Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

 SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VI VÀ SAU LỄ TRO

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN B

Lv 13, 1-2.44-46; 1 Cr 10, 31-11,1; Mt 25, 14-30

Lm Minh Anh, Tgp Huế

THỨ BẢY MỒNG MỘT TẾT: NỚI RỘNG TẦM NHÌN

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”.

“Tiền thường xen vào giữa Chúa và người. Che mắt bằng hai xu nhỏ, bạn sẽ không thấy những ngọn núi. Cũng không cần một số tiền quá lớn xen vào giữa bạn với Chúa; chỉ cần một xu đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn, và bạn không bao giờ thấy Ngài. Hãy nới rộng tầm nhìn, đừng che chắn nó!” - Cedric Gowler.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chỉ cần một xu đặt không đúng vị trí, hậu quả sẽ là mất tầm nhìn!”. Ngày đầu năm, Lời Chúa mời gọi bạn và tôi ‘nới rộng tầm nhìn’, đừng che chắn nó! Chúa Giêsu căn dặn, “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Đừng lo lắng kiểu thế gian, “Ta sẽ ăn gì và mặc gì?”.

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Điều Chúa Giêsu dạy được thánh Ignatiô gọi là ‘dửng dưng’ đối với vật chất. Rõ ràng, một số vật chất như bánh ăn, áo mặc và chỗ ở là cần thiết; nhưng thái độ ‘dửng dưng’ đối với chúng không phải là không quan tâm; trái lại, rất quan tâm! Chúng ta quan tâm có nhiều thứ và chỉ sử dụng chúng trong chừng mực cần thiết để kính mến Thiên Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân như Ngài mong chờ.

Lo lắng về của ăn vì giờ này tôi đang đói, rất khác, so với việc liệu tôi sẽ có gì để ăn vào tháng tới hay không; trăn trở về những gì đang xảy ra khi sức khoẻ tôi được chăm sóc tử tế, rất khác, so với việc tự hỏi sức khoẻ của tôi sẽ giữ được bao lâu những năm tới; băn khoăn vì không có tiền nhà để trả tháng này, rất khác, so với việc tự hỏi, khi nào tôi giàu?

Cũng thế, bận tâm về tương lai là lãng phí thời gian và năng lượng; ấy thế, bạn và tôi lại ‘mê’ chúng! Bởi lẽ, lo lắng không bao giờ cất được nỗi buồn của ngày mai, nó chỉ đào huyệt chôn vùi niềm vui của ngày hôm nay. Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời chúng ta nhìn lũ chim trời và những khóm hoa đồng nội. Chúng không làm gì ngoài việc trở nên chính mình; hồn nhiên bay lượn, đong đưa trước gió. Chúng thanh thoát, ngu ngơ và đẹp làm sao! Khi thời gian của chúng đến, chúng qua đi, vậy thôi! Đừng quên, Đấng chăm bẵm chúng là Đấng dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó - bài đọc Sáng Thế.

Vậy mà, chúng ta thường quá bận lòng để hối tiếc quá khứ hoặc trăn trở tương lai. Khá phi lý! Niềm vui và hạnh phúc chỉ có trong hiện tại. Không ở đâu khác! Nhìn về phía trước, ngoái lại phía sau, sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc; vì hạnh phúc đang ở đây, trong tầm tay vào mọi thời điểm. “Bạn có mọi thứ bạn cần ngay bây giờ để hạnh phúc!” - Anthony de Mello. Cuộc sống sẽ ra sao nếu bạn thực sự tin vào những gì chưa tới hay những gì đã qua! Vì hạnh phúc chỉ có thể có trong hiện tại. Hạnh phúc hôm qua không còn; hạnh phúc ngày mai chưa tồn tại; nếu bây giờ bạn không hạnh phúc, sẽ không bao giờ!

Anh Chị em,

“Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa!”. Ngày đầu năm, Giáo Hội muốn con cái định hướng cụ thể cho những tháng ngày tới. Bạn tìm gì? Hẳn ai cũng tìm điều cao quý nhất. Nhưng tất cả “gì” của thế gian đều ngắn ngủi, phù du so với Nước Thiên Chúa. Bởi lẽ tìm kiếm và sở hữu Nước Thiên Chúa là sở hữu chính Chúa; có Chúa, có tất cả, không chỉ đời này nhưng cả đời sau. 365 ngày mở ra, chắc chắn vui có, buồn có; hạnh phúc có, khổ đau có. Nhưng nếu biết ‘nới rộng tầm nhìn’ vào Cha trên trời, chúng ta sẽ an tâm vững tiến. “Tìm Nước Thiên Chúa” là một tầm nhìn và là một hướng đi đúng đắn nhất.

Phaolô thật chí lý, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em!” - bài đọc hai.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa là Mùa Xuân, đừng để bất cứ điều gì, bất cứ ai chắn che Chúa khỏi con. Cho con thấy rõ Chúa mỗi ngày, biết dang rộng đôi tay để nhận và để trao!”, Amen.

 

CHÚA NHẬT  MỒNG HAI TẾT: VĨ NHÂN CỦA CÁC VĨ NHÂN

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, chúng ta nhớ lại một tập tục của người thượng, đó là tục “bỏ mả”. Với một số dân tộc vùng cao, sau khi chôn người chết, hàng ngày, con cháu mang cơm nước ra mộ; khoảng một năm sau, họ làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này được tổ chức linh đình. Sau đó, họ san phẳng mộ; từ đó, không ai nhớ đến nó nữa. “Bỏ mả”, “bãi mả”, một tục gần như bắt buộc trong nếp sống du canh, du cư. Người Công Giáo không bỏ mả, không quên ông bà cha mẹ; nhưng kính nhớ các ngài như những ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’.

Sách Huấn Ca coi các ngài như những vĩ nhân, “Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng!”. Còn hơn các vĩ nhân, các ngài là ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’; vì lẽ họ đã sinh ra các vĩ nhân và thánh nhân. Các ngài được kính nhớ trọn tháng Các Đẳng; đầu năm, mồng 2 Tết; trong mỗi thánh lễ; và sau kinh Nhật Một, 3 lần mỗi ngày.

Trước hết, phải kể đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài. “Sinh” là xé ruột, rứt ruột, rút ruột… máu chảy lênh láng; “Dưỡng” là cho ăn, cho mặc; “Dục” là giáo dục, dạy cho nên người, nên thánh. Không được “dục”, nhất định không thành người. Một em bé được thả vào rừng, có lẽ vì đấu tranh sinh tồn, sẽ kiếm được cái ăn, cái uống, nhưng đó không phải là một con người toàn diện, đó là một con vật ‘hao hao giống người’. Vì thế, ngoài sinh, dưỡng, phải nói đến “dục”, “Bé chẳng vin, cả gãy cành”. Bên cạnh đó, một điều khác còn khó hơn: làm gương sáng. Trên đời này, không việc nào khó hơn làm gương sáng. Như thế, công đức của cha mẹ ông bà dành cho chúng ta thật bao la. Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta tôn kính các ngài, ‘vĩ nhân của các vĩ nhân’, và không được ‘bỏ mả’ là điều phải lẽ.

Lần kia, đang điểm tâm với một đôi vợ chồng Pháp trên một con phố, tôi thấy từ trên xe bước xuống một nhóm cỡ chừng sáu bảy người. Điều đáng nói là trong nhóm, có một cụ bà trạc ngoài 80. Một người đàn ông, khoảng lục tuần, dìu bà xuống xe; đúng hơn, ông ta nâng niu, dắt bà vào tiệm. Khi ăn, ông đút cho bà từng cọng bún một với chiếc khăn trên tay. Nhìn từng cử chỉ ấy, tôi đờ người! Vợ chồng người Pháp hỏi tôi làm sao thế; tôi nói với họ, tôi thèm, tôi ghen với ông ấy vì ông ấy còn mẹ. Mắt tôi bỗng cay cay. Giờ đây, tôi ước được dắt ba mẹ mình, ít là một lần, nhưng không thể; ‘nửa lần’ cũng không.

Tiếp đến, bạn đối xử làm sao với cha mẹ, con cái sẽ đối xử với bạn như thế! Không cần đợi 30, 40 năm sau, nhưng nhãn tiền. Bạn hiếu thảo với cha mẹ bây giờ, con cái sẽ thảo hiếu với bạn mai ngày. Chúng ta không nhớ cầu nguyện cho các ngài, con cái không học được thói quen tốt đó; mai kia, nằm ngoài mộ, ai nhớ đến chúng ta? Không làm gương cho con cái ngay bây giờ, trong luyện hình, đừng ngạc nhiên khi con cái ‘bỏ mả’ chúng ta mai ngày.

Anh Chị em,

“Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng!”. Công đức các đấng sinh thành góp phần làm nên những gì chúng ta là, chúng ta có! ‘Vĩ nhân của các vĩ nhân’ không chỉ chuyển trao sự sống của Thiên Chúa nhưng còn chuyển trao đức tin để chúng ta có được sự sống của Ngài trong Chúa Kitô. Vì thế, hãy yêu thương, kính trọng; đúng hơn, trân quý các ngài khi các ngài còn sinh tiền và cầu nguyện cho các ngài khi các ngài đã khuất núi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘bỏ mả’ với các đấng đã khuất; dạy con biết con biết ‘nâng niu’ các bậc chưa khuất!”, Amen.

 

THỨ HAI MỒNG BA TẾT: CHO MỘT MỤC ĐÍCH

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai”.

“Sống không mục đích, bạn như con tàu không bánh lái; một vật trôi dạt vô dụng. Hãy có một mục đích sống! Dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp vào điều Chúa muốn. Đừng quên, bạn được gọi cho một mục đích!” - Thomas Carlyle.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Cho một mục đích’ cũng là chủ đề của Lời Chúa ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm. Các bài đọc tiết lộ nhân vật chính của câu chuyện lớn hôm nay là ai, Đấng ấy làm gì, muốn gì? Ngài là Chúa, Đấng tạo thành muôn loài muôn vật; Ngài muốn con người tiếp tục công trình, nó được gọi ‘cho một mục đích’, để “cày cấy và canh giữ đất đai”.

Khởi đầu của vũ trụ không là một ‘tai nạn’ ngẫu nhiên, nhưng là kết quả từ ý muốn của Thiên Chúa - bài đọc Sáng Thế. Sau năm ngày tạo dựng; Ngài tạo nên con người, hình thành nó từ bụi đất. Không có gì “ngoạn mục” với chất liệu Ngài dùng! Bụi đất tượng trưng cho một thứ gì đó ít giá trị, thấp kém và hèn mọn. Nhưng Thiên Chúa đã thở vào mũi nó; với hơi thở sự sống thần thánh này, nó không chỉ trở thành một thực thể sống nhưng nó còn mang hình ảnh Ngài. Có hơi thở của Ngài, Thần Khí, con người được phúc chia sẻ quyền thống trị vạn vật với Thiên Chúa. Rõ ràng, nó được gọi ‘cho một mục đích!’.

Mục đích của Thiên Chúa thật rõ khi đem con người đặt vào “vườn”: “Để cày cấy và canh giữ đất đai”. “Vườn” là “ngôi nhà chung” mà tất cả chúng ta có bổn phận chăm sóc; chăm sóc môi trường, chăm sóc lẫn nhau. Phaolô, người được gọi ‘cho một mục đích’ đã nêu gương, “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” - bài đọc hai.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của hai hạng người đầu tiên, họ đã mạo hiểm nhân đôi những yến bạc đã lãnh nhận. Họ được khen vì đã chu tất cam kết đối với Ông Chủ và Vương Quốc Ngài. Họ nhìn những ân ban trong sự ngạc nhiên. Cuộc sống, sức khỏe, đức tin, tài năng; bên cạnh đó, ‘những con người’ đã đi vào, đã lấp đầy, đã làm nên cuộc đời của họ. Họ không ngừng tạ ơn; chính việc tạ ơn giúp họ phát triển mối quan hệ đáng yêu này ngày một thắm thiết hơn với Đấng tặng ban. Đầy tớ thứ ba đã đánh mất những tài năng anh có. Một khi quà tặng không được sử dụng, sự tốt lành của Thiên Chúa lập tức bị nghi ngờ. Anh quên rằng, anh được gọi ‘cho một mục đích’.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn”. Bạn và tôi được dựng nên, được “đặt vào vườn”, nghĩa là được gọi ‘cho một mục đích’. Hạnh phúc thay khi được chia sẻ quyền làm chủ vạn vật với Chúa; như thế, lao động là cộng tác với Ngài. Vì vậy, hãy “dốc hết sức lực của trí óc và cơ bắp” trong Năm Mới này với tâm thức của một nhà khai phá; đừng làm gì với tâm thức của một tù nhân! Nhưng mục đích đó chỉ đạt được khi chúng ta biết để Thiên Chúa cùng làm, cùng suy tư, cùng học hỏi với “Chúa muôn trùng cao cả” - Thánh Vịnh đáp ca. Hãy dành cho Thiên Chúa một chỗ trong mọi công việc; biến lao nhọc thành niềm vui và hạnh phúc đời sau bằng sự mạo hiểm đầy can đảm ở đời này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sống lây lất vốn chỉ thêm ‘chật đất’. Cho con dám chấp nhận rủi ro để nhân đôi, nhân nhiều lần ‘ngân sách’ đã lãnh nhận!”, Amen.

 

THỨ BA: GIỮ MÃI MỘT KÝ ỨC

“Các con không nhớ sao?”.

Ở Valladolid, sừng sững một tượng đài tôn vinh Christopher Columbus, người con vĩ đại khám phá tân thế giới. Điều thú vị ở tượng đài là hình ảnh con sư tử đang phá một chữ Latin vốn là phương châm của Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ. Trước khi Columbus bắt đầu hành trình, Tây Ban Nha nghĩ, họ đã đến ‘tận cùng trái đất’, “Non-Plus Ultra”, “Không Còn Đâu Nữa!”. Con sư tử phá hỏng chữ “Non”, “Không”; chỉ còn “Plus Ultra”. Columbus chứng tỏ rằng, thực sự, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Hơn 500 năm qua, người Tây Ban Nha ‘giữ mãi một ký ức’ là họ sẽ không bao giờ ‘nghỉ ngơi’ trên những vòng nguyệt quế!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật kỳ thú, Lời Chúa hôm nay cho thấy sự cần thiết để ‘giữ mãi một ký ức’ tốt lành về Thiên Chúa; vì lẽ, “Còn Nhiều Điều Hơn Nữa” từ Ngài!

Tin Mừng cho biết, các môn đệ lúng túng khi quên mang bánh. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu bảo, “Hãy coi chừng men Hêrôđê và men biệt phái!”. Họ bảo nhau, “Tại mình không có bánh”. Như họ, chúng ta thường bận tâm đến những gì trước mắt. Khao khát thành công, ước ao một người bạn hay một thành viên trong gia đình làm hoà với mình, làm sao tài chánh thật ổn định… và cứ như thế, chúng ta lo lắng. Như các môn đệ, bạn và tôi quên mất những ký ức trước đó, “Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh”, “Khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh”, “Các con thu lại bao nhiêu giỏ?”; “Các con không nhớ sao?”.

Một trong những tội lỗi nặng nề nhất của Israel là lãng quên những việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm. Vì thế, điều quan trọng là phải thường xuyên suy gẫm và biết ơn về bao ân phúc đã nhận được từ Ngài. Muốn được vậy, người môn đệ phải ‘giữ mãi một ký ức’ về Ngài. Ước gì, bạn và tôi luôn có cho mình một sự ngờ vực lành mạnh về những gì chúng ta cho là nhu cầu tuyệt đối trong cuộc sống. Chúng ta cần “một sự giải độc” tinh thần để tự giải phóng khỏi những ám ảnh về những mục tiêu thứ yếu. Phương thức giải độc này chỉ được tìm thấy trong trường học cầu nguyện, nơi thanh luyện những ước muốn, nơi trái tim được thanh tẩy, nơi tình cảm và lòng sùng kính Đấng Yêu Dấu được mở rộng.

Nhờ trường học cầu nguyện, việc ‘giữ mãi một ký ức’ về Thiên Chúa, Đấng giải thoát và quan phòng, sẽ không còn là một việc quá khó! Thật trùng hợp, cuộc thanh luyện này được Giacôbê nhắc đến trong bài đọc hôm nay, “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách!”. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Lạy Chúa, hạnh phúc thay kẻ được Ngài giáo huấn!”.

Anh Chị em,

“Còn Nhiều Điều Hơn Nữa!”. Trong Chúa Giêsu, mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều điều ‘mới mẻ’; hơn nữa, ân sủng của Ngài luôn luôn mới! “Trong Ngài, chúng ta không thiếu một ơn nào!”. Vì thế, mỗi người hãy cầu xin cho mình khỏi chứng ‘chán ăn thiêng liêng’, khiến bạn và tôi không còn khao khát sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và nếu phải ‘giữ mãi một ký ức’ về tình yêu Thiên Chúa giữa bao ký ức, thì cái chết thập giá của Con Một Ngài là một ký ức vĩ đại nhất mà chúng ta đừng bao giờ lãng quên!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để những đam mê ngổn ngang cản trở con nên thánh. Cho con luôn ‘giữ mãi một ký ức’ rằng, Chúa đã cứu chuộc con!”, Amen.

 

THỨ TƯ LỄ TRO: XÓT THƯƠNG, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!

“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!”.

“Khi nói về thiên đàng, hãy để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời! Khi nói về địa ngục, bạn cứ để tự nhiên, khuôn mặt bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi xuống; cúi xuống để biết phận mình, phận của những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Đấng Xót Thương, tất cả chỉ có thế!” - Charles Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’; và Mùa Chay, Mùa Xót Thương, tất cả cũng chỉ có thế! Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ nói ngần ấy. Vì thế, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” - Thánh Vịnh đáp ca - bạn đang kéo ghì Chúa xuống, xin Ngài tiếp tục xót thương!

Nói đến Mùa Chay, bạn thường sợ hãi vì phải “từ bỏ một cái gì đó”. “Từ bỏ một cái gì đó?”. Đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn! Chúa Giêsu nói đến thực hành khổ chế qua bố thí, cầu nguyện và ăn chay - Tin Mừng hôm nay. Nhưng với chỉ ngần ấy, xem ra không đủ, vì Mùa Chay còn là mùa mời gọi đến với ân sủng hơn là mùa của những gánh nặng!

“Từ bỏ một cái gì đó” chỉ thực sự mang ý nghĩa khi biết ‘chìm hẳn’ vào lòng thương xót của Thiên Chúa ở một ‘mức độ sâu hơn!’. Đó là cởi bỏ những gì đang trói buộc hầu bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống mới. “Từ bỏ” đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức về tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở ‘mức độ Chúa muốn’. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘một Ai đó’ thì đáng giá hơn gấp bội! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để hướng tới thiên đàng, “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!”.

Vậy mà trong cuộc sống, cảm xúc và ham muốn thường thao túng bạn và tôi; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Vì thế, thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là để chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đối với đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn. Nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái và sống xót thương.

Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, bạn và tôi trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là ‘yêu’ như Ngài yêu; tự do để tình yêu chấp cánh cho linh hồn. Bấy giờ, chúng ta “xé lòng, trở về với Chúa” - bài đọc Gioel; “làm hoà với Ngài” - thư Phaolô. Được tình yêu chiếm hữu, việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn khó khăn!

Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’. Xót thương là quà tặng miễn phí được trao ban cho chúng ta, “những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng”. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót, chúng ta xót thương nhau. Hãy biến mùa này thành mùa ân sủng! Đừng mắc kẹt với ý nghĩ, hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn tặng ban, cuộc sống nên thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì ân sủng và lòng Chúa xót thương rửa sạch linh hồn con, khuôn mặt con… hầu nó rạng ánh thiên đàng, khi con tìm lại được những gì đã mất!”, Amen.

 

THỨ NĂM SAU LỄ TRO: YÊU MẾN VÀ ÔM LẤY

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!”.

“Thập giá của Chúa Kitô tựa hồ một gánh nặng không thể thiếu như cánh buồm của một con tàu, đôi cánh của một con chim. Ngài yêu mến và ôm lấy nó!” - Samuel Rutherford.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tiết lộ ‘cánh buồm’ của con tàu Giêsu cũng như ‘đôi cánh’ của Ngài, Đấng đã chu tất kế đồ cứu độ của Chúa Cha qua nghịch lý của thập giá mà Ngài đã ‘yêu mến và ôm lấy’.

Thập giá và đau khổ có mặt ở mọi ngã rẽ cuộc đời, ai ai cũng muốn chạy trốn nó. Chúa Giêsu thì không! Dẫu thấy trước những khước từ, khổ đau và cái chết, Ngài không chạy trốn; trái lại, ‘yêu mến và ôm lấy’ nó như một cách thức biểu lộ tình yêu sâu sắc nhất. Với bạn và tôi, nhiều lần chúng ta choáng ngợp, mệt mỏi vì ‘cuộc chiến theo Chúa’ đòi hỏi chiến đấu liên lỉ, bền bỉ… nhiều lúc khiến chúng ta bải hoải. Con đường dẫn đến hoàn thiện hẳn có nhiều phần thưởng được hứa hẹn, nhưng nó cũng xói mòn. Thế nhưng, dù gục ngã trăm lần, chúng ta vẫn trỗi dậy và đi tới. Vì thế, tuyệt vọng sẽ là điều xa lạ khi biết rằng, Chúa Kitô luôn đứng về phía chúng ta. Nỗ lực giao chiến kéo dài của chúng ta có thể khiến Chúa Kitô vui lòng hơn là một chiến thắng dễ dàng.

Với Chúa Kitô, đau khổ và thập giá của bạn và tôi mang một ý nghĩa mới! Ngài cho chúng ta khả năng mặc cho đau khổ, bệnh tật và gian truân - vốn là hậu quả của tội lỗi - một ý nghĩa cứu độ của tình yêu. Vì thế, bất hạnh và yếu đuối, sỉ nhục và chết chóc không khiến người môn đệ Giêsu chùn bước. Phaolô đã can đảm thốt lên, “Tôi vui lòng với những yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ và giam cầm vì Chúa Kitô; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.

Bài đọc Đệ Nhị Luật hôm nay cũng nói đến chiến đấu. Môisen cho dân chọn lựa; chọn Chúa hay chọn thần ngoại, “Tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ”. Chiến đấu để chọn Chúa là chọn sự sống. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa!”. “Đặt niềm tin nơi Chúa” cho thấy rằng, chiến thắng thập giá không là công nghiệp của chúng ta, nhưng là công nghiệp của Chúa Kitô, Đấng chúng ta mà trung thành sáp nhập vào mỗi ngày.

Anh Chị em,

“Ngài ‘yêu mến và ôm lấy’ nó!”. Đức Phanxicô nói, “Không thể nghĩ đến một đời sống Kitô ngoài con đường thập giá. Hành trình của Kitô hữu là một hành trình gắn liền thập giá, một hành trình mà Chúa Kitô đã thực hiện trước tiên. Đó là hành trình khiêm tốn, bỏ mình; và rồi, trỗi dậy! Không có thập giá, Kitô giáo không phải là Kitô giáo, và nếu thập giá là thập giá không có Chúa Kitô thì đó càng không phải là Kitô giáo. Phong cách Kitô giáo là vác thập giá với Ngài, ‘yêu mến và ôm lấy’ nó; quan trọng hơn, tiến về phía trước. Phong cách này sẽ cứu rỗi bạn và tôi, mang lại niềm vui và sản sinh hoa trái. Bởi lẽ, con đường từ bỏ chính mình mang lại cho chúng ta sự sống, trái ngược với con đường ích kỷ, bám víu cho bản thân… Con đường này mở ra cho những người khác nữa, đó là đường ban sự sống!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng bao giờ để con coi thường ‘cánh buồm’ con tàu đời con. Nhiều lúc, nó trở nên quá nặng nề, nhưng cho con kiên vững ‘yêu mến và ôm lấy’ nó đến cùng!”, Amen.

 

THỨ SÁU SAU LỄ TRO: NIỀM VUI LỚN HƠN

“Bấy giờ, ngươi kêu lên, Chúa sẽ nhận lời; ngươi cầu cứu, Người đáp lại: ‘Có Ta đây!”.

“Là những sinh vật” nửa vời, chúng ta bị lừa dối bởi đồ uống, tình dục và tham vọng… đang khi niềm vui vô hạn được tặng ban thì bạn và tôi lại chối từ. Khác nào một đứa trẻ ngu ngốc chỉ muốn tiếp tục nướng những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột vì không hiểu được lời đề nghị của cha nó về một kỳ nghỉ bên ông ở một khu du lịch biển. Chúng ta dễ hài lòng với những gì mình có, để rồi, đánh mất một ‘niềm vui lớn hơn!” - Clive Lewis.

Kính thưa Anh Chị em,

Đừng đánh mất một ‘niềm vui lớn hơn!’. Ý tưởng của Lewis được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi các đồ đệ Gioan hỏi Chúa Giêsu tại sao các môn đệ Ngài không ăn chay. Như đồ đệ của Gioan, khi nói đến chay tịnh, chúng ta nghĩ đến việc ép xác; một cái gì đó đòi cố gắng bên ngoài; thế mà nói đến chay tịnh, còn phải nói đến một niềm vui bên trong.

Qua bài đọc một, Isaia chỉ ra cách thức để có niềm vui đó. “Là mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức”; là “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo; thấy ai mình trần thì cho áo che thân”. Ai làm như thế, khi kêu lên, Chúa sẽ trả lời, “Có Ta đây!”. Người ấy cảm nhận sâu sắc một ‘niềm vui lớn hơn’ của Đấng hoán cải con tim; và linh hồn họ có thể hoà nhập vào quỹ đạo xót thương của Ngài.

Tin Mừng cũng xác nhận ‘niềm vui lớn hơn’ này. Những người ‘đạo đức’ xầm xì việc Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài nhởn nhơ ăn uống; Ngài cho biết, sự hiện diện của Ngài bù cho việc môn đệ ăn chay. Bên Ngài, họ không cần làm điều đó; vì lẽ, sự hiện diện thân mật với Ngài đủ cho họ kiềm chế bất cứ tình cảm rối loạn, bất kỳ cảm giác thèm khát nào.

Bạn và tôi được kêu gọi không chỉ để vui hưởng “mấy chiếc bánh bùn”, nhưng còn để hướng đến một ‘niềm vui lớn hơn’. Và nếu chỉ nhắm đến những mục đích cao cả, thì với ân sủng Chúa, chúng ta chỉ muốn luôn làm điều đẹp lòng Ngài. Bấy giờ, tự nó, những ham muốn xác thịt ngổn ngang dù có đó, vẫn không thể cản bước bạn và tôi tiến về phía trước. Hãy để Thánh Thần thiêu đốt và dẫn dắt mọi việc; bấy giờ, ăn chay và tất cả các hình thức khổ chế khác sẽ giúp chúng ta tập trung vào Chúa, vào tinh thần, vào ‘niềm vui lớn hơn’ hơn là vào những yếu đuối, cám dỗ và xác thịt mà chúng ta khiêm tốn nhìn nhận, “Lạy Thiên Chúa, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Có Ta đây!”. Chúa Giêsu hằng hiện diện với chúng ta! Trong Thánh Thể, Ngài sẵn sàng đưa chúng ta đến một nơi còn hơn “khu du lịch biển” đang khi chúng ta lại dễ bị lừa phỉnh bởi vô vàn mời mọc của bản năng, của thế gian, và hài lòng với “những chiếc bánh bùn”. Vậy mà chính những mời mọc ‘tưởng chừng như vô hại’ đó lại thiêu rụi ước muốn quy hướng về Chúa. Mùa Chay, mùa điều chỉnh thái độ, không dễ dãi hài lòng với những gì bên ngoài và quyết tâm tìm cho mình niềm vui bên trong. Mùa Chay còn là mùa khát khao Chúa, mùa chiến đấu để Ngài luôn là chọn lựa số một của linh hồn. Được như thế, bạn và tôi mới có thể trải nghiệm một ‘niềm vui lớn hơn’, niềm vui Giêsu, niềm vui thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con bị mê hoặc bởi “những chiếc bánh bùn” giá rẻ. Cho con khát khao Chúa, còn hơn một đứa bé khát khao chuyến nghỉ hè tại một khu du lịch biển!”, Amen.

 

THỨ BẢY SAU LỄ TRO: CẢ NHỮNG BẤT LỰC

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”.

Một thiếu nữ được bác sĩ cho biết, “Cô không bao giờ có thể thoát khỏi ngục tù của tật nguyền!”. “Ồ, không!”, cô trả lời, “Thưa bác sĩ, còn rất nhiều cách để sống trong những giới hạn nếu tôi không mệt mỏi chiến đấu với chúng!”. Thiếu nữ đó là Helen Keller, một nhà văn mù và điếc. Cô viết, “Hãy đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng! Chúa không chỉ cần những tài năng của bạn; Ngài cần ‘cả những bất lực’ của bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng quan điểm với nữ văn sĩ tài hoa H. Keller, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một quan điểm mới mẻ ‘không thể tin được’ của ơn cứu độ! Tại nhà Matthêu, Chúa Giêsu tự nhận là thầy thuốc; nhưng thầy thuốc sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Phá sản! Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc Giêsu cần bệnh nhân; Ngài cần ‘cả những bất lực’ của bạn!

Giêsu, Đấng Cứu Độ thế giới. Nhưng nếu thế giới không có tội nhân thì sao? Cái chết của Con Thiên Chúa sẽ lãng xẹt và lòng thương xót của Ngài thật vô tích sự! Như vậy, theo một nghĩa nào đó, với tư cách cứu độ, Chúa Giêsu cần những tội nhân. Ngài cần những con người chống lại Thiên Chúa; những con người vi phạm lề luật, vi phạm phẩm giá họ và phẩm giá người khác. Tắt một lời, Ngài cần mọi loại hình tội nhân! Thật sao? Ngài là “Cứu Chúa”, Ngài cần có những ai ‘cần cứu’; cần ‘cả những bất lực’ của họ!

Thật quan trọng để bạn và tôi hiểu được sự thật này! Để từ đó, chúng ta nhận ra rằng, việc tội nhân đến với Chúa Giêsu mang theo bao ô uế của tội lỗi nơi họ sẽ là ‘cơ hội’ cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài thi thố lòng thương xót. Nó mang cho Ngài một niềm vui tràn đầy; vì qua đó, Ngài hoàn thành sứ mệnh với tư cách Đấng Cứu Độ duy nhất.

Đại diện mọi tội nhân, Matthêu đồng bàn với Chúa Giêsu và điều này khiến Ngài chịu tiếng mang lời. Ngài chống chế, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Tuyệt vời! Đó là một tuyên bố dành cho một nhân loại thương tích, cũng là nhân loại Ngài ‘cần’ để cứu nó. Không loại trừ ai; Ngài muốn tiếp cận mọi người, tha thứ cho mọi người. Hãy học cách thức tìm kiếm của Ngài, “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa!” - Thánh Vịnh đáp ca - đường lối ‘tìm kiếm để thứ tha!’.

Đường lối Chúa là thế, khác với đường lối loài người vốn “đầy cử chỉ đe doạ và lời nói hại người” - bài đọc Isaia. Với Chúa, khi ai đó phạm tội nhiều, Ngài ‘cần’ họ nhiều hơn! Ngài tìm mọi cách tiếp cận họ, ban ân sủng và tha thứ. Qua đó, Ngài dạy chúng ta nhẫn nại, yêu thương, xây những chiếc cầu thay vì những bức tường bất cứ khi nào có cơ hội.

Anh Chị em,

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Chúa cần bạn và tôi, các tội nhân! Nhưng Ngài cần chúng ta “biết cách để sống trong những giới hạn”; “không mệt mỏi chiến đấu”; biết “đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng”; và nhất là đem ‘cả những bất lực’ của mình đến cho Ngài. Ngài đang đợi từng người. Chúng ta là niềm vui, là đối tượng sứ vụ của Ngài. Hãy đến trong tình trạng tổn thương và tội lỗi; và theo cách này, chúng ta cho phép Ngài biểu lộ lòng thương xót của trái tim rất thánh! Ngài “cần” chúng ta! Đó là quà tặng bạn và tôi mang đến cho Ngài. Bạn có tin điều đó không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con cần Chúa; nhưng con không biết, Chúa “cần” con. Này con đem đến cho Chúa mọi tội lỗi của con; cho con biết đứng lên và đi tới!”, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN Lm. Nguyệt Giang CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 1 Cv 1,12-14...