, nơi chiêm ngắm. Phẩm chất đời sống đức tin của mỗi người được quyết định bởi mức độ hy sinh và chiêm ngắm của họ!” - Vima Dasan.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng ‘cai sữa và chiêm ngắm’ của Vima Dasan được gặp lại qua phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Sự trưởng thành trong niềm tin vào Thiên Chúa của bất cứ ai nhất định phải trải qua hai giai đoạn không thể thiếu trên ‘hai ngọn núi’ cuộc đời của họ!

Thiên Chúa không nhặt những chiếc bình của con người để sử dụng mà trước hết không cai sữa cho họ và huấn luyện họ. Ngài đã huấn luyện từ xa cho Abraham, “Hãy rời quê hương, bà con và nhà cha ngươi để đến xứ Ta sẽ chỉ!”. Abraham phải dò dẫm, tập lắng nghe, và Thiên Chúa đã chuẩn bị ông bằng việc cai sữa khỏi mọi tình cảm và của cải. Khắc nghiệt nhất là việc ông phải hiến tế Isaac, con ruột, trên núi Môrigia - bài đọc một.

Mùa Chay, ‘mùa lên núi’, mùa bạn học biết việc ‘cai sữa’, mùa hiến tế những gì còn ràng buộc cái tôi vốn đang dính trết với những gì thuộc thế gian. Tuy nhiên, đừng lo! Thiên Chúa đã dự liệu. Núi Môrigia, nơi Abraham hiến tế con, còn có tên là núi ‘Chúa sẽ liệu’; ở đó, ông nhận biết một Thiên Chúa có trái tim thương xót. Ngài tha chết cho con ông! Nhờ đó, lòng tin của ông vào Ngài ngày càng tuyệt đối, và ông sẽ là “Cha các kẻ tin”. Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc này để nói đến cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng đã xảy ra trên một ngọn núi ‘Chúa sẽ liệu’ khác, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” - bài đọc hai.

Bạn và tôi phải đến Môrigia, hoặc Golgotha đời mình, nơi chúng ta học cách ‘cai sữa’ và hiến tế những gì yêu quý nhất, ‘những Isaac’ đời mình; đồng thời, phải đến Taborê, nơi chúng ta sẽ học cách chiêm ngắm và cầu nguyện trong Thánh Linh. Vấn đề của Kitô hữu thời hiện đại là nhiều người không còn muốn đến bất kỳ ngọn núi phát triển tâm linh nào. Và đó là lý do tại sao một số trong chúng ta chậm trưởng thành trong đời sống đức tin.

Một ngọn núi cấp thiết khác không thể thiếu trong đời sống là ngọn núi chiêm ngắm và cầu nguyện. Trên Taborê, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh của Ngài. Việc chứng kiến vinh quang thần tính nơi Thầy mình hẳn sẽ giúp họ mỗi khi bị cám dỗ nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẫn bách hoặc những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Cũng thế, bạn và tôi hãy thường xuyên sống lại những giây phút ngọt ngào Chúa ban bằng việc chiêm ngắm và cầu nguyện hầu đủ sức vượt những chướng ngại cuộc đời.

Anh Chị em,

“Người đưa các ông… tới một ngọn núi cao”. Tất cả chúng ta cần phải rời xa nhau, thường xuyên lên những ngọn núi đời mình trong một không gian thinh lặng để tìm lại chính mình và nhận biết rõ hơn tiếng nói của Chúa. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện truyền cảm hứng cho chúng ta một lần nữa để “xuống núi” và trở về thung lũng, nơi chúng ta gặp nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi sự mệt mỏi, bất công, nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần và nâng đỡ họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chẳng có cuộc lên núi nào là dễ chịu, cho con yêu mến việc ‘cai sữa và chiêm ngắm’ mà Chúa đã chuẩn bị cho con cách này cách khác!”, Amen.

 

Thứ hai: QUÁ ĐỖI KHẬP KHIỄNG

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Ngày kia, Paderewski đến London công diễn; Parker, một nhạc sĩ tài năng, đến nghe. Quá cảm kích; về nhà, Parker gọi người hầu, “Mang cây rìu cho tôi! Tôi chưa bao giờ nghe một bản nhạc tuyệt vời đến thế; nếu phải so sánh, dẫu là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, tôi chẳng là gì cả! Phải bổ cây đàn của tôi ra từng mảnh!”. Và dù không làm thế, nhưng Parker nhận ra rằng, không bao giờ ông có thể trở thành một Paderewski, may lắm là hơi giống ông ta! Để được vậy, ông cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại!

Kính thưa Anh Chị em,

Parker “Cần một trái tim vĩ đại như trái tim người nhạc sĩ vĩ đại!”. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay tiết lộ, Thiên Chúa cũng có một trái tim vĩ đại; và thú vị hơn, nếu phải so sánh về mức nhân ái, dù là một so sánh ‘quá đỗi khập khiễng’, Chúa Giêsu buộc chúng ta lấy trái tim Thiên Chúa làm tiêu chí! Ngài nói, “Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”.

Đó không chỉ là một đề nghị, nhưng là một đòi buộc! Nhìn vào lịch sử cứu độ, toàn bộ mặc khải là một tình yêu không mệt mỏi Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài yêu nó với một trái tim không biên giới. Cái chết thập giá của Con Một Ngài là đỉnh cao của câu chuyện tình giữa Chúa và người, một chuyện tình lớn đến nỗi chỉ mình Thiên Chúa hiểu! So với tình yêu vô bờ này, tình yêu con người sẽ luôn què quặt, chắp vá và ‘quá đỗi khập khiễng’.

Trái tim con người thì sao? Chúa Giêsu biết trái tim con người là một chiến trường! Hãy xem, chúng ta thường tự đưa mình đi ‘khắp thế giới’ để tự bào chữa cho những bất công đã chịu; hoặc mặc dù không còn nhớ đến những gì đã xảy ra, chúng ta vẫn thường tìm cách ‘cung phụng’ những vết thương lòng. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn và tôi biết nhìn vào trái tim người xúc phạm mình và không làm ngơ trước những điều tốt đang có ở đó. Hãy đặt cược vào phía điều thiện và tin rằng, cuối cùng, sự thiện hấp dẫn trái tim hơn là cái ác được thần tượng hoá! Nhìn vào trái tim, Chúa Giêsu luôn đặt cược vào mặt tốt!

Những gì Đaniel thốt lên trong bài đọc hôm nay cho thấy trái tim tuyệt vời của ông! Lời nguyện sám hối của ông ‘mang tính quốc gia’, mô tả sự trọn hảo của Thiên Chúa và sự bất toàn của con người. Đó là một lời cầu nguyện khiêm nhường, thờ phượng, xưng thú và cầu xin xót thương, “Chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác”. Thật là ‘hàm ân’ với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Chúa không cứ tội chúng con mà xét xử!”.

Anh Chị em,

“Hãy nhân từ, như Cha các con là Ðấng nhân từ!”. Nhân từ như Thiên Chúa là có một trái tim như trái tim của Ngài. Con Thiên Chúa đã làm người, với một trái tim người, cho con người noi theo! Ngài đã từ bỏ áo trong áo ngoài, từ bỏ danh lợi, từ bỏ tất cả. Trên thập giá, Ngài phơi trần một trái tim thoi thóp và rồi, bị đâm thủng cho đến khi khô đét; mà trong đó, chỉ có xót thương! Thông thường, chúng ta cảm thấy hài lòng khi so sánh và tự cho mình hơn người khác; thế mà, không phải với họ, nhưng với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu là ‘mẫu mực’ để chúng ta so sánh, dẫu đây là một so sánh không tưởng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế giới cần những con người có những trái tim vĩ đại, đó là những trái tim “đập nhịp xót thương”, xin ban cho con một trái tim có tên “Giêsu!””, Amen.

 

Thứ ba: TÌM MỘT LỐI VÀO

“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp!”.

Thế kỷ 17, Oliver Cromwell, lãnh chúa nước Anh, kết án tử hình một người lính trọng tội. Giờ hành quyết dự liệu sẽ diễn ra lúc chuông giới nghiêm đổ. Nhưng đêm ấy, chuông không đổ! Vị hôn thê của người lính đã tìm một lối vào trại binh; cô leo lên tháp, bám vào chiếc chuông, ngăn nó ngân lên. Lãnh chúa triệu tập cô, buộc cô giải trình. Cô khóc và chìa cho ông hai bàn tay rách bươm đầy máu. Phép lạ đã xảy ra! Trái tim vị lãnh chúa thổn thức; ông nói, “Tình yêu của cô sẽ tồn tại. Chuông không đổ, và máu cũng không!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chuông không đổ, và máu cũng không!”; bởi lẽ, vị hôn thê của người lính đã ‘tìm một lối vào’ khiến cho một con tim thổn thức để tình yêu được tồn tại! Cả hai bài đọc hôm nay cũng nói đến một lối vào và tình yêu của Thiên Chúa mãi tồn tại. Lối vào đó mang tên “Khổ Đau”; trên đó, Giêrêmia của Cựu Ước và Giêsu của Tân Ước sẽ phải bước đi.

Bị dân mình tẩy chay, Giêrêmia kêu cầu Chúa, “Lạy Chúa, xin nghe những kẻ tố cáo con nói đó!”; “Chúng đào hố nhằm làm con mất mạng!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Lạy Chúa, xin lấy tình thương mà cứu độ con!”. Xem ra vị ngôn sứ nài van Chúa cất khỏi ông con đường “Khổ Đau”, và dường như Giêrêmia đang ‘tìm một lối ra’.

Chúa Giêsu thì ngược lại, Tin Mừng tường thuật chuyến đi lên Giêrusalem của Thầy trò Ngài. Ngài không ‘tìm lối ra’, nhưng ‘tìm một lối vào’. Tuy nhiên, dù đang ‘đi lên’ với Thầy, các môn đệ xem ra chỉ muốn ‘đi xuống!’. Bằng chứng là cuộc đối thoại không đáng có của ‘môn đệ mười ba’, bà Zêbêđê; và điều này đã khiến “mười môn đệ kia tức tối với hai anh em”. Xót xa thay! Đang khi Thầy ngưỡng chuyện trên trời, trò lại vọng chuyện dưới đất; Thầy lo chuyện bị nộp, trò tính chuyện trị vì; Thầy tìm vui lòng Cha, trò muốn thoả dạ mẹ. Rõ ràng, Thầy trò lệch pha! Thầy ‘tìm một lối vào’, trò ‘tìm một lối ra!’.

Chúa Giêsu đã phản ứng làm sao? Với một nhân cách hiếu hoà, Ngài khoan thai tiết lộ cho họ sự thật gai gốc. Ngài nói cho họ chén thù chén tạc mà cùng Ngài, họ sắp uống; và cuối cùng, dạy cho họ bài học phục vụ. Ngài kết luận, “Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”. Như vậy, Chúa Giêsu đã không nhìn chén đắng và thập giá dưới lăng kính tiêu cực; thay vào đó, dưới ánh sáng cứu độ. Không chỉ đón nhận, Ngài ôm lấy nó. Ngài quyết ‘tìm một lối vào’ vì cuối đường hầm, một chân trời mới sẽ mở ra, một đại lộ ánh quang phục sinh rạng ngời, “Nhưng ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy!”.

Anh Chị em,

“Này chúng ta lên Giêrusalem!”. Tình yêu của vị hôn thê với đôi tay đầy máu đã được đền đáp bằng mạng sống của người cô yêu. Tình yêu của Con Thiên Chúa với đôi tay, đôi chân và thân xác đầy máu của Ngài cũng đã được đền đáp bằng ‘phần rỗi đời đời của cả nhân loại!’. Noi gương Chúa Giêsu, bạn và tôi sẽ vượt qua bất kỳ thập giá nào. Thay vì ‘tìm một lối ra’, chúng ta ‘tìm một lối vào’; ôm chặt thánh giá đời mình tháp vào thánh giá đời Ngài. Và nhất định nó cũng sẽ trở thành công cụ ân sủng cho bạn, cho tôi, cho cả thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sợ hãi ‘yêu mến và ôm lấy’ thập giá đời con tháp vào thập giá đời Chúa. Con sẽ cứu được linh hồn con và cứu cả hành tinh này!”, Amen.

 

Thứ tư: ĐƯỢC GỌI ĐỂ TOẢ SÁNG

“Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”.

Irving Stone, người nghiên cứu “sự vĩ đại”, dành cả cuộc đời để viết tiểu sử, tiểu thuyết về các thiên tài. Ông từng được hỏi, “Liệu có một mẫu số chung nào cho tất cả các nhân vật này?”. Ông nói, “Tôi viết về những con người mà một lúc nào đó trong đời, họ đã có một tầm nhìn, một ước mơ phải hoàn thành. Và họ đã nỗ lực!”; “Họ bị đánh vào đầu, bị gièm pha… và trong nhiều năm, chẳng đi đến đâu! Nhưng mỗi khi bị đánh gục, họ khiêm tốn đứng lên. Không ai có thể tiêu diệt họ! Và cuối cùng, họ toả rạng một khi đã khiêm tốn hoàn thành ‘một phần’ điều họ đặt ra. Vì lẽ, họ ‘được gọi để toả sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Có những con người đã ngã gục, nhưng khiêm tốn đứng lên; và cuối cùng, họ toả sáng!”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ một bí quyết để mỗi người có thể làm được điều đó, “Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”; nó có tên “Khiêm Nhường!”.

Chẳng có gì sai khi nói, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi được tôn vinh! Ngài muốn bạn được thế giới chú ý; muốn ánh sáng tốt lành của bạn toả sáng và tạo nên những khác biệt! Nhưng Ngài muốn nó được thực hiện trong sự thật, không bằng ‘phô diễn’, ‘nhân tạo’ hay vay mượn; nhưng hồn nhiên, trong sáng.

Khiêm nhường, một đức tính giúp chúng ta trở nên chính mình. Nó cho phép vượt qua bất kỳ tính cách sai lầm nào mà mỗi người có thể có; và đơn giản, “tôi” là “tôi”. Nó không gì khác hơn là ‘trung thực về chính mình’; nghĩa là sẵn sàng đón nhận bản thân với những tính cách tốt và không tốt của nó. Khi mọi người nhìn thấy những phẩm chất tốt nơi chúng ta, họ rất ấn tượng; không phải ‘quá nhiều’ theo cách thế gian, nhưng theo lẽ thường của con người. Họ không nhìn chúng ta với cái nhìn ghen tỵ; đúng hơn, họ nhìn và yêu lấy những gì chúng ta có. Họ thích chúng, ngưỡng mộ chúng và muốn bắt chước! Bạn sẽ là ‘một ai đó’ hấp dẫn, mà người khác muốn gặp và làm quen. Thế thôi!

Bài đọc Isaia có chung một chủ đề. Vị ngôn sứ kêu gọi dân hãy khiêm tốn! Ông mỉa mai gọi các nhà lãnh đạo là những người “làm đầu của Sôđôma”, con cái Israel là “dân Gômôra”. Đây là hai thành phố thời Abraham, một ‘hình ảnh thu nhỏ’, biểu tượng của tất cả những gì tội lỗi nhất, xấu xa nhất, chống lại Thiên Chúa nhất. Nhưng với Isaia, Thiên Chúa không lên án dân, Ngài kêu gọi họ ăn năn, “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta!”. Ngài bộc lộ một lời hứa, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên!”. Ai hạ mình tột cùng trong nhân loại bằng Con Thiên Chúa? Ngài đã huỷ mình ra không khi mang lấy kiếp người! ‘Sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi’. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài, cho Ngài toả sáng với biến cố Phục Sinh; để mọi người thuộc mọi thời, “Khi nghe danh thánh Giêsu, muôn loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ, phải bái quỳ!”. Quả thế, Chúa Giêsu Kitô, người Thầy, người Bạn tuyệt vời, ước mong chúng ta, những môn đệ ‘được gọi để toả sáng’ của Ngài, tiếp tục “khiêm tốn đứng lên, sau mỗi lần ngã gục” toả chiếu cho thế giới, kiến tạo một sự khác biệt’, bằng cách đi con đường Ngài đã đi, ‘khiêm hạ!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tước khỏi con mọi ảo ảnh phù hoa; để như ngọn hải đăng không cần phải hụ còi, con lặng lẽ toả rạng ánh sáng của Chúa!”, Amen.

 

Thứ năm: MỘT PHẦN ĐỊNH MỆNH

“Ta là Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm!”.

“Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ không phải là một phần của cảnh quan tô điểm cuộc sống của bạn, nhưng là ‘một phần định mệnh’ của bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngừng chạy, không đợi bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với ý tưởng của nhà tu đức trên, Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân không phải là một phần của cảnh quan, nhưng là những con người cần được tôn trọng, yêu thương, ‘một phần định mệnh’ của bạn. Chúa Giêsu từng ví họ là Ngài, là “Nhà Tạm di động” của Ngài - Phanxicô.

Bài đọc Giêrêmia tiết lộ, Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng cho mọi hành vi bác ái của bạn, “Ta là Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm!”. Đó là những con người nương ẩn nơi Chúa, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!” - Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình.

Trái với những ai ‘nương ẩn’ nơi Chúa, Tin Mừng thuật chuyện một người ‘ẩn nương’ nơi của cải! Đó là một phú hộ sống xa hoa, cách biệt với người nghèo, đam mê thời trang và những món ăn ngon. Tuy thế, ông không làm hại ai; ông không tước đoạt Lazarô, người hành khất nghèo khó; không ngại việc Lazarô lảng vảng; cũng chẳng miệt thị Lazarô biếng nhác. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; ông cho rằng, Lazarô chỉ là một phần của cảnh quan trang trí nhà ông. Một người mù đã từng nói, “Tôi thấy người ta đi lại như cây cối!”. Đúng thế, nhà phú hộ xem ra cũng chỉ nhìn thấy Lazarô ‘ngang mức cây cối!’.

Lazarô, biểu tượng cho mọi ‘tiếng kêu thầm lặng’ thời hiện đại và những mâu thuẫn của một thế giới mà của cải và tài nguyên vô ngần đang nằm trong tay một số người. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng, bỏ qua một người nghèo, hoặc coi họ chỉ ‘ngang mức cây cối’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Họ là ‘một phần định mệnh’ của bạn và tôi như Lazarô là ‘một phần định mệnh’ của ông nhà giàu!

Anh Chị em,

“Ta là Chúa, trả công cho mỗi người!”. Như thế, người nghèo không phải là một điều gì chúng ta muốn, hoặc không muốn. Họ là những món quà Chúa gửi đến cho chúng ta! Nhờ họ và qua họ, chúng ta lãnh nhận bao ân phúc của Chúa. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là một phần cảnh quan có cũng được không cũng được đối với Ngài. Chúng ta là những con trai, con gái rất yêu dấu được máu châu báu của Con Một Ngài đổ ra để cứu chuộc. Mùa chay, mùa bạn và tôi ý thức, ngày kia “của cải sẽ vô dụng như thế nào”; mùa sử dụng của cải để “làm những gì có thể khi còn kịp”; mùa mỗi người không còn coi anh chị em mình ‘ngang mức cây cối’ nhưng là những hiện thân của Chúa Giêsu, hầu có thể yêu thương, trân trọng và cứu giúp! Họ là con cái Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết rằng, con luôn mắc nợ người nghèo, họ là ‘một phần định mệnh’ của con. Dạy con biết chia sẻ khi còn kịp!”, Amen.

 

Thứ sáu: ĐỦ ĐỂ ĐÁNH CƯỢC

“Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa!”.

Pliny the Elder - nhà văn Rôma thời Chúa Giêsu - viết về việc xây một tháp cao hơn 30m: “Hai vạn công nhân kéo dây và cần cẩu. Trách nhiệm và rủi ro thật lớn! Chỉ một sai sót, tháp sẽ đổ, huỷ hoại hàng năm làm việc. Vì thế, nhà vua ra lệnh trói con trai của kỹ sư trưởng vào đỉnh tháp; vua nghĩ, nó ‘đủ để đánh cược’ cho trách nhiệm của viên kỹ sư!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Đủ để đánh cược’, một trong những chủ đề của hai bài đọc hôm nay! Bài đọc Sáng Thế cho thấy tình yêu quan phòng của Thiên Chúa thật lớn lao, ‘đủ để đánh cược’ cậu út Giuse; qua cậu, Ngài cứu cả một dân tộc. Với bài Tin Mừng, ông chủ tự xây một vườn nho trước khi giao nó cho tá điền, ông đánh giá nó ‘đủ để đánh cược’ mạng sống của các đầy tớ và cả mạng sống của con trai mình!

Do lòng dạ xấu xa của những người anh, Giuse bị bán sang Ai Cập như một nô lệ; nhưng, chính Giuse, người được Thiên Chúa sai đi để chuẩn bị cho việc cứu sống dòng tộc Israel - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca nhắc lại hồng ân bí nhiệm này, “Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện!”. Giuse là hình ảnh báo trước Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa sẽ đem đánh cược để cứu sống đời đời cả một nhân loại.

Tin Mừng nói đến vườn nho - hình ảnh của Hội Thánh - mà Thiên Chúa đang đặt vào tay bạn và tôi. Ngài không chỉ trao cho chúng ta một công việc để làm, nhưng còn trao sự cứu rỗi đời đời linh hồn của những người khác một cách bí ẩn! Với tất cả tình yêu, ông chủ đã dành cho khu vườn nhà mình những gì tốt đẹp nhất; dựng rào dậu bên ngoài, xây bồn đạp bên trong, đặt tháp canh ở giữa. Ông không ở lại để giám sát chặt chẽ các tá điền; thậm chí, không đặt các quy tắc hay chỉ định các phương pháp; ông để tá điền tự làm tất cả khi họ thấy phù hợp. Cũng thế, Thiên Chúa trao Hội Thánh cho chúng ta; ban Thánh Thần để trợ giúp. Ngài biết, làm việc vườn nho của Ngài là một việc vô cùng khó khăn, và Ngài kiên nhẫn đồng hành với những thất bại của mỗi người.

Và còn hơn thế, mỗi ngày, qua các Bí tích; đặc biệt, Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, Ngài làm mọi thứ có thể để chống lại chủ nghĩa ích kỷ; đồng thời, truyền cảm hứng bằng sự hiểu biết và lòng thương xót. Tình yêu của Thiên Chúa thật vô bờ, nó vĩ đại vô cùng, ‘đủ để đánh cược’ với tội lỗi của con người!

Anh Chị em,

“Ông cho tá điền canh tác”. Thiên Chúa trao vườn nho Hội Thánh cho bạn và tôi để chúng ta canh tác; Ngài biết ân sủng và Thánh Thần của Ngài đủ sức làm những gì còn lại. Hội Thánh là của Chúa; các cộng đoàn lớn nhỏ là của Chúa, cũng như thân xác và linh hồn mỗi người là của Chúa! Dù đó là một Hội Thánh địa phương, một cộng đoàn hay một gia đình… thì Thiên Chúa vẫn là chủ; không phải chúng ta! Đúng thế, những gì Ngài trao thật lớn lao và đầy trách nhiệm. Và Ngài đang rất kỳ vọng nơi mỗi người! Vì thế, bạn và tôi đừng làm Ngài thất vọng; trái lại, hãy cộng tác với ân sủng mà trổ sinh hoa trái thiêng liêng trong chính mình và giúp người khác trổ sinh hoa trái trong chính họ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, đừng để con chểnh mảng với trách nhiệm và bổn phận. Cho con dám đánh cược ‘cả cuộc sống’ và ‘mọi ý riêng’ trước sứ mệnh Chúa uỷ thác!”, Amen.

 

Thứ bảy: HỌC CÁCH MỪNG VUI

“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

“Nó phải trở về nơi nó thuộc về!”. Đó là những gì tuyệt phẩm “Đứa Con Hoang Đàng” của Mitch Irion mô tả! Nó phải trở về dù nó ‘đen đủi hơn một thằng quỷ!’. Cha nó vui mừng vì nó đã tìm được nơi nó thuộc về; ở đó, nó mất hút! Vạt áo đỏ như máu, tượng trưng tình yêu của cha, đã lấp kín nó! Spurgeon nhận định, “Thật lạ khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho họ, nhưng lại quá tằn tiện nói về những gì người khác nhận được. Hãy ‘học cách mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Học cách mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng! Đó là những gì dụ ngôn hôm nay nói đến. Người anh tỏ ra bất bình trước bữa tiệc cha mình dành cho đứa em hư đốn trở về. Có công bằng không? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học cách mừng vui’ như cha anh vui mừng!

Bạn và tôi dễ sống theo cách ‘mọi thứ phải công bằng’; và khi người khác nhận nhiều hơn, chúng ta có thể tức giận và cay đắng. Hành động xót thương của cha dành cho đứa con ‘tàn đời’ chính là điều người anh cần học. Anh cần biết, bất kể cậu em đã làm gì, dẫu nó đòi chia gia tài - khác nào mong cha chết - hoặc coi bản thân là trung tâm dẫn đến việc cố tìm hạnh phúc ở bất cứ đâu, ngoại trừ một nơi mà nó thực sự tìm thấy: Cha! Dẫu thế, người cha vẫn yêu nó và hân hoan khi nó trở về. Như vậy, đứa em cần lòng thương xót không chỉ của cha, nhưng của cả anh nó, để nó có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.

Người anh đã chung thuỷ với cha suốt bao năm cũng không bị đối xử bất công chút nào! Sự bất bình của anh đến từ việc bản thân anh thiếu lòng thương xót như cha anh. Anh không thể thương đứa em ở mức độ tương tự cha anh thương; và do đó, không thấy được sự cần thiết cần có một lời an ủi như một cách giúp nó hiểu rằng, nó được tha và được chào đón trở lại. Lòng thương xót vượt xa những gì thoạt đầu được coi là công bằng. Muốn được thương xót, bạn và tôi cần sẵn lòng trao tặng nó cho ai cần đến nó nhất.

Thánh Vịnh đáp ca khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”, cũng là Đấng mà ngôn sứ Mikha xác tín, “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy gẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân hậu và rộng lượng đến mức nào, đặc biệt là đối với những ai xem ra không xứng đáng với điều đó. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, ân sủng thường không tính đến công bằng; ân sủng hào phóng đến mức gây sốc! Hãy dấn thân vào lòng quảng đại sâu xa này đối với bất cứ ai, nhất là những ai đang tổn thương; đồng thời, tìm mọi cách mà bạn có thể ủi an người khác bằng lòng thương xót của Chúa. Nếu bạn làm thế, và biết ‘học cách mừng vui’ như Thiên Chúa, tình yêu quảng đại đó cũng sẽ ban phước dư dật cho lòng bạn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con xụ mặt xuống khi thấy ơn lành Chúa đổ xuống trên người khác. Cho con đủ cao thượng để mừng vui khi thấy anh chị em con may mắn hơn mình!”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...