Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

 

THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI BA NGÀY TẾT

Hai Lúa dựa theo ý tưởng “Sợi Chỉ Đỏ”

của Cha Tổng-Giám Đốc Carôlô



A. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

I. NGÀY BA MƯƠI TẾT: TẠ ƠN CUỐI NĂM

Ngẫm nhìn trong suốt năm qua.

Đâu là phúc thật mà ta đang cần.

Bình an, Hạnh phúc là phần.

Giê su đã dạy ta cần thực thi.

 

BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC TRONG TAY CHÚA  

Một năm cũ sắp trôi qua và một năm mới sắp đến. Trong khoảnh khắc giao thừa giữa cũ và mới này, chúng ta đến với Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Ngài về 365 ngày sắp qua, và xin Ngài giúp chúng ta biết sử dụng 365 ngày sắp đến theo đúng thánh ý Ngài.

Chúng ta cũng mời tổ tiên về vui tết với chúng ta trong những ngày vui xuân đón tết nầy.

Trong Thánh lễ này, Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì đã phí phạm rất nhiều thời giờ để không làm gì cả hoặc làm những việc xấu mất lòng Chúa;  Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa phụng thờ Chúa cho xứng đáng; Chúng ta hãy xin lỗi Chúa vì trong năm qua chúng ta chưa hết lòng yêu thương anh chị em đồng loại.

Mùa Xuân, ngày Tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài nhiều lộc, nhiều tiền, nhiều của. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là sự chúc lành của Đấng Bề Trên.

Chúa chúng ta cũng dạy ta phải cầu xin để được Chúa ban lương thực hằng ngày. Nhưng Chúa cũng dạy con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn sống và được hạnh phúc vì những giá trị tinh thần nữa. Bởi vì con người không chỉ thuần là vật chất, mà còn là loài khao khát cái vô biên

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chúc phước cho những người có tâm hồn nghèo, không ham lợi lộc vật chất, vì nước Thiên Chúa là của họ. Những người hiền lành là có phước vì họ sẽ nhận được Đất Hứa. Chúa cũng chúc phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phước cho người khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho no lòng thỏa dạ. Phước cho người hay thương xót người khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Chúa còn cầu phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phước cho người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Phước cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Chúng ta dành những giờ phút linh thiên này để chúc tụng Chúa và dâng lên Chúa những ý nguyện đầu Xuân của chúng ta 

Lạy Chúa, trong những ngày Tết, chúng con thường dẹp bỏ mọi âu lo, buồn phiền và chúng con luôn chúc cho nhau những gì tốt đẹp nhất, xin Chúa giúp chúng con luôn duy trì tâm tình tốt đẹp tươi vui đó, và luôn sẵn sàng góp phần cho mọi người được sống hạnh phúc hơn.

 

BÌNH AN HẠNH PHÚC

Giáp thìn ta nguyện chúc nhau.

Bình an, hạnh phúc đồng bào khắp nơi.

Phúc thật, Chúa dạy cho đời.

Hằng ngày dùng đủ ta thời khấn xin.

 

Sống nhờ cơm bánh thường tình,

Sống bằng Lời Chúa phúc vinh cho đời.

Phúc thật Chúa dạy cho đời.

Tinh thần nghèo khó, Nước Trời của ta.

 

Hiền lành là phúc cho nhà.

Khổ sầu chấp nhận, Chúa đà ủi an.

Khao khát công chính sẵn sàng,

No lòng thỏa dạ vì nang hòa bình.

 

Thương người như chính thương mình,

Chúa thương xót phận tận tình thi ơn.

Tâm hồn trong sạch, lòng nhơn.

Được nhìn thấy Chúa phúc ơn thiêng đàng.

 

Hòa bình xây dựng, thế gian

Được gọi “Con Chúa” danh mang muôn đời.

Bách hại vì Chúa ai ơi!

Nước Trời Chúa thưởng muôn đời vinh quang.

 

Xin cho tất cả bình an.

Năm mới Lời Chúa ngập tràn thế gian,

Ý Cha thể hiện rõ ràng,

Trời sao, đất vậy thiên đàng tỏa lan,

Phúc ân Thiên Chúa đổ tràn.

Bính an, hạnh phúc thế gian an lành.

 

 

II. NGÀY MỒNG MỘT TẾT: CẦU BÌNH AN NĂM MỚI

Măm mới, xin Chúa bình an.

Bình an Ý Chúa đã ban cho đời.

Tích cực xây dựng ai ơi!

Tám mối phúc thật, xây đời bình an.

 

BÌNH AN HẠNH PHÚC TRONG CHÚA

Giáp thìn đến với chúng ta. chúng ta hãy đến với Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài, Đấng làm chủ thời gian, để tạ ơn Chúa và xin Ngài giúp chúng ta biết sống năm mới nầy theo đúng thánh ý Chúa.

Mùa Xuân, ngày Tết, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng chúc cho nhau nhiều tài nhiều lộc, nhiều tiền, nhiều của. Những người có tín ngưỡng thì tin rằng may mắn, tiền của là sự chúc lành là do Chúa ban.

Chúa chúng ta cũng dạy ta phải cầu xin để được Chúa ban lương thực hằng ngày. Nhưng Chúa cũng dạy con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn sống và được hạnh phúc vì những giá trị tinh thần nữa. Bởi vì con người không chỉ thuần là vật chất, mà còn là loài khao khát cái vô biên.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chúc phước cho những người có tâm hồn nghèo, không ham lợi lộc vật chất, vì nước Thiên Chúa là của họ. Những người hiền lành là có phước vì họ sẽ nhận được Đất Hứa. Chúa cũng chúc phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phước cho người khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho no lòng thỏa dạ. Phước cho người hay thương xót người khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Chúa còn cầu phước cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phước cho người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Phước cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.

Anh chị em thân mến, chúng ta dành những giờ phút đầu tiên trong năm mới này để chúc tụng Chúa.

Xin cho các vị lãnh đạo trong Hiệp thông và toàn thể dân Chúa được hưởng một năm mới dồi dào phúc lộc và luôn hăng say trong sứ vụ Phúc âm hóa. Xin cho các nhà cầm quyền trong xã hội và mọi dân tộc trên thế giới được hưởng một năm mới trong hòa bình và thịnh vượng hơn năm cũ. Xin cho mọi người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần sang năm mới gặp được nhiều may mắn và sớm vượt qua được mọi khó khăn. Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta sang năm mới cố gắng sống hiệp thông với Chúa và hiệp thông với mọi người chung quanh để mọi người trong khu xóm được sống hạnh phúc hơn và làm chứng về Chúa cho mọi người.

Lạy Chúa, trong những ngày Tết, chúng con thường dẹp bỏ mọi âu lo, buồn phiền và chúng con luôn chúc cho nhau những gì tốt đẹp nhất, xin Chúa giúp chúng con luôn duy trì tâm tình tốt đẹp tươi vui đó, và luôn sẵn sàng góp phần cho mọi người được sống hạnh phúc hơn.

 

BÌNH AN HẠNH PHÚC

Giáp Thìn ta nguyện chúc nhau.

Bình an, hạnh phúc đồng bào khắp nơi.

 

Phúc thật, Chúa dạy cho đời.

Hằng ngày dùng đủ ta thời khấn xin.

Sống nhờ cơm bánh thường tình,

Sống bằng Lời Chúa phúc vinh cho đời.

 

Phúc thật Chúa dạy cho đời.

Tinh thần nghèo khó, Nước Trời của ta.

Hiền lành là phúc cho nhà.

Khổ sầu chấp nhận, Chúa đà ủi an.

 

Khao khát công chính sẵn sàng,

No lòng thỏa dạ vì nang hòa bình.

Thương người như chính thương mình,

Chúa thương xót phận tận tình thi ơn.

 

Tâm hồn trong sạch, lòng nhơn.

Được nhìn thấy Chúa phúc ơn thiêng đàng.

Hòa bình xây dựng, thế gian

Được gọi “Con Chúa” danh mang muôn đời.

 

Bách hại vì Chúa ai ơi!

Nước Trời Chúa thưởng muôn đời vinh quang.

Xin cho tất cả bình an.

Năm mới Lời Chúa ngập tràn thế gian,

 

Ý Cha thể hiện rõ ràng,

Trời sao, đất vậy thiên đàng tỏa lan,

Phúc ân Thiên Chúa đổ tràn.

Bính an, hạnh phúc thế gian an lành.

 

III. NGÀY MỒNG HAI TẾT: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Làm con thảo hiếu Mẹ Cha.

Đó là đạo hiếu, đó là giới răn.

Hiếu thảo Cha Mẹ trọn phần.

Dâng lời, Yêu mến chuyên cần chăm lo.

 

 ĐẠO HIẾU LÀ ĐIỀU RĂN CHÚA TRUYỀN DẠY

Anh chị em thân mến! Dân tộc Việt Nam vốn trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên Ông Bà Tổ Tiên của mình. Trong Thánh Lễ ngày Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Ngài; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài được vui lòng.

Kính nhớ Tổ Tiên; Lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã vun trồng cây sự sống cho thế hệ đời sau, là nội dung của phong tục thờ cúng tổ tiên, mà các dân tộc Châu Á, đặc biệt là dân tộc ta, rất coi trọng.

Người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ mạc. Hội thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dỡ của các ngài, lo vun trồng tươi tốt những cây non là các thế hệ đến sau, để cho cây nhân sinh của dòng họ ta mãi mãi xanh tươi và đơm nhiều hoa trái, đóng góp với sự tốt tươi chung của rừng cây nhân loại.

Anh chị em thân mến, Chúa đã dạy chúng ta phải luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Hội thánh luôn khuyến khích chúng ta phải nhớ ơn ông bà cha mẹ và các ân nhân, Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn làm gương cho mọi người chung quanh về lòng biết ơn, hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và Thánh lễ chung con dâng lên Thiên Chúa hôm nay, xin Chúa thương thương, thưởng công bội hậu cho ông bà, tổ tiên chúng con.

 

ĐẠO HIẾU

“Thờ Cha, kính Mẹ” nghĩa ân.

Vui Tết hãy nhớ tình thân Ông Bà.

 

Tổ Tiên công đức Mẹ Cha.

Biết ơn, hiếu thảo đó là “đạo con”.

Công giáo luật Chúa sắc son,

Thờ Cha, kính Mẹ cho tròn giới răn.

 

Bàn thờ hương khói hoa đăng.

Ngày xuân ngày tết dành phần kính tôn.

Mùng hai Tết dịp suy tôn:

Công Cha, Nghĩa Mẹ, kính tôn ông bà.

 

Công lao sinh dưỡng nên ta,

Yêu thương, vâng phục Mẹ Cha trọn tình.

Tổ tiên tâm nguyện giữ gìn,

Tiếp tục sự nghiệp tận tình ghi ơn,

 

Kinh Lễ xin Chúa xuống ơn.

Thưởng công bội hậu, đẹp hơn trên trời.

Nhớ Lời Chúa đã gọi mời,

Phải luôn hiếu thảo vâng lời Mẹ Cha,

 

Còn sống phụng sự thiết tha

Qua đời “Kinh Lễ” thế là không quên.

 

IV. NGÀY MỒNG BA TẾT: CẦU NGUYỆN CHO CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Vũ trụ do Chúa tạo thành.

Chúa cho ta hưởng, hiệp hành chung xây.

Giê-su nhập thế gương nầy,

Dạy ta chăm chỉ dựng xây thế trần.

 

SỬ DỤNG THỜI GIỜ LÀM VIỆC THEO Ý MUỐN CỦA CHÚA

Anh chị em thân mến! Sau mấy ngày nghỉ ngơi vui Tết, chúng ta sẽ trở lại với công ăn việc làm thường ngày. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này và tha thiết cầu xin Chúa cho những việc làm của chúng ta vừa thánh hóa bản thân chúng ta, vừa đem lại những của cải vật chất nuôi sống gia đình chúng ta, vừa giúp chúng ta có điều kiện phục vụ tha nhân và xã hội.

Ca dao có câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà". Có lẽ thời trước người ta nhàn hạ hơn nên dám bỏ ra cả một tháng để "ăn chơi". Còn thời nay chúng ta chỉ ăn Tết một vài ngày. Nhưng dù xưa hay nay, dù ăn Tết cả một tháng hay chỉ một vài ngày thì sau đó cũng phải làm việc trở lại.

Nghĩ đến công việc phải làm trong năm mới, có người thì ngao ngán, nhưng dù ngán cũng vẫn phải làm; có người thì dửng dưng chẳng suy nghĩ gì cả, làm thì làm vậy thôi. Phần chúng ta, Giáo Hội dành ra ngày mồng 3 Tết để cầu nguyện cho công ăn việc làm trong năm. Hôm nay chúng ta hãy dựa vào Lời Chúa để suy nghĩ về việc làm của chúng ta trong năm sắp tới.

Bài trích sách Sáng thế cho ta thấy, Thiên Chúa cho ông bà ở trong vườn địa đàng để "canh tác và giữ vườn".

Còn bài Tin Mừng thì Giêsu nói "Cha tôi vẫn làm việc luôn, cho nên tôi cũng làm việc".

Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta thấy hai điều: Thứ nhất, làm việc là điều tốt đẹp cao cả; Thứ hai, làm việc là noi gương Chúa,

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những việc chúng ta sẽ làm trong năm cùng với những lao nhọc cực khổ chúng ta sẽ gặp phải khi làm việc.

Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong công việc; Xin Chúa giúp để việc làm của chúng ta đem lại đủ nuôi sống bản thân và gia đình chúng ta; Xin Chúa mở rộng lòng, rộng tay của chúng ta để chúng ta biết chia sẻ thành quả công việc cho những người túng thiếu; Xin cho mọi người đều có công việc làm xứng đáng.

Lạy Chúa, sau mấy ngày nghỉ ngơi, chúng con sắp trở lại với công ăn việc làm. Chúa đã ban cho chúng con đôi tay và khối óc. Xin Chúa giúp chúng con sử dụng chúng để siêng năng lao động, vừa lo cho cuộc sống bản thân, vừa phục vụ mọi người.

 

CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Ngày vui, Tết hết qua mau,

Bắc tay vào việc lẽ nào lại quên.

Sáng soi xin Chúa ta nên,

Xin cho biết việc chớ quên nguyện cầu.

 

Việc làm năm mới khởi đầu,

Sao cho Danh Chúa nhiệm mầu tỏ soi;

Khi làm, Chúa ghé mắt coi.

Hoàn thành, khởi sự chúng tôi dâng Ngài.

 

Sáng thế Chúa đã an bài,

Dựng nên Nguyên Tổ, Chúa sai “giữ vườn".

Giê su thì dạy tỏ tường:

"Cha tôi làm việc tôi thường làm theo".

 

Việc làm tuy lắm gieo neo;

Nhưng  noi gương Chúa, làm theo Ý Ngài.

Chúng ta làm việc hôm nay,

Hãy dâng cho Chúa, xin Ngài gúp ta.

 

Hạnh phúc công việc làm ra,

Xin Chúa soi sáng cho ta hoàn thành.

Mùa màn hoa lợi thu nhanh,

Đủ ăn, nuôi sống …, giúp anh em mình;

 

Xin cho thời tiết đẹp xinh,

Việc làm phú túc, dân lành khang an,

Xin cho công việc năm sang,

Xứng tài, xứng đức, ngập tràn phúc vinh.

 

Lạy Chúa, tạo hóa anh minh,

Đôi tay khối óc. Con xin tận dùng.

 



B.  NGHI THỨC LÀM PHÉP LỘC THÁNH

1. NGHI THỨC

Sau nghi thức tôn vinh Chúa, Chủ tế hướng về cây Lộc Thánh cử hành nghi thức hái lộc. Cần phải giữ bầu khí trang nghiêm.

Chủ tế:

Anh chị em thân mến,

Người Việt Nam chúng ta có tục “hái lộc” vào dịp đầu Xuân. Sau khi đi lễ chùa đền ngày minh niên, người ta hái một cành cây mang về đặt trước bàn thờ và để đó cho đến hết Tết. Lộc non tượng trưng cho ơn trời giúp con người phát đạt thinh vượng.

Tập tục đó đã được hội nhập vào sinh hoạt đầu năm của người Công giáo chúng ta. Thay vì hái cành cây non, chúng ta nhận một câu Lời Chúa. Câu Lời Chúa này sẽ trở thành phương châm sống đức tin cho chúng ta trong Năm Mới và suốt đời. Như vậy, “Hái Lộc Xuân” đối với người Công giáo là “Hái Lộc Thánh”.

Với nghi lễ “Hái Lộc Thánh” sắp cử hành, chúng ta tin tưởng rằng câu Lời Chúa mà chúng ta nhận được chính là ý muốn của Thiên Chúa muốn nhắn gửi riêng cho từng người và cho gia đình chúng ta. Chúng ta cũng tin tưởng rằng khi suy niệm và sống theo lời nhắn nhủ đó, ân phúc của Chúa sẽ đổ chan hoà lai láng trên chúng ta trong năm mới này.

Giờ đây xin mời anh chị em cùng tham gia nghi thức làm phép Lộc Thánh.

Chủ tế: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Cđ: Amen

Chủ tế: Ơn phù trợ chúng con ở nơi danh Chúa,

Cđ: Là Đấng tạo thành trời đất.

Chủ tế: Chúng ta dâng lời cầu nguyện,

Lạy Chúa, Lời Chúa phán ra tạo thành trời đất mọi loài và gieo mầm sự sống cho nhân loại.

Xin làm phép thánh hoá + và đổ tràn ơn Chúa xuống trên những Lộc Thánh này.

Xin cho Lời Chúa chúng con nhận được luôn vang vọng trong tâm trí chúng con, nhắc nhở chúng con luôn trung thành thực thi ý Chúa. Ước gì những lộc thánh này trở thành khí cụ đem lại phúc lộc bình an cho chúng con trong năm mới.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Cđ: Amen.

Chủ tế rảy nước thánh trên Lộc Thánh.

2. HÁI LỘC

Trước khi hái Lộc Thánh, Chủ tế nhắn nhủ:

Anh chị em thân mến,

Trong Hiến Chế Tín lý về Mặc Khải số 11, Giáo hội nhắc nhở chúng ta phải “luôn luôn tôn kính Lời Chúa như chính thân thể Chúa”. Vì thế khi lên nhận Lộc Thánh, xin cộng đoàn giữ trật tự, biểu tỏ niềm tin và lòng yêu mến Lời Chúa.

* Xin lưu ý:

- Mỗi gia đình chỉ nhận được một Lộc Thánh mà thôi.

- Lộc Thánh sẽ được nhận do một đại diện gia đình khi xếp hàng lên rước lễ.

- Khi mang Lộc Thánh về, xin ông bà và anh chị em đặt ở nơi xứng hợp trong nhà, sao cho dễ nhìn thấy nhất.

(Sau đó Chủ tế, quý Cha, Tu sĩ và đại diện các giới, các ban ngành đoàn thể hái lộc. Ca đoàn có thể hát bài: Lắng nghe Lời Chúa…hay một bài nào khác phù hợp)

* Những người đại diện hái xong, Chủ tế bắt đầu Thánh Lễ.


C. SUY NIỆM LỜI CHÚA LỄ MINH NIÊN

Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48

Buổi sáng Minh Niên, một thời điểm thánh thiêng của dòng thời gian. Năm Quý Mão đã qua, năm mới Giáp Thìn vừa tới. Một thời gian mới với nhiều mộng ước. Tốt đẹp, cao cả có, quảng đại xả kỷ có thể nhiều và ích kỷ vụ lợi cũng không thiếu. Nhưng dù gì đi nữa thì một vài ngày đầu xuân rất cần phải là những ngày của sự may lành, ít là trong nguyện ước, dành cho nhau và cho chính bản thân mình. Hết đi tết tạ các ân nhân, các đấng bậc sinh thành hay đấng vị vọng trong đạo lẫn ngoài đời, thì lại đi chúc tuổi, mừng xuân nhau. Nhà thơ Tú Xương, một thi nhân nhiều tài và cũng không thiếu tật đã cất lời:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau.

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối.

Thiên hạ khối đứa thích ăn trầu. Thi nhân hứng chí tiếp:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang, chúc giàu…

Phúc, lộc, thọ, quả là những điều thường tình mà con người vốn khao khát kiếm tìm, bất kể già trẻ, lớn bé, hay sang hèn. Và đó cũng là nội dung lời Chúa qua hai bài đọc thứ nhất và thứ hai ngày Lễ Minh Niên (mẫu B).

Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỉ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, và người già tuổi thọ không tròn. Vì trăm tuổi mà chết là vẫn còn chết trẻ”.

Ý định của Thiên Chúa qua bài đọc thứ hai đó là: Thiên Chúa đến ở với nhân loại và Người sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Sẽ không còn sự chết, không còn cảnh tang tóc, đau khổ.

Thánh ý của Chúa thế là đã rõ. Người muốn từng người, từng gia đình, từng tập thể quốc gia, dân tộc được an vui hạnh phúc, được sống và sống dồi dào. Thánh ý Thiên Chúa dành cho loài thọ tạo, cách riêng cho con người thì ba chữ phúc- lộc- thọ, hẳn chưa đủ đong đầy.

Một trong những quan niệm tương đối phổ biến trong dân gian xưa lẫn nay đó là: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người khao khát, mơ ước, toan tính đủ cách, đủ bề nhưng sự việc có thành tựu hay không là phải do ý trời. Bôn ba vất vả không qua mệnh trời. Tuy nhiên với sự mạc khải tròn đầy qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô thì ta phải nói rằng: Mưu sự tại Thiên mà thành sự là tại nhân.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16). Vấn đề còn lại là ở chúng ta, tạo vật có ý thức và tự do. Thành sự hay không là tại nhân loại chúng ta, là do bởi chính mỗi người chúng ta như lời thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.

Những lời Tin mừng chúng ta vừa nghe trong Thánh Lễ Minh Niên này chính là chìa khóa để chúng ta xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Và điều này lại hiển lộ cách rõ nét qua cung cách sống của chúng ta trong ba ngày đầu xuân mới.

Nếu nhìn dưới khía cạnh tiêu cực tức là tránh, kiêng thì ba ngày đầu xuân người ta thường tránh gây những điều xúi quẩy cho nhau. Dù có bực mình lắm những vẫn nín nhịn. Dù có khó chịu những vẫn không để sự gì chẳng hay xảy ra. Có thể có một vài sự kiêng kỵ mang nét mê tín nhưng dẫu sao nó cũng nhắc nhớ chúng ta lời của Khổng Phu Tử và Lời trích sách Tobia là: “Kỷ sở bất dục vật ư thi nhân”. Điều gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho tha nhân.

Chúa Kitô lại dẫn chúng ta đến chiều kích tích cực đó là “điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều ấy cho tha nhân” (x.Mt 7,12). Tích cực làm cho nhau những điều tốt đẹp mà lòng mong người khác làm cho mình. Chúng ta rất có thể thực hiện điều này trong ba ngày đầu xuân. Tuy nhiên, sự thường chúng ta chỉ thực hiện những điều ấy cho người mình thương, cho người mình thân hay cho người mình dễ gần hay thích gần vì họ quyền cao chức trọng.

Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn thế. Phải nên trọn lành như Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều xuống trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời lên soi sáng người lành thánh lẫn tội nhân.

Mưu sự tại thiên-Thành sự tại nhân. Ước gì những tâm tình tốt đẹp trong các ngày đầu xuân cứ mãi kéo dài suốt cả năm. Đó là không chỉ kiêng tránh những điều không hay, không may cho tha nhân mà còn tích cực dệt xây những điều tốt đẹp cho nhau, cho những người kém may mắn, cho cả những người đang thù hận chúng ta, bách hại chúng ta.

Chúng ta đã bước vào năm mới Âm lịch, năm Giáp Thìn, một con linh vật xem ra rất tương phản theo cái nhìn của con người phương Đông và phương Tây.

Thìn đứng thứ 5 trong chu kỳ mười hai con giáp (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ…).

Lịch nước ta và Trung Quốc là âm lịch, lịch mặt trăng theo phép thập can và thập nhị chi.

Thập can có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Thập nhị chi có 12 được tượng hình với 12 con vật: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (lợn).

Mười hai chi đi với mười can thành tên mỗi năm theo chu kỳ 10 năm là một vòng, và 6 vòng là 60 năm thành một giáp.

Năm nay là năm Thìn tức năm Rồng, lấy tượng rồng làm chủ cho năm. 

Năm Âm lịch được tính vào ngày Đông chí mà ngày Đông chí thường rơi vào tháng 11, nên tháng 11 là tháng Tí, cho nên tháng Thìn là tháng 3 âm lịch. Và giờ Thìn là từ 7 giờ đến 9 giờ sáng trong ngày, bởi lẽ canh 3 từ 23h- 01h sáng thuộc giờ Tí, thì giờ Sửu là từ 1h-3h, giờ Dần từ 3h-5h, giờ Mão từ 5-7h, nên giờ Thìn là từ 7h-9h sáng.

Rồng là một con vật của huyền thoại và luôn là biểu tượng của thành công và quyền lực. Trong tâm tưởng nhân dân, có 4 con vật linh thiêng là “long, ly, quy, phượng” biểu trưng cho hạnh phúc, mà Rồng là con vật đứng đầu.

Rồng đã đi vào lịch sử dân tộc ngay từ thời Hùng Vương dựng nước. Nhân dân ta nhận mình là dòng giống của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân là vua rồng, Âu Cơ là tiên nữ, từ đó mà có các khái niệm “Con rồng cháu tiên”, “Nòi giống rồng tiên”.

Rồng thường được thể hiện với hình tượng bay lượn trên mây nên “Rồng mây gặp hội” còn chữ nho ý này là “Long vân khánh hội”, hội tốt lành.

Khái niệm “cá hóa long” cá hóa rồng, là chỉ về “cá vượt vũ môn”, cá qua được cửa mưa, cửa nước “vũ môn” sẽ hóa thành rồng, chỉ người học trò đi thi và cũng là lời chúc.

Nói về hôn nhân đẹp đôi phải lứa, hứa hẹn hạnh phúc bền vững, người ta nói “thỏa nguyền ấp phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”.

Rồng còn có ý nghĩa biểu hiện quyền lực tối cao cho nên chỉ có nhà vua mới được mang biểu tượng rồng, kiệu vua là long đình, thuyền vua là long chu, ngai vua là long ngai…

Rồng cũng là con vật có quan hệ tới mùa màng và đời sống con người. Rồng mang thủy tính, tính nước. Rồng là vua của biển cả, đại dương gọi là long vương như Đông Hải long vương, Nam Hải long vương, Tứ Hải long vương...

Rồng là linh vật được chạm khắc ở các đình đền, ở cột, đầu đao, cánh cửa với nhiều tư thế khác nhau, rồng mẹ rồng con, rồng phun nước, rồng ngậm sách… Nóc đình, đền ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trên nóc đền Thượng có tên kính thiên lĩnh điện cũng có tạc hình rồng, hai rồng chầu mặt trời.

Trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thì rồng là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ là: nước, lửa, đất, và gió.

Tuy nhiên trong văn hóa phương Tây, rồng được mô tả giống như một con rắn hay con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa, là biểu tượng của cái ác và thần dữ.

Con rồng, là một con vật thường được gắn liền với vị đứng đầu một quốc gia theo chế độ quân chủ: long ngai, long bào, long thể...Thế nhưng trong thực tiển lịch sử có một số vị minh quân lấy “dân vi quý- xã tắc thứ chi” thì xem ra quá ít so với số hôn quân, bạo chúa. Điều này khiến chúng ta, các Kitô hữu dưới ánh sáng lời mạc khải cần cẩn trọng với con mảng xà, con rồng đỏ vốn là hình ảnh của ma quỷ và satan. Thánh tông đồ cả Phêrô đã từng cảnh báo rằng “ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé” (x.1P 5,8).

Bước vào năm mới, năm con rồng, để cho con linh vật này thực sự là rồng vàng, rồng bay (thăng long) thì cần phải nỗ lực gắng công nhiều về mọi phương diện. “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Để vươn lên, để hướng thượng thì chắc chắn cần phải vượt thắng nhiều lực cản, cởi bỏ nhiều gánh ách nặng nề đó là những điều xấu xa tồi tệ và cả một vài điều nào đó mà ta xem ra là hay là tốt nhưng lại khiến ta không thể bay cao bay xa được theo ý muốn của Chúa và giáo hội.

Xin cùng chúc nhau một năm mới khang an thánh đức với quyết tâm làm cho ý Chúa được viên thành, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời bằng nỗ lực của chúng ta, những tạo vật có ý thức và tự do, biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm.

Xin mượn lời của thi sĩ Tế Xương để kết những dòng chia sẻ đầu năm mới:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời,

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người.

Dĩ nhiên là chúc nhau sống sao cho ra cái giống người được tạo thành vốn dĩ là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình yêu được hiện thực nơi những con người biết sống yêu thương, liên đới với nhau bằng cả tinh thần lẫn vật chất, bằng cả tâm hồn lẫn thể xác; yêu thương chia sẻ cho nhau không chỉ những điều thiện hảo ở đời này mà còn cả hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời mai sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

 

D. CHÚC TẾT HỌ ĐẠO NĂM MỚI (Nguyệt Giang)

 

1. BẰNG THƠ LỤC BÁT

Mùa xuân năm mới lại về

Chúc cho toàn thể cộng đoàn nhà ta

Một năm Quý Mão đi qua

Giáp Thìn năm mới cả nhà yên vui.

 

Bao nhiêu quá khứ đẩy lùi

Bao nhiêu sui rủi chôn vùi theo luôn

Hanh thông phúc lộc trào tuôn

Buôn may bán đắt tiền tuôn vào nhà.

 

Xuân sang Tết đến mọi nhà

Chúc ông sức khỏe, chúc bà an khang

Chúc cô, chúc chú giàu sang

Một năm sung túc cười vang mỗi ngày

 

Chúc anh, chúc chị hăng say

Thiếu nhi học giỏi đợi ngày thành danh

Chúc cho vạn sự tốt lành

Giáp Thìn năm mới bức tranh sáng ngời.

 

Đầu Xuân kính chúc mọi người

Nam thanh nữ tú vui cười đón Xuân

Chúc cho ơn gọi hiến dâng

Cha thầy tu sĩ thêm phần thăng hoa

 

Quý ông trẻ mãi không già

Quý bà cũng vậy như là đôi mươi

Quý cô đẹp tựa hoa tươi

Quý em đẹp mãi rạng ngời nét Xuân

 

Ân nhân cùng với người thân

Làm ăn may mắn thêm phần thanh cao

Giáp Thìn năm mới xin chào

Mong cho xứ đạo mỗi ngày phồn vinh

 

Bà con xứ đạo quê mình

Mọi người vui vẻ thắm tình bao dung

Tham gia phục vụ chung cùng

Hiệp thông sứ vụ tinh thần hăng say

 

Mọi nhà đức hạnh dựng xây

An vui hạnh phúc đong đầy Chúa ban

Nguyện cầu phúc lộc giàu sang

Chúc mừng năm mới thánh ân tuôn tràn.

 

 

2. BẰNG THƠ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT

Giáp Thìn xuân đến khắp nước nhà

Rồng bay, phượng múa Tết vang xa

Năm Rồng phú quý, vinh quang đến

Chúc Tết: mai lành khắp gần xa.

 

Đầu xuân kính chúc đến mọi nhà

Sóc trăng Họ đạo mãi vươn xa

Phú túc, tấn tài và tấn lộc

Gia đình thịnh vượng khải hoàn ca.

 

Chúc mừng tuổi thọ quý ông bà

Gia phong lễ nghĩa chỉnh tề gia

Nhủ bảo đoàn con tròn chữ hiếu

Tu thân, tích đức hạnh vươn xa

 

Chúc cho nam nữ thanh niên ta

Chăm chỉ làm ăn của cải ra

Góp phần dựng xây tình hiệp nhất

Hăng say phục vụ sống vị tha

 

Chúc cho thiếu nhi Họ đạo nhà

Ngoan ngoãn vâng lời kính mẹ cha

Học tập chăm chỉ năng dự lễ

Xứng danh con Chúa tiếng vang xa

 

Chúc cho Họ đạo mãi thăng hoa

Việc to việc nhỏ cùng tham gia

Hiệp thông sứ vụ không ngại khó

Lan tỏa Tin mừng rạng danh Cha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN-B KÍNH TRỌNG THỂ CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ Đn 7,...